Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
 
NHỮNG ÂN NHÂN DỄ THƯƠNG
                                                                                         


Năm 1991.
 
Buổi sáng thức dậy chị Bông kéo màn khung cửa và ngạc nhiên mới đầu tháng mười hai mà tuyết đã rơi, rơi nhiều, một màu trắng xóa. Tuyết đầu mùa và cũng là tuyết đầu tiên trong đời chị Bông.
 
Chị gọi réo chồng:
 
- Anh ơi, tuyết rơi…tuyết rơi…
 
Anh Bông đang nằm ngái ngủ trên giường vội ngồi dậy ra bên cửa sổ . Chắc tuyết rơi từ nửa đêm về sáng cho tới giờ vẫn tiếp tục nên cả không gian mới phủ trắng một màu. Anh tỉnh cả ngủ thích thú không kém gì vợ:
 
- Ồ, tuyết đẹp quá. Cảnh này mà hai vợ chồng mình được nghỉ học ở nhà ngắm tuyết rơi nhỉ…
 
Chị Bông cũng ước ao :
 
- Tuyết thế này ra đường vất vả lắm đây, em cũng muốn nghỉ ở nhà nấu món gì nóng sốt hai vợ chồng mình ăn và mở băng xem phim cơ.
 
Anh Bông chép miệng tiếc rẻ:
 
- Nhưng chúng ta vẫn phải đến lớp đến trường thôi. Ở Mỹ phải tôn trọng giờ giấc, không thể nghỉ tùy tiện được em ạ.
 
- Em biết rồi, hai vợ chồng mình luôn là học trò chăm ngoan của cô Linda mà.
 
Hai vợ chồng chị Bông đều yêu mến cô giáo Linda, ngoài dậy tiếng Anh ESL cô còn sẵn lòng hướng dẫn từng bước cuộc sống mới cho những người mới đến Mỹ định cư  như nhà chị Bông.
 
Anh Bông chợt nhớ ra, kêu lên:
 
- Chết rồi, để anh ra ngoài xem chiếc xe thế nào. Người ta nói mùa đông tuyết rơi phải cào tuyết và nổ máy xe trước cho nóng máy..
 
Anh Bông khoác chiếc áo ấm dày cộm và mở cửa, xe đậu ngoài sân vì nhà không có garage. Anh không nhận ra chiếc xe của mình nữa ngoài một đống tuyết lù lù phủ kín xe.
 
Anh vào nhà kiếm đồ cào tuyết. Anh đã mua sẵn hai cái cào tuyết một để trong xe và một để trong nhà dự trữ và hôm nay lần đầu tiên dùng đến nó. Đứng gồng mình trong tuyết lạnh nửa tiếng để cào tuyết hai tay anh Bông gần như tê cóng lại.
 
Chị Bông muốn chạy ra ngoài sân giúp chồng và thử cảm giác tuyết lạnh thế nào nhưng thời gian không cho phép, chị phải làm món gì đó để hai vợ chồng cùng ăn sáng và đến trường  học ESL kẻo trễ.
 
Anh Bông vào nhà và than thở:
 
- Lạnh quá. Nhưng máy xe vẫn nổ ngon lành.. 
 
Ăn xong anh chị Bông chuẩn bị ra xe, mỗi người đều mặc hai lớp áo và khoác thêm áo lạnh thật dày bên ngoài. Những thứ quần áo này nhà chị có cả mớ, toàn là xin ở những nhà thờ hay hội từ thiện trong thành phố xài…cả đời không hết.
 
Chiếc xe cũ nhưng vẫn chạy tốt là gia tài lớn nhất của anh chị Bông, ngoài ra hàng tháng hai vợ chồng chị lãnh tiền trợ cấp tỵ nạn của chính phủ để chi tiêu..
 
Thành phố nhỏ con đường từ nhà tới trường Vo- Tech qua mấy lượt đèn xanh đèn đỏ cũng khoảng chừng một mile. Anh Bông cẩn thận lái xe đi trong màn tuyết càng lúc càng dày đặc, trong xe mở heat tối đa mà tuyết vẫn mờ kính xe có khi không thấy đường phía trước, cũng may con đường ngắn và quá quen thuộc nên anh Bông không sợ lạc.
 
