Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
Nhật ký phong thành (số 10): Một mùa hè bất thường
 

 
Mùa hè năm nay ở Việt Nam có vẻ ít mưa. Trời hầm hập nóng từ trưa. Nóng đến chiều, thậm chí đến hết nắng mới có được chút không khí dịu mát. Nghĩ đến không biết bao nhiêu con người mặc những bộ PPE bảo hộ lúc làm việc chống dịch mà sợ. Chỉ nóng và mất nước thôi cũng đủ xỉu. Các bạn cứ tưởng tượng ở thời tiết nóng trung bình 35-38 độ C ở Sài Gòn, mà phải mặc suốt một cái áo mưa bịt kín như vậy suốt 8-10 tiếng, thì hiểu.
 
Bà cụ sống trong con hẻm bên cạnh, căn nhà nhỏ và thấp. Chiều nào cụ cũng bước ra đứng ở đầu hẻm đón gió. Ông dân phòng mặc bộ đồ màu cứt ngựa đi ngang, phất phất tay “Thôi vô nhà đi, đứng ngoài đây nguy hiểm lắm’. Bà cụ lắc đầu, nheo nheo mắt, “Đứng chút đã. Ở trong nhà ngộp cũng chết mà”.
 
Nóng nực quá, rồi chuyện dịch bệnh tràn vào các khu trại giam ở Chí Hòa, đã nên hồi ngày 6-7 đã xảy ra vụ hàng trăm tù nhân ở đó nổi loạn. Trong đêm đó, tiếng súng nổ liên hồi. Anh L., một người sống gần khu trại giam Chí Hòa kể là lần đầu tiên anh thấy tiếng reo hò của phạm nhân, tiếng súng, tiếng quát tháo của cán bộ trại… kéo dài, bày ra một khung cảnh chưa bao giờ có. “Lần đầu tiên mới thấy, đó, lâu nay, nhiều nhất là nghe còi hụ thôi, chứ lớn như vậy thì chưa bao giờ”, anh L. kể.
 
Báo chí cho biết có đến 81 phạm nhân, cán bộ trại, công nhân viên phục vụ trại… bị nhiễm covid-19. Nhưng đỉnh điểm là tối 6-7, tin về một thanh niên 26 tuổi bị giam ở đây đã chết, khi đang dương tính với covid-19 lan ra trong trại, khiến sự kích động làm bùng nổ sự kiện.
 
Dù đưa tin dè chừng và nhỏ giọt, nhưng rồi ai cũng biết là trại xa hơn như Bố Lá cũng đã có covid lây nhiễm trong đó. Còn xa hơn nữa thì không ai biết. Các trại giam bao giờ tin tức cũng kín như bưng.
 
Chiều 18-7, người dân Sài Gòn nhìn thấy hàng chục xe thùng, chuyển các phạm nhân ở Chí Hòa đến nơi khác. Nghe nói là đến trại giam ở Củ Chi, nơi cái nóng đến điên người.
 
Sài Gòn đã vậy, còn ở những nơi khác như Nghệ An, nơi có trại giam số 6 lừng danh khắc nghiệt, tù nhân sẽ trải qua những ngày nóng như tra tấn, cùng chuyện an toàn trước dịch bệnh như thế nào?
 
Chị Kim Thanh, vợ của tù nhân lương tâm Trương Minh Đức, người bị kết án 13 năm tù và 5 năm quản chế, nói chị cũng nghĩ đến điều đó, nhưng cũng không biết có tin gì, cũng không biết làm sao. Trại giam lấy lý do là dịch bệnh, nên không gia đình tù nhân nào được đi thăm, mà chỉ gửi đồ qua bưu điện. “Mỗi tháng được 10 phút gọi điện thoại về, nói không được bao nhiêu thì hết giờ. Thăm hỏi, dặn dò… không sao đủ được. Mà hầu hết người nhà không ai dám hỏi những gì sâu hơn, vì bất cứ khi nào cũng có thể bị công an trực đang nghe, cúp máy ngang khi họ không đồng ý”, chị Kim Thanh nói.
 
