Trọn một giấc mơ
H.T Thích Như Điển
Khi còn nhỏ, cha mẹ mong muốn cho con trưởng thành, ăn học thành tài để lập thân, lập chí và lập nguyện. Khi lớn lên vuột khỏi tầm tay dưỡng nuôi của cha mẹ, ta tung tăng vào đời bằng bỉ thử ngã nhân, để lặn hụp trong chốn ba đào đầy trần sa phiền lụy ấy. Có kẻ thành công, có người thất bại, có người lên tướng, có kẻ trở nên giàu sang phú quý của tiền dư dật.
Có người ý chí thì nhiều; nhưng thành công lại chẳng có. Vả chăng như thân phận nàng Kiều đã ba chìm bảy nổi. Tuy có ý tốt bán mình để chuộc cha cho tròn chữ hiếu; nhưng với cuộc sống phù trầm nầy mấy ai dễ dãi để cho Kim-Kiều tái hợp một cách dễ dàng mà không mang theo những bi lụy ở sông Tiền Đường. Vì vậy truyện Kiều còn có một cái tên khác là: Tiếng kêu xé lòng.
Muốn là một việc mà kết quả là một việc khác nữa. Đó chẳng qua là những yếu tố trùng trùng duyên khởi của một kiếp nhân sinh bị chi phối và phải vay trả trả vay cho nhau mà thôi.
Khi sinh tôi ra chắc cha mẹ tôi không nghĩ rằng thằng bé ấy lúc lớn lên sẽ đi xuất gia đầu Phật và ngay cả trong thân tộc tôi cũng không nghĩ rằng trong một gia đình mà đã có đến 2 người đi xuất gia. Thế nhưng chỉ có thế hệ của tôi và Thầy Bảo Lạc. Còn thế hệ con cái và cháu chắt của anh chị tôi thì chưa có người nào xuất gia cả.
Trong làng tôi có đến hơn 50 người đi xuất gia và gần 50 năm sau, theo tôi được biết thì chỉ có độ 3 người hoàn tục và còn lại 47 người vẫn còn mang trên mình chiếc áo nâu sồng cũng như giữ tròn trai giới trong chốn thiền môn. Vì vậy có nhiều người nói: Làng tôi đã phát đức. Mà đúng vậy, có gia đình thì phát tài, có làng thì phát làm quan; nhưng ở đây gia đình tôi và làng tôi lại phát đức. Tôi tin điều ấy.
Người ta giàu có bao nhiêu đi chăng nữa, đến một ngày nào đó cũng phải túng thiếu và hết của. Do vậy mà tục ngữ Việt Nam nói rằng:
"Đâu có ai giàu ba họ
Và cũng chẳng có ai khó ba đời"
là vậy.
Cũng như trên một đoạn đường đi, có lúc bằng phẳng, có khi phải đi xuống dưới tuyệt vọng, hố sâu của tâm hồn và địa ngục của tâm thức. Vì lẽ: Sau cơn mưa trời lại sáng mà. Không có gì để phải hận đời và hận người cả. Chỉ tiếc cho mình là thiếu đức tu; nên không chuyển hóa được người khác và thế giới khổ đau nầy mà thôi.
Chỉ có cái đức và trí tuệ thì người ta mới có thể san sẻ cho kẻ khác mà vẫn không thiếu thốn, hao hụt gì cả. Vì lúc gạo đầy chum, ăn hoài ắt phải cạn; nhưng ánh sáng trí tuệ và đời sống đạo đức cứ lan truyền mãi từ đời nầy sang đời khác mà tựa hồ như chẳng mất mát một chút nào.
Tôi ngập chìm trong một làng có cái đức như thế và may mắn sinh vào một gia đình có cái đức được phát triển như vậy; nên mới có cơ hội đi xuất gia tu học cho đến ngày nay.
Tôi vào chùa với một tâm hồn trong trắng của tuổi 15. Tất cả đều xanh tươi, tất cả đều mới lạ. Ngôi chùa đối với tôi là cả một cảnh giới thần tiên mầu nhiệm. Tăng chúng, huynh đệ ở chung quanh tôi là một cộng đồng xã hội thu hẹp mà tôi luôn luôn nghĩ rằng mình được diễm phúc sống trong sự hòa hợp ấy. Vì lẽ cái vui của họ cũng là cái vui của mình và cái khó khăn của họ cũng là cái khó khăn của mình vậy. Bỗng một hôm tôi gặp phiền não tại chốn Già Lam, đã nhiều lần tìm cách trốn chạy thực tại; nhưng thời gian qua đã làm cho tâm thức tôi dịu dần với tiếng kinh, lời kệ và của tiếng Đại Hồng Chung. Lúc ấy thấy đời là một sự thay đổi. Tôi chấp nhận khó khăn, khổ ải để vươn lên với ý thức đơn côi của một kẻ lữ hành.
Tôi không nhìn đời bằng một cặp mắt màu xanh, mà cũng chẳng nhìn đời bằng cặp mắt nghi ngờ hay oán trách. Vì lẽ tôi biết cuộc đời vốn là thế. Dở, hay, xinh đẹp, xấu xí, giàu có, nghèo nàn v.v... tất cả cũng chỉ là một tấn tuồng mà mỗi người phải cố gắng diễn cho xong cái vai trò mà mình đang đóng đó. Đời có gì phải bi lụy, có gì để hoan hô! Tất cả phải nhìn dưới con mắt như thị. Tuổi thanh niên tôi đã biết chấp nhận thế; nên đến tuổi trung niên và lão niên như bây giờ thì việc chấp nhận mọi sự hiện hữu trong thế gian nầy lại càng dễ dàng hơn nữa. Vì lẽ: Ai sinh ra trong cuộc đời nầy rồi cũng chết; chứ ai có thể sống mãi không già, không chết đâu ?
Khi sinh ra đời đứa bé chưa biết gì cả mà đã biết tham. Vì hai tay nắm lại. Rồi suốt trong một cuộc hành trình sinh tử ấy vào ra nơi chốn trần gian náo nhiệt nầy, người ta phải cố tranh phần thắng về mình. Cái tốt nhất là của mình; còn cái xấu phải là cái của thiên hạ. Rồi danh, lợi, tiền, tài, địa vị v.v... nhưng rồi một ngày nào đó tất phải ra đi thôi. Khi ấy dẫu có muốn nắm 2 tay lại nữa cũng chẳng được gì. Vì tử thần đã gõ cửa; nhưng mấy ai ý thức được điều nầy. Sự sống và sự chết ấy có thể xảy ra trong nháy mắt mà cũng có thể là 10 năm hay nhẫn đến trăm năm cũng thế thôi. Nếu con người không ý thức được sự vô thường giống như giấc mộng ấy thì sống càng lâu càng chẳng có ý nghĩa gì với cuộc đời nầy cả.
Hạnh phúc là những thứ mà người ta thường hay đi tìm; nhưng trên thực tế thì hạnh phúc không phải là những thứ người ta đang đi tìm, mà là những gì người ta đang có trong hiện tại. Nghĩa là anh đang có một người vợ rất đảm đang, nết na thùy mỵ; nhưng vì sống lâu ngày, tình yêu ban đầu không còn đẹp nữa như xưa, do vậy anh có ý bỏ bê tình cũ, đi tìm tình mới. Do vậy mới có những đám ly dị và lúc ấy chỉ nói đến tiền tài, của cải, chứ không còn chữ yêu đương của tình nghĩa vợ chồng thuở ban đầu nữa. Vả chăng cái gì người ta thường có, người ta không hay trân quý; nên mới ra nông nỗi ấy. Đồng nghĩa với việc nầy, người đàn bà cũng thế. Nếu sống trong hiện tại với một người chồng được cho là lý tưởng đi. Vì trước đây 5, 10 năm do mình chọn lựa để đi đến hôn nhân mà; nhưng sau bao nhiêu năm tháng sống chung, đã xảy ra nhiều cảnh trái ý nghịch lòng; cho nên thấy chồng của mình không đẹp hơn chồng của bạn, nên có ý đổi thay là vậy. Do thế mà tục ngữ Việt Nam có câu:
"Giàu đổi bạn, sang đổi vợ"
cũng đúng với lòng dạ của con người chăng? Vì lẽ con người nào cũng chẳng bao giờ hài lòng với hiện tại. Trong Thiền gia có câu rằng: Quá khứ là những gì đã đi qua, tương lai thì chưa đến; chỉ có hiện tại mới là giờ phút tuyệt vời thôi! Đó là một câu thoại đầu rất tốt, dùng để quán nhân duyên, quán sanh diệt cho suốt cả một đoạn đường sanh tử cũng không bao giờ hết được. Vì lẽ người hay nuối tiếc quá khứ nên khổ tâm. Kẻ lo lắng cho tương lai; nhưng toàn là những điều không thực tế. Chỉ có những gì ta đang có trong tầm tay là điều hạnh phúc nhất. Nếu ai hiểu và thực hành được những lời dạy nầy; quả là kẻ có trí tuệ chứ không phải bạc vàng.
Vàng bạc, ngọc như ý, ngọc bảo châu, ngọc châu ma ni v.v... cũng chỉ là những thứ trân bảo của thế gian, chứ không phải của xuất thế gian. Vì những của quý nầy có lúc ta sẽ bị đánh mất đi, do thời gian và năm tháng đổi thay. Còn bát nhã, trí tuệ là những giá trị miên viễn của tinh thần, ta cho hoài vẫn không hết, ta sống ở thế giới nầy hay thế giới khác vẫn an nhiên tự tại như thường, không sợ ai xâm chiếm tài sản vô giá ấy của mình.
Mà trí tuệ ấy từ đâu có được ? Có ai ban phát cho mình chăng ? hay phải khổ tâm luyện tập ? Thật ra như kinh Viên Giác hay Đại Trí Độ Luận đã nói rằng: Chúng ta vốn từ trong vô thủy kiếp đã là những bậc giác ngộ; những người hiểu biết; nhưng mãi rong ruổi trong kiếp luân hồi, rồi bị vô minh ràng buộc; nổi trôi vào ra sanh tử; nên tánh giác ấy, trí tuệ ấy bị che khuất đi. Bây giờ chúng ta chỉ cần khơi dậy tâm từ, lòng dũng cảm, ý chí quyết định dấn thân, chẳng chóng thì chầy cái trí ấy sẽ bừng bừng sống dậy. Ta cứ ngỡ là Bồ Tát hay Phật đã cho mình; nhưng không phải thế. Các Ngài chỉ là người dẫn lối soi sáng cho ta đi vào đời đấy thôi. Còn chính ta mới là kẻ phải hạ thủ công phu kia mà.
Khi tôi đi xuất gia và được học Đời cũng như học Đạo và tự biết rằng đó là nhân duyên đưa đẩy đấy thôi; chứ lúc ấy tôi nghĩ rằng: Đi tu rồi còn phải đi học làm gì nữa. Ý nghĩ ngông cuồng ấy bị Thầy tôi rầy rà. Tôi vâng lời Thầy và cũng không ngờ rằng nhờ sự vâng lời ấy mà ngày nay hàng hàng lớp lớp chữ nghĩa của ngôn ngữ này hay ngôn ngữ kia đang nép mình để tôi chọn lựa khi ngoại giao, lúc làm việc đạo, lúc tư duy hay khi chuyện vãng với mọi người. Từ miệng mình thốt ra những lời dạy của Phật, hay ngôn ngữ, ý tứ, tác phong của lời nói v.v... tất cả là một sự tự nhiên, mà sự tự nhiên ấy có điều kiện. Đó là sự chăm học và hạ thủ công phu của mình. Thuở ấy tôi chẳng mơ mình thành gì cả. Chỉ biết rằng có học mà thôi. Tu là chuyện đương nhiên rồi. Vì lẽ trên mình của mình đang mặc chiếc áo tu sĩ mà.
Rồi tôi được xuất ngoại để đi du học tại Nhật Bản. Một đất nước mà trước đó tôi đã chẳng có một ý niệm rõ ràng nào. Mặc dầu Nhật Bản nằm không xa quê hương Việt Nam mấy. Tôi đến đó để học và tập, tu và luyện. Tôi ở chùa Nhật cũng như chùa Việt. Không phải là Milarepa, mà là một người Việt Nam thuần túy, đi vào những nơi thử thách hiểm nghèo. Nhiều lúc tôi nghĩ rằng có lẽ do nhân duyên nên vậy. Cho nên tôi thường hay chấp nhận hơn là thối chí. Mà cứ chấp nhận những trở ngại thì là lại có một sự thành tựu khác.
Cũng như thế đó khi tôi đặt chân xuống phi trường Hamburg vào ngày 22 tháng 4 năm 1977, tôi đã chẳng nghĩ rằng phải ở lại Đức cho đến ngày hôm nay. Ngày ấy nếu tính trở lùi lại quá khứ đã hơn 25 năm rồi đó. Hai mươi lăm năm ấy tôi gọi là một giấc mộng. Cũng có thể lắm, giấc mộng nầy cũng khá dài. Cứ mỗi năm có 365 ngày. Con số ấy đem nhân cho 25 thì ta sẽ có 9.125 ngày. Nếu trong gần 10.000 ngày ấy, tức gần một phần ba của sự sống trong ba vạn sáu ngàn ngày thì ta có được gì ở trong cõi thế nầy. Nếu ta so với cuộc sống của chư Thiên ở cõi trời Tứ Thiên Vương. Một ngày ở đó bằng 50 năm ở đây và một ngày ở cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên bằng 1.600 năm ở đây. Quả thật thời gian và không gian ấy không còn có thể đếm được nữa. Nếu ta chẳng biết làm gì trong một ngày ở cõi Tha Hóa Tự Tại hay 1.600 năm ở cõi thế đầy hư hư, ảo hóa nầy thì hóa ra chẳng có ý nghĩa gì cả sao ?
Có lẽ rằng Phật, Bồ Tát đã bổ xứ tôi đến xứ Đức nầy. Đến đây để gặp gỡ mấy ngàn sinh viên Việt Nam hiện đang du học ở đây trước năm 1975 và cho đến bây giờ đã liên hệ với hơn 100.000 người không phân biệt tuổi tác, tôn giáo. Đó là một nhân duyên của trùng trùng duyên khởi và trùng trùng biến hiện vậy, mà nhân duyên cũng kể từ khi tôi sinh ra trong cõi đời cũng như lúc xuất gia học đạo, tôi chưa bao giờ nghĩ tới. Tôi đâu có biết một cõi xa xăm như thế để mà ở, mà đi, mà về đâu. Tôi cũng đã tự chọn lựa cho mình một cái tốt hơn, mà tất cả chỉ là nhân duyên và nghiệp lực. Tôi vẫn còn là một chúng sanh; nên vẫn còn những nghiệp chướng, phiền não; nhưng tôi sẽ đứng trên và thoát ra những đối đãi thị phi ấy để tôi nhìn rõ được bộ mặt thật của cuộc đời nầy. Phải đánh giá nó, chấp nhận nó hay than vãn, nỉ non để rồi trốn chạy nó chăng ?
Lá số tử vi của tôi do một ông cụ tại Canada chấm. Trong ấy có mấy điều tôi tâm đắc nhất: Mệnh vô chánh diệu; nghĩa là không có một ngôi sao nào chính chiếu mệnh cả; nhưng lại tốt với một người tu. Vì được tam không. Đó là: Địa không, tuần không và triệt không. Ba cái không nầy nó cũng ứng với cái không của nhà Phật. Vì tất cả những gì có hình tướng trên thế gian nầy, cuối cùng rồi cũng trở về không. Đã hiểu thế, thì "ai dư nước mắt để khóc người đời xưa" đâu. Nhưng mấy ai hiểu rõ được ngọn ngành của lẽ thường biến hóa trong Kinh Dịch nầy.
Người ta thì thân cư phụ mẫu, thân cư thê v.v... Còn tôi thì thân cư phúc đức và điền trạch mà cung nầy lại nằm tại cung Ngọ; quả là cung tốt. Vì đang có một mặt trời chiếu sáng giữa trưa. Cho nên tôi đi đâu và ở đâu thì cũng có chùa, có đệ tử. Bên trái, bên phải gì cũng có người lo hộ trì, gánh vác cho mình. Quả là phúc đức vậy. Người ta giàu tiền bạc; nhưng tôi thì giàu cái không và phúc đức. Quả đúng như những gì tôi đã phân tích. Cho nên tôi trồng bao nhiêu người cũng được. Người nào khó dạy đến đâu, qua tay uốn nắn của tôi, kẻ ấy sẽ xử dụng được; nhưng một điều gần như húy kỵ là tôi không trồng cây được. Chẳng biết tại sao. Có lẽ tôi mạng hỏa nên khắc với cây chăng ? Tôi vẫn thương cây cối; nhưng nếu có ai đó cho tôi một cây thật tốt để chưng trong phòng thì chừng hai ngày sau là lá đi một nơi, cành đi một ngõ. Còn nếu tôi có trồng cây ngoài vườn thì chỉ ra lá chứ chẳng bao giờ ra hoa. Do vậy không bao giờ có trái. Tôi chưa là Tiến Sĩ; nhưng học trò, đệ tử của tôi là những Tiến Sĩ sắp hàng dài dài ở phía sau mình để đi vào Đạo và Đời trong tương lai. Vậy tôi là gì ? Thật ra tôi chẳng là gì cả. Hiểu như vậy mới thấy nhân duyên và từ đấy mới trân quý phước đức. Hãy đừng coi trọng tiền bạc hơn sự học hành. Vì giáo dục bao giờ cũng là con đường nhân bản, nó giúp ta thăng tiến được niềm tin, sự sống và mở cánh cửa đi vào sự giải thoát được. Do vậy tôi thường hay giảng và kết luận rằng: Sự học nó không làm cho ta giải thoát được; nhưng nếu muốn mở cánh cửa giải thoát kia mà thiếu sự tu và sự học là không được rồi. Đó là quan điểm của tôi. Còn người khác có lẽ có cách nhìn không giống tôi. Dĩ nhiên tôi phải tôn trọng ý kiến của kẻ khác, chứ không phải nghĩ rằng lúc nào ý kiến của mình cũng đúng cả.
Xã hội Nhật vào năm 1972, ai ai cũng phải tốt nghiệp Tú Tài mới có công ăn việc làm. Duy chỉ có ông Thủ Tướng Tanaka là chưa có bằng Tiểu Học và hôm nay đây ở vào thế kỷ 21 nầy vào năm 2003 tại xứ Đức tôi đang ở, có không biết bao nhiêu là nhà Bác học, Tiến sĩ, Thạc sĩ v.v... nhưng ông Bộ Trưởng Ngoại Giao Fischer của Đức hình như chưa tốt nghiệp Đại Học. Nghe đâu sẽ còn được các đồng nghiệp bầu ông làm Bộ Trưởng Ngoại Giao của Cộng Đồng Âu Châu nữa kia, chứ không phải chỉ riêng của nước Đức. Ở Việt Nam ta cũng thế. Trong khi nhiều giáo sư Đại Học phải có bằng Tiến sĩ mới dạy được; chỉ riêng có Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ của chúng ta hình như chưa tốt nghiệp Tú Tài II, mà là một giáo sư, một học giả nổi tiếng khắp năm châu bốn bể thì sao ? Do đó quan niệm của tôi ở bên trên, nó cũng chỉ có tính cách tương đối mà thôi.
Tôi không định đến xứ Đức đây để xây chùa, không định nhận đệ tử xuất gia cũng như tại gia, không định làm Thầy giảng đạo và cũng không định có quan hệ ngoại giao cả mấy chục nước trên thế giới như ngày hôm nay và ngay cả việc chẳng định làm báo Viên Giác. Ấy thế mà những điều không dự định ấy đã trở thành khẳng định và bây giờ cũng như mai hậu những thứ ấy sẽ trở thành giả định. Vì tất cả đều phải bị chi phối bởi luật vô thường, thành, trụ, hoại, không.
Ngôi chùa Viên Giác nầy từ chỗ không mà có, rồi mai đây cũng từ chỗ có sẽ trở thành không. Tất cả là của chung; nhưng của chung ấy nó sẽ biến đổi theo sự thành tựu và hủy hoại của quả đất nầy. Đi vận động thành lập chùa từ thuở không có một đồng nào. Bây giờ sau khi xây dựng xong, giá trị của nó là 9 triệu Đức Mã thuở xưa; hay 5 triệu rưởi đô-la Mỹ thuở ấy và độ 4 triệu rưỡi Euro bây giờ. Trước mặt chúng ta là một phạm vũ huy hoàng đó; nhưng nó sẽ tồn tại được bao lâu thì chẳng ai biết được. Thế mà tôi đã là một phần tử chính trong kiến trúc nầy đó. Khi ngôi chùa xây xong tôi cũng nghĩ rằng đấy chỉ là một giấc mộng.
Tôi cũng đã chẳng nghĩ rằng mình làm được Thầy của nhiều người khác. Vì lẽ tôi ăn nói vẫn còn vụng về. Thế mà đã có nhiều người theo tôi học đạo và còn xin làm đệ tử nữa. Nhiều khi tôi xấu hổ. Vì lẽ mình không xứng đáng là một ông Thầy. Nhưng âu đó cũng là nhân duyên Thầy trò, sư đệ mà thôi.
Viết văn, viết sách cũng thế. Có người đọc sách tôi bảo rằng văn viết hay; nhưng đồng thời cũng có nhiều người không nói ra và chê là câu văn nhà quê, dở quá. Nội dung, bố cục lượm thượm v.v... Cũng như thế ấy, có một hôm tôi đi dự đám tang của Hòa Thượng Thích Trung Quán, Viện chủ chùa Hoa Nghiêm ở Paris vừa mới viên tịch. Có một Thầy cả hơn 10 năm rồi chưa gặp lại tôi, sau khi chào hỏi và bảo rằng trông Thầy già hơn xưa quá nhỉ ! Tôi đáp lại bằng cái nhoẻn miệng cười và tiếp rằng đã 54 tuổi rồi còn gì nữa. Tóc đã bạc gần hết rồi. Độ 10 phút sau có một Thầy khác sống ở Paris cũng gặp tôi nơi phòng khách của chùa Hoa Nghiêm bảo rằng Thầy trẻ quá nhỉ ! Tôi chỉ cười và tự nhiên thấy có hơi không thực tướng. Không biết có phải là mình đây chăng ? hay là một Như Điển nào khác thì cũng chỉ là một giả danh thôi mà. Mới 10 phút trước có kẻ chê mình già và 10 phút sau có người bảo mình trẻ. Vậy thì mình nên trẻ hay già theo cảm nhận của đối phương, hay trở về sống thực tế với con người của mình để mình tự liễu tri về cuộc đời sắc sắc không không nầy vậy !
Làm Chủ nhiệm báo Viên Giác suốt 25 năm qua cũng thế. Lúc nào tôi cũng phải viết Thư Tòa Soạn và trong 25 năm ấy chỉ riêng Thư Tòa Soạn không đã in thành một cuốn sách rồi. Nhiều khi bận việc muốn nhờ người khác trong Ban Biên Tập viết; nhưng ai cũng thối thác bảo rằng: Thư Tòa Soạn khó viết. Vì nó ngắn, chỉ có một trang mà phải viết nhiều sự kiện khác nhau xảy ra trong một lần. Do vậy nhiều người không thích viết. Vậy nên tôi phải viết; nhưng có bao giờ tôi học làm báo là gì đâu mà bây giờ phải làm Chủ nhiệm một tờ báo đã sống đến 25 tuổi vậy ? Tôi không tài, không giỏi, không là gì hết. Do vậy tôi để cho nó đến, rồi cũng để cho nó đi. Cho nên bắt đầu từ năm nầy. Năm 2003 là một năm có ý nghĩa sau 25 năm đã làm việc, lăn lộn với gió sương, chống chèo với bao thử thách từ bên trong ra, lẫn bên ngoài đến. Tôi tập buông bỏ từ từ, để rồi sẽ đi đến chỗ buông bỏ tất cả như trạng thái của người buông xuôi 2 tay khi trở về với thiên nhiên, cát bụi; với đất trời vạn vật thế thôi. Bỏ lại sau lưng tất cả những khen chê, hờn giận, được mất, hơn thua. Sẽ vẫy tay chào với mọi người thân quen như một người đi xa và khó có ngày trở lại. Tôi cũng đã một lần vẫy tay như thế vào ngày 22 tháng 2 năm 1972 tại phi trường Tân Sơn Nhất và cái vẫy tay ấy mãi cho đến bây giờ sau hơn 30 năm chưa tìm ra được một ý nghĩa đích thực của nó. Nó là gì ? nó là ai? nó từ đâu đến ? và tại sao ta phải lưu lạc ở xứ nầy ?
Đúng ra thì cuộc sống của tôi có nhiều niềm vui hơn nỗi buồn. Vì tôi cười nhiều hơn và hình như chưa khóc một lần nào vì bị thất bại. Chỉ duy nhất có lần khi mất mẹ năm 1966 và động lòng trắc ẩn khi hay tin thân phụ lìa đời tại quê nhà vào năm 1986. Chỉ thế thôi! và có vài lần khóc nữa khi động tâm lúc đến dưới cội Bồ Đề, nơi Đức Phật Thành Đạo và nơi Đức Phật nhập Niết Bàn. Có lẽ tôi không có nhiều thì giờ để buồn, để lo, để hoài niệm hay để khóc thương một cái gì đó của dĩ vãng, mà lúc nào tôi cũng bận rộn; không tụng kinh, ngồi thiền thì cũng dạy chúng. Không đọc sách thì cũng xem báo. Không đi ra vườn thì cũng để mắt xem công việc làm của những người đang làm công quả tại chùa. Suốt ngày, suốt tháng, suốt năm chỉ có trách nhiệm và bổn phận; nhưng bỗng chốc rồi ta cũng sẽ là ta khi chính mình đối diện với mình và phải dọn cho mình một lối đi khi mình còn tỉnh táo và sáng suốt. Có lẽ tôi đã trọn một giấc mơ. Giấc mơ ấy đã giúp cho chính mình tôi và mọi người lên được thuyền Bát Nhã. Khi qua bên kia bờ rồi thì mới thấy ra chiếc thuyền ấy cũng chỉ là phương tiện để đưa hành giả sang sông thôi. Đâu có gì để luyến tiếc.
Nhiều người Phật Tử bảo rằng tôi xử sự trong hiện tại giống như Phật Giáo thời Trần. Tôi không là người của 700 năm về trước nên tôi không sáng rõ. Tuy nhiên nhìn sách sử thì tôi biết được rằng: Vua Trần Thái Tông vì chán ngán cảnh cung cấm đế vương mà băng ngàn lội suối vào núi Yên Tử để gặp Quốc sư Phù Vân để hỏi đạo và có ý tu niệm tại đó; nhưng quân sư Trần Thủ Độ và triều đình không muốn; cho nên nhà vua mới về lại với triều đình và suốt mấy mươi năm còn lại của đời Ngài ngày trị nước chăn dân, tối chong đèn tụng kinh, ngồi thiền và ăn chay niệm Phật. Đó là một bậc quân vương không như bao bậc quân vương khác.
Rồi Trần Nhân Tông lên ngôi năm 1279 cho đến năm 1293 gần 14 năm ở ngôi vua và mấy lần dẹp giặc Nguyên Mông thành công tuyệt thế, qua Hội Nghị Diên Hồng và nhà vua chính thức nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông năm 1294 để năm 1297 nhà vua chính thức xuất gia. Sau khi xuất gia rồi vua vẫn còn ảnh hưởng với dân chúng. Mặc dầu chỉ có danh xưng là Điều Ngự Giác Hoàng. Tuy không còn làm vua; nhưng Giác Hoàng đã chống gậy về phương Nam, đem gả Huyền Trân Công Chúa cho vua nhà Chế, để đổi lấy 2 Châu Ô và Châu Lý. Sử viết rằng khi Anh Tôn lên ngôi, Anh Tông cũng có vị thế của mình; nên khi quân sĩ bắt được giặc đem giao cho Nhân Tông thì Anh Tông không trọng thưởng mà còn có ý trách rằng tại sao quân sĩ không giao cho mình... Đó là chuyện đời xưa. Còn đời nay là chuyện Thầy trò, đệ tử. Bây giờ thì tôi phải đứng sang một bên và nhường bước tiến cho thế hệ đi sau. Do vậy tôi tự động thoái lui chỉ để làm cố vấn. Đệ tử tôi phải có đệ tử và tôi lại lên chức Sư Ông, sống với tư cách là một Phương Trượng của ngôi Tổ Đình Viên Giác nầy vẫn có ý nghĩa hơn là lúc nào cũng bám víu ở ngôi vị trụ trì, Vì tất cả cũng chỉ là mộng chứ đâu có thật tướng mà cứ mãi đua chen.
Tôi tự bỏ mọi thứ để trở về với bản lai diện mục của mình, để cho mọi người ý thức rằng mình không bỏ nó thì sớm muộn gì nó cũng bỏ mình. Có ai luôn luôn làm chủ được tất cả mọi thứ biến đổi trên thế gian nầy đâu. Có cái tâm mà không làm chủ được thì lo gì đi làm chủ thiên hạ. Một Napoléon Đại Đế của nước Pháp bây giờ còn lại gì ? Một chế độ độc tài của Hitler mãi cho đến bây giờ thế giới và nhân dân Đức vẫn còn kinh sợ. Đời là thế đó! Còn Đạo phải khác đi chứ. Nếu cũng như thế thì còn gì là đạo đức, là luân lý, là trí tuệ, mà vốn dĩ những thứ nầy đang sẵn có trong cuộc đời; nhưng vì bị chôn vùi, bị che lấp bởi vô minh phiền não đấy thôi.
Tôi đến xứ Đức nầy cũng như một giấc mộng, tôi làm việc trong 25 năm qua cũng chỉ là một giấc mộng mà thôi và bây giờ đây hay mai hậu tôi không còn ở lại với đời nầy cũng chỉ là một giấc mộng và giấc mộng ấy đối với tôi đã tròn lành. Tuy có thay đổi đấy; nhưng là một hình ảnh đẹp của 25 năm trong cuộc sống thế trần tại một quê hương đất nước tạm dung như thế nầy.
Mong rằng một mai đây ở một nơi chốn xa xăm nào đó ta có cơ hội lại nhắc cho nhau nhớ một đoạn đường của một kiếp nhân sinh trong nẻo luân hồi nầy rằng chúng ta đã hội ngộ nơi đây và những ân nghĩa nghìn trùng ấy dẫu cho chúng ta có thành Phật, thành Bồ Tát đi chăng nữa thì vẫn là một chất liệu dưỡng sinh khi còn hô hấp ở chốn Ta Bà nầy.
Viết xong vào ngày 20 tháng 5 năm 2003 tại thư phòng chùa Viên Giác nhân ngày húy kỵ của Bồ Tát Thích Quảng Đức tự thiêu năm thứ 40.
_______________________________
Ai Cập nằm ở đâu?
● Thích Như Điển
Ai trong chúng ta khi nghe nói đến những nền văn hóa cũ của thế giới cũng đều muốn tìm hiểu để biết. Vì vậy thế giới ngày nay vẫn còn rất nhiều điều mà con người trong giới hạn có thể, muốn có được một bản đồ thu gọn của năm Châu và nếu được nằm hẳn trong đầu óc của con người, sau khi đã thăm viếng những xứ nầy. Dĩ nhiên ngày nay cũng không cần phải đi đến những nơi như thế mới rõ biết hết, mà chỉ cần ngồi nhà, mở máy Computer lên, vào Internet, rồi bấm nút nầy, tắt nút kia ta cũng sẽ có đầy đủ những điều như ý muốn. Thế nhưng điều nầy nó cũng chỉ giống như người xem các món ăn ngon; nhưng trên thực tế thì chưa ăn được những món ăn ấy. Việc đi tham quan các di tích lịch sử trên thế giới cũng giống hệt như thế. Nếu ta chưa đến tận nơi, nó cũng giống như người chưa ăn được món ăn đã được dọn sẵn như trong máy Computer đã được cung cấp từ Internet. Vậy tôi xin mời quý vị hãy cùng tôi đi thăm xứ Ai Cập huyền bí nầy.
Trên thế giới có bốn nền văn minh cổ đại trên 5.000 năm lịch sử gồm bốn nước như: Ấn Độ và Trung Quốc ở Á Châu, Hy Lạp ở Âu Châu và Ai Cập ở Phi Châu. Cả bốn nước nầy tôi đã đi và đã đến. Ba nước Ấn Độ, Trung Quốc và Hy Lạp dưới hình thức nào đó, tôi đã giới thiệu với quý vị độc giả của báo Viên Giác qua các sách vở hay các bài viết đăng rải rác đó đây trên các tạp chí. Riêng phần Ai Cập chúng tôi mới có cơ hội đi vào mùa hè năm 2006; nên hôm nay chúng tôi muốn viết chi tiết về nước nầy để gởi đến quý vị độc giả xa gần của báo Viên Giác.
Lúc cố Hòa Thượng Thích Thiện Trì, Viện Chủ chùa Kim Quang tại Sacramento California Hoa Kỳ còn sinh tiền, Ngài có trao đổi với tôi rằng: “Ngài chỉ chủ trương ở một chỗ và mong biết được tất cả”. Còn tôi thì chủ trương: “Nên đi khắp nơi để được biết tất cả”. Dĩ nhiên ngày xưa những bậc giác ngộ như Chư Bồ Tát hay Chư Phật không cần đi đâu xa, chỉ cần ở một chỗ và phân thân theo phương tiện pháp thân thì nơi nào mà chẳng đến được; nhưng tiếc rằng chúng ta chưa phải là Phật hay Bồ Tát; nên chúng ta chưa thể hiện được sự phân thân nầy. Nếu có chăng chỉ là có trong một số điều kiện nào đó. Ví dụ như ta có thể mở Computer ra, rồi vào mạng, là có thể đi đến xứ đó bình thường trong nháy mắt. Nhưng trong trường hợp nầy thần thông sẽ bị đứt ngay; nếu không có điện hoặc pin. Trường hợp nầy tôi thường hay bảo rằng: “Con người ngày nay vẫn có thần thông; nhưng thần thông nầy có điều kiện. Vì lý do như đã nêu trên; nên nếu được, tôi sẽ tìm mọi điều kiện để đi đến những nơi cần đến để chiêm nghiệm, học hỏi. Đây cũng là lý do chính của bao nhiêu chuyến đi từ xưa đến nay.
Ai Cập nằm ở Bắc Phi Châu. Phía Bắc giáp Địa Trung Hải. Phía Đông giáp với Israel, Jordan, Saudi Arabien. Phía Nam giáp với Sudan, Tschad, Eritrea. Phía Tây giáp với Libyen. Nằm giữa nước Ai Cập có con Kênh đào Suez chạy dài từ Hồng Hải xuyên suốt qua Địa Trung Hải gặp Port Said. Dọc theo thủ đô Cairo có sông Nils chạy dài từ phía Bắc Cairo xuyên qua nước mình và tiếp tục chảy mãi qua các nước Sudan cũng như Eritrea, Äthiopien v.v… Đây là một trong những con sông dài nhất thế giới sánh với Missipsipi ở Hoa Kỳ, với Dương Tử Giang và Trường Giang ở Trung Quốc cũng như sông Hằng của Ấn Độ hay sông Cửu Long của Việt Nam. Đây là một con sông mang phù sa đến các nước, điểm tô thêm màu mỡ cho những đất nước nầy.
Dân số Ai Cập độ 80 triệu người. Riêng thủ đô Cairo đã có đến 17 triệu người đang cư ngụ. Cách đây hơn 20 ngàn năm về trước đã có bộ tộc Nomaden đã sinh sống bên bờ sông Nils và 5 ngàn năm trước sự sinh sống tại bình nguyên nầy trở nên thịnh hành hơn. Các Kim Tự Tháp cũng đã bắt đầu hình thành với 5 ngàn năm lịch sử ấy. Năm 332 trước Thiên Chúa, xứ Alexandria đã ra đời và chính nơi đây là nơi những nhà truyền giáo do Vua A Dục đã gởi đến từ Ấn Độ. Gần đây có sử gia người Đức đã chứng minh qua khảo cổ học rằng: Xứ Alexandria là xứ rất an bình và thuở ấy đã có một hải cảng quan trọng để tiếp nhận những thương thuyền cũng như những người Ấn Độ đến đây bằng Lạc Đà qua con đường văn minh tơ lụa, nên Alexandria đã nổi tiếng một thời. Uy danh của vua A Dục vào thế kỷ thứ 3 trước Tây Lịch không nhỏ; do vậy Phật Giáo đã có mặt tại Bắc Phi kể từ đó đến bây giờ. Đến năm thứ 3 trước Thiên Chúa, Đạo Thiên Chúa mới được truyền sang đây. Mặc dầu Israel (Do Thái) về phương diện địa lý không cách xa Ai Cập bao nhiêu so với Ấn Độ; nhưng vì lẽ Đức Phật sinh trước Đức Chúa cả hơn 500 năm. Do đó sự hiện diện của Phật Giáo ở Alexandria lâu hơn Đạo Thiên Chúa cũng là việc bình thường. Nhưng đến thế kỷ thứ 12 trở đi, cả Đạo Phật lẫn Đạo Thiên Chúa đều bị Hồi Giáo thôn tính. Không những họ thôn tính tại các nước Trung Đông nơi phát xuất Đạo Hồi mà họ còn tấn công sang cả Ấn Độ để tiêu diệt tất cả những gì mà Phật Giáo đã gầy dựng từ thế kỷ thứ 5 trước Thiên Chúa cho đến thế kỷ thứ 12 sau Thiên Chúa.
Cách đây gần 20 năm chúng tôi có dịp đến viếng Tunesien. Đây là một xứ thuộc thuộc địa của Pháp cũng nằm tận Bắc Phi Châu và cũng đã chứng kiến thấy tất cả nhà thờ Thiên Chúa Giáo đều bị đập phá chỉ còn sót lại những giáo đường của Hồi Giáo mà thôi và ngay cả ở Ai Cập cũng vậy, nơi chúng tôi đã đặt chân đến vào tháng 7 năm 2006 vừa qua, cũng chẳng thấy một giáo đường Thiên Chúa Giáo nào mà hầu như chỉ còn lại những Moschee của Hồi Giáo, mặc dầu Thiên Chúa Giáo đã được truyền vào đây hơn 2.000 năm lịch sử.
Năm 639 Ai Cập lấy Hồi Giáo làm quốc giáo và có lẽ tất cả các xứ Trung Đông kéo dài cho đến Bắc Phi và một phần của Á Châu đều bị Hồi Giáo hóa kể từ giai đoạn thế kỷ thứ 7 cho đến nay. Thế giới Hồi Giáo hầu như chưa dừng chân truyền đạo qua các xứ khác. Dĩ nhiên việc truyền đạo ngày nay không giống như ngày xưa nữa. Vì lẽ con người đã chối từ bạo lực. Không thể dùng sức mạnh về quyền lực hay vũ khí để bắt họ phải tin theo một vị Chúa Tể nào. Vào thế kỷ thứ 12 khi quân Hồi Giáo của các nước Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Irak tiến chiếm Ấn Độ và khi đến Đại Học Nalanda ở xứ Ma Kiệt Đà họ đã giết hơn 10 ngàn Tăng Sĩ là sinh viên, học giả đang tu học tại đó. Vì những vị Tăng Sĩ nầy không chịu chấp nhận Kinh Koran của họ. Tuy thế nhưng họ không tủi nhục. Vì những vị Tăng Sĩ nầy không đi ngược lại tôn chỉ Từ Bi và Trí Tuệ của Đạo Phật.
Ở đây cũng xin mở một dấu ngoặc để thấy rõ về những sự phát triển của Phật Giáo cũng như Thiên Chúa Giáo thuở ấy. Quê hương, gốc rễ của Phật Giáo phát xuất từ Ấn Độ; nhưng hầu như cây giác ngộ nầy chỉ sum sê hoa trái độ một ngàn năm và cành lá ấy vươn cao cũng như vươn rộng đến các xứ Á Châu khác và ngày nay là Âu, Mỹ và Úc Châu. Trong khi đó Đạo Thiên Chúa được phát sinh tại Trung Đông, nhưng ngày nay Đạo Thiên Chúa ở Trung Đông không còn thuần nhất và phát triển mạnh như ở các nước tại Âu Châu hay Mỹ Châu và Úc Châu nữa. Có lẽ cái gốc của mỗi đạo chỉ đóng một vai trò nhất định là sinh ra các bậc Thánh Nhơn, còn ngọn mới là nơi chốn cũng như mục đích của cành lá phát triển về sau nầy. Tuy vậy Đạo Khổng cũng như Đạo Lão không vươn vai khỏi xứ Trung Quốc bao nhiêu; nếu có chăng cũng chỉ một vài nước tại Á Châu như Việt Nam, Đại Hàn và Nhật Bản có ảnh hưởng. Điều nầy cũng giống như Ấn Độ Giáo. Tuy Tôn Giáo nầy đã có mặt hơn 5 ngàn năm lịch sử tại xứ Ấn; nhưng giáo lý đa thần hoặc hữu thần ấy không vượt khỏi biên cương của Á Châu để đi vào quần chúng như Đạo Phật, Đạo Thiên Chúa và Đạo Hồi.
Cuối thế kỷ thứ 17 thời Napoleon của Pháp. Quân đội viễn chinh đã có mặt tại đất nước nầy và ngành khảo cổ học đã khai quật những xác ướp mấy ngàn năm cũng như giới thiệu cho thế giới biết về những Kim Tự Tháp nổi tiếng tại Ai Cập. Vốn thế giới vẫn lưu tâm điều nầy; nhưng chưa rõ nơi quê hương bên dòng sông Nils ấy với phép lạ nào mà những thi thể của Vua Chúa và Hoàng Hậu có thể giữ lâu đến như vậy và mãi cho đến ngày nay, việc nầy vẫn còn là những bí hiểm chưa giải thích được.
Khi người Pháp đến Ai Cập cũng như đến Việt Nam, họ mang theo Giáo Lý cũng như những Giáo Sĩ của Đạo Thiên Chúa đến cùng và dĩ nhiên Thiên Chúa Giáo tại Ai Cập được tái lập lại, đồng thời với bước chân viễn chinh đến Á Châu, họ đã cho xây những nhà thờ cũng như Vương Cung Thánh Đường để chứng tỏ cho sức mạnh của phương tây và nhằm có nơi chốn cho những tín đồ đến lễ bái nguyện cầu.
Cho đến đầu thế kỷ thứ 19 Ai Cập vẫn còn chánh sách bế quan tỏa cảng đối với Âu Châu; nhưng thời của Muhammad Ali (1805-1848) họ đã bắt đầu hội nhập với Âu Châu trên nhiều bình diện. Đến năm 1882 người Anh thay người Pháp chính thức ngự trị xứ nầy cho đến năm 1914 khi mà Đệ Nhứt Thế Chiến đã bắt đầu bùng nổ tại Âu Châu. Sau đó là thời gian ly loạn và từ năm 1952 Ai Cập chính thức trở thành một quốc gia dân chủ cho đến ngày hôm nay.
Lịch sử của một nước đã bắt đầu như vậy và trải qua những tang thương ngẫu lục của suốt một chu kỳ dài mấy ngàn năm lịch sử; nhưng rồi sau đây cả ngàn năm hay 10 ngàn năm nữa không biết rồi thế giới sẽ thay đổi ra sao? Cũng như những chế độ, những sự phát triển của Đạo Hồi sẽ như thế nào? Điều nầy rõ ràng là chưa có câu trả lời gì đích xác cả.
Nếu ai đó có đi Pháp và đến Paris, thăm công trường Concorde ta thấy nhiều trụ đá lớn được dựng lên giữa trời đất và trên trụ đá ấy khắc nhiều hình dáng của các con vật trông thật ngộ nghĩnh. Đó chính là những chiến lợi phẩm của thời Napoleon đến Ai Cập cai trị và đã mang những vật nầy về đây để trưng bày. Thời đó có thể gọi là chiến lợi phẩm; nhưng ở thời điểm thế kỷ thứ 21 bây giờ khi ta nhìn những di tích bị lấy đi của một dân tộc và đem về quê hương mình để phô trương lên cho mọi người biết. Rõ ràng là “Lạy ông tôi ở bụi nầy”. Khi người ăn trộm muốn trốn mà còn la lên cho người khác biết rằng mình đang ở đây, thì quả là không xứng đáng với văn minh không bạo lực. Đã là một nền văn minh thì văn minh phải bằng trí tuệ, văn minh ấy mới lâu dài, chứ văn minh của bạo lực không chóng thì chầy cũng sẽ bị những bạo lực khác thôn tính và tìm cách để chiếm thế thượng phong.
Khi học chữ Hán, tôi biết rằng ngôn ngữ nầy hầu như được viết theo lối tượng hình. Nghĩa là chữ ấy biểu hiện đặc tính của vật ấy. Ví dụ như những gì thuộc về nước đều có ba chấm thủy; giống như những giọt nước. Những gì thuộc về lửa đều có biểu hiện bởi sức nóng. Những gì thuộc về cây cối đều có chữ mộc đi kèm. Chữ mộc tượng trưng cho hạt mầm đang tỏa ra hai lá non. Bên trên đang chuẩn bị chờ phát triển và bên dưới đang bám sâu vào lòng đất. Những gì thuộc về đất đều có bộ thổ đi kèm. Hầu như trong tứ đại đất, nước, gió và lửa; đất giữ vai trò tương đối quan trọng. Vì lẽ tất cả mọi vật gì cũng từ đất phát sanh. Đất cho ta hoa màu, chỗ đứng, chỗ nương tựa. Đất nuôi dưỡng con người lớn khôn rồi khi chết đi cũng sẽ nằm yên trong lòng đất. Trong khi đó nước, gió và lửa đi làm nhiệm vụ khác ở những nơi khác.
Tôi thấy chữ Hán hay; nhưng không ngờ chữ Ai Cập cũng dùng theo lối tượng hình nữa. Dĩ nhiên là tôi mù tịt về tiếng Ai Cập; nhưng khi nhìn chữ và hình thì biết mỗi con vật tượng trưng cho một chữ đó. Ví dụ như con chim két tượng trưng cho chữ A. Bàn chân tượng trưng cho B; bàn tay như chữ D. Dòng sông tượng trưng cho chữ N. Mặt trời tượng trưng cho chữ KH; mặt trăng như chữ T. Con rắn tượng trưng chữ DJ. Con sư tử tượng trưng cho chữ L v.v… Họ có 24 chữ cái đều viết theo lối tượng hình. Nếu ai đó học được ngôn ngữ nầy chắc chắn cũng sẽ có những điều thú vị. Vì biết được một ngôn ngữ tức biết thêm được về đời sống, văn hóa, tôn giáo, học thuật cũng như tập quán của xứ kia vậy.
Tiện đây xin mời quý vị đi thăm những Kim Tự Tháp tại Giza cách thủ đô Cairo chừng 40 cây số về hướng Bắc. Thật sự ra Ai Cập có cả hàng trăm Kim Tự Tháp như thế; nhưng ngày nay chỉ còn độ vài chục Kim Tự Tháp và mỗi Kim Tự Tháp đều mang một vẻ huyền bí khác nhau; nhưng tựu chung những nơi nầy dùng để chôn xác của Vua và Hoàng Hậu cũng như những lễ vật bằng vàng bạc được chôn theo sau khi chết. Người xưa suy nghĩ thực tế rằng khi sống dùng cái gì thì khi chết cũng dùng thứ ấy. Nhưng nếu đem những đồ bằng đất, bằng gạch theo sợ bị mau hư; nên họ cho đem theo toàn là những đồ làm bằng vàng để giữ cho được lâu ở dưới những ngôi mộ thần bí ấy.
Hình Kim Tự Tháp Cheops
Tiếng Đức gọi là Pyramide và tiếng Hoa là “Kim Tự Tháp”. “Kim” là vàng; nhưng thực sự ra ở đây làm bằng đá quý. Như đá hoa cương, đá cẩm thạch, khi mặt trời ló dạng chúng chiếu lên những tia nắng như vàng; nên người Hoa gọi là “Kim” để chỉ cho tính chất đẹp và bền bỉ ấy và cũng đâu biết rằng họ có thể phiên âm theo lối chiết tự cũng nên. “Tự” ở đây có nghĩa là kết nối lại và chữ “Tháp” có nghĩa là ngôi nhà có nhiều từng. Đại khái chữ tượng hình chúng ta hiểu như vậy; nhưng cũng có thể nó diễn tả những ý nghĩa khác nữa. Tại Giza có Kim Tự Tháp Khufu và ngày nay được biết dưới tên Cheops. Tháp nầy nguyên thủy cao 146,72 thước và bây giờ người ta đo được còn 137 thước. Có lẽ thời gian năm tháng trải qua những phong ba cùng tuế nguyệt, nào động đất, thời tiết v.v.., nên Tháp nầy bị lún sâu xuống như thế. Tháp vuông vức bốn cạnh. Mỗi cạnh chiều dài là 230 thước. Tất cả Tháp đều cấu tạo bằng 2.300.000 viên đá. Mỗi viên nặng 2.500 kg. Người ta đoán rằng thời gian xây dựng phải kéo dài ít nhất là 30 năm và như thế cứ 7 phút phải sắp xong một hòn đá nặng như thế. Đây thật khó có thể tính bằng cách tính mà chỉ có thể cảm nhận bằng đức tin và sự sùng bái quân vương hoặc những tù nhân phải thực hiện nếu không muốn chết.
Những công trình như Angkor Wat ở Campuchia hay Borobudur ở Indonesien có thể so sánh với những Kim Tự Tháp ở Ai Cập. Vì vậy những nơi nầy được liệt kê vào 7 kỳ quan trên thế giới và mãi cho đến bây giờ những kỳ quan nầy vẫn được nhân loại tín nhiệm tiếp tục, chứ không bị gạt ra ngoài danh sách hãn hữu ấy. Khi đến đây rồi mới thấy khả năng của con người nhỏ bé quá đối với những công trình to lớn như thế nào và làm sao họ có thể mang những tảng đá nặng như thế lên cao như vậy. Ngoài sức người ra có vị Trời Tứ Thiên Vương nào đến giúp cho chăng? Hay những vật nầy tự nhiên xuất hiện trên những sa mạc hoang vu ở miền Bắc Phi nầy?
Tôi đứng nhìn những con lạc đà đang nhơi lại thức ăn và chờ khách đến để chở đi, thầm nhớ lại lời Đức Phật dạy rằng: “Cái khổ của con lạc đà chở nặng trong bãi sa mạc. Ấy chưa gọi là khổ, mà cái khổ của người ngu si không trí tuệ, ấy mới là khổ”. Mình không là lạc đà nên không biết là khổ hay là vui; nhưng nếu làm người mà không có Trí Tuệ thì chắc chắn khổ lắm.
Ở xứ nóng bao nhiêu thì họ càng mặc đồ dày bấy nhiêu. Điều nầy tôi lấy làm lạ; nhưng thật sự ra mặc như thế vẫn mát và ấm áp hơn. Vì cát, sỏi của sa mạc khó chen vào bên trong, vì được giữ kín và nếu cái nóng có vụt đến thì phải bị biến mất, vì sự nóng kia không đủ khả năng để chui qua lớp vải dày ấy.
Người Hồi Giáo Ai Cập họ có một tháng chay trong bốn tuần lễ. Ban ngày không ăn chỉ sinh hoạt về đêm. Họ gọi lễ nầy là Ramadan. Lễ nầy thường kết thúc vào cuối tháng mười dương lịch và sau lễ, họ nghỉ lễ ba ngày để kỷ niệm. Dĩ nhiên đã chay thì phải tịnh nữa; nên những người bên Hồi Giáo cũng có những giới ngăn như bên Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo vậy. Tuy có khác nhau; nhưng mục đích chính vẫn là thăng hoa cuộc sống nội tâm của mỗi con người theo đạo.
Hôm đó vào một đêm trăng mờ của tháng 7 năm 2006 tôi đã đến chân tháp Cheops trước tượng đầu người mình thú, cũng có một lịch sử thật ly kỳ. Khi nghe hướng dẫn, khách hành hương sẽ tìm về những dấu tích xa xưa của thời kỳ tiền sử. Âm thanh và ánh sáng chập chùng lúc tỏ lúc hiện và vượt lên cả không gian yên tĩnh của sa mạc làm cho con người khó diễn tả được những gì mình đã và đương nghe được về những sự thuyết minh bằng tiếng Đức. Không gian ấy là hoạt cảnh sống động của không gian 5 ngàn năm về trước và hoàn cảnh ấy vẫn là hoàn cảnh của ngày nay sau 5 ngàn năm của thành phố Giza nầy.
Người ngồi đây nghe và chứng kiến những dữ kiện lịch sử lui về trong quá khứ không phải là một tín đồ Hồi Giáo mà là một Tăng Sĩ Phật Giáo; nên những người Âu Mỹ ngồi chung quanh tôi họ cũng có những ánh mắt tò mò. Nhưng dầu sao đi nữa đây cũng là một đêm nhạc tuyệt vời giữa thiên nhiên với sa mạc, với Kim Tự Tháp, với âm thanh rùng rợn và với ánh sáng đèn màu.
Bên cạnh Vua bao giờ Hoàng Hậu cũng nằm đó, trông rất thê lương và cảnh cũ giờ đây đã chứng minh cho sự vang bóng một thời của những vương triều xa xưa. Tôi đứng dậy và nhủ thầm: “Rõ ràng lời Phật dạy rất đúng. Vì lẽ tất cả các pháp đều bị sự vô thường và sanh diệt chi phối. Dẫu là lâu đài, cung điện nguy nga…, tất cả cũng được làm bằng đất đá. Qua thời gian năm tháng đất đá ấy cũng phải trở về nguyên thủy của đất đá mà thôi”. Đúng là “để xem con tạo xoay vần đến đâu”; nhưng xoay đi đâu thì đi, cuối cùng cũng phải chịu sự biến thiên của lịch sử và của nhân quả vậy”.
Những ngày ở Ai Cập tôi đã ra chợ để đi thăm những quầy hàng của những người nông dân buôn bán, sinh sống bên dòng sông Nils. Tuy họ nghèo; nhưng họ rất hạnh phúc. Hầu như họ không biết nói thách là gì, mặc dầu họ biết chúng tôi là người ngoại quốc. Có những cái nhìn hơi tò mò; nhưng đa phần họ hiểu chúng tôi là Phật Giáo; nên đi đâu và ngay cả ở trong đền thờ Hồi Giáo họ đều chào chúng tôi bằng lối chắp tay lại và nói rằng: “Đạt Lai Lạt Ma”.
Đạo Phật ngày hôm nay không dừng ở đó, mà trong tất cả mọi lãnh vực của đời sống như ẩm thực, âm nhạc, nghệ thuật v.v…, bất cứ nơi đâu cũng đều có sự hiện hữu của Đạo Phật ở nhiều hình thức khác nhau. Nhiều người nghĩ rằng Hồi Giáo cực đoan. Nhưng tôi thấy những ngày ở Ai Cập thật thoải mái. Có lẽ do con người chủ trương sai và làm sai; chứ thực ra đạo không sai. Vì chẳng có đạo nào dạy cho con người đi làm trái đạo cả.
Tôi cũng mong rằng quý vị cũng nên có dịp để viếng thăm Ai Cập một chuyến để đến tận nơi và xem tận mắt thì điều ấy mới chính mình là những người đang thưởng thức những món ngon vật lạ trực tiếp, chứ không phải chỉ nhìn qua ánh mắt mà thôi. Mong được như vậy. ◙
_______________________
Nước Úc có gì lạ?
● Thích Như Điển
Trước năm 1975 các sinh viên miền Nam Việt Nam nếu muốn đi du học ở ngoại quốc, đầu tiên thường hay chọn theo thứ tự là Hoa Kỳ, Canada, Úc, Đức, Anh, Nhật v.v… Vì những nơi nầy có nền giáo dục cao. Dĩ nhiên Tích Lan, Tân Tây Lan, Ấn Độ, Đài Loan và sau năm 1973 là Pháp cũng được chọn theo, những thứ tự ưu tiên như tài chánh, ảnh hưởng của thế giới, sau khi học hành thành tài về lại nước v.v… Đó là những lý do để cho các sinh viên Việt Nam chọn mặt gởi vàng khi đến du học tại nước đó.
Sau năm 1975 làn sóng người Việt tỵ nạn càng ngày càng cao và thời điểm cao nhất có thể nói là cả thập niên 80; nghĩa là từ năm 1980 đến năm 1989 có cả hằng trăm ngàn, hằng triệu người đã bỏ nước ra đi. Vì chỉ muốn mình được sống trọn vẹn với hai chữ TỰ DO. Khi danh từ boat people được thế giới lưu tâm đến và các quốc gia Âu Mỹ mở rộng vòng tay nhân đạo để đón rước những người ra đi tỵ nạn bằng thuyền nầy khi còn tạm cư tại các trại ở Đông Nam Á Châu, thì hầu như mọi người cũng đều chọn Mỹ là ưu tiên số một rồi sau đó mới đến Canada, Pháp, Úc v.v…, còn những nước khác như Đức, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan v.v… là những nước hầu như không có danh sách được sắp hàng trong ý nghĩ của những người đi tỵ nạn. Lý do đơn giản có thể là lâu nay người miền Nam Việt Nam chỉ giao dịch với những xã hội nói tiếng Anh và tiếng Pháp, còn tiếng Đức hay các tiếng Bắc Âu cũng như tiếng Nhật họ hoàn toàn xa lạ. Vả lại ai cũng nghĩ rằng: Đến Mỹ và Canada gia đình họ, trong đó có những thế hệ con cái của họ về sau nầy sẽ dễ hội nhập cũng như dễ thành đạt hơn là các nước khác. Mặc dầu có nhiều gia đình được tàu Cap Anamur của ông Tiến sĩ Neudeck người Đức vớt hơn 10.000 người; nhưng không phải ai cũng muốn đi Đức. Đồng thời có nhiều người được tàu Na Uy, Nhật Bản, Đan Mạch, Đại Hàn vớt ngoài biển Đông; nhưng khi đến trại tạm cư, ai cũng muốn đi Mỹ. Còn Úc có lẽ là ưu tiên 3, 4, chứ không phải ưu tiên hàng đầu.
Hiện nay số người Việt Nam định cư tại Úc khá đông. Con số ước định có thể lên đến 200.000 người. Đa phần người Việt định cư tại các thành phố lớn như Sydney, Melbourne, Adelaide, Brisbane, Perth. Còn những thành phố nhỏ như Canberra, Darwin, Cairns v.v.., số người định cư không quá 5.000 người mỗi nơi. Có rất nhiều người Việt ở Úc nhưng chưa đi hết nước Úc; trong khi đó rất nhiều người ngoại quốc đa phần là Đức và Nhật họ đã thám hiểm xứ Úc nầy nhiều hơn là người địa phương.
Riêng cá nhân tôi đã có nhân duyên đến Úc lần đầu tiên vào năm 1979, cho đến nay 2007 đã qua 28 năm và hầu như mỗi năm đều đến Úc một lần; nhưng đa phần chỉ ở vùng Sydney và một vài thành phố lớn khác, chứ chưa có thời gian và cơ hội để đi khắp nước Úc. Do vậy tôi có bàn với Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, bào huynh của tôi, sau khi ở Úc 27 năm; là nên đi tham quan xứ Úc một lần cho biết, nhất là sau khi đã trao quyền trụ trì lại cho Thầy Phổ Huân kể từ ngày 24 tháng 12 năm 2006 và Hòa Thượng đã đồng ý. Như vậy thời gian và ý chí mạo hiểm là những điều tiên quyết, để Hòa Thượng dẫn đệ tử tại gia là Chúc Đạm đi theo cùng, nhằm giúp đỡ khi giao dịch bằng ngôn ngữ địa phương chánh hiệu và tôi mang theo chú Hạnh Bổn để giúp đỡ những công việc cần thiết khác.
Phái đoàn chỉ có 4 người và bắt đầu đi từ Sydney ngày 30 tháng 12 năm 2006 đến Adelaide để tham dự khóa tu học Phật Pháp Úc châu kỳ 6 từ ngày 31 tháng 12 năm 2006 đến ngày 4 tháng 1 năm 2007. Sau đó từ ngày 5 tháng 1 năm 2007 đến ngày 26 tháng 1 năm 2007 là những ngày lý thú có tính cách Adventures (mạo hiểm) của những người muốn thăm viếng cũng như học hỏi và tìm hiểu xứ Úc nầy.
Nước Úc tiếng Anh gọi là Australia; nhưng người địa phương nói nhanh là Aussie và còn một danh từ khác ít ai dùng đến; đó là Down Under. Down có nghĩa là dưới và Under cũng không ngoài nghĩa đó. Do vậy phải dịch là miệt dưới mới đúng nghĩa của nó. Nhưng tại sao gọi là miệt dưới? Vì lẽ Úc nằm phía Nam đường xích đạo và có thời tiết cũng như khí hậu không giống bất cứ một nước nào của các châu lục trên thế giới. Nghĩa là trong khi Âu, Mỹ vào Đông tuyết rơi phủ trắng cả không gian thì Úc châu là mùa Hè, nắng ơi là nắng. Đôi khi vào mùa Giáng Sinh ở Úc nhiệt độ lên đến trên 40độ C, trong khi Âu Châu mùa Hè, thì Úc Châu mùa Đông. Tuy không có tuyết tại lục địa này ngoại trừ Tasmania và những vùng núi cao, nhưng có nơi về đêm nhiệt độ cũng xuống đến 0độ C. Nói một cách dễ hiểu là ở Âu, Á, Mỹ, Phi mùa Đông thì ở Úc mùa Hè. Ở các lục địa trên mùa Xuân thì ở Úc mùa Thu và thì giờ giữa Úc và các châu lục khác cũng cách nhau hơn mười hai tiếng đồng hồ. Vì lẽ đó nên gọi là miệt dưới.
Nước Úc có 6 tiểu bang và 2 vùng tự trị. Đó là các tiểu bang New South Wales, Victoria, South Australia, Queensland, Western Australia, Tasmania và 2 vùng lãnh thổ tự trị Northern Territory và thủ đô Canberra. Đây cũng có thể gọi là vùng riêng biệt, có thủ hiến và luật lệ riêng. Ngay cả vùng Northern Territory có thủ phủ là Darwin họ cũng có cờ riêng của thổ dân (Aboriginal) và hầu như đất đai cũng thuộc riêng của thổ dân, mặc dầu miền nầy vẫn nằm trong lãnh thổ Úc. Có lẽ người thổ dân quan niệm rằng trước khi người Anh đến cách đây hơn 200 năm về trước, thì tổ tiên họ đã sinh sống tại đây hằng mấy chục ngàn năm rồi.
Để so sánh độ lớn của các châu và các nước trên thế giới đối với nước Úc như thế nào, chúng ta có thể nhìn vào hình Postcard dưới đây để mô tả rõ về điều ấy.
Cả nước Anh và Ái Nhĩ Lan chỉ bằng một phần hai mươi của xứ Úc; cả nước Nhật và nước Việt Nam chỉ bằng một phần hai mươi ba của xứ sở rộng rãi nầy. Riêng tiểu bang New South Wales đã lớn gấp 6 lần nước Việt Nam và nước Đức rồi. Nước Hoa Kỳ kể luôn Alaska thì lớn hơn nước Úc một ít; nhưng Hoa Kỳ có đến hơn 300 triệu dân, trong khi đó Úc chỉ có hơn 20 triệu dân. Nghĩa là dân số Úc chỉ chiếm chưa được một phần mười của Hoa Kỳ. Vấn đề quan trọng ở xứ Kangaroo nầy là nước. Nước cần thiết hơn là vàng hay Uranium tại lục địa to lớn này. Một điều khủng khiếp khó ai tưởng tượng nổi là cả lục địa Âu Châu gồm trên 20 nước lớn nhỏ, có tổng sản lượng quốc gia ngang hàng với Mỹ mà được bỏ gọn vào trong nước Úc. Đó là những nước như: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Đức, Ý, Thụy Sĩ, Lichtenstein, Lục Xâm Bảo, Áo, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Tiệp Khắc, Hung Gia Lợi, Bảo Gia Lợi, Albani, Bỉ, Hòa Lan, Đan Mạch… Còn Tân Tây Lan vốn ở gần với Úc, có khí hậu cũng như thời tiết hoàn toàn giống như nước Úc; nhưng cũng rất nhỏ so với lục địa nầy. Cuối cùng độ lớn của nước Úc có thể so sánh với các nước Đông Nam Á Châu bằng tổng thể của các nước như sau: Singapore, Indonesia, Malaysia, Philippines, Miến Điện, Việt Nam, Cam Bốt, Lào, Thái Lan, Đài Loan và một phần phía Nam của Trung Quốc. Như vậy có thể nói rằng Úc Châu là một lục địa đất đai còn mênh mông bát ngát và con người thì còn thưa thớt; người di dân chỉ mới đặt chân đến đây chừng hơn 200 năm lịch sử mà thôi.
Adelaide là thủ phủ của tiểu bang South Australia. Nơi đây có ngôi chùa Pháp Hoa do Hòa Thượng Thích Như Huệ sáng lập và làm Phương Trượng. Đồng bào Việt Nam chúng ta ở đây đa phần sống bằng nghề làm Farm (làm rẫy), trồng các cây trái Á Châu trong những khu vườn bát ngát bởi những dải bạc hay Nylon được che phủ bên trên để ngừa khi mưa nắng. Có những Farm đi mỏi chân vẫn chưa hết ruộng và cây trái. Đa phần những chủ Farm ở đây trồng cà chua, dưa leo, đậu ve, cải bẹ xanh, ớt sừng trâu, cà tím v.v… Nghe đâu có khi cũng được mùa mà nhiều lúc cũng rất ế ẩm.
Đoàn chúng tôi được các Phật Tử địa phương đưa đi thăm Victoria Harbour. Đây là một cảng nhỏ nằm cách Adelaide chừng hơn một tiếng đồng hồ lái xe. Có những con ngựa thật to con, kéo cả một toa xe lửa nhỏ, trên đó chở cả hằng mấy chục người. Chúng tôi đi qua đảo bằng chiếc cầu thật thơ mộng và sau đó đi quanh núi để chụp hình lưu niệm. Tôi nhủ thầm: Nếu là Âu Châu thì chính phủ đã lấy tiền vào cửa rồi; nhưng ở đây có lẽ chưa lấy. Vì ngân sách của chính phủ còn dồi dào. Vì đảo rất đẹp và nên thơ, nếu ai đó đến Adelaide mà quên viếng thăm địa điểm nầy là một điều thiếu sót lớn.
Địa phương thứ hai mà chúng tôi đến là Perth. Ban đầu chúng tôi muốn đi xe Bus hay xe lửa để ngắm cảnh. Nhưng cuối cùng hãng du lịch Skybus Mekong của anh Minh Dũng Lê Thắng Tiến và cô Diệu Yên cho biết xe Bus không chạy đường trường nầy, có lẽ ít khách, chỉ có xe lửa. Nếu đi giường nằm thì phải trả 1.000 Đô La Úc một vé cho một vòng; nếu ghế ngồi độ gần 400 Đô La Úc. Trong khi đó đi máy bay chỉ có 3 tiếng đồng hồ mà chỉ tốn có 400 Đô La Úc cho mỗi người; nên cuối cùng chúng tôi đã chọn phương tiện nầy.
Đến phi trường Perth chúng tôi thuê xe cho Chúc Đạm và Hạnh Bổn tự lái đến khách sạn. Ngày kế tiếp chúng tôi đi tham quan những công viên và cảnh trí tại địa phương. Mặc dầu chúng tôi biết rằng tại đây đã có chùa Phổ Quang do Thượng Tọa Thích Phước Nhơn làm Phương Trượng; nếu cố ý làm phiền Thầy ấy cũng được; nhưng chúng tôi chỉ muốn tự do hơn để tự đi thám hiểm mọi nơi của xứ Úc; nên chỉ ghé thăm chùa độ 30 phút rồi đi. Ngôi chùa bây giờ đẹp hơn năm 2000 lúc khánh thành nhiều lắm. Nhất là năm 2007 Thượng Tọa sắp cử hành lễ kỷ niệm 25 năm thành lập nên cảnh vật chung quanh chùa lại được chăm sóc kỹ càng hơn. Trông thật xứng đáng với một ngôi tự viện của Phật Giáo Việt Nam ở miền Tây Úc nầy. Chúng tôi cũng đã có ghé qua thăm chùa Chánh Giác ở ngay trong phố và ngôi chùa nầy cũng đã có mặt tại vùng Tây Úc này không dưới 25 năm. Đến công viên Perth, nhà thơ Sông Thu tức Hòa Thượng Thích Bảo Lạc tức cảnh đã làm thơ để mô tả về cảnh trí thiên nhiên tuyệt mỹ này như sau:
Botanic Garden(Perth)
Khen ai khéo họa nên hình
Non sông tươi đẹp hữu tình thần tiên
Tây Đô đất Perth diệu hiền
Nước mây hòa quyện giữa miền công viên
Botanic sông biển gắn liền
Cây xanh nước biếc mối duyên mặn mà
Cận kề phố thị phồn hoa
Vươn cao chớm chở những tòa building
Soi mình dưới dòng sông xanh
Cầu kiều, xe cộ lượn quanh chạy dài
Xa xa trời nước hòa hai
Thiên đường hạ giới nào sai danh truyền
Gần gũi với người hữu duyên
Ghé qua ngoạn cảnh thiên nhiên tuyệt vời
Môi sinh – đất nước – con người
Muôn đời tươi đẹp vòm trời thiên thanh.
Từ khách sạn đến bến xe Bus phải đi Taxi; lại gặp đúng một anh tài xế Việt Nam và hỏi ra mới biết là có quen với Ba Mẹ của Chúc Đạm khi còn trong trại tỵ nạn ở Hồng Kông hơn 20 năm về trước. Cho nên ông bà mình hay nói: “quả đất vẫn tròn” là vậy. Từ Perth đến Broome đoạn đường nầy dài trên 2.200 cây số, chúng tôi phải ngồi xe Bus suốt cả 2 ngày và một đêm trên chuyến lữ hành do hãng Greyhound chuyên chở và 4 tài xế đã thay phiên nhau lái qua các chặng đường như Geraldton, Carnarvon, Exmouth, Port Hedland và cuối cùng là Broome. Đây là một thành phố nhỏ mới được khai phá. Có một phi trường cỏn con. Trong khi đó có Chinatown tương đối lớn và lâu đời. Chúng tôi ở cư xá của những người sinh viên trẻ và đi thăm hải cảng, chùa Phật Giáo người Úc cũng như đặc biệt thăm 2 nghĩa trang của người Nhật và người Hoa. Người Hoa đến đây lý do tìm vàng và người Nhật đến đây cũng như thế. Họ đã chết trên đường đến Úc vì giông bão; hoặc giả đệ nhị thế chiến (1939-1945) Nhật đã thả bom cảng nầy vào Úc năm 1942. Sau đó họ chiếm nơi nầy cho đến 1945 và từ đó có những người Nhật sau khi thua trận không trở về nước, họ ở lại đây để sinh sống và cũng chết tại đây. Gần cả ngàn ngôi mộ vẫn còn khắc trên bia tên tuổi, ngày tháng năm sinh cũng như năm mất; nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy vài ngôi mộ không chủ, trên đó có khắc 3 chữ: Vô Duyên Phật. Nghĩa là người nầy không có duyên với Phật. Lẽ ra phải khắc vô danh mộ thì đúng hơn.
Trên đường đi chúng tôi gặp rất nhiều người Đức và những người Nhật trẻ đi thám hiểm lục địa nầy. Riêng thổ dân có rất nhiều người chắp hai tay lại để chào và họ biết chúng tôi là tu sĩ Phật Giáo. Đồng thời trên những xe Bus hay gặp ngoài đường phố rất nhiều người Úc, người Đức, người Pháp, Người Ý đã vui vẻ gợi chuyện qua lòng từ bi, trí tuệ của Đạo Phật. Đặc biệt họ hay nói về sự khoan dung của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Đạo Phật không có cơ quan truyền giáo, nhưng đạo Phật đã đi vào lòng người Âu Mỹ ngày nay bằng những cái nhoẻn miệng cười và chắp hai tay lại để chào; như thế cũng đủ thấy giáo lý của Đức Phật vô hình chung đã cảm hóa họ một cách rất dễ dàng...
Rời Broome bằng xe Bus vào buổi tối và cho đến tối hôm sau thì mới đến Darwin. Nơi đây là thủ phủ của vùng tự trị Northern Territory và có số người Việt sinh sống không trên 3.000 người. Như vậy chúng tôi đã ngồi xe Bus thêm 24 tiếng đồng hồ nữa và đoạn đường nầy dài khoảng 1.500 cây số xuyên qua các vùng Kununurra, Katherine và cuối cùng là Darwin. Phố ở đây không lớn lắm, nếu đi bộ chừng 5 tiếng đồng hồ là hết phố. Tuy nhiên phố tương đối đẹp. Có Botanic Garden và đặc biệt có công viên quốc gia gọi là Charles Darwin, để kỷ niệm người sáng lập ra thuyết “tiến hóa luận”. Đây cũng là bước đầu để nhà bác học Albert Einstein sau nầy tiến cao hơn một bước nữa thành lập thuyết “ tương đối luận”. Rồi dần dần đến cuối thế kỷ thứ 20 nhà bác học người Anh tên là Stephen Hawkin đã thành lập thuyết “thời gian không có bắt đầu và không có cuối cùng” tương tự như quan niệm của Đức Phật trong kinh Hoa Nghiêm về “trùng trùng duyên khởi và trùng trùng biến hiện”.
Một ngày đi Tour có ý nghĩa là đoàn đã đi thăm công viên thiên nhiên Kakadu đã được Liên Hiệp Quốc liệt vào di sản văn hóa thế giới có chiều rộng bao la và độ dài của công viên là 200 cây số. Chúng tôi đã đi thăm viện bảo tàng của thổ dân và nơi đây họ có trưng bày tất cả những dụng cụ săn bắn và những động vật, thực vật của thổ dân sinh sống. Trong đó có một loại kiến có túi mật phía sau và họ ngắt đi. Thổ dân bắt kiến nầy để ăn phần túi mật, thế là kiến chết và thổ dân tiếp tục sống còn để nối truyền dòng giống.
Sau đó người hướng dẫn Tour cho chúng tôi lên thuyền và đi trên dòng sông Yellow Water River; dòng sông nầy chảy từ cảng Darwin sâu vào nội địa của tiểu bang nầy.
Đặc biệt rất nhiều cá sấu và cá quá nhiều; phải nói rằng hằng hà sa số cá. Trên cây còn có nhiều loài chim, loài đại bàng, loài kỳ nhông, kỳ đà thật lạ mắt mà ở các lục địa khác tôi chưa bao giờ trông thấy qua. Hướng dẫn Tour đã giải thích cho chúng tôi nghe về đời sống của cá sấu như thế nào, cách sinh đẻ ra sao, lúc đói, lúc giận, lúc vui, lúc buồn ra sao. Quả là muôn hình vạn trạng của loài dã thú.
Đâu đó người ta vẫn ăn thịt cá sấu và thịt Kangaroo cho là bổ là mềm; nhưng trước cảnh trời nước bao la như thế nầy con người tỏ ra sợ hãi trước cá sấu. Nghe đâu có con dài đến 6 hay 7 mét là thường. Những con cá sấu lớn như thế mà so ra với chiều cao của con người chỉ gần 2 mét thì có thấm vào đâu.
Khi nói đến xứ Úc đa phần người ta nghĩ đến nạn cháy rừng và cá mập hay cá sấu ăn thịt người; chứ ít khi nghĩ đến chuyện khác. Vì những chuyện nầy ở đây thường xảy ra nhiều hơn là những chuyện gì kinh khủng khác đang xảy ra trên thế giới.
(còn tiếp)
Nước Úc có gì lạ?
● Thích Như Điển
(Tiếp theo Viên Giác số 158)
Đến Darwin chúng tôi cũng đã thăm một ngôi chùa của người Hoa. Thật ra ở đây họ thờ Mẫu là chính. Tuy cũng có thờ Lão và Phật; nhưng chỉ là phần phụ thôi. Chùa nầy đã có mặt tại Darwin đã hơn 100 năm rồi. Đồng thời chúng tôi cũng đã đến thăm chùa Quốc Tế, nơi đang có hai Sư Cô Việt Nam ở; thăm chùa Thái Lan và chùa Tây Tạng.
Đây là những ngôi nhà rất khiêm nhường, mới cải gia vi tự, trông giống như cảnh chùa của Việt Nam ở ngoại quốc lúc sơ khởi cách đây chừng 30 năm về trước.
Có một buổi tối chúng tôi ghé thăm gia đình đạo hữu Tâm Quang và dùng cơm tối tại đó. Song thân của đạo hữu Tâm Quang gần 80 tuổi mà vẫn minh mẫn và đặc biệt là có một đức tin rất sâu sắc vào Đạo Phật. Nói chuyện khi quen thì gia đình có cho biết là đã bao đời hỗ trợ Phật Học đường Lưỡng Xuyên ở Trà Vinh, nơi Hòa Thượng Thích Bảo Lạc cũng đã từng học từ năm 1960 đến năm 1963. Thân mẫu của đạo hữu Tâm Quang pháp danh Viên Huệ làm thơ về kinh Pháp Hoa rất hay; đặc biệt là (Pháp Hoa Cửu Dụ). Nhân đó đạo hữu đã đem pháp phái của thân mẫu mình là Diệu Ngọc đã xuất gia và thọ Tỳ Kheo Ni từ năm 1949 do cố Đại Lão Hòa Thượng Khánh Anh đời thứ 40 dòng phái Lâm Tế Chúc Thánh Quảng Nam truyền thừa. Từ đây chúng tôi đã được một số tư liệu mới về pháp Danh, pháp Tự, pháp Hiệu cũng như sự truyền thừa mà về sau nầy có một số quý vị tăng sĩ cũng như Phật tử ít lưu tâm đến.
Đại Lão Hòa Thượng Khánh Anh khai sơn chùa Phước Hậu tại Trà Ôn, pháp danh là Chơn Quý, pháp Tự là Đạo Trân và pháp Hiệu là Khánh Anh. Ngài người Quảng Ngãi và từ dòng phái Chúc Thánh của Minh Hải Tổ Sư truyền sang cho Ngài Thiệt Dinh, Chánh Hiển, Ân Triêm đời thứ 35 và Ngài Ân Triêm là người Việt Nam đầu tiên cũng giống như Ngài Liễu Quán đã đắc pháp với tổ Nguyên Thiều người Trung Quốc vậy. Ngài Hòa Thượng Khánh Anh là người đã trực tiếp truyền thừa từ thiền phái nầy và Ngài cũng đã biên tập cũng như dịch thuật rất nhiều kinh sách; đặc biệt là quyển “Nhị Khóa Hiệp Giải” là một quyển sách gối đầu giường của Tăng Ni trong thế kỷ thứ 20.
Khi Ngài làm Thiền Gia Pháp Chủ tại miền Nam, cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thời 1967-1973 là học trò và đệ tử của cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Khánh Anh. Như vậy nếu theo dòng kệ truyền thừa Chúc Thánh thì cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa pháp danh phải là chữ Như và pháp Tự phải đứng đầu là chữ Giải, thuộc đời thứ 41. Còn Hòa Thượng Thích Thanh Từ là đệ tử của cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, có pháp danh là chữ Thị, pháp Tự là chữ Hạnh, thuộc đời thứ 42. Như vậy nếu Hòa Thượng Thích Thanh Từ tiếp tục lưu truyền theo dòng phái Lâm Tế Chúc Thánh thì đệ tử của Ngài thuộc đời thứ 43 có pháp danh là chữ Đồng và pháp tự là chữ Thông đứng đầu. Đó là nói theo dòng kệ để biết việc truyền thừa. Tuy nhiên có một số vị Hòa Thượng khi vào Nam cho pháp danh cũng như pháp tự một cách đơn giản; nhưng về sau hỏi thuộc dòng nào và đời thứ mấy thì không rõ.
Cách đây 2 năm vào mùa Đông năm 2005 cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Vi Tăng Thống và Sáng Lập Giáo Hội Phật Giáo Linh Sơn thế giới khi viên tịch, chúng tôi mới biết rõ Ngài cũng thuộc dòng phái Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 41 có pháp danh là Như Kế, pháp tự Giải Đạo. Như vậy Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh, Thượng Tọa Thích Trí Hải, Thích Trí Siêu v.v…, những người thuộc đệ tử của cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Vi thuộc đời thứ 42 bắt đầu pháp danh bằng chữ Thị và pháp tự bằng chữ Hạnh. Còn pháp Hiệu do Thầy Bổn Sư hoặc do Hòa Thượng Đàn Đầu đặt tùy tiện chứ không nhất thiết phải theo dòng kệ. Từ đó nên biết rằng thế hệ đệ tử của Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh thuộc dòng phái Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 43 bắt đầu pháp danh bằng chữ Đồng và pháp tự bằng chữ Thông. Nói như vậy cho có cội nguồn và nhớ ơn Tổ Đức; còn ngày nay mọi việc đều tự do. Có nhiều vị muốn mình là Sáng Tổ của một dòng Thiền hay phái khác thì đó là quyền của mỗi người; chứ không phải chúng tôi “thấy người sang bắt quàng làm họ”. Mong quý vị thông hiểu cho đều nầy.
Nhân đây cũng xin cám ơn song thân của đạo hữu Tâm Quang rất nhiều. Nhờ đó mà chúng tôi đã có cơ hội để tìm về uyên nguyên nguồn cội của một số quý vị Danh Tăng Phật Giáo Việt Nam.
Rời Darwin để đi Alice Springs vào một buổi sáng bằng xe Bus và mãi đến sáng hôm sau chúng tôi mới đến địa phương muốn đến. Qua 24 tiếng đồng hồ ngồi xe Bus như thế và xe đã lao đi qua các vùng Katherine, Tennant Creek, mới đến Alice Springs. Đây mới là địa phương cần phải nói và viết nhiều nhất về chuyến đi nầy.
Vùng Tennant Creek có mõ vàng và đá quý; nên trước đây nhiều người di dân từ Á Châu cũng như Âu Châu đã đến tìm vàng. Họ có thể di chuyển bằng lạc đà hay ngựa. Vùng nầy cho đến bây giờ vẫn còn hoang sơ. Đa phần là thổ dân. Họ là những người được sanh ra và lớn lên tại đây. Họ hưởng nhiều quyền lợi; nhưng trình độ văn hóa không cao lắm. Họ chỉ thích hợp với đời sống thiên nhiên núi rừng và ít thích hợp với đời sống thị thành. Họ được Chính Phủ Úc ưu đãi, do vậy họ ít phá phách; nhưng do trình độ văn hóa thấp hơn các dân tộc khác đến từ Âu hay Á Châu; nên có lẽ họ cũng mang một ít mặc cảm là tại sao quê hương của họ mà người da Trắng và người da Vàng đến đây chiếm cứ. Nhưng nếu đứng từ cái nhìn của sự phát triển, nếu xứ Úc nầy không có những người da trắng đến đây khai hoang lập nghiệp trên 200 năm nay thì ngàn năm sau, xứ Úc nầy cũng sẽ là nơi hoang dã, khó có thể phát triển và cạnh tranh với những nước khác trên thế giới được.
Từ Alice Springs muốn đi thăm hòn đá đỏ có thể đi nhiều cách khác nhau, xe Bus hay xe cá nhân. Chúng tôi đã thuê một xe leo núi cho bốn Thầy trò cùng đi (4WD- Four Wheel Drive). Đoạn đường đi từ Alice Springs đến hòn đá đỏ độ chừng 460 cây số đi xuyên qua xa lộ Stuart nối liền Nam Bắc Adelaide và Darwin vùng Top End của nước Úc. Chiều dài của xa lộ nầy hơn 3.000 cây số. Chúng tôi lái xe đến địa phương Erldunda thì đổi sang quốc lộ số 4 để đi đến hòn đá đỏ. Xa lộ ở đây có đoạn cho chạy với tốc độ 110 km hay 130 km trên một giờ. Nhưng điều đặc biệt là rất ít xe, đi cả hơn 400 km mà không có một chiếc xe nào khác qua mặt; nên thời gian đi và đến không sai khác với Đức bao nhiêu, mặc dầu ở Đức có nơi không giới hạn vận tốc và có người đã chạy đến trên 200 cây số giờ. Ở đâu cũng có cái nguy hiểm của nó. Với tốc độ ấy ở Đức nếu gặp tai nạn là cả mạng người lẫn xe đều không còn và ở đây cũng vậy.
Vì chạy hai chiều mà tốc độ 130 cây số giờ; nên nếu lạc tay lái thì cái chết cũng không tha cho ai, nhất là để tránh những con kỳ đà hay những con bò, con Kangaroo chạy ngang qua quốc lộ, chỉ cần bẻ tay lái sang phảimột chút là xe bên trên đối diện phóng xuống là có vấn đề. Hôm chúng tôi đi chỉ sau một tiếng đồng hồ, qua đọc báo chúng tôi biết có một người Đại Hàn và một người Úc tử thương tại chỗ. Còn những người khác trên xe đều bị thương. Đi du lịch mà gặp hoàn cảnh nầy thật chẳng có sự khổ tâm nào có thể so sánh được cả.
Hòn đá nầy có 3 tên gọi. Nếu nói theo tiếng Anh là Ayers Rock. Nói theo tiếng địa phương là Uluru và nói theo tiếng thông thường là hòn đá đỏ. Đây có thể là một thiên thạch từ một cõi Trời trong dục giới hay sắc giới nào đó đã rơi xuống vùng trung Úc nầy. Đây không thể gọi là núi. Vì núi thì phải có cây. Còn ở đây hoàn toàn không có cây cối, mà là một khối đá khổng lồ. Căn cứ theo tài liệu du lịch của Úc thì khối đá nầy cao 348 m; chân đá chôn vùi dưới mặt đất là 6 km, tức là 6.000 m. Đi bộ hết chung quanh khối đá nầy là 9,4 km và phải cần 3 đến 4 tiếng đồng hồ như vậy. Hôm đó tôi cả gan, sau khi tham quan nơi đất Thánh của những người đàn bà và đàn ông thổ dân hội họp, tôi đã làm một cuộc đi kinh hành. Dưới cái nắng chói chang 30 độ C từ 9 giờ sáng đến 12 giờ trưa và hầu như không dừng nghỉ mặc dầu chân đã sưng vù, do đi không quen; nhưng phải niệm Phật để cố đi cho đến đích; đồng thời nghĩ đến chuyến đi thỉnh kinh của Ngài Huyền Trang trong muôn ngàn gian khổ; nên tôi đã tự chiến thắng lấy mình, sau khi trải qua những đoạn đường không một bóng người nơi hoang dã nầy. Thế mà giữa đường đã gặp được ba mẹ con người Úc kêu lại mời nước, ăn chà là cũng như một ít rau cải.
Trong khi đó Hòa Thượng Bảo Lạc đi đến Trung Tâm Văn Hóa của thổ dân để xem và Hạnh Bổn cũng như Chúc Đạm thì phấn khởi và mãn nguyện khi đã thực hiện xong một chuyến đăng sơn lên trên đỉnh đá; mặc dầu bên dưới chân hòn đá họ có khuyên bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau rằng: “Nếu bạn bị thương hay bị chết thì cha mẹ bạn và người thân sẽ khóc, chúng tôi cũng sẽ buồn, do vậy tốt nhất không nên leo lên bên trên”. Đây là những lời khuyên của thổ dân. Vì là Thánh Địa (Sacred place) của họ nên họ không dám đặt chân lên. Còn những nơi cấm, nếu ai chụp hình và đi vào trong ấy sẽ bị phạt 5.000 Đô La Úc.
Chung quanh hòn đá nầy có 5 nơi tụ họp quan trọng của thổ dân gồm hai nơi của đàn bà; hai nơi của đàn ông và một nơi của cả đàn ông lẫn đàn bà. Cứ từng mõm đá nhô ra ta có thể tưởng tượng hình thể của một con bạch tuột hay con mực, hoặc con rùa hay ngay cả cái đầu của một con gì đó. Đá nầy một ngày thay đổi sáu màu khác nhau vào lúc mặt trời lên có hình dạng màu đen sẫm; giữa buổi sáng đá đổi màu tím. Đến trưa đá đổi sang màu hồng; giữa chiều đá đổi thành màu vàng. Khi mặt trời lặn đá đổi thành màu đỏ và ngay sau khi mặt trời lặn đá đổi thành màu nhạt. Như vậy chỉ một hòn đá mà năm châu bốn bể đã tìm đến đây để xem và thám hiểm.
Sau khi thăm hòn đá nầy Hòa Thượng Bảo Lạc đã làm một bài thơ thất ngôn bát cú theo niêm luật và vần điệu đời Đường để kỷ niệm chuyến đi được tạm gọi là có tính cách lịch sử:
Vịnh núi Ayers Rock-Uluru (Alice Springs):
Giữa chốn hoang vu hiện một chòm
Đá thần kỳ diệu của trời ban
Sắc màu thay đổi tùy thời tiết
Có một không hai cõi nhân hoàn
Năm châu thiên hạ đều nghe tiếng
Bốn biển bao người tới tham quan
Dù ai thăm viếng không thăm viếng
Sừng sững muôn đời giữa thế gian.
Tiếp đến chiều hôm ấy đoàn chúng tôi đã đến vùng Kata Tjuta và nơi đây có nhiều cục đá khác nhau tạo thành một dãy núi. Chúc Đạm đã chọn lối đi 2 km bằng đường bộ theo hướng Walpi. Còn Hòa Thượng Bảo Lạc và Hạnh Bổn đi lối thung lũng gió (Valley of the Winds Walk) còn tôi ngồi lại trong xe hơi. Vì hai chân đã sưng vù, không thể cất bước được nữa. Đi theo “thung lũng gió” độ 7,4 km trong vòng 3 đến 4 tiếng đồng hồ, vì đường khó đi cộng thêm đi lạc hướng độ 5 hay 6 km nữa mà cả đi lẫn về chỉ 2 tiếng rưỡi đồng hồ là điều bất khả tư nghì trong khi mặt trời lặn là 7.40 giờ tối mà đến 8.00 giờ vẫn chưa có bóng người ló dạng, khiến tôi đâm lo; nhưng được một cái là thưởng thức hết cái không gian yên tĩnh của “bóng hoàng hôn” khi mặt trời vừa khuất núi. Sau đó thấy bóng người rõ dạng tâm mình lại an ổn hơn.
Đó là một cuộc thám hiểm ít có. Vì trên đường đi đã gặp Kangaroo, rắn, chim và các loài kiến cũng như nhiều người khác chủng tộc.
Ở miền Trung nước Úc này cái gì cũng ít, chỉ có ruồi là nhiều. Do vậy họ quảng cáo trên hình Post Card là “một hòn đá, một hẽm núi, một đường tàu và 10 tỷ con ruồi”.
Ruồi đâu mà ruồi nhiều thế. Ruồi bu vào mắt, bu vào tai, vào mũi và nhất là vào miệng. Có lẽ do vậy mà người Úc nói tiếng Anh thì khỏi chê. Họ phát âm thật là khó hiểu, có lẽ vì mở miệng sợ ruồi vào. Nhiều khi tôi nghe ông tài xế xe Bus nói cả tràng mà cuối cùng chỉ hiểu được hai tiếng “thank you” mà thôi. Họ cũng có nói nhiều tiếng lóng thì cả người Mỹ lẫn người Anh cũng đành chịu.
Trên đường xe Bus từ Alice Springs về lại Tennant Creek ông tài xế hỏi tôi rằng:
- Where do you come from?
Tôi đáp rằng:
- I was born in Vietnam, but I’m living in Germany.
Đoạn ông ta nói:
- Dann sollen wir Deutsch sprechen (như vậy thì chúng ta nói tiếng Đức đi). Tiếp theo ông ta bảo rằng:
- Meine Frau ist Berlinerin (vợ tôi là người Berlin).
Ở xa nước Đức mà nghe được ngôn ngữ mình hay dùng đến, tự nhiên cả tôi và ông ta cảm thấy sự thân thiện càng dễ tỏ bày hơn; đó mới chỉ là vấn đề ngôn ngữ.
Chúng tôi đến khách sạn tại Tennant Creek vào lúc 2 giờ khuya, thế mà họ cũng đã cho người ra bến xe Bus để đón. Mặc dầu phố vắng về khuya chẳng có một bóng người nào qua lại. Sáng sớm hôm sau, Hòa Thượng Bảo Lạc và tôi đến Reception để thanh toán tiền phòng thì được người thâu ngân cho ở thêm nửa ngày nữa để chờ xe Bus mà không tính thêm xu nào cả. Điều ấy có lẽ cũng chỉ xảy ra ở nơi thôn dã nầy với tâm người còn thật thà chơn chất; còn những nơi phố thị phồn hoa khó mà tìm được những nụ cười cảm thông và những sự nhân nhượng dễ thương trên sự làm ăn buôn bán như thế.
Đoạn đường từ Tennant Creek đến Townsville cũng dài gần bằng đoạn đường đi từ Darwin đến Alice Springs vậy. Nghĩa là đi cả một đêm và một ngày mới đến đích. Lần nầy chúng tôi phải đổi xe Bus tại Mount Isa, một thị trấn vào buổi sáng tinh sương ít người qua lại. Chúng tôi bắt đầu xa rời dần vùng thổ dân để đi đến vùng phố thị tại tiểu bang Queensland và bỏ lại sau lưng tất cả những cái quen lần đầu với thổ dân hay cái nhìn soi bói của người địa phương và tất cả rồi cũng phải qua đi. Duy chỉ còn sót lại một chút lo lắng cho những người lữ khách đến từ Nhật Bản không rành tiếng Anh mấy, nhưng đã mạo hiểm đi một mình. Vì lẽ ở đây không thiếu những cảnh giết người, mất tích hay bị trấn lột giữa những chốn rừng núi hoang vu như thế. Nhật Bản là nơi tôi đã được đào tạo học hành; tuy không phải là quê hương của mình; nhưng nó có một cái gì đó mà tôi vẫn mang ơn đất nước nầy, dầu cho chúng tôi không nợ họ một món nợ nào cả.
Từ Tennant Creek đến Townsville chúng tôi ngồi xe Bus độ 20 tiếng đồng hồ nữa. Khoảng đường nầy dài chừng 1.500 cây số. Đi độ nửa đường đến địa phương Mount Isa chúng tôi phải đổi qua xe Bus khác. Dọc đường đi thấy toàn là đồng ruộng hoặc rừng rậm bỏ hoang chưa khai phá, thỉnh thoảng mới có những con bò và một vài con Kangaroo chạy qua đường. Quả là đất nước nầy rộng mênh mông, cò bay mỏi cánh. Tôi đắc ý nhất là mục kích được những cây phượng vĩ màu đỏ thắm trổ hoa rực cả hai bên lề đường đi. Có lẽ do khí hậu miền Bắc Úc nóng như khí hậu nhiệt đới nên mới trồng được những loại cây như thế.
Thành phố nầy có cái tên hơi lạ. Vì chữ town theo nghĩa tiếng Anh là phố, mà chữ ville theo nghĩa tiếng Pháp cũng là phố. Khi người ta nghe hoặc đọc quen đi, thấy việc ấy là bình thường; nhưng với những người khách lạ từ phương xa mới đến, họ phải có sự so sánh. Có lẽ trước đây chỗ nầy là nơi gặp gỡ của những người Pháp và người Anh chăng? Dẫu biết rằng trong ngôn ngữ Anh và Pháp đều có những chữ và nghĩa đều giống nhau; chỉ có cách phát âm là khác. Những ngày đầu tiên khi mới đặt chân đến xứ Úc vào những năm 1979, 1980 tôi thấy nhà cửa và đường xá ở đây xây cất hơi lạ; nhưng việc nầy cũng chẳng khó hiểu chút nào, vì họ xây theo khuôn mẫu của người Anh, mà nước nầy ở Âu Châu nằm cách nước Đức không hơn mấy trăm dặm; nhưng nào tôi có biết. Cũng giống như Sài Gòn, người Nhật hay gọi là thành phố Paris nhỏ tại Á Châu cũng không sai. Vì trước đây 200 năm người Pháp đã mang lối kiến trúc của họ đến Việt Nam.
Ở phố nầy có rất nhiều loại cây trái Á Châu. Ví dụ như xoài, đu đủ, trái vải mà ta thường gọi bằng danh từ hoa mỹ là trái lệ chi cũng bày bán khắp nơi. Chúng tôi tha hồ thưởng thức những trái cây nhiệt đới ở vùng nầy. Đặc biệt là ở phố nầy và hình như cả tiểu bang Queensland người dân rất bảo thủ.
Ví dụ tên những ngân hàng hay bưu điện đọc nghe lạ tai; không phải là tiếng của thổ dân mà là tiếng Anh của tiểu bang. Người dân ở đây hình như lãnh cảm không có những cái chào thân mật như những người dân ở các tiểu bang khác. Nghe đâu sự kỳ thị ở đây rất cao; mặc dầu hiến pháp Úc cấm sự kỳ thị chủng tộc và vấn đề trọng nam khinh nữ. Thế nhưng đó chỉ là trên phương diện lý thuyết. Còn trên thực tế điều nầy không hoàn toàn đúng. Dĩ nhiên tất cả mọi con người sống trên quả đất nầy cũng chỉ là chỗ tạm dung thôi. Trước sau rồi cũng phải ra đi với hai bàn tay trắng. Có gì đâu mà phải bảo thủ và cho rằng đây là của ta và không phải chỗ của những người khác. Con người sở dĩ còn khổ đau triền miên vì còn chấp trước quá nhiều vào những hiện tượng không thật tướng như thế trên thế gian nầy. Nếu biết rõ được thực tướng của các pháp là không, thì hơi đâu mà: “Ai dư nước mắt khóc người đời xưa”.
(Còn tiếp)
Nước Úc có gì lạ?
● Thích Như Điển
(Tiếp theo Viên Giác số 159)
Vào lúc 15 giờ chiều ngày 21 tháng 1 năm 2007 trên chuyến xe Bus từ Mount Isa hướng đến Townsville tôi bắt đầu học thuộc lòng bài thơ “Bao Giờ Nhỉ Tôi Về Thăm Xứ Quảng” của Trần Trung Đạo. Bài thơ nầy có nội dung gợi lại những địa danh và những tình cảm mà tác giả đã trải qua trong thời kỳ còn thơ ấu tại quê nhà. Không hẳn đã là tâm trạng của tất cả mọi người con xa xứ của đất Quảng Nam; nhưng tôi thấy thích và cố học thuộc để thử đầu óc của mình gần ở tuổi 60 có còn khả năng như thời trai trẻ nữa hay không và cũng để tự ngâm khi nhớ về một cõi xa xăm trong tiềm thức như thế; nơi mà tôi đã hơn 40 năm rồi chưa đặt chân trở lại vùng đất “địa linh nhân kiệt” nầy.
Bài thơ nầy đã có đăng trên website của Trần Trung Đạo và cũng đã được nhiều nghệ sĩ diễn ngâm; nhưng tôi cũng muốn chép lại đây để nhiều người cùng thưởng thức.
Bao giờ nhỉ tôi về thăm xứ Quảng
Mười năm dài mồ mẹ chẳng ai trông
Cỏ có cao hơn nổi nhớ trong lòng
Đất có lạnh hơn mùa Đông Bắc Mỹ
Hải Vân đứng ngậm ngùi bao thế kỷ
Chảy về đâu lai láng nước Thu Bồn
Thuở học trò tôi hay đứng ven sông
Nghe nước vỗ dưới chân cầu Vĩnh Điện
Còn chăng nhỉ những con đường kỷ niệm
Những bạn bè dăm đứa lạc nơi đâu
Tóc chưa xanh mà vội đã hoen màu
Thuở ly loạn tìm nhau trong ký ức
Cho tôi ghé thăm trường Trần Quý Cáp
Những màu rêu gạch ngói cũ còn chăng
Bài thơ xưa còn đọng dấu bên thềm
Tôi vẫn viết nhưng thơ buồn hơn trước
Đường Phố Hội chưa mưa đà ngập nước
Những căn nhà lụp xụp nối vai nhau
Đình Cẩm Phô, khu Khổng Miếu, Chùa Cầu
Tên nghe lạ nhưng vô cùng thân thiết
Cho tôi ghé thăm bến đò Nam Phước
Lần cuối cùng em đến tiễn tôi đi
Giờ chia tay sao chẳng nói năng gì
Nghìn năm để mây buồn vươn trong mắt
Bao giờ nhỉ tôi về thăm núi Quế
Đứng bên cầu chợ Đụn nước trôi xuôi
Mùa sim lên tím rực cả lưng đồi
Hương ngây ngất tôi mộng thành thi sĩ
Ai đứng đó bên kia bờ Giao Thủy
Khăn lụa vàng còn chít ở ngang vai
Nghiệp tằm tơ khuya sớm vẫn đeo hoài
Nghề canh cửi chắc còn nhiều cực khổ
Trái tim tôi có một dòng máu đỏ
Sẽ một ngày chảy đến tận Câu Lâu
Nước Sông Thu dù lụt lội đục ngầu
Nghe vẫn ngọt như bòn bon Đại Lộc
Bao giờ nhỉ tôi trở về Đà Nẵng
Nghe ngàn khơi thổi lạnh xuống sông Hàn
Bến Bạch Đằng còn những chuyến đò ngang
Ngày hai buổi nối qua cầu An Hải
Em trường Nữ có bao giờ trở lại
Thả thư tình trêu trọc đám con trai
Đường Hùng Vương thuở ấy thật là dài
Sao quá ngắn trong những chiều chung bước
Mây có trắng trên đỉnh chùa Non Nước
Mưa có buồn giăng kín núi Tiên Sa
Về chưa em sương phủ xuống Sơn Chà
Còn chăng nhỉ dấu chân tình trên cát
Tôi một dạo hay ôm đàn đứng hát
Bài ca buồn tiếng Quốc vọng đêm khuya
Quảng Nam ơi! Khúc ruột đã chia lìa
Chiều viễn xứ ngậm ngùi cho non nước
Tôi đã bảo thơ tôi buồn hơn trước
Đời lưu vong chưa hẹn buổi quay về
Câu hỏi nầy cũng chỉ hỏi tôi nghe
Bao giờ nhỉ tôi về thăm xứ Quảng?
Đây có lẽ là bài thơ dài nhất gồm 14 đoạn và mỗi đoạn 4 câu. Tất cả là 56 câu. Tôi phải tốn đúng một tiếng rưỡi đồng hồ để học thuộc lòng. Nếu là ngày xưa khi còn ở độ tuổi 20, tôi chỉ cần 5 đến 10 phút là đã học xong bài thơ ấy. Quả thật khi con người về già có quá nhiều điều sa sút. Ta hãy chấp nhận nó như chấp nhận một định luật vô thường của nhân thế mà thôi.
So ra trong mấy trăm bài thơ mà tôi hiện thuộc trong đầu của nhiều tác giả khác nhau như một phần truyện Kiều của Nguyễn Du; Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu; Cung Oan Ngâm Khúc của Ôn Như Hầu; Chinh Phụ Ngâm của Vô Danh Thị và hầu như tất cả những bài thơ của Nguyễn Khuyến, Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xưng, Bà Huyện Thanh Quan, Đoàn Thị Điểm, Hồ Xuân Hương, Tản Đà v.v…, thì bài thơ của Trần Trung Đạo là một trong những bài thơ tôi thích nhất, có thể sánh vai với thơ của Huyền Không, tức cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác; thơ của Hòa Thượng Thích Tịnh Đức viện chủ chùa Đạo Quang tại Dallas, Hoa Kỳ và gần đây nhà thơ Sông Thu, tức Hòa Thượng Bảo Lạc cũng có nhiều bài thơ tả cảnh của quê hương cũng gợi nhiều nỗi nhớ.
Tôi chỉ được một chuyện là học thuộc thơ của người khác. Nhưng hầu như chưa làm được một bài thơ nào cho nên hồn. Do vậy mà chưa có mộng để làm thi sĩ như Trần Trung Đạo. Tôi và Trần Trung Đạo nay mai sẽ cho xuất bản một quyển sách với tựa đề là “Dưới Bóng Đa chùa Viên Giác”. Vì nơi nầy chúng tôi đã sống cùng nhau cách đây hơn 40 năm về trước tại Hội An, Quảng Nam. Tất cả tiền phát hành sách sẽ được gởi đến các em cô nhi tại Quảng Nam. Sở dĩ chỉ đặc biệt cho cô nhi xứ Quảng, vì nơi đó tôi và Trần Trung Đạo đã xuất thân; tuổi thơ của Trần Trung Đạo mồ côi cha mẹ sớm và đã được Thầy tôi, cố Hòa Thượng Thích Long Trí, cưu mang cho nương náu tại chùa Viên Giác ở Hội An trong những năm quê hương chìm trong khói lửa và chết chóc của Tết Mậu Thân năm 1968. Do vậy mà quê hương chính là nỗi nhớ và chỗ để cho lòng của người xa xứ gởi về cũng như để niệm ơn. Vì chính nơi ấy đã nuôi mình lớn lên và thành công trong hiện tại.
Chiều ngày 23.01.2007 đoàn chúng tôi đã lên xe Bus để đi chuyến cuối cùng đến Brisbane, đoạn đường dài hơn 1.500 cây số. Chuyến đi nầy chúng tôi đã thống kê tổng cộng đoạn đường đã đi, gồm đoạn đường đi bằng máy bay, xe Bus cũng như xe thuê tại các địa phương, đã vượt trên 17.000 cây số. Nghĩa là chiều dài chung quanh nước Úc nếu kéo thẳng ra thì bằng từ Sydney đến Frankfurt vậy. Nếu phải đi máy bay không kể giờ nghỉ, cần đến 22 tiếng đồng hồ. Trong khi đó chúng tôi phải dùng gần một tháng để đi vòng quanh nước Úc nầy. Nếu đi cho kỹ hơn, chắc cần phải từ 3 tháng đến một năm mới có thể gọi là đi trọn vẹn và thăm viếng lục địa rộng mênh mông vô tận nầy.
Dọc theo hai bên đường từ Townsville hướng xuống Brisbane cây cối xanh tươi và những thửa ruộng trồng mía, xoài, thơm, nhãn, chuối v.v…, rộng bao la bát ngát, xanh tít tận chân trời. Mùa gặt hái chắc phải dùng đến máy móc, chứ không thể dùng sức con người mà có thể làm được. Đất đai ở những vùng Tây và Bắc Úc khô cằn bao nhiêu thì ở Tiểu Bang Queensland nầy trù phú bấy nhiêu. Miền Tây và Bắc Úc ít mưa; nhưng khi có mưa lại bị nước lụt. Vì lẽ nước không rút kịp. Có lẽ dưới nền đất đỏ toàn là sỏi đá. Do vậy mà cây cối cũng không thể phát triển được. Dọc theo những con đường của những vùng nầy, hầu như cây cối chỉ lên cao độ năm, mười thước là chết. Vì thiếu mước và sạn đá bên dưới. Trong khi đó những cây cối nằm dọc theo bờ biển Thái Bình Dương nầy có cây cao cả hằng 50 mét và lá xanh mơn mởn. Cũng như sau cơn mưa không thấy có dấu hiệu nước còn đọng lại trên mặt đất. Điều ấy chứng tỏ rằng đất ở đây rất xốp; nên mới có khả năng rút nước nhanh như thế.
Chen vào giữa những ruộng mía đường xanh tươi bát ngát kia, thỉnh thoảng tôi vẫn thấy những đầm sen nở đầy những bông hoa bụ bẫm, bằng nhiều màu sắc khác nhau, nào đỏ, nào hồng, nào trắng. Đây có lẽ là loài hoa du nhập từ Nam Dương hay Mã Lai. Điều nầy cũng giống như những con trâu ở vùng Đông Nam Á phải đi cày bừa mệt nhọc; nhưng khi được ngoại nhập vào đây rồi, chúng là một bầy thú hoang; vì chẳng ai ngó ngàng đến.
Cày ruộng ư? Chắc trâu làm không nổi. Vì cày ruộng đã có máy và ruộng quá nhiều; nên những con trâu ấy trở thành những câu chuyện cổ tích để người dân địa phương khi nói chuyện, họ hay đề cập đến.
Đặc biệt ở Townsville có cá sấu và ở Brisbane thì có cá mập. Đâu đó vẫn có những tin tức trên báo chí hay truyền hình loan tin cho bàng dân thiên hạ biết; nhưng có lẽ con người khi nghe tin ấy vẫn sợ; nhưng mau quên. Do vậy mà tai nạn vẫn luôn luôn tiếp diễn.
Tại những thành phố lớn nầy đều có những Hải Học Viện nuôi và cho dân chúng xem vô số những loài cá, loài mực, loài sao biển v.v…, sống trong môi trường nước mặn. Chúng tôi cũng đã có nhiều lần xem và nghe thuyết trình về những sự nguy hiểm của chúng để đề phòng khi hữu sự xảy ra.
Xe cộ bắt đầu nhiều hơn và khách du lịch trẻ từ Âu Châu cũng như Á Châu đến vùng nầy tắm biển cũng nhiều hơn. Hỏi ra mới biết là vùng nầy có nhiều chương trình hấp dẫn hơn những vùng khác. Trong khi xe Bus tại Tây và Bắc Úc rộng thênh thang, đêm về chúng tôi có thể kéo ghế ra làm giường ngủ được. Thế mà đường về Brisbane nầy xe chật như nêm; hầu như không trống một ghế nào cả. Trong khi những tài xế xe Bus Greyhound ở miền Tây và miền Bắc Úc phải kiêm thêm nhiệm vụ của một nhân viên bưu điện là đưa thơ và bưu kiện, thì ở vùng nầy chỉ lo chở khách và vận chuyển hành lý mà mồ hôi cũng đã nhuể nhoại rồi. Theo sự quảng cáo của hãng Greyhound mỗi ngày họ đi và đến tới 11.000 địa điểm trong nước Úc và ai đó có óc mạo hiểm cũng có thể đi chừng 20.000 km đường xe Bus trong nội địa mênh mông nầy thì mới gọi là khám phá hết xứ Úc.
Phái đoàn chúng tôi đã đi vừa máy bay và xe Bus trên 17.000 km như thế kể cũng nhiều rồi và có lẽ khó hy vọng sẽ có một chuyến mạo hiểm như thế nữa trên xứ Úc nầy. Vì tuổi càng ngày càng lớn và sức khỏe không cho phép chúng tôi thực hiện những chuyến đi mạo hiểm đầy lý thú như thế nữa. Ngày xưa Ngài Huyền Trang đi và về Trung Quốc phải cần 4 năm mới thực hiện được hơn 50.000 dặm. Nghĩa là gần 80.000 cây số bằng sức người và ngựa. Còn ngày nay quả thật con người đã văn minh tột đỉnh; nên chỉ cần gần một tháng đã đi hết một nửa dặm đường của Ngài Huyền Trang rồi. Chuyến đi của chúng tôi chẳng vất vả, cực khổ gì so với người xưa. Tuy vẫn nghe những nạn bắt cóc, kỳ thị, chém giết, thủ tiêu, tai nạn; nhưng được chư Phật, chư Bồ Tát gia hộ nên chuyến đi đã hoàn thành thông suốt và tốt đẹp. Trong đoàn không ai bệnh hoạn và cũng chẳng ai bị hao tổn một thứ gì. Ngoại trừ thời gian, tiền bạc và sức khỏe. Để nhớ lại chuyến đi nầy tôi viết lại một bài học thuộc lòng ngày xưa cách đây đúng 50 năm về trước, khi ấy tôi đang học lớp ba trường làng, để quý vị thưởng thức. Tựa đề của bài nầy là:
“Đi Ngày Đàng Học Sàng Khôn”.
Đi cho biết đó biết đây
Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn
Kìa thế giới năm châu quanh quất
Người bao nhiêu thì đất bấy nhiêu
Sông to núi lớn cũng nhiều
Đường đi lối lại trăm chiều ngổn ngang
Người bốn giống đen, vàng, đỏ, trắng
Trời bốn phương Nam, Bắc, Đông, Tây
Mênh mông nước nước mây mây
Chẳng đi sao biết thông nầy thảo kia.
Vùng Brisbane có nhiều chùa như Pháp Quang, Phật Đà, Linh Sơn và một số các Tịnh Thất đã được thành lập tại đây từ lâu; nhưng chủ yếu kỳ nầy của đoàn là đi thăm những phong cảnh, phong tục, tập quán của từng địa phương. Do vậy chúng tôi chỉ ghé thăm một số chùa mà không dám làm phiền các Vị Viện Chủ như việc ở lại hay cơm nước. Có như thế chúng tôi mới có nhiều thì giờ hơn để nghiên cứu tận tường từng vấn đề để gởi đến quý độc giả khắp nơi. Tuy rằng đây không phải là một tài liệu hướng dẫn du lịch cũng như những chỉ dẫn cần thiết cho một chuyến đi như vào rừng phải làm sao, mang theo những thứ gì v.v… Ở đây chúng tôi chỉ muốn ghi lại tổng quát của chuyến đi, để ngày sau nếu có ai đó có lần đặt chân đến những vùng đất mới như thế nầy thì họ sẽ rõ hơn, vì đã có người đến đây trước họ và đã kể lại như thế.
Điều đặc biệt hơn và đặc biệt nhất trong chuyến đi có lẽ là giữa tôi và Hòa Thượng Thích Bảo Lạc có nhiều thời gian để trao đổi những việc làm của Giáo Hội, của cá nhân mình và của những đệ tử trong quá khứ cũng như trong hiện tại và cho những kỳ vọng ở tương lai. Đây có lẽ là điều ưng ý nhất của tôi trong suốt cả chuyến đi nầy. Vì lẽ từ khi Hòa Thượng đi xuất gia trong những năm 1957 đến nay đã hơn 50 năm rồi, chúng tôi chưa có thời gian để sống gần gũi với nhau được gần một tháng như thế. Tình huynh đệ, dầu giữa những người xuất gia với nhau, nó vẫn còn thể hiện qua huyết thống và quê hương, tình cảm. Nếu không có gia đình là đơn vị cần thiết trong xã hội thì sự thành công hay thất bại của một cá thể, nó đã chẳng mang lại được một ý nghĩa nào cả.
Điều đặc biệt khác là để thưởng công cho Hạnh Bổn trong năm nay đã phải làm việc cật lực gấp hai ba lần hơn năm trước. Vì phải đánh máy, lái xe, làm những công việc lặt vặt khác trong ngày suốt hơn 3 tháng như thế để chúng tôi mới có thể hoàn thành được dịch phẩm thứ 48 từ tiếng Nhật dịch sang tiếng Việt, chủ đề là “Tịnh Độ Tông Nhật Bản”, sau đó nhờ Hòa Thượng Bảo Lạc và Thầy Đồng Văn nhuận lại cách hành văn cho thật Việt Nam để khi ấn tống, lưu hành đến quý độc giả khắp năm châu, khi đọc được sẽ có nhiều lợi ích hơn. Có lẽ năm nay chúng tôi sẽ cho ấn tống quyển sách nầy từ 8.000 đến 10.000 cuốn và hy vọng các nơi Phật Tử sẽ có cơ hội đọc được dịch phẩm nầy.
Ngoài ra Chúc Đạm, một Phật Tử trẻ, đệ tử của Hòa Thượng Bảo Lạc, còn đang học Đại Học; nhưng rất giỏi chữ Hán và chữ Đại Hàn, chỉ toàn là tự học. Gia đình cũng đã cho đi theo quý Thầy để học hỏi kinh nghiệm và biết thêm các địa phương của nước Úc. Vì ở Úc đã trên dưới 20 năm mà nhiều người Việt vẫn chưa có cơ hội để thực hiện những chuyến đi mạo hiểm như thế. Đây là một cơ hội để các em có nhân duyên tự mình tìm ra chỗ đứng cho mình trong cuộc sống xa hoa đầy cám dỗ nầy.
Chúng tôi đặt chân xuống phi trường Sydney sau gần đúng một tháng và Thầy trò huynh đệ mừng vui cho một chuyến đi trong nội địa Úc lâu dài như thế. Hôm đó là ngày 26.01.2007. Ngày nầy cũng là ngày Quốc Khánh của Úc nên mọi người được nghỉ lễ và Úc vẫn còn thuộc Anh nên không thể nói là ngày độc lập như người Đức đã dùng ngày 3 tháng 10 của mỗi năm để kỷ niệm ngày lễ Thống Nhất của Đông Tây hai niềm. Ngay cả lá cờ của Úc cũng là lá cờ của Anh có thay đổi những ngôi sao và gần đây đã có nhiều cuộc trưng cầu dân ý là có nên tách rời ra khỏi Liên Hiệp Anh hay không cũng như lá cờ có nên thay đổi hay không? Thế mà đã chưa đi đến một kết quả nào. Vì số người bảo hoàng vẫn còn tương đương hoặc nhiều hơn như thế; nên phải giải quyết ra sao thì vẫn còn nằm trong những cuộc bàn cãi và chờ đợi những cuộc trưng cầu dân ý trong thời gian sắp tới nữa.
Hơn 60 nước đã viếng thăm và hơn 1 triệu cây số đường bay ngang dọc trên quả địa cầu nầy tôi đã đi và gặp không biết bao nhiêu người và dùng không biết bao nhiêu loại ngôn ngữ, cũng như tiếp xúc học hỏi không biết bao nhiêu là phong tục tập quán, để rồi một hôm có một người Nhật trẻ ngồi gần tôi trên xe Bus hỏi rằng:
Sore dewa doko ga ichiban usukushii desu ka? (Như vậy ở đâu là đẹp nhất?)
Tôi trả lời rằng:
Kokyo wa ichiban usukushii desu (cố hương là đẹp nhất).
Người Nhật ấy trố mắt nhìn tôi; nhưng đó là sự thật ở trong tôi khi đã xa Việt Nam trên 35 năm và xa quê hương xứ Quảng đã trên 40 năm rồi ◙
(Viết xong vào một sáng mùa Hè tại xứ Úc
trước khi về lại Đức)
______________________
Giáo đoàn Tỳ Kheo Ni
Kể từ khi Đức Phật còn tại thế, Ngài đã cho thành lập Giáo Đoàn Tỳ Kheo Ni, sánh vai cùng với các Chúng Đệ Tử khác như Giáo Đoàn Tỳ Kheo và các đoàn thể Cư sĩ khác để hoạt động tích cực một thời tại Ấn Độ lúc bấy giờ cũng như kéo dài suốt 500 năm về sau nữa, rồi lại mất đi dấu tích truyền thừa ngay tại quê hương của Ấn Độ.
Bây giờ đọc tụng những kinh điển do chính kim khẩu của Đức Phật nói ra trong các kinh như Pháp Hoa, Đại Bát Niết Bàn, Bát Nhã thuộc kinh tạng Đại Thừa hay Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tăng Nhất A Hàm thuộc hệ Nam Tông, vào thời ấy Đức Phật đã chia đệ tử của Ngài ra làm 2 Chúng; 4 Chúng hoặc 7 Chúng.
Hai Chúng đó là: Xuất gia và tại gia.
Bốn Chúng đó là: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni; Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di.
Bảy Chúng ấy gồm: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thức Xoa Ma Na Ni, Sa Di, Sa Di Ni, Cư sĩ nam và Cư sĩ nữ.
Như vậy sự phân định nầy vẫn còn có giá trị cho đến bây giờ. Chỉ riêng các nước Nam Truyền thì không còn nữa.
Đọc lại lịch sử chúng ta thấy ban đầu Đức Phật vẫn không đồng ý cho người nữ xuất gia; nhưng không nêu rõ lý do. Có lẽ vì đời sống khổ hạnh của một người nữ nơi chốn hoang vu của núi rừng không đảm bảo để đương đầu với rừng thiêng thú dữ; nên Đức Phật đã không thuận. Có phải đây là lý do chính chăng? Vì vậy trong Bát Kỉnh Pháp chúng ta thấy Đức Phật đã lo lắng cho sự an nguy của người nữ nên bắt buộc nơi nào không có trụ xứ của chư Tăng thì người nữ không được an cư. Hoặc giả sau khi an cư, thọ giới phải đi đến đảnh lễ chư Tăng, nhằm để chứng minh sự hiện hữu và sự tồn tại của Ni Đoàn trong khi làm nhiệm vụ của người Tăng Sĩ.
Đã qua ba lần thưa thỉnh của Ngài A Nan, Đức Phật mới chấp nhận. Vì lẽ giữa người Nam và người Nữ đều có Phật tánh giống nhau; nhưng Đức Phật vẫn cẩn thận cân nhắc qua Bát Kỉnh Pháp. Tuy thế bà dì ruột Ma Ha Ba Xà Ba Đề cùng với 500 thể nữ đã tự ý xuống tóc với chân trần quyết chí đi bộ, đến Tỳ Xá Ly nơi Đức Phật cư ngụ để xin xuất gia sống đời phạm hạnh và cuối cùng Phật đã thuận và Ngài đã huyền ký rằng: Khi người nữ xuất gia thì thời kỳ chánh pháp thay vì 1.000 năm chỉ còn lại 500 năm thôi.
Có lẽ căn cứ theo lời dạy nầy mà sau 500 năm có tu, có hành, có chứng ấy Giáo Đoàn Tỳ Kheo Ni của Ấn Độ đã tự biến mất. Ta vẫn biết sau gần 300 năm Đức Phật nhập diệt, Công chúa Shangamita là con gái của vua A Dục, đồng thời cũng là một Tỳ Kheo Ni đã cùng với anh ruột của mình là Thái Tử đồng thời là Tỳ Kheo Mahinda đã mang cây Bồ Đề từ Ấn Độ sang Tích Lan để trồng tại đó. Cây Bồ Đề ấy ngày nay vẫn còn và cộng đồng Giáo Hội của Tích Lan vẫn được xem là một cộng đồng lâu đời và có tính cách truyền thống nhất cũng đã được truyền vào đây bởi một vị Tăng và một vị Ni; nhưng sau đó tại Tích Lan Tỳ Kheo Ni cũng biến mất.
Trong kinh Pháp Hoa phần phẩm tựa cũng như phẩm Thọ Ký, Đức Phật đã thọ ký cho Bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề cũng như Bà Da Du Đà La ở một kiếp trong tương lai cũng sẽ thành Phật. Như vậy người nữ, dưới mắt Đức Phật cũng có khả năng thành Phật. Đồng thời với Đức Phật có Trưởng Lão Ni Kệ đã xuất hiện; trong nầy có mô tả sự thành tựu thánh quả của Tỳ Kheo Ni Aya Khema, của Nữ Cư Sĩ Tỳ Xá Khư. Mặt khác trong kinh Duy Ma Cật, Đức Phật cũng đã nêu cao vai trò cũng như vị trí chứng đạo của Cư sĩ, chứ không nhất thiết là tu sĩ, xuất gia sống đời độc cư mới được thành tựu quả vị A La Hán hay Bồ Tát. Hoặc giả như Thắng Man phu nhân cũng đại diện cho tầng lớp Nữ Cư Sĩ đã nhập vào hàng Thánh quả. Vua Tịnh Phạn trước khi băng hà cũng đã nhập vào quả Dự Lưu.
Như vậy ngay cả Cư sĩ, dầu nam hay nữ vẫn được nhập vào quả Thánh thì tại sao người nữ không thể trở thành một Tỳ Kheo Ni ? Đây là một câu hỏi đã được đặt ra cho các xứ Phật Giáo Nam Tông như Tích Lan, Thái Lan, Miến Điện, Lào, Cam Bốt. Trong khi đó sự truyền thừa về Ni Giới của các truyền phái Bắc Tông tuy vẫn liên tục cho đến ngày nay; nhưng lúc khởi nguyên thì chẳng rõ ngọn ngành là ai đã chấn hưng hoặc đã khởi xướng ra việc ấy ? Ngay cả Phật Giáo Tây Tạng là một nước theo Đại Thừa, mà truyền thống của Ni Giới không có; nên nhiều người Âu Mỹ sau khi xuất gia với Phật Giáo Tây Tạng, qua thời gian năm tháng họ phải qua Việt Nam, Trung Hoa, Đài Loan hay Đại Hàn để thọ lãnh giới pháp Tỳ Kheo Ni, để từ đó họ về lại quê hương của họ, có cơ sở mà hành trì giới luật.
Đã từ lâu Đức Đạt Lai Lạt Ma được yêu cầu cũng như nên chuẩn y việc thành lập Giáo Đoàn Tỳ Kheo Ni Tây Tạng; nhưng riêng Ngài đã không muốn phá lệ nầy và có lẽ Ngài cũng đã thông qua Hội Đồng Chư Tăng Tây Tạng gồm các bậc Trưởng Lão đạo cao đức trọng; nhưng chẳng ai dám quyết định cho việc hệ trọng nầy; nên vào ngày 18, 19 và 20 tháng 7 năm 2007 tại Hamburg một Hội Nghị thế giới về truyền thống chư Ni đã thọ Tỳ Kheo Ni gồm các vị Đại Sư, các nhà học giả thảo luận, nghiên cứu nhằm thiết lập một Giáo Đoàn Tỳ Kheo Ni chính thức cho Tây Tạng và cho thế giới có lẽ hợp lệ hơn; nên Đức Đạt Lai Lạt Ma đã chọn địa phương nước Đức. Nơi văn minh triết học được tỏa rạng suốt bao thế kỷ qua. Đồng thời nước Đức cũng là nước có trên 200 năm Phật Giáo đã du nhập vào đây; do đó nước Đức xứng đáng để nhận lãnh vai trò ấy.
Đây là một việc làm hết sức quan trọng và Ngài cũng đã thận trọng cân nhắc từng trường hợp một và hoàn cảnh cũng như phong tục của xứ Tây Tạng; nhưng nếu không thực hiện ngay từ bây giờ, trong lúc Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 còn sống thì liệu những vị kế thừa về sau có đủ năng lực cũng như sự thuận lợi để chủ xướng vấn đề trên hay không; nên Ngài đã biểu đồng tình cho việc nầy. Nếu không sẵn sàng chấp nhận, điều ấy cũng có nghĩa là để mặc cho những người Nữ Tây Tạng và Âu Mỹ muốn làm sao thì làm, thử hỏi còn đâu là nề nếp của Tăng Già nữa.
Nhìn qua Thái Lan ta thấy rõ điều đó. Đã từ lâu nước này lấy Phật Giáo Nam Tông làm quốc giáo và họ đã sống cũng như thực hành đạo ấy cả hơn 1.000 năm nay không có sự hiện hữu của Giáo Đoàn Tỳ Kheo Ni, dưới sự giám sát của Vua Sãi cũng như 4 vị Tăng Quan. Thế nhưng thế giới đã đổi thay và người nữ cư sĩ càng ngày càng nắm nhiều địa vị quan trọng trong quần chúng cũng như học đường; nên đã có nhiều vị nữ cư sĩ là Viện Trưởng Viện Đại Học hay giáo sư, học giả của Thái Lan đi sang các nước Đại Thừa để xuất gia, thọ giới và sau đó họ về lại quê hương của họ để gây dựng một Cộng Đồng Ni Giới tại đây. Tuy chư Tăng chưa và không thừa nhận; nhưng đó là chuyện đã rồi, Giáo Hội cũng như Tăng Già Thái Lan không thể loại bỏ họ ra ngoài cuộc sống thường ngày của dân chúng được.
Họ, đồng thời là những người có thế lực đã và đang vận động với Quốc Hội Thái Lan, phải thông qua dự luật cho người nữ xuất gia, thọ giới v.v... đứng về điểm nầy những người nữ tu ấy đã sai vì chỉ muốn thông qua thế quyền, chứ không muốn thông qua giới luật. Do vậy mà ở Thái Lan trong hiện tại đang gặp khó khăn không ít về vấn đề nầy.
Có lẽ quan sát kỹ vấn đề trên nên Đức Đạt Lai Đạt Ma đã chấp nhận một Hội Nghị như thế. Vì lẽ trong lúc người ta đưa tay ra để bắt, hạ mình xuống để cầu khẩn, van xin mà mình không đoái hoài tới, khiến tức nước sẽ vỡ bờ; nên ngừa trước vẫn còn hơn và đúng thời đúng lúc nữa.
Ngày nay người nữ đã nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong các cơ quan chính quyền trên thế giới như làm Vua, làm Tổng Thống, làm Thủ Tướng, làm Ngoại Trưởng v.v... chứng tỏ rằng người nữ cũng có khả năng bằng hoặc hơn nam giới. Do vậy mà những gì thuộc về giới chắc chắn chư Tổ cũng khó sửa đổi được; nhưng những gì thuộc về luật, nghi, quy v.v... thì có thể thay đổi cho hợp với thời gian và hoàn cảnh của từng thời đại một. Có như thế Phật Giáo mới dễ bám rễ vào lâu đài văn hóa tại đây.
Nhìn về Đài Loan, Ni Giới đang phát triển mạnh và đang chiếm thế thượng phong. Ở đây Ni Giới có nhiều thời gian để chăm bón cây giác ngộ ấy từ thuở thiếu thời; nên có nhiều cơ hội để phát triển trong mọi hoàn cảnh của xã hội. Trong khi chư Tăng phải đi thi hành nghĩa vụ quân sự xong, khi về lại nhà nếu ai phát tâm xuất gia học đạo, lúc ấy mới bắt đầu sinh hoạt với thiền môn. Do vậy mà độ phát triển bên Tăng ở Đài Loan chậm hơn là độ phát triển bên Ni cũng là điều hiển nhiên mà thôi.
Tuy nhiên nếu Ni giới Đài Loan xem sự phát triển cơ sở vật chất và hoạt động xã hội là quan trọng mà đòi loại bỏ Bát Kỉnh Pháp là một điều sai trái. Vì Bát Kỉnh Pháp do Phật chế chứ không do chư Tổ và chư Tăng chế ra; nên không ai có quyền bỏ cả. Ngay khi Phật còn tại thế Ngài cũng đã khuyên Ngài A Nan là những giới luật nhỏ nào không hợp với phong thổ, quốc độ của từng địa phương thì có quyền bỏ bớt; nhưng thuở ấy Ngài A Nan đã chẳng hỏi rõ ràng là giới nào nên bỏ và giới nào không nên. Do vậy trong kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất tại động Thất Điệp gần núi Kỳ Xà Quật ở thành Vương Xá, Ngài Ưu Ba Ly đã trùng tuyên lại tất cả những giới luật mà Phật đã chế ra cho cả Tăng lẫn Ni sau 12 năm Đức Phật hành đạo. Như vậy đứng về phương diện thời gian mà nói: Những giới luật nầy đã được 500 vị A La Hán đồng thuận, không có một vị nào chống đối cả. Điều nầy cho chúng ta thấy rằng không có gì để hoài nghi khi thực hành giới luật và đây cũng chính là nền tảng căn bản để chư Tăng cũng như chư Ni thực hành trong suốt những năm hành đạo của mình.
Như trên đã trình bày Bát Kỉnh Pháp nhằm để bảo vệ giới thân huệ mạng của người nữ, chứ không phải để hạ thấp giá trị đạo đức của người Nữ. Do vậy ở đây không cần phải bàn đến việc bỏ đi hay chấp nhận nó. Nếu một người có ý niệm tự phá bỏ kỷ cương, thì chính ý niệm ấy cũng đã là một tiền đề cho sự sai trái rồi, đâu có cần lên tiếng hay chứng minh mới được gọi là chính thức. Còn người tôn trọng Ba La Đề Mộc Xoa, có nghĩa là thực hành sự sai biệt giải thoát đó một cách nghiêm chỉnh thì tự người ấy được an lạc và tự tại; còn kẻ chống đối kia vẫn bị cô đơn trên lộ trình giải thoát như phàm tình.
Ví dụ như trong gia đình cha mẹ có hai người con; một trai và một gái. Người con gái gần 18 tuổi xin phép cha mẹ cuối tuần cho đến nhà bạn để thăm và ở lại đó, thì chắc chắn rằng khó nhận được cái đồng thuận gật đầu của cha hoặc mẹ. Trong khi đó người em trai nhỏ tuổi hơn thì được chấp nhận một cách dễ dàng. Điều nầy nó chẳng có nghĩa là tình thương bị đối xử không bình đẳng? Tất cả đều giống nhau; nhưng chỉ vì muốn đảm bảo cuộc sống tương lai của con gái mình; nên cha mẹ mới không đồng ý mà còn tỏ vẻ cản ngăn nữa.
Từ câu chuyện trên đây chúng ta thấy Đức Phật cũng không khác mấy. Vì Ngài nhận thấy thân người nữ yếu đuối phải cần nương tựa với Tăng Già nên mới chế ra Bát Kỉnh Pháp như vậy.
Riêng hoàn cảnh đất nước Việt Nam chúng ta có khác. Sự truyền thừa về chư Ni không biết từ bao giờ, mà mãi đến nay chư Ni đã trở thành khuôn pháp cũng như mẫu mực ở những Đạo Tràng lớn trong cũng như ngoài nước. Đứng về phương diện lịch sử ta chỉ thấy Ni Sư Diệu Nhân xuất hiện vào đời Lý; nghĩa là cách nay gần 1.000 năm trước; nhưng sau đó là vị nào nữa thì bên Ni Việt Nam hầu như không có phổ hệ truyền thừa. Chỉ đến thế kỷ thứ 19, 20 và 21 chư Ni Việt Nam mới có những vị truyền thừa rõ rệt.
Thời Lý - Trần là thời Tam Giáo đồng quy; thế nhưng việc trọng nam khinh nữ vẫn còn xuất hiện. Do vậy ngoài nhân gian, trong chốn chùa chiền cũng bị ảnh hưởng lây và có lẽ thuở bấy giờ các vị Tổ bên Tăng hay ngay cả bên Ni xem đây cũng chỉ là chuyện bình thường của xã hội đương thời; nên quý Ngài đã không đề cập đến.
Tuy nhiên rất may mắn để sinh ra làm một người Nữ Việt Nam, đồng thời là một vị Ni Việt Nam khác với chư Ni của Đài Loan hay Nhật Bản hoặc Hàn Quốc. Vì chư Ni Việt Nam có đầy đủ quyền hạn như: Truyền giới tại gia, cho quy y Tam Bảo. Hay truyền giới xuất gia của những lãnh vực thuộc về Ni như Sa Di Ni, Thức Xoa Ma Na Ni, Tỳ Kheo Ni và Bồ Tát giới tại gia. Ngay cả việc đăng đàn thuyết pháp cho chư Ni hay Cư sĩ tại gia thì lãnh vực nầy chư Ni Việt Nam vẫn luôn được khuyến khích thực hành chứ không bị giới hạn như các nước Phật Giáo khác.
Nếu bảo Phật tánh là sự bình đẳng thì giữa nam và nữ đều giống nhau. Tuy nhiên hình thức khác nhau là điều có thể chấp nhận được. Ví dụ như một kí-lô gram bông gòn và một kí-lô gram sắt, so trọng lượng giống nhau; nhưng so thể lượng về hình thức to nhỏ khác nhau chứ không thể hoàn toàn giống nhau được. Vì người nữ có cái khó khăn và sự giới hạn nhất định của người nữ. Còn người Nam tuy vẫn có khó khăn; nhưng đơn thuần hơn, không phức tạp và tế nhị như người nữ. Do đây mà Đức Phật đã chế ra cho người nữ có nhiều giới luật hơn, nhằm giữ gìn để thăng hoa cuộc sống nội tâm và sự giải thoát của người nữ càng được đảm bảo nhiều hơn nữa.
Chúng tôi hoàn toàn đồng ý sự thay đổi về Luật, Nghi, Quy v.v... ví dụ như Bách Trượng Thanh Quy, Thiền Môn Nghi Thức, Luật Nghi của Sa Di, Sa Di Ni v.v... Nhưng những gì thuộc về giới thì nên để nguyên. Vì không phải là chỗ lạm bàn của những bậc hậu bối. Ngay là Tổ Sư của một Tông phái đi chăng nữa cũng không được quyền sửa lại những giới của Phật đã chế ra tự ngàn xưa.
Đứng về phương diện bản thể của Tăng Già là thanh tịnh, thì ở đây không phân biệt nam hay nữ; nhưng đứng về phương diện hình tướng của Tăng Già, ở đây phải phân biệt nữ nam cho rõ ràng. Vì mỗi người, mỗi giới đều chỉ có thể có khả năng thực hiện nhiệm vụ và chức năng của mình trong khuôn khổ giới luật cho phép, chứ không nên đi ra ngoài phạm vi của giới luật, mà vốn dĩ con người càng ngày càng đi xa nơi phát xuất lúc ban đầu quá nhiều rồi. Nếu chúng ta thận trọng lưu tâm và để ý thực hiện thì cả Tăng lẫn Ni chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng ngôi nhà Phật Pháp một cách tốt đẹp hơn. Còn nếu chúng ta cứ luôn tranh cãi hơn thua để phần thắng về mình thì sẽ bị giậm chân tại chỗ. Vì lẽ trong chiến trường thì có kẻ thua người thắng theo phép đối đãi của thế gian; nhưng trong phép xuất thế gian, khi chiến đấu với tham, sân, si, dục vọng hay sự vị kỷ của từng cá nhân thì tất cả chúng ta đều bình đẳng nơi cảnh giới giải thoát, không có gì phân biệt cả.