Trên đường phố những xe cộ đều chạy chậm như nhau, xe nào cũng mang theo tuyết trên đầu xe trên mui xe như người ta …chở tuyết đi chơi.
 
Chị Bông mải ngắm bên ngoài cho đến khi chiếc xe khựng lại anh Bông kêu lên chị mới giật mình:
 
- Xe không chạy được nữa !
 
- Nãy anh mới khen xe vẫn nổ máy ngon lành mà?
 
- Nhưng xe lạc bánh rồi em ơi !!
 
- Là sao?
 
- Đường đóng đá trơn trượt, xe lạc bánh vào hố trũng đầy tuyết bên lề và mắc kẹt chứ còn sao nữa.
 
Trong lúc anh Bông cố rồ máy cho xe đi lên thì chị Bông lẩm bẩm khấn :
 
- Cầu trời Phật cho xe con lên bờ bình an đi tới trường, Cầu trời Phật cho con đừng trễ giờ.
 
Anh Bông chán nản:
 
- Em khỏi cầu, anh chịu thua rồi, không tài nào cho xe lên đường đi được nữa.
 
Tuyết vẫn xối xả dày đặc trong không gian. Chị Bông vừa thất vọng vừa lo âu:
 
- Giờ này lớp bắt đầu học rồi, mình đến trễ hay không đến mà chưa xin phép cô giáo Linda một lời thật là bất lịch sự. Người ta nói rằng ở Mỹ phải đúng giờ đúng giấc.
 
Hai vợ chồng chị Bông luôn lắng nghe và học hỏi những người đến Mỹ từ trước. Điều gì cũng “Người ta nói rằng..” và tuân theo răm rắp.
 
Anh Bông cũng sốt ruột mà vẫn lên tiếng trấn an:
 
- Em cứ làm như cả cái lớp ESL và cô Linda đang mỏi mòn chờ mong hai vợ chồng mình không bằng. Mình sẽ xin lỗi và giải thích với cô Linda sau.
 
Hai vợ chồng ngồi trong xe chưa biết tính sao, rồ máy xe không ăn thua gì mà bước ra ngoài xe thì gió lạnh tuyết rơi.
 
Bỗng một xe cảnh sát ở đâu đang đi đến gần và ông cảnh sát Mỹ bước xuống đến bên chiếc xe mắc nạn của vợ chồng chị Bông.
 
Chị Bông quay kính xe xuống một chút xíu đã cảm thấy gió lạnh ùa vào trong khi ông cảnh sát đứng khơi khơi ngoài tuyết. Ông hỏi:
 
- Anh chị đi đâu?
 
Chị Bông mừng rỡ cố vận dụng vốn liếng tiếng Anh ESL bấy lâu vừa đáp vừa đưa tay chỉ phụ họa cho chắc ăn:
 
- Chúng tôi đang trên đường tới trường Vo-Tech phía kia kìa.
 
- Anh chị tới trường Vo-Tech làm gì?
 
Anh Bông hớn hở:
 
- Chúng tôi có lớp học  ESL ở trong trường Vo-Tech  đó. Ông có cách nào giúp chúng tôi đến trường không? Trễ lắm rồi…
 
Ông cảnh sát giơ hai tay lên trời  kêu lên đầy kinh ngạc:
 
- Ối trời ôi…hôm nay thành phố có cơn bão tuyết lớn, tất cả các trường đại học trung tiểu học đều nghỉ nói chi cái lớp ESL của anh chị. Các đài ti vi và radio đều thông báo mà anh chị không nghe hả…
 
Hai vợ chồng cùng lắng nghe ông cảnh sát nói một tràng dài và cùng …. đoán mò thêm mới hiểu ra ý ông. Chị Bông ngẩn ngơ:
 
- Chúng tôi không biết vì…không xem tivi và không nghe radio .
 
