Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
NHÂN QUẢ TÀI CHÍNH


Nói đến Tài Chính tức là nói đến tiền bạc, vật chất. Và nói đến tiền bạc, vật chất chính là nói đến những điều hết sức trần tục, khô khan dễ tạo thành cái tà kiến trong vô số người rằng. Tu hành đừng bận tâm về tiền bạc, tài chính vì đó là tham lam, ích kỷ. Tu là phải bố thí sạch, còn để dành tiền tức là còn ích kỷ. Còn vấn vương sự nghiệp tức là còn vướng bụi trần. Chính vì hiểu sai về Tài Chính nên rất đông Phật Tử mắc quả báo Nghèo Khổ. Và nghèo khổ là gì? Là thiếu phước. Tại sao thiếu phước? Vì hiểu sai, hiểu tà, hiểu nhầm về đạo lý.

Đức Phật cao quý của chúng ta có dạy về 8 chi phần trong Bát Chánh Đạo. Trong đó có nói đến Chánh Nghiệp và Chánh Mạng. Là hai chi phần kề cận nhau, bổ sung cho nhau. Chánh Nghiệp tức là: tạo phước, tạo ra năng suất cho cuộc sống, tạo ra giá trị cho chúng sinh. Chánh Mạng tức là: nghề nghiệp chân chính, làm giàu chân chính, tài chính hợp pháp. Vì có phước nên chúng ta được tự do chọn nghề như ý, được may mắn trong sự nghiệp. Và vì có sự nghiệp nên chúng ta tạo ra được tiền bạc, năng suất lao động từ đó mà phụng sự cuộc đời trở lại thành phước báo cho chính mình. Cả hai đều cần cả. Nếu không có phước thì chật vật tài chính. Nếu có phước rồi mà lười và ỷ lại không chịu đi làm, không chịu cống hiến thì phước mất sạch. Nếu có kinh tế rồi mà cứ hưởng thụ thì kinh tế sụp đổ. Nếu có của cải rồi mà kiêu mạn thì của cải tan hoang.

Chúng ta biết rằng. Tham lam vật chất sẽ đưa đến nghèo khổ, thất bại. Và có một cái tham cũng rất cao cấp đó là tham phước cũng đưa đến nghèo khổ và thất bại. Tham phước là sao? Là làm phước một cách mù quáng, làm phước mà gây thành sự phiền não cho gia đình, làm phước mà tranh giành hơn thua, làm phước mà cuồng tính ngu si, dốc sức làm phước đến nổi tâm bấn loạn…

Ví dụ: Có một người vợ cũng là Phật tử thuần thành nhưng do hiểu lầm đạo lý. Nên cô quyết tâm về nhà bán hết đồ đạc trong nhà lấy tiền làm từ thiện cho có phước. Vẫn chưa thỏa mãn, cô vòi tiền chồng để lấy tiền làm phước cho thật gấp rút vì cô nghĩ còn để dành tiền tức là còn tham. Cô muốn phá chấp nên phá nát gia sản. Cô làm phước mà tâm căng thẳng và tham cực độ gây phiền lòng gia đình, làm cho mọi người nhìn vào khinh miệt.

Đó chỉ là một ví dụ rất nhỏ vì nhiễm tà kiến. Cái tham nó nằm sâu thẩm trong tâm chúng sinh và chi phối khốc liệt qua nhiều hình thức. Và phước báo thì chưa biết khi nào đến nhưng tội báo thì chồng chất trước mắt.

Đức Phật có giảng nhiều bài kinh cho cư sĩ về cách đạt được tài chính sung mãn cũng như trách nhiệm cho gia đình và xã hội. Đức Phật cũng hay cố vấn cho các vua chúa về cách trị quốc, an dân. Ngài lên án sự tham lam, đắm mê vật chất gây nên phiền não nhưng luôn khuyến khích cư sĩ tích trữ tài sản đúng pháp, bố thí bằng trí tuệ, cúng dường các bậc chân nhân, giúp đỡ những người nghèo khó… để có phước mà tiến tu tâm linh giải thoát. Ngài cực kỳ thực tế. Đối với Cư Sĩ. Chánh Mạng chính là Làm Giàu Chân Chính, Sự Nghiệp Bền Vững. Đối với Tu Sĩ. Chánh Mạng chính là Duy Tuệ Thị Nghiệp ( Sự Nghiệp Trí Tuệ ). Các Ngài giờ đây sẽ sống bằng sự cúng dường của tứ chúng chứ không trực tiếp kinh doanh, buôn bán trên thương trường như người phàm nhưng đổi lại các Ngài lấy trí tuệ của mình làm sự nghiệp giáo hóa chúng sinh. Thật ra ai cũng có việc phải làm cả.