Chắc cũng không nhiều người còn nhớ. Hồi tháng 7-2019, đã có một cuộc tuyệt thực của 4 người là Trương Minh Đức, Nguyễn Văn Túc, Đào Quang Thực và Trần Phi Dũng, để phản đối việc trại giam đột nhiên cắt điện và tháo quạt trong phòng giam. Trời nóng hừng hực, chỉ ngừng quạt một chút thôi đã không thể chịu nổi, nhưng cán bộ trại vì lý do gì đó, lẳng lặng mang quạt đi, lấy cớ là hư.
 
Khi mọi người trong phòng đề nghị cùng chung tiền mua quạt mới, và thậm chí là trả tiền điện trong phòng, cán bộ cũng từ chối. Những người lớn tuổi và sức khỏe yếu như thầy Đào Quang Thực và ông Nguyễn Văn Túc thì gần như rũ liệt trước tình hình này. Chuyện xảy ra hồi tháng 7, đến tháng 12-2019, thầy Đào Quang Thực chết trong trại.
 
Chắc cũng phải nói thêm một chút, về cái nóng ở Nghệ An. Sài gòn có nóng, thì cũng chỉ là tắm hơi giải trí. Còn ở vùng đó, đặc biệt ở trại giam thì thật sự là lò nướng. Dân làm ruộng ở Nghệ An phải đi ra đồng từ 2-3g sáng để làm việc và đến 9g thì về nhà nghỉ, chứ không ai chịu nổi cái nóng.
 
Hoàng Đức Bình, người bị tù 14 năm về việc đưa tin dân Nghệ An đi kiện Formosa, kể chuyện anh ở trại tạm giam của công an ở đây, cho biết, thời tiết nóng đến mức tạt nước vào tường, nước như muốn sôi lên và bốc hơi ngay. Ban ngày trong trại nóng quá, phải tạt nước cho lấp xấp dưới nền nhà cho đỡ nóng. Đến tối thì trời lại lạnh, lau khô sàn, nằm được một chút thì ngấm lạnh cả người. Sống qua được vài tháng mùa nóng như vậy thì người khỏe cũng trở nên suy sụp.
 
Điều vừa cảm động, vừa nhói lòng, là những tù nhân như anh Trương Minh Đức, Hoàng Bình… khi gọi về thường nhắc gia đình phải giữ sức khỏe. Cuộc điện thoại mới nhất, anh Đức nhắc vợ mình nên đi xét nghiệm covid hay ghi danh xin chích sớm đi. Bởi chị Kim Thanh nằm trong độ tuổi mà Nhà nước đang kêu gọi phải chích sớm, đặc biệt chị lại bị bệnh phổi mãn tính nữa.
 
Nhưng đó cũng là một câu chuyện khác. Gia đình của các tù nhân lương tâm dường như nằm rất khuất trong ánh nhìn kiểm soát xã hội của chính quyền. Họ không được xem là những công dân bình thường. Con cái đi học, người nhà đi làm… luôn gặp trắc trở. Trong phong tỏa ở Sài Gòn, nhiều gia đình sống trong thành phố ngoài chuyện hoàn toàn không có ai được trợ giúp về thực phẩm, hỗ trợ tiền thất nghiệp, việc có mặt của họ trên cuộc đời cũng giống như không có thật. Chị Thanh nói muốn ghi danh đi chích, chị cũng không biết hỏi ở đâu, và làm sao được nhận. Thành phần “hay lên tiếng” như chị, đi chứng giấy tờ ngày thường còn gặp đủ chuyện khó, huống chi đến lúc này. Một người khác, xin giấu tên, thì nói rằng chỉ mong là khi nào có dịch vụ chích ngừa covid-19, thì họ sẽ dành dụm tiền để đi chích, chứ đợi đến nhà nước nhớ tới, gọi tên, thì quá xa vời.
 
