NHẬT BẢN
Từ xa xưa, người Nhật gọi tên nước là Yamato (không hiểu nghĩa là gì). Đến thế kỷ 6 CN, văn hoá Trung Quốc tràn vào Nhật Bản, nhiều người Trung Quốc sang Nhật Bản, họ cho rằng cứ đi thuyền theo hướng mặt trời mọc là đến Nhật Bản, vì Nhật ở phía đông so với Trung Quốc, vì thế người Trung Quốc gọi Nhật Bản là xứ mặt trời mọc. Chữ mặt trời mọc, đọc theo âm Quảng Đông là Japing. Người Nhật lấy luôn cái tên mặt trời mọc đặt tên cho nước mình. Chữ Japing đọc theo âm tiếng Nhật là Nippong, hay Nihong, dịch qua âm Hán là Nhật Bản, vẫn nghĩa là mặt trời mọc.
Năm 1541, người Bồ Đào Nha đến Nhật Bản, họ phiên âm chữ Japing ra tiếng Bồ là Japan, sau này người Anh và phương tây gọi Nhật Bản là Japan, đất nước mặt trời mọc.
Chế độ phong kiến Nhật Bản bắt đầu từ thế kỷ 3 CN. Khác với Trung Quốc và Việt Nam, từ khi chế độ phong kiến được xác lập đến giờ, ở Nhật Bản chỉ có một dòng họ làm Vua, đó là dòng họ Hirohito. Hiện nay, Hoàng Đế Nhật Bản vẫn là dòng Hirohito, và đó là vị Hoàng Đế thứ 125 của Nhật Bản, lên ngôi năm 1989.
Từ thế kỷ 12, ở Nhật Bản xuất hiện thêm một chính quyền mới bên cạnh ( song hành) với chính quyền của Thiên Hoàng, gọi là chính quyền Mạc Phủ, hay chính quyền Tướng quân (sogun). Đây là chính quyền của các lãnh chúa và các samurai (võ sĩ đạo) của Nhật Bản. Nó giống như thời vua Lê chúa Trịnh ở Việt Nam, hay giống như chế độ quân chủ lập hiến ở Anh từ cuối thế kỷ 17. Hoàng Đế Nhật chỉ nắm danh nghĩa, còn quyền lực thật sự nằm trong tay Tướng quân.
Lịch sử Nhật Bản có hai sự kiện quan trọng: năm 1868 và năm 1946.
Chế độ phong kiến Nhật Bản có nét gì giống Phương Tây, khi kinh tế vẫn là nông nghiệp, nhưng phát triển theo lối điền trang của các lãnh chúa. Và xuất hiện một tầng lớp đặc biệt trong xã hội Nhật Bản là samurai, võ sĩ đạo. Đầu tiên, họ chỉ là người bảo vệ điền trang của các lãnh chúa, sau trở thành một tầng lớp tinh hoa của Nhật, thực hiện cuộc duy tân của Minh Trị sau này.
Sau hơn 1000 năm, đến giữa thế kỷ 19, Nhật trở thành một nước lạc hậu giống như Đại Việt, Chế độ Mạc Phủ cũng thực hiện những chính sách như nhà Nguyễn: đóng cửa với nước ngoài, cấm đạo Thiên Chúa. Nhưng có một việc rất độc đáo xảy ra trên đất nước mặt trời mọc, đó là văn hoá phương Tây tràn ngập đất nước, nhất là văn hoá Hà Lan. Lúc đó có một ngành gọi là Lan học, sách của Hà Lan được dịch và in rất nhiều ở Nhật. Tầng lớp samurai, vừa giỏi võ nghệ, lại có tri thức, hiểu biết về văn hoá phương Tây, dường như đã chuẩn bị cho cuộc canh tân vĩ đại năm 1868.
Các nước phương Tây đến gõ cửa Nhật Bản giữa thế kỷ 19. Nhật không còn con đường nào khác là phải cải cách để đi lên.
Năm 1868, Minh Trị lên ngôi Hoàng Đế, ông tiêu diệt chế độ Mạc Phủ, thu hết quyền lực trong tay, và tiến hành cuộc Duy Tân nổi tiếng.
Khẩu hiệu của Minh Trị là:
HỌC TẬP PHƯƠNG TÂY - ĐI CÙNG PHƯƠNG TÂY - VƯỢT LÊN PHƯƠNG TÂY
Năm 1868, Hoàng Đế Minh Trị chưa đầy 20 tuổi. 30 năm cuối thế kỷ 19, Nhật từ một nước phong kiến lạc hậu đã trở thành một nước tư bản phát triển, và từ một nước tư bản trở thành một nước đế quốc, ngang với các nước phương Tây.