Chị chẳng đủ từ ngữ và trình độ để giải thích dài dòng với ông cảnh sát rằng nhà tôi không có radio, chỉ có một cái ti vi cũ người ta cho nhưng…….không hề dùng đến vì không bắt cable nên không có bất cứ đài nào cả. Tiền trợ cấp hàng tháng phải chi trả tiền thuê nhà, tiền thực phẩm, tiền điện nước nên tôi phải tiết kiệm những gì có thể. Bắt cable mấy chục đồng một tháng mà xem ti vi chẳng hiểu gì thật là uổng phí.
 
Cái ti vi nhà chị chỉ dùng để coi phim với cái máy VCR cũ rích ( cũng người ta cho) để nhét băng ca nhạc Việt Nam, phim truyện Tàu nhiều tập đi mượn của mấy người Việt Nam cùng mới đến Mỹ quen ở  lớp ESL xem cho đỡ buồn mà thôi, thì dù trời có sắp xập hay phong ba bão tố có sắp kéo đến thành phố này anh chị Bông cũng chẳng hay biết gì, vẫn nhởn nhơ ra đường ra phố.
 
Ông cảnh sát nhắc nhở:
 
- Ở xứ Mỹ này tin thời tiết được người ta quan tâm hàng ngày. Anh chị nhớ nhé. Bây giờ tôi sẽ gọi xe cứu nạn đến giúp để anh chị lái xe về nhà.
 
Mười phút sau có xe cứu nạn đến. Họ nhanh chóng đưa được chiếc xe thoát ra vũng tuyết đã bị đóng băng đông đá.  Anh chị Bông rối rít cám ơn họ.
 
Ông cảnh sát dặn dò:
 
- Hãy lái xe cẩn thận, đi trên những con đường chính đã được xúc bớt tuyết cho an toàn và nhớ là chớ có ra đường cho tới khi qua cơn bão tuyết. Mùa đông tuyết băng là nguyên nhân chính gây ra tai nạn trên đường phố.
 
May quá ông cảnh sát đã dùng những từ đơn giản và nói chậm rãi, lập đi lập lại vài lần. Thấy hai vợ chồng thay nhau nói “OK”  ông cảnh sát yên tâm và hài lòng lắm.
 
Thật cảm động khi có người ân cần chỉ dẫn mình như thế.
 
Anh Bông lái xe trở về nhà bình yên. Vào trong nhà ấm cúng anh Bông khoan khoái:
 
- Nãy hai vợ chồng mính ước ao được nghỉ học ở nhà. Mình có mà…không biết hưởng, cũng may xe chỉ bị kẹt trong tuyết chứ không tai nạn gì.
 
Chị Bông trách chồng:
 
- Tại anh đòi dọn đến thành phố nhỏ hẻo lánh này, thiếu thốn đủ thứ ngay cả ti vi cũng không có lấy một đài mà xem nếu không bắt cable. Thà cứ sống ở San Antonio Texas, tha hồ xem các đài ti vi chẳng tốn đồng nào và  xứ nắng nóng thì làm gì có bão tuyết.
 
Anh chị Bông đến Mỹ ở nhà người em trai chị Bông tại thành phố San Antonio. Người em làm trong Kelly Air Force Base đã giới thiệu anh chị vào học lớp ESL trong base. Bà Smith xưa là nhân viên của Kelly Air Force, bà nghỉ hưu rảnh rỗi chẳng biết làm gì và dùng thì giờ trống trải ấy dậy tiếng Anh thiện nguyện cho các người nước ngoài là vợ lính, chồng lính làm việc trong trại.
 
Lớp học của bà Smith chỉ loe que dăm bảy người, mấy cô người Nga và một cô Đại Hàn mới theo chồng sang Mỹ.  Thêm anh chị Bông bà Smith vui lắm.
 
 Em trai chị Bông vui miệng kể chuyện với bà Smith là chị Bông sang Mỹ chỉ thích ăn một thứ là chocolate. Thế là bà Smith tung ngay món chocolate ra để chiêu dụ  chị Bông như chiêu dụ một đứa trẻ ham ăn, ngày nào đến lớp chị Bông đều thấy một rổ kẹo bánh chocolate và bà Smith thì luôn tươi cười mời mọc. Bà còn hứa hẹn:
 
- Mày chăm chỉ đến lớp học tiếng Anh sẽ có nhiều kẹo chocolate ngon nữa mà mày chưa từng biết.
 