Không giống như bà cụ ở hẻm gần nhà tôi, cứ bước ra đường để hóng gió chiều của mùa hè vắng, đầy nắng gắt. Nhiều gia đình của các tù nhân, luôn phải cố giữ mình, phải tránh né mọi thứ để không rơi vào chuyện bị buộc đi cách ly. Bởi cách ly trong khu tập trung, cũng rất vô chừng ngày tháng, có khi là 14 ngày, có khi là 21, ngày… có người cho biết họ bị cách ly 45 ngày vẫn chưa ra khỏi trại. Nếu chẳng may như vậy, họ không thể chuẩn bị đồ thăm nuôi tháng cho chồng, em, con… của mình, cũng có thể không may đón hụt cuộc gọi về của người trong trại.
 
Số tù nhân lương tâm bị kết án ngày càng nhiều. Gia đình của những tù gặp khó khăn, cũng ngày càng dài. Trước đây, có những người đại diện kêu gọi giúp đỡ cho họ, ở miền Nam thì có chị Dương Thị Tân, miền Bắc thì có chị Nguyễn Thúy Hạnh. Nhưng giờ chị Nguyễn Thúy Hạnh cũng đã bị bắt. Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một trong những người gây quỹ giúp, thì mới ngày 18-7, cũng phải tuyên bố ngừng vì nhận ra ông có thể rơi vào cái bẫy hèn hạ nào đó, trong việc nhận tiền giúp các tù nhân lương tâm.
 
Mùa hè năm nay thật khắc nghiệt. Dịch bệnh và phong tỏa đang làm kiệt sức quá nhiều người. Ai nấy mệt mỏi đến mức khi tôi nhắc về những người tù đang bị phong tỏa đời theo năm chịu án. Sự cảm thông hiện lên đôi mắt, hiện lên từ câu hỏi thăm. Nhưng chỉ có thể vậy thôi. Vì chẳng phải ngay cả chúng ta cũng đang quay quắt, đang không thể cựa quậy gì trong cuộc sống này sao?
 
Nhật ký phong thành (số 11) Chuyện cái bánh mì
 
Hôm nay, đề tài vừa giải trí, vừa ngao ngán của mọi người trong lúc giãn cách, là chuyện cái bánh mì. Ở đâu cũng nghe nói về nó, và cũng có đôi ba người chợt nổi danh trên toàn cõi Việt Nam vì món ăn nhanh này.
 
Bánh mì ở xứ Việt có vài địa danh được gắn liền tên với nó, như một kiểu sản phẩm địa phương đáng tự hào: bánh mì Sài Gòn, bánh mì Nha Trang, bánh mì Hội An… mang đậm nét phong cách sống và ẩm thực từ thời người Pháp còn ở Đông Dương. Qua nhiều thập niên, bánh mì không chỉ là một loại thưởng thức, mà còn là bạn đường của người lao động không có nhiều thời gian nghỉ, là thứ nâng đỡ quen thuộc của người nghèo khi đói lòng…
 
Chuyện được kể rằng anh T.V.E., là công nhân làm việc trong công trường của một dự án du lịch ở phía Bắc TP. Nha Trang, đi ra ngoài mua bánh mì và nước uống. Trong khi di chuyển qua đường vòng khu vực Hòn Một thuộc phường Vĩnh Hòa, lực lượng tuần tra (có nơi gọi là tổ xung kích) chận xe và kiểm tra, phạt anh T.V.E. do dám ra đường, vì lý do “không chính đáng”, cũng như “không cần thiết”. Mặc dù người công nhân này giải thích là anh đang đi mua đồ ăn. Tuy nhiên, các nhân sự rầm rập của phường Vĩnh Hòa vẫn quyết thu giữ giấy tờ, phương tiện di chuyển của anh T.V.E và đem về đồn, vừa bắt đóng phạt, vừa bắt nghe giáo dục tinh thần chỉ thị cách mạng.
 