Để có điều đó, các nước phương Tây phải mất vài trăm năm.
Việt Nam lúc đó tình trạng như Nhật Bản. Cũng có ý tưởng duy tân của Nguyễn Trường Tộ, nhưng không thực hiện được.
Nguyên do, Việt Nam không có một vị Hoàng Đế trẻ như Minh Trị với khát vọng mãnh liệt về tương lai dân tộc, mà chỉ có một ông vua Tự Đức già nua, hơn 70 tuổi, trong đầu tràn ngập Khổng Tử và thơ Đường.
Nguyên nhân nữa, lúc đó trong xã hội Việt Nam, không có tầng lớp trí thức đúng nghĩa. Chỉ có bọn hủ nho ăn hại. Trong kỳ thi đình năm 1871, Tự Đức ra một câu hỏi: Nhật Bản là nước đông phương, đã học theo các nước Thái Tây, nay đã trở lên hùng mạnh, vậy theo ý các ngươi ta có nên học theo Nhật Bản không? Thì nhất loạt các nho sĩ đều trả lời: Nhật học theo Tây, dẫu bây giờ hùng mạnh, nhưng sau này chắc chắn sẽ trở thành man ri mọi rợ.
Một tầng lớp tinh hoa như thế thì làm sao cất cánh được, và không mất nước mới là điều lạ.
Thế kỷ 20, Nhật cũng xưng hùng xưng bá bằng cách tham gia hai cuộc chiến tranh thế giới và thiết lập chế độ phát xít. Đó là cuộc phiêu lưu của giới quân nhân, vừa mang nặng tính phong kiến, vừa mang nặng tính tư bản. Một đất nước chế độ tư bản chồng lên chế độ phong kiến. Tuy nhiên, Nhật nhanh chóng thất bại. Và chỉ khi thất bại năm 1945, người Nhật mới đau đớn nhận ra: chiến tranh không phải là con đường đưa Nhật đến chỗ thịnh vượng.
Bước ngoặt thứ hai của lịch sử Nhật Bản là năm 1946, khi ban hành Hiến pháp mới, Nhật Bản từ một nước chuyên chế trở thành một nước dân chủ tư sản, và họ bắt đầu tiến vùn vụt về kính tế.
Từ đống tro tàn sau chiến tranh, Nhật vượt lên Tây Âu, bám sát Mĩ, và chỉ đến đầu thế kỷ 21 mới bị Trung Quốc vượt qua. Hàng hoá của Nhật Bản len lỏi khắp ngõ ngách thế giới trong những năm 70, 80 thế kỷ trước. Họ đúng là một Đế Quốc về kinh tế.
Nhật Bản có nét tương đồng và dị biệt với Việt Nam.
Nét tương đồng là đều chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Quốc, nhưng cách tiếp thu khác nhau.
Chẳng hạn, cùng chữ Hán, người Việt tạo ra chữ Nôm, bằng cách thêm nhiều nét vào một chữ Hán để ghi âm tiếng Việt. Ví dụ từ chữ NGƯ (tiếng Hán, là cá) người Việt thêm nhiều nét mới vào thành một chữ Nôm và đọc luôn là CÁ .Như vậy, chữ Nôm là sự phức tạp thêm chữ Hán. Muốn biết chữ Nôm, trước hết phải biết chữ Hán.
Nhưng, từ chữ Hán, người Nhật sáng tạo ra một bộ chữ cái riêng, gọi là chữ Kana.,từ thế kỷ 6 đến nay vẫn dùng. Cho nên người Nhật bây giờ vẫn đọc được những gì ông cha họ viết cách đây hàng ngàn năm. Người Việt thì chịu, khi vào chùa đọc văn bia cổ xưa. Văn hoá truyền thống của Việt Nam bị đứt gãy. Văn hoá Nhật Bản vẫn liên tục.
Hay từ các môn nghệ thuật của Trung Quốc, người Nhật phát triển đến mức độ tinh tế như trà đạo, kịch Nô, cắm hoa, gấp giấy...
Hay từ đạo Nho, người Việt tổ chức thi cử như người Trung Quốc, còn người Nhật không bao giờ tổ chức thi cử, họ chỉ tiếp thu những mặt tích cực của Nho giáo để tạo ra sự nền nếp xã hội.
Tương lai, Nhật vẫn là một cường quốc kinh tế đáng nể, dù có nhiều cản trở. Một đất nước đáng kính trọng và nên lấy làm khuôn mẫu.
Giống như người Việt, người Nhật rất thích thơ ca.
Que Vinh Pham
usaelection gởi