Đến nỗi anh chị Bông cảm tưởng như mình học tiếng Anh cho…bà Smith chứ không phải cho mình và anh chị là nhân vật..…quan trọng lắm, bà Smith kia phải chiều chuộng săn đón để mời học tiếng Anh.
 
Tôi nghiệp bà Smith, dạy tiếng Anh không lương còn tốn tiền mua kẹo mà cũng không giữ được hai đứa học trò này.
 
Anh Bông có một người bạn sống ở thành phố Liberal tiểu bang Kansas khoe rằng nơi ấy thành phố nhỏ hiền hòa dễ dàng đi lại. Thành phố nhà quê gần những vùng nông thôn có trường Vo-Tech dạy nghề, học ngắn hạn là có một nghề trong tay ra đi làm có tiền ngay.
 
 Anh Bông bàn với vợ về Liberal mình có thể tự túc đi lại trong thành phố nhỏ và học nghề, đỡ làm phiền gia đình người em phải đưa đón nơi thành phố San Antonio rộng lớn. Khi học xong một nghề, tiếng Anh kha khá, lái xe vững vàng sẽ trở lại Texas .
 
Hôm chia tay gia đình em trai, anh chị Bông cẩn thận hỏi có phải xin giấy tờ giới thiệu hay chứng nhận gì từ San Antonio để mang sang thành phố Liberal tiếp tục hưởng trợ cấp không? Thì người em nói không cần, đến nơi nào thì xin trợ cấp nơi ấy. Sao luật lệ xứ Mỹ dễ dàng và thoải mái đến thế. Anh chị Bông đã ngưỡng mộ và cám ơn nước Mỹ dân chủ tự do từ những điều giản dị này.
 
Đến thành phố Liberal Kansas, anh chị Bông ghi danh học lớp ESL cho tiếng Anh thêm tiến triển mới dám ghi danh học nghề trong trường Vo- Tech sau. Anh Bông dự tính học thợ tiện, chị Bông thích học lớp CNA rất dễ xin việc làm trong các nursing home.
 
Chia tay bà giáo già Smith chị Bông nhớ bà và nhớ kẹo bánh chocolate của bà lắm, nhất là chai chocolate syrup bà cho chị Bông mang về nhà để cho vào kem rất ngon.  Chị Bông cũng nhớ cô bạn người Đại Hàn đã làm quen với chị và cho chị một hũ kim chi nho nhỏ mà chị Bông chưa kịp đáp đền lại món quà ấy.
 
Đến Liberal chị Bông vẫn chưa nguôi ưa thích chocolate, chị đi chợ vẫn sà vào tất cả món ăn nào…màu nâu chocolate. Bánh chocolate, kẹo chocolate, kem chocolate, sữa  chocolate…v..v..
 
Chị Bông có người bạn sang Mỹ cùng thời, mỗi tuần mua mấy vỉ trứng đều hết vèo vì chồng chị ấy  thích ăn…trứng gà ốp la, sáng nào anh cũng làm mấy trứng ăn bánh mì và uống sữa tươi, bù cho thuở ở Việt Nam đây là món điểm tâm sang cả đắt tiền chẳng mấy khi anh dám ăn.
 
Bà kia cùng lớp ESL với chị thì kể rằng thằng con trai ở Việt Nam thích táo. Mới sang Mỹ nó ăn hết mấy pound táo mỗi ngày.
 
Thì ra những người mới sang Mỹ ai cũng có những món mình ước mơ ưa thích và muốn ăn cho thỏa thích.

 
        **************
 

Cơn bão tuyết lịch sử đổ vào thành phố Liberal tuyết lên tới 12 inches. Buổi tối tuyết đã ngừng rơi để lại thành phố nhỏ  đắm chìm trong màu trắng đến cả hai ba tuần lễ sau tuyết cũng chưa tan hết.
 