Người trí tuệ chính là người biết tùy phước mà sống, tùy phước mà làm phước. Phước mình tới đâu thì khiêm tốn sống tới đó, phước mình tới đâu thì làm phước theo cách đó. Phước mình chỉ sinh ra trong nhà nghèo thì làm phước theo kiểu nhà nghèo. Phước mình chỉ đủ làm ra lương tháng 5 triệu thì làm phước theo kiểu tháng 5 triệu. Vậy đó mà trong cái nghèo, cái khổ vẫn tiếp tục kiên trì tạo phước khôn ngoan kết hợp với tư duy kinh tế, tài chính, tiết kiệm. Nhiều năm sau phước tới cuộc sống vực dậy ngay. Còn ta vì tham mau có phước nên phá hủy cuộc sống, tài chính của mình hiện tại thì ta rơi vào tuyệt vọng tức khắc. Vì thật sự cuộc sống mình, tài chính mình nó ảnh hưởng đến rất nhiều người. Tâm lúc nào cũng khát khao làm phước nhưng biết cần làm gì cho thích hợp đó mới là bản lĩnh. Lúc cần xả thí thì không tiếc, lúc không cần thiết một đồng cũng không mẻ ra. Lúc cần tiết kiệm để lo việc nghĩa lớn thì tiết kiệm. Lúc cần can đảm liều lĩnh làm một việc trọng đại thì chết cũng làm. Cho người đáng cho, giúp người đáng giúp. Không có tiền thì bỏ công, bỏ sức, bỏ tấm lòng trước đã. Khi có chút tiền thì mẻ ra một ít mà tạo phước. Và cứ vậy mà vươn lên.

Người có trí tuệ thì phải có tư duy kinh tế. Phải có kiến thức đúng đắn ( Chánh Kiến ) về tài chính, về xã hội. Phải có kỹ năng nghề nghiệp chuyên môn, phải có học thức để mà tạo ra năng suất trong công việc. Vì năng suất trong công việc cũng chính là phước. Người không cập nhật kiến thức thời đại cũng là một cái tội đáng trách. Phải luôn luôn học tập và trao dồi bên cạnh việc tu tâm dưỡng tính, tạo phước.

Có hai hạng người na ná nhau. Một là người phung phí và người hào phóng. Hai là người bỏn xẻn và người tiết kiệm. Và chúng ta hay bị lầm nên cũng hết sạch phước mà khổ sở hoài. Người phung phí thì lúc nào cũng dùng đạo lý bố thí sạch sẽ để che giấu cái phung phí của mình. Thật ra cũng là dấu hiệu của tham phước. Người bỏn xẻn thì lúc nào cũng dùng đạo lý cần kiệm để che giấu cái tâm của mình. Và đó là dấu hiệu của ngu si. Người Phật tử chân chính ta thấy họ sẽ rất điềm đạm, nhân từ, tỉnh táo nhưng bản lĩnh và văn minh cực kỳ chứ không có ngu ngu, khờ khờ kiểu mê tín, dễ tin hay kém thông minh. Lúc cần cho đi thì cho đi sạch không tiếc đúng với tâm hạnh của Bồ Tát nhưng nếu không nhất thiết thì luôn là người biết tiết kiệm và sử dụng đồng tiền rất thông minh đúng với tinh thần của Doanh Nhân. Vì mình phải sống để còn làm được việc thiện lâu dài cũng như yêu thương, chăm lo cho mọi người chung quanh. Chúng ta tịnh tâm lại quán xét chính mình. Xem từ trước đến nay ta là hạng người nào. Nếu ta tu đúng, hiểu đạo đúng thì buộc vinh quang, phước báo phải tìm đến ta dần dần. Vinh quang, phước báo đó nhiều khi chính là sự ngưỡng mộ, tôn trọng của mọi người. Nhiều khi chính là cơ ngơi gia sản trù phú. Nhiều khi là sự may mắn bất ngờ. Nhiều khi là một sự chứng đắc vô hình trong tâm được Chư Thiên ngợi khen…

Có nhiều người thắc mắc. Thời Đức Phật. Ngài và Chư Tăng Ni không giữ tiền trong người. Mà cứ bình thản đi khất thực dù không biết trước được cúng hay không. Chúng ta sẽ trả lời:
- Ngày xưa rừng núi hiểm nguy nên tu sĩ mang tiền theo sẽ không an toàn. Đó là câu trả lời căn bản. Thật ra phước báo, vinh quang của Bậc Thánh lớn đến mức các Ngài bình thản bước đi trên mọi nẻo đường mà không phải sợ hãi, lo âu bất cứ thứ gì nữa. Các Ngài bước đến đâu lương thực, tài sản, sự cung kính, của Chư Thiên và Loài Người phải tự nhiên tìm đến đó. Vì phước quá lớn nên không cần tiền bạc vật chất đem theo nữa. Còn thời nay, vì phước quá ít nên chúng ta lúc nào cũng phải thủ sẳn trong người một số tiền để hậu thân. Đó là thực tế.