Có vẻ như các cán bộ ở đây rất vui mừng, coi như mình lập được công trạng điển hình, nên tự tổ chức quay video, ghi âm rõ lời giáo dục của Phó Chủ tịch phường. Cười không nổi. Ngao ngán cũng không xong. Ông Trần Lê Hữu Thọ, Phó Chủ tịch dạy dỗ người công nhân là “Nhà nước cho ra đường mua lương thực, thực phẩm. Nhưng bánh mì đâu phải thực phẩm. Bánh mì đâu phải lương thực”.
 
Bản video mà các cán bộ tưởng là sẽ khiến mình tỏa sáng, vì quyết liệt hành động theo mệnh lệnh chính trị, lại là cánh cửa mở cho dân chúng nhìn và hiểu thêm về thời đại mình đang sống. Khắp nơi, lời giễu cợt, chỉ trích, thậm chí là đòi các luật sư bảo vệ người nghèo nên giúp khởi tố nhân vật quan chức này.
 
Ánh mắt kinh ngạc của anh Trần Văn Em khi nghe giải thích về bánh mì
 
Trong phần tranh cãi của anh T.V.E với đội quân kiểm tra về quyền chính đáng của mình, tay Phó Chủ tịch đã quát “Mày ở núi xuống hả?”. Và đe doạ sẽ đuổi việc anh T.V.E, vì Thọ nói mình quyền lực rộng, biết cả chủ thầu trong công trình. Nghe tới chuyện mất việc thì người công nhân vinh quang trong chế độ xã hội chủ nghĩa đã chết lặng. Kể từ đó về sau, anh đành chấp nhận là nhân dân trơn, sống đời lặng im để mong qua đe, qua búa.
 
Ấy mà vẫn không xong, chỉ mấy tiếng đồng hồ sau đó, anh T.V.E bị mất việc. Tay Phó Chủ tịch đã tác động với chủ thầu như thế nào đó, để con người cùng đinh ấy phải bị đạp ngã thêm lần nữa, mới hả dạ.
 
Blogger Phạm Minh Vũ viết trên facebook, kêu gọi chính quyền tỉnh Khánh Hòa phải công chính khởi tố tay quan chức này, vì sự lạm quyền và ngôn ngữ tồi tệ khi ra oai với một người nghèo khổ – đặc biệt là một người công nhân – mà chế độ cộng sản từ khi dấy lên các cuộc cướp chính quyền, đã luôn thề sẽ bảo vệ giai cấp này.
 
Không chỉ ở Nha Trang, trước đó, ở Sài Gòn, các chốt chặn cũng đã đuổi về hoặc phạt các sinh viên và người dân đi mua bánh mì, bởi họ ở trọ, không có tủ lạnh để trữ lương thực, và cũng không có phương tiện đủ để nấu nướng. Cũng với ngôn ngữ cách mạng triệt để về “chính đáng” và “cần thiết”, công an cùng lực lượng sai nha đã từ chối việc tiếp cận bánh mì, coi như là một thú ăn chơi, xa xỉ.
 
Chận nhiều, và phạt nhiều, Báo Lao Động cho biết riêng lực lượng kiểm tra, xử phạt dân Sài gòn thôi, đã thu về gần 15 tỉ đồng sau 8 ngày áp dụng Chỉ thị 16. Ghê quá, chỉ vài ngày đã thu nửa triệu đôla. Đằng sau chuyện những người dân đang thở dốc thời dịch bệnh, bị phong tỏa và phải móc túi đóng phạt, không biết còn có những sự cam chịu nào tương tự như anh công nhân ở Nha Trang, phải chịu mất việc không?
 