Trên đây là một số nhận định cũng như đóng góp của cá nhân mình. Việc sai đúng hãy để tự nó dung hợp với thời gian và năm tháng. Vì sự sai hay sự đúng, nó chỉ đứng về một phía quan niệm của người muốn nói. Chúng ta nên vượt lên khỏi sự đúng sai ấy thì giá trị của mọi vấn đề mới cao cả. Còn thị phi nhân nghĩa là còn so sánh, mà việc gì còn nằm trong sự so sánh, đó chỉ là vấn đề bình thường, không phải là vấn đề phi thường nữa.
Lâu nay tôi cũng đã muốn đề cập đến vấn đề nầy; nhưng chưa thuận tiện. Nay nhân việc Hội Nghị thế giới đầu tiên về Ni Giới tổ chức tại Hamburg do Đức Đạt Lai Lạt Ma chủ trì nên ghi lại vài dòng để làm kỷ niệm và đây cũng chính là ý kiến riêng của chúng tôi đối với vấn đề Giáo Đoàn Ni.
Cầu nguyện chư Ni trong mai hậu có một sức sống mãnh liệt và nương tựa vào giới luật để tấn tu đạo nghiệp để Phật Giáo được xiển dương rộng rãi trên quả địa cầu nầy.-
____________________________
Viết để tưởng niệm về anh
Phong Hưng LƯU NHƠN NGHĨA
* Thích Như Điển
Đâu đó bên tai tôi vẫn còn nghe tiếng than vãn của anh về gia đình, về con cái, về xã hội, về tờ báo Viên Giác, về bạn bè v.v... Vì lẽ anh luôn quan tâm đến những vấn đề trên. Anh đúng là một người chồng có trách nhiệm đối với vợ; người cha luôn luôn theo dõi bước của con đi khi con mới lớn khôn, cũng như lúc vào đời. Với xã hội, anh là một nhà giáo dục, anh luôn lo lắng cho thế hệ tương lai. Riêng tờ báo Viên Giác anh đã cộng tác cũng đã hơn 20 năm rồi và bạn bè bây giờ mỗi đứa mỗi nơi.
Anh vốn xuất thân là người Hoa, sinh trưởng tại Việt Nam và đặc biệt là gần biên giới Cao Miên nên anh rất rành về phong tục tập quán cũng như những ngôn ngữ địa phương nầy. Lớn lên đi học trường làng rồi lên tỉnh lỵ, sau đó đi Sàigòn để học và sang Tân Tây Lan du học để rồi số phận phải làm rể tại xứ Đức; nên đã có bao nhiêu năm rong ruổi với nghề tay trái làm thợ mộc, vốn không phải nghề chính là „gõ đầu trẻ“ của anh. Cơ duyên ấy anh đã về Chùa Viên Giác khi còn ở bên đường Eichelkampstr. Do vậy mà tôi đã biết anh từ thuở ấy và từ đó anh đã cộng tác cho báo Viên Giác rất đều đặn.
Mỗi lần gặp anh tại Đức hay tại Úc khi anh di cư sang đó, anh đều quan tâm cũng như chia xẻ với tôi những vấn đề chính như đã nêu trên. Nhiều khi anh lo quá; nên tôi có bảo rằng: „Đời người ai trong chúng ta cũng chỉ sống có một giai đoạn ngắn ngủi trên cõi trần thế giả tạm nầy mà thôi! anh lo xa làm gì cho mệt. Nếu chúng ta có chết đi thì cây cỏ vẫn còn sống, thế hệ con cháu của anh sẽ kế thừa. Lo làm gì cho núi tại sao cao, sông sâu, biển mặn. Hãy để cho những thế hệ mai sau tiếp nối công việc của mình“.
Để đáp lại lời của tôi, anh thường trả lời bằng những cái cười nhăn mặt hoặc những tiếng thở dài. Mới năm trước đây (2005) khi tôi ghé thăm nhà anh tại Brisbane, anh có chở tôi đi thăm một vài nơi và cũng câu chuyện cũ anh vẫn đề cập đến, nhất là bịnh tình của anh. Anh bảo phải về hưu sớm và lấy tiền hưu trí ấy để mua nhà cho gia đình, trả luôn một lượt, để khỏi phải lo toan khi anh không còn đi làm nữa. Còn chị, khi anh đề cập đến vẫn bảo rằng: Bả còn đa đoan lắm. Có lẽ với tuổi „lục thập thuận nhĩ“ nên ai nói gì bây giờ anh cũng gật đầu chứ không có ý kiến riêng làm gì. Tôi thấy anh mỏi mệt và lái xe nhiều khi lạng quạng. Anh bảo rằng: Mỗi tuần phải vào bệnh viện để lọc máu một hai lần; nếu không thì nước da tái mét và mệt lã.
Đời vốn là chỗ tử sanh; nhưng ai cũng không thể dừng lại được. Ai đến rồi cũng phải ra đi; nhưng khi ra đi lại có lắm kẻ ngậm ngùi và còn nhiều luyến tiếc. Tôi có bảo anh là anh Hòa, Phù Vân chủ bút báo Viên Giác định qua thăm anh trong năm 2007 nầy thì anh mừng lắm và sau khi ở Úc về lại Đức năm 2007 tôi có nhắn với anh Hòa là trông anh Nghĩa yếu lắm rồi; nếu anh không đi thăm anh ấy trong năm nầy thì e rằng khó có còn cơ hội nữa. Thế mà đúng thật. Cuối năm 2007 nầy anh Hòa định sang thăm anh Nghĩa; nhưng anh đã lặng lẽ ra đi vào ngày 27 tháng 9 năm 2007 vừa qua, nhằm ngày 17 tháng 8 năm Đinh Hợi ở tròn tuổi 66 mùa xuân thu trên cuộc thế vô thường nầy.
Ngày ấy anh hay nhắc về nhà báo Vũ Ngọc Long, hỏi thăm Đan Hà, Vũ Nam, Huy Giang v.v... và tôi đã điểm từng người cho anh rõ là ai còn, ai mất, ai đã ra người thiên cổ và ai vẫn một lòng trung trinh với hai chữ TỰ DO. Chữ nầy tuy ngắn gọn mà ý nghĩa lại vô ngần. Vì không phải có nó hay vì nó thì mình đâu có phải bôn ba ngược xuôi nơi xứ lạ quê người để làm gì.
Cách đây 6 năm anh có nhờ chùa Viên Giác và tôi in tác phẩm „Như Cánh Chuồn Chuồn“ của anh. Tôi thuận ngay và đây là tác phẩm gần như là đầu tay của anh. Vì lẽ những bài biên khảo của anh về phong tục tập quán của người Miên, người Hoa trên đất Việt có đăng rải rác khắp nơi trên báo Viên Giác tại Đức và một vài tờ báo tại Úc; nhưng chưa tạo thành một tác phẩm được. Do vậy anh muốn góp vốn in để tác phẩm anh hình thành. Vì lẽ anh là cộng tác viên thường xuyên trong Ban Biên Tập báo Viên Giác nên tôi đã biểu đồng tình và sau một thời gian ngắn, anh đã phát hành sách đó đây để thâu vốn lại và gởi đủ cho chùa trong việc in ấn. Là nhà văn, nhà báo anh trân trọng từng miếng giấy, câu văn của mình khi đặt bút viết lên giấy. Là người Hoa sinh trưởng tại Tri Tôn, Châu Đốc thuộc miền Tây, anh rất thông thạo phong tục tập quán, ngôn ngữ của những người theo Phật Giáo Nam Tông tại vùng nầy. Đồng thời anh cũng là cựu Sinh viên Đại Học Vạn Hạnh cũng như Đại Học Sư Phạm tại Sàigòn; nên những kinh nghiệm tranh đấu của anh trong thời gian anh ở Việt Nam vẫn còn theo anh đến Đức, đến Úc như hình với bóng.
Đời sống anh rất đơn giản. Chỉ có sách vở là bạn bè. Khi còn ở Đức tại Pforzheim trong hơn 20 năm trước, tôi đã đến thăm anh cũng thế; mà sau 20 năm ở tại xứ Úc cũng vậy. Nhà cửa đơn sơ, cách bày biện đơn giản. Chỉ có gia tài tri thức về sách vở là nhiều.
Anh quy y với pháp danh Minh Quang lúc nào tôi không rõ. Anh không phải là một Phật tử thuần thành; nhưng anh là một người rất có tâm đối với Đạo. Khi nghe tin anh mất tôi đã điện thoại qua nhà bên Úc mấy lần nhưng chẳng gặp được chị Chu, vợ anh, và cháu Kiwi để chia buồn. Sau đó tôi phải gọi điện cho chùa Linh Sơn và chùa Phật Đà ở Brisbane để biết về tang lễ của anh.
Thôi thì đời vốn vô thường, có hợp phải có tan. Có còn phải có mất; anh đã thuận thế ra đi như vậy cũng đã mãn nguyện rồi. Tuy báo Viên Giác mất đi một cây bút xuất sắc cộng tác thường xuyên. Độc giả báo Viên Giác thiếu hẳn những bài trào phúng ý vị của ngôn ngữ miền Tây Nam Việt. Gia đình anh thiếu bóng cây đại thọ để che chở cho chị và Kiwi, vốn là một loại động vật và thực vật xuất xứ tại Tân Tây Lan để đặt tên cho đứa con trai duy nhất của anh, nhằm hồi tưởng cũng như mang ơn xứ ấy khi anh đã đến du học vào trước năm 1975.
Thời gian trôi đi, vạn vật vô thường, kẻ còn người mất. „Ôi“ Nhân sinh là thế ấy! Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao“. Điều ấy cụ Nguyễn Công Trứ là một nhà văn là một vị tướng của Triều đình đã thở than như thế. Quyết không phải là điều sai và cũng chẳng thừa chút nào khi chúng ta nghĩ về cuộc đời như mây như mộng của kiếp nhơn sinh kia.
Khi tôi bắt đầu vận động xây chùa Viên Giác tại Hannover từ khi mua đất năm 1984 và từ khi bắt đầu xây cất năm 1989 để rồi hoàn thành vào năm 1993. Mỗi khi gặp tôi, anh thường hỏi: Nợ của chùa còn nhiều không Thầy? Rồi anh vò tai, bức tóc nơi chỉ còn một ít tóc, đoạn thở dài. Tôi bảo rằng: Chắc không có sao đâu. Cái gì rồi cũng có Phật độ cả. Anh lo làm gì cho nhiều. Cái gì đến nó phải đến (que sera sera) anh hiểu lý nầy rồi mà. Mà đúng thật là như vậy. Viên Giác bắt đầu từ cái không to tướng, rồi sau bao nhiêu năm với sự đóng góp của bà con Phật Tử đó đây; ngôi chùa nầy trong hiện tại trị giá 5 triệu rưỡi đô-la Mỹ. Rồi một mai đây hai mươi năm, ba mươi năm hay nhẫn đến một trăm năm sau đi nữa ai biết chuyện gì sẽ xảy ra mà lường được. Thôi thì cứ làm hết bổn phận của mình khi còn sống là đủ rồi. Người sau đến sẽ kế tục công việc của mình.
Khi xa Đức đến định cư tại Úc để trở lại nghề cũ của mình là giáo viên dạy Trung Tiểu Học bằng tiếng Anh, anh vui lắm. Vì đây là sở trường của anh; chứ không phải như tiếng Đức ngoằn ngoèo và phát âm muốn trẹo cuống họng. Nhưng khi đến Úc rồi anh thường hay tụ tập với những anh em đến từ Đức để trò chuyện hoặc sinh hoạt tín ngưỡng với nhau. Những ngày lớn tuổi và khi về hưu tôi thấy anh hay nghiên cứu về Thiền học và đi chùa đều hơn thuở trước. Nước Đức tuy không phải là quê cũ của anh; nhưng nơi đây Kiwi đã sanh ra và quê thứ 2 của vợ anh; nên vẫn có nhiều gắn bó hơn là quê hương thứ 3 nơi anh đang sinh sống. Tuy nước Úc là một nơi lý tưởng cho những người di dân; nhưng đất mới, người thưa; nên những bằng hữu thâm giao ở một nơi chốn bên kia quả địa cầu cũng là những người tri kỷ. Anh hay gặp nhau với những người như thế để trao đổi và nhớ về nước Đức.
Cũng như thế, mỗi lần anh gặp tôi là chỉ hỏi chuyện của nước Đức như ai còn ai mất? Bác Năm Phát mạnh không ? Anh Diệp bây giờ ra sao rồi ? Anh Phù Vân dạo nầy ra sao Thầy ? Chùa, Thầy trả nợ đã hết chưa ? Và thế hệ trẻ đi chùa có nhiều không ? Ai là người kế tục Thầy v.v... Rồi anh than! Ở đây (Úc Châu) ít Thầy quá, mà Thầy có khả năng để cho Phật Tử học hỏi, cậy nhờ lại càng ít hơn v.v... Tôi thường là im lặng hay nếu có trả lời cũng chỉ như muôn thuở là: Anh Nghĩa, anh đừng lo nhiều quá! Mọi việc đúng là theo nhân duyên thôi. Cũng như nhân duyên của tôi và của anh gặp nhau để trang trải tấm lòng của mình cho báo Viên Giác và độc giả khi đọc vào, biết thêm một số chuyện cần biết. Nó chỉ đơn giản vậy thôi. Khi nào hết duyên thì mình sẽ vắng bóng ở cõi đời nầy và người kế tiếp sẽ đi con đường nầy tiếp tục hay rẽ sang lối khác cũng không sao. Vì đường đời có muôn vạn lối và nẻo đạo cũng như vậy thôi.
Dầu sao đi nữa riêng tôi cũng phải niệm ân anh rất nhiều vì tư cách của anh, phẩm giá của anh; những bài viết của anh đã đăng trên báo Viên Giác là một bài học vô cùng quý giá cho đời mình. Đó là kết quả của sự Giáo Dục mà chính anh đã xuất thân từ những đứa con của gia đình nghèo, mà đã cố vươn lên để theo con đường học vấn và kết quả ngày hôm nay của anh là tất cả bằng mồ hôi, nước mắt và sự tự lực của anh đã đóng góp cho Đời và cho Đạo.
Xin anh nhắm mắt ngàn thu. Hồn có thiêng thì về nơi An Dưỡng nơi có Đức Từ Phụ A Di Đà tiếp dẫn kẻ có tâm hướng đến và xa xa nơi đó anh hãy hướng về nơi anh đã đi qua và đã đến để ôn lại những phút giây nhiệm mầu trong cuộc sống tha hương mà tấm thân cô lữ đã làm cho người Việt ở đó đây trên quả địa cầu nầy để chứng minh rằng: Anh phải sống ở bất cứ thời điểm nào để làm rạng danh cho những người yêu chuộng Tự Do nơi đất khách.
Viết xong vào một chiều Thu năm 2007
tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover.
__________________
Có một tu viện như thế
● Thích Như Điển
Sau 30 năm sinh hoạt Phật sự tại Đức, tôi ngồi tính sổ lại thời gian, nhân duyên, cơ hội cũng như những phạm trù khác để gởi đến quý Phật Tử xa gần, với những người lâu nay hằng hộ trì cho Phật pháp tại Đức nói riêng và các nơi khác tại Âu Châu cũng như trên thế giới nói chung với tinh thần của người con Phật và với tư cách là một Trưởng Tử của Như Lai.
Ai trong chúng ta chắc cũng ít có người nghĩ rằng mình phải sinh sống tại ngoại quốc một thời gian dài như thế. Có người bây giờ đã đi về thế giới với Phật Tổ, có người thay đổi chỗ ở, có người đã không còn trực tiếp tham gia xây dựng chùa chiền nữa, vì lý do nầy hay lý do khác; nhưng đồng thời cũng có những thế hệ thứ hai, trẻ hơn và năng động hơn thế hệ thứ nhất là Cha, Ông, Thầy, Tổ của họ và họ đang gánh vác Phật sự đó đây. Nên đây cũng là cơ hội để chúng ta nhớ nghĩ và tri ân về họ; những người ẩn danh cũng như hữu danh.
Vào giữa mùa thu năm 2007 chúng tôi có cơ hội về Chi Hội PTVNTN tại Friedrichshafen ở vùng Bodensee để làm lễ Thọ Bát Quan Trai và lễ ra mắt Chi Hội tại đó. Trong một phiên họp bất thường có dự định là chiều ngày Chủ Nhật vào giữa tháng 9 năm 2007 sẽ đi thăm một cơ sở và nếu được sẽ tiến tới việc ký giấy tờ để cho Ni Sư Như Viên và quý Phật Tử vùng miền Nam nước Đức mua làm chùa; nhưng sau khi đến nơi thì Ni Sư và Ban Vận Động Xây Chùa không bằng lòng vì những lý do như: số tiền cao quá, sức không kham nổi và vườn rộng quá không ai chăm sóc v.v...
Phần tôi đi xem qua một vòng quanh vườn 9.000 mét vuông đất có trồng cây ăn trái, hồ tắm, những bụi trúc và nhất là chung quanh đó là những cánh đồng bát ngát có những chú bò đang gặm cỏ bình an. Sau đó chúng tôi vào thăm bên trong từng nơi một. Đại khái thì nhà nầy có ba khu. Một khu nhà rộng, trước đây là một Bauernhof và gần 15 năm nay họ đã sửa lại thành một xưởng làm hình (Photostudio). Phòng nầy chia làm hai và diện tích độ chừng 400 mét vuông. Nếu làm Chánh Điện và Bàn Thờ Tổ cũng như Thư Viện thì có thể chứa khoảng 300 đến 350 người. Một dãy nhà ngang độ 200 mét vuông hiện đang làm văn phòng và từng trên thì để trống, có thể sửa chữa lại để làm phòng ở cho Chư Tăng từ 5 đến 7 phòng có nhà vệ sinh v.v... Bên cạnh đó là dãy nhà thứ ba liên tục với hai dãy nhà kia là nơi Ông Bà Chủ đang ở. Nhà 2 tầng. Tầng dưới dùng làm phòng tiếp khách, nhà bếp. Từng trên có 3 phòng ngủ và nhà tắm, nhà vệ sinh v.v..., rộng độ 150 mét vuông. Tổng cộng 3 gian nhà nầy là 750 mét vuông. Trong hiện tại ngôi nhà nầy đã được biến thành khu kỹ nghệ (Gewerbegebiete). Nhà nằm tại thành phố Ravensburg gần Bodensee thuộc miền Nam nước Đức, cách Áo 30 km, cách Thụy Sĩ vùng Luzern 60 km đường chim bay. Đây là một địa phương rất đẹp, có núi cao, sông rộng, hồ đẹp và dân cư vùng tam biên này đều nói tiếng Đức.
Sau khi xem xét xong, Ông Bà Chủ có nói là gia đình có người theo Đạo Phật và Ông Bà chỉ muốn bán cho những tổ chức hoặc những người nào có ý thích quý mến thiên nhiên như Ông Bà. Theo giá sơ khởi Bà cho biết là 950.000€. Tương đương với 1.300.000 USD; nhưng sau đó thì Bà bớt giá xuống còn 650.000€. Khi nghe như vậy tôi cũng chưa có ý định gì; nhưng nhìn thấy một số anh chị em Phật Tử đi cùng hôm đó cũng có ý muốn mua. Vì giá như thế, chưa thương lượng cũng đã thấy không đắt lắm. Vì nếu tính 1 mét vuông đất ở vùng nầy 100€ thì 9.000 mét vuông đất ấy chưa kể 3 khu nhà cũng đã là rẻ lắm rồi. Tôi vẫn chưa nhờ anh Tâm Lý trả giá; nhưng khi ra đến cửa nhà, tôi có hỏi bà Hoff rằng: Nếu chúng tôi mua, có thể thương lượng giá cả với Bà sau; nhưng phải trả làm 3 đợt. Đợt đầu trả 30% của tổng số tiền sau khi ký hợp đồng: Đợt hai trả 40% sau 3 tháng và đợt ba trả 30% còn lại sau 6 tháng Bà nghĩ sao? Bà ta rất vui vẻ với đề nghị của tôi như thế. Vì đây cũng là kinh nghiệm của tôi sau 30 năm ở xứ Đức đi thuyết phục những người chủ như thế ở Hannover và ở Berlin đã thành công; nên điều nầy phải tạ ơn Tam Bảo đã hướng dẫn cho tôi có một cái nhìn cụ thể như vậy.
Vì lẽ nếu trả một lần chùa sẽ không có đủ tiền và không có thời gian để vận động Phật Tử. Vả lại tôi cũng không muốn qua ngân hàng. Vì tiền mượn ngân hàng đắt khủng khiếp. Ví dụ như chùa Viên Giác tại Hannover của chúng ta năm 1989 bắt đầu xây; nhưng sau đó thiếu tiền phải mượn của ngân hàng 700.000 DM. Tương đương với 350.000€ hay 450.000 USD; nhưng sau 15 năm trả nợ, mãi cho đến tháng 7 năm 2007 vừa rồi, chùa phải trả vừa lời vừa vốn cho nhà băng là 1.350.000 DM. Như vậy số tiền lời gần gấp đôi. Tuy rằng khi mượn ngân hàng trên giấy tờ chỉ lấy 8,5% tiền lãi thuở đó. Nhưng ngẫm cho cùng 650.000 DM tương đương với 325.000€ ấy cũng do Phật Tử khắp nơi đóng góp vào mới có được mà trả tiền lời cho ngân hàng và chùa Viên Giác cũ xem như đã hết nợ ngân hàng và nợ của Phật Tử.
Bà ta thì cũng muốn bán; nhưng dĩ nhiên ai bán cũng muốn có tiền một lần, chứ ai lại chia ra làm nhiều lần như thế mà còn không trả tiền lời nữa thì trên thế gian nầy khó thấy lắm. Thế nhưng tôi thuyết phục thêm và nói với Bà rằng: Nếu Bà để đây hơn 1 năm nữa, nơi nầy đã chắc gì có người mua. Vì nhà quá lớn và kinh tế của Đức đang xuống nữa. Do vậy nếu trả góp mà đến tháng 7, tháng 8 năm 2008 đủ cho bà, thì bà cũng đâu có mất mát gì. Bà ta cười và xem như đã đồng ý.
Khi bước ra khỏi sân, có lẽ Hộ Pháp đã giúp cho tôi và kêu khoảng 20 người đi cùng lại nói việc trao đổi cách trả tiền với Bà vừa rồi và tôi đề nghị mỗi một gia đình hay anh chị em nào có khả năng cho chùa vay 50.000€ hoặc ít hơn cũng được. Ngay tại chỗ hôm đó đã có được sự đồng tình của 4 cổ phần. Mọi người ra về vui vẻ và chờ đợi.
Phần tôi về lại chùa có đem việc nầy ra bàn với chúng và một số quý Phật Tử thân cận để lấy ý kiến cũng như sự biểu đồng tình, đồng thời tôi kêu gọi thêm một vài Phật Tử nữa cho mượn để mua cơ sở trên. Sau khi nói chuyện ai cũng thấy hữu lý vì một số lý do sau đây:
- Lý do đầu tiên là tại Vùng Nam Đức, cách München độ 150 km, cách Stuttgart 200 km vẫn chưa có một cơ sở nào của Phật Giáo để dành cho người Việt và người Đức sinh hoạt cả; nhất là thế hệ sinh ra tại Đức. Đa phần nói tiếng Đức; nhưng không có nơi chốn để dừng chân, học hỏi và tu niệm.
- Lý do thứ hai đây là một địa phương đẹp, rất gần với các nước lân cận như: Áo, Thụy Sĩ và cũng có phi trường, giao thông tiện lợi v.v...
- Lý do thứ ba quý Phật Tử cũng muốn riêng cá nhân của tôi càng về già có nhiều thời gian ở Đức hơn để gần gũi quý Phật Tử, chứ cứ xa Đức một năm 6 tháng như thế thì quý Phật Tử họ cũng cảm thấy thiếu thốn, mà đây là một nơi rất yên tịnh, lý tưởng để làm một Tu Viện cho 5, 10 Thầy ở cũng như để dịch Kinh viết sách. Còn Phật Tử thì chỉ sinh hoạt vào cuối tuần. Rất tiện lợi.
- Lý do cuối cùng là mấy năm gần đây tôi hay sang Úc để nhập thất tịnh tu và thời gian cũng đã qua 5 năm rồi. Bây giờ đường đi mỗi lúc mỗi xa so với sự lớn tuổi của mình, mặc dầu A380 sẽ rút ngắn giờ bay lại, không còn bay và phải chờ đợi ở Á Châu rồi mới đến Úc sau 26 tiếng đồng hồ, thật là một đoạn đường bay xa nhất trên quả địa cầu nầy. Vả lại tôi cũng đã hứa với quý Phật Tử tại Úc là đi thêm 5 năm nữa mà thôi. Vậy sau 5 năm nữa, đây là nơi lý tưởng để tôi thực hiện hạnh nguyện của mình lúc sắp gần Phật.
Trên đây là những lý do chính; nên vào ngày 5 tháng 12 năm 2007 vừa rồi Thầy Hạnh Tấn và Thầy Hạnh Giới đại diện cho Chi Bộ đã về vùng Ravensburg để ký giấy tờ với luật sư cùng gia đình bà Hoff và đã dứt giá ở con số 600.000€ qua sự thương lượng của cô Thiện Liên và anh Tâm Lý. Số tiền đó được chia ra như sau: 180.000 Euros cùng tiền Luật Sư sau khi ký giấy tờ trong tháng 12 năm 2007 và phải đóng tiền qua Luật Sư. 240.000€ kế tiếp sẽ chồng tiền qua Luật Sư vào tháng 3 năm 2008 và 180.000€ còn lại sẽ đóng vào tháng 8 năm 2008. Sau khi đóng xong, chúng ta sẽ nhận chìa khóa và sửa chữa trong ngoài để vào ở và sinh hoạt.
Câu chuyện nó không dừng lại ở đó mà còn tiếp tục ở đây. Nghĩa là chúng tôi mong mỏi sau khi quý vị đọc đến đây rồi, không nhứt thiết là Phật Tử Việt Nam đang sinh sống tại Đức, mà ở Âu Châu hay các nước khác cũng có thể giúp đỡ cho chúng tôi bằng nhiều cách khác nhau sau đây, để chùa thanh toán đủ qua Luật Sư cho chủ nhà, thì lúc ấy chúng ta mới trọn quyền xử dụng được.
- Cách thứ nhất là cho mượn Hội Thiện không có lời, bao nhiêu cũng được và xin cho biết thời gian hoàn trả lại.
- Cách thứ hai tùy hỷ cúng dường bao nhiêu cũng được. Có thể lấy con số tượng trưng là 1 mét vuông đất bằng 100€. Xin cúng 1 hay nhiều mét vuông đất vậy.
- Cách thứ ba là ủng hộ định kỳ mỗi tháng 5€ hay 10€ hoặc hơn nữa để Tu Viện có thể duy trì sinh hoạt hằng tháng.
● Tất cả những số tịnh tài trên, xin chuyển về số Konto như sau:
- Konto Nr. 870 1633, BLZ 250 700 24, Deutsche Bank Hannover.
- Người nhận: Congr. D. Verein Vietn. Buddh. Kriche e.V.
● Những vị ở ngoài nước Đức có thể chuyển thẳng số tịnh tài vào Trương mục ngân hàng như sau:
- Người nhận: Congr. D. Verein Vietn. Buddh. Kirche e.V.
- BIC: DEUTDEDBHAN
- IBAN: DE 22 2507 0024 0870 1633 00 Deutsche Bank Hannover Germany.
Ngoài ra quý vị cũng có thể liên lạc về chùa để nhận giấy khai thuế cuối năm; nếu quý vị đã cúng dường cho việc mua Tu Viện.
Tu Viện nầy được đặt tên là Viên Đức để cho dễ dịch ra tiếng Đức và sẽ gọi là Vollkommenheit der Tugend Kloster thì người Đức sẽ hiểu ngay, tránh giải thích dài dòng về cái tên chùa. Đồng thời khi quý vị gởi tịnh tài về chùa, xin ghi rõ vào mục chuyển tiền là: cho mượn Hội Thiện hay cúng dường hoặc định kỳ cho Tu Viện Viên Đức ở Bodensee để việc sổ sách dễ dàng hơn.
...
Ngày 22 tháng 4 năm 1977 tôi từ Nhựt đến Đức với một thân một mình; bây giờ sau 30 năm tại Đức đã có 70 Tăng Ni và hơn 10.000 Phật Tử thuần thành cũng như mười mấy ngôi chùa như thế. Quả là “Phép Phật Nhiệm Mầu”.
Đó là chỉ kể riêng có nước Đức. Nếu chúng ta kể khắp Âu Châu, Mỹ Châu, Úc Châu và Á Châu chúng ta có được lớn nhỏ tất cả là 600 ngôi chùa như vậy.
Trước năm 1975 GHPGVNTN trong nước cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, cố Hòa Thượng Thích Thiện Hòa muốn lập 3 ngôi chùa tại Ấn Độ, Nhựt và Pháp mà đã không thể thực hiện được, bây giờ chỉ còn 3 tượng Phật lưu lại ở chùa Việt Nam Phật Quốc Tự ở Ấn Độ, chùa Khánh Anh tại Pháp và chùa Viên Giác tại Đức.
Từ 1975 đến nay trong cái mất mát đau thương của dân tộc, chúng ta chẳng còn gì ngoại trừ một tấm lòng cho Đạo và quê hương. Thế mà người Phật Tử và chư Tăng Ni chúng ta đã hồi tỉnh lại đã làm nên một lịch sử “Kiến Pháp Tràng Ư Xứ Xứ ...” như thế, có lẽ từ cổ chí kim chưa bao giờ có được như vậy. Trong cái mất chúng ta lại có cái được và trong cái được ấy chúng ta đã mất không biết bao nhiêu là xương máu và sự tủi hờn mới có được ngày hôm nay.
Còn lãnh vực tinh thần thì sao? Dĩ nhiên là song song với lãnh vực vật chất quý Thầy, quý Cô cũng đã tận dụng khả năng tu học của mình để hướng dẫn quý Phật Tử Việt Nam chúng ta và người địa phương càng ngày người hiểu đạo càng nhiều hơn. Ví dụ như người Đức, người Pháp, người Úc, người Mỹ khi vào chùa biết chắp hai tay niệm: Nam Mô A Di Đà Phật; biết hỗ trợ chùa, biết tham gia những khóa giáo lý bằng tiếng địa phương; hoặc giả ngồi thiền, làm công tác từ thiện, xã hội v.v...
Quý Phật Tử Việt Nam có rất đông người ăn chay trường, có quy y Tam Bảo, thọ Bồ Tát Giới tại gia, gồm tất cả mọi thành phần, trong đó thành phần trí thức không phải là ít. Kèm theo đó các em trẻ ở thế hệ thứ 2 được sinh ra tại Đức hay các nước khác trên thế giới có học lực cao, kiến thức rộng cũng đang kề vai với thế hệ Cha Ông, Thầy, Tổ mình gánh vác việc Đạo sau khi đã hiểu rõ sự lợi ích của Giáo Lý Phật Đà.
Bây giờ có nhiều em Sinh Viên khi nghỉ hè cha mẹ cho đi nhiều nơi nghỉ mát; nhưng các em không đi mà chỉ đi về chùa để tu học và làm công quả. Điều ấy trước đây 20 năm cha mẹ muốn khuyên và dụ con em mình đi chùa mà chúng thật khó nghe theo. Phải nói rằng đây là kết quả của sự tương tức vậy. Cái nầy có nó sẽ kéo theo cái kia và cái kia có nó sẽ kéo theo cái nọ. Nếu cái nầy không thì cái kia cũng không. Đây là nhân duyên và đây cũng là sự thành tựu của nhân duyên vậy.
Điều quan trọng là hiểu đạo, chúng ta không phải phụng sự cho cá nhân của Thầy đó hay Cô đó trụ trì chùa đó, mà phụng sự Đạo, chính là phụng sự cho lý tưởng mà mình đang theo Đạo Phật. Đó là lý tưởng của Từ Bi, Trí Tuệ và Giải Thoát.
Từ những em bé đến các cụ già, từ những thanh niên nam nữ đến những người trung niên cứ mỗi lần đi chùa là mỗi lần mời gọi. Mỗi lần có tổ chức Khóa Giáo Lý bất cứ ở đâu là mỗi lần đông nghẹt những mái đầu xanh và tiếng khóc của trẻ thơ. Nhìn gương mặt của những em bé rất rạng rỡ khi nghe lời khuyên của mẹ đem phong bì lên cúng dường Tam Bảo và nhìn các bé quỳ lạy theo sự hướng dẫn của mẹ cha, tâm tôi đã thực sự hoan hỷ và biết chắc rằng sẽ có những thế hệ hiểu đạo nối tiếp theo sau mình và biết rằng cuộc đời vô thường nầy, ai có đến rồi cũng phải ra đi, chẳng mang theo một thứ gì cả ngoại trừ nghiệp lực của mình. Cho nên ngay từ bây giờ tôi đã biết vui với những niềm vui miên viễn ấy.
Những cụ già lụm khụm chắt chiu từng đồng, từng cắc để cúng chùa; những anh Kỹ sư, Bác sĩ tính toán thật kỹ khi chi tiền cho mục nào là của gia đình; mục nào cho từ thiện xã hội, mục nào cho chùa v.v... Rồi những em thanh niên thanh nữ mới lớn lên khi đến chùa đã vì bạn, vì niềm vui mới bắt đầu, để rồi từ đó đã thâm nhập kinh tạng và giáo lý lúc nào không hay, để họ đã bắt tay vào công việc phụng sự đạo.
Riêng tôi khi làm một công việc gì thường hay đặt ra mấy câu hỏi trước. Ví dụ như làm việc nầy để làm gì? Làm cho ai? Và kết quả sẽ ra sao? Nếu trả lời thông suốt được 3 câu hỏi ấy thì tôi sẽ bắt tay vào việc để không ngại ngùng mình là một Trưởng Cái Bang đi xin ăn khắp thế giới; nhưng kết quả không phải để cho mình, mà cho việc xây dựng chùa A, chùa B, cho việc đào tạo Tăng tài, cho việc từ thiện xã hội v.v..., thì tôi vẫn không từ nan cho nhiệm vụ của một Tỳ Kheo, trong đó nghĩa Khất sĩ, bố ma và phá ác tôi đang thực hiện mà không phải xấu hổ gì.
Khi tôi làm việc dĩ nhiên cũng có người khen, kẻ chê; nhưng đó là chuyện bình thường trên thế gian nầy, tôi xin chấp nhận; nhưng tôi cũng xin tạ ân Tam Bảo, ân cha mẹ, ân Thầy Tổ, ân quốc gia đã cho con có một ý chí, một tấm lòng để phụng sự cho tha nhân và so ra với những việc khó khăn ấy tôi chỉ gặp độ 5% đến 10%. Trong khi đó 90% là thuận chiều và dĩ nhiên tôi cũng không tự mãn cho thành quả đó mà tự tin ở sự gia hộ của chư Phật và khả năng nội tại của mình. Cho nên tôi đã phát nguyện: “Con xin nguyện làm một dòng sông để chuyên chở những trong đục của cuộc đời và cho con nguyện làm mặt đất để hứng chịu những sạch nhơ của nhân thế”.
(Viết xong tại Tu Viện Đa Bảo Úc Đại Lợi
vào ngày 5 tháng 12 năm 2007)
_________________
Công đức của việc trì kinh
(Trích đoạn thứ 15 trong Kinh Kim Cang để luận giải)
● Thích Như Điển
Chữ: “Tu Bồ Đề! Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhơn sơ nhựt phần dĩ hằng hà sa đẳng thân bố thí; trung nhựt phần diệc dĩ hằng hà sa đẳng thân bố thí; hậu nhựt phần diệc dĩ hằng hà sa đẳng thân bố thí, như thị vô lượng bách thiên vạn ức kiếp dĩ thân bố thí. Nhược phục hữu nhơn văn thử kinh điển tín tâm bất nghịch, kỳ phước thắng bỉ; hà huống thơ tả, thọ trì đọc tụng, vi nhơn giải thuyết”.
Nghĩa:
“Nầy Tu Bồ Đề! Nếu có người con trai lành, người con gái tốt vào buổi sáng dùng thân nầy nhiều như số cát sông Hằng để bố thí; ở vào giữa ngày lại cũng dùng thân nầy nhiều như cát sông Hằng để bố thí và ở cuối ngày lại cũng dùng thân nầy nhiều như cát sông Hằng để bố thí, như vậy cả hằng trăm ngàn vạn ức kiếp đều dùng thân nầy để bố thí. Nếu có người nghe được kinh nầy tín tâm không nghịch thì phước nầy hơn kia, đó là chưa nói việc viết kinh, thọ trì hay đọc tụng và vì người khác giải thích, chỉ bày”.
Luận giải:
Ngài Tu Bồ Đề là bậc tu về giải không đệ nhứt mà chúng ta vẫn thường thấy Ngài hay xuất hiện trong Kinh Kim Cang. Đức Phật hay gọi Ngài để hỏi hay giảng nghĩa chỗ sâu xa nhất về ý nghĩa Không của Kinh nầy. Như đoạn kinh thứ 15 trong 32 đoạn kinh của Kinh Kim Cang mà chúng ta được biết như trên, dẫu cho một người dùng thân nầy tượng trưng cho hình tướng từ sáng đến trưa, từ trưa đến chiều cho đến vô lượng vô biên kiếp và nhiều như cát sông Hằng ở Ấn Độ đi nữa thì không bằng một người khi nghe được Kinh Kim Cang nầy mà có tín tâm không chống đối lại, thì phước của người có lòng tin vẫn hơn là phước của người dùng thân mình để bố thí.
Ở đây chúng ta thấy niềm tin là quan trọng, mà tin như thế nào khi nghe Kinh? Làm sao để đừng nghịch lại lời dạy của Đức Phật? Đây không phải là việc đơn giản. Vì lẽ khi tin Phật hay tin Kinh thì phải hiểu Phật và hiểu Kinh. Vì khi hiểu Kinh và hiểu Phật tức là hiểu pháp; hoặc ngược lại khi hiểu pháp rồi thì sẽ hiểu Phật và hiểu Kinh. Niềm tin ấy bất hoại và chính từ niềm tin sâu xa ấy sẽ tạo ra công đức không thể nghĩ bàn được. Chúng ta tin vào Phật phải tin vào pháp và phải tin vào Tăng, tin vào Kinh, tin vào nhân quả. Tất cả những việc nầy đều tạo chúng ta có một sức mạnh tự thân khi muốn diễn đạt tư tưởng của mình trong sự có không của cuộc đời vốn đầy mộng ảo nầy. Có như vậy mới gọi là bất nghịch. Bất nghịch ở đây có nghĩa là không nghi ngờ. Một niềm tin nhân quả mà còn nghi ngờ thì không gọi là một niềm tin trọn vẹn được. Chỉ chừng ấy việc thôi mà phước nầy có được nhiều hơn phước đức của người đem thân cúng dường suốt ngày và trong nhiều kiếp như thế.
Đó là chưa kể đến những người chép Kinh, in Kinh ấn tống, những người giữ gìn, đọc tụng và vì người khác mà diễn nói cho họ nghe nghĩa lý của Kinh nầy thì phước của những người sau nầy nhiều hơn phước của những người cúng dường thân mình nhiều lắm. Những ai chép Kinh hay những ai vì kẻ khác mà phát tâm ấn tống Kinh. Điều nầy đã là một công đức làm lợi lạc cho mọi người và sự lợi lạc ấy càng ngày càng nhiều thêm lên, nên công đức nầy không nhỏ. Ngoài ra những kẻ không biết đọc tụng mà chỉ cung kính giữ gìn thờ tự Kinh Điển thì công đức của người nầy cũng hơn người cúng dường thân kia. Vì sao vậy? Vì Kinh Điển còn tồn tại ở thế gian tức việc xấu ít dám hiển bày, khiến cho thế gian được an ổn vậy. Có nhiều người sau khi đọc tụng Kinh nầy rồi, hiểu rõ nghĩa lý sâu xa huyền nhiệm của Kinh, đem ra diễn nói giải thích cho người khác được nghe, hiểu và hành trì thì công đức của người nầy cũng lại hơn kia.
Chữ:
“Tu Bồ Đề! Dĩ yếu ngôn chi thị Kinh hữu bất khả tư nghì, bất khả xưng lượng, vô biên công đức. Như Lai vi phát Đại Thừa giả thuyết. Vi phát tối thượng thừa giả thuyết. Nhược hữu nhơn năng thọ trì đọc tụng, quảng vi nhơn thuyết. Như Lai tất tri thị nhơn, tất kiến thị nhơn, giai đắc thành tựu bất khả lượng, bất khả xưng, vô hữu biên, bất khả tư nghì công đức.
Nghĩa:
“Tu Bồ Đề! Dùng lời chính để nói thì Kinh nầy thật bất tư nghì khó thể xưng đếm, công đức vô cùng. Như Lai vì kẻ phát tâm Đại Thừa mà nói. Như Lai vì kẻ phát tâm tối thượng thừa mà nói. Nếu có người hay thọ trì, đọc tụng, rộng vì người khác nói. Như Lai tất rõ biết người nầy, tất thấy người nầy sẽ được thành tựu, chẳng thể lường, chẳng thể xưng, không có ngằn mé, công đức bất khả tư nghì như thế.
Luận giải:
Chữ bất khả tư nghì chúng ta thường thấy nơi Kinh Phật. Ý chính dùng để diễn tả những việc gì không thể nói hết được ý và được lời; nên Phật đã dùng chữ nầy để biểu hiện đồng với chữ “hằng hà sa số” cũng như thế. Cái gì mà nhiều không tính được, không đếm được Đức Phật hay dùng cát của sông Hằng để ví dụ. Kinh nầy là một loại Kinh tạo ra rất nhiều công đức. Vì vậy Đức Như Lai đã vì những kẻ phát tâm Đại Thừa mà nói ra. Thế nào là tâm đại thừa? tâm ấy như đại đại, rộng rãi như hư không, không có biên giới giới hạn; nên Phật gọi đây là một công đức lớn, không có gì sánh bằng là vậy. Đức Phật cũng đã vì những kẻ tu học tối thượng thừa mà nói kinh nầy. Vì lẽ kinh nầy sẽ dẫn hành giả đến chỗ bến bờ tuyệt đối, không còn phân biệt bỉ thử, nhân ngã nữa.
Nếu có người nào đó hay thọ trì đọc tụng kinh nầy, lại vì người khác mà nói cho họ rõ biết về tánh không của Kinh, phải đứng trên lập luận vô tướng pháp môn để thành tựu và không trụ vào đâu cả để sinh tâm v.v… thì những người như vậy Đức Như Lai đã rõ biết và chứng nhận cho người nầy đã thành tựu các pháp tu, mà pháp tu ấy có một công đức vô lượng vô biên, không có gì có thể sánh được.
Chữ:
“Như thị nhơn đẳng, tức vi hà đảm Như Lai A nậu đa la tam miệu tam Bồ Đề. Hà dĩ cố? Tu Bồ Đề! Nhược lạc tiểu pháp giả; trước ngã kiến, nhơn kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến. Tức ư thử kinh bất năng thính thọ, đọc tụng vi nhơn giải thuyết”.
Nghĩa:
“Những người như thế, tức hay gánh vác việc vô thượng chánh đẳng chánh giác của Như Lai. Vì sao vậy? Nầy Tu Bồ Đề! Nếu kể vui với pháp nhỏ thì chấp vào cái thấy của ta, cái thấy của người, cái thấy của chúng sanh, cái thấy của thọ giả. Những kẻ như thế không thể nghe được kinh nầy và đọc tụng và vì người khác mà giải thích”.
Luận giải:
Những người như thế tức là những người có công đức mới có thể gánh vác được việc của Như Lai. Việc ấy rất cao cả. Đó chính là chỗ đến của các bậc Như Lai. Còn nếu kẻ nào chỉ chấp trước vào việc của mình làm, việc thấy nghe kẻ khác và chấp vào việc của chúng sanh, mà cho rằng mình đúng, thì kẻ ấy chỉ vui với những pháp nhỏ, làm sao có thể gánh vác được việc của Như Lai. Việc của Như Lai là việc không từ đâu đến và cũng chẳng đi về đâu. Nên không phải là ai cũng có thể gánh vác được. Những kẻ có tâm vui với pháp nhỏ thì không thể nghe hiểu cũng như trì tụng và vì người khác mà giải nói kinh nầy được”.
Chữ:
“Tu Bồ Đề! Tại tại xứ xứ, nhược hữu thử kinh nhất thiết thế gian thiên nhơn A-tu-la, sở ưng cúng dường đương tại thử xứ, tức vi thị pháp, giai ưng cung kính, tác lễ vi nhiễu, dĩ chư hoa hương nhi tán kỳ xứ.”
Nghĩa:
“Nầy Tu Bồ Đề! Ở tại khắp nơi, nếu có kinh nầy, tất cả thế gian Trời, Người, A-tu-la đều nên cúng dường; hãy biết rằng ở nơi đó, chính là những ngôi tháp, đều nên cung kính, làm lễ đi nhiễu chung quanh và dùng hoa hương tán thán nơi ấy”.
Luận giải:
Như vậy nơi đâu có kinh Kim Cang Bát Nhã mà có người trì tụng, giải nói cho người khác nghe, thì cả những chư Thiên, chư Tiên, các vị vua cõi trời Đế Thích trong lục dục Thiên; hay ở cõi sắc giới và vô sắc giới cùng với A-tu-la đều đến cúng dường người đó, nơi đó. Vì lẽ chính nơi truyền bá tư tưởng không ấy, chính là những ngôi tháp thờ Xá Lợi của Đức Phật. Mặc dầu ngày nay Đức Phật không còn hiện hữu trong nhân gian nữa; nhưng những lời dạy của Ngài cũng giống như những bảo tháp thờ Xá Lợi vậy. Do những điểm quan trọng nầy mà chúng ta nên cung kính cúng dường, làm lễ đi nhiễu quanh tháp nhiều lần và dùng hoa hương thanh thịnh để tán thán nơi có Kinh Kim Cang Bát Nhã nầy.
Những lời dạy của Đức Phật rất đơn giản nhưng rất sâu sắc ấy mãi cho đến những ngày sau cả mấy ngàn năm chúng ta vẫn thấy có nhiều người hành trì như việc in Kinh ấn tống cúng dường; thờ Kinh nơi chỗ trang nghiêm rồi các vị pháp sư liên tục diễn giải ý nghĩa thậm thâm của những Kinh Điển Đại Thừa; trong đó có kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật nầy. Ngoài ra để thể hiện sự cung kính ấy, người Phật Tử thường hay tham gia những pháp hội, những khóa huân tu niệm Phật hay thiền tọa; hoặc hành hương xứ Phật chốn Tổ để đi nhiễu tháp, mua hương thơm, đèn, nến để cúng dường. Vì những người Phật Tử khi lễ bái cầu nguyện như vậy, họ xem Phật như còn tại thế.
Hương giới, hương định, hương huệ, hương giải thoát và hương tri kiến là năm phần hương thanh cao ngào ngạt mà cư sĩ cũng như tu sĩ khi hành trì, quyết giữ phẩm hạnh và giới đức của mình cho thanh tịnh trong sạch để dâng lên Đức Như Lai. Đấy chính là một hành động thiết thực mà người tu Phật không được phép lơ là. Đôi khi chúng ta muốn tạo phước chớ ít muốn tạo đức. Nhưng như trước chúng ta đã thấy ở đoạn kinh nầy, người lấy thân cúng dường là có phước; nhưng phước nầy không thể sánh được với người trì tụng kinh nầy cũng như in kinh cúng dường và vì người khác giải nói. Chính những việc nầy mới sinh ra đức.
Phước giống như cây đèn cầy. Còn đức giống như ngọn đèn sáng. Cây đèn cầy dù lớn đến đâu đi chăng nữa, nếu chúng ta đốt liên tục trong nhiều ngày, cây đèn cầy ấy sẽ hết. Còn cái đức ấy vốn vô hình; giống như ngọn đèn sáng, có đó rồi mất đó. Nhưng nếu ta đem cái sáng ấy giống như sự trì tụng và hiểu biết kinh điển kia đem truyền lại cho người khác thì cái sáng nầy sẽ miên viễn không dứt tuyệt mà cái đức lại sanh ra càng ngày càng nhiều hơn nữa.
Chư Thiên là những bậc cao cả hay phát nguyện hộ trì cho những ai giữ gìn chánh pháp và làm cho cái đức ấy được lâu bền. Cho nên những người cư sĩ tại gia hay những người xuất gia; nơi nào có tụng kinh thường xuyên; nơi nào có in kinh ấn tống; nơi nào có người diễn nói pháp mầu của chư Phật v.v… những nơi như thế luôn luôn được thịnh hành. Vì các vị hộ pháp và chư Thiên che chở, phát nguyện hộ trì. Ngược lại những nơi nào không làm những việc như thế thì thiếu sự cúng dường của loài người, chứ đừng nói đến chư Thiên hoặc các vị Thiện thần. Vì lẽ các Ngài chỉ hộ trì người nào và nơi nào có mục đích làm cho chánh pháp được cửu trụ nơi cõi Ta Bà nầy.
Như vậy việc tụng kinh, niệm Phật, hành thiền, lễ bái, cầu nguyện, nhiễu tháp, hành hương chiêm bái Phật tích, góp tịnh tài in kinh ấn tống cúng dường, khuyên người khác đi chùa lễ Phật và giảng nói cho họ nghe về những tinh túy của Phật pháp v.v… chính đây là những người làm việc lớn, có thể gánh vác được việc trọng đại của Chư Phật trong ba đời để thành được vô thượng chánh đẳng chánh giác.
Trong thời mạt pháp, mọi vật có hình tướng đều khó thể tồn tại ở thế gian nầy; ngoại trừ giáo pháp là những lời dạy của Đức Phật sẽ còn tồn tại. Thật đúng như thế, khi mà Phật không còn tại thế nữa, Tăng không còn hành đạo nữa. Lúc ấy kinh điển là điều quan trọng. Cho nên kể từ ngay bây giờ sau khi đọc đến công đức của việc trì kinh trong Kinh Kim Cang nầy chúng ta nên tùy thuận mọi Phật sự như Đức Thế Tôn đã dạy bên trên để giáo pháp của Ngài vẫn luôn luôn tồn tại nơi cõi Ta Bà nầy.
●Viết xong ngày mùng 6 tháng 12 năm Đinh Hợi tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ là ngày Phật thành đạo dưới cội Bồ Đề nhằm ngày 15 tháng giêng năm 2008.
____________________
Phương pháp và cung cách sống trong cuộc đời
Thích Như Điển
Tôi đã có nhân duyên đi khắp nhiều nơi, đến cũng rất nhiều chỗ. Đây cũng là cơ hội để cho tôi học hỏi và trao đổi kinh nghiệm với mọi người. Trong cuộc sống nầy có rất nhiều người may mắn nắm bắt then chốt của công việc, của sự suy nghĩ và cứ theo đó mà hành động thì đa phần có chút ít lạc quan, nhưng cũng có lắm người sống rất bi quan, không biết cách giải quyết như thế nào để có thể thoát ra những sự trói buộc, để nội tâm chúng ta được thư thái nhẹ nhàng hơn.
Nhiều lúc tôi lấy tư cách là một vị Thầy để nói chuyện với học trò đệ tử, thì họ bảo rằng: “Vì tôi làm chủ mọi vấn đề, nên mới dễ dàng chủ động trong mọi tình huống; còn học trò đệ tử là những người phụ thuộc và bị động, nên khó sống hay làm việc trong sự chủ quan được”.
Rõ ràng là như vậy. Ở Á Châu chúng ta đa phần là chỉ học cái kiến thức của ông Thầy, phần sáng tạo thì ít đi, trong khi đó học theo lối học Âu Mỹ ngày nay có khác. Vị Thầy chỉ là một người bạn của học trò, sinh viên nhằm chia xẻ những tri thức và sự học hỏi của mình cho học trò và từ đó học trò dạn dĩ hơn, chủ động hơn cũng như có nhiều khả năng tự lập hơn; chứ không bị lệ thuộc nhiều theo như sự giáo dục của Á châu chúng ta.
Từ đó khi ra làm việc hay bước vào công sở, cuộc sống xã hội, cuộc sống gia đình họ tự phân chia trách nhiệm và thực hành bổn phận ấy với khả năng chuyên biệt của mình. Rồi một nhóm 3, 5, 7 hay 10 người v.v... sẽ chỉ chịu trách nhiệm của phần mình riêng lẻ, để rồi cộng hưởng giao thoa với nhau trong một môi trường to lớn hơn. Đây là cung cách tổ chức trong trường học, trong xã hội, trong công ăn việc làm của xã hội Âu Mỹ ngày nay.
Dĩ nhiên những xã hội nầy họ vẫn cần những người lãnh đạo như Á Châu chúng ta, nhưng kẻ lãnh đạo chỉ là người biết lắng nghe thuộc cấp trình bày, bàn bạc và cốt làm sao cho công việc được thành tựu là điều chính yếu, chứ không phải lấy mọi người để làm bàn đạp tiến thân lên đài danh vọng của mình như một số nước Á Châu đang chủ trương.
Nếu công việc thành tựu thì kết quả đó là kết quả của tập thể. Nếu ngược lại, chỉ có cá nhân chịu trách nhiệm, không ảnh hưởng đến một tập thể hay một cộng đồng to lớn, mà giới lãnh đạo trong trường hợp nầy phải biết quan tâm, chia xẻ với những người cùng làm việc chung; chứ không phải chỉ đứng chỉ tay năm ngón bảo người khác phải làm, còn mình thì chẳng có trách nhiệm gì cả.
Một xã hội như thế là một xã hội tương đối khá công bằng. Thế nhưng xã hội nầy còn tiến nữa, sẽ tiến dần đến phía trước, mà những gì nó sắp xảy ra, con người không tự làm chủ được. Vì lẽ dần dần nếp sống của con người bị thu hẹp trong những cá nhân tự kỷ; chỉ biết sống cho mình, lo trau chuốt tự ngã của mình và những gì thuộc về mình; trong khi đó những người sống chung quanh ta thì mặc kệ họ. Ngay cả những người gần gũi nhất trong gia đình của mình. Rồi đây mọi việc sẽ ra sao, ai trong chúng ta cũng khó đoán biết hết được, nhưng có một điều người ta không thể chối cãi được, khi con người càng giàu có về vật chất thì lãnh vực tinh thần lại càng trở nên nghèo nàn keo kiệt.
Có một hôm tôi đang hướng dẫn những sinh viên người Đức tại chùa Viên Giác Hannover, tôi bảo rằng: “ngày nay tất cả vật giá của mọi thứ đều leo thang, tăng giá; chỉ có một món duy nhất rẻ mạt, không biết các anh chị em có biết chăng?”
Thế rồi người nầy đưa mắt hỏi người kia, có kẻ trả lời món nầy món nọ, nhưng tôi trả lời thế cho họ. Đó là: “Đạo đức của con người”. Đạo đức nầy ngày nay hạ giá quá! Luân thường đạo lý bị đảo lộn; cuộc sống gia đình và đời sống của xã hội bị quay cuồng trong cơn thác loạn, chỉ biết tranh đấu với đồng tiền, chứ có rất ít người lo chiến đấu với vô minh; với khổ đau và sanh tử.
Có người hỏi tôi rằng: “Thưa Thầy, phải sống làm sao cho thoải mái, không bị mọi thứ chi phối mình và phải giải quyết cuộc sống nầy ra sao, khi khổ đau đưa đến?”.
Câu hỏi nghe rất đơn giản, nhưng câu trả lời có hàng trăm cách khác nhau. Tuy nhiên tôi cũng trả lời theo kinh nghiệm và sự hiểu biết của mình rằng: “Muốn sống cho được an lạc, thoải mái, thì hãy biết bỏ những gì đáng bỏ và biết giữ lại những gì đáng giữ”. Điều nầy nghe thật đơn giản nhưng không dễ thực hiện, vì đa phần cái gì mình cũng muốn giữ lại. Cho nên hành trang mình mang đi vào cuộc đời nặng trĩu cả hai vai và tâm thức. Như vậy còn đâu sức lực của tự thân và chỗ trống của tâm hồn và những lời hay ý đẹp cho nội tâm mình. Sở dĩ có việc nầy vì khả năng buông xả của con người còn rất yếu đuối; trong khi khả năng chấp thủ thì quá dư thừa. Đây chính là nguyên nhân ở trong cõi Dục nầy vậy. Con người cái gì cũng muốn ôm vào lòng, vào tâm thức, nhưng ta phải hiểu rằng mỗi người trong chúng ta sẽ ôm giữ chúng được trong bao lâu? Có thể 10, 20, 50 năm hay nhẫn đến 100 năm đi nữa; khi ta không muốn buông bỏ nó, thì nó cũng buông bỏ ta mà ra đi thôi. Ngay cả tiền, tình, danh vọng, sắc đẹp, tài sản, người thân, quyền lực, ngai vàng v.v...
Vậy cái gì là thật tướng của vạn pháp? Xin trả lời là “Không”. Từ “Không” ta đến nơi đây rồi kết cuộc rồi ta cũng sẽ về lại chỗ “Không” mà thôi. Vậy thì tranh đấu, giành giựt địa vị, quyền lợi, tiền bạc để làm gì mà lối thoát phía trước là một cái “Không” to tướng. Biết thì ai cũng biết vậy, nhưng tiếc thân nầy thì ai lại không tiếc? Do đó mới sinh ra tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến, biên kiến, kiến thủ, giới cấm thủ và tà thủ... Thôi thì đủ thứ đủ loại, nó giống như một loại tơ vò tự thân mình trói buộc mình mà thôi.
Mới đây tôi có gặp Sư Thúc ở Houston tức là Ngài Trưởng Lão Thích Chơn Điền cũng là nhà thơ Ngốc Tử. Có một bài thơ mới nhất Ngài sáng tác trong năm 2007 nhan đề là “Ruồi than trong lưới nhện” rằng:
„Tham dục lao vào chốn tử sinh,
Vô minh nghiệp thức dẫn vòng quanh,
Ao tù ngũ trược càng thêm trược,
Khổ khổ rồi ra cũng tại mình“
Chỉ cần bình chú bài thơ nầy thôi là ta có đủ một nhân sinh quan, một vũ trụ quan để sống trong cuộc sống đầy khổ đau phiền lụy nầy rồi. Vì sự tham lam ham muốn, nên chúng ta mới tự quay cuồng như con ruồi trong chốn lao tù sanh tử. Nơi đây ta ngỡ là vui nhưng chỉ toàn là phiền não, khổ đau cái nầy chồng chất lên cái kia không bao giờ biết chán ngán và dừng lại. Vì vô minh và nghiệp lực nó dẫn mình tới đây và điều quan trọng là mình không biết tự làm chủ nó, nên mới khổ đau tục lụy như thế nầy. Kẻ biết và kẻ không biết khác nhau ở chỗ nầy. Người hiểu biết là người biết dừng đúng lúc, kẻ không biết là kẻ cứ thế mà lao vào. Điều nầy cũng giống như con ruồi biết rằng phía trước đang có nhện giăng tơ, nhưng ruồi vẫn không lưu tâm và không biết dừng lại, nên cuối cùng bị chết đứng giữa sa trường của cạm bẫy. Chúng ta cũng giống như vậy, trong chốn tử sinh nầy có lắm mật ngọt, bơ sữa, thịt thà, sắc đẹp, lợi danh... nhưng có ai biết dừng lại chăng? Hay chúng ta chỉ biết chờ đợi ở một phép lạ.
Cảnh sống trần gian nầy vốn đã vẩn đục, mà chúng ta càng cố cựa quậy thì nó càng đục thêm, nên chúng ta không thể tự rời khỏi chốn nầy. Vì căn bản của thế gian là ô trược, nhơ nhớp, phiền não, khổ đau v.v... Ngày nay ta có khổ, thật sự ra không ai làm cho ta khổ, mà sự khổ đau hay an lạc tự chính mình tạo nên mà thôi. Vậy thì điều căn bản của vấn đề là phải: “Quẳng gánh lo đi”, cái gì chúng ta mang được thì mang, cái gì gánh được thì gánh, còn những gì không kham nổi nữa thì hãy để gánh lại giữa đường, không nên cố sức gánh, rồi cuối cùng cũng sẽ bị tử sanh, sanh tử chi phối mà thôi. Nếu ta không gánh thì người đến sau sẽ gánh tiếp, đâu cần phải lo. Nếu không có ta thì xã hội nầy không còn có ý nghĩa nữa, điều nầy là do mình quá chủ quan. Có một ông giám đốc của một công ty nọ rất nổi tiếng và ông ta nghĩ rằng không ai có thể thay thế vị trí của ông ta được. Thế nhưng ông đột nhiên bị tai nạn xe hơi tử vong và chỉ cần 3 ngày sau là hãng kia đã tìm được một ông giám đốc mới, ông nầy còn giỏi hơn ông trước nữa.
Thật ra nếu ta có chết, thì cây cỏ bên vệ đường vẫn còn sống đó. Chúng đâu có tình nguyện theo ta để chia sẻ những khổ đau của chúng ta đang gặp phải hay đối đầu đâu. Do vậy “người nào tu học càng lâu, phải càng nên thấy mình không là gì cả, thì kẻ ấy mới là kẻ tu chân chính”. Đây là lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14. Nếu ai trong chúng ta cũng như vậy mà thực hành thì cuộc đời nầy có ý nghĩa biết bao nhiêu.
Đa phần chúng ta chỉ thấy việc của người chứ ít ai thấy việc của mình, mà nếu thấy thì chỉ thấy cái lỗi của người khác, chứ ít khi tự thấy cái lỗi của chính mình. Còn nếu tự thấy mình, thì chỉ thấy cái tốt, chứ ít thấy cái xấu của mình. Vì sao vậy? Vì lẽ ta lấy ta làm chủ thể để đi phê phán người khác và ta lấy cái ta để đo lường cái ta của đối phương nên mới như vậy. Bao giờ ta là người và người là ta thì ta sẽ dễ thông cảm và dễ tha thứ hơn. Thường ta tự củng cố tự ngã của mình, nhưng trên thực tế tự ngã nó không là gì cả; nó chỉ là một cái “Không” to tướng mà thôi. Đã là không thì còn gì để nói đến nữa? Những điều nói ra đó chỉ bằng thừa mà thôi. Nếu ai trong chúng ta biết tôn trọng sự thật nầy, thì người ấy sống rất có hạnh phúc. Tục ngữ Nga có câu rằng: “Hạnh phúc là những gì mà người ta đang có, chứ không phải những gì mà người ta đi tìm”. Thật đúng như vậy! Thường người ta đi tìm đủ mọi thứ trên đời mà quên tìm lại chính mình, nên ta mới bị khổ đau sinh tử dày vò. Bao giờ ta hiểu ta là ai thì ta sẽ biết dừng lại.
Ngài Doogen là Tổ Thiền Tào Động ở thế kỷ thứ 13, khi Ngài sang Trung Quốc ở tỉnh Triết Giang nơi chùa Cảnh Phước để học đạo. Ngài đã đắc pháp với Lão Thiền Sư Như Tịnh, pháp ấy chính là “Bình Thường Tâm Thị Đạo”. Nghĩa là tâm bình thường là đạo. Đôi khi ta chỉ lo đi tìm cái phi thường mà ta quên cái bình thường của ta đang có. Đó là “hai con mắt nằm dưới chân mày, lỗ mũi thẳng đứng, cái miệng nằm dưới lỗ mũi kia”. Tâm bình thường là vậy. Ta chưa bao giờ biết quý những gì chúng ta đang có mà đa phần chúng ta hay rong ruổi theo sắc trần, rồi cũng chỉ chuốt lụy vào thân mà thôi. Ta cũng giống như con thiêu thân tự đốt mình trong ánh đèn dầu, nhưng nào đâu có biết, đến khi vùi thân vào chốn bụi hồng, ta mới cảm nhận thắm thía được sự khổ đau, tục lụy. Lúc ấy đã quá muộn rồi còn gì nữa!
Cho đến bao giờ thì bài pháp Tứ Diệu Đế mà Đức Phật nói cho năm anh em Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển ở Ba La Nại sau khi Đức Thế Tôn thành đạo, nó vẫn có một giá trị miên viễn lạ thường. Chỉ cần chúng sanh ý thức được chừng ấy việc của khổ đau; nguyên nhân gây ra sự khổ đau; phương pháp diệt khổ và con đường dẫn đến Niết Bàn, an lạc giải thoát, là con người được sống trong hạnh phúc rồi. Hạnh phúc không ai ban tặng cho mình và đồng thời người ta không thể ra ngoài chợ để mua được. Nó cũng chẳng có bên ngoài, mà nó chỉ nằm bên trong chúng ta. Ta hãy đào sâu vào nội tâm; ta hãy quay lại với chính mình, thì ta sẽ thấy nó ở đâu rồi. Lúc ấy chúng ta sẽ mỉm cười cho sự tự đánh lừa mình lâu nay.
Vì sao người ta hay nóng giận và sân si? Vì lẽ ta muốn chứng tỏ cho điều hiểu biết của chúng ta là đúng, nhưng đôi khi không phải như vậy. Lý do cái tự ngã ấy mình tự vun sới rồi chất chứa cái ngã kiến sai lầm, nên ai không theo ta thì ta sẽ hờn, sẽ giận và nổi máu anh hùng ngay. Những người hiểu biết họ sẽ dừng lại cơn sân hận bằng cách bỏ đi nơi khác hoặc giả nếu có tự tin hơn, hãy đi uống một ly nước lạnh để chế ngự nó, nếu là người can đảm hơn và muốn sửa sai thì hãy đến trước tấm kính treo đâu đó trong nhà, ta có thể soi thấy được “bản lai diện mục của mình”. Nếu bình thường thấy mình là đẹp, thì hôm nay sau khi giận dữ thấy mình càng đẹp hơn nữa hay chăng? Khi tâm tàm quý “xấu hổ” và kèm sự tự thẹn của mình cũng như sự trợ giúp của những thiện hữu trí thức thì chắc chắn ta sẽ thoát khỏi trầm luân khổ ải. Bằng không, chốn địa ngục A Tỳ sẽ chôn vùi ta, không có thời gian và không biết bao giờ có thể ra khỏi sự tối tăm ấy.
Đất là nơi ta bị vấp ngã, té xuống, nhưng cũng từ đất ta sẽ chống hai tay đứng thẳng lên. Có người từ đó sẽ đi vào đời bằng mọi cung cách khác nhau, nhưng cũng có lắm người tự ngã gục bên vệ đường, trên mặt đất; không có khả năng tự chế ngự để gượng đứng lên với đời, rồi cũng gởi thân tứ đại nầy vùi sâu vào ba tấc đất. Đất chỉ vô tình làm một chuyện rất công bình, mà lâu nay đất chưa bao giờ chê thây chết, trong khi đó, biển cả bao la nhưng không dung chứa tử thi. Rõ ràng là con người có đủ điều kiện và sự hiểu biết để chọn cho mình có một lối đi ít làm cản lối cho người khác. Vì đi ra thì có ngang qua, dọc lại, nhưng nếu đi vào thì mục đích chỉ thấy tánh mà thôi. Lúc ấy ta không làm phiền lòng ai, mà ta chỉ mỉm cười sau khi ta thấy được mặt thật của sự tử sinh rồi.
Có một ông Bác Sĩ Phật Tử bảo với tôi rằng: “những gì ông ta làm cho Phật sự hôm nay, ông không sợ ai chê cười hoặc khen tặng, mà ông chỉ sợ là ông không làm được gì để đem lại lợi lạc cho Phật Pháp mà thôi”. Câu nói ấy giống như một triết lý sống, một nhân sinh quan, một vũ quan của một người trí thức Phật Tử. Trên đời nầy người “trí thức” rất nhiều, nhưng người “tri thức” thì rất ít. Vì trí thức hay hiểu người mà ít hiểu mình, còn tri thức thì tự hiểu mình nhiều hơn là hiểu người.
Tất cả chúng ta, nếu mọi người đều học hạnh: “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Nghĩa là đầu tiên tự trách mình, sau đó mới trách người, thì xã hội nầy chắc chắn sẽ được an ổn nhiều hơn; mọi người sẽ sống trong một xã hội thái bình và an lạc. Nếu ngược lại chỉ còn cách ta tự đốt thân lẫn tâm ta mà thôi.
Tiếng khen và lời chê thật ra nó không có thật tướng, vì người đối diện thích thì khen và không thích thì chê, đó là chuyện bình thường trong cuộc sống, còn ta, không lẽ ta chỉ sống theo lời khen tiếng chê ấy sao? Như vậy ta chỉ là một người bị động, chứ ta không là ta nữa! Ví dụ, khi người ta khen mình trẻ đẹp thì vui và khi bị chê xấu xí, dại dột thì mình buồn, vậy sự vui buồn ấy nó có thật tướng hay không? Vậy tại sao ta phải bị nó quấy nhiễu? Già hay trẻ, đẹp hay xấu, giỏi hay dở... nó chỉ là những sự đối đãi trong cuộc đời. Tại sao ta lại bị nó làm biến tướng và ta lại đi làm nô lệ cho nó; khiến nó muốn cái gì thì ta chạy theo nó muốn đứt hơi luôn, nhưng nào có kết quả gì đâu? Ngoại trừ phiền não và khổ đau đang đón chào ta.
Vậy thì câu hỏi được đặt ra: Bao nhiêu thì đủ?
- Kẻ biết đủ là đủ, còn người không biết đủ thì không bao giờ có đủ cả.
Tình bao nhiêu thì đủ? Tiền bao nhiêu thì đủ, danh vọng, địa vị bao nhiêu thì đủ? Tài sản, con cái, lợi danh bao nhiêu thì đủ?... rõ ràng nó cũng giống như thời gian và không gian. Thời gian thì vô cùng mà không gian thì vô tận. Nó không có cái bắt đầu và không có cái chấm dứt. Ngoại trừ chúng ta biết chấm dứt sự khổ đau sanh tử nầy, bằng cách là chúng ta phải tự bước ra khỏi những sự lẩn quẩn của cuộc đời nầy mà thôi. Do đó cụ Nguyễn Công Trứ đã nói:
“Cái vòng danh lợi cong cong,
Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào”
Danh và lợi là những chất mật ngọt của cuộc đời, nó không thẳng tấp, mà nó lại cong queo, nhưng ở đây lắm người muốn bước vào thử xem sao. Vì đã có không biết bao nhiêu tao nhân mặc khách đã trải qua nơi chốn hồng trần ấy. Kẻ chán người chê, nhưng cũng có lắm kẻ mê chưa ngộ. Cho nên mới có cảnh “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” là vậy. Thật ra, sự thật đã hiển nhiên phơi bày ra đó mà con người tự cố tình lừa dối mình, nên mới bị cuộc đời làm mờ mắt mà thôi. Người trí và kẻ hiểu biết quyết không phải như vậy.
Thiền sư xem hoa nở, trăng tròn, con người và sự vật, thường hay thốt lên rằng:
“Hoa nở để rồi tàn,
Trăng tròn để rồi khuyết,
Người còn để ly biệt”.
Đó là một nguyên lý của cuộc sống. Đó là mặt thật của cuộc đời. Ta nên đối diện với tử sinh và làm chủ với sinh tử, chứ đừng để tử sinh chi phối, thì đó ta mới thật là ta.
Vậy sống trong cuộc đời tương đối nầy phải làm sao cho được vừa lòng người?
Câu hỏi tuy rộng nghĩa, nhưng tựu chung mình phải xét tự lực của chính mình có thể kham nhẫn đến đâu, chứ không nên chạy theo thị phi phải trái của cuộc đời. Sách xưa có câu chuyện khuyên người, tôi xin chép lại để hầu quý vị:
Có hai cha con người kia mua được một con lừa nên rất đắc ý. Một hôm người con leo lên lừa để cỡi, dọc đường bị người quở rằng: “tại sao đứa con bất hiếu quá vậy? Trong khi nó còn trẻ mà cỡi lừa, còn cha của nó già rồi, mà phải đi dưới đất trong cơn nắng cháy?”. Người cha nghe nói như thế thấy có lý nên bảo con leo xuống để mình leo lên lưng lừa cỡi đi. Đi được một lúc, người qua đường thấy bảo rằng: “Ông già kia tại sao không biết thương con, trong khi trời nắng chan chan như thế nầy lại để con thơ đi dưới đất còn mình thì cỡi lừa như vậy?”. Ông ta nghe như thế thấy cũng có lý. Nghĩ lại cho cùng, cha cỡi cũng bị nói, mà con cỡi cũng bị nói, nên ông bảo đứa con leo lên luôn trên lưng lừa, thì chắc rằng không bị mỉa mai nữa. Thế là cả hai cha con đều cùng cỡi trên lưng lừa. Đi được một quãng đường nữa, lại gặp người bảo: “tại sao hai cha con ông nầy chẳng biết thương thú vật gì cả, con lừa có một chút xíu mà hai cha con ông cỡi trên lưng nó thì con lừa nó chịu sao nổi, nếu vấp té nó sẽ bị gãy chân ngay”. Bây giờ chẳng còn cách nào hơn là cả hai cha con ông leo xuống lừa đi bộ hết là xong. Đi được một đoạn tưởng như thế là yên thân, nào ngờ có người đối diện bảo rằng: “tại sao cha con ông nầy lại ngu ngốc như vậy kìa? Con vật sinh ra phải làm tôi tớ cho con người, mà tại sao cha con ông không cỡi nó, mà lại đi bộ nhọc nhằn như thế?...”.
Quả là lời nào nghe cũng có lý hết cả. Nhưng cha con ông đã làm để chiều theo những lời lẻ đó, nhưng kết cuộc vẫn không vừa lòng một ai, cho nên ông ta quyết định là đoạn đường còn lại, mình phải tự làm chủ lấy mình chứ không thể chiều theo ý của tất cả mọi người được.
Điều nầy cũng giống như lời Phật dạy: “Các con đừng tin theo một lời gì, dầu lời ấy do chính ta nói ra. Các con cũng đừng nên tin một điều gì, dầu điều ấy đã được nhiều đời truyền tụng lại; các con hãy tin một điều gì, mà điều ấy đã được thể nghiệm qua bản thân nhận xét của các con“.
Như vậy trong cuộc sống nầy rất đa dạng, mỗi người nên tự chọn cho mình một cách sống sao cho thích hợp nhất với chính bản thân mình.
Viết xong ngày 28 tháng 4 năm 2008
tại chùa Phật Ân Minnesota tại Hoa Kỳ.
___________________
Một năm có 4 lễ lớn
Năm 2008 là năm mà chùa Viên Giác tại Hannover, Đức quốc, có nhiều lễ nhất. Vì đây là năm đánh dấu chặng đường 30 năm Phật Giáo Việt Nam đã có mặt tại xứ nầy và cũng là năm có nhiều sự thay đổi về nhân sự cũng như những việc thăng hoa khác trong cuộc sống tâm linh của người Phật Tử tại xứ nầy.
Bốn Đại Lễ ấy là: Lễ Phật Đản 2552 được tổ chức vào tháng 5 năm 2008; Đại Giới Đàn Pháp Chuyên do GHPGVNTN Âu Châu đứng ra tổ chức kỳ II vào tháng 6; lễ An Vị Phật Tu Viện Viên Đức tại Ravensburg thuộc miền Nam nước Đức vào cuối tháng 7 và Lễ Vu Lan Báo Hiếu cũng như lễ kỷ niệm 30 năm Chùa Viên Giác, xuất bản báo Viên Giác và lễ bàn giao quyền Trụ Trì đã được tổ chức vào cuối tháng 8 năm 2008 vừa qua.
Nếu nói chung về phương diện tổ chức, thì việc đầu tiên phải nghĩ ngay đến vấn đề nhân sự. Đây là yếu tố quan trọng nhất. Vì nếu không có con người, thì sẽ không thành bất cứ một công việc nào cả; kể cả việc nhỏ nhất. Kế đó mới nói đến những vấn đề như tài chánh, phương tiện, đối nội, đối ngoại v.v...
Người lãnh đạo bao giờ cũng phải có một cái nhìn tổng quát trước, sau đó mới đi ngay vào từng chi tiết. Điều hay nhất là phải biết phân công, tổ chức ở khâu nhân sự, thì việc tổ chức sẽ dễ đi đến kết quả hơn. Vì đã 30 năm tổ chức các lễ lạc lớn quanh năm; nên Ban Kỹ Thuật Tổ Chức của các Đại Lễ hầu như đã nằm lòng rồi. Do vậy việc ai của người nấy và Ban nào, tự quản lý, sắp đặt công chuyện của Ban mình và điều đáng lưu tâm là không có Ban nầy xâm lấn qua Ban khác. Ví dụ như Ban Trai Soạn chỉ lo cho Trai Soạn; Ban Hành Đường chỉ lo cho vấn đề Hành Đường; Ban Hương Đăng chỉ lo cho vấn đế Hương Đăng trên chánh điện; chứ Ban Hương Đăng tuyệt đối không xâm lấn qua việc của Ban Di Chuyển, v.v…
Đã 30 năm có kinh nghiệm như thế; nên 30 năm hầu như đã chẳng xảy ra một chuyện đố kỵ hay xích mích về một việc nhỏ nào. Đó là một điều đáng tán dương; nếu chỉ kể về Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Đức chỉ gồm những ngành Thanh không thôi, cũng đã có trên 200 anh chị em đã đóng góp vào các Ban Văn Nghệ, Trần Thiết, Âm Thanh, Vệ Sinh v.v… Rồi các Ban Phát Hành, Hấp bánh, Tiếp Tân v.v… cũng có khoảng 150 Đạo Hữu và Phật Tử nữa. Nếu kể thêm Tăng Ni thường trú trong chùa Viên Giác cũng như các khách Tăng, khách Ni đóng góp trong khâu tổ chức 50 vị nữa, thì tổng cộng Ban Tổ Chức Kỹ Thuật của chùa Viên Giác để lo cho mỗi Đại Lễ là 400 người rồi. 400 người ấy sẽ lo cho 8.000 người tham gia lễ Phật Đản và Vu Lan trong 3 ngày. Đồng thời tại các lễ khác số người trong Ban Tổ Chức ít hơn; nhưng vẫn theo quy tắc là việc ai nấy làm; nên không bị tròng tréo lên nhau. Như vậy công việc mới chạy được.
Người Việt Nam chúng ta được cái là giỏi việc. Nghĩa là việc nào cũng làm được cả; nhưng một điều hơi phiền là một người ôm quá nhiều việc, sinh ra chuyện ôm đồm mà việc lại không thể chạy được, khiến cho khâu tổ chức bị ngưng đọng lại, cũng như sự tin tưởng ở người khác không còn nhiều nữa. Đây có lẽ là do cái lỗi tự tin của mỗi người quá cao chăng?
Tôi vốn học được sự kham nhẫn, đúng giờ của người Nhật; học được phương pháp tổ chức của Âu Mỹ và cộng thêm cái khéo du di của người Việt Nam; nên cũng đã trợ duyên cho Ban Tổ Chức trong nhiều khâu. Do vậy mà công việc được chạy. Mặc dầu trong Ban Tổ Chức, tôi là người chẳng có nhiệm vụ nào cả. Tôi vẫn bị mang tiếng là độc tài và nóng tính. Điều ấy không sai; tôi xin nhận lỗi về mình. Nhưng nếu không có tính cách quyết định, thì công việc sẽ ngưng đọng lại. Nếu việc bế tắc; tức nhiên khâu tổ chức sẽ không thành công.
Nhiều người làm bất cứ vấn đề gì, thường hay nghĩ đến vấn đề tài chánh trước; nhưng tôi hoàn toàn khác hẳn. Hầu như không toan tính cho những gì sẽ xảy ra; tuy biết rằng một số dự chi sẽ là như thế; nhưng cuối cùng rồi đâu cũng vào đó. Do vậy tôi vẫn thường hay nói: „phép Phật nhiệm mầu“ là như vậy. Tôi tin nhân quả và tôi tin các bậc Tổ Sư trong quá khứ 2000 năm lịch sử của Phật Giáo Việt Nam; nên tôi không sợ mình cô đơn trống vắng trên con đường vạn dặm của cuộc đăng trình, vốn vì tha nhân và đại chúng; chứ không phải cho riêng mình.
Khi xây ngôi chùa Viên Giác năm 1989-1993 có người hỏi tôi rằng: Thầy tin vào đâu để làm một ngôi chùa lớn như thế? Tôi trả lời rằng: Tôi tin vào nhân quả, tin vào „phép Phật nhiệm mầu“ để chứng minh cho thế nhân biết là việc Phật sẽ thành tựu như ý nguyện; nếu mình không có ý tư lợi cho mình. Dĩ nhiên là không phải việc nào ai cũng dễ đi đến chỗ thành công, mà còn phải do phước đức của chính vị Trụ trì ấy nữa. Nếu vị Trụ trì ấy không có phước và không có đức, thì việc lớn rất khó thành tựu. Tôi vẫn thường hay nói rằng: Một vị Tăng Sĩ muốn thành công một số lãnh vực, phải có được 3 việc sau đây:
- Thứ nhất là phải có sự kính trọng. Giữa Thầy và trò phải có ranh giới hẳn hoi. Nếu Thầy không ra Thầy, trò không ra trò, thì khó thành tựu việc gì cả.
- Thứ hai là phải được nể vì. Người Bắc có câu. „Có kiêng thì có thiêng“. Nếu không có lòng nể phục thì khó mà lãnh đạo người khác được.
- Thứ ba là sự bái phục. Có nghĩa là vị Thầy ấy có thể không được kính trọng và nể vì; nhưng vì phục tài của Thầy ấy; nên họ đến chọn vị ấy làm Thầy của mình. Còn mình an phận làm đệ tử.
Trong ba điều trên; ít nhất phải có một hoặc hai. Nếu đủ hết cả 3 thì càng tốt. Nếu chẳng có một đức tính nào thì không nên lãnh đạo quần chúng. Nếu cố gắng lãnh đạo, đứng đầu một tổ chức, thì tổ chức ấy trước sau gì cũng sẽ dễ đi đến chỗ đổ vỡ.
Trên đây chỉ là một số kinh nghiệm của bản thân tôi sau 25 năm làm Trụ trì và 5 năm ở ngôi Phương Trượng của chùa Viên Giác, viết ra đây để cảm tạ thâm ân đối với Tam Bảo và tạ ơn những người mà tôi đã mang lên vai mình, cũng như dành cho họ một chỗ xứng đáng nơi tâm thức của mình, khi nghĩ đến những đệ tử xuất gia cũng như tại gia; mặc dầu tôi vẫn bị phê bình là một người rất lãnh cảm và không hay gần gũi các đệ tử để an ủi, vỗ về. Vì tôi vừa đóng một lúc 3 vai trò – là người cha và người mẹ để thay thế cha mẹ của những người xuất gia, đã cắt ái từ thân, bỏ tất cả ở lại sau lưng rồi. Vai trò khó khăn nhất là làm Thầy của họ. Đây là một cái lỗi; nếu mình không đủ sức mà nhận làm Thầy cho một người nào. Điều nầy trong luật đã có dạy rõ. Mong rằng những vị xuất gia nên tìm hiểu vấn đề nầy nơi luật tạng.
Đối với Cư sĩ tại gia không đơn giản chút nào. Vì quý vị đến chùa là muốn nhìn hình ảnh của vị Thầy hay Sư Cô giống như cái khung sườn của mình đã vẽ sẵn ra trong trí óc. Nghĩa là Thầy ấy phải như thế nầy; Cô đó phải như thế kia mới được. Nhưng ngược lại thì chính mình không tự đòi hỏi mình phải có bổn phận và trách nhiệm gì cả. Quả là một câu chuyện khó lý giải vô cùng.
Trong tôi có một điều rất lạ là: Dầu cho lễ ấy 5.000 người hay 10.000 người đến chùa lễ bái, thăm viếng. Rồi sau đó đi hết khỏi chùa chỉ còn lại vài chục người, hay đôi lúc chỉ còn có một mình tôi, tôi cũng chẳng vui khi số người đông, mà cũng chẳng buồn khi chỉ còn một mình mình nơi trụ xứ nầy. Đây có phải là „xúc cảnh vô tâm“ trong 20 điều khó làm của một người con chăng, thì tôi không biết; nhưng với tôi chuyện ấy đã xảy ra nhiều lần trong suốt 30 năm như vậy; có lẽ điều ấy đã trở thành cái lệ chăng ?
Khi tôi còn làm Trụ Trì, tôi cố gắng đừng nóng nảy khi giải quyết một vấn đề nào đó trong 3 ngày Đại Lễ để khiến cho người thuộc hạ buồn; nhưng nhiều lúc cũng không tránh khỏi cái nóng nảy từ đâu đến; nên nó đã bị thốt ra khỏi miệng, khiến cho nhiều người buồn. Quả thật lỗi ấy là do tôi vậy. Tôi đã học kỹ tâm lý của người Nhật rồi chứ; nhưng nhiều lúc ít tâm lý quá; khiến cho nhiều người chờ đợi ở tôi, lại sinh ra thất vọng. Do vậy tôi được phong cho danh hiệu là: „người lãnh cảm“ hay người không rành tâm lý.
Một Đại Lễ đông người như Vu Lan và Phật Đản hai điều lo sợ nhất của riêng tôi là: Hỏa hoạn và tai nạn. Quý vị cứ thử tưởng tượng một điều là: Nếu có hỏa hoạn xảy ra thì số người đông như thế sẽ bất an ngay; họ sẽ chạy tán loạn và giẵm đạp lên nhau cũng đã gây ra nhiều tai nạn khác nữa. Quả là rất phiền cho Ban Tổ Chức và lần sau những người tham gia lễ sẽ ít hơn. Đây là lỗi của Ban Tổ Chức. Một cái lỗi không chờ đợi; nhưng việc ấy có thể xảy ra; cũng giống như khách không mời mà đến. Việc nầy Ban Tổ Chức phải lo dự liệu trước.
Thỉnh thoảng tôi vẫn được báo cáo về những chuyện bên lề; nhưng người lãnh đạo nên quan tâm về chuyện tổng quát trước. Còn những khía cạnh khác; nên để cho từng Ban họ giải quyết. Khi họ giải quyết không được, cầu cứu đến mình, mình mới nhảy vào công việc. Điều tối kỵ là đã giao cho ai việc gì rồi, thì không nên xen vào công việc của người đó đang làm. Hãy để cho họ làm xong, sau đó mới kiểm điểm. Có thể dạy dỗ ở phòng riêng, nếu xét thấy vấn đề ấy xúc phạm đến nhiều cho tự ái cá nhân của họ; mà cũng có thể chỉ vẽ, xây dựng chung; nếu thấy việc ấy liên quan đến đại cuộc.
Năm 1990 chùa Thiện Minh ở Lyon, Pháp quốc, tổ chức lễ khánh thành và tổ chức Đại Giới Đàn Liễu Quán Âu Châu lần thứ nhất quy tụ được 29 giới tử xuất gia thọ Sa Di, Sa Di Ni, Thức Xoa, Tỳ Kheo và Tỳ Kheo Ni. Nhưng năm nay lần thứ 2 GHPGVNTN Âu Châu tổ chức tại chùa Viên Giác Hannover, Đức quốc, Đại Giới Đàn mang tên Pháp Chuyên quy tụ được 40 giới tử xuất gia thọ giới. Đây cũng là giới đàn có người Đức, Anh, Tây Ban Nha, Nam Tư thọ giới đông hơn những giới đàn Phương Trượng khác (giới đàn Phương Trượng là truyền riêng giữa Thầy trò) và đây cũng là giới đàn mà giới tử đông hơn giới Sư. Vì lẽ ngày nay ở ngoại quốc, người xuất gia rất hiếm. Được như thế là quý hóa lắm rồi. Vì tre sắp tàn và măng đang mọc.
Trong Đại Giới Đàn lần nầy còn có những lễ khác đi kèm. Đó là lễ tấn phong hàng giáo phẩm của Giáo Hội và lễ kỷ niệm 50 năm xuất gia học đạo của Hòa Thượng Thích Bảo Lạc là bào huynh của tôi đến từ Úc, cũng như lễ 60 năm Lục Tuần Đại Khánh của mình. Nhìn lại thấy toàn là lễ và lễ; nhưng nhờ Phật độ, rồi lễ nào cũng đã đi qua thông suốt và thành tựu thật viên mãn. Đó là nhờ ơn Phật gia hộ và sự trợ lực của chư Tôn Đức Tăng Già cũng như sự hỗ trì của quý Phật Tử. Nếu không có những lực nầy thì tôi sẽ chẳng là gì cả.
Nhiều người bảo rằng: Tổ chức mừng thọ hay ăn lục tuần, thất tuần sẽ dễ bị chết sớm; nhưng tôi thì nghĩ khác hơn một chút. Vì lẽ khi còn sống, nếu nghe và thấy được những gì đệ tử của mình thể hiện với mình; hoặc ngược lại, nhân những ngày lễ như thế, thì nó vẫn hay hơn là để đến lúc chết mới đọc những bài văn tế thật là hay, khuyếch đại và tán dương người chết. Người Việt Nam chúng ta đa phần khi sống chỉ nghe toàn là chuyện xấu xa; chờ cho đến khi chết mới nói toàn là chuyện tốt đẹp. Liệu như thế nó có lợi gì cho người chết và dĩ nhiên là nó không thành thật với người đang sống rồi. Cho nên những gì mình thể hiện trong cuộc sống hiện tại, nó cũng sẽ là cái nhân tố tốt về sau cho nhân, nghĩa, lễ, trí, tín theo Khổng Giáo ngày xưa và theo việc tôn trọng Tứ Ân của Phật Giáo trong bao đời nay vậy.
Tôi và Hòa Thượng Bảo Lạc vốn sinh ra từ nơi hương đồng cỏ nội của quê hương xứ Quảng, đã hơn 50 năm rồi không có cơ hội sống gần gũi với nhau, vì hai người đi xuất gia hai nơi khác nhau. Vả lại nếu không có cha mẹ sinh ra mình, Thầy Tổ dạy dỗ mình và nhất là ơn đức Tam Bảo cũng như sự giúp đỡ hộ trì của Đàn Na Tín Thí thì làm sao có được ngày hôm nay. Cho nên Chúc Thọ hay làm lễ kỷ niệm là vinh danh những ân đức trên; chứ không phải cho mình, mà mình chỉ là những người chứng kiến những việc làm của đệ tử xuất gia cũng như tại gia mà thôi.
Dĩ nhiên việc khen chê trong đời nầy bao giờ lại chẳng có; nhưng điều căn bản là mình phải biết mình đang làm gì là đủ rồi. Do vậy trong buổi lễ ấy tôi đã niệm ơn rất nhiều người, trong đó có cả chùa Phật Huệ; nơi Thượng Tọa Thích Thiện Sơn đang trụ trì. Thầy ấy và Tăng Chúng người Đức cũng như các Phật tử tại địa phương đã tổ chức một tiệc chay vô tiền khoáng hậu. Nghĩa là trước và sau nầy chắc chưa có một Dạ Tiệc Đại Yến nào đẹp và trang trọng như thế: Dĩ nhiên Đại Yến nghĩa là buổi chiêu đãi lớn, nó không có nghĩa chỉ để ăn, mà để thưởng thức nghệ thuật ẩm thực cũng như biểu tỏ một tấm lòng. Nó chỉ đơn giản như thế thôi. Chứ tuyệt nhiên không có nghĩa khoa trương.
Đến Lễ An Vị Phật Tu Viện Viên Đức ở Ravensburg mới là điều đáng nói. Đây là một nông trại nằm cách xa khu dân cư, không liên hệ, gần gũi với hàng xóm. Cách đây 16 năm nông trại nầy đã biến thành khu kỹ nghệ. Vì thế khi chúng ta tạo mãi nơi nầy để làm chùa, hầu như không có vấn đề gì khó khăn cả. Địa chỉ của Tu Viện là:
Tu Viện Viên Đức
Rebholzstr. 36. 88214 Ravensburg
Tel. 0751 – 769 51 86
Tu Viện đã được an vị Phật vào ngày 27 tháng 7 năm 2008. Có hơn 1.000 Phật Tử và 70 vị Tăng Ni tham dự. Trong hơn 1.000 người Phật Tử ấy có độ 200 người Đức kể cả Ông Trị Trưởng Thành Phố Ravensburg. Trước 2 ngày An vị Phật, tượng Phật từ Trung Quốc mới về đến Tu Viện. Đây là một nỗi lo, mà khi còn đang ở Nga, lúc ấy tôi đã điện thoại về chùa Viên Giác không biết bao nhiêu lần để đốc thúc việc nầy. Vì lễ An Vị Phật, mà không có Phật thì làm sao an vị được. Quả thật quý Chú và quý anh em công quả đã nhiệt tình lo lắng, góp công, góp sức chỉnh trang lại trong suốt hơn 4 tháng trời vào những cuối tuần mới được như vậy.
Năm đầu tiên sẽ có một tuần lễ tu học cho các học sinh Đức muốn làm quen với Phật Giáo và sang năm sau (2009) sẽ có 2 tuần lễ học Phật cho người Đức vào mùa Xuân và mùa Thu. Ngoài ra có 2 khóa tu cho đồng bào Phật Tử Việt Nam chúng ta vào lễ Thăng Thiên và lễ Phục Sinh cho Thanh Thiếu Niên cũng như người lớn. Sang năm 2009 cũng sẽ có 2 tuần lễ tu theo Pháp Môn Tịnh Độ và Tu Thiền cho cả người Việt lẫn người Đức. Như thế, trong năm 2009 sẽ có 6 khóa tu tất cả. Mong quý vị xem chương trình sinh hoạt của chùa trong năm 2009 sẽ rõ thêm chi tiết và quý vị nào muốn biết rõ hơn về Tu Viện xin đọc lại bài “Có một Tu Viện như thế” để chia xẻ với chúng tôi.
Giá tiền phải trả cho chủ nhà là 600.000€. Số tiền nầy đã trả xong vào ngày 31 tháng 7 năm 2008 vừa qua. Sau đó phải chỉnh trang sửa sang lại độ 100.000€ nữa. Trong 700.000€ nầy số tiền của chùa Viên Giác và quý Phật Tử đóng góp khoảng 200.000€. Số tiền còn lại 500.000€ là số tiền mượn Hội Thiện không lời của quý Phật Tử. Đây là số tiền không nhỏ. Chúng tôi sẽ dự định trả lại cho quý Phật Tử trong vòng 10 năm; mỗi năm 50.000€ từ tiền cúng dường các lễ Tết Nguyên Đán, Rằm Tháng Giêng, Rằm Tháng Tư, Rằm Tháng Bảy v.v... cũng như tiền thu nhập vào từ các khóa tu học tổ chức cho người Đức. Tuy nhiên chùa vẫn cần một số tiền cúng dường định kỳ mỗi tháng từ 800 đến 1.000€ mà nay Tu Viện mới chỉ thu vào mỗi tháng chưa đến 400€. Vậy chúng tôi xin kêu gọi quý Đạo Hữu, Phật Tử xa gần mỗi tháng nên đóng góp 5€, 10€ hay 20€ trong nhiều năm thì nợ nần sẽ sớm được thanh toán. Sau đây là số Konto của Tu Viện:
Tu Viện (Kloster) Viên Đức
Kreissparkasse Ravensburg
Konto Nr. 111 30 20 68. BLZ: 650 50 110
Mọi sự ủng hộ của quý vị đều có thể cấp giấy khai thuế bằng tiếng Đức, để quý vị khấu trừ thuế cuối năm. Điều nầy xin liên lạc về chùa Viên Giác ở Hannover để được cấp giấy khai thuế cho quý vị.
Tu Viện Viên Đức nằm gần Bodensee, phong cảnh rất đẹp. Đồng thời cách biên giới Áo và Thụy Sĩ chừng 30 Km đến 60 Km. Đây cũng là nơi nghỉ hè lý tưởng cho nhiều người ở xa muốn đến ở vùng núi và hồ. Tu Viện sẽ là nơi cung ứng tất cả những tiện nghi cho quý vị như chỗ ăn, ở, tu học, du ngoạn v.v… mọi sự đóng góp đều tùy hỉ và xin nhớ gọi điện thoại về Tu Viện, trước khi muốn ở lại lâu dài.
Tháng 8 năm 2008 có lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Chùa Viên Giác, Báo Viên Giác, ra mắt sách Những Cây Bút Nữ; rồi lễ Chẩn Tế Cô Hồn; lễ bàn giao quyền Trụ Trì cũng như lễ đặt đá xây dựng Trung Tâm Nghiên Cứu & Tu Học Viên Giác. Thật là quá nhiều lễ cho một cái cuối tuần như thế. Theo tôi nghĩ các anh chị em trong Ban Biên Tập Báo Viên Giác sẽ ghi lại từng sự kiện rõ ràng hơn. Riêng tôi xin lược qua một số sự kiện có tính cách chung chung để quý vị độc giả lãm tường.
Năm nay các chị trong Ban Biên Tập báo Viên Giác hầu như đã có mặt vào trưa ngày thứ bảy tại Hội trường chùa Viên Giác và buổi ra mắt sách cũng như nhắc lại những thành tích của báo Viên Giác đã xuất bản trong suốt 30 năm qua do anh Chủ bút và các chị đảm nhận. Số sách phát hành thật khả quan. Vì chị nào cũng có người quen; nên mỗi người đã mua giùm một cuốn; nên có thể nói rằng quyển „Những Cây Bút Nữ“ là sách phát hành chạy nhất so với các sách đã xuất bản xưa nay.
Chiều đó một Đại Lễ Trai Đàn Chẩn Tế đã khiến cho đất trời cảm động nên vần vũ mây giăng, rồi mưa to, gió lớn; dường như thiên nhiên cũng đã cảm với lòng người và cõi âm như đâu đó đã có những oan hồn về để thính pháp văn kinh. Tối hôm ấy có đêm văn nghệ như mọi khi để mừng lễ Vu Lan; nhưng ở giữa chương trình Đạo Hữu Hội Trưởng Hội Phật Tử VNTN tại Cộng Hòa Liên Bang Đức đã lên sân khấu cảm ơn chư Tôn Đức trong Chi Bộ đã làm Cố Vấn chỉ đạo cho Hội Phật Tử trong suốt 30 năm qua, đồng thời cũng cảm ơn đến những Đạo Hữu Phật Tử xa gần đã hỗ trợ Hội Phật Tử bằng nhiều cách khác nhau; nên Hội mới tồn tại và phát triển được lâu dài như vậy.
Nhìn lại hình ảnh ngày xưa của 30 năm về trước; những năm 1978, 1979, 1980 cho đến nay, ai cũng rõ được sự vô thường của nhân thế và trò đời dâu bể của một kiếp nhân sinh. Có người nay đã ra người thiên cổ. Ngày xưa có người quá ốm yếu, mà nay thì mập mạp quá chừng. Có những vị đã đến với Viên Giác trong thập niên 70, 80, mà nay đã vãng sinh Tịnh Độ. Có những em bé ngày ấy đi chùa; bây giờ đã là những bậc cha mẹ của thế hệ tiếp theo. Quả thật dòng đời biến đổi khôn lường, ai mà biết trước được những gì sẽ xảy ra sau đó.
Sáng hôm sau bầu trời quang đãng và lễ đặt đá xây dựng Trung Tâm Nghiên Cứu & Tu Học Viên Giác đã bắt đầu dưới sự chứng minh của Hòa Thượng Thích Minh Tâm và gần 100 chư Tôn Đức Tăng Ni khắp nơi trên thế giới. Đây là một Trung Tâm Nghiên Cứu & Tu Học; nên có lẽ phần chi phí tốn kém cũng không ít. Vì lẽ Trung Tâm xây dựng 4 tầng. Mỗi tầng chiều dài 78 mét và chiều ngang 37 mét. Tổng diện tích xử dụng lên gần 12.000 m2. Chúng tôi có một kế hoạch „nuôi heo công đức“ „tích thiểu thành đa“ để lo cho dự án nầy. Chúng tôi mong mỏi mỗi gia đình hay nhiều người trong gia đình nuôi một hay nhiều con heo và mỗi ngày bỏ vào đó 50 Cent; đến cuối năm mang heo công đức ấy về chùa, đổ vào thùng Phước Sương và sau đó nhận heo lại để đem về nhà nuôi tiếp. Chùa sẽ phát một phần quà đặc biệt cho những người mang heo trở lại chùa. Những vị nào có phòng mạch hay tiệm ăn hoặc tiệm buôn tạp hóa cũng nên nhận vài con heo công đức về nuôi làm vốn cho công đức của mình. Quý vị có thể nhận heo nầy tại chùa khi quý vị đi chùa dự lễ; hay quý vị cũng có thể liên lạc về chùa, để chùa sẽ gởi „con heo công đức“ ấy đến quý vị qua đường bưu điện. Dầu số nhỏ; nhưng nhiều người đóng góp và sự đóng góp liên tục, đều đặn trong vòng 10 năm thì chúng ta sẽ xây dựng được Trung Tâm trên.
Sau khi mua 5.000m2 đất ấy giá 1.00.000€ (một triệu). Quý Phật Tử cúng dường chỉ độ 250.000€; nghĩa là mới được 1.250m2. Số còn lại 750.000€ là số tiền Hội Thiện của quý Phật Tử xa gần. Số tiền nầy phải trả lại trong thời gian tới; nên chúng tôi mong rằng mỗi người một tay xin quý vị đóng góp định kỳ hằng tháng cũng như nuôi heo công đức thì mới có thể giải quyết được những khó khăn trong hiện tại và tương lai.
Sau lễ Vu Lan báo hiếu là lễ bàn giao quyền Trụ Trì từ Thầy Hạnh Tấn cho Thầy Hạnh Giới. Thầy nào cũng học giỏi, đạo phong rất xứng đáng; nhưng phải thành thật mà nói rằng chưa có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống; nên thành quả vật chất không vật nổi cao hơn, bởi nền kinh tế của Đức và thế giới đang đi xuống. Hy vọng ở Thầy Hạnh Giới sẽ thấy gương Sư Huynh Hạnh Tấn mình mà soi, mà chiêm nghiệm, để tiếp tục điều hành ngôi chùa Viên Giác cũng như Trung Tâm Nghiên Cứu & Tu Học Viên Giác ít bị nợ nần hơn Sư Huynh của mình.
„Một chút băn khoăn“ hay „Một thoáng ngậm ngùi“ trước lúc chia tay của Thầy Hạnh Tấn đăng trên Viên Giác số 166 tháng 8 năm 2008 là một sự thật. Vì dẫu sao đi nữa, đấy cũng chỉ là một bước đăng trình của một người Tăng Sĩ đang trên con đường thực hành Bồ Tát đạo.
Tôi biết, tôi là một vị Thầy rất khó. Nhiều đệ tử đã than như vậy; nhưng tôi chỉ khó trong việc tu và việc học; chứ không khó trong việc ăn, mặc hay những phạm trù khác. Nghĩa là tu thì phải tu cho đến nơi đến chốn; học thì cũng phải song hành với tu thì mới mong đi vào đời và độ đời được; nếu không như thế thì đời sẽ độ mình, như một số Thầy, Chú đệ tử của tôi đã không bước nổi qua cửa tử sinh, mà phải trở lại con đường của luân hồi sanh tử một lần nữa.
Những giọt nước mắt của Thầy Hạnh Tấn hôm đó cũng như lời phát biểu của Thầy Hạnh Giới cũng đã nói lên được tấm chân tình giữa tình pháp lữ với nhau. Họ đã đến với tôi trong sự tự nguyện và nay họ đã ra đi cũng chỉ là sự tự nguyện mà thôi. Đến và đi hay người ở lại cũng chỉ phải làm một bổn phận như bao nhiêu bổn phận của người khác trong cuộc đời nầy mà thôi. Nghĩa là khi nào ta còn hơi thở, thì trên vai ta vẫn có trách nhiệm với mọi người chung quanh mình.
Buổi trưa hôm đó, một đoàn Tăng Ni đi khất thực gồm 100 người, đã trải dài trước cổng Tam Quan cho đến trước sân chùa, rồi dẫn vào Hội Trường, khiến cho ai đó và đâu đây như vang vọng một nỗi niềm mà cố nhân đã trải qua một giai đoạn lịch sử nào đó, để cho sự nối tiếp ấy kéo dài mãi cho đến tận ngày hôm nay và cho đến cả một tương lai xa vời vợi nữa.
Cánh cửa chùa đã khép lại sau mỗi buổi lễ lớn; hay sau những ngày thường; nhưng cánh cửa từ bi của những người thực hành Bồ Tát đạo thì luôn luôn mở rộng để đón nhận những khổ đau của nhân thế và chính lòng từ bi nầy mới có thể dập tắt được tất cả các lửa hận thù, đang nhen nhúm đâu đây. Dầu ở vị lai hay trong quá khứ, tất cả cũng chỉ là một bóng phù du, bọt trôi trên mặt bể mà thôi. Đời là thế, ta ngại ngùng gì mà không trải lòng ra để sống cho thật chân tình giữa người và người; giữa mình và tha nhân, để có một ngày chúng ta sẽ mỉm cười bên nhau và cho nhau trong tinh thần tự lợi cũng như lợi tha của Đạo Phật.
Một niệm tri ân, một tấm chân tình của tôi xin gởi đến quý vị và mong rằng những gì còn lưu lại trên thế gian nầy là dấu tích của một thời đã qua và lúc ấy người còn ở lại vẫn tiếp tục con đường thiên lý ấy với vạn lối đi để dẫn dắt nhân sinh vào cõi thiện.
Mong được như vậy.
Viết xong vào ngày 30 tháng 8 năm 2008 nhân lễ
An Vị Phật chùa Thiện Minh ở Lyon – Pháp quốc.
___________________________
Một ngày trên đất Thái
● Thích Như Điển
Ngôn ngữ ngày xưa để gọi đất nước Thái Lan là Siam. Cũng như thế, chữ An Nam đã được người Trung Hoa gọi đất nước Việt Nam mình như vậy cũng đã tồn tại mấy trăm năm lịch sử. Ngày nay khi nghe nói người An Nam, hay "An Nam mít"hay Anamikaya (Việt Tông) nghe nó hơi ngờ ngợ; nhưng đó là sự thật của một thời đã qua.
Ngày xưa và cả ngày nay, ở Việt Nam hay ở ngoại quốc chúng ta vẫn còn hay nghe đến những danh từ như: chuối xiêm, dừa xiêm, ớt xiêm, vịt xiêm, cũng như danh từ; chuối ngự, đậu ngự, lúa ngự v.v...là những loại phẩm vật quý giá để cho Vua dùng; nên gọi là Ngự. Ví dụ như bến Ngự là chỗ vua lên xuống thuyền; ngự chầu là lúc Vua đang lâm triều v.v…Thiết nghĩ những danh từ như thế đã dần trôi về dĩ vãng; nhưng nếu không có quá khứ thì chắc chắn không có hiện tại và nếu hiện tại không có thì tương lai chắc chắn sẽ không hiện hữu. Sự hiện hữu của thời gian và không gian là một mắc xích nhân duyên khó thể nào diễn tả hết được bằng lời.
Tôi đến Thái Lan lần này vào ngày 3 tháng 11 năm 2008 cũng như bao nhiêu lần khác đã ghé nơi đây; nhưng lần này tôi và đoàn đã bay xuống tận phía Nam Thái Lan vùng Hat Yai, cách Bangkok hơn 500km và cách biên giới Mã Lai độ 50 cây số. Nơi đây có một ngôi chùa tên là Khánh Thọ, do một Hòa Thượng người Việt tên là Đại Bảo đến đây gần 100 năm về trước khai sơn và nay thì Ngài không còn nữa, mà chùa đang do một Thượng Tọa người Hoa, pháp danh là Diệu Hải trụ trì, rất rành tiếng Việt.
Khi vào cổng chùa, tôi đọc được 5 chữ Hán ở bên trên ghi là "Sắc Tứ Khánh Thọ Tự"chữ "Sắc tứ"là do vua ban cho chùa và cho vị Trụ trì thuở ấy. Vua đây có thể là Vua Thái mà cũng có thể, là Vua Việt Nam. Vì lẽ những gì liên hệ với Triều Nguyễn Việt Nam từ đầu thế kỷ thứ 19 (1802) thời Vua Gia Long đến giữa thế kỷ thứ 20 (1945) thời vua Bảo Đại đều có liên hệ với các vua Rama đệ nhứt cho đến vua Rama đệ cửu trong hiện tại của Thái Lan. Nếu vị Thầy trụ trì chùa Khánh Thọ thuở ấy không phải là một vị Tăng xuất chúng, thì vua không ban cho giới Đao, độ Điệp và không sắc phong cho chùa. Việc sắc phong nầy được xảy ra trong lịch sử triều Nguyễn bằng hai cách khác nhau. Một là tự vị Trụ trì chùa ấy làm đơn xin quan và vua sắc phong cho chùa. Vì chùa đã trải qua nhiều giai đoạn lịch sử. Thứ hai là do nhân dân, Phật tử, quan lại của triều đình cảm nhận đức độ của vị Trụ trì ấy nên tâu lên Vua quan để xin phong "sắc tứ"cho chùa. Ở đây theo tôi nghĩ: vị Thầy Đại Bảo nầy thuộc diện thứ hai. Vì sao vậy? Vì lẽ Ngài là người An Nam đến nước Thái hành đạo, dĩ nhiên chung quanh Ngài không có bổn đạo Việt Nam nhiều, mà toàn là người Thái và chính người Thái thấy Ngài có nhiều điều đặc biệt nên mới tâu lên Vua và được vua chuẩn y để chùa được ban "sắc tứ".
Ở Thái Lan, Phật Giáo là quốc giáo. Họ theo Phật Giáo Nam Tông và chỉ có hai nước Phật Giáo Bắc Tông được chính thức công nhận ở quốc gia nầy là Việt Tông và Hoa Tông. Như vậy chúng ta cũng nên hãnh diện về Phật Giáo của chúng ta khi các Ngài đem chuông đi đánh xứ người, đã được người địa phương cung kính, tán dương cũng như pháp môn tu học gồm hai thời công phu bái sám vẫn được hành trì cho đến ngày hôm nay bằng tiếng Việt, mặc dầu họ là các Tăng sĩ Trung Hoa và Thái Lan.
Nếu quý vị dừng chân tại một trong 17 ngôi chùa Việt trên đất Thái vào buổi chiều, tối hay sáng sớm trong thời Lăng Nghiêm. Quý vị sẽ cảm động khi nghe những vị Sư người Hoa và người Thái tụng rành rẽ bằng tiếng Việt như thế nầy:
"Phật thuyết A Di Đà Kinh, Như thị ngã văn, nhứt thời Phật tại Xá Vệ Quốc, Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên",
hay:
"Diệu trạm tổng trì bất động tôn,
Thủ Lăng Nghiêm vương thế hy hữu
Tiêu ngã ức kiếp điên đảo tưởng
Bất lịch tăng kỳ hoạch pháp thân".
Như thế, quý vị không cần tụng theo, chỉ cần lắng đọng tâm tư mình vào dòng kinh tiếng Việt để chiêm nghiệm và để nghĩ về ngày xưa.
Tôi nghĩ chư Tổ Trung Hoa, chư Tổ Việt Nam đã có lý nên đã cho soạn ra hai thời công phu bái sám cho các chùa Hoa và Việt. Nghi lễ nầy cũng đã tồn tại ở Trung Hoa cũng như Việt Nam chúng ta chắc cũng đã gần 1.000 năm rồi. Trong 1.000 năm ấy trải qua bao nhiêu biến thiên của lịch sử, lâu đài cung điện của các bậc đế vương, dấu xưa, nay đâu còn nữa. Nếu còn chăng chỉ là hình ảnh chót vót của những ngôi chùa còn lại đó đây, nơi quê hương hay ở ngoại quốc để thi gan cùng tuế nguyệt và đặc biệt là nội dung sinh hoạt của ngôi chùa ấy. Tôi nhìn lên Long vị của những Tổ khai sơn và Trụ trì tại đây, có Ngài thuộc Tào Động Tông ở Đàng Ngoài và Lâm Tế Tông ở Đàng Trong; nhưng công phu hành trì 2 thời công phu bái sám không có thay đổi, dầu cho chùa ấy đã trải qua 200 năm lịch sử như các chùa Phổ Phước, Cảnh Phước, Khánh Vân tại Bangkok, hay chùa Khánh Thọ ở đây đã trải qua gần 100 năm lịch sử. Điều quan trọng ở đây là những vị Trụ trì kế thừa không quên công ơn khai sáng của các vị Tổ sư Việt Nam đến đất Thái trong nhiều thời điểm và nhiều hoàn cảnh khác nhau; nên trước và trên hết Tăng chúng tại đây vẫn giữ những quy cũ Thiền Môn của Việt Nam là vị Trụ Trì ăn chay cũng như Tăng chúng Thái ở chùa Việt vẫn tụng 2 thời công phu bái sám bằng tiếng Việt.
Đây là sự lặp lại của nhiều đời; nên có thể gọi là Phật Giáo truyền thống. Truyền thống có nghĩa là sự truyền thừa ấy có tính cách liên tục và thống nhất; nên mới được kéo dài đến tận hôm nay. Ở đây tôi có nhiều điều muốn nói: có nhiều vị Thầy cho rằng kinh Lăng Nghiêm không phải do Phật nói ra; nên đã không hành trì, mà còn đả phá nữa. Nếu nghĩ vậy thì kinh Vu Lan, kinh Thủy Sám, kinh Lương Hoàng Sám cũng đâu phải do Phật nói ra, mà vẫn được quần chúng Phật tử trì tụng hằng ngày, hằng năm? Câu trả lời không khó. Vì lẽ kinh điển ấy hợp với khế cơ và khế lý của người đương thời. Do vậy xin chớxem thường kinh điển, dầu cho mình có hành trì theo pháp môn nào đi nữa, thì điều ta chọn cũng chỉ hợp với ta thôi, chứ không thích hợp với người khác.
Điều đáng nói khác là khuynh hướng học Phật ngày nay hay chạy theo thời trang như Phật Giáo Tây Tạng, Phật Giáo Đài Loan mới hay, mới lạ; còn Phật Giáo Việt Nam không có gì mới lạ hết. Xin thưa là Phật Giáo nào cũng được truyền thừa lại từ lời Phật dạy và lời dạy ấy cũng được du nhập vào nước kia, khiến cho giáo lý ấy khế hợp với tâm tánh người địa phương ấy; nên họ chấp nhận và trở thành Phật Giáo của nước ấy. Còn ta, ta vẫn là người Việt Nam, không phải là người Tây Tạng hay Đài Loan thì chỉ cần lấy cái hay cái đẹp để tô điểm cho Phật Giáo Việt Nam thì được. Còn nếu chấp nhận hoàn toàn giáo lý ấy và áp đặt vào cho Phật Giáo Việt Nam là chuyện hoàn toàn sai trái. Vì lẽ tinh thần giáo lý ấy không hoàn toàn phù hợp với thân thế và tâm thức của Việt Nam mình.
Nhìn người mà ngẫm đến ta. Quán sát lịch sử để minh chứng của những người đi trước là đúng. Chúng ta nghĩ người đi sau chỉ cần duy tân, sửa đổi là đủ. Không cần phải xóa bỏ hoàn toàn cái cũ để đi tạo dựng một cái mới khác lạ. Thiết nghĩ điều nầy không cần thiết cho Phật Giáo Việt Nam trong hiện tại và mai sau nầy.
Người Hoa và người Thái ở trong chùa Việt Nam nơi đất Thái họ vẫn còn hành trì theo truyền thống cuả Phật Giáo Việt Nam và sau đó họ mới tụng kinh tiếng Hoa hoặc tiếng Thái. Do vậy người Việt Nam ở ngoại quốc cũng như trong nước ngày nay không có lý do gì để dẹp bỏ truyền thống tụng kinh và hành trì 2 thời công phu bái sám ấy và thay thế vào đó những câu thần chú tiếng Tây Tạng hay những cách tụng kinh theo lối người Hoa mà quên đi tính cách truyền thừa miên mật cả 1.000 năm lịch sử của mình.
Đức Đại Lai Lạt Ma thứ 14 đã viết trong quyển "Nước tôi và dân tôi"cũng như quyển "Tự do trong lưu đày"rất rõ ràng và nếu ai đó đã đọc thì ắt sẽ nhận ra được điều này. Ngài nói rằng: "Tuy dân Tây Tạng tu theo Phật Giáo đông như thế; nhưng không phải ai cũng chứng đạo hết đâu". Điều ấy hẳn đúng với tinh thần giáo lý của đạo Phật. Một người tu, dù với truyền thống nào, nếu thiếu phước, thiếu duyên, thiếu đức thì vẫn không thành tựu được sự nghiệp giác ngộ của mình. Dẫu cho có là đệ tử của Đức Đạt Lai Lạt Ma mà mình không hành trì thì cũng hỏng hết một đời công phu tu niệm. Còn nếu mình hạ thủ công phu tu học thì dầu cho là đệ tử của một Thầy tu ở núi, không có trình độ gì nhiều; nhưng nếu mình hành trì miên mật theo một pháp môn cũng như dụng công đầy đủ, cộng thêm với phước duyên, nghiệp, đức hạnh chín muồi thì tu theo bất cứ truyền thống Phật Giáo nào hoặc giả hành trì theo pháp môn nào cũng có thể chứng đắc được; chứ không nhứt thiết là Tây Tạng, Nepal, Bhutan hay Trung Quốc. Vấn đề quan trọng ở đây là hạ thủ công phu, hành trì miên mật; chứ không là thời trang của sự tu hành .
Nếu ai đó có đến chùa Khánh Vân tại Bangkok sẽ thấy một nhục thân của một Thiền sư Việt Nam pháp danh Phổ Tế đang ngồi đó với xương, với thịt, với hình dáng một con người đã trải qua 200 năm lịch sử tại đất Thái Lan nầy. Thử hỏi Phật Giáo Việt Nam đâu có thiếu những bậc chân tăng tu chứng trong quá khứ tại Việt Nam như Thiền Sư Vũ Khắc Minh, Thiền sư Vũ Khắc Trường ở chùa Đậu ngoài Bắc và Phổ Tế Thiền sư ở ngoại quốc như nước Thái Lan nầy.
Vậy Phật Giáo Việt Nam cần những gì?
Chúng ta trong hiện tại không thiếu Tăng Ni, nhưng phải nói là thiếu những vị hành giả hơn là học giả; thiếu những vị tu hành miên mật có thể kiến tánh, chứ không thiếu những vị Thầy, Cô có kiến thức. Phật Giáo Việt Nam thiếu những vị Tri Thức chứ không thiếu những Thầy, Cô có nhiều Trí Thức. So ra với Phật Giáo Tây Tạng trong hiện tại; chúng ta thiếu những vị Thầy, những Sư Cô như vậy. Nếu Việt Nam chúng ta số lượng người xuất gia hành trì miên mật giáo lý Đại Thừa của Đức Phật, thì chúng ta cũng sẽ có nhiều người tu chứng như Phật Giáo Tây Tạng mà không cần phải đi đến Tây Tạng để học, để tu như một số Phật tử và chư Tăng, Ni Việt Nam chúng ta đang theo học và tu tại các học viện Phật Giáo Tây Tạng. Đức Đạt Lai Lạt Ma lúc nào cũng khiêm nhường và bình dị; nên dễ chiếm cảm tình với người Âu Mỹ. Đồng thời Ngài cũng là một người thực tu, thực chứng lời mình nói, nên lời nào của Ngài nói ra cũng rất sâu sắc, mặc dầu Ngài cũng chỉ giảng Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Luân Hồi, Tánh Không như những đại sư Phật Giáo khác; nhưng bậc tu chứng có khác những phàm Tăng là chỗ đó. Ngài là hiện thân của Bồ Tát Quan Âm, nhưng mỗi ngày Ngài tự hành trì riêng cho mình cả 4 tiếng đồng hồ cho việc Thiền định, Trì chú và tụng Kinh. Trong khi đó chư Tăng Việt Nam đa phần lên lãnh nhiệm vụ Trụ trì rồi là quên phần công phu bái sám. Tuy cái phước hữu lậu có đó, nên mới được tướng đầu tròn áo vuông. Còn cái phước vô lậu là trí tuệ, là giải thoát, nếu không huân tập hằng ngày thì khó bề mà triển khai được.
Bậc kiến tánh là bậc tự thấy mình chứ không cần thấy người. Trong khi đó người có kiến thức nhiều thì chỉ thấy giỏi về xã hội chung quanh mình, mà khi hỏi đến mình là ai, lại chẳng biết. Điều quan trọng của người xuất gia là phải biết mình là ai, chứ không phải biết người khác là ai. Biết để làm gì và điều đó có quan trọng gì đối với một hành giả học Phật?
Người trí thức trên thế gian này cũng không thiếu, nhưng người tri thức thì hiếm hoi vô cùng. Người tri thức là người hiểu mình. Còn người trí thức là người chỉ hiểu biết bề ngoài của kẻ khác, chứ không tự biết mình là ai? Thế gian này có ai biết hết được những gì đang xảy ra? Điều quan trọng là phải biết mình trước, thì sau đó rất dễ biết người.
Chư Tăng Nam Tông họ thường hay tụng kinh rất sớm và thường thì 6 giờ sáng họ đã đi khất thực. Cứ từng toán 10 người hay nhiều hơn nữa mỗi sáng đi vào làng bằng đôi chân không và trên vai mang bình bát. Tín chủ là Ưu Bà Tắc nhưng đa phần là Ưu Bà Di, họ cung kính dâng lên chư Tăng khi đi khất thực ngang qua nhà, qua tiệm của mình. Có gì thì cúng nấy. Đặc biệt họ gói thức ăn sẵn để vào trong gói ni-lông và cho vào bình bát của chư Tăng đủ loại. Nào tiền, cơm, bánh, thịt, xôi, trái cây v.v…chư Tăng đi hết một đoạn đường đã định thì quay lại chùa. Vị nào có phước được tín thí cúng nhiều thì sang ra một cái túi khác, nếu tín thí cúng ít thì chỉ trong một bình bát là vừa. Chư Tăng đi sau một tiếng đồng hồ thì về lại chùa. Họ dâng tất cả bình bát có đồ ăn lên cúng Phật, sau đó họ đem xuống nhà trù lựa ra đồ dùng cho buổi sáng và trưa. Đồ nào không dùng được thì để lại cho tín thí. Có nhiều lúc 5 vị đi khất thực, về chùa lựa ra để dùng cho cả chùa suốt ngày hôm đó. Đời sống họ thong thả, không bị trói buộc bởi ngoại duyên như nấu nướng, nhiều ít, ngon dở v.v...nên đúng với câu trong Quy Sơn Cảnh Sách rằng:
"Phù xuất gia giả
phát túc siêu phương
tâm hình dị tục
thiệu long thánh chủng
chấn nhiếp ma quân
dụng báo tứ ân
bạt tế tam hữu
nhược bất như thử
tắc loạn tăng luân".
Nghĩa là:
"Phàm bậc xuất gia
Chân trời cao rộng
Tâm hình khác tục
Hưng long giống Thánh
Nhiếp phục các ma
Trên đền bốn ơn
Dưới cứu ba cõi
Nếu chẳng như vậy
Tắc loạn tăng luân".
Chỉ ngần ấy thôi cũng đủ cho người xuất gia hiểu rõ bổn phận của mình rồi. Ngoài ra ý nghĩa của một Tỳ kheo được hiểu như là người phá ác, kẻ bố ma và người thực hành hạnh khất sĩ. Điều ấy có nghĩa là người xuất gia lúc nào cũng luôn luôn ngừa việc ác bên ngoài lẫn bên trong tâm thức của mình. Đồng thời người xuất gia cũng là người thể hiện hạnh đi xin ăn. Người xuất gia đi xin ăn không phải chỉ để nuôi cái thân ngũ uẩn bình thường này, mà người xuất gia hạ mình xuống để dẹp cái tự ngã ấy, nhằm giữ hạnh khiêm cung và bên trên nhằm đền đáp bốn ơn nặng, dưới nguyện cứu khổ muôn loài.
Mỗi năm chùa Viên Giác tại Hannover và một vài chùa nữa ở trên xứ Đức vẫn còn thực hiện việc hành trì khất thực khi Phật Đản đến hay Vu Lan về. Đây là một nét đẹp văn hóa Phật Giáo tự ngàn xưa, chúng ta nên giữ gìn. Vì lẽ bỏ cái cũ thì dễ, nhưng dựng lập nên cái mới cho hợp với truyền thống, phong tục, tập quán của một dân tộc, không phải là trong một thời gian ngắn là có thể thành tựu được đâu? Bất cứ một việc gì cũng phải trải qua thời gian và năm tháng cả. Nếu điều gì đó trải qua thời gian và năm tháng mà không còn đứng vững được, thì chứng tỏ rằng việc ấy không hợp với khế lý và khế cơ của dân tộc ấy.
Thời gian thì vô cùng, không gian thì vô tận, nhưng hơn 2500 năm lịch sử ấy đã trải qua biết bao nhiêu biến thiên của thời cuộc. Thế mà từ bước chân hóa độ của Đức Phật, đến các bậc Thánh đệ tử và từng bước từng bước nở hoa sen khắp cả khung trời Ấn Độ, đến Tích Lan, Mã Lai, Nam Dương, Miến Điện, Lào, Cam Bốt, Thái Lan v.v…vẫn còn rợp bóng hoàng y khiến cho thiên hạ có nơi mà di dưỡng tinh thần, nhất là những khi gặp hoạn nạn tai ương trong cuộc sống vốn dĩ không bền lâu này. Nếu không có sự hiện hữu của đạo Phật, của chư Tăng, thì cuộc đời này vốn đã bạc bẽo lại còn lạnh lẽo đơn côi hơn nữa.
Mỗi bước chân của chư Tăng đi khất thực là mỗi giải đăng trình thắm đượm tình người và mặt đất lại nở hoa. Từ đó dưới mắt người Phật tử tại gia hình ảnh chiếc hoàng y ấy đã đưa họ về gần với Phật Pháp nhiều hơn.
Bên cạnh chùa Khánh Thọ còn có một Đại học Phật Giáo mang tên là Đại Trí nữa. Viện Đại Học này cũng do Thượng Tọa Thích Diệu Hải lập nên và Đại học này cũng thuộc phái Anamikaya (Việt Tông). Đây có thể nói là niềm hãnh diện của Phật Giáo Việt Nam trên đất Thái. Tại Đại học này chỉ có phân khoa Phật học và dạy bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Sanscrit, Pali, Trung Hoa và Thái Lan. Tuy sinh viên Tăng còn ít, nhưng hy vọng ở một tương lai gần Đại học này sẽ cung cấp cho Việt Tông tại Thái Lan nhiều Tăng sĩ ưu tú hơn.
Chính giữa chùa và trường Đại học có tạc một tượng Phật Di Lặc rất lớn. Bên trái có thờ Xá Lợi Phật trong một bảo tháp 13 tầng, cao ngất ngưỡng tận mấy tầng mây. Nghe Thượng Tọa Diệu Hải bảo rằng: Đây là bảo tháp được dâng cúng cho vua Rama đệ cửu của Thái Lan. Tuy ngày nay chế độ quân chủ tại Thái Lan chỉ có tính cách tượng trưng. Mọi việc chính trị trong nước đều do quốc hội và Thủ Tướng chăm sóc. Nhưng đức vua Thái là một trong những vị vua hiện còn tại vị trên ngai vàng lâu nhất thế giới. Vì lẽ ngai vàng ấy ông đã cầm cương nảy mực cho thần dân Thái Lan đã hơn 60 năm rồi.
Tại Thái Lan chư Tăng được cung kính rất mực. Ví dụ như khi lên hay xuống máy bay, chư Tăng đều được đi vào trước, không phải chờ sắp hàng. Khi làm giấy nhập cảnh hay xuất cảnh cũng được những nhân viên hải quan ưu tiên; thiện cảm, cung kính làm giấy tờ nhanh và cho đi truớc; chứ không như một số quốc gia khác tại Á Châu, mang tiếng là Phật Giáo chiếm đa số, mà nhiều khi họ cũng chẳng biết chư Tăng là ai nữa.
Tại Lào, Thái và Cam Bốt bất cứ người cư sĩ ở địa vị nào, ngay cả là Vua cũng không thể lấn quyền hơn chiếc y vàng của chư Tăng được. Điều đó là đối với người nam. Còn người nữ muốn dâng cúng chư Tăng một vật gì, không được trao thẳng tay như bên Đại Thừa mà phải qua một người nam hay một vật thứ ba. Ví dụ như kiểm soát viên vé máy bay là một người nữ thì người Tăng sĩ phải để vé máy bay và passport lên trên bàn. Sau khi xét vé xong người nữ nhân viên ấy để xuống lại bàn và người Tăng Sĩ mới được quyền lấy passport lại, chứ tuyệt đối không được đưa thẳng tay nhân viên nữ ấy qua vị tăng sĩ kia. Đây có thể là hình thức; nhưng nhiều khi hình thức cũng giúp cho người tu có một phong cách nhất định nào đó, để cả hai bên có sự tôn trọng lẫn nhau thì hình thức ấy vẫn đẹp như thường.
Một ngày đoàn của chúng tôi ở Thái Lan là một ngày có ý nghĩa. Chỉ một ngày thôi mà học được không biết bao nhiêu điều và cũng có không biết bao nhiều điều đáng suy gẫm cho bản thân mình cũng như cho đạo Phật Việt Nam. Ước gì những sự giao lưu như thế ngày càng thêm chặt chẽ hơn để người Việt hiểu người Thái người Hoa hơn hay ngược lại, cũng là điều quý hóa vô cùng. Trong khi những bước thiên di ấy của ông bà tổ tiên chúng ta không phải là không có lý khi họ chọn quê hương Xiêm La nầy để di dưỡng tinh thần của đạo Phật.
Mặt trời mọc ở phương Đông, lặn ở phương Tây. Đây là nguyên lý lâu đời của tạo hóa; nhưng có một giáo lý giải thoát nhiệm mầu không mọc cũng không lặn, không tăng cũng không giảm, không còn cũng không mất, không tới cũng không lui, không đến cũng không đi. Đó là chân lý của Đạo Phật.
Mong rằng những người đi sau đừng đánh mất đi những cái gì của những người đi trước đã khổ công gầy dựng. Vì người đi trước ấy cũng chỉ làm một bổn phận là: "Tiếp dẫn hậu lai, báo Phật ân đức"thì người đến sau cũng nên gìn giữ tổ nghiệp, chứ không nên bị đánh mất đi cái gốc của ngàn đời thì quá uổng phí thay!!!
(Viết xong tại Úc, 07.11.2008
nhân mùa nhập thất lần thứ 6).
Những chiếc lá bàng ngày ấy
● Thích Như Điển
Hội An là một thành phố cổ hơn 400 năm lịch sử; nằm cạnh kề Đà Nẵng và mấy năm trước đây Hội An đã được liệt vào Di sản văn hóa thế giới của Liên Hiệp Quốc. Trên toàn nước Việt Nam chúng ta có 4 di sản văn hóa như thế. Đó là Vịnh Hạ Long ngoài Bắc, cung đình Huế triều Nguyễn ở miền Trung và đặc biệt Quảng Nam có hai nơi được cái vinh dự ấy. Đó là Mỹ Sơn, kinh đô cũ của Chiêm Thành nằm gần Trà Kiệu và phố cổ Hội An.
Vì sao Hội An được cái vinh dự ấy? Chẳng phải vì cảnh trí Hội An đẹp hơn những nơi khác, hay Hội An có được những nét đặc biệt nào đan thanh hơn? Hội An có lối kiến trúc đặc biệt pha trộn giữa 3 nền văn hóa. Đó là Hoa, Nhật và Việt. Ngoài ra Hội An đánh dấu một thời của chúa Nguyễn Đàng Trong thực hiện chính sách mở cửa đón tiếp các tàu buôn ngoại quốc từ đầu thế kỷ 17 (1600-1640), thịnh hành hơn ở Đàng Ngoài do vua Lê chúa Trịnh cai trị. Hội An được tán dương ca tụng; vì Hội An đã đi vào lịch sử. Từ ngày ấy người Nhựt, người Hoa, người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, người Hòa Lan đã đến đây buôn bán trao đổi với những thương thuyền của người Ấn Độ, người Việt v.v… nên Hội An đã sầm uất hơn cả Đà Nẵng một thời.
Vào cuối thời nhà Minh, đầu thời nhà Thanh (1640) có rất nhiều người Hoa không chấp nhận nhà Thanh, nên đã chạy sang Việt Nam chúng ta tỵ nạn và họ đã chọn Hội An làm chính, thay vì Hà Nội ở Đàng Ngoài hay Quy Nhơn, Hà Tiên ở Đàng Trong. Đến đây họ đã lập nên chùa chiền và các bang tộc của Ngũ Bang; nên mới có chùa ông Bổn, chùa Ngũ Bang, chùa Phước Kiến v.v… Đặc biệt họ gọi làng họ là làng Minh Hương. Chữ Hương đây có nghĩa là họ đang mang đến đây cái hương thơm của triều nhà Minh vốn họ đã yêu quí lâu đời, mà nay họ không còn cận kề được nữa. Mãi đến đời Minh Mạng vào đầu thế kỷ thứ 19, chữ Hương mới đổi thành chữ Hương có nghĩa là làng của người nhà Minh.
Cũng như thế đó, sau năm 1975 đã có hơn 2 triệu người Việt ra đi khỏi đất nước Việt Nam để định cư tại Hoa Kỳ và ngoại quốc. Tại quận Cam ở California họ đã dựng nên Little Sài Gòn để nhớ lại quê hương một thuở xa xưa mà họ đã sinh sống, phụng sự; nhưng nay vì hoàn cảnh phải xa nước, nhớ nhà, nên họ đã lấy tên một thành phố như thế.
Đứng về phương diện chính trị thuở bấy giờ phải nói rằng, chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã khá vững vàng nên mới dám thâu nhận những người tỵ nạn Trung Hoa như thế; trong khi đó chúa Trịnh ở Đàng Ngoài lại không có chính sách này. Phải chăng vì quá gần Trung Quốc, hay vua Lê chúa Trịnh còn khiếp đảm thiên triều; nhất là triều nhà Thanh mới lên ngôi và lật đổ triều nhà Minh; nên không dám chiêu hiền đãi sĩ.
Hội An hay đúng hơn là làng Thanh Chiêm nằm gần đó, cũng là nơi lịch sử đã ghi dấu nơi lưu trú đầu tiên của những Giám Mục người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đến đây cùng với các thương thuyền để truyền đạo, chính họ là những người đã sáng chế ra chữ quốc ngữ ngày nay chúng ta đang dùng, chứ không phải là Giám Mục Bá Đa Lộc như lâu nay vẫn thường hay nghe và học được. Như vậy Hội An quả là một nơi chốn quan trọng.
Hội An cũng là nơi chôn vùi mối tình vương giả của những Vương tôn Nhật Bản với các công nương của chúa Nguyễn. Nên chùa Cầu hay chùa Nhựt Bổn cũng là nơi đã ghi lại dấu chân của người viễn xứ (lai viễn kiều) từ đó cho đến nay cũng đã hơn 400 năm rồi.
Cuối thế kỷ thứ 17 (1695) chúa Nguyễn Phúc Chu đã nhờ Ngài Nguyên Thiều về Trung Hoa thỉnh Ngài Thạch Liêm Thích Đại Sán và thỉnh Đại Tạng Kinh cùng mời Hội đồng Thập sư để đến Kinh đô Phú Xuân truyền giới. Do vậy mà Ngài Minh Hải, Minh Lượng, Minh Hoằng đã cùng những vị khác đã đến đây và sau khi truyền giới tại Huế cũng như Hội An xong rồi, ba Ngài ấy ở lại đây để hoằng hóa đạo mầu. Ngài Minh Hoằng Tử Dung có ảnh hưởng lớn tại Huế, Ngài Minh Hải Pháp Bảo lập chùa Chúc Thánh ở Hội An, Quảng Nam và ảnh hưởng trải dài cho đến miền Nam và ra tận hải ngoại ngày nay. Ngài Minh Lượng Thành Đẳng là Thầy của Tổ Phật Ý và vị Tổ này vốn là Tổ của Phật Giáo miền Nam và chùa Vạn Đức hay chùa Cây Cau ở Hội An lại do Ngài Minh Lượng khai sơn.