Người ta nói rằng mười mấy năm nay thành phố mới có trận bão tuyết lớn thế này. Hay là bão tuyết đến để …..nghinh đón anh chị Bông? Vì từ lúc ở Việt Nam chị Bông đã ước mơ được trông thấy tuyết.
 
Anh chị Bông đã đi học lại  khi cơn bão tuyết chấm dứt.
 
Đến lớp ESL chị Bông kể chuyện hai vợ chồng lái xe đi học hôm bão tuyết cho vài bạn Việtnam, có người cũng như vợ chồng chị không hề biết các trường học đều đóng cửa vì bão tuyết nhưng họ vẫn tự động nghỉ học ở nhà không dám ra đường vì…. sợ bị cảm lạnh.
 
Giáng sinh đang đến gần kề. Trời rất lạnh nhưng không có tuyết, chắc bao nhiêu tuyết đã đổ ra vào cái ngày bão tuyết kinh khủng kia rồi.
 
Buổi học ESL cuối cùng trước khi nghỉ lễ thật vui vì cô  giáo Linda kể những chuyện Giáng Sinh vui vẻ. Bỗng cô tuyên bố trước cả lớp:
 
- Chúng ta cũng có một chuyện vui vẻ nữa là hôm nay tôi sẽ có món quà đặc biệt khen thưởng tặng cho hai học sinh của lớp ta là…vợ chồng chị Bông.
 
Mọi con mắt đổ dồn về phía anh chị Bông làm chị Bông ngượng ngùng mắc cỡ. Chị thì thầm với chồng:
 
- Chẳng lẽ hai đứa mình học giỏi nhất lớp hả anh?
 
Anh Bông cũng ngại ngần:
 
- Hay cô Linda chấm lộn? lớp mình thiếu gì người giỏi tiếng Anh..
 
Tiếng cô Linda vang lên chứng tỏ cô không hề lầm lẫn:
 
- Mời anh chị Bông lên nhận quà.
 
Hai vợ chồng chị Bông rời khỏi chỗ ngồi, e dè bước lên bàn cô giáo, món quà là một con gấu bông to xinh đẹp. Cô Linda bây giờ mới giải thích lý do trao quà:
 
- Đây là món quà tặng hai người anh hùng và chăm chỉ nhất lớp ESL của chúng ta. Hôm bão tuyết ai cũng nghỉ học ở nhà nhưng anh chị ấy không ngại gió lạnh tuyết rơi, không ngại gian khó đã đi đến trường và không may xe mắc kẹt trong tuyết. Câu chuyện thật cảm động .
 
Cả lớp cùng reo lên và vỗ tay đồng tình với cô giáo Linda. Thì ra câu chuyện vợ chồng chị Bông đi học hôm bão tuyết đến tai cô Linda và anh chị Bông đã trở thành…người hùng nổi tiếng cả lớp ESL này.     
 
Bao nhiêu năm trôi qua, không cần phải đợi đến mùa lễ Tạ Ơn, trong cuộc sống hàng ngày có dịp chị Bông vẫn nghĩ tới nước Mỹ,  cám ơn nước Mỹ đã cho gia đình chị nhiều thứ trong đó có những vị ân nhân dễ thương đã để lại hình ảnh đẹp trong tâm hồn chị.
 
 Họ nhiệt tình thân thiện giúp đỡ hướng dẫn anh chị Bông những ngày đầu tiên gia đình chị mới ngơ ngác đến Mỹ như bà Smith dạy ESL ở Kelly Air Force Base, San Antonio Texas, ông cảnh sát giao thông và cô Linda ESL của thành phố Liberal Kansas.
 
Chị đã rời xa họ từ lâu..
 
Họ ở đâu? Ra sao? Chị Bông không biết.
 
Nhưng mỗi khi nhớ đến họ chị Bông đều gởi lời cám ơn với tất cả lòng thân mến và mong rằng có phép diệu kỳ nào đó họ sẽ cảm nhận được những lời chân tình này dù họ không còn nhớ chị Bông là ai…
 

Nguyễn Thị Thanh Dương
 
Oct. 19, 2020
 
 
usaelection gởi