Có thật ông Phó Chủ tịch, không đủ nhận thức về bánh mì và thực phẩm không? Các loại quan chức như vậy khi có tên trong các kỳ ép dân bầu cử, đều cho thấy học vị không thấp. Có người mang cả danh vị tiến sĩ. Trong trường hợp họ biết mà vẫn nói càn, chỉ có thể là sự mù quáng tuân theo các mệnh lệnh chính trị, tự ngu hèn hóa con người của mình để minh họa việc tuân phục. Ở một đất nước mà những kẻ như vậy là đại diện, lấy đâu ra người cầm quyền liêm chính và có trách nhiệm với đất nước?
 
Nhưng trong trường hợp họ không biết nổi ý nghĩa bánh mì và thực phẩm. Loại chính quyền nào đã chọn họ để ngồi trên đầu nhân dân? Hoặc những kẻ đó đã luồn lách thế nào để có thể ngồi vào vị trí lãnh đạo một cách dễ dàng như vậy, suốt bao lâu nay?
 
Cái lối vừa dạy dỗ nhân dân, đồng thời phô trương sự thể hiện mình như một kẻ trung thành với mệnh lệnh cấp trên, không chỉ xảy ra ở ông phó chủ tịch. Hồi ngày 13/7, một đôi thanh niên ở Long An chở mèo đi khám bệnh, bị viên công an chận lại, phạt và cũng bị nghe giáo dục về lẽ sống giữa người và mèo. Điều đáng nói, tay công an này cũng tự đắc về chuyện thi hành chỉ thị tuyệt đối nên cho quay video lại và phát lên như một cách tự giới thiệu. Xui xẻo thay. Câu chuyện con mèo không quan trọng. Nhưng cách ứng xử đó, bị coi không xứng cái gọi là “công an nhân dân”.
 
Sau năm 1975, đã từng có thời kỳ các tổ trưởng và công an khu vực – và cả báo chí nữa – thuyết phục dân chúng những điều ngu dốt như 2 ký rau muống bổ dưỡng bằng một ký thịt bò, hoặc thuốc xuyên tâm liên có thể trị mọi loại bệnh, là loại thuốc có một không hai trên thế giới, niềm tự hào của khối xã hội chủ nghĩa. Ôi, đã non nửa thế kỷ, ngày những người qua chiến tranh nắm quyền, đến thời cầm quyền như bước vào chiến cuộc, vẫn có những mặt người không khác nhau là mấy. Nhân dân chỉ có thể chọn cười hoặc thở dài. Không có ai bị cách chức hay bị phạt một cách xác đáng, vì những cách đối xử khinh miệt trí tuệ nhân dân Việt Nam đến vậy.
 
Lại nhớ, vào thời khan hiếm thuốc men đầu thập niên 1990, lại không có internet để tìm hiểu, chuyện tự uống nước tiểu của mình để chữa bệnh, được truyền thông nhà nước ca ngợi rầm rộ. Nhiều bác sĩ cách mạng cũng xuất hiện để nói về sự kỳ diệu của cái gọi là Niệu liệu pháp. Cũng may, chuyện đó không kéo dài khi nhiều bác sĩ ở Sài Gòn ngăn cản bệnh nhân ứng dụng, rồi viết thư lên báo, đài để phản đối. Truyền thông nhà nước sau đó, cũng tiu nghỉu, im lặng rút lại lời và xóa dần các vết tích ngợi ca của mình.
 
Bánh mì, cũng tại nó, tàn dư của thực dân Pháp mà ra. Lúc giáo dục người đi đường ở Sài Gòn, trong một video, tổ xung kích có phân tích rằng “sao không lấy gạo nấu cơm, hay nấu mì gói ăn,  mà đi tìm mua bánh mì, đó là kiểu ăn không cần thiết”. Cách tuyên bố quyết đoán ấy, tương tự như Hồng vệ binh ở Trung Quốc, luôn coi mọi phản ứng là chống đối người thi hành công vụ, thì nhân dân ở phía đối diện chỉ có thể im lặng.
 