Tổ Liễu Quán đắc pháp với Tổ Minh Hoằng Tử Dung thì Tổ Thiệt Dinh - Ân Triêm là Tổ đắc pháp với Ngài Minh Hải Pháp Bảo, thuộc đời thứ hai của Tông Lâm Tế Chúc Thánh, là một vị Thiền Tăng đạo cao đức trọng, cũng thuần chủng là Việt Nam. Ngài này đã khai sơn chùa Phước Lâm tại Hội An vào đầu thế kỷ 17. Chùa này nằm giữa chùa Chúc Thánh và chùa Vạn Đức. Cách kiến trúc 3 chùa đều giống nhau. Nghĩa là từ ngoài đi vào có cổng Tam Quan, vườn Thiền. Phía trái có miễu Bà. Ở trước là bình phong, hồ nước và hòn non bộ. Hai bên là Đông Đường và Tây Đường. Mặt tiền có sân rộng, sau đó là tiền đường và chánh điện. Rồi Liêu Đông, Liêu Tây, nhà Trù, giếng nước. Cuối cùng là Tổ Đường. Cách kiến trúc này giống hệt như cách kiến trúc của các chùa tại Trung Quốc.
Năm 1964 là năm Giáp Thìn. Miền Trung Việt Nam bị lụt lớn, có nơi nước lên đến tận 3 hay 4 thước. Người và trâu bò chết ngổn ngang. Chúng tôi vào thăm chùa Tỉnh Hội ngày ấy (nay là Pháp Bảo) nước cũng đã ngập tận cả lầu trên. Thế là nhóm học Tăng của chúng tôi khuân gạo bị ngập nước về Phước Lâm và Chúc Thánh để phơi cho khô. Nhưng ngặt nỗi gạo đã thấm nước rồi thì nó bốc lên mùi hôi thối khó thể tả được. Trong khi các nơi đều bị ngập lụt, chỉ có các Chùa Chúc Thánh, Phước Lâm và Long Tuyền lại khỏi; nên người từ Hội An chạy ra lánh cư không ít. Thế là những ngôi chùa này ngày ngày vốn thanh tịnh, bây giờ lại trở nên huyên náo, lạ thường.
Ngày ấy chùa chẳng có cái gì để bán, nhằm đổi gạo rau để nuôi Tăng chúng và những người lánh nạn qua ngày, nên chúng tôi đã theo lệnh của Hòa Thượng trụ trì Thích Như Vạn và chú chúng trưởng Hạnh Thu leo lên cây bàng trước sân chùa để hái lá và đem lá ấy ra chợ Hội An để đổi lấy dưa, muối, gạo đem về chùa dùng. Không ngờ cây bàng ngày nào chúng tôi cũng chẳng để ý đến nó. Điệu, tiểu chúng tôi chỉ ngầm than trách nó nhiều hơn. Vì nó đổ lá nhiều quá, khiến chúng tôi sáng nào cũng phải quét dọn nhanh cho sạch sân chùa. Thế mà bây giờ lại hữu dụng biết bao. Những chiếc lá bàng non còn xanh ngắt ra từ thân cây vẫn được giá hơn bất cứ vật gì thuở ấy. Vì gió mưa lụt lội lá chuối bị gió đánh rách tả tơi, không còn dùng được nữa, thì lá bàng đã thay thế cho lá chuối và đặc biệt là nhờ những chiếc lá bàng ấy mà nó đã cứu Tăng chúng chùa Phước Lâm của chúng tôi một thời đói rét của năm Giáp Thìn (1964) và nếu tính bằng thời gian cho đến nay (2008) cũng đã 45 năm rồi.
45 năm trôi qua trong đời người quả là có không biết bao nhiêu thay đổi; 45 năm của nắng sớm mưa chiều, 45 năm của thời cuộc, của thân tứ đại vô thường này đã trôi qua, nhưng ở lứa tuổi 15 thuở ấy tâm hồn còn trinh nguyên thanh thản và cho đến lứa tuổi 60 ngày nay của mình, tôi vẫn thấy những chiếc lá bàng của chùa Phước Lâm ngày ấy nó có ý nghĩa làm sao! Khiến tôi không bao giờ quên được.
Thuở ấy hằng ngày hai lượt chúng tôi vẫn thường đạp xe đạp ngang qua chùa Chúc Thánh đi đến trường Diên Hồng và trường Bồ Đề để học. Tôi cũng ít quan tâm mấy về chốn Tổ này, cho đến khi xa quê vào Nam năm 1968 tự nhiên thấy nhớ quê hương xứ Quảng lạ lùng, nhất là khi đã rời xa quê Mẹ thật sự để sang Nhật Bản du học từ năm 1972 thì quê hương xứ Quảng quả là còn nằm trong nghìn trùng xa cách của ký ức mình. Đến năm 1991 khi khánh thành chùa Viên Giác tại Hannover, Đức Quốc, tôi đã đón được Sư Phụ của tôi (Cố Hòa Thượng Thích Long Trí) qua để rồi Thầy trò đã chẳng hàn huyên được bao lâu thì Thầy về lại nước và viên tịch tại chùa Viên Giác Hội An vào năm 1998 (đến nay 2008 cũng đã 10 năm rồi). Lúc đó gặp Ngài tại Đức, chính tôi là người đã đề nghị với Ngài là nên trùng tu Tổ đình Chúc Thánh tại Hội An và tôi sẽ đích thân vận động Phật tử ở Đức cũng như chư Sơn thuộc môn phái Chúc Thánh tại Hải Ngoại.
Tâm tình ấy từ khi về lại nước (1991) Thầy tôi đã mang ra trình bày với chư Tôn Đức trong môn phái. Thuở ấy Cố Hòa Thượng Thích Trí Nhãn còn làm trụ trì, nhưng mãi đến khi Ngài Trí Nhãn viên tịch vẫn chưa thực hiện được. Về sau Thầy Hạnh Chánh là trưởng tử của Hòa Thượng Trí Nhãn cũng muốn thực hiện, nhưng đã chẳng thuận duyên và cuối cùng người đứng mũi chịu sào để đứng ra gánh vác việc Đại Trùng Tu này là Thượng Tọa Thích Đồng Mẫn. Mặc dù có Ban Kiến Thiết, ban Cố Vấn là Cố Hòa Thượng Thích Trí Giác, Hòa Thượng Thích Đổng Quán (Nha Trang), Hòa Thượng Thích Như Tín, T.T Thích Như Thọ (Sài Gòn); nhưng đa phần người trực tiếp điều hành đây là Thượng Tọa Thích Đồng Mẫn.
Sau 3 năm thi công, nay đã đến kỳ hoàn mãn. Đó là do công sức, tài sản của chư Tăng Ni, Phật tử thuộc môn phái Chúc Thánh cũng như có rất nhiều người không thuộc môn phái ở Hoa Kỳ, Canada, Úc Châu, Đức Quốc, Âu châu, Việt Nam đã tận tụy hy sinh thời giờ và tiền bạc mới có được một chốn Tổ khang trang như ngày hôm nay. Tất cả những thành quả ấy có được nếu không nhờ chư Tổ, chư Phật gia hộ thì chắc chắn chúng ta đã chẳng hoàn thành.
Ở Mỹ châu nếu không nhờ Trưởng lão Thích Chơn Điền, Hòa Thượng Thích Hành Đạo, Hòa Thượng Thích Thanh An, Thượng Tọa Thích Hạnh Tuấn v.v… Ở Úc châu, nếu không có Hòa Thượng Thích Như Huệ, Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, quí Thượng Tọa Thích Phước Nhơn, Thích Quảng Ba và ở Âu châu chúng tôi, Ni sư Như Viên v.v… thì khó hoàn thành tâm nguyện của chư Tôn Đức Tăng Ni cũng như của các Phật tử ở trong nước. Ân nghĩa ấy xin ghi trọn vào tấm lòng thành của người con Phật nói chung và người con, cháu Tổ thuộc quê hương xứ Quảng nói riêng vậy.
Ngày 12, 13 và 14 tháng 2 âm lịch năm Kỷ Sửu (2009) sắp đến đây là ngày lễ Lạc Thành ngôi Tổ đình Chúc Thánh. Con cháu muôn phương sẽ đổ về đây để lễ Tổ và nguyện cầu. Đồng thời cũng để mừng vui cho một công trình đại trùng tu đã hoàn mãn. Trong Đại lễ ấy sẽ có nhiều lễ khác nhau được Tổ chức như: lễ chẩn tế cô hồn, chạy đàn, thuyết pháp, phát chẩn cho người nghèo và đặc biệt có lễ cúng dường cho 1.000 vị Tăng Ni nhân ngày lễ trọng đại này. Đây cũng là lần đầu tiên tại quê hương xứ Quảng tổ chức cúng dường “Thiên Tăng Hội” như vậy.
Người xưa vẫn thường nói: “Sự thành công không phải là điều đáng nói, mà điều đáng nói là phải làm sao để đi đến sự thành công ấy mới là điều quan trọng”. Chính chốn Tổ này đã sản sinh và đào tạo ra không biết bao nhiêu Tăng, Ni ưu tú cho quê hương xứ Quảng nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung, nên viết về Hội An, về xứ Quảng, về chùa Tổ Chúc Thánh cũng chỉ để hoài niệm công đức của những bậc Tổ sư tiền bối dày công truyền thừa qua bao đời của lịch sử và nhân ngày Đại lễ Khánh Thành này, tôi – người con xứ Quảng, nhưng vẫn chưa một lần về thăm lại quê hương, để bồi hồi nhớ lại những chiếc lá bàng ngày ấy đã 45 năm trôi qua trong đời, có một chút gì đó gợi lại một chút ân tình với mảnh đất ngàn năm văn vật “chưa mưa đã thấm” này.
Tôi từ nơi xa xôi ở Hải Ngoại xin vọng về quê hương với một chút đóng góp nhỏ nhoi bài vở của mình, để góp phần mình vào tập kỷ yếu khánh thành sắp xuất bản vào tháng 2 âm lịch năm Kỷ Sửu sắp tới, nhằm đốt một nén hương, thầm vọng vái về quê hương trong khi tôi vẫn còn biền biệt ở cõi trời Tây.
Úc Đại Lợi, ngày 8 tháng 11 năm 2008
nhân mùa nhập thất lần thứ 6.
_________________________
Hồi tưởng về Giáo Sư VŨ KÝ
● Thích Như Điển
Bây giờ ngồi lại đây để hồi tưởng chuyện đã qua thì tôi cũng đã chẳng nhớ rõ là tôi đã gặp Giáo Sư Vũ Ký khi nào và gặp tại đâu. Nhưng tôi nhớ chắc rằng tôi đã gặp Giáo Sư qua tình đồng hương của người con xứ Quảng và qua văn chương, văn hóa cũng như sách vở.
Đã có lần cách đây 15 năm về trước tôi đã có dịp trình bày về tư tưởng Phật Giáo của Cụ Nguyễn Du qua truyện Kiều tại Trung Tâm Văn Hóa ở Bruxelles, Bỉ Quốc; nơi Linh Mục Nguyễn Hùng Lân làm giám đốc. Lúc ấy có lẽ là lần đầu tiên tôi đã gặp Giáo Sư qua giọng nói với thanh âm của xứ Quảng và kể từ đó Giáo Sư Vũ Ký cũng đã cộng tác với báo Viên Giác nhiều bài vở nghiên cứu đặc sắc qua lời mời của tôi cũng như anh Chủ Bút Phù Vân.
Cũng có lúc Giáo Sư nhờ tôi viết một vài lời cảm tưởng về tác phẩm văn chương của Giáo Sư sắp xuất bản; do Hòa Thượng Thích Giác Lượng tại Hoa Kỳ đứng ra tài trợ và cái duyên văn hóa từ đó lại gần gũi nhau hơn.
Tôi đến với Giáo Sư không vì niềm tin của Tôn Giáo. Vì tôi biết Giáo Sư là con cái của một nhà Nho và Giáo Sư cũng như Họa Sĩ Vũ Hối đều theo Tây học. Trong khi Giáo Sư theo đạo Thiên Chúa và Họa Sĩ Vũ Hối thì là một Phật Tử. Một nhà chính trị; một nhà văn hóa như Giáo Sư có lẽ Giáo Sư đã chọn cho mình một niềm tin như thế; hoặc giả qua việc hôn nhân mà Giáo Sư đã chấp nhận để cuộc sống gia đình được tốt đẹp hơn. Trong khi đó con gái của Giáo Sư đang ở tại Đức cũng như người con rể hiện ở tại Nürnberg đã quy y với tôi và vợ chồng cô ta đã và đương hỗ trợ cho chùa Viên Giác cũng như Niệm Phật Đường Viên Âm không ít.
Có lần Giáo Sư bảo rằng: Giáo Sư muốn qua thăm cơ sở Vatican của Phật Giáo tại Hannover. Tôi trả lời trong khiêm nhượng rằng: Điều ấy chắc không phải vậy. Vì chùa Viên Giác chỉ là một cơ sở khiêm nhường thôi. Giáo Sư bảo: „Qua sách vở, báo chí và những thành quả của người con xứ Quảng tại Hannover ai mà chẳng biết“. Thật ra tôi cũng đã chẳng vui lắm khi có một lời khen quá đáng như vậy và nhất là của một vị Giáo Sư có uy tín trên diễn đàn văn học tại ngoại quốc.
Đi đâu Giáo Sư cũng thường gởi Card Postal về Đức để thăm tôi và thỉnh thoảng Giáo Sư cũng hay gọi điện thoại qua chùa Viên Giác. Ngược lại, thời gian về sau nầy tôi hay làm việc ấy đều đặn hơn.
Năm 2003 là năm kỷ niệm 25 năm thành lập Chùa Viên Giác cũng như ra mắt sách „Viết Về Âu Châu“ và sách „Vẻ Vang Dân Việt“ của ông Trọng Minh. Anh Chủ Bút Phù Vân có đề nghị là nên mời tất cả Ban Biên Tập của báo Viên Giác cũng như một số tác giả trong tác phẩm trên đến chùa Viên Giác để tham gia lễ ra mắt cũng như những lễ lộc quan trọng khác của chùa. Thế là Giáo Sư và một số văn thi hữu khác đã đến chùa; nhưng vì quá nhiều công việc cho ngày Đại Lễ tấn phong Trụ Trì và sinh nhật lần thứ 55 của tôi; nên mọi việc tiếp đón, tôi đều phải nhờ anh Chủ Bút Phù Vân lo liệu. Dĩ nhiên việc khiếm khuyết không thể tránh khỏi vì thiếu sự chăm sóc trực tiếp của tôi.
Ví dụ như đêm 28 tháng 6 năm 2003 lễ mừng Sinh Nhật của tôi, Giáo Sư muốn tặng một món quà, hình như là một cây viết; nhưng Thầy xướng ngôn viên điều hành buổi lễ đêm đó chưa hề quen biết với Giáo Sư trước đó; nên đã không mời Giáo Sư lên phát biểu một vài lời. Đây quả là điều đáng áy náy về sau nầy, không bao giờ tôi quên việc ấy cả. Bởi lẽ rất nhiều người đã đến với mình vì tình cảm quê hương, tình người, tình văn chương v.v… nhưng lại bị lãng quên, quả là điều đáng trách.
Cuối năm 2008 vừa qua trong khi tôi đang nhập thất, dịch kinh tại Úc thì đọc được mấy dòng chữ báo tin qua E-mail của anh Chủ Bút Phù Vân rằng: „Giáo Sư Vũ Ký đã qua đời, hưởng thọ 87 tuổi“. Sau đó tôi có gởi điện thư về chia xẻ nỗi mất mát của gia đình khi có người thân ra đi và anh Chủ Bút Phù Vân hôm lễ tiễn biệt Giáo Sư, anh ta đã đọc lời chia buồn ấy của tôi cùng cảm tưởng của anh đối với người anh kết nghĩa của anh Phù Vân – là Giáo Sư Vũ Ký.
Một đời làm chính trị, một đời làm văn hóa, một đời làm Giáo Sư dạy học chắc chắn Giáo Sư cũng đã thấm thía hai câu thơ sau đây:
Đón đưa bao kẻ qua sông,
Nhớ quên mặc kệ vẫn ông chèo đò.
Nhiệm vụ của một nhà văn hóa, một giáo sư cũng giống như một ông lão lái đò vậy thôi. Mấy lần đón khách sang sông và mấy độ đưa người nên danh vọng; nhưng nhớ hay quên, ông lái đò vẫn thản nhiên tự tại. Ông chỉ làm một bổn phận, đó là việc hy sinh và phụng sự cho tha nhân.
Bây giờ thân xác của Giáo Sư đã nằm yên trong lòng đất lạnh tại Bỉ Quốc; nhưng những lời dạy học trò của Giáo Sư và những tư tưởng trong các tác phẩm của Giáo Sư vẫn còn tồn tại mãi mãi với thời gian năm tháng trên cõi trần thế nầy.
Là một người tham gia đảng phái chính trị, Giáo Sư luôn luôn mong muốn đất nước Việt Nam mình sớm thoát khỏi gông cùm đàn áp, không có sự tự do của người Cộng Sản và bao giờ cũng thế tư tưởng của Cách mạng Pháp 1789 hay tư tưởng tự do của Âu Mỹ, qua câu văn và những luận cương về văn hóa của Giáo Sư đã để lại cho hậu thế những bài học vô cùng quý giá.
Tuy:
„Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp
Quê nhà một góc nhớ mênh mông“
Quê hương xứ Quảng đã nghìn trùng xa cách; nhưng Giáo Sư cũng mong nhớ một ngày về để quang phục lại quê hương; nhưng càng ngày quê hương vẫn còn ngút ngàn trong muôn thuở. Nếu có chăng, trong hiện tại tâm thức của Giáo Sư có thể bay bổng trên không gian cao rộng để nhớ lại rằng:
„Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm
Rượu hồng đào chưa nhấm đã say“
Con người sinh ra tại Quảng Nam là thế, chất phác, mộc mạc; nhưng không thiếu tinh thần dũng cảm yêu nước, yêu quê hương. Quảng Nam đã có „Ngũ Phụng Tề Phi“. Quảng Nam đã có những nhà văn, nhà thơ nổi tiếng như: Phan Khôi, Bùi Giáng và Quảng Nam cũng không thiếu những nhà chí sĩ anh hùng như Ông Ích Khiêm, Hoàng Diệu, Trần Quý Cáp v.v… Ngày nay ở hải ngoại người con của xứ Quảng cũng đã đóng góp phần mình không nhỏ qua diễn đàn xuquang.com tại Hoa Kỳ, đã giới thiệu về mọi mặt cho bà con xa gần được biết. Từ văn học nghệ thuật, cho đến nhiều hình thức khác nhau, mà trong đó đã không thiếu phần đóng góp của Giáo Sư.
Vào ngày 8 tháng 2 năm 2009 vừa qua Phật Giáo Đài Loan đã mất đi một Đại Sư, một trí thức Phật Giáo, một học giả rất nổi tiếng trên thế giới. Đó là Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm. Năm 1975 Ngài đã tốt nghiệp Tiến Sĩ tại Đại Học Phật Giáo Risso (Lập Chánh) tại Tokyo, Nhật Bản. Sau đó Ngài về Đài Loan xây dựng nên Pháp Cổ Sơn và đến tuổi 80 Ngài đã nhẹ gót về Tây và Ngài đã để lại bài kệ như sau:
Vô sự mang trung lão
Không lý hữu khốc tiếu
Bản lai một hữu ngã
Sanh tử giai khả phao.
Tạm dịch:
Cái già chẳng bận tâm
Không chỗ để khóc cười
Trước sau chưa có ta
Chết sống đều bỏ hết.
Đây chính là một bài thơ, một bài kệ liễu đạo của một nhà học giả Phật Giáo. Rõ ràng là khi chết đi, cát bụi sẽ trả về cho cát bụi. Chính Ngài đã rõ lý sanh tử và chốn đi về ấy. Đó là Niết Bàn Diệu Tâm. Đó là Phật tánh, là chơn như, là như thị, là tịch tịch trạm nhiên, là vô tướng, vô cầu, vô tâm, vô phân biệt. Do vậy chẳng có gì để khóc mà cũng chẳng có gì để cười cả. Vì khóc hay cười chỉ là những sự đối đãi bình thường của cuộc đời. Nếu ai thoát ra khỏi vòng đối đãi ấy thì mới không quan tâm đến sự già và chết. Đó là chính Ngài Thánh Nghiêm đã vượt qua khỏi và Ngài đang tự tại thong dong nơi cõi giải thoát. Vì nơi Ngài, xưa nay chưa bao giờ có sự đến đi cả. Mặc dầu Ngài đã thị hiện bằng báo thân qua lại trong cõi đời nầy qua 80 lần xuân thu như thế.
Trước năm 1945, thời Đức Quốc Xã đang ngự trị tại Âu Châu; nhiều nhà văn, nhà cách mạng đã bỏ quê hương Đức Quốc sang tỵ nạn tại Hoa Kỳ, Canada, Úc Châu hoặc các nước khác tại Âu Châu để chống lại sự cai trị độc tài của Hitler thuở ấy. Họ đã ngồi lại với nhau và thành lập một mặt trận văn hóa để đối kháng lại. Có lần một nhà văn đã nói như thế nầy: „Quê hương tôi đã mất; nhưng tiếng nói không thể mất được. Đây chính là quê hương mới của tôi“. Như vậy văn hóa, ngôn ngữ vẫn là một vũ khí không kém phần quan trọng khi chúng ta không còn bám trụ tại quê hương nơi mình được sinh ra nữa; mà ngôn ngữ ấy; nền văn hóa di dân tỵ nạn ấy đã đương chuẩn bị cho một ngày về sau thời đại Hitler. Nhờ đó nước Đức mới có được một quốc gia giàu mạnh như ngày hôm nay.
Năm 1975 đã có hơn 2 triệu người bỏ nước ra đi. Vì họ không chấp nhận chế độ Cộng Sản Việt Nam trong hiện tại. Họ đã, đương và sẽ dùng ngôn ngữ Việt để dạy cho con em họ trong các ngôi chùa, các trường học chuyên khoa sở tại hay ở gia đình để nuôi dưỡng sức sống của một dân tộc khi phải tứ tán ở khắp bốn phương trời. Chính họ và những thế hệ thứ hai, thứ ba đã đương và sẽ đóng góp vào nền văn hóa sở tại cũng như thời hậu Cộng Sản tại quê hương Việt Nam mình những tư tưởng tự do không nhỏ. Sở dĩ có được như vậy là nhờ vào những sợi dây tinh thần nối kết lại với nhau. Từ quá khứ đến hiện tại và kéo dài mãi trong tương lai nữa. Trong đó sự đóng góp của Giáo Sư Vũ Ký về vấn đề văn hóa, văn học của nước nhà tại hải ngoại không phải là điều nhỏ, mà ta phải khẳng định rằng: Tòa nhà Văn Hóa Việt Nam tại ngoại quốc ngày nay Giáo Sư Vũ Ký là những viên gạch, là nền móng cơ bản nhất để xây dựng một đất nước Việt Nam không cộng sản trong tương lai.
Năm 1644 người nhà Minh bên Trung Hoa không chấp nhận chế độ của Mãn Thanh; nên đã đến Việt Nam chúng ta xin tỵ nạn. Thuở ấy Vua Lê Chúa Trịnh đàng ngoài đã chưa sẵn sàng có chính sách tiếp nhận người tỵ nạn Trung Hoa. Trong khi đó Chúa Nguyễn đàng trong đã có chính sách ấy; nên người Ngũ Bang đã đến Hội An để tỵ nạn và lập nên làng Minh Hương tại đây. Bây giờ trải qua gần 400 năm lịch sử những người có cảm tình với nhà Minh thuở ấy không còn nữa; nhưng đền đài, dấu vết ấy vẫn còn đây và Hội An ngày nay là nơi du khách nước ngoài đến thăm không ít vì tính cách đặc thù của nó.
Thân phận người Việt chúng ta cũng vậy. Sau 100, 200 hay 300 năm nữa chúng ta cũng sẽ giống như những người Minh Hương đã sinh sống tại Hội An cách đây gần 400 năm trước mà thôi. Tuy nhiên chứng nhân của lịch sử vẫn còn đó qua các ngôi chùa, qua phố sá, qua nền văn hóa hải ngoại đã thành hình từ trí tuệ và sự cần mẫn của con người. Người Việt Nam tỵ nạn của chúng ta hôm nay cũng thế, chúng tôi tin rằng dẫu cho thời gian có trôi qua, không gian có thay đổi, lịch sử của một thời, vẫn là lịch sử; không có ai có thể bóp méo lịch sử được. Trong hiện tại thân phận chúng ta cũng giống như thân phận của nàng Kiều, vì:
„Trông vời cố quốc biết đâu là nhà“
Thế nhưng con người Việt Nam tại ngoại quốc ngày nay đang có đầy đủ phương tiện truyền thông nhiều hơn ngày xưa gấp nhiều lần. Cũng như từ trong nước, thế hệ trẻ cũng có cái nhìn tự do, duy lý hơn; nên chúng tôi tin rằng: Sự thật bao giờ cũng là sự thật và tự do dân chủ vẫn là điều mà ai ai cũng có quyền ước muốn và quyền sống trong một đất nước như thế phải thật sự có như bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã nêu rõ.
Viết một bài hồi tưởng ngắn về Giáo Sư Vũ Ký để tưởng niệm một người đã có công với nền văn học của nước nhà và riêng tôi để nhớ về một người con ưu tú của quê hương xứ Quảng đã phải sống lưu vong nhiều năm tại xứ Bỉ; nhưng lúc nào cũng mong rằng: Có một ngày sẽ quang phục lại quê hương. Kính nguyện Giáo Sư sẽ an giấc ngàn thu và những gì Giáo Sư chưa làm được; những người còn lại sẽ tiếp tục lên đường dấn thân và phục vụ.
● Thích Như Điển
Viết xong vào một sáng mùa Đông tại Moss – Na Uy, trong khi tuyết vẫn còn rơi trắng xóa trên bầu trời và phủ kín trên mái chùa Tam Bảo (tháng 2 năm 2009).
________________________
Hạnh Khất Thực
Thích Như Điển
Xin giải thích ngay về ý nghĩa của 3 chữ trên. Hạnh có nghĩa là việc làm, là hạnh nguyện, là thực hành một bổn phận hay một trách nhiệm nào đó. Còn Khất có nghĩa là xin. Xin những gì người khác cho mình. Người cho được gọi là kẻ bố thí. Còn người nhận được gọi là khất sĩ. Thực nghĩa là đồ ăn, món ăn, cách ăn hay thực phẩm dùng để nuôi dưỡng thân tứ đại nầy.
Ngày xưa khi Phật còn tại thế, cứ mỗi sớm mai khi hừng đông vừa ló dạng là Ngài và cả Tăng Đoàn gồm hơn 1.000 người chia ra từng nhóm nhỏ, rồi thong thả đi vào xóm, vào chợ, vào nhà cư sĩ, vào nhà ngoại đạo, không phân biệt người giàu sang, kẻ bình dân hạ tiện, hoặc giả bất cứ giai cấp nào ở trong xã hội Ấn Độ thời bấy giờ. Đây là cái cớ, cái duyên để chư Tăng, Ni có cơ hội gần gũi, tiếp xúc với mọi người và cũng là dịp để người Tăng sĩ thực hiện tinh thần vô trụ, tinh thần bất chấp của một con người, thường thường hay xây dựng trên mỗi tự ngã của từng cá nhân.
Đức Phật, một bậc Thầy của Trời và Người; nhưng Ngài vẫn thể hiện hạnh khất thực. Vì lẽ, không phải Ngài chỉ đi xin ăn tầm thường hay bình thường như những người thiếu thốn miếng cơm manh áo, mà Ngài đi xin tấm lòng từ bi và xin tấm lòng vị tha của con người, để họ có cơ hội khai mở, để họ có nhân duyên gieo trồng căn lành cho chính họ; chứ không phải Ngài hay chư Tăng vì thiếu khả năng sản xuất, thiếu điều kiện sinh sống, mới đi ăn xin.
Có một lần vị Bà La Môn bảo rằng: „Sa Môn Cồ Đàm và những đệ tử của ông ta làm biếng, không có khả năng tạo ra vật thực để dùng; nên mới đi xin như thế“. Đức Phật, Ngài từ tốn trả lời rằng: „Ta và đệ tử của ta mỗi ngày vẫn đi cày xới ruộng tâm của mình đấy chứ! Sau một thời gian gieo hạt giống giới đức, ruộng ấy sẽ trổ hoa thơm và cuối cùng Tăng Đoàn sẽ gặt hái được những kết quả là giác ngộ và giải thoát“. Điều này cho chúng ta thấy rằng: Ngài và chúng đệ tử của Ngài không phải là những người lánh nặng tìm nhẹ, mà còn gia công tu tập, hành thiền nhiều hơn là những người làm ruộng bình thường nữa.
Khi thọ Tỳ Kheo hay Tỳ Kheo Ni, chúng ta hiểu ý nghĩa của những từ nầy là: Khất sĩ, bố ma và phá ác. Nghĩa là người xuất gia là kẻ khất sĩ. Bên dưới đi xin thức ăn đồ uống để nuôi sống tấm thân tứ đại nầy và bên trên mong đền được bốn ơn nặng của quốc gia, cha mẹ, Thầy Tổ và chúng sanh. Khi thực hành những hạnh nguyện ấy cần phải hàng phục ma quân từ bên trong như tham nhũng, chấp thủ và cả bên ngoài như sự lười biếng, sợ hãi v.v… Đây được gọi là bố ma. Khi đi khất thực hay lúc hành hạnh Tỳ Kheo có nghĩa là chính người Tăng sĩ ấy phải diệt trừ những niệm ác của tham, sân, si để giới định huệ được thăng hoa trong cuộc sống nội tâm của mình. Trong oai nghi tế hạnh của người xuất gia có cả một chương dạy rõ ràng về việc đi khất thực nầy.
Cho đến ngày hôm nay sau 2553 năm lịch sử các xứ Phật Giáo Nam Tông như Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt v.v… chư Tăng vẫn còn thực hành hạnh khất thực mỗi ngày và quanh năm suốt tháng 365 ngày ấy vào buổi sáng tinh sương khi mọi sinh hoạt của phố thị hay làng xóm sắp bắt đầu. Những Tăng sĩ đi khất thực có thể đi chân trần, đôi khi cũng có nơi mang dép, thong thả đến trước từng cửa nhà, cửa tiệm của thí chủ; người ta cho, cúng cái gì thì mình nhận vật ấy. Nếu đứng chừng 5 phút, không có người mang đến cúng dường, ta cũng vẫn hoan hỷ ra đi. Khi đi đúng một con đường hay một xóm đã được quy định thì chư Tăng trở về lại chùa. Họ sẽ mang tất cả những vật thực ấy dâng lên trước bàn Phật rồi tụng kinh cúng dường Phật. Sau đó họ đem phần khất thực ấy chia làm 3 phần. Một phần để vị Tăng sĩ ấy dùng cho đến trưa trong ngày đó. Một phần cho người khác tại chùa hay người bịnh; một phần nữa bố thí cho chim muông hay những loài thú khác. Như vậy mỗi phần đi khất thực về, đều được chia thanh tịnh bằng bốn cách như trên.
Khi đạo Phật được truyền qua Trung Quốc vào đầu thế kỷ thứ nhất, chư Tăng ngoại quốc và chư Tăng Trung Quốc vẫn hành trì hạnh khất thực như thế. Nhưng vì thời tiết, khí hậu ở phương Bắc, không giống như phương Nam. Nghĩa là trời vào Đông ở phương Bắc tuyết rơi lạnh lẽo, sự sinh hoạt bị thu hẹp vào bên trong, không phô trương ra ngoài như các xứ Nam phương; nên chư Tăng chỉ đi khất thực vào mùa Xuân, Hạ và Thu; còn mùa Đông thì tự nấu nướng bên trong tự viện của mình. Từ bao đời nay bài thơ:
Nhứt bát thiên gia phạn
Cô thân vạn lý du
Kỳ vi sanh tử sự
Thuyết pháp độ xuân thu.
Nghĩa:
Một bát, cơm ngàn nhà
Một thân, muôn dặm xa
Chỉ vì sự sanh tử
Thuyết pháp độ người qua.
Đây chính là hình ảnh đẹp nhất của người tu khi hóa duyên vô ngại tự tại như thế. Tài sản riêng của chư Tăng chỉ có 3 y và một bình bát. Chính bình bát ấy đã đi vào đời, đi khắp Đông, Tây, Nam, Bắc. Sự hiện diện của chư Tăng đã xoa dịu được phần nào nỗi khổ đau của trần thế. Đây là một bài pháp không lời, đã nói lên được tất cả hạnh nguyện của người Tăng sĩ cũng như những cư sĩ tại gia khi thực hành hạnh bố thí.
Có một lần Ngài A Nan đi khất thực và đến xin nước uống nơi một cô gái thuộc giai cấp Chiên Đà La. Nàng ta sợ và từ chối rằng: Con không dám cho nước Ngài. Vì Ngài thuộc giai cấp quý tộc; còn con thuộc giai cấp tôi tớ trong xã hội, làm sao dám gần Ngài”. Đoạn Ngài A Nan bảo: “Ta xin nước chứ có xin giai cấp của ngươi đâu!”. Chỉ một câu trả lời ngắn gọn của Ngài A Nan như thế, cho chúng ta thấy rằng: Đạo Phật là một đạo từ bi, không có giai cấp. Cho nên Đức Phật dạy rằng: “Không có sự phân biệt giữa giai cấp và Tôn giáo khi trong máu người cùng đỏ và nước mắt người cùng mặn”.
Đức Phật cũng đã dạy trong giới luật rất kỹ là chư Tăng chỉ đi khất thực vào buổi sáng và qua khỏi giờ ngọ không được đi. Lý do là trong thời Đức Phật còn tại thế có một vị Tỳ Kheo thân hình rất xấu xí, ông ta hay đi xin vào buổi tối để tránh sự dòm ngó của mọi người. Một hôm nọ đến nhà một nữ thí chủ để khất thực. Chẳng may lúc ấy sét đánh ngang trời. Vị thí chủ ấy thấy được nhan sắc dị hợm của vị Tỳ Kheo kia, trông giống như quỉ Dạ Xoa; nên nàng ta ngất xỉu và bị sẩy thai. Kể từ đó về sau, Đức Phật chế luật cho chư Tăng không được đi khất thực sau giờ ngọ.
Khi Phật Giáo được du nhập vào miền Bắc thuộc Đại Thừa Phật Giáo như Mông Cổ, Đại Hàn, Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản, Tây Tạng, Bhutan v.v… tuy chư Tăng, Ni không thực hành hạnh khất thực mỗi ngày như chư Tăng các xứ Nam Tông; nhưng trong khi cúng quá đường chư Tăng vẫn hành trì đúng như pháp khất thực trong luật dạy. Đầu tiên chư Tăng, Ni nâng bát cơm lên trán, kiết ấn cam lồ và tụng: Cúng dường thanh tịnh pháp thân Tỳ Lô Giá Na Phật … Đó là thể hiện sự tôn kính với chư Phật. Kế đó vị chủ lễ gắp bảy hạt cơm cho vào chén nhỏ đọc bài kệ như sau:
Pháp lực bất tư nghì
Từ bi vô chướng ngại
Thất liệp biến thập phương
Phổ thí châu sa giới
Án độ lợi ích tóa ha (3 lần)
Nghĩa:
Pháp lực khó nghĩ bàn
Từ bi không ngăn trở
Bảy hạt biến mười phương
Thí cho khắp mọi nơi
Án độ lợi ích tóa ha (3 lần)
Sau đó cho Thị Giả đem thức ăn, uống ấy ra bên ngoài sân và đọc bài kệ xuất sanh:
Đại Bàng kim súy điểu
Khoán giả quỷ thần chúng
La Sát quỷ tử mẫu
CamLồ tất sung mãn
Án mục lục lăng tóa ha(3 lần)
Nghĩa:
Đại Bàng chim cánh vàng
Cùng với loài quỷ thần
Mẹ con quỷ La Sát
Đượm nhuần ơn mưa dịu
Án mục lục lăng tóa ha(3 lần)
Sau khi Thị Giả tống thực xong, vị Chủ Sám xướng lễ và chư Tăng, Ni sớt bát cơm ra một phần. Đây gọi là lưu phạn. Cơm nầy không nên dùng lại khi ở bàn quá đường. Vì lẽ cơm nầy dùng để cho người khác, ý nói là người bịnh hay người làm công quả. Phần còn lại trong bát, để chính cho mình dùng. Do vậy phải lượng sức mình dùng bao nhiêu thì để lại trong bát bấy nhiêu. Như vậy cũng đầy đủ 4 pháp cúng dường trước khi dùng cơm trưa; mặc dầu chư Tăng, Ni Bắc Tông không đi khất thực.
Trước khi dùng cơm chính thức, chư Tăng, Ni niệm tam đề, ngũ quán như sau:
Nguyện đoạn nhứt thiết ác
Nguyện tu nhứt thiết thiện
Nguyện độ nhứt thiết chúng sanh.
Nghĩa:
Nguyện bỏ tất cả các việc ác
Nguyện làm tất cả những việc lành
Nguyện độ tất cả chúng sanh.
Sau đó chư Tăng, Ni mang bình bát ngang ngực thầm niệm kệ ngũ quán như sau:
Nhứt kế công đa thiểu, lượng bỉ lai xứ
Nhì thốn kỹ đức hạnh, toàn khuyết ứng cúng
Tam phòng tâm ly quá, tham đẳng vi tông
Tứ chánh sự lương dược, vị liệu hành khô
Ngũ vi thành đạo nghiệp, ưng thọ thí thực.
Nghĩa:
Một, kể công nhiều ít, so kia chỗ đem đến
Hai, xét đức hạnh mình, đủ thiếu mới nhận của cúng dường
Ba, đề phòng tâm tham lam, vì tham là cội gốc
Bốn, là vị thuốc hay, dùng để chữa bịnh gầy
Năm, nguyện thành đạo nghiệp, mới thọ cơm nầy.
Như thế trong tất cả 3.000 oai nghi tế hạnh của một người xuất gia, riêng cái ăn, cái uống, cái ngủ, cái tu, cái học v.v... đã chiếm gần trọn vẹn cả một đời người rồi. Do đó họ luôn luôn bận rộn và nhờ bận rộn như thế, họ mới có thể kiểm soát thân tâm của mình.
Người cúng dường, kẻ nhận sự cúng dường và của cúng dường thanh tịnh được gọi là: “Đẳng tam luân không tịch”. Nghĩa là bất cứ ai cũng có thể cúng dường tứ vật dụng lên chư Tăng. Đó là thuốc thang, chỗ ở, đồ mặc và thức ăn. Ngày nay chúng ta thỉnh thoảng thấy chư Tăng, Ni còn được cúng dường cả tịnh tài nữa mà ngày xưa không có. Vì lẽ ngày xưa Đức Phật và chư Tăng đi bộ, không dùng phương tiện di chuyển bằng xe cộ hay máy bay như ngày hôm nay; nên không cần đến phương tiện nầy; nhưng ngày nay xã hội đã đổi khác, sau hơn 2.500 năm lịch sử. Do vậy cần phải có phương tiện nầy; nếu không, chư Tăng, Ni sẽ khó có điều kiện để di chuyển và thực hiện những Phật sự khác như: lập chùa, đúc tượng, tô chuông, in ấn kinh sách v.v...
Người cúng dường đã có tâm thanh tịnh như vậy, thì kẻ nhận cúng dường cũng phải có tâm thanh tịnh; không mong cầu được cúng nhiều hay ít; cũng chẳng phải tìm đến tín chủ giàu sang để được nhận sự cúng dường. Tất cả đều bình đẳng. Cuối cùng là vật dâng cúng ấy phải thanh tịnh. Nếu một trong hai hay một trong ba không thanh tịnh thì kẻ cúng và người nhận sự cúng dường cũng có phước đức; nhưng không được trọn vẹn như cả ba đều được thanh tịnh.
Người bố thí có 2 cách. Đó là nội tài và ngoại tài. Nội tài tức là phần có ở bên trong thân thể của mình. Ngoại tài là phần có ở ngoài thân thể của mình. Phần bên trong cũng chia ra làm 2 phần. Đó là phần ý hướng đến sự bố thí cúng dường và ý chí ấy hướng đến phần hành động phát tâm cúng dường. Phần bên ngoài chia ra làm 2 phần. Đó là tài sản của bản thân của mình như: Mắt, tai, mũi, lưỡi, tim, thận, gan v.v... hay tài sản như vàng bạc ngọc ngà châu báu, vợ, con cung điện, đất đai v.v... Ngày xưa, khi Đức Phật còn tu Bồ Tát hạnh, Ngài đã dùng nội tài và ngoại tài để bố thí trọn vẹn; nên gọi đây là “bố thí bất nghịch ý”. Đã có lúc Ngài đã thí mạng mình để cứu đói mẹ con của sư tử. Nhiều khi Ngài bố thí cả vợ con và đất nước như trong câu chuyện: Cặp mắt Thái tử Câu Na La. Trong đời hiện tại Ngài đã để lại phía sau lưng mình nào là lầu đài cung điện, vợ đẹp con ngoan, danh thơm tiếng tốt... tất cả chỉ đổi lại bằng một đời sống khất sĩ và những hạnh nguyện lợi tha.
Việt Nam chúng ta cũng có được những ông Vua hiểu đạo như Trần Thái Tông ở vào thế kỷ thứ 13, khi vào núi Yên Tử để chỉ mong cầu làm Phật, khi gặp Quốc sư Phù Vân và nhà vua đã nói rằng: Trẫm xem ngai vàng như đôi dép bỏ. Quả thật đây là một câu nói nặng ngàn cân, hơn tất cả những công án Thiền khác, mà lâu nay chúng ta vẫn thường hay quán chiếu đến. Chính đây là bố thí ngoại tài, không sai chút nào.
Đến đời chúa Nguyễn Phúc Chu ở Đàng Trong vào thế kỷ thứ 18 đã nhờ Ngài Thạch Liêm Thích Đại Sáng khai tâm cho và quốc chúa đã thọ Bồ Tát giới với Đạo hiệu là Thiên Túng Đạo Nhân và ở cuối đời Quốc Chúa đã tuyên bố rằng: “Cả một đời làm Chúa của ta, chưa bằng một cây tích trượng của Thiền Sư đặt nơi Phương Trượng đường”. Quả thật đây là Phật Pháp; đây là chân lý, mà mấy ai hiểu rõ được tận cùng ý nghĩa của những câu nói của các bậc vua quan đã vang bóng một thời.
Bên Trung Quốc vào đời nhà Thanh nhằm vào thế kỷ thứ 17 vua Khang Hy, vua Càn Long cũng đều tuyên bố rằng: Cả một đời làm vua của Trẫm, không bằng đời sống nửa ngày của Thiền Sư hoặc nửa chiếc y vàng của một bậc trên đường giác ngộ”. Lâu nay con người ai ai cũng muốn soán đoạt ngai vàng khi có cơ hội; nhưng khi đã được làm vua, làm chúa rồi, họ chán ngấy với quyền quý và cung phi mỹ nữ; nào rượu, nào thịt, nào danh, nào lợi... Tất cả cũng chỉ là ảo ảnh phù du mà thôi. Do đó đã có rất nhiều ông Vua, bà Hoàng Hậu hay cung tần mỹ nữ, quan quân trong nhiều triều đại ở nhiều nước khác nhau đã bỏ lại sau lưng tất cả; chỉ để mong làm thân khất sĩ, thực hành hạnh nguyện từ bi lợi tha của chư Phật trong bao đời.
Ở các xứ Nam Tông, người tại gia hộ trì Tam Bảo bằng cách bố thí cúng dường để mong cho kiếp sau của mình có đời sống cao đẹp hơn, giàu có hơn và sống cuộc đời hạnh phúc hơn. Còn ở các xứ Bắc Tông, đa phần chư Tăng, Ni và Phật Tử đều hành Bồ Tát hạnh; cho nên phần bố thí cúng dường về nội tài và ngoại tài như trên chỉ mang tính cách xả bỏ; chứ không mang tính cách cầu phước. Vì lẽ như trong Kinh Kim Cang, Phật đã dạy cho Ngài Tu Bồ Đề rằng: “Dầu cho người đó của cải giàu có không cùng. Vàng, bạc, lưu ly, xa cừ, xích châu, mã mão, san hô, hổ phách, trân châu v.v... nhiều đến nỗi chất cao như núi Tu Di và mỗi ngày 3 lần người thí chủ ấy đem của đáng giá kia cúng dường mười phương chư Phật từ sáng, trưa, chiều và cứ như thế trải dài trong vô lượng kiếp. Đấy cũng chưa bằng người trì tụng, biên chép và hiểu rõ nghĩa lý của một câu kinh hay một bài kệ. Trong Kinh Kim Cang có 32 đoạn tất cả. Những đoạn chính nhấn mạnh về tánh không, chúng ta thấy được như sau:
Phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng
Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai.
Nghĩa:
Phàm những gì có hình tướng, tất cả đều là hư vọng
Nếu thấy các tướng, không phải là tướng, thì liền thấy Như Lai.
Đa phần chúng ta chấp vào cái có, đôi khi lại chấp vào cái không. Cái nào rồi cũng bị chấp vào nhị nguyên cả. Do đó, nếu người hiểu đạo vượt thoát lên cả hai cách chấp biên kiến nầy, tức sẽ thấy được tánh của Như Lai. Vì lẽ:
Như Lai giả vô sở tòng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai
Nghĩa:
Như Lai nghĩa là chẳng từ nơi nào đến, lại cũng chẳng có nơi nào để đi; nên gọi là Như Lai.
Đấy là như như bất động, là thể tánh trạm nhiên của sự giác ngộ và giải thoát. Vốn những điều này không có hình tướng nên chẳng cần tìm cầu.
Hoặc giả bài kệ khác trong Kinh Kim Cang như sau:
Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhơn hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai.
Nghĩa:
Nếu dùng sắc để thấy ta
Dùng âm thanh để cầu ta
Kẻ nầy làm việc tà
Chẳng thể thấy được Như Lai.
Như vậy bất cứ ai, làm bất cứ cái gì, theo tinh thần Đại Thừa Phật Giáo mà còn mong cầu, thì người đó quyết chắc rằng vẫn còn xa cách với bờ mé giác ngộ và giải thoát, ngay cả vật bố thí, cúng dường. Do vậy: “Đẳng tam luân không tịch”, là điều căn bản và quan trọng nhất, khi hành hạnh bố thí. Điều quan trọng hơn nữa là chúng ta phải hiểu rõ ý nghĩa của Kinh và ý nghĩa của việc bố thí, thì công đức của sự bố thí kia mới được viên mãn.
Bây giờ mỗi năm 2 lần vào dịp Đại Lễ Phật Đản hay Vu Lan tại các chùa ở Đức hay tổ chức những lần đi khất thực chung quanh chùa và người Phật Tử chuẩn bị tứ vật dụng để cúng dường. Những gì thuộc về thức ăn, đồ uống, đồ mặc, thuốc thang, kem đánh răng, xà-phòng, tịnh tài v.v... đều có thể chuẩn bị sẵn tùy theo khả năng của mình và khi chư Tăng, Ni đi ngang qua trước mặt mình, quý vị có thể đứng thẳng hay hạ mình xuống như theo truyền thống của quý Phật Tử Nam Tông thường hay dâng cúng, rồi dâng lên phẩm vật cúng dường vào trong bình bát của chư Tăng. Điều quan trọng là cung cách cúng dường và thái độ cúng dường của người Phật Tử tại gia.
Tam Bảo là phước điền và đây chính là ruộng phước để người Phật Tử tại gia gieo trồng hạt giống từ bi cũng như trí tuệ. Cho nên chúng ta không nên bỏ lỡ cơ hội nầy. Vì lẽ Tam Bảo thật khó gặp trọn vẹn trong đời nầy. Các em, con cái của quý vị sinh ra và lớn lên tại ngoại quốc nầy; nếu quý vị gieo trồng vào tâm thức đẹp ấy cho các em và tạo cho các em có cơ hội cúng dường chư Tăng, Ni, thì hạt giống từ bi và trí tuệ ấy sẽ luôn được tài bồi và truyền đi từ thế hệ nầy sang qua thế hệ khác.
Vì lẽ có nhiều Phật Tử chưa hiểu rõ việc bố thí cúng dường khi chư Tăng, Ni đi khất thực. Do vậy chúng tôi có bài nầy để giải thích những việc làm có ý nghĩa trên và mong rằng vào mùa Vu Lan báo hiếu năm nay các chùa Việt Nam tại nước Đức nói riêng, cũng như các chùa Việt khắp nơi trên thế giới nói chung, sẽ có những hình ảnh đẹp cúng dường nhân ngày Tự Tứ của chư Tăng, Ni, sau 3 tháng an cư kiết hạ là một điều nên làm, để hạt giống tâm linh ấy sớm đâm chồi nảy lộc nơi ruộng tâm của mình.
Viết xong vào ngày 26 tháng 5 năm 2009
tại Tu Viện Viên Đức - Ravensburg
_______________________
Thế nào là một tôn giáo
Thích Như Điển
Tôn Giáo đã xuất hiện trên quả địa cầu nầy đã từ rất lâu; nhưng để trở thành văn bản của một Tôn Giáo, có lẽ không quá 3.000 năm lịch sử. Vì trước đó, đa phần loài người trên quả địa cầu nầy chưa có chữ viết. Nếu có, chỉ là những lời nói trao đổi giữa người và người; chứ chưa biến thể thành chữ viết theo mẫu tự La Tinh hay các bộ chữ của Trung Quốc hoặc Ấn Độ. Ngay cả Tam Tạng kinh điển bằng tiếng Pali đầu tiên của Phật Giáo cũng chỉ mới được viết thành văn vào năm 85 trước Thiên Chúa ra đời mà thôi. Dĩ nhiên trước đó, con người đã có ngôn ngữ; nhưng những ngôn ngữ nầy đều do sự lặp lại nhiều lần mà thành tựu một câu văn. Rồi từ ngày nầy qua ngày khác, đời nầy qua đời khác, năm nầy qua năm khác, những thói quen ấy đã trở thành văn viết rất cần thiết trong đời sống sinh hoạt tâm linh của con người.
Người ta định nghĩa về Tôn Giáo bằng nhiều hình thức khác nhau; nhưng theo lối cổ xưa, Tôn Giáo có 3 điều kiện. Đó là Giáo chủ, Giáo lý và Giáo Hội. Giáo chủ là vị sáng lập ra Tôn Giáo ấy. Ví dụ như Đạo Phật có Đức Phật Thích Ca Mâu Ni; Đạo Thiên Chúa có Đức Chúa Jesus; Đạo Hồi có Thánh Alah v.v… Giáo lý là những lời dạy của vị Giáo chủ của Tôn Giáo đó. Đa phần những lời dạy nầy mang tính cách đạo đức, từ bi, trí tuệ, nhân cách, nhân quả, luân hồi, quả báo, thiện ác, lành dữ, tánh không, nhân duyên v.v… Giáo lý ấy phải hợp với căn cơ của con người; nhằm tránh việc ác và thực hiện việc lành để cải thiện đời sống của con người trong cuộc đời hữu hạn nầy. Còn Giáo Hội tức là những người tin theo lời dạy của vị Giáo Chủ ấy. Ví dụ như Phật Giáo chia Giáo Hội ra làm hai phần. Đó là những người xuất gia, sống không gia đình; nhằm xiển dương nền đạo ấy qua giáo lý giải thoát của Đức Giáo Chủ Thích Ca Mâu Ni; và những người tại gia, gồm Nam Nữ Phật Tử sống một cuộc sống bình thường trong thế gian, có gia đình thân tộc; nhằm hỗ trợ cho chư Tăng, Ni và Đạo Phật được phát triển đúng theo tinh thần của Đức Phật đã đề ra.
Ngày xưa khi Đức Phật còn tại thế, đa phần những lời dạy và giới luật đều nhắm vào chư Tăng Ni trước tiên. Họa hoằn lắm mới có những lời dạy cho Vua, Chúa, Hoàng hậu hay những người cư sĩ có nhân duyên với Đức Phật. Rồi sau khi Đức Phật nhập diệt giáo lý ấy và nhất là Giáo Đoàn của Ngài đã tỏa rộng khắp nơi; không những trên đất Ấn Độ, mà còn lan mãi đến tận các xứ Nam và Bắc cũng như Trung Á. Do vậy những vị Tổ Sư ra đời tại Ấn Độ như Ngài Vô Trước, Thế Thân, Mã Minh, Long Thọ v.v… là những vị đại luận sư rất nổi tiếng, nhằm khuyếch trương rộng thêm hơn nữa tinh thần giáo lý Đại Thừa, đem đạo vào đời; không những cho Tăng Ni, mà còn cho những cư sĩ tại gia hành trì nữa. Ví dụ như: Đại Thừa Khởi Tín Luận, Đại Trí Độ Luận, Kinh Duy Ma Cật, Kinh Thắng Man v.v… Rồi Đạo Phật đến Trung Quốc, Đại Hàn, Việt Nam và Nhật Bản. Đạo Phật lại gần sát với dân chúng nhiều hơn. Cho nên những gì của Đức Phật dạy, chư vị Tổ Sư phải làm cho nó thích hợp với phong trào học Phật của người dân tại đó. Do vậy mà có nhiều sự thay hình đổi dạng.
Còn Khổng Giáo, Lão Giáo, Mạnh Tử có phải là một Tôn Giáo không ? – Xin trả lời rằng không. Vì lẽ Khổng Tử không chủ trương lập giáo đoàn để truyền bá tư tưởng của ông, mà những học trò ông về sau nầy tiếp nối sự nghiệp của Thầy mình qua những triết lý nhân sinh quan về: tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ. Hay tam cương ngũ thường, tam tòng tứ đức v.v… Đặc biệt trong học thuyết nầy không có giáo hội. Do vậy chúng ta không thể gọi những học thuyết nầy là một Tôn Giáo được.
Riêng Giáo Hội Thiên Chúa Giáo tại Âu Châu đã phát triển gần 2.000 năm nay và cách tổ chức rất quy mô cho cả gần một tỷ người trên hành tinh nầy; nên đây có thể gọi là một Tôn Giáo lớn có đông tín đồ nhất nhì hiện nay, nhưng chưa phải là một Tôn Giáo lâu đời nhất. Nếu xếp theo thứ tự của các Tôn Giáo theo thời gian ta có thể hiểu như sau: Ấn Độ Giáo là một Tôn Giáo cổ đại nhất trên hành tinh nầy, rồi đến Phật Giáo, Do Thái Giáo, Thiên Chúa Giáo và Hồi Giáo. Đây là 5 Tôn Giáo lớn nhất của nhân loại, có mặt trên quả địa cầu nầy suốt trong nhiều thiên niên kỷ qua. Dĩ nhiên cũng còn nhiều Tôn Giáo nhỏ khác nữa đã được xuất hiện trước hoặc sau đó; nhưng số người theo không nhiều và có nhiều Tôn Giáo không còn đứng vững với thời gian nữa; nên đã thất truyền.
Kể từ hơn 200 năm nay tại xứ Đức nầy nói riêng và Âu Châu nói chung đã xuất hiện một Tôn Giáo mới. Đó là Đạo Phật. Nhưng ở đây người ta định nghĩa theo lối thống kê hiện đại; nên một Tôn Giáo được chính quyền và nhân dân thừa nhận phải hội đủ ba yếu tố sau đây:
Thứ nhất là những người theo Tôn Giáo ấy phải là một phần ngàn số người dân đang có mặt tại đất nước nầy. Ví dụ nước Đức ngày hôm nay, cả 2 miền Đông và Tây hợp chung lại có tổng số dân là 84.000.000 (84 triệu) người. Như vậy tổng cộng số Phật Tử để được công nhận là một Tôn Giáo tối thiểu phải là 84.000 người. Người đó không nhất thiết thuộc một chủng tộc nào, mà những ai định cư hay sinh ra tại nước Đức, có hay chưa quy y Tam Bảo, có cảm tình với Phật Giáo, thì được gọi là những tín đồ của Tôn Giáo ấy. Ví dụ Tiểu bang Niedersachsen có 9.000.000 dân thì cần ít nhất là 9.000 người Phật Tử.
Điều kiện thứ hai mà Bộ Văn Hóa ở đây quy định là Tổ Chức đó phải hoạt động công khai tại xứ Đức nầy từ 25 đến 30 năm. Đây là thời gian tối thiểu để được công nhận là một Tôn Giáo. D B U là chữ viết tắt của Deutsche Buddhistische Union (Hiệp Hội Phật Giáo Đức) đã hoạt động tại Đức gần 60 năm rồi; nhưng vẫn chưa tiến hành được việc xin chính quyền các Tiểu Bang công nhận là một Tôn Giáo. Vì lẽ số người Đức theo Đạo Phật lúc ban đầu còn rất khiêm nhường
Điều kiện thứ ba là phải được Bộ Tài Chánh tại địa phương ấy tin tưởng. Điều nầy có nghĩa là những chi thu của Tổ Chức đó, của Hiệp Hội đó phải thông qua Bộ Tài Chánh. Nhưng trước khi một Tổ Chức được Bộ Tài Chánh cấp giấy phép hoạt động bất vụ lợi thì phải qua thủ tục hành chánh tại Tòa Án. Tiếng Đức gọi là e.V. có nghĩa là eingetragen Verein (Hội đoàn có ghi tên tại Tòa Án). Nếu không được Tòa Án thông qua, qua luật sư và nội quy của Tổ Chức mình, thì không gọi là e.V. được. Do vậy chỉ còn là tư cách của một Hội Đoàn bình thường. Ví dụ như Hội Sinh Viên Học Sinh thân hữu, hay Hội Ái Hữu Kiều Bào v.v… Những Hội nầy chỉ cần ghi tên nơi Hội Đồng Thành Phố là đủ, không cần phải trước bạ trước Tòa Án. Vì thế Bộ Tài Chánh không can dự vào. Đây được gọi là những Hội được phép hoạt động chính thức theo tinh thần bản Nội Quy của Hội mình đưa ra. Nếu không là như vậy, thì đây là những Hội kín; những Hội chui, chính phủ có thể giải tán bất cứ lúc nào.
Đứng trước tình hình như thế, tại Đức chúng ta đã đầy đủ tất cả 3 điều kiện trên. Ngay cả Hội Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức của chúng ta cũng đã 30 năm rồi và đặc biệt là Bộ Tài Chánh của Tiểu Bang Niedersachsen sau 25 năm hoạt động, chùa Viên Giác cũng như Chi Bộ và Hội Phật Tử đều đã được chính quyền Tiểu Bang hoàn toàn tin tưởng về vấn đề tài khóa chi thu của mỗi năm mà chùa đã nộp cho Bộ, cho nên vấn đề thứ hai không còn được đặt ra nữa. Chỉ có vấn đề thứ ba là số lượng tín đồ. Riêng trong Tiểu Bang Niedersachsen cần ít nhất phải là 9.000 người, bất kể người ấy là Đức hay Việt, Nhật hay Hoa, Đại Hàn, Mông Cổ. Miễn là những người đó có cảm tình với Đạo Phật là được rồi.
Do vậy trong thời gian tới, gần nhất là Tết âm lịch năm Canh Dần chùa Viên Viên Giác và các chùa tại Đức sẽ gửi Phiếu Cầu An đến quý vị. Trên Sớ Cầu An ấy có ghi cả tiếng Việt và tiếng Đức. Xin quý vị ghi rõ ràng địa chỉ, kể cả Tiểu Bang mình đang ở và những thân nhân của mình đang sinh sống tại Đức (xin nhấn mạnh là chỉ cho những người đang sống hợp pháp tại Đức) và gởi trả lại cho các chùa, để các chùa sẽ gởi về Tổ Chức DBU làm số thống kê tín đồ và sau đó đệ trình lên cho từng Bộ Văn Hóa của mỗi Tiểu Bang trên nước Đức để được công nhận Phật Giáo là một Tôn Giáo.
Xin quý vị đừng quan tâm đến chuyện phải đóng thuế cho nhà chùa. Vì tất cả các chùa ở khắp nơi trên thế giới chúng ta không có chế độ thu thuế ấy. Tất cả đều do sự tùy hỷ cúng dường như xưa nay; dầu cho chúng ta sẽ được công nhận là một Tôn Giáo. Ngược lại con em của quý vị có thêm những quyền lợi như sau:
Ví dụ con cái của quý vị học giờ Tôn Giáo tại trường học Đức ở bậc Tiểu Học hay Trung Học, con của quý vị có thể yêu cầu được học giáo lý Phật Giáo thay vì giáo lý của các Tôn Giáo khác; nếu số học sinh yêu cầu đủ túc số.
Thứ hai là thuộc về những điều kiện xã hội như: Viện Dưỡng Lão, nhà thương, nhà quàn v.v… nơi đâu chúng ta cũng có thể yêu cầu được sống theo tinh thần của Phật Giáo. Nếu Phật Giáo sẽ được công nhận là một Tôn Giáo tại xứ Đức nầy.
Điều thứ ba là những ngày nghỉ lễ như Phật Đản hay Vu Lan của người Phật Tử, chúng ta sẽ can thiệp với các chính quyền để học sinh có thể nghỉ học đi chùa và công nhân, thầy thợ có thể nghỉ làm tại hãng xưởng mà không bị ảnh hưởng đến quyền lợi của mỗi người.
Trên đây chỉ là một ít điều căn bản xin đề nghị đến quý vị và mong rằng quý Đạo Hữu Phật Tử tại Đức sẽ lưu tâm hỗ trợ cho việc nầy kể từ bây giờ cho đến hết tháng 3 năm 2010. Trong nhà quý vị bao nhiêu người đều có thể kê khai tất cả, dầu cho em bé mới được chào đời. Không cần phải ký tên vào đó; nên quý vị không phải bị ràng buộc bởi một luật lệ nào cả. Kính xin quý vị yên tâm.
Nhìn qua các nước láng giềng như Áo, Ý, Pháp. Họ đã và đang được công nhận Phật Giáo là một Tôn Giáo. Tại sao ở Đức chúng ta lại chưa tiến hành được?
Cách đây 30 năm về trước và ngay cho đến bây giờ (2009) Phật Tử Việt Nam chúng ta sống tại xứ Đức nầy là số người đông nhất, trung bình từ 75 đến 80.000 Phật Tử hay có cảm tình với Đạo Phật. Từ năm 1980 chúng tôi đã có những phiên họp chung với DBU tại Wachendorf, gần Bonn, để thảo luận về vấn đề nầy; nhưng mãi cho đến bây giờ mới có kết quả về phía Phật Giáo. Chúng tôi đề nghị rằng: Phật Giáo tại Đức phải có 2 cơ cấu riêng biệt. Đó là Tổ Chức của Tăng Già riêng và Tổ Chức của Cư Sĩ riêng. Nhưng đa phần những Hội Phật Giáo của Đức đều do Cư Sĩ nắm; nên họ đã không đồng lòng, mà chỉ muốn tất cả đều dồn chung vào một Hội, được mệnh danh là DBU mà thôi. Cho đến những năm 2005 đến nay những thay đổi về quan niệm của DBU đặc biệt là của các vị Hội Trưởng người Đức và họ đã đồng ý thành lập hai Hội Đồng riêng biệt dưới mái nhà chung là DBU (xin xem thêm sách Deutsche Buddhisten Geschichte und Gemeinschaften von Herrn Dr. Martin Baumann – Diagonal Verlag). Hội Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức đã được gia nhập và chính thức là Hội Viên của Tổ Chức DBU kể từ năm 2009. Như vậy kể từ năm 2009 trở đi số lượng Phật Tử tại Đức mới có thể nói là con số đáng kể. Bây giờ chúng ta chiếm đa số là Phật Tử; nhưng trong tương lai gần, người Phật Tử Việt Nam sẽ là thiểu số tại đây và người Đức sẽ là đa số. Do vậy ngay từ bây giờ, mọi điều kiện đã ổn thỏa; Chỉ cần điều kiện cuối cùng là quý vị gởi về chùa (Phiếu Cầu An đầu năm 2010) tên tuổi cũng như địa chỉ hiện tại để nộp cho DBU và chúng ta sẽ tiến hành khâu chót cho việc được công nhận nầy. Nếu chúng ta không làm trong hiện tại thì lịch sử phát triển Phật Giáo tại nước Đức nầy sẽ bị ngưng trệ. Đây chính là bổn phận của chúng ta vậy. Kính mong quý Đạo Hữu, quý Phật Tử xa gần hỗ trợ cho.
Hầu như những Đại Học lớn tại Đức như Hamburg, Göttingen, Berlin. Marburg, München v.v… đều có Phân khoa Phật Học. Những sinh viên học ở đây đa phần là những nguời Đức và người Á Châu có quan tâm về Phật Giáo. Sau khi họ ra trường, họ có thể đi dạy lại tại các Đại Học có Phân khoa Phật Học hay Tôn Giáo học. Đây là những người nghiên cứu. Nếu không có họ, sẽ thiếu đi những tin tức chính xác về sự hoạt động Phật Giáo tại xứ nầy.
Ngoài ra trên địa bàn xứ Đức ngày nay có tất cả 700 trung tâm tu Thiền cũng như Tịnh Độ, gồm các Chùa, Tịnh thất, Niệm Phật Đường v.v… và số người tìm hiểu sách vở Phật Giáo để đọc không dưới 300.000 người. Cũng có rất nhiều người Đức xuất gia; nhưng sau thời gian họ ở lại Á Châu; ít khi về lại Đức. Vì điều kiện sinh sống tại các Tu viện Đức ở đây chưa được đại chúng hóa và những điều kiện y tế chưa được đảm bảo cho đời sống tu hành của họ. Những Đại Sư như Nanapotika hay Ni Sư Aya Khema là những bằng chứng điển hình cho việc xuất gia và hành đạo của họ tại ngoại quốc cũng như tại xứ Đức nầy.
Ngày nay một phần vì bị dịch cúm heo, gà, chim v.v… nên đã có rất nhiều người Đức từ bỏ việc ăn sinh mạng của thú vật, mà họ quay qua dùng đậu hủ và rau cải. Vô hình chung họ lại gặp khuynh hướng của Phật Giáo Đại Thừa đang có mặt tại đây. Nên người Đức chấp nhận Đạo Phật một cách rất dễ dàng. Đạo Phật không cần đi tuyên truyền, không cần quảng cáo; nhưng các chùa viện tại Đức lúc nào cũng đông người đến.
Riêng chùa Viên Giác tại Hannover mỗi năm có từ 20 đến 30.000 người Đức đến thăm viếng, học hỏi, ăn cơm chay. Họ là những Giáo sư Đại Học, sinh viên, học sinh. Họ là những người trong các nhóm Rotary, Lion Club. Họ là những vị làm việc trong các cơ quan Caritas, nhà thương. Họ là những người già, người tàn tật v.v... Đây là những người cần được sự giải thích về những câu hỏi của họ. Ví dụ như họ hay hỏi về đời sống trong chùa; trong tu viện như thế nào ? - Tại sao những người đi tu hay cạo tóc ? – Vì sao lỗ tai của Phật và Bồ Tát lại dài ? Màu xanh, vàng, đỏ, trắng, ngại tượng trưng cho những gì ? Niết Bàn là sao ? Thế nào là tánh không ? Sự thờ cúng người chết và quan niệm của Đạo Phật ra sao ? Sau khi chết đi về đâu ? Thế nào là an lạc hạnh phúc theo tinh thần của Đạo Phật ? v.v... Dĩ nhiên là có rất nhiều câu hỏi rất hay nhưng đồng thời cũng có nhiều câu hỏi thật ngớ ngẩn. Tất cả đều do từ trình độ và sự nhận thức của mỗi người; chứ không nhất thiết là quan điểm chung của nhóm. Mỗi ngày, mỗi tuần, mỗi tháng, mỗi năm tại Chùa Viên Giác nầy đều có làm thống kê như thế.
Còn người Việt, người Hoa, người Nhật thì đi chùa như thế nào ? – Có thể là do tập quán lâu đời mà thành tựu. Ví dụ như có người cả năm chỉ đi lễ Phật ngày đầu năm. Nhưng cũng có nhiều vị khác đi chùa vào ngày rằm hay mồng một. Rồi cũng có người đi chùa mỗi tháng và đặc biệt những ai đã đi tham dự nhiều năm thì tham gia các khóa tu nhiều hơn. Ví dụ như mỗi năm Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu đã mở khóa tu học trong 10 ngày vào mùa hè tại các nước khác nhau. Năm nay (2009) đã là lần tổ chức thứ 21 rồi. Mỗi lần ít nhất là 500 người tham dự và nhiều nhất là 1.000 vị. Ngoài ra tại mỗi nước các Chùa, các Hội đều có mở các khóa tu ngắn hạn hay khóa tu Bát Quan Trai Giới vào cuối tuần và mỗi chùa đều có cúng vong cho những thân nhân đã quá vãng vào ngày chủ nhật; nên số người đi chùa thật là đa dạng.
Ví dụ Chùa Viên Giác tại Hannover số người đi lễ quanh năm độ 70 đến 80.000 lần. Họ đi từ Tết âm lịch cho đến Rằm Tháng Giêng độ 15 đến 17.000 lần. Phật Đản độ 8.000 người, lễ Vu Lan độ 7.000 người. Ngoài ra những ngày rằm, mồng một; những ngày có lễ tang, lễ cưới; những ngày có khóa tu v.v... thì vô số người về chùa để dự lễ. Bình quân một năm cả người Việt lẫn người Đức đi chùa từ 70.000 đến 80.000 người. Như vậy mỗi tháng độ chừng gần 8.000 người đi lễ và đi học Phật. Đây là số thống kê qua kiểm chứng; chứ không phải là số phỏng đoán. Vì qua sự cúng dường, phát lộc lì-xì cũng như ghi tên trong các khóa tu của người Đức cũng như người Việt, chúng ta rõ biết về việc đó.
Cái nhân trong 30 năm của người Việt Phật Tử tại Đức đã chín muồi rồi. Bây giờ chúng ta chỉ cần chuyển hóa để có thể ra được những quả ngọt trong tương lai, do chính chúng ta hay con cháu của chúng ta hưởng. Khi chúng ta có được những quyền lợi, thì đòi hỏi chúng ta cũng phải có những bổn phận song hành như những đề nghị đã nêu trên. Nếu chúng ta chậm trễ, sẽ bị lịch sử kéo sang trang khác. Lúc ấy có hối hận cũng đã muộn màng rồi. Vì lẽ ở mỗi một nơi trên thế giới nầy đều có những luật lệ riêng; nếu chúng ta không bắt kịp. Quả thật chúng ta đã phí đi một cuộc đời đã dày công hãn mã với việc làm phước, bố thí, cúng dường và nhất là làm sao cho Phật Giáo đỡ tủi danh với những Tôn Giáo khác tại xứ Đức nầy.
Một hôm trong tháng tư năm 2009 vừa qua, tôi và Thầy Nguyên Tạng ở Úc đang chờ chuyến máy bay từ phi trường St. Louis đi Houston ở Hoa Kỳ. Có một bà Mỹ nở nụ cười chào chúng tôi. Đoạn bà ấy hỏi: Are you buddhist Monk ? (Có phải ông là Tăng sĩ không?). Yes! Madame (Vâng! Thưa Bà). Bà ta nói tiếp: My friend is also Buddhist (bạn tôi cũng là Phật Tử). Thầy Nguyên Tạng hỏi lại bà: Why not you ? (Tại sao không phải là bà?). Bà cười tiếp và nói: I know that a Buddhist has to keep the precepts and should not kill animals. But me! Sometimes I still kill mosquitoes (Tôi biết rằng: nếu là một Phật Tử thì phải giữ giới của Phật và không được giết hại thú vật. Nhưng tôi! thỉnh thoảng tôi vẫn còn giết những con muỗi vậy).
Khi nghe câu chuyện đối đáp trên, chúng tôi tiếp tục nói sang đề tài khác; nhưng điều làm cho tôi vui ở đây là: Đạo Phật ngày nay không còn nằm tận Hy Mã Lạp Sơn nữa. Phật Giáo không còn đóng khung trong các xứ văn hóa Á Châu nữa, mà Phật Giáo đã hiện diện nơi nước Hoa Kỳ to lớn và văn minh nhất nhì của nhân loại trên hành tinh nầy. Công ơn ấy phải nghĩ ngay đến Chư Tăng và những người Phật Tử dầu họ thuộc chủng tộc nào, đã có công mang giáo lý đạo Phật vào đây để truyền bá cho những người Mỹ đang sống một đời sống rất đầy đủ về vật chất, mà đời sống tâm linh, nhiều người bị nghiệt ngã vô cùng.
Một câu chuyện khác đã được xảy ra vào cuối năm 2008 tại Úc nhân mùa lễ Giáng Sinh. Khi Thầy trò chúng tôi đã dịch xong quyển sách Nhật Liên Tông Nhật Bản từ tiếng Nhật sang tiếng Việt. Tôi tự cho phép mình có được mấy ngày nghỉ ngơi cuối năm. Nên chuẩn bị đi Green Mountain nằm phía Nam Sydney và cách xa đây chừng 150 km. Khí hậu vùng núi rất đẹp. Sau khi xem xong các thạch động ở đây, Thầy trò chúng tôi quay xe hơi chạy về lại Sydney. Trên đường đi chiều 24 tháng 12 thật vắng tanh chẳng có người nào, mà cũng chẳng thấy nhà nào cả. Chạy một đỗi thật xa, thấy có một quán trọ nằm quạnh quẽ bên đường và tôi đã bảo với Thầy Phổ Tấn cùng Hạnh Giả nên dừng xe và ở lại đây đêm nay để cảm nhận cái cô tịch của núi đồi, nhân lễ Giáng Sinh như thế nào. Sau khi hỏi giá cả xong xuôi, tôi đồng ý và chủ quán bảo rằng: Sáng mai không có phần ăn sáng. Vì ngày mai chúng tôi đóng cửa lữ quán nầy. Thầy trò nhìn nhau gật đầu đồng ý.
Tối đó Hạnh Giả đặt đồ ăn chay và chúng tôi dùng cơm như thường lệ. Trong khi ăn tối, nhiều người Úc đang đánh billard gật đầu chào. Chúng tôi chào lại bằng cử chỉ, chứ chưa nói một lời nào. Vì nhạc mở hơi lớn. Vả lại họ đang chú ý tới những quả banh. Tôi tự nghĩ: Đêm Giáng Sinh thường cũng là đêm họ ở nhà với gia đình; chỉ có những người không có gia đình; hoặc không phải Đạo Chúa mới như vầy. Chắc những người nầy thuộc một trong hai lý do ấy.
Sau khi ăn xong, Thầy trò chúng tôi đóng tiền khách sạn và trả tiền cơm cũng như hỏi thăm rằng: Sáng mai chìa khóa phòng để ở đâu v.v... Thầy Phổ Tấn và Hạnh Giả ở một phòng, tôi ở một phòng. Sáng ra Hạnh Giả cười tươi bảo rằng: Thưa Sư Phụ là hôm nay mình có niềm vui. Tôi hỏi tiếp: Cái gì vậy? - Hạnh Giả thưa rằng: “Hôm qua tụi con đang ngủ, có người gõ cửa, sợ quá chừng, không dám mở; nhưng nghe lâu quá nên phải bật người ngồi dậy đến hé nhẹ cửa để xem thử ra sao, thì té ra là ông chủ quán trọ hồi chiều. Ông ta mang 195 đô la Úc, tiền thuê khách sạn và trả lại cho mình, bảo rằng: Có ông Nicks đánh billard cúng dường trả lại cho ba Thầy trò”.
Đúng là ngày Giáng Sinh năm 2008 vừa qua chúng tôi có một niềm vui nho nhỏ; niềm vui giữa đường như vậy của một ngày Giáng Sinh nắng cháy của mùa hè Úc Châu. Chúng tôi thật ra chẳng biết ông Nicks là ông nào trong hai người đang đánh billard và mấy người đang bu chung quanh đó để xem họ đánh và họ có phải là Phật Tử không ? tại sao họ lại có những nghĩa cử thật là tử tế như vậy ? - Mặt khác, ông chủ quán nầy cũng là ông chủ tốt. Nếu ông chủ làm thinh, chẳng báo lại cho chúng tôi biết, thì ông ta nhận được cả 2 lần tiền từ hai vị khách hàng khác nhau rồi. Biết đâu đó chẳng phải là phần thưởng cuối năm của những người làm công việc cực nhọc nầy. Nhưng tất cả đều thành thật. Tất cả đều tươi mát của một lễ Giáng Sinh mà có lẽ ông Nicks sẽ mỉm cười. Vì ông đã làm được một việc thiện. Tôi có bảo với Hạnh Giả rằng: “Tại sao con không đến cảm ơn ông ta ? Hạnh Giả đáp: “Bạch Thầy! Con nhờ ông chủ cảm ơn hộ. Vì lẽ đêm đã khuya và tại nhà hàng lúc ấy còn nhiều người lắm, nên con ngại”.
Câu chuyện rất nhỏ nhặt. Câu chuyện không đâu vào đâu; nhưng nó có một giá trị thật cao vời. Vì người thi ân không cần hai tiếng thank you và người thọ nhận ân ấy cũng chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ được nhận ân như thế. Quả đây là phép Phật. Chỉ có Phật pháp mới giải thích được. Ngoài ra khó đem lý lẽ để biện minh trong trường hợp nầy.
Trong mùa hè năm 2007 vừa qua chúng tôi có dịp sang xứ Ai Cập để xem những Kim Tự Tháp được xây dựng bao đời tại đó. Tiện thể chúng tôi đến xứ Alexandria để tìm lại dấu vết ngày xưa của Phật Giáo vào thời Đại Đế A Dục đã cho truyền đạo Phật đến đây, có còn sót lại chút gì không ? - Quả thật là không còn gì cả. Chỉ còn lại những đền thờ khổng lồ của Hồi Giáo. Nhưng đi đến đâu chúng tôi vẫn được chào bằng lối chắp hai tay ngang ngực và cuối đầu xuống theo kiểu Phật Giáo của người đối diện và nhoẻn miệng cười đồng thời nói mấy tiếng: Đạt Lai Lạt Ma ?
Như vậy Đạo Phật ngày nay đã hiện diện khắp nơi trên thế giới nầy. Dầu cho đây là xứ Hồi Giáo họ tôn sùng Thánh Alah. Hay Ý Đại Lợi, Roma với Vương Cung Thánh Đường cao ngất; nhưng Phật Giáo cũng đã được công nhận là một Tôn Giáo. Vì đây là một nền Đạo chỉ mang những hương thơm đến tô điểm cho đời, để cho con người có thêm những cái nhìn về vô thường, về khổ, về không, về vô ngã có một giá trị miên viễn với cuộc đời. Đây là chất liệu dưỡng sinh của cuộc sống tâm linh, mà con người trong hiện tại rất cần đến.
Cứ nhìn hình ảnh những người Tây phương hai tay chắp lại đi ở đâu đó trong sân chùa Viên Giác Hannover - Đức Quốc, miệng mỉm cười và chào: Nam Mô A Di Đà Phật bằng tiếng Việt là chúng ta cũng cảm thấy vui rồi. Vui vì lẽ không phải những người Đức ấy biết nói tiếng Việt, mà vui vì họ đã và đang được tắm mát trong ánh sáng Phật Pháp. Chính Phật Pháp mới làm cho họ được tái sinh như vậy.
Nhiều người Việt Nam gặp tôi đâu đó, họ hay cảm ơn. Vì họ đã gặp được Đạo Phật đúng lúc cũng như nhờ biết tu theo Đạo Phật mà cả gia đình được thoát ra khỏi sự trầm cảm; hoặc do vô tình hay cố ý mà đã tạo ra nỗi khổ chung cho mỗi người. Đạo Phật là như thế. Vì Đạo Phật không có cơ quan truyền đạo. Vả lại Đạo Phật cũng không phải xây dựng trên số tín đồ nhiều hay ít, để được có phẩm trật trong đạo của mình, mà Đạo Phật chỉ sống với hay sống cho và sống vì tha nhân, vốn là điều cần yếu cho cuộc sống hằng ngày của chúng ta trên quả địa cầu nầy.
Chắc chắn một điều là: Tôn Giáo nào cũng dạy cho con người ta luôn làm những việc thánh thiện, xa rời việc độc ác cũng như tham lam; nhưng đa phần thì con người làm sai lời dạy của Tôn Giáo ấy; nên mới nhân danh nầy hay nhân danh kia để đi đập phá những Tôn Giáo khác như lịch sử đã chứng minh mà Hồi Giáo từ Trung Đông đã đến chiếm Ấn Độ vào thế kỷ thứ 12. Tất cả những Chùa Viện, Tháp miếu, Đại học đã bị đập phá. Tu sĩ, Phật Tử thì bị giết chết hằng loạt. Nhưng nhiệm mầu thay! Ngày nay nhân loại đã hết nhân danh đấng nầy hay đấng kia để đi xâm chiếm thuộc địa nữa và con người cũng đã mở mắt ra thật là to để nhìn cho rõ những hậu quả của chiến tranh. Cho nên ngày nay dầu là giữa các Tôn Giáo với nhau, người ta hay đối thoại với nhau; chứ không đối đầu với nhau như trong quá khứ nữa. Từ đó mọi người theo nhiều Tôn Giáo khác nhau có thể tìm ra một biện pháp cho tín đồ của mình cũng như cho những sự đối thoại Liên Tôn đã có bấy lâu nay.
Cuối cùng lời dạy của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đã dạy cho chúng ta biết rằng: “Nếu trong tâm anh, lòng từ bi ngự trị, thì hận thù không có cơ hội để tồn tại nữa”. Chúng tôi mong được thực hiện lời dạy nầy dầu ở bất cứ nơi đâu, trong chùa, trong nhà hay trong nội tâm của mỗi người. Tất cả cũng đều được trân quý.
Viết xong tại thư phòng chùa Viên Giác ngày 9 tháng 7 năm 2009 nhân mùa An cư Kiết hạ - PL 2553
___________________________________
Vai trò của người Phụ Nữ đối với vấn đề Văn Hóa Dân Tộc Việt Nam
(Bài đọc mở đầu cho những ngày thuyết trình, hội thảo về chủ đề trên của Hòa Thượng Thích Như Điển tại Bruxelles - Bỉ quốc, ngày 29 tháng 8 năm 2009)
Kính thưa Ban Tổ Chức và toàn thể Quý Vị,
Khi đất trời vạn vật được hình thành và con người được xuất hiện trên quả đất nầy, thì giới tính đã được phân chia rõ ràng: Đó là người nam hay người nữ. Từ những thuở xa xưa vai trò và vị trí của người nữ đã sánh vai cùng nam giới trong mọi lãnh vực của cuộc sống và từ đó cộng đồng xã hội đã được hình thành, trật tự xã hội được ổn định và con người càng ngày càng tiến xa hơn ở những lãnh vực khác nhau như văn hóa, chánh trị, giáo dục, v.v…
Ở đây chúng tôi muốn gợi nhắc đến quý vị một vài vấn đề có liên quan với người phụ nữ Việt Nam trải qua các giai đoạn lịch sử của nước nhà.
Đầu tiên là tình mẫu tử. Không ai trong chúng ta là không có mẹ. Chính tình mẹ nầy là mấu chốt kết chặt với con cái để sau nầy khi con trẻ mang tình yêu thương ấy vào đời để giúp đỡ cho tha nhân. Nếu một đứa bé mà thiếu tình mẹ. Có nghĩa là thiếu tất cả. Khi đứa bé ấy vào đời sẽ cô đơn và mọi quyết định của đứa trẻ sẽ bị hụt hẩng, vì quá khứ đã không có tình mẹ được chở che nâng đỡ.
Tất cả mọi thứ tình cảm hay tình tự của quốc gia dân tộc, tình yêu quê hương đất nước đồng loại… đều xuất phát từ tình mẹ đầu đời. Do vậy người phụ nữ đóng một vai trò quan trọng trong vấn đề dạy dỗ con cái của mình một cách trực tiếp để đứa bé ấy sau nầy làm lợi lạc cho quê hương đất nước cũng như tình người và chính bản thân của đứa bé ấy nữa.
Nếu một người mẹ có một niềm tin yêu sâu sắc vào một Tôn Giáo nào đó, chắc chắn sẽ hướng dẫn con của mình có một tình yêu chân thật để mang vào đời, nhằm cứu khổ độ mê. Đây là hình ảnh những bà mẹ sinh ra những bậc Thánh, hay những ông Vua minh quân hiền đức. Âu đó cũng là nhờ tư cách đạo đức của người mẹ đã ảnh hưởng trực tiếp với con của mình, mà chính người con ấy đã dùng tình thương của mẫu tử để đem ra trị nước an dân. Do vậy chúng ta có thể kết luận rằng: Tình thương của người mẹ đối với con cái là nét đẹp văn hóa hàng đầu mà vị trí nầy người đàn ông không thể thay thế được, dẫu cho có bắt đầu từ quá khứ hay nhẫn đến vị lai trong vô tận cũng vậy.
Thứ đến là nét đẹp truyền thống. Khi có con người là có sự kế thừa. Việc truyền tử lưu tôn nầy không do tự nhiên mà có được; phải do sự kết hợp thuận chiều của hai phái nam nữ; nên hạt giống mới được tồn tại lâu dài. Đây có thể nói rằng truyền thống đẹp ấy cũng phải được xuyên qua đời sống sinh hoạt hằng ngày của người mẹ. Khi đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, làm việc, học hành, cư xử v.v… tất cả mỗi mọi thứ, người con đều ảnh hưởng trực tiếp từ người mẹ. Vì không có ai khi mới sinh ra đã trở thành tướng đánh giặc khi không có mẹ (ngoại trừ Phù Đổng Thiên Vương) và cũng chẳng có ai không qua giáo dục đầu đời của mẹ và học đường mà trở thành người hữu dụng cho nhân quần xã hội về sau nầy; nếu không có tình mẹ hướng dẫn cho ta từ thuở ban sơ.
Người mẹ ăn cái gì, nói cái gì, mặc cái gì… tất cả đều ảnh hưởng với con cái của mình trong suốt cả một cuộc sống như vậy. Thuở nhỏ đứa trẻ không buông tay mẹ ra. Vì mẹ là chỗ nương tựa duy nhất. Khi lớn lên, đứa bé ấy tự buông tay mẹ để đi vào đời; nhưng lúc nào hình ảnh của người mẹ hiền vẫn hiện diện nơi người con ấy. Cũng có đứa con hiếu thảo nghe lời dạy của mẹ; nhưng cũng có lắm đứa chỉ nghe lời thủ thỉ của người tình hơn là lời khuyên bảo của mẹ. Cho nên trong vở kịch „Lá Sầu Riêng“ do nữ nghệ sĩ Kim Cương thủ vai chính có nói nhiều câu thật là sâu sắc, trong đó có đoạn đối thoại giữa hai mẹ con như sau:
„Khi con còn nhỏ, mẹ chỉ cho con một cây kẹo; nhưng lúc nào con cũng quanh quẩn bên chân mẹ. Còn bây giờ khi con lớn khôn rồi, mẹ đã cho con cả cuộc đời của mẹ; nhưng con vẫn dửng dưng hờ hửng và con nỡ chối từ…“.
Đây là một nét đẹp truyền thống. Vì nước mắt chảy xuôi chứ không bao giờ chảy ngược. Dẫu cho đứa con có bất hiếu với mình, thì mẹ vẫn thương con như tự thuở nào. Không vì bất cứ một lý do gì mà mẹ quên con của mẹ.
Dẫu cho người con gần 100 tuổi mà người ấy còn mẹ thì hình ảnh đứa con ấy đứng trước mẹ vẫn còn bé bỏng như thường và đứa con gần trăm tuổi ấy vẫn chưa trưởng thành dưới mắt mẹ. Điều nầy chứng tỏ rằng người con có thể bỏ mẹ đi bất cứ lúc nào và nơi đâu; nhưng tình mẹ vẫn muôn đời không thay đổi. Trong khi người cha có thể đánh đập, la rầy, nóng nảy; nhưng người mẹ lúc nào cũng tươi tỉnh, hỏi han, săn sóc con mình trong bao nhiêu nghịch cảnh của cuộc đời.
Chúng ta quan sát con người hay bầy thú cũng vậy. Con cái đa phần theo mẹ; chứ ít có đứa nào theo cha. Vì người cha bao giờ cũng chỉ có bổn phận ngoại vi. Còn mẹ mới chính là người giữ vai trò thăng bằng cho cuộc sống của con trẻ cũng như của gia đình.
Người phụ nữ tảo tần buôn thúng bán bưng, chỉ vì chồng vì con; chứ ít khi vì mình. Vì người phụ nữ ấy hiểu rằng: Trong sự tồn tại và lớn mạnh của một gia đình, là niềm vui và hạnh phúc của chính mình. Cho nên dầu bao nhiêu gian khổ, người phụ nữ vẫn ngậm đắng nuốt cay để cho con cái được nên người và gia đình được yên ổn.
Khuynh hướng của người đàn ông là khuynh hướng chiếm hữu và khuynh hướng của người đàn bà là khuynh hướng nương tựa. Khi cái mới không còn hấp dẫn nữa thì người đàn ông có thể chọn thuyền khác để sang sông; nhưng với người đàn bà, dầu cho có thế nào đi chăng nữa vẫn cắn răng chịu đựng để đợi chờ. Đây có thể là quan điểm của thời xưa và thời nay ở thế kỷ thứ 21 nầy đã khác đi nhiều rồi. Nếu người ta không đồng ý nhau, người ta có thể đem ra tòa án để ly dị. Nhưng ngày xưa ly dị với lương tâm khó hơn là ly dị với luật pháp hay miệng đời của thế gian. Cho nên chúng ta cũng có thể tạm nói rằng: Khi con người nền văn minh vật chất chưa phát triển nhiều như hiện nay, thì phong tục, tập quán, văn hóa, truyền thống v.v… đã là những nền tảng đạo đức căn bản đã giúp cho con người biết tự trọng hơn và coi vị trí cá nhân của mình không đáng gì cả, so với sự tồn tại của gia tộc và giống nòi. Nên mới được những nét đẹp như thế.
Kế tiếp việc ăn mặc cũng là một nét văn hóa đặc thù của dân tộc. Qua sự kế thừa hai ngàn năm lịch sử dân tộc, người Phụ Nữ Việt Nam ngày nay đã mang chiếc áo dài đi giới thiệu khắp thế giới. Đây là một nét đẹp cải cách qua cách ăn mặc trải qua trong từng thời gian của lịch sử. Người phụ nữ Trung Hoa có áo dài khác áo Kimono của người phụ nữ Nhật Bản mặc và chiếc áo dài Việt Nam qua người phụ nữ Việt, nó nhẹ nhàng hơn, xinh xắn hơn; nhất là rất thích hợp với khí hậu vùng Đông Nam Á Châu.
Khi Bà Trưng, Bà Triệu mặc áo dài năm thân, đội nón quai thao, cỡi voi xông trận đánh dẹp quân Nam Hán vào đầu kỷ nguyên trước Tây lịch là hình ảnh đẹp nhất của người Phụ Nữ Việt Nam khi có nạn ngoại xâm đã đến giày xéo quê hương đất nước của mình. Ai là người Việt Nam không luận là nam hay nữ đều phải khâm phục những hình ảnh oai vệ nầy khi ra trận trong bộ đồ truyền thống của dân tộc.
Người Phụ Nữ Việt Nam đã đóng góp những gì qua văn học, thơ văn và nền văn hóa của nước nhà ? – Ngày xưa khi Việt Nam chúng ta còn theo truyền thống Nho gia đã quá trọng nam khinh nữ. Cho nên đã có nhiều người nữ đã cải dạng nam nhi để đi thi hay làm tướng khi ra trận. Đặc biệt là vai trò của người đàn bà thuở ấy chỉ biết thúc thủ trong gia đình. Còn vai trò đứng trong xã hội là của nam nhi chi chí chứ không phải của những người thuộc phái yếu. Tuy nhiên Thái Hậu Dương Vân Nga đã chứng tỏ uy quyền của mình khi trị nước, đâu có thua gì các vua chúa ở những thế kỷ 11, 12, 13, 14 sau nầy.
Một Huyền Trân Công Chúa đã chẳng tiếc thân gái dặm trường ra đi lấy chồng ngoại quốc vào cuối thế kỷ thứ 13 ở đời nhà Trần để đổi lấy hai Châu Ô và Châu Lý.
Rồi Ngọc Hân Công Chúa đã làm Văn Tế khóc Vua Quang Trung và nữ tướng Bùi Thị Xuân đã cỡi voi xông trận để giày đạp quân Thanh. Đây là một áng văn tuyệt tác, mà ngày nay sử sách vẫn còn ghi. Bà Huyện Thanh Quan, Bà Hồ Xuân Hương, Bà Đoàn Thị Điểm v.v… những câu đối đáp tài tình, những bài thơ Đường luật sau hơn 200 năm lịch sử, ngày nay ai là người Việt Nam mà lại không biết đến.
Rồi Công Chúa Ngọc Vạn với thành Sài Gòn Gia Định ngày nay. Nếu không có lời yêu cầu với con mình, vốn là dòng dõi vua Cao Miên, thì giang sơn lãnh thổ Việt Nam đâu có lớn rộng như ngày hôm nay được.
Quả thật là thân gái dặm trường. Nhưng những bà nêu trên đã làm nên lịch sử. Ngoài ra còn không biết bao nhiêu người phụ nữ Việt Nam âm thầm nuôi con nuôi chồng ăn học, dạy dỗ cho con nên người mà lịch sử đã không đề cập đến. Nhưng nếu không có những người mẹ ấy thì dân tộc ta đã thiếu hẳn những người hiền.
Đến đầu thế kỷ thứ 20, phong trào Tự Lực Văn Đoàn qua sự chủ trương cải cách của Khái Hưng, Nhất Linh, Thế Lữ, Hoàng Đạo v.v… qua các tác phẩm như Đoạn Tuyệt, Hồn Bướm Mơ Tiên, Gánh Hàng Hoa, Đời Mưa Gió, Anh Phải Sống v.v… là những tác phẩm đại diện cho những khuynh hướng tự do tiêu biểu và nhất là chủ trương cải cách vai trò cũng như đời sống văn hóa của người phụ nữ qua những phong trào duy tân, cải cách từ nho học đã quá lỗi thời và lúc nào cũng chỉ muốn bảo vệ việc trọng nam khinh nữ.
Sau năm 1975 người Việt Nam có cơ hội ra nước ngoài nhiều hơn thời điểm trước đó vì nạn Cộng Sản; nên người phụ nữ Việt Nam bây giờ trên diễn đàn chính trị, khoa học, Tôn Giáo, Văn Hóa đã không thiếu sự có mặt thường xuyên cũng như đóng góp tích cực của người nữ ở mọi lãnh vực ở trên từ Âu sang Á, từ Á sang Mỹ, Phi, Úc v.v… Quả là một tấm gương sáng mà bao đời có thể soi chung. Vì khi con người có môi trường phát triển tốt đẹp trong tự do thì mọi khả năng có thể vượt trội lên mọi sự cản trở, để tiếng nói của người phụ nữ càng ngày càng có giá trị hơn.
Ví dụ như một đứa bé sinh ra ở Âu, Úc, Mỹ; nhưng sau đó đem sang những rừng rậm của Phi Châu và bỏ hẳn vào đó, thì đứa bé nầy trước sau cũng sẽ trở thành Tarzan. Nhưng nếu có một đứa bé Phi Châu hay Ấn Độ nghèo khó được sinh ra tại quê hương của chúng; nhưng may thay có người đem về Âu Mỹ để đào tạo, thì đứa bé ấy trước sau cũng sẽ trở thành Bác Sĩ, Kỹ Sư, Chính trị gia v.v… Do vậy vấn đề môi trường giáo dục ở đây rất quan trọng.
Còn hoàn cảnh giáo dục thì sao? – Sau năm 1975 chúng ta ước chừng có trên dưới 2 triệu người bỏ nước ra đi. Trong đó một phần hai là phụ nữ. Thế hệ đầu khi cha mẹ đến đất nước xa lạ tự do trên quả địa cầu nầy, tất cả đều vì tương lai của con cái; nên cả cha lẫn mẹ đều hy sinh, làm chiếc cầu nối, đi làm kiếm tiền bất kể là nghề gì, nhằm lo cho con mình ăn học thành tài. Đến thế hệ thứ hai đã có kết quả tốt đẹp. Vì thế hệ nầy đã biết cái khổ của cha lẫn mẹ đã lo cho mình; nên đã cố gắng đi học và thành tài nào là Kỹ Sư, Bác Sĩ, Chính trị gia, Thương gia giàu có v.v… Đây là niềm hãnh diện chung của dân tộc mà người phụ nữ Việt Nam đã góp phần đào tạo xây dựng vào đó chiếm đến 50% của sự việc. Nhưng đến thế hệ thứ ba. Nghĩa là thế hệ 15 đến 17 tuổi. Quả là có nhiều vấn đề.
Mới đây chúng tôi trong vòng một tháng đã chứng minh và cầu nguyện cho 3 đám ma của những em bé vị thành niên Việt Nam tuổi chưa tròn hai mươi. Khi tìm hiểu lý do thì chúng tôi tạm kết luận như sau: Chẳng phải đây là trách nhiệm và kết quả của xã hội mà thành. Cũng chẳng phải do truyền thống mà có; nhưng đó chính là trách nhiệm của gia đình. Sở dĩ đưa đến kết quả như thế, vì con cái không hiểu cha mẹ và ngược lại cha mẹ cũng chẳng hiểu con cái. Cha mẹ cứ nghĩ rằng cứ lo đi làm cho thật nhiều tiền và cho con mình ăn học là đủ. Điều ấy hẳn sai. Vì con của mình không những chỉ cần tiền mà còn cần tình thương của cha mẹ nữa. Vì tình thương, sự hiểu biết và sự chia xẻ, chính là liều thuốc để nuôi sống con mình trong thế giới hiện nay. Qua thử nghiệm chúng ta thấy gia đình nào có niềm tin sâu sắc vào một Tôn Giáo nào đó, thì gia đình nầy ít có vấn đề hơn là những gia đình không có một Tôn Giáo nào.
Tiện đây chúng tôi xin kể một vài câu chuyện có liên qua đến vấn đề nầy. Câu chuyện thứ nhất là câu chuyện đối thoại giữa hai bố con.
Con: Thưa bố! Bố đi làm một giờ được bao nhiêu tiền?
Bố: Con tọc mạch như thế để làm gì ? Đó là chuyện của bố.
Con: Nhưng con muốn biết.
Bố: Con hãy lo chuyện của con đi. Bố đã mệt lắm rồi.
Con: Nhưng thưa bố! Bố làm một giờ bao nhiêu tiền ?
Bố: Mỗi giờ 50 đô-la được chưa? Rồi bố giận dữ bỏ đi.
Khi đó đứa con gọi vọng vào.
Con: Bố có thể cho con 25 đô được không ?
Bố: À! Té ra thằng nhỏ nầy vòi tiền đấy. Đoạn bố bỏ đi vào trong nhà để tắm rửa.
Đứa bé bỏ lỡ câu chuyện và cũng đi vào phòng ngủ. Người cha sau khi đi tắm xong cảm thấy bứt rứt, hối hận và mang 25 đô vào phòng đứa con và bảo rằng:
Bố: 25 đô-la cho con đây.
Con: Đứa bé thay vì nhận 25 đô-la ấy, nó thò tay thật nhẹ xuống dưới gối lấy lên 25 đô-la nữa, gộp vào cho đủ 50 đô và tiếp đó nói rằng: Đây là 50 đô-la để con mua được một giờ của bố.
Bố: Người cha cảm động, rưng rưng nước mắt, ôm con sát vào lòng.
Câu chuyện thứ hai được tiếp nối như sau: Có một đứa bé 8 tuổi một hôm nói với mẹ rằng:
Con: Con muốn đi dạo với mẹ.
Mẹ: Mẹ chẳng có thì giờ.
Một hôm khác nó thưa ba:
Con: Thưa ba! Con muốn đi dạo với ba.
Ba: Ba chẳng có thì giờ.
Đứa bé đợi vào ngày cuối tuần có đủ cả ba lẫn mẹ khi ngồi ăn cơm chung, đứa bé thưa rằng:
Con: Con muốn đi dạo với ba và mẹ.
Cả hai vợ chồng nhìn nhau và lắc đầu bảo rằng: Cả ba lẫn mẹ đều không có thì giờ.
Thế rồi đứa bé tự đi ra bờ hồ chơi. Lúc trở về chẳng may xe hơi cán đứa bé chết. Cả hai vợ chồng đều chết đứng người.
Trên đây là hai câu chuyện tiêu biểu, chúng tôi muốn chia xẻ với quý vị nhân ngày Hội Luận về vai trò của người phụ nữ đối với Văn Hóa, mà Văn Hóa làm mẹ làm cha theo chúng tôi nghĩ là nền văn hóa tiêu biểu quan trọng nhất. Chúng tôi mong rằng ngoài những giờ chúng ta chia xẻ với nhau tại Hội Trường nầy, khi về lại gia đình, các bậc làm cha làm mẹ nên chia xẻ cho con mình mỗi ngày ít nhất là một tiếng đồng hồ để tình thương giữa cha mẹ và con cái gần gũi hơn, thông cảm nhau nhiều hơn nữa; đồng thời dạy cho tiếng mẹ đẻ cho con mình để biết và yêu thương cội nguồn thì hai chữ Văn Hóa nó mới mang được ý nghĩa đích thực của nó.
Xin cảm ơn Ban Tổ Chức rất nhiều về lời mời, để chúng tôi được đến đây, chia xẻ với quý vị một ít cái nhìn phiến diện qua lăng kính của một nhà tu trên lãnh vực văn hóa, mà người phụ nữ Việt Nam của chúng ta đang sánh vai cùng với những đấng nam nhi để tạo dựng cho chính mình và tương lai con cái của mình sẽ đóng góp hữu hiệu hơn vào nền Văn Hóa Dân Tộc ở trong cũng như ở ngoài nước.
Kính chúc quý vị gặp nhiều niềm vui trong những ngày hội ngộ ý nghĩa như thế nầy.
● Thích Như Điển
______________________
Vai trò của người Tăng Sĩ đối với vấn đề tổ chức
Thích Như Điển
(Bài tham luận đọc tại Tu Viện An Lạc – Ventura California – Hoa Kỳ nhân Lễ Hiệp Kỵ Chư Lịch Đại Tổ Sư ngày 20 tháng 9 năm 2009)
Kính bạch Chư Tôn Trưởng Lão,
Kính bạch Chư Tôn Trưởng Lão, |
Kính bạch Quý Ngài, Kính thưa Quý Vị,
Ngày xưa khi Đức Phật còn tại thế, Ngài đã thành lập Giáo Đoàn ở nhiều nơi trên đất Ấn, tùy theo mỗi thời điểm và mỗi hoàn cảnh khác nhau về việc tu học của Tăng Đoàn. Tuy giới luật và phép lục hòa là giềng mối của người Tăng Sĩ khi sống chung đụng với nhau trong một môi trường; nhưng thuở ấy không phải chỉ có một Giáo Đoàn duy nhất của Đức Phật, mà còn có giáo đoàn của Đề Bà Đạt Đa và Da Xá lãnh đạo nữa. Một giáo đoàn gồm 1.250 vị không phải là một đoàn thể nhỏ của lúc ấy, mà ngay cả bây giờ, con số ấy cũng là một con số đáng lưu tâm, nhất là vấn đề ăn, ở, đi lại v.v...
Thuở ấy cũng có rất nhiều người thấy đời sống của Tăng Sĩ được trọng vọng cũng như được nhiều người cúng dường. Do vậy đã có rất nhiều Cư Sĩ muốn bỏ tục xuất gia. Đức Phật rõ biết điều nầy; nên đã đưa ra nguyên tắc „tứ y“ để, nếu ai muốn sống đời sống giải thoát, thì phải nương tựa vào đó.
Thứ nhất là ăn ngày một bữa. Đây là đời sống của một vị Khất Sĩ, mà cho đến nay một số quốc gia Phật Giáo Nam Tông vẫn còn hành trì. Ngay cả Du Tăng Khất Sĩ của Việt Nam sống trong nước cũng đã tập theo hạnh nầy.
Thứ nhì là đời sống không cố định, rày đây mai đó, không trụ lại một nơi nào nhứt định; ngoại trừ mùa An Cư Kiết Hạ trong mỗi năm ba tháng. Đời sống phạm hạnh ấy dựa vào tinh thần vô trụ và an lập nơi „không nhàn tịnh xứ“ là chính.
Thứ ba là ăn xong lại ngủ dưới gốc cây. Xứ Ấn Độ là xứ nhiệt đới. Ngay cả mùa Đông hầu như chẳng có nơi nào nhiệt độ ở dưới 10°C. Nên việc nầy người Tăng sĩ có thể lưu ngụ tạm thời được, mà không sợ có hại cho vấn đề sức khỏe.
Thứ tư là tài sản riêng của một người xuất gia chỉ có 3 y và một bình bát. Vì „tứ đại giai không“; nên chẳng phải giữ riêng cho mình một vật gì cả. Ngay cả những vật nầy sau khi chết cũng chẳng phải cần mang theo nữa. Nếu người mất không bị bịnh dễ lây lan, thì y bát kia có thể để lại cho „Thập Phương Tăng“ dùng tiếp.
Đây là bốn điều căn bản để ngày xưa trở thành một vị Tăng Sĩ. So ra với ngày nay, sau hơn 2.500 năm lịch sử truyền thừa, thời gian và không gian khác nhau rất nhiều; nhưng xét về căn bản vẫn không khác biệt mấy. Vì lẽ mục đích giải thoát thì ở mọi thời điểm đều giống nhau; chỉ có phương tiện mang đến sự giải thoát ấy thì có vài điều trong những điều trên đã khác biệt từ lâu rồi; nhất là khi Phật Giáo được truyền đến những xứ phương Bắc Ấn Độ; khí hậu tại đó rất khắc nghiệt hơn; nên không thể ngày ăn một bữa được và sau khi ăn xong cũng chẳng thể ngủ dưới gốc cây được. Vì mùa Đông ở những gốc cây miền Bắc Trung Quốc, Tây Tạng cũng bị đông đá. Do vậy mà đời sống tự viện tại các nước mà Phật Giáo mới được du nhập vào, phải có cách tổ chức khác, mới có thể tồn tại trong thế gian được. Do vậy các vị Tổ Sư Trung Hoa đã tổ chức Tăng Viện và đời sống Tăng Sĩ nề nếp hơn; không cần đi hành cước như ở Ấn Độ nữa, mà người Tăng Sĩ ấy an trụ dài lâu hơn trong Sơn Môn. Ngoài ra vì khí hậu khắc nghiệt; nên ngày ăn ba bữa để giữ quân bình nhiệt độ cho thân thể. Tuy nhiên buổi cơm chiều vẫn là bữa cơn khi ăn phải sanh tâm xấu hổ. Vì đây không phải là việc của người xuất gia theo như luật Phật đã chế. Do vậy ngoài giới và luật của Phật ra, chư Tổ tại các nơi nầy đã chế thêm Nghi và Quy nữa. Giới, chắc chắn không ai trong chúng ta có quyền sửa đổi. Luật, Phật đã dạy cho Ngài A Nan có quyền thay đổi tùy theo phong tục và hoàn cảnh. Còn Nghi và Quy là do con người lập ra. Cho nên con người cũng có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh của mỗi đất nước.
Trong những ngôi Tổ Đình của Phật Giáo Bắc Tông thường có rất nhiều người tu tập và nhiều chức vụ khác nhau để đảm nhận phần vụ của mình. Ví dụ như: Tri viên, Tri khách, Tri tạng, Tri khố, Tri thơ, Hương Đăng, Vận Thủy, Ban Sài, Duy Na, Duyệt Chúng, Tri Sự, Giám Tự, Trụ Trì, Phương Trượng v.v… mỗi vị như thế sẽ được cắt cử tùy theo khả năng của mình và sẽ được thay đổi nhân những Lễ Bố Tát hay họp chúng mỗi tháng hai lần. Vị nào làm việc với tinh thần trách nhiệm được chúng lý tin tưởng thì sẽ được tiếp tục với những việc của mình. Nếu chểnh mãn, thiếu tinh thần trách nhiệm thì trách vụ ấy sẽ được thay thế bởi những người khác.
Những chùa được vua quan xây dựng và thỉnh Chư Tăng Trụ Trì, được gọi là Chùa Sắc Tứ. Còn những nơi có danh tiếng thường được các vị Tăng Cang, Hòa Thượng lãnh đạo. Đa phần chùa viện tại Trung Quốc và Việt Nam đều do những người giàu có, hảo tâm đóng góp để xây dựng nên, sau đó thỉnh các vị Tăng về Trụ Trì; nhưng cũng có rất nhiều chùa do các vị Tổ Sư đứng ra tạo dựng những am tranh để tu hành, sau dần dà với uy tín của vị Tổ ấy, chốn Già Lam kia đã trở thành Tổ Đình của một môn phái. Những chốn Già Lam nầy đều do chư Tăng lãnh đạo, không qua một Ban Quản Trị của Cư Sĩ; nên rất độc lập về mọi phương diện tài chánh cũng như hành chánh. Thông thường trong các chùa lớn như thế có chế độ Đàn Gia và Tín Đồ. Đàn Gia hay Đàn Việt là những đại thí chủ, lo hộ trì Tam Bảo cho chùa đó. Còn Tín đồ là những người có tín tâm đối với Đạo, khi nào có những lễ lộc gì trọng đại hay 14, rằm; 30, mồng một thường hay lui tới chùa và họ không có trách nhiệm trực tiếp đối với ngôi chùa ấy.
Ở Ấn Độ ngày xưa. Chư Tăng sống đời „nhàn cư tịnh cảnh“, chỉ lo đi khất thực, sống đời phạm hạnh, hành trì giữ giới; khi sang đến Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam thì người Tăng Sĩ phải dấn thân vào đời nhiều hơn nữa; không phải chỉ có bốn nơi nương tựa như thời Đức Phật thuở ban sơ, mà Chư Tăng đôi khi là những người lãnh đạo quần chúng trong nhiều phong trào học Phật; giúp đỡ dân trí về văn hóa, xã hội, từ thiện v.v…
Rồi một ngày, Đạo Phật được lan rộng khắp các cõi trời Âu Mỹ. Dĩ nhiên trước đây đã nhờ các bậc Đại Sư Nhật Bản như Suzuki Daietsu; các Thiền Sư của Tào Động và Lâm Tế đã có mặt tại New York, Hawai, Paris, Moscow v.v… hay những nhà triết học lừng danh của Đức, của Pháp có triết lý vốn không xa mấy với quan điểm của Đức Phật như: Kant, Decartes, Nietzsche, Hermann Hesse, Sophenhauer v.v… Rồi những Bác học triết gia hiện đại như Albert Einstein, Stephen Hawking… Họ là những người đã đi trên thượng tầng của xã hội và đã sống nơi hình nhi thượng học của loài người. Nên họ đã ảnh hưởng thế giới phương Tây nói riêng và nhân loại nói chung trên quả địa cầu nầy không ít. Dân chúng đa phần khi theo Đạo Phật đều nghĩ rằng: Đây là một Tôn Giáo có một triết lý hay, một nhân sinh quan tốt đẹp, một lối sống từ bi, lợi tha… Điều nầy cũng dễ hiểu. Vì nơi đây, tại phương Tây nầy họ đã được đào luyện cũng như giáo dục bởi một chủ nghĩa hữu thần. Còn Phật Giáo phóng khoáng hơn, tự tin nơi mỗi người sẽ là một vị Phật trong tương lai, như Đức Phật vẫn thường tuyên bố. Niềm hy vọng và sự tự tin ấy đã làm cho người ta được tự cởi trói lấy mình.
Trong lúc đó Á Châu chúng ta chỉ có tin, chứ không cần đặt vị trí của Đức Tin ấy. Tất cả đều phó thác cho vị Tăng Sĩ là xong. Vì họ đã có cầu nguyện và đã dâng lễ cúng dường để tạo phước. Ở đây Đông Tây có rất nhiều điều khác biệt. Tuy rằng những người Phật Tử ấy đang đi trên con đường giác ngộ, mà Đức Thế Tôn đã chỉ bày.
Đến giai đoạn nầy vai trò của người Tăng Sĩ trong những Tổ Chức nó không chỉ dừng lại ở việc hướng đạo, chỉ bày mà còn đòi hỏi ở khả năng ngoại ngữ, giao tế, đức tu, ảnh hưởng, tổ chức v.v... Quả thật, quả đất thật rộng, mặt trời thật cao, mặt trăng thật sáng. Những chứng nhân ấy sẽ giúp cho người Tăng Sĩ tự tin nơi mình hơn để dấn thân vào giữa chốn hồng trần nầy. Đã có không biết bao nhiêu chiến sĩ áo vàng, áo lam, áo nâu, áo đen của nhiều dân tộc Phật Giáo đến từ Phương Đông trong 2 thế kỷ qua, đã có người độ đời thật thành công tốt đẹp; nhưng cũng có rất nhiều người bị đời độ; nên đã nhụt chí „xuất trần thượng sĩ“ phải trở về lại với gió nội mây ngàn và chấp nhận vai trò hộ đạo, hơn là hướng dẫn quần sanh.
Kính bạch Chư Tôn Đức,
Kính thưa Quý Vị,
Ở đây chúng tôi muốn nêu lên những ưu và khuyết điểm của con người, môi trường và hoàn cảnh; để rồi từ đó sẽ đưa ra những đề nghị và phương pháp nhằm thực hiện nếp sống Đạo trong thời kỳ vật chất dư thừa, trong khi đời sống tâm linh lại đi xuống như thế nầy. Quả là điều chưa bao giờ lịch sử của Phật Giáo đã gặp phải trong quá khứ như thế.
- Về ưu điểm: Âu, Mỹ, Úc, Phi đất đai rất rộng rãi, dân cư ít hơn Châu Á. Con người ở đây có cái nhìn thực tiển hơn và phóng khoán hơn cái nhìn gò bó của Đông Phương. Triết học ở đây là triết Tam Đoạn Luận, Nhị Nguyên Luận, Nhứt Nguyện Luận, Triết học hiện sinh, Triết học tâm lý v.v... Đời sống vật chất quá dư thừa. Họ tự do ở mọi phương diện như Tôn Giáo, tình yêu, chính trị, học đường v.v... Do vậy những đất nước nầy là cơ hội cho những người có khả năng để phát triển. Nơi đây dành cho những người có cơ hội kinh doanh buôn bán làm giàu hơn bất cứ nơi nào tại Á Châu. Nhưng so với người Tăng Sĩ đến từ Á Châu thì phải hội nhập như thế nào về những môi trường chung quanh của mình như trong hiện tại ?
- Về yếu điểm: Đa phần những Tăng Sĩ đến từ Á Châu ngoại ngữ không thích hợp với người địa phương. Vì họ chỉ biết những cổ ngữ Á Châu như chữ Hán, tiếng Sanscrit, Pali, Nhật ngữ, Tây Tạng. Trong khi đó những gì người Tây Phương cần, họ không cung ứng đầy đủ. Trừ một số rất ít những vị Sư giỏi Anh ngữ thì có hai loại quần chúng cận kề. Đó là người địa phương và thứ đến là người di dân đến từ Châu Á. Nhưng thế hệ di dân cũng sẽ hòa nhập vào đời sống của người bản địa. Nhiều lắm là đến đời thứ hai, thứ ba là đã bị đồng hóa về ngôn ngữ, phong tục, tập quán rồi. Do vậy những người mang Đạo vào đời nên cần nắm rõ vấn đề nầy.
Vòng quay của những xã hội Âu Mỹ nầy rất táo bạo; ai chịu đựng nổi vòng quay ấy thì còn ở bên trong; nhưng đa phần bị vòng quay kia đào thải ra ngoài. Bởi lý do là người đến từ phương Đông muốn mang quan niệm của phương Đông đem chụp lên trên sự hiểu biết của phương Tây. Cho nên giữa hai bên không có sự hòa hợp. Thay vì người đến từ phương Đông phải hội nhập vào phương Tây, thì người phương Đông cố gắng hết mình để người phương Tây phải học văn hóa, ngôn ngữ và tập quán của xứ mình để hiểu biết Đạo Phật, thì đây là cái sai của người lãnh đạo.
Người Âu Mỹ vốn trọng làm việc chung với nhau trong một nhóm, một cộng đồng. Trong khi đó người Việt Nam chúng ta đa phần muốn lãnh đạo nhóm; chứ ít chịu sự lãnh đạo của ai. Cái học của người Âu Mỹ là cái học không những từ vị Thầy, mà là cái học sáng tạo. Trong khi đó cách giáo dục của người Á Châu, đa phần chỉ học từ sự hiểu biết của ông Thầy. Ngoài ra không cần quan tâm đến môi trường và hoàn cảnh chung quanh. Thế hệ thứ nhất đến đây đã cực khổ quá nhiều; nhưng tại sao chúng ta vẫn chưa hấp dẫn được thế hệ thứ hai, thứ ba đi vào con đường đạo, để tiếp tục chuyển bánh xe pháp ấy ? Lỗi nầy tại ai và do ai gây ra ? Đa phần các Chùa Viện lớn tại Âu, Úc, Mỹ chỉ có một Thầy, một trò; nên sự giáo dục nếu có, nó cũng chỉ có tính cách gia giáo, không thể hiện được đời sống của một Tu Viện nơi có nhiều người. Nếu có khóa tu học nào đó được tổ chức thì vị Trụ Trì ấy chưa chắc đã cho đệ tử của mình đi tham gia trọn khóa tu. Vì ở chùa ai lo kinh kệ, bái sám, đám tiệc v.v... người học trò càng lúc càng thúc thủ, chẳng có đường tiến tới; nên bắt buộc phải rẽ ngang. Như vậy sẽ đi vào ngõ cụt.
Xuất gia là một công đức; nhưng xuất gia ở các nước Âu Mỹ nầy quả thật là một thử thách cho người phát tâm rất cao độ. Không phải là ai đi tu cũng thành chánh quả hết đâu. Vì lẽ nếu hướng đi đúng mà phương pháp để đi đến mục đích ấy không rõ ràng thì hành giả ấy cũng khó đạt được mục đích kia. Ví dụ như người đệ tử muốn đi học cao hơn lên ở bậc Đại Học và hậu Đại Học, liệu rằng Sư Phụ của vị ấy có tùy hỷ chăng ? hay tạo nên một lực cản trở. Vì sao vậy ?
- Đứng về phương diện tâm lý mà nói thì cũng có nhiều vị Thầy ít muốn có học trò hơn mình; nếu vị Thầy đó trình độ thế học và Phật học không giỏi mấy; nên không cố gắng tạo nhơn duyên cho đệ tử của mình tiến hơn mình. Đứng về phương diện vật chất, dĩ nhiên đã là vị Bổn Sư phải có đủ 5 đức như trong luật Phật dạy, mà vị Thầy ấy đối với đệ tử của mình; trong đó có vấn đề vật chất có đầy đủ để lo cho đệ tử của mình ăn học hay không ?
- Vị Thầy ấy có tha thiết với sự học của học trò của mình không? Còn Giáo Hội? Nó còn ở một điểm cao xa hơn nữa mà ít người với tới được. Nếu có nắm bắt được, cuối cùng cũng chẳng có gì để phát nguyện để lo cho Giáo Hội. Vì Giáo Hội hầu như không có một cơ sở chung về vật chất để lo cho Tăng Ni; nên cánh chim nào bay được ngược gió thì cứ như thế mà lao vào đời để truyền đạo. Do vậy nếu thế hệ thứ hai và thứ ba nầy nếu có thành công thì họ cũng không có một liên hệ chặt chẽ nào về ân nghĩa giữa họ và Giáo Hội để „ân được đền và nghĩa được trả“ cả.
Về khả năng lãnh đạo quần chúng có nhiều vị Tăng, Ni rất giỏi; nhưng đa phần thì ít có phương pháp hay. Vì quần chúng nằm ở thể bị động, sai đâu đánh đó, bảo gì làm nấy; không có vấn đề sáng tạo và tự phát. Nếu có, sẽ bị chỉ trích là đi ngược lại ý của người lãnh đạo. Do vậy công việc bị ứ đọng, trì trệ không giải quyết được. Một vị Thầy giỏi cũng không thể làm hết được tất cả mọi việc trong cùng một lúc. Do vậy chúng tôi thường hay nói: „Người lãnh đạo là người chỉ cần biết đến tất cả mọi việc; chứ không cần làm hết mọi việc“.
Trong khi đó phía Cư Sĩ cũng không thiếu những người giỏi lãnh đạo Tổ chức; nhưng nhiều lúc họ lãnh đạo và chi phối cả chư Tăng nữa; chứ không còn nằm ở vị trí là hộ trì Tam Bảo. Khiến cho chư Tăng, Ni nản lòng bỏ đi nơi khác để lập chùa, lập am, lập cốc. Dĩ nhiên điều nầy không phải là điều xấu. Nhưng trọng lực bị chi phối, không còn ở một điểm chính nữa, khiến cho khó có thể thành công được một việc gì lớn. Nếu có cũng chỉ ở địa phương; chứ khó thể vượt khỏi ranh giới của Đoàn Thể và Quốc Gia.
Người Cư Sĩ đôi khi học Phật nhiều hơn chư Tăng, Ni lãnh đạo chùa đó, thì quả thật là khó xử. Nếu vậy, vị Tăng kia chỉ tìm cách „mũ ni che tai“ hay sống như Ông Từ để cho qua ngày, qua tháng và giữa Thầy, Hội, Ban Trị Sự sẽ dần dần đi đến sự tan vỡ, đổ nát khó mà có thể hàn gắn lại được. Như vậy phải làm sao đây ?
Ở đây chúng ta nên giữ đúng vị trí của mỗi người. Nghĩa là ngươi tu sĩ lo dụng công tu tập hành thiền, niệm Phật, thuyết giảng giáo lý. Không phải chỉ ở vào mỗi cuối tuần, mà phải hành trì miên mật hằng ngày như hai chữ „công phu“ của nó, thì mới mong đầy đủ dũng lực và hùng tâm để chế ngự những chướng duyên từ bên trong khởi lên.
Còn người Cư Sĩ cũng nên dừng lại ở vị trí là Hộ Trì Tam Bảo của mình; chứ không nên bước lên phạm vi lãnh đạo và chi phối Tam Bảo thì quả thật Phật Pháp không chóng thì chầy cũng sẽ tiến tới sự diệt vong.
Hầu như ở Hải Ngoại ngày nay ít có chùa nào có đầy đủ nhân viên làm việc hằng ngày để trả lời điện thoại, việc văn phòng, tiệc tùng, cưới hỏi, ma chay, thư viện, nhà bếp v.v... mà hầu như Tăng Ni đều phải kiêm nhiệm tất. Không phải là chư Tăng, Ni không thể làm được. Nhưng nếu có những tịnh hạnh nhân làm được những công việc ấy thì chư Tăng Ni có nhiều thì giờ hơn để lo việc chuyên môn của mình. Ở đây chúng tôi muốn kể một câu chuyện vui để hầu quý Ngài và quý vị. Ở một địa phương nọ có một Thầy nấu ăn thật ngon và được Phật Tử rất hâm mộ. Cho nên thứ bảy nào Thầy cũng phải lo đi chợ để chuẩn bị cho ngày chủ nhật. Sáng chủ nhật đến, Thầy lo nấu 3 món cúng và cho Phật Tử dùng. Xong đâu đó Thầy lên chánh điện đốt nhang, chủ lễ và cả tay chuông, tay mõ nữa. Sau khi lễ Phật xong, Thầy nói 3 điều 4 chuyện, đoạn Thầy chạy nhanh xuống nhà bếp để lo dọn cơm cho quý Phật Tử dùng. Tôi thấy hơi lạ; nên mới hỏi quý Phật Tử đi chùa ngồi đó: Tại sao không ai phụ giúp Thầy mà để Thầy phải làm tất cả mọi việc như thế? Vị Phật Tử ấy trả lời rằng: Để Thầy làm cho có phước. Có lẽ ở đây chẳng cần bình luận về việc nầy; nhưng đúng là Phật Pháp đã đến lúc cần phải chấn chỉnh lại.
Thông thường người Phật Tử suy nghĩ rằng: Khi đến chùa chỉ để làm công quả, chứ không cần nhận lương. Việc nầy rất tốt; nhưng rất bấp bênh cho nhà chùa. Vì việc chùa không thể chạy theo dự định, vì Phật Tử chỉ làm công quả mà thôi. Dĩ nhiên người làm việc chùa ấy, không nhất thiết phải dùng tiền cúng dường của Phật Tử để trả, mà nhân viên ấy qua dịch vụ quảng cáo ở báo của chùa, hay tiếp thị những công việc ngoại vi để có đồng ra đồng vào và tiền nầy dùng để chi cho những người làm việc hằng ngày tại chùa thì hay biết mấy. Đằng nầy thì quý Thầy bảo rằng: Tiền đâu có mà trả lương; nhưng thông thường tiền nó sẽ sinh ra tiền và người ấy sẽ tạo ra tiền; chứ tiền không thể tạo ra con người được. Cuối cùng tiền chỉ là phương tiện của cuộc sống chứ không phải là mục đích của cuộc sống nầy.
Chúng ta làm việc phải có kế hoạch và kế hoạch phải đề xuất trước cả năm; chứ không phải thích đâu làm đó, ưa gì làm nấy. Thay đổi nhanh như chong chóng thì máy móc cũng không thể chạy theo kịp nữa, hà huống là đầu óc của con người. Phân công việc cho hợp lý và tốt nhất là làm theo Team Work. Nghĩa là mỗi người một công việc chuyên môn của mình. Nếu không phải chuyên môn thì mình không động đến. Vì mình không có kinh nghiệm trong việc đó. Người Việt Nam mình có nhiều cái hay, vì việc gì cũng biết làm; nhưng đa phần là biết không đến nơi đến chốn; nên công việc lại dễ bị dở dang đình trệ, khiến cho người chung quanh nản chí nhụt lòng. Ở Tây Phương người ta vẫn có người lãnh đạo; nhưng người lãnh đạo ấy là tổng hợp những ý kiến của một nhóm chứ không phải của chỉ một người. Khi sai sẽ bị sai hết; nhưng khi đúng cả nhóm, cả cộng đồng đều đúng. Vì Á Châu ta đã chẳng có câu: „Tam nhơn đồng hành, tắc hữu ngã sư“ ?
Xây dựng một ngôi chùa ở Hải Ngoại rất khó; dĩ nhiên còn dễ hơn là việc đào tạo một vị Tăng Sĩ nên người; nhưng hầu như chúng ta cũng ít có kế hoạch tương trợ cho nhau để ngôi chùa ấy chóng thành tựu. Nếu có chăng đi nữa, chỉ nhờ vào tài ngoại giao và lãnh đạo của vị Trụ Trì ấy mà chùa kia sớm hoàn thành; chứ không phải do tinh thần „lá lành đùm lá rách“ hay „chị ngã em nâng“ như tục ngữ Việt Nam của chúng ta vốn đã sẵn có bao đời nay. Ví dụ khi một ngôi chùa xây dựng, các ngôi chùa khác ủng hộ đều tay mỗi chùa một đến năm ngàn đô-la và nếu có 50 ngôi chùa đóng góp đều tay như thế thì việc lớn nào chúng ta lại chẳng thành công ?
Cũng có nhiều Thầy Cô chỉ chú trọng vào một số bổn đạo giàu có và cứ ỷ y vào đó; nên sẽ dễ sinh mất lòng giữa người nghèo và người giàu. Khi người có quyền và có tiền nắm quá nhiều nhiệm vụ trong chùa, đôi khi người ấy ra điều kiện với vị Trụ Trì phải như thế nầy, phải như thế kia, thì chắc chắn vị Trụ Trì ấy khó mà thối thoát được. Trong chùa dĩ nhiên là có nhiều khuynh hướng; nhưng là người lãnh đạo thì phải vượt lên trên mọi khuynh hướng tranh chấp với nhau và không nên đứng lệch về một khuynh hướng nào cả. Vì bên nào cũng muốn rằng vị Thầy ấy sẽ nghiêng về phía mình. Điều nầy không nên để xảy ra nơi một ngôi chùa.
Nhiều vị muốn làm chuyện lớn mà quên việc nhỏ. Đó là việc „tích thiểu thành đa“. Vì lẽ „thành La Mã không xây xong trong một ngày“. Do vậy mà chúng ta không nên lơ là với đại đa số quần chúng đang sống chung quanh mình. Bao giờ „đông tay cũng vỗ nên kêu“ hơn là những bàn tay đơn lẻ. Quần chúng là một tập hợp rất đa dạng và có nhiều khả năng rất phong phú. Nếu người lãnh đạo biết khai thác về vấn đề nầy thì được nhiều việc khác nữa.
Vấn đề tâm lý của quần chúng cũng rất quan trọng. Ví dụ như ngày nay đi chùa hầu như chỉ có lớp người lớn tuổi; còn người trẻ tuổi thì họ đi đâu mất hết rồi ? Nếu một mai đây lớp người lớn tuổi ấy bỏ thân nơi xứ người, thì ai là người đứng lên để hộ trì Tam Bảo đây ? Chắc chắn một mình vị Sư Trụ Trì ấy và một vài người giàu có không thể gánh vác hết việc đạo được. Vậy chúng ta làm sao để có thể thu phục được nhân tâm ? Gia Đình Phật Tử là một tổ chức Thanh Thiếu Niên; rất tốt. Tuy nhiên không phải là các em trẻ nào cũng thích sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử. Tại Âu Châu nầy có câu tục ngữ tiếng Đức nói rằng: „Chủ nghĩa Cộng Sản là chủ nghĩa mà họ thích bán những cái gì người cộng sản muốn bán. Còn chủ nghĩa Tự Do là chủ nghĩa mà họ bán những cái gì người khác muốn mua“. Giữa hai chủ nghĩa đã có sự khác biệt như thế rồi, thì tâm lý của người lớn tuổi và trẻ tuổi chắc chắn cũng có nhiều vấn đề khác nhau. Ví dụ nếu như chùa nọ có tổ chức lễ Vu Lan, Phật Đản mà một người mẹ ở xa chùa cả hai ba trăm cây số, muốn con mình chở mình đi chùa và bảo nó rằng:
- Con có thể chở mẹ đi chùa A dự lễ Phật Đản không?
- Đến đó để làm gì mẹ ?
- Để cho mẹ lễ chùa
Nếu chỉ đơn thuần vậy thì chưa chắc gì đứa con ấy sẽ đưa mẹ đi chùa. Nhưng người mẹ có thể tiếp lời:
- Nghe đâu chùa có tổ chức chương trình văn nghệ Phật Đản do các nghệ sĩ nổi danh trình diễn và có quý Thầy thuyết pháp rất hay.
Chỉ cần chừng ấy thôi, là đứa con sẽ tự nguyện đưa mẹ đi chùa; chứ không cần nài nỉ nữa. Vì lẽ đứa con ấy sẽ hiểu ngay được rằng: Khi đến đó nó sẽ có được những niềm vui riêng của nó, là gặp gỡ những bạn trẻ cùng trang lứa, chứ không phải chỉ nhất thiết là vì mẹ nên nó phải chở mẹ đi chùa. Khi gặp bạn bè cùng niềm tin, cùng hoàn cảnh, có khi nó quên mẹ đi hồi nào chẳng hay, nhiều khi giục nó về lại nhà, nó còn chưa muốn nữa.
Muốn được như vậy, vị Thầy hay Ban Tổ Chức ấy phải có đầu óc tổ chức và Marketing thì mới mong có nhiều quần chúng được. Khi họ đến đông, họ sẽ chia xẻ với Chùa với Hội.
Nếu một nhà hàng nấu ăn ngon nằm tận trong đường hẻm hay ở trên đỉnh núi; người ưa mùi vị, họ bất chấp mọi gian khó để tìm đến. Còn một nhà hàng dầu bày biện trang trọng đấy; nhưng cách phục vụ của nhân viên, gia vị của thức ăn… nó lạt lẽo làm sao, thì dẫu cho có ở giữa phố thị cũng ít có người vào. Một ngôi chùa ở đây cũng giống như thế ấy. Quý Thầy, quý Cô phải là những giọt mật để ong bướm lui tới tìm chất ngọt dưỡng sinh. Còn quý Thầy, quý Cô chua như giấm, chẳng đậm đà han hỏi săn sóc đối phương thì chắc chắn sẽ ít có người lui tới chốn thiền môn nầy.
Cũng như thế tất cả các quốc gia Âu Mỹ nầy đều có Ủy Ban Tôn Giáo; nhưng Ủy Ban ấy giúp đỡ các Tôn Giáo để phát triển; chứ không phải chi phối Tôn Giáo như một số Ủy Ban Tôn Giáo tại các nước Cộng Sản, trong đó có Việt Nam. Khi người ta tự nguyện, người ta có thể dấn thân hết mình. Nếu việc gì bị gượng ép, chắc chắn việc ấy sẽ khó thành tựu. Vì lẽ một người xuất gia, hầu như tất cả đều tự nguyện; chúng ta nên làm những gì được lợi lạc cho quần sanh thì điều ấy đã giải trình được „Tứ Hoằng Thệ Nguyện“ rồi.
Đức Phật đã hằng dạy cho chúng ta rằng: Vạn pháp giai không; nhưng nhân quả bất không“. Nếu nhân tạo ra tốt thì chắc chắn quả kia không thể xấu được. Ngược lại nếu cái nhân chỉ hoàn toàn là xấu ác, thì cái quả không thể tốt đẹp được. Đây là một định lý muôn đời mà toán học cũng không thể thay đổi được. Vì nhân nào quả nấy.
Kính bạch quý Ngài,
Kính thưa quý vị,
Hôm nay chúng con/chúng tôi được Tăng sai thuyết trình cho đề tài nầy, cảm thấy không đủ khả năng. Tuy nhiên vì sự phát triển của Phật Giáo tại xứ người và vì tương lai Đạo Pháp nên đã mạo muội nói lên những cảm tưởng non kém của mình. Kính nguyện quý Ngài hoan hỷ tha thứ cho những chỗ vụng về thiếu sót và mong quý Phật Tử nghe qua, hiểu ý quên lời là điều cầu mong của người đọc tham luận nầy.
Lời cuối chúng con/chúng tôi mong được thưa rằng: Nếu mỗi năm hay mỗi hai năm mà Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Liên Châu tổ chức được những ngày gặp gỡ, trao đổi hàn huyên như thế nầy, quả là những điều đáng làm. Vì có trao đổi, hòa hợp thì mới xứng đáng là Tăng Bảo. Bằng ngược lại, chúng ta không kiểm thảo, tự giải quyết những vấn đề còn tồn đọng của Tăng Già thì Pháp Yết Ma ấy vẫn chưa thành tựu trọn vẹn cho một người „tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự“.
Ngưỡng nguyện Tam Bảo gia hộ cho quý Ngài pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu. Kính chúc quý Đạo Hữu và quý Phật Tử được pháp lạc vô biên.
Nam Mô hoan hỷ tạng Bồ Tát Ma Ha Tát
___________________________
Những người Đức tốt bụng
● Thích Như Điển
Đề tài nầy tôi định viết từ lâu; nhưng nay mới hội đủ nhiều nhân duyên và yếu tố của khách quan cũng như chủ quan; nên quý độc giả của báo Viên Giác mới có cơ hội đọc đến. Dĩ nhiên dầu cho cái nhìn ở bất cứ khía cạnh nào, nó cũng chỉ đúng với phần nào của sự việc; chứ tuyệt nhiên không đúng hết tất cả. Vì nó không phải là chân lý. Ví dụ một người đứng ở phía Đông cắm một cây trụ, khi anh ta nhìn về phía Đông thì bảo rằng: cây cột ấy quả thật đang ở phía Đông; nhưng nếu có người nào đó đứng đối diện với người cắm cây cột ấy, thì chắc chắn rằng người kia sẽ bảo rằng: anh ta nói sai. Vì lẽ cây cột ấy bây giờ đang ở phía Tây của người bên nầy. Do vậy sự việc nào cũng thế, tùy theo cách nhìn và sự nhận định của mỗi người và đây chỉ là một cá thể, chứ không là toàn thể.
