Có lẽ trên thế giới này, không xứ sở nào có một đạo quân nào thầm lặng, vóc dáng nhỏ bé mà mang sức sống mãnh liệt, vượt qua mọi trở ngại, hiểm nguy tại các đầu nguồn, rừng sâu, núi thẳm, đèo sâu, hổ beo rình mò, trộm cướp hung hiểm như đạo quân thứ Năm, đạo quân “Vợ Tù Cải
Tạo” tại Việt Nam. Nếu nhìn từ trên tầng cao xuống giải đất hình chữ S này, thì thấy đạo quân này thứ Năm tỏa ra mọi ngõ ngách, bốn phương tám hướng tới những địa điểm mà trước đây ít người nghe tiếng. Có chuyến đi từ Thủ Đô Saigon theo xe lửa phóng tới tận cùng miền Bắc, nơi cọp gầm, vượn hú; có hướng đi xe đò qua miền Đông tới tận cửa Biển Đông sóng vỗ trùng trùng; lại có hướng xuôi Nam đến mũi Cà Mâu, bùn lầy nước đọng; lại có những chuyến đi về hướng Tây, đến chân núi Bà Đen, tỏa ra các khu nhà tù trong rừng. Những địa danh mà đạo quân này hướng tới nhiều vô số kể. Ở Miền Nam có Bù Gia Mập, Long Thành, Thủ Đức, Long Khánh, Trảng Bom, Suối Máu, Trảng Lớn, Kà Tum, Hóc Môn, Châu Đốc, Trà Nóc, Cà Mau, Gia Trung, Hàm Tân… Miền Bắc thì có Quảng Ninh,Thanh Cẩm, Hoàng Liên Sơn, Vĩnh Phú... tổng cộng hơn 150 trại giam tù khổ sai.
Dù sức vóc mảnh mai, đạo quân thứ Năm này đã lặn lội đường xa, núi thẳm, leo đèo, vượt suối đến đủ hơn 150 trại giam đó, không có nơi nào không có dấu chân của những người vợ tù cải tạo. Họ có thể là những thư ký văn phòng, những cô giáo, những người buôn bán nhỏ, những họa sĩ, thi sĩ, văn sĩ, những nữ quân nhân cấp thấp không phải đi tù, nhưng đa số là những người vợ lính, đã bỏ hết sự nghiệp riêng tư mà theo chồng ra tiền tuyến hoặc các đơn vị tham mưu.
Những phụ nữ này còn anh hùng hơn hết thảy anh hùng, vì họ thân cô thế cô, sức khỏe kém xa chiến sĩ, chưa từng tập luyện quân sự, chưa tập vượt núi, băng đèo nhưng vẫn ngang nhiên, vai vác tay khiêng những gói thực phẩm tạo được từ việc trốn chui, trốn nhũi bán buôn chợ đen, chợ trời, từ những hộp nữ trang, từ những món tiền bán bàn ghế, giường tủ, quần áo, hay những gia cầm họ nuôi, con lợn, con gà, rồi gom góp lại thành bánh mì khô, ký đường, ký đậu, hộp thuốc Aspirin, thuốc đau bụng tiêu chảy, thuốc ho… Điều đau đớn hơn nữa là có vài trường hợp, vì để nuôi chồng khỏi chết đói, và không còn chọn lựa nào khác đã phải bán thân cho bộ đội, cối, cán, hầu mong cho chồng sớm về.
Một câu chuyện thương tâm đã được viết bằng máu về một người vợ lính, chỉ vì muốn cho chồng thoát khỏi ngục tù và vượt biên cùng với con, nên đã bằng lòng lấy một tên cán bộ với lời hứa là hắn phải cho chồng ra trại. Sau khi được trả tự do, người nữ anh thư này đã chỉ đường cho chồng và con vượt biên, đến khi nhận được thư báo là chồng và con đã tới xứ Tự Do bình an, người nữ anh thư này đã uống thuốc độc tự vẫn.
Bên cạnh trường hợp bi thương, ai oán đầy máu và nước mắt này, còn khá nhiều các trường hợp bị hãm hiếp trên đường đi thăm nuôi, bị cướp giết chết, bị tai nạn xe cộ, ít nhất cũng là việc bị trộm cắp, mất tất cả những món quà gom lại từ hàng triệu giọt mồ hôi, hàng ngàn sợi nước mắt… Đôi khi, vì không có phương tiện thăm nuôi, một số người vợ lính đã phải liều mạng đi buôn chuyến, buôn lậu mấy chục bao thuốc lá, mấy
hộp thuốc đau nhức, nhưng để thoát nạn công ăn chặn đường kiểm tra, người vợ lính đã phải làm người tình lẻ của tài xế, lơ xe để thoát khỏi cảnh bị công an cướp hết tài sản. Đau đớn, oan nghiệt hơn nữa là vì không thể giải thích, trần tình những hiểm nguy trùng trùng mà người thăm nuôi gặp phải, một số người vợ đã bị gia đình chồng, và chồng nghi ngờ, ruồng rẫy, miệt thị. Nỗi oan xé trời này làm sao giải tỏa? Nhưng không vì thế mà đạo quân thứ Năm này ngừng chiến dịch tiếp tế cho người tù. Vì trong tâm tư của họ, chỉ có người chồng, người cha, người anh của họ đang ở trong tù mới là Chính Nghĩa, còn kẻ bắt giam kia chỉ là bọn thảo khấu, cướp càn, là tay sai cho chế độ Cộng Sản bạo tàn.