Chúng ta sẽ cùng nêu ra một số Nhân Quả đưa đến sự thịnh suy của Tài Chính.

1. Người lười lao động, làm ăn.
=> Nghèo khổ, trở thành gánh nặng.

2. Người lười phụng sự, cống hiến, giúp đỡ mọi người. Hay chê bai công việc.
=> Thất nghiệp.

3. Người tài chính thấp mà cố gắng tỏ ra mình cao sang.
=> Tài chính suy sụp

4. Người không thích học tập và cập nhật kiến thức, kỹ năng thời đại.
=> Trở thành kém cỏi, dễ bị đào thải.

5. Người không biết tiết kiệm tiền bạc, người phí phạm tiền bạc hay tham lam cất giữ tiền bạc quá nhiều để nuôi khoái cảm trong tâm.
=> Sẽ không còn tiền nữa.

6. Ỷ giàu mà khinh người. Ỷ giỏi mà kiêu ngạo.
=> Trở lại nghèo hèn. Trở lại ngu si.

7. Buôn thần bán thánh gạt người. Làm nghề bẩn thỉu, phạm pháp.
=> Không ngu si, khốn đốn thì cũng bệnh tật, tù tội.

8. Làm phước cuồng tính, cực đoan
=> Rơi vào khốn đốn, lang thang, mịt mờ.

9. Sống ít cống hiến, làm việc kém hiệu quả mà hưởng thụ nhiều.
=> Rơi vào thân phận thấp kém.

10. Chê bai, hạ nhục người nghèo khổ.
=> Sẽ rơi vào cảnh nghèo khổ.

11. Siêng năng cống hiến, làm việc đạt năng suất.
=> Đạt được tài chính vững vàng, địa vị vươn cao.

12. Thường hay nâng đỡ mọi người thoát khỏi khó khăn. Tâm luôn yêu thương, tôn trọng mọi người.
=> Khi gặp khó khăn luôn có người giúp đỡ. Không rơi vào tuyệt vọng. Đời nhiều may mắn.

13. Chăm chỉ học tập, Chí thú làm ăn, tinh tấn tu hành, siêng năng tạo phúc.
=> Phước đức viên mãn, hạnh phúc, vinh quang.

14. Siêng năng, tận tụy từ nhỏ hoặc thích tình nguyện làm việc công ích vì mọi người.
=> Dễ có việc làm tốt và bền vững.

15. Luôn mong mọi người giỏi hơn mình. Luôn ân cần chia sẻ kiến thức, biết kính trên nhường dưới, sống nhân nghĩa, đức độ.
=> Thông minh, tài giỏi, giàu sang.

16. Can đảm xả thí làm việc nghĩa, khôn ngoan tiết kiệm vì tương lai, khuyến khích mọi người cùng tu tập và tạo phước bên cạnh việc rèn luyện kỹ năng tài chính. Tâm luôn khiêm hạ xem tài sản của mình là trách nhiệm chứ không đắm mê, ích kỷ.
=> Giàu sang nối tiếp giàu sang, vinh quang nối tiếp vinh quang nhiều đời.

17. Giàu sang mà giản dị, khiêm cung.
=> Tài chính bền vững không thể tổn hại.

18. Tiết kiệm nhưng luôn đặt ra mục đích cho số tiền mình tiết kiệm. Sử dụng tiền nhưng biết rõ mục đích mình sử dụng tránh gây phí phạm.
=> Phước báo ngày một lớn lao.

19. Giúp cho người khác có công ăn việc làm sau đó truyền bá đạo đức. Làm nghề chân chính góp phần phát triển xã hội rồi giúp cho nhiều người biết Phật Pháp tu hành.
=> Tiếng thơm còn mãi. Nhiều kiếp sang giàu. Đạo tâm lớn mạnh.

20. Cúng dường, thừa sự Bậc Thánh từ quá khứ. Đã từng hy sinh một phần tài sản lớn vì đại cuộc non sông. Hay có lúc đã phát kiến ra những ý tưởng độc đáo làm lợi ích lâu dài cho chúng sinh ngày xưa. Hay đã từng kiên trì bố thí, giúp người từ vô lượng kiếp mà vẫn khiêm cung tu đạo đức.
=> Trở thành những con người đứng đầu nền kinh tế của quốc gia hay thế giới. Phước báo hiển vinh. Tài đức song toàn.

Sưu tầm

________________


Hoang Nguyen gởi