Khi nói: “Người Đức tốt bụng” cũng có nghĩa là nói người Đức có tấm lòng tốt, tấm lòng nhân hậu, tấm lòng bác ái biết thương người. Cũng có thể nói rằng tâm của một số những người Đức thật tốt; họ thật bao dung và rộng rãi. Nhưng nếu nói người Đức bụng tốt thì chắc phải hiểu khác đi một chút. Vì người Đức uống bia hơi nhiều; nên cái bụng lại lớn ra như vậy; nhưng vì sao người ta ít nói rằng: người ấy có cái tâm tốt quá, mà hay nói: người ấy tốt bụng? ở đây cũng cần đi xa hơn về nguyên thủy của ngôn ngữ một chút. Thông thường ở đời hay ở Đạo gì cũng vậy người ta hay chúc nhau mỗi khi có khánh tuế, chúc thọ hay làm ăn buôn bán .v.v. hai câu mà người ta hay dùng nhiều nhất là:
“Phước như Đông Hải
Thọ tỉ Nam Sơn”.
Nghĩa là:
“Phước như Biển Đông
Thọ sánh núi Nam”
Biển Đông thì ai cũng biết rồi. Nước ấy nhiều lắm; nhưng chẳng thấy dư bao giờ. Vì đó là kết quả của biết bao nhiêu núi tuyết tan ra, chảy vào khe, vào rạch, vào thác, vào sông nhỏ, sông lớn và cuối cùng chảy vào biển cả. Rồi theo định luật tuần hoàn, nước ấy bốc hơi thành mây và mây kia thành mưa, thành sương, thành tuyết, thành nước v.v... Cuối cùng rồi nó cũng trở lại cái ban đầu của sự tự nhiên ấy. Còn núi Nam ở đây không biết núi nào ở Trung Quốc. Vì tại Trung Quốc có rất nhiều “Nam Nhạc”; “Nam Sơn” như thế. Nhưng chắc chắn núi có tuổi sống rất lâu; nên người ta mong muốn con người sống được như vậy.
Còn chữ phúc có nghĩa là cái bụng; khi đọc âm cả tiếng Việt lẫn tiếng Hán đều giống nhau; nhưng chữ phúc đây không có nghĩa là phước đức, mà chữ phúc nầy gồm có bộ nhục bên trái và ba bộ còn lại của chữ phúc ấy. Bộ nhục có nghĩa là: thịt, là chất mềm trơn bao bọc cho gân xương của con người và các động vật khác. Có lẽ do chữ phúc đồng âm với chữ phúc hoặc phước là phước đức bên trên; cho nên người bình dân hay nói rằng: người ấy có tấm lòng tốt, hay tốt bụng là vậy. Chữ hình dung từ “tốt” ấy để trước hoặc sau một danh từ đi kèm theo, thường có nghĩa khác nhau, chứ không giống nhau như nhiều người tưởng. Vậy đề tài tôi muốn giới thiệu với quý vị bên trên cứ hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng cũng tốt thôi.
Vào ngày 12 tháng 09 năm 2009 vừa rồi là ngày mà tôi khó quên được. Đây là ngày những người Việt tỵ nạn tại Đức được tàu Cap Anamur vớt làm lễ kỷ niệm 30 năm họ đã đến được bến bờ tự do. Nhân dịp nầy những chính khách của thời xưa và thời nay đều có mặt. Tôi đã gặp ông cựu Thống Đốc của tiểu bang Niedersachsen là ông Dr. Ernst Albrecht; người mà cách đây hơn 30 năm người Việt Nam tại Hannover vinh danh ông là “Người cha của những kẻ bất hạnh”. Tôi đã có cơ duyên gặp ông nhiều lần tại dinh Thống Đốc của ông ở Hannover, cũng như ông đã đến viếng thăm chùa Viên Giác và lần nầy gặp ông tại Hamburg trong bao nhiêu tiếng vỗ tay tán thưởng đến ông của những người đồng hương chúng tôi đến tham dự lễ tưởng niệm ngày hôm ấy.
Ông Albrecht là người đầu tiên nhận 2000 người đi trên chuyến tàu Hải Hồng, đa phần là người Việt gốc Hoa. Họ đã được đến định cư tại tiểu bang Niedersachsen vào cuối tháng 12 năm 1978. Sau chuyến tàu Hải Hồng, chính quyền Đức mới lưu tâm cho người Việt đến nước Đức định cư. Sở dĩ tôi muốn nhắc đến ông đầu tiên. Vì đã có lần tôi gặp ông và hỏi ông rằng: Động cơ nào mà ông Thống Đốc ra tay cứu người Việt trên biển đông như vậy?
Ông ta nhìn tôi và chậm rãi trả lời: Vì tôi có đến 5 người con, mà con tôi thì đầy đủ hết tất cả; trong khi đó những đứa trẻ đi trên thuyền đã nhiều ngày bị bỏ đói; nên tôi đã động lòng thương; nên mới kêu gọi nhân dân và chính tôi lo vớt người tỵ nạn.
Đây là tấm chân tình, đúng là tấm lòng nhân hậu của người Đức, mà không phải dễ ai khi đương quyền có cái thấy xa nhìn rộng với tình người sâu thẳm như vậy. Mặc dầu người Việt Nam chúng tôi sống cách xa ông cả mấy đại dương như thế. Việc nầy tôi cũng đã có nhắc lại trong quyển “Cảm tạ nước Đức” rồi; nhưng hôm nay xin nhắc lại một lần nữa để vinh danh ông.
Năm 1986 là năm mà chùa Viên Giác đã đưa bản vẽ lên Hội đồng Thành phố Hannover để xin được cấp giấy phép. Thuở ấy ông vẫn còn làm Thống Đốc tại Tiểu bang Niedersachsen. Nếu không có ông nói thêm vài lời thì giấy phép cất chùa chắc lâu lắm mới có được. Điều nầy ông có nhắc lại khi gặp tôi tại chùa Viên Giác khi ông đã về hưu. Ơn ấy không phải chỉ riêng tôi mà cộng đồng Phật Tử Việt Nam tại Đức phải mang ơn ông mãi mãi. Cho nên tôi đã cho khắc tên ông vào Đại Hồng Chung hiện đang treo tại lầu chuông của chùa Viên Giác, để ngàn năm sau, nếu quả chuông nầy còn tồn tại trên cõi đời nầy thì người ta sẽ biết rằng: Vào một thuở xa xưa nào đó đã có những người Việt từ Á châu đến Đức để tỵ nạn cộng sản và định cư ở đây. Thuở ấy cũng là thuở mà ông Albrecht làm Thống Đốc . . . . .
Ngày 12 tháng 09 năm 2009 nhiều anh chị em trong Ban Tổ Chức xây dựng Tượng đài kỷ niệm 30 năm của người Việt tỵ nạn cộng sản do tàu Cap Anamur và Dr. Rupert Neudeckt vớt, là một điểm son, là một dấu ấn lịch sử của hơn 10.000 thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam đã được cứu vớt và được cái phước lớn là sống còn và đã gây dựng sự nghiệp cũng như đóng góp tích cực cho xã hội Đức càng ngày càng phát triển ở nhiều khía cạnh khác nhau. Hơn 30 năm trước chúng ta làm thân tỵ nạn đến ở nhờ đất nhà của Đức. Nhưng sau 30 năm ông Neudeckt cũng như ông Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ Liên Bang Dr. Schaube hôm đó ca ngợi và tán dương người Việt Nam không hết lời và quý vị nầy cho rằng: Xã hội Đức ngày hôm nay được phát triển như thế nầy, đã không thiếu những bàn tay đóng góp của những người đến đây tỵ nạn cộng sản Việt Nam từ 30 năm trước.
Có một điều bản thân tôi cũng hết sức ngạc nhiên, mà có lẽ nhiều người cũng vậy. Chúng ta cho rằng: Sở dĩ bức tường Bá Linh sụp đổ là do người Đức ý thức được thế nào là giá trị của sự tự do; nên họ quyết tranh đấu để thoát khỏi gông cùm của Cộng sản Đông Đức đã chụp phủ lên đầu họ từ năm 1949 đến năm 1989; trong 40 năm ấy họ đau khổ và dằn vặt biết chừng nào; nhưng hôm ấy ông Phó Chủ Tịch Quốc Hội Đức đương nhiệm đã phát biểu, làm cho hơn cả 1000 người Việt Nam tham dự lễ kỷ niệm tại cảng Hamburg thật cảm động mà cũng thật đầy đủ ý nghĩa. Ông cho rằng: Sở dĩ bức tường Bá Linh sụp đổ là nhờ người dân Đông Đức thuở bấy giờ còn sống dưới chế độ Cộng sản Đông Đức độc tài ngước nhìn về biển Đông và để ý với chính sách của người Cộng sản Việt Nam đối xử với đồng bào của họ, đã đày họ ra biển khơi, đã bỏ tù những người anh em phía Việt Nam Cộng Hòa vào các trại tù cải tạo. Do đó họ mới ra đi tìm tự do và đây mới đích thực là giá trị của sự thật mà người ta muốn tìm. Bức tường Bá Linh sụp đổ vào ngày 11 tháng 09 năm 1989 người Việt tỵ nạn đã góp công vào đó không ít.
Đây có thể là một phát biểu mới nhất của ông Phó Chủ Tịch Quốc Hội Đức. Ông ta là người vốn xuất thân từ Đông Đức và chính những lời nói phát xuất ra từ cửa miệng của ông ta là những bằng chứng hùng hồn nhất, để chúng ta phải luôn ghi nhớ. Vì đây không phải là sự đãi bôi, mà là một sự thật được chứng minh qua lịch sử của sự tự do.
Một chánh khách đặc biệt của ngày hôm ấy là ông Dr. Phillip Rössler. Gặp ông, tôi bắt tay và đây cũng là lần đầu tiên tôi nói chuyện với ông bằng tiếng Đức. Trước đó tôi đã đọc tiểu sử của ông và biết rằng ông xa Việt Nam từ lúc mới lên 9 tháng tuổi vào năm 1973. Tôi hỏi ông rằng: Ông còn có thể nói tiếng Việt được không? Ông ta lắc đầu và nhoẻn miệng cười. Sau đó tôi tự giới thiệu về mình và nói rằng ở Hannover có một ngôi chùa mang tên là Viên Giác đã có mặt tại đó từ năm 1978 đến nay. Ông ta tỏ vẻ ngạc nhiên và tôi có mời ông đến thăm chùa. Ông ta đồng ý.
Hôm tôi gặp ông, ông là Bộ Trưởng Bộ Giao Thông, Lao Động của Tiểu bang Niedersachsen; nhưng mấy ngày sau vào cuối tháng 09 năm 2009 ông ta đã trở thành Bộ Trưởng Bộ Y Tế của Cộng Hòa Liên Bang Đức, có trách nhiệm với hơn 80 triệu dân liên quan đến vấn đề sức khỏe của con người. Quả là một chuyện khó tin nhưng có thật. Vì sao vậy? Vì người nầy có một cuộc đời theo báo chí tường thuật lại rằng: “Khi sanh ra tại Việt Nam ông đã không có tên gọi, để lại quê hương sau lưng, không cha mẹ (vì là con trong Cô nhi viện) và sau khi về lại Đức làm con nuôi của gia đình Rössler thì 4 năm sau mẹ nuôi ông ly dị với ba nuôi”. Như vậy cuộc đời của ông quả là bất hạnh với tình người, với chiến tranh, với bao nhiêu oan trái; nhưng nay ở tuổi 37, ông ta là Bộ Trưởng Bộ Y Tế của nước Đức. Có lẽ suốt trong thời kỳ tuổi thơ ông ta phải chiến đấu nhiều lắm với mọi thứ để được đi học ở trường Trung Học và học Y trong quân đội và cuối cùng ra trường với tước hiệu là Bác Sĩ Y Khoa.
Tôi không phải vì hãnh diện về việc nầy cho ông; nhưng nhiều khi nói chuyện với quý Phật Tử tại Úc hay Mỹ tôi hay nói rằng: “Nước Đức đi sau mà về trước đấy”. Họ hỏi tôi tại sao? Tôi trả lời rằng: Cho đến nay ở Mỹ, Canada, và Úc có nơi mới chỉ có Dân Biểu Liên Bang và các Tiểu Bang thôi, chứ chưa có nước nào có Bộ Trưởng Liên Bang như nước Đức. Thế là ai cũng nhoẻn miệng cười.
Khi ông còn là Dân Biểu của Tiểu Bang Niedersachsen đơn vị ứng cử của ông trong Đảng FDP (Đảng Tự Do Dân Chủ) là Döhren. Thành phố nầy là thị xã nơi tôi đang ở, thấy hình ông treo khi ứng cử tại đó. Nhưng ông không thấy chùa cũng là điều lạ. Sau nầy tôi được biết ông ta là Hội Trưởng của một Hội Thiên Chúa Giáo. Có lẽ vì vậy mà ông không lưu tâm nhỉ? Ngoài ra qua báo chí ông cũng cho biết rằng: Không cần lưu tâm về quá khứ. Có lẽ quá khứ của ông quá đau buồn? Nhưng báo chí cũng tường thuật rằng: Do sự thúc giục của vợ ông (sinh trưởng ở Goslar) cũng là một bác sĩ, trước đây 2 năm ông đã trở về lại Việt Nam để thăm quê hương; nơi mà ông đã sinh ra. Ở Cô Nhi Viện tại Khánh Hưng (Sóc Trăng) là một Cô Nhi Viện Thiên Chúa Giáo; hai Bà Phước chăm sóc cho ông ngày ấy, bây giờ chỉ còn lại một bà. Còn một bà đã mất. Không biết có ai đó muốn làm một cuộc thử nghiệm để tìm ra cha mẹ của ông chăng? Điều ấy ngày nay có lẽ không khó vì qua thử nghiệm, người ta có thể tìm ra được. So ra với cuộc đi tìm nguồn gốc của Công chúa Bokasa hồi năm 1969, 1970 của ký giả Việt Định Phương của tờ báo Trắng Đen thuở ấy, chắc còn dễ hơn nhiều. Thế mà ông Việt Định Phương đã thành công và đem Công chúa ấy về nước Cộng Hòa Trung Phi để đoàn tụ với Vua cha. Vua cha vốn là lính Lê Dương đến Việt Nam mình tham chiến và sinh ra Bokasa tại dãy đất hình cong chữ S ấy. Nay ông Việt Định Phương với pháp danh Tịnh Hải chỉ chuyên tu theo pháp môn niệm Phật mà thôi. Chắc nay mai rồi đây cũng sẽ có người đi tìm cội nguồn của ông Dr. Phillip Rössler. Vì ông ta là một Bộ Trưởng trẻ nhất trong nội các của nước Đức kể từ 60 năm nay, mà là người tóc đen mũi thấp, tuy tướng ông không thấp mà rất điển trai. Do vậy sẽ có nhiều đề tài khởi sắc về ông Bộ Trưởng Y Tế nầy của nước Đức sẽ được đề cập đến trong tương lai.
Ông năm nay 37 tuổi, có thể đoán được rằng cha mẹ ông ở độ từ 57 tuổi trở lên. Ngày ấy có thể vì chiến chinh loạn lạc cha mẹ đông con, nuôi con không nổi, nên đem cho bớt Cô Nhi Viện nuôi cũng là chuyện thường. Hoặc giả có những cặp tình nhân lỡ dại, không cưới hỏi mà bụng mang dạ chữa; nên chờ cho đến ngày mãn nhụy khai hoa là đem vứt vào Cô Nhi Viện để tránh nợ đời. Nếu có những bậc cha mẹ nào đó mà họ được tìm ra tông tích nầy, chắc rằng họ rất xấu hổ, thay vì hãnh diện chăng? Vì làm cha mẹ mà không có trách nhiệm với con cái? Hay cũng có lắm người chỉ muốn “Phù thịnh chứ không thích phù suy”? chuyện đời quả thật có nhiều lối mà chúng ta khó có thể lường được.
Một đứa trẻ mồ côi ấy nếu vẫn tiếp tục được nuôi dưỡng tại Việt Nam hay Phi Châu thì chắc rằng không có cơ hội để tiến thân như vậy. Cũng may cho ông Phillip Rössler là ông được nuôi tại Buckerburg, Hannover, Hamburg; cho nên ông mới có cơ hội để trưởng thành như vậy. Điều nầy cho chúng ta nhận định được gì?
Đức Phật, bậc Thầy của Trời Người, sau khi thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề, ở vào tuần lễ thứ tư Ngài chiêm nghiệm lại sự thành đạo ấy và thốt lên lời rằng: “Không phải khi sinh ra con người đã là một Bà La Môn, mà qua nhân duyên nghiệp lực cũng như kết quả để trở thành một Bà La Môn”. Đúng vậy, con người cũng chẳng phải là tội nhân của lịch sử; con người cũng không phải hoàn toàn ác hay hoàn toàn thiện. Giỏi hay dở, lành hay dữ, tốt hay xấu v.v... do nhân duyên và môi trường mà có kết quả.
Từ điểm nầy chúng ta có thể chứng minh rằng: Có một đứa bé nào đó được sinh ra trong cung Vua hay tại các xứ văn minh giàu có như Âu, Úc hay Mỹ Châu; nhưng nếu đứa bé ấy bị bỏ vào rừng già Phi Châu, thì chắc hẳn kết quả như ai trong chúng ta cũng biết rằng: Đứa bé ấy chỉ làm bạn với khỉ và cuối cùng sẽ trở thành Tarzan. Giáo lý của Đức Phật muôn đời vẫn đúng với thuyết nhân duyên nầy.
Vào mùa thu năm 1999 ủy ban Cap Anamur có tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm vớt người tỵ nạn Việt Nam và vinh danh ông bà Dr.Neudeckt tại Troisdorf. Lúc ấy tôi và Sư huynh Hà Đậu Đồng cũng đã có mặt để cùng chung làm lễ cầu nguyện cho những thuyền nhân qua nghi lễ Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo. Năm đó tôi đã gặp bà Merkel, thuở ấy bà mới là Dân Biểu sau 10 năm tham gia đảng CDU của ông Thủ Tướng Kohl. Ngày ấy bà cũng đã lên phát biểu và nay (2009) bà là Thủ Tướng của nhiệm kỳ II trong nội các của chính phủ Cộng Hòa Liên Bang Đức. Bà là người đàn bà số một trong 100 người đàn bà lừng danh trên thế giới ngày nay do báo chí bình chọn. Bà lúc nào cũng dùng lời của Tổng Thống Bill Clinton để dẫn đầu những bài nói chuyện. Ví dụ như: “Cái gì cũng có thể đạt đến được và cái gì cũng có thể làm cho thay đổi và cái gì cũng có thể xảy ra cả . . .”. Những “cái gì” đó đã đúng với trường hợp của Bà. Bà sinh ra trong một gia đình có niềm tin Tôn Giáo, cha là Mục Sư, mẹ là Giáo Sư Anh Văn nhưng không được đi dạy trong xã hội Đông Đức lúc bấy giờ. Sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ vào ngày 11 tháng 09 năm 1989 Bà đã theo làn sóng của người dân Đông Đức vượt tường chắn để sang Tây Đức. Thuở ấy nếu tôi nhớ không lầm những người dân Đông Đức chạy sang Tây Đức đã được chính quyền Tây Đức phát cho mỗi người 100 DM và người dân Tây Bá Linh đã tặng cho họ những trái chuối già. Vì Đông Đức thuở ấy tuy là nước Cộng Sản giàu nhất trong các nước Cộng Sản nhưng không đủ tiền để nhập cảng Chuối cho dân chúng dùng. Đây là hình ảnh mà tôi nhớ mãi cho đến bây giờ.
Năm 1949 Cộng Hòa Liên Bang Đức được thành lập và thủ đô tạm được xây dựng tại Bonn. Thuở ấy Thủ Tướng Adenauer là Thủ Tướng đầu tiên của nền dân chủ sơ khai, sau khi vừa thoát ra khỏi chế độ độc tài của Hitler và nước Đức bị chia đôi từ đó. Đông Đức theo Chủ Nghĩa Cộng Sản và Berlin bị chia làm 4 do tứ cường cai trị. Đông Berlin do Nga, Tây Berlin chia ra làm 3 và do Mỹ, Pháp, Anh kiểm soát. Đây là một nỗi nhục của người dân Đức, họ phải gánh chịu suốt 40 năm trời (1949 – 1989). Bà Merkel năm nay 55 tuổi. Nghĩa là khi chia đôi Đông và Tây Đức bà chưa được sinh ra; nhưng Bà biết rất rõ về những gì mà Bà đã sống dưới chế độ Cộng Sản cho đến năm 1989.
Năm 1949 Thủ Tướng Adenauer đến Hoa Kỳ đọc diễn văn tại Quốc Hội, cả Thượng Viện và Hạ Viện; nhưng ông cố Thủ Tướng nầy phải đi đến 2 nơi để đọc bài diễn văn cùng một nội dung. Vì thuở bấy giờ người Mỹ đã chiến thắng và đã giúp nước Đức miền Tây; nhất là những chiếc cầu không vận Marshall để nuôi hơn 3 triệu dân của thành phố Berlin đông dân nầy.
Những năm 77 trở đi, tôi đã có mặt tại Tây Đức, mỗi lần đi sang Berlin là phải đi qua biên giới tại Marienborn cũng như biên giới Đông Tây Berlin. Mỗi lần như vậy bị tốn hằng hai hay ba tiếng đồng hồ về việc bị kiểm tra giấy tờ với những cái nhìn không thông cảm thân thiện mấy của những người cảnh sát biên giới, nam cũng như nữ. Nếu ai muốn đi nhanh hơn, hãy dùng máy bay Anh Quốc đi từ phi trường Hannover để bay đến Berlin Tegel trong vòng 30 phút. Sau năm 1989 người Anh, người Nga, người Mỹ, người Pháp đã trở về quê hương của họ, trả lại cho nước Đức một sự toàn vẹn lãnh thổ và những cái nhìn của công an biên phòng của Đông Đức trước năm 1989 không còn thấy nữa. Thay vào đó là những lời chào thân thiết của người dân Đức bên Tây mời gọi và bên Tây Đức đã tự động giúp đỡ cho bên Đông từ hơn 20 năm qua con số vật chất đã lên 2000 tỷ đô la. Đó là chưa nói đến lãnh vực tinh thần.
Năm nay (2009) sau khi đắc cử nhiệm kỳ 2 của Quốc Hội Liên Bang Đức, bà Merkel sang Hoa Kỳ vào tháng 11 năm 2009 với tư cách là Thủ Tướng của Cộng Hòa Liên Bang Đức. Cả Thượng Viện và Hạ Viện Hoa Kỳ đều tập trung lại và nghe cùng một bài diễn văn chỉ kéo dài trong 30 phút; nhưng có hơn 17 lần lưỡng viện Quốc Hội Hoa Kỳ vỗ tay cũng như đứng dậy. Đây là sự trưởng thành và lớn mạnh của người Đức bằng chính khả năng tự chủ của người dân Đức. Còn người Việt Nam chúng ta bao giờ mới có thể khiến cho thế giới tự đứng dậy ca ngợi như bà Merkel, hay Thủ Tướng CSVN đi đâu cũng phải đi ngõ sau? Còn trong nước lúc nào cũng đàn áp đối lập, đàn áp Tôn Giáo, nhất là GHPGVNTN vốn mấy ngàn năm nay đã gắn liền với vận mệnh của Dân Tộc Việt Nam. Người CSVN chỉ có khôn nhà và dại chợ. Còn trên trường quốc tế làm sao sánh được với nước Đức. Một dân tộc cũng bị chia đôi như chúng ta; nhưng sau 40 năm, họ thống nhất quê hương trong lành lặn, không đổ một giọt máu, không trả thù một cá nhân nào; ngay cả Honecker Chủ tịch CHDC Đức thuở ấy. Điều nầy cũng rất đúng với lời Phật dạy rằng: “Lấy oán trả oán, oán oán chất chồng. Lấy ân báo oán, oán liền tiêu diệt”. Người Đức theo Thiên Chúa Giáo và Tin Lành Giáo; chỉ có số nhỏ theo Phật Giáo; nhưng họ đã thể hiện lòng từ để xây dựng sự tin yêu giữa con người và con người; giữa tha nhân và đồng loại. Có như thế người Mỹ mới kính phục và cả Thượng Hạ Viện Hoa Kỳ mới đứng dậy hoan nghênh như vậy, mà việc nầy cách đây 60 năm về trước (1949) ông cố Thủ Tướng tiền nhiệm Adenauer đã không nhận được vinh dự nầy.
Dĩ nhiên là bà Merkel cũng rất có cảm tình với người tỵ nạn Cộng Sản Việt Nam; nên bà mới tham dự tại Troisdorf vào năm 1999 khi Cap Anamur kỷ niệm 20 năm thành lập. Năm nay 2009 bà với chức vụ Thủ Tướng rất bận rộn cho nhiều công việc bà không tới được. Nhưng cũng đã có thư chúc mừng gởi đến Ban Tổ Chức của Tượng Đài Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hamburg. Đây là thành quả của người Việt chúng ta qua 30 năm chung sống tại mảnh đất vốn mang nhiều tính chất lịch sử như thế nầy.
Trên đây là những tấm gương nổi bật của các chính khách và những nhà từ thiện Đức; nhưng cũng không thiếu những tấm lòng tốt của nhiều người Đức sống chung quanh người Việt Tỵ Nạn mình. Sau đây là những câu chuyện nhỏ.
Một hôm tôi nhận được lá thư của một bà già Đức gởi từ Mỹ về chùa Viên Giác Hannover. Sau khi đọc xong thư tôi gấp lại và nhớ lại nội dung của thư bà viết rằng: “Có một người Việt Nam gởi tặng tôi cuốn Dankeschön Deutschland (Cảm tạ xứ Đức) bằng cả tiếng Việt và tiếng Đức; nhưng tôi chỉ đọc được phần tiếng Đức. Vì tôi không biết tiếng Việt. Lâu lắm kể từ khi tôi qua đây tỵ nạn sau đệ nhị thế chiến (1945) mới thấy có được một tác phẩm khen người Đức như vậy. Còn ở đây, bên cạnh tôi, lúc nào tôi cũng nghe những người láng giềng nói những lời không tốt đẹp mấy về người Đức. Tôi viết thư nầy xin cám ơn Thầy, vì có được một người Á Châu hiểu chúng tôi như vậy”.
Nhìn nét chữ run run, tôi đoán bà năm nay cũng trên dưới 80 tuổi rồi. Ngày ấy Bà cũng giống như bao nhiêu những người khác trên thế giới. Riêng người Việt Nam ai lại không nhớ đến nạn đói năm Ất Dậu 1945. Ai lại không chịu cái khổ nhục của một dân tộc sau người Pháp đi, Nhật lại đến chiếm. Việt Nam quê hương tôi cũng đã có hơn 2 triệu người chết thuở bấy giờ. Còn bà Đức này trong cái rủi ro ấy lại có được cái may mắn là sang tỵ nạn tại Hoa Kỳ, nên ngày nay bà mới còn sống sót và hưởng lộc già. Nếu chẳng may còn ở lại Đông Đức cũng phải chịu chung số phận với những người khác và phải chịu khổ lụy hơn, cho đến năm 1989 mới bớt đi được. Nhưng thử hỏi tại sao người ta lại ghét người Đức như vậy?
Đây là một câu hỏi mà có rất nhiều cách trả lời khác nhau.
Có lẽ vì những gì của nước Đức sản xuất đều có thể liệt vào hạng tốt nhất. Ví dụ như xe Mercedes, BMW, Audi v.v... máy móc, đồ dùng gia dụng hằng ngày chất lượng ít kém thua các nước khác; nên người ta ganh tị chăng?
Có lẽ sau kết quả của thời kỳ Hitler cai trị khiến cho 4 hay 5 triệu người Do Thái đều bị giết chết, không một chút thương tâm. Cho nên người ta ghét Đức cũng phải.
Hoặc giả người Đức thông minh, có rất nhiều nhà Bác Học như Albert Einstein; những triết gia như Freud, Nietzsche, Herman Hesse v.v... họ là những người làm cho thế giới ngưỡng mộ; nhưng đồng thời cũng làm cho người trên thế giới chẳng ưa gì họ.
Một hôm tôi đang đi trên xe lửa, có một ông Đức ngồi bên cạnh gợi chuyện và sau một chặng đường dài hơn mấy trăm cây số, trước khi xuống xe ông ta giúi vào tay tôi 20 Đức Mã và nháy mắt cười, như thầm cho biết rằng: Đây là chút tình người vậy.
Rồi cũng một hôm, sau khi làm lễ cầu an cho một cửa tiệm của một người Việt Nam mới khai trương tại một ngôi làng nhỏ nằm giáp giới Hòa Lan; có hai ông bà Đức nghe giảng xong và thấy những người Việt Nam sắp hàng lên cúng dường chúng tôi, thì ông bà cũng làm như vậy và cho hay rằng: Ông bà đã đứng ra bảo trợ cho người Việt Nam từ hơn 30 năm nay; kể từ chuyến tàu Hải Hồng đầu tiên ấy và ông còn khen rằng: Người Việt Nam tốt chẳng ai bằng. Sống có tình cảm và luôn luôn tôn trọng những người già cả.
Mấy Thầy đệ tử của tôi sau những lần đi thuyết trình ở những trường học hay các Hội Nhà Thờ; hoặc giả những nơi công cộng khác về cho tôi biết rằng: Nhiều người Đức bảo rằng: Họ hay bị chê bai, bị miệt thị, bị khi dễ bởi những người láng giềng chung quanh biên giới. Trong khi đó người ngoại quốc ở đây lại tốt với họ hơn nhiều v.v...
Suốt hơn 30 năm nay chùa Viên Giác tại Hannover, tọa lạc ở khu kỹ nghệ và mỗi lần lễ lạc như Tết, Rằm tháng giêng, Phật Đản, Vu Lan v.v... không lúc nào là dưới 5000 người; xe cộ, người người qua lại, nói năng ồn ào, xả rác v.v... nhưng mới chỉ bị 2 lần người hàng xóm trách khéo mà thôi. Như thế họ quá tốt đấy chứ! Tại sao chúng ta không biết trân quý những điều nầy?
Cũng suốt trong thời gian ấy, mỗi năm như vậy có hằng ngàn người Đức đến chùa học Phật, cúng dường và về những năm sau nầy mỗi năm như vậy cả học sinh, sinh viên, lẫn người lớn ở trong nhiều Hội Đoàn khác nhau đến tham quan chùa và học hỏi cả hằng ba, bốn chục ngàn người. Nhưng có mấy người chê trách Phật Giáo hay kỳ thị người ngoại quốc đâu?
Riêng tôi, ở Đức từ năm 1977 đến nay chưa gặp điều ấy. Do vậy xin cảm ơn tất cả bằng tấm chân tình này đến nước Đức và đến nhân dân Cộng Hòa Liên Bang Đức.
Theo thuyết âm dương, ngũ hành thì cho rằng: Phàm như âm phát triển đến cực thịnh thì âm sẽ suy và dương sẽ bắt đầu phát triển. Sau khi dương phát triển đến điểm cao nhất, lại cũng là lúc trở về lại chỗ suy thoái lúc ban đầu và nhường vị trí ấy cho âm trở lại.
Theo triết lý của kinh Dịch cũng thế. “Phàm cái gì cùng thì tắc biến, sau khi biến lại thông và sau khi thông suốt thì trường cửu”. Sau khi trường cửu trở lại đường cùng và cứ thế biến đổi không ngừng theo chu kỳ đã có sẵn nơi thiên nhiên và vạn vật của đất trời.
Còn triết thuyết của Phật Giáo thì lại cho rằng: Con người hay vũ trụ vạn hữu tồn tại trên thế gian nầy đều phải trải qua bốn giai đoạn. Đó là: Thành, Trụ, Hoại, Diệt (Không). Vì sao vậy? Vì cái gì có hình tướng đều phải bị chi phối như thế cả. Không có một vật gì sinh ra trên đời này mà tồn tại mãi mãi được. Nghĩa là sau giai đoạn nầy lại đến giai đoạn khác.
Âu Châu cũng có câu tục ngữ: “Sau cơn mưa trời lại sáng” và sau khi sáng lại thay đổi để đi đến mây, mưa, gió v.v... như vậy tiện đây xin ghi lại vài cảm nghĩ về những tấm lòng tốt của người Đức đã có một thời gian như thế.
Viết xong tại Tu Viện Đa Bảo – Úc Đại Lợi
Ngày 23 tháng 12 năm 2009
Nhân lần nhập thất thứ bảy tại đây.
____________________________
Dự tri thời chí
● Thích Như Điển
Những người tu theo Pháp Môn Tịnh Độ, cầu sanh về Tây Phương Cực Lạc, chắc hẳn ai trong chúng ta cũng không lạ gì với 4 chữ trên. Bốn chữ ấy có nghĩa là: “Biết trước giờ chết”. Chỉ có 4 chữ thôi; nhưng người ta phải chiến đấu với tự thân, phải hành trì miên mật mới có thể đạt đến cảnh giới an nhàn khi hơi thở không còn tự mình làm chủ được nữa.
Đa phần khi sống, chúng ta ít để ý hay quan tâm đến những gì đang hiện hữu bên ta hay trong ta. Ví dụ như hơi thở hay tế bào. Kể từ khi còn nằm trong thai mẹ, ta đã thở cùng nhịp thở của mẹ và khi ta chào đời cho đến ngày nhắm mắt, khi nào hơi thở cũng ở bên ta; nhưng nào ta có quan tâm và chú ý đến. Trong khi ta thức hay ngủ, hơi thở vẫn tồn tại với đất trời và vạn vật để thải thán khí ra và buồng phổi của ta sẽ nhận khí Oxy vào; nhằm nuôi sống cơ thể nầy. Nhưng mấy ai để ý tận tường suốt cả một dòng đời về hơi thở trong 50, 60, 70 hay 80 năm ấy đâu. Để một ngày nào đó hơi thở dồn dập, đứt khoảng và cho đến khi không còn hít vào thở ra được nữa thì ta lại lo toan cho biết bao nhiêu nỗi khác nữa. Người còn sống lo cho người đang chết nằm đó và người chết đang lo chọn nghiệp để đi đầu thai v.v...
Khi còn trẻ, ai trong chúng ta cũng nghĩ rằng cái già và cái chết chưa đến với mình; nếu nó có đến, nó đến với người khác già hơn mình, bệnh hơn mình, chứ chưa đến phiên mình đâu mà lo, mà sợ. Rồi cứ như thế, dong ruỗi theo dòng đời trong sóng gió ba đào ấy, trồi lên hụp xuống không biết bao nhiêu lần, để rồi một ngày nào đó nhìn lại thân thể của chính mình đã không còn đẹp đẽ như ngày nào nữa. Bây giờ da đã nhăn, tóc đã bạc, răng đã bắt đầu đau, lưng không còn ngồi thẳng được như xưa nữa và nhất là sắc diện của da, của các tế bào đâu còn hồng hào đẹp đẽ như lứa tuổi 20, 30 nữa. Lúc bấy giờ người ta mới ngồi để nhẩm lại thời gian và quyết làm cái gì đó cho thật có ý nghĩa, trước khi từ giã cõi đời nầy. Nhưng đa phần nhiều người đến lúc chết vẫn chưa biết quan tâm về sự vô thường, lẽ sinh diệt cũng như định luật thành, trụ, hoại, không. Họ cứ thế chạy mãi theo vật chất và lợi danh, khiến mình trở thành con thiêu thân trong sự luân hồi sanh tử lúc nào cũng chẳng hay biết nữa.
Có nhiều người đi xuất gia lúc còn trẻ. Vì căn duyên đời trước họ đã có nhơn lành với Tam Bảo; nên đời nầy họ sớm bỏ tục để xuất gia và vào chùa học đạo, lúc tuổi còn thiếu niên. Cũng có lắm người sống ở đời đã kinh nghiệm và đã từng trải với bao nhiêu cuộc bể dâu của nhân thế rồi, nên sau đó mới xin thế phát quy y, xuất gia đầu Phật. Việc nầy xưa nay đã xảy ra rất nhiều.
Hôm nay tôi muốn viết bài nầy để gởi đến quý độc giả xa gần, nhằm giới thiệu một “Hiện tượng vãng sanh” đã biết “Dự tri thời chí” để cho mọi người xuất gia cũng như tại gia có một ít bằng chứng, nhằm tô bồi thêm cho niềm tin của mình khi phát nguyện vãng sanh.
Từ năm 1982 đến năm 2010, trong gần 30 năm đó, tôi đã độ cho 50 người đệ tử xuất gia. Người Đức có, người Việt có, người Việt gốc Hoa, gốc Mỹ cũng có và sau gần 30 năm ấy có 4 Sư Cô đã ra đi với hình hài vóc dáng của mình là một Tăng nhân; khoảng 10 người đã trả lại áo cho Thiền Môn và gia nhập lại đoàn quân thế trần để tiếp tục chiến đấu với sanh tử. Số còn lại 36 người vẫn còn tiếp tục tu hành và đa phần thực tập cũng như hành trì theo pháp Môn Tịnh Độ.
Trong 4 Sư Cô đã ra đi đó có 3 Sư Cô lớn tuổi là: Sư Cô Hạnh Niệm, Sư Cô Hạnh Tịnh và Sư Cô Hạnh Châu. Ba vị nầy ra đi ở tuổi trên 70 và gần 90. Riêng Sư Cô Hạnh Như trẻ hơn và khi Cô ra đi không bị cái già, cái bịnh nó chi phối. Vì lẽ Cô chỉ biết cái khổ của khi sinh và khi chết; còn 2 giai đoạn của tuyến đường sanh tử trong 4 cái khổ ấy, Cô đã thoát được khỏi cả hai.
Câu chuyện hôm nay đặc biệt tôi viết về Sư Cô Hạnh Châu, người mới theo Phật vào mùa Vu Lan Báo Hiếu năm 2009 nầy để mọi người cùng chiêm nghiệm. Tôi sợ để lâu ngày tháng qua đi, sẽ quên dần những điểm chính yếu trong sự vãng sanh thì uổng phí cho những người muốn tìm hiểu đến việc nầy.
Sư Cô đến chùa Viên Giác tại Hannover kể từ khi chùa còn bên đường Eichelkampstr. Lúc ấy Sư Cô đã ngoài 60 tuổi rồi. Người Huế ăn nói nhỏ nhẹ và lễ phép như xưa nay vậy. Sau một thời gian làm công quả ở chùa, Cô có ý muốn xuất gia. Tôi hơi do dự; nhưng cuối cùng lại đồng ý. Vì lẽ Cô đã lớn tuổi rồi, muốn cầu giải thoát sanh tử mà mình không cho, quả là hẹp hòi. Nhưng cái lệ của người muốn xuất gia tại chùa Viên Giác là phải thuộc hai thời công phu bái sám trước khi xuống tóc, mà khó nhất là Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm. Trong khi Cô không rành mặt chữ mấy. Vì thế hệ của nhiều người Việt Nam mình, khi sanh vào đầu thế kỷ thứ 20, đôi khi ngày sanh ra đời, cha mẹ còn không nhớ, có đâu nhớ đến việc cho con cái đi học ở trường. Người Việt mình sinh con hơi nhiều, là vì xứ nông nghiệp và muốn có người chăm lo đồng áng cho gia đình. Chứ ngày xưa khi sinh con ít có người quan niệm rằng: phải lo cho con cái ăn học thành tài. Ngay cả ngày nay những dân tộc văn minh nhất nhì trên thế giới; nhưng người không biết chữ cũng không phải là ít.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 nhiều lúc trong khi giảng pháp Ngài cũng có nhiều lần đề cập đến Mẹ của Ngài. Ngài cho biết rằng: Mẹ Ngài cũng không biết chữ; nhưng cái tình thương từ mẹ Ngài đã nuôi Ngài lớn như ngày hôm nay và sở dĩ lòng từ bi mà Ngài có được hôm nay không phải từ Tôn Giáo Ngài nhận được, mà chính là từ tình thương của người Mẹ không biết chữ kia. Như vậy có nghĩa là văn hóa nó chỉ giúp cho con người mở rộng tầm hiểu biết; chứ chữ nghĩa không sinh ra từ tình thương và lòng từ bi được. Vì đây là những việc tự nhiên, không cần phải đi học ở trường đời hay trường Đạo mới có được.
Mỗi tuần hay hai tuần tôi thường hay dò bài quý Cô, quý Chú một lần và lần nào thấy Cô Hạnh Châu cũng thuộc bài. Tôi có hỏi Cô cách học Kinh như thế nào khi không làu chữ quốc ngữ, thì Cô bảo rằng: “con nhờ Sư Chú đọc qua 1 câu rồi 2 câu cho đến 5 câu và con lắp vần lắp chữ, lắp câu lại để nhẩm đi nhẩm lại nhiều lần. Cho nên con thuộc được”. Đó là cách học của Cô. Còn nhiều người ỷ mình thông minh, giỏi chữ nghĩa; nhưng không định tâm để học thì 3 năm, 5 năm hay nhẫn đến 10 năm cũng khó mà thuộc được Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm. Vì đây là loại Kinh khó đọc, khó tụng và khó hiểu nhất. Cho nên trong chùa hay nói rằng: “Làm lính sợ ải, làm sãi sợ Lăng Nghiêm” là vậy. Ai đi lính rồi, qua đèo qua ải mà chẳng sợ. Ai đã một lần cạo tóc làm nhà Sư rồi, thì biết Lăng Nghiêm nó khó vào bực nào. Nhưng sau Lăng Nghiêm lại còn Kinh Di Đà, Hồng Danh Sám Hối, Mông Sơn Thí Thực, và 2 quyển luật Tỳ Ni, Oai Nghi nữa. Quả là một núi chữ; nhưng cuối cùng Sư Cô đã vượt qua hết, để được thọ Sa Di Ni, Thức Xoa Ma Na (Nữ học giới). Từ Thức Xoa muốn thọ Tỳ Kheo Ni phải ít nhất 2 năm nữa và phải thuộc hay trả lời rành rẽ luật của Sa Di Ni, Thức Xoa và Quy Sơn Cảnh Sách. Đây là những cái ải cuối cùng của những người muốn dự vào chốn: “tuyển Phật Trường”. Nghĩa là người đi xuất gia, thọ giới là người muốn tham dự vào chốn tuyển người làm Phật; nên không có cái khó nào của thế gian có thể sánh được cho cùng.
Dầu cho tuổi lớn đến bao nhiêu đi chăng nữa; nhưng khi đã phát tâm xuất gia, thọ giới thì phải thức khuya, dậy sớm, học Kinh, Luật, Luận hằng ngày và làm công quả trong những giờ rảnh để vun trồng phước đức cho chính tự thân của mỗi người. Công việc tuy nhẹ. Vì thấy hơi nhàn hạ. Cho nên có nhiều người mới buộc miệng bảo rằng: “Muốn rảnh rang thì vào chùa mà ở”. Điều nầy hẳn lầm! ở chùa thân và tâm lúc nào cũng bận rộn hết. Người nào muốn tìm sự nhàn hạ thì không nên ở chùa. Khi vào chùa với tâm niệm “xúc sự diện tường” như vậy, quả là tạo thêm gánh nặng cho nhà chùa và làm hao mòn cơm gạo của Đàn Na Tín Thí.
Cuối cùng rồi Cô cũng đã thọ được giới Tỳ Kheo Ni và mỗi sáng sớm Cô vẫn thường hay ngồi thiền, tụng Kinh Lăng Nghiêm, đi kinh hành nhiễu Phật trên chánh điện của chùa mới từ năm 1991 đến năm 2005. Suốt trong gần 15 năm ấy Sư Cô Hạnh Châu vẫn tinh tấn tu học. Giờ học nào của quý Thầy dạy cũng đều có mặt Cô. Giờ tụng giới Bồ Tát, An Cư kiết hạ... cho đến mùa An Cư sau cùng của năm 2009 Sư Cô vẫn tham dự. Quả là một sức chịu đựng dẻo dai của người gần 90 tuổi như vậy.
Những năm sau nầy tôi thấy Sư Cô già yếu quá; nên bảo Cô và Sư Cô Hạnh Ân mỗi sáng khi chư Tăng tụng Kinh tại Chánh Điện quý Sư Cô có thể hành trì niệm Phật tại phòng riêng của mình; chứ già rồi, lên xuống thang cấp của chùa nhọc nhằn lắm. Thế là những tiếng trì Kinh và niệm Phật của quý Sư Cô lớn tuổi lại vang vọng hằng đêm và vào mỗi sáng tinh sương tại liêu phòng ở tầng một của quý Sư Cô không sót một ngày nào. Dầu cho có bịnh cũng không về nhà, cốt khỏi làm phiền con cháu. Lúc nào cũng tâm niệm rằng: sống cũng ở chùa mà chết cũng ở tại chùa. Do đó lúc nào quý Sư Cô cũng chỉ nhiếp tâm trong câu niệm Phật hiệu A Di Đà.
Những năm gần đây Cô hay thưa với tôi rằng: “Khi con chết con muốn mất tại chùa và lúc ấy có chư Tăng đông đủ cùng Sư Phụ nữa”. Tôi hay cười và trả lời rằng: “Cô cứ nguyện như thế đi, biết đâu đủ duyên thì được. Còn tôi hay đi chỗ này chỗ nọ, làm sao mà biết trước được”. Cô cũng cười chỉ còn trơ lại hai hàm nướu và răng chẳng còn sót lại cái nào; nên tôi hay nói với Cô rằng: “Pháp Danh của Cô bây giờ là: Hăng rết (hết răng) chứ không còn là Hạnh Châu nữa”. Cô vẫn cười và tiếp tục chống gậy đi, trên tay luôn luôn có mang theo một tràng hạt.
Cuối đời của Cô, Cô hay để dành tiền và dùng tiền già, tiền lì xì của con cháu và Phật Tử cho Cô, Cô đem ấn tống Kinh sách, giúp người nghèo tại Việt Nam hoặc giả để dành lo cho hậu sự; nhưng lúc nào cũng vui vẻ, hoan hỷ. Chưa bao giờ thối thác khi có người đem sổ đến quyên tiền, Cô cúng không nhiều thì ít lúc nào cũng có.
Trước mùa Vu Lan Báo Hiếu năm 2009 Sư Cô thưa với tôi rằng: “con muốn đi trong mùa Vu Lan nầy quá và sau khi thiêu xác, con muốn đem về nơi đất Phật để rải cốt tại đó”. Tôi bảo: “Cô còn mạnh; sao nói đến chuyện chết được”. Việc nầy cũng có nhiều lý do: Vì ở tuổi 90 Cô chưa hề lẫn và quên một việc gì, ai đến thăm Sư Cô, Cô đều nhớ tên hết. Điều đặc biệt hơn nữa là không làm phiền quý Cô khác khi đêm đến hay sáng ra, mà Cô tự lo chăm sóc cho thân già của Cô về việc vệ sinh cá nhân; chứ không trách móc, tủi thân hay buồn bực, mà lúc nào trên môi Cô cũng có câu niệm Phật. Đôi khi người ta còn trẻ mà vẫn mê muội lú lẫn như thường; còn ở đây già ngần ấy tuổi mà vẫn còn sáng suốt như vậy thì ai mà chẳng muốn sống lâu.
Đến ngày 04 tháng 09 năm 2009 nhằm ngày 16 tháng 07 âm lịch năm Kỷ Sửu thì sức khoẻ của Sư Cô yếu dần thấy rõ. Bác Sĩ Dienemann khuyên đem vào bệnh viện để chuyền nước biển; nhưng Cô chối từ và muốn được ở lại chùa. Cuối tuần đó là Lễ Vu Lan của chùa Viên Giác tổ chức nên chùa cũng bận rộn không phải là ít. Kẻ đến người đi, kẻ vào người ra nhộn nhịp vô cùng. Những giờ cuối của ngày thứ sáu nhằm 04 tháng 09 năm 2009 tuy Cô rất mệt, thở ra vào khó khăn lắm; nhưng ai đến Cô cũng biết và Cô muốn được ra đi trong mùa Vu Lan nầy. Ý nghĩ ấy hiện ra rõ trên nét mặt của Cô nhiều hơn nữa, nhất là sau những cái trở mình và ngồi dậy như người chẳng có chuyện gì đã xảy ra trước đó.
Khoảng 21 giờ đêm ngày 04 tháng 09 năm 2009, sau thời giảng pháp của Hòa Thượng Thích Kiến Tánh trên chánh điện, tôi và Ngài vào phòng Sư Cô để trợ niệm vãng sanh mấy tràng hạt niệm Phật hộ niệm và tụng một biến Kinh A Di Đà. Tiếp đó Thầy Hạnh Vân, Hạnh Hòa, Hạnh Giới, Hạnh Lý và quý Sư Cô cũng như quý Phật Tử trợ niệm suốt cả đêm tối ấy cho đến sáng ngày thứ bảy nhằm ngày 17 tháng 07 âm lịch. Lúc nầy mọi người về chùa càng lúc càng đông và ai nghe nói Sư Cô sắp ra đi cũng đều đến phòng để chung lời hộ niệm. Thế là tiếng niệm Phật vang dội khắp nơi dưới tầng một của chùa.
Đúng 3 giờ chiều ngày thứ bảy, sau khi tôi giảng pháp và cầu nguyện trên Chánh Điện xong, thì Sư Cô Hạnh Bình lên báo tin là: Sư Cô Hạnh Châu đã ra đi rồi và tất cả mọi người hiện diện đều đồng thanh hộ niệm: “Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật” ba lần và giờ ấy tôi chính thức báo tin rằng: chúng tôi xin vô cùng hoan hỷ báo tin cùng chư Tôn Đức và quý Phật Tử xa gần rằng: “Sư Cô Thích Nữ Hạnh Châu đã thuận thế vô thường ra đi trong trạng thái vãng sanh vào lúc 15 giờ ngày 05 tháng 09 năm 2009 nhằm ngày 17 tháng 07 năm Kỷ Sửu với thế thọ 90 tuổi; hạ lạp 14 và xuất gia niên lạp 22”. Ai ai cũng tỏ vẻ vui mừng. Vì Sư Cô đã chọn đúng theo điều ước nguyện của mình.
Ở chùa Viên Giác với những đám cưới thân quen, tôi thường hay chia buồn với cô dâu và chú rễ. Những người tham dự hơi ngạc nhiên; nhưng sau khi giải thích, thấy và biết được lý do chính đáng rồi, mọi người mới gục đầu và nhoẻn miệng cười một cách ý vị. Tôi bảo rằng: Sở dĩ Thầy chia buồn, vì cô cậu lâu nay sống tự do thoải mái, đi đâu và làm gì cũng không bị ràng buộc; ngay cả việc chi tiêu tiền bạc của ai nấy xài, chẳng ai hỏi ý ai. Còn bây giờ tất cả đều mất hết sự tự do. Vậy có gì vui mà chung vui. Cho nên Thầy xin chia buồn hay nói đúng hơn là chia xẻ với cô cậu sự mất mát ấy vậy.
Hiện tượng được vãng sanh của Sư Cô Hạnh Châu được thể hiện qua những sự kiện sau đây:
Việc thứ nhất là Sư Cô biết trước ngày ra đi của mình và chọn ngày lễ Vu Lan như đã dự định trước cũng như Sư Cô mong muốn có đông đảo chư Tăng Ni và Phật Tử hộ niệm cho Sư Cô trong lúc ra đi, thì điều nầy đã đạt thành sở nguyện.
Việc thứ hai là sau khi tắt thở miệng Sư Cô hả lớn; nhưng sau khi niệm Phật độ một tiếng đồng hồ thì miệng Sư Cô tự động đóng kín trở lại. Sau 8 giờ liên tiếp niệm Phật như vậy, quý Sư Cô khác trông lo việc lau mình tắm rửa cho Sư Cô; nhưng tuyệt nhiên cửu khiếu (gồm chín đường ra vào của hai con mắt, hai lỗ tai, hai lỗ mũi, miệng và đường đại tiện và đường tiểu tiện) không tiết ra một chất dơ nào cả và thân thể Cô vẫn mềm mại như khi còn sống, mặc dầu để xác của Cô tại phòng ở chùa cho đến sáng thứ hai ngày 07 tháng 09 năm 2009 nhà quàng mới đến, để làm lễ tẩn liệm cho Sư Cô. Như vậy là sau hơn 40 tiếng đồng hồ mà thi thể vẫn không thay đổi.
Việc thứ ba là vào ngày 10 tháng 09 năm 2009 quan tài của Sư Cô được đưa trở lại chùa để tụng Kinh Địa Tạng qua hai đêm, chờ đến sáng thứ bảy ngày 12 tháng 09 năm 2009 thì đưa đám. Trong thời gian nầy trời quang mây tạnh, nhưng vồng cầu năm màu xuất hiện trên đỉnh tháp bảy tầng của chùa Viên Giác. Đây cũng là một hiện tượng của sự vãng sanh. Giống như trường hợp của cố Thượng Tọa Thích Thiện Thông mà tôi đã viết trong quyển: “Có và Không” trong những năm trước.
Trước khi Sư Cô tắt thở vào lúc 15 giờ chiều ngày thứ bảy 05 tháng 09 năm 2009 có một trận mưa rào thật lớn; giống như hoa rơi mà cả hằng ngàn người tham dự lễ Vu Lan hôm ấy tại chùa Viên Giác đều đã chứng kiến. Ngoài ra sau khi thiêu Sư Cô có để lại một ít xá lợi. Như vậy những điều như trên cho chúng ta thấy và hiểu ra được rằng sự thể hiện như vậy là hiện tượng của sự vãng sanh.
Theo như trong các kinh điển của Phật Giáo và kinh sách của Tây Tạng có cho biết rõ ràng về thân trung ấm của một chúng sanh như sau:
Nếu chúng sanh ấy sống trong đời nầy giữ tròn năm giới cấm của Phật chế. Đó là không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối và không uống rượu thì khi lâm chung, thần thức sẽ xuất ngay ra khỏi thi thể và tùy theo nghiệp lực cứ đi theo đó mà chọn nghiệp để đầu thai kể từ ngày thứ nhất cho đến 21 ngày và trễ nhất là 49 ngày.
Nếu chúng sanh ấy sống trong đời nầy và đời trước hoàn toàn làm những việc thiện trong 10 thiện nghiệp. Có nghĩa là: không sát sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không nói lưỡi đôi chiều, không nói lời thêu dệt, không nói lời hung ác, không tham, không sân, không si thì những người như thế sau khi mất, thần thức sẽ được bay cao lên và sanh về cõi chư Thiên. Ngay cả những người làm phước bố thí, cúng dường, tin vững lý nhân quả và Đại Thừa cũng sẽ được sanh vào ở những thế giới cao hơn.
Nếu chúng sanh ấy trong đời nầy hoặc trong những đời trước chỉ toàn làm những ác nghiệp như: giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, phá hòa hợp Tăng và làm thân Phật ra máu cũng như Nhất Xiển Đề, khi chết không biết tàm quý và không có những Thiện Hữu Trí Thức hộ niệm thì thần thức sẽ rơi vào ngay nơi cõi Địa Ngục.
Còn những chúng sanh nào sau 49 ngày mà vẫn chưa đi đầu thai được thì sẽ trở thành cô hồn lang thang đây đó đầu ghềnh, thác nước, cây đa, bến đò, chùa, miễu v.v... những hồn cô độc nầy rất cần đến nhiều nơi cúng kiếng và nương tựa để được giải thoát.
Người Phật Tử phải tin vào nhân quả, vì nhân nào thì quả nấy, không sai mảy may chút nào cả. Nhân quả xưa nay không lầm lẫn bao giờ. Trong kinh Phật dạy rằng: “Vạn pháp giai không, nhân quả bất không”. Điều ấy có nghĩa là: Mọi pháp trong thế gian nầy cái gì cũng trở thành không hết cả; nhưng nhân và quả là những mắc xích dây chuyền với nhau, khi đã gây ra rồi thì phải chịu quả báo lành hay dữ là tùy theo hành động lành dữ, thiện ác của mình trong quá khứ dẫn dắt lại.
Sư Cô Hạnh Châu cũng đã chọn ra đi đúng với những ngày mà cá nhân của tôi tạm rảnh rỗi, không có Phật sự ở đâu cả. Ví dụ như ngày ra đi của Cô nhằm lễ Vu Lan và ngày tiễn biệt Sư Cô vào sáng sớm ngày 12 tháng 09 năm 2009 cũng vậy. Một điều khác khó nghĩ nữa là vào ngày 24 tháng 10 năm 2009 nhằm ngày mùng 07 tháng 09 âm lịch (thứ bảy) ngày ấy là ngày làm tuần 49 ngày của Sư Cô, tôi một lần nữa lại có mặt tại chùa và hôm đó chùa Viên Giác cũng như gia đình của Cô có làm lễ Trai Tăng và cũng có rất đông Tăng Ni, Phật Tử về tham dự.
Điều cuối cùng theo ước nguyện của Sư Cô Hạnh Châu là đem tro về rải trên đất Phật. Việc nầy cũng lại hy hữu nữa. Thông thường thì mỗi năm tôi đi Ấn Độ một lần và thường định trước chương trình cả năm và vé máy bay đã đặt trước đó ít nhất là 3 đến 6 tháng. Nhưng đây lại là một sự trùng hợp ngẫu nhiên nữa. Sau tuần 49 của Sư Cô một tuần thì tôi đi Ấn Độ. Do vậy tôi có nói cho Thầy Hạnh Giới rõ biết việc nầy và Thầy ấy đã liên hệ nhà quàn để lo giấy tờ thủ tục xuất gởi đi Ấn Độ. Vào ngày 01 tháng 11 năm 2009, sau khi tham dự lễ Thọ Bát Quan Trai tại Chi Hội Nürnberg, tôi tiếp tục đi đến phi trường München và máy bay cất cánh tại đó cùng với hài cốt của Sư Cô mang sang Thái Lan và cuối cùng đã đến Bồ Đề Đạo Tràng vào ngày 03 tháng 11 năm 2009 và tất cả đều thông suốt, không bị một trở ngại nhỏ nào cả.
Gần một tuần lễ để hài cốt của Sư Cô tại Trung Tâm Tu Học Viên Giác ở Bồ Đề Đạo Tràng đến ngày 08 tháng 11 năm 2009 Cô được cúng chung với Sư Phụ của chúng tôi là cố Hòa Thượng Thích Long Trí đã viên tịch ở Hội An từ 11 năm về trước và sau lễ Trai Tăng, chư Tăng Ni đã lên xe, mang hài cốt của Sư Cô rải xuống sông Ni Liên Thiền; nơi Đức Phật đã tắm gội ở đây để trước khi lên đất liền, ngồi tỉnh tọa dưới gốc cây Bồ Đề trong vòng 49 ngày và sau đó ngài đạt được đại ngộ với danh hiệu là Phật Đà.
Tuy nước sông Ni Liên Thiền mùa nầy không có nhiều, vì là mùa nắng của Ấn Độ; nhưng khi mùa mưa đến sẽ mang cốt thiêu của Sư Cô hòa tan cùng với đất trời vạn vật để trở về cõi vô tung mà Sư Cô vẫn hằng mong ước. Vì đến đã không mang được gì ở cõi Ta Bà nầy ngoài nghiệp lực, thì sau khi đi cũng xin gởi lại tất cả ở chốn trần ai phiền lụy nầy. Vì lẽ:
“Trăm năm trước thì ta chưa có
Trăm năm sau có cũng như không
Cuộc đời sắc sắc không không
Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi”.
Đúng là như vậy. Dẫu cho Sư Cô sống gần một thế kỷ ở trên cõi đời nầy; nhưng thử hỏi trước 100 năm ấy Sư Cô là ai và từ đâu đến? Chắc chắn Sư Cô không thể trả lời được; nếu có, chỉ là một cái nhoẻn miệng cười. Rồi sau gần 100 năm ở trên trần thế nầy Sư Cô cũng đã có tất cả, không thiếu một thứ gì; nhưng khi chết đi hai bàn tay cũng buông xuôi, đâu có mang theo được một vật dụng tùy thân nào đâu. Cũng may là khi còn sống Sư Cô đã thức thời, biết cắt ái ly gia, biết làm phước, bố thí, cúng dường, biết nhơn quả, tội phước, biết gieo trồng căn lành cho đời sau v.v... chính nhờ tấm lòng từ bi ấy mà trên từ chư Tôn Đức thương tưởng, dưới đến các Phật Tử khắp nơi đều quý mến Sư Cô; cho nên cái còn ấy không hình tướng, mà nó lại còn hoài với đời, với Đạo. Cái mất có hình tướng, là cái mất của sự đối đãi, nó không bền chặt với thời gian và năm tháng.
Có nhiều vị Tôn Túc sau khi dự đám Tang của Sư Cô thì buột miệng nói rằng: “Chưa chắc quý Hòa Thượng, quý Sư Bà khi ra đi mà phước ít, thì làm sao có được một sự ra đi giải thoát như vậy!”. Đây là sự thật; vì khi còn sống, nắp quan tài chưa đậy lại, ai muốn nói gì thì nói. Bởi nhân quả chưa hiện ra rõ ràng; nhưng khi hơi thở cuối cùng đến với mọi người, lúc ấy mới rõ biết là:
“Lênh đênh qua ải thần phù
Khéo tu thì nổi vụng tu thì chìm”.
Bất cứ một việc làm gì, khi nhìn kết quả của sự việc, ta sẽ biết nguyên nhơn của việc ấy và ngược lại, nếu muốn biết kết quả của một việc xảy ra cho được tốt đẹp, thì ngay trong hiện tại phải lo gây cái nhân thật tốt là vừa. Câu kệ ngày xưa chư Tổ Sư truyền thừa cho đến ngày nay chắc vẫn còn hữu hiệu:
“Dục tri tiền thế nhơn
Kim sanh thọ giả thị
Dục tri lai thế quả
Kim sanh tác giả thị”.
Nghĩa là:
“Muốn biết nguyên nhơn của đời trước
Thì xem cái kết quả của đời nầy
Muốn biết cái quả ở ngày sau
Xin xem cái nhân đang gây ra trong hiện tại”.
Đây được gọi là nhân quả trong 3 đời. Nếu nói nhân quả trong nhiều đời, nó lại càng chằng chịt nhiều hơn nữa; nhưng nói cho cùng thì kết quả của cái nầy, sẽ chính là cái nhơn của cái kia. Cái nầy sanh, cái kia cũng sanh; cái nầy diệt, thì cái kia cũng diệt. Nó biến đổi liên hoàn như vậy.
Mỗi chiều hay mỗi tối, có nơi mỗi khuya ở tại các chùa, khi tụng Kinh đến phần Sám thì hay cử các bài Sám: “Nhất tâm quy mạng” hay “Sám Khể thủ” v.v... đại ý của những bài Sám nầy chư vị Tổ Sư muốn trùng tuyên lại ý nghĩa của việc cần cầu vãng sanh của chúng ta, đang sống ở thế giới Ta Bà đầy dẫy những oan khiên nghiệt ngã như thế nầy và ý nguyện của chúng ta, qua nguyện lực của Đức Phật A Di Đà, sẽ được tiếp dẫn về thế giới Tây Phương Cực Lạc; nơi đó sẽ không còn sanh, già, bệnh, chết và luân hồi sanh tử nữa.
Trong đời mạt pháp nầy pháp môn Tịnh Độ là một pháp môn tối thắng. Do từ lực của Đức Phật A Di Đà mà ta sẽ được sanh sang nước Cực Lạc; nếu chúng ta chí tâm tha thiết muốn được sanh về thế giới của Ngài. Các vị Bồ Tát như Ngài Phổ Hiền cũng đều phát nguyện sau khi lâm chung đều được sanh về thế giới của Đức Phật A Di Đà. Hoàng Hậu Vi Đề Hy, sau khi thấy A Xà Thế giam Vua Tần Bà Sa La vào ngục thất, Bà cầu Đức Phật Thích Ca giúp bà sanh về thế giới nào mà không bị những chướng duyên như thế. Cuối cùng qua “Kinh Quán Vô Lượng Thọ” chúng ta biết rằng Hoàng Hậu Vi Đề Hy phát tâm sanh về thế giới nầy. Rồi đến các vị Tổ của Trung Hoa như Ngài Huệ Viễn, Ngài Thiện Đạo, Ngài Ấn Quang Đại Sư v.v... tất cả đều nguyện sanh và đã sanh về thế giới Tây Phương. Ở tại Nhật Bản Ngài Pháp Nhiên, Ngài Thân Loan là những vị Tổ của Tịnh Độ Chơn Tông cũng đã nguyện sanh về cảnh giới giải thoát nầy. Ở Việt Nam chúng ta có Ngài Đàm Hoằng tu tại núi Tiên Du, Bắc Việt vào thế kỷ thứ 4 cũng đã vãng sanh về Tây Phương Tịnh Độ.
Những vị ở thế kỷ thứ 19, 20 tại Việt Nam cũng như Thái Lan viên tịch trong tư thế chắp tay niệm Phật và thác hóa như Ngài Hổ Phách Thiền Sư, Ngài Phổ Tế Thiền Sư (Thái Lan) v.v... ngày nay nhục thân các Ngài vẫn còn ngồi đó. Hay Sư Bà Đàm Lựu viện chủ chùa Đức Viên ở San Jose Hoa Kỳ, tu theo pháp môn niệm Phật, sau khi thiêu quả tim vẫn còn và hiện đang thờ tại chùa Đức Viên và còn vô số chư Tăng, Ni và nhiều Phật Tử khác cũng đã thực chứng được pháp môn nầy.
Vậy không có gì để nghi ngờ nữa, mà qua 6 chữ Hồng Danh “Nam Mô A Di Đà Phật” chúng ta nên cố gắng hành trì qua ba điều quan trọng là Tín, Nguyện, Hạnh. Theo như Phật Giáo Trung Hoa và Việt Nam, chúng ta đã thực hành lâu nay; hoặc qua 5 tiến trình của sự giải thoát theo Tịnh Độ Tông Nhật Bản là: chí tâm, tín nhạo, dục sanh. Ba tâm nầy do hành giả tự phát nguyện và hai tâm sau như: Nhiếp thủ và bất xả là do chư vị Bồ Tát và chư Phật gìn giữ chúng ta khi chúng ta đã được sanh về nơi Cửu Phẩm Liên Hoa.
Nay tôi viết bài nầy không chỉ để tán dương Sư Cô Thích Nữ Hạnh Châu, mà còn để giới thiệu một hành giả tu Tịnh Độ với tâm cương quyết vãng sanh, thì trước sau lời nguyện ấy cũng sẽ được chư Bồ Tát và chư Phật tế độ cho. Có nhiều người nói rằng: những gì không thấy không nghe, không hiểu không rõ biết thì khó tin theo và thực hành. Nhưng cũng có lắm điều chúng ta không thấy, mà chúng ta vẫn tin rằng: Nếu không có chúng thì chúng ta sẽ chết. Ví dụ như không khí chẳng hạn.
Do vậy đây cũng là lời cuối, xin nhắn gởi đến những ai chưa phát tâm thì hãy phát tâm và khi đã phát tâm rồi, nên dõng mãnh tinh tấn hơn nữa để được dự vào “Liên Trì Hải Hội” của Đức Phật A Di Đà đang chờ đợi chúng ta.
Viết xong ngày 24 tháng 12 năm 2009
tại Tu Viện Đa Bảo Úc Đại Lợi
nhân lần nhập thất thứ 07 tại đây.
_______________________
TASMANIA Ở ĐÂU ?
● Thích Như Điển
Tàu Tasmania đi từ Melbourne đến Devonport
Dĩ nhiên là có nhiều người đã biết địa phương và tên gọi này, nhưng chắc chắn có lắm người không biết, kể cả người viết bài này. Với tôi thì tên ấy đã nghe qua nhiều lần; nhưng đặt chân đến đó, đây là lần đầu tiên.
Tôi nhớ vào cuối năm 1979, nghĩa là cách đây 30 năm, lần đầu tiên đến Úc, thấy cái gì cũng lạ, ngay cả những tia nắng của xứ Nam Bán Cầu và những cây Bạch Đàn thơm mùi lá Khuynh Diệp. Những con chim, con kiến, con ruồi, con muỗi v.v… thấy cái gì cũng khác. Nhưng nhà cửa và cách kiến trúc ở đây chẳng khác gì mấy so với nước Anh. Vì chính người Anh đã mang tất cả những sự văn minh của bản xứ họ đến đây từ đầu thế kỷ thứ 19, hoặc trước đó nữa.
Tôi thấy cách kiến trúc cũng như tên những địa phương ở Úc không lạ với Anh, vì lẽ cái gì ở Anh đã có, họ chỉ cần thêm chữ New vào phía trước danh từ đã có tại Anh là có được tên gọi mới. Ví dụ như ở Anh có địa phương South Wales thì ở Úc họ chỉ cần thêm chữ New thành tiểu bang New South Wales. Tiểu bang này có thủ phủ là Sydney và lớn gấp 3 lần nước Việt Nam; nhưng dân số thì rất ít. Chữ Hampshire đã có ở Anh thì ở Úc họ đặt là New Hampshire. Một hôm tôi đi đến miền trung của Anh Quốc, gặp một địa danh là York và tôi liên tưởng ngay đến New York tại Hoa Kỳ. Dĩ nhiên người Anh đi đến đâu họ cũng mang quê hương họ đến đó, ngay cả ngôn ngữ, văn hóa, phong tục và tập quán nữa. Người Việt Nam chúng ta cũng giống như vậy. Đi đến Hoa Kỳ thì thành lập Little Saigon, để nhớ về quê hương một thời trong dĩ vãng, vốn là Thủ Đô của nền Đệ Nhất và Đệ Nhị Cộng Hòa từ năm 1954 đến 1975. Dĩ nhiên trước đó hơn 200 năm Saigon đã được đọc trại từ chữ Tây Cống của người Hoa muốn gọi địa phương này.
Còn Tasmania? Đây là danh từ của người Thổ Dân, họ đặt ra và họ đã có mặt tại đây cũng như nước Úc từ 60.000 năm trước. Họ là những người di dân từ Phi Châu qua Á Châu và đến Úc để sinh sống từ cái thuở xa xưa ấy chứ không phải chỉ mới 200 năm nay, khi người Anh mới đặt chân đến xứ này. Đảo Tasmania nằm phía Nam nước Úc, có diện tích lớn hơn đảo quốc Đài Loan và hiện nay chỉ mới có 500.000 dân sinh sống tại đây, trong khi Đài Loan có đến 18 triệu người. Nếu tính theo đường chim bay từ miền Tây bắc Smithton đến miền Nam của Hobart cũng đã hơn 400 cây số rồi, còn bề ngang từ St.Helens đến Marrawah cũng đã hơn 430 cây số. Nếu tính từ Bắc của cảng Devonport đến miền Nam Dover cũng đã là 356 cây số. Đó là chưa tính đến cuối mũi Wahle Hd. Như vậy đảo Tasmania có diện tích khoảng 16.000 cây số vuông. Đảo này miền Bắc và miền Nam có dân cư sinh sống sầm uất, còn miền Tây vốn là rừng thiên nhiên vẫn còn được bảo quản rất tốt. Dọc theo những cánh rừng này là những hồ nước ngọt. Miền Đông của đảo là nơi sản xuất nho và cây trái bốn mùa. Đảo Tasmania mưa nhiều, nên nước cũng lắm và ở đâu cũng có một màu xanh dịu mắt kéo thẳng đến tận chân trời.
Thông thường sau những ngày miệt mài với việc dịch thuật tại Tịnh Thất Đa Bảo, trên vùng đồi núi của Sydney, tôi hay có những chuyến đi thăm xa như thế. Trước đây tôi và Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, bào huynh của tôi, cùng với hai người đệ tử đã dùng máy bay và xe bus đi vòng quanh nước Úc cả 21 ngày và gần 20.000 cây số như thế, để cho biết con người và phong cảnh cũng như văn hóa tại đây. Sau đó tôi có viết bài: Nước Úc Có Gì Lạ đã được đăng trên báo Viên Giác cũng như trang nhà Quảng Đức và trang nhà Viên Giác, nhằm giới thiệu một đất nước đẹp, hiền hòa mà nhiều người trên thế giới đều mong muốn đến đây để thăm viếng cũng như ở lại định cư và lập nghiệp. Riêng người Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản đã có mặt ở đây từ năm 1977 và cho đến nay đã có hơn 200.000 người sinh sống cùng với 20 triệu dân địa phương với nhiều dân tộc khác nhau, chắc không dưới 100 sắc dân và 100 ngôn ngữ khác nhau tại xứ Úc này.
Sau khi hoàn thành dịch phẩm thứ 56 từ tiếng Nhật sang tiếng Việt, tôi quyết định làm một chuyến hải trình sang thăm đảo Tasmania cùng với Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, Thầy Hạnh Định và Đạo hữu Quảng Từ Chris Dunk (đệ tử của Thầy Nguyên Tạng, người Úc có vợ Nhật). Ông ta có người mẹ là Thổ Dân da trắng sinh ra tại Tasmania, nên đường đi nước bước rất rành. Do đó TT Thích Nguyên Tạng đã nhờ ông ta làm tài xế dẫn đường.
Chiều ngày 4 tháng 1 năm 2010 Thầy trò chúng tôi đã cùng Thầy Nguyên Tạng trở lại Melbourne, sau khi tham dự Khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu Kỳ 9 tại Sydney được hoàn thiện nhất kể từ khóa một đến nay. Tôi không biết mình đến Melbourne lần này là lần thứ mấy rồi. Nhưng Melbourne đối với tôi có rất nhiều ấn tượng. Đó là mỗi ngày đều có 4 mùa rõ rệt: Sáng sớm lạnh thấu xương, tượng trưng cho mùa Đông; Buổi mai rất đẹp, trời trong mây tạnh, tượng trưng cho mùa Xuân; Buổi trưa nắng như thiêu đốt, nhiều khi muốn ngộp thở, tượng trưng cho khí hậu của mùa Hè và vào Chiều, trời vần vũ chuyển mưa tượng trưng cho mùa Thu có nhiều thay đổi. Melbourne còn ở lại trong tôi chỉ có ấn tượng này.
Tuy nhiên vào tháng 10 năm 2003 Tu Viện Quảng Đức, nơi Thượng Tọa Thích Tâm Phương trụ trì và cũng chính là người sáng lập đã tổ chức Đại Hội GHPGVNTN Hải Ngoại tại đây và nhân cơ hội ấy tất cả các châu lục đã cùng tấn phong Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang lên làm Đệ Tứ Tăng Thống của GHPGVNTN ở trong cũng như ngoài nước. Đồng thời bổ sung thành phần nhân sự cho Viện Hóa Đạo. Đây là một thời điểm đẹp nhất của GHPGVNTN tại Hải ngoại.
Tu Viện Quảng Đức trước đây là một trường học đã được Thượng Tọa Thích Tâm Phương tạo mãi lại và cho kiến tạo Đại Hùng Bửu Điện cũng như giảng đường rất khang trang, nên năm 2003 cũng là năm khánh thành Tu Viện ấy. Tiếp tay với Thượng Toạ Trụ Trì có Thượng Tọa phó Trụ Trì Thích Nguyên Tạng, là người đa năng, có thể hoàn thành mọi khâu cho một công trình tổ chức lớn, vì đã kinh qua nhiều tầng lớp ở Đời cũng như Đạo. Đặc biệt vào đầu tháng 12 năm 2009 vừa qua, lễ khánh thành Tăng Xá và lễ rước Phật Ngọc về Tu Viện đã có hàng trăm Chư Tăng, Ni, hàng ngàn, hàng vạn Phật tử đã về tham dự và đảnh lễ Phật Ngọc trong suốt hai tuần. Nghe đâu tháng 10 năm 2010 này sẽ khánh thành Tháp Tứ Ân và làm lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Tu Viện Quảng Đức.
Ngày 23 thánh 12 năm 1979 Hội Phật Giáo tại New South Wales được thành lập và sau đó chùa Pháp Bảo được xây dựng cũng như khánh Thành vào năm 1984. Khi Chùa Pháp Bảo được xây dựng thì thành phố Smithfield chưa có. Đây cũng là một dấu ấn lịch sử nữa. Điều này có thể so sánh với Chùa Quang Hiếu ở Quảng Châu, nơi Lục Tổ Huệ Năng xuống tóc. Lịch sử cho biết rằng: khi thành phố Quảng Châu chưa có thì Chùa Quang Hiếu đã có rồi. Điều này chứng minh được rằng: Đạo Phật đã có mặt trước và trong sự sống của con người, lịch sử đã gọi vậy và Chùa Pháp Bảo ở Sydney cũng đáng gọi như thế.
Tất cả các Chùa Việt Nam tại xứ Úc đều được lần lượt xây dựng sau đó và hiện nay tại Úc có chừng 60 ngôi Chùa và Niệm Phật Đường. Đây là thành quả có một không hai của những người ra đi vì không sống nổi với chế độ độc tài của CSVN và họ đã chứng minh cho Thế giới thấy qua lãnh vực tinh thần cũng như văn hóa, hội nhập, thương mại v.v... mà trải qua 30 năm của một đoạn đường lịch sử, họ đã không làm hổ danh là người Việt Nam đến đây định cư vì bất cứ lý do gì.
Vào 21 giờ tối ngày 5 tháng 1 năm 2010 bốn người chúng tôi xuống tàu thủy từ cảng Melbourne và 7g30 sáng ngày 6 tháng 1 năm 2010 chúng tôi đã đến cảng Devonport, qua gần 10 tiếng đồng hồ để chỉ đi trong vòng 300 cây số.
Trước đó Thầy Nguyên Tạng đã đưa tôi đến thăm gia đình ông Chris Dunk và Yumiko (vợ của Chris là người Nhật). Dĩ nhiên người Nhật cũng như người Việt họ vẫn còn gìn giữ cẩn thận những nét chính về đặc trưng của văn hóa. Đó là vấn đề ngôn ngữ. Nếu tiếng mẹ đẻ mất thì xem như mất hết tất cả. Một văn sĩ người Đức, sau khi trốn chạy nước Đức thời Hitler, sang tỵ nạn tại Canada, ông ta nói rằng: ‘Rất may cho tôi là quê hương đã để lại sau lưng, tôi mất hết tất cả, nhưng văn hóa vẫn còn’. Văn hóa ấy chính là những tác phẩm tiếng Đức của ông ta. Mặc dầu ông sống tại Canada nhưng lúc nào cũng canh cánh bên lòng về một quê hương nước Đức, xa xôi trong muôn dặm. Ở đây bà vợ người Nhật của ông Chris cũng vậy, khi đàm thoại tôi dùng toàn tiếng Nhật, khiến cho bà có nhiều cảm động hơn vì bà có cơ hội để liên tưởng về quê hương đất nước của mình. Người Việt chúng ta cũng thế thôi, khi nghe một người ngoại quốc nói được tiếng Việt, thử ai mà không vui. Vì lẽ người ấy sẽ hiểu về văn hóa và lịch sử của Việt Nam nhiều hơn là một người ngoại quốc khác.
Đến cảng Devonport vào một sáng tinh sương, đất trời còn ngủ say dưới làn sương mỏng, đang chờ ánh thái dương rọi chiếu để muôn loài cùng thức dậy, đón chào bình minh của một ngày mới. Chúng tôi đã có mặt tại đây và sau khi làm thủ tục thuê xe, chúng tôi đã mang hành lý đến bỏ vào thùng xe gồm những đồ cần thiết cho chuyến lữ hành 4 ngày ba đêm tại Tasmania này. Xin niệm ơn Sư Cô Hạnh Nguyên và những đệ tử tại gia của Thầy Nguyên Tạng đã chu đáo cung cấp cho những thức ăn khô mà suốt trong 4 ngày chúng tôi đều phải cần đến.
Lật bản đồ ông Chris hỏi Thầy Nguyên Tạng bằng tiếng Anh: ‘Quý Thầy muốn đi đâu ’. Tôi trả lời thế giùm: ‘Chúng tôi đã ở phố nhiều rồi bây giờ chỉ muốn đi nơi nào thật ít người và tốt nhất là thiên nhiên, đồi núi "’.
Ông ta chỉ vào địa điểm Cradle Mountain, chúng tôi gật đầu và chuyến lữ hành với chiếc xe thuê, bắt đầu lăn bánh từ đó. Đường đi thật thơ mộng, hữu tình. Hai bên đường là những đồi cỏ xanh, có những chú bò, chú cừu vô tư đang gặm cỏ, thỉnh thoảng chúng ngẫng đầu lên cao để đảo mắt nhìn khách qua đường. Tôi chẳng biết là chúng khổ hay vui, nhưng suốt ngày chỉ lo cho cái ăn là chính, vì lúc nào cũng nhai đi nhai lại nhiều lần. Còn con người thì sao ? Dĩ nhiên con người cũng là một sinh vật, nhưng sinh vật ấy có lý tưởng và dĩ nhiên phải khác với những động vật khác. Tuy nhiên điều này cũng chưa hoàn toàn đúng như vậy, vì đôi khi con người còn toan tính và lợi hại hơn những con vật khác nữa. Điều này chỉ có nhân quả mới biết rõ hết, còn sự hiểu biết giới hạn của con người, chúng ta không thể thấy hết tất cả những tai họa mà con người đã, đang cũng như sẽ gây ra cho quả đất này.
Vừa đi vừa ngắm cảnh, máy chụp hình trên tay Thầy Nguyên Tạng làm việc không ngừng nghỉ. Nghĩa là cái gì ghi lại được vào ống kính là Thầy ấy bấm ngay. Nhờ vậy mà trang nhà Quảng Đức có rất nhiều hình, người xem hình dễ nhận biết hơn là đọc chữ, vì ít cần suy nghĩ, cũng có thể phán đoán ngay là đẹp hay xấu, hay hoặc dỡ rồi. Do vậy mạng Quảng Đức đã có rất nhiều người vào xem. Công đức này là nhờ Thầy Nguyên Tạng và những đệ tử tại gia của Thầy.
Trên đường đi gặp nhiều con vật chết cũng như những con nhím và những con rắn vô tư bò qua lại bên lề đường khiến cho ông Chris, người thương thú vật hay dừng lại để trông cho thật kỹ như có ý chăm sóc cho chúng. Thầy Nguyên Tạng lại có cơ hội bấm máy thật nhanh để ghi lại những hình ảnh này. Nhìn thật kỹ vào sự vật, thực vật cũng như động vật, loại nào cũng không thể sống độc lập được. Cái này sống nương tựa vào cái kia. Cái này tồn tại là nhờ vào cái kia và sở dĩ cái kia sống còn được là nhờ vào cái này. Nếu cái này không có thì cái kia sẽ không có. Nhiều lúc ỷ thế mạnh, loài này đàn áp, giết chóc hay ăn tươi nuốt sống loài khác để cho mình được sống; rồi loài khác mạnh hơn cũng sẽ tìm cách sát hại loài này để nuôi dưỡng thân mình. Con người cũng vậy thôi. Sở dĩ sống còn được là nhờ sống trên những thực vật và động vật khác. Nếu không còn thực vật thì người ăn chay cũng không thể tồn tại được. Còn người ăn mạng sống của chúng sanh cũng thế. Vốn con người sanh ra ở thời nguyên thủy chỉ biết ăn chay vì con người có răng bằng và ruột non, ruột già dài nên chỉ ăn rau quả, đậu v.v... như khỉ, vượn, trâu bò. Vì loài người không có răng nhọn và ruột ngắn như sư tử, beo, cọp v.v... nên không thể ăn thịt sống được. Do vậy họ phải biến chế thịt bằng nhiều cách mới có thể ăn được.
Tục ngữ Pháp có câu: ‘Manger pour vivre et non vivre pour manger’ nghĩa là: ‘ăn để mà sống; chứ không phải sống để mà ăn’. Rõ ràng là như vậy. Nếu người nào chỉ có sống để mà ăn thì cuộc sống ấy vô nghĩa, vì những loài động vật khác đã làm việc này rồi. Còn con người phải có trí tuệ, sự thông minh, mẫn cảm, không thể là một loài động vật bình thường được.
Thánh Gandhi, vị cha lành của dân tộc Ấn Độ, ông ta là một nhà tôn giáo, một triết gia, một chính trị gia đã nói rằng: ‘Thực phẩm trên thế gian này không thiếu, chỉ có lòng tham của con người không đủ mà thôi ’ . Đúng là như vậy ! Khi con người khởi đi từ tâm tham thì mọi việc sẽ hỏng. Do vậy Ngài Long Thọ (Nagajuna) chủ trương thuyết Trung Quán cho rằng: ‘Bất cứ cái nhân nào có mang tham, sân, si thì hậu quả sẽ khổ đau và không có hạnh phúc. Ngược lại bất cứ một cái nhân nào khi gây ra không hàm chứa bởi tham, sân, si thì kết quả của cái nhân kia sẽ là hạnh phúc và an lạc’. Người Phật tử chúng ta phải rõ điều này. Do vậy, mặc dầu là ăn chay, nhưng trước khi ăn chúng ta phải tưởng nhớ đến những thực vật này đã giúp ta để sống còn, nên phải niệm đến Tam Đề Ngũ Quán.
Sau khi thăm hồ Dove Lake và núi Cradle, ông Chris lái xe đưa chúng tôi đến thành Phố Queenstown. Nơi đây chúng tôi sẽ trọ lại một đêm để sáng mai lên đường đi tiếp. Đến khách sạn vào lúc 13:30 chiều ngày 6 tháng 1 năm 2010 mà khách vẫn chưa được nhận phòng. Quý Thầy đi mua sắm thức ăn và tôi ngồi trong phòng chờ của khách sạn một mình để học tiếp bài Sám Qui Mạngdo Ni Trưởng Trí Hải dịch. Đây là một bản dịch tuyệt vời, rất thành công, sau bản dịch của Hoà Thượng Thích Nhất Hạnh cách đây gần 50 năm về trước. Năm 1964 khi tôi mới vào Chùa, tôi đã học thuộc bài Sám Qui Mạng nghĩa của Hòa Thượng Thích Nhất Hạnhdịch qua lời dạy của Hòa Thượng Thích Như Huệ thuở ấy. Đến nay mỗi tuần trong thời công phu khuya Tăng Ni chúng Chùa Viên Giác ở Đức và Chùa Pháp Bảo ở Úc vẫn hành trì.
Nhớ lần trước đi vòng quanh nước Úc với Hòa Thượng Bảo Lạc, tôi trên đường đi xe bus nhiều khi cả 20 tiếng đồng hồ, chẳng biết làm gì, nên tôi đã học thuộc lòng bài thơ ‘Bao giờ nhỉ tôi về thăm xứ Quảng’ của nhà thơ Trần Trung Đạo hiện ở Hoa Kỳ. Bài này hơi dài cả 54 câu. Nếu trong khoảng 40 hay 50 năm về trước tôi chỉ cần học trong 1 đến 2 tiếng đồng hồ là xong, nhưng cách đây 3 năm tôi phải cần 3 lần 2 tiếng đồng hồ như vậy và năm nay 84 câu thơ song thất lục bát của bài sám qui mạng nghĩa ấy, tôi phải cần 7 lần của 2 tiếng như vậy mới thuộc lòng. Điều này chứng tỏ tuổi càng cao, trí nhớ càng kém. Ở lứa tuổi 61 như tôi vào năm 2010 là vậy. Do đó rất thông cảm với những người lớn tuổi mới đi xuất gia để học đạo và học kinh.
Văn phong của Ni Trưởng Trí Hải rất trong sáng. Ví dụ câu:
‘Rừng thơm hương biến từ sỏi đá
Địa ngục bừng khai đóa bạch liên…’
Không ai có thể dịch hay hơn thế nữa, nhưng so 4 câu sau cùng của bài sám này thì Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh dịch sáng nghĩa và trội hơn Ni Trưởng Trí Hải. Đó là:
"Hư không dù có chuyển di
Nguyện con muôn kiếp không hề lung lay
Nguyện cầu vạn pháp xưa nay
Hoàn thành trí nguyệp vững cây Bồ Đề’’
Dĩ nhiên mỗi người có một cách dịch khác nhau, nhưng dịch phẩm nào được nhiều người học, để đọc hay để tụng thì tác phẩm ấy là tác phẩm thành công.
Sau 2 giờ chiều chúng tôi mới có được buổi cơm trưa do ông Chris biến chế thật tuyệt vời. Chiều đó vài người trong đoàn đã đi thăm thành phố nhiều mỏ vàng, mỏ thép này. Nước và đất đá ở đây tất cả đều có màu vàng và nghe đâu chính phủ vẫn còn khai thác những khoáng sản thiên nhiên tại đây. Nhìn chung nước Úc và Hoa Kỳ là những nước giàu khoáng sản, hầm mỏ nhất nhì trên thế giới. Họ vẫn chưa khai thác hết. Đây là những tài nguyên phong phú làm giàu mạnh cho quốc gia họ.
Ngày 7 tháng 1 năm 1010 chúng tôi rời thành phố Queenstown để đi về hải cảng Hobart. Trên đường đi có vô số cảnh đẹp ở chung quanh hai bên đường. Gần trưa chúng tôi ghé lại Dewent Bridge để nghỉ ngơi. Tại đây chúng tôi gặp rất nhiều du khách và trao đổi với họ qua nhiều câu chuyện khác nhau trên chuyến lữ hành này. Có người đến từ Âu Châu, họ tránh cái lạnh nghiệt ngã của nơi đó vào mùa đông, đến đây đi bộ hàng trăm cây số và hưởng ánh nắng mùa hè cho vơi đi những cái lạnh cắt da, cắt thịt tại Na Uy hay tại Đức.
Trưa hôm đó chúng tôi dùng trưa dọc đường với những gì đang có, mang theo từ khách sạn sáng nay. Vào lúc 14:30 ngày 7 tháng 1 chúng tôi đã có mặt tại khách sạn ở Hobart và khách sạn này chúng tôi sẽ ở lại hai đêm và đây là nơi rất đẹp, vì khách sạn nằm bên bờ biển thơ mộng. Chiều đó Thầy Hạnh Định và ông Chris đi siêu thị mua đồ ăn cho những ngày còn lại, Thầy Nguyên Tạng bắt đầu viết bài tường trình cho Khóa Tu Học Phật Pháp Kỳ 9 của Giáo Hội PGVNTN Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan, còn tôi vẫn tiếp tục nhẫm đi nhẫm lại bài sám Qui Mạng của Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải. Học cho thuộc lòng và tụng như thần chú Thủ Lăng Nghiêm mới gọi là thuộc. Nghĩa là không phải cầm bổn và không bị vấp bất cứ chỗ nào. Do đó bài sám này là một kỷ niệm đẹp cho riêng tôi trong chuyến đi này và ở vào tuổi ‘Thuận nhĩ’. Nghĩa là bất cứ ai đó khi ở vào tuổi 60 rồi, cái gì nghe qua, cũng đều phải thuận với lỗ tai. Có lẽ đã già rồi, không còn có khả năng để đôi co lại với người đối diện của mình chăng?
Suốt ngày 8 tháng 1 năm 2010 với tôi là một ngày thật có ý nghĩa, vì lâu nay tôi cứ nghe nói chứ chưa thấy và chưa đặt chân tới nơi, thì không rõ biết hết được. Đó là đi tìm tổ tiên người Anh. Nghe rằng nhiều tù nhân của Anh đã bị mang qua đây và họ phải bị giam cầm tại Port Arthur từ năm 1830 cho đến năm 1877 thì nhà tù đóng cửa. Từ Hobart chúng tôi đi dọc theo quốc lộ A9 độ 3 tiếng đồng hồ thì đến nơi. Trên đường đi rất đẹp vì toàn là biển nằm sát mé với bên đường. Do đó tha hồ mà Hạnh Định bấm máy ảnh và ông Chris tha hồ kể về chuyện quê Mẹ của ông và những người Thổ Dân đã khai khẩn đất đai để trồng trọt như thế nào vào khoảng 60.000 năm về trước.
Đầu thế kỷ thứ 19 ở Việt Nam chúng ta là thời kỳ khá an bình và Gia Long Nguyễn Ánh đã thống nhất sơn hà, gầy dựng nên nhà Nguyễn từ năm 1802. Nhưng thực tế chín Chúa, kể từ thời Chúa Nguyễn Hoàng đã có mặt tại Đàng Trong từ đầu thế kỷ thứ 17 (1600). Vua Gia Long, vua Minh Mạng, vua Thiệu Trị, vua Tự Đức là những vị vua có nhiều công lao đóng góp cho việc xây dựng cơ đồ từ Trung vào Nam và về văn học, tôn giáo cũng có nhiều khởi sắc. Trong khi đó tại đảo Tasmania này, trong thời gian từ năm 1830 đến 1877, nghĩa là trong 47 năm ấy đã có 1.100 tù nhân từ nhỏ tuổi nhất là 9 tuổi, đến người già nhất 80 tuổi, gồm nhiều thành phần khác nhau, họ đã gởi xương cốt của họ tại một đảo nhỏ gần đó, gọi là Đảo Chết. Những nấm mồ vô chủ đã nằm đây và chính xương da họ đã vẽ nên lịch sử của người Anh tại xứ Úc này.
Những ngôi nhà hay những ngục tù đi theo lối thuận chiều như sau: Ngôi nhà số một dành cho vị Giám Đốc coi tù nhân. Thứ hai là tháp canh tù, tháp này ngày nay vẫn còn. Kế đó là văn phòng Giám Đốc coi tù. Cơ sở số 3 và số 4 là sở hình vụ, nghĩa là nơi đây là nơi tra tấn tù nhân, nhiều khi cho đến chết và những thi hài cũng được bảo quản dưới tầng hầm của ngục tù này. Ngôi nhà thứ năm là chỗ ăn uống của những người lính canh ngục. Ngôi nhà thứ 6 chính là nhà thương, nơi săn sóc những người bệnh, bị tai nạn, hay ung thư phổi hoặc là yếu đuối về cơ thể do thiếu thức ăn gây nên. Nhà thương này được thành lập năm 1842. Tiếp đến ngôi nhà thứ 7 có nhiều điều đáng nói. Đây là nơi giam giữ chính trị gia lỗi lạc (William Smith O'Brien (1803 – 1864). Ông ta đã nói một câu để đời là: “Ich habe ganz vessgersen, wie man lacht…” nghĩa là : “ Tôi đã quên tất cả như người ta cười…” .
Ông là dân biểu của Ái Nhĩ Lan và đã tranh đấu tách ra khỏi sự cai trị của người Anh, nên năm 1849 ông đã bị đưa từ Ái Nhĩ Lan đến giam giữ tại Porth Arthur này. Ông ta cũng xác nhận nơi giam giữ này giống như một ngọn đồi thật đẹp trong tiểu thuyết. Ngày nay sau gần 200 năm lịch sử nếu có ai đó đến đây để xem chỗ này thì cũng sẽ cảm nhận được như vậy. Ông ta không được người quen thăm nuôi và phải tự lo kinh tế cho mình bằng cách trồng trọt cây trái ngoài vườn. Sau 4 tháng bị giam cầm, đến năm 1856 ông trở về lại Ái Nhĩ Lan.
Năm 1849 tòa nhà số 8 được xây dựng để nhốt những tù cá nhân bất trị. Nhìn nhà tù thuở ấy so với bây giờ cũng không khác nhau mấy. Bởi lẽ, nếu ai đó có ở tù rồi thì đều biết rằng: “Một ngày ở trong tù bằng một ngàn mùa Thu ở bên ngoài ”.
So ra như vậy Đông, Tây, Nam, Bắc gì cũng giống như thế! Cái độc ác của con người không ai chỉ vẽ cho cả, mà họ học với nhau rất nhanh. Còn những điều hay, điều đẹp ở đâu lại chẳng có, nhưng học nó khó khăn vô cùng. Do vậy trong Đại Trí độ Luận Phật có dạy rằng: “Người ở tù vẫn có ngày ra, còn người đã bị nhốt vào ngục ái ân thì muôn kiếp cũng khó ra khỏi ”. Biết là vậy nhưng mấy ai thoát khỏi bởi đường tình; nên Cụ Nguyễn Công Trứ mới nói rằng:
“Cái vòng lẩn quẩn, loanh quanh
Kẻ hòng ra khỏi, người mong bước vào”.
Trên đây là 8 nơi cần đi nhất tại nhà tù ở Port Arthur. Nếu còn thì giờ thì người ta có thể đi thăm tiếp những nơi còn lại như: Cơ sở số 9 là những nhà cửa và vườn tược của chính quyền và những người không bị tù. Những nơi này được xây dựng từ năm 1842 đến năm 1848. Ngôi nhà thứ 10 là một Đại Thánh Đường do những trẻ vị thành niên bị tù xây dựng nên. Nơi đây họ phải lao động cực nhọc để xây nên nhà thờ này. Năm 1884 bị ngọn lửa thiêu đốt, ngày nay chỉ còn lại 4 bức tường bằng đá rất kiên cố. Đa phần những tù nhân còn nhỏ này vừa làm việc vừa học hành. Lớp học khá đông, nhưng đa phần chỉ học Thánh kinh và học nghề đóng giày, dép, thợ rèn, thợ đóng thuyền và thợ hồ.
(Khu nhà kỷ niệm nơi 35 người bị sát hại tại Port Arthur)
Số 11 là hải cảng, nơi cập bến chở tù nhân từ Anh Quốc và các nơi đến đây. Cảng này được xây dựng từ năm 1834 đến năm 1848. Điểm thứ 12 là hòn đảo Cô đơn, nơi chôn cất 1.100 thi hài của những tù nhân tại đây. Điểm thứ 13 gọi là Point Puer nơi giam giữ những thiếu nữ phạm tội, gần 3.000 người tuổi từ 9 đến 17 trong vòng 15 năm ấy. Đến năm 1849 nơi này đóng cửa. Điểm thứ 14 là những sinh hoạt của người tù được thả ra từ năm 1877 và đến năm 1920 nơi này đã trở thành nơi đến của những khách du lịch. Họ xem lại ngày xưa, để biết tổ tiên, ông bà của họ. Bây giờ dẫu là ngày thường đi chăng nữa, mỗi ngày đều có hàng ngàn người đứng xếp hàng mua vé vào cửa để xem “Địa ngục” ngày ấy. Nơi đây cũng là nơi khởi đầu cho những người da trắng đến từ phương Tây ngày ấy và bây giờ.
Điểm thứ 15 cũng không nên bỏ sót. Đó là nơi ghi lại lịch sử đau thương của một kẻ giết tập thể 35 người vào ngày 28 tháng 4 năm 1996. Hôm đó là ngày chủ nhật, và người giết tập thể này đang bị ở tù chung thân. Nhân đó mà quốc hội của Úc từ năm 1996 đã ra lệnh kiểm soát gắt gao tất cả những loại vũ khí giết người. Đó là dấu hiệu tốt cho xã hội Úc ngày nay. (Từ điểm 1 đến điểm 15 này người viết dựa theo tài liệu du lịch của Port Arthur phát cho những khách du lịch dùng tiếng Đức nhan đề là “Ihr Führer für Port Arthur” (hướng dẫn cho ông bà về Port Arthur).
Sau đó chúng tôi lên thuyền để chạy vòng quanh vịnh, thăm viếng những địa điểm đáng thăm và trở về lại khách sạn tại Hobart khi bóng chiều đã đổ xuống. Dọc đường ông Chris đã dừng xe và Hạnh Định đã ghé mua những quả Anh Đào chín mọng, ông ta khen rẽ và đúng như vậy, ngày hôm sau chúng tôi nhìn giá bán tại chợ trời được tăng lên gấp hai lần.
Ở nhà Thượng Tọa Nguyên Tạng đã viết xong bài tường thuật về kết quả 5 ngày Tu Học Phật Pháp tại Sydney do GHPGVNTN Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan tổ chức từ ngày 31 tháng 12 năm 2009 đến ngày 4 tháng 1 năm 2010 vừa qua với 353 học viên tham dự. Trong số này có 94 em thanh niên, thanh nữ và ngoài ra còn có 50 Chư Tôn Đức đến từ khắp nơi trên nước Úc để giảng dạy, thăm viếng và điều hành công việc. Bài tường thuật này đã được đăng trên báo Nhân Quyền và đài phát thanh tại Melbourne phát đi trong tuần lễ thứ hai của đầu năm dương lịch 2010. Nhớ lại vào ngày mãn khóa tôi có phát biểu rằng: Tục ngữ Pháp có nói: “Sự thành công không phải là điều đáng nói, mà điều đáng nói là người ta phải làm thế nào để đi đến được sự thành công mới là điều quan trọng ”. Đúng là như vậy. Sở dĩ lần này mọi khâu đều tốt đẹp, vì lẽ quý Thầy, quý Cô và quý Phật tử làm việc rất nhịp nhàng, phần ai nấy làm, không ai xen lấn vào việc của người khác, nên không bị dẫm chân lên nhau. Đây là cách chia công việc đúng người, đúng khả năng theo lối Team work mà Thượng Tọa Thích Tâm Minh đã ứng dụng. Xin tán dương thành quả này của GHPGVNTN tại Úc Châu riêng cho lần thứ 9 này. Trong khi đó Âu Châu đã trưởng thành đến nay (2010) là khóa thứ 22. Lần đông nhất là khóa tu học thứ 16 tại Ý đã có 1.040 học viên tham dự và tu học trong 10 ngày. Lần đông thứ hai là khóa 18 tổ chức tại Đức 850 người và lần đông thứ ba phải nói đến khóa thứ 21 tại Bỉ và Hoà Lan tổ chức vào tháng 8 năm 2009 tại Bỉ có 750 người tham dự. Đây là những con số tuy không có tâm thức, nhưng nó là một sự nỗ lực vô cùng quan trọng của Chư Tăng Ni và Phật tử thuộc GHPGVNTN Âu Châu nói riêng và các Giáo Hội VNTN của chúng ta nói chung ở khắp nơi trên thế giới.
Sáng ngày 9 tháng 1 năm 2010 đoàn chúng tôi 4 người trả phòng và đi xem chợ trời tại cảng Hobart. Đúng là:
“Dập dìu tài tử giai nhân
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”.
Như hai câu thơ của Cụ Nguyễn Du đã diễn tả trong truyện Kim Vân Kiều.
Dọc theo những hàng quán bán đủ thứ đồ, từ đồ tốt nhất đến đồ xấu nhất. Đa phần là đồ gia dụng, ai muốn mua món gì cũng có, nhưng giá thật đẹp, vì đây là chợ trời bán cho du khách, chứ người địa phương ít thấy vãng lai. Tôi đoán chừng có 200 gian lều bày bán giữa trời như vậy. Thỉnh thoảng có người đàn hát dạo và xiệc, múa v.v… Tôi thấy đầu đen hơi nhiều nên cố gắng nghe tiếng nói của họ để biết họ đến từ đâu. Cuối cùng tôi phân loại người Hoa nhiều nhất, kế đến là người Đại Hàn và người Nhật, tiếp theo là người Việt còn người da trắng thì đến từ khắp nơi. Chợ tương đối nhộn nhịp, dĩ nhiên là chúng tôi chỉ xem qua thôi, chứ chẳng mua được món nào cả. Cuối cùng tôi gặp một người Á Châu đang bán quán chắp hai tay lại xá chào. Tôi hỏi và biết được cô ta là người Thái Lan. Người Thái Lan có lối chào theo Phật giáo như vậy. Cả dân tộc chứ không phải riêng lẽ từng người, ngay cả năm dương lịch họ cũng không dùng đến, chỉ dùng Phật lịch, ví dụ năm nay là 2010 thì họ gọi là năm 2554. Họ tính theo năm Phật nhập Niết Bàn.
Sau khi đi thăm chợ trời, chúng tôi dùng trưa tại một công viên đầy bóng mát bên cạnh hải cảng. Thật là tuyệt vời. Vì tôi không biết làm thơ nên chẳng có bài nào được ghi lại bởi chuyến đi. Do vậy tôi cố ghi lại bài này để đăng trên trang nhà Quảng Đức và trang nhà Viên Giác để mọi người cùng đọc và biết đâu được có một ngày nào đó quý vị sẽ đến được Úc Châu để đi thăm danh thắng Tasmania này.
Vào lúc 17giờ ngày 9 tháng 1 năm 2010, Thượng Tọa Nguyên Tạng và ông Chris Quảng Từ bay về lại Melbourne, còn tôi và Hạnh Định chờ đến 19 giờ mới có máy bay để trở lại Sydney, thế mà mới 3 giờ chiều đã có mặt tại phi trường Hobart. Sau khi cân hành lý xong, chúng tôi vào bên trong để chờ lên máy bay. Thỉnh thoảng có mấy người Âu Mỹ chắp hai tay lại chào và nhoẽn miệng cười. Chỉ vậy thôi vì họ biết chúng tôi là Tăng sĩ Phật giáo. Trong khi những người Á Châu khác lại không. Đây có phải là một thói quen chăng ? nhưng dẫu sao đi nữa tôi vẫn cảm ơn tất cả, không trách cứ một người nào, vì ai bên cạnh mình cũng là những thiện tri thức cả.
Tôi tập cái nhìn và suy nghĩ theo lối Trung Đạo là: Không vui quá, không buồn quá, từ đó sẽ không có hạnh phúc toàn diện và khổ đau tuyệt đối, mà bất cứ cái gì trên thế gian này cũng đều có cái tương đối của nó. Chúng ta phải làm sao trú được nơi tánh Không và khi người ta khen mình, đừng vui và chê mình đừng buồn là được rồi, vì tất cả chỉ là giả tướng như trong kinh Kim Cang Phật đã dạy. Kinh rằng:
Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng
Nhược kiến chư tướng phi tướng, tức kiến Như Lai”.
Nghĩa là:
Phàm cái gì có hình tướng, tất cả đều không thật
Nếu thấy các tướng được chỗ không tướng thì sẽ thấy được Như Lai”.
Do vậy khi đọc bài này cũng xin quý vị trụ vào chỗ vô trụ để xem qua rồi bỏ. Không cần phải phẩm bình, vì nó còn chỗ chấp trước đối đãi. Nếu còn có cái thấy thì hãy giữ lại trong tâm mình cái đẹp, cái cao thượng mà thôi. Còn những cái xấu nếu có không nên mang vào tâm mình làm gì. Vì tâm này vốn nhiễm ô trần lụy nhiều rồi. Kính chúc quý vị có được một nụ cười sau khi xem đoản văn này. Mong được như vậy.
(Viết tại Tu Viện Đa Bảo, Úc Đại Lợi, ngày 13.01.2010)
________________________________
Giáo dục là gì?
● Thích Như Điển
Chữ giáo có nghĩa là chỉ bày, nâng đỡ. Chữ dục nghĩa là mong muốn, trưởng thành. Hai chữ nầy nếu ghép đứng chung lại, có nghĩa là một vị Thầy, Cô làm nhiệm vụ hướng dẫn, chỉ bày cho đoàn hậu học trong ý nghĩa là mong muốn thế hệ kế thừa tiếp nối được con đường của người xưa đã đi trên nhiều phương diện khác nhau trong phương cách sống ở cuộc đời nầy.
Nói về phạm trù giáo dục thì có quá nhiều để có thể đề cập đến. Nhưng ở đây chúng tôi chỉ xin đơn giản trong 4 tiêu đề để hướng đến vấn đề nầy. Đó là giáo dục gia đình; giáo dục học đường; giáo dục tôn giáo và giáo dục những tội phạm.
A. Giáo dục gia đình:
Gia đình là nền tảng của xã hội và là nề nếp gia phong của truyền thống gia tộc. Ai trong chúng ta khi sinh ra cũng đều được dưỡng nuôi bởi cha, mẹ; hoặc những người thân. Không một đứa trẻ nào không cha, không mẹ mà thành người. Do vậy vấn đề giáo dục trong gia đình rất quan trọng. Ông Freud là nhà phân tâm học người Đức đã chia đời người ra làm 3 giai đoạn như sau:
- Giai đoạn đầu từ không tuổi đến 8 tuổi. Giai đoạn này Freud cho là giai đoạn Vô Thức. Đứa trẻ làm bất cứ một hành động nào cũng không có ý thức; nhưng do thói quen và sự huân tập của chủng tử mà thành. Trong Đạo Phật gọi đây là Vô Minh. Vì vô minh cho nên con người sinh ra trong đời nầy. Thế nhưng theo Freud, những gì đứa trẻ muốn, đa phần người mẹ không biết được ý của con mình. Ví dụ như đứa trẻ khóc la trong phòng mạch bác sĩ, người mẹ ngỡ là nó nóng nực, nên cho ra ngoài; nhưng trên thực tế thì nó sợ sự hiện diện của người thứ ba. Nhiều khi chúng khóc vì đói; nhưng người mẹ ngỡ là nó buồn ngủ; nên cho nó đi ngủ v.v… Nghĩa là tâm lý trẻ thơ, người mẹ cũng phải cần nắm vững trong những trường hợp nầy.
- Giai đoạn thứ hai là từ 8 đến 18 tuổi. Giai đoạn nầy Freud cho rằng giai đoạn của tự ngã. Nghĩa là mỗi một đứa bé tự chứng minh cho cái ta của mình là đúng và chỉ phụ thuộc vào cái ta ấy và trưởng dưỡng cái ta ấy rất nhiều. Giai đoạn đầu và giai đoạn thứ hai nầy rất quan trọng trong vấn đề uốn nắn trẻ thơ.
- Giai đoạn thứ ba là từ 18 tuổi đến cuối đời. Giai đoạn nầy Freud gọi là giai đoạn siêu ngã. Nghĩa là cái ngã tuyệt đối ấy con người muốn bảo vệ và sống chết với nó. Thời gian nầy rất khó uốn nắn. Vì tre đã già rồi.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng, Ngài vẫn thường hay nói rằng: Ngày hôm nay Ngài có được tình thương đến với mọi người như thế nầy, không phải là tình thương yêu ấy nó đến từ tôn giáo của Ngài đang theo, mà nó đến từ lòng thương của bà mẹ quê, không biết chữ của Ngài, từ lúc Ngài mới lọt lòng mẹ. Như vậy sự giáo dục con trẻ từ lúc mới lọt lòng mẹ là một vấn đề vô cùng quan trọng, mà gia đình, tình thân tộc, chính là một chất liệu dưỡng sinh cao cả nhiệm mầu. Không ai có thể thay thế cái cội nguồn căn bản nầy được.
Nếu một đứa bé Phi Châu được đem qua Mỹ, Âu, Úc Châu để dạy dỗ, huấn luyện thì chắc rằng sau nầy đứa bé ấy sẽ trở thành người hữu dụng cho xã hội. Ngược lại một đứa bé Âu, Á, Úc, Mỹ Châu cho nó vào rừng để các bộ lạc tại Phi Châu dạy dỗ, thì cuộc đời của nó chỉ có đi săn thú rừng để sinh sống; ngoài ra chẳng được một sự lợi ích nào cho đời cả. Hoàn cảnh, môi trường của sự giáo dục nó đóng góp một phần rất quan trọng trong sự giáo dục của gia đình, lúc tuổi còn thơ. Nên chúng ta cần quan tâm về vấn đề nầy nhiều hơn nữa.
Tục ngữ Việt Nam có câu:
„Con hư tại mẹ, cháu hư tại bà“.
Mới nghe qua chúng ta thấy người đàn bà bị xử ép nhiều quá. Nhưng nhìn kỹ lại thì điều ấy không sai bao nhiêu. Vì lẽ từ khi mới sinh ra, đứa bé ấy được gần Mẹ và gần Bà nhiều hơn là gần Cha. Người cha có bổn phận lo cho đời sống kinh tế của gia đình. Cho nên trong vấn đề giáo dục của gia đình cho con trẻ ở trường hợp nầy, người cha đóng vai trò phụ thuộc. Chỉ có người mẹ mới trực tiếp lo dạy dỗ cho con mình. Cũng có một vài trường hợp khác ngược lại; nhưng „gà trống nuôi con“ thì không thể nào bằng tình của mẹ được.
B. Giáo dục học đường:
Khi đứa con lớn khôn lên, cha mẹ thường cho con đi đến trường để học chơi, học chữ rồi học làm người. Nếu kể thời gian được giáo dục ở trường cũng không phải là ít. Bậc Tiểu Học và Vườn Trẻ ít nhất là 5 đến 6 năm. Bậc Trung Học 7 hay 8 năm tùy theo từng quốc độ. Đến 18 tuổi là lứa tuổi trưởng thành, đứa trẻ ấy sẽ bước lên ngưỡng cửa của Đại Học. Có thể là 4 năm, 6 năm hay 10 năm. Tùy theo học lâu mau theo nghề nghiệp cũng như bằng cấp mà mình muốn chọn. Giữa 25 đến 30 tuổi là tuổi ra trường để cho người con trai hay người con gái ấy lập thân.
Nhưng trẻ con ngày nay học được những gì ở trường và ở Thầy Cô giáo ?
Dĩ nhiên có những Thầy, Cô giáo dạy học trò với tất cả lương tâm và chức nghiệp của mình. Đây mới đúng là ý nghĩa của sự giáo dục. Nhưng cũng nhiều nhiều Thầy, Cô chỉ làm bổn phận „gõ đầu trẻ“; đứa nào nên thì nên, đứa nào hư thì tự chúng chọn lựa. Như vậy ý nghĩa của hai chữ Sư Phạm và Giáo Dục không thể hiện trọn vẹn nơi vị Thầy, Cô ấy.
Trong khi đó cha mẹ cho con đến trường hy vọng là con mình sẽ học được những điều hay, điều tốt. Tuy nhiên có rất nhiều trường học chúng học lẫn nhau những điều xấu giữa bạn bè với nhau mà Thầy, Cô không biết hay cha mẹ không lưu tâm, là một điều sẽ khốn khổ về sau nầy không ít. Dĩ nhiên là có nhiều đứa trẻ rất dễ dạy; nhưng cũng có lắm đứa trẻ làm cho cha mẹ, Thầy Cô nhức óc vô cùng. Đây là những đứa trẻ bất trị. Lúc nhỏ còn nghe lời chút đỉnh; nhưng khi lớn lên ở tuổi 15, 17 chúng cãi lại cha mẹ và Thầy Cô, làm cho họ cũng nãn lòng. Có nhiều trường hợp phải đưa ra để xử bằng luật pháp, quả thật là đau lòng. Trong những hoàn cảnh như vậy cha mẹ chỉ còn biết khóc than cho số phận, chứ biết nói sao bây giờ.
Nghĩa là cha mẹ đã đặt hy vọng quá nhiều ở nhà trường, mà nhà trường đôi khi chỉ làm bổn phận, chứ không làm nhiệm vụ đúng nghĩa của một Thầy, Cô giáo thì kết quả là đứa trẻ sẽ hư. Đây là do sự giáo dục thiếu căn bản ngay từ lúc đầu ở trong gia đình mà ra; chứ nó không phải là kết quả của học đường và xã hội.
Nhiều bậc cha mẹ chỉ cung phụng cho con thật là nhiều tiền và nhiều phương tiện để cho chúng đua đòi với bạn bè; nhưng đứa con ngày nay không những chỉ cần tiền của cha mẹ mà còn cần tình thương yêu, sự độ lượng, lời thăm hỏi, an ủi, vỗ về, khuyến khích v.v… nó có giá trị gấp vạn lần hơn số tiền to lớn kia. Đa phần ngày nay cha mẹ không hiểu con cái và con cái cũng không hiểu được cha mẹ. Như vậy thì mong gì ở học đường Thầy, Cô giáo hiểu được học trò và ngược lại. Khi không hiểu nhau thì dễ đem đến chỗ giận hờn nhau và đổ lỗi cho nhau. Nhưng nếu giữa cha mẹ và con cái có mối liên hệ chặt chẽ ngay từ lúc còn thơ ấu, thì gia đình ấy ít có vấn đề hơn ở học đường. Chỉ ít đi thôi, chứ không phải là không có; nhưng đó là kết quả của sự giáo dục căn bản ngay từ lúc ban đầu.
Cũng có nhiều đứa trẻ qua sự hướng dẫn của Thầy, Cô và cha mẹ, chúng tự lo cho thân của mình và tự đứng vững trong cuộc đời, chẳng cần ai bảo ban cả. Thế mà học lực vẫn tốt, hạnh kiểm không tệ lắm. Đây là cái phước của gia đình ấy. Ngược lại có những gia đình, cha mẹ là những bậc mô phạm, mà con cái vẫn hư hỏng như thường.
Từ những cái nhìn như thế, chúng ta thấy rằng: tình thương yêu, sự đùm bọc, sự chia xẻ khó khăn giữa hai thế hệ với nhau rất cần thiết trong mọi tình huống của cuộc sống. Nó không nhất thiết là những mệnh lệnh và đừng bao giờ lấy căn bản tiền bạc cũng như quyền hành để lấy đó làm chuẩn mực để nói chuyện với con cái hay học trò của mình. Đôi khi có phản ứng ngược lại là đằng khác.
C. Giáo dục tôn giáo:
Mãi đến ngày hôm nay, trên thế gian nầy vẫn còn sự hiện hữu của tôn giáo; không phải chỉ 5 tôn giáo lớn có mặt với đời, mà cả hàng trăm, hàng ngàn tôn giáo khác nhau đan xen vào trong đời sống của con người và hướng dẫn phần tâm linh cho con người để vượt qua khỏi những khó khăn trở ngại trong cuộc sống. Kể từ thời thượng cổ cho đến ngày nay tôn giáo đã trải qua không biết bao nhiêu thời kỳ; nhưng tôn giáo vẫn tồn tại. Trong khi đó nhiều thể chế chính trị của nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau đã đi vào dĩ vãng.
Vậy tôn giáo đã dạy những gì cho tín đồ của mình? Đa phần tôn giáo cũng dạy cho tín đồ của mình về thiện, ác; nhân quả báo ứng, nhân nào quả nấy; Đức tin, ở cõi nầy và cõi khác v.v… Không có tôn giáo nào dạy cho tín đồ của mình đi làm việc tồi bại, dở, xấu cả. Chỉ có con người làm sai lời dạy của các vị giáo chủ và đổ thừa cho tôn giáo ấy sai mà thôi. Trên thực tế, một người có đức tin chân chính thì người đó không bao giờ đi phá rối sự hòa bình, an lạc và hạnh phúc của kẻ khác.
Nếu Ấn Độ không có Ấn Giáo và qua 5.000 năm lịch sử, Ấn Độ ngày nay đâu có gì để hãnh diện với thế giới về nền văn minh tâm linh của mình. Nhiều người kết luận rằng: Dầu Ấn Độ tin theo đa thần giáo; nhưng nếu không có giáo lý của Ấn Độ Giáo ngự trị tại quốc gia đông dân nầy thì chiến tranh và bạo loạn đã xảy ra tại đây từ lâu rồi.
Ngoài ra Phật Giáo cũng đã phát triển song hành tại Ấn Độ cũng như các nước tại Á Châu. Cho nên lòng từ bi, sự khoan dung, sự tha thứ, bất bạo động v.v… là những tiêu chí mà tôn giáo nầy đã dạy cho tín đồ của mình. Cho nên nền văn hóa của Phật Giáo đã được Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản, Việt Nam, Tây Tạng đón nhận những tinh hoa ấy một cách nhẹ nhàng, không qua bởi một sự cưỡng bách nào. Thế mà cũng đã trên 2.000 năm lịch sử rồi.
Ngày nay Phật Giáo có mặt khắp Âu Mỹ, không phải để đi cạnh tranh với các tôn giáo khác, mà góp phần trồng vào vườn hoa tâm linh của những quê hương mới nầy thêm những hương vị của hoa sen mang đến từ Á Châu, sánh vai với hoa hồng, hoa cẩm chướng là những tinh hoa của Thiên Chúa vốn đã ngự trị tại đây từ lâu đời rồi. Chúng ta phải nói rõ rằng: Chúng ta không có vấn đề cạnh tranh của tôn giáo mà chỉ là tạo thêm những nét đẹp trong vườn hoa tâm linh của các nước sở tại mà thôi.
Trung Đông và Âu Châu, nếu không có văn minh của Thiên Chúa giáo, Do Thái giáo và Hồi giáo thì thế giới ngày nay chẳng biết nương vào đâu mà định giá cho việc thăng hoa tư tưởng của họ. Vì họ là người Âu Châu; nên họ biết đến Chúa trước người Á Châu chúng ta. Nếu Đức Phật giáng sinh tại Âu Mỹ thì người Âu Mỹ cũng đã theo Đạo Phật từ lâu rồi. Ở đây chúng ta không nên so sánh về giáo lý hay việc hơn thua cao thấp giữa Đạo nầy và Đạo khác, mà chúng ta chỉ nên tìm hiểu về tôn giáo ấy đã đóng góp được những tinh hoa gì cho dân tộc ấy là đủ rồi.
Dầu bất cứ chế độ nào, tôn giáo vẫn tồn tại. Vì tôn giáo là của người dân, chứ không phải của những người cầm quyền thống trị. Do vậy đã có nhiều chế độ chính trị bị phế thải bởi thời gian năm tháng, mà chưa có một tôn giáo lớn nào trong thế gian nầy bị đẩy lùi lại trong cuộc sống tinh thần của con người cả.
Phàm làm người, chúng ta có hai phạm trù để bảo vệ và phát triển. Đó là vật chất và tinh thần. Nếu đời sống vật chất của chúng ta quá sung túc, mà cuộc sống tâm linh của mình không tô bồi thì chắc rằng con người ấy, xã hội ấy sẽ bị đảo lộn. Cho nên tôn giáo đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống tâm linh của con người và xã hội.
Nếu một xã hội nào đó phát triển mà thiếu sự hiện diện của tôn giáo thì xã hội đó sẽ mất thăng bằng. Vì lẽ chính quyền không thể lo trọn vẹn vấn đề tư tưởng và đạo đức cho người dân, mà phần nầy là do tôn giáo đóng góp vào sự thăng tiến cho xã hội.
D. Giáo dục tội phạm:
Ở nơi nào trên quả địa cầu nầy lại chẳng có nhà tù. Vấn đề là nhà tù nhiều hay ít mà thôi. Nhưng nhà tù chỉ nhốt được thể xác của con người sai quấy, chứ không thể nhốt được tư tưởng của họ. Do đó vấn đề giáo dục tư tưởng là quan trọng hơn những loại giáo dục khác.
Sở dĩ con người phạm tội, vì con người không tự làm chủ được mình về lòng tham danh, lợi; tham tiền, tham tình, tham cờ bạc, hút sách v.v… Ở cõi nầy là cõi dục; cho nên cái gì nó cũng chỉ có tính cách tương đối và không cái gì có tính cách tuyệt đối; ngoại trừ chân lý. Đã là con người, đâu ai muốn phạm tội; nhưng lòng tham đã khiến cho con người sinh ra những tội lỗi như vậy. Vấn đề ở đây là phải ngăn chận từ cái gốc rễ sinh ra tội lỗi, chứ không phải chỉ ngăn ngừa ở ngọn ngành. Bởi vì ngọn ngành chỉ là kết quả. Còn nguyên nhân của tội lỗi đến từ đâu?
Mỗi tôn giáo sẽ có một cách trả lời khác nhau; nhưng tựu chung cũng chỉ vì con người không biết tự làm chủ mình mà thôi. Ví dụ: tiền, tình, tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ v.v… là con người, ai lại chẳng đam mê. Nhưng bạn đam mê đến mức nào? bạn có làm chủ được bạn chăng hay lòng tham làm chủ bạn? vấn đề là ở đây. Cho nên ngày nay chúng ta thấy không thiếu những người trẻ ngồi tù, mà người già cũng không thiếu.
Vì tham lam muốn có nhiều tiền cho nên buôn bán ma túy. Chắc họ sẽ biết rằng: có một ngày nào đó họ sẽ bị sa vào lưới pháp luật; nhưng mị lực của đồng tiền họ không thể làm chủ được. Sự giàu có, hưởng thụ, quyền lực v.v… đã làm cho họ mờ mắt đi. Đây chính là những người nhẹ dạ chỉ vì tham lam, ích kỷ. Cho nên Thánh Ghandi nói rằng: „Thực phẩm trên quả địa cầu nầy không bao giờ thiếu; chỉ có lòng tham của con người không đủ mà thôi“. Như vậy tham bao nhiêu thì đủ? Dĩ nhiên là cái tham sẽ không có cái đủ. Người nào biết đủ nó sẽ đủ; người nào không biết đủ, lòng tham sẽ sai khiến cho chúng ta gây nên thêm nhiều tội lỗi nữa.
Từ đó mới có tội phạm và mới có nhà tù. Nhưng sau khi cải tạo tư tưởng xong, được thả ra, nhiều người vẫn tái phạm. Vì lẽ họ vẫn không tự chủ được mình. Vậy vấn đề kiểm soát được chính mình mới là điều quan trọng và đáng nói nhất.
Ví dụ tôi buồn ngủ, tôi khổ đau, tôi hạnh phúc, tôi sầu muộn, tôi giàu có, tôi nghèo hèn v.v… tất cả những cái tôi Đại Danh Từ ấy là một chủ từ ảo; hãy đừng để cho nó sai khiến. Bởi vì cuối cùng rồi, đâu có cái gì là của tôi đâu? Nhà cửa, xe cộ, vợ đẹp, con ngoan, tiền tài, danh vọng v.v… tất cả cũng chỉ là những hiện tượng, mà đã nói là những hiện tượng thì đâu có gì là chắc thật. Vậy tại sao chúng ta phải vin vào đó để khổ đau hoặc hạnh phúc. Tất cả chỉ là sương mai, là điện chớp, là ảo ảnh của cuộc đời. Có đó rồi mất đó và tất cả đều bị vô thường sanh diệt biến đổi. Từ lâu đài cung điện cho đến Vua chúa, Hoàng hậu… đâu có cái gì tồn tại mãi được với thời gian? Tất cả đều bị đào thải và bị lãng quên. Chỉ còn một cái không to tướng. Nhưng tại sao ta lại phải sống và chiến đấu để làm gì? - Để khỏa lấp lỗ trống không vô nghĩa ấy. Nghĩa là chúng ta bị vô minh sai sử; không làm chủ được trước tình và tiền; nên mới sa vào tội phạm.
Vậy thì cha mẹ, Thầy Cô, học đường, tôn giáo v.v… sẽ giúp được gì cho những người đang bị tù tội nầy?
Vấn đề quan trọng ở đây là ý thức của cá nhân đó, chứ không phải là vấn đề của tôn giáo hay học đường. Ví dụ tại trường các em được học là: „không được xả rác bừa bãi nơi công cộng“. Nếu học sinh nào cũng tập theo thói quen ấy, thì nơi công cộng sẽ đẹp đẽ tự nhiên. Khi đi vào đời, các em sẽ mang tinh thần tự chủ ấy để sống cho mình, cho tha nhân và bằng hữu thì chắc rằng chính đương sự ấy và xã hội sẽ đẹp hơn nhiều. Bằng ngược lại cứ xả rác vô tội vạ; mình chẳng cần biết. Ai quét, hốt thì lo dọn; còn tôi không có bổn phận đó. Nếu lý luận như vậy thì xã hội nầy cần nhiều nhà tù hơn là trường học. Vì lẽ ý thức công dân, ý thức trách nhiệm cá nhân còn thấp kém quá. Khi ta phán đoán một dân tộc có trình độ dân trí cao, là chúng ta nhắm vào sự ý thức cá nhân của quốc gia ấy như thế nào. Do vậy vấn đề giáo dục dầu bất cứ ở hoàn cảnh hay môi trường nào đi nữa, phải là những vấn đề luôn luôn được cải tiến và sửa đổi để cho phù hợp với cuộc sống của con người.
Vua, chính phủ có thể ân xá cho tội nhân. Điều ấy do tình thương và lòng từ mà có; nhưng nếu tội nhân không ý thức, không muốn ra khỏi chỗ gông cùm xiềng xích thì Vua và chính phủ chỉ căn cứ theo luật để trị mà thôi. Nhưng luật chỉ có giá trị với những người có ý hướng sửa đổi. Còn với những người không ý thức thì luật lệ đâu có ý nghĩa gì.
Ở đây chúng tôi muốn kêu gọi ý thức của con người. „Phàm làm việc gì phải nghĩ đến hậu quả của nó“. Đây là câu nói trong quyển „Bài học ngàn vàng“ do cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa biên soạn. Nó có một chân lý tuyệt đối vĩnh viễn muôn đời. Vì chân lý bao giờ cũng là chân lý. Còn luật và lệ luôn luôn bị chi phối bởi thời gian và năm tháng; nhưng điều quan trọng vẫn là cái tâm làm chủ cho con người.
Qua những sự phân tích từ giáo dục gia đình đến học đường rồi tôn giáo và giáo dục tội phạm, chúng ta thấy được rằng: mỗi người trong chúng ta, ai ai cũng phải có bổn phận rèn luyện, học tập, sửa đổi, cố gắng, nhẫn nại v.v… để tôi luyện cho chính mình có được sức kham nhẫn trong cuộc sống vốn đầy dẫy những nhiễu nhương và thử thách như thế nầy. Con người cũng giống như hoa sen vậy. Chúng ta tuy sống giữa cõi đời tục lụy mà không bị nhiễm bởi mùi trần mới là điều đáng quý; hoa sen, tuy mọc lên nơi bùn lầy nước đọng; nhưng khi đã thoát ra khỏi chốn bùn nhơ tục lụy thì tỏa ra những hương thơm tinh khiết, ngọt ngào. Chúng ta là con người không lẽ chúng ta không thể sánh bằng với loài hoa quân tử kia sao?
Giọt nước nào rồi cũng chảy vào ao hồ và cuối cùng là ra biển cả. Việc thiện tuy nhỏ, có thể nhỏ hơn giọt nước kia; nhưng lâu ngày tích chứa, ở trong biển công đức ấy sẽ có sự hiện hữu của chúng ta. Do vậy chúng ta nên cố gắng làm lành, lánh dữ và đừng cho phạm vào nhiều trọng tội để chư Phật và chư Bồ Tát ít nhọc công với chúng ta ở trong nhiều kiếp luân hồi kế tiếp nữa.
Mong được như vậy.
Viết tại thư phòng Chùa Viên Giác Hannover - Đức Quốc, nhân mùa Lễ Vu Lan báo hiếu – Phật lịch 2554 - Dương lịch 2010.
__________________________
Thiên Thời, Địa Lợi, Nhân Hòa
● Thích Như Điển
Đây là những từ ngữ mà ông bà ta vẫn thường hay dùng từ xa xưa cho đến nay, để nói lên một việc gì đó được thành tựu qua ba yếu tố là: Thiên, Địa, Nhân và điều không kém phần quan trọng đi kèm theo là thời hay thì hoặc cơ hội đúng lúc; lợi ở đây là lợi lạc cho mọi người, cho những người và muôn vật chung quanh mình. Còn hòa ở đây là hòa bình, an ổn, hòa hoãn, hòa thuận v.v…
Như vậy Nho gia cũng đã làm nổi bật được quan niệm của con người sống trong trời đất, phải thuận theo thiên nhiên, lợi lạc và an ổn giữa cuộc sống thế trần. Đây là quan niệm tương đối, khi con người đối diện với bao nỗi khó khăn, trăn trở khác trong cuộc đời nầy.
Còn Phật gia thì sao ? Dĩ nhiên Phật Pháp cũng không thể tồn tại ở ngoài thế gian pháp được. Do vậy trong chốn chùa chiền người ta hay dùng đến các từ ngữ như: phong điều, vũ thuận, quốc thái, dân an v.v... Mưa gió có điều hòa thì cỏ cây mới xanh tốt. Đất nước có thái bình thì nhân dân mới an lạc được. Muốn đất nước thái bình thì kẻ an bang tế thế, người cầm đầu quốc gia phải biết cách cai dân trị nước, lòng người mới an ổn. Khi con người được an ổn thì thế sự nhơn tâm được hòa thuận và nhờ vào ơn mưa móc của thiên nhiên mà ngay cả cỏ cây cũng nhuần thắm vậy.
Ở đây tôi muốn nhắc lại những điều cần nhắc, kẻo thời gian năm tháng trôi qua, chúng ta sẽ lãng quên theo dòng đời bị cuốn hút theo bụi mờ của thời gian; nên cần phải ghi lại những gì đã xảy ra trong thời gian gần một năm qua tại xứ Đức nầy.
Sau khi tham dự Đại Hội Về Nguồn lần thứ 3 tại Tu Viện An Lạc ở Ventura California Hoa Kỳ được tổ chức vào hạ tuần tháng 9 năm 2009, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu đăng cai tổ chức ngày Lễ Hiệp Kỵ Chư Lịch Đại Tổ Sư (Về Nguồn IV) và nước Đức lãnh phần kỹ thuật tổ chức. Thế là mọi mũi dùi đều nhắm vào nhiều Thầy, trong đó có cá nhân chúng tôi. Tuy nhiên tôi vẫn nghĩ rằng: Chẳng có gì sai trái để mình phải thối thác, từ nan nhiệm vụ của Giáo Hội đã giao phó cả; nên công việc cứ vẫn tiến hành.
Tôi lên chương trình và trình lên Hòa Thượng Chủ Tịch Thích Minh Tâm để xin ý kiến. Hòa Thượng đồng ý và dự định tổ chức Lễ Hiệp Kỵ Chư Lịch Đại Tổ Sư tại Chùa Viên Giác Hannover Đức Quốc từ ngày 3 đến ngày 6 tháng 9 năm 2010. Sau khi quý Thầy ở các nước khác nhận được tin trên trang nhà Viên Giác về Chương Trình Phật Sự năm 2010 mới lấy làm lo. Vì lẽ cận sau Lễ Vu Lan chỉ 10 ngày, quý Thầy sẽ không sắp xếp về tham dự được. Do vậy chỉ còn cách là sắp vào chương trình của Tu Viện Viên Đức tại Ravensburg mà thôi. Đây là chương trình tu học hằng năm của quý Phật Tử và Lễ Vu Lan của Tu Viện. Sau đó tôi đã đổi thời gian lại từ 16 đến ngày 19 tháng 9 năm 2010 tại miền Nam nước Đức, thay vì tổ chức tại Hannover. Đã có nhiều Thầy, Cô lo lắng về việc nầy; nhưng tôi vẫn âm thầm cho xúc tiến mọi điều cần thiết trước. Chỉ cho những người nào cần biết và đại đa số thì chưa thông báo cho đại chúng.
Từ Tết Canh Dần cho đến Rằm Tháng Giêng năm nay tại chùa Viên Giác Hannover có khoảng 17.000 người đi lễ. Vì mỗi Phật Tử đi chùa, tôi có phát cho họ một hồng bao; nên biết được số người đến dự. Trong khoảng 2 tuần lễ ấy có những tờ truyền đơn in theo lối nặc danh, kêu gọi mọi người tẩy chay Đại Hội Về Nguồn IV sắp được tổ chức trong tháng 9 năm 2010. Họ là ai, chẳng ai biết được. Vì họ chờ lúc không có người, họ mới dán lên tường, bỏ vào thùng phước sương v.v... Rồi đến ngày Lễ Phật Đản và Lễ Vu Lan năm nay cũng thế. Có những tờ giấy in thật nhỏ và dán nhiều nơi như tại cầu tiêu, ngoài cổng Tam Quan v.v... với chủ ý kêu gọi mọi người đừng cúng dường chùa và tẩy chay Về Nguồn IV. Tuy thế Lễ Phật Đản đã có 8.000 người về tham dự trong 3 ngày và Lễ Vu Lan đã có khoảng 7.000 người, mà 2 phần 3 là giới trẻ. Tôi nhìn họ mà cảm thấy vui. Vì trong 20 đến 30 năm nữa chùa chiền vẫn còn được thế hệ nầy và con cái của họ tiếp tục duy trì giữ gìn nếp sống Đạo.
Được một cái rất may là tôi không biết mở và vào Internet; nên những chuyện thị phi nhơn ngãi tôi không bận tâm. Vì những nguồn thông tin mà đến được tai, mắt tôi, đều là những nguồn thông tin đã được chọn lọc. Tôi chỉ nghe chuyền miệng bên ngoài mà thôi. Nhưng đó không phải là điều để chính mình phải lo lắng.
Sau khi lá thư thứ nhất, lá thư thứ 2 và kế tiếp là lá thư thứ 3 của Hòa Thượng Thích Minh Tâm gởi đi thì có rất nhiều thuận lợi. Vì nhiều người đã hiểu ra sự thật khá nhiều; nhất là bài “Lý sự bất dung thông” của Thích Tâm Không đã nói rất rõ và rất đúng với tâm trạng của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Liên Châu; nên mọi người đã âm thầm ủng hộ bằng cách là về Ravensburg để hỗ trợ chư Tôn Đức trong Giáo Hội.
Giữa tháng 6 năm 2010 tôi đã gởi lá thư mời chính thức đến chư Tôn Đức tại Úc, Canada và Hoa Kỳ. Riêng Châu Âu đến tháng 8 chúng tôi mới gởi. Vì lẽ tại châu lục nầy mọi người đã biết rõ thông tin rồi. Ngay cả thư gởi Hòa Thượng Thích Hộ Giác, Hòa Thượng Thích Chánh Lạc, Thượng Tọa Thích Viên Lý, Thượng Tọa Thích Giác Đẳng, ông Võ Văn Ái v.v... chúng tôi cũng đã trịnh trọng có những thư mời riêng; nhưng không được phúc đáp. Chỉ có Hòa Thượng Thượng Thủ Thích Tâm Châu đã có thư chúc mừng và cáo lỗi không đến tham dự dược, vì nhiều Phật sự khác.