Không biết nên cười hay nên khóc. Chợt nhớ trong phim The Red Violin của đạo diễn François Girard. Một giáo sư dạy violon ở Viện Âm nhạc Bắc Kinh, khi bị đưa ra đấu tố thời Cách mạng Văn hóa, các lực lượng xung kích đã tranh nhau kết tội ông “vì sao Trung Quốc cũng có loại đàn 4 dây, mà ông không dạy, lại đi truyền bá đàn 4 dây của bọn tư bản?”, và lại hỏi thêm “Vì sao Trung Quốc có nhiều tác phẩm âm nhạc, không dạy mà lại đi gieo rắc các tác phẩm đồi trụy phương Tây như của bọn có tên Beethoven, Bach…?”.
 
Bánh mì hay đàn violon cũng vậy, đó chỉ là một lựa chọn. Nhưng ở một số thời kỳ của nền văn minh nhân loại, lựa chọn đôi khi cũng cần phải có kèm tinh thần sợi chỉ đỏ xuyên suốt.
 
Nhật ký phong thành (số 12): Cười ơi, chào mi

Lại một ngày nữa trôi qua. Thời gian trở nên quá nhanh, và quá chậm trong thời phong tỏa. Nhanh là bởi thời gian trôi vùn vụt, mới đây đã quá nửa năm 2021, người dân chỉ còn biết đóng cửa, và khoanh tay nhìn cột mốc đời mình trôi qua thêm trong bế tắc. Chậm quá, bởi thế giới đang bước vào giai đoạn hồi phục và nhìn về phía dịch covid-19 như một thứ không còn quá sức đáng sợ như trước đây. Nhưng ở Việt Nam, thì chỉ mới có hơn 300.000 dân được chích 2 mũi. Chính quyền vẫn đang loay hoay bàn cách đóng chợ, mở chợ, rượt đuổi các ca mới nhiễm… Ai cũng nhìn thấy việc chậm mua, chậm nhập vaccine, chậm chích đến sốt cả ruột, so với  ngay cả Campuchia. Báo chí trong nước cho biết đến tháng 7-2021, chính quyền Hunsen đã chích ngừa xong cho 98% dân của mình (dân số lúc này của Campuchia là 17 triệu người).
 
Từng ngày mệt mỏi trôi qua. Mọi giao tiếp ở Sài Gòn, hay ở Việt Nam, lúc này chủ yếu thông qua mạng xã hội thôi. Thỉnh thoảng nghĩ về ngày xưa, những lúc dịch bệnh, đói kém… không có internet, chẳng biết người ta đã sống và làm gì, như ở trong một cái nồi đóng nắp vậy. Thời nay, may mà còn có internet. Người ta không những có thể thông tin cho nhau, mà còn có thể kiểm chứng được mọi thứ – ngoại trừ những người chỉ thích và nghe tin giả tô hồng, như kiểu quen xài các loại ma túy tinh thần.
 
Stress hay trầm cảm trong giai đoạn đại dịch mệt mỏi này, là điều có thật. Đám đông có thể dễ dàng hút theo các câu chuyện gây bất bình – chửi rủa không tiếc lời, rồi lại chạy theo các sự kiện nào đó làm cảm động, cùng nhau khóc và ngợi ca tưng bừng. Nếu nhìn vào các chủ đề có nhiều người chia sẻ và theo dõi mỗi ngày trên mạng xã hội, có thể thấy sự căng thẳng và thất thường của con người Việt Nam hiện rõ.
 
Một người bạn kể rằng khi vào facebook, đọc được một status về chuyện khác biệt Bắc Nam, đã nổi giận và phản ứng gay gắt tức thì. Người viết kia cũng trả treo trở lại. Điều đáng nói là cả hai người đều quen nhau lâu rồi. Mất một ngày sau, cả hai đều giật mình như thoát ma ám, nhắn và xin lỗi nhau. “Xin lỗi chị, em chợt nhận ra mình stress quá”, một người gửi tin đi như vậy.
 