“Kẻ ác đã thắng,” một nhà văn Cộng Sản đã thú nhận. Giòng máu anh hùng, hậu duệ của Hai Bà Trưng, Bà Triệu, của Bùi Thị Xuân, của Công Chúa Bát Nàn, và biết bao anh thư liệt nữ Việt Nam vẫn tiềm tàng trong tâm thức của các cựu Nữ Sinh Văn Lang, Trưng Vương, Gia Long, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Bá Tòng, và của các trường trung học Miền Nam từ Bến Hải cho đến Cà Mâu, đã khiến họ trở thành những người lính vô danh, nhưng quật cường có thể còn hơn các chiến sĩ anh dũng của Miền Nam, vì họ không những không bao giờ nhận được huy chương, tưởng lục, lương tiền, mà còn phải hy sinh của cải vật chất của chính mình, mà chẳng có hy vọng gì được trả ơn, đáp nghĩa. Để có được gói bánh mì khô, người vợ lính đã phải đi mua lén nhiều lần các ổ bánh mì được bán theo tiêu chuẩn, rồi thức suốt đêm, cắt gọn, nhúng đường, rồi nướng cho khô. Để có được một ký đường, ký đậu, đã phải nì nèo, năn nỉ, mỉm cười với những đứa con gái mặt rỗ chằng chịt làm chủ Hợp Tác Xã tiêu thụ, những đứa mất dạy, vô học, quát mắng đủ điều với những người thất thế. Nhiều tiểu thư hay phu nhân của các Sĩ Quan, Giám Đốc, Tổng Giám Đốc, Bộ Trưởng, Quận Trưởng, Tỉnh Trưởng… đã phải nghiến răng chịu nhục trước những mai mỉa, chế nhạo của mấy tay băng đỏ để có được giấy phép thăm nuôi những người thân tàn, ma dại, đã không mong sống sót trở về, và nếu có được về, chắc chắn là tương lai tối đen như mực.
Anh hùng hơn nữa là bên cạnh những người vợ lính, còn có cả những Mẹ già, đôi khi là Mẹ vợ, Mẹ nuôi của vợ, chị em vợ của những người hùng thất thế. Nhiều bà Mẹ già không biết nói gì khi thấy con trai trông như một bộ xương, thì cố nín khóc, nhưng nước mắt trào ra ướt hết áo.
Nắm tay con mà cặp mắt nhòe nhoẹt. Tiếng khóc muốn bật ra không được, chỉ có những cái nấc lên, thương xót. Có những bà Mẹ Vợ lụm khụm đi thăm con rể trong rừng sâu, vai xách, nách mang, đi xe trâu lọc cọc trên những con đường ổ gà, nẩy lên, dập xuống. Những bà Mẹ này vấp ngã mà không bao giờ khóc vì đau, chỉ nhỏ lệ khi nhìn thấy con rể tiều tụy.
Người xưa nói: “Có gian nan, mới thấy được anh hùng!” Lịch sử Việt Nam có rơi vào một khúc quanh nghiệt ngã, khiến cho chế độ Tự Do, Dân Chủ, Nhân Quyền của Việt Nam Cộng Hòa đã bị tận diệt, thì mới thấy nổi bật lên trên nền trời cao, hình bóng của những người phụ nữ, vợ lính của miền Nam lồng lộng, phất phới trên cao, những tấm gương anh hùng thầm lặng, không được thăng thưởng, tôn vinh, nhưng được ghi mãi trong tâm khảm của tất cả những người miền Nam, và chuyển đến các thế hệ sau, mãi mãi không phai.
Nhân dịp 30 Tháng Tư, xin thay mặt cho hơn một trăm ngàn người tù chính trị, được một lần cúi đầu cảm tạ những người vợ Tù Cải Tạo dũng khí, hiên ngang, mà trên thế giới chiến tranh này, không bao giờ thấy. (Chu Tất Tiến, một người tù cải tạo. Tháng Tư 2021)
***
Mời nghe bài “Cái Cò” do Nhạc Sĩ Nguyệt Ánh viết về những người vợ Tù Cải Tạo.
CHU TẤT TIẾN
usaelection gởi