Tôi dự định nhiều lắm là 100 chư Tăng Ni tham dự và ban đầu không dự định mời Phật Tử đông đảo. Chỉ mời vào ngày khai và bế mạc Đại Hội thôi; nhưng theo Hòa Thượng Chủ Tịch cứ nên động viên Phật Tử miền Nam nước Đức về tham dự cho đông đảo.
Mọi khâu chuẩn bị từ tài chánh cho đến nhân sự và tổ chức được hoàn mãn thì Thầy trò chúng tôi từ Hannover kéo nhau về Viên Đức trước đó một tuần lễ để lo cho mọi công việc sẽ được diễn ra tại đây cho được thuận lợi. Từ việc trai soạn đã có những anh chị đầu bếp cừ khôi của các chùa trên nước Đức về hỗ trợ; đến khâu trang trí đã có Thượng Tọa Thích Nguyên Lộc và một vài nữ Phật Tử Diệu Lý, Thiện Hạnh trổ tài. Phần cúng dường trai phạn cho chư Tăng Ni trong 4 ngày Đại Hội đã có các chùa Bảo Quang, Tam Bảo, Linh Thứu, Liên Trì, Viên Đức và Viên Giác lo. Phần trai tăng cũng đã chuẩn bị chu đáo ngay từ những ngày đầu.
Từ những ngày 13 đến ngày 15 tháng 9 năm 2010 trời lúc nào cũng mưa rả rích và mây đen vần vũ khắp cả bầu trời. Tôi đang lo lắng thì các anh em tại địa phương cho biết rằng: ngày thứ tư trời nắng, thứ năm trời mưa, thứ sáu, thứ bảy âm u và mây, gió, Chủ nhật ngày chính lễ nhằm ngày 19 tháng 9 trời sẽ mưa. Nghe toàn là những tin chẳng vui; nên tôi bảo: “Hãy cứ cầu nguyện, thế nào rồi mây sẽ trôi theo hướng khác”. Tuy nói vậy chứ lễ đài lộ thiên phải mang vào gần sát Tổ Đường; nếu có mưa lớn, còn chạy vào trong núp được; chứ lễ đài lộ thiên không thể làm ngoài sân cỏ được. Đây là dự báo thời tiết của cơ quan khí tượng thuộc vùng Bodensee.
Ngày thứ tư 15 tháng 9 năm 2010 tôi phải đi Genève từ Ravensburg bằng xe hơi để tham dự lễ cầu nguyện và đưa Thỉnh Nguyện Thư cho Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc. Bên Hoa Kỳ có Hòa Thượng Thích Nguyên Trí, Sư Cô Thích Nữ Đức Thường và phóng viên Cổ Ngưu của tờ Việt Báo. Tại Âu Châu có ông Lai Thế Hùng và một vị cựu Thẩm Phán cũng như một số đồng hương Việt Nam khác.
Gặp Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc cùng với Linh Mục Đinh Xuân Minh để nhờ họ can thiệp cho những người Việt Nam mới đến Thái Lan tỵ nạn. Đến Ủy Ban Tranh Đấu cho nhân quyền để trình bày về vấn đề tự do tôn giáo tại Việt Nam cũng như phục hoạt lại Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong nước như Đại Lão Hòa Thượng Thích Quảng Độ đã chủ trương.
Thời tiết ngày hôm ấy theo dự báo là mưa suốt ngày; nhưng khi qua phà Bodensee để đi Konstanz, trời mỗi lúc một sáng thêm. Khi đến Genève thì trời rất tốt và ánh thái dương chiếu sáng khắp bầu trời Genève suốt ngày hôm ấy. Kết quả của một ngày làm việc với cơ quan công quyền của Liên Hiệp Quốc thật là tốt đẹp. Trước đó chúng tôi có một buổi lễ cầu nguyện trước trụ sở Liên Hiệp Quốc; nơi công lý tượng trưng cho chiếc ghế chỉ còn 3 chân.
Về lại Tu Viện Viên Đức đã vào đêm. Một số quý Hòa Thượng từ Hoa Kỳ đã đến. Sang ngày 16 tháng 9 suốt ngày khách Tăng từ các phương xa đến và cuối cùng chờ chuyến xe Bus của Hòa Thượng Thích Minh Tâm đến. Vào lúc 21 giờ đêm ngày 16 tháng 9 năm 2010 Thượng Tọa Thích Thông Trí đã tác bạch để làm lễ cung an chức sự. Ngày nầy trời chỉ âm u thôi chứ không mưa, như thời tiết đã dự đoán.
Đến sáng ngày 17 tháng 9 năm 2010 là ngày khai mạc. Đây là những giờ phút quan trọng; trời bỗng nhiên yên ắng lạ thường; ánh thái dương bắt đầu xuất hiện. Buổi chiều cùng ngày Hòa Thượng Chủ Tịch đã trình bày về hiện tình Phật Giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước và tối đó thay vì nghe Thượng Tọa Thích Quảng Ba thuyết trình về Vạn Hạnh Thiền Sư thì toàn thể Hội Chúng đã tham dự Đại Hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Liên Châu. Lần hội nầy có 2 việc quan trọng đã được Đại Hội thông qua. Đó là Chủ Tịch Điều Hợp Liên Châu trong vòng 2 năm tới (2011-2013) do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Úc Đại Lợi & Tân Tây Lan đảm trách. Lễ Hiệp Kỵ Chư Lịch Đại Tổ Sư (Về Nguồn V) sẽ do Chùa Thiện Minh tại Lyon, Pháp Quốc; nơi Hòa Thượng Thích Tánh Thiệt làm Viện Chủ sẽ đứng ra tổ chức với sự bảo trợ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu. Một ngày hội thảo đã qua trong an lạc.
Suốt cả ngày thứ bảy 18 tháng 9 năm 2010 đã có hơn 500 Phật Tử từ khắp các nơi về tham dự Lễ Kỵ Tổ cùng với hơn 100 chư Tôn Đức Tăng Ni từ Úc Đại Lợi, Canada, Hoa Kỳ và Âu Châu cùng tham dự nhiều Phân Ban khác nhau trong ngày nầy. Sáng ngày 18 tháng 9 có 4 Phân Ban họp cùng một lúc. Đó là Phân Ban thuyết trình về đề tài Tổ Sư Liễu Quán được tổ chức tại chánh điện, do Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa và Hòa Thượng Thích Nguyên Siêu đảm trách. Đặc biệt trong phần thảo luận đề tài “Chánh Giáo Phân Ly” được trao đổi rất sôi nổi. Nơi lều bên ngoài có 2 Phân Ban. Lều nhỏ là nơi họp của Hội Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức do Đại Đức Thích Hạnh Giới chủ trì. Kết quả là một bản “Kiến Nghị Thư” với chữ ký của mấy chục Chi Hội và Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Đức tán thành cũng như hỗ trợ lập trường và đường lối của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu.
Hòa Thượng Thích Bảo Lạc đến từ Úc Châu đã giảng pháp cho hơn 150 Phật Tử trong căn lều lớn trong vòng 2 tiếng đồng hồ thật thân mật và ấm cúng. Đồng thời nơi trai đường của Tu Viện hơn 50 chư Ni đã ngồi lại với nhau để tâm tình và chia xẻ kinh nghiệm hành đạo của Ni giới tại xứ người, mà kết quả của các khoáng đại và các Phân Ban đã được Hòa Thượng Chủ Tịch tóm lược trong ngày bế mạc về “thành quả của Đại Hội”.
Buổi chiều ngày 18 tháng 9 năm 2010 tại chánhh điện có cuộc hội thảo về Minh Hải Tổ Sư, người khai sơn Thiền Phái Lâm Tế Chúc Thánh do Thượng Tọa Thích Hạnh Tuấn thuyết trình. Nội dung được đưa ra hội luận; nhất là sự truyền thừa của các dòng kệ thuộc các Tông Phái của Liễu Quán cũng đã được đề cập đến. Tại lều lớn Hòa Thượng Thích Tín Nghĩa đã giảng pháp cho hơn 200 Phật Tử nghe. Tất cả đều hoan hỷ.
Đêm thứ bảy thay vì họp khoáng đại 5, là một đêm tâm tình thật là ý vị. Những bài thơ, nhạc, kể chuyện v.v... đã mang lại cho mọi người một sự sưởi ấm nội tâm, thật là hữu ích. Gần 2 tiếng đồng hồ mọi người ngồi dưới ánh nến lung linh để chiêm nghiệm và thưởng thức những câu hò điệu hát ấy của những ngày Đại Hội.
Ngày chủ nhật 19 tháng 9 năm 2010 là ngày quan trọng nhất. Vì đây là chủ đề của Đại Hội. Ngày Hiệp Kỵ Chư Lịch Đại Tổ Sư hay còn gọi là Về Nguồn IV cũng như ngày Đại Lễ Vu Lan Báo Hiếu của Tu Viện Viên Đức.
Theo dự báo thời tiết, chỉ có buổi sáng trời nắng có mây và nhiệt độ là 14 độ. Nhưng suốt ngày ấy chẳng mưa và nhiệt độ là 20 độ. Đoàn lân dẫn đầu với vị Chủ Sám, rồi thì bê, tích trượng, lọng cũng như 2 kiệu Long Vị Tổ Sư và chân dung của Hòa Thượng Thích Quảng Đức đã được Chư Tôn Thượng Tọa, Đại Đức Tăng cung nghinh thật trang nghiêm và thành kính. Kế tiếp đó là 4 vị Hòa Thượng đại diện cho các Châu Lục. Tiếp theo là 100 vị Tăng Ni giáo phẩm của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Liên Châu và sau cùng là 1.000 đồng hương Phật Tử đến từ Thụy Sĩ, Áo, Pháp, Đức, Hòa Lan, Đan Mạch cũng như các nước khác tại Âu Châu. Trước đó tại chánh điện đã cử hành Lễ Vu Lan, tổng kết trong 3 ngày Đại Hội, phát biểu cảm tưởng của Chư Tăng và diễn văn bế mạc của chúng tôi.
Lễ đài làm hỏa tốc trong 2 ngày do Thượng Tọa Thích Nguyên Lộc trông coi; rất đẹp và vững chắc. Đêm trước đó các anh em trong GĐPT Chánh Dũng đã trình diễn văn nghệ trong vòng một tiếng đồng hồ cũng tại lễ đài nầy.
“Tâm Nguyện của Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại” đã được đọc bởi Hòa Thượng Chủ Tịch Thích Minh Tâm đại diện cho hằng trăm Tăng Ni và ngàn Phật Tử trước Long Vị Chư Tổ và hình ảnh Thánh Tử Đạo. Bồ Tát Thích Quảng Đức đã làm cho nhiều người thổn thức, lắng đọng tâm tư và cũng đã có nhiều người nhỏ lệ. Đây cũng giống như lúc Hòa Thượng Thích Tánh Thiệt đại diện cho Tăng Ni đọc 7 pháp bất thối trong lễ khai mạc cũng đã làm cho nhiều người lắng sâu lòng mình về với thời gian cách đây hơn 2.500 năm trước mà Đức Phật đã huấn dụ cho Tăng Đoàn như vậy và hôm nay đây được trang trọng nghe lại tại chánh điện Tu Viện Viên Đức, thuộc miền Nam nước Đức nầy.
Sau cùng là lễ cúng Tổ và trao Long Vị cho Hòa Thượng Thích Tánh Thiệt cũng như lễ cúng vong và lễ cúng dường trai tăng nhân 3 ngày Đại Hội đã thành công viên mãn.
Nói về thiên thời thì tâm chúng ta đã chuyển được hoàn cảnh chung quanh; nên suốt 3 ngày Đại Hội trôi qua không có một giọt mưa nào mà toàn là nắng ấm.
Còn địa lợi thì phải nói đây là điều khó diễn tả hết được. Vì cảnh trí của Bodensee cách chùa không xa, cũng như chung quanh Tu Viện toàn là những vườn cây ăn trái như: táo, lê, mận, đào, bắp v.v... mới nhìn đã thấy thích thú rồi. Khi dời địa điểm về vùng nầy, riêng tôi đoan chắc là chư Tăng Ni sẽ thích. Vì lẽ hằng ngày đa phần chúng ta đã sống nơi phố thị ồn ào. Còn khi về đây Đại Hội, các Ngài đã được thư giãn, có thời gian và khung cảnh để nhìn ngắm trời, trăng, mây, nước và cảnh vật chung quanh. Nên cuối cùng chẳng có một vị nào chê là cảnh vật đồng quê cả, mà ai cũng mong có lại một ngày về thăm Tu Viện.
Còn nhân hòa thì khỏi phải bàn đến. Vì “nước loạn mới biết tôi trung; nhà nghèo mới hay con thảo”. Dầu dưới hình thức nào đi nữa thì Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Liên Châu vẫn trung thành với bản Hiến Chương của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã được ban hành từ năm 1964 ở trong nước. Nay dưới sự lãnh đạo của Hòa Thượng Thích Quảng Độ, các Giáo Hội nầy vẫn hỗ trợ Ngài bằng nhiều hình thức khác nhau trên bình diện của bang giao quốc tế.
Qua 4 kỳ Về Nguồn. Lần thứ nhất tổ chức vào tháng 8 năm 2007 tại chùa Pháp Vân, Toronto, Canada có 96 Tăng Ni tham dự. Lần thứ 2 tổ chức vào tháng 9 năm 2008 tại chùa Bát Nhã thuộc miền Nam California, Hoa Kỳ có 200 Tăng Ni tham dự. Lần thứ 3 tổ chức tại Tu Viện An Lạc Ventura, California, Hoa Kỳ vào tháng 9 năm 2009 có 150 Tăng Ni và hằng ngàn Phật Tử tham dự và lần thứ 4 nầy tổ chức tại Tu Viện Viên Đức Ravensburg Đức Quốc có 120 Tăng Ni và khoảng 1.000 Phật Tử tham dự. Nhưng phải nói trong lần nầy nội dung thảo luận sâu sắc hơn; sự cảm thông giữa chư Tăng với chư Tăng, giữa chư Ni với chư Ni càng ngày càng gần gũi với nhau hơn và chia xẻ những khó khăn với nhau nhiều hơn nữa.
Đặc biệt trong lần nầy 2 MC, Đại Đức Thích Pháp Quang đến từ Đan Mạch và Đại Đức Thích Hạnh Giới quyền Trụ trì chùa Viên Giác Hannover đã rất chững chạc trong nhiệm vụ xướng ngôn viên của mình, thông tin đến đại chúng chương trình lễ cũng như những tin tức khác, cũng giống như đã MC cho Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 22 vừa qua tại Neuss đã thành công viên mãn.
Đặc biệt hơn nữa trong lần nầy là chư Tăng, Ni trẻ đã phát nguyện dấn thân nhiều hơn nữa, để nối tiếp những bước chân mà chư Tôn Đức Trưởng Lão trong Giáo Hội đã dấn thân từ bấy lâu nay cho Quê Hương cũng như Đạo Pháp. Những giọt nước mắt mừng vui; những cái nhìn cảm thông và hiểu biết là thành quả của lòng người đã hòa nhau trong tinh thần lục hòa để giữ gìn con đường truyền thống của Đạo Phật; mà chư Tổ trong quá khứ đã dày công dựng đắp cũng như tô bồi, mới có được ngày hôm nay.
Trên đây là những sự thật; nhưng có lẽ cũng sẽ có nhiều người chưa vừa lòng và sẽ có tiếng nọ lời qua; nhưng bao giờ cũng vậy “trăm nghe không bằng mắt thấy”. Xin nhắn với ai đó còn nghi ngờ hay bán tín bán nghi thì sang năm 2011 hãy đến chùa Thiện Minh tại Lyon, Pháp Quốc để tham gia ngày Kỵ Tổ và Về Nguồn V thì sẽ rõ được ngọn ngành nhiều hơn nữa.
Thiên, Địa, Nhân hay Thiên Thời, Địa Lợi, Nhân Hòa đã được điểm qua và hy vọng rằng: phong điều, vũ thuận, quốc thái, dân an sẽ được mở vòng đai lớn xa hơn nữa về tận nơi quê hương. Cầu cho không còn chủ nghĩa độc tôn của cộng sản ngự trị trên quê hương chúng ta nữa, mà “chánh giáo phải phân ly”. Có như thế Phật Giáo nói riêng hay Tôn Giáo nói chung mới giữ đúng vao trò lãnh đạo tâm linh của mình đối với đồng bào Phật Tử.
Mong rằng nhà nước Cộng sản Việt Nam không dùng cánh tay nối dài của mình để làm lủng đoạn nội bộ của tôn giáo qua Ban Tôn Giáo của chính phủ trong hiện tại. Khi mà Ban Tôn Giáo nầy thực hiên những hành động “ném đá giấu tay” và đổ trách nhiệm cho người khác, để “gà nhà bôi mặt đá nhau” thì “ngư ông sẽ thủ lợi”. Trò đời mà đem ứng dụng vào Đạo thì chắc khó thành công. Vì lẽ “mà mắt người” thì được. Chứ “mà mắt Thánh” thì làm sao qua khỏi sự trừng phạt của chư vị Long Thần Hộ Pháp và của chư Thiên.
Mong rằng những Người Việt Tự Do ở khắp năm châu đừng lầm sự tự tạo hay vu cáo, vốn là ngón nghề của những thế lực vô minh, trong đó có Cộng Sản Việt Nam, nhằm chia rẽ cộng động tỵ nạn của chúng ta đang sống trên các nước tự do dân chủ nầy. Chỉ có tự do mới giải phóng được những sự đàn áp tự do mà thôi, trong đó có cả tự do tôn giáo cho quê hương đất nước của mình.
Xin đừng nghe theo sự tuyên truyền mà nghi ngờ lẫn nhau rồi chia cách nhau. Đây chỉ là chiêu bài của những thế lực muốn chia xẻ chúng ta ra từng mảnh nhỏ để dễ bề làm yếu đi tinh thần đấu tranh của chúng ta mà thôi. Xin quý vị đừng lầm và nên nhớ rằng: Chúng ta không hận thù ai hết, chúng ta chỉ muốn làm sáng tỏ vấn đề cho mọi người cùng biết. Ấy cũng là nhiệm vụ của những người muốn “gạn đục khơi trong” vậy.
Viết tại Tu Viện Viên Đức nhân ngày lập thu năm 2010
______________________________
MỘT ĐÓA TƯỜNG VÂN
● Thích Như Điển
(Viết để tán dương 30 năm PGVN tại Úc)
Năm nay 2010-2011 Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan tổ chức khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu kỳ thứ 10 tại Adelaide Nam Úc. Khoảng 40 Tăng Ni gần 20 Tự Viện trên toàn Liên Bang Úc đã về đây tham gia chứng minh cũng như giảng dạy suốt trong những ngày từ 30 tháng 12 năm 2010 đến ngày 3 tháng 1 năm 2011. Về phần quý đạo hữu Phật tử có 365 học viên tham dự. Người lớn tuổi nhất đã đến tuổi 90 và những em bé theo mẹ đi học độ 4 tuổi. Học viên năm nay chia ra làm 2 lớp. Lớp lớn học Kinh Di Giáo và đặc biệt các em Thanh Thiếu Niên không rành tiếng Việt, gần 120 em do quý Thầy, quý Cô và các anh chị em Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử hướng dẫn song ngữ Anh Việt.
Đoái nhìn lại khoảng thời gian từ năm 1975 đến nay (2011) đã hơn 36 năm người Việt tỵ nạn đã có mặt tại quê hương đất nước rộng lớn này và đã trải qua thế hệ thứ 3 nơi đây, nên có nhiều việc để nói và tán dương những thành quả nhất định của cộng đồng chúng ta tại đây.
Nước Úc là một châu lục mà cũng là một đảo quốc nằm tách rời xa Châu Á, có diện tích gấp 21 lần nước Việt Nam, nghĩa là trên bảy triệu rưỡi cây số vuông, nhưng dân số chỉ gần 20 triệu người; tức là bằng một phần tư dân số nước Việt Nam trong hiện tại. Nhiều người ngoại quốc vẫn nghĩ rằng Sydney là thủ đô của Úc, nhưng không phải, Canberra mới chính là thủ đô của nước nầy. Người Úc thường tự nhận mình là người Aussie và đôi khi họ còn nói họ là người thuộc quốc gia Downunder nữa. Down có nghĩa là dưới mà under cũng đồng nghĩa như vậy. Nếu dịch là “dưới dưới” thì nó không phải là tiếng Việt thuần túy, mà phải dịch là ”miệt dưới” mới đúng. Nước nầy có cây bạch đàn và Kangaroo là nổi tiếng nhất. Vì khắp nơi trên thế giới, ít nơi nào có được như vậy cả. Đất nước Úc là một đất nước tự do nên nơi nầy có rất nhiều chủng tộc sinh sống. Cách đây 200 năm về trước chỉ có người Anh và những người Âu Châu di dân đến đây trước hay sau 2 đại chiến thế giới từ những năm 1914-1918 và 1939-1945. Trước khi người Âu Châu đến, tại lục địa này đã có người Thổ Dân sinh sống và người Trung Quốc, Nhật Bản cũng đã đến đây vào đầu thế kỷ thứ 20, nhất là sau cuộc cách mạng Tân Hợi năm 1911 tại Trung Hoa. Họ đến đây để tìm vàng và nhiều người đã sống cũng như chết tại miền Bắc Úc không phải là ít.
Trước năm 1975 cũng đã có nhiều sinh viên thuộc Miền Nam Việt Nam đi du học tại đây. Một số lớn đã về nước làm việc. Số còn lại sau năm 1975 họ đã hòa nhập vào cộng đồng người Úc gốc Á Châu và những vị này cũng là những người đã trực tiếp giúp đỡ cho người tỵ nạn Cộng Sản Việt Nam khi còn chân ướt chân ráo mới đến đất nước này định cư sau khi đã tạm cư tại các đảo ở Đông Nam Á Châu trong nhiều năm tháng.
Hiện nay người Việt sinh sống tại nước Úc độ trên dưới 200.000 người, đa phần họ sống các thành phố lớn nằm ven bờ biển như: Darwin, Brisbane, Sydney, Canberra, Melbourne, Adelaide và Perth. Thỉnh thoảng mới có một số ít người Việt, vì lý do nghề nghiệp, nên họ mới cư trú ở những nơi hẻo lánh. Điểm đặc biệt của cộng đồng người Việt tại Úc là có tổ chức. Vì vậy chính phủ liên bang mới tài trợ cho những khâu sinh hoạt văn hóa, tôn giáo và từ thiện xã hội. Không đâu trên thế giới nầy, ngay cả Hoa Kỳ cũng chưa có được những cơ sở cộng đồng to lớn và hoạt động hữu hiệu như tại Úc. Có lẽ ngay từ bước đầu là do chính phủ Úc có chính sách lưu tâm giúp đỡ, tài trợ người tỵ nạn và sau đó chính cộng đồng của mình ý thức trách nhiệm chung nên mới được như vậy.
Sau khi đời sống vật chất tạm ổn định: những người Phật tử tự động đứng lên thành lập những Hội Phật Giáo. Tại đây có 3 Hội Phật Giáo được thành lập tương đối sớm nhất từ những năm 1978, 1979 và 1981. Đó là các Hội Phật Giáo tại Brisbane, New South Wales và Adelaide. Đây là những Hội Phật Giáo hoàn toàn do các vị cư sĩ đứng ra thành lập. Thuở ấy, hơn 30 năm về trước chưa có một vị tu sĩ nào làm Hội Trưởng của 3 Hội Phật Giáo nầy.
Năm 1979 lần đầu tiên tôi đặt chân đến nước Úc từ Đức; sau 2 năm đã tỵ nạn tại đó. Ngày ấy phi trường Sydney không phải phi trường quốc tế, mà tất cả máy bay từ ngoại quốc đến phải dừng tại Melbourne; tiếp đó mới bay đi Sydney. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt tôi là ánh sáng chan hòa của mặt trời thuộc một xứ nam phương ở bên dưới đường xích đạo. Những tia nắng ở đây dọi thẳng vào người thật mạnh; không như những tia nắng tại Âu Châu. Có lẽ mặt trời ở đây nằm gần quả đất hơn chăng? Cây cối, hoa quả, con người, động vật v.v... cái gì trông cũng thật là lạ mắt. Tôi đến đây do sự tình cờ, đi thăm người quen tỵ nạn tại Brisbane; chứ không phải có chủ đích định cư tại Úc, cho nên từ dạo ấy đến nay đã trải qua hơn 30 năm rồi, với xứ Úc, tôi vẫn là khách tăng, mỗi năm đến thăm một vài lần, rồi trở về xứ tuyết của mình nơi tôi đã cư ngụ từ năm 1977 đến nay.
Đến Brisbane năm 1979, tôi đã đi thăm những nông trại và vườn tược của bà con Việt Nam mình sinh sống trước đó 4, 5 năm; thấy những cây ổi, cây mít, cây xoài, cây chuối đã bắt đầu ra trái, nhất là những líp rau muống thẳng hàng và những rau mồng tơi, rau dền v.v... tôi xem thật mát mắt, mà những thứ nầy ở tại Nhật từ năm 1972 và ở Đức từ năm 1977 tôi chưa hề được thấy. Quả thật quê hương đã gợi lại nơi tâm tưởng của tôi không phải chỉ có bài thơ “nhớ chùa” của thi sĩ Huyền Không, tức là cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác, mà trong tôi còn đọng lại những cây trái quê hương. Đây mới chính là động lực để tôi sống cũng như tồn tại gần 40 năm nay tại xứ người.
Nếu tục ngữ Âu Châu muốn ám chỉ người Trung Quốc thì họ chỉ cần nói rằng; ”nơi nào có khói, nơi đó có người Trung Hoa” thì người ta sẽ hiểu ý nghĩa ngay về câu châm ngôn đó. Riêng người Việt Nam ở bất cứ nơi đâu họ cũng đều có một mảnh vườn nho nhỏ trồng trong chậu kiểng trên balkon hay trong vườn nhà... nào những cây rau răm, rau húng, rau diếp cá, rau dền, rau muống, ớt, sả, ngò v.v... Đây có lẽ là đặc điểm chính của người Việt Nam chăng? Nên nhiều khi tôi nói đùa rằng: ”Người Việt Nam mình đi đến đâu và ở đâu cũng mang theo một quê hương đến đó”. Dĩ nhiên những nhận định của tôi bên trên chưa hẳn là hoàn toàn đúng. Tuy nhiên, với tôi là như vậy. Đây có lẽ là động cơ chính để giúp tôi có thể thuyết phục Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, bào huynh của tôi vào năm 1980, thay vì đi Hoa Kỳ, Thầy ấy đã sang Úc định cư để hướng đẫn Phật tử thuộc Hội Phật Giáo Việt Nam tại New South Wales từ năm 1981 đến nay (2011) cũng đã đúng 30 năm rồi (xin đọc thêm quyển "Thoáng quyện ân từ" của Hòa Thượng Thích Bảo Lạc xuất bản năm 2010).
Khi nghe tin tôi đến Brisbane, quý đạo hữu trong Hội Phật Giáo tại đó có mời tôi đến nhà đạo hữu Hội Trưởng Nguyễn Viết Trưng để thăm viếng và nói chuyện đạo. Đây là cái nhân đầu tiên của hơn 30 năm về trước vậy. Hồi đó tại đây chưa có Niệm Phật Đường và dĩ nhiên là chưa có chùa như ngày nay. Tại đây Hội cũng cần tôi giới thiệu một vị Thầy đến lo Phật sự, nhưng thuở ấy nhìn đông, tây chẳng có ai; nên sau này Hội mới đón được Thượng Tọa Thích Nhật Tân về; nhưng khi xây dựng chùa thì Phật Đà vẫn là một chùa do các vị cư sĩ quản lý. Còn Phật Quang, Linh Sơn v.v... đều do chư Tăng, Ni đề xướng. Sau hơn 30 năm tại Brisbane không chỉ có một chùa mà tại đây chắc cũng gần 10 cơ sở lớn, nhỏ như vậy. Tôi nhìn những cây mía thẳng đốt được trồng trong vườn chùa hay tại tư gia của những Phật tử ở đây, trong tâm luôn nở một nụ cười vì biết rằng Phật Giáo tại đây đã vươn lên và tiến thẳng như những cây mía màu tím bụ bẫm ấy. Những cây phượng màu tím, màu đỏ hay những cây điệp là hình ảnh thân thương nhất của tuổi học trò gợi nhớ trong tôi, mà chỉ Brisbane mới có được.
Lúc ấy đạo hữu Lê Thẳng Tiến đương làm Hội Trưởng của Hội Phật Giáo Việt Nam tại New South Wales nghe tin tôi đến Brisbane, đã gọi điện thoại và mời tôi đến nhà hàng của anh ta để gặp gỡ quý cô bác và nói chuyện đạo. Đây là cái duyên đầu tiên để sau này thành lập Niệm Phật Đường không tên tại Lakemba và cung đón Hòa Thượng Thích Bảo Lạc đến Úc vào năm 1981. Ngày ấy đạo hữu Hoàng Khôi, Giáo Sư Đại Học New South Wales đã thuê cư xá sinh viên cho tôi ở để nhớ lại một thuở còn làm sinh viên của tôi tại Nhật và tại Đức.
Năm 1980 đạo hữu Nguyễn Văn Tươi từ Adelaide đã điện thoại mời tôi đến đó để giảng pháp. Thuở ấy người Việt mình còn ở trong trại tỵ nạn và chính quyền đã cho thành lập một tổ chức lấy tên là “Indochina Refugees Community”. Thỉnh thoảng họ có mời quý sư Lào và Miên đến làm lễ. Nhưng hầu hết các vị sư này đều tụng tiếng Pali, cho nên quý cụ, quý bác Phật tử Việt Nam mình chẳng hiểu gì cả. Vả lại đúng ngày chay, quý Phật tử đi chùa, các vị sư theo truyền thống Nam Tông vẫn dùng mặn. Nên đây cũng là những lý do chính mà họ khó xử và cần tôi giúp đỡ ý kiến. Tôi đề nghị rằng “Nên tách rời Hội Phật Giáo Việt Nam riêng ra khỏi hội Indochina này vì 2 lý do trên là chính, ngoài ra người Việt Nam mình cũng đông, sự đóng góp vào việc chùa cũng nhiều hơn hai tổ chức kia”. Cuối cùng mọi người đã đồng ý.
Năm 1982 Hòa Thượng Thích Như Huệ, hiện là Hội Chủ GHPGVNTN Hải Ngoại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan, Phương Trượng Chùa Pháp Hoa; ngày ấy đã được tàu Na Uy vớt và gởi tạm tại Nhật Bản để chờ ngày đi định cư. Từ Nhật Bản, Hòa Thượng Thích Như Huệ đã điện thoại sang Đức cho tôi và ý Ngài là muốn qua Đức; nhưng tôi thưa rằng ”Ở Đức lạnh lắm. Mùa đông đôi khi trừ 20 độ C, con sẽ nhờ Hội Phật Giáo tại Adelaide bảo lãnh cho Thầy qua Úc làm Phật sự”. Bên kia đầu dây Thầy có ý chần chừ; nhưng sự chần chừ ấy là quyết định đúng của Ngài khi Ngài nhận lời qua hướng dẫn tinh thần cho Phật tử Việt Nam tại Nam Úc.
Đạo hữu Nguyễn Văn Tươi vận động 300 chữ ký thuở ấy (1982) gởi qua Tòa Đại Sứ Úc ở Nhật Bản để nhờ can thiệp cho việc này và sau 3 tháng giấy tờ xong, visa tỵ nạn vào Úc đã có, Hòa Thượng Thích Như Huệ đã lên đường sang Nam Úc. Sau đó Ngài thành lập chùa Pháp Hoa và hoạt động Phật sự tại Úc từ đó cho đến nay.
Năm 1966-1968 là thời gian Hòa Thượng Thích Như Huệ làm Giám đốc Trường Trung Học Bồ Đề ở Hội An, cũng là thời gian tôi làm chú tiểu và là học sinh Trung Học Đệ Nhất Cấp tại đó từ năm 1964-1968. Ơn nghĩa Thầy trò, tôi vẫn mang nặng từ đó đến nay. Sang năm 2012 là năm đáng ghi nhớ cho chùa Pháp Hoa cũng như 30 năm Hòa Thượng Hội Chủ đã cư ngụ và hành đạo tại xứ Úc này; nên tôi đã đề nghị với Thầy Trụ Trì Thích Viên Trí nên tổ chức một đại lễ tưởng niệm thật lớn để nhắc lại cội nguồn cũng như ghi ơn tất cả những Phật tử hữu công đã vì đạo pháp quên mình, xây dựng nên cơ nghiệp của Phật Giáo nói chung và sự nghiệp của Pháp Hoa nói riêng trong suốt chặng đường trải dài của 30 năm lịch sử ấy.
Nếu kể 20 năm là một thế hệ, thì chúng ta đã trải qua một thế hệ rưỡi rồi. Nếu kể 30 năm là một thế hệ, tùy theo cách nhìn, thì năm 2012 cũng sẽ là năm trọng đại đối với Phật tử tại vùng Adelaide vậy. Nếu quá khứ không có thì hiện tại đã không tồn tại. Nếu hiện tại không tồn tại thì tương lai đâu có thể tiếp nối được. Do vậy “ẩm thủy tư nguyên” vẫn là việc của đàn hậu học cần phải làm.
Rồi năm 1980 Hòa Thượng Thích Tắc Phước, Hòa Thượng Thích Huyền Tôn đã đến Melbourne, bước chân hoằng hóa của quý Ngài hơn 30 năm qua đã ghi sâu dấu ấn một thời cho người Phật tử Việt Nam trên giải đất tự do này. Sau Hòa Thượng Bảo Lạc, Hòa Thượng Như Huệ là Thượng Tọa Thích Quảng Ba, Thượng Tọa Thích Phước Nhơn v.v… Từ đó đến nay hơn 30 năm đã không có biết bao nhiêu người đến và đã có không biết bao nhiêu người đi, đôi khi từ lòng đất nở hoa mà lòng người lại băng giá, cho nên chùa chiền mọc lên khá nhiều mà bóng dáng của những chiếc y vàng chưa trải dài đủ để phủ lên tâm cảm của người con Phật sống rải rác đó đây trên xứ Úc nầy.
Hiện tại ở khắp các Tiểu Bang trên nước Úc, chắc không dưới 50 ngôi chùa, lớn có, nhỏ có; có chùa có Thầy, Cô trụ trì, nhưng cũng có những chùa chỉ có Phật tử lo quản lý, điều hành. Có Thầy, Cô thành tựu những Phật sự to lớn, nhưng cũng có nhiều Thầy, Cô đã về cõi Tịnh. Cũng không lắm Thầy, Cô cởi áo nhà tu gởi lại cho Thiền môn để sống một cuộc đời như bao nhiêu người trong cõi thế nhân nầy; nhưng dẫu gì đi nữa thì Phật Giáo vẫn là Phật Giáo. Phong ba bão táp có đến, có đi; nhưng con người vẫn phải sống và vẫn phải sinh hoạt. Phật Giáo ở đây cũng vậy. Tuy có những bước thăng trầm của nó, nhưng không vì thế mà Phật Giáo lại bị dòng đời lôi cuốn; ngược lại Phật Giáo phải thẳng tiến về phía trước và đoái nhìn lại phía sau nhằm hướng dẫn đàn con Phật thực hành kiên nhẫn giáo lý từ bi, lợi tha của đạo Phật.
Bằng chứng là tại Úc ngày nay có nhiều Giáo Hội, mỗi Giáo Hội là một bông hoa khoe sắc thắm với đời. Những bông hoa ấy trồng chung vào vườn hoa tâm linh của xứ đa văn hóa nầy thì tại đây sẽ có một tấm thảm của hoa được dệt nên bởi nhiều màu sắc khác nhau; không cạnh tranh nhau, ngay cả với những tôn giáo khác, thì đây là một nét đẹp của Tôn Giáo khi cùng sống chung trong một đất nước đa văn hóa và đa chủng tộc như tại xứ Úc nầy.
Mỗi chùa, mỗi tự viện, mỗi trụ xứ tại đây mỗi tháng đều có Bố Tát chung, có an cư chung thuộc từng Giáo Hội, có lui tới thăm viếng và giảng pháp cho các Phật tử. Đồng thời tổ chức cứu trợ thiên tai bão lụt; không những chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả nước Úc nầy và khắp nơi trên thế giới khi có nạn động đất, hay lụt lội bất cứ nơi đâu xảy ra như tại Haiti hay Ý Đại Lợi v.v… Đây là hình ảnh đẹp nhất của những người Việt Nam và những người Phật tử cư ngụ tại xứ Úc nầy.
Ánh sáng chân lý của Đức Phật đã tỏa chiếu khắp muôn phương và nơi xứ Úc nầy cũng đã trên đà phát triển mạnh. Kể từ khóa tu học Phật Pháp Úc Châu kỳ 1 tổ chức tại Sydney trên dưới 200 người, đa phần là người lớn tuổi. Nay đến khóa thứ 10, có hơn 120 giới trẻ tham gia như thế quả là ánh từ quang đã tỏa chiếu muôn nơi dưới bóng mây lành của Phật Giáo; không những chỉ cho người lớn tuổi, mà những thế hệ thứ 2, thứ 3 cũng không muốn quên nguồn cội của mình nên đã về đây tham dự, học Phật Pháp.
Nhìn những chiếc bánh sinh nhật 10 tầng trong đêm văn nghệ thiền trà tại Adelaide vào tối ngày 2 tháng 1 năm 2011 vừa qua, dầu cho ai đó có bàng quang cách mấy đi chăng nữa thì cũng không thể làm ngơ để chắp hai tay và cúi đầu xuống nhằm thầm tạ thâm ân của Tam Bảo. Vì nếu không có Phật lực và Tam Bảo gia hộ thì chiếc thuyền nan mong manh vượt sóng giữa sóng dữ đại dương sẽ khó tồn tại được. Tuy nhiên ở đây đã có ánh quang minh (Amitabha) của Đức Phật A Di Đà rọi chiếu và lòng từ vô lượng của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật gia hộ thì tại đây sẽ có những lễ kỷ niệm của khóa 20, 30, 40 hay 50 kế tục vào những thập niên sau đó nữa.
Tiếng Đức có câu tục ngữ rằng: "Die Hoffnung ist kostenlos" nghĩa là “sự hy vọng chẳng tốn kém gì”, do đó chúng ta có quyền hy vọng. Vì hy vọng là một sức sống của tương lai mà thế hệ nào cũng cần phải bước đến và vượt qua cả.
Trời đất có xuân, hạ, thu, đông thì lòng người cũng có nóng, lạnh, đau, mạnh... là chuyện thường tình. Hãy đừng vì ngoại duyên mà chúng ta đánh mất đi thực tướng căn bản của cuộc sống là hãy “như như bất động” trước những thử thách của lòng người và thiên nhiên.
Tục ngữ Đức có câu “Der Apfel Fallt nicht weiter von dem Baum”, nghĩa là “quả táo không rơi xa gốc táo” và tục ngữ Việt Nam chúng ta tương tự cũng có câu “lá rụng về cội”, cho nên chúng ta không lo gì những thế hệ tương lai không tiếp nối con đường của chúng ta đã đi và đã được đặt ra.
Khi đi thăm những hãng rượu và những vườn nho của người Đức tại Nam Úc tôi mới thấy rằng lời người xưa vẫn không sai. Vì lẽ ngưới Đức đã đến xứ Úc này cách xa thời gian hàng 100 năm và cách xa quê hương họ gần 20.000 cây số. Tuy tiếng Đức họ không còn sử dụng lưu loát nữa, nhưng vị ngọt của rượu nho chắc rằng không thay đổi mấy so với công thức của ông bà tổ tiên họ đã mang qua từ xứ Đức và cấy vào lòng đất di dân nầy những tinh hoa của tạo hóa cho con cháu họ và làm giàu cho quê hương thứ hai nầy thêm một ngành nghề mới nữa mà trước đây 200 năm xứ Úc nầy chưa có.
Tôi không biết rằng những người Úc gốc Đức này họ gọi quê hương họ là gì, nhưng chắc rằng trong tâm cảm của họ dòng nước chảy của chất nho màu xanh, màu tím ấy đã nối dài suốt không gian và thời gian để nhắc họ nhớ rằng tổ tiên của họ đã có một thời như thế và họ không được phép quên cội nguồn của họ.
Con em Việt Nam của chúng ta được sinh ra tại xứ Úc này cũng thế. Họ đã bị Úc hóa rất nhiều, nhưng chắc chắn cơm, gạo, rau sống, phở, mì Quảng... các em khi còn nhỏ ít thích hơn là Hunry Jack hay McDonald; nhưng khi trở về già các em sẽ nhớ lại những tinh hoa của ẩm thực Việt, sẽ không thể thiếu những đồ gia vị như vậy và chính đây là niềm tự hào của dân tộc Việt. Điều này cũng giống như người Đức đã tiếp truyền tinh thần nấu rượu của dân tộc họ tại Nam Úc từ bao nhiêu đời nay vậy.
Còn Phật Giáo thì sao? Hơn 50 ngôi chùa tại đây nay mai chắc sẽ thiếu người kế thừa. Tuy nhiên việc nầy cũng chẳng phải là mối lo miên viễn, vì giáo dục là một sự bắt cầu. Chiếc cầu quá khứ sẽ không thể bắt thẳng qua chiếc cầu của tương lai được. Nếu bắt như vậy sẽ hỏng một nhịp cầu. Do vậy nhịp cầu trong hiện tại rất cần thiết để nối quá khứ với tương lai. Chúng ta, những thế hệ gối đầu không thể làm hết được tất cả những gì mà tiền nhân đã gầy dựng và ủy thác. Nhưng chúng ta phải có bổn phận chuyển giao lại cho thế hệ tương lai. Do vậy hiện tại mới là những điều cần yếu, ngay bây giờ và tại đây chúng ta phải thể hiện đúng vai trò và trách nhiệm của mình, trước khi trao truyền qua thế hệ kế tiếp.
Nếu mai này trong những ngôi chùa Việt tại xứ Úc, xứ Mỹ, Canada, Na Uy, Đức, Pháp v.v... không có bóng hình những tăng sĩ Việt Nam thì có những người địa phương tiếp tục chuyến hành trình này. Vì lịch sử đã chứng minh điều ấy, ví dụ như những bậc đạo sư từ Ấn Độ khi đến Trung Hoa truyền giáo, các ngài không mang văn hóa của Ấn Độ truyền cho Trung Hoa, mà chỉ mang tinh thần của Phật Giáo vào đất Hán và sau đó nếu có người Ấn Độ đến Trung Hoa thì chỉ là khách vãng lai thôi, vì cây Bồ Đề của Phật Pháp đã đâm chồi nảy lộc tại đây rồi.
Phật Giáo Việt Nam của chúng ta cũng thế, đa phần bước ban đầu là do các vị sư Trung Hoa và Ấn Độ đến đây để lập tông, truyền pháp, nhưng khi quý Ngài quá vãn rồi thì Phật Pháp vẫn còn hiện diện trên quê hương Việt Nam suốt 2.000 năm lịch sử và mãi đến tận ngàn sau, tinh thần ấy vẫn còn tồn tại trên quê hương đất Việt vậy. Các triều đại đã ra đi, các chính thể chỉ tồn tại một thời gian nhất định. Nhưng Phật Giáo sẽ luôn là món ăn tinh thần quan trọng nhất cho những người Phật tử dầu cho có biến thể qua nhiều thời gian hay hoàn cảnh khác nhau đi nữa.
Nhà Lý đã mất ngôi vào tay nhà Trần vào năm 1225 . Hoàng tử Lý Long Tường đã dẫn gia đình sang tỵ nạn tại Đại Hàn. Sau 800 năm xa quê hương Đại Việt, con cháu nhà Lý vẫn vọng về quê hương muôn thuở. Điều ấy chứng tỏ rằng, chúng ta đã chẳng mất gì cả, mà chúng ta còn thêm lớn mạnh và giàu có hơn xưa. Vì dân tộc Việt Nam đã có thêm Lý Thừa Vãn, Lý Đăng Huy đã làm vẻ vang cho quê hương Đại Việt tại xứ người.
Rồi đây sẽ có người tìm lại những dấu vết của đàn chim di Đại Việt ấy. Chắc chắn tại Triều Tiên không thiếu những ngôi chùa Việt. Vì Triều Lý của Việt Nam là một triều đại của Phật Giáo. Hy vọng rằng qua sự tìm kiếm của các Sử gia và của những nhà khảo cổ học, chúng ta sẽ có được những bằng chứng hùng hồn là Tào Khê Tông của Hàn Quốc hiện nay, không thiếu sự đóng góp của dòng Thiền Vô Ngôn Thông, Thảo Đường của Việt Nam chúng ta thuở ấy.
Rồi thời Vua Gia Long dựng nước cũng thế. Trước khi lên ngôi năm 1802, nhà vua đã tỵ nạn Tây Sơn ít nhất là 5 đến 7 năm tại Thái Lan; những ngôi chùa như Phổ Phước, Cảnh Phước, Khánh Vân đã được xây dựng tại Bangkok từ đó đến nay, trải dài qua hơn 200 năm lịch sử, đâu còn hình bóng vị sư Việt Nam nào cư ngụ tại đó; nhưng hình ảnh chứng ngộ qua chơn thân xá lợi của Ngài Phổ Tế tại chùa Khánh Vân hoặc Thiền Sư Hổ Phách tại vùng Chonbouri Bắc Thái đã làm cho người Hoa và người Thái ngưỡng vọng về Phật Pháp của xứ An Nam; nên Vua Thái Lan Rama đệ nhất đã truy tặng là Anamikaya (Việt Tông) và tông ấy vẫn còn tồn tại đến ngày hôm nay trên quê hương Tiểu Thừa Phật Giáo như Thái Lan trong hiện tại.
Nếu ai đó có dịp sang Bangkok vùng China Town vào một buổi sáng tinh sương hay buổi chiều gió lộng, quý vị sẽ nghe được tiếng kinh cầu bằng giọng phát âm tiếng Việt Nam của các vị Sư Thái Lan tại chùa Phổ Phước là: "Như thị ngã văn nhứt thời Phật tại Xá Vệ Quốc…" hoặc giả “Diệu trạm tổng trì bất động tôn...” nhưng nhìn mặt chữ kinh thì hoàn toàn là chữ Thái. Như vậy ánh từ quang ấy đâu phải nhất thiết chỉ để dành cho một chủng tộc nào, mà tâm truyền ấy đã lắng sâu vào tâm thức của từng dân tộc, khi đạo Phật đã được truyền đến đó.
Khi báo Viên Giác số 181 nầy đến tay của quý độc giả cũng là thời gian đánh dấu năm thứ 40 tôi đã xa quê hương và đất nước, nhưng lúc nào cũng nghĩ và nhớ về đất mẹ. Để niệm ân những bậc Thầy Tổ, cha mẹ và chúng sanh, nơi đó đã nuôi lớn mình nên người, nhưng đồng thời cũng không quên ơn những xứ tự do trên thế giới đã dưỡng dục và trợ giúp mình có cơ hội mang pháp mầu và ánh từ quang ấy như là một bóng mây lành mà chư Phật chư vị Bồ Tát đã gia hộ, độ trì để tôi mới có cơ hội gần gũi, tiếp xúc cũng như trao đổi Phật Pháp đến người Việt cũng như người Đức và những người ngoại quốc suốt trong một thời gian dài không giới hạn như thế. Đồng thời bài này cũng sẽ được đăng trên trang nhà của Quảng Đức và trang nhà của GHPGVN Hải Ngoại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan để vinh danh những bậc Thầy tinh thần cao cả đã vì đời quên mình, mang ánh đạo đến cho tha nhân, để một mai đây nếu có ai đó có cơ duyên tìm lại dấu vết ban đầu của đàn chim Việt tha phương một thuở, thì đây là một chút tư liệu cần thiết cho những người muốn “ôn cố tri tân”.
Tại Âu Châu năm nay 2011 GHPGVNTN tại đây sẽ tổ chức khóa Tu Học Phật Pháp kỳ thứ 23. Mỗi lần như vậy quy tụ từ 500 đến 1000 học viên đến từ khắp các nước tại Âu Châu và mỗi lần như thế đều gặt hái những thành quả nhất định của nó và mong rằng Hoa Kỳ cũng như Canada cũng sẽ thực hiện được những khóa Tu Học như thế cho Phật tử tại gia; vườn hoa tâm linh ấy sẽ được nở rộ khắp các Châu thì việc tỏa rộng ánh từ quang của Phật Pháp ấy lo gì không có người nối truyền và trân quý.
Xin niệm ân tất cả các bậc đạo sư, những vị Thầy cao cả đã đoái nhìn lại đàn hậu học và đã gia hộ cho mạng mạch của Phật Giáo được mãi mãi trường kỳ; và cũng xin cảm ơn những thế hệ tương lai cả tăng lẫn tục đều sẵn sàng gánh vác trách nhiệm ”hoằng pháp lợi sanh” lên vai của mình để tiếp tục trách nhiệm của “tác Như Lai sứ, hành Như Lai sự” thì đây là một hình ảnh tiêu biểu, đẹp đẽ vô ngần, mà điều nầy chỉ có được khi ý thức của mỗi người con Phật càng ngày càng cao và càng nhiều hơn nữa.
(Viết tại Tu Viện Quảng Đức Melbourne, Úc Đại Lợi ngày 5 tháng 1 năm 2011)
_________________________
Giọt Sương Mai
Viết để tán dương Phật Giáo Việt Nam tại Âu Châu
● Thích Như Điển
Nay mai rồi thất Đa Bảo tại Campelltown nầy cũng sẽ di dời về chốn núi đồi tại Blue Monutain cách xa Sydney chừng 2 tiếng đồng hồ lái xe. Tôi đã đến chốn nầy tịnh tu, nhập thất từ năm 2003 cho đến năm 2010 là 8 mùa Đông của Âu Châu và cũng là 8 mùa hè tại xứ Úc. Tôi những tưởng thất Đa Bảo cũng là chốn dừng chân lâu dài; nhưng không, vì nhân duyên chưa thuận; nên phải di dời. Ngồi đây, nơi thư phòng, tôi liên tưởng vê cuộc sống, sự tu học và những tấm gương của những bậc Thầy đã đến Âu Châu trong những thập niên trước, đã có công khai sơn phá thạch, vang bóng một thời; nhưng bây giờ các Ngài cũng đã nằm xuống rồi. Mai đây tôi cũng sẽ ra đi và người sau lại tiếp nối con đường của những người xưa đã trải qua kinh nghiệm. Tất cả những việc nầy tôi gọi là „giọt sương mai“.
Trong „Quy Sơn Cảnh Sách“, Thiền Sư Quy Sơn Linh Hựu dạy rằng:
„Thí như xuân sương hiển lộ, thức hốt tức vô
Ngạn thọ tỉnh đằng, khởi năng trường cửu…“
Nghĩa:
„Ví như sương xuân rỏ giọt, mới có liền tan
Cây bờ miệng giếng, há lại lâu dài…“
Toàn văn Cảnh Sách không có vị Sa Di nào mà đã chẳng học qua. Cứ mỗi câu, mỗi chữ có một ý nghĩa sâu xa, thâm trầm khó tả. Chỉ phân tích ý nghĩa 2 câu trên chúng ta thấy các bậc Tổ Sư đã dạy rõ ràng về cuộc đời nầy là vô thường, thế gian là giả hợp. Nó giống như giọt sương mai và cây mọc bên bờ miệng giếng. Khi mùa Xuân đến, dưới ánh mặt trời đẹp lạ; sương mai óng ánh giống như những hạt minh châu. Khi mặt trời càng lên cao thì sương kia tan thành bọc nước nhanh chóng để hòa quyện vào với cỏ cây, đất trời, vạn vật. Cái có của giọt sương là cái có hữu thể và cái không của giọt sương là cái không của sự biến đổi vô thường sanh diệt của muôn loài vạn loại trên cõi trần ai nầy.
Cây mà bám rễ bên bờ miệng giếng thì chẳng sống được dài lâu. Vì lẽ cây ấy không có chỗ nương tựa. Giếng là một vật vô tri; nay dời mai đổi. Cây muốn sống lâu dài phải mọc chỗ khác, không thể mọc nơi miệng giếng được. Thực tế là như vậy; nhưng cây vẫn mọc trên bờ giếng và vẫn sống hiện hữu dưới ánh sáng của mặt trời để bị vô thường chi phối.
Nếu biết đã vô thường thì tại sao ta phải lao vào chốn vô thường ấy? – Vì lẽ ta đang đối diện với tử, sinh; còn, mất; được, thua; khen, chê; tốt, xấu v.v… Vì đây không phải là cõi giải thoát. Chỉ là chốn tạm mà thôi. Do vậy ta phải đối diện với những gì không thực tướng như thế.
Vào thời điểm năm 1968 ở trong nước, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, dưới sự lãnh đạo của Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo; Hòa Thượng Thích Thiện Hòa, Giám đốc Phật Học Đường Ấn Quang; Hòa Thượng Thích Hành Trụ, Hòa Thượng Thích Trí Thủ v.v… các Ngài muốn thành lập 3 ngôi chùa tại Nhật, Pháp và Ấn Độ nên năm ấy đã gởi ra ngoại quốc 3 tôn tượng Đức Bổn Sư Thích Ca. Tượng nhỏ thôi, độ chừng 4 đến 6 tấc, sơn màu nhủ vàng, nét mặt của Ngài rất giống người Việt Nam. Thuở ấy tại Nhật và Ấn Độ có một số chư Tăng, Ni đang du học tại đó nên đã nhận tượng và để thờ tại cư xá của mình. Riêng tượng Phật Thích Ca tại Nhật, Cố Hòa Thượng Thích Minh Lễ trước khi đi Pháp vào năm 1975, Ngài đã đem tượng nầy gởi nơi chùa Joenji (Thường Viên tự) đến năm 1980 chúng tôi đã về Nhật thưa lại với Hòa Thượng Thích Chơn Thành, Hòa Thượng Thích Minh Tuyền để thỉnh tượng ấy qua Đức. Hiện nay tượng nầy đang thờ tại chùa Viên Giác Hannover. Tượng thứ hai ngày nay được thờ tại chùa Việt Nam Phật Quốc Tự; nơi Thầy Huyền Diệu trụ trì, ở gần Bồ Đề Đạo Tràng; nơi Đức Phật đã thành đạo. Tượng thứ ba gởi qua Pháp cho Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh, đến năm 1974 Hòa Thượng Thích Minh Tâm thỉnh tượng nầy về thờ tại chùa Khánh Anh ở Bagneux trong hiện tại.
Tôi muốn ôn lại một chút lịch sử cận đại như thế để thấy rằng: Vào thời điểm năm 1968 đến 1975 Giáo Hội tại quê nhà muốn thực hiện xây dựng 3 ngôi chùa ở ngoại quốc mà vẫn chưa thực hiện được. Vì lẽ tài chánh giới hạn và nhân sự điều hành trực tiếp không có; cho nên ngày nay chỉ còn lưu lại 3 tôn tượng có tính cách lịch sử mà thôi. Rồi ngày 30 tháng 4 năm 1975 dân tộc ta đã trải qua một cuộc thư hùng giữa hai chủ nghĩa Cộng Sản và Quốc Gia. Từ đó đến nay hơn 35 năm lịch sử đã có hơn 3 triệu người bỏ nước ra đi và chắc chắn không dưới 500.000 người đã bị chết chìm nơi biển cả hay trong rừng sâu hoặc những nơi hiểm hóc. Họ ra đi chỉ tìm hai chữ Tự Do. Vì tại quê hương của họ không có trọn vẹn được hai chữ ấy. Họ ra đi vì đói tự do chứ không phải đói cơm áo. Nếu chỉ thuần về kinh tế, thì thế giới nầy đâu đâu cũng có nạn đói kém. Sở dĩ các nước Âu, Mỹ, Úc cho người Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản vì họ nhận chân được rằng: dưới chế độ Cộng Sản Việt Nam hoàn toàn không có mọi sự tự do như bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền đã quy định.
Tại Âu Châu, những vị Hòa Thượng đến đầu tiên ở nước Pháp gồm có: Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh, Cố Hòa Thượng Thích Chơn Thường, Cố Hòa Thượng Thích Huyền Vi, Cố Hòa Thượng Thích Trung Quán, Cố Hòa Thượng Thích Thiền Định, Cố Hòa Thượng Thích Minh Lễ, Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Hòa Thượng Thích Phước Toàn, Đại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu v.v… Chín vị Hòa Thượng đến Pháp vào thời điểm trước năm 1975 ấy, nay đã trở thành „Cố“ chiếm hơn phân nửa. Bốn vị còn lại thì Hòa Thượng Thích Tâm Châu đã sang định cư tại Canada từ những nămn 1980.
Ở đây tôi muốn nói đến những ngôi chùa tiêu biểu như Linh Sơn, Quan Âm, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa và Tịnh Tâm do những vị Cố Hòa Thượng bên trên đã khai sáng, để tưởng niệm công đức của các Ngài. Nếu tôi không nhắc đến thì đệ tử và môn đồ pháp quyến của các Ngài cũng đã làm nhiệm vụ nầy rồi. Nhưng „ôn cố tri tân“ vốn là bổn phận của đàn hậu học. Nếu có gì không đúng, kính xin chư vị bổ sung cho.
Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Vi sau khi tốt nghiệp Tiến sĩ Phật Học tại Ấn Độ, Ngài về lại Việt Nam làm việc cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHPGVNTN) một thời gian và ngày 30 tháng 4 năm 1975, Ngài đi tỵ nạn sang Pháp. Đầu tiên Ngài cư trú tại Paris và sau đó có một số Phật tử hữu tâm cúng dường ngôi nhà của mình để thành lập ngôi chùa Linh Sơn. Đây là trụ sở của GHPG Linh Sơn trên thế giới, mà Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Vi đương thời là Tăng Thống của Giáo Hội nầy.
Suốt cả cuộc đời của Ngài đã lo cho việc tiếp tăng độ chúng và hoằng pháp lợi sanh. Ngài đã độ được cả 100 vị xuất gia và hằng vạn Phật tử tại gia đã quy y với Ngài. Kinh sách Ngài viết và phiên dịch từ Anh văn, Hán văn ra Việt ngữ ngày nay còn lại rất nhiều. Ai đó đã có lần tra cứu đến những sách vở nầy, chắc rằng không quên công trình của những bậc trưởng thượng đã đi trước.
Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Thiền Định sau khi hoàn tất chương trình hậu đại học tại Nhật Bản, Ngài về lại Việt Nam trụ trì chùa Phật Ân ở Cần Thơ. Ngài cũng là giảng sư tại Đại Học Vạn Hạnh và Đại Học Cần Thơ cho đến năm 1975 thì tỵ nạn sang Pháp. Đến Pháp, Ngài chọn Marseille để xây dựng chùa Pháp Hoa. Chùa là một thắng cảnh của thành phố. Từ trên núi nhìn xuống, trông phong cảnh xung quanh rất đẹp mắt. Thế rồi Ngài cũng phải từ giã cõi trần để ra đi và trong hiện tại tuy chùa vẫn còn đó nhưng hoạt động rất thu hẹp.
Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Trung Quán cũng đã đến Pháp vào thời điểm 1975 từ Lào quốc. Ngài sáng lập chùa Hoa Nghiêm tại Paris và Bỉ quốc. Ngài rất điềm đạm, mẫu mực, giới luật tinh nghiêm và là tác giả của nhiều bộ kinh luận nổi tiếng như: Kinh Hiền Ngu, Đại Trí Độ Luận v.v… Bây giờ nếu có người Phật tử nào đó trở lại chùa xưa thì sẽ không còn được thấy dáng hình của bậc Trưởng lão nữa; nhưng khi tra cứu kinh điển, không ai là không nhớ đến công đức của một bậc long tượng Thiền Môn tự thuở nào.
Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Chơn Thường đã đi từ Việt Nam đến Ấn Độ và từ Ấn Độ đến Pháp vào thời điểm năm 1975. Ngài tu theo mật hạnh của Đức Quan Thế Âm, luôn trì chú và làm phước, bố thí cúng dường cũng như xây dựng chùa viện. Ngày nay ai đó đi lễ bái thăm viếng chùa Quan Âm tại Paris, xem công trình kiến trúc của chùa sẽ không quên công ơn khai sơn phá thạch của Ngài tự thuở ban đầu.
Cố Hòa Thượng Thích Minh Lễ trước năm 1975 du học tại Nhật Bản. Sau khi xong chương trình hậu Đại Học, năm 1975 Ngài cùng với Hòa Thượng Thích Phước Toàn đến định cư tại Paris, Pháp quốc. Ngài đã xây dựng chùa Tịnh Tâm rất đẹp; nhưng rất tiếc sau khi Ngài viên tịch không có người trực tiếp lo cho chùa; nên chùa xuống cấp trầm trọng; khiến ai đó cũng không khỏi mủi lòng khi đi vào thăm viếng chùa nầy trong hiện tại.
Thiền Sư Thích Nhất Hạnh là một vị Thầy rất nổi tiếng. Ngài đã được GHPGVNTN gởi ra nước ngoài từ năm 1966. Năm nay Thiền Sư đã ngoài 80 tuổi, nhưng hoạt động diễn giảng rất hăng say và là tác giả của hằng trăm đầu sách bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Năm 2010 vừa qua thế giới xuất bản sách đã bình chọn ra 10 quyển sách tiếng Anh xuất bản trên thế giới được mọi người ưa thích nhất và bán chạy nhất, thì sách của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh đã có 2 quyển xếp hạng đứng đầu trong 10 quyển ấy.
Người nào nổi tiếng thật nhiều thì cũng không thiếu những chuyện thị phi nhơn ngã; nhất là sau vụ việc Bát Nhã tại Lâm Đồng trong năm 2010 vừa qua. Cộng Sản Việt Nam cũng được việc của họ, đồng thời cũng bị tai tiếng với thế giới là đàn áp tôn giáo. Thiền Sư cũng được việc là mang Thiền Học trở lại Việt Nam; nhưng Ngài cũng đã mất mát rất nhiều khi lầm tưởng người Cộng Sản và từ đó cộng đồng người Việt tỵ nạn ở ngoại quốc có nhiều sự xét đoán khác nhau. Tiếng khen và lời chê luôn luôn đi đôi với nhau là vậy. Cho nên cao dao Việt Nam đã chẳng có câu:
“Nam Mô hai chữ Từ Bi
Phật còn mắc nạn huống chi người thường”.
Hòa Thượng Thích Minh Tâm vào năm 1968 đã đến Nhật. Sau khi hoàn tất chương trình hậu Đại Học tại Nhật Bản và sau Hiệp định Paris năm 1973, thừa lịnh của GHPGVNTN trong nước, Ngài đã sang Paris để hoạt động chung với Thiền Sư Thích Nhất Hạnh. Đến năm 1974 Ngài ra thành lập chùa Khánh Anh tại Acceuil và Bagneux. Đến năm 1995 Ngài xây dựng chùa Khánh Anh mới tại Évry. Tính theo thời giá hiện tại, giá trị vật chất của ngôi chùa vào thời điểm 2011 đã lên đến 20 triệu US đô-la. Đây được gọi là công nghiệp vĩ đại của đời Ngài.
Những năm 1975 đến 1980 Ngài đã lặn lội khắp các nước Âu Châu để giảng pháp cho Phật tử, tham gia biểu tình, tuyệt thực, tranh đấu cho một Việt Nam Tự Do không Cộng Sản và nhất là tranh đấu để phục hoạt lại GHPGVNTN tại quê nhà. Các nước Đức, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Nga, Bỉ, Anh, Hòa Lan, Ý, Thụy Sĩ, Áo, Ái Nhĩ Lan v.v... phải nói gọn một câu là: “Nếu không có bước chân ban đầu của Hòa Thượng đến những nơi nầy đặt nền móng và cơ sở hạ tầng thì Phật Giáo Việt Nam ngày nay tại Âu Châu không phát triển được như vậy”. Chúng ta chư Tăng, Ni và Phật Tử Việt Nam tại Âu Châu không nên quên điều nầy.
Tuy Hòa Thượng không để lại một tác phẩm nào đặc biệt cho đời; nhưng suốt hơn 40 năm ở ngoại quốc Ngài đã đem tâm lực để tận hiến cho Giáo Hội và xây dựng Giáo Hội tại đây từ không có cái gì hết, để ngày nay có tất cả cơ sở, chùa chiền, Phật tử. Đây chính là những hành động vị tha vì người khác mà Ngài đã mang lại cho Phật Giáo Âu Châu nói riêng và Phật tử trên toàn thế giới nói chung.
Đại Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu năm 2011 nầy Ngài đã bước vào tuổi Thượng Thượng Thọ 90; nhưng vẫn còn minh mẫn và tráng kiện vô cùng. Ngài xuất thân ở Miền Bắc Việt Nam và đã có kinh nghiệm rất nhiều với Cộng Sản; nên năm 1954 khi chia đôi đất nước Ngài đã vào Nam. Đến năm 1963 Ngài là một vị Thầy có công rất lớn trong việc tranh đấu đòi tự do tôn giáo dưới chế độ độc tài Ngô Đình Diệm. Vào ngày 1 tháng 11 năm 1963 chế độ ngô Đình Diệm đã cáo chung và GHPGVNTN được thành lập thì Ngài đã được bầu lên làm Viện Trưởng Viện Hóa Đạo đầu tiên từ năm 1964 đến năm 1966. Vào tháng 4 năm 1975 Ngài đã vượt biên tìm tự do và Ngài đã đến Nice, Pháp quốc thành lập chùa Từ Quang. Đến năm 1980 Ngài qua Hoa Kỳ và Canada để hoằng pháp và cuối cùng Ngài thành lập Tổ Đình Từ Quang tại Montréal từ đó đến nay. Hiện tại Ngài là Thượng Thủ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam trên thế giới. Những kinh sách của Ngài dịch và chú giải rất nhiều. Ngày nay chúng ta có thể tìm hiểu nơi “Đại Tạng Kinh điện tử Việt Nam” để rõ được công hạnh của Ngài.
Nếu cuộc đời có 2 mặt phải, trái thì lịch sử cũng như thế. Trong cái tốt lại hàm chứa cái xấu và ngược lại trong cái xấu luôn luôn ẩn tàng cái tốt. Không có cái gì là tuyệt đối ở trong sự đối đãi của thế gian nầy cả. Nhưng nếu chúng ta chỉ thấy toàn mặt tiêu cực và không để tâm thấy việc tích cực của vấn đề; hóa ra chúng ta cực đoan với lịch sử và thiếu thiện chí xây dựng. Do vậy chủ trương của tôi là chỉ nên nhìn cái tốt, cái hay của người khác để học hỏi; chứ không đi bươi tìm cái xấu, để chứng minh cho người khác biết rằng mình mới đúng; còn kẻ khác thì sai. Thiết nghĩ chúng ta không cần phải làm việc ấy. Vì lịch sử sẽ tự làm nên lịch sử; chứ chúng ta không làm nên lịch sử được.
Một viên ngọc quý dẫu cho có bị dìm vào dưới bùn một trăm hay một ngàn năm đi nữa; khi vớt lên nó vẫn là ngọc, chứ không thể là bùn được. Galilée nhà thiên văn học Ý là một bằng chứng. Vì quả đất luôn luôn xoay quanh mặt trời; chứ mặt trời không xoay quanh quả đất.
Một tờ giấy trắng, nếu có ai đó lỡ bôi lên đó một vết đen thật nhỏ; nhưng ai cũng trông thấy vết đen thật nhanh và thật rõ. Trong khi đó cả tờ giấy trắng thì chẳng ai thèm để ý đến. Nếu ở gia đình, người chồng hoặc người vợ lúc nào cũng chỉ nhìn chăm chú cái chấm đen của chồng hay của vợ thì người ấy chắc rằng không có hạnh phúc. Chúng ta hãy nên tha thứ cho nhau và nên nhìn những phần trắng kia trước thì tâm ta an lạc và hài hòa. Chắc chắn một điều là trong chúng ta không ai muốn khổ đau hết. Vậy tại sao ta lại mang sự đau khổ đến cho người khác. Ta hãy dùng lòng từ bi để trang trải cho đời và cứu người; hơn là lúc nào cũng nói ra toàn sự hận thù và chanh chua với người đối diện. Liệu việc ấy có lợi gì cho mình và tha nhân? - Cả hai đều đau khổ. Từ lý do đơn thuần nầy chúng ta nên nhìn cộng đồng hay những nhà tu Phật Giáo bằng con mắt thiện cảm thì ắt hẳn sự sống của chúng ta có được nhiều lợi lạc.
Cũng trong văn Cảnh Sách, Ngài Linh Hựu dạy rằng: Như người đi trong sương mai; tuy sương không làm ướt áo và từ từ sẽ thấm vào người mình. Cũng như thế đó, nếu ta luôn gần gũi bạn lành có nhiều đức tính tốt; tuy ta không trở thành người đạo đức ngay trong tức khắc, nhưng những đức tính tốt của nguời bạn ấy sẽ dần dần ảnh hưởng vào tâm thức của ta. Ngược lại nếu chúng ta luôn gần người ác tri thức cũng giống như ta đi vào chợ cá; tuy ta không mua cá mà mùi hôi của cá làm cho áo quần của chúng ta tanh hôi. Vậy cái thiện và cái ác đã rõ ràng. Phàm là người trí nên tránh xa những tội lỗi và nên tin vào nhân quả để khỏi lụy thân về sau nầy.
Đức Phật có dạy trong Luận Đại Trí Độ rằng: Vào thời mạt pháp chư Tăng Ni hành đạo rất khó khăn. Giáo pháp giống như vàng ròng; còn chư Tăng Ni giống như những bao rách để đựng vàng kia. Đa phần con người, ai cũng muốn lấy vàng ròng, chứ ai đâu có quan tâm đến túi rách kia. Nhưng thử nghĩ, nếu không có túi rách ấy thì làm sao đựng vàng ròng được. Hãy thẩm định giá trị nội tâm một cách tương đối để nhận chân được giá trị tuyệt đối của chân lý.
Đức Phật dạy tiếp: Có một người đui ban đêm cầm đuốc đứng bên lề đường. Người có mắt khi đi qua lại có ý cười, giễu cợt và hỏi rằng: Nhà ngươi đui thì đâu có cần đuốc để làm gì? Người đui trả lời rằng: “Tôi mù thật ra không cần đuốc; nhưng đuốc nầy soi sáng để người có mắt đi khỏi va vào tôi”. Như vậy dù kẻ mù đi nữa cũng chẳng phải là vô dụng. Vì nếu không có người mù cầm đuốc đứng đó thì người có mắt sẽ đi lầm đường và va vào người ấy ngay. Chân lý ở đây có thể gọi là vàng và ánh sáng ấy; nhưng nếu không có túi rách và người mù kia thì không làm sao bảo tồn và phát huy chân lý được.
Do vậy khi khởi tâm hành động hay phê phán một vấn đề gì, chúng ta nên nhìn cái tốt trước để tâm ta được hoan hỷ, mà người đối diện cũng vui lây. Nếu chúng ta chỉ nhìn toàn là điểm xấu của người ấy thì tâm ta cũng bị vạ lây, chẳng ích lợi gì cả.
Tuy mưa phùn rất tốt cho mùa màng; nhưng người đi đường bảo là trơn trợt. Mặc dầu ánh trăng mùa thu rất đẹp đối với thi nhân; nhưng những kẻ ăn trộm lại chẳng bao giờ thích. Do đó khi nói một vấn đề gì hay bình phẩm một bức tranh, hoặc bàn thảo về vấn đề lịch sử không nên đứng một phía và nói một cách phiến diện để chứng minh cho tự ngã của mình là đúng, còn kẻ khác là sai. Chơn lý không nằm ở bên phải hay bên trái, mà chân lý vượt lên trên mọi sự đối đãi của phải, trái, thiệt, hơn nầy. Điều quan trọng ở đây là Phật Giáo; nếu không là Phật tử hay chư Tăng mà viết và bàn về Phật Giáo thì quả là điều thiếu sót vô cùng. Do vậy ở đây chúng tôi muốn gởi đến quý độc giả xa gần, nhất là những người Phật tử ý thức được trách nhiệm của mình trong việc xây Đạo và dựng Đạo ở xứ người; không quên câu tục ngữ “ăn quả nhớ kẻ trồng cây” hay “uống nước nhớ nguồn”. Có như thế chúng ta mới thăng tiến trong cuộc sống tâm linh một cách rốt ráo được.
Ai trong chúng ta cũng chỉ có mặt trong cuộc đời nầy vào một giai đoạn nào đó nhất định của một chặng dài lịch sử mà thôi. Đâu có ai sống suốt ngàn năm để chứng kiến lịch sử thay đổi, mà chúng ta chỉ là một chiếc cầu bắt nối quá khứ với tương lai và tương lai kia cũng sẽ trở thành quá khứ. Mỗi một giai đoạn như thế cũng giống như giọt sương mai mà Vạn Hạnh Thiền Sư đã để lại trong bài kệ thị tịch của Ngài cách đây 1.000 năm về trước:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy vô bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô
Hòa Thượng Thích Mật Thể dịch:
Thân như bóng xế chiều tà
Cỏ xuân tươi tốt, thu qua rụng rời
Sá chi suy thịnh cuộc đời
Thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành.
Cả một triều đại nhà Lý thịnh trị hơn 200 năm lịch sử, từ năm 1010 đến năm 1225 mà Vạn Hạnh Thiền Sư gọi sự thịnh suy ấy giống như “hạt sương mai trên đầu ngọn cỏ” thì thử hỏi cái gì còn tồn tại nơi đời nầy! Tất cả chỉ là giả danh và không thực tướng.
Một hôm Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 đang giảng pháp tại một sân vận động ở Hamburg trong năm 2007, Ngài cho mời ba thế hệ khác nhau lên sân khấu để Ngài trình bày quan điểm của Ngài về cuộc sống và giá trị của nhân sinh. Khi Ngài quay qua người 60 tuổi, Ngài cảm ơn vị đại diện cho thế hệ đã đi qua và đã gầy dựng nên thế hệ ngày nay đang sống và làm việc trong xã hội nầy. Đến người độ 40 tuổi. Ngài khẽ cúi đầu chào anh ta và cảm ơn anh ta là người đại diện của thế hệ đang hoạt động mạnh mẽ qua vấn đề thông tin, khoa học thời hiện tại. Đến phiên một cô gái tuổi độ chừng 20; trông cô ta rất hạnh phúc. Vì lúc nào cũng nở nụ cười trên môi. Ngài mở lời chào cô ta và Ngài xin lỗi rằng: Chính thế hệ của Ngài, của cha, anh cô ta đã gây ra không biết bao nhiêu khó khăn cho thế giới và kết quả là giới trẻ của tương lai phải gánh chịu những hậu quả đó. Cho nên Ngài khuyên rằng: Ngay từ bây giờ hãy khởi tâm thương yêu chính mình và đồng loại để sau nầy khỏi hối hận như những thế hệ đi trước đã vấp phải.
Bên dưới hội trường trên 25.000 người tham dự hôm đó có rất nhiều người cảm động rơi nước mắt. Phần tôi giọt lệ đã thấm vào bên trong tâm của mình. Tôi cũng mong người Việt Nam chúng ta, nhất là người Phật tử có được cái nhìn như thế, thì hận thù sẽ vơi đi và hãy lấy tâm từ bi để trải dài trong cuộc sống thì ngày nào chúng ta cũng có được những trạng thái an lạc hài hòa.
Cầu nguyện cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu luôn bền vững và phát triển; nhiều ngôi chùa được tiếp tục được xây dựng lên trong bầu trời tự do nầy để con người có nơi chốn lễ bái nguyện cầu và làm vinh danh cho Giáo Hội.
● Thích Như Điển
Viết xong vào ngày 20 tháng 1 năm 2011
tại Tịnh Thất Đa Bảo,Úc Châu trước khi về lại Đức.
_____________________________
Vinh danh những Phật Tử thuần thành đối với đạo
* Thích Như Điển
Lâu nay tôi viết nhiều đề tài khác nhau về văn hóa, giáo dục, Phật Pháp, thanh niên, phụ nữ v.v… nhưng hình như thiếu một vài bài với tiêu đề như trên. Viết để vinh danh những nguời Phật tử dầu hữu danh hay vô danh lẫn ẩn danh… đều nên đề cập đến. Dẫu cho tôi không viết thì trong biển công đức đã đề tên họ rồi; nhưng đời nay con người sống trong chủ nghĩa hiện thật; nên tôi mới viết bài này.
Tiếng Đức có câu: „Die Lehre des Buddha ist weder optimistisch noch Pefsimistisch, sondern realistisch“. Nghĩa là „Giáo lý của Đức Phật không thụ động lẫn tiêu cực, mà là chủ nghĩa thực tế“. Thế nào là chủ nghĩa thực tế ? – Đó là: đói ăn, khát uống, buồn ngủ thì đi ngủ. Thích thì học, không thích thì đi dạo. Muốn là tu, không muốn thì nghỉ… chẳng ai có quyền dừng mình lại, dựng mình đứng lên, bảo mình đi… mà tất cả đều là sự tự giác và tỉnh thức.
Thế nào là một Phật tử ? - Một người được gọi là Phật tử; người ấy đã quy y Tam Bảo và thọ trì năm giới của người tại gia. Phật được định nghĩa là giác nhưng không mê. Pháp nghĩa là chánh chứ không tà và Tăng là tịnh chứ không nhiễm. Đây được gọi là ba ngôi báu. Vì trong thế gian nầy ít có và khó gặp. Không phải ai cũng gặp được Phật và giáo pháp ấy không phải ai cũng lãnh hội hết được. Đức Phật chia giáo pháp ấy ra 3 tầng lớp để thích hợp với nhiều loại căn cơ khác nhau.
Loại đầu dành cho những người thượng căn, thượng trí. Khi người ấy đến nghe giáo pháp nầy; tức thời liễu ngộ và chứng đạo. Ví dụ như Ngài Xá Lợi Phất, Ngài Mục Kiền Liên, Vô Não, A Xà Thế, Vua A Dục v.v…
Hạng người thứ hai được gọi là trung căn, trung trí. Nghĩa là khi nghe qua giáo pháp ấy không hiểu; nên phải được lặp đi lặp lại nhiều lần mới hiểu Đạo. Trong kinh điển phần nhiều đã thể hiện về việc nầy.
Phần thứ ba dành cho những người hạ căn, hạ trí. Nghĩa là nghe xong rồi chẳng hiểu và nếu có hiểu cũng hiểu sai; chứ chẳng hiểu theo đúng lời Phật dạy. Điều nầy rất trùng hợp với chúng ta trong thời kỳ mạt pháp nầy.
Giáo lý ấy Đức Phật lấy sữa bò làm ví dụ. Nghĩa là sữa ấy phải tôi luyện, thuần thục qua 5 giai đoạn để đi đến chỗ nhuần nhuyễn. Đầu tiên là sữa tươi mới vắt từ bò ra còn nguyên chất, sau đó tạo thành chất đặc (Tô) và chất đặc nầy bào chế nhiều lần thành sữa tốt (sanh tô). Sữa ấy phải nhuần nhuyễn (thục tô) và cuối cùng là chất đề hồ. Đề hồ cũng là sữa, mà sữa ấy đã được tôi luyện thuần thục qua nhiều giai đoạn khác nhau; nhưng nguyên chất vẫn là sữa tươi qua sự biến chế mà thành tựu được như vậy. Ở đây chữ thuần thục hay thuần thành dùng để chỉ cho những gì đã trải qua nhiều sự thử thách mới có thể thành tựu được như vậy.
Còn giới là hàng rào ngăn cấm. Trung Hoa dịch là biệt giải thoát. Người nào giữ tròn cấm giới, người ấy sẽ được giải thoát khỏi sự sanh tử luân hồi. Còn người nào không giữ được hoặc phá giới là chuyện của người ấy chứ không phải chuyện của kẻ có quyền để đi phạt vạ. Trong 5 giới căn bản của người tại gia; giữ mấy giới cũng tốt; chứ không nhất thiết phải giữ hết tất cả. Người nào giữ tròn giới cấm giống như người ấy tự giặt chiếc áo nghiệp của mình thật là kỹ, mỗi khi mặc vào sẽ thấy thơm tho. Còn nếu không chịu giặt chiếc áo nghiệp của mình, thì tự mình ngửi lấy mùi hôi ấy mà thôi; chứ không ai có thể trừng phạt mình cả; ngoại trừ chính mình phải sám hối lỗi lầm của mình đã gây tạo ra. Thông thường nếu có giới, chúng ta sẽ ít gây ra lỗi lầm; giống như con bò ăn cỏ, chung quanh có hàng rào kẽm gai vậy. Nếu nó vượt hàng rào sẽ bị điện giật. Ở đây giới cũng như thế; nếu chúng ta không tự phát nguyện giữ giới cũng đồng nghĩa với việc chúng ta dễ phạm giới. Vì chung quanh mình không có hàng rào giới luật bao bọc lại.
Người Phật tử thuần thành là người Phật tử đã quy y Tam Bảo và thọ trì những giới cấm của Đức Phật đã chế ra. Tin sâu nhân quả, tội phước. Thực hành đúng giáo lý duyên sanh theo Thập Nhị Nhân Duyên, Bát Chánh Đạo, Tứ Diệu Đế v.v… Tôn trọng đời sống của những sinh vật, người Phật tử tại gia thường hay ăn chay kỳ mỗi tháng 2 đến 4 hoặc 10 ngày. Có người ăn chay trường để thể hiện tình thương đối với muôn vật. Ngoài ra còn thực hành theo lục độ Ba La Mật như: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ nữa. Đây được gọi là những người Phật tử chân chính và thuần thành.
Vậy họ là ai vậy ? - Họ là ông già bà cả, thanh niên nam nữ; người có gia đình hay góa bụa. Từ người bán hàng rong cho đến ông Kỹ sư, cô Bác sĩ, bà Luật sư, ông Chánh án. Ông quan của triều đình, ông Thủ tướng, ông Vua, bà Hoàng hậu, Công chúa v.v… Tất cả đều tồn tại dưới ánh sáng chân lý của Đức Phật và tất cả đều được gọi là Phật tử.
Một bà già nghèo cúng 2 quan tiền để mua dầu đốt đèn cúng Phật, đã là một câu chuyện luân lý đạo đức có tầm cỡ trong Đạo Phật. Vì so với vua Bình Sa Vương, bà chẳng là gì cả; nhưng lòng thành của bà đã thắp sáng cả nhơn thiên, hơn cả của cải của nhà vua đem dâng cúng cho Phật. Mới nghe qua, ta có thể cho rằng đây là câu chuyện ngụ ngôn; nhưng nó là luân lý, là sự sống, là sự thể hiện cuộc sống đạo của một con người có lòng tin qua việc bố thí chẳng mong cầu.
Ở quê mình nhiều người nghèo không có tiền của họ vẫn đến chùa, mang cái gì họ có đến chùa như: trái dưa, trái bí, trái mít, gánh củi v.v… Nhìn vẻ mặt họ hoan hỷ khi được cúng vào chùa. Chư Tăng, Ni thọ nhận những lễ vật như thế, phải tinh tấn hơn nữa và phải tâm niệm rằng: phải làm sao để tiêu của tín thí đây. Nếu không tu hành, phạm trai phá giới, chắc rằng mình sẽ sống không yên dưới mái chùa. Mặc dầu cửa chùa được gọi là cửa không, không có ai cài then cả; nhưng khó bước qua cửa nầy lắm.
Có những người Phật tử làm thợ hồ, thợ mộc, thợ lò sưởi v.v… họ cúng công vào đó để xây dựng chùa chiền, từ khi chùa mới khởi công cho đến ngày hoàn tất. Họ chưa bao giờ than khổ cực, than khó khăn, mà họ luôn luôn cặm cụi, lại còn rủ bạn bè quen biết đến chùa làm công quả; nhằm làm đẹp cho chùa ở nhiều phương diện khác nhau.
Họ là những bà cụ, ông cụ hưởng tiền trợ cấp xã hội hay tiền bạc do con cháu họ cho. Họ nhín phần tiêu xài để cúng vào chùa để được phước đức. Nhiều bà bác, bà cụ đã bỏ thời gian hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng đi xe Bus tới chùa để làm bánh, nấu cơm hay làm những công việc lặt vặt cho chùa… chỉ để mong giúp cho chùa và quý Thầy Cô có phương tiện để lo việc đạo.
Họ là những sinh viên học sinh, người công chức; hoặc Kỹ sư, Bác sĩ, Y tá v.v… họ đến chùa để học hỏi giáo lý của Đạo Phật trong những khóa tu; trong mùa An Cư Kiết Hạ hay vào những cuối tuần. Có nhiều người Phật tử thuần thành khi ở bệnh viện là Bác sĩ; nhưng khi đến chùa, họ xăn tay áo lên để nấu cơm, rửa chén bát v.v… Quý Thầy, Cô nào làm trụ trì các chùa, khi thấy những hình ảnh nầy mà chẳng động lòng và tự hỏi rằng: mình phải dụng công như thế nào hơn nữa để đền ơn Đàn Na Thí Chủ đây? Đây là câu hỏi mà trong tâm tư người tu hành nào cũng phải tự nhắc nhở lấy mình trong từng sát na của cuộc sống.
Họ là những thương nhân giàu có, làm ăn buôn bán khá giả. Mỗi lần cúng chùa số lượng tịnh tài không nhỏ; nhưng họ vẫn để ẩn danh hoặc vô danh. Họ không muốn khoa trương cái giàu có của họ cho người khác biết. Có người cúng cả 10.000, 100.000 hay nhiều hơn nữa; nhưng vẫn giấu tên. Điều nầy nói lên được việc bố thí bất nghịch ý và khi cho không cần đền đáp. Có thể do họ trúng mối làm ăn; nhưng quan trọng là ở tấm lòng. Vì trên đời nầy, có rất nhiều người giàu có; nhưng đâu phải ai cũng thể hiện được việc nầy.
Họ là những ông Tướng, ông Quan, bà Quận trưởng, Tỉnh trưởng, Dân biểu, Nghị sĩ v.v… Tuy địa vị họ cao; nhưng tâm linh họ nhiều khi trống vắng. Do vậy họ rất cần đến hình ảnh của ngôi chùa và chư Tăng Ni. Cho nên việc cúng dường tạo phước đối với họ không khó, miễn là họ có tấm lòng.
Ngày xưa các chùa chiền Việt Nam, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn các ông quan, Công chúa, Hoàng hậu và những ông vua thường hay cúng đất đai cho chùa để chùa cho canh tác và thâu hoa lợi để nuôi Tăng Chúng trong chùa. Có nhiều chùa làm ruộng không hết, phải cho người dân thuê đất, đến mùa gặt, người dân chia phần và mang hoa lợi đến chùa. Tất cả cũng chỉ để phụng hiến cho ba ngôi Tam Bảo.
Ngày xưa các ông vua xuất của công cho xây dựng những ngôi chùa to lớn như Linh Mụ Quốc Tự, Tam Thai, Linh Ứng, Túy Vân v.v… mục đích để cầu cho quốc thái dân an và để có nơi chốn cho các ông Hoàng bà Chúa đi chùa lễ Phật.
Ngày nay nhìn lại những ngôi chùa vĩ đại tại Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản hay Thái Lan v.v… người ta phải ghi nhớ những công đức của những bậc quân Vương nầy. Nếu không có họ thì văn hóa của Phật Giáo cũng như nghệ thuật xây dựng chùa chiền không được phát triển và khó thể tồn tại cho đến ngày nay.
Khi đến Đại Hàn viếng thăm những ngôi Đại Tự như chùa Hải Ấn, chùa Phật Quốc, chùa Thông Độ v.v… khiến cho ai nấy cũng phải ngẩng người ra. Nếu không có những tấm lòng vì đạo của vua quan và thứ dân cư sĩ thuần thành thì làm sao tạo dựng được những thánh tích Phật Giáo như vậy.
Hay khi đến Nara, kinh đô cũ của Nhật Bản; nơi Thánh Đức Thái Tử trị vì vào thế kỷ thứ 6 thăm chùa Đông Đại, chùa Hưng Phước, chùa Pháp Long v.v… hoặc tại Kyoto các chùa Kim Các, Ngân Các, Thanh Thủy v.v… khiến cho ai đó khó tánh đến mấy đi chăng nữa cũng phải cúi đầu khâm phục trước ý chí và sức nhẫn nại của người xưa. Đa phần ngày nay chúng ta có đầy đủ phương tiện; nhưng ít ai có nghị lực để xây dựng nên những ngôi Đại Tự như vậy được.
Việc làm phước bố thí cúng dường của người Phật tử như đem giọt dầu vào chùa dâng cúng Phật, mang cành hoa, nén nhang, rau, quả v.v… cho đến việc cúng dường chùa một số tịnh tài lớn để in kinh ấn tống, tạo tượng, đúc chuông, xây dựng Đại Hùng Bửu Điện. Hoặc xây dựng đường sá, cầu cống, nhà thương, trại tế bần v.v… theo Đại Sư Tulku Thondrop người Tây Tạng, tác giả quyển „Chết An Lạc, Tái Sanh Hoan Hỷ“. Ngài cho rằng những công đức ấy dầu nhỏ hay lớn đều giống như những giọt nước mưa, chảy rả rích vào ao hồ, rồi trôi ra sông, để cuối cùng chảy ra biển cả mênh mông. Khi nào trong biển ấy không còn chứa nước nữa thì giọt nước đầu tiên mới không còn cần thiết nữa. Cũng như thế ấy, công đức là một điều mà ngay cả Đức Phật hay các bậc Quân vương vẫn còn cần đến. Do vậy chúng ta nên cố gắng tạo ra nhiều giọt nước, để trong biển cả mênh mông kia có tích tụ việc làm phước thiện của mọi người.
Tôi đến Đức từ năm 1977; năm 1978 xây dựng Niệm Phật Đường Viên Giác tại đường Kestnerstraße trong thành phố Hannover. Đến năm 1980 vì nhân duyên đồng bào Việt Nam đến Đức tỵ nạn quá đông đúc; nên tôi phải dời chùa về đường Eichenkampstraße do sự tài trợ tiền thuê mướn hằng tháng của chính quyền Liên Bang Đức. Đây cũng là tiền thuế của dân. Tuy chính quyền Đức đa phần là tín đồ của Thiên Chúa giáo và Tin Lành; nhưng họ đã giúp Phật Giáo có nơi thờ phượng, lễ bái nguyện cầu trong suốt 25 năm trường như thế. Quả là một ơn đức không nhỏ cho với riêng tôi và cho tất cả người Việt Phật tử đang sinh sống tại xứ Đức nầy. Họ thi ân nhưng cũng chẳng cần đền đáp; miễn là chương trình mình đưa ra phải thực hiện cho hoàn hảo là đủ rồi.
Người Đức quan niệm rằng: một người có tôn giáo ít làm hại nền an ninh trật tự của họ. Do vậy họ giúp chùa, cũng có nghĩa là giúp người mình sống với Đạo và từ đó chính quyền đỡ lo về vấn đề an ninh cho những người có tôn giáo như những người không có niềm tin vào một tôn giáo nào. Đây là ân huệ của những người Phật tử Việt Nam nhận được từ chính quyền Đức trong thời gian qua. Chúng ta là những người đến từ Á Châu, chẳng có bà con huyết thống gì với họ, mà họ đối đãi với chúng ta còn hơn ruột thịt nữa. Đây là một trong 4 ân lớn của cuộc đời mà chúng ta không được phép quên. Ân quốc gia, ân cha mẹ, ân thầy tổ và ân chúng sanh là những ân đức mà người xuất gia nào cũng phải lễ lạy trong những ngày Sóc (sáng mồng một) và ngày Vọng (sáng ngày rằm).
Đến Đức tôi không nghĩ là để làm chùa hoặc phải làm một cái gì đó cho mai hậu. Đến chỉ để mà đến và đi cũng chỉ để mà đi; không bâng khuâng, không luyến tiếc. Vì khi đến đây ta chẳng mang gì theo, thì khi đi cũng như thế. Chỉ hai bàn tay trắng cùng với nghiệp lực thong dong nơi cõi giải thoát mà thôi. Chẳng ai giao cho tôi một trách nhiệm nào cả. Những trách nhiệm có xưa nay là tự mình tạo ra, gánh lên hai vai và nhờ nhiều người khác chia xẻ với mình. Đây có lẽ là con đường hành Bồ Tát hạnh, nhiều người đã trải qua như vậy.Tôi không vui khi việc thành công; không buồn khi việc không như ý. Bây giờ ở tuổi 63 rồi, qua bao nhiêu chiêm nghiệm của cuộc đời; tôi chỉ thầm niệm ân tất cả. Ân cha mẹ, thầy tổ, chúng sanh, quốc gia đất nước và những ai đã cưu mang cho mình từng giọt nước, miếng cơm, manh áo, ba y và bình bát. Tất cả là những ân đức nặng nề, mà một hành giả tu đạo không thể quên được.
Đa phần người đi xuất gia ở các xã hội văn minh vật chất nầy không phải là vì vấn đề lợi dưỡng hay cơm ăn áo mặc là những thứ cần thiết cho đời thường. Ở đây họ phải cảm ơn Đời, cảm ơn Đạo đã mở cho họ một lối đi giải thoát, mà trong cuộc sống vật chất đời thường ít, hay nói đúng hơn là không thể mang đến cho họ được. Ngày nay có nhiều vị Tăng Ni có bằng cấp và kiến thức cao. Họ ở ngoài đời, vẫn có thể tìm ra công việc làm và tiền bạc để nuôi thân; nhưng họ phải khép mình vào đời sống tu viện như thế, phải nói rằng: đó là một sự hy sinh về cuộc sống riêng tư của mình. Những kẻ như thế đáng khâm phục. Vì họ là những kẻ xuất trần làm Thượng Sĩ; chứ họ không phải là những người hoàn toàn Thánh Thiện. Nếu là một Phật tử thuần thành, nên hiểu và thông cảm cho quý Thầy, quý Cô và nên đóng góp, xây dựng những ý kiến hay ho, nhằm giải quyết những khó khăn nội tại nếu có. Không nên chỉ trích lẫn nhau, mà nên hóa giải những nội kết nếu có.
Một hôm tôi đi trên xe lửa, gặp một người Đức độ 40 tuổi. Ông ta là một chủ hãng thực phẩm. Ông ta kể cho tôi nghe rằng ngày xưa cha ông ta bảo: „Con lớn lên thì làm được cái gì?“. Trong khi đó ông nhìn cha ông và bẳo rằng: „Tại sao Ba bảo thủ và lạc hậu thế?“. Ngày nay ông ta khoe với tôi rằng: Ông đâu có chết đói như ba ông tưởng ngày trước, mà ông còn làm chủ một hãng nữa. Nhưng điều oái oăm mà ông gặp phải hôm nay là đứa con trai 12 tuổi của ông, nó cũng bảo rằng: „Tại sao Ba bảo thủ và lạc hậu vậy?“. Hóa ra cái gì đã xảy ra trong quá khứ, đúng chu kỳ lại lặp lại như thế chăng? Tôi hỏi ông ta: Vậy thì ai đúng và cái gì sai? Ông ta trả lời rằng: mỗi thế hệ đều có cái đúng và cái sai của nó. Không ai là hoàn toàn sai hết và cũng không ai là hoàn toàn đúng hết.
Tôi có người đệ tử xuất gia, có ăn học đàng hoàng. Một hôm trao đổi câu chuyện với tôi, Thầy ấy nói: Con muốn Sư Phụ là Sư Phụ ở thế kỷ thứ 21 của chúng con; chứ không phải là Sư Phụ của thế kỷ thứ 20 nữa. Tôi lặng người; nhưng tôi gượng vui và bảo: Nhưng nếu không có thế kỷ thứ 20 thì làm sao có thế kỷ thứ 21 được. Tôi nghĩ rằng: nếu trong tương lai Thầy ấy có đệ tử, đệ tử của Thầy ấy cũng sẽ suy nghĩ giống như con của ông chủ hãng bên trên mà thôi. Đời là một vòng xoay, đôi khi nó lặp lại giống như những gì đã định sẵn. Ai bất hiếu với mẹ cha và thầy tổ thì sau nầy con cái và đệ tử của mình nó sẽ hành xử giống như vậy mà thôi. Vì nhân quả không bao giờ sai cả. Dầu cho cái nhân ấy đã gây ra trong nhiều năm, thì cái quả cũng có ngày phải gặt lấy.
Tôi cảm ơn Đời đã cho tôi những bài học xứng đáng khi đối diện với cơ may cũng như trong những lúc khó khăn ngặt nghèo nhất. Tôi cảm ơn Đạo đã mở bày cho tôi thấy con đường cần phải đi, qua sự hiểu biết và lòng từ bi. Sự bao dung, tha thứ, cần mẫn, độ lượng v.v… là những chất liệu dưỡng sinh đã đương và sẽ nuôi tôi lớn và già đi cũng ở trong tình Đạo. Tôi không trách Đời mà còn cảm ơn Đời nữa. Tôi không hờn giận Đạo, mà ngược lại còn cảm ơn Đạo đã giúp tôi đi gần đến nơi cần đến. Đó là thế giới của siêu nhiên, giải thoát và nơi ấy chỉ hoàn toàn có tình thương, không mang theo sự khổ đau và thù hận.
Tôi phải cảm ơn và vinh danh những cụ già đã gì ngôi nhà chung của Phật Pháp mà đã tiện tặn từng đồng bạc để cúng vào chùa. Nhờ đó quý Thầy mới có phương tiện làm Phật sự.
Tôi phải cảm ơn những người học trò, đệ tử xuất gia cũng như tại gia đã hỗ trợ cho tôi trên nhiều phương diện trong cuộc sống hằng ngày. Bây giờ nếu còn nói được hai tiếng „Cảm ơn“ thì nên nói, để sau nầy không còn có cơ hội để nói nữa thì lúc ấy có hối tiếc cũng không kịp nữa. Vì có họ, tôi mới thành công được một số công việc Phật sự nào đó như xây chùa, độ chúng, viết lách, dịch thuật v.v…
Tôi cảm ơn những người thư ký đã miệt mài với chữ nghĩa, con số và những hóa đơn. Họ đã đánh máy cho báo Viên Giác, layout cho những bản kinh in ấn tống. Họ đã vẽ những bìa sách thật là đẹp, để ai đó cầm đến quyển sách cũng phải mở ra đọc liền. Họ xem kỹ từng chữ, từng câu văn trước khi in ấn.
Tôi xin cảm ơn những người Đức đã đến tìm hiểu Đạo Phật tại Chùa Viên Giác ở Hannover hay Tu Viện Viên Đức tại Ravensburg. Hoặc giả ở trường học hay ngoài đường phố. Trên xe lửa hay ở Siêu thị… nơi nào họ cũng nhoẻn miệng cười và hỏi thăm tôi, có phải theo Đạo Phật không? Cho đến bây giờ hơn 30 năm ở Đức, tôi chưa bị một người Đức nào nói nặng lời nào hay nhìn mình với cái nhìn không thiện cảm. Thay vào đó là sự cởi mở, hài hòa, cảm thông… Đây có lẽ là cái phước của riêng mình.
Có nhiều người Phật tử Đức đã làm di chúc cho Chùa Viên Giác thừa kế gia tài của họ. Vì họ không có con, cũng như vì họ có cảm tình với chùa cũng như những Tăng Sĩ đang sinh sống trong chùa. Tôi cũng xin vinh danh họ, mặc dầu họ, có người chưa quy y Tam Bảo và thọ trì những giới luật của Phật; nhưng họ là những người đã được tôi hướng dẫn những bộ kinh bằng tiếng Đức như: Pháp Hoa, Dược Sư, Vu Lan, Bát Nhã v.v… Chắc chắn một điều là họ cũng chẳng muốn tôi vinh danh; nhưng Đạo Phật mà thiếu những người như vậy, đạo Phật khó phát triển rộng rãi được. Khi các vị Tổ Sư người Trung Hoa đến Việt Nam khai sơn và truyền giáo. Sau đó các vị nầy thác hóa tại Việt Nam. Người Phật tử Việt Nam tôn họ làm Thầy và tiếp tục xây dựng những chùa chiền nơi họ đã sáng lập ra và tiếp nối truyền thừa Tông phái mà các vị Tổ Sư nầy đã mang đến. Nay chúng ta đến nước Đức nầy, nay mai chúng ta cũng sẽ ra đi. Liệu rằng chúng ta còn để lại gì cho người Đức và quê hương nầy chăng? Hay sẽ trở thành một sự lãng quên nhanh chóng? Hy vọng không phải là vậy. Vì nơi vườn hoa tâm linh của họ, bây giờ chúng ta đã cấy thêm vào đó một cành hoa sen rồi và hoa sen ấy sẽ đâm chồi nảy lộc về sau nầy. Điều nầy sẽ khế hợp với lời tiên đoán của nhà Bác Học Albert Einstein rằng: „Một Tôn Giáo hài hòa thích hợp phát triển ở thế kỷ thứ 21 trở đi. Đó là Phật Giáo“. Hy vọng lời tiên đoán của nhà Bác học, cha đẻ thuyết tương đối nầy không nói sai, khi Phật Giáo ngày càng đi sâu vào mọi lãnh vực của cuộc sống tại Âu Mỹ nầy.
Nhìn khắp nước Đức, đâu đâu cũng có những tiệm bán đồ chay của người Đức tên là „reform Haus“. Thực phẩm chế biến toàn bằng đậu nành. Điều nầy đã nói lên được điều gì? Đây là tinh thần tôn trọng sinh mạng của kẻ khác; nên Phật Giáo Đại Thừa chủ trương ăn chay. Họ không là Phật tử; nhưng cách ăn uống và đời sống tâm linh nầy không đi ra ngoài lời dạy của Đức Phật mấy.
Tôi muốn cảm ơn tất cả mọi người, mọi loài đã giúp cho bản thân tôi nói riêng cũng như xã hội và loài người nói chung ở mọi phương diện. Vì có tôi mà không có họ thì sẽ không được; nhưng nếu có họ mà không có tôi cũng chẳng ra sao. Vì tôi không là gì cả. Tôi chỉ là một hạt cát nhỏ tí teo trong sa mạc. Tôi chỉ là một giọt nước biển trong đại dương bao la vô tận ấy. Tôi sẽ không là gì cả; nhưng nếu là gì thì tôi xin nói lên hai tiếng „Cảm ơn“ để niệm ân Đời và niệm ân Đạo, trong đó có những người Phật tử thuần thành đã hộ độ và xây dựng Đạo một cách miệt mài không biết mỏi mệt bằng nhiều hình thức khác nhau. Có như thế Đạo mới được tồn tại trên thế gian nầy.
Nếu cuộc đời chỉ thuần là kỳ hoa dị thảo thì cuộc đời ấy cũng lên hương lắm; nhưng nếu trong những loài hoa quý ấy có điểm thêm những bông hoa giải thoát cao cả nhiệm mầu, thì vườn hoa tâm linh kia sẽ rực rỡ biết là dường bao.
Viết xong tại Tu Viện Viên Đức
vào ngày 6 tháng 3 năm 2011
___________________________________
Câu chuyện ngàn năm
* Thích Như Điển
(Viết để tưởng nhớ những người Nhật Bản
đã hy sinh qua trận động đất và Tsunami
vào ngày 11 tháng 3 năm 2011 tại 5 tỉnh
thuộc miền Đông nước Nhật)
Hôm nay chiều ngày 3 tháng 6 năm 2011; ngồi trên chuyến bay Thổ Nhĩ Kỳ TK051 bay từ Tokyo trở về lại Istanbul và Frankfurt, tôi hồi tưởng lại những công việc đã xảy ra trong mấy ngày qua, khi Phái Đoàn của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Liên Châu đã đến đây để ủy lạo, thăm viếng, cầu nguyện, ngoại giao cũng như cử hành lễ trai đàn bạt độ cho những người đã quá vãng; chẳng biết bắt đầu từ đâu. Vì có quá nhiều chuyện để phải viết và đề cập đến. "Câu Chuyện Ngàn Năm" là tiêu đề của bài viết. Lời nói nầy của Ngài Hòa Thượng Idate Hikomitsu (Ý Đạt Quảng Tam) Viện chủ Phước Tụ Viện thuộc Tào Động Tông tại Thị xã Sendai, khu Thái Bạch.
Chùa nằm cách nơi xảy ra trận Đại Hồng Thủy vừa qua chừng 2 cây số. Vào sáng ngày 2 tháng 6 năm 2011, tại chánh điện chùa Phước Tụ, chúng tôi gồm Chư vị Tôn túc đến từ Hoa Kỳ như: Hòa Thượng Thích Nhật Quang, Hòa Thượng Thích Thông Hải, Thượng Tọa Thích Minh Dung, Thượng Tọa Thích Nhật Huệ, Ni Sư Thích Nữ Diệu Tánh. Từ Canada có Thượng Tọa Thích Bổn Đạt, Thượng Tọa Thích Trường Phước. Từ Úc Châu đến có Thượng Tọa Thích Quảng Ba, Thượng Tọa Thích Tâm Minh, Thượng Tọa Thích Tâm Phương, Hòa Thượng Thích Minh Hiếu cùng một vị đệ tử Ni và nhiều đệ tử tại gia tháp tùng. Đến từ Âu Châu đơn độc chỉ có một mình chúng tôi, Hòa Thượng Thích Như Điển. Nếu cộng cả Á Châu gồm Thầy Triệt Học, anh Đỗ Thông Minh, cũng như Đại diện Đài Truyền Hình Việt Ngữ SBTN từ Dallas Hoa Kỳ qua anh Đỗ Hạnh và các vị ký giả, phóng viên cũng như cộng chung với những đồng bào đang sinh sống tại Nhật và những người Nhật, Úc đi cùng... thì tất cả khoảng 50 vị.
Ngài trụ trì vốn là bạn học cũ của Hòa Thượng Thích Minh Tâm và Cố Hòa Thượng Thích Minh Lễ tại Đại Học Viện (Cao Học) Risso và Komazawa cách đây hơn 40 năm về trước. Tự nhiên đã có một thâm tình khó diễn tả bằng lời. Qua sự tự giới thiệu và tường trình về "Câu Chuyện Ngàn Năm" phái đoàn chúng tôi thấy vừa hoan hỷ, vừa ngậm ngùi, vừa hân hoan vừa cảm động. Bởi lẽ "tha phương ngộ cố tri" là một trong 4 điều hạnh phúc; nhưng giờ đây Hòa Thượng Thích Minh Lễ đã không còn và Hòa Thượng Thích Minh Tâm đa đoan Phật sự nên đã chẳng có mặt trong lần nầy. Tôi thay thế hai Ngài để đón nhận những lời bày tỏ chơn tình của Hòa Thượng trụ trì chùa Phước Tụ để chuyển lời lại với Hòa Thượng Thích Minh Tâm qua lời trình bày của Ngài bằng tiếng Nhật.
Ngài bảo rằng: Hôm nay đại diện Tông Vụ Viện của Tào Động Tông sẽ đến hướng dẫn Phái Đoàn đi đến chùa Xương Lâm và những nơi bị tai nạn nặng nề nhất để thăm viếng và ủy lạo cũng như cầu nguyện. Trước khi lên xe Bus đi thăm viếng, Phái Đoàn chúng tôi trao 30.000 US đô-la tiền cứu trợ cho quý Thầy đại diện tỉnh Iwate đến đây để nhận lãnh về phân phối, giúp đỡ cho các nạn nhân cho đến bây giờ vẫn còn tạm trú tại các chùa. Vì lẽ Phái Đoàn không đủ thì giờ để đi đến tận phía Bắc của Nhật Bản được.
Phái Đoàn hướng đến chùa Xương Lâm thuộc thành phố Sendai vào sáng sớm ngày 2 tháng 6 năm 2011. Các cụ Ông cụ Bà và Hòa Thượng Trụ Trì cùng Tăng chúng đã vân tập nơi chánh điện. Sau khi làm lễ cầu nguyện theo nghi lễ Phật Giáo Việt Nam, Ngài Hòa Thượng Trụ Trì chùa Phước Tụ làm chủ lễ theo nghi thức Nhật Bản và thiêu hương cúng dường Tam Bảo. Sau đó trao tịnh tài và nói lời chia xẻ với Ngài Trụ Trì. Khi đáp tạ lễ, Ngài Trụ Trì quá cảm động đã nhỏ lệ và nghẹn ngào bày tỏ cảm tưởng của mình khi thấy rằng chung quanh cái đau khổ của nhân sinh, còn được bao tấm lòng tha phương của người Phật tử Việt khắp 4 châu về đây cầu nguyện và giúp đỡ. Trên bàn thờ Phật, ở chính giữa là linh vị "chư linh trận địa chấn, hỏa tai tại miền Đông Nhật Bản". Chữ viết thật trang trọng và cung cách của những người đến dự lễ hôm đó thật cảm động khó lường.
Hòa Thượng Trụ Trì chùa Xương Lâm hôm đó đi bưu điện, thoát chết, khi trở về chùa thì tất cả mái chùa đã bị sụp xuống cũng như chung quanh chùa đã san thành bình địa. Đúng là vô thường như lời Hòa Thượng đã bày tỏ. Tôi bị nhà báo Matsuda thuộc nhật báo Hà Bắc phỏng vấn, trong khi chưa chuẩn bị gì cả. Ông ta hỏi rằng: "Với cái khổ đau của người dân Nhựt tại đây, quý Ngài suy nghĩ và có lời khuyên gì để tạo cho người ta một sự hy vọng chăng?". Tôi dựa theo câu tục ngữ bằng tiếng Pháp để trả lời là: "Sau cơn mưa trời lại sáng". Sau thất vọng khổ đau, sẽ là sự hy vọng tràn trề để vươn lên. Vì kinh Dịch cũng đã nói rằng: Cái gì cùng sẽ biến, cái gì biến sẽ thông và cái gì thông, sẽ trường cửu.
Phái đoàn đi dọc theo "Đại Lộ Kinh Hoàng" để đến thăm ngôi chùa Tịnh Độ; nơi mà truyền hình đã chiếu đi chiếu lại nhiều lần có Đức Địa Tạng Vương vẫn còn đứng đó để làm chứng cho đất trời và vạn vật. Cũng trong sự tình cờ ấy tôi có mang theo tờ báo Viên Giác số 182 đã xuất bản tại Đức vào tháng 4 năm 2011 do anh Chủ bút Phù Vân trang trọng cho in hình bìa và đã được đài truyền hình SBTN qua anh Đỗ Hạnh thâu hình bìa báo Viên Giác thật kỹ cho sự kiện nhiệm mầu nầy. Chung quanh trống vắng lạ thường; nhưng qua lời kinh tiếng kệ, chắc quý vị trụ trì đã ra đi vĩnh viễn cũng đã cảm nhận được rằng chúng tôi là những pháp lữ tha phương đã không quên họ, dầu cho khác ngôn ngữ và tông phái nhưng đã đến đây cầu nguyện một cách chân thành chung quanh tấm biểu ngữ bằng 3 thứ tiếng Việt, Anh, Nhật, đã nói lên được điều chúng tôi muốn nói với những người bất hạnh đã nằm xuống nơi đây. Hôm 2 tháng 6 năm 2011 vẫn chưa đủ 100 ngày, sau sự kiện vật đổi sao dời "ngàn năm mới bị một lần" nầy; nên có lẽ tâm thức của những người bị tổn hại chắc chắn vẫn còn lãng vãng đâu đây để lắng nghe những lời nguyện cầu của chúng tôi vậy.
Kế tiếp, một vị Thầy trẻ tại địa phương đã hướng dẫn chúng tôi đến một trong nhiều ngôi mộ được chôn tập thể tại một sân vận động gần đó. Sau gần 3 tháng đã có hơn 500 hài cốt có thân nhân nhận diện đã được bốc lên đem đi hỏa táng. Còn lại hơn 200 hài cốt tại đây vẫn chưa có người đến nhận. Có lẽ họ bị chết hết cả nhà chăng? Số còn lại nầy sau một thời gian cố định, chính phủ Nhật sẽ có phương pháp giải quyết. Vì đã từ lâu rồi nước Nhật không có phong tục thổ táng nữa, mà luật pháp bắt buộc phải hỏa táng. Sau khi bị động đất và Tsunami; nơi đây không có điện đủ để thiêu và cũng không có thân nhân nhận diện; nên chẳng ai có thể thực hiện điều ấy dễ dàng được. Nơi đây vẫn còn mùi của nước biển, mùi của cá tôm, mùi của tử thi vẫn còn nồng nặc bay khắp đó đây trong khi chúng tôi đang cầu nguyện. Trước những ngôi mộ vô danh và vô chủ, có cả một trong 6 vị trụ trì tại vùng nầy vẫn chưa nhận ra được xác trong 4.000 xác chết tại riêng vùng nầy. Được biết có khoảng 30 ngôi chùa cũng cùng chung số phận với hơn 15.000 xác và hàng trăm ngàn vạn ngôi nhà đã bị cuốn trôi cùng với hơn 10.000 người mất tích. Cho đến nay các quân nhân Nhật Bản vẫn còn đào bới để tìm thi thể của những người bất hạnh tại đây.
Trưa hôm đó Phái đoàn được vị tri khách của chùa Thụy Nham (Zuiganji) ở phố Matsushima tiếp đón và giải thích từ cây tùng đã có mặt hơn 1.000 năm tại đây để làm chứng nhân cho lịch sử của từng ngày. May mắn là chùa này không bị nước viếng thăm; chỉ bị trận động đất ảnh hưởng; nên một vài nơi trên tường chùa và nóc chùa bị ảnh hưởng. Có một loại hoa lan đặc biệt, sống gởi vào cây tùng cao bị rơi xuống nằm trơ trọi giữa vườn Thiền. Chùa nầy thuộc Tông Lâm Tế và được xây dựng vào năm 828 thời đầu Heian (Bình An) nhằm năm thứ 5 Thiên Trường. Kiến trúc đặc biệt nay vẫn còn được giữ lại là nhà bếp của chùa. Trên nóc có xây ống khói để khi nấu cơm, khói thoát ra được. Kể ra hơn 1.200 năm lịch sử mà những ai đã nghĩ ra được điều nầy, quả là những kiến trúc sư đại tài vậy.
Chùa đang thời kỳ đại trùng tu (từ năm Bình Thành thứ 20 đến tháng 3 năm Bình Thành thứ 30 mới xong) nên một số bài vị và tôn tượng được đặc biệt dời qua Thư Viện của chùa để cho khách thập phương có cơ hội thăm viếng, lễ bái, nguyện cầu. Chùa nầy thuộc quốc bảo của quốc gia; nên những đồ vật tại đây ít có cái gì dưới 400 năm, đa phần là 1.000 năm trở lại. Ba tôn tượng bằng gỗ đặc biệt của 3 vị Tổ khai sơn và kế vị là Ngài Đổng Thủy Thiền Sư; Pháp Thân Thiền Sư và Vân Cư Thiền Sư. Ba tượng nầy thờ cùng với 2 vị Tướng quân đã có công xây dựng và hộ trì Phật Pháp thời Kamakura (Liêm Thương) là hai vị Chính Tông và Trung Tông. Gian phía kế tiếp thờ 12 tướng quân còn lại cũng như những võ sĩ đã tự chết để trả nghĩa, sau khi những tướng quân đã qua đời. Bên cạnh các tướng quân có thờ một tượng Ni Cô có tên là Dương Đức Viện. Bà là ái nương của Ý Đạt Chính Tông (1568-1638) sau khi thế phát xuất gia; tướng mạo đoan nghiêm tú lệ, tài sắc và đức hạnh vẹn toàn nên tượng đã được tạc vào lúc sanh tiền (1650).
Lẽ ra các Phật tử đi cùng Phái đoàn không được vào trai đường để thọ trai chung cùng với chư Tăng Ni hôm ấy. Vì chư Tăng tại đây đang thời kỳ Nhiếp Tâm (Issin) sợ làm động Chúng; nhưng nhờ sự trợ ngôn của Ngài Trụ Trì chùa Phước Tụ mà tất cả đều được dùng cơm nắm trong yên lặng nhiệm mầu. Có những người không quen, thấy bỡ ngỡ; nhưng ai đã vào cửa Thiền rồi thì việc nầy cũng chẳng có gì là lạ. Đó là tĩnh tâm, sạch sẽ, trách nhiệm, đúng giờ... Đây là đặc tính chung của người Nhật được ảnh hưởng từ Phật Giáo và Nho Giáo cả hơn 1.500 năm nay vậy.
Chiều ngày 2 tháng 6 năm 2011 là một buổi chiều đặc biệt. Vị Sư hướng dẫn Phái đoàn dẫn lên trên núi cao để nhìn ngắm toàn bộ cảnh bị hỏa tai và hồng thủy; đã có biết bao nhiêu người có phước được thoát chết trong gang tấc và cũng đã có không biết bao nhiêu người bất hạnh đã bị dòng nước cuốn trôi theo sự phẫn nộ của đất trời; chỉ trong vòng 2 phút và chịu đựng sức tống, lôi, đẩy, nhồi... của ngọn nước dâng cao bất thường trên 20 mét chiều cao. Quả là chẳng có bút mực nào tả hết. Đến đây rồi mới thấy rằng: danh mà chi, lợi mà chi... tất cả chỉ là phù hoa mộng ảo. Đời là thế. Tại sao chúng ta lại phải hơn thua nhau từng lời nói, từng chữ viết... để rồi ngày nào đó, chúng ta cũng sẽ bị nước, gió, lửa, đất cuốn trôi đi mà thôi. Do vậy đến đây để tu, để thực chứng... là những bài học có quá nhiều giá trị, mà trong đời sống thường nhật chúng ta đã bỏ quên đi.
Đài truyền hình CNN của Hoa Kỳ đã truyền đi khắp thế giới hình ảnh nầy. Một bà cụ đang đứng trên đồi nầy để thấy nhà cửa, con người, tất cả chỉ là con số không và bà đã khuỵu xuống, lấy khăn lau nước mắt bên cạnh tiếng la cầu cứu xé nát cả tâm cang những người đang đứng trên cao đó, mà chẳng có cách nào hơn để cứu được cả. Đồng thời đài CNN cũng đã chiếu có một vật sáng trắng từ ngoài biển bay vào, có lẽ (theo Phật Giáo) để tiếp cứu những người có tu nhân tích đức về cảnh giới giải thoát bên trên và một vệt sáng màu đen, từ bên trong những chỗ bị nạn phóng ra ngoài cửa biển. Có lẽ đây là dấu hiệu để đón tiếp những người bất hạnh có những nghiệp quả xấu để phải đi về chốn khổ đau hơn nữa. Đài cũng chiếu những ngôi chùa còn sót lại nơi đây mà ngày hôm ấy Phái đoàn cứu trợ của chúng tôi đã dùng xe hơi băng qua nơi bị nạn nầy. Chung quanh tất cả đều hoang tàn, đổ nát; không một bóng người; chỉ có những quân nhân đang lục lọi cẩn thận những ngôi nhà đổ nát để tìm những xác chết mà thôi.
Đi xe hơi trong thành phố chết chừng 30 phút như vậy, chúng tôi tiến về chùa Đổng Nguyên trên núi cao; nơi có hơn 200 người tỵ nạn vẫn còn tạm cư nơi chánh điện của chùa và nơi ấy Ngài Hòa Thượng Tiểu Dã Kỵ Tú Thông đang trụ trì. Chùa thuộc huyện Miyagi (Cung Thành), phố Thạch Quyển, phường Ba Ba. Chùa nầy thuộc Thiền phái Tào Động cùng với Tông Môn của Ngài Hòa Thượng Trụ Trì chùa Phước Tụ. Đầu tiên Ngài Trụ Trì muốn cho Phái Đoàn chúng tôi cử hành lễ Chẩn Tế bạt độ cho những vong linh tại chánh điện; nhưng Thượng Toa Thích Tâm Minh, gia trì buổi lễ, Thầy ấy đề nghị đem ra ngoài cổng Tam Quan và hướng về biển cả mênh mông để nguyện cầu thì thiết thực hơn. Thế là các pháp khí và đồ cúng hoa, quả, bánh, trái... được thay đổi cấp thời để trở thành một bàn thờ thiên nhiên thật trang trọng và ý nghĩa. Chúng tôi trong cương vị Sám Chủ niệm hương bạch Phật với mũ Hiệp Chưởng. Thượng Tọa Thích Tâm Minh trong cương vị gia trì với Đại Y và mũ Tỳ Lư. Tất cả Chư tôn đức Tăng Ni hiện diện nằm trong Ban Kinh Sư và quý Phật tử trong đoàn cũng như hơn 200 người tỵ nạn đang nương náu cửa chùa cũng đứng đó và lễ bái một cách trầm tư sâu lắng. Dường như những oan hồn được triệu thỉnh về đây đang lắng nghe chúng tôi cầu nguyện và siêu độ họ. Lẽ ra trời mưa như đã được thông báo; nhưng có lẽ chư Thiên Thần, Hộ Pháp đã gia hộ; cho nên sau một tiếng rưỡi đồng hồ, lúc lễ bái, cầu nguyện và gia trì xong, trời mới đổ mưa. Đây là điều bất khả tư nghì thứ 2 trong ngày mà Ngài Hòa Thượng Trụ Trì đã cho hay như thế.
Lời phục nguyện hôm ấy bằng 3 thứ tiếng: Việt, Anh và Nhật ngữ để cho những người quá cố đến nghe kinh hiểu được tấm lòng của chúng tôi từ Hải Ngoại về đây; kẻ công người của đã đóng góp để làm nên đại sự nầy. Đây là cái mốc lịch sử của niềm tin, của việc thực hành giúp đỡ, phụng sự xã hội cho con người; chẳng phân biệt đó là ai. Vì Phật tính vốn không có sự phân biệt, thì chủng tộc và Tôn Giáo lại còn phải phân biệt để làm gì; khi mà con người trước sau rồi "cát bụi cũng phải trả về lại cho cát bụi".
Một trong 4 tượng Tứ Thiên Vương của chùa bị đổ gãy tay chân vẫn còn nằm đó; nóc chùa bị sụp đổ; nay đang che tạm mấy miếng Nylon màu xanh thẫm, mà dưới mái chùa ấy đang cưu mang cả mấy trăm con người ở đấy với tiện nghi tối thiểu là ăn cơm phải đứng tập thể ngoài sân chùa, đi cầu bằng nước dội, chứ chưa có nước máy tự động và tất cả chỉ là tạm bợ; nhưng nơi đây đang chứa đựng lòng từ bi vị tha vô độ của Ngài Trụ Trì. Do vậy khi nhận quà biếu là 15 vạn Yen và một ít phẩm vật từ Đức mang qua để trao tặng. Ngài đã cảm ơn cả Phái đoàn và Ngài nói rằng: Điều ấy ngoài sức tưởng tượng của Ngài qua lời dịch trực tiếp từ tiếng Nhật qua tiếng Việt của Thầy Triệt Học, trong khi anh Đỗ Thông Minh đang trả lời phỏng vấn của báo chí địa phương và Thượng Tọa Thích Quảng Ba đang trả lời cho đài truyền hình SBTN đến từ Hoa Kỳ phỏng vấn.
Cả mấy trăm người đang tỵ nạn tại chùa Đổng Nguyên hôm đó đã hát một bài dân ca mang tên "Hy Vọng" của một nhạc sĩ Nhật Bản nào đó mới vừa sáng tác sau trận Tsunami vừa qua, nghe thật mủi lòng. Phái đoàn ra về sau một ngày mệt nhọc và sống đầy đủ ý nghĩa với đức tin cũng như một ngày nhận chân ra được giá trị của hơi thở và sự sống thật là nhiệm mầu.
Tối đó người của cả 2 xe Bus đều tập trung lên chánh điện để tôi chính thức nói lời tạ từ. Vì lẽ sáng sớm ngày 3 tháng 6 năm 2011 tôi phải trở về lại Đức sớm hơn một ngày, trong khi Phái đoàn vẫn còn tiếp tục đi thăm viếng chùa Viên Thông tại Fukushima và ủy lạo những người đang tỵ nạn tại đó. Chùa nầy do Ngài Cố Hòa Thượng YOSHIOKA Trụ Trì. Nay thì Hòa Thượng đã vãng sanh. Duy chỉ còn người con trai kế nghiệp quyết không rời bỏ ngôi chùa nầy và sẽ cùng chia xẻ những khó khăn với tín đồ tại địa phương ấy, kể cả 4 lò điện năng nguyên tử nằm cách xa chùa không bao nhiêu cây số. Cố Hòa Thượng Trụ Trì Yoshioka cũng là tác giả quyển "Tsubaki no Hana" vốn là một tác phẩm được nhận giải thưởng về văn học của Nhật Bản trước năm 1975. Đây là tác phẩm nói về: Hoa thung một loại hoa tượng trưng cho tình cha, vốn bao nhiêu người đều biết qua kinh Báo Ân Phụ Mẫu; nhưng chẳng để ý và sưu tầm. Ngài viết về Hoa Thung tại Đà Lạt Việt Nam và Hoa Thung của Nhật Bản. Đồng thời Ngài cũng đã viết quyển "Thiền của Tào Động" nổi tiếng và quyển nầy tôi đã dịch sang Việt ngữ từ năm 1978 hiện có đăng trên Website của chùa Viên Giác.
Ngài Hòa Thượng IDATE Trụ Trì chùa Phước Tụ đã lược lại chuyến hành trình trong một ngày qua và cảm ơn những vị trong văn phòng của Tông Tào Động đã tận tình hướng dẫn; sau đó Thầy Triệt Học trao 5 vạn Yen cúng dường. Tiếp đến chúng tôi nhân danh Đoàn Trưởng, Đại diện cho Phái Đoàn trao đến những vị Thầy đại diện cho những chùa bị tai ương và đang có người tỵ nạn số tiền 30.000 US để quý vị ấy phân phát tiếp giùm. Số tiền 30.000 US khác đã được trao cho những người tỵ nạn tại chùa Viên Thông vào ngày 3 tháng 6 năm 2011. Tổng cộng số tiền lạc quyên được từ Châu Úc, Canada, Hoa Kỳ, Âu Châu là 130.000 US trong đó riêng Canada đã vận động được 61.000 đô-la Canada. Tại Đức Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm qua văn thư kêu gọi đăng trên báo Viên Giác và Website của Viên Giác, quý Phật tử Âu Châu như: Pháp, Đức và Hòa Lan đã đóng góp số tiền lên trên 35.000 US. Quý Thầy, quý Cô đi ủy lạo tự lo liệu vé máy bay hai chiều và việc ăn nghỉ tại Nhật Bản đã có một số Phật tử hữu tâm địa phương cúng dường. Riêng Phật tử Quảng Nguyện và gia đình là chủ một nhà hàng nổi tiếng tại Sata Ana, California, Hoa Kỳ, qua sự vận động của Ni Sư Thích Nữ Diệu Tánh, Thủ Quỹ của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Hoa Kỳ và đồng thời cũng là Thủ Quỹ của Đoàn đã vận động đạo hữu nầy cúng dường 500 US đô-la cho mỗi một Thầy, Cô trong Phái đoàn đã đi ủy lạo tại Nhật Bản để phụ vé máy bay trong thời gian qua. Công đức ấy xin nguyện cầu chư Phật gia hộ đến gia đình đạo hữu nói riêng và hàng ngàn gia đình đạo hữu khác nói chung khắp 4 châu trên địa cầu nầy đã đóng góp 130.000 US đô-la được vạn sự hanh thông, cát tường như ý. Nếu không có quý vị hỗ trợ, qua lời kêu gọi vận động của các vị Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Từ Thiện cùng các châu thì dĩ nhiên là chúng tôi cũng đã chẳng thực hiện được chuyến đi đầy ý nghĩa như chuyến đi vừa rồi.
Chúng tôi cảm ơn từng vị một như các vị đã có đạo hiệu bên trên và cảm ơn những anh chị em đệ tử của Hòa Thượng Thích Minh Tuyền, Thầy Triệt Học và đệ tử của quý Thầy tháp tùng cùng đoàn đã lo cho đoàn chỗ ăn, chỗ ngủ thật là tươm tất. Tuy không có nhiều thời giờ để chuẩn bị cho việc ăn uống và ngủ nghỉ... nhưng những món đồ khô chay từ ngoại quốc mang vào đây, lại có một giá trị vô song.
Đầu tiên chúng tôi mời Thầy Triệt Học lên để nói 2 tiếng cảm ơn. Vì lẽ nếu không có Thầy và anh Đỗ Thông Minh thì chuyến đi nầy nó mới chỉ được một nửa công chuyện. Vì Thầy Triệt Học là học giả của Phật Giáo Việt Nam, Trung Hoa và Nhật Bản. Thầy đã đến Nhật từ năm 1965 và đã trải qua các Đại Học danh tiếng của Nhật Bản từ Cử Nhân đến hết học trình Tiến Sĩ như: Đại Học Keio, Risso, Komazawa và Rikkyo. Cũng như làm giảng sư Đại Học ngoại ngữ Keio và biên khảo nhiều luận văn và viết nhiều sách giá trị về Văn Học và Phật Giáo bằng tiếng Việt, Hoa, Nhật. Lần đi chung trên xe Bus nầy chúng tôi đã có được 2 sự kiện khá hy hữu là Thầy đã cho tôi xem được một tấm hình kỷ niệm chụp chung với tôi và 4 sinh viên thuở ấy cách đây 40 năm về trước. Thật là hy hữu và khó giải bày. Đồng thời cũng ở trong xe Bus nầy, qua điện thoại của Thượng Tọa Thích Quảng Ba đã gọi được và nói chuyện với Hòa Thượng Thích Minh Tâm, để cả 2 Hòa Thượng Idate và Hòa Thượng Minh Tâm có cơ hội hàn huyên nhắc lại chuyện xưa sau 40 năm xa cách tại quê người, mà trước đây quý Ngài là những người bạn cũ tại các trường Đại Học ở Nhật Bản.
Thầy Triệt Học hiện là Trưởng của Đạo Tràng Sakura Viên Thông tại Sendai. May mắn kỳ động đất và Tsunami vừa qua chỉ còn 7 cây số nữa là đến vùng Thầy ở.
Sau khi Thầy Triệt Học phát biểu, chúng tôi mời anh Đỗ Thông Minh lên phát biểu cảm tưởng. Anh là một học giả về Văn Học và Lịch Sử; mặc dầu anh học về khoa học. Anh đã tốt nghiệp tại Đại Học Meisei thuộc Hachioji. Anh sang Nhật vào đầu thập niên 70. Sau 75 anh vẫn ở lại Nhật cho đến ngày nay và qua Lá Thư Đông Kinh, mọi người đã biết anh thật nhiều rồi. Tuy nhiên, nếu lần nầy không có anh lo liệu giùm việc đưa đón cũng như liên hệ với các cơ quan truyền thông báo chí của Việt Nam và Nhật Bản thì kết quả chắc chắn sẽ không nhiều.
Lần nầy tháp tùng Phái đoàn có 2 vị người Nhật Bản. Đó là ông Hậu Đằng Trung Nam (Tadao Goto) và ông Linh Mộc Khắc Trị (Katsuji Suzuki). Cả 2 ông là đại diện đối ngoại về Phật Giáo của tổ chức Risso Koseikai (Sáng giá học hội). Trụ sở chính của họ đặt tại Ikegami; nơi Phái đoàn chúng tôi đã tá túc những ngày 29, 30, 31 và những ngày sau nầy, khi Phái đoàn đã đi xong chuyến ủy lạo, về lại đây nghỉ vài ngày, để ai nấy đều sẽ phải trở về lại nơi cư ngụ của mình.
Thượng Tọa Thích Tâm Phương nói lời cảm ơn Phái đoàn và kêu gọi những Phật tử cùng tháp tùng đoàn đóng góp thêm vào những chi phí trong điều kiện có thể của mình. Tiếp đến là Thượng Tọa Thích Bổn Đạt, Thượng Tọa Thích Nhật Huệ và Hòa Thượng Thích Thông Hải cũng đã có những lời tán thán cũng như bọc bạch cảm tưởng của mình trước giờ chia tay, thật là cảm động và bùi ngùi khó tả... Quý Thầy cũng đã tổng kết số chi thu 130.000 US thật là rõ ràng qua những việc như trên và những việc phát xuất quan trọng khác. Tất cả cũng chỉ vì việc cứu trợ cho Nhật Bản; chứ không có một mục đích gì khác hơn nữa.
Vào lúc 6 giờ sáng ngày 1 tháng 6 năm 2011, Phái đoàn của chúng tôi đã được hướng dẫn vào chánh điện của Lập Chánh Giảo Thành Hội để tham dự buổi lễ cầu nguyện cho trận động đất và Tsunami vừa rồi tại Nhật Bản của hơn 2.000 người Nhật là những tín đồ thuộc Tông Phái Nhựt Liên nầy. Qua gần một tiếng đồng hồ họ đã tụng lược qua 28 phẩm Kinh Diệu Pháp Liên Hoa và qua lời cầu nguyện của Đạo hữu chủ lễ cho những người Nhật vừa qua đời, thật là cảm động. Tiếp đến Đạo hữu đại diện cho ông Hội Trưởng đã đọc một tiêu đề nhỏ "Sống hòa hợp, thân ái trong đời sống vợ chồng". Bài giảng chỉ một trang giấy được đọc qua 5 phút; nhưng rất súc tích và đầy đủ ý nghĩa.
Sau khi dùng điểm tâm tại Hội Trường dưới chánh điện, Phái đoàn lên xe Bus để đến thăm chùa Bổn Môn vốn là Tổng Bổn Sơn của Nhựt Liên Chánh Tông; nơi đây có mộ của Ngài Nhật Liên đã được chôn cất sau khi Ngài thị tịch cùng với 2 ngôi mộ khiêm nhường hơn của 2 người đệ tử phò trợ Ngài thuở sinh tiền. Phái Đoàn cúng dường 15 vạn Yen cho Tăng học viện nơi đây, sau khi được Thầy tri sự tụng một biến kinh cầu nguyện cho Đoàn qua Phẩm Phương Tiện và Như Lai Thọ Lượng Phẩm.
Với tôi, Nhựt Liên Tông đã có duyên định trước; nên những năm tháng ở Nhật từ 1972 đến 1977 đã ở chùa Honryuji tại Hachioji cũng thuộc Tông nầy; nên Thầy Triệt Học sắp đặt cho việc Phái đoàn đến đây cũng mang theo nhiều ý nghĩa là tạ ơn và nghe giảng qua về cách sống của một người Tăng Sĩ trong giai đoạn xã hội Nhật Bản đang phát triển như ngày hôm nay.
Kế tiếp Phái đoàn đi Asakusa (Thiển Thảo) để thăm viếng chùa Quan Âm đã được xây cất tại đây hơn 1.000 năm qua. Những ngày Nhủ nhật và những ngày Lễ của chùa, nghe đâu mỗi ngày số người đi lễ lên đến gần cả một triệu người. Hôm đó Phái đoàn chúng tôi đến đây là ngày thường; nhưng xem những người đi lễ và cúng dường qua việc thảy tiền cắc vào thùng phước sương, chắc cũng không dưới 100.000 người. Người đâu mà người nhiều thế; cả nam thanh nữ tú, ông già bà cả... tấp nập như là những ngày hội. Vì người Nhật tin rằng Đức Quan Âm nầy rất linh thiêng.
Buổi trưa ngày 1 tháng 6 năm 2011, Thầy Triệt Học dẫn Phái đoàn chư Tăng Ni vào tiệm Soba Nhật Bản để kêu dọn món ăn truyền thống, chay tịnh nầy cho Đoàn. Quán vốn đã chật, mà Đoàn thì đông; nên đã có một số quý Thầy thấy ngộp thở; nên đã thối thác bước ra ngoài.
Trên đường đi Sendai chúng tôi thấy thêm được tháp Tokyo Tower mới được xây cất, đồ sộ hơn tháp cũ; nhưng chưa được khánh thành. Vì đất ở Tokyo là đất vàng; nên vẫn khiêm nhường so với tháp Eiffel của Pháp về phương diện đất đai cũng như sự hùng vĩ. Khi đến chùa Phước Tụ thì vị Trụ Trì đi Phật sự chưa về. Tuy nhiên tối hôm ngày 1 tháng 6 ai nấy cũng mệt nhừ; nên đã có những giấc ngủ ngon, qua việc ăn chay nằm đất nầy; để sáng mai thật sớm ai nấy cũng đều chồm người dậy, bước lên chánh điện chào Ngài Trụ Trì và Phái đoàn cúng vào chùa nầy 10 vạn Yen để làm lễ sơ giao, trong khi phải ăn nhờ ở đậu tại đây cả mấy ngày, để đi cứu trợ tại vùng nầy.