Một cô bạn khác, vô tình lọt vào một group của những người khá giả và tin tuyệt đối vào mọi chính sách của nhà nước. Trải qua vài lời tranh cãi về số phận người nghèo trong phong tỏa, cô bật khóc hu hu và nói rằng không nghĩ giữa một cuộc sống hiện thực phơi bày như vầy, lại có những người vô cảm và chấp nhận hy sinh người khác để mình được tồn tại. Câu chuyện đó, khiến cô bạn bị trầm cảm nặng dài ngày.
 
Các tổ chức y khoa thế giới vẫn liên tục cho ra các nghiên cứu về trầm cảm trong và sau đại dịch. Theo thăm dò của APA (American Psychological Association – Hiệp Hội Tâm lý Hoa Kỳ), nhiều người cho biết họ đã tăng hoặc giảm cân không mong muốn, uống nhiều rượu hơn để đối phó với căng thẳng và mất ngủ thường xuyên. Người trưởng thành có thể căng thẳng, đau buồn và chấn thương tâm lý dễ dàng, thậm chí phản ứng dữ dội bất ngờ. Các hội chứng này, có lúc được tìm thấy ở hơn 60% người được hỏi.
 
Nếu nhìn theo cách này, có thể hiểu được vì sao nhiều người bị chận ở chốt kiểm soát, đã chửi bới hay chống cự bất thường lại các lực lượng kiểm tra. Mệt mỏi, thiếu hy vọng vào tương lai, bất mãn với các chính sách ràng buộc chưa thể thích nghi, được tìm thấy không ít trong các video mà dân chúng quay, tự đưa lên internet trong thời phong tỏa. Ngay cả tiếng gào thét, cự cãi của dân chúng, cũng làm người coi bị trầm cảm nặng hơn về các hoàn cảnh, cũng như các kết cục của nó.
 
“Thương dân mình quá, làm sao để có thể giúp đỡ được vậy anh?”, một chị lớn từ Pháp nhắn về. Chị coi các video trên facebook, youtube và nói hãi hùng, muốn kêu lên mà không được. Rõ ràng, càng thương xót thì càng stress nặng. Có đoạn audio được chia sẻ nhiều nơi, của một cô gái gọi ra từ trại cách ly, van nài nhân viên y tế giúp người nhà của cô bị nhiễm covid và trở nặng, nhưng chính người nhân viên cũng nói như muốn khóc rằng anh ta bất lực, vì chung quanh còn đến 8 người như vậy, nhưng không bệnh viện nào chịu nhận. “Chị ơi, thông cảm cho em đi chị”, anh nhân viên y tế nghẹn ngào năn nỉ. Ai nghe cũng phải lặng người. Ngày mai, có thể là chính mình thì sao?
 
Bất chấp các hệ thống tuyên truyền vẫn nói chắc nịch về chuyện đại chiến covid, nhưng hiện thực thì khác: Các bệnh viện ở Thành Hồ đã quá tải. Đến Chủ tịch quận 7 còn phải nhắn tin riêng, kêu cứu với Chủ tịch thành phố Nguyễn Thành Phong rằng có người quen bị F0, hấp hối, mà không nơi nào chịu nhận. Ông Phong phải điện cho Giám đốc Sở Y tế thì mới có được một bệnh viện nhận. Nghe không stress sao được – vì đâu phải ai cũng quen được đến chủ tịch thành phố. Đặc biệt stress hơn như nghe Chủ tịch Hà Nội Chu Ngọc Anh hướng dẫn là dân “phải biết bịt kín, không cho covid chui qua”, hoặc tới ông Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn, thì “covid lây nhiễm nhanh do chúng ta chống dịch đi đúng hướng”. Giữa cái sống và chết, đày đọa và vô vọng, nghe những kiểu tuyên bố của lãnh đạo như vậy, không stress, thì ắt dân Sài Gòn đã được trui rèn qua luyện ngục.
 