Thượng Tọa Thích Tâm Phương có thể nói là người đã lo lắng thật chu đáo cho Phái đoàn, từ trước khi đến cũng như sau khi đi. Tôi vẫn thường liên lạc với Thầy ấy để sắp xếp một chương trình đi thăm chùa Việt Nam tại Kanagawaken do Hòa Thượng Thích Minh Tuyền đang trụ trì và chùa nầy hiện đang xây cất ở giai đoạn cuối. Hòa Thượng Thích Minh Tuyền đón tôi tại phi trường Narita vào sáng ngày 31 tháng 5 năm 2011, sau đó cho về chùa và nghỉ tạm tại một nhà người Nhật theo phong cách cũ ngày nào. Nằm trong phòng nầy nhớ phòng của Hòa Thượng Thích Chơn Thành tại Shinagawa vào ngày 22 tháng 2 năm 1972 thuở nọ.
Khi về đến cổng chùa đã được Sư Cô Diệu Huệ và một số Phật tử nghỉ làm ngày hôm ấy đến chùa sớm đón Phái đoàn. Riêng tôi, sau một giấc ngủ trưa đã đỡ mệt thì đã thấy Thượng Tọa Thích Quảng Ba, Thượng Tọa Thích Tâm Minh và Thượng Tọa Thích Tâm Phương (từ Úc) đã đến chùa. Riêng Thượng Tọa Thích Nhật Tân thì giờ cuối khi lên phi trường đã không lên máy bay được. Quả là điều đáng tiếc.
Một bàn Phật đơn sơ; bên dưới sàn chánh điện chưa lót gạch trải một tấm nylon nhựa màu xanh. Nơi ấy Chư Tôn Đức và quý Phật tử đã chung lời cầu nguyện. Sau lễ cầu an cho ngôi chùa sớm hoàn thành, quý Ngài như: Thượng Tọa Thích Quảng Ba, Thượng Tọa Thích Bổn Đạt, Hòa Thượng Thích Thông Hải và chúng tôi đã bày tỏ tâm tình cũng như trợ duyên cho Hòa Thượng Thích Minh Tuyền được 9.000 US từ Chư tôn đức và Phật tử tại Úc Châu. Riêng Phật tử địa phương đã đóng góp được 12 vạn Yen. Như vậy tất cả số tiền cũng được trên 10.000 US đô-la cho buổi lễ cầu nguyện hôm ấy.
Sau bữa cơm tối có cơm canh và bánh xèo Việt Nam đượm tình nghĩa quê hương và Pháp Lữ, Phái đoàn đã lên xe Bus về quán trọ trong sự lưu luyến thân mật của đệ tử Hòa Thượng Thích Minh Tuyền. Niềm vui của quý Thầy là tối hôm ngày 31 tháng 5 năm 2011 đã được tắm theo cách tắm truyền thống của người Nhật, mà nhiều Thầy chắc cũng chẳng bao giờ hình dung ra được.
Với nỗi đau và sự mất mát của người Nhật Bản trong tháng 3 vừa qua quả là "ngàn năm" chúng ta mới có cơ hội để thể hiện được tình người như vậy.
(Viết xong vào lúc 22 giờ ngày 3 tháng 6 năm 2011
trên chuyến bay trên qua hơn 3 tiếng đồng hồ
cho bài viết nầy).
______________________
Đã một lần như thế
● Thích Như Điển
Ở trong đời này có nhiều chuyện thật bất ngờ, bởi vì người ta chẳng tính trước được. Đa phần cuộc sống của chúng ta đều do mình làm chủ. Chúng ta vạch định kế hoạch cho việc tu, việc học, việc đi du lịch, giao tế với bạn bè v.v… Đó là bản lề của cuộc sống và là chương trình làm việc của mỗi người; nhưng trong cuộc sống này nó có muôn mặt, thay đổi muôn hình vạn trạng, đôi khi ta nghĩ vậy mà nó không là vậy. Cho nên, trong giáo lý của đức Phật gọi những sự thay đổi ấy là “Nhơn duyên”.
“Nhơn duyên” là một sự tương tức. Có cái này nên mới có cái kia. Có những cái ẩn tàng đâu đó trong nhiều đời nhiều kiếp bây giờ mới hiện về. Có những cái mình không thích, không muốn mà nó cứ hiện ra. Hoặc giả có những loại mình ưa thích mà nó chẳng bao giờ đến. Thôi thì tóm gọn lại trong hai chữ “Nhơn duyên” là dễ hiểu và dễ cảm thông hơn.
Thầy Seelawansa, người Tích Lan, đến với tôi và chùa Viên Giác tại Hannover cũng là một sự tình cờ trong bao nhiêu sự tình cờ khác, cách đây chừng 20 năm về trước. Vào đầu năm 1991, thầy đến Hannover và chúng tôi đã quen biết nhau từ đó. Thầy đến Áo từ năm 1982 và đã tốt nghiệp tiến sĩ triết học tại Áo; hiện là giáo sư Tôn giáo học tại Đại học Wien, thủ đô nước Áo.
Trong 20 năm đó, tôi đã thăm quê hương Thầy ấy ba lần. Cứ mỗi lần như thế, tôi đều viết những bài tường thuật để đăng trên báo Viên Giác, hoặc giả viết thành sách như cuốn: “Giữa chốn cung vàng” để giới thiệu về quê hương Thầy cũng như Kandy – nơi chiếc răng của đức Phật được tôn thờ tại đó. Lần thứ ba này là lần đặc biệt nhất, vì tôi đã chẳng đợi chờ.
Cách đây hai năm, Thầy có nhờ tôi viết một bài báo bằng tiếng Anh để giới thiệu về Thầy trong khi Thầy ấy hướng dẫn tu học cho những người Đức và người Áo tại Âu châu. Tôi sẵn sàng và đã thực hiện điều đó. Đó cũng là hình thức giới thiệu về Thầy để được Hội đồng Tăng già Tích Lan trao giải thưởng danh dự cao quý cho Thầy, người có công mang ánh sáng Phật pháp vào Âu châu. Sau đó, Thầy điện thoại cho tôi biết kết quả và giải thưởng này Thầy ấy đã nhận lãnh từ năm 2010. Tiếp theo Thầy đề nghị Hòa thượng Thích Minh Tâm và cá nhân chúng tôi cũng sẽ đón nhận giải thưởng danh dự này. Hòa thượng Thích Minh Tâm thì chẳng mừng và cũng chẳng quan tâm và Hòa thượng bảo rằng: “Để đến lúc ấy hãy tính”. Có vẻ việc đến bất ngờ chăng? Nên Hòa thượng Minh Tâm cũng đã chẳng chuẩn bị gì cả ngoại trừ một lý lịch trích ngang và công lao hoằng pháp của Hòa thượng tại Âu châu mà chính thầy Seelawansa đã nhiều lần tai nghe mắt thấy. Còn tôi, thầy Hạnh Giới đã bổ túc lý lịch đầy đủ cho Thầy ấy cả tiếng Anh và tiếng Đức.
Bẵng đi một thời gian khá lâu, một hôm thầy Seelawansa điện thoại cho tôi và báo tin rằng: Hội đồng Tăng già Tích Lan đã đồng ý cấp giải thưởng cao quý về việc hoằng pháp trên thế giới của chúng tôi và tiếp theo Thầy ấy có gởi mấy tờ báo địa phương đã loan tải tin này bằng tiếng Tích Lan cũng như bằng tiếng Anh. Sau đó, tôi có liên lạc với Hòa thượng Minh Tâm để định ngày sang Tích Lan tham dự lễ trao giải thưởng. Cuối cùng, Thủ tướng Tích Lan đã chọn ngày 8 tháng 7 năm 2011 là ngày lễ trao giải thưởng này. Vì là một tổ chức lớn, cả Hội đồng Tăng già và chính phủ nên phải lấy thời gian trước đó một năm. Dĩ nhiên, chúng tôi cũng không rảnh rỗi gì, vì là trong mùa an cư kiết hạ và triển lãm Phật Ngọc tại chùa Viên Giác – Hannover mới vừa xong. Trong khi đó, phái đoàn của Hòa thượng Thích Minh Tâm gồm tám vị cũng chưa rõ là có thể đi được hay không, chỉ chờ đợi vào giờ chót.
Riêng báo Viên Giác cũng như trang nhà Viên Giác đã đưa tin này cả một năm qua nên phái đoàn Viên Giác đến Colombo từ ngày 3 đến ngày 14 tháng 7 năm 2011, tổng cộng 24 vị. Từ Âu châu có 16 người, Ấn Độ có 4 thầy, và Việt Nam có bốn vị. Đặc biệt phái đoàn Âu châu lần này gồm các văn sĩ, nhà thơ như: chị Trần Thị Nhật Hưng, Hoa Lan, Đan Hà, và anh chủ bút báo Viên Giác Phù Vân cũng đã tháp tùng cùng phái đoàn. Do vậy, những vị này sẽ có những bài tường thuật khác nhau bằng cái nhìn nhân chứng và nhãn quan của các anh chị em này. Vì thế, độc giả báo Viên Giác nay mai sẽ đọc được nhiều bài thơ, tùy bút hay những bài tường trình về chuyến đi này đầy đủ hơn.
Ở xứ lạnh như xứ Đức, cả ba bốn chục năm nay, nay có cơ hội về xứ ấm Á châu và sẽ được thưởng thức thời tiết và khí hậu ấm ấp khác xa nước Đức cũng như đồ ăn Á châu… ai mà không thích; nhưng tất cả cũng đều do nhân duyên sắp đặt mà thôi. Vì có những người cũng đã ghi tên giữ chỗ rồi, nhưng cuối cùng đổi ý ở nhà. Như vậy là mất đi một chuyến hành hương lý tưởng. Nhưng cũng có nhiều vị đã không chuẩn bị đi, mà cuối cùng là đã được đi. Cho nên hai chữ “Nhân duyên” nó có năng lực mạnh mẽ như vậy.
Phái đoàn chúng tôi đến Colombo vào chiều 3 tháng 7 năm 2011. Sau khi đã được nhân viên Bộ Ngoại Giao chào đón theo cung cách lễ tân, chúng tôi thâu nhận hành lý và bước ra ngoài hành lang của phi trường để đón nhận những giọt mồ hôi đầu tiên tại xứ nhiệt đới này. Sau khi lên xe bus, phái đoàn được đưa về khách sạn nằm gần bờ biển cách thủ đô Colombo chừng 30 km về hướng Tây – Bắc.
Nước Tích Lan (Sri Lanka) có nghĩa là xứ Sư Tử Hống. Phật giáo đã có mặt tại đây từ thế kỷ thứ ba trước Thiên Chúa giáng sinh, nghĩa là từ khi công chúa Sanghamitta và hoàng tử Mahinda, con vua A Dục mang cây Bồ Đề được chiết ra từ cành cây chính ở Bồ Đề Đạo Tràng qua xứ Anuradhapura để trồng tại đó. Mãi cho đến ngày hôm nay, nơi đây vẫn là Thánh địa có nhiều người Phật tử đến đây để chiêm bái, nguyện cầu và cây Bồ Đề ấy ngày nay hơn 2300 năm lịch sử, cành lá vẫn còn tốt tươi và đang đâm chồi nảy lộc, vươn cao lên cả mấy tầng mây.
Ngả ba đường đều có tôn trí tượng đức Phật
Vào thế kỷ thứ 16, người Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha đã đến đây và họ đã mang theo một đạo mới. Đó là Thiên Chúa giáo. Rồi người Anh đến cai trị xứ này từ thế kỷ 18, đến đầu thế kỷ thứ 20 người Anh đã trao trả độc lập lại cho người Tích Lan. Cho nên, sau khi người Anh đi rồi, những văn hóa và tôn giáo cũ vẫn còn có mặt đó đây trong xứ quốc giáo là đạo Phật này, vốn đã ngự trị tại đây trong hơn 23 thế kỷ qua.
Ông Henry Olcott là một Đại tá quân nhân người Mỹ, vào đầu thế kỷ thứ 20 đã đến Tích Lan, và ông chủ trương khôi phục lại nền văn hóa và tôn giáo của xứ này, nên đã được nhiều nhà học giả trí thức cũng như những chính trị gia trên thế giới ủng hộ. Trong đó có lá cờ Phật giáo thế giới ngày nay. Nguyên là khi nghiên cứu, ông thấy vầng hào quang của đức Phật có 5 màu gồm: xanh, vàng, đỏ, trắng, cam. Do vậy, ông nghĩ ra ý tưởng dùng màu sắc giác ngộ ấy để tạo thành biểu tượng của Phật giáo thế giới và kết quả là vào năm 1951 Đại hội Phật giáo Thế giới tại Tích Lan đã công nhận lá cờ này là biểu tượng của những quốc gia theo Phật giáo, trong đó có Phật giáo Việt Nam. Đó là do công lao của ông bà Đại tá Henry Olcott vậy. Ngày nay, người Phật tử đến Tích Lan thấy ngã ba đường nào cũng có một tượng Phật lớn ngự trị tại đó, cũng như nhà nhà đều treo cờ Phật giáo. Đây cũng là bằng chứng về sự khôi phục lại nền Phật giáo tại xứ này.
Chư Tăng Tích Lan đa phần là những vị học giả nổi tiếng như Ngài Narada có thời gian dài hoằng pháp tại chùa Kỳ Viên ở Sài Gòn. Ngài là tác giả của nhiều đầu sách, trong đó có quyển “The Buddha and His teachings” (Đức Phật và Phật pháp) do đạo hữu Phạm Kim Khánh dịch, là một tác phẩm rất quen thuộc với Phật tử Việt Nam chúng ta. Cố Hòa thượng Wipulasara, phó Chủ tịch Hội Phật giáo Tăng già Thế giới, cũng là người Tích Lan. Ngài đã đóng góp phần mình không nhỏ cho việc giao lưu giữa Đại Thừa và Tiểu Thừa, giữa Nam Tông và Bắc Tông trong thế giới đương đại này.
Ngoài ra những vị Hòa thượng, Thượng tọa đang hành đạo tại ngoại quốc, đa phần là những học giả Phật giáo đã được Tăng già và chính phủ Tích Lan hỗ trợ, trong đó có Thượng tọa tiến sĩ Seelawansa, như chúng ta đã đề cập bên trên. Họ không những chỉ lo vấn đề tinh thần cho người Phật tử Tích Lan ở hải ngoại mà những vị ấy còn lo cho người Tây phương trong đó kể cả Phật tử Việt Nam chúng ta nữa. Đây là tấm gương sáng của việc truyền đi ánh sáng chân lý của đức Phật đến với mọi người trên hoàn vũ này, không phân biệt màu da và tiếng nói.
Thầy Seelawansa đã có công rất lớn trong việc lo lắng tổ chức cho lễ phát giải thưởng danh dự này vào ngày 8 tháng 7 qua. Ví dụ như sắp xếp các cuộc tiếp kiến với Tổng thống, Thủ tướng, các vị Bộ trưởng đối lập và Hội đồng Tăng già v.v… Nhưng vấn đề giao thông của Tích Lan ngày nay là một vấn nạn lớn. Xe cộ quá nhiều mà đường sá lại quá chật, người ta đã không thể bay lên không trung để đến nơi đúng giờ như đã được hẹn trước, cho nên đoàn của chúng tôi đến phủ Tổng thống trễ hơn 30 phút, khiến cho Tổng thống phải chờ đợi, đúng như tục ngữ Việt Nam có câu là: “Quan cần dân trễ”. Người đại diện cho phủ Tổng thống lo về vấn đề tôn giáo là ông A. M. Ratnayake hôm đó đã lên xe bus của chúng tôi để chào hỏi và nói lên lời đáng tiếc ấy. Trong khi quý bà, quý cô trong phái đoàn, vận áo dài truyền thống nổi bậc trong màu áo quốc phục này đang đợi chờ để tiếp kiến Tổng thống mà vẫn không được toại nguyện, lại hẹn lần sau và chẳng biết rằng lần sau ấy khi nào sẽ đến. Thôi thì đành lỗi hẹn với “Nhân duyên” vậy.
Kế tiếp chúng tôi qua phòng hội nghị của chính phủ, nơi đây là một hội trường khánh tiết, có trang trí một tượng Phật, bốn cây đèn dầu và một chân đèn cao gồm nhiều tim đèn để cho những vị khách quý đến châm đèn cúng Phật, gồm bốn vị lãnh giải thưởng hôm ấy, Thủ tướng, Phó thủ tướng, ông Hội trưởng Hội Phật giáo Tích Lan.
Trước khi Thủ tướng đến, lính tráng hai tay khí giới sẵn sàng để bảo vệ, đang đứng bên ngoài hội trường trong oai vệ và khẩn cấp làm sao. Sau khi Thủ tướng vào hội trường rồi, chúng tôi bốn người lên xe đặc biệt và được chở quanh sang phía sau đoàn cung nghinh đại lễ. Sau đó xuống xe đứng vào vị trí cờ lọng đã có sẵn. Đầu tiên là cờ của Tăng già do 40 em thiếu nữ cầm, và sau đó là một đoàn vũ công truyền thống, ăn mặc theo lối chư thiên, mang trống, nhạc đến ca múa hiến dâng cho đại lễ. Kế tiếp là một rừng cờ Phật giáo và lại một đoàn vũ công nữa, họ đã tấu lên những bản nhạc thật oai hùng. Sau đoàn vũ công là lọng che nhị vị Hòa thượng được lãnh giải; hai vị Trưởng, Phó Hội Phật giáo Áo tháp tùng theo sau.
Cuối cùng là đội hợp ca của các em Phật tử áo xiêm là bạch y cư sĩ. Đoàn cung nghinh vào hội trường trong tiếng nhạc lễ cao vút và trang trọng nhất. Sau khi chư Tăng, Ni, Thủ tướng, các vị Bộ trưởng và Phật tử an vị rồi, vị Tổng thư ký của Hội đồng Tăng già thông qua chương trình và cung thỉnh Hòa thượng Trưởng lão 94 tuổi, đại diện cho Tăng đoàn ngồi vào ghế chứng minh phía trên. Sau đó là phần tuyên dương sự hoằng pháp của nhị vị Hòa thượng và hai vị cư sĩ bằng tiếng Tích Lan.
Đoàn cung nghinh bốn vị nhận giải thưởng cao quý
Nhị vị Hòa thượng châm đèn cúng Phật
Kế tiếp, Hòa thượng Thích Minh Tâm được mời lên nhận bằng do Hòa thượng Tăng trưởng trao. Sau đó Hòa thượng ngồi vào vị trí chiếc ghế bên cạnh để Thủ tướng D.M. Jayaratne đến trao chiếc quạt truyền thống cũng như đảnh lễ. Kế tiếp, Hòa thượng Thích Như Điển cũng được trao như vậy. Bằng khen tặng do một vị Trưởng lão Tăng già khác trao và chiếc quạt hoằng pháp do Phó thủ tướng đảng đối lập trao tặng và đảnh lễ. Các Phật tử Việt Nam đại diện trong đoàn đã dâng hoa chúc mừng nhị vị Hòa thượng.
Hai vị chánh phó Hội Phật giáo Áo đã được chư Tăng trao bằng danh dự và quà kỷ niệm, chứ không có chiếc quạt của quốc gia trao tặng. Kế tiếp Thượng tọa tiến sĩ Seelawansa đã đọc một bài cảm từ bằng tiếng Tích Lan và tiếng Anh (sẽ được dịch ra bằng tiếng Việt nay mai) để vinh danh về việc hoằng pháp này. Nội dung của dòng chữ ghi trên tấm bằng danh dự là: Hội đồng Tăng già Tích Lan phát giải thưởng này cho… với tước hiệu danh dự là: “Người có công mang ánh sáng Phật pháp đến thế giới”. Còn trên chiếc quạt có ghi dòng chữ Tích Lan và tiếng Anh như là tước hiệu cao cả mà nhiều người trong đoàn gọi cái quạt này giống như: “Trẫm thăng lâm” trong “Thoát vòng tục lụy” hay quạt “Quốc Sư” khi đi đâu mang để trước ngực thì sẽ được nhiều người cung kính và tránh đường ra để cho người có công đi thẳng tới. Đây cũng là một “Nhân duyên” mà chính tôi chưa bao giờ nghĩ tới.
Trên tay của nhị vị Hòa thượng là tấm bằng khen danh dự
Quạt "Quốc Sư" của chính phủ Sri Lanka trao tặng
Quý Hòa thượng ngồi hàng đầu là chư giáo phẩm Hội đồng Tăng già Sri Lanka
Kế đó là Thủ tướng phát biểu, Phó thủ tướng, rồi ông Hội trưởng lên nói cảm từ. Hòa thượng Thích Minh Tâm tặng quà lưu niệm đến Hội đồng Trưởng lão Tăng già, Thủ tướng, Phó thủ tướng và vị Hội trưởng cũng như những nhân viên lễ tân. Đồng thời Thượng tọa tiến sĩ Seelawansa đã trao tặng tịnh tài đến chư vị Trưởng lão. Sau đó là chụp hình lưu niệm và tôi đã nói đôi lời bằng tiếng Anh để cảm ơn Hội đồng Tăng già cũng như chính phủ và nhất là thầy Seelawansa để nói lên tấm chân tình của chúng tôi khi đến đảo quốc này để lãnh giải thưởng cao quý.
Thủ tướng Sri Lanka phát biểu chào mừng
Nhị vị Hòa thượng chụp hình lưu niệm với Thủ tướng và Phó Thủ tướng Sri Lanka (người áo trắng đứng giữa nhị vị Hòa thượng là Thủ tướng, còn vị áo trắng kia là Phó Thủ tướng)
Bên chư Tăng có rất nhiều vị trưởng lão ví như Ngài A. J. Ariyaratne, tiến sĩ Phật học và là người sáng lập cũng như là Hội trưởng Hội Sarvodaya Shramadana, vốn là người trực tính, ít liên hệ với chính phủ hiện tại, nhưng vẫn hiện diện trong lễ trao giải thưởng này. Được biết, đây cũng là lễ phát giải đầu tiên cho người ngoại quốc có công truyền bá Phật pháp trên thế giới tại Tích Lan.
Buổi tối ngày 8 tháng 7 năm 2011, tại một nhà hàng Pizza Ý ở thành phố Negombo, Thượng tọa Thích Nguyên Lộc, Ni sư Diệu Trạm và các đệ tử của Sư ông Khánh Anh đã tổ chức một buổi tiệc nho nhỏ để tạ ơn Sư trưởng, buổi tiệc gồm có ca nhạc, ngâm thơ, nói cảm tưởng cũng như cúng dường tịnh tài, phẩm vật v.v… thật là cảm động, thể hiện tình thầy trò, tử đệ. Đây là một kỷ niệm nho nhỏ, để kết thúc một nghi lễ, vốn đã được dự bị trước cả gần một năm nay.
Sáng sớm ngày 9 tháng 7 năm 2011, những người lãnh giải thưởng đã được phủ Phó thủ tướng đối lập tiếp kiến tại tư gia và điểm tâm với gia đình thật là thân mật.
Trước đó mấy ngày, phái đoàn chúng tôi đã ghé thăm đảnh lễ những Đại Bảo Tháp, Đại Phật tượng, chùa cổ hàng ngàn năm và những chùa cổ xưa trong hang động vùng Kalutara thật là tuyệt vời; không có bút mực nào để tả hết. Dọc đường đi, chúng tôi đã xuống xe để mua chuối, mít, măng cụt, xoài, cóc, ổi, chôm chôm, sầu riêng… ai nấy cũng đều trố mắt lên khi nhìn thấy những hình ảnh quê hương mình hiện về, đặc biệt là với những người xa quê trên dưới 40 năm chưa một lần trở về như Hòa thượng Thích Minh Tâm và chúng tôi. Đây là những hình ảnh và những kỷ niệm tuyệt vời vẫn còn lưu giữ mãi trong tâm khảm của chúng tôi.
Bảo tháp
Đại Phật tượng
Trưa ngày 7 tháng 7 năm 2011 phái đoàn gồm 32 người đã đến vùng Wadduwa để đi thăm một làng cô nhi gọi là “S.O.S Kinderdorf”. Làng cô nhi này được thành lập sau trận Tsunami cách đây 5 năm, do thầy Seelawansa sáng lập để nuôi những trẻ em mồ côi, không cha không mẹ sau nạn sóng thần năm ấy. Tiền bạc xây dựng nên cơ sở này là do Hội Phật giáo Áo tài trợ, trong đó có tiền của GHPGVNTN Âu châu, qua chúng tôi, đã gởi tặng vào đây thuở ấy độ 17 nghìn Euro. Ngày hôm ấy, đạo hữu Nguyên Trí đại diện cho Sư bà Thích Nữ Diệu Tâm, Trưởng ban Từ thiện Xã hội của giáo hội và qua Hòa thượng Thích Minh Tâm đã trao tặng 1000 Euro cho hơn 20 em đang tạm trú nơi đây để đi học. Vào lúc 14 giờ chiều cùng ngày, sau khi cơm nước và nhận quà bánh của phái đoàn, các em đã được người hướng dẫn bảo các em ca múa để tặng cho phái đoàn. Nhìn sự hồn nhiên của tuổi thơ, ai cũng phải chạnh lòng. Vì mỗi người trong chúng ta sinh ra đời đã có một hoàn cảnh khác nhau, không ai giống ai cả. Ai đó vì thương trẻ thơ như một vị Phật tử ở Thụy Sĩ đã tặng vào đây 200 frs Thụy Sĩ và nhiều tấm lòng tương ái khác cũng đã thể hiện tại đây để giúp đỡ cho các em, qua sự đóng góp tận tình của mọi người hiện diện.
Tại làng SOS do thầy Seelawansa sáng lập
Chiều ấy, chúng tôi đi vào làng, nơi thầy Seelawansa đã tu học nhiều năm tháng tại đây. Nơi đây vị thầy cũ của thầy Seelawansa, vốn là một học giả tiếng Sankrit cũng đã trú ngụ và Ngài giờ đã ra đi vĩnh viễn, sau bao nhiêu năm tôi chưa trở lại xứ này. Người xưa bây giờ không còn nữa, cho nên những cây mít trong vườn không còn sai quả như ngày xưa khi còn vị Bổn sư của thầy Seelawasa, và đàn cò trắng đã ít bay đậu trên những đọt dừa cao nữa, vì vị Tôn sư đã đi về thế giới tịch diệt rồi. Tuy nhiên, những trái mít ướt, những trái dừa, trái ô ma, trái xoài đã được đoàn hành hương chiếu cố tại chỗ, trong thật là quê hương và dân dã; nhưng chất Phật đã ngự trị tại đây nuôi lớn một con người từ ruộng đồng ra đi, để sau ba bốn mươi năm trở lại vườn xưa, là một trạng nguyên nhưng không có dù lọng che thân để vinh quy bái Tổ. Nhưng là một thực thể của tính Phật. Vì lẽ, trong mỗi con người đều có tính Phật, và chính Phật tính này sẽ dưỡng nuôi chúng ta thành Phật, dầu cho là người trí thức hay những kẻ hạ tiện bình dân. Cho nên sau khi đức Phật thành đạo, Ngài đã nói lên câu nói bất hủ tại Bồ Đề Đạo Tràng rằng: “Kỳ lạ thay! Trong mỗi chúng sanh đều có tính Phật”.
Ngày 9 tháng 7 cũng là một ngày đáng ghi nhớ, phái đoàn chúng tôi gồm 32 người gộp chung lại với 8 người Áo và thầy trò thầy Seelawasa, tổng cộng là 42 người. Tất cả ngồi trên hai chiếc xe bus cũ của Nhật Bản do hai tài xế trẻ Tích Lan lái. Từ Negombo đến Kandy, cố cung của Tích Lan độ gần 200km, nhưng đi từ sáng đến tối vẫn chưa thấy bến bờ, vì xe bị thủng lốp và nghỉ giữa đường tại Kegalla để đi xem sở thú voi. Khi đến khách sạn Queen tại Kandy cũng đã đến giờ hành lễ Xá lợi Răng Phật lúc 18 giờ cùng ngày. Vì có liên hệ trước và có quen biết lớn do thầy Seelawansa hướng dẫn, nên phái đoàn chúng tôi được hướng dẫn lên tận lầu ba, vào tận nơi tháp thờ Răng Phật để đảnh lễ. Đây là một phước đức lớn, một nhân duyên không phải ai cũng được hân hạnh này. Bởi vì có cả hàng ngàn, hàng vạn người, mỗi ngày 3 lần chỉ được hành lễ bên ngoài Bảo tháp thờ Xá lợi Răng Phật mà thôi.
Phái đoàn chụp chung trước cố cung nơi thờ Xá lợi Răng đức Phật ở Kandy
Trong 32 tướng tốt của đức Phật, có tướng về Răng. Răng, Ngài có 40 chiếc đều nhau, trắng mịn… Ngày nay, trên thế gian này chỉ còn hai chiếc Răng Phật Xá lợi, một được thờ ở chùa Linh Quang Trung Quốc, và một đang thờ tại cố cung ở Kandy Tích Lan này. Người ta cung kính chiếc Răng của đức Phật như lúc Phật còn tại thế. Tại Tích Lan này có hai Quốc bảo, đó là Xá lợi Răng của Phật ở Kandy, và cây Bồ Đề do công chúa Sanghamitta con vua A Dục trồng tại Anuradhapura. Không người Tích Lan nào mà không biết hai biểu tượng Quốc bảo này.
Hòa thượng Thích Minh Tâm và phái đoàn rời Kandy vào sáng ngày 10 tháng 7 năm 2011 để trở lại Paris, Pháp quốc; trong khi đó, phái đoàn của chúng tôi lên xe bus để hướng về phía bắc của đảo quốc này để đảnh lễ cây Bồ Đề. Trên đường đi, phái đoàn đã ghé vùng Naula để thăm trường học Phật giáo dạy vào cuối tuần và cảnh quan xung quanh chùa. Nơi ấy có những cây sake và những cây mít sai trái, ai cũng trầm trồ, vì đã nặng lòng với cố quốc lâu nay, trong đó có văn hóa ẩm thực. Khi xe dừng bánh tại Dambulla, cũng là lúc trưa nắng, chúng tôi phải leo núi cũng như ghé thăm viện bảo tàng Phật giáo nằm ngay trong tượng đại Phật. Đồng thời để chuẩn bị cho buổi cơm trưa hôm đó, chúng tôi phải dùng thời gian lâu dài hơn để đi thăm những thạch động tại đây, cốt là để đủ thời gian cho việc chuẩn bị gần 40 phần cơm cho đoàn hôm đó.
Trong động có tượng của 27 vị Phật quá khứ và hầu như động nào cũng có tượng Phật nhập niết bàn. Những hang động và những bích họa kỳ vĩ tại Dambulla đã có mặt tại đây hơn 2000 năm lịch sử. Người xưa không có phương tiện bằng ngày nay, nhưng họ đã có một ý chí thật phi thường, nên mới làm nên được đại sự như vậy. Còn người đời nay, phương tiện thật là nhiều, nhưng ý chí lại kém cỏi. Do vậy, làm việc gì cũng ít thành công, vì tất cả đều quay về “Egoismus” (tự kỷ cá nhân) thay vì Bồ Tát hạnh, vì người vì đời như các bậc tiền bối đã dầy công gây dựng nên. Do vậy ở trong hang động này, tôi đã nói cho cả đoàn nghe về lời dạy của Ngài Quy Sơn Linh Hựu thiền sư trong Quy Sơn Cảnh Sách rằng: “Người xưa như cây tùng, cây bách. Dầu cho tuyết gió của Đông sang, hay khí hậu mùa hè oai bức, tùng và bách vẫn hiên ngang vươn thẳng lên trời xanh. Đời ngày nay, nếu con người không làm nên cây tùng, cây bách được, thì ít ra cũng làm được dây leo, khi tùng cao đến đâu thì dây leo leo cao đến đó”. Nếu được như vậy, quả là hạnh phúc biết bao.
Sáng ngày 11 tháng 7, đoàn chúng tôi đã vào được tận gốc Bồ Đề để đảnh lễ và cúng dường và sau đó xuống tầng hai của tháp để tụng một thời kinh Lăng Nghiêm. Trong tiếng chuông mầu nhiệm, như đâu đây công chúa và hoàng tử vẫn còn đứng đó để nhìn ngắm đoàn người và nghe những âm thanh trầm bổng kỳ lạ đến từ một xứ xa xôi hơn nửavòng trái đất nhưng vẫn còn nhớ về quê mẹ, họ không quên nguồn gốc tổ tiên và đạo Phật của mình.
Cây Bồ Đề do công chúa Sanghamitta trao tặng
Sau khi đảnh lễ cây Bồ Đề và tụng kinh, phái đoàn chúng tôi ghé sang Đại tháp cạnh đó để đi nhiễu tháp một vòng trong 30 phút và đảnh lễ chư Phật, chư đại Bồ Tát, chư Thánh Hiền Tăng, những người đã có công làm cho Phật giáo thịnh hành ở một thế giới xa xôi trong quá trình hành đạo tại đây. Nhìn những tảng đá cũ kỹ được chạm trổ, hay những viên gạch rêu phong cùng năm tháng, chúng tôi đã rõ biết được kỳ công của những nghệ nhân đời xưa mà đời nay quả thật không phải ai cũng có thể thực hiện được. Được biết cách đây chừng hai ngày, tại đây có lễ hội dâng hoa, có gần một triệu Phật tử khắp nơi tại Tích Lan về đây dâng hoa cầu nguyện. Nhìn những người hành hương, với dáng người khẳng khiu, nhưng ý chí và tâm nguyện của họ thật là hùng vĩ, cứng cỏi. Đó chính là tâm nguyện hộ đạo của những người Phật tử này. Để cung kính trước chùa, tháp, và cây Bồ Đề, họ bỏ giày, dép, mũ, nón, dù… từ xa ngoài vườn chùa để đi vào bên trong đảnh lễ, mặc dầu nền là đất cát, chứ không phải nền đúc bằng xi măng như những nơi khác. Khi họ đảnh lễ chư Tăng, họ ngồi xuống chân cao, chân thấp và cúi gộp mình xuống chạm vào bàn chân như lúc Phật còn tại thế. Ở đây từ Tổng thống, Thủ tướng cho đến quốc dân trăm họ đối với chư Tăng đều như thế, và phong tục này đã có mặt tại quốc gia Sư Tử Hống này cả mấy ngàn năm nay, họ vẫn còn gìn giữ thật là đều đáng trân quý.
Rời Anuradhapura, phái đoàn chúng tôi hướng đến địa phương Polonnaruwa; nơi đây được công nhận là Di sản văn hóa Thế giới gồm một quần thể kiến trúc đã được các nhà khảo cổ học phát hiện vào thế kỷ 18, 19, trong đó có những Bảo tháp cả hàng ngàn năm. Có chùa Đại thừa Phật giáo 900 năm và đặc biệt có tượng đá lộ thiên với hình ảnh đức Phật nhập Niết bàn bên cạnh là hình ảnh hiền hòa buồn bã lộ trên nét mặt của Ngài A Nan đang đứng hầu cạnh đó. Những nghệ nhân khi tạc những tượng này ít nhất cũng tốn cả mấy chục năm mới xong, một tác phẩm vĩ đại và tuyệt diệu như vậy; khiến cho ai đó khi đảnh lễ, chiêm ngưỡng những bức tượng này, đã thể hiện được cái tâm của người tạc tượng của một thời xa xưa ấy.
Tượng đức A Nan buồn bã đứng hầu đức Phật nhập Niết Bàn trong khu Di sản Văn hóa thế giới
Sau đó chúng tôi trở về làng xưa, nơi thầy Seelawansa trưởng thành, trước khi thầy trở thành Tăng sĩ của Phật giáo Tích Lan. Với bữa cơm trưa tại gia đình em gái của thầy, đã nói lên tất cả những đạo tình, đạo vị ấy. Nào chuối, nào mít, nào dưa hấu, nào khoai mì… tất cả đều gói trọn những nghĩa tình được gói ghém để gửi tặng cho những người con xa xứ. Sau khi ăn xong, lại còn được hái mít, hái xoài để đem về khách sạn nữa. Quả là một tình cảm quê hương chất phác, dịu hiền ít ai tìm được nơi chốn thị thành vốn giàu có về vật chất, mà tình người đã chạy trốn nơi đâu.
Từ Polonnaruwa đến phi trường quốc tế Colombo chỉ có 215 km mà đoàn người đã phải tốn đến 6 tiếng đồng hồ di chuyển. Hai bên đường đi ai nấy cũng đều công nhận là quê hương này sản xuất những trái cây vẫn còn nguyên chất, chẳng pha giống mà cũng chẳng có thuốc làm hại sức khỏe của con người. Nào mít, dưa, chuối, ổi, dừa, cóc, bắp… là những cảm tình gợi nhớ khi đoàn người giã từ nơi đây vào sáng ngày 14 tháng 7 năm 2011 để trở về lại trụ xứ của mình.
Tôi viết vội lại cuộc hành trình này với tiêu đề: “Đã một lần như thế” tại khách sạn Oasis beach resort ở vùng Negombo vào sáng ngày 12 tháng 7 năm 2011 trong bốn tiếng đồng hồ để ghi lại một chuyện quan trọng đã thoáng qua trong đời mình và trong cuộc hành trình vốn dài vô tận này, chẳng biết “Nhân duyên” gì ta lại đến, lại đi, lại còn, lại mất… tất cả cũng chỉ là con số không to tướng để ta quy về một mối. Đó là “Không” và chơn như bản thể mới là tánh chơn thường.
Thích Như Điển
(Colombo, 13.07.2011)
_____________________________
10 điều hạnh phúc của tôi
● Thích Như Điển
Trước tiên xin định nghĩa hạnh phúc là gì? Dĩ nhiên là có nhiều cách định nghĩa và cách nhìn cũng như cách chấp nhận về hạnh phúc đối với mỗi người khác nhau, vì chẳng ai trên đời nầy giống nhau hoàn toàn một trăm phần trăm cả. Tục ngữ Nga nói rằng: „Hạnh phúc là những gì người ta đang có, chứ không phải những gì người ta đi tìm“. Với tôi, câu nầy có rất nhiều ý nghĩa. Vì đa phần con người hay đi tìm hạnh phúc, nhưng hạnh phúc thật sự đâu có mà phải tìm. Tất cả đều biến đổi, tất cả đều không thường hằng, tất cả đều tạm bợ. Có những điều ta nghĩ là hạnh phúc thật sự; nhưng đến ngày hôm sau vì lòng người thay đổi, thời tiết đổi thay, thời gian giới hạn v.v... nên con người chẳng nắm bắt được hạnh phúc ấy một cách lâu dài. Do vậy, người Nga cũng rất là thực tế; nên họ mới cho rằng: „Cái gì mình đang có, ấy là hạnh phúc“.
Còn người Pháp thì bảo rằng: „Hạnh phúc là sự an ổn của tâm hồn“. Điều ấy hẳn đúng. Vì khi tâm hồn mình không bị chướng duyên quấy phá, sống trong sự tỉnh thức, an lạc. Ấy chính là hạnh phúc. Nó không nhất thiết phải là tiền nhiều mới có hạnh phúc. Ngược lại, tiền nhiều quá, nhiều khi bị mang họa vào thân nữa. Tình yêu nam nữ cũng chẳng phải là hạnh phúc thật sự. Vì nó chỉ có tính cách ham muốn, đòi hỏi. Một khi sự ham muốn, đòi hỏi ấy của một trong hai người không đồng thuận, thì sẽ có sự phân ly, chắp nối. Như vậy hạnh phúc lứa đôi, cũng chẳng phải là hạnh phúc thật sự của cuộc sống con người. Danh vọng thật cao cũng chẳng phải là hạnh phúc. Ông bà ta vẫn thường hay nói: „Trèo cao, té nặng“. Nghĩa là: „Càng cao danh vọng, càng dày gian nan“. Thế thôi! Cho nên người Pháp có lý khi họ nói rằng sự an ổn của tâm hồn là một hạnh phúc chân thật.
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, người lãnh đạo tối cao của Phật Giáo Tây Tạng và có ảnh hưởng rất lớn đối với những dân tộc phương Tây vào cuối thế kỷ thứ 20 và đầu thế kỷ thứ 21 nầy, Ngài lại cho rằng: „Hạnh phúc, người ta chẳng thể mua nó ngoài siêu thị được, mà bạn phải tìm nơi nội tâm của bạn“. Vậy thì cái hạnh phúc chơn thật phải do tự nơi tâm mà do chính mình làm chủ; chứ không phải dùng tiền để mua được hạnh phúc ấy. Lại càng chẳng thể dùng thế lực để tìm lấy hạnh phúc từ kẻ khác. Tiền không là tất cả. Tiền chỉ là phương tiện của cuộc sống, chứ không phải là mục đích của cuộc sống.
Tục ngữ Việt Nam có câu: „an bần, lạc đạo“. Nghĩa là: „an phận với cảnh nghèo khó, vui thích với đạo nghĩa“. Đây có thể là cái đạo làm người của Khổng Giáo, không nhất thiết là của Đạo Phật hay của Đạo Lão; nhưng trong 3 nền Đạo học Đông Phương ấy, có nhiều điểm giống nhau về cách sống cũng như cách tu thân và quan niệm về cuộc đời. Qua câu định nghĩa trên ta hiểu rằng: nếu biết an phận thủ thường, thì mặc dầu nghèo, tâm ta vẫn an ổn. Ngược lại, nếu chẳng biết đủ thì dầu cho có làm đến Ngọc Hoàng Thượng Đế cũng cảm thấy không đủ một chút nào, lại càng muốn đòi hỏi thêm nhiều thứ nữa, để hưởng được những phú quý vinh hoa trong cuộc sống. Từ đó tâm thức rong chơi ở mọi phương trời, không quan tâm đến thị phi, nhân nghĩa, bỉ thử của thế trần. Đây chính là con đường dẫn đến niềm vui miên viễn của người xưa, khi xuất thế phải ra tài kinh bang tế thế, khi về già phải biết xử sự với chính bản thân mình như thế nào, để đừng cho lỗi đạo với Thánh Hiền.
Còn tôi, vốn xuất thân từ nông dân của xứ Quảng Nam nghèo khổ, năm nay 2011 đã ở vào tuổi 63 và hơn 47 năm đã xuất gia học đạo, tại sao có lắm nhiều điều hạnh phúc như thế? Tôi xin kể để hầu quý vị vậy.
Điều thứ nhất – khi cha mẹ sinh tôi ra trong đời nầy, tôi có đầy đủ vóc hình. Đây là một điều hạnh phúc. Chẳng có cha mẹ nào mà không mong được điều đó; nhưng vì nghiệp duyên của bao đời kết tụ, chồng chéo với nhau; nên kết quả là nhiều đứa bé khi sinh ra đời đã không có đầy đủ vóc hình. Ví dụ như thiếu tay chân, sứt môi, tai điếc, mắt đui, lưỡi thụt vào, khiến bị câm ngọng v.v... Nhưng tôi được một điều, không thuộc vào dạng người như thế. Nên đây là một hạnh phúc trên đời khó có được. Cho nên với tôi, cha mẹ là một nhân duyên hy hữu đã mang mình ra đời với một đứa bé với đầy đủ vóc hình nầy.
Vì chúng ta không bị các chướng nạn như mắt mù, tai điếc, ngọng câm v.v... nên chúng ta ít cảm thông với những người có cảnh ngộ như thế; nhưng nếu rủi một ngày nào đó ta đang được nói mà bị mất giọng nói, không thể nói chừng 2 đến 3 ngày thì quý vị sẽ thấy sự khổ sở như thế nào. Khi ta được ăn, được nói, ít ai để ý đến vấn đề nầy. Rồi một hôm bỗng dưng mắt mình bị mờ dần đi, rồi chẳng thấy gì cả. Nhưng trong khoảng đời sống được 50 hay 70 năm ấy, đâu có ai quý ánh sáng của chính mình đã do cha mẹ mình tạo thành đâu, mà cứ mãi buông lung, phóng ngoại, chứ rất hiếm người biết đến ân đức sanh thành của mẹ cha, đã dưỡng dục chúng ta thành người.
Điều hạnh phúc thứ hai là khi tôi lớn lên trong một môi trường thiên nhiên thích hợp, được cắp sách đến trường để đi học cùng bạn bè để biết chữ và biết lắp ráp vần bằng những chữ cái đầu đời, để sau nầy chừng ấy chữ, đã tạo thành cho tôi có được hơn 60 tác phẩm và dịch phẩm bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau; nếu chẳng có được những ngày đầu tiên đến trường ấy. Tôi là một đứa trẻ sinh ra tại nơi thôn dã; chốn đồng quê mộc mạc; nhưng có được một môi trường thiên nhiên rất trong lành. Chung quanh mình là ruộng vườn, trâu bò, heo gà và cảnh nông trang. Do vậy tôi rất yêu thú vật. Cho nên những ngày nghỉ hè ở trường là chúng tôi gồm những bạn trẻ tụm năm tụm ba lại để đánh đu, đánh đáo, cỡi bò, cỡi trâu rong ruổi khắp thôn cùng, ngõ hẻm. Đồng cỏ nào cũng có mặt của bọn trẻ con chúng tôi. Chúng tôi thích nhất là mùa lụt lội. Vì có cơ hội dầm nước và bắt dế hay đi thuyền. Đó là những thú vui của trẻ thơ. Thân phụ tôi sinh năm 1898 và đến năm 1949 tôi mới được ra đời. Nghĩa là người mang tôi vào đời ở tuổi gần 52. Cho nên giữa tôi và thân phụ ít có cơ hội gần gũi nhau. Vì tuổi cha con quá chênh lệch, không học hỏi trực tiếp được từ người nhiều; nhưng gần mẹ để được nũng nịu và học hỏi nhiều hơn. Mặc dầu mẹ tôi là người đàn bà không biết chữ. Nhưng cái tình thương người của tôi có được ngày hôm nay, tất cả đều từ mẹ mà có được. Do vậy khi đi học mẫu giáo vào năm 1956 cho đến khi tốt nghiệp Tiểu Học vào năm 1961, tôi ít được sự giúp đỡ của cha mẹ và anh chị em; nên học rất dốt. Cuối năm Tiểu Học, tôi đội sổ, đứng thứ 35 trên 36 học sinh Tiểu Học trường Xuyên Mỹ, quận Duy Xuyên lúc bấy giờ; nhưng tôi rất vui. Vì tôi đã được đi học. So ra với những đứa trẻ trong làng thuở ấy, tôi rất hạnh phúc. Vì có không biết bao nhiêu đứa phải bỏ học để đi giữ trâu, bò giúp cha mẹ làm việc đồng áng, nông trang. Còn tôi, tuy dốt về việc học thuở ấy; nhưng được một cái là có cha mẹ anh em sống quây quần đầy đủ với nhau dưới một mái nhà.
Thân phụ tôi mất vào năm 1986 ở tuổi 89 và thân mẫu tôi mất vào năm 1966 ở vào tuổi 58. Bây giờ tôi còn tất cả 5 anh em, gồm 3 trai 2 gái. Bà chị cả năm nay (2011) đã 85 tuổi rồi. Vì sinh ra tại nhà quê; nên ai cũng sống rất thọ. Mẹ tôi vì chiến tranh thuở ấy; nên đã ra đi lúc ấy dưới 60 tuổi; nếu không chắc bà cũng thọ lắm. Vì tôi chẳng hề thấy cha mẹ tôi uống thuốc gì cả, ngay cả thuốc đau đầu. Có lẽ thiên nhiên đã ưu đãi cho họ.
Điều hạnh phúc thứ ba là có cơ hội theo mẹ đi chùa từ thuở bé; nên mới có cơ hội xuất gia về sau nầy. Làng tôi nghèo; nhưng thuở ấy cũng đã có một vài ngôi chùa để cho quý Cụ, quý Bác đi chùa lễ Phật vào ngày rằm, mồng một; hoặc những ngày Vu Lan, Tết nhứt. Còn bọn trẻ chúng tôi lúc đầu theo mẹ đi chùa để được ăn chay và sau đó hòa nhập vào môi trường của Gia Đình Phật Tử. Vào những năm 1957, 1958 tại các vùng thôn quê Việt Nam vẫn chưa có điện; nên vào những đêm trăng 14 hay rằm là những tháng ngày tuyệt diệu. Vì lẽ ánh điện ngày nay không thể so sánh với ánh trăng rằm của những miền quê thôn dã thuở ấy được. Ngày xưa cái gì cũng nhàn nhã, còn ngày nay cái gì cũng vội vàng mà kết quả lại chẳng được bao nhiêu.
Nếu không có mẹ, chắc là tôi buồn lắm. Vì ai sẽ chăm sóc cho mình khi tuổi còn thơ? Ai lo cho mình đi học, ai đỡ đòn cho mình, khi người cha thịnh nộ xung thiên. Chỉ chừng ấy việc thôi, mẹ đã là hình bóng của một từ mẫu rồi. Dầu cho bà mẹ dân giả, thôn quê không biết chữ, so với bà mẹ có học ở chốn thị thành, thì tình mẹ chắc chẳng có gì thay đổi. Vì ai cũng phải thương và lo cho con mình. Cho nên tục ngữ Việt Nam mới có câu:
„Lên non mới biết non cao
Nuôi con mới biết công lao mẫu từ“
Đi chùa thuở bé, tôi thích nhất là ăn rau luộc chấm nước tương, ăn cùng với gạo ba trăng hay gạo nàng hương thì thật là tuyệt diệu. Tôi thèm nghe tiếng kinh, lời kệ và thích màu áo nâu sồng từ khi lên 8 tuổi; nghĩa là vào năm 1957. Thuở ấy mền quê còn thanh bình lắm. Ai ai cũng lo nông trang cày cấy và xây dựng nhà cửa ruộng vườn. Một thuở tuổi thơ của tôi với tròn đầy những mộng ước nhỏ nhoi như những chú chim non mới tập bay, muốn nhón bước bay xa và lìa tổ ấm kia để hòa tan vào đám nhóc tì đang tung tăng nơi cửa chùa cũng như nơi trường học.
Đến năm 1957, bào huynh tôi, tức Hòa Thượng Thích Bảo Lạc ngày nay đang là Phương Trượng của chùa Pháp Bảo tại Sydney, Úc Châu đã lên đường xuất gia học đạo. Thế là tôi có cơ hội để cùng gia đình đi thăm Thầy ấy tại chùa Linh Ứng, thuộc núi Ngũ Hành Sơn, Non Nước tại Đà Nẵng. Đi xe đò thuở ấy là một thú vui; nhưng tôi ngồi cách nào thì cũng thấy người đi dưới vệ đường đi ngược lại mình. Đây là một ảo giác chưa quen khi bị say sóng; hoặc giả biểu hiện bản chất nhà quê lên tỉnh chăng? Sau khi leo lên hằng trăm thang cấp để đến chùa thì bụng dạ đã đói meo. Cho nên cơm, tương ở trên núi nầy là một hạnh phúc rất to lớn đối với tôi thuở bấy giờ. Rồi chẳng biết từ khi nào, ý niệm xuất gia đã len lõi vào hồn tôi; nên đã có một chút gì đó muốn gần gũi cửa chùa nhiều hơn nữa.
Tôi tham gia Gia Đình Phật Tử Hà Linh từ lúc còn Oanh Vũ cho đến hết ngành Thiếu thì đi xuất gia. Lẽ ra tôi được đi tu trước khi xong Tiểu Học vào năm 1961; nhưng cha mẹ cứ trù trừ, bảo rằng con út trong gia đình, hãy ở lại cho đến lúc lớn khôn rồi hãy tính; nhưng đây là cái kế của cha mẹ để trói buộc con cái vào chuyện đời; nên bằng mọi cách, tôi đã xin phép cha mẹ để đi xuất gia. Cuối cùng thì ông bà đã đồng ý và hôm đó là ngày giỗ của Nội tôi vào ngày rằm tháng năm năm 1964. Thấm thoát mà cũng đã gần 50 năm chay tịnh rồi. Đúng là thời gian,… thời gian rất vô tình, chẳng đợi chờ ai cả; nhưng ta sẽ già và sẽ chết, sẽ tàn lụi tuổi thanh xuân.
Cái tuổi thanh xuân 15, chưa nhiễm mùi trần, với một tâm hồn trong trắng, tôi đã từ bỏ gia đình, để lại phía sau lưng và mặt hướng tới, sung sướng đạp xe đạp về chùa Viên Giác tại Hội An, trong khi cha mẹ, anh chị đều khóc sa nước mắt để đoái nhìn đứa em út đã từ bỏ gia đình dấn thân vào con đường cao xa vời vợi. Lo toan, mừng vui, đau đớn v.v... có lẽ là những tâm tư, tình cảm của những người còn ở lại. Riêng tôi thì hạnh phúc vô ngần. Vì có được một chân trời cao rộng.
Điều hạnh phúc thứ tư được đi xuất gia tu học là một hạnh phúc. Khi tôi vào chùa Viên Giác Hội An vào ngày 15.5 âm lịch năm 1964, Thầy tôi, cố Hòa Thượng Thích Long Trí viết một giấy giới thiệu cho cố Hòa Thượng Thích Như Vạn, trụ trì Tổ Đình Phước Lâm lúc bấy giờ, cho tôi tạm trú tại đó để chờ ngày xuất gia. Vì Thầy tôi sau cuộc tranh đấu năm 1963 với chế độ Ngô Đình Diệm đã bị tra tấn nặng nề; nên cần phải đi Sàigòn để được chữa trị. Đến ngày 19 tháng 6 năm 1964 nhân lễ Vía Đức Quan Thế Âm Bồ Tát, tôi được Thầy tôi cho người ra chùa Phước Lâm kêu về chùa Viên Giác để xuống tóc và chính thức xuất gia vào ngày ấy. Sau đó trở lại chùa Phước Lâm liền để tùng chúng tu học.
Chùa Phước Lâm thuở ấy đang thời kỳ trùng tu; nên ban ngày chúng điệu đi học và chiều, tối về hay phụ các thợ công quả đến từ Đại Lộc, Điện Bàn đi đẩy gạch ngói trên Thanh Hà, để cho các thợ ấy xây chùa. Thuở ấy chùa Phước Lâm thịnh lắm. Các chú rất đông, học rất giỏi; nhưng sau 1975 hình như đã ra đời hơn phân nửa. Bây giờ thì còn lại Hòa Thượng Hạnh Đức, Thượng Tọa Hạnh Hoa và một số quý vị khác, tôi không còn liên lạc được. Cố Hòa Thượng Thích Hạnh Thiền, trụ trì chùa Vạn Đức, vốn là người xuất thân từ nhóm thợ nói trên và lúc đến chùa Phước Lâm có pháp danh là Thị Quảng; sau khi chùa Phước Lâm khánh thành vào năm 1966 thì Thầy ấy xuất gia cùng với Thầy Thị Tập (chú Huân); bây giờ cũng đã là Hòa Thượng đang trụ trì chùa Ân Triêm ở trạm Nam Phước, Duy Xuyên.
Cái tuổi hồn nhiên ấy tôi đã dâng hiến đời mình cho Đạo, để cho đến bây giờ chẳng có một chút gì ân hận cả. Vì tôi biết rằng: ân Tam Bảo to lớn lắm; nếu tôi không nhờ có Tam Bảo dẫn dắt, che chở, gia hộ, thì tôi đã chẳng có ngày nay. Ngày ấy khi Thầy tôi bảo rằng: ông hãy lo chuẩn bị sách vở để đi học. Tôi trả lời Thầy rằng: Bạch Thầy! Đi tu rồi còn học làm gì nữa. Nó hồn nhiên và ngờ nghệch như vậy. Bây giờ ở vào tuổi cuối đời, mới thấy tuổi thơ là đáng quý. Vì chỉ nghĩ rằng: Tu là bước cuối của cuộc đời, đóng cửa chùa lại, lim dim đọc kinh, niệm Phật; chứ đâu có ai ngờ là phải đi vào đời để độ sanh cả mấy chục năm nay và thấy rằng: học bao nhiêu cũng chẳng đủ và tu bao nhiêu cũng chưa trọn vẹn hạnh nguyện của mình.
Điều hạnh phúc thứ năm là được tu và được học; được che chở và hướng dẫn bởi Thầy lành bạn tốt. Đây là cái phước mà không phải ai cũng có được. Có nhiều người đi tu bị những chướng duyên khảo đảo, thối chí xuất trần. Có nhiều vị đã hoàn tục ở tuổi thanh xuân, mà cũng có nhiều người khi đến tuổi trung niên vẫn còn khổ lụy vì đường trần, bởi nghiệp duyên chưa dứt hẳn. Tuy Sư Phụ tôi không trực tiếp hướng dẫn cho tôi tu học từ thuở sơ cơ từ năm 1964-1966 mà nhờ cố Hòa Thượng Thích Như Vạn có một tấm lòng độ lượng như một người mẹ và từ năm 1966-1968 tôi về lại chùa Viên Giác ở Hội An với Thầy tôi; nhưng giữa Thầy trò hình như có một bức tường vô hình cản ngăn tình Thầy trò. Cho đến năm 1968 tôi đã đi Sàigòn và xa Sư Phụ tôi từ dạo ấy để năm 1991 mới gặp lại Người tại Đức và chừng mấy năm sau thì Thầy tôi đã viên tịch. Tình nghĩa Thầy trò chỉ có cảm nhận chứ không có việc trực tiếp chỉ bày và tôi học được từ Thầy cách tổ chức, tính năng động và việc đi vào xã hội quần chúng.
Thuở ấy cứ mỗi mùa an cư kiết hạ, tôi được lên chùa Long Tuyền hay chùa Tỉnh Hội (bây giờ là Pháp Bảo) để tùng hạ, tập sự an cư. Quý chú Giải Trọng, Như Phẩm, Như Hoàng là những bạn thân học cùng lớp tại trường Trung Học Diên Hồng, Bồ Đề, Trần Quý Cáp Hội An có những kỷ niệm khó phai mờ trong tâm cảm của mình. Họ là những người bạn tốt. Bây giờ có vị đã lên Hòa Thượng, có người ra đời được mấy con; tất cả chỉ là kỷ niệm.
Chúng Viên Giác không đông; thuở ấy có chú Tùng, chú Đồng, chú Ngô v.v... Nhưng bây giờ không còn một ai nữa ở lại với Thiền Môn, mà đã trở lại vòng luân hồi để nối vòng dây sanh tử. Ôi! đời là vậy! mới đó ngày nào tiếng kinh cầu, tiếng tang mõ, nhịp linh đều đặn tụng kinh bên nhau vào mỗi buổi sáng tại chùa xưa, mà bây giờ chỉ còn là những âm thanh dội lại từ một cõi xa xăm nào đó, dường như khó nắm bắt lại được.
Từ giã Hội An để vào Sàigòn một thành phố phồn hoa, ồn náo. Tôi như con chim nhỏ mới tập sãi cánh vào đời, thấy muôn ánh đèn màu và muôn vạn điều cám dỗ; nhưng nhờ cái chân quê của xứ Quảng đã giữ gìn và bảo bọc tôi cho đến ngày nay. Chùa Hưng Long ở đường Minh Mạng thuở ấy là chốn dung thân của những người xuất gia ly hương Quảng Nam vào đây trú ngụ. Cố Hòa Thượng Thích Pháp Ý trụ trì chùa thuở ấy rất từ bi; nhưng Thầy Phó thì hay gắt gỏng với Tăng Chúng; chẳng biết tại sao? Nhưng tôi vẫn thản nhiên; ngày đêm hai buổi công phu sáng chiều để trả nợ đàn na tín thí và học hành thi cử. Phải nói cho ngay rằng: Nếu tôi không vào Sàigòn để học và thi Tú Tài 1 và Tú Tài 2 thì đã chẳng có cơ hội để đi ngoại quốc được.
Ở đời có cha mẹ, lúc vào chùa có Thầy Bổn Sư, Thầy Y Chỉ thay thế cho cha mẹ để chăm sóc đời sống tinh thần của người Tăng sĩ, quả là một hạnh phúc vô cùng. Bên cạnh đó còn có những huynh đệ đồng song, cùng tu, cùng học dưới mái chùa. Hình ảnh nầy thay thế cho anh em ruột thịt ở trong gia đình. Cứ như thế, tôi đã ăn cơm góp của Đàn na Tín thí và ở chung dưới nhiều mái chùa khác nhau; thế mà cũng đã gần 50 năm rồi, còn gì nữa? Làm sao nói hết được hai tiếng tạ ơn với Cha Mẹ, Thầy Tổ, Tam Bảo, Đàn na Tín thí, Quốc gia Xã hội cho đủ đầy đây! Nếu có cũng chỉ là sự mặc niệm những thâm ân ấy; chứ chẳng có lời nào và hình thức nào khác để tạ ân những công đức cao dày ấy được.
Điều hạnh phúc thứ sáu là tôi có cơ hội ra ngoại quốc tu học và đi đây đi đó để hiểu biết thêm về nhân tình thế thái cũng như cuộc đời. Hồi còn học Tiểu Học, tôi nhớ mỗi sáng thứ hai, Thầy, Cô giáo thường chép lên trên bảng đen một câu cách ngôn bằng chữ Pháp hay Hán Việt và trong tuần lễ ấy học trò phải học thuộc lòng một bài có tính cách lịch sử hay văn học v.v... Ví dụ như câu: „Ấu bất học, lão hà vi - Nhân bất học, bất tri lý - Ngọc bất trác, bất thành khí“. Nghĩa là: „Nhỏ chẳng học, lớn làm gì - Người không học, chẳng rõ biết - Ngọc không dùi, không sáng sủa“. Chữ Nho ngắn gọn; nhưng ý nghĩa lại thâm sâu. Còn ngày nay đâu có ai học những câu nầy làm gì nữa. Bài học thuộc lòng có nhan đề là: Đi ngày đàng học sàng khôn.
Đi cho biết đó biết đây
Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn
Kìa thế giới năm châu quanh quốc
Người bao nhiêu thì đất bấy nhiêu
Sông to núi lớn cũng nhiều
Đường đi lối lại trăm chiều ngổn ngang
Người bốn giống đen, vàng, đỏ, trắng
Trời bốn phương Nam, Bắc, Đông, Tây
Mênh mông nước nước mây mây
Chẳng đi sao biết thông nầy thảo kia.
(Khuyết danh)
Tác giả là ai, ngày nay chẳng ai còn nhớ nữa; nhưng tư tưởng ấy, cái nhìn ấy, sự thực hành ấy đã in sâu vào tim mạch của trẻ thơ từ cái thuở ban đầu và mãi cho đến ngàn sau cũng chẳng thể nào dễ quên đi được.
Đến Nhật du học vào ngày 22 tháng 2 năm 1972 đến nay cũng gần tròn 40 năm rồi. Trong gần 40 năm ấy tôi đã đi không biết bao nhiêu nơi, đến không biết bao nhiêu chỗ; viết hết không biết bao nhiêu gấy, nói không biết bao nhiêu lời, học không biết bao nhiêu điều hay, gặp không biết bao nhiêu là người, nói không biết bao nhiêu là ngôn ngữ... chỉ chừng ấy thôi, tôi cũng đã hạnh phúc lắm rồi. Vì lẽ tôi có cơ hội để được học. Khi tôi ở trong chùa Nhật, dĩ nhiên là tôi được tu rồi; nhưng cũng nhờ họ, mà tôi đã giữ thăng bằng cuộc sống của một Tu sĩ Việt Nam tại xứ người. Ai trước khi ra đi khỏi nước, cũng mong rằng đời mình có một cái gì đó thay đổi khác hơn; nhưng khi đến Nhật rồi, tôi thấy đường tu tại đó không thích hợp với mình; nên đã cố giữ lại cái tốt đẹp của truyền thống Phật Giáo Việt Nam và lấy đó làm chất liệu dưỡng sinh cho đời mình. Nhờ vậy mà tôi đã giữ thân, giữ tâm của một Tăng sĩ Việt Nam theo truyền thống tại ngoại quốc cho đến ngày nay; nếu tôi tự dễ dãi với chính mình, thì tôi chẳng còn là tôi nữa.
Tôi học được của người Nhật cái tính đúng giờ, sạch sẽ, chăm chỉ, siêng năng, tự trọng, thành tín và tôi học được của người Đức tánh sáng tạo, tự quyết, trách nhiệm... Chỉ chừng ấy việc thôi, có thể thực hành suốt cả cuộc đời của mình cũng chưa hết nữa. Đi được một nơi, đến được một chỗ, gặp được một người. Tất cả là những bài học quý giá vô cùng. Vì tất cả mọi người là Thầy của mình, kể cả hai mặt tốt và xấu; dở cũng như hay. Muốn dẹp tự ái, bản ngã, phải cúi thấp mình xuống để cái ngã không có cơ hiện hữu cao hơn, vốn như cái chào của người Nhật, thì ta sẽ học hỏi được thật nhiều từ người đối diện của mình.
Điều hạnh phúc thứ bảy của tôi là có sức trì chí, nhẫn nại, không nản lòng để nghe những tiếng khen chê ở đời. Đây là một thử thách lớn, mà ai đã trải qua trong cuộc đời nầy đều gặp phải cả. Đây là một trong tám loại gió của 4 cặp đối đãi, trong ấy có lời khen và tiếng chê. Tục ngữ Pháp có câu: „Kẻ nào chê ta là bạn ta, kẻ nào khen ta là kẻ thù của ta“. Vậy chê cũng là một cách để mình sửa lại những điều sai; còn khen mà dối trá, dua nịnh thì nó cũng chỉ là một cơn gió độc thoảng qua vậy. Họ khen mình vì để lấy điểm, dầu cho mình có thật có đi nữa, mà dẫu có chê mình thật thậm tệ, thì đó là những bài học ý chí cần phải nằm lòng. Hãy đừng để cho sự thị, phi, khen, chê chi phối tâm mình. Đó mới là sự tu học đúng nghĩa. Vì những lời nầy nó không thật. Tất cả đều không có tướng chân thật, mà sự thật của nó là một cái không to tướng. Cần phải thấy sâu và thấy được bản chất giả hợp của nó. Vì mới ngày hôm qua gắt gỏng, hôm nay đã thương hại và ngày mai lại giận hờn. Tất cả chỉ là một hiện tượng, mà đã là một hiện tượng thì đâu có thật tướng của nó. Tại sao ta phải đau buồn than khóc cho một cử chỉ, một hành động, một lời nói dầu cho có lợi hay có hại đến mình. Nếu ta hiểu rằng: Cái ta là cái đáng ghét, thì đâu có gì phải qụy lụy nó mà rước khổ vào thân. Nó với ta như hình với bóng. Thật và giả nó cũng chỉ là hiện tượng. Hãy đừng vin vào hiện tượng để buồn vui thì mình sẽ được hạnh phúc, an nhiên tự tại dầu cho giông tố phủ phàng có đến với mình từ mọi hướng ở bên ngoài. Khi nào giông tố bên trong nổi lên mới đáng sợ. Vì đó chính là sự yếu kém của mình. Vì mình muốn được khen, không muốn bị chê. Khi nào bảo hòa được sự khen chê, ấy là người có chí.
Tôi xin cảm ơn tất cả những lời khen lẫn tiếng chê xưa nay. Vì đó là những bài học cần thiết cho tôi trong cuộc đời nầy. Tôi không hãnh diện khi được quý vị khen tặng, dầu cho đó là tiền tài, danh vọng, địa vị, tiếng tăm, lợi dưỡng và tôi cũng chẳng buồn khi quý vị cố nhận tôi xuống tận dưới đáy bùn và có nói xấu tôi thậm tệ đi nữa. Tôi nghĩ rằng đó là những cơn gió thoảng của tâm thức của mình. Tôi phải dừng lại để quán chiếu. Dừng lại để nghe ngóng, tin tưởng và chịu đựng để gạn lọc, phân tích thử việc ấy đúng sai chăng? Nếu đúng với điều mình làm sai thì mình sẽ âm thầm sửa đổi; nếu sai với điều mình đã làm đúng thì đó cũng chỉ là một sự phán đoán sai lầm của đối phương. Thật ra ít có ai làm cho tôi giận dữ, bởi vì người ấy không làm thỏa mãn tự ngã của mình cả. Vì cái ngã của mỗi người cũng chỉ là một cái tôi đáng ghét mà thôi. Tôi hay ta là cái gì nhỉ? Nó chỉ là cái để tạm gọi về con người đó, chứ có gì đâu mà phải sống chết, tranh đấu với nó để cho mình khổ cả đời và sẽ mang cái khổ ấy đi tiếp mãi trong kiếp luân hồi nữa. Đây chính là thái độ và cách hành xử của mình trong cuộc sống; nên tôi không vui khi được người khác khen và tôi không buồn khi người khác chê mình. Đây chính là sự an lạc, là hạnh phúc khi tôi đối diện với vấn đề nầy. Nhiều khi cũng không cần thanh minh và giải oan nữa. Vì cải chính để chỉ càng sai thêm. Điều ấy chỉ để chứng minh cho cái tự ngã của mình là đúng và giải oan vì nghĩ rằng mình bị oan ức; nhưng trong luận Bảo Vương Tam Muội, Phật đã dạy rằng: „Oan ức không cần biện bạch, vì còn biện bạch là nhân ngã chưa xả“. Muốn xả đi oan ức mà cứ biện bạch hoài, thì oan ức càng tăng thêm, làm sao có thể xả được. Đây là cách hành xử của riêng tôi đã dựa theo lời Phật dạy, còn ai sao đó thì tôi chẳng rõ và tôi cũng chẳng khuyên người khác làm giống theo mình. Vì mỗi người có cách sống khác nhau.
Tôi là con người bình thường, có đầy đủ cái xấu và cái tốt. Họ cũng là con người; cho nên tốt và xấu cũng là chuyện thường tình, đâu có gì phải ganh tị và đố kỵ, mà chúng ta phải tha thứ cho nhau những lỗi lầm và cùng nhau phục thiện. Có như thế tâm ta mới được an và đời nầy mới có ý nghĩa. Nếu sống mà cứ xoi bói cái xấu của kẻ khác, nói xấu người nầy kẻ nọ; trong khi đó chẳng biết mình là ai, thì đó là một điều thiếu sót vô cùng.
Điều hạnh phúc thứ támlà tôi có được một sức khỏe rất tốt, vô cùng hiếm quý. Đây có lẽ là sự di truyền. Do cha mẹ tôi có đời sống với ruộng đồng, không dùng thuốc, vì ít khi đau ốm. Cho nên tôi đã hấp thụ được sự di truyền nầy. Người Pháp nói: „Sức khỏe là vàng“. Đúng là như vậy, có thể hơn vàng nữa là đằng khác. Vì nếu có vàng chất đống mà không có sức khỏe, cũng chẳng làm gì được cả. Người Hoa nói: „Nếu anh có tiền, anh có thể mua một ông Bác sĩ; nhưng anh không thể mua sức khỏe được“. Ông Bác sĩ có thể chữa cho bệnh nhân lành bệnh; nhưng bịnh nan y và nghiệp bịnh, thì Bác sĩ cũng sẽ bó tay. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 thì nói rằng: „Khi người ta còn trẻ người ta hay dùng nhiều sức lực để người ta đi tìm cho ra thật nhiều tiền. Khi về già, người ta dùng rất nhiều tiền để người ta đi mua lấy sức khỏe“. Quả là con người tự mâu thuẫn với mình đấy! nhưng đâu ai có biết và có ngờ đâu sức khỏe lại mau sa sút như vậy! Đời - mấy ai hiểu được chữ ngờ là vậy.
Lúc còn trẻ ta xài rất nhiều sức khỏe cho việc thức thâu đêm suốt sáng, không thấy mỏi mệt; đến khi cái già qua mau, lúc ấy mình mới thấy tại sao làm mất tuổi thanh xuân quá sớm. Nếu cái gì đó mang tiền đến nhiều, ai cũng ham làm giàu; nhưng chẳng ai để ý đến sức khỏe. Do vậy những người già sống lâu trên thế giới nầy khi được phỏng vấn, họ thường hay bảo rằng: „Cái gì cũng phải điều độ là tốt nhất. Ví dụ như ăn uống, ngủ nghỉ, làm việc, sống cuộc đời thường, thể thao, âm nhạc, đọc sách v.v... nghĩa là tất cả mọi thứ trên đời đều phải nên điều độ thì tuổi thọ sẽ được dài lâu và ít bịnh hoạn.
Từ khi đi xuất gia đến nay cũng đã gần 50 năm rồi. Có lẽ năm 2014 tôi sẽ kỷ niệm ngày trọng đại nầy. Sẽ không có một lễ nghi nào to lớn cả; nhưng là một ngày trọng đại. Vì trong suốt 50 năm ấy, tôi chưa hề bỏ một buổi công phu nào, ngoại trừ mấy ngày cảm bịnh. Nếu tôi đi du hành đây đó, không có mặt trước bàn thờ Phật tại chùa hay tại bất cứ nơi đâu, thì tôi hành trì phần công phu của mình ở trên máy bay hoặc xe lửa. Điều nầy tôi muốn trao trọn niềm tin yêu ấy về lại cho những thế hệ đệ tử của tôi, cả tại gia lẫn xuất gia. Muốn được vậy phải có ý chí kiên nhẫn vô cùng và phải có một sức khỏe thật là tốt. Dĩ nhiên sau ngày 50 năm ấy, tôi chẳng biết sức khỏe của mình sẽ ra sao nữa; nên bây giờ chưa hứa gì được hết cả. „Cái gì đến, sẽ đến“.
Lạy Phật cũng là một phương pháp sám hối tội lỗi trong bao đời. Đây cũng là cách làm cho thân tâm mình được gạn lọc sạch sẽ qua thân nghiệp và ý nghiệp. Tôi chẳng phải khoe khoang; nhưng đây là những sự thật, xin kể lại cho những người đời sau theo đó mà hành trì. Khi tôi ở vào tuổi 35, 36; thấy quý Cụ lớn tuổi đi chùa, muốn lạy Phật một lạy theo lối 5 vóc gieo xuống đất cũng không thể thực hiện được. Tôi tự thấy mình còn trẻ khỏe; nên mới tự phát nguyện lạy 500 danh hiệu của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát; rồi 3.000 lạy của 3.000 vị Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai. Sau đó phát nguyện lạy kinh Vạn Phật, trên 10.000 lạy. Rồi những mùa an cư kiết hạ sau, tôi phát nguyện lạy kinh Pháp Hoa mỗi chữ mỗi lạy. Lạy xong kinh, độ trên 70.000 lạy trong nhiều mùa an cư kiết hạ như thế. Kế tiếp, tôi thấy sức khỏe còn cho phép; nên tôi đã phát tâm lạy kinh Đại Bát Niết Bàn gồm 2 quyển. Tôi và Tăng Chúng chùa Viên Giác Hannover cho đến năm 2011 nầy đã lạy hơn nửa quyển thứ hai, mỗi chữ mỗi lạy và đang ở vào phẩm „Sư Tử Hống“. Muốn lạy xong kinh nầy chắc còn 5 đến 6 năm nữa. Như vậy, nếu năm 2014 tôi làm lễ kỷ niệm 50 năm xuất gia học đạo, 50 năm không bỏ tụng công phu khuya và năm ấy cũng đúng 30 năm trong mỗi mùa an cư kiết hạ từ 1984 đến năm 2014, mỗi đêm lạy từ 250 đến 300 lạy. Đây là kết quả của bao nhiêu năm tháng miệt mài; nếu không có sức khỏe, sẽ chẳng có ai thực hiện được điều ấy cả. Nên tôi phải tạ ân Tam Bảo và cha mẹ là vậy.
Điều hạnh phúc thứ chín của tôi là có một môi trường tu học tốt. Việc hoằng pháp, dịch kinh, viết sách rất thuận lợi. Điều nầy sở dĩ tôi có được là do các đệ tử xuất gia cũng như tại gia của tôi đã tạo ra thời gian cho tôi, để tôi có thể làm được việc ấy. Ngôi chùa Viên Giác Hannover; nơi thư phòng ấy tôi đã viết và dịch không biết bao nhiêu tác phẩm, viết không biết bao nhiêu lá thư trả lời, nghe không biết bao nhiêu lần điện thoại. Mười năm, mỗi năm hơn 2 tháng từ năm 2003 đến 2012 tôi đã được ẩn tu nhập thất tại Úc Châu, trên núi đồi Đa Bảo; nơi Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, bào huynh của tôi đang trú ngụ tại đó. Nơi ấy cũng là một nơi lý tưởng để hành trì kinh Kim Cang vào mỗi tối, kinh Lăng Nghiêm vào buổi sáng và chính nơi yên tịnh kia đã giúp tôi trong 10 năm ấy hoàn thành ít nhất là 12 tác phẩm bằng tiếng Việt và dịch từ các ngôn ngữ khác nhau như chữ Hán, tiếng Nhật, tiếng Anh và tiếng Đức ra ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Hai năm đầu dịch chữ Hán sang tiếng Việt; 5 năm kế tiếp dịch tiếng Nhật; năm sau dịch tiếng Anh, kế tiếp dịch tiếng Đức và năm sau cùng có lẽ sẽ hoàn thành một tác phẩm Hán văn đặc biệt. Trong những năm tháng ấy các tác phẩm như: Giai Nhân và Hòa Thượng; Chuyện Tình của Liên Hoa Hòa Thượng; Tư Tưởng Tịnh Độ Tông v.v... cũng đã được viết tại thất Đa Bảo ấy.
Từ năm 2013 trở về cuối đời, tôi sẽ ở Tu Viện Viên Đức tại Ravensburg thuộc miền Nam nước Đức nhiều hơn để tịnh tu, nhập thất và tiếp tục công việc dịch kinh, viết sách nầy. Đây cũng là nơi chốn tốt để tôi thực hiện hoài bão của mình khi tuổi đã ngoài 60.
Song song đó, công việc hoằng pháp tại Đức và các nơi, tôi vẫn thực hiện. Vì chư Tổ dạy rằng: „Hoằng pháp thị gia vụ, lợi sanh vi bổn hoài“. Nghĩa là: Hoằng pháp là việc nhà, làm lợi lạc cho chúng sanh chính là bổn phận vậy. Bổn phận của người xuất gia thật ra không phải cất chùa to, Phật lớn, mà cốt làm sao cho người Phật Tử hiểu được đạo. Đây mới chính là lý do mà chư Phật ra đời.
Tôi không giỏi; nhưng phương diện nào cũng có thể thực hiện được. Ví dụ như: viết sách, dịch thuật, ngoại giao, hoằng pháp, cúng kiến v.v... nghĩa là cái gì người khác làm được thì mình cũng có thể phụ họa theo. Khi nhỏ học rất dốt vào lúc chưa đi xuất gia; nhưng kể từ năm 1964 trở về sau nầy sau khi tốt nghiệp Trung Học và Đại Học, hầu như chẳng có tháng nào tôi đứng ra khỏi vị trí của 10 người đầu lớp. Không nhất thì nhì, không nhì thì ba; hoặc tệ lắm cũng đứng thứ 7, 8. Đây là nhờ sự cố gắng miệt mài trong những năm đèn sách và phải nói là nhờ ân đức của Tam Bảo. Nếu không có công phu thiền định, chay tịnh muối dưa, thì tôi đã chẳng có gần 50 năm như sống trọn vẹn với chính mình. Đây là một hạnh phúc rất to lớn. Dầu mai nầy tôi có mất đi và ở một cõi xa xăm nào đó nơi cảnh Phật, tôi ngoái mắt nhìn về quê hương tạm dung nầy, sẽ mỉm cười một cách tự tại, không ân hận, không phiền trách ai và cũng chẳng nuối tiếc một điều gì. Vì tất cả đã bỏ lại sau lưng và việc trần thế, xin gởi lại cho người trần thế.
Điều hạnh phúc thứ mười của tôi là có những đệ tử xuất gia và tại gia tu học tinh tấn, thành tựu các pháp tu, dầu cho ở truyền thống nào. Cái lỗi lớn nhất của con người là làm Thầy thiên hạ. Đôi khi mình nghĩ thiên hạ là của mình, thuộc về mình nên la lối khi giận dữ, hành xử thiếu công minh, thương đệ tử không đều vì thiên vị người nầy học giỏi, kẻ kia dở hay vì cố chấp thiển cận. Đây là cái bịnh của người làm Thầy. Tôi xin lỗi tất cả. Chính vì muốn bảo vệ quan niệm của mình là đúng và bảo thủ cho truyền thống là hay; nên mới có những việc ấy xảy ra và khiến cho nhiều người đệ tử đã không vui; nhưng được một điều; có lẽ vì tôi còn có một cái phước ẩn tàng nào đó, cho nên đến giờ nầy hơn 45 vị đệ tử xuất gia và hơn 7.000 đệ tử tại gia đã quy y với tôi, chưa có người nào quay mặt lại 180 độ. Dĩ nhiên là rất nhiều người không thích tôi, vì tôi quá khó. Khó ở mọi tình huống; nên nhiều người mong tôi buông xả và thư thả với những ngày còn lại với cuộc đời. Bởi vì đâu có ai sống được 100 năm và dĩ nhiên khi mình ra đi rồi thì cây cỏ vẫn còn sống sót lại với thời gian nầy; chẳng có ai theo mình nửa bước. Đó là loài vô tình. Còn những loài hữu tình khác thì cũng tương tự như vậy thôi. Bây giờ mình phải tự lo cho mình là chính. Tôi cũng đã không chờ đợi ai cả; nhưng tôi rất vui khi các đệ tử xuất gia chỉ muốn tu học, dầu cho đó là pháp môn nào. Họ hành trì đa dạng; dầu ở hình thức xuất gia hay là tại gia. Do vậy, không còn niềm vui nào mang đến cho tôi hơn thế nữa. Tôi đã mãn nguyện lắm rồi. Cho nên ở bất cứ vào thời điểm nào, nếu tôi có thuận thế vô thường để ra đi, theo Phật về Tây phương, thì tôi cũng vô cùng hạnh phúc. Vì những gì khi tôi đến đây đã chẳng mang theo được gì, thì khi ra đi cũng chẳng mang theo cái gì cả, xin trả lại cho đời, cho Đạo những hình ảnh thân thương kia về lại nơi trần thế. Còn tôi, với bổn phận và trách nhiệm đã xong.
Mười điều hạnh phúc đang có nơi tôi ấy có thể nhiều người nghĩ nó là chuyện đương nhiên, ai cũng làm được và tìm ra phương pháp để tạo dựng nên; cũng như đối phó với hoàn cảnh; nhưng với tôi là một phước đức, một sự gia trì của chư Phật, một bổn nguyện lực của Đức Phật A Di Đà, một ân đức lâu đời của gia đình, của chúng sanh trong 10 phương vô biên thế giới, kể cả loài hữu tình cũng như vô tình.
Con xin chắp lại hai tay, xin đảnh lễ dưới chân Phật. Vì con đã có được hạnh phúc thực sự. Con muốn trao truyền và gởi gắm đời sau tâm sự nầy; nếu có ai đó được duyên may thì có thể ứng dụng một phần trong cuộc sống để được lợi lạc ở nhiều mặt và khiến cho cuộc đời nầy càng có giá trị hơn. Tôi xin tạ ơn đời, niệm ân người và cây cỏ, hữu tình cũng như vô tình đã trợ duyên cho tôi trong một khoảng không gian và thời gian lâu xa như vậy ở cõi Ta Bà nầy. Xin là bạn lữ ở chốn Lạc Bang và đời đời luôn hộ trì Phật Pháp●
Viết xong vào ngày 27 tháng 9 năm 2011 tại Tu Viện Viên Đức Ravensburg - Đức quốc (nhằm ngày mồng Một tháng 9 năm Tân Mão)
_______________________________
TRÀ XANH CỰC LẠC
·Thích Như Điển
Đã mấy mùa Xuân đi qua, mùa Thu trở lại, dòng đời vẫn trôi chảy, mây vẫn bay, nước vẫn thì thầm với rừng núi và cỏ cây… Con người cũng như thế, phải bị thời gian và không gian chi phối, từ tuổi trẻ đến tuổi già chẳng mấy chốc mà thấy tóc mai đã bạc, báo hiệu cho một sự đổi thay của cuộc đời và nhân thế.
Năm nay (2011), tôi đứng nhìn toàn cảnh Cực Lạc Cảnh Giới Tự tại Chiangmai Thái Lan, có quá nhiều thay đổi! Từ những bước đầu tiên nhận đất làm Chùa rồi khai hoang rừng núi, đóng cừ xây dựng cho những công trình chính và phụ… đã trải qua không biết bao nhiêu là công sức và tiền bạc của tín thí khắp bốn phương trời, ngỡ như công việc luôn luôn trôi chảy nào ngờ đâu giữa đường chính phủ đổi thay, guồng máy cai trị có nhiều bất ổn, sự nghi kỵ giữa chính khách này và chính khách khác và lòng người đố kỵ với nhau nên công trình của Cực Lạc Cảnh Giới Tự đã phải dừng lại việc thi công trong ba năm trời khiến cho ai đó khi dừng chân tại đây một vài ngày trong khoảng thời gian trên, cũng cảm thấy chạnh lòng.
Thuở ấy trên đường sang Úc nhập thất, tôi cũng có ghé lại đây để thăm; nhưng chỉ thấy cây cỏ mọc chằng chịt che kín cả lối đi, chứ đừng nói gì núi đồi; nơi mà cỏ dại tha hồ vươn sức sống. Nằm đêm dưới mái nhà tranh che tạm, cạnh dòng suối chảy róc rách, tai tôi vẫn nghe tiếng côn trùng rên rĩ, mắt vẫn nhìn ra ngoài để liên tưởng đến vầng trăng thượng tuần của một thuở xa xưa nào đó, mà cảm thấy chạnh lòng. Dưới mái nhà tranh che tạm thuở ấy chỉ có một mình Thầy Hạnh Giải ở lại đây trông coi những vật liệu và chờ ngày có giấy phép để thi công tiếp tục; nhưng mong đợi, ngóng trông cũng chỉ là những điều vô vọng… Tin ấy đồn xa, khiến lòng người càng hoang mang thêm nữa; nhưng đúng là phép Phật nhiệm mầu; người xưa đã ra đi, người mới lại đến, Thầy Hạnh Nguyện gặp được duyên lành mới nên đã trở về lại Thái Lan để xây dựng tiếp tục công trình còn dang dở ấy.
Núi đồi nơi đây lại vang dội tiếng của máy ủi đất, của thợ mộc, thợ nề… không khí lại nhộn nhịp hẳn lên, để đến đầu năm 2010, Thầy Hạnh Nguyện đã gởi thư mời đến khắp nơi trên thế giới, về Chiangmai dự lễ khánh thành Cực Lạc Cảnh Giới Tự lần thứ nhất cho các công trình: chánh điện chư Tăng, chánh điện Ưu Bà Di, văn phòng và các căn thất nằm rải rác trên vùng đất núi rừng này. Lễ khánh thành vào tháng 10 năm 2010 đã có sự tham dự của hơn một trăm chư vị Tôn đức tăng ni và khoảng 400 Phật tử về dự và sự kiện này đã được báo chí tường thuật đầy đủ; hôm nay tôi chỉ muốn nhắc đến những nụ trà xanh trên ngọn đồi của Cực Lạc giới để quý vị ở xa thưởng lãm.
Trước lễ khánh thành, Thầy Hạnh Nguyện đã cho trồng gần 50.000 gốc trà Olong, một giống trà quý hiếm có nguồn gốc từ Đài Loan và nay đều có thể thu hoạch để tạm dùng khi khách đường xa đến dừng chân tại núi đồi cô quạnh này. Hôm đó là ngày 08 tháng 10 năm 2011 phái đoàn gồm 30 người đến từ Châu Âu và Á Châu, đã cùng nhau thưởng thức những lá trà xanh đầu mùa cùng với khế ngọt và ổi không hạt… thật là một cảnh thần tiên nơi cõi thế, mà ít ai có thể hình dung ra được.
Hôm ấy cũng là ngày ra thất của Thầy Hạnh Nguyện sau 7 tháng nhập thất để đón đoàn chúng tôi; nhưng rồi 2 ngày sau, Thầy cũng tiếp tục nhập thất trở lại để cho đủ 3 năm đầu theo lời nguyện của Thầy. Hôm ấy chúng tôi có một buổi trà đàm thật lý tưởng. Mặt trời bị mây che, nên chúng tôi có thể tạm ngồi trên đồi nầy cho đến hết giờ trà đàm; nếu không thì đã phải thiên di, vì ánh thái dương chiếu thẳng vào mọi người, chẳng ai chịu được cái nắng chói chang với những tia nắng ban mai, và có lẽ hôm đó nhờ Hoàng Cô hộ trì, vì lẽ tôi đã đem “Câu chuyện tình của Liên Hoa Hòa Thượng” nói cho đại chúng nghe. Vừa nhấp những ly trà xanh vừa mới được hái trên đồi và đun sôi tại chỗ; uống trà đến đâu, như cảm thấy lòng mình tĩnh lặng lại và từng hương vị ngấm sâu vào tận mỗi thớ thịt, làn môi. Vì nước lấy từ suối mới mang lên và trà mới hái từ cây non vừa chớm nụ.
Mọi người tự giới thiệu với nhau về sự xuất xứ của mình và nghe Thầy Hạnh Nguyện cũng như chúng tôi kể một vài câu chuyện. Buổi tu học hôm đó chỉ chừng ấy công việc; nhưng việc nầy ở Âu Châu chúng tôi khó thực hiện được. Bởi vì khoảng không gian không thể có được như thế và thời gian không cho phép. Sau buổi trà đàm, đại chúng về trai đường để dùng cơm, và chiều hôm ấy tại chánh điện Tăng, Thầy Hạnh Bảo, Thầy Phước Hoàng, Thầy Vạn Trí hướng dẫn các Phật tử niệm Phật. Tối ngày 08 tháng 10 Thầy Hạnh Nguyện gặp gỡ quý Phật tử một lần nữa, để sáng ngày 09.10.2011 Thầy tiếp tục vào thất và chúng tôi vẫn tiếp tục hướng dẫn cho quý Phật tử tu tập trong những ngày còn lại.
Trong kinh Duy Ma Cật có nói về ngôi nhà của Trưởng Giả tuy nhỏ; nhưng chứa đựng cả hàng trăm ngàn vị Bồ Tát đến thính pháp văn kinh được. Có lúc các vị Bồ Tát mang cơm từ cõi Phật Hương Tích đến cúng dường cho Đức Phật Thích Ca Mâu Ni tại cõi Ta Bà này. Cơm ấy Trưởng Giả Duy Ma Cật cũng đã dâng cúng cho chư vị A La Hán và Bồ Tát; tuy chỉ có một cái nồi thật nhỏ mà cả pháp hội dùng cũng không hết. Ấy là vì cái tâm của Bồ Tát Duy Ma Cật quá vĩ đại; nên “nắm cơm Hương Tích” đã trở thành một câu chuyện của Đại Thừa, kể đi kể lại mấy ngàn năm nay vẫn chưa hết. Nay thì “Trà xanh Cực Lạc” ở chốn núi đồi tại Chiangmai nầy có thay thế được tấm lòng của Trưởng Giả Duy Ma Cật ở một thuở nào chăng? Trà Cực Lạc quả thật là ngon và hương vị vẫn còn ngấm thật sâu vào trong tâm can của từng hành giả đang có mặt trong buổi trà đàm trên đồi núi Cực Lạc Cảnh Giới Tự vào ngày 08 tháng 10 năm 2011, và hy vọng rằng niềm hỷ lạc vô biên khi ai đó có nhân duyên được nếm hương vị trà nầy.
Rồi đây gần 50.000 cây trà sẽ được xông bởi hương giới, hương định và hương huệ của những người đến tu học tại nơi đây thì hương giải thoát và hương tri kiến sẽ là sự thành tựu đạo quả của những ai muốn rời khỏi vòng danh lợi nầy.
Tôi bước đi từng bước vững vàng với ý niệm của từng hơi thở và sự kiểm soát của tự thân. Bên cạnh đó Thầy Hạnh Nguyện giải thích về những sự thành tựu có được. Nào là chánh điện của Ưu Bà Di; nơi ấy tầng trên có thờ Tây Phương Tam Thánh bằng gỗ Bạch Đàn. Tầng giữa là phòng Thiền theo phong cách Nhật Bản thật thanh cao thoát tục với tượng Bồ Đề Đạt Ma làm bằng lõi cây nguyên khối. Tầng dưới cùng thờ Đức Quan Thế Âm nghìn mắt nghìn tay, cũng là nơi trú ngụ và nhà bếp cho những người về đây tu học. Ngôi chánh điện này không lớn; nhưng có vóc dáng xinh xinh; bên trên nóc với mái cong vuốt, chung quanh là những lan can giống như “thất trùng lan thuẩn, thất trùng la võng” ở thế giới Tây Phương Cực Lạc trong kinh tiểu phẩm A Di Đà. Màu sắc thì hài hòa với thiên nhiên tại nơi đây; chỉ dùng toàn màu trắng, màu đen và màu nâu, thỉnh thoảng có điểm màu khói lam của gạch ngói, khiến cho bức tranh sơn thủy lại càng nổi bật lên thêm hơn nữa.
Bao bọc chánh điện Ưu Bà Di là 6 ngôi tịnh thất thật trang nhã, có lan can và đường kinh hành chung quanh. Phía trước các thiền thất ấy là những tảng đá cảnh to lớn, nhiều màu sắc với hình dáng, đường vân kỳ lạ, được tô điểm với các dòng chữ thư pháp và sắp xếp chen lẫn với các tảng đá nhỏ, đá viên, đá hòn cùng với các bụi hoa lan rừng tạo thành một bức tranh đá, hoa nghệ thuật thiên nhiên độc đáo, khác thường. Bên trong các ngôi thiền thất này có đầy đủ phương tiện cho hai hay nhiều người ở lại đây cùng một lúc để tịnh tu hoặc nhập thất. Nào nhà tắm, nhà vệ sinh, kệ để kinh sách, tủ để áo quần và một bàn thờ nho nhỏ để có thể hành trì cho tự thân của mỗi người vào những thời khóa mình muốn chọn lựa để gia tâm trì niệm.
Hai bên đường đi vào Cực Lạc Cảnh Giới Tự có trồng hai hàng trúc đặc biệt, thân vươn cao đứng thẳng với không gian và mặc cho mưa dầm nắng cháy, gió bão, sương sa thì trúc xanh rỗng ruột kia vẫn hiên ngang trụ vững giữa chốn núi rừng cô tịch nầy. Tiếp theo cổng vào lại có một dọc bồn hoa với hàng cây cau xinh xắn được trồng vào đây để lấp kín khoảng không gian rộng rãi ấy, đã khiến cho khách ly hương lâu năm có một chút chạnh lòng khi nhớ nghĩ về chốn quê nhà.
Một ao thất bảo gồm nhiều loại cây cổ thụ quý như Lộc Vừng đã được trồng chung quanh, và trên ao nầy có một nhà thủy tạ dùng để uống trà khi có khách vãng lai. Thật là tuyệt diệu biết bao khi trà xanh Cực Lạc được nấu với nước suối thần tiên tại đây, để mang đến một hương thơm dễ chịu lạ lùng, khi ngồi dùng trà và ngắm xem đàn cá đang bơi lội tung tăng để kiếm mồi. Ở đây không có hoa sen nhiều màu và to lớn như thế giới Cực Lạc, nhưng có nhiều hoa sen, hoa súng trổ ra hai màu hồng trắng, làm cho khách thập phương đến đây cũng thấy mãn nguyện. Vào ban đêm ở đây thì phải nói là thật tuyệt diệu. Khí hậu mát dịu, thanh lương, điện được thắp sáng lên ở toàn bờ hồ và các cây đèn hoa như hoa Mai, hoa Anh đào nhiều màu, tỏa sắc, lấp lánh cháy sáng, in soi dưới làn nước hồ tạo ra muôn vàn ánh sáng, cảnh sắc, khiến cho cảnh trí nơi hồ thất bảo nầy lại thêm phần lung linh, huyền ảo hơn nữa.
Càng bước lên dốc cao hơn nữa, khách trần sẽ gặp ngay một tòa kiến trúc hơi là lạ, hình như hiếm thấy ở cõi Ta Bà nầy. Đó là tòa nhà văn phòng, nhà khách cũng như nhà ăn của khách thập phương khi dừng chân tại nơi đây. Tòa nhà 4 tầng nầy có lối thiết kế và kiến trúc theo kiểu Thái Lan và Nhật Bản do một giáo sư kiến trúc người Thái phác họa với mái cong, và khung sườn bao bọc bên ngoài tòa nhà là các cửa kính lớn và dãy tre vàng ốp vào, biểu hiện một sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc hiện đại và vật liệu thiên nhiên, thanh nhã là tre bao bọc chung quanh. Tầng dưới cùng là nhà bếp và nhà ăn trên một khoảng sân gạch rộng, sát bên bờ suối rộng, có nước chảy róc rách suốt ngày đêm. Tầng trên có chỗ nghỉ và khách đường dùng cho khách thập phương vãng lai. Tầng thứ ba có Phật điện cũng như phòng nghỉ và tầng trên cùng là nơi tịnh tu nhập thất của Thầy Trụ Trì, ở giữa căn thất thờ Tây Phương Tam Thánh và chung quanh là những kệ để kinh sách cũng như Đại Tạng Kinh chữ Việt. Thầy Trụ Trì có chương trình đọc toàn bộ Đại Tạng Kinh tiếng Việt trong thời gian nhập thất nhiều năm tới, cũng như hiện đang trì tụng lễ bái kinh Lương Hoàng Sám một trăm bộ như thế. Đây là một công đức không nhỏ khi tụng kinh, trì chú và hành trì quán chiếu tự thân của hành giả khi nhập thất tịnh tu.
Càng lên đồi cao. Cảm giác càng thấy nhẹ nhàng hơn, như khách trần có thể lấy tay mình với nhẹ vầng mây che trên đỉnh chánh điện của chư Tăng được. Chánh điện nơi đây được xây dựng trên một đỉnh đồi cao hơn, tọa lạc cạnh bên một khu rừng, phía sau và bên hông chánh điện có dòng thác nước và con suối rộng. Kiến trúc chánh điện này thoáng nét như chánh điện của Ưu Bà Di gồm 3 tầng nhưng trông to lớn, sừng sững hơn nhiều vì tọa lạc trên đồi cao với nhiều bậc thang đá dẫn xuống bên dưới. Tầng dưới cùng có một phòng thờ Phật và chỗ ở cho chư Tăng cũng như khách vãng lai. Tầng thứ hai thờ Tổ và các phòng nghỉ của khách. Tầng trên cùng thờ Tây Phương Tam Thánh, chánh điện này xây về hướng Tây; nên mỗi khi ánh thái dương vào buổi chiều buông xuống, khách trần như thấy mình đang ở vào chốn không gian vô định nào đó, nhất là những lúc có khóa tu như những ngày nầy, từ 07 đến 11 tháng 10 năm 2011, thì tiếng tụng kinh Lăng Nghiêm buổi sáng và câu niệm Phật A Di Đà đã là một năng lực nội tại nhiệm mầu, khiến cho hành giả càng tăng thêm tín tâm đối với cõi Cực Lạc và đấng Giáo Chủ cõi nầy.
Cứ từng câu Phật hiệu và giọng điệu niệm Phật cao thấp khác nhau liên tục trong nhiều giờ, khiến cho khách quên đi những nỗi khổ đau phiền muộn trong đời mà hòa mình vào lời kinh tiếng kệ, và ý nghĩa giải thoát nhiệm mầu ấy. Tiếng kinh cầu nầy trước đây 200 năm cũng đã có mặt tại xứ Thái nầy khi vua Gia Long sang đây để tỵ nạn Tây Sơn và chư Tăng nhân cơ duyên nầy cũng đã đến Thái Lan và lập nên 17 ngôi chùa Việt tại xứ chùa Tháp nầy. Nay chư Tăng Việt Nam không còn thấy bóng dáng ở những ngôi chùa ấy nữa; nhưng những tiếng kinh cầu vào buổi sớm mai vẫn còn nghe những lời kinh tiếng Việt qua Thần chú Thủ Lăng Nghiêm tại chùa Phổ Phước, Khánh Vân và Cảnh Phước tại Thủ Đô Bangkok đã khiến cho chúng ta có thể hy vọng rằng tâm thiền ấy, lời niệm Phật kia sẽ luôn là chất liệu dưỡng sanh không phải chỉ để dành riêng cho người Phật tử Thái Lan nữa. Đây là ơn Tam Bảo, ơn quốc gia, ơn Thầy Tổ và ân chúng sanh mà tất cả chúng ta đang thọ nhận. Vậy ai là người con Phật đã đến nơi đây rồi hoặc sẽ đến; hoặc chưa đến hãy nên trân quý những gì chúng ta đang có và nên phát triển niềm tin ấy bằng cách hướng về nơi đây để hộ trì cho Phật pháp được cửu trụ nơi thế giới Ta Bà nầy.
Sang năm (2012) chúng tôi đã vạch ra một chương trình cho chư Tăng Ni và quý Phật tử ở xa về đây tu học từ ngày 23 đến 27 tháng 10 năm 2012 gồm mỗi ngày 3 thời khóa tụng kinh, niệm Phật, tham thiền và ba thời nghe pháp, trà đàm cũng như Phật pháp vấn đáp. Mong rằng quý Phật tử xa gần nên dùng thời gian quý báu này để ghi tên về Cực Lạc Cảnh Giới Tự tham dự khóa tu nầy; công đức thật không nhỏ.
Phía sau chánh điện của chư Tăng là tịnh thất của chúng tôi, cũng có hồ cá nhỏ, có hoa sen, hoa súng và những bụi hoa lan nhiều màu bám rễ trên các cây cổ thụ trong rừng nằm gần và rải rác chung quanh thất. Dưới chân bậc thang là một dòng suối nhỏ, đưa nước về cho các ruộng lúa và dân làng trong vùng. Phía trước căn thất là một thác nước lớn, chảy xối xả ầm ĩ và gần đó cũng có nhiều dòng suối khác chảy róc rách suốt ngày đêm. Đây là tịnh thất riêng dành cho tôi và năm nay tôi đã bắt đầu sử dụng, cũng như mỗi năm tôi sẽ về đây một tuần lễ đến 10 ngày để tịnh tâm và hướng dẫn các khóa tu cho Tăng Ni cũng như quý Phật tử.
Trên đồi cao nơi có 108 bậc thang dẫn lên sẽ là nơi sẽ xây ngôi chánh điện bốn tầng sau này nếu thời gian và điều kiện tài chánh cho phép. Các điện thờ Bồ tát Văn Thù và Bồ tát Phổ Hiền cũng sẽ được thực hiện trong tương lai. Thầy Hạnh Nguyện cho biết khi ra thất, trong thời gian tới sẽ tạc thêm 2 tôn tượng Đức Quán Thế Âm cao 28m nơi ngọn đồi và Đức Phật A Di Đà cao 18m tại bờ hồ để giúp cho hành giả tu theo pháp môn Tịnh Độ lúc về đây, có cơ hội nương theo hình tượng của quý ngài để tu tập, lễ bái và được tự tại vãng sanh về thế giới Tây Phương Tịnh Độ sau nầy.
Ở đây cây trái đủ để cung cấp cho khách vãng lai như chuối, ổi, khế, xoài, đu đủ và hàng trăm cây ăn trái khác đã được trồng trên các đồi trà. Ngoài ra ở chợ, thì các loại trái cây như: măng cụt, chôm chôm, sầu riêng, nhãn, vải, bòn bon không thiếu thứ gì. Vật giá ở đây quá rẻ so với Âu Châu, dân tình ở đây thật thà chất phác và gần như chẳng có nói thách giá, vì ảnh hưởng lâu đời bởi nền văn hóa Phật giáo. Do vậy ai đi đến nơi nầy rồi cũng mong có một ngày sẽ đến đây lần thứ hai. Quả là chốn Bồng Lai tiên cảnh, Phật pháp nhiệm mầu.
● Thích Như Điển
Viết xong vào ngày 10 tháng 10 năm 2011
tại Cực Lạc Cảnh Giới Tự, Chiangmai,
Thái Lan vào một chiều Thu lộng gió.
____________________________
Ba thế hệ đậu tiến sĩ
(Bác Sĩ Văn Học)
·Thích Như Điển
Năm nay là năm Thìn, mà Thìn nằm ở Can Nhâm, nên đối với những trang nam tử có tuổi Thìn lại thi cử đỗ đạt hay lập nên công danh sự nghiệp trong năm nầy; thì quả là điều tuyệt diệu biết bao nhiêu. Nhưng rồng hay đi đôi với nước và mây; cho nên năm nay có lẽ cũng sẽ là năm được báo hiệu nhiều nơi trên thế giới bị nước ngập, mà nước ngập thì bao nhiêu tai ương, khổ nạn sẽ xảy ra.
Người xưa thường chúc cho người đi thi cử là: "Gặp hội Long Vân"; nghĩa là gặp được vận may như rồng gặp mây. Có mây là có mưa. Có mưa là có nước. Theo người Trung Quốc thường hay cho rằng. "Có nước thì có tiền", nhưng không biết người Việt Nam mình có câu tục ngữ nào ngắn gọn mà thể hiện được vận hội nầy chăng? Người mình thường hay chúc cho người đi thi là: Bảng hổ đề tên, sau đó là thăng quan tiến chức v.v… Đó là những sĩ tử ngày xưa theo Nho học; còn ngày nay việc thi cử không còn như trước nữa, nhưng khi đỗ đạt rồi người ta vẫn gọi là kẻ sĩ. Đó là Bác sĩ, Nha sĩ, Thạc sĩ, Tiến sĩ v.v…
Vào đầu thế kỷ thứ 20 nước ta vẫn còn những khoa thi Tam Trường. Đó là thi Hương để lấy Tú Tài, thi Hội để lấy Cử Nhân và thi Đình để lấy Tiến Sĩ. Người nào thi đỗ cả ba khoa nầy được gọi là Tam Nguyên. Ở làng Yên Đỗ đã có một vị đã đậu như thế; nên người đời gọi là: Tam Nguyên Yên Đỗ. Đó chính là Nguyễn Khuyến. Ông là một nhà Nho yêu nước, học rất giỏi, ra làm quan rồi về nhà hưởng nhàn. Đọc thơ văn của Nguyễn Khuyến như các bài: Khóc Dương Khuê, Mẹ Mốc v.v... ta thấy được điều ấy. Nhưng riêng thi sĩ Trần Tế Xương thì lận đận với con đường công danh sự nghiệp, ông đã đem chuyện học hành thi cử chẳng ra gì của mình vào trong những bài thơ tự trào châm biếm:
Tấp tễnhngười đi tớ cũng đi,
Cũng lều, cũng chõng, cũng đi thi.
Tiễn chân, cô mất ba đồng lẻ;
Sờ bụng, thầy không một chữ gì…
(Đi thi tự vịnh)
…
Mai không tên tớ, tớ đi ngay
Giỗ Tết từ đây nhớ lấy ngày
Học đã sôi cơm nhưng chửa chín
Thi không ăn ớt thế mà cay
Sách đèn phó mặc đàn con trẻ
Thưng đấu nhờ tay một mẹ mày
Cống hỉ, mét xì, đây thuộc cả,
Chẳng sang Tàu, tớ cũng sang Tây.
(Hỏng thi 1)
Ngày xưa cứ ba năm mới mở hội trường thi như vậy. Cả nước Việt Nam thời cuối nhà Nguyễn chỉ tổ chức ở Kinh Đô Huế. Lúc ấy ai muốn thi phải chuẩn bị đến truờng thi trước và khi đi thi phải mang theo cả lều, cả chõng, dĩ nhiên là có cả người giúp việc theo nữa. Vợ ở nhà trông con để chồng đi thi. Khi tiễn chồng vào Kinh ứng thí đã trao cho chồng những đồng tiền chắt chiu được lâu nay để vừa lo nuôi con và nuôi chồng ăn học; nhưng ông chồng chẳng biết lý do gì mà chẳng chịu học đòi theo bút nghiên; nên khi sờ bụng Thầy chẳng có một chữ nào cả. Thời đầu thế kỷ thứ 20 là thời giao thoa của Tây, Tàu, Nhật. Cho nên cái học từ chương thuần túy không còn nữa. Người ta bây giờ đi học tiếng Pháp để ra làm thông ngôn cho Tây, để được đi đây đi đó; chứ ít ai muốn học cái chữ Thánh Hiền kia. Do vậy mà Trần Tế Xương đã than lên như vậy cũng là điều có lý.
Một bài thơ khác của Trần Tế Xương đã diễn tả về cái học của nhà Nhothuở ấy như sau:
Cái học nhà Nho đã hỏng rồi
Mười người đi học, chín người thôi
Cô hàng bán sách lim dim ngủ
Thầy khóa tư lương nhấp nhổm ngồi
Sĩ khí rụt rè, gà phải cáo
Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi
Tôi đâu dám mỉa làng tôi nhỉ
Trình có quan tiên, thứ chỉ, tôi.
(Cái học nhà Nho)
Bây giờ trong thế kỷ thứ 21 nầy, nếu có ai đó cố gắng diễn tả cho lớp trẻ đời nay sinh ra và lớn lên tại hải ngoại về thứ bậc của các quan hạng nhất, hạng nhì (Tiên chỉ, Thứ chỉ) trong làng như thế nào, chắc là chúng sẽ lắc đầu ngoay ngoảy rồi bỏ đi. Mới gần 100 năm thôi mà xã hội loài người thay đổi khác nhau quá nhiều như vậy.
Ngày xưa có rất nhiều người sau khi đỗ đạt ra làm quan và lúc về già từ quan vào chùa tu niệm hay ở vậy để hưởng nhàn. Ví dụ như ba vị Tổ của phái Trúc Lâm Yên Tử của Việt Nam chúng ta vào thời cuối thế kỷ thứ 13 và đầu thế kỷ thứ 14 cũng đã thể hiện được việc nầy.
Vị sơ Tổ là Điều Ngự Giác Hoàng. Ông là vua Trần Nhân Tông, sau 2 lần đại thắng quân Nguyên Mông, đã nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, rồi chính thức xuất gia vào năm 1296 tại chùa Chân Giáo. Từ đó về sau chống gậy đi khắp nhân gian để khuyên người dân tu theo Thập Thiện và ông là người đã chính thức gả Công Chúa Huyền Trân cho Chế Bồng Nga của Chiêm Thành để đổi lấy 2 Châu Ô và Châu Lý, nay là 2 tỉnh Thừa Thiên và Quảng Nam.
Vị Tổ thứ hai của dòng phái này là ngài Pháp Loa Tôn Sư là một vị Tổ rất đặc biệt (xem thêm truyện Trúc Lâm Tam Tổ).
Riêng vị Tổ thứ ba của dòng Thiền nầy mới là một vị đặc biệt hơn. Đó là ngài Huyền Quang. Tên đời của ngài là Lý Đạo Tái. Sau khi đỗ Tiến Sĩ, Ngài có 2 câu thơ bất hủ là:
Khó khăn thì chẳng ai nhìn
Đến khi đỗ Trạng tám nghìn nhân duyên.
Khi còn là cậu ấm hay sinh đồ nghèo thì chẳng ai để ý đến; nhưng khi đỗ Trạng Nguyên, Tiến Sĩ thì có không biết bao nhiêu nàng con gái muốn theo hầu để nâng khăn sửa túi. Do vậy sau khi làm quan, ông đã xuất gia đầu Phật và trở thành vị Tổ thứ 3 của Trúc Lâm Yên Tử.
Ngày xưa khi đỗ Tiến Sĩ, Trạng Nguyên thì được nhà Vua chọn làm Phò Mã. Đây là cái vinh dự của người về đầu trong chốn quan trường.
Thông thường có Vua, có Hoàng Hậu thì phải có Tam cung Lục Viện đi kèm. Thế nhưng cũng có những vị làm Vua, làm Giáo Chủ cả hằng bao nhiêu thế kỷ nay mà vẫn không lập ngôi Hoàng Hậu hay Thứ Phi. Đó là ngôi vị của Đạt Lai Lạt Ma Tây Tạng và Đức Giáo Hoàng của La Mã. Cho nên không cần Tam Cung Lục Viện làm gì.
Từ đó ta thấy rằng: Ngôi Vua là chốn cao sang nhất, nhưng trong lịch sử đã có nhiều vị chối từ. Ví dụ như Thái Tử Tất Đạt Đa (Ấn Độ), Trần Nhân Tông (Việt Nam) hay các vị Pháp Vương của Tây Tạng. Ngai vàng còn không thiết, do vậy vai Phò Mã đâu cần gì, miễn là việc thi thố tài năng để an bang tế thế là được rồi.
Riêng tôi năm Nhâm Thìn nầy (2012) có 3 niềm vui nho nhỏ liên tục mang đến qua ba thế hệ của những người xuất gia đã đỗ Đại Đăng Khoa (Bác Sĩ Văn Học). Đó là các Thầy Như Tú (Đệ tử của Sư Phụ), Thầy Nguyên Tân (Đệ tử của Sư Huynh) và Thầy Hạnh Giả (Đệ tử của tôi). Trong một nhà có 3 đến 4 đời đỗ Tiến Sĩ; nhưng rất hiếm ở Việt Nam. Năm nay Môn Phong Pháp Phái Viên Giác có được điều hy hữu nầy trong cửa Thiền. Do vậy tôi xin kể để hầu quý vị.
Đệ tử của Sư phụ tôi là Thích Như Tú, Sư đệ của tôi. Năm 2002 Thầy Như Tú sau khi đậu Cử nhân Anh văn tại Việt Nam đã qua Ấn Độ tham dự lễ khánh thành Trung Tâm Tu Học Viên Giác tại Bồ Đề Đạo Tràng do Thầy Hạnh Nguyện và Thầy Hạnh Tấn thành lập. Tôi thấy Thầy Như Tú còn trẻ, có ý muốn học thêm; nên tôi bảo Thầy về lại Việt Nam lo giấy tờ hồ sơ để sang Ấn Độ du học. Trong suốt 10 năm, từ năm 2002 đến nay, Thầy Như Tú đã trải qua các kỳ thi của phân khoa Anh ngữ và Phật học ở cấp bậc MA, Mphl., Ph.D. Vào tháng 1 năm 2012 Thầy đã bảo vệ hoàn thành luận án Tiến Sĩ của mình tại Đại Học Dehli, Ấn Độ. Phần tôi và chùa Viên Giác đã chăm lo đời sống vật chất cho Thầy suốt cả hơn 10 năm nay. Nay Thầy đã ra trường, thật chẳng còn niềm vui mừng nào sánh cho bằng được!
Sư Phụ tôi, tức là cố Hòa Thượng Thượng Long Hạ Trí- người đã về Tây phương Phật cách đây hơn 10 năm về trước. Chức vụ cuối cùng của Ngài là: Chánh Văn Phòng Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, lúc cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang còn đương thời. Khi Sư Phụ tôi viên tịch (ngày 1.11.1998 nhằm ngày 13 tháng 9 năm Mậu Dần, thọ 71 tuổi). Viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo có đi một tấm trướng mà ngày nay vẫn còn treo tại giảng đường chùa Viên Giác tại Hội An.
Thế hệ đầu của chúng tôi xuất gia vào giữa thập niên 60, chỉ có cố Hòa Thượng Thích Tâm Thanh, tôi và Ni Sư Như Viên và thập niên 80, 90 Sư phụ độ thêm được vài chục Thầy Cô nữa; trong ấy có Thầy Như Tú. Rất tiếc là Thầy tôi đã ra đi và 2 cây đa chùa Viên Giác cũng đã chết hết một. Người không còn có mặt trên cõi thế để chứng kiến cho người đệ tử xuất gia của mình đã đỗ đạt thành tài. Sư phụ là người canh tân, đổi mới, nên những gì khiến cho Phật Pháp triển khai thì Sư Phụ không bao giờ từ chối.
Đệ tử của Sư Huynh tôi là Thầy Nguyên Tân đã bảo vệ thành công luận án Tiến Sĩ tại Đại Học Dehli Ấn Độ trong tháng 3 năm 2012 nầy. Sư Huynh Tâm Thanh xuất gia với Sư Phụ tôi vào cuối năm 1963 tại chùa Tỉnh Hội Quảng Nam (nay là chùa Pháp Bảo) và sau đó Sư Huynh vào Sài Gòn học và tốt nghiệp tại Phật Học Viện Huệ Nghiêm, sau ra làm giảng sư của Giáo Hội. Sau năm 1975 Sư Huynh Tâm Thanh tức cố Hòa Thượng Thích Tâm Thanh về Đại Ninh lập nên Tu Viện Vĩnh Minh để chuyên tu Tịnh Độ và dạy chúng. Ngày ra đi của cố Sư Huynh là (ngày 02.4.2004 nhằm ngày 13 tháng 2 năm Giáp Thân, thọ 72 tuổi). Hiện tượng vãng sanh đã đến với người chuyên tu Tịnh Độ nên Sư Huynh biết trước ngày ra đi của mình. Ngày nay chùa Vĩnh Minh do Thầy Nguyên Hiền trụ trì và Thầy Nguyên Tân là Sư đệ của Thầy Nguyên Hiền.
Khi Sư Huynh tôi còn tại tiền, Người đã gửi gấm Thầy Nguyên Tân cho tôi chăm lo về đời sống vật chất. Tôi đã sẵn lòng và nay đệ tử của Sư Huynh đã đỗ đạt thành tài. Hòa Thượng Tâm Thanh lại không có mặt để chứng kiến ngày vui hiếm có ấy. Quả là điều đáng tiếc; nhưng dầu cho ở một phương trời nào, khi Sư Phụ và Sư Huynh tôi nhìn về cõi Ta Bà nầy, thấy đệ tử của mình thành tựu được như vậy; chắc quý Ngài cũng sẽ nở nụ cười mãn nguyện.
Đệ tử của tôi là Thầy Hạnh Giả vừa bảo vệ luận án Tiến Sĩ ở Đại Học Hannover - Đức Quốc, cả điểm thi miệng lẫn thi viết thuộc hạng tối ưu. Đó là ngày 14 tháng 12 năm 2011 và ngày 14 tháng 2 năm nầy (2012) Thầy Hạnh Giả lãnh bằng. Đặc biệt luận án Tiến Sĩ bằng tiếng Đức đã được nhà xuất bản Tectum in thành sách và phát hành khắp nơi trên nước Đức cũng như các nước nói ngôn ngữ Đức tại Âu Châu. Riêng quyển luận án nầy đã được dịch ra tiếng Việt và sẽ được ấn tống trong thời gian tới trong năm 2012. Đây là quyển sách rất cần thiết cho mọi người Phật Tử Việt Nam đang sinh sống tại nước Đức nầy.
Thầy Hạnh Giới hiện trụ trì chùa Viên Giác tại Hannover là anh ruột của Thầy Hạnh Giả, trước đây 9 năm vào năm 2003 đã tốt nghiệp Tiến Sĩ (Bác Sĩ Văn Học) ngành triết học, chuyên khoa về Tôn Giáo. Ở cấp Cao học Thầy Hạnh Giới chuyên về Tôn Giáo học và Anh, Pháp Văn. Sau khi tốt nghiệp, tôi gửi Thầy đi Đài Loan 4 năm để tu học. Do vậy thầy Hạnh Giới bây giờ thông thạo 5 ngôn ngữ. Nói, dịch, viết, nghe rất lưu loát bằng các thứ tiếng Việt, Anh, Pháp, Đức và Hoa ngữ.
Vào ngày 22 tháng 2 năm 2012 vừa qua chúng tôi tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm tôi đã ở ngoại quốc và lồng vào chương trình nầy có tổ chức mừng hai Thầy đệ tử của tôi và họ là huynh đệ trong một gia đình đã đỗ đạt Đại Đăng Khoa. Mọi người hôm đó đều vui, nhất là Đạo hữu Quảng Ngộ và Đạo hữu Diệu Hiền, song thân của hai Thầy.
Phần tôi, bổn phận làm Thầy còn vui hơn nữa. Tuy là giả danh trong cuộc sống, dầu cho Tiến Sĩ, Thạc Sĩ, Bác Sĩ v.v... cũng đều giả. Chỉ có Tu Sĩ mới là điều đáng nói và đáng lưu tâm hơn. Vì đã có biết bao nhiêu kẻ sĩ trong đời đã từ bỏ địa vị của mình để đi tìm cái sĩ ẩn dật, cái sĩ an bần lạc đạo, cái sĩ của người lấy nẻo Đạo làm vui cho cuộc sống để thật sự được giải thoát về sau nầy. Người cư sĩ tu vẫn có thể giải thoát sanh tử được; nhưng khó hơn cuộc sống xuất gia rất nhiều. Vì lẽ người xuất gia không nặng nợ tang bồng.
Thầy Hạnh Giả thông thạo 3 ngôn ngữ. Đó là tiếng Việt, tiếng Anh và tiếng Đức. Trước khi đi xuất gia, Thầy đã tốt nghiệp kỹ sư điện toán và khi vào chùa xuất gia vào ngày 12 tháng 2 năm 2002, cách đây 10 năm về trước, tôi đã bảo Thầy nên học tiếp để lấy bằng Tiến Sĩ và sau đúng 10 năm Thầy đã thành công, như tôi đã giao phó. Kể từ tháng 10 năm 2010 Thầy Hạnh Giả đã bắt đầu dạy tại Đại Học Hannover và Semester của năm 2012, Thầy sẽ giảng dạy về Phật Giáo Việt Nam thêm 2 Đại Học Marburg và Đại Học Jena thuộc Tiểu Bang Thüringen, Đức Quốc. Đây cũng là niềm vui và hãnh diện của tôi. Vì đó chính là mục đích của tôi từ lúc ban đầu, mong muốn làm sao Phật Giáo Việt Nam phải có mặt trong thượng tầng cấu trúc của xã hội Đức và nay thì cây trái đã có mặt khắp chùa.
Ba thế hệ ấy, riêng tôi đã được hân hạnh chứng kiến các đệ tử của mình ăn học, tu niệm và thành tựu trên đường học vấn; nên niềm vui ấy trọn vẹn. Riêng Sư Phụ và Sư Huynh tôi không còn có cơ hội để chứng kiến điều nầy; nhưng tôi nghĩ rằng quý Ngài cũng vui khi nhìn thấy đệ tử của mình được như vậy.
Riêng Quảng Nam luôn được nhắc đến là dân của „Ngũ phụng tề phi“, nghĩa là 5 con phụng cùng bay về xứ Quảng từ triều đình Huế. Đã một lần như thế, vào một khoa thi ở đầu thế kỷ thứ 20 có 5 vị ra Huế thi và trong đó 3 vị đỗ đầu Trạng Nguyên, Tiến Sĩ; nên nhà Vua mới phong cho chức tước, quân hầu về lại quê xưa và đây cũng là xứ của văn chương văn hóa. Quảng Nam không là xứ ngàn năm văn vật như Thăng Long, Hà Nội ngày nào; nhưng là một xứ có những nhà cách mạng lỗi lạc như: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm, Thoại Ngọc Hầu v.v... có những nhà thơ nổi tiếng như Phan Khôi, Bùi Giáng v.v... Về phía Đạo, Quảng Nam không có Tăng Thống; nhưng Quảng Nam là nơi đã đào tạo ra 4 vị Tăng Thống trong 5 vị mà Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đang có. Đó là Đức Đệ Nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết, Đức Đệ Nhị Tăng Thống Thích Giác Nhiên. Hai vị nầy đã thọ giới Tỳ Kheo tại giới đàn do Ngài Vĩnh Gia làm Đàn Đầu Hòa Thượng tại chùa Phước Lâm Hội An vào đầu thế kỷ thứ 20. Ngài Đệ Tứ Tăng Thống Thích Huyền Quang và Ngài Tăng Thống của Giáo Hội Phật Giáo Linh Sơn trên thế giới, cả 2 vị đều là con cháu của chốn Tổ Chúc Thánh tại Hội An.
Cách đây chừng 5 năm tôi có viết một bài vinh danh 5 Thầy con xứ Quảng đã tốt nghiệp Tiến Sĩ (Bác Sĩ Văn Học). Đó là Thượng Tọa Thích Hạnh Tuấn tốt nghiệp Tiến Sĩ Tôn Giáo Học tại Đại Học Havard Hoa Kỳ, Đại Đức Thích Hạnh Chánh, Đại Đức Thích Hạnh Đức, Đại Đức Thích Giác Định và Đại Đức Thích Giác Trí. Năm vị nầy đều là người Quảng Nam và đã thi đỗ Tiến Sĩ cùng một năm và cả năm vị, tôi cũng đã bảo bọc tài chánh cho suốt học trình nghiên cứu của Cao Học và Tiến Sĩ trong nhiều năm dài như vậy dầu nhiều hay ít, tùy theo nhu cầu của từng vị. Trong 5 vị nầy có 3 vị chính thức xin y chỉ nơi tôi và ngày nay họ đang cũng như sẽ tạo nên những thành tích cho Đời cũng như cho Đạo.
Ngoài ra từ năm 1994 đến nay 2012 đã gần 19 năm chùa Viên Giác và bản thân chúng tôi đã cấp phát học bổng cho 200 Thầy Cô du học tại Hoa Kỳ, Đài Loan, đa phần là Ấn Độ. Trải qua một chặng đường dài như vậy, cho đến hôm nay đã có 132 vị tốt nghiệp học vị cao nhất của Đời cũng như của Đạo. Đó là học hàm Bác Sĩ Văn Học chuyên ngành về Phật Giáo. Trong 200 vị ấy không có ai là đệ tử xuất gia của tôi; nhưng một số Tăng Ni cũng đã xin tôi làm Thầy y chỉ. Sau khi thành tài có một số quý vị đã về Việt Nam làm việc; đa số đến Hoa Kỳ cũng như Âu Châu và Úc Châu.
Nói ra việc nầy chẳng phải để kể công; nhưng tôi mượn cơ hội nầy để xin cảm ơn quý Cô và quý Phật Tử chùa Viên Giác đã ngày đêm làm từng chiếc bánh phát hành để nuôi quý Thầy Cô ăn học. Ngoài ra cũng có một số Phật Tử ẩn danh giúp cho tôi trong những năm sau nầy, khi khâu bánh trái của chùa Viên Giác không còn hoạt động mạnh như xưa nữa. Vì quý Cô và quý Bác tại đây đã lớn tuổi, cần phải tịnh dưỡng nhiều hơn cũng như lo tụng kinh niệm Phật để lo cho phần Hậu Sự của mình sau nầy.
Nay tôi cũng đã ở tuổi 64 và gần 50 năm nương tựa nơi cửa chùa, tôi đã thọ ân của Tam Bảo và Đàn Na Tín Thí rất nhiều, đã san sẻ phần tài chánh của chùa và của mình để phát học bổng cho quý Thầy Cô trong vòng 19 năm như thế không gián đoạn và mỗi năm trung bình, kể cả những vị học ở cấp dưới như Cao Học, Cử Nhân và Tú Tài, con số thành không nhỏ. Nó giao động từ 30.000 đến 50.000 Mỹ Kim. Tôi sẽ chính thức phát cho quý Tăng Ni đang du học tại Ấn Độ trong tháng 10 năm 2012 nầy nữa là lần chót. Rất tiếc không được góp phần cho những vị học trễ sau này.
Xin niệm ân tất cả những Thầy Cô đã cho tôi và Tăng Ni cũng như Phật Tử chùa Viên Giác đã có cơ hội đóng góp chỉ riêng tiền học bổng trong vòng 19 năm qua, con số trên dưới 1 triệu Mỹ Kim để đào tạo thành những nhà Bác Học cho Phật Giáo, trong đó có cả các đệ tử xuất gia của tôi, những vị đệ tử y chỉ và đệ tử của những Thầy Cô khác.
Khi phát học bổng cho qúy Thầy Cô, đặc biệt tôi không phân biệt Bắc, Trung, Nam hay hệ phái như Khất Sĩ, Nguyên Thủy hay Bắc Tông v.v... mà tất cả đều theo nhu cầu của từng vị một. Có những vị mỗi năm nhận 1.500 đô la Mỹ, có vị nhiều hơn nhưng cũng có vị ít hơn như 500 đô hay 1.000 đô la v.v... Tất cả đều lệ thuộc vào nhu cầu sách vở, tiền học phí nhà trường, ăn ở v.v...
Tôi nhu cảm thấy vui với những việc đã làm. Vì người làm ơn nên quên, kẻ chịu ơn nên nhớ. Do vậy tôi chỉ nêu lên một lần chính thức nầy và đây cũng là lần chót, không đề cập đến chuyện cấp phát học bổng trong tương lai nữa. Tôi chỉ mong rằng quý Thầy Cô khác đã ra trường nên tiếp tục hướng dẫn giúp đỡ chia xẻ với lớp đàn em của mình ở mọi hình thức khác nhau, thì không mong gì ngọn đèn chánh pháp vẫn luôn tỏa sáng khắp muôn phương.
Một ngày nào đó tôi cũng sẽ ra đi; nhưng tôi rất lấy làm mãn nguyện về những gì đã thực hiện được để giúp đỡ cho quý Thầy, Cô; và tôi nghĩ, những công việc như vậy nay chính là lúc đáng dừng lại để cho những thế hệ sau tiếp tục gánh vác vì những lý do như tôi đã nêu trên.
Người xưa thường nói rằng:
Học hải vô nhai, cần thị ngạn
Thanh không hữu lộ, chí vi thê
Nghĩa:
Biển học không bờ, siêng là bến
Trời xanh có lối, chí là thang
Dầu cho không gian có vô cùng và thời gian có vô tận đi chăng nữa, nhưng với những người có ý chí mạnh và siêng năng thì cái gì cũng có thể thành tựu được. Do vậy người Pháp cũng có câu tục ngữ là: „Sự thành công không là điều quan trọng, mà điều quan trọng là phải làm thế nào để đi đến sự thành công“.
Một học trình dài từ Tiểu Học lên Trung Học rồi Đại Học rồi Hậu Đại Học kéo dài hơn 20 năm, có người đi được trọn vẹn, còn đa phần là dang dở ở Tiểu Học hay Trung Học và bỏ đi học nghề để tìm việc nuôi thân. Những người xong Đại Học hay Hậu Đại Học là những người có điều kiện và ý chí mãnh liệt nhằm xây dựng hay tô bồi nền văn học, mới có thể hoàn thành những giai đoạn sau cùng của một người làm văn hóa. Đó là những luận văn tốt nghiệp Đại Học, Cao Học hay những luận án chuyên ngành ở cấp bậc Tiến Sĩ, Bác Sĩ. Dĩ nhiên sự học mênh mông vô cùng tận, chỉ trừ khi nắp quan tài đậy lại là chúng ta không còn có cơ hội để học nữa; nếu còn sống còn phải học để thích nghi với đời sống, với sự việc.
Mới đây báo chí có đề cập đến 10 người Việt Nam thành công nhất trên thế giới đang ở ngoại quốc qua nhiều lĩnh vực khác nhau như: Chính trị, văn hóa, khoa học, thương mãi v.v... đây là những bài học sống động chúng ta nên suy gẫm và cố gắng thực hành. Hôm nay tôi chỉ xin đơn cử hai trường hợp đặc biệt. Đó là trường hợp của một người Việt ở Mỹ và một người Việt ở Đức.
Đó là giáo sư Tiến Sĩ Trương Nguyện Thành có xuất xứ là một cậu bé bán thuốc lá ở chợ Gò Vấp Việt Nam, nay trở thành nhà khoa học tài giỏi ở Hoa Kỳ. Đọc tiểu sử của anh ta từ lúc tấm bé cho đến khi trưởng thành; chẳng thấy có điều gì đặc biệt ngoài tinh thần cố gắng và tận tụy. Hình như yếu tố thông minh ít được đề cập đến.
Sau năm 1975 nhiều gia đình ở miền Nam Việt Nam lâm vào cảnh suy thoái ở mọi lĩnh vực về vật chất cũng như tinh thần. Tất cả đều do vấn đề tư tưởng chủ nghĩa. Do vậy người miền Nam mới bị khốn khổ, nhiều người tìm cách bỏ nước ra đi.Cậu bé Thành thuở ấy phải về Gò Vấp để đi bán thuốc lá dạo lúc cậu ta 11 tuổi. Đến tuổi 15 cậu cùng gia đình dời về Lái Thiêu để làm ruộng, chăn trâu. Ngày làm việc, đêm xem sách, học toán cho đến khuya. Cậu được ông Thầy giáo dạy toán lưu tâm về sự thông minh và hiếu học, nên đã ghi tên ứng thí; nhưng vì trong lý lịch có cha đi lính trong chế độ miền Nam, nên cô giáo không cho đi thi. Nhưng ông Thầy dạy toán tìm mọi cách để anh Thành được ứng thí và cuối cùng anh được tuyển vào một trong 5 học sinh giỏi nhất.
Năm 19 tuổi, tuy anh đã đậu vào Đại Học Bách Khoa Sài Gòn, nhưng cha anh đã tìm cách cho anh vượt biển và cuối cùng đã đến được Hoa Kỳ. Sau một năm học Trung Học với những khó khăn về ngôn ngữ mới, anh đã bắt đầu cuộc sống tự lập ở Đại Học cho đến khi ra trường. Anh ta kể rằng: Lúc mới đến Mỹ, anh ta quen với một người bạn Việt Nam khác. Người này sau khi xong Trung Học thì đi tìm việc làm và làm việc ngay tại địa phương với công việc là bóc ruột gà Tây ở một hãng làm thịt gà. Riêng Thành vẫn cố gắng trên đường học vấn. Anh chỉ sống với một valy sách vở và số tiền học bổng nghèo nàn; trong khi đó người bạn kia sau hai năm làm việc tại hãng mổ gà Tây bây giờ đã có xe hơi và nhà riêng.
Còn anh vẫn cố gắng nghiên cứu, tìm tòi viết 16 bài nghiên cứu về khoa học giá trị. Đến năm 1992 anh về làm Giáo sư Đại Học Utah sau khi đỗ Tiến Sĩ. Sau đó anh được chọn là nhà khoa học trẻ nhiều triển vọng của Hoa Kỳ với giải thưởng 500.000 đô la cho những công trình nghiên cứu và năm 2002 anh Thành được cấp bằng Giáo Sư cao cấp, tức là bậc cao nhất trong 3 cấp Giáo Sư của Mỹ.
Sau đó anh về thăm lại chốn xưa, người bạn cũ bây giờ không còn làm trong hãng gà Tây đông lạnh nữa. Vì sau bao nhiêu năm đứng trong nhà máy đông lạnh, bây giờ tay chân đã rã rời và đổi nghề khác. Khi đề cập về các yếu tố để được thành công như trên, Giáo sư Thành cho biết rằng: Người đó có tiềm năng trời phú. Thứ hai, có môi trường giúp họ phát triển và thứ ba người đó có nhận thức được rằng mình có cơ hội đó hay không.
Đây là ba điều kiện cần và có. Thật sự ra, ai sinh ra trong đời nầy cũng mang theo một năng khiếu đặc biệt. Thế nhưng mình không biết nhận ra mình mà thôi. Vả lại bản chất của con người là lười biếng; chỉ muốn có kết quả sớm như mì ăn liền thì làm sao chín chắn được. Điều thứ hai quan trọng là môi trường. Cũng may là Giáo sư Thành được đi Mỹ để học; nếu chẳng may bị trôi giạt đến những rừng già hay sa mạc của Phi Châu thì chắc chắn rằng Giáo sư Thành không có ngày nầy đâu. Điểm cuối cùng là chính mỗi cá nhân có nhận thức được mình có cơ hội ấy không?
Đọc ba điều trên của một cậu bé đi bán thuốc lá dạo ở chợ Gò Vấp thuở nào, rồi chăn trâu, làm ruộng ở Lái Thiêu mà bây giờ là Giáo sư Tiến Sĩ đang đứng trên bực giảng của Đại Học Utah Hoa Kỳ, giảng cho những sinh viên Tiến Sĩ khác về công trình nghiên cứu của mình thì thật là một điều kỳ diệu.
Ngày xưa vào thế kỷ thứ 13 ở Nhật có một vị Tổ của Tịnh Độ Tông Nhật Bản, đạo hiệu là Shinran (Thân Loan); sau khi tu chứng và nương vào tha lực của Đức Phật A Di Đà để được thành tựu việc vãng sanh về thế giới Cực Lạc trong phần Giáo, Hạnh, Tín, Chứng; Ngài viết rằng: Thật ra một người mù và một người có mắt cùng đi chung trên một chuyến đò, khi qua được bên kia bờ rồi thì người mù và kẻ sáng mắt ấy giống nhau ở mục đích đến, không có gì khác nhau cả. Chiếc thuyền chỉ cho tha lực của Đức Phật A Di Đà; còn người mù, kẻ sáng mắt là chúng sanh trong thế giới nầy. Bờ bên kia, chính là sự giải thoát sanh tử. Khi qua được rồi thì ai cũng giống nhau. Đây là nhờ bổn nguyện lực của Đức Phật A Di Đà mà chúng sanh được thành tựu như vậy. Do đó pháp môn Tịnh Độ không kể kẻ phàm, người trí, xuất gia hay tại gia… tất cả đều có thể lên bờ giải thoát; nếu chúng sanh ấy ưa muốn.
Năm 1972 khi tôi còn học tiếng Nhật tại trường Nhật ngữ ở Yottsuya, có bà giáo già lúc nào cũng nhấn mạnh rằng: Ano hito Atama ga ii desu ne! (Người kia thông minh) Sono hito Atama ga warui desu ne! (Người nọ dốt, dở). Tôi đưa tay lên phản bác và lý luận rằng: Thật ra chẳng có người nào là thông minh và cũng chẳng có người nào đần độn cả. Ví dụ như lập phương trình để giải một bài toán. Đáp số ra giống nhau thì không thể nói rằng ai thông minh và ai kém thông minh. Chỉ có điều người giải trước và kẻ giải sau mà thôi. Bà giáo lắc đầu và chẳng nói gì. Lập luận nầy mãi cho đến bây giờ tôi vẫn còn giữ như thế. Thật sự ra yếu tố thông minh chỉ là yếu tố phụ. Yếu tố cần và chăm là yếu tố chính của mọi người. Vì lẽ Phật tánh thì không phân biệt đàn bà, đàn ông hay kẻ ngu người trí. Tất cả đều giống nhau. Điều quan trọng là Phật tánh của người ấy có sáng suốt toàn diện hay Phật tánh kia vẫn còn một phần mây mù của vô minh che phủ mà thôi. Ở đây giống nhau là Phật tánh, khác nhau là ai đã được chiếu sáng toàn diện và ai vẫn còn bị bóng mây che phủ. Như vậy Tiến Sĩ, Bác Sĩ, Kỹ Sư, Nhạc Sĩ, Đạo Sĩ, Tu Sĩ, Giáo Sĩ v.v… tất cả chúng ta đều có thể trở thành; nếu chúng ta thực tâm mong muốn điều đó.
Câu chuyện thứ hai liên hệ với xứ Đức, nơi tôi đang ở từ năm 1977 đến nay. Khi mới đến đây ai cũng lo chiến đấu với ngôn ngữ và cái lạnh của xứ Đức nầy. Thật ra ở Nhật cũng có tuyết vào đông, nhiệt độ ở Tokyo thỉnh thoảng vẫn ở không độ; nhưng sao ở đây cái lạnh nó tê tái, mà ngôn ngữ khó vô cùng; nào der, die, das và đủ loại biến thể của ngôn ngữ nầy. Tôi ăn chay nên đi tìm mua đậu hủ và chao không phải đơn giản như bây giờ. Phải lên tận Hamburg vào tiệm người Hoa hay xuống Aachen mới tìm mua được những món nầy.
Nhưng rồi ngày tháng trôi qua ai cũng quen đi. Bỗng một hôm, trên đường từ nhà ga xe lửa về chùa, tôi nhận thấy có một tấm bảng quảng cáo tranh cử cho đảng F.D.P (Đảng Dân Chủ Tự Do). Tôi nhìn kỹ thì thấy người thanh niên ấy dáng dấp là người Việt Nam, nhưng lại mang tên là Dr. Philipp Rößler. Sau nầy tìm hiểu và được biết anh ta ứng cử đơn vị Döhren; nơi gần chùa Viên Giác và anh đã đắc cử Dân Biểu tại địa phương nầy. Bẵng đi một thời gian báo chí lại đưa tin rằng: Dr. Philipp Rößler bây giờ là Tổng Thư Ký của đảng F.D.P và là Bộ Trưởng Bộ Giao Thông Thể Thao của Tiểu Bang Niedersachsen. Tôi xem tin tức thấy cũng vui. Vì mình là người Việt Nam mà có người sinh ra tại Việt Nam bây giờ làm chức lớn như thế ở trong Tiểu Bang này lại còn gì vui hơn thế nữa.
Sau kỳ bầu cử Quốc Hội Liên Bang của Đức cách đây 3 năm, đảng CDU/CSU liên kết với đảng F.D.P cầm quyền và vào năm 2010 Dr. Rößler đã được bầu làm Bộ Trưởng Y Tế Liên Bang Đức; đến giữa năm 2011 ông Westerwelle, Đảng Trưởng F.D.P, được cử làm Bộ Trưởng Bộ Ngoại Giao; còn Dr.Philipp Rößler lên làm Đảng Trưởng, đương kiêm Phó Thủ Tướng. Vị trí nằm thứ 2 trong nội các liên minh, chỉ ngồi sau bà Thủ Tướng Dr. Merkel một ghế, mà người ấy lại có mái tóc đen, xuất xứ từ Việt Nam, quả là điều mầu nhiệm. Khi Dr. Rößler lên làm Bộ Trưởng Y Tế coi sóc sức khỏe cho 85 triệu dân Đức, nhật báo Bildzeitung (Hình Ảnh) đăng tin rằng: „Có một người không có quê hương, không có tên gọi khi mới sinh ra. Bây giờ là Bộ Trưởng Y Tế của đất nước chúng ta“. Đây là một tin nóng hổi, ai đọc cũng biết đó là người nào. Thế rồi tờ báo mới đi ngược dòng thời gian như sau:
Người ấy mới 9 tháng tuổi vào cuối năm 1973 đã được một gia đình người Đức ở Hamburg đến Cô Nhi Viện ở Sóc Trăng nhận về đây làm con nuôi và sau đó gia đình cha mẹ nuôi về ở Bückeburg, tiếp đến cậu Philipp Rößler học Y khoa tại Đại Học Hannover. Anh thực tập trong trại lính với chuyên ngành về nhãn khoa. Vợ của Philipp người ở Goslar cũng là Bác Sĩ, sau khi thành hôn, bà vợ khuyên anh nên về Việt Nam để thăm lại quê hương cũ để sau nầy hai con song sinh của anh lớn lên hỏi quê nội ở đâu thì con anh có thể biết được.
Từ đó tờ báo tiếp tục theo dõi sự việc nầy và các phóng viên cũng về tận Sóc Trăng; nơi Cô Nhi Viện Thiên Chúa Giáo đã nuôi dưỡng Dr.Philipp Rößler từ những ngày mới lọt lòng mẹ và được đem vào đây để cho các Dì Phước nuôi. Một trong hai Dì Phước trông trẻ lúc ấy đã mất, bây giờ chỉ còn lại một bà Soeur già đã hơn 80 tuổi. Phóng viên Đức hỏi rằng: Bây giờ Soeur có mong được gì ở một ông Phó Thủ Tướng Đức mà ngày xưa, cách đây 38 năm về trước Soeur đã chăm sóc cho ông ta không? Soeur già nhoẻn miệng cười và chỉ trả lời rằng: „Tôi chỉ muốn giữ lại hình ảnh của đứa bé 9 tháng tuổi thuở ấy mà thôi“. Câu trả lời thật là chân tình và đầy đủ ý nghĩa.
Đúng là vận may của Dr. Philipp Rößler. Nếu chẳng may ông vẫn còn ở lại trên quê hương xứ Việt thì sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 chẳng biết đã ra sao! Và cũng may cho ông được một gia đình người Đức bảo trợ và nuôi dưỡng trên lãnh thổ Tự Do Tây Đức. Nếu lỡ bị sang Đông Đức hay các xứ nghèo khổ khác thì chắc gì Philipp đã có ngày hôm nay. Nhưng thỉnh thoảng người Việt tại Đức vẫn không vui mấy khi nghe những câu trả lời với báo chí của ông Phó Thủ Tướng nầy là: Tại sao người ta phải tìm lại quá khứ để làm gì? – Có lẽ ông muốn lấy lòng 85 triệu cử tri Đức? Nhưng mỗi ngày ông soi kiếng, ông vẫn thấy mình tóc đen, mũi thấp. Tuy vậy người Đức vẫn chấp nhận ông và cộng đồng người Việt ở đây vẫn thấy gần gũi với ông, vì dẫu sao đi nữa ông ta đã được sinh ra nơi mảnh đất có hình cong như chữ S.
Tôi quan sát từ trước và sau năm 1975 đến nay thì thấy rằng: Có những thế hệ Ông Bà không biết chữ, không biết ký tên mình vào Pasport; nhưng thế hệ thứ hai, con cái của những người nầy hiện là những thương gia giàu có trên khắp thế giới ngày nay. Kế đến thế hệ thứ ba được sinh ra tại xứ Đức nầy họ là Bác Sĩ, Nha Sĩ, Kỹ Sư, Tiến Sĩ v.v… Thế hệ nầy đã hội nhập hoàn toàn vào quê hương mới; nhưng đến thế hệ kế tiếp thì lại có nhiều vấn đề như tự tử, ly dị, bỏ học giữa chừng v.v… đây chẳng qua là kết quả của một chuỗi thời gian dài mà người tỵ nạn đã kinh qua. Do vậy ông bà mình xưa nay nói chẳng sai chút nào là: „Chưa có ai giàu ba họ, đâu có ai khó ba đời“ là vậy.
Với những điều tốt đẹp và thành quả đã nêu trên bên Đời cũng như bên Đạo, tôi không có ý tự hào, tự mãn mà chỉ tin vào khả năng của mỗi người trong chúng ta khi đối diện với sự học hành, thi cử cũng như những công việc hằng ngày; và tuyệt nhiên không có tính cách khoe danh là tôi được thế nầy, mà người khác chẳng được. Nếu người khác muốn thì vẫn làm được như thường. Vì tục ngữ Pháp có câu: „Vouloir c’est pouvoir“ (Muốn là được).
Tôi viết bài nầy với tất cả niệm chân tình của mình đối với những bậc Trưởng Thượng cũng như đối với Sư Đệ, Sư Điệt và Đệ Tử của mình và những người không quen biết đã một thời làm rạng danh cho dòng giống Lạc Hồng tại xứ người; nhưng nếu nhìn dưới nhãn quan của Phật Giáo, bất cứ là Sĩ nào trong xã hội nầy cũng đều bị biến đổi bởi vô thường, khổ, không và vô ngã cả. Không có bất cứ cái gì có thể tồn tại trong đời nầy ngoại trừ cái tâm. Tâm ấy dẫn đầu các pháp, tâm ấy tạo ra thiện ác. Do vậy tu tâm là quan trọng để chúng ta làm sao thoát khỏi vòng sinh tử, tử sinh nầy mới là điều đáng quý. Còn bao nhiêu Vua, Quan, Công, Hầu, Khanh, Tướng, Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh v.v… cuối cùng rồi cũng đi vào chỗ không to tướng mà thôi.
Mong mọi người hiểu được như vậy.
Thích Như Điển
Viết xong vào ngày 12 tháng 2 năm 2012
tại Tu Viện Viên Đức.
Kỷ niệm ngày Hạnh Giả xuất gia 10 năm về trước.
__________________________________
Chiến sĩ áo vàng
● Thích Như Điển
Người xuất gia từ ngàn xưa cho đến ngày nay, dầu Nam Tông hay Bắc Tông, dầu Tây Tạng hay Việt Nam, dầu Ðại Hàn hay Nhật Bản v.v… khi hành trì những nghi lễ truyền thống, đa phần hay đắp y vàng. Ðây là một lễ phục rất trang nghiêm khi đứng trước Ðại Tăng và quần chúng Phật Tử.
Chiếc y ấy đã được Ðức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni sau khi thành đạo, một hôm Ngài đứng trên núi Kê Túc nhìn xuống những thửa ruộng thấy nông dân đang cày cấy, Ngài nảy ra ý định chế ra pháp phục cho chư Tăng, dùng những miếng vải dư thừa, đan bện, nối kết lại thành những ô hình chữ nhật dài ngắn khác nhau, giống như những thửa ruộng kia, để cho người cư sĩ tại gia có cơ hội gieo trồng hạt giống phước vào cánh đồng ruộng mênh mông vô tận ấy. Kể từ đó trở đi, hình ảnh chiếc y vàng gồm nhiều mảnh ráp nối lại đã trở thành một hình ảnh khó quên đối với quần chúng người Ấn Ðộ vào mỗi buổi sáng mai, chư Tăng Ni đi vào thành khất thực và cũng kể từ đó Phật Giáo được truyền qua các xứ Nam phương rồi Bắc phương… đến đâu Phật Giáo cũng phải khế nhập vào phong tục và tập quán từng vùng; nên chiếc y vàng kia lại có nhiều sự thay đổi tiếp theo đó.
Ðọc Ðại Chánh Tân Tu Ðại Tạng Kinh (bản chữ Việt) phần kinh Trường A Hàm chúng ta thấy ngay những hình ảnh ban đầu nầy và dễ nhận biết công việc hằng ngày của Ðức Thế Tôn cũng như của các vị Ðệ Tử xuất gia của Ngài. Từ sáng tinh mơ Ngài và Ðại Chúng đã tĩnh tọa đâu đó nơi Tịnh Thất hay nơi Vườn Xoài của một tín chủ. Rồi Ngài đi vào thành để khất thực. Nếu bữa nào còn sớm quá chưa phải giờ thì Ngài ghé thăm một vị Phạm Chí hay một vị Bà La Môn nào đó để giải trừ những thắc mắc; hoặc giả giảng cho họ nghe về pháp tu khổ hạnh của họ, như thế là không hợp với Ðạo Lý. Có người nghe xong rồi liền quy y Tam Bảo và thọ trì 5 giới cấm. Có người xin xuất gia, có người yên lặng vì chưa rõ nghĩa. Dĩ nhiên trước đó thì đa phần những người nầy đều phản đối Ðức Phật.
Sau đó Ðức Phật đi vào thành khất thực theo thứ lớp, bất luận là giàu nghèo. Ðây cũng là cơ hội để thí chủ có cơ hội trực tiếp cúng dường, đảnh lễ và tiếp xúc với Tăng Ðoàn của Ðức Phật. Hôm nào có Vua Chúa hay Thí Chủ mời cúng dường từ một đến bảy ngày thì Ðức Phật im lặng nhận lời và sáng sớm hôm sau Ngài cùng Chư Tăng sửa y cùng bình bát, đi chân không đến địa điểm được mời. Thường thì Ðức Phật được mời ngồi chỗ cao nhất và các vị Ðệ Tử theo thứ lớp mà ngồi. Kế tiếp là tín chủ đảnh lễ Phật và Chư Tăng, sau đó mang nước cho Phật rửa tay trước khi dùng ngọ. Sau khi dùng xong, rửa bình bát sạch sẽ, đoạn Ngài ngồi ngay ngắn để thuyết pháp và thường thì Tín Chủ cúng dường bữa ăn hôm ấy bắt một cái ghế nhỏ ngồi bên cạnh để nghe Phật khuyên bảo, dạy răn cũng như khuyến tấn.
Trong tất cả những lời dạy, hầu hết đều chứa đựng lòng từ bi và trí tuệ, hầu như không thể hiện một sự giận dữ nào vì lẽ Ðức Phật đã biết cái nhân trước đó là gì. Những lời dạy thật chí tình, chí lý, không ai chối cãi được. Bởi vì Ngài dùng trí tuệ để xét soi căn cơ của người đối diện; cho nên từng câu, từng chữ của Ngài đều hướng đến người kia để họ dễ tiếp thu lời dạy vàng ngọc của Ðức Phật. Trên từ vua chúa, quan đại thần, Bà la môn; dưới đến những người kỹ nữ, gái mại dâm, người thợ rèn, kẻ nông phu v.v… ai nghe rồi cũng cảm thấy hoan hỷ và thọ trì những lời Phật dạy để chế ngự tâm dâm dục, hỉ nộ và si mê, tà kiến kia. Sở dĩ con người vẫn luôn bị những độc tố nầy gây hại, vì thiếu giữ giới thanh tịnh, thiếu lòng từ bi đối với muôn loài và thiếu trí tuệ để quán xét tự thân. Những giáo điều Ðức Phật dạy cho những người đang mặc áo vàng hay mặc áo trắng chủ yếu là phải trở vào bên trong để quán xét nội tâm của mình chứ không phải hướng ra bên ngoài để phê phán kẻ khác. Vì lẽ trước khi muốn cứu người, chính đương sự phải biết bơi trước.
Kinh Trường A Hàm Ðức Phật dạy những bài học rất thiết thực cho cả người xuất gia lẫn tại gia, cho những cư sĩ thuần thành lẫn người ngoại đạo Bà La Môn. Những bản kinh căn bản thiết thực như thế, ai nghe qua cũng phải sinh tâm tàm quý, để từ đó biết hổ thẹn với tự tâm mà tu hành để được giác ngộ con đường phạm hạnh cao hơn thế nữa.
Một hôm Ðức Phật đi đến giảng đường, ngồi lên chỗ ngồi đã dọn sẵn và bảo các vị Tỳ Kheo rằng:
„Này các Tỳ Kheo! Ta sẽ giảng cho các Thầy bảy pháp bất thối, các Thầy hãy lắng nghe, lắng nghe, suy nghĩ kỹ“.
Các vị Tỳ Kheo bạch Phật:
„Kính vâng, bạch Ðức Thế Tôn. Chúng con muốn nghe“.
Phật bảo các Tỳ Kheo:
„Này các Tỳ Kheo! bảy pháp bất thối là:
„Một - Thường hội họp luận bàn nghĩa lý chân chính, thời lớn nhỏ hòa thuận, mà chánh pháp không bị suy thoái.
„Hai - Trên dưới hòa đồng, kính thuận không trái, thời lớn nhỏ hòa thuận, mà chánh pháp không bị suy thoái.
„Ba - Trọng pháp, hiểu điều cấm kỵ, không trái quy chế, thời lớn nhỏ hòa thuận, mà chánh pháp không bị suy thoái.
„Bốn - Nếu có Tỳ Kheo nào có năng lực hộ chúng, có nhiều tri thức, nên được kính thờ, thời lớn nhỏ hòa thuận, mà chánh pháp không bị suy thoái.
„Năm - Niệm hộ tâm ý, lấy sự hiếu kính làm đầu, thời lớn nhỏ hòa thuận, mà chánh pháp không bị suy thoái.
„Sáu - Tịnh tu phạm hạnh, không chạy theo trạng thái dục, thời lớn nhỏ hòa thuận, mà chánh pháp không bị suy thoái.
„Bảy - Trước người rồi sau mình, không tham lam danh lợi, thời già trẻ hòa thuận, mà chánh pháp không bị suy thoái“. (Trích Bộ A Hàm I trang 54).
Nếu chúng ta phân tích ra từng điểm một trong bảy điểm mà Ðức Phật đã dạy cho các vị Tỳ Kheo thời Phật còn tại thế và so ra với thời nay, có những điểm nào chúng ta thực hiện trọn vẹn, còn những điểm nào không thực hiện được.
Ðiểm thứ nhất - Ðức Phật thường thấy ngoại đạo phạm chí thường hay tụ họp; nhưng nói những chuyện thị phi nhơn nghĩa, ví dụ như: chuyện chiến tranh, chuyện trai gái, chuyện ăn uống, chuyện buôn bán, chuyện tu khổ hạnh như thế nầy hay thế kia… Ðây là những chuyện bất chánh. Vậy muốn làm cho chánh pháp không bị suy thoái và trên dưới hòa thuận nhau thì các vị Tỳ Kheo phải không làm những điều như trên mới có thể thực hiện lời dạy của Ðức Phật được. Nghĩa là phải nói chân lý diệt khổ, mang lại sự an vui cho mọi người, chứ không phải những chuyện đàm tiếu của thế gian. Do vậy Tổ Quy Sơn bên Trung Hoa cũng có dạy trong luật Sa Di rằng:
„Khiết liễu tụ đầu, huyên huyên đản thuyết nhơn gian tạp thoại; ... „bất kỉnh thượng, trung, hạ tọa như Bà La Môn tụ hội vấn thù“.
Nghĩa: „Hay chụm đầu nhau lại, bàn nói luôn luôn chuyện thế gian càn dỡ,... không tôn kính cao thấp thì cũng giống như những người Bà La Môn họp lại nói chuyện phiếm với nhau“.
Thiết nghĩ hơn 2500 năm sau khi Phật diệt độ, chúng ta đã thể hiện trọn vẹn tư tưởng và hành vi đức hạnh nầy được chăng; mỗi người trong chúng ta nên tự nhìn lại chính mình.
Ðiểm thứ hai - Rõ ràng là trong một đoàn thể mà không có cao thấp, tính theo hạ lạp, mà bạ đâu ngồi đấy, thì chẳng khác nào một phiên họp chợ của những người ngoại đạo. Nếu không có sự hòa đồng trên dưới thì chánh pháp sẽ khó mà tồn tại lâu dài.
Ðiểm thứ ba- Phải cung kính giáo pháp của Phật dạy. Ai hiểu được pháp, tức là người ấy hiểu được Phật; ai hiểu được Phật, người ấy sẽ hiểu được pháp. Ðó là pháp Duyên Sanh. Phải tuân theo giới luật và không làm ngược lại những quy chế của Phật đã dạy. Người nào đi ra ngoài tinh thần giới luật, tức người ấy sẽ không được bảo hộ.
Ðiểm thứ tư - Trong xã hội nào từ xưa đến nay cũng vậy, người có năng lực trí tuệ và lòng từ đối với muôn loài thì người ấy phải luôn được tôn trọng và đề cao. Người ta không đề cao cái ác mà luôn ca ngợi cũng như xiển dương cái thiện. Có như thế chánh pháp mới không bị suy thoái và lớn nhỏ mới hòa thuận với nhau.
Ðiểm thứ năm- Mỗi người phải tự mình hộ trì chánh niệm trong khi đi, đứng, nằm, ngồi. Trong 4 oai nghi ấy phải luôn luôn giữ gìn và tỉnh thức thì chư Thiên và loài người sẽ bảo hộ và tôn kính. Bằng ngược lại thì chánh pháp sẽ không tồn tại được lâu dài.
Ðiểm thứ sáu - Các vị Tỳ Kheo không bị chi phối bởi sự khát ái. Bởi lẽ tình yêu là sợi dây ràng buộc, là muối mặn; càng uống vào càng khát thêm và cơn đã khát không có cuối cùng. Do vậy Tỳ Kheo phải biết dừng đúng lúc. Nếu không thì chánh pháp sẽ khó mà tồn tại lâu dài.
Ðiểm thứ bảy - Phải cung kính những bậc Trưởng Thượng, sau đó mới đến mình; quyết không có tâm tham lam danh lợi. Vì danh lợi là môi trường của thế gian, chứ không phải của người tu hành. Người tu hành mục đích là giải thoát sanh tử; chứ không phải vì lợi dưỡng của thế gian. Nếu không làm vậy thì chánh pháp sẽ không được tồn tại lâu dài.
Ðọc A Hàm (Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tăng Nhất A Hàm và Tạp A Hàm) ta thấy những lời dạy thường hay lặp lại từ một đến ba lần và có những mẩu chuyện không phải do chính Ðức Phật nói, mà do Ngài Xá lợi Phất hay Ngài A Na Luật nghe xong rồi theo lời dạy của Ðức Phật tuyên nói lại cho đại chúng nghe. Sở dĩ có việc lặp lại nhiều lần như vậy vì:
Kẻ thượng căn thượng trí thì khi nghe xong rồi hiểu, hiểu rồi lại chứng quả ngay. Còn kẻ trung căn trung trí khi nghe xong rồi hiểu; nhưng việc hiểu ấy không đủ để chứng quả; nên phải nói lại hai hay ba lần. Còn kẻ hạ căn hạ trí thì nghe xong rồi chẳng hiểu, mà nếu có hiểu thì cũng hiểu sai ý của Phật; cho nên phải nói lại đến ba lần hay nhiều hơn thế nữa.
Vả lại giáo lý của Ðức Phật phải trải qua 5 giai đoạn mới thành thục, nhuần nhuyễn được.
Giai đoạn đầu ví như sữa bò mới lấy được từ thân bò sữa, hãy còn thô, chưa dùng liền được. Ðiều nầy cũng giống như người mới vào ngưỡng cửa của Ðạo.
Giai đoạn hai gọi là Tô. Nghĩa là sữa ấy đã được tinh chế, đã bắt đầu nhuần nhuyễn cũng giống như người sau khi nghe pháp, bắt đầu ăn chay niệm Phật, giữ giới, làm lành.
Giai đoạn ba gọi là Sanh Tô. Nghĩa là sữa ấy đã được chế biến nhuần nhuyễn, mềm mại, thơm tho. Ý nói những người thực hành giáo pháp của Ðức Phật đã đi đến chỗ tự nhiên, không gượng ép, bó buộc.
Giai đoạn thứ tư gọi là Thục Tô. Nghĩa là sữa ấy đã thuần thục, tuyệt hảo; không chê, không bỏ đi đâu được. Ý nói người theo Phật đã rõ lý nhân quả, tội phước… tất cả đều quay về mình để tấn tu Ðạo nghiệp.
Giai đoạn thứ năm cũng là giai đoạn cuối cùng gọi là Ðề Hồ. Ðề Hồ cũng là sữa; nhưng sữa ấy đã trở thành chất ngon ngọt, bổ dưỡng, nuôi sống tự thân được. Ðây là giai đoạn hoàn toàn thuần thục của người tu giải thoát; giống như lụa đã thành hình. Tơ ấy là con tằm, dâu, kén, nhộng; nhưng tơ là kết quả của những giai đoạn đã được gạn lọc như trên và ở đây sữa cũng vậy.
Nếu người xuất gia hay tại gia tu theo giáo pháp của Ðức Phật mà hành trì miên mật và nhuần nhuyễn như những giai đoạn của sữa và lụa như trên thì ai trong chúng ta cũng sẽ có được những thành quả của tự thân thật là tuyệt vời.
Hình ảnh của những vị Cư sĩ đối với các vị Tu sĩ ở các xứ Nam Phương Phật Giáo vẫn còn gìn giữ được truyền thống như thời Phật còn tại thế. Ví dụ như tại Thái Lan, Lào, Cam Bốt, Tích Lan, Miến Ðiện v.v… khi Vua Chúa, Hoàng Hậu, Ðại Thần đi ngang qua Chư Tăng, Chư Tăng không cần phải đứng dậy để tiếp rước, đón chào, mà ngược lại những vị nầy tỏ dấu hiệu cung kính, quỳ xuống hay cúi thấp mình xuống để đảnh lễ Chư Tăng. Ðây là một hình ảnh đẹp mà những xứ Nam Phương đã giữ gìn truyền thống ấy kể từ khi Ðức Phật còn tại thế cho đến ngày nay.
Trong khi đó các xứ Bắc Tông Phật Giáo bị biến chất không ít. Có những Chư Tăng, Ni đang đảm trách những chức vụ của thế quyền. Do vậy khi những quan chức cao cấp hơn đến trước, phải đón tiếp, mời chào và phải tỏ rõ thái độ cũng như sự cung kính của một thuộc hạ. Như vậy hình ảnh chiếc y vàng của một chiến sĩ giải thoát không còn giữ nguyên giá trị nguyên thủy nữa. Nếu chúng ta không biết quay về với giới luật. Quả thật việc nầy về sau nữa sẽ dẫn tiếp những thế hệ kế thừa đi về đâu?
Mỗi tháng chúng tăng bố tát 2 lần hay sau mùa An Cư Kiết Hạ có ngày lễ Tự Tứ. Ðây là những cơ hội để Chư Tăng, Ni tự nhìn lại bản thân mình để thúc liểm thân tâm và nỗ lực hành trì trong việc gìn giữ giới thân huệ mạng của người xuất gia. Kể từ năm 1995 trở lại đây đã có những nhu cầu và những sự thôi thúc để Tăng Ni Việt Nam đang sống tại Hải Ngoại thành lập những tổ chức, đoàn thể để chỉ làm những việc của Tăng như đã được trình bày; chứ không có một ý nghĩa nào khác; nhằm nâng cao cũng như củng cố nội bộ của Tăng Già. Ðây là hình ảnh đẹp nhất để nối truyền lời dạy của Ðức Phật tự ngàn xưa cho đến ngày nay và những thành quả ấy được thể hiện qua các khóa an cư, bố tát; các khóa tu học Phật Pháp được tổ chức tại các châu lục cũng như những cái mốc của lịch sử Phật Giáo Việt Nam ở Hải Ngoại như sau:
- Năm 1995 Tổ chức Tăng Ni Việt Nam Hải Ngoại được hình thành tại chùa Viên Giác Hannover - Ðức quốc do Ðại Hội toàn thể Chư Tăng Ni của GHPGVNTN Hải Ngoại thành lập.
- Năm 2007 Tổ chức Về Nguồn I tại chùa Pháp Vân, Toronto, Canada.
- Năm 2008 Tổ chức Về Nguồn II tại chùa Bát Nhã, Nam California, Hoa Kỳ.
- Năm 2009 Tổ chức Về Nguồn III tại Tu viện An Lạc, Bắc California, Hoa Kỳ.
- Năm 2010 Tổ chức Lễ Hiệp Kỵ chư lịch Ðại Tổ Sư (Về Nguồn IV) tại Tu viện Viên Ðức miền Nam nước Ðức.
- Năm 2011 Tổ chức Lễ Hiệp Kỵ chư lịch Ðại Tổ Sư (Về Nguồn V) tại chùa Thiện Minh, Lyon, Pháp quốc.
- Năm 2012 sẽ Tổ chức Lễ Hiệp Kỵ chư lịch Ðại Tổ Sư (Về Nguồn VI) tại chùa Pháp Hoa, Adelaide, Úc Ðại Lợi.
Trên đây chỉ là cái mốc của những sự kiện đã xảy ra; nhưng mục đích của Tăng Già vẫn là sự hòa hợp. Khi sự hòa hợp chưa được đồng nhất thì chánh pháp không được lâu dài. Ước gì trong chúng ta; những người xuất gia ý thức được trách nhiệm là Trưởng Tử của Như Lai, thì công đức ấy thật không nhỏ.
Sau khi Tổ chức Lễ Hiệp Kỵ chư lịch Ðại Tổ Sư (Về Nguồn V) vào tháng 9 năm 2011 vừa qua tại chùa Thiện Minh Lyon, Pháp quốc, chư Tăng Ni và Phật Tử đã hòa hợp thật sự. Có nhiều buổi hội thảo thật là sâu thẳm và đầy tình người cũng như đạo vị; nhất là khi nhắc đến gương hy sinh của Bồ Tát Thích Quảng Ðức hay cái chết của cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh trong trại tù Hàm Tân do cộng sản Việt Nam giết hại vào năm 1979 và nhất là sự ra đi của cố Ðại lão Thích Huyền Quang, Ðệ Tứ Tăng Thống của GHPGVNTN mới đây là một mất mát quá to lớn, không gì có thể hàn gắn lại được. Do vậy đã có nhiều giọt nước mắt chảy dài để ngậm ngùi cho hoàn cảnh bi thương của Dân Tộc và Ðạo Pháp. Tất cả cũng chỉ vì một GHPGVNTN tại quê nhà cũng như cho người con Phật xa quê không muốn bị thế tục hóa Giáo Hội ở trong cũng như ngoài nước qua nhiều hình ảnh khác nhau; cho nên Chư Tôn Ðức mới không quảng ngại tuổi cao sức yếu và hoàn cảnh địa phương cách xa nhau, mỗi năm vân tập về một địa phương để làm nhiệm vụ của Tăng sai là vậy.
Nay Hòa Thượng Thích Tánh Thiệt, Viện chủ chùa Thiện Minh, Lyon, Pháp quốc cũng vừa là Trưởng Ban Tổ chức của Lễ Hiệp Kỵ chư lịch Ðại Tổ Sư (Về Nguồn V) vừa rồi, muốn biên tập thành một kỷ yếu để ghi lại những sự kiện đã xảy ra trong thời gian ấy; nên kêu gọi Chư Tôn Ðức Tăng Ni xa gần gởi bài vở đóng góp để tập kỷ yếu được có thêm nhiều màu sắc hơn. Do vậy tôi cũng xin tùy hỷ đóng góp bài viết nầy để nhằm thúc liễm cho chính mình và góp thêm cho tập kỷ yếu có được một tiếng nói trong nhiều tiếng nói khác.
Núi đồi Ða Bảo, vùng Blue Mountains,
New South Wales, Úc Ðại Lợi cuối tháng 12 năm 2011.
__________________________________
Nhìn về tương lai
● Thích Như Điển
Các vị Thiền Sư thường hay bảo rằng „quá khứ là những gì đã trôi qua, vị lai là những gì chưa đến; chỉ có hiện tại mới là những giây phút thật tuyệt vời“. Điều ấy hẳn nhiên đã đúng rồi. Nếu ai biết tỉnh thức trong giây phút hiện tại, tức là biết làm chủ thân và tâm của mình; làm chủ từng hơi thở, làm chủ trong từng sát na sanh diệt.
Riêng tôi có cái nhìn khác đi một tí. Nghĩa là: „nếu không có quá khứ thì sẽ không có hiện tại, mà hiện tại không, thì tương lai cũng sẽ chẳng có“. Cái nầy sẽ là cái nhân của cái kia và cái kia sẽ là cái quả của cái nọ. Nếu quá khứ tốt, thì hiện tại sẽ tốt; nếu hiện tại tốt thì vị lai sẽ không xấu. Đó là nhân quả; đó là tương tức; đó là những hệ lụy tự nhiên, không tiêu cực mà cũng chẳng tích cực.
Hơn 30 năm ở xứ Đức nầy, tôi đã đem hết tâm tình và khả năng của mình để bồi đắp tâm linh cho thế hệ trẻ và hỗ trợ tích cực cho thế hệ lớn tuổi trong lĩnh vực tinh thần. Rồi tôi cũng già đi và hôm nay nhìn lại quá khứ, thẩm định về tương lai, đang trụ giữa hiện tại, tôi an nhiên để cảm nhận được những điều như sau:
Hơn 30 năm về trước ở tại xứ Đức nầy mới chỉ có một vài người biết đánh mõ, tụng kinh và mặc chiếc áo tràng vào mỗi khi hành lễ. Thế mà sau hơn 30 năm đã có hằng trăm, hàng ngàn, hằng vạn chiếc áo tràng mặc vào để hành lễ tại các Đạo Tràng tu học khác nhau ở trong cũng như ngoài nước Đức. Nhìn thấy thế mà vui. Vì lẽ cái nhân đã ươm và cái quả đang gặt.
Ngày xưa, Phật Tử chuông mõ không rành; còn bây giờ có những Đạo Tràng, Phật Tử cũng có thể xử dụng chuông mõ cho việc tán tụng nữa. Giọng điệu thật thiền vị, không ồ ồ với giọng lên xuống không đều như ở thuở ban đầu. Họ tự làm chủ lễ khi không có Thầy, Cô hướng dẫn. Có nhiều nơi họ tự hướng dẫn Phật Pháp cho nhau. Quả là điều tuyệt diệu biết bao nhiêu!
Phật Pháp hay nói đúng hơn là hình ảnh của Đạo Phật ngày xưa chỉ thấy ở chùa; nhưng sau hơn 30 năm những hình ảnh của tượng Phật, Bồ Tát, cách thờ tự, trang trí một bàn thờ thật trang nghiêm đã có mặt tại mỗi gia đình Phật Tử; không những chỉ ở những gia đình có người lớn tuổi, vốn theo Đạo Phật truyền thống, mà còn hiện diện nơi những gia đình của những cặp vợ chồng trẻ. Họ là Bác sĩ, Kỹ sư, Kiến trúc sư v.v... Họ ăn chay trường hay ăn chay kỳ. Họ đi tụng kinh bái sám, tụng giới rất đều đặn, ở những ngôi chùa, đạo tràng hoặc tư gia.
Từ việc bắt đầu quy y Tam Bảo, thọ trì năm giới cấm; những Phật Tử nầy đã nghiên cứu, học hỏi và thực hành Bát Quan Trai giới để họ tự hành trì tại nhà mình hay tại chùa. Rồi họ tiến lên thọ Thập Thiện, Bồ Tát Giới tại gia. Trong đó cũng không hiếm có những người xin xuất gia đầu Phật ở tuổi trung niên.
Từ việc thực hành hạnh từ bi, ăn chay, niệm Phật ấy, họ đã vào đời bằng những tay nghề đã được trang bị với tinh thần của Lục Độ vạn hạnh. Họ là những người lớn tuổi, trung niên hay thanh thiếu niên, không kể tuổi tác. Họ lao vào những hạnh nguyện độ đời và trong gia đình họ được Phật hóa. Ví dụ như khi con cái ăn chay trường thì cha mẹ cũng nấu chay cho con cái và ăn chay luôn cả nhà. Đây là một hình ảnh đẹp mà tôi đã chứng kiến qua tại nước Đức nầy. Có thể nói rằng: Đạo Phật ngày nay không còn ở tại chùa nữa, mà đã hiện diện ở trong mọi gia đình của người Phật Tử tại đây.
Họ hoan hỷ bố thí, cúng dường cho việc từ thiện làm lợi ích cho tha nhân như: xây chùa, đúc tượng, tô chuông, phóng sanh, mổ mắt tìm lại ánh sáng, giúp các trại cùi, cô nhi viện, người khuyết tật v.v... thật là những hành động thiết thực, nhằm xoa dịu những nỗi đau trầm thống của con người trong cõi thế nầy. Vì họ ý thức được rằng: cái lạnh của đôi bàn chân, vì không có vớ mang vào; không quan trọng bằng cái khổ của những con người không còn có đôi chân để được mang vớ vào nữa. Họ ý thức rất rõ về những đồng tiền làm việc từ thiện của họ.
Đồng tiền họ bỏ vào để xây dựng ngôi Tam Bảo, họ biết rằng nó không bị mai một bởi thời gian và năm tháng. Vì lẽ một thước đất cúng chùa; một miếng ngói đóng góp cho chùa, nó vẫn còn đó với thời gian. Không những chỉ có họ và riêng gia đình họ hưởng được phước đức hữu lậu kia, mà còn dành cho những người đến sau họ nữa. Vì lẽ mái chùa nầy đã che chở gia đình họ và xa hơn nữa, che chở cả hồn dân tộc của mình. Khi con trẻ của họ lớn lên, nếu có bạn bè tại nơi ấy hỏi rằng: văn hóa của dân tộc bạn là gì? thì có lẽ con em của quý vị không thể giới thiệu cho bạn bè của chúng nó là nhà hàng nấu ăn kia, mà chúng sẽ chỉ hình ảnh của một ngôi chùa hiện hữu ở gần nơi đó.
Vị Đại Sư Tulku Throndop, tác giả cuốn sách: Chết an lạc, tái sanh hoan hỷ, mà Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng ở Úc và cá nhân tôi đã có cơ hội dịch sang từ tiếng Anh qua tiếng Việt định nghĩa về công đức và phước đức như sau: Cũng giống như những giọt nước mưa từ hư không vô tận kia, tuy nhỏ bé; nhưng từng giọt, từng giọt sẽ rơi lên mặt đất; rồi những giọt nước ấy chảy vào ao, ra hồ; tiếp đến ra sông, rồi cuối cùng vận chuyển ra biển. Trong biển cả đại dương kia chứa đựng rất nhiều nước. Khi nào trong biển cả bao la ấy không còn nước nữa thì giọt nước ban đầu mới không có giá trị. Cũng như thế ấy, chúng ta là những người Phật Tử xuất gia và tại gia; chúng ta đến trước tượng Phật đảnh lễ 3 lễ, đốt một nén nhang cúng Phật, mang đến chùa một ít hoa tươi, một đĩa trái cây; hay chẳng mang gì cả mà chỉ có một tâm niệm hướng về chùa và cũng có lắm người cúng từng viên gạch, từng đồng tiền lớn nhỏ vào chùa để xây dựng ngôi Tam Bảo v.v... chỉ chừng ấy thôi. Nó là những công đức được tích tụ qua bao đời cũng giống như những giọt nước mưa kia để chúng ta tạo thành một vị giác ngộ về sau nầy. Nó cũng giống như những giọt nước mưa ban đầu kia, tuy nhỏ nhoi nhưng chúng là những phần tử của nước biển trong đại dương ấy. Ở đây việc làm phước, tạo ra cái đức cũng vậy. Với một vị Chánh Biến Tri, một vị Thiện Thệ, không thể thiếu những phước đức ban đầu ấy; tuy nhỏ nhoi, thô sơ nhưng rất cần thiết cho một vị giác ngộ trong tương lai vậy.
Ngồi trên chánh điện chùa Viên Giác hay tại các tư gia của các Phật Tử khi có dịp thăm viếng, tôi quan sát và nhận ra rằng cha mẹ đóng một vai trò rất quan trọng trong vấn đề giáo dục con cái của mình. Từ những bước chân chập chững vào đời, đứa bé đã theo mẹ cha suốt một hành trình dài như vậy để cha mẹ uốn nắn chúng nên người. Những cái chắp hai tay bằng những búp sen non mơn mởn, những cái cúi đầu hay những câu: A Di Đà Phật qua cha mẹ hướng dẫn cho con mình là hãy: Chào Thầy đi con! Chào Sư Ông đi con! Trông đẹp làm sao dưới làn mắt đen tuyền ấy cũng như những hành động hồn nhiên của tuổi thơ có lúc như thế nầy hay thế khác.
Những lần đầu chúng theo cha mẹ đi chùa; nhưng những lần sau lớn khôn hơn, chúng tự xin cha mẹ đi về chùa để gặp gỡ bạn bè cùng trang lứa vui chơi và lễ Phật. Rồi từ đó các em gia nhập vào các trại hè Thanh Thiếu Niên hay Oanh Vũ, hoặc ngành Thiếu, ngành Thanh trong Gia Đình Phật Tử. Ban đầu với những rụt rè, e lệ; nhưng những bước theo sau đó là hiền ngoan kèm thêm một ít ngỗ nghịch của tuổi thơ.
Mới đây tại Neuss vào những ngày lễ Phục Sinh kể từ 26 tháng 5 đến ngày 28 tháng 5 năm 2012 đã có một trại Thanh Thiếu Niên do các anh chị Trưởng của các Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Đức Quốc hướng dẫn đã có 230 em như thế đến tham dự trại. Một số quý Thầy, quý Cô trong Chi Bộ lo hướng dẫn cho các em học giáo lý và chơi trò chơi; riêng Thượng Tọa Thích Thông Trí và tôi, chăm sóc tinh thần cho 70 vị làm cha mẹ, ông bà của những trẻ thơ ấy. Đi đâu có con nhỏ là cha mẹ hay ông bà phải đi kèm. Cho nên một trại tu học hay huấn luyện luôn luôn có cả hai hay nhiều thành phần tham dự như vậy. Nhìn các em sinh hoạt với lứa tuổi hồn nhiên của mình, tôi cảm thấy vui. Vì tre đã quá già và măng bây giờ thì đang thi đua nhau mọc và được trưởng thành trong xứ sở tự do như nước Đức nầy, thì còn gì để tán dương hơn được nữa.
Năm nay nhuần 2 tháng tư âm lịch, nên lễ Phật Đản Sinh lần thứ 2636 và Phật lịch 2556 (2012) cử hành lễ trễ hơn thường lệ gần một tháng. Nghĩa là ngày 1 đến ngày 3 tháng 6 mới tổ chức. Những tưởng rằng ít người về chùa tham dự, nào ngờ cả hơn 6.000 người về chùa Viên Giác trong 3 ngày lễ ấy. Quả là một điều kỳ diệu. Việc nầy có thể giải thích bằng nhiều nguyên do khác nhau; nhưng nguyên nhân chính vẫn là thời gian tổ chức các lễ Vu Lan, Phật Đản tại chùa Viên Giác nói riêng hay các chùa Việt Nam trên nước Đức nói chung, đều đăng tải trên trang nhà Viên Giác cũng như qua báo Viên Giác, đồng bào Phật Tử khắp nơi đã biết trước đó cả gần một năm; nên những người đi làm đã lấy ngày nghỉ trước để về chùa tham dự lễ, mặc dầu những ngày ấy có mưa nắng hay bão tố v.v... vẫn đông người như thường.
Lý do khác là có những ca sĩ nổi tiếng như Mạnh Quỳnh và Phi Nhung hát vào tối thứ bảy ngày 2 tháng 6 tại hội trường của chùa, vào cửa miễn phí; cho nên thanh niên nam nữ chở đưa cha mẹ về chùa vừa đi lễ Phật, vừa xem ca hát rất đông. Đây là lý do tâm lý quần chúng mà ai ai cũng phải công nhận như vậy. Kể từ hơn 30 năm nay chùa Viên Giác luôn luôn tạo cơ hội như vậy để các nghệ sĩ đến với bà con Phật Tử; đồng thời Phật Tử từ xa năm bảy trăm cây số về chùa một công hai ba chuyện luôn thể. Nào là gặp gỡ bà con lâu ngày không có cơ hội; nay thì cơ duyên đã đến để hàn huyên, nào là nam thanh nữ tú v.v...
Trong đêm văn nghệ hôm 2 tháng 6 năm 2012 vừa qua, bản thân tôi cảm động vô cùng. Vì lẽ những màn trình diễn của các em Oanh Vũ của bảy Gia Đình Phật Tử hiện có mặt tại nước Đức từ Bắc xuống Nam như: Minh Hải, Chánh Giác, Pháp Quang, Tâm Minh, Chánh Niệm, Chánh Dũng và Chánh Tín đã là những hạt nhân chính trong các điệu múa Dân Tộc và ca hát Phật Giáo. Nay tuổi đã 64, khi nhìn các em ở tuổi 9, 10 đứng trên sân khấu hát ví von tiếng Việt và múa những điệu múa Dân Tộc, làm chạnh lòng nhớ đến quê hương, đến Giáo Hội, đến tương lai của Đạo Pháp; nên niềm tâm cảm lại càng lắng đọng sâu hơn khi những tiếng nhạc đã trôi vào khoảng không gian cô tịch ấy. Nhìn những cánh chim non Oanh Vũ hay những Đoàn Sinh ngành Thiếu và ngành Thanh mà tôi vui trong lòng, như chưa bao giờ được vui như vậy. Vì lẽ trước mặt mình đã có người trải đường dẫn lối và sau lưng mình đang có bao nhiêu thế hệ dõi bước theo. Như thế còn gì ý nghĩa hơn! Những việc nầy trước đây hơn 30 năm tôi đã chẳng ước mong, chẳng đợi chờ. Thế nhưng ngày nay lại có. Điều nầy chỉ có thể nói được với bốn chữ: „bất khả tư nghì“ mà thôi. Ngoài ra khó thể nói hết nên lời, mà chỉ bằng sự cảm nhận vậy.
Mỗi lần lễ như thế hơn 20 Chi Hội có mặt khắp nơi trên nước Đức đều vân tập về chùa để cùng với Ban Chấp Hành của Hội Phật Tử lo đảm nhận khâu tổ chức và hành chánh của chùa Viên Giác trong những ngày Đại Lễ. Đây là những hình ảnh đẹp tuyệt vời mà ít nơi nào trên thế giới nầy có được. Họ là những người lớn tuổi, kẻ trung niên hay những thanh niên nhanh lẹ đang có mặt trong các Ban Chấp Hành của các Chi Hội đã hăng say trong công việc của mình để vun bồi và bảo vệ chốn Tổ, quyết không để cho mai một với thời gian và năm tháng. Họ phân công và chịu trách nhiệm trong các khâu trật tự, đậu xe, ẩm thực, phát hành phiếu ăn, vệ sinh v.v... thật nhịp nhàng và linh động. Không ai phiền ai, không ai trách ai dầu là một nếp nhăn nhỏ trên trán. Tất cả đều nhoẻn miệng cười, khi một lỗi lầm xảy ra với người đối diện.
Rồi các chùa trên nước Đức và có thêm nhiều chùa ở Âu Châu cũng về dọn hàng quán bán thực phẩm chay để gây quỹ cho chùa mình trong những ngày Đại Lễ tại chùa Viên Giác có năm, sáu ngàn người về tham dự như vậy. Đây là điều hay ít có, mà chùa Viên Giác đã nhận được từ các chùa và chùa Viên Giác phải cảm ơn những chùa khác tại đây. Vì lẽ một mình chùa Viên Giác, Ban Trai Soạn sẽ không thể đáp ứng chỉ riêng cho khâu ẩm thực cho từng ấy người trong 3 ngày và mỗi ngày 3 bữa ăn như vậy. Nếu vài ba trăm người thì chùa lo nổi; nhưng với số lượng như vậy, số khách ăn uống sẽ giãn ra trong nhiều gian hàng. Họ tìm món nào thích khẩu vị với họ để nhập cuộc. Nếu hàng quán nào có món ngon, vật lạ, giá phải chăng... thì sẽ được chiếu cố nhiều hơn, khách lai vãng nhiều và số thu tăng hơn thường lệ. Đây là một sự cạnh tranh có trách nhiệm, mà người tiêu dùng chiếm lợi thế. Vì lẽ nếu hàng quán đó nấu dở mà còn bán giá mắt mỏ nữa thì chắc chắn lại ế hàng. Từ đó người bán phải suy nghĩ lại cách làm ăn của mình.
Trước đây mỗi chùa cúng dường cho chư Tăng Ni về tham dự một bữa ăn trong 3 ngày như vậy. Đây cũng là một hình ảnh đẹp, khó thấy được ở ngoại quốc ngày nay. Trước đây có các chùa như: Bảo Quang, Thiện Hòa, Quan Âm, Phật Bảo, Phật Huệ, Tâm Giác v.v... nay chỉ còn Linh Thứu, Tam Bảo, Phổ Hiền và một số các Chi Hội phụ trách. Do vậy Thầy trụ trì Thích Hạnh Giới chuyển việc tạo phước nầy qua cho các nhóm Phật Tử xuyên quốc gia đảm trách. Họ vui vẻ để nhận làm; mặc dầu công việc bếp núc suốt trong 3 ngày lễ còn lo ăn uống, cúng dường trai tăng cho năm, sáu chục vị không phải là chuyện đơn thuần.
Trước khi lễ và sau khi lễ có cả hằng chục, hằng trăm quý bác, quý anh chị về chùa lo chuẩn bị cho những ngày Đại Lễ và dọn dẹp sau khi lễ đã xong. Những công việc có tên hay không tên đều giống nhau. Vì tất cả mọi người đều ý niệm rằng: Đây là việc Đạo để tạo ra phước đức. Cho nên chẳng ai từ nan việc nặng nhẹ gì cả, mà ai cũng cố tâm thực hành nhẫn nhục, chịu khó, hy hiến tinh thần và sức lực của mình để việc chung sớm thành tựu viên mãn.
Trong khi tổ chức một đại lễ cho năm, bảy ngàn người như vậy không phải là một chuyện đơn thuần. Nghĩa là người nào việc ấy; chuyện ai nấy làm, không ai được quyền xen lấn vào trách nhiệm của người khác. Đây là một trong những điều kiện căn bản cần thiết nhất để đi đến thành công. Nếu không làm được như vậy thì khó thành tựu những việc lớn khác.
Những hàng quán thực phẩm, áo quần, rau cải, hoa quả bày bán nhan nhản khắp nơi trong sân chùa để chào khách. Đây là cơ hội để mua sắm cúng Phật hay mang về nhà. Nó không thuần là chuyện mua bán bình thường, mà vật ấy được xuất phát từ cửa chùa, mặc dầu chủ nhân của đa phần những món đồ ấy không phải là chùa Viên Giác. Có thể Viên Giác chỉ là một cái duyên, một cái móc nối để người đến với người, để vật trao đổi được thể hiện qua một sự tin tưởng cao hơn bình thường.
Năm nay (2012) lễ Phật Đản có độ 6.000 người về chùa dự lễ. Trong ấy khoảng 4.000 người là giới trẻ. Qua những buổi giảng pháp, tụng kinh hay đi thăm viếng chung quanh chùa, tôi đã gặp họ, trao đổi với họ, mà cảm xúc lại dâng cao. Vì lẽ những thế hệ được tiếp nối theo thế hệ không bao giờ dứt. Những tưởng rằng: Người trẻ ngày nay ít hay không quan tâm đến vấn đề Tôn Giáo nữa; nhưng điều ấy mọi người đã lầm. Vì tôn giáo là hơi thở của cuộc sống tâm linh; nên lúc nào con người cũng phải cần đến. Thiếu nó, người ta sẽ dễ bị chết ngộp trong cuộc sống vốn nhiều khốn khổ nầy.
Nhìn những người trẻ đi chùa, dầu bất cứ dưới hình thức hay điều kiện nào đi nữa, tôi vẫn cảm thấy vui. Vì nếu tre già mà măng chưa mọc, thì ai có thể thay thế vào đây để gánh vác việc chùa. Từ đó „tâm truyền tâm“, „thế hệ nầy truyền qua thế hệ khác“ là một việc làm hệ trọng vô cùng. Tuy là vô hình; nhưng rất cần thiết cho bây giờ và mai hậu.
Họ có thể là Phật Tử, con nhà lành hay những người khác đạo. Nếu dưới mái hiên chùa che chở được những tâm hồn hướng thượng như vậy cũng quý thôi. Có như thế cha mẹ họ sẽ an tâm hơn. Vì:
Trai khôn tìm vợ chợ đông,
Gái khôn tìm chồng ở chốn ba quân.
Ngày nay sa trường không còn là nơi thi thố hơn thua xáp trận như ngày xưa của người thanh niên giữa ba quân tướng sĩ nữa; mà là sự tìm hiểu, thông cảm, quen biết, chia xẻ, biết cảm thông v.v... thì mới mong tìm ra được hạnh phúc chân thật, đôi khi có khác nhau trong niềm tin Tôn Giáo đi chăng nữa; nhưng nếu được cả hai người nam và người nữ cùng tín ngưỡng thì vẫn quý hóa. Đây là những điều kiện căn bản để đưa đến việc dễ dãi hơn về sau nầy cho những thế hệ con cái của mình.
Người đàn bà ngày xưa ít học; nhưng thế hệ bây giờ đa số được đào tạo ở các Đại Học; cho nên người con trai không cần ra chợ; nơi có đông người để tìm vợ. Đây là do sự tiến bộ của khoa học, của thời gian và của hoàn cảnh, ở vào mỗi thời mỗi khác nhau. Nhưng nếu không có những cái cũ ngày xưa ấy thì sẽ không có cái mới bây giờ. Ngày mai đây và xa hơn thế nữa, sẽ không giống như ngày hôm nay. Vì chẳng có ai tắm được hai lần trong cùng một dòng nước. Đây là định luật của thiên nhiên, đất trời và vạn vật.
Nếu tìm được người chồng hay người vợ lý tưởng, hợp nhau ở mọi phương diện thì còn gì quý hóa hơn bằng; nhưng tất cả chúng ta sanh ra trong đời nầy đều vì nghiệp lực mà thành tựu; cho nên cái nghiệp ấy sẽ lôi kéo con người từ chỗ ác đến chỗ thiện; đôi khi ngược lại cũng nên. Đó là nhân duyên, là phước báu, là nghiệp lực của từng chúng sanh một, nghiệp sẽ chiêu cảm mình trong mọi hoàn cảnh và tình huống của cuộc đời; nhưng chúng ta vẫn có thể chuyển nghiệp được, nếu chúng ta thực sự muốn hoán đổi và nếu tự lực yếu thì phải cần đến tha lực của chư Phật và chư vị Bồ Tát; nhất là theo bổn nguyện lực của Đức Phật A Di Đà dựa theo lời nguyện thứ 18 của Ngài, thì chúng ta vững tin hơn, khi vẫn còn trầm luân trong cõi thế, hay thác sanh về một cảnh giới Tịnh Độ nào đó của chư Phật.
Điều lấy làm lạ là trong suốt hơn 30 năm qua, mỗi lần chùa Viên Giác tổ chức lễ Phật Đản hay lễ Vu Lan, trời vẫn nắng một cuối tuần trước và sau đó; nhưng tuần lễ chùa tổ chức trời lại kéo mây đến vần vũ trên bầu trời, như hù dọa mọi người. Nào giông bão, nào tuyết rơi, nào gió chướng; nhưng được một cái là đến ngày thứ sáu trời bắt đầu hừng sáng phía Đông, mây kéo về phía Tây, rồi chân trời lại tỏ rạng dần dần, ai nấy đều mừng rỡ và đều mong rằng: „Sau cơn mưa, trời lại sáng“. Đó là chân lý; nhưng khi nào mưa và khi nào sáng, quả thật đó chỉ là chuyện của đất trời, mưa gió, chứ không phải chuyện làm chủ của con người.
Thế rồi suốt ngày thứ bảy trời quang mây tạnh. Cứ từng đoàn người, từng xe buýt đổ xuống trước cổng chùa và cứ thế cứ thế sân chùa mỗi lúc mỗi chật hẹp hơn. Tiếng nói, tiếng cười, tiếng chào, tiếng hỏi lại làm náo động cả một không gian cô tịch của chốn Thiền môn nầy. Có khi tối thứ bảy ông Trời nhả ngọc phun châu để thử lòng người; nhưng mưa nặng hạt nhất vẫn là sau giờ lễ Phật Đản hay lễ Vu Lan đã cử hành trên chánh điện. Chiều chủ nhật sẽ là một chiều mưa vần vũ và đôi khi kéo sang cả ngày thứ hai nữa. Lúc ấy mặt trời lại cao hơn và khi càng cao mặt trời càng chứng tỏ sự ngự trị thiên nhiên và con người của mặt trời vẫn còn có giá trị.
Tôi vẫn nói: mình thuộc mạng hỏa, mà tích lịch hỏa nữa; cho nên trời làm mưa để rưới tắt não phiền chăng? Nhưng sau đời Trụ trì thứ nhất Thầy Thích Hạnh Tấn, rồi đời Trụ trì thứ hai Thầy Hạnh Giới, những vị nầy không phải mạng hỏa, mà Trời vẫn mưa và vẫn hù dọa như thường. Điều ấy cho đến nay chưa có ai lý giải được.
Nhìn về tương lai là một tiêu đề tương đối khá rộng lớn, mà đa phần là những thành quả có được trong mấy mươi năm qua. Hầu hết là những việc hay, việc tốt; còn việc dở xấu, không phải là không có; nhưng với tôi, vấn đề là giải quyết vấn đề, chứ không phải chạy trốn vấn đề. Vì nếu chúng ta chạy trốn vấn đề nầy, thì vấn đề khác vẫn có thể ập đến với chúng ta như thường. Lúc ấy chúng ta phải làm sao đây? Phải chạy trốn tiếp tục, hay đối diện với sự thật ?
Có những thế giới toàn thiện như các bậc A La Hán, chư vị Bồ Tát, chư Phật trong mười phương vô biên thế giới. Các Ngài là những người chẳng gây nên lỗi lầm. Cũng có những thế giới toàn là ác nghiệp. Đó là những thế giới của địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh. Riêng thế giới loài người là thế giới của thiện ác lẫn lộn với nhau. Do đó con người có thể thăng tiến cao hơn vào các cảnh giới giải thoát khác, mà con người ấy cũng có thể đọa lạc vào chỗ thấp hèn hơn. Tất cả đều do chúng ta mà thôi. Từ đó tôi rút ra được một bài học cho mình là: Chỉ nên nhìn cái tốt của người khác, để tâm ta tự tại và an lạc hơn; không nên chỉ nhìn vào những dở xấu của người. Vì chúng ta cũng có nhiều thói hư tật xấu như thế. Vả lại cái hư, cái dở xấu của người, ta sẽ chẳng học hỏi được gì nhiều. Vậy tại sao chúng ta phải lao đầu vào đấy để phải lao tâm nhọc trí ?
Hơn 7.000 đệ tử tại gia và gần 50 đệ tử xuất gia, cũng có nhiều đệ tử xuất gia y chỉ nơi tôi, tôi xin cảm ơn họ rất nhiều. Vì từ họ, tôi đã học được những đức hy sinh, sự tận tụy, lòng tự trọng, sự nhẫn nại, sự hiểu biết, sự khiêm cung... chỉ ngần ấy việc, tôi học hỏi suốt một cuộc đời cũng chẳng xong và từ họ, tôi có được một tấm gương phản chiếu cho đời mình, trong sự tu cũng như sự học. Xin vô cùng niệm ân tất cả những người Đệ Tử xuất gia của tôi. Vì tôi là người có phước, luôn được họ hỗ trợ ở nhiều phương diện. Thầy trò trong hiện tại là sự trao đổi học hỏi kinh nghiệm trong sự tu học; chứ chẳng phải chỉ là sự „gọi dạ bảo vâng“ như ngày xưa nữa. Vì thời gian đã thay đổi; nên mọi việc cần phải đổi thay là vậy.
Tất cả mọi người đều là Thầy của chúng ta và chúng ta cũng là Thầy của mọi người. Nếu những gì người khác biết mà mình không biết, cần phải học. Ta phải đóng vai học trò mới có thể nhận được những cái gì cần thiết từ người Thầy dạy cho. Nếu những gì mình biết mà người khác không biết và cần học nơi mình thì mình sẽ là Thầy của những người không biết ấy. Đức Phật là một bậc Đại Giác Thế Tôn; nên Ngài là Thầy của Trời và Người, kể cả muôn loài chúng sanh. Còn chúng ta những chúng sanh đang chìm đắm trong sanh tử cũng chẳng khác nào người mù cầm đuốc trong đêm tối, để soi đường cho kẻ có mắt, để họ khỏi đụng nhằm khi không có ánh đèn kia.
Quả thật tất cả đều là tương duyên, tương sanh hay nói đúng hơn là tương tức. Cái nầy có, cái kia sẽ có; cái nầy sanh, cái kia sẽ sanh; cái nầy diệt, cái kia sẽ diệt. Chẳng có một cái gì trên thế gian nầy sống tách rời nhau mà có thể tồn tại được. Từ đó chúng ta có thể rút ra một kết luận rằng: Trong cái nầy có sự tồn tại của cái kia và trong cái kia có sự tồn tại của cái nầy. Do vậy sự hiện hữu của Anh cũng là sự hiện hữu của tôi và trong sự hiện hữu của tôi, đều chứa đựng sự hiện hữu của Anh, của muôn loài, vạn loại.
Viết xong tại Tu Viện Viên Đức, Ravensburg,
vào ngày 11 tháng 6 năm 2012
Niệm Phật cầu vãng sanh
● Thích Như Điển
Ai trong chúng ta được sinh ra trong đời này rồi, một ngày nào đó cũng phải từ giã tất cả những gì có liên hệ với ta trong một quãng thời gian nhất định của cuộc đời này để phải ra đi. Có kẻ đi lên, có người đi xuống; có kẻ đi ngang và có người lại ngược dòng sinh tử, trở lại thế giới này để cứu khổ độ mê. Tất cả đều do nghiệp lực và nguyện lực của mỗi người trong chúng ta.
Bồ Tát vào đời vì độ sinh mà nguyện vào nhà ngũ trược ác thế này để làm những việc khó làm. Còn đa phần chúng sinh vì nghiệp lực quá sâu dày; cho nên do nghiệp chiêu cảm ở đâu, con người phải theo đó để đi đầu thai. Cũng có thể tốt hơn, mà cũng có thể xấu hơn, tùy theo cái nhân mà mình đã gây ra trong quá khứ. Nếu người nào tu 10 điều thiện, thực hành Bồ Tát hạnh, thì khi lâm chung chắc chắn thần thức sẽ dẫn đi lên để đầu thai vào những thế giới cao hơn, có đời sống tuổi thọ lâu dài hơn; nhưng nếu không biết tu, sau khi đã hưởng hết phước lạc của cõi chư Thiên, cũng có thể trở lại làm người; hoặc làm thân Lạc đà và đôi khi phải bị đọa vào chốn địa ngục nữa. Nếu kiếp này giữ tròn 5 giới thì kiếp sau sẽ làm người đoan chánh, tướng mạo đoan nghiêm, lời nói dễ có người nghe và tạo nhân duyên cho những việc thiện tiếp theo sau nữa; nhưng nếu những người nào phạm vào tội ngũ nghịch (giết cha, giết mẹ, giết A-la-hán, phá hòa hợp Tăng, làm thân Phật chảy máu) hay Nhất xiển đề (những kẻ không tin Tam Bảo, nhân quả và tội phước) thì chắc chắn sau khi thần thức rời khỏi thân trung ấm phải đi đầu thai vào địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh.
Từ những nỗi khổ và niềm vui của chúng sanh trong cõi dục giới này như vậy; cho nên đức Phật A Di Đà hay chư vị Bồ Tát như Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Địa Tạng Vương v.v… đã lập ra những đại nguyện để cứu khổ mê đồ; nhưng nếu chúng sinh nào không có nhân duyên, thì các Ngài cũng không thể nào cứu độ được. Điều này cũng giống như ánh sáng mặt trời, tuy có thể chiếu rọi khắp nhân gian, nhưng những nơi có tàng cây rậm rạp, che khuất một không gian, thì nơi ấy mặt trời không thể chiếu thẳng vào được. Cũng như thế ấy, tuy rằng A Di Đà có nghĩa là Vô Lượng Quang, là hào quang vô lượng; với ánh sáng ấy có thể chiếu khắp vào các nơi chốn, ngay cả địa ngục; nhưng với những chúng sanh đầy ngu si, tội lỗi và chấp thủ… thì ánh sáng ấy vẫn không thể ảnh hưởng được những chúng sanh này. Do vậy, đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã từng dạy rằng: Ta có thể độ được tất cả chúng sanh; ngoại trừ những kẻ thiếu nhơn duyên là vậy.
Trong lời nguyện thứ 18 của Phật A Di Đà khi Ngài còn làm một Pháp Tạng Tỳ kheo, Ngài thệ nguyện rằng:
“Giả sử khi Ta thành Phật, nếu có chúng sanh nào trong 10 phương vô biên quốc độ niệm danh hiệu Ta từ 1 đến 10 niệm nhất tâm, nếu ta không tiếp dẫn chúng sanh này về thế giới của Ta, thì Ta sẽ không ở ngôi chánh đẳng, chánh giác; ngoại trừ những kẻ phạm ngũ trọng tội và Nhứt xiển đề”.
Nếu chúng ta đọc thật kỹ lời nguyện này thì sẽ thấy chứa đựng rất nhiều ý nghĩa mà chư Tổ Tịnh Độ như Ngài Thế Thân, Thiện Đạo, Thân Loan đều y cứ vào đây để thực hành câu Phật hiệu và cầu sau khi lâm chung sẽ sanh về thế giới Tây phương Cực Lạc.
Câu: “giả sử khi Ta thành Phật” theo Ngài Thân Loan, Tổ sư Tịnh Độ Chân Tông của Nhật Bản ở vào thế kỷ thứ 13 nói rằng: không cần đặt ra nữa, vì khi còn là một Pháp Tạng Tỳ kheo, đức A Di Đà mới nói là “giả sử”; còn bây giờ Ngài đã thành Phật trong vô lượng kiếp rồi thì đâu cần dùng chữ “giả sử” để làm gì. Từ đó chữ “nhất tâm niệm” cũng không cần thiết nữa. Chỉ cần niệm một niệm là đủ. Niệm ấy gồm đủ trong ba chữ hồng danh A Di Đà rồi. Thế nhưng sự vãng sanh ấy là do bổn nguyện lực của đức Phật A Di Đà tiếp dẫn, chứ không phải là do tự lực của chúng ta; cho nên gọi đây là niệm Phật tha lực.
Hầu hết trong những kinh điển của Phật Giáo đều cho rằng: những kẻ phạm tội ngũ nghịch và nhất xiển đề đều phải bị đọa địa ngục, ngay cả trong lời nguyện thứ 18 của đức Phật A Di Đà cũng ghi chép việc này. Thế nhưng, những kinh sau này cho rằng: nhứt xiển đề và những người phạm tội ngũ nghịch vẫn có khả năng thành Phật. Đó là:
- Kinh Đại Bát Niết Bàn quyển hai, phẩm Phạm Hạnh, đức Phật dạy rằng: nhứt xiển đề cũng có khả năng thành Phật, vì tất cả các pháp đều bất định; cho nên nhứt xiển đề cũng bất định. Thế nào là các pháp bất định? Các pháp ấy ngày hôm qua đúng; nhưng hôm nay lại sai và ngày mai lại đúng. Từ việc này chúng ta có thể thấy rằng: Hôm nay nhứt xiển đề không tin nhân quả, tội phước v.v… nhưng ngày mai nhứt xiển đề thay đổi. Việc này có thể chứng minh qua A-xà-thế, Đề-bà-đạt-đa và Vô-não. Họ là nhưng người đầu tiên hủy báng giáo pháp của đức Phật, nhưng sau này họ là những người làm hưng thịnh giáo pháp. Ví dụ như sau khi A-xà-thế quy ngưỡng đức Phật, chính ông là người đứng ra bảo trợ cho kỳ kiết tập kinh điển lần đầu tiên tại động Thất Diệp sau khi đức Thế Tôn nhập diệt 100 ngày. Đây là một hành động sám hối; một hành động hiểu đạo; một hành động tiếp nối những việc làm tốt đẹp của vua cha Tần-bà-sa-la lúc đương thời.
Vô-não cũng vậy, tuy theo ngoại đạo, nhưng khi nghe Phật hỏi, cũng là câu trả lời: Như Lai đã dừng lại từ lâu rồi, chính ngươi mới là kẻ đáng dừng lại! Từ đó, Vô-não đã chợt tỉnh cơn mê sinh tử và chứng liền quả Dự Lưu, trở thành người xuất gia của Phật Giáo.
- Kinh Quán Vô Lượng Thọ, phẩm quán thứ 16 về Hạ phẩm hạ sanh. Tuy kinh này các nhà học giả Tây phương cho rằng không phải do đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni nói, vì bản tiếng Sancrist không còn, mà chỉ còn lại bản chữ Hán. Điều này hẳn cũng không phải là vấn đề quan trọng nhất. Vì lẽ, ngày xưa đức Phật cũng đâu nói bằng ngôn ngữ Sancrist, mà đức Phật nói ngôn ngữ địa phương lúc bấy giờ. Rồi từ đó, lan truyền bằng miệng, qua lời nói và sự lặp đi lặp lại của chư Thánh đệ tử. Đến năm 85 trước Thiên Chúa, ba tạng kinh, luật, luận bằng tiếng Pali mới ra đời. Chúng ta cũng có thể tin rằng, kinh Quán Vô Lượng Thọ cũng có bản tiếng Sancrist, nhưng khi được truyền qua Trung Quốc thì bản gốc bị thất truyền do nhiều lý do khác nhau; và ngày nay chỉ còn lại toàn văn chữ Hán. Điều quan trọng là nội dung của kinh văn không đi ngược lại lịch sử cũng như đi ngược lại đạo đức và luân lý thuở bấy giờ; nên câu chuyện của Hoàng Hậu Vi-đề-hy trở thành câu chuyện thật cho bao thế hệ sau này noi theo đó mà tu dưỡng.
Nhưng hai điều kiện quan trọng để cho những chúng sanh phạm vào tội ngũ nghịch hay nhứt xiển đề được sinh về nơi “Thai cung biên địa” trong cửu phẩm Liên Hoa phải là: có tâm tàm quý tức là biết xấu hổ những gì mình đã gây ra trong quá khứ như A-xà-thế hay Vô-não thì mới được. Nhưng điều quan trọng thứ hai không thể thiếu, đó là những Thiện hữu tri thức đi kèm. Nếu A-xà-thế không có đức Phật lịch sử Thích Ca Mâu Ni khai thị cho, thì những người này khó mà tỏ ngộ, khó mà chừa bỏ, khó mà ăn năn. Do vậy, Thiện hữu trí thức rất cần trong mọi trường hợp và cần nhất là những trường hợp không tự mình khai ngộ được chân tâm, mà phải nhờ người thứ ba trợ duyên vậy.
Như vậy hai điều kiện quan trọng để được vãng sinh về “thai cung biên địa” ở hạ phẩm hạ sinh là sự hối hận nghĩ lỗi đã làm trong vô lượng kiếp và Thiện hữu tri thức cần phải có. Nếu thiếu nhân tố thứ hai này, chắc chắn người ấy cũng khó mà vãng sinh. Ví dụ, kẻ bị phạm tội như vậy, đến giờ phút lâm chung, khi thân trung ấm đi đến chỗ yếu ớt, mỏi mệt, nếu không có những người bạn đạo ở bên cạnh để giúp đỡ niệm Phật, hay khơi lại những việc tốt đẹp khi còn sinh tiền, cũng như khuyến khích người còn nằm trong trạng thái lâm sàng phải phát tâm quy kính Tam Bảo, sám hối tội lỗi… thì khó được vãng sinh. Trong trường hợp nếu người sắp lâm chung không muốn vãng sinh và không muốn hối hận những việc tội lỗi đã làm trong quá khứ thì cánh cửa thứ ba chắc chắn sẽ được mở ra, để dành cho thần thức ấy và thần thức ấy sẽ chìm đắm vào trạng thái hôn mê trong cõi u đồ.
Trong trường hợp Bồ Tát tại gia, Bồ Tát xuất gia phá giới; hay những người quy y Tam Bảo, Thập Thiện rồi phạm giới, họ cũng là những người phải có hai điều kiện như trên để được vãng sanh về Hạ phẩm trung sinh.
Trong trường hợp những vị Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Thức-xoa-ma-na, Sa-di, Sa-di-ni phạm vào các giới trọng, theo luật Tứ phần thì bị đọa. Nhưng theo kinh Quán Vô Lượng Thọ, phẩm quán thứ 16 thì những người này vẫn có khả năng sinh về Hạ phẩm thượng sinh, nhưng cũng cần phải có hai điều kiện như bên trên.
Những ai sinh về Hạ phẩm thường chẳng nghe, thấy được Phật hay các vị Bồ Tát thuyết pháp, giáo hóa chúng sinh mà đa phần phải ở lâu trong hoa sen, có nơi đến 500 tiểu kiếp, lúc ấy mới thác sinh lên phẩm cao hơn. Khi ấy, mới nghe được pháp âm của chư vị Bồ Tát. Cái lợi điểm của việc thác sinh về Hạ phẩm là không còn trôi lăn trong vòng sinh tử luân hồi nữa và không bị nghiệp lực đọa đầy vào chốn u đồ; nhưng nhân quả thì phải trả. Khi nào nghiệp sạch mới giải thoát được.
Những bậc sinh vào Trung phẩm là những người giữ giới thanh tịnh, làm phước bố thí cúng dường, in kinh ấn tống, giúp đời cứu người v.v… khi sinh về đây, các chúng sinh này gặp được đức Quán Thế Âm và đức Đại Thế Chí cũng như nghe các Ngài thuyết pháp.
Nhưng ai sinh về Thượng phẩm thì gặp trực tiếp đức Phật A Di Đà, nghe Ngài thuyết pháp; sẽ hóa sinh, ngồi đài liên hoa rộng mở, tuyên nói pháp âm nhiệm mầu của chư Phật và chư vị Bồ Tát; nhưng những chúng sinh này phải hoàn toàn tin tưởng tuyệt đối vào những giáo lý Đại Thừa và nội dung 12 bộ kinh phải quán triệt.
Điều cần nói ở đây là sự cứu vớt của đức Phật A Di Đà đối với những người tội nặng. Còn những người tội nhẹ hay đầy đủ phước đức vãng sinh thì họ đã tự thăng tiến tâm thức của họ, khi thần thức vừa rời khỏi thân Trung ấm rồi.
Là người Phật tử, chúng ta có những điều cần lưu ý như sau:
- Khi đi hộ niệm cho người lâm chung, nên thiết tha và cầu nguyện trong khi niệm Phật.
- Không nên đứng phía dưới chân của người sắp ra đi mà nên đứng hai bên thành giường người bệnh; vì thần thức của người bệnh có thể bị ngăn cản khi chúng ta đứng dưới chân giường.
- Tượng Phật hay Bồ Tát nên được thiết trí thờ bên trên đầu giường người sắp ra đi. Vì đây là hình ảnh tiếp dẫn của vị dẫn đường; khiến cho người sắp lâm chung an tâm hơn khi nhắm mắt lìa đời.
- Nên nói những kỷ niệm đẹp của người sắp mất; không nên gợi lại những chuyện dở xấu xa xưa hoặc của mình, hoặc của người sắp mất. Điều ấy sẽ khiến tâm thức người sắp mất buồn phiền, có thể dễ đi vào cõi ác nhiều hơn.
- Những người khi sinh tiền không thích nhau thì trong giờ sắp mất không nên có mặt bên cạnh, vì khi người sắp lâm chung thấy mà không nói được, sự tức giận sẽ khiến cho người đang ở trong trạng thái lâm sàng khổ tâm hơn và cũng có thể khiến cho họ đi đầu thai vào chỗ thấp hơn. Nếu muốn gặp mặt, ít nhất sau 8 tiếng đồng hồ người kia tắt thở thì tốt hơn, vì thần thức của người ấy đã xuất ra khỏi thân Trung ấm rồi.
- Hãy làm những gì mà người sắp ra đi đã dặn dò trước khi mất, không nên làm trái ý lại, khiến cho người sắp mất kia có thể giận dữ và làm cho họ khó đi đầu thai vào chỗ cao cả hơn.
- Từ khi tắt hơi thở cho đến 8 tiếng đồng hồ tốt nhất là không nên khóc lóc nhớ thương nhiều, điều đó sẽ làm bận lòng người muốn ra đi rồi mà phải còn ngoái nhìn lại gia đình, con cái, tử đệ của mình nữa. Điều này chúng ta nên hoàn toàn xa lánh, không nên lặp lại sự bi lụy để người mất khó thác sinh về cảnh giới cao cả hơn.
- Hãy nên mời chư Tăng, chư Ni đến tụng kinh hộ niệm, rồi gia chủ làm phước, bố thí, cúng đường để hồi hướng phước báu cho thân nhân của mình; nhờ đó người mất cũng sẽ hưởng được một phần lợi lạc.
- Có những tâm thức đã rời khỏi cơ thể vật lý rồi, nhưng nhập lại vào thể xác ấy và đôi khi sống thêm 5 hay 10 ngày nữa. Trường hợp này, Việt Nam chúng ta gọi là “mượn xác hoàn hồn”; nhưng Tây Tạng gọi đây là “những người còn phước báu nhân duyên ở cõi đời này”. Lý do là trong khi thần thức đi vào cõi vô thức, chuẩn bị đi đầu thai, nhưng thân nhân trên cõi thế vì người mất đã làm phước, bố thí, cúng dường, in kinh ấn tống, xây chùa, đúc tượng để hồi hướng phước báu cho người mất ấy. Như vậy, người mất kia được hưởng phước cấp kỳ và được các sứ giả đưa thần thức vào lại thân thể xưa.
-Trong kinh Địa Tạng cũng nói rất rõ. Nếu người sống vì người chết làm phước, bố thí cúng dường, thì người mất sẽ hưởng được một phần bảy của sự lợi ích đó.
- Trong những ngày ăn mặn dùng ngũ vị tân (hành, hẹ, tỏi, nén, hưng cừ) vẫn tụng kinh trì chú được; nhưng phước báu không bằng những ngày ăn chay.
Từ những điểm căn bản bên trên theo những dẫn chứng của kinh điển từ thời đức Phật và sự chủ xướng của chư vị Tổ Sư Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam v.v... tất cả đều nương theo ba kinh Tịnh Độ (kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ và kinh Quán Vô Lượng Thọ) và thực hành theo bản nguyện lực của đức Phật A Di Đà thì việc vãng sinh về Tịnh Độ của đức Phật A Di Đà là điều chắc chắn, không còn nghi ngờ gì nữa.
Có người hỏi rằng: Ai tu Tịnh Độ cũng đều muốn vãng sinh về Tây Phương Cực Lạc. Vậy còn ai ở lại đây để mà độ sinh?
- Theo Ngài Thân Loan thì có hai loại vãng sinh. Một loại gọi là Hoàn Tướng và loại kia gọi là Vãng Tướng. Hoàn Tướng có nghĩa là: sau khi sinh về Cực Lạc rồi phát tâm trở lại cõi Ta bà để độ sinh. Còn Vãng Tướng có nghĩa là một khi đã sinh về Cực Lạc rồi thì ở mãi đó tiếp tục tu học để chờ ngày hoa khai kiến Phật và gặp gỡ những vị Bồ Tát để làm bạn nơi cõi Liên Trì.
Tịnh Độ thì có vô số, nhưng Cực Lạc thì chỉ có một. Cõi này do lời nguyện của đức Phật A Di Đà nên thành tựu. Còn những cõi Tịnh Độ khác thì do các vị Phật khác qua sự thệ nguyện mà thành Phật ở cõi minh. Ví dụ như thế giới Phương Đông có đức Phật A Súc; cõi Tịnh Độ của Ngài vẫn còn người nữ hiện diện. Trong khi đó, cõi Tây phương Tịnh Độ thì không có người nữ. Tất cả các cõi nước Tịnh Độ đều lệ thuộc vào lời nguyện của vị Phật đó.
Ví như cõi Tịnh Độ ở Đẩu Suất, phần nội cung được dành riêng cho những vị Bồ Tát Nhứt sinh Bổ xứ, chờ một đời nữa mà thôi, các vị này sẽ đi làm Phật ở nhiều quốc độ khác nhau. Cũng có nhiều loại và cõi như:
Thường Tịch Quang Tịnh Độ
Thật Báo Trang Nghiêm Tịnh Độ
Phương Tiện Hữu Dư Tịnh Độ
Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh Độ
Thường Tịch Quang Tịnh Độ là cõi ấy chỉ toàn là ánh sáng, dệt nên những tia quang phổ khi chúng sinh được sinh về đây. Thật Báo Trang Nghiêm Tịnh Độ là y báo và chánh báo trang nghiêm pháp thân của người được sắp về đây. Phương Tiện Hữu Dư Tịnh Độ vẫn còn dùng đến phương tiện như của đức Phật A Súc chẳng hạn. Còn Phàm Thánh Đồng Cư Tịnh Độ là cõi giải thoát sinh tử luân hồi; nhưng vẫn còn những chúng sinh chưa hoàn toàn rời khỏi những báo chướng và tội chướng. Nơi ấy cũng giống như là hóa thành để chúng sinh nương vào đó tu tập để được sinh vào cảnh giới cao hơn.
Bồ Tát cũng vậy; từ sơ địa cho đến đệ bát địa, quả vị của Bồ Tát Thập Trụ vẫn còn phàm phu chi phối; vì còn những kiến hoặc và tư hoặc. Nhưng đối với những vị Bồ Tát đã sanh vào Đệ cửu địa (Càn Huệ Địa) và Đệ thập địa (Pháp Vân địa) thì những nghiệp vi tế hoàn toàn dứt hẳn. Lúc ấy sẽ chứng được vô sinh pháp nhẫn. Từ đây ngoái lui lại con đường sinh tử dài lâu, các vị Bồ Tát không hề chán nản mà còn phát nguyện độ sinh như Bồ Tát Địa Tạng nguyện rằng: Khi nào trong địa ngục không còn một chúng sinh nữa thì Ta mới thành Phật.
Duy chỉ có cõi Ta Bà này là chư Phật thường xuất hiện; nhưng nếu lỡ sinh vào các cõi khác thì những pháp âm vi diệu và giáo lý khổ, không, vô thường, vô ngã này chắc chắn rất khó được nghe. Nay chúng ta đã được thân người mà không biết tu tạo phước đức, làm lành lánh dữ, quyết định cầu vãng sinh sau khi lâm chung, thì quả là điều đáng hối tiếc vô cùng.
Đức Phật đã dạy cho chúng ta nào là: quán thân bất tịnh, quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã, quán thọ thị khổ, quán nhân duyên, quán từ bi v.v… nhưng có khi nào chúng ta quán về sự chết của mình ra sao chưa? Đa phần chúng ta chỉ biết sống và muốn sống cho thiệt là lâu; nên hầu như chẳng ai chuẩn bị cho sự chết. Vì ai trong chúng ta cũng nghĩ rằng: sự chết nó chưa đến với mình; nhưng trên thực tế, sự chết nó rất gần kề với chúng ta. Nó có thể đến với chúng ta trong nay mai, ngay bây giờ hay ngày mốt, ngày kia, hoặc nhiều năm sau nữa; nhưng ngày ấy chắc chắn sẽ đến. Do vậy, chúng ta nên niệm Phật, cầu Phật vãng sinh ngay tự bây giờ để chúng ta có thể chứng cảnh Cực Lạc hiện tiền trong lúc sống, đâu cần phải đến lúc lâm chung mới niệm Phật hiệu.
Ngay từ bây giờ ta thử xem khi mình chết, mình sẽ ra sao? Thần thức của chúng ta sẽ như thế nào và mọi người chung quanh, thân bằng quyến thuộc sẽ đối xử với phần xác và phần hồn của mình ra sao, khi mình không còn là mình bình thường như ngày hôm qua nữa? Có lẽ chúng ta mỗi người sẽ tự đặt ra một công án như vậy để giải quyết chuyện sinh tử này qua câu Phật hiệu A Di Đà, để từ đó chúng ta sẽ có một niềm tin dõng mãnh hơn so với từ lực của đức Phật Vô Lượng Quang và sự linh nghiệm của câu “hữu cầu tắc ứng” đối với đức Phật Vô Lượng Thọ vẫn đang đứng đó để chờ tiếp dẫn chúng ta.
Viết xong vào ngày 1 tháng 8 năm 2012 tại Birmingham, Anh quốc nhân khóa Tu học Phật pháp Âu Châu kỳ thứ 24 tại đây.
______________________________
Chiếc lá lìa cành
● Thích Như Điển
Ở Âu Châu nầy mỗi năm có 4 mùa rõ rệt. Mùa Đông đến khí trời lạnh giá, mây mù che kín cả bầu trời, rồi sương, rồi tuyết đổ xuống khắp nơi, khắp chốn. Từ thị thành cho đến thôn quê hoặc nơi đồng không mông quạnh. Tuyết và mưa không phân biệt nơi nào và lúc nào; khi đủ độ dưới không độ thì tuyết rơi. Đó là một định luật của thiên nhiên, lâu nay vốn dĩ đã như vậy.
Khi những tảng băng đá chưa tan vào mùa Đông, cũng đã có những loài hoa đang chờ sẵn dưới lớp tuyết mịn để đâm chồi và vươn lên những bông hoa thật là tuyệt diệu. Chúng nở đủ màu; từ xanh, vàng đến đỏ tím. Cây cỏ tuy vô tình nhưng đã dệt nên những gấm hoa thật là tuyệt mỹ cho đời. Ai đó dầu vô tình hay cố ý; có quan tâm đến chúng hay không, cũng mặc kệ. Chúng chỉ làm nhiệm vụ sanh trưởng của đất trời đã giao phó mà thôi. Rồi những cây lớn, cây nhỏ khác nhau lần lượt đâm chồi nảy lộc khắp muôn nơi. Chim đua nhau ca hót trên cành, hoa lá hưởng hơi ấm của mặt trời nên đã khoe sắc thắm. Mưa phùn rơi làm ướt áo khách lữ hành; nhưng muôn loài vạn vật vào mùa Xuân chắc hẳn chúng hân hoan lắm. Vì đây là mùa của sức sống, mùa của sự trỗi dậy sau một mùa Đông dài lạnh buốt giá băng. Dầu cho ai đó có khó tính đến mấy đi chăng nữa cũng chẳng nở trách hoa. Vì hoa chỉ có nhiệm vụ làm đẹp cho đời, tô thắm cho thiên nhiên thêm nhiều màu sắc; ngoài ra không có ý gì khác.
Khi Hè đến, chim chóc đã sinh sôi nảy nở rất nhiều. Côn trùng lại đua nhau tiếng thở than đâu đó trên cành cây hay nơi bụi cỏ ở vỉa hè. Tiếng chúng như giục thúc loài người đã đến lúc cao điểm của thời tiết và hãy dành nhiều thời gian hơn nữa để lãm du, ngơi nghỉ và trở lại với con người của chính mình. Những tia nắng mùa hè sưởi ấm muôn loài, muôn vật. Thỉnh thoảng lại có những cơn mưa, làm mát dịu ngoại cảnh chung quanh và cây cỏ cũng hân hoan không ít. Những loài hoa dại bắt đầu tàn úa, rồi tạo nên những hoa trái về sau cho loài chim khi Đông về giá lạnh. Cây cối đã thi thố hết khả năng của mình để mang lại những hạt giống ngọt ngào cho cuộc đời và sự sống. Như táo, lê, mận, đào hay bắp, bí, bầu, đậu v.v... là những vật thể vô tình; nhưng cũng đã cung cấp cho con người và cuộc đời không biết bao nhiêu là sinh tố, để tạo nên sự sống và lẽ sống cho tha nhân.
Mùa Thu có thể nói là mùa đẹp nhất của thi nhân. Vì trăng tỏ nhất vào những ngày 14, 15 và 16; cảnh rất đẹp bởi những chiếc lá xanh, vàng, đỏ chen chúc với nhau, tạo thành tấm thảm nhiều màu; khiến cho ai đó có khó tính cách mấy đi chăng nữa thì cũng sẽ chùng lòng mình xuống, khi thấy một vết nhạn bay qua trên bầu trời trong vắt kia. Đâu đó một vài cánh diều đang lộng gió. Rồi những chiếc lá có sức sống vào mùa xuân kia, trở thành cứng cáp trong mùa hạ và giờ đây thu đến, khí trời bắt đầu se lạnh, lá cũng đã sắp lìa cành. Những chiếc lá thật đẹp, thật vô tình; nhưng cũng khiến cho lòng người nuối tiếc. Vì đã qua đi một thời đẹp đẽ của mùa xuân, một thời cứng cáp của mùa hạ; nhưng người ta cũng tự an ủi rằng: „Lá rụng về cội“.
Thật thế, chẳng có chiếc lá nào bay khỏi cành cây, lại tìm nơi chốn khác để nương thân, mà lúc nào, dầu cho thân cây ấy thế nào đi chăng nữa, lá ấy vẫn rụng gần gốc mẹ.
Từ cành cây, lá vô tình rơi rụng khi thu sang. Dĩ nhiên là lá cũng chẳng muốn lìa cành và thân cây lại càng muốn ôm ấp lá suốt đời như thế để sưởi ấm, gìn giữ cho thân thể của cây. Đó là ý tưởng của thân mẹ luôn muốn được thân cận để bảo vệ cho cành và lá; nhưng thời gian trôi qua có xuân, hạ, thu, đông thì lá kia cũng phải trải qua các giai đoạn của thành, trụ, hoại, diệt hay sanh, trụ, dị, diệt. Ngay cả thân cây cổ thụ ấy mặc dầu có khả năng chịu đựng với đất trời, mưa gió và kham nhẫn chịu đựng với gió, sương, tuyết, bão trải qua với phong sương cùng tuế nguyệt; nhưng rồi một ngày nào đó, chính thân cây cổ thụ kia cũng phải bị định luật vô thường chi phối. Vì không có bất cứ một vật gì tồn tại mãi với thời gian năm tháng trong thế giới Ta Bà nầy cả. Cái nầy chết để cái kia sống; cái nầy thay đổi để cái kia tồn tại; cái nầy hủy diệt để cái kia vươn lên. Đây là định luật tự nhiên, không có văn tự tạo nên văn bản hay lời nói, mà con người cũng như vạn vật đều phải chấp nhận như vậy.
Phật dạy rằng: „Bất cứ cái gì có sinh ra, đều phải có sự hủy diệt thay đổi, ngay cả tấm thân nầy“. Từ đây mà nhìn, chúng ta sẽ cảm nhận được lời dạy của Ngài có giá trị với thời gian năm tháng trong cõi thế gian nầy. Ví như đứa con nhỏ khi được sinh ra, cha mẹ ấp yêu nuôi nấng, dỗ dành, cho ăn, cho uống, mong cho con mình mau lớn khôn. Rồi tập đi, tập nói, tập ăn, tập học, tập viết v.v... Tất cả đều là những động tác vô thức mà đứa trẻ kia đã do cha mẹ huân tập nên. Rồi một ngày kia chúng cắp sách đến trường từ Tiểu Học rồi Trung Học, cha mẹ phải lo đủ điều cho con từ tinh thần cho đến vật chất; chỉ mong sao cho con cái nên người, không kém thua chúng bạn là cha mẹ vui rồi.
Ông Freud là nhà phân tâm học người Đức, chia đời người ra làm 3 giai đoạn quan trọng như sau:
Thời gian từ một tuổi đến 8 tuổi. Ông ta gọi thời gian nầy là thời gian „vô thức“ của đứa bé. Từ 8 đến 18 tuổi, ông ta gọi thời gian của „tự ngã“. Hai thời gian đầu nầy cha mẹ còn có nhiều cơ hội để ảnh hưởng với con cái của mình; nhưng đến giai đoạn thứ ba, từ 18 tuổi đến cuối cuộc đời, ông ta gọi là giai đoạn „siêu ngã“; người con trai hay người con gái ấy sẽ củng cố tự ngã của mình xong rồi; bây giờ đến giai đoạn thăng hoa cái ngã ấy cao hơn nữa. Đây chính là thời gian vào đời, thời gian trưởng thành hay còn gọi là thời gian lìa xa mái ấm của gia đình, để đi tìm những đối tượng khác. Cha mẹ vẫn luôn dõi theo dấu vết của con cái; nhưng ngược lại con cái muốn thoát ly khỏi vòng tay che chắn của cha mẹ. Chúng nghĩ rằng: đây là sự ràng buộc; đây là sự mất tự do; nên mới tìm cách thoát ly gia đình.
Khi đứa bé rời khỏi gia đình, cha mẹ trở nên trống vắng lạ thường, dẫu biết rằng: đứa con ấy vẫn là đứa con của mình, nó có ở xa nhà đi chăng nữa, sẽ có một ngày trở lại. Khi một đứa con đã rời khỏi tổ ấm yêu thương của gia đình rồi, điều ấy cũng có nghĩa là chúng sẽ ít có cơ hội để trở lại với cha mẹ, sống những ngày gần gũi như xưa kia. Họa hoằn lắm khi có sinh nhật hay ngày giỗ kỵ chúng mới tựu về nhà cha mẹ một vài hôm, rồi cũng sẽ ra đi để lo cho tương lai của chúng.
Ngày xưa nhà cửa có nhiều phòng ốc để cho con cái ở; bây giờ chỉ còn hai ông bà già; nên cảm thấy trống vắng lạ thường. Nếu hai ông bà có lòng tin nơi một Tôn Giáo, giờ trống vắng ấy có thể làm những công việc từ thiện giúp đời, giúp người v.v... Nếu không có gì làm hết, quả thật là điều đáng nói. Vì thời gian của tuổi già quá nhiều, chẳng biết tiêu dùng vào đâu cho hết.
Từ khi cha mẹ sinh con ra cho đến khi đứa con trưởng thành cũng giống như những chiếc lá trên cành cây vậy. Từ những nụ non bụ bẩm cho đến khi chiếc lá lìa cành, thân mẹ cũng đã chứng kiến biết bao nỗi vui buồn khi lá xanh đến; hoặc lúc lá vàng rơi. Bất kể ai trong chúng ta cũng chẳng mong muốn ngày ấy tới; nhưng sẽ có một ngày, chính mình phải chấp nhận thôi. Dầu cho sự chấp nhận ấy là một sự tự nhiên hay việc có sắp đặt trước.
Tôi như kẻ làm vườn, chăm sóc vườn hoa, cây kiểng của mình, đôi khi cũng giống như người lo cho tâm linh cho những đệ tử xuất gia và tại gia trải qua mấy mươi năm nay tại xứ Đức nầy nhiều lúc cảm thấy vui, mà nhiều khi cũng cảm thấy trống vắng. Vui khi cây đã đâm chồi nảy lộc; nhưng cũng cảm thấy nao nao khi chiếc lá đã lìa cành. Rất hân hoan khi học trò, tử đệ đã thành công; nhưng cũng cảm thấy trống vắng khi không còn nằm trong vòng tay che chở của mình nữa.
Năm nay Đại Chúng chùa Viên Giác Hannover và bản thân tôi, lạy kinh Đại Bát Niết Bàn quyển thứ hai đến trang 300; nghĩa là đã đến giữa quyển. Ngay nơi phẩm Sư Tử Hống nầy, Đức Phật đã kể lại nhiều câu chuyện rất hay; trong đó có 2 mẩu chuyện liên hệ đến cuộc đời của Đức Phật và Đề Bà Đạt Đa như sau:
Câu chuyện thứ nhất, Đức Phật kể lại rằng: Trong một kiếp quá khứ nọ, Ngài và Đề Bà Đạt Đa là hai người bạn lái buôn. Một hôm cả hai người đều dong thuyền ra biển lớn, mang theo nhiều của cải vàng bạc châu báu; nhưng chẳng may sóng to, gió lớn thuyền bị chìm. Thế là của cải bị trôi mất. Người bạn kia mến tiếc của cải nên vẫn tới lui nơi thuyền bị chìm. Còn Ngài thì lui về nơi bến đậu. Thấy người bạn như vậy nên Ngài hay khuyên can là dẫu sao đi nữa của cải đã mất rồi, không nên luyến tiếc nữa; nhưng người bạn vẫn không nghe. Một hôm Ngài bảo với bạn rằng: „Ta còn đây 2 viên ngọc quý, ta chia bớt cho ngươi một viên“, đoạn đến dưới gốc cây để ngủ. Người bạn lúc bấy giờ tâm tham đã khởi lên, liền đem dao đến đâm vào mắt Ngài và lấy luôn viên ngọc còn lại kia. Tuy Ngài bị đâm thủng mắt; nhưng tâm Ngài rất hoan hỷ; chỉ mong sao cho bạn của mình được lợi lạc là được rồi. Chư Thiên ở cõi trời, cảm cho tấm lòng nhân ái của Ngài; nên đã giúp cho mắt Ngài sáng lại.
Câu chuyện thứ hai được kể tiếp như sau: Lúc Đức Phật chưa thành đạo, ở vào một kiếp xa xưa nọ, khi Ngài hiện thân là một vị Tỳ Kheo, đang ngồi thiền định trong một cánh rừng. Bỗng dưng có một đám cung nữ đi lạc vào đây và họ đã nghe Ngài giảng đạo thuyết pháp. Cung nữ mải mê nghe pháp không hồi cung, khiến cho Đức Vua lo lắng và sinh tâm nghi ngờ. Cuối cùng tìm được những nàng cung nữ ấy nơi rừng sâu; nơi có vị Tỳ Kheo đang thuyết pháp. Nhà Vua nổi trận lôi đình, ghen tương vô cớ và đem binh hùng tướng dũng đến để hỏi tội Ngài. Đức Vua hỏi rằng:
- Ngươi là Tỳ Kheo chứng quả A La Hán chưa?
- Thưa Ngài: Chưa
- Vậy ngươi chứng quả A Na Hàm chưa?
- Thưa Ngài: Chưa
- Vậy sao ngươi dám gần nữ sắc và dụ dỗ những cung nữ của ta?
- Muôn tâu Thánh Thượng! Bần Tăng không cố ý, vì các cung nữ đi lạc vào rừng; nên đã đến đây nghe pháp và quên hồi cung, khiến cho Thánh Thượng phải lo âu và cho người tìm kiếm. Thứ nữa, bần Tăng tuy chưa chứng quả vô sanh hay còn một lần sanh tử nữa là chấm dứt; nhưng bần Tăng đang đi đến chỗ giải thoát. Quả vị kia trước sau cũng sẽ viên mãn. Nếu không vào quả Dự Lưu thì làm sao đạt đến quả Thất Lai và cuối cùng là Nhất Lai và A La Hán. Bần Tăng là kẻ đang đi tìm quả Giác Ngộ; chứ không phải là kẻ đã giác ngộ trọn vẹn.
Hai câu chuyện oan trái bao đời, chính Đức Phật đâu có muốn; nhưng Ngài và Đề Bà Đạt Đa đã gặp. Những điều Ngài không muốn, không trông đợi; nhưng hậu quả vẫn đến với Ngài. Vả chăng đây là những dự báo của đời trước giữa Ngài và Đề Bà Đạt Đa đã tạo nên và nay phải gặp gỡ, rồi kết thành anh em chú bác, rồi hại Phật, trở thành kẻ thù với Tăng Đoàn. Dưới mắt Đức Phật, Đề Bà Đạt Đa là một thiện hữu trí thức. Vì lẽ, nếu những sự thành tựu của Đức Phật mà không có sự hiện hữu của Đề Bà Đạt Đa, quả là một sự thiếu sót vô cùng. Có sự độc ác của Đề Bà, chúng ta mới thấy được cái siêu việt của Đức Phật một cách cao cả lạ thường.
Giữa Đức Phật và Đề Bà Đạt Đa không hẹn trước cũng không chối từ. Vì cái gì đến nó đã đến. Cái gì xảy ra, nó sẽ xảy ra. Đây là nhân duyên, đây là sự hình thành của cộng nghiệp và sự trả nghiệp. Với tôi cũng vậy, giữa Thầy trò Đệ Tử cũng giống như chiếc lá giữa dòng. Có hợp có tan, có còn có mất; nhưng tất cả là những nhân duyên trong dòng đời sanh diệt có có không không nầy. Tôi vốn biết rằng: chẳng ai làm cho mình tốt hơn và cũng chẳng có ai làm cho mình xấu hơn, ngoại trừ mình. Do vậy vẫn cố gắng ngày đêm để sám hối cho thân tâm được thanh tịnh và để rồi một ngày nào đó, tôi cũng sẽ ra đi, về chỗ vô tung, thì mọi việc trên đời nầy cứ thế vẫn tiếp tục trôi.
Tôi như người làm vườn, quan sát cây cối từ khi mới ươm hạt giống cho đến ngày đâm chồi nảy lộc, kết trái và lìa cành để trở về với trạng thái uyên nguyên của nó. Tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu sự đổi thay, thay đổi của thế nhân, để thấy được lòng mình phải an định trước mọi hoàn cảnh thử thách oái oăm, gay cấn nhất.
Bên Phi Châu có một loại cây cho rất nhiều trái ngọt. Mọi sinh vật đều nhờ vào đó mà sống còn. Ví dụ con ong, con kiến đến hút mật của hoa và trái để sinh sống; con khỉ, con vượn đu từ cành nầy sang cành khác để lựa trái ngon quả ngọt cho mình; con voi, con hươu cao cổ trườn lên cao để tìm những hoa trái còn tươi đưa vào miệng. Con chim vào bộng cây để làm ổ, rồi đẻ trứng nở con tại đó. Con nở ra, lớn lên; trong khi cha mẹ chim đi tìm mồi, ở nhà con ong đến chích vào mắt vào tai, vào miệng của chim con, khiến cho chim con chết. Khi chim mẹ tìm về tổ nơi gốc cây thì đau đớn vô cùng, vì thấy con của mình đã mất vì lũ ong kia.
Những trái cây vô tình rớt xuống dưới dòng nước hay trên nền đất đã tạo thành thức ăn cho bò, trâu, dê, nai, rùa, thỏ v.v... Rồi cũng từ đó chúng đã mọc lại thành cây con, tiếp tục đâm chồi nảy lộc để tạo nên sự sống cho muôn loài. Cây cho hoa và quả. Chắc rằng cây ấy chẳng tính toán thiệt hơn. Vì đó là bổn phận, là nhiệm vụ tự nhiên của đất trời và vạn vật. Trong khi đó loài người lại có chủ tâm hơn để nuôi sống thân thể của mình bằng cách lấy khói châm vào tổ ong; thế là ong vỡ tổ, bỏ lại những túi mật ngọt lịm cho loài người thủ lợi. Chắc rằng loài ong sẽ căm ghét loài người lắm. Vì lẽ đã cướp đi sự sống và sự sinh tồn của chúng. Tuy con người là chúa tể của muôn loài; nhưng xét cho cùng con người chỉ biết bảo vệ cái tự ngã của mình chứ ít lo phụng sự cho tha nhân. Cây cỏ tuy vô tình; nhưng nó đã mang đến không biết bao nhiêu sự lợi lạc cho muôn loài, muôn vật như cây ngọt ở Phi Châu kia. Trong khi đó loài người lại tính toán quá nhiều, khiến cho ảnh hưởng có hại đến môi trường chung quanh không ít.
Mới đây nhân mùa Vu Lan báo hiếu năm 2012 nầy tôi đã chứng kiến hai oan hồn chết đã lâu năm, về cõi dương gian nầy, dựa vào thân thể của người khác để cầu được chư Tăng cứu độ. Đây là 2 câu chuyện thật xảy ra vào ngày 9 tháng 9 năm 2012 tại Reutlingen và Friedberg, Đức quốc.
Một bà cụ chết đã 50 năm trải qua hai lần đầu thai làm heo và làm chó; nhưng vẫn chưa dứt hết tình mẫu tử; nên đã nhập vào đứa con gái 53 tuổi của mình để nhờ chư Tăng cứu khổ, quy y và giúp đỡ cho con mình.
Câu chuyện thứ hai là một ông người Đức, làm ăn thua lỗ nên đã tự tử cách đây 30 năm; nhưng vẫn chưa siêu thoát. Hồn oan vẫn còn hiện hữu nơi cõi trần; nên khi chư Tăng triệu thỉnh các oan hồn thì ông ta nhập vào người chủ nhà và hiện thân thành tướng Dược Xoa, sau nhờ chư Tăng chú nguyện mà xuất hồn đi nơi khác. (Muốn rõ câu chuyện nầy xin vào trang Website kyvientrungnghia.com phần Blog của Thầy Huệ Pháp, những câu chuyện trong tháng 9 năm 2012 xem thì rõ hơn). Ở đây có những vấn đề cần nêu ra.
Thứ nhất, là những oan hồn lâu nay không ai cúng giỗ, không nơi nương tựa; nay nhân mùa Vu Lan báo hiếu có chư Tăng đông đủ, dùng nội lực của mình để cứu khổ chúng sanh; nên các oan hồn nương vào đó để được siêu sanh giải thoát.
Thứ hai, là dầu cho chết 30 năm, 50 năm hay nhiều năm hơn thế nữa, nếu thân nhân không cúng quảy, chăm sóc đời sống tâm linh cho người mất thì người mất vẫn không siêu thoát được và chờ cơ hội để hiện về tìm cách bảo hộ cho người thân quen và dưới nhiều hình thức khác nhau những oan hồn nầy muốn giải thoát; nên đã nhờ qua lời kinh Phật triệu thỉnh rồi giải oan nghiệp chướng và từ đó họ sẽ sống ở một thế giới khác an lành hơn. Cho hay cái tình mẹ con, chồng vợ nó là sợi dây vô hình mà đã cột trói con người qua nhiều thời gian và năm tháng như vậy.
Thứ đến dầu cho người Việt hay người Đức vẫn có những tình cảm thiêng liêng nầy. Cho nên ở bất cứ hoàn cảnh nào có thể hiện ra được thì oan hồn vẫn có thể dựa vào đó để tìm cách thoát hóa qua lời kinh tiếng kệ siêu độ của chư Tăng.
Chỉ trong một tuần lễ, tôi chứng kiến nhiều sự kiện khác nhau trong cuộc sống giống như những chiếc lá lìa cành; nên đã viết lên bài nầy để kỷ niệm những ngày đáng ghi nhớ tại xứ Đức nầy mà suốt 35 năm làm việc Đạo tại đây tôi đã trải qua. Dĩ nhiên là sẽ còn nhiều thử thách và thuận nghịch khác nhau xảy ra trên đời nầy nữa; nhưng với tôi hai chữ „nhân duyên“ cũng như quán „như thị“ là những đề tài để cho tôi chiêm nghiệm. Tôi tập cho mình không vui, không buồn, không thương, không ghét, không giận, không hờn với bất cứ riêng ai để cho tâm mình được thanh thản, khi cõi lòng mình đã trở nên trống vắng.
Bây giờ tôi luôn làm bài toán trừ, chứ không làm bài toán cộng nữa. Ví như tôi sống được 70 tuổi thì tôi chỉ còn có 6 năm ở lại với đời nầy. Nghĩa là năm nay tôi đã 64 tuổi. Nếu tôi sống được 75 tuổi, thì điều ấy có nghĩa là tôi sẽ còn 11 năm nữa để đi lại với quý vị. Nếu tôi sống được 80 tuổi thì tôi cũng chỉ còn 16 năm nữa thôi. Trong 16 năm còn lại ấy tôi sẽ làm gì đây để lợi lạc cho Đạo và cho Đời? hay tôi chỉ ở đó than vãn nầy nọ, liệu có ích lợi gì? Đó là chưa kể đến sự vô thường. Vì sự chết có thể đến với ta ở bất cứ lúc nào và ở vào thời điểm nào, dầu ta không muốn nữa, thì nấp quan tài vẫn đang sẵn sàng chờ đợi ta đó ở một ngày mai.
Sáu năm, 11 năm hay 16 năm đi nữa, chỉ là khoảng thời gian rất ngắn ngủi và rất cận kề. Ngay bây giờ nếu không liệu tính cho con đường sinh tử, thì còn chờ đến lúc nào nữa. Mới đó mà đã có mặt ở cuộc đời nầy 64 năm. Mới đó mà đi xuất gia đã gần 50 năm. Mới đó mà đã ở ngoại quốc 41 năm. Mới đó mà đã ở nước Đức 35 năm. Mới đó mà mình chỉ còn lại một thời gian ngắn nữa thôi.
Tôi có rất đông Đệ Tử xuất gia và tại gia; nhưng tôi biết rằng chẳng ai có thể đi chung với tôi trong chuyến xe tang vào cuối đời nầy cả; chỉ có một mình tôi sẽ đối diện với chốn tử sinh nầy mà thôi. Cho nên từ đây về sau tôi sẽ bớt giận, bớt buồn, bớt lo, bớt tính toán. Vì dẫu cho tôi có giận, có buồn, có lo, có tính toán thì cuộc đời vẫn như thế yên lặng trôi đi, không nhân nhượng ai, không thiên vị ai cả. Dầu tôi là ông gì đi nữa, thì tôi cũng phải chấp nhận định luật thành, trụ, hoại, không nầy và nếu một mai nầy tôi có ra đi như chiếc lá lìa cành đi nữa, thì nơi chốn đi về tôi đã có sẵn chỗ để nương thân nơi Đức Phật A Di Đà ở cảnh giới Tây Phương Cực Lạc rồi và cũng như những chiếc lá kia, đã có cội nguồn để về, nhằm bón phân cho cành lá của tương lai cho tốt tươi hơn nữa.
Hãy đừng như những hồn oan kia, vì không có nơi nương tựa và không ai cúng quảy, để bao đời phải lang thang trong kiếp luân hồi nầy, mà khi sống nên biết quy y Tam Bảo để được lợi mình và lợi người, để khi chết, có nơi chốn mà quay về.
Tôi xin niệm ân tất cả người thân cũng như kẻ sơ; người gần cũng như kẻ xa. Đệ Tử xuất gia cũng như tại gia hãy hoan hỷ cho tôi về những nhân duyên đã có với quý vị trong chặng đường đã trải qua mấy mươi năm trong quá khứ hay nhiều hơn nữa và cũng xin là bạn đồng hành ở cõi giới Cực Lạc giải thoát kia trong mai hậu, khi hơi thở nầy không còn tiếp tục được nữa.
Viết tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover Đức quốc ngày 12.9.2012 sau những ngày đã trải qua nhiều sự kiện đáng ghi nhớ.
____________________
Những tháng ngày mầu nhiệm
* Thích Như Điển
|
|
|
Mỗi năm vào ngày 28 tháng 6, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Chi Bộ Đức Quốc chọn làm ngày họp định kỳ của Chi Bộ tại một chùa trong nước Đức và nhân kỳ họp nầy, Chư Tôn Đức Tăng Ni thông qua chương trình tu học, Phật Đản, Vu Lan và những lễ lộc quan trọng của năm sau. Bất kể là gió, sương, mưa, tuyết, hay xuân, hạ, thu, đông. Khi thời gian đến, mọi chùa đều lên lịch trước đó một hai tháng để Phật tử vân tập về chùa tham dự lễ cũng như tu học.
Nếu gặp thời tiết thuận tiện, Phật tử về chùa đông đủ và có thể ở ngoài sân chùa để hàn huyên tâm sự; nếu chẳng may gặp ngày mưa, bão, giá, tuyết thì phải đành thúc thủ cầu nguyện cho thời tiết đỡ băng giá hơn; nhưng có lẽ cũng nhờ những lời cầu nguyện chân thành ấy mà cao xanh đã thấu hiểu lòng người chăng? Nên nhiều lễ đã được tổ chức một cách viên mãn, mà thời tiết đã quyết định phần lớn của việc này.
Đầu tiên là lễ Khánh thành chùa Linh Thứu tại Berlin Đức quốc. Đó là ngày 21 tháng 10 năm 2012 vừa qua. Trước đó một tuần và gần đó 2 ngày, bầu trời mùa thu của nước Đức hầu như không có mây trắng, lá vàng bay, mà toàn là những cơn gió bấc thổi lạnh tê tái tâm cang, mưa rơi càng nặng hạt. Ai nấy cũng lấy làm lo. Nhưng kỳ lạ thay vào ngày 21.10.2012 lại là ngày có nhiệt độ tăng lên từ 16 đến 26 độ C và bầu trời lại quang đãng; nên lễ Khánh thành đã hoàn tất một cách viên mãn với gần 3.000 người tham dự trong suốt tuần lễ ấy. Ngày hôm sau 22.10 và tuần lễ kế tiếp lại giá lạnh, tuyết rơi.
Ngược dòng thời gian, cách đây hơn 30 năm về trước, khi các Chi Hội Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn tại Hannover, Hamburg được hình thành, thì Bá Linh cũng là một trong 3 Chi Hội tiên phương đó. Họ đến với nhau trong tinh thần văn nghệ, trong tình người con Phật xa quê hương xứ sở, nơi xứ lạ quê người nầy; nên rất dễ thân thiện với nhau. Kể từ đó cho đến nay (2012) toàn cõi nước Đức đã có 25 Chi Hội như vậy đã được thành lập và duy trì.
Đầu thập niên 80 Niệm Phật Đường Linh Thứu tại Berlin được thành lập qua sự tài trợ của Hồng Thập Tự Bá Linh. Nơi đây cũng đã được thuyên chuyển hai lần và đặc biệt nhất năm 1989 khi bức tường Bá Linh sụp đổ (9.11) thì Niệm Phật Đường tại Krefelderstrasse đã cưu mang không biết bao nhiêu con người đã rời bỏ chủ nghĩa cộng sản bên Đông để qua phía Tây xin tỵ nạn và những ngày tháng ban đầu ấy Linh Thứu vẫn là chốn nương tựa của những người muốn tìm cầu lý tưởng tự do.
Cũng vì Niệm Phật Đường nầy không cưu mang nổi số người đến chùa mỗi lúc một đông; nên quý Sư Cô và Phật tử đã chung sức chung lòng tạo mãi một căn nhà tại Pinnenweg để „cải gia vi tự“. Chùa nầy sinh hoạt cho đến năm 2005 thì chính thức dọn về chùa mới trong hiện tại. Đầu tiên Ni Sư Thích Nữ Diệu Phước mua một lô đất trống bên cạnh, sau đó mua dần cơ sở đã có sẵn để tạm làm chùa và cuối cùng năm 2011 đã đặt đá xây chùa và năm nay 2012 làm lễ Khánh thành với kinh phí là 2.300.000€ (Hai triệu ba trăm ngàn). Trong đó số tiền nợ của Phật tử chỉ có 600.000€. Phần còn lại do Phật tử đóng góp cúng dường. Không nhiệm mầu sao được, khi khởi đi từ 30 năm trước, người con Phật chỉ có một tấm lòng, mà hơn 30 năm sau, cơ ngơi Phật Pháp quá đồ sộ như vậy, làm sao người thường chẳng ganh tị với sự thành công vượt bực nầy; nên câu „Phật Pháp nhiệm mầu“ tôi thường dùng cho đến hết đoạn đời sanh tử của mình là vậy. Không ai trong chúng ta lại có thể tin rằng một cơ ngơi như vậy, một ngày đẹp trời như vậy tại Bá Linh có một ngôi chùa như vậy được khánh thành.
Ngày 27 tháng 10 năm 2012 cũng là ngày đẹp trời khó tả tại Chiangmai, Thái Lan. Chính ngày ấy là ngày làm lễ Khánh thành 3 Tôn tượng Tây Phương Tam Thánh tại Cực Lạc Cảnh Giới Tự; nơi Đại Đức Hạnh Nguyện đang trụ trì.
Tôn tượng Đức Phật A Di Đà cao 12 mét; tượng Quan Âm, Thế Chí cao 7 mét. Các tôn tượng đều do thợ từ Việt Nam qua tôn tạo; nên dáng dấp và nghệ thuật điêu khắc hoàn toàn theo tư thế Việt Nam. Hôm ấy đã có hằng trăm Phật Tử và Chư Tôn Đức đến từ Châu Úc, Châu Âu, Châu Á, Châu Mỹ tham dự và những Phật Tử trong chiếc áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Trước đó và sau đó, trời đổ mưa; nhưng riêng ngày 27 tháng 10 trời quang mây tạnh, dường như có ai đó đang mời mưa và gió đi chơi chỗ khác. Nhờ vậy mà những tà áo dài truyền thống Việt Nam mới có cơ hội tung bay trước gió ở xứ Chùa Tháp nầy.
Kể từ thời Nguyễn Vương qua tỵ nạn Tây Sơn ở đây, từ năm 1880 đến 1889 đã có 18 ngôi chùa được thành lập; trong đó có nhiều ngôi chùa khá nổi tiếng như Phổ Phước tại Bangkok – là bổn bộ của phái Anamikaya (Việt Tông); Khánh Vân; nơi còn lưu giữ nhục thân xá lợi của Ngài Phổ Sái Thiền Sư. Chùa Việt Nam tại Hat Yai; nơi có Viện Đại Học Phật Giáo có dạy Việt ngữ; chùa Việt Nam ở thành phố Chomburi; nơi còn lưu lại nhục thân xá lợi của Ngài Thiền Sư Hổ Phách... Ngày nay trong 18 ngôi chùa nầy không còn vị Sư Việt Nam nào làm trụ trì cả; nhưng tất cả những chùa này đều tụng kinh theo ngữ điệu Việt Nam cả 2 thời công phu sáng tối. Tuy họ là người Hoa, người Thái; nhưng họ đã giữ lại bản sắc dân tộc của những người đã xây dựng nên chùa viện Việt Nam. Quả là điều đáng tán dương và ca ngợi.
Đến Chiangmai để thấy Cực Lạc Cảnh Giới Tự ngày nay khác hẳn những năm trước rất nhiều. Ngoài khu chánh điện chư Tăng, Ưu Bà Di và những khu thất nhỏ cũng như văn phòng ra, trà Olong đã xanh và cao hẳn gần đến đầu người. Có cả hằng 50.000 gốc trà đang phủ kín cả núi đồi nơi đây và trong tương lai trà sẽ là nguồn huê lợi để nuôi sống chùa trong thời gian dài khi khách hành hương ít còn tới lui nữa. Bên cạnh đó chuối, mít, khế, ổi, chùm ruột v.v… vô số trái và nặng trĩu cả cành cây. Ai đến đây rồi, sẽ không muốn dời gót. Vì trái ngọt của quê hương đã mọc rễ và cho ra hoa quả tại xứ người rồi.
Cực Lạc Cảnh Giới Tự về đêm đẹp tuyệt vời. Ở đây không có chim Ca Lăng Tần Già; nhưng ao thất bảo và hoa sen nhiều màu, nhạc trời do chư Thiên chúc tụng đã tấu lên những khúc nhạc thiên thai; khiến cho ai đó đã một lần vãng cảnh, không thể nào không liên tưởng đến kinh Tiểu Bổn A Di Đà mà Đức Phật đã nói cho Ngài Xá Lợi Phất nghe, khi Ngài còn tại thế.
Phần Hạ phẩm xem như hoàn tất. Phần Trung phẩm và phần Thượng phẩm của Cửu Phẩm Liên Hoa sẽ từ từ kiến tạo khi tình hình tài chánh và thời gian cho phép. Cứ ngỡ rằng công trình nầy mãi dang dở; vì sự nghi kỵ ở nhiều mặt; nhưng rồi công lý đã thắng; nên Thầy Hạnh Nguyện đã tiếp tục xây dựng song song với việc nhập thất dài lâu để tu tập và đọc qua bộ Đại Tạng Kinh bằng chữ Việt. Nếu không có Đại Đức Thích Vạn Trí đang kiêm nhiệm chức Tri Sự, thì mọi Phật sự bên ngoài chắc cũng khó hoàn thành. Một con én không làm nên một mùa xuân; nhưng nếu một mùa xuân có nhiều cánh én tung bay, quả thật đó là một mùa xuân đầy đủ ý nghĩa nhất.
Chúng tôi đến đó từ ngày 23 tháng 10 và rời đây vào ngày 29 tháng 10 năm 2012 qua 4 ngày chuyên tu lễ bái cũng như hàn huyên tâm sự, đồng thời thưởng thức những hương vị ngọt ngào của cây trái Thái Lan. Nào dừa, nào ổi, dưa hấu, bòn bon, chôm chôm, măng cụt, xoài, mít v.v… ngọt lịm đến tận môi, mà trên thế giới nầy chẳng có nơi nào có được, ngay cả quê hương Việt Nam; mà giá lại quá rẻ so với Âu Châu hoặc Nhật Bản ngày nay. Do vậy tôi đã nói rằng: „Quý vị nên tận hưởng tất cả trái cây Thái Lan, khi qua Nhật chỉ nên nhìn, chứ khó mà mua được“.
Ngày 29 tháng 10 năm 2012, Phái đoàn của chúng tôi đã rời Thái Lan để đến Nhật Bản và sẽ lưu lại đây 8 ngày 7 đêm để ngày 5 tháng 11 thì Đoàn lại trở về trụ xứ của mình. Chương trình nầy chúng tôi và Hòa Thượng Bảo Lạc cũng như Hòa Thượng Thích Minh Tuyền đã sắp đặt trước đó cả một năm; nhưng đúng là „hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân“. Tất cả đều thành tựu như ý nguyện; nhất là vấn đề thời tiết. Trước đó mấy ngày trời Tokyo lạnh giá; nhưng đến ngày 4.11.2012 thì bầu trời nắng ấm lạ lùng. Nhờ vậy mà các cô, các bà trong đoàn hành hương của chúng tôi gồm 14 quốc tịch, có cơ hội ăn diện áo dài Việt Nam để sánh với những chiếc Kimono của Nhật Bản. Đoàn chúng tôi hướng dẫn gồm 85 người đến từ Đức, Pháp, Na Uy, Thụy Điển, Đan Mạch, Hòa Lan, Ái Nhĩ Lan, Việt Nam, Thụy Sĩ, Hoa Kỳ, Canada, Ấn Độ, Thái Lan, Áo. Toàn là người Việt Nam; nhưng trong Đoàn có thêm 4 người Thái và người Hoa; nên ngoài tiếng Nhật, Việt Nam ra chúng tôi còn phải dùng thêm tiếng Hoa và tiếng Anh nữa. Đây là một chuyến du lịch lịch sử; nhưng đã chẳng xảy ra một vấn đề khó khăn cỏn con nào. Có lẽ vì đã chuẩn bị trước; nhưng đây cũng xin cảm ơn Đồng Pháp của hãng du lịch Nhi Phong ở Đức đã tận tình lo lắng cho Đoàn trong mọi phương diện như: ăn, ở, di chuyển v.v… nên mới được như vậy.
Vào năm 1968 khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trong nước còn khá vững vàng. Lúc ấy Đức Đệ Nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết, Ngài Đệ Nhị Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Thích Thiện Hoa, Hòa Thượng Thích Thiện Hòa, Hòa Thượng Thích Trí Thủ, Hòa Thượng Thích Hành Trụ v.v… mong rằng ở ngoại quốc nên thành lập 3 ngôi chùa ở 3 nơi như: Ấn Độ, Nhật Bản và Pháp; nên quý Ngài đã gởi 3 Tôn Tượng Đức Bổn Sư, cao độ 50cm bằng thạch cao sang những xứ có Chư Tăng Ni đang tu học thuở bấy giờ; nhưng cho đến năm 1975 vẫn chưa lập được một ngôi chùa nào; nên tôn tượng gởi qua Pháp cho Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh thì được Hòa Thượng Thích Minh Tâm thỉnh về chùa Khánh Anh để thờ tại Paris cho đến ngày nay. Tôn tượng gởi qua Ấn Độ đã được Giáo sư Lâm Trung Quốc (Thầy Huyền Diệu) đang thờ tại ngôi chùa Việt Nam Phật Quốc Tự tại Bồ Đề Đạo Tràng. Riêng tôn tượng thứ ba có một lịch sử hơi dài như sau:
„Ngày trước từ năm 1952 đến năm 1975 Chư Tăng Ni du học tại Nhật thành tài về lại nước như: Cố Hòa Thượng Thích Thiện Ân, Cố Hòa Thượng Thích Tâm Giác, Cố Hòa Thượng Thích Thanh Kiểm, Cố Hòa Thượng Thích Thiền Định, Hòa Thượng Thích Trí Tâm, Hòa Thượng Thích Trí Quảng v.v… nên tôn tượng ấy do Cố Hòa Thượng Thích Minh Lễ giữ và sau đó Ngài gởi vào chùa Joenji (Thường Viên Tự) tại Tokyo và cũng năm 1975 ấy, Cố Hòa Thượng sang Pháp lập Chùa Tịnh Tâm tại Paris cũng đã chẳng mang theo.
Vào năm 1980 khi Chùa Viên Giác dời về đường Eichelkampstrasse ở Hannover, Đức quốc - tôi đã thưa với Hòa Thượng Thích Minh Tâm (Pháp), Hòa Thượng Chơn Thành (Hoa Kỳ), Hòa Thượng Minh Tuyền (Nhật) - là những người có trách nhiệm với Chi Bộ thuở bấy giờ, được thỉnh về Đức để tôn thờ. Lúc ấy quý Ngài đã đồng ý; nên tôi đã bay về Nhật và thỉnh tôn tượng nầy sang Đức, thờ tại Chùa Viên Giác cho đến ngày nay“.
Đây là 3 pho tượng lịch sử, chúng ta cần nên nhớ. Vì lẽ có liên quan đến các bậc tôn túc trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất thuở bấy giờ.
Từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến nay (2012); trong gần 40 năm lịch sử ấy đã có hơn 600 ngôi chùa lớn nhỏ được thành lập khắp đó đây trên thế giới nầy. Có những ngôi chùa lớn trị giá trên dưới 20 triệu đô-la như Chùa Khánh Anh ở Pháp hay hơn 10 triệu đô-la như Chùa Việt Nam ở Houston (Hoa Kỳ), Chùa Quan Âm (Canada), Chùa Viên Giác (Đức), Khuông Việt (Na Uy) và cũng có những ngôi chùa khiêm nhường hơn trị giá chừng vài trăm ngàn đô; nhưng tất cả đều do mồ hôi nước mắt của người Phật tử đóng góp vào mà có được để sưởi ấm lòng người khi phải sống xa quê hương trong nghìn trùng xa cách.
Cách đây chừng 5 năm, khi Hòa Thượng Thích Minh Tuyền đã ở vào tuổi 70 (thất thập cổ lai hy); nhưng Ngài lại chọn cách lập chùa ở đất Nhật. Khi nghe tin ấy, chúng tôi những người cựu sinh viên Tăng Ni du học tại Nhật rất vui, vì từ xưa nay (hơn 50 Tăng Ni du học) chưa có ai phát được Đại Nguyện ấy; nhưng cũng rất lấy làm lo là không biết Hòa Thượng có thành tựu được chăng? Một mặt vì tuổi lớn, mặt khác vì lẽ Thầy ấy đơn chiếc có một mình sau 45 năm lưu trú tại Nhật. Thế rồi Ngài sang Hoa Kỳ, rồi Âu Châu, Úc Châu, Canada để vận động tài chánh, để rồi năm 2011 đã hình thành với hình dáng một ngôi chùa tại tỉnh lỵ Kanagawa nằm gần Tokyo. Đây là một niềm hãnh diện vô biên, vì ước nguyện của Ngài cũng như Phật tử Việt Nam tại Nhật đã thành tựu.
Vào ngày 11 tháng 3 năm 2011 vừa qua, 5 tỉnh ở miền Đông nước Nhật như Fukushima (Phước Đảo), Sendai (Tiên Đài), Chiba (Thiên Diệp) v.v… đã bị một cơn Tsunami ụp đến làm cho thế giới phải bàng hoàng, kinh động. Có hơn 15.000 người chết và nhà cửa tài sản bị cuốn trôi vào lòng đại dương chỉ trong vòng mấy tiếng đồng hồ. Thế mà cả năm sau những vùng đất nầy vẫn chưa hoàn hồn như cũ. Đây cũng là cơ hội để cho chúng tôi thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Liên Châu sang thăm và ủy lạo Nhật Bản vào cuối tháng 5 năm 2011 vừa rồi. Lúc ấy Phái Đoàn chúng tôi đã ghé thăm Chùa Việt Nam của Hòa Thượng Thích Minh Tuyền, thấy chùa xây còn dang dở; nhưng cũng mong được thành tựu sớm; nên chúng tôi mỗi người một ít đóng góp vào và mong sao năm 2012 sẽ có lễ Khánh thành đợt 1. Đây là nhân duyên và là kết quả vậy.
Ai trong chúng tôi trong Đoàn hành hương kỳ nầy cũng khen người Nhật sạch sẽ, người Nhật trầm lặng, người Nhật đúng giờ, nhà vệ sinh của Nhật sạch và đẹp nhất thế giới; nhưng cũng có người chê Nhật nói tiếng Anh dở và vật giá thì khỏi chê. Một củ khoai lang nướng giá 6 đô la Mỹ, một quả xoài, một trái táo Fuji không dưới 3 đô la. Còn nhiều loại đắc khủng khiếp; nói ra chắc ít người tin; nhưng ai ai cũng phải tin những điều nầy.
Người Nhật rất đúng giờ; không bao giờ họ sai hẹn và trễ năm phút. Trong khi đó người Việt Nam chúng ta phải xét lại vấn đề nầy. Nếu không tin nhau thì không thể làm được việc gì cả, nhất là vấn đề hẹn hò giờ giấc. Người Nhật hẹn ở nhà gare hay công viên đều đúng giờ. Nếu đến giờ phải đi, người ta có tấm bảng tại đó ghi lại những điều muốn ghi để người đến sau theo đó mà tìm đến.
Nếu nói nước nào sạch nhất thế giới, thì phải nói rằng nước Nhật. Họ sạch từ trong nhà ra ngoài ngõ; từ cửa sổ lên tận trần nhà; từ dưới đất ra ngoài đường và ngay cả những nơi công cộng như chùa chiền, nhà gare, xa lộ v.v… chẳng thấy nơi nào có rác cả. Hỏi tại sao được như vậy? Câu trả lời là: Do ý thức của người dân. Họ trình độ dân trí cao, không làm những việc không có ý thức, mà trách nhiệm thuộc về mình; nên ít thấy một tàn thuốc nằm vô tình đâu đó. Tất cả đều lớp lang và thứ tự. Ngay cả khi đi mua vé tàu hay vào phòng vệ sinh công cộng, tất cả phải xếp hàng; nhưng rất nhanh và lễ phép, lịch sự. Khi mua hàng không vừa lòng trả lại, họ vẫn vui vẻ cúi đầu chào, không bao giờ tỏ ý bất bình nơi khóe mắt hay nét mặt. Người Nhật nghe nhiều hơn nói. Điều nầy đúng với người xưa đã dạy cho chúng ta rằng: Chúng ta chỉ có một cái miệng, mà có đến hai lỗi tai. Khi mở miệng ra phải đắn đo; nếu không, sẽ bị vấp phải lỗi“.
Điều vô cùng quan trọng của người Nhật là tạo niềm tin tưởng với nhau. Hầu như họ không nghi kỵ gì với người đối diện. Vật của ai, thuộc về người ấy; không ai tham lam của cải của người khác. Qua trận Tsunami vừa rồi, thế giới đã phải cúi đầu trước sự nhẫn nại và lòng tin yêu của người Nhật khi họ phải đối diện với khổ đau, chết chóc và con đường hy vọng đã bị chôn vùi. Thế mà họ đã đứng vững hai chân sau đệ nhị thế chiến (1945) để ngày nay họ là một cường quốc sánh vai với các nước Âu Mỹ. Họ thất bại sau đệ nhị thế chiến qua chiến tranh Daitoa (Đại Đông Á) của Nhật Hoàng Hirohito; nhưng ngày nay họ đã thành công trên thương trường và ngoại giao đối với quốc tế. Đúng với câu tục ngữ của chúng ta là: „thất bại là mẹ đẻ của thành công“. Hoặc người xưa cũng đã dạy rằng: „té xuống mặt đất và hãy lấy hai tay chống đất để đứng dậy“. Người Nhật đã thể hiện trọn vẹn những lời dạy nầy của Thánh Hiền; nên họ đã thành công một cách phi thường và trên thế giới nầy khó có một dân tộc nào sánh kịp.
Nhưng tại sao người Nhật nói tiếng Anh dở, mặc dầu những nghiên cứu của họ từ tiếng Anh qua tiếng Nhật hay ngược lại, thế giới nầy chẳng có ai sánh bằng? Lý do đơn giản thôi. Vì lẽ tiếng Nhật mẫu tự nhiều mà tử âm ít. Cho nên khi nhấn dấu, họ ít thành công. Ví dụ như chữ Ohaijo Gozaimasu (chào buổi sáng). Trong chữ nầy có 14 âm, mà có đến 8 mẫu âm và tử âm chỉ có 6 chữ. Trong khi tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Hoa, tiếng Việt tử âm nhiều hơn và có dấu nhấn nhiều hơn; nên người những nước nầy học và phát âm ngoại ngữ rõ cũng như nhanh hơn người Nhật nhiều. Riêng phần gọi thức giấc buổi sáng tại khách sạn như: „morning Call“ hay „Wake up“ mà họ đánh vần cũng rất khó nghe. Đa phần họ phát âm theo chữ Katakana; chứ không phát âm theo phiên âm của Anh ngữ học. Do vậy họ rất ít dùng tiếng Anh để giao dịch. Tuy nhiên có nhiều người học ở ngoại quốc về hay phục vụ tại công sở hay phi trường và các cơ quan quốc tế thì tiếng Anh rất giỏi.
Tại sao vật giá tại Nhật đắt đỏ thế? – Có lẽ vì giá trị của sự lao động cao; không như các nước Đông Nam Á khác; nên vật giá mới cao như vậy. Người Nhật dạy cho con họ rằng: „Quê hương ta chẳng có gì ngoài sông và biển cũng như núi cao, rừng rậm; đất đai không có bao nhiêu. Các con khi lớn lên hãy nỗ lực tự sức mình để xây dựng quê hương đất nước nầy. Nhờ đó các con được an phận để sống“. Người Nhật không dạy cho con cái họ là: „Quê ta có tiền rừng bạc biển hoặc là hòn ngọc của viễn đông, các con cứ thế mà tiêu xài“; nên quê hương họ mới vững vàng trên giá trị của con người và thiên nhiên là vậy.
Đoàn của chúng tôi đi thăm tượng Đại Phật A Di Đà (cao 120 mét, lớn gấp 4 lần tượng Nữ Thần Tự Do ở New York) do Phái Tịnh Độ Chơn Tông của Ngài Thân Loan xây dựng tại tỉnh Ibaragi; gọi đây là Ushiku Daibutsu, rồi đến Hoàng Cung của Nhật Hoàng. Asakusa nơi Đức Quan Âm linh thiêng. Sau đó di Nara và Kyoto để thăm chùa Đông Đại, chùa Pháp Long, chùa Thanh Thủy, chùa Kim Các, chùa Đông Bổn Nguyện và đến Hiroshima để đảnh lễ Đức Địa Tạng không có đầu (Fuchu) và nơi kỷ niệm quả bom nguyên tử đã nổ vào ngày 8.9.1945. Tất cả đều là một giấc mơ, mà mọi người đã thực hiện được.