Đã nói là không có internet, không biết dân Việt sống sao. Thời phong tỏa, người dân chỉ nhìn qua mạng, thấy chuyện gì bất công, chuyện gì khốn nạn… thì cùng hô lên. Áp lực dân chúng cũng khiến một số ít chuyện phải thay đổi.
 
Tim thấy trên mạng facebook, khi dân ở hẻm 7, đường Hưng Hoá, phường 6, quận Tân Bình đưa lên video cho thấy một gia đình phải chịu cách ly do có người nhiễm covid. Chính quyền ở đây thiếu người canh giữ, nên đã cho hàn kín lối ra vào của gia đình này, trong một con hẻm chật hẹp. Ai nấy coi mà hết hồn, nếu chẳng may hỏa hoạn, hay sập tường… cả gia đình này chắc chết hết. Ngày thứ Hai họ hàn chặn, thứ Ba đã phải tháo bỏ vì dân chúng trên facebook kêu la quá. Một trường hợp khác ở hẻm 391, Huỳnh Tấn Phát, quận 7. Để cách ly toàn bộ dân cư trong hẻm, chính quyền địa phương đổ chồng các dây kẽm gai bịt kín lối ra. Đến khi mọi người phản ứng nhiều quá thì chính quyền mới cho thay bằng barie. Ai cũng kinh hoảng vì lối suy nghĩ phong tỏa tùy tiện như vậy. Chưa nói chết vì tai ương, cũng không ai có thể tiếp tế thực phẩm cho người dân ở đó suốt trong 14 hay 21 ngày.
 
Hồi năm 2020, nhiều video đăng tải các gia đình ở Vũ Hán , Trung Quốc, bị đóng đinh bít cửa, bị chận bắt dã man… đến nay, có vẻ như nhiều thứ đang tái hiện ở Việt Nam, với những phiên bản khác. Thật dễ stress, khi thuốc men, vaccine… thì chính quyền trung ương biết chọn, và chỉ chọn của phương Tây, nhưng cách hành xử thì làm giống như là đã học thuộc bài từ Trung Quốc.
 
Tôi mất cả ngày sau mới hồi đáp được với chị lớn ở Pháp, khi nghe hỏi thăm về Việt Nam. Thật ra cũng không phải biết phải trả lời như thế nào cho đúng. Không chỉ ở xa, mà ở ngay trong nước, ngay trong tâm điểm của phong tỏa và dịch. Mỗi ngày khi chứng kiến quá nhiều điều cần phải nói, phải viết, phải ghi lại… cũng đủ khiến mình không còn cuộc sống bình thường nữa. Chúng ta bất lực. Tình thương của chúng ta cũng bất lực, khi nhìn thấy quá nhiều thứ  cần phải thay đổi, nhưng lại vượt quá tầm tay.
 
Đôi khi stress quá, người ta phải chuyển qua hài hước và cười để tự cứu mình. Chẳng hạn khi đọc bản tin trên báo Tuổi Trẻ cho biết, Hà Nội, không có gì là nguy cấp, được tận dụng 5,1 triệu liều vaccine được viện trợ để chích cho quan chức và người được tuyển chọn trong hệ thống trước. Còn Sài Gòn, là tâm dịch, và là nơi phải nhất định “bảo đảm sản xuất và chống dịch thành công”, thì được phát 1,1 triệu liều, để chích cho đợt bùng phát lây nhiễm này. Vậy đó. Nghe thôi, cố đừng stress, vì chẳng ai trong chúng ta có thể làm gì được đâu, mà chỉ nên cười sằng sặc.
 
(còn tiếp)

Tuấn Khanh


19/07/2021

________________


usaelection gởi