Chùa Việt Nam tại tỉnh Kanagawa ở Nhật Bản đang sừng sững đứng đó, chờ đợi những bàn tay trẻ trung tiếp tục gây dựng và tài bồi. Vì thế hệ của chúng tôi đã đi qua một chặng đường của lịch sử. Tất cả đều là một dấu ấn, mà chúng ta không hổ thẹn với tiền nhân. Vì chúng ta đã làm được những gì trong khả năng của chúng ta và lịch sử vẫn còn đó. Ngày mai đây trên bước chim di của đàn con Việt về sau nầy, có thể là 1.000 năm hay 2.000 năm nữa, họ sẽ nhắc lại ngày xưa ở thế kỷ thứ 21 nầy đã có những con người như thế; cũng giống như ngày nay chúng ta nhắc lại vào năm 752 (nghĩa là cách nay 1.260 năm) lễ khai nhãn cúng dường tượng Tỳ Lô Giá Na Phật ở chùa Đông Đại tại Nara do Thánh Vũ Thiên Hoàng mời gọi, mà Thần Tăng của Ấn Độ là Ngài Bồ Đề Tiên Na và Danh Tăng của xứ Phù Nam Lâm Ấp (Việt Nam) Ngài Phật Triệt đã đến đây ngày ấy. Các Ngài đã dạy cho dân Nhật những điệu múa Vu Lan và các bài tán tụng cho Tăng Chúng, mà ngày nay vẫn còn lưu lại tại chốn nầy. Ngày 1 tháng 11 năm 2012 người đứng ghi tên cúng ngói để tu bổ chùa Đông Đại cũng đã nhắc lại sự tích nầy cho chính tác giả nghe. Nghe xong cảm thấy ngậm ngùi và cúi đầu bái tạ ân đức của người xưa đã gieo rắc hương thơm cho đến hậu thế cả gần 1.300 năm vẫn còn phảng phất nơi trần gian nầy.
Sáng ngày 5 tháng 11 năm 2012, Phái Đoàn chúng tôi đi thăm tượng Đại Phật tại Kamakura, sau đó tiến ra phi trường Narita, rồi Haneda để lần lượt chia tay, người về Âu Châu, kẻ đi Mỹ hay đi Á. Tất cả những dặm đăng trình nầy đã ghi lại một nỗi niềm, một tâm sự mà mọi người trên chuyến hành hương lịch sử nầy đã nói cho nhau nghe hay nghe nhau nói suốt trên các tuyến xe Bus từ Tokyo đi Hiroshima cả hai chuyến đi về và tâm sự đầy vơi tại chánh điện nơi Đức Địa Tạng không đầu tại Fuchu vào một chiều thu lộng gió với lá vàng rơi lả tả khắp tháp chuông chùa; khiến cho ai nấy đều tự nhớ lại việc sanh tử của mình, để rồi từ đó bước đi, không ngại ngùng gian lao thử thách giữa chốn Ta Bà nầy.
Riêng tôi xin cảm ơn tất cả 85 tấm lòng. Trên từ quý Thầy, quý Sư Bà, quý Sư Cô; dưới đến những người Phật Tử thân thương và những người theo Đạo khác đã tháp tùng chung Đoàn đi trong lần nầy. Nếu không có quý vị, tôi đã chẳng có thể phục vụ được gì cả trên phương diện ngôn ngữ, giao dịch, trao đổi cũng như giới thiệu về phong tục, tập quán của xứ nầy đến quý vị, mà hơn 40 năm trước, tôi đã thọ nhận ân nghĩa của xứ nầy; nên lần nầy hai ông bà Akiyama, người bảo lãnh tôi vào Nhật, khi mình còn là một sinh viên Tăng và Iyoda, người bạn học cùng Phân khoa Giáo dục tại Đại Học Teikyo (Đế Kinh) từ năm 1973-1977 cũng đã hiện diện trong lễ Khánh thành Chùa Việt Nam tại Nhật Bản vào ngày 4 tháng 11 năm 2012 vừa qua. Tất cả đều là những ân nghĩa nghìn trùng.
Từ Bangkok đi Delhi, rồi Gaya. Từ Gaya đến Singapore, rồi Sydney, Adelaide từ ngày 6.11 đến ngày 19.11.2012 tôi một mình lẻ bóng với đoàn; nhưng bước đường còn lại cũng đáng nói nhiều điều và tôi có ý ghi lại cặn kẽ để ngày sau có người tìm hiểu có căn cứ mà dò tìm.
Đến Bồ Đề Đạo Tràng lần nầy không có người đi đón; ngoại trừ tài xế Taxi mang bảng đón Sư Phụ. Như vậy cũng đã an tâm rồi. Lần đi vào ngày 12 tháng 11 cũng không có người đưa tiễn. Từ từ rồi tôi cũng quen dần với sự trống vắng nầy. Nhiều lúc tôi cũng tập để chẳng bận lòng ai; dầu cho đó là đệ tử xuất gia hay tại gia, muốn đi lúc nào thì đi, muốn đến lúc nào thì đến; muốn ở bao lâu cũng được; đến lúc không thích ở nữa thì đi. Đời vốn tự tại như vậy, tại sao ta lại bị trói buộc bởi chính mình để làm gì? Nhiều vị Tôn Túc bảo tôi rằng: Ngày xưa đi đâu có cả đoàn đệ tử đi cùng, mà sao nay lại chỉ một mình? Tôi nhoẻn miệng cười đáp lễ bằng những chữ „nhân duyên như vậy biết nói sao đây!“. Đã gọi là nhân duyên thì chẳng có gì để trói buộc cả. Cái gì phải đến để cho nó đến; cái gì đi hãy để cho nó đi. Hãy tập bình tâm khi mọi việc thay đổi đến với mình. Lúc ấy ta sẽ chẳng có gì để hy vọng và cũng chẳng có gì để thất vọng cả. Đời vốn là thế, thì Đạo cũng không ra khỏi sự chi phối của vô thường, sanh, trụ, dị, diệt được.
Mỗi lần đến Ấn Độ trong 10 năm qua, tôi có những công việc như: Tiếp xúc Tăng Ni sinh Việt Nam nhận học bổng của Chùa Viên Giác và họ đang du học tại Ấn Độ. Đảnh lễ nơi Đại Tháp hoặc tụng kinh cầu nguyện. Làm phước bố thí cho những người nghèo và cúng dường Trai Tăng. Chỉ chừng ấy công việc thôi cũng tốn ít nhất là một tuần lễ cho đến 10 ngày. Lần nầy có việc rải tro cốt của Đạo Hữu Diệu Anh và con gái của Đạo Hữu Thiện Phương nên tôi đã kết hợp việc lễ tam bộ nhất bái lần thứ 2 vào ngày 10 tháng 11 năm 2012 vừa qua. Từ chân núi Linh Thứu lên đến đỉnh; chúng tôi lạy con đường mà vua Tần Bà Sa La thuở xưa cách đây 2556 năm về trước đã xuống ngựa, để lên hương thất đảnh lễ Đức Thế Tôn. Tổng cộng gồm 1.860 bước và 620 lạy của 36 người, cả Tăng lẫn tục. Chúng tôi lạy một cách an lạc. Trong đó có nhiều vị tu thiền như Ni Sư Giải Thiện đến từ Việt Nam và đa phần là những người tu theo Tịnh Độ và Mật. Khi lạy xuống đất, nhiều khi gặp cả phân và nước tiểu của bò rừng; nhưng chúng tôi đều vô ngại. Lúc ấy mình cũng hóa thân làm bò để được bình đẳng với mọi loài như câu phục nguyện: „Tình dữ vô tình đồng viên chủng trí“.
Sau 3 tiếng đồng hồ, kể cả ngơi nghỉ 2 lần tại hóa thành nơi Linh Sơn kiều và hang động của Ngài Xá Lợi Phất; cuối cùng rồi chúng tôi cũng lạy đến đỉnh cao, vào đến Hương Thất của Ngài để đảnh lễ. Trên đường đi cũng có lắm kẻ tò mò đứng lại xem; nhất là những người theo Ấn giáo và Hồi giáo; nhưng những người Phật tử Thái Lan thì họ quỳ xuống, cung kính lễ bái lại đoàn người lạy tam bộ nhất bái, thật cảm động vô cùng. Cũng có người đi lên không nổi phải dùng kiệu 2 người khiêng; nhưng tất cả đều tâm thành thanh tịnh.
Những giọt mồ hôi nhễ nhại của tuổi 64 khi lạy lên Hương Thất của Đức Phật, tôi thấy mình hạnh phúc vô biên. Vì mình đã được tu, được học, được hành trì và bên cạnh mình có không biết bao nhiêu người cũng đang hưởng được những pháp vị nhiệm mầu ấy. Đời người ngắn ngủi lắm. Tại sao người ta không biết dành thời giờ để tu niệm mà cứ thị phi nhơn ngãi, để rồi cuối cùng chúng ta vẫn phải chôn xác dưới đám cỏ xanh rì, đâu có ai ngó ngàng tới. Thế mà mấy ai biết được chữ ngờ.
Trung Tâm Tu Học Viên Giác tại Bồ Đề Đạo Tràng có một thư viện xinh xinh, chứa độ 2.000 – 3.000 cuốn sách và tự điển gồm các ngôn ngữ như: Việt, Anh, Đức, Nhật, Hán, Tây Tạng, Pali, Sanscrit v.v... ai đó có thời giờ; nên ghé ngang qua đây để thưởng thức những giá trị văn học Phật Giáo được ghi lại thành văn nầy.
Chiều ngày 6 tháng 11 năm 2012 tôi ghé vào thư viện và nhìn lên kệ sách thấy có quyển „Kim Các Tự“ khá dày, đóng bìa cứng, độ 600 trang. Sách được in năm 1970 và tác giả là Kimura; người dịch sang tiếng Việt không cho biết là dịch từ tiếng Anh hay tiếng Nhật; nhưng văn phong quá tuyệt vời. Tôi say mê đọc trong 3 ngày thì xong.
Đây là một tác phẩm văn chương giới thiệu về vị trí của ngôi chùa Kim Các ở Kyoto trải qua 4 mùa mưa nắng trong lòng người Phật tử. Có một Tiểu Tăng con của một nhà Sư ở quê được gởi đến đây để đi học. Vì thân phụ của chú Tiểu nầy và vị Sư trụ trì là bạn đồng song ở Tỷ Duệ Sơn thuở còn sanh tiền. Cuộc đời của chú Tiểu trải qua nhiều giai đoạn khác nhau từ thiếu niên đến thanh niên, rồi sa đọa, rồi trưởng thành. Tiểu nầy bị Sư trụ trì la rầy về những hành vi bất chính; nên chú ta chỉ có một tâm niệm là nên đốt chùa thì vị Thầy kia không có cơ hội để trú ngụ tại đó và la rầy chú nữa. Ngoài ra chú ta cũng muốn thiêu rụi hình ảnh ngôi chùa biểu tượng của Hoàng Gia Nhật và công chúng Phật tử, để không còn ai nhớ tưởng đến nữa. Tuy đã tìm đủ mọi cách; nhưng kế hoạch bất thành và ngay cả người Mỹ thả 2 quả bom nguyên tử tại Nagasaki và Hiroshima vào ngày 6 và 8 tháng 9 năm 1945 để ngày 15 tháng 9 năm 1945 Nhật Hoàng phải đầu hàng vô điều kiện. Thế mà họ cũng chưa bao giờ nghĩ đến việc đốt cháy Kyoto. Vì nơi đây những ngôi chùa cổ hiện diện trên cả nghìn năm nay là một giá trị văn hóa vô ngôn của quốc gia nầy.
Câu chuyện không có gì ly kỳ mấy; nhưng văn chương thật là sáng sủa nhẹ nhàng, khiến cho người đọc không muốn dừng. Đây là sự thành công của tác giả và dịch giả. Ngày nay đa phần người ta xem văn chương, văn hóa trên Internet, giống như nấu mì ăn liền; cho nên tìm ra một hương vị của văn hóa, thật là khó khăn vô cùng.
Những ngày nằm ở Trung Tâm Tu Học Viên Giác ở Bồ Đề Đạo Tràng cũng là những ngày nhớ lại những kỷ niệm lúc đi hành hương tại Nhật Bản từ ngày 29.10 đến ngày 5.11.2012 vừa qua. Chiều ngày 4 tháng 11 sau lễ khánh thành, trên đường về khách sạn tại Atsugi bằng xe Bus, có học giả Đỗ Thông Minh đi cùng xe và anh ta giới thiệu cũng như trả lời nhiều câu hỏi thật là cặn kẽ cho những kẻ phương xa đến Nhật. Có người đặt câu hỏi với anh ta là: Nước Úc, nước Ấn Độ bị người Anh cai trị hay nói chung những nước nào bị ảnh hưởng với người Anh đều đi bên tay trái; riêng nước Nhật, từ trước đến nay không bị người Anh cai trị, tại sao họ vẫn đi bên tay trái mà không đi bên tay phải? – Anh trả lời rằng: Ngày xưa các võ sĩ đạo cỡi ngựa hay đi bộ, họ đều đeo gươm bên tay trái và dùng tay mặt để tuốt kiếm khi giao chiến với nhau. Nếu cả hai người đi đối diện đều đi bên tay mặt thì kiếm sẽ dễ bị đụng vào nhau. Cho nên người Nhật chọn bên tay trái để đi. Như vậy cả hai bên đối diện nhau, kiếm không va chạm vào nhau được. Có lẽ đây là cách nghiên cứu riêng của học giả Đỗ Minh Thông. Mới nghe qua cũng có lý; nhưng chúng ta chờ đợi thời gian sẽ trả lời.
Có người hỏi tôi rằng: Bạch Thầy! Theo con thấy hầu như các bức hình hoặc tượng của Tây Phương Tam Thánh, Đức Phật A Di Đà đều dùng tay mặt duỗi xuống để cứu độ lục phàm; nhưng tại sao tôn tượng Đức Phật A Di Đà tại Chiangmai nơi Cực Lạc Cảnh Giới Tự và tượng Đại Phật Ushiku ở Ibaragi Nhật Bản, Ngài dùng tay trái để tiếp dẫn? Câu hỏi nghe dễ mà trả lời đâu có dễ. Tôi trả lời ví von cho mọi người cười là: Có lẽ người Thái và người Nhật đều đi bên tay trái; nên Đức Phật A Di Đà duỗi tay trái ra để dễ tiếp độ. Tuy nhiên theo Thầy Hạnh Nguyện thì cho rằng: trong hình cực lạc thế giới đồ, Đức Phật A Di Đà cũng tiếp dẫn tay trái.
Điều tôi muốn trình bày ở đây với quý vị là ngày 10.11.2012 vừa qua, trước đó cũng như sau đó trời mưa tầm tã; nhưng vào ngày nầy khi Phái Đoàn của chúng tôi lạy tam bộ nhứt bái thì trời quang mây tạnh lạ thường. Đây là kết quả của sự linh thiêng qua 4 chặng đường đã đi và chặng đường thứ 5 ở Adelaide, Úc Châu, cũng như vậy. Quả là „Phép Phật nhiệm mầu“.
Lần nầy vào Úc, tôi gặp một chút trở ngại ở phi trường New Delhi. Ngày nay New Delhi đã trở thành bộ mặt chính của đất nước nầy. Từ phi trường quốc nội sang ngoại quốc, hoặc ngược lại, sự di chuyển thật thuận lợi không như Sydney của Úc. Vả lại Ấn Độ mới xây lại sau; nên nhiều phương tiện công cộng rất tiện lợi. Tuy nhiên nếu so với các phi trường Singapore, Âu Châu và Mỹ Châu thì có nhiều điều chưa bằng.
Những người có quốc tịch Âu Châu khi vào Mỹ và Úc không cần đến Sứ Quán sở tại để xin Visa; nhưng văn phòng du lịch phải xin Visa loại bằng điện tử ETA trước khi vào đây. Visa thì có nhưng ngày sinh của tôi sai; nên phải bỏ một chuyến tàu, đến sáng hôm sau ngày 13 mới lên máy bay và ngày 14.11 mới đến Sydney để ngày 15 đi Adelaide. Thay vì quá cảnh tại Kuala Lumpur của Mã Lai thì phải quá cảnh qua Singapore để đi bằng máy bay của hãng Qantas. Lâu lắm tôi mới trở lại Singapore. Lần nầy thấy lạ vô cùng. Có đến cả 3 Terminal. Mỗi Terminal rộng lớn gấp nhiều lần của những năm trước. Nếu Việt Nam muốn bằng Singapore, chắc cũng phải chừng 50 năm nữa mới theo kịp họ ở mọi phương diện, nhất là về phương diện tự do.
Ngày 19, 20 và 21 tháng 11 năm 2012 là những ngày trọng đại của Tăng Ni và Phật tử Việt Nam tại Adelaide nói riêng và nước Úc nói chung. Đó là ngày Hiệp Kỵ Chư Lịch Đại Tổ Sư (Về Nguồn 6), lễ Khánh thành Bảo Tháp Tam Bảo và lễ chúc thọ Bát Tuần thượng thọ của Hòa Thượng Phương Trượng Chùa Pháp Hoa Thích Như Huệ.
Thời tiết ở đây vừa hết xuân sang hè. Khí hậu ngược lại với Âu Mỹ. Vì nước Úc nằm ở Nam Bán Cầu; do vậy ở đây Đông thì ở kia Hạ; ở đây Xuân thì ở kia Thu. Trước khi những buổi lễ bắt đầu, đài truyền hình qua việc dự báo thời tiết cho hay là suốt cuối tuần ấy thời tiết âm u, mưa gió nặng hạt. Thế nhưng đã chẳng có hạt mưa nào rơi; thỉnh thoảng chỉ có một vài cơn gió lạnh mang đến từ vùng biển. Bầu trời quang đãng và đẹp nhất là vào sáng ngày 18 tháng 11 năm 2012 vừa qua; ngày khánh thành Bảo Tháp Tam Bảo, có cả hằng trăm Tăng Ni, hàng ngàn Phật tử và hơn 100 quan khách đại diện chính quyền Úc, kể cả đảng đối lập đến tham dự và chúc mừng những ngày lễ quan trọng nầy của đồng bào Phật tử Việt Nam chúng ta hiện cư ngụ tại Nam Úc.
Lễ chúc thọ của Hòa Thượng Thích Như Huệ vào tối ngày 17.11.2012 là cơ hội để Môn đồ, Pháp quyến bày tỏ tấm lòng của người học trò, Đệ tử đối với Thầy mình qua một chặng đường dài suốt 80 năm ấy. Không ai lại không mủi lòng khi nghe nhắc đến những chuyện xưa. Tuy đơn thuần chất phác nhưng đậm đà tình nghĩa Thầy trò sư đệ. Thật đúng với câu:
Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng
Nghĩa Tôn Sư muôn kiếp khó đáp đền.
Đại diện cho môn phái Lâm Tế Chúc Thánh Hải Ngoại, Hòa Thượng Thích Bảo Lạc, chúng tôi, Thượng Tọa Thích Hạnh Tuấn đi tặng Ngài 4 chữ: HẠNH QUẢ VIÊN DUNG.
Đại diện môn phái Lâm Tế Chúc Thánh quốc nội Hòa Thượng Thích Như Tín, Hòa Thượng Thích Giả Trọng, Hòa Thượng Thích Như Thọ, Đại Đức Thích Hạnh Minh đi chữ THỌ đậm nét màu vàng.
Các Châu Mỹ, Châu Âu, Châu Á và Canada đều có quà tặng đến Ngài.
Phần tôi đã nhắc lại kỷ niệm gần 50 năm về trước, khi Ngài còn làm Tuyên Úy (1964-1966) của quân đội thuộc các đơn vị Phật tử ở miền Trung; rồi làm Giám đốc Trường Trung Họ Bồ Đề Hội An (1966-1968), lúc ấy tôi đang theo học đệ ngũ và đệ tứ. Đến năm 1969 tôi đi vào Sàigòn tạm trú tại Chùa Hưng Long và sau khi đậu Tú Tài I (1970), Tú Tài II (1971), tôi lên đường sang Nhật du học năm 1972. Kể từ đó về sau tôi chưa có dịp gặp lại Hòa Thượng một lần nào nữa. Thế rồi vào một chiều thu gió lộng tại xứ Đức, cách đây 32 năm về trước bỗng nhiên tôi nhận được điện thoại của Ngài gọi đến từ Nhật Bản. Thầy cho biết là Thầy được tàu của Na Uy vớt và Thầy muốn đến Đức hay Na Uy để định cư.
Tôi thưa rằng: Bạch Thầy! Không nên, vì ở đây có 2 cái khó. Cái khó thứ nhất là ngôn ngữ Đức không dễ dàng với người ngoại quốc; cái khó thứ hai đối với tuổi già không kham nổi; đó là cái lạnh và băng giá vào Đông, đôi khi trừ 20°C.
Nghe như vậy Thầy hỏi tôi. Vậy bây giờ nên đi đâu?
Tôi thưa rằng: Ở Adelaide tại Úc, Hội Phật Giáo Việt Nam đã được thành lập; nhưng chưa có Thầy; nếu Thầy đồng ý, con gọi điện thoại qua ông Hội Trưởng Nguyễn Văn Tươi, nói ông ta làm thủ tục bảo lãnh Thầy; giống như trường hợp của Thầy Bảo Lạc cách đây một hai năm thì Thầy sẽ toại nguyện.
Thầy hỏi ở Úc có gì?
Tôi thưa: Ở Úc có những tia nắng ấm vào hè mà Âu Châu sẽ không có. Ở Úc có chôm chôm, ổi, mít, rau muống v.v…
Thầy bảo: Như vậy thì hãy nói người bảo lãnh tôi qua đó.
Độ chừng 3 tháng sau thì Thầy đã được Tòa Đại Sứ Úc tại Nhật cấp Visa vào Úc. Từ đó ngôi Chùa Pháp Hoa lần lượt trải qua các giai đoạn như: thuê mướn, tạo mãi và trước đây 30 năm Ngài đã chủ trương mua đất cất chùa. Năm nay kỷ niệm 30 năm Chùa Pháp Hoa hiện diện nơi miền Nam nước Úc; tất cả đều do sự lãnh đạo của Ngài mà thành tựu.
Đầu tiên khi tôi đến miền nầy vào năm 1979 họ là những người Phật tử làm việc chung trong một Hội, lấy tên là Hội Phật Giáo Đông Dương (Việt, Miên, Lào); nhưng qua nhiều đề nghị và phản ảnh; nên tôi đã khuyên quý Phật tử lúc bây giờ là hãy nên tách rời Phật Giáo Việt Nam ra. Vì lẽ chúng ta theo Phật Giáo Đại Thừa; những ngày chay tịnh cần thể hiện rõ ràng. Còn 2 xứ kia theo Phật Giáo Nam Tông tụng kinh tiếng Pali và việc dùng tam tịnh nhục không hợp với Phật Giáo Việt Nam mình mấy. Thế là thay đổi nội quy và bầu Ban Chấp Hành mới. Giờ đây mời dự lễ kỷ niệm 30 năm chùa Pháp Hoa, các vị Sư người Miên và người Lào vẫn đến chung vui tham dự. Đúng là tinh thần của người Úc, không phân biệt sắc dân và Tông Phái. Điều nầy cũng ứng hợp với tinh thần trong quyển Kim Các Tự mà tác giả Kimura đã viết như sau: Vấn đề quan trọng không phải là dùng bạo lực để thay đổi thế giới nầy, mà chính là tâm thức thay đổi của con người. Trong quyển sách dầy cộm hơn 600 trang ấy tôi đã đón nhận thêm một ý tưởng mới nữa. Đó là: Khi chiếc xe chuyển bánh thì con người ngồi yên trong xe. Khi xe dừng lại thì con người lại tiếp tục di chuyển. Đây chính là pháp duyên sanh trong Đạo Phật vậy.
Bốn cây thạch trụ của Thiền Gia xứ Quảng cách đây 50 năm về trước đó là: Cố Hòa Thượng Thích Như Vạn, trụ trì Tổ Đình Phước Lâm tại Hội An; Sư Phụ tôi Cố Hòa Thượng Thích Long Trí, trụ trì chùa Viên Giác Hội An; Hòa Thượng Thích Chơn Phát, trụ trì chùa Long Tuyền và Hòa Thượng Thích Như Huệ, trụ trì chùa Tỉnh Hội Hội An kiêm Giám đốc Trường Trung Học Bồ Đề Hội An. Trong 4 vị nầy, Thầy Như Huệ là người có nhiều phước báu nhất; mặc dầu cuộc đời của Thầy cũng không bằng phẳng mấy; nhưng khi càng lên dốc cao, mới thấy được khả năng của người leo núi. Lúc ma chướng bủa vây; chính là lúc chúng ta thể hiện lòng kham nhẫn. Có như vậy „Phật Pháp mới nhiệm mầu“.
Tôi về lại Sydney ngày 19.11 và ngày 20 chúng tôi hành trang lên núi đồi Đa Bảo để tịnh tu, nhập thất và năm nay tôi cùng Hòa Thượng Sư Huynh Thích Bảo Lạc sẽ viết chung một tập sách để kỷ niệm trong 10 năm, sau khi không còn trụ trì chùa Viên Giác Hannover, Đức quốc nữa, tôi trở về ngôi Phương Trượng, cố gắng đóng góp phần mình cho vấn đề dịch thuật, viết lách nhằm góp phần tài bồi cho nền văn hóa Phật Giáo nước nhà có thêm nhiều tư liệu mới bằng tiếng Việt.
Tôi rất vui khi mọi việc đã được thành tựu; nhưng cũng sẽ chẳng buồn khi nhân duyên không hội đủ. Với tôi, tất cả đều có ý nghĩa, dẫu cho chỉ là một chiếc lá vụng về rơi lả tả đâu đó trong sân chùa, trên sân gare hay ở một vùng quê nào hẻo lánh. Tất cả đều là ân nghĩa. Tất cả đều là phước báu. Nếu không có họ thì sẽ không có mình. Trong mình có họ, trong họ có mình. Ý nầy rút ra từ bài „Lạy Mẹ Con Đi“ của Gia Huy đã hát trên chuyến xe Bus từ Kyoto đến Nara và đây cũng là một bài hát, một ý tưởng rất hay khi Gia Huy hát tặng quý Thầy Cô nhân lễ Hiệp Kỵ lần thứ 6 tổ chức tại chùa Pháp Hoa ở Adelaide từ ngày 16 đến 18 tháng 11 năm 2012 vừa qua.
Khép lại một trang văn, diễn tả sự nhiệm mầu qua việc cầu nguyện, để những ngày tháng và lễ lộc tại xứ người có được nhiều niềm hỷ lạc và chính đây là động cơ đã giúp cho tôi viết xong bài nầy trong một thời gian rất ngắn trên núi đồi Đa Bảo qua 5 sự kiện vừa nêu trên.
Kỷ niệm lần tịnh tu nhập thất thứ 10 trên núi đồi Đa Bảo vùng Blue Mountain ngày 22 tháng 11 năm 2012.
_____________________________
Sự Thăng Hoa của Phật Giáo Đại Thừa
* Thích Như Điển
Khởi đi từ Ấn Độ cách đây 2556 năm về trước, giáo lý của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni bắt đầu tỏa chiếu từ cội cây Bồ Đề linh thiêng và kể từ đó đến nay giáo lý từ bi trí tuệ ấy đã làm cho không biết bao nhiêu chúng sanh được gội nhuần ân pháp vũ. Bất luận là Á Âu hay Mỹ Phi Úc, đâu đâu nếu có những người hướng thiện, muốn tu học và cần cầu sự giải thoát; thì giáo lý kia chính là những chất liệu dưỡng sinh để giúp cho con người mau ra khỏi vòng tục lụy của một kiếp nhân sinh.
Đầu tiên Đức Phật nói những câu chuyện thường nhật của sanh, già, bệnh, chết. Soi rõ nguyên nhân từ đâu có những hiện tượng nầy, rồi từ đó Ngài chỉ cho phương pháp chữa trị những căn nguyên cội rễ kia. Đây chính là một bài thuốc thần diệu mà giáo lý kia đã cung ứng cho con người. Đọc bộ A Hàm là bộ kinh căn bản có nguyên thủy bằng tiếng Pali, được dịch sang chữ Hán cũng như tiếng Việt, chúng ta thấy rải rác khắp đó đây những câu chuyện thường nhật xảy ra trong đời sống hằng ngày mà Đức Phật muốn dạy cho các Đệ Tử hay những người có duyên với Phật Pháp.
Ví dụ có hôm còn sớm, chưa đến giờ đi vào thành khất thực, Đức Phật quán sát nhân duyên, thấy rằng ông Phạm Chí nọ đã đến thời kỳ được khai thị; nên Ngài đã ghé qua nơi các Phạm Chí đang tụ họp. Khi Đức Phật đến, có người cung kính chào, có kẻ ngồi yên, có người ra vẻ hống hách khinh thường Ngài và cũng có lắm người hiềm khích chửi rủa mắng nhiếc. Tất cả những việc làm ấy của Phạm Chí đối với Ngài hầu như không bị chi phối, vì Ngài đã quán sát kỹ trong từng trường hợp một, sau đó Ngài từ tốn hỏi từng câu chuyện một. Có lúc Phạm Chí trả lời, có khi Đức Phật giải thích. Khi hiểu thấu đáo rồi những người ngoại đạo kia xin quy y với Đức Phật.
Những câu chuyện trong kinh A Hàm là những câu chuyện xảy ra thường nhật trong cuộc sống hằng ngày. Đôi khi Phật nói ở những cảnh giới khác; nhưng lắm lúc cũng nói rất cao về tánh không, về vô ngã. Ví dụ có hôm Đức Phật bắt gặp Đệ Tử của Ngài đang ngồi thảo luận về sự thành lập và sự hủy hoại của thế giới nầy; nhưng quý Thầy Tỳ Kheo đang đi đến chỗ bí lối. Lúc ấy Đức Phật lại xuất hiện để giải bày. Ngài nói về duyên sanh và duyên khởi. Ngài nói về vô thường và sanh diệt. Ngài nói về thành, trụ, hoại, không… Tất cả đều nhằm giải bày cho chư Tỳ Kheo những chỗ còn nông cạn.
Đức Phật cũng đã nói về những ngày chay trong một tháng từ ngày mồng 8, 14 rằm và nửa tháng sau gồm ngày 23, 29 (30 nếu tháng đủ) và mồng một. Trong những ngày chay tịnh nầy Đức Phật khuyên các Phật Tử nên thọ Bát Quan Trai. Lý do là trong những ngày mồng 8 và 23 Chư Thiên ở cõi Trời sai những Thiên Sứ đi vào nhân gian để tuần tra xem thử việc lành dữ của thế gian. Nếu trong những ngày ấy con người tại thế gian nầy biết kính trọng Tam Bảo, Sư trưởng, cha mẹ, có lòng thương đối với chúng sanh và làm lành lánh dữ, khi các Thiên Sứ nầy báo lại cho Chư Thiên như vậy thì Chư Thiên rất hoan hỷ và nói rằng: Cửa thiên đường đang mở để đợi chờ những người nầy.
Vào ngày 14 và 30 (nếu tháng thiếu 29) Chư Thiên sai hai vị Đông Cung Thái Tử trực tiếp xuống cõi Ta Bà nầy để xem xét chúng sanh có hành thiện hay không. Nếu chúng sanh trong cõi Nam Diêm Phù Đề nầy có giữ giới, có thọ Bát Quan Trai trong những ngày nầy, biết quy kính ba ngôi Tam Bảo, có hiếu với cha mẹ, hòa thuận với huynh đệ trong gia đình. Khi hai vị Đông Cung Thái Tử nầy thấy như vậy rồi về báo lại cho vị Trời Đế Thích. Ngài tươi cười bảo: Như vậy là A Tu La đã giảm và Chư Thiên sẽ tăng.
Đến ngày mồng một và ngày rằm đích thân vua cõi trời tam thập tam thiên đi vào cõi nhân gian nầy. Nếu các chúng sanh ở cõi nầy luôn có tâm làm việc thiện, lánh xa những việc ác, ăn chay, thọ Bát Quan Trai, giúp đời, cứu người, quy kính nơi Tam Bảo v.v… thì Đế Thích rất hoan hỷ. Vì con người muốn xa lánh tội lỗi, mong được sanh vào thế giới an lành hơn sau khi mạng chung ở cõi nầy. Nếu không được như vậy Đế Thích không hoan hỷ.
Vậy thì việc chay tịnh nầy đã có ngay từ thời kỳ Đức Phật còn tại thế, mặc dầu có nơi Ngài cũng có chủ trương là Đệ Tử của Ngài có thể dùng tam tịnh nhục hay ngũ tịnh nhục. Khi Phật Giáo truyền đến phương Bắc như Trung Hoa, Đại Hàn, Việt Nam… các vị Tổ Sư Đại Thừa triển khai từ những giáo lý căn bản nầy để thăng hoa cho cuộc sống của người xuất gia cũng như tại gia về các hình thức như ăn chay kỳ mỗi năm 3 tháng hay ăn chay trường; hoặc ăn chay mỗi tháng nhiều ngày; ngoài 6 ngày như thời Đức Phật đã chủ trương. Tinh thần nầy còn được nhấn mạnh rất rõ trong kinh Đại Bát Niết Bàn về sau nầy là: Muốn thành Phật, không thể thiếu tâm từ đối với chúng sanh; nên phải dùng hoàn toàn chay tịnh.
Về việc niệm Phật cũng đã khởi đi từ thời Đức Phật còn tại thế. Những gì Ngài đã dạy, trong kinh A Hàm ngày nay vẫn còn truyền lại. Đó là: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm thí, niệm giới và niệm Thiên. Chữ niệm có nghĩa là nhớ nghĩ, liên tưởng về. Ngày xưa chỉ liên tưởng có 6 việc trên. Vì lẽ người Cư Sĩ tại gia làm phước, bố thí, cúng dường chỉ mong cầu kiếp sau được giàu có sanh thiên và ở đó để hưởng những phước lạc; nên thường nhớ nghĩ đến Chư Thiên. Đến khi tinh thần Đại Thừa được triển khai sau thời kỳ bộ phái và nhất là tinh thần Trung Quán của Ngài Long Thọ hay các Đại Luận Sư khác như: Mã Minh, Vô Trước, Thế Thân thì chữ niệm nầy đã thăng hoa ở nhiều tầng lớp cao hơn nữa. Đó là hình ảnh của Đức Phật A Di Đà và chư vị Phật khác trong 10 phương vô biên thế giới. Từ một vị Phật độc tôn như Đức giáo chủ Thích Ca Mâu Ni mà lâu nay Phật Giáo Nguyên Thủy đã tôn thờ. Nay lại xuất hiện thêm Đức Phật A Di Đà giáo chủ cõi Tây Phương Cực Lạc, kế đến Tịnh Độ Đông Phương của Phật A Súc. Tịnh Độ Đẩu Suất của Đức Phật Di Lặc và hằng hà sa số cõi Phật khác. Đây cũng là tinh thần „nhất niệm biến tam thiên“ trong kinh Hoa Nghiêm thăng tiến vậy. Những gì ở Ấn Độ và các nước Phật Giáo Nam Tông chỉ một, khi qua đến các xứ Phật giáo phát triển biến thành hai, thành bốn và cứ thế mà nhân lên gấp đôi.
Ví dụ trong kinh Bản Sanh, Đức Phật thuật lại những tiền kiếp của mình. Có lúc Ngài thực hành hạnh nhẫn nhục của một vị Bồ Tát như trong kinh Kim Cang có diễn tả. Lúc ấy vua Ca Lợi cắt hết thân thể của Ngài. Nếu Ngài dùng cái tướng của sự thấy, nghe để trụ vào đó thì Ngài không thành tựu hạnh Bồ Tát nữa. Cũng có những chuyện tiền thân trong hơn 500 chuyện như vậy nói Ngài là Sư Tử, là chim, là người thợ săn, là Tu Sĩ v.v… tất cả đều mang hạnh nguyện của một vị Bồ Tát vì đời quên mình và xả thân cầu giác ngộ giải thoát sanh tử luân hồi. Thế mà khi Ngài thành Phật trong kiếp nầy, tinh thần Bồ Tát hạnh như thế ít thấy được triển khai như tinh thần của Phật Giáo Đại Thừa.
Đến kinh Lục Độ, kinh Bát Nhã, kinh Kim Cang là sự thăng hoa của Bồ Tát hạnh và làm sáng tỏ thêm tinh thần căn bản của Bản Sanh truyện, vốn là những mẩu chuyện do chính kim khẩu của Đức Phật nói ra và sau nầy vào đầu kỷ nguyên dương lịch được biên tập thành tiếng Pali, được truyền bá rộng rãi khắp nơi trong các xứ Phật Giáo Nam Tông ngày nay. Vậy thì lục độ vạn hạnh vốn là những điều căn bản của một con người khi thực hành hạnh Bồ Tát như: Bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí tuệ. Đây cũng chính là sự thăng hoa của Đại Thừa từ căn bản Phật Giáo Nguyên Thủy. Vì lẽ khi tư tưởng Phật học tại Ấn Độ đã chín muồi sau gần 800 hay 900 năm tại quê hương Đức Phật, lúc bấy giờ tinh hoa ấy lại bay bổng và hội tụ đến phương Bắc chứ không phải là phương Nam. Vì lâu nay phương Nam vốn dĩ đã hấp thụ tinh thần Phật Giáo cổ điển rồi.
Từ 6 hạnh của Bồ Tát khi đi vào đời để độ sanh, 6 hạnh kia đã trở thành 12 lời nguyện của Đức Dược Sư, Lưu Ly Quang Như Lai, rồi 12 lời nguyện của Đức Phật A Súc của cõi Tịnh Độ Diệu Hỷ nằm ở phương Đông; nơi đây còn có khả năng thâu nhận những người nữ muốn vãng sanh về thế giới của Ngài, mà trong Nguyên Thủy Phật Giáo khó thấy được hình ảnh nầy.
Rồi 12 lời nguyện của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát. Tuy những lời nguyện nầy nương vào kinh Diệu Pháp Liên Hoa làm chính; nhưng Ngài là một trong hai vị Bồ Tát thượng thủ của Đức Phật A Di Đà ở cõi Tây Phương Cực Lạc. Rồi 18 đạo được nói rõ trong Vô Lượng Thọ nghi quỷ. Rồi 24 lời nguyện cổ xưa của Đức Phật A Di Đà. Kế tiếp biến thành 30, rồi 36. Sau đó là 42 và dừng lại ở con số 48. Theo nguyên ngữ bằng tiếng Phạn thì Đức Phật A Di Đà chỉ có 45 lời nguyện; trong khi đó tiếng Tây Tạng gồm tất cả 51 và chữ Hán hay tiếng Việt và tiếng Nhật hay Đại Hàn vẫn tôn trọng con số 48 như xưa nay vẫn thường lễ bái, trì tụng xưng dương hạnh nguyện của Ngài.
Như vậy từ kinh Bản Sanh làm căn bản, trải qua Lục độ vạn hạnh, Lục độ tập kinh, Lục Ba La Mật và cứ mỗi lần thăng tiến hạnh nguyện của Đức Phật A Di Đà được cộng thêm 6 hạnh nguyện. Đây là lối diễn dịch của Đại Thừa mà ta phải nhìn với tuệ giác quán chiếu duy tân, thay đổi mới có thể chấp nhận được. Nếu chỉ nhìn dưới khía cạnh thuần nhất, một là một và một không thể là hai hay còn khác hai nữa, thì không thể chấp nhận sự thăng hoa của Đại Thừa một cách dễ dàng.
Từ đó chúng ta thấy rằng: những nước theo Đại Thừa hay Kim Cang Thừa như: Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn, Nhật Bản, Mông Cổ, Sikkim, Tây Tạng, Bhutan… đã thăng hoa tinh thần Đại Thừa đến chỗ tột đỉnh. Ví dụ như dưới thời nhà Đường ở Trung Hoa vào thế kỷ thứ 7, thứ 8. Hoặc nhà Kim bên Đại Hàn thế kỷ thứ 8; dưới triều Thánh Đức Thái Tử ở Nhật thế kỷ thứ 6 và Việt Nam vào thời nhà Lý nhà Trần từ thế kỷ thứ 11 đến cuối thế kỷ thứ 13. Tất cả đều chỉ có một mục đích duy nhất là tiếp tục duy trì phát triển và làm thăng hoa tinh thần Đại Thừa để khế hợp vào đời sống cũng như văn hóa bản địa. Nếu không như vậy thì gốc rễ của Phật Giáo Nguyên Thủy không thể bám chặt vào nơi đây. Điều ấy qua lịch sử và sự truyền thừa chúng ta đã thấy rõ. Trong khi Phật Giáo Nguyên Thủy hầu như không có mặt tại các quốc gia Đại Thừa nầy; điều ấy cũng chẳng có nghĩa là Phật Giáo Đại Thừa đi sai nguyên tắc của Phật Giáo Nguyên Thủy, mà ở đây chỉ thăng hoa tinh thần Nguyên Thủy vốn đã có sẵn từ lúc ban đầu ấy mà thôi. Ngược lại những xứ Nam Tông Phật Giáo như: Tích Lan, Miến Điện, Thái Lan, Lào, Cam Bốt ảnh hưởng của Đại Thừa Phật Giáo khó phát triển tại những quốc gia nầy. Vì lẽ văn hóa và truyền thống ở những đất nước nầy vốn dĩ lâu nay đã quen với nề nếp cũ, khó lòng mà khởi động một phong trào thăng hoa giáo lý ấy một cách quyết liệt như thời Ngài Long Thọ còn hiện tiền. Nếu không có bốn vị Đại Luận sư như trên thì Đại Thừa cũng khó có cơ ngơi phát triển dọc về phương Bắc; nhưng đồng thời tư tưởng ấy cũng khó tồn tại và phát triển về phương Nam. Vả chăng: thời thế tạo nên con người và lịch sử là vậy.
Một số những nhà nghiên cứu khi bàn đến vấn đề Nam Bắc Tông đều cho rằng: Bắc Tông đi quá đà, sai lời Phật dạy và những giáo lý ấy vốn không có sự bắt nguồn từ Phật Giáo Nguyên Thủy. Không biết rằng: những nhận định như vậy có quá vội vã chăng? bởi lẽ, nếu những mảnh đất màu mỡ phương Bắc ấy, dầu cho có bỏ trống đi nữa, thì Phật Giáo Nam Truyền khó mà tồn tại cũng như phát triển được. Lý do là phong tục, tập quán và văn hóa của người phương Bắc lúc nào cũng phải đổi thay để thích hợp với khí hậu, phong thổ, nếp sống của con người tại đó. Vậy thì sự hội nhập, duy trì, phát triển, thăng hoa tinh thần Phật học vốn có sẵn tự ngàn xưa tại Ấn Độ trên những dãi đất mới ở Bắc phương đâu có tội tình gì; ngược lại còn mang đến cho những quê hương nầy những tinh hoa tuyệt diệu của Phật học mà Đạo giáo và Khổng giáo khó bề chu toàn. Vì cả hai nền giáo lý nầy đều chỉ dạy cho con người hoàn thiện kiếp sống nhân sinh trong hiện thế; còn đời trước và đời sau không có sự tiếp nối liên hoàn. Do vậy khi Đạo Phật nhập thế được tiếp cận vào những xã hội nầy là một phước báu lớn của Đạo Phật khi đem chuông đi đánh xứ người và tiếng chuông ấy lại vang vọng mãi cho đến ngàn sau.
Kinh A Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ vốn là những bản kinh có nguyên bản chữ Sanscrit; nên nhiều học giả cho rằng: những kinh ấy có nguồn gốc. Còn Kinh Quán Vô Lượng Thọ vốn chỉ có bằng chữ Hán; nên các học giả không tin rằng: kinh nầy đã có từ nguyên thủy. Điều ấy cũng có thể; nhưng cũng không nhất thiết phải là như thế. Vì nội dung của kinh mới là quan trọng, còn hình thức có thể thay đổi tùy theo thời gian và hoàn cảnh tại địa phương. Ví dụ như kinh Vu Lan Bồn, kinh Báo Ân Phụ Mẫu, kinh Lương Hoàng Sám, kinh Thủy Sám v.v… vốn dĩ do chư Tổ người Trung Hoa dựa theo tinh thần báo ân, báo hiếu, nhân quả mà lập thành; nhưng chúng không đi ngược lại tinh thần căn bản giáo lý chơn truyền là được. Miễn là nó không làm cho con người lâm vào mê tín, dị đoan. Đằng nầy sự thờ kính cha mẹ, ông bà, tổ tiên vốn là bản sắc của những dân tộc như Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản, Việt Nam; nên những bản kinh trên luôn hiện hữu trong lòng của những tín đồ theo Phật Giáo Đại Thừa. Trong khi đó các xứ Nam Truyền không có những bản kinh như vậy.
Ngày nay Phật Giáo đã có mặt khắp nơi tại Âu Mỹ. Ví dụ như Phật Giáo được du nhập vào nước Úc nầy khoảng gần 200 năm về trước là do những người Anh, người Mỹ theo Thông Thiên Học của Ấn Độ chuyển hướng qua Phật Giáo. Vì lẽ giáo lý nầy gần sát với thực tế, những gì mà họ đang thực hành như Yoga hay Thiền Định. Phật Giáo đến Âu Châu có nhiều ngã khác nhau; chính thức có hai con đường. Đó là những nhà truyền giáo Á Châu mang giá trị của Đạo Học Đông Phương đến những quê hương mới nầy. Tiếp đến, chính những người Âu Châu không còn thừa nhận tôn giáo hữu thần và nhứt thần nữa; nên họ đã trực tiếp đến các xứ Nam Phương hay Bắc Phương để tìm hiểu giáo lý đó. Sau khi tu niệm đã thành thục, họ trở về lại quê hương của mình và trao truyền những gì đã học được cho những thế hệ kế thừa.
Phật giáo Mỹ Châu cũng vậy. Tuy châu lục nầy còn mới mẻ so với các châu khác; nhưng cách tiếp nhận tinh hoa của Phật Giáo cả Nam và Bắc Truyền bằng những nhận xét dựa theo khoa học thực tiễn để thực hành Đạo Phật. Đời sống kỹ nghệ vốn dĩ làm cho con người dễ đi vào chỗ bế tắc, căng thẳng nhiều mặt trong cuộc sống, nhất là vấn đề tâm linh. Do vậy Thiền là cách điều tâm và duy nhất có thể xoa dịu đời sống nội kết của họ giữa gia đình và xã hội; giữa con người và việc làm, để trở nên phóng khoán hơn và hiệu quả hơn; nên ngày nay đi đâu cũng nghe nói đến Thiền trị liệu tâm lý, làm xoa dịu thần kinh, mà thiền Minh Sát (Vipassana) nguyên thủy vốn không phải để chỉ đáp ứng những nhu cầu rất con người và rất thực tiễn như những xã hội Âu Mỹ ngày nay đã tiếp nhận.
Gạo vốn là món ăn căn bản của các dân tộc Á Châu. Trong khi người Ấn Độ nấu cơm và thức ăn bao giờ cũng cho cà-ri và ớt cay xé cổ để tạo thành một bữa ăn ngon cho mỗi ngày, mỗi tháng và quanh năm như thế. Nếu là người ngoại quốc, chỉ có thể thưởng thức món cơm cà-ri trong một thời gian ngắn là ớn ợ rồi.
Cơm tại Trung Hoa bây giờ không còn là thức ăn chính nữa, mà cơm lúc nào cũng được đem ra cuối cùng của bữa ăn. Họ dùng đồ chiên xào là chính và bao giờ dầu, mỡ vẫn là những loại đồ ăn khoái khẩu của họ. Trong khi đó người Nhật ăn cơm rất ngọt; hình như họ bỏ đường vào đó hơi nhiều. Món ăn của người Nhật hơi lờ lợ, không mặn mà như Việt Nam, không cay như Ấn Độ và không nhiều dầu như Trung Hoa. Người Đại Hàn ăn cơm lúc nào cũng phải có kim chi; người Tây Tạng, Pakistan ăn cơm lúc nào cũng phải có những loại bột đặc quánh ăn chung với bánh. Đó là một trong những đơn cử nhỏ của món ăn chính là gạo; nhưng các dân tộc Á Châu tiêu thụ, sử dụng khác xa nhau, chẳng có nước nào giống với nước nào cả.
Lâu nay người Âu Mỹ vốn ăn bánh mì. Tất cả đều được làm từ bột lúa mì và lúa mạch tạo thành và họ đã làm đủ loại bánh mì khác nhau để cho con người sử dụng. Bây giờ có một loại gạo mới được du nhập vào đây từ Tích Lan, Thái Lan, Ấn Độ, Việt Nam,Trung Quốc, Đại Hàn, Nhật Bản… họ không nấu cơm bằng nước như các dân tộc Á Châu chúng ta, mà họ nấu gạo bằng sữa bò để có thêm nhiều chất dinh dưỡng và họ không dùng cơm nầy bằng đũa như các dân tộc Á Châu, mà họ dùng toàn bằng dao và nĩa. Dĩ nhiên là còn nhiều cách khác nhau nữa để nấu gạo thành cơm và mục đích cuối cùng là cung ứng cho sự tiêu hóa, làm thích nghi cho bao tử. Như vậy chúng ta cũng không thể nói là người Âu Châu nấu cơm không đúng cách và ăn cơm không phải như vậy, phải dùng đũa mới đúng. Đây là cái chấp nhất thời. Mục đích không phải như vậy. Ăn cơm hay nấu cơm bằng cách nào không cần thiết, miễn sao cơm gạo ấy nuôi sống được cơ thể, dầu Đông hay Tây cũng chỉ với mục đích nầy.
Giáo lý của Đức Phật cũng chỉ có một mục đích duy nhất là làm cho con người bớt khổ đau, tục lụy, làm sao thoát ly sanh tử luân hồi là chính. Còn làm như thế nào để thoát ly thì mỗi dân tộc, mỗi quốc độ có thể hành trì theo phương pháp tự biến chế cho dân tộc mình. Như vậy tinh thần Đại Thừa mới có thể khế hợp một cách dễ dàng ở những xã hội Tây Phương này.
Một Đức Phật được tạc ở Phi Châu thì kim thân của Ngài có thể không còn là màu vàng nữa. Vì điều nầy vốn xa lạ với người bản địa. Màu sắc ấy chỉ có nơi khác, chứ không tồn tại ở lục địa nầy. Cũng như thế, Đức Phật do người da trắng tạo ra thì Đức Phật ấy phải có mũi cao, da trắng và tóc vàng chứ không nhất thiết phải là tóc đen. Vì Đức Phật đó phải là Đức Phật của họ, không thể nào là một Đức Phật xa lạ với những nền văn hóa đã có sẵn tại đây.
Ngày nay nếu có ai đó đi vào những Chùa Viện và những Thiền Đường của người Anh, người Mỹ, người Đức, người Áo, người Ý, người Nga… nó hoàn toàn không giống như những Chùa Viện tại Á Châu chúng ta. Nó không nhằm mục đích làm thỏa mãn vấn đề tín ngưỡng của con người, mà mục đích chính là vấn đề chuyển hóa nội tâm, xay nhuyễn lời Phật dạy thành chất đề hồ cho người Tây Phương tiêu thụ qua việc đếm hơi thở của người Âu Châu, chứ không phải cho hay vì người Á Châu chúng ta. Họ cũng ăn chay; nhưng mục đích là tôn trọng sự sống; chứ không vì tạo phước đức như người Á Châu chúng ta quan niệm. Họ làm việc thiện nguyện chỉ đơn thuần là giúp người khác nghĩa là giúp mình. Đây là tinh thần Bồ Tát hạnh đã được khai phóng qua cái nhìn của người Âu Mỹ ngày nay. Tuy nhiều quốc gia Âu Mỹ ngày nay không hẳn là phật Giáo; nhưng nhìn thoáng qua thì Tam Quy Ngũ Giới và Thập Thiện họ đang nghiêm trì một cách rất cẩn mật. Đó là họ chưa ảnh hưởng trực tiếp về những lời dạy của Đức Phật; nếu họ là những Phật Tử thực thụ thì họ sẽ tiến nhanh hơn người Á Đông rất nhiều. Bơỉ lẽ cái nhìn, cái thực tập của họ có tính cách thực tiễn và khai phóng, trong khi đó những việc làm của chúng ta luôn mang nét truyền thống, chứ ít khi chịu bước ra ngoài khuôn khổ, vốn đã sẵn có lâu nay.
Hôm nay là ngày 21 tháng 12 năm 2012; ngày mà nhiều người trên hành tinh nầy tin là ngày tận thế. Vì họ căn cứ theo lịch của người Maya ở Nam Mỹ, vốn là một dân tộc thông minh đã đoán trước chu kỳ của hơn 5.000 năm một lần trái đất sẽ có sự thay đổi lớn; nhưng tôi quan sát vùng núi đồi Đa Bảo Blue Mountain gần Sydney của nước Úc nầy mặt trời vẫn mọc ở phương Đông, lặn ở phương Tây, mây vẫn bay, nước vẫn chảy, sương vẫn rơi… chưa có một hiện tượng nào khiến cho con người phải lo toan cả. Thế mà đã có nhiều người toan tự tử; nhiều kẻ đã bán nhà cửa để đi đến chỗ an toàn; lại cũng có người hoang mang lo sợ, khổ tâm. Vậy đâu là vấn đề?
Trong giáo lý của Đức Phật, dẫu là Phật Giáo Nguyên Thủy hay Phật Giáo Đại Thừa, Ngài vẫn luôn đề cập đến những giai đoạn của con người, của vũ trụ, của thế giới nầy bởi một chuỗi thời gian dài trải qua bốn giai đoạn. Đó là: thành, trụ, hoại và diệt (không). Thành và trụ là hai giai đoạn mà chúng ta đã kinh qua. Vậy hai giai đoạn kế tiếp bao giờ xảy đến và sẽ xảy đến như thế nào ?
Giai đoạn băng hoại của quả đất nầy là giai đoạn mà con người tuổi thọ chỉ còn 10 tuổi và 5 tháng tuổi, con người đã thành lập vợ chồng, sanh con đẻ cái. Thức ăn lúc bấy giờ là hạt cỏ, chứ không còn gạo, thóc như bây giờ (theo Kinh Trường A Hàm). Những lời dạy như thế trong kinh điển Pali vẫn còn đây và việc ấy sẽ xảy đến; chứ chưa xảy đến. Trong luận A Tỳ Đàm về việc thành lập thế giới, Đức Phật đã dạy rằng: Khi nào con người không còn quy kính ngôi Tam Bảo, không tôn trọng Sư trưởng, không hiếu dưỡng cha mẹ và hòa thuận với anh chị em trong gia đình và không có lòng thương đối với chúng sanh thì đây là những hiện tượng của giai đoạn băng hoại.
Chúng ta là những chúng sanh từ cõi Trời Quang Âm Thiên đến đây. Thuở ấy chúng ta còn biết bay đi nơi nầy nơi nọ. Việc ăn uống tự sinh, không cần phải nấu nướng, mua sắm không cần tiền bạc. Đời sống an lạc, không chiến tranh. Còn bây giờ chúng ta đang thấy gì ? Thần thông chẳng ai còn nữa. Ăn uống phải tự nấu nướng, tâm địa chúng sanh lúc nào cũng ganh tị, đấu tranh kiên cố với nhau. Vậy bao giờ thì quả đất nầy hoại diệt ?
Đây là giai đoạn cuối của quả đất; nhưng nếu quả đất nầy hay những quả đất khác trên những thái dương hệ nầy bị hoại diệt phải đi qua hai giai đoạn quan trọng và mỗi giai đoạn như vậy chia ra làm 3 thời kỳ khác nhau của từng giai đoạn một.
Giai đoạn một được gọi là: Tiểu Tam Tai. Trong giai đoạn nầy được chia ra làm 3 thời kỳ. Đó là: chiến tranh, đói khát và bệnh tật. Trong luận A Tỳ Đàm dẫn dụ việc A Tu La đánh với Tứ Thiên Vương, cả 3 lần đều thua và những cung điện của A Tu La bị chư Thiên chiếm ngự, con gái của A Tu La cũng bị chư Thiên bắt giữ. Đây là cuộc chiến của những người có thần thông; có bên thua và có bên thắng. Trở lại loài người của chúng ta, ngày nay khắp nơi đều có chiến tranh. Giữa hai nước đánh chiếm với nhau; giết chóc tại học đường, tự sát hoặc đem quân đi hiềm khích với nước láng giềng v.v... đây là mầm mống nguy hại của mối hiểm nguy thứ nhất trong thời kỳ đầu của Tiểu Tam Tai.
Thời kỳ thứ hai của Tiểu Tam Tai là đói khát. Trong khi nhiều dân tộc ăn uống dư thừa như Mỹ và các nước Âu Châu; nhưng Châu Phi mỗi ngày có cả hằng trăm, hằng ngàn người chết đói. Thời tiết vì nóng quá không có mưa, không trồng trọt được; nên con người lâm vào chỗ khốn cùng. Cũng may là nhờ có các cơ quan viện trợ nhân đạo của quốc tế giúp đỡ kịp thời; nên những nạn đói ấy dừng lại tại chỗ; nhưng về lâu về dài thì chẳng biết sao đây, khi mà lòng tham của con người chẳng chịu dừng nghỉ.
Thời kỳ thứ ba của Tiểu Tam Tai là bệnh tật. Ngày nay có những căn bệnh thật là ly kỳ như: cúm gà, cúm gia cầm, bệnh di truyền, bệnh AIDS, bệnh vô cảm v.v... những căn bệnh nầy ngày xưa không có; nếu có cũng chỉ chết một số ít người. Còn bây giờ số người chết hằng loạt. Có nơi bị chết cả làng. Mặc dầu cơ quan y tế của Liên Hiệp Quốc có những loại thuốc chủng ngừa hàng loạt; nhưng nhiều khi cũng vô hiệu. Vì bệnh nầy lây lan từ thú vật và truyền đạt qua con người, để rồi con người tự hủy hoại với nhau qua thức ăn, đồ uống, hơi thở v.v...
Nếu dựa theo tinh thần kinh điển của Phật Giáo thì chúng ta đang mới trải qua giai đoạn đầu của Tiểu Tam Tai, chứ chúng ta chưa bị bước sang các giai đoạn của Đại Tam Tai. Nếu chúng ta không tuân thủ nguyên tắc sống trên hành tinh nầy thì trước sau gì, chúng ta cũng phải bước sang giai đoạn cuối cùng để đi đến sự hủy diệt. Như vậy theo kinh điển của Đạo Phật thì sự hủy hoại hay diệt tận của thế giới nầy không phải là ngày 21 tháng 12 năm 1012 nầy mà thời gian còn lâu dài hơn như thế nữa; nếu con người còn biết thương yêu nhau, còn hiếu thuận với cha mẹ, còn tôn thờ Sư trưởng và có lòng tin nơi Tam Bảo thì tuổi thọ của quả đất nầy, của hành tinh nầy sẽ còn tồn tại lâu hơn như thế. Tất cả đều lệ thuộc nơi chúng ta.
Giai đoạn hai được gọi là giai đoạn Đại Tam Tai. Giai đoạn nầy cũng chia ra làm 3 thời kỳ. Thời kỳ đầu nước sẽ dâng cao, thời kỳ thứ hai gió sẽ thổi lớn và thời kỳ cuối đất sẽ tan vỡ. Bây giờ chúng ta thử đi vào từng thời kỳ một của Đại Tam Tai.
Đầu tiên là giai đoạn của nước sẽ dâng cao. Những năm tháng gần đây chúng ta vẫn chứng kiến hay nghe nói đến những cảnh lụt lội, nước dâng cao bất thường, sau khi có những trận mưa bão lớn. Nào là Đại Hồng Thủy, Tsunami v.v… Nước dâng thật cao và đã có không biết bao nhiêu người cũng như sinh vật chết, nhà cửa tài sản bị cuốn trôi đi vào lòng đại dương chỉ trong vòng 5, 10 phút. Trận Tsunami đã xảy ra vào ngày 11 tháng 3 năm 2011 vừa qua tại 5 tỉnh miền Đông Nhật Bản nơi cao nhất là 15 mét và chỉ trong vòng 10 phút ấy đã có 15.000 người chết. Có lẽ trong tương lai sẽ còn nhiều trận Tsunami cao lớn hơn nhiều. Lúc ấy con người lại trở nên nhỏ bé đối với trước thiên nhiên, khi khả năng con người bị hạn chế. Dầu cho khoa học trong tương lai có tiến nhanh hơn bây giờ. Ví dụ như xe có thể bay hoặc không người lái, mọi thứ đều tự động; nhưng tất cả đều không thể cưỡng lại nghiệp lực và những gì chúng sanh đã tạo tác ra trong kiếp nầy hay kiếp trước.
Trong kinh Trường A Hàm, Đức Phật dạy rằng: Nước trong ngày kiếp tận sẽ dâng lên hết cõi trời thứ 33, nghĩa là tất cả những thế giới nào nằn trong cõi dục như: Trời, người, A Tu La, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, Nam Thiệm Bộ Châu, Bắc Cu Lô Châu, Đông Thắng Thần Châu, Tây Ngưu Hóa Châu, cõi Trời Tứ Thiên Vương, Đao Lợi, Đẩu Suất, Dạ Ma, Hóa Lạc và Tha Hóa Tự Tại Thiên. Chừng ấy cõi nước toàn là nước, chứ không có gì khác. Lúc đó các vị Thiên Tử ở Cõi Sắc Giới lo sợ mới hỏi rằng: Vậy nước còn dâng cao nữa chăng ? Chư Thiên cõi Sắc đáp: Không! Nước sẽ dừng lại ở đó. Như chúng ta biết rằng: tuổi thọ của chúng sanh ở cõi Tha Hóa Tự Tại Thiên rất cao. Cứ một ngày ở đó bằng 16.000 năm ở cõi Ta Bà nơi chúng ta đang ở. Khi nào chư Thiên ở cõi đó hưởng hết phước rồi mới bị đọa lạc.
Kế tiếp là giai đoạn của gió thổi mạnh. Giai đoạn nầy khác với giai đoạn đầu, khi quả đất được thành lập. Lúc ấy gió cũng thổi; nhưng mang tính cách tạo thành. Còn giai đoạn của kiếp tận, gió sẽ mang đi tất cả. Gió càng lớn thì nước càng dâng cao. Con người, của cải, tài sản… tất cả đều trôi theo vận nước.
Cuối cùng các quả đất nầy sẽ vỡ tan ra, không còn một mảnh đất nào trên quả địa cầu nầy và các thái dương hệ khác cũng không còn kết hợp được nữa. Từng mảng, từng mảng ấy theo nước, theo gió trôi nổi khắp mười phương thế giới. Ngày được gọi là tận thế ấy chỉ còn lại độ 10.000 người và trong 10.000 người ấy cũng sẽ trôi nổi bồng bềnh rày đây mai đó. Họ cầu nguyện, phát tâm hướng về những thần lực siêu nhân. Trong họ có nhiều người khuyên bỏ ác, làm lành, biết tu tập và đem những điều từ bi, lợi tha ra thực hiện.
Gió bắt đầu yên, nước bắt đầu ngưng dâng cao và đất bắt đầu tụ lại khi ngọn lửa không còn thiêu đốt trong lòng đất nữa. Đây được gọi là sự thành lập và những giai đoạn tan hoại của một thế giới. Lúc ấy tuổi thọ con người càng ngày càng tăng dần. Cho đến khi nào con người có thọ mạng cao thì lúc ấy Đức Phật Di Lặc sẽ ra đời. Ngài sẽ độ cho loài người 3 lần và mỗi lần đều có vô số người chứng thành thánh quả. Thời gian từ đây đến ngày Đức Phật Di Lặc xuất hiện theo sách vở của Phật Giáo cho biết độ 7 triệu năm nữa; nhất định không phải là ngày hôm nay 21 tháng 12 năm 2012 nầy quả đất bị hoại diệt và con người sẽ đi đến chỗ mạt tận. Đây là những giáo lý căn bản mà Đức Phật đã dạy; nhưng Đức Phật cũng có huyền ký rằng: Tuổi thọ của quả đất nầy cũng có thể tồn tại lâu dài hơn, khi con người còn có tín tâm đối với Tam Bảo, còn phụng thờ Sư trưởng, hiếu dưỡng với cha mẹ và hòa thuận với huynh đệ trong gia đình. Tất cả đều do chúng ta quyết định, không có một vị thần linh hay chúa tể nào có quyền ban ơn giáng họa cho ta, ngoại trừ chính ta phải làm chủ vận mệnh của mình.
Trong kinh điển Nguyên Thủy hầu như không thấy hình ảnh của những vị Phật tượng trưng như Đức A Di Đà xuất hiện,mà họ chỉ tôn thờ những Đức Phật lịch sử như: Tỳ Bà Thi Phật, Thi Khí Phật, Tỳ Xá Phù Phật, Câu Lưu Tôn Phật, Câu Na Hàm Mâu Ni Phật, Ca Diếp Phật và Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Trong khi đó tư tưởng Đại Thừa là tư tưởng tiến bộ, tư tưởng thăng hoa, không dừng lại ở tư tưởng nguyên thủy mà tư tưởng nầy khế hợp với mọi nhu cầu, mọi thời đại, mọi hoàn cảnh để chuyên chở lời Phật dạy đi vào cõi đời nầy, nhằm cứu khổ độ mê.
Đức Phật A Di Đà như một cỗ xe vô tận với lời thệ nguyện thứ 18 là sẽ cứu độ hết tất cả chúng sanh „nếu có những chúng sanh trong 10 phương quốc độ niệm đến danh hiệu Ngài từ 1 cho đến 10 niệm. Khi lâm chung mà Ngài không đưa chúng sanh ấy về cõi giới Tây Phương Cực Lạc, thì Ngài sẽ không ở ngôi chánh đẳng, chánh giác, ngoại trừ những kẻ phạm tội ngũ nghịch và nhứt xiển đề“. Chỉ dựa theo lời nguyện nầy mà mỗi vị Tổ Sư tu theo Tịnh Độ Tông của Việt Nam khác Trung Hoa, Trung Hoa khác Nhật Bản. Tuy rằng cuối cùng rồi cũng chỉ để cổ vũ cho việc vãng sanh. Ngài Pháp Nhiên (Honen) là Thầy của Ngài Thân Loan (Shinran) cho rằng: Niệm Phật phải khởi đi từ tự lực là chính, sau đó Đức Phật A Di Đà mới tiếp dẫn về Tây Phương. Nhưng Thân Loan là đệ tử, Ngài chủ trương khác với Thầy của mình, niệm Phật không cần tự lực, chỉ nương vào tha lực bổn nguyện là đủ. Chúng sanh chỉ cần nhớ nghĩ đến danh hiệu Ngài và do từ lực của Ngài sẽ chuyên chở chúng ta về thế giới Cực Lạc.
Trong kinh Quán Vô Lượng Thọ và kinh Đại Bát Niết Bàn cho biết rằng: những người phạm tội ngũ nghịch và nhứt xiển đề cũng có khả năng thành Phật. Vì lẽ các pháp đều bất định; nên nhứt xiển đề cũng bất định. Ngày hôm qua họ không tin Phật Pháp; nhưng ngày mai, ngày mốt và những ngày sau nữa họ sẽ có khả năng tự thay đổi bởi chính mình. Bấy giờ ít ra họ sẽ được sanh tại nghi thành hay thai cung biên địa nơi thế giới Tây Phương Cực Lạc với hai điều kiện. Đó là sự tàm quý của chính những cá nhân bị phạm tội kia. Hai là cần phải có những thiện hữu tri thức đi kèm. Nếu thiếu một trong hai điều kiện nầy thì khó mà giải thoát được.
Như vậy ngay cả giáo lý Đại Thừa; nhưng khi tiến về phương Bắc, tinh thần ấy đã được xay nhuyễn ra để mớm cho, không phải những người làm biếng tu, làm biếng niệm Phật, mà để cho thấy rằng: lòng từ bi của chư Phật là vô lượng và ánh sáng của Đức A Di Đà cũng không có giới hạn, thọ mạng của Ngài cũng vô cùng. Nếu đứng từ đỉnh núi trên thế giới Cực Lạc để nhìn về ngọn núi Linh Thứu tại cõi giới Ta Bà nầy thì nghìn trùng xa cách; nhưng nếu không có ngọn núi Linh Thứu ở Ấn Độ làm sao núi Tu Di, núi Thiết Vi, núi Đại Thiết Vi được hình thành ? Thiện, ác; nhân, quả; tương duyên, tương sanh v.v… tất cả đều phải thăng tiến, phải trải qua nhiều không gian và thời gian vô cùng tận như thế để tạo nên thế giới quan nầy.
Có nhiều người cho rằng: Như vậy Đức Phật A Di Đà chẳng khác nào một vị Thần có khả năng cứu rỗi cho những người mong Ngài cứu thoát ? Xin thưa – hoàn toàn khác hẳn. Ngài chỉ là chiếc thuyền để chuyên chở chúng sanh kể cả người tốt, lẫn người xấu; người lành lẫn kẻ dữ. Đây chính là bản nguyện của Ngài muốn độ sanh. Vì Ngài biết rằng: Nếu không có chiếc thuyền ấy, dầu cho một hạt cát nhẹ, cũng có thể bị rơi thẳng vào biển cả đại dương; huống gì là những tảng đá lớn. Cát tượng trưng cho những tội nhỏ. Đá tượng trưng cho những tội lớn. Cả lớn và nhỏ đều được dung thông qua 48 lời nguyện của Ngài, mà nguyện ấy được thiết lập căn bản qua kinh Bản Sanh rồi Lục Độ, Bát Nhã và những Đức Phật tượng trưng trong thế giới hữu hình nầy.
Đức Phật A Di Đà không tự làm cho tội của chúng sanh tự tiêu hủy, mà cảnh giới của Ngài là nơi những chúng sanh ấy có thể nương nào đó để tồn tại và tiến tu thêm nữa, mặc dầu 500 Tiểu Kiếp là một thời gian vô cùng tận để phải nằm chờ trong hoa sen ở thai tạng nơi Hạ Phẩm hạ Sanh; vốn không thấy được ánh sáng và cũng chưa nghe được âm thanh của chư vi Bồ Tát thuyết pháp. Chỉ có một điều là không bị trở lại con đường luân hồi của lục đạo nữa mà thôi.
Theo quan niệm của Phật Giáo Nguyên Thủy thì người Cư sĩ chỉ có khả năng đến quả vị Dự Lưu là một trong 4 Thánh Quả và không thể thành A La Hán. Người Cư sĩ trong dòng phái Nam Truyền chỉ có thể sanh Thiên để hưởng những phước đức, do việc bố thí ở đời nầy. Quả nầy có thể nói rằng tương đương với quả vị Trung Phẩm Hạ Sanh của những vị Phật Tử Đại Thừa tu theo pháp môn Tịnh Độ. Vì A La Hán có nghĩa là Vô Sanh, mà đã là Vô Sanh thì ái nhiễm đã dứt sạch. Nếu làm Tu sĩ, mới mong có cơ hội đoạn trừ lậu hoặc của sinh tử và quả vị A La Hán là quả vị sau cùng. Ngay cả quả vị Phật cũng khó thấy xảy ra nơi Phật Giáo Nam Truyền nầy.
Trong khi đó theo Phật Giáo Đại Thừa, với tinh thần Bồ Tát đạo, người Cư sĩ vẫn có khả năng thành Bồ Tát để đi cứu đời độ người, mặc dầu còn mang thân Cư sĩ; nhưng nếu muốn thành Phật tức phải xuất gia, cầu giải thoát, đọan lìa ân ái của cõi trần duyên thì mới có thể chứng thành Phật quả. Nơi đây cả Đại Thừa và Tiểu Thừa đều dung thông là phải hoàn toàn đoạn lìa ái nhiễm thì mới có khả năng thành Phật và hình thức cuối cùng vẫn là người xuất gia chứ không thể là một Cư sĩ. Nếu vẫn còn giữ thân Cư sĩ, ái dục vẫn chưa đoạn trừ thì ngôi vị Phật vẫn còn xa.
Tinh thần Đại Thừa Nhật Bản còn đi xa hơn nữa. Ví dụ như các vị Tổ Sư khai tông của Chơn Ngôn Tông như Ngài Kukai (Không Hải), của Tào Động Tông như Ngài Dogen (Đạo Nguyên), của Tịnh Độ Chơn Tông như Ngài Shinran (Thân Loan), của Nhật Liên Tông như Ngài Nichiren (Nhật Liên) vào thế kỷ thứ 13 đều là những vị Phật, theo quan niệm của người Nhật để thăng hoa giáo lý của Đức Phật trong thời kỳ mạt pháp nầy. Đây chính là tinh thần cứu khổ độ mê, tinh thần của Bồ Tát đạo và Bồ Tát hạnh.
Tóm lại tất cả những điều gì nơi giáo lý Nguyên Thủy đã đề cập đến trong 5 bộ kinh như: Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tăng Nhất A Hàm, Tăng Chi Bộ Kinh và Tạp A Hàm là những bộ kinh căn bản của Nam Truyền được kết thành bằng tiếng Pali, thì giáo lý ấy khi phát triển qua Đại Chúng bộ, nó đã trở thành cốt lõi của sự duy tân, đổi mới, thăng hoa đến đỉnh điểm cao nhất của sự phát triển như việc ăn chay, việc niệm Phật, việc bố thí cúng dường. Ngoài ra tinh thần Bát Nhã, Tánh Không và Trung Quán cũng vốn là trí tuệ siêu việt của sự thăng hoa nầy.
Từ sáng đến giờ tôi cố gắng viết lại lời Phật dạy qua những kinh điển đã tu học và góp nhặt được, nhằm giúp cho mọi người Phật Tử dầu cho ở truyền thống nào, Nam Truyền hay Bắc Truyền đi nữa cũng có được một cái nhìn thấu đáo khi nghiên cứu đến sự thăng hoa của Phật Giáo Đại Thừa vì sao lại như vậy.
Tôi chấm dứt ở trang viết tay thứ 21 nầy với mỗi trang là 35 dòng để minh chứng cho giáo lý của Đạo Phật vốn là một dòng suối chảy bất tận vào lòng người từ quá khứ cho đến vị lai và vẫn miên tục như vậy. Tôi viết bài nầy cũng để kỷ niệm 10 năm tịnh tu nhập thất tại núi đồi Đa Bảo nầy và xin niệm ân tất cả mọi người, mọi loài đã cho tôi có được một cơ hội tuyệt vời như vậy.
Viết xong vào lúc 16 giờ ngày 21 tháng 12 năm 2012
tại núi đồi Đa Bảo vùng Blue Mountains nhân lần tịnh tu nhập thất thứ 10 cũng là lần cuối tại Úc.
____________________
Đóa Bạch Vân
Thích Như Điển
Con người khi được sinh ra trong cuộc đời nầy là một phước duyên không nhỏ. Vì chỉ ở cõi người nầy, con người mới có khả năng thăng tiến thành chư Thiên, thành Bồ Tát và ngay cả thành Phật nữa. Ngược lại nếu bị sinh vào trong những cõi khổ đau như: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì biết bao giờ mới thấy được ánh sáng nhiệm mầu của chư Phật; hoặc giả nếu được sanh về các cõi chư Thiên đi nữa, khi phước đức hữu lậu không còn, chư Thiên ấy cũng có thể bị đọa vào ba đường dữ như thường.
Phàm làm người, có được thân nầy, ta nên bảo trọng nó để tu học, không phải lệ thuộc nó, mà phải trưởng dưỡng nó để triển khai tâm bồ đề. Chính tâm nầy sẽ mang ta đến chỗ giác ngộ, giải thoát hoàn toàn khỏi sanh tử luân hồi và vô minh ái nhiễm. Ai đó hiểu được Đạo Phật hay lời Phật dạy thì người ấy sẽ tự tin nơi khả năng thành Phật của mình ở một tương lai trong mai hậu. Người không có lý tưởng và niềm tin cũng giống như ra khơi mà chẳng biết định vị hướng nào để đến đích. Có người cứ phó thác cho dòng đời trôi chảy, vì cảm thấy rằng mình không có đủ khả năng để lèo lái con thuyền tự tánh của mình, rồi từ đó buông xuôi tất cả. Cũng có lắm kẻ vì ỷ vào khả năng siêu việt của mình; nên xem thiên hạ chung quanh mình chẳng ra gì.
Những người có thế lực, thường hay dùng quyền năng sẵn có để thị uy với đối phương; những người ấy quên rằng: quyền lực cũng chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn đương tại vị, rồi nó cũng sẽ bỏ ta ra đi, không nuối tiếc một điều gì. Có người vì giàu sang, quyền quý, đẹp đẽ nên lấy tiền bạc và sắc đẹp để chinh phục kẻ đối phương; nhưng khi sắc đẹp đã tàn phai và tiền tài không còn nắm trong tay nữa, lúc ấy mọi việc đều ngỡ ngàng. Cũng có lắm kẻ tranh danh đoạt lợi, mong chiếm được địa vị cao tột trong xã hội để thị uy với đời và chứng tỏ rằng: ta đây là người chiến thắng…
Từ trên đỉnh đồi của Tu Viện Đa Bảo, vùng Blue Mountains gần Sydney độ 2 tiếng đồng hồ xe hơi, tôi đã quán chiếu vào những buổi sáng mai sương sớm hay lúc đêm về qua tiếng ve sầu inh ỏi đó đây. Thỉnh thoảng một vài tảng mây trắng thong dong bay lượn trên mái nhà, nhiều khi bay sát vào phòng, nơi bàn viết của tôi, mây kia như có ý mời gọi, hãy mau bước lên đây để mây chở về Tây. Ôi thật đẹp biết bao với cảnh núi đồi hùng vĩ và mây trắng thong dong nầy.
Cảnh vật nơi đây thật yên tĩnh, chỉ có núi đồi, cây cỏ, chim muông và gió thổi mây ngàn. Có nhiều đêm có trăng, tôi ngồi bên cửa sổ để nhìn ngắm ánh trăng xuyên qua kẽ lá, rồi chờn vờn lúc tỏ lúc mờ; hoặc giả có những buổi mai sương mù phủ kín núi đồi và tịnh thất, tưởng như mình đang ở trên một thế giới bồng lai tiên cảnh nào đó, nhưng khi ánh thái dương trổi dậy thì màn sương kia tan dần, tan dần thật mỏng, rồi di chuyển đi nơi khác. Chẳng biết mây và sương từ đâu đến, rồi mây trôi về một phương trời vô định nào? Mây chẳng báo cho ai hay trước khi đến và cũng chẳng có lời nào khi đã giã biệt ra đi. Đúng là mộng ảo vô thường của cuộc thế. Có đó rồi mất đó. Đẹp đó rồi tan biến đó. Hình hài phiêu bồng lúc cao, lúc thấp, chập chững đó đây, bỗng chốc lúc hiện hữu lúc vô hình như ẩn nấp đâu đây để rồi tái hiện ở nơi khác.
Cuộc đời của chúng ta cũng chẳng khác nào những cụm mây lang thang kia. Đi không để lại dấu vết và đến cũng chẳng báo trước cho ai hay. Xem như mây kia vô tình, nhưng thực tế mây cũng chẳng làm phiền muộn đến ai. Muốn đến, mây cứ đến, muốn đi, mây cứ đi, không khách sáo, không gọi mời, không buồn lụy và cũng chẳng não phiền. Dầu cho cuộc sống của nhân thế có đổi thay, thay đổi; nhưng mây và gió, sương và tuyết cũng vẫn thản nhiên với cảnh vật chung quanh, chỉ có con người mới làm chứng nhân của những sự thăng trầm dâu bể ấy.
Từ đồi núi Đa Bảo nầy, tôi đã hành trì kinh Kim Cang suốt trong 10 năm qua, trong những tháng ngày nhập thất ở đây. Quả thật 500 biến kinh ấy đã dọi thẳng vào lòng, soi kỹ vào tâm, để cuối cùng thấy rằng: thế giới nầy cũng chỉ là một hợp tướng mà thôi, không có gì chắc thật, ngoại trừ cái tâm trụ vào chỗ vô trụ. Đây là cốt lõi của kinh Kim Cương phần Vô ngã.
Ngày xưa cách đây hơn 200 năm về trước, cụ Nguyễn Du một đại văn hào của Việt Nam chúng ta vào hậu bán thế kỷ thứ 18, sau khi đọc kinh Kim Cương 300 biến, ông đã thổ lộ tâm tình của mình qua tác phẩm „Đoạn Trường Tân Thanh“ để cuối cùng chân và giả, thiện và ác, đúng và sai… tất cả đều quy vào một chữ tâm. Chính cái tâm ấy đã là đầu mối để chỉ đạo cho Nguyễn Du vào đời làm quan dưới ba triều đại của vua Lê chúa Trịnh, nhà Nguyễn Tây Sơn và Gia Long Nguyễn Ánh. Cuối cùng Cụ Nguyễn Du đã để lại cho đời một áng văn chương tuyệt tác qua mấy ngàn vần thơ lục bát ấy.
Trạng Nguyên lưỡng quốc, Cụ Mạc Đỉnh Chi khi đi sứ sang Trung Hoa gặp lúc Công Chúa triều đình ra người thiên cổ. Bên đối phương chỉ ra đề một chữ „nhứt“ và từ đó Cụ Mạc Đỉnh Chi đã làm một bài thơ như sau:
Thanh thiên nhất đóa vân
Hồng lô nhất điểm tuyết
Thượng uyển nhất chi hoa
Giao trì nhất phiến nguyệt
Ôi !
Mây tán
Tuyết tan
Hoa tàn
Nguyệt khuyết
Chỉ có thế thôi! Nhưng là một bậc kỳ lão của ngoại giao qua chữ „nhứt“; nhưng cuối cùng rồi cái „một“ ấy cũng không còn. Chỉ còn một hình ảnh mơ màng của mây tan, tuyết chảy, hoa héo và trăng mờ. Quả thật đời là mộng ảo. Có gì đâu để bi lụy và thương đau! Thế mà đã có không biết bao nhiêu thi nhân văn sĩ, dùng không biết bao nhiêu giấy mực để diễn tả cho cái nhứt thời nầy.
Nơi núi đồi Đa Bảo nầy tôi đã thấy: mây chẳng phải là mây, núi chẳng phải là núi, sương chẳng phải là sương, gió chẳng phải là gió. Vì lẽ bản chất của những cảnh nầy chỉ là hiện tượng. Đã là hiện tượng thì không có thật tướng. Cái thật tướng của hiện tượng là một cái không to tướng, không có gì để quan tâm nữa. Vì tướng vốn đã không thì tánh chẳng trụ vào đó để làm gì.
Từ đây tôi cũng đã nghe tin Cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Hộ Giác, Tăng Thống Giáo Hội Tăng Già Nguyên Thủy Việt Nam và là Phó Tăng Thống của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Ngài đã ra đi vĩnh viễn vào ngày 5 tháng 12 năm 2012. Thế thọ 85 năm và 65 năm Pháp Lạp. Cuộc đời Ngài là một tấm gương chiếu hậu, mọi người có thể soi khi bước lên chiếc xe sinh tử của mình. Khi Ngài còn sống, biết bao nhiêu điều tốt đẹp đã đến với Ngài; nhưng cũng chẳng thiếu những thị phi nhơn nghĩa, để rồi Ngài ra đi, như câu thơ Ngài đã viết năm 1963 rằng:
Các vị ra đi để cõi trần
Cỏ hoa ứa lệ thế nhân não nùng!“
Khổ đau rồi cũng trôi qua, hạnh phúc cũng sẽ không còn nữa, danh thơm tiếng tốt rồi cũng giống như gió thoảng mây trôi, thị phi nhân nghĩa với đời nầy cũng giống như sương mai trên đầu ngọn cỏ, sấm chớp trên bầu trời. Có đó rồi tan biến đó. Chẳng có gì là vĩnh cửu. Chỉ có con người là đa sự, còn vạn vật chung quanh ta vốn vô tình.
Ngài đã ra đi, hình hài ấy chỉ còn tượng trưng bởi tro cốt sau khi thiêu còn lại; nhưng tâm thức Ngài giờ đây đã tiêu diêu tự tại nơi cõi giải thoát. Đôi khi Ngài sẽ mỉm cười nhìn về thế giới khổ đau tục lụy nầy để cảm nhận cho một sự việc, một quá trình như Ngài đã trải qua nơi thế trần nầy gần 85 năm trụ thế.
Đời có đáng giá gì đâu để cho ta phải sầu phải cảm. Vì tất cả chỉ là hoa trôi, trăng khuyết, mây tan. Chỉ thế thôi và cuộc đời chỉ có thế. Nhưng ta vẫn phải sống trong cuộc đời nầy để nhìn thấy vận nước đổi thay, lòng người nghi kỵ nhau, nhằm chỉ để giải quyết những cái chấp thủ của con người về một vấn đề gì đó. Khi con người đã chấp thì họ chỉ bảo thủ cái chấp ấy là đúng. Nếu không vậy, họ chẳng chấp để làm gì? Người hiểu Đạo là người không bị cái chấp trước kia làm chủ, mà ta phải làm chủ cái tâm phân biệt kia. Đây là vấn đề then chốt của cuộc sống.
Ca dao xứ Huế có câu rằng:
Trăm năm trước thì ta chẳng có
Trăm năm sau có cũng như không
Cuộc đời sắc sắc không không
Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi.
Cuối cùng rồi cái gì cũng không còn. Chỉ có tấm lòng thương người là ở lại với đời. Danh lợi, tiền tài, chức phận, được thua, hơn mất… tất cả rồi cũng sẽ trôi qua đi. Khi người ta có nhớ đến người đã ra đi chăng nữa thì cũng chỉ nhớ đến một tấm lòng. Chính tấm lòng ấy Ngài Hộ Giác đã mang đến cho Đời và cho Đạo. Do vậy nếu sau nầy có ai đó nghĩ đến Ngài thì hãy nhớ đến tấm lòng của Ngài thì chúng ta sẽ gặp Hòa Thượng.
Ngày xưa Cụ Nguyễn Công Trứ trong bài „Chữ Nhàn“ cũng đã đề cập đến vấn đề nầy thật rõ ràng rằng:
…
Cuộc nhân sinh chừng bảy tám chín mười mươi
Mười lăm trẻ, năm mươi già không biết kể
Thoạt sinh ra thì đà khóc chóe
Trần có vui, sao chẳng cười khì
Khi hỷ lạc, khi ái dục, khi sầu bi
Chứa chi lắm một bầu nhân dục …
Nhà nho như Nguyễn Công Trứ mà còn ý niệm được cuộc sống vô thường của thế nhân, huống nữa là những người Phật Tử. Nhưng cái vô thường của Nho gia là cái vô thường hữu hạn trong cuộc sống; cái vô thường của sự đối đãi, phải sống sao cho đầy đủ ý nghĩa của cuộc sống thế trần kia. Còn Phật học phải qua khỏi sự đối đãi ấy.
Suốt 10 năm qua tôi đã có cơ duyên đến Úc Châu và mỗi lần hơn 2 tháng mùa hè nơi núi đồi Đa Bảo từ vùng Capelltown đến Blue Mountains nầy, tôi đã sống, đã tu, đã làm việc, đã hít thở không khí thiên nhiên nơi đây. Cảm nhận được cái đẹp của đất trời, cái vô thường của vạn vật, cái nổi trôi của mây nước, cái mờ ảo của sương mai… từ đó với cuộc đời nầy tôi vẫn đi, vẫn đến, vẫn tự tại với gió bạt mây ngàn. Không có gì làm bận chân tôi, không có gì làm bận tâm tôi. Tất cả đều thoảng qua rồi tan biến vào hư không vô định.
Cái còn lại ở đây là cái ân nghĩa nghìn trùng của bao tấm lòng đã gầy dựng nên Đa Bảo nầy, của những ai đã góp một bàn tay, một năng lực, một sự động viên để tạo thành chốn Già Lam nầy, để chỉ nhớ một tấm lòng từ bi làm lợi cho Đời và cho Người. Vì lẽ trăm năm trước chỗ nầy chưa có và trăm năm sau nữa đâu ai biết rằng nơi đây sẽ trở thành gì? Nhưng dầu gì đi nữa thì nơi đây cũng đã có những bước Chim Di của đàn Chim Việt, đã một thời dừng chân nơi cõi Tịnh nầy. Xin niệm ân tất cả cho những tấm lòng.
Rồi những năm sau nữa, tôi không còn có cơ duyên như 10 năm trước đây; nhưng dầu cho ở một cõi xa xăm nào đó, tôi vẫn hướng về nơi núi đồi Đa Bảo nầy để nhìn một áng mây trôi, biết đâu áng mây ấy đã được tôi gởi gắm một vài lời và mây ấy đến đây để thăm lại ngôi nhà xưa nơi tôi trú ngụ. Nơi ấy đã vang vọng những tiếng kinh cầu Lăng Nghiêm vào buổi sáng mai và Kim Cang vào những thời kinh tối.
Cuộc thế đổi thay ai biết được; nhưng với tôi, ân nghĩa vẫn nghìn trùng và cuộc đời vẫn tiếp diễn mãi sau sự sống của mình. Vì vậy tôi vẫn viết để lại cho Đời và cho Người, cho mây và cho gió, cho tất cả những ai còn quan tâm đến sự sống ở cõi trần nầy.
Câu Phật hiệu: Nam Mô A Di Đà vẫn là câu thần chú nhiệm mầu đối với tôi và mong rằng: Mọi người cũng như vậy. Nhờ ánh sáng vô lượng của Đức Phật sẽ dắt ta ra khỏi chốn tử sinh và qua lực từ bi của Đức Phật, chúng ta sẽ được thăng hoa trong cuộc sống.
Viết xong ngày 20 thháng 12 năm 2012
tại Thất Đa Bảo vùng Blue Mountains
sau 10 lần đến đây tịnh tu, nhập thất.
______________________
Chấp trước và Giải thoát
* Thích Như Điển
Khi Đức Phật ra đời, Ngài đã chỉ bày rõ ràng, cặn kẽ cho người xuất gia cũng như người tại gia ở từng địa hạt một của tâm linh. Ví dụ như việc nầy từ đâu mà có, sau đó như thế nào và kết quả ra sao giữa các hành vi thiện cũng như ác. Ngài đã nói pháp duyên khởi, duyên sanh và Ngài cũng đã nói pháp Tứ Diệu Đế. Từ thấp đến cao; từ hẹp đến rộng. Từ phàm phu đến Thánh nhơn; từ cõi nầy cho đến cõi khác. Giáo lý ấy ngày nay vẫn còn tồn tại trên thế gian nầy; nhưng tại sao ngày xưa, sau khi nghe Phật giảng dạy xong thì có người đắc quả Dự Lưu cho đến A La Hán. Còn ngày nay cũng pháp đó, chúng ta đã nghe qua quá nhiều lần mà người chứng đắc lại không có?
Căn cứ trong kinh Trường A Hàm là những bản kinh căn bản của Nam Truyền và Bắc Truyền. Kinh nầy có sớm nhất từ khi Đức Phật còn tại thế và đã lập thành văn tự vào năm 85 trước Tây lịch. Đầu tiên hệ Pali được kết thành và sau đó được chuyển dịch qua Hán văn rồi lần lượt đến các ngôn ngữ khác. Dĩ nhiên Phạn ngữ cũng đã được hình thành song hành với Pali trong từng giai đoạn; nhưng được hướng về phía Phật Giáo cải cách nhiều hơn.
Kinh Trường A Hàm cho biết rằng: Con người ngày xưa từ cõi Trời Quang Âm Thiên đầu thai xuống cõi nầy. Ngày ấy con người có thần thông và mọi nhu cầu của cuộc sống không cần phải lo toan. Tất cả đều hiện ra trên khắp mặt đất nầy. Loài người chỉ cần đưa ngón tay vào mặt đất là lấy lên đồ ăn ngon ngọt để nuôi thân. Kế đó con người tự suy nghĩ rằng: Nếu không lấy để dành thì ngày mai, ngày mốt không còn gì để ăn nữa. Rồi từ đó con người bắt đầu tích tụ thức ăn cho ba ngày, bảy ngày hoặc nhiều ngày hơn nữa. Do vậy con người sanh ra cạnh tranh với nhau; nên be bờ đắp lũy, tạo thành ruộng vườn riêng tư, nhiều nhà trở thành thôn xóm và nhiều xóm trở thành làng. Tiếp đến có Thôn trưởng, Xã trưởng, Quận trưởng v.v... cứ thế và cứ thế, con người tích chứa của cải, tài sản, danh vọng, địa vị... cho nên trở thành xấu xí và mất hết thần thông.
Lúc thịnh hành nhất là khi con người sống đến 80.000 tuổi mới qua đời. Con gái thuở ấy 500 tuổi mới đi lấy chồng; nhưng của cải giàu có trên thế gian nầy tiêu xài hoài cũng đến ngày phải cạn kiệt. Quả đất không còn gì để cung cấp cho con người nữa, ngoại trừ hạt bông cỏ là thức ăn chính của con người. Lúc ấy con người chỉ còn sống đến 10 tuổi và 5 tháng tuổi đã dựng vợ gả chồng, sinh con đẻ cái... Như thế sẽ trải qua nhiều kiếp tăng và kiếp giảm; cho đến khi nào con người được 8 vạn tuổi thì Đức Phật Di Lặc sẽ ra đời. Ngài sẽ độ 3 lần trong thời gian làm Phật của Ngài và sau thời kỳ chánh pháp đến tượng pháp, rồi mạt pháp. Cứ thế và cứ thế, quả đất nầy được thành tựu, quả đất nầy biến hiện và quả đất nầy sẽ bị hủy diệt qua các thời kỳ của Tiểu Tam Tai như: Nạn đói khát, chiến tranh và bệnh tật. Cũng như Đại Tam Tai gồm: Lửa đốt cháy, nước dâng cao, gió thổi mạnh... Con người vẫn mãi bị chi phối bởi vòng nghiệp lực nầy. Lý do duy nhất là con người hay chấp trước.
Chữ chấp có nghĩa là bám víu vào; trước có nghĩa là dính chặt vào đó, do tâm niệm của con người qua các việc như: Chấp có, chấp không, chấp thường, chấp đoạn, chấp ngã, chấp ái, chấp ta, chấp người v.v... Tất cả những điều nầy đều do ý khởi lên và thân là vật bị động, bị sai sử để thực hiện những hành vi tốt hoặc xấu đó. Nếu cái thiện nhiều hơn thì nó sẽ kéo cái ác theo và trung hòa cái ác, để cái ác kia dần dà biến thành lương thiện. Ngược lại, nếu cái ác nhiều hơn, nó sẽ kéo cái thiện chạy theo cái ác. Điều nầy cũng giống như ánh sáng và bóng tối vậy. Nếu bóng tối còn ngự trị trên thế gian nầy, thì điều ấy có nghĩa là chân lý chưa xuất hiện, ma Ba Tuần vẫn còn có cơ hội để ngự chiếm nhân gian; nhưng nếu ánh sáng hay chân lý ngự trị mãi trên cuộc đời nầy thì có nghĩa là loài A Tu La không có cơ hội để tồn tại nữa. Giữa cái thiện và cái ác, nó chẳng khác nhau mấy với ánh sáng và bóng tối kia là vậy.
Bây giờ chúng ta thử điểm qua từng loại chấp trước nầy để từ đó tạo cho mỗi người một cái nhìn thông thoáng hơn, khi thực hành giáo lý của Đức Phật.
Đầu tiên là chấp có. Ví dụ như chấp vào thân, tài sản, địa vị, sự nghiệp v.v... Thân nầy do tứ đại hợp thành, gồm có: đất, nước, gió, lửa; nhưng những thứ nầy không có thật tướng. Thoạt có, thoạt không. Thế mà ta nghĩ rằng nó vĩnh viễn có thật bên mình. Cái thân nầy từ trẻ đến già phải trải qua 4 giai đoạn của thành, trụ, hoại, diệt. Thế nhưng con người vừa chấp chặt vào nó, cho nó thật là của mình; nhưng trên thực tế thân nầy bị vô thường biến đổi. Điều nầy rất hợp với thuyết duyên khởi. Đó là: tất cả các pháp đều do nhân duyên sanh. Tất cả các pháp đều do nhân duyên diệt và tự tánh của các pháp là không. Ai hiểu được pháp duyên khởi, người ấy sẽ hiểu được Phật Pháp và ai hiểu được Phật Pháp, người ấy sẽ hiểu được pháp duyên khởi.
Chính vì chấp vào thân nầy là của ta, tài sản nầy của ta, vợ con nầy của ta, địa vị nầy của ta, con cái nầy của ta, sự nghiệp nầy của ta v.v... nhưng người học Phật phải nhìn kỹ và nhìn sâu vào sự việc để thấy bên trong tất cả những điều nầy đều ẩn chứa sự khổ và chính sự khổ nầy con người không biết diệt nó; nên mới sinh ra thất vọng, hối tiếc, bi quan. Vì lẽ ta chấp trước vào nó quá nhiều.
Tương truyền rằng vua Khang Hy đầu triều nhà Thanh ở Trung Hoa vào năm 1640 là một vị Sư người Việt Nam tái thế đã đầu thai. Khi vua sanh ra trên hai bả vai hiện lên 10 chữ. Bên bả vai trái có 5 chữ là: An Nam Quang Minh tự. Bên bả vai phải cũng hiện lên 5 chữ: Sa Môn Tỳ Kheo Tăng. Cuối cùng triều đình nhà Thanh phải cho người qua Việt Nam đến chùa Quang Minh lấy nước giếng tại đó, đem về rửa những chữ nầy mới mất hẳn. Cả một đời làm vua, Khang Hy đã để lại nhiều tư tưởng rất hay. Trong đó có 2 câu đối là:
Cửu trùng điện khuyết đa ưu lự
Bất kiến sơn Tăng bán nhựt nhàn
Dịch ý:
Nơi chốn cửu trùng với nhiều nỗi lo toan
Chẳng thể sánh với nửa ngày an lạc của một người tu trên núi.
Suốt một đời làm vua mà chưa bằng nửa ngày của một người tu có đời sống an lạc. Điều ấy hẳn đúng; nên Đức Phật của chúng ta đã tìm ra chân lý ấy từ lâu rồi; nên Ngài mới bỏ cung thành, xuất gia, học đạo. Thế mà ngày nay có không biết bao nhiêu người muốn chiếm được ngai vàng cũng như những chốn quyền uy cao cả ấy, mà bản chất của nó vốn không chắc thật.
Về chấp ngã cũng tương tự như vậy. Ta chấp cái nầy là của ta; cái nầy thuộc về ta. Đôi khi ta nổi lên sân si, giận dữ. Vì lẽ ta cho mình là đúng, còn người đối diện sai. Nhưng chắc gì ta đã đúng. Vì khi cơn giận dữ ngự trị nơi tâm thức, thì lúc ấy chân lý đi chỗ khác, không hiện hữu, chỉ còn lại sự chấp ngã, tồn tại. Sở dĩ ta nóng giận, vì ta muốn chứng minh cho mọi người biết rằng điều ta nói, điều ta suy nghĩ, điều ta hành xử là đúng. Do vậy mới chứng tỏ một một uy quyền để bắt người khác phải tuân phục. Đa phần sự nóng giận dẫn theo sự nghi ngờ và cố chấp. Từ đó sinh ra rất nhiều việc sai trái; nhưng cái ngã của ta không chịu thừa nhận mà lại còn kéo theo những cái liên hệ thuộc về ta nữa. Để đối trị lại vấn đề chấp ngã nầy ta nên quán sát nơi tự thân của mỗi người là cái ngã nầy không thật có. Nó chỉ là một ảo ảnh, một cảm giác. Thoạt có, thoạt không, ẩn ẩn, hiện hiện; không nơi chốn; nhưng lại hay tới lui cổ động việc dở xấu của mình. Hãy chiêm nghiệm và quán sát cho thật kỹ, vì cái ngã không có thật. Nếu ngã có thật thì ta phải làm chủ nó, tại sao ta phải bị lệ thuộc vào nó ?
Về ái dục cũng như vậy thôi. Sở dĩ có ái vì do sự ham muốn về thể xác làm chủ động, sai khiến. Do vậy ta mới thấy người nầy đẹp hơn người kia, và khuynh hướng chiếm hữu ngự trị nơi chấp ái nầy; nên ta lôi người đối diện về phía mình và cho rằng người ấy thuộc về mình, mình là chủ; nhưng sự làm chủ ấy được bao lâu ? ngay cả vợ chồng, con cái, bè bạn cũng không bền. Có những cặp vợ chồng sống đến khi lâm chung; nhưng trong cuộc sống mấy mươi năm chung đụng ấy có quá nhiều sóng gió, chẳng qua chỉ là sự gá nghĩa mà thôi. Người nầy cần người kia và ngược lại người kia cần lại người nầy. Mỗi người đều mong làm cho thỏa mãn sự ái dục của mình. Do vậy sự đổ vỡ chắc chắn sẽ xảy ra không chóng thì muộn. Thế rồi người ta đi tìm một đối tượng khác; nhưng sẽ được bao lâu ? Nếu ta không nhận chân ra được cái gốc của ái là cái nhân của sanh tử luân hồi ? Đa phần con người không tự làm chủ mình được trong những thử thách nầy; nên cứ mãi rong ruổi trong lộ trình sinh tử. Tất cả những cái gì xảy ra trên thế gian nầy trong thời gian chúng ta sinh sống, trước đây mấy ngàn năm và sau đây mấy vạn năm cũng sẽ như vậy; nhưng thuở xưa có Đức Phật và các vị Thánh nhơn ra đời. Các Ngài thấy rõ bộ mặt khổ đau của sinh tử; nên đã chỉ cho con người và con người thuở ấy trí tuệ còn nhiều nên chấp nhận một cách dễ dàng và từ đó dự nhập vào hàng Thánh. Còn bây giờ, những việc như thế ta vẫn thấy, ta vẫn nghe, ta vẫn cảm nhận; nhưng không đủ tự lực và nghị lực để vượt qua, nên khó mà làm chủ mình để hội nhập vào hàng Thánh được. Biết thì ta vẫn biết; nhưng làm chủ cái tâm nầy vẫn chưa được. Do vậy con người đời nay mãi bị trầm luân trong sanh tử là vậy.
Về chấp trước của tâm thức nầy còn hay mất sau khi chết cũng như vậy. Có người thì cho rằng: Chết là hết, chẳng có cái gì theo sau nữa. Có người lại bảo rằng: Chết không phải là hết, mà còn mãi với thời gian nầy. Vậy đâu là sự thật ?
Đức Phật với cái nhìn siêu việt của trí tuệ, Ngài thấy rõ và quán chiếu thế gian nầy cũng như tâm thức của chúng sanh trước khi sinh ra đến lúc đầu thai và sau cái chết. Tất cả đều được thay đổi theo nghiệp lực và thức biến hiện, để tạo thành một chúng sanh ở cõi nầy và nhiều cõi khác nữa.
Theo kinh Đại Bảo Tích Phẩm Nhập Thai Tạng Pháp Giới, Đức Phật đã phân tích kỹ càng, chi tiết từng loại đi đầu thai như thế nào khi vào bụng mẹ. Thật ra khi một người nam và một người nữ có ý niệm hành dục với nhau, ngay lúc ấy một tâm thức hiện hữu bên ngoài đã cố bám víu vào để thành con của hai người nam nữ được gọi là cha mẹ đó. Như vậy một chúng sanh được hình thành từ tư tưởng lúc ban đầu của vợ chồng, khế hợp với tâm thức của một chúng sanh sắp gá vào sự phối hợp giữa nam và nữ để tạo thành một con người trong tương lai. Theo tánh dục, nếu tâm thức ấy là con gái, nó sẽ nhận cha nó trong tương lai, ngay lúc ấy là chồng của nó. Nếu tâm thức là con trai, nó sẽ nhận người mẹ trong tương lai, ngay lúc gá thai là vợ của nó. Từ đó nó yêu thương ấp ủ, sống chết để chờ ngày sinh ra báo ân hoặc báo oán. Rồi trưởng thành, rồi già chết, rồi tiếp tục đi đầu thai trong luân hồi sanh tử.
Riêng các vị Bồ Tát chỉ gá vào thai mẹ để sinh ra đời. Cho nên Bồ Tát đứng bên hông phải của người mẹ, chứ không gá vào tử cung. Do vậy khi sinh ra, Bồ Tát từ hông bên phải của người mẹ để chào đời; chứ không ra khỏi cửa mình của người mẹ như bao đứa trẻ phàm phu khác. Đây là nhân duyên, đây là nghiệp lực, đây là sinh tử luân hồi. Cứ vay trả, trả vay hết đời nầy qua đời nọ; nhưng vì căn bản của chúng sanh là vô minh; nên dễ bị đắm trước bởi tất cả những chấp ngã, chấp ái, chấp thường, chấp đoạn ấy. Bậc trí thức sẽ biết rõ mình lối đi về, còn đa phần phàm phu không trí tuệ, cứ để cho nghiệp lực sai sử và dẫn dắt đi đến đâu thì nương vào đó, để rồi mãi mãi vẫn đau khổ, khổ đau mà thôi.
Thương và ghét cũng như vậy. Đây là những cặp đối đãi của 8 loại gió nghiệp. Trên thực tướng chúng bị chi phối bởi sự chấp trước của con người. Ví dụ như khi thương thì „trái ấu cũng tròn“ mà ghét nhau thì „trái bồ hòn cũng méo“. Tại sao vậy ? Đây chính là do tâm chấp thủ của con người mà ra. Đối tượng để mình thương và được thương, vì nó hợp với nhãn quan qua tia quang phổ chấp vào tướng của mình. Mình cho người đối diện mình là đẹp, trong khi đó những người khác, thì ngược lại. Vì không hợp với tầng số của sóng ái; nên kẻ khác cho là xấu; nên không thương và trở nên xa lánh; nhưng sự thương, yêu ấy chẳng được bao lâu lại sanh ra ghét gỏng, đổ vỡ. Lý do là người nam đã thỏa mãn sự chiếm thủ rồi, bây giờ họ lo đi tìm đối tượng khác. Trong khi đó người nữ, khuynh hướng nương tựa, cậy nhờ không còn tiếp tục nữa; nên người nữ sinh ra thù ghét đối phương và tìm đủ cách để xa lánh. Vậy thì cái thương yêu mới đó nó đã đi đâu rồi ? Nó có thật chăng ? hay chỉ là một trò huyễn hóa ? Điều quan trọng của người học Phật là phải nhận chân ra mặt mũi thật, hư của nó.
Giận hờn và oán trách cũng lại như vậy. Tất cả đều do sự chấp trước mà ra. Sở dĩ chúng ta tự giận mình hay giận người đối diện. Vì lẽ mình không tự làm vừa lòng mình hay người khác không làm thỏa mãn điều mình mong đợi; nên mình sinh ra hờn trách và oán than. Sở dĩ có việc nầy, vì ta lấy cái ta làm chủ thể để so sánh. Nó phải như thế nầy hay như thế kia. Nó phải như thế nầy hoặc như thế nọ. Nhưng tất cả sự hy vọng ấy nó không đến với mình, thế rồi cái ta đó làm chủ, nó khiến cho mình mù quáng, đâm ra hờn trách, giận giỗi đối phương. Đôi khi đối phương chẳng có lỗi nào. Lỗi ấy chính do mình tạo ra mà thôi. Nếu ta biết rằng: hãy đừng hy vọng gì nơi người đối diện thì chẳng có gì để thất vọng cả. Vì ta hy vọng quá nhiều; nên đâm ra thất vọng và từ đó sinh ra giận hờn và oán trách. Nếu chúng ta tự đặt mình ngược lại là đối phương, thì ta không có lý do gì để oán trách cả.
Chiến thắng và thất bại cũng nương vào tự ngã; tự ái của con người. Vì chúng ta muốn làm thỏa mãn cái ta của mình và cái ta ấy phải trên cái ta của người khác; nên chúng ta tìm cách để chiến thắng; nhưng cuối cùng rồi cũng chẳng là gì cả. Ngày xưa vua A Dục được xưng là Vạn Thắng Quân; nghĩa là đánh đâu thắng đó; nhưng cuối cùng rồi cũng thua phép Phật. Bằng chứng là khi ông đi đến Bồ Đề Đạo Tràng, lúc ấy ông vẫn còn tâm ganh tị với Đức Phật và ông thách thức rằng: Nếu Phật có linh thiêng thì những cành lá cây Bồ Đề mà ông ra lệnh đốn hạ đó, phải mọc lại ngay lập tức, cũng như nếu Đức Phật có thần lực thì hãy cho ông chứng nghiệm một sự nhiệm mầu.
Khi ông ra lệnh cho quân lính đốt những cành lá của cây Bồ Đề nơi Đức Phật thành đạo thì kỳ lạ thay! Ánh hào quang tỏa ra chung quanh những cành cây bị đốt cháy đó. Ngần ấy việc cũng chưa khiến cho đức vua tin. Tối hôm đó ông nằm mơ, chư Thiên mách bảo rằng: Ngày mai bệ hạ đem sữa bò tươi tưới vào gốc Bồ Đề đã cho chặt hôm qua thì tự nhiên nhành lá sẽ mọc trở lại. Sáng ra nhà vua đích thân làm điều ấy và quả nhiên cây Bồ Đề đã mọc cành, đâm lộc. Từ đó nhà vua đã xin quy y Tam Bảo và trở thành một Phật Tử hỗ trợ đắc lực cho vấn đề truyền bá Phật Pháp tận đến Âu, Phi, mà ngày nay nếu có ai nghiên cứu đến vấn đề truyền thừa nầy đều không thể không thán phục. Do vậy Đức Phật đã từng dạy rằng:
„Chiến thắng muôn quân không bằng tự thắng mình.
Tự thắng mình mới là chiến công oanh liệt nhất“.
Từ đó ta rút ra được những bài học rất nhiệm mầu; nếu chúng ta biết chuyển hướng và đổi chiều.
Hạnh phúc và đau khổ cũng không nằm ngoài khuôn khổ của sự chấp trước nầy. Đa phần mọi người khi mới cưới hỏi nhau đều chúc cho nhau được „trăm năm hạnh phúc“. Nhưng không biết có được bao nhiêu cặp trên thế gian nầy có được đến cả trăm năm mà không có vấn đề nan giải trong cuộc sống ? Cái hạnh phúc ấy thật ra chẳng bao nhiêu mà sự khổ đau lại có quá nhiều hình tướng. Ít thấy ai trang trải hạnh phúc của mình cho người khác nghe, mà đa phần chỉ nghe về khổ đau và tục lụy. Vậy thì cuộc đời đâu có gì vui mà con người mãi bám víu như vậy.
Người Nga định nghĩa rằng: „Hạnh phúc là những gì người ta đang có, chứ không phải những gì người ta đi tìm“. Điều ấy hẳn không sai; nhưng cái có ấy được bao lâu và nó có bị chi phối bởi vô thường, sanh diệt không ? hay nó vẫn mãi có ? Cái có ấy chỉ đem so sánh và đối đãi với cái không. Trên thực tế nằm sâu dưới cái có hạnh phúc ấy là sự khổ đau chồng chất. Thế nhưng sự khổ đau có thật tướng chăng ? Xin thưa rằng: cũng không ! Thế nhưng nhiều lúc chúng ta thấy rằng không còn lối thoát nữa; nên nhiều kẻ đã quyên sinh; nhưng họ quên đi rằng: sự khổ đau ấy cũng chẳng có thật tướng. Nếu có chăng đi nữa, qua thời gian nó sẽ phôi pha đi và người ta lại tiếp tục đi tìm một loại hạnh phúc khác. Tất cả cũng chỉ để đắp vá những khoảng trống không vô nghĩa của cuộc đời nầy.
Chỉ có lòng từ bi, sự hỷ xả trong 4 tâm vô lượng mà Đức Phật đã dạy, mới có thể mang chúng ta ra khỏi tục lụy của chốn Ta Bà nầy. Hãy đứng lên trên tất cả để quán chiếu về pháp duyên khởi. Khi các pháp sanh, mọi pháp đều sanh; khi các pháp diệt, mọi vật đều diệt theo và tự tánh của các pháp nầy là một cái không to tướng. Không nên bám víu vào đó để khổ đau hay hy vọng có hạnh phúc lâu dài. Hãy đứng ra ngoài sự tranh chấp và lấy tâm bi để cứu độ chúng sanh. Có như vậy tâm ta mới ngự trị nơi niềm an vui vĩnh cửu và hãy vui khi thấy chúng sanh hết khổ và hãy xả bỏ tất cả mọi thứ chấp trước để giúp mình và giúp người vượt qua khỏi sông mê, bể ái.
Dưới cái nhìn của Đức Phật, chúng sanh không phải chỉ tồn tại trong mỗi một cõi nầy, mà chúng sanh hiện đang có mặt trong vô lượng vô biên thế giới. Mỗi thế giới như vậy có một loại hình khác nhau của chúng sanh và mỗi cảnh giới như vậy chúng sanh ấy tùy theo nghiệp lực mà tâm thức biến hiện. Ví dụ chỉ riêng việc ăn uống và tiêu hóa, các chúng sanh ở cõi nầy không ăn thì đói; khi ăn xong phải lo đại tiện và tiểu tiện. Ngược lại chúng sanh ở cõi Vô Sắc Giới thì không cần ăn uống mà cũng chẳng cần tiểu tiện. Tất cả chỉ do thức biến hiện để được no đủ trong mọi thời gian. Đó là những cảnh giới chưa giải thoát. Còn ở những cảnh giới khác thì sao ?
Ở cõi Tịnh Độ nội cung Đẩu Suất của Bồ Tát Di Lặc đang cư trú trong hiện tại thì chỉ có thiền duyệt thực. Các vị Bồ Tát ở cõi nầy chỉ chờ đợi để được bổ xứ đi làm Phật ở những nơi khác. Trong khi đó Tịnh Độ ở Phương Đông của Đức Phật A Súc thì vẫn còn có sự hiện diện của người nữ. Vì do sự thệ nguyện của Đức Phật nầy. Riêng cõi Tịnh độ Phương Tây của Đức Phật A Di Đà, theo lời nguyện thứ 35 của Ngài thì thân nữ biến thành thân nam mới có thể hiện diện nơi cõi Tây Phương Cực Lạc. Mỗi một vị Phật có một đại nguyện khác nhau và hãy nương theo đại nguyện ấy để được thành tựu ý nguyện của mỗi người.
Trên bầu trời có bao nhiêu vì tinh tú; thì nơi ấy có một thế giới, như Đức Phật đã dạy trong kinh Hoa Nghiêm; không phải chỉ trong cõi nầy, mà ở muôn cõi khác cũng như thế. Cho nên đứng về phương diện thế giới quan của Phật Giáo thì tâm thức của chúng sanh biến hiện vô cùng vô tận, khắp tận hư không giới nầy. Có lúc làm ma vương, có khi làm ngạ quỷ. Có kẻ làm A Tu La; có người làm Tứ Thiên Vương, làm Phạm Vương Đế Thích, làm Ngọc Nữ, chư Thiên, Càn Thát Bà v.v… thật là đầy đủ với thiên hình vạn trạng.
Nói về nghiệp thì cũng có thiên hình vạn trạng; nên chúng sanh cũng có nhiều loại khác nhau để thọ nghiệp nhân hay nghiệp quả. Thế nhưng nghiệp nầy cũng có thể hoán chuyển được; nếu chúng ta biết cách tu tập. Nó cũng giống như sự chấp trước bên trên. Nếu con người biết hoán chuyển thì ta có thể thoát ra khỏi sự chấp trước nầy. Ví như một nắm muối bỏ vào trong một ly nhỏ, ta không thể hòa nước ra để uống được; nhưng nếu cũng nắm muối ấy đem hòa vào trong nước giếng thì ta có thể uống như thường. Vì lẽ muối đã tan đi và nghiệp cũng thế. Nếu ta biết bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục, Thiền định và Trí tuệ qua lục độ vạn hạnh nầy thì nghiệp ấy sẽ trải mỏng ra, khiến ta có thể nhanh chóng hội nhập vào con đường Bồ Tát hạnh. Nếu chúng ta vẫn luôn luôn chấp chặt, cố thủ thì sự chấp trước ấy khó mà nới lỏng ra để hòa tan cùng những hạnh nguyện khác. Nhanh hay chậm; tốt hay xấu. Tất cả đều do ta; không ai có thể thay thế cho chúng ta trong trường hợp nầy được cả.
Tôi nhận thấy nhiều người tu học Phật Pháp lâu năm nhưng vẫn khổ sở, ít an vui. Vì lẽ bị kẹt vào những sự chấp trước bên trên. Nếu khéo biết chuyển phiền não thành Bồ Đề, chuyển khổ đau thành an lạc giải thoát thì hay biết mấy. Một ví dụ điển hình ở trái cam thì ta sẽ rõ. Khi cam còn non, ai ăn cũng sẽ bảo rằng chua; nhưng khi trái cam chín; chắc chắn là cam sẽ ngọt. Vậy câu hỏi được đặt ra là chất ngọt ấy từ đâu đến ? – Néu trả lời theo sự phân tích hóa học thì người ta cho rằng: Chất ngọt ấy là do chất chua tự biến thể qua sự xúc tác mà thành và nếu trả lời theo Phật học thì trong chất chua ấy đã hàm chứa có chất ngọt. Điều nầy có nghĩa là „phiền não tức bồ đề“. Bồ đề không ngoài phiền não mà có được. Tu là như vậy đó. Tu là chuyển mê khai ngộ; chứ không phải quy nạp mà ký thác vào đó, mà chính con người phải có ý chí đổi thay nghiệp lực của chính mình.
Muốn tâm mình được an ổn thì hãy đừng trụ vào tiếng khen và lời chê, sự thành công hay thất bại. Vì họ khen mình trẻ qua lối xã giao; nhưng trên thực tế mình đâu có trẻ. Nếu mình tự vui theo lời khen ấy. Hóa ra ta đã bị đánh lừa mà không biết. Sự chê bai cũng như thế. Người không thích hoa hồng thì họ không thể khen hoa hồng đẹp được. Trong khi đó có không biết bao nhiêu người thích loại hoa nầy. Bản chất của hoa là chỉ mang hương sắc đến để tô điểm cho đời. Hoa không tội tình gì hết cả. Chỉ có con người vì phân biệt bỉ thử nên mới có sự so sánh ấy; nhưng trên thực tế, hoa không vì lời khen mà đẹp hơn. Đồng thời hoa không phải bị chê mà xấu đi. Từ đó chúng ta suy ra cũng vậy; lời khen và tiếng chê cũng không thật. Hãy đừng trụ vào đó thì tâm ta sẽ thư thả hơn nhiều. Lúc ấy ta sẽ không giận, không hờn, không oán, không than ai hết. Tâm ta sẽ trở nên rỗng rang và tự tại. Tâm tự tại là tâm an định. Có an định, ta mới có thể làm chủ ta được. Nếu tâm không an thì ta đã để cho ngoại cảnh làm chủ tâm ta rồi. Lúc ấy đi tìm cái chân tánh sẽ không bao giờ thấy được.
Hãy bỏ tất cả ngoài tai nào thị, phi, nhơn, ngã, tốt, xấu, được, mất v.v… Vì tất cả những loại nầy chỉ là những sự đối đãi trong cuộc đời. Ta không vì được nó mà tốt hơn. Ta cũng chẳng phải vì mất nó mà xấu đi. Hãy quán tất cả mọi pháp đều là Phật Pháp. Các pháp đều như như với chơn tánh thường hằng của nó. Cho nên trong kinh Kim Cang, Phật dạy rằng: Tất cả các pháp như là thật tướng của nó. Đó là tánh thường hằng, không bị biến đổi bởi thị, phi, còn, mất v.v… Là người Phật Tử, xuất gia cũng như tại gia hãy quán sát và chiêm nghiệm kỹ điều nầy.
Hãy trở về với chính mình bằng sự quán sát của tự thân qua các động thái của đi, đứng, nằm, ngồi, của tư duy, của sự tỉnh thức. Những gì không thể thực hiện được hãy cầu nguyện nơi tha lực. Vì chính khả năng tự lực của mình khó thành tựu nổi.
Đức Phật A Di Đà, giáo chủ cõi Tây Phương Cực Lạc theo bổn nguyện của mình như trong kinh Vô Lượng Thọ mà Ngài đã phát nguyện, chúng ta chỉ cần nương theo danh hiệu của Ngài để được vãng sanh về thế giới đặc biệt nầy. Vì sao gọi thế giới nầy là thế giới đặc biệt ? Vì lẽ theo lời nguyện thứ 18 của Ngài trong kinh Vô Lượng Thọ thì Ngài không tiếp độ những chúng sanh phạm vào tội ngũ nghịch (1) và Nhứt xiển đề (2) về thế giới của Ngài. Tuy nhiên trong kinh Đại Bát Niết Bàn (3), Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã khẳng định rằng: „Tất cả các pháp đều bất định; nên nhứt xiển đề cũng bất định“. Nghĩa là ngày hôm qua nhứt xiển đề không tin nhân quả tội phước; nhưng ngày mai và ngày mai nữa nhứt xiển đề sẽ tin. Do vậy pháp nầy được gọi là pháp bất định. Năm trọng tội cũng giống hư vậy.
Ngoài ra trong kinh Quán Vô Lượng Thọ phần quán thứ 16, Đức Phật Thích Ca mâu Ni cũng đã dạy cho bà Vi Đề Hy về việc vãng sanh Thai Cung biên địa của hai hạng nầy. Hai điều kiện cần thiết quan trọng để được vãng sanh là cá nhân của những người ấy phải tự biết xấu hổ những việc của mình đã làm trong quá khứ, sám hối tội xưa và điều quan trọng hơn nữa là phải cần những thiện hữu tri thức đi kèm. Nếu thiếu hai điều kiện nầy thì cá nhân những kẻ phạm tội ấy không thể vãng sanh về nghi thành nầy được.
Khi về được hạ phẩm hạ sanh rồi, tâm thức của những người phạm tội ấy sẽ ở trong hoa sen trong vòng 12 Tiểu Kiếp (4). Trong thời gian nầy chẳng nghe được các vị Bồ Tát thuyết pháp và dĩ nhiên là chẳng gặp được Thánh Chúng. Chỉ có một điều duy nhất là ở đó từ từ tu tiếp lên cao hơn và không bị đọa lạc vào biển khổ của luân hồi sanh tử nữa.
Xem 5 bộ kinh căn bản (5) chúng ta vẫn thấy Đức Phật khuyên chúng xuất gia và tại gia nên ăn chay, giữ giới và thọ bát quan trai 6 ngày trong tháng như ngày mồng 8, 14, rằm, 23, 29 (nếu tháng thiếu), 30 và mồng một. Ngoài ra Đức Phật cũng đã dạy cho chư Tăng về 6 phép niệm Phật và quán tưởng. Đó là: Niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Thí, niệm Giới và niệm Thiên. Thật ra tất cả những sự phát triển của Đại Thừa về sau nầy đều do những tư tưởng căn bản của Phật Giáo Nam Truyền mà thành tựu. Rồi từ đó triển khai ra ở những phương diện rộng và cao xa hơn nữa. Vì giáo lý ấy không thể đóng khung trong một thời gian dài 2556 năm như vậy mà không có sự đổi thay được. Các vị Bồ Tát như các Ngài: Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân… đã ra đời và đã phát triển tinh thần Đại Thừa về sau nầy dựa theo những kinh điển căn bản của Nam Truyền.
Ngài Pháp Nhiên là Thầy của Ngài Thân Loan ở vào thế kỷ thứ 13 tại Nhật. Một vị là Giáo Tổ của Tịnh Độ Tông và một vị là khai sơn của Tịnh Độ Chơn Tông. Vị Thầy thì chủ trương về niệm Phật tự lực; trong khi đó Ngài Thân Loan là đệ tử, chủ trương niệm Phật tha lực. Cả hai đều không sai và đã đúng tùy theo từng thời điểm một cũng như quan niệm của người niệm Phật như thế nào. Niệm Phật tự lực là chính mình niệm Phật và chính mình được giải thoát sanh tử, qua câu Phật hiệu „Nam Mô A Di Đà“. Còn niệm Phật tha lực là cứ niệm Phật và việc vãng sanh về thế giới Tây Phương Cực Lạc là một chuyện tự nhiên. Vì đây là do bổn nguyện lực của Đức Phật A Di Đà mà chúng sanh thành tựu việc vãng sanh nầy. Theo Ngài Thân Loan, sự vãng sanh nầy cũng thuộc về „Dị hành đạo“ mà khi Đức Phật A Di Đà lúc còn là một Pháp Tạng Tỳ Kheo đã thệ nguyện dũng mãnh như vậy để cõi giới của Ngài thành tựu trang nghiêm như tâm Ngài đã phát nguyện. Qua ánh sáng Vô Lượng Quang, chiếu soi khắp mười phương vô biên thế giới và qua đời sống thọ mệnh vô lượng của Ngài, chúng sanh trong khắp vô lượng quốc độ được cậy nhờ.
Sự giải thoát sanh tử khỏi sự chấp trước và những sự triền phược khổ đau ở thế giới Ta Bà nầy về Tây Phương Cực Lạc được gọi là cảnh giới của „Phàm Thánh đồng cư Tịnh Độ“. Bất cứ là ai, khi niệm Phật và phát nguyện sanh về đó, đều được hóa sanh như nguyện ước qua thuyền từ phổ độ mà Ngài sẽ chuyên chở cho chúng sanh về đó, dầu cho những chúng sanh ấy có thế nào đi chăng nữa. Nếu không có tâm nguyện nầy thì các chúng sanh như vậy cũng khó được về. Cũng ví như hạt cát dầu cho nhỏ đến bao nhiêu; nhưng bỏ vào sông vào biển, thì cát kia sẽ chìm xuống đáy. Ngược lại tảng đá dầu lớn đến bao nhiêu; nhưng nếu chở trên một chiếc thuyền, thì đá kia sẽ nổi. Chúng ta phải nhớ một điều quan trọng là: Đức Phật A Di Đà không dùng thần lực của Ngài để biến hòn đá kia từ lớn trở thành nhỏ, mà chính bản thân của mỗi người, khi đã được sanh về đó rồi, phải dốc chí tu học, thì đá kia mới nhỏ dần. Từ đó sanh về ở thế giới cao hơn nữa trong chín phẩm hoa sen.
Điều quan trọng của Phật Giáo Nam Truyền là người Cư sĩ cũng có thể giải thoát sanh tử qua việc hành thiền Minh Sát hay Tứ Niệm Xứ; nhưng với vai trò của Cư sĩ, tối đa chỉ chứng đến quả Dự Lưu của một trong bốn Thánh quả. Không thể chứng 3 quả vị tiếp theo như: Tư Đà Hàm, A Na Hàm và A La Hán, khi mà ái dục chưa dứt trừ hẳn. Vì A La Hán có nghĩa là vô sanh, vô học hay còn gọi là Sát Tặc. Vị nầy đã dứt hẳn đường sanh tử. Muốn thế, phải xuất gia cầu giải thoát; chứ không thể mang hình thức tại gia được. Những Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, ai đã hoàn toàn giữ gìn phẩm hạnh và thực hành đầy đủ 37 phẩm trợ đạo sẽ là những bậc ứng cúng nầy.
Về phía Đại Thừa cũng vậy, người Cư sĩ tu theo pháp môn nào cũng có thể giải thoát sanh tử, dầu cho đó là Thiền hay Mật hay Tịnh; nhưng Phật quả chỉ dành cho người xuất gia đã đoạn trừ ái dục và sanh tử; còn người tại gia chỉ có thể chứng đến Bồ Tát, chứ chưa thể thành Phật được. Bồ Tát từ sơ địa đến đệ bát địa vẫn còn những vi tế hoặc chi phối. Chỉ trừ những vị đã chứng được Càng Huệ Địa và Pháp Vân Địa là những vị đã đoạn trừ ái dục và lậu hoặc, mới có khả năng đi đến địa vị của Phật quả.
Trong đời pháp nhược ma cường nầy có nhiều người chứng đạo; nhưng họ lại không nói. Trong khi đó có rất nhiều người nói mà lại chẳng chứng. Do vậy chúng ta nên thận trọng, vì biết đâu có những vị Bồ Tát và những vị A La Hán sống gần mình, mà có khi nào mình nhận ra được đâu. Vì lẽ vô minh và chấp trước làm cho ta không có trí tuệ để quán chiếu những hành trạng của nhiều người giác ngộ đang ở chung quanh mình. Đây là điều đáng tiếc vô cùng. Thật ra thời nào cũng có những người như vậy; chỉ có nhiều hay ít mà thôi.
Bốn câu kệ cuối trong kinh Kim Cang đã lột tả hết được mọi cái nhìn, cái nghe, cái thấy, cái hiện tượng và sự giả tướng trên cuộc đời nầy. Đó là:
Nhứt thiết hữu vi pháp
Như mộng huyễn bào ảnh
Như lộ diệc như điện
Ưng tác như thị quán
Nghĩa:
Tất cả pháp hữu vi
Như mộng như ảo ảnh
Như sương lại như điện
Hãy nên quán như vậy.
Ai quán được như thế, người ấy sẽ giác ngộ. Người ấy sẽ thành tựu các pháp tu. Vì lẽ tu mà không rõ được chân lý của sự vô thường sanh diệt, mà cứ nương vào các hình tướng để tồn tại thì người ấy chưa giác ngộ. Các pháp nào có hình tướng và ngay cả các pháp không có hình tướng ở trong đời nầy đi nữa, cũng đều bị vô thường chi phối. Ai thực hành được như vậy, người ấy đã biết rõ đường đi, lối về.
Hãy buông bỏ tất cả, dầu cho đó là gì gì đi nữa. Những hình tướng hữu vi như nhà cửa, sự nghiệp, con cái, tài sản, học trò, đệ tử, bằng cấp, địa vị v.v... tất cả rồi cũng sẽ trôi vào dĩ vãng của cuộc đời. Nếu ta không bỏ nó thì nó cũng sẽ tìm cách bỏ ta. Do vậy là người trí hãy nhận chân ra bộ mặt thật của nó để giác ngộ cho chính mình và cho tha nhân bằng hữu. Vì bản chất của cuộc đời nầy thật ra nó cũng giống như sương mai, điện chớp mà thôi. Do vậy Đức Phật vẫn thường hay dạy quán về pháp nhân duyên hay duyên khởi là vậy. Những gì mà ta thành tựu được ngày hôm nay. Tất cả đều do duyên tạo nên; khi duyên không còn nữa, trạng thái uyên nguyên của đất trời, vạn vật sẽ luân lưu lại như cũ. Chỉ có người tỉnh thức mới có thể vượt qua sự khổ đau một cách dễ dàng. Nếu ai bị pháp vô thường, sanh diệt chi phối thì người ấy khó nắm bắt lý duyên sanh của Đạo Phật.
Một chặng đường sanh tử của một kiếp nhân sinh nó không phải là 10 năm, 50 năm hay 100 năm, mà nếu không khéo tu cũng như không nhận thức rõ ràng đâu là chấp trước, đâu là giải thoát thì tâm thức của chúng ta phải bị luân hồi xoay chuyển mãi trong nhiều vạn năm như thế chưa ra khỏi sự khổ đau triền phược nầy. Để giúp đỡ cho chính mình và cho những thiện hữu tri thức học Phật và hành theo hạnh Phật, tôi có gắng diễn đạt qua ngôn từ và cách thực hiện làm sao để chuyển đổi sự khổ đau thành ra an lạc, hạnh phúc và thực chứng một niệm vô sanh qua câu Phật hiệu Nam Mô A Di Đà, khi mà trung ấm thân cần thể nhập vào trạng thái của vô lượng quang minh ấy.
Xin nguyện cầu cho tất cả chúng ta hãy đừng tự gây khổ đau cho nhau nữa, mà hãy tự cởi trói ra khỏi những sự ràng buộc của sanh tử, chúng ta được thong dong tự tại ở bên ngoài cõi luân hồi nầy. Đó mới chính là mục đích của người tu hướng về con đường giải thoát.
* Viết xong vào lúc 15 giờ chiều ngày 16 tháng 1 năm 2013 tại Tu Viện Đa Bảo trên vùng núi đồi Blue Mountains thuộc Sydney, Úc Đại Lợi, nhân lần tịnh tu nhập thất thứ 10, cũng là lần cuối cùng tại đây.
Ghi chú:
(1) Ngũ nghịch là: giết cha, giết mẹ, giết A La Hán, phá hòa hợp Tăng và làm thân Phật ra máu.
(2) Kẻ không tin bất cứ điều gì.
(3) Quyển hai
(4) Độ 7 triệu năm ở thế giới Ta Bà nầy.
(5) Đó là: Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tăng Nhất Hàm, Tạp A Hàm và Tăng Chi Bộ Kinh.
_________________________
Tưởng niệm Thầy
HT.Thích Minh Tâm và HT.Thích Như Điển trong ngày nhận giải thưởng Danh Dự tại Colombo, Sri Lanka, 8.7.2011
● Thích Như Điển
Biết nói và viết gì đây khi văn chương chữ nghĩa chỉ còn là những cánh sao rơi. Vì bầu trời Paris giờ đây đã chợt tối. Xin mượn những vần thơ để tiễn Thầy.
Paris phố mây giăng màu ảm đạm
Khánh Anh buồn tiễn biệt bóng Thầy đi.
Thầy đã vào đời cách đây ba phần tư thế kỷ. Thầy xa quê cũng đã gần 50 năm trời. Từ những ngày xuất gia học đạo, rồi làm Hiệu Trưởng Trường Trung Học Bồ Đề Nguyên Thiều Bình Định năm 1965-1967. Thế rồi, Thầy đã cất bước ra đi và chưa một lần trở lại. Đến xứ Hoa Anh Đào để miệt mài kinh sử, rồi Thầy vâng lệnh Giáo Hội đến Paris từ đầu thập niên 70. Kể từ ấy đến nay hơn 40 năm nơi xứ Tuyết trời Tây, Thầy đã gầy dựng biết bao nhiêu là sự nghiệp, bao nhiêu công trình cho đời, cho đạo. Giờ thì, Thầy đã thật sự an nghỉ rồi. Thầy không còn nhìn thấy những bạn đạo, học trò đệ tử của mình qua hơi thở và nhịp đập của con tim nữa, nhưng họ đã và sẽ quán chiếu những hành trạng của Thầy suốt một chặng đường dài, trải qua không biết bao nhiêu là chông gai của lịch sử và Đạo Pháp. Nhân lúc tiễn biệt Thầy, xin có đôi điều giao cảm.
Về thân giáo, Thầy đã dạy cho các đệ tử tại gia và xuất gia của Thầy bằng nhiều hình thức khác nhau như: Tu tức là học, học tức là làm việc, làm việc tức là tu, tu tức là học v.v… Đây là một định đề như tam đoạn luận và từ đó, Thầy đã dùng chính bản thân của mình để chỉ bảo cho đồ chúng qua cách tu và làm việc của Thầy.
Có lần Thầy bảo: ” Ngày xưa còn nhỏ, lúc học trường làng thấy chúng bạn uống chai xá xị mà mình phát thèm, nhưng chẳng có tiền trong túi để mua. Còn ngày nay, cái gì cũng có, đôi khi dư thừa, nhưng chẳng ăn và uống được gì cả “. Quả là cuộc đời nó luôn luôn đối nghịch như thế.
Bao tử của Thầy đã bị cắt hết hai phần ba, ăn uống đâu có được bao nhiêu, mà ngày nào nếu thiếu mì Nhựt và rau xà lách, hình như Thầy chẳng vừa lòng. Suốt cuộc đời của Thầy, hình như chỉ nuôi sống bằng mì Nhựt là chính, chắc chắn trên bàn thờ của Thầy trong những ngày tuần thất và giỗ quải sẽ không thiếu món nầy. Năm 2005, Thầy bị mổ tim và từ đó đến nay đã bao lần mệt nhọc, thế mà Thầy vẫn không ngại tuổi cao, sức yếu, vào sanh ra tử không biết bao nhiêu lần để tranh đấu cho quê hương, cho nhân quyền và cho tự do Tôn Giáo, chỉ mong một ngày sau quê hương Việt Nam được thật sự nở ra những cánh hoa dân chủ, không còn độc tài, đảng trị như lâu nay.
Đạo Pháp và Dân Tộc trên hai vai Thầy gánh nặng ngang nhau, không biết bên nào khinh, bên nào trọng. Với hai bờ vai gầy ấy những thành quả thật nhiệm mầu. Nơi nào Thầy đến, nơi ấy sẽ yên. Quả là một cánh chim Di của đàn chim Việt đã an bang tế thế, đâu có khác gì Lê Lợi ngày xưa. Tuy Thầy không làm quan ở chốn cửu trùng, nhưng Thầy đã làm Pháp tử, con của đấng Đại Giác Thế Tôn, với tài an tâm thiên hạ, Thầy đã là một bạch hổ của trời Tây.
Về ý giáo, Thầy không thể hiện rõ nét qua sách vở, văn chương thi phú, nhưng những pháp ngữ của Thầy vẫn còn vang vọng đó đây. Đó là những kim chỉ nam cho đàn hậu học. Vốn đã làm thư ký cho Thầy hơn 40 năm qua, nhưng chưa bao giờ thấy Thầy nhăn mặt, khi một sự việc không hài lòng, cách giải quyết của Thầy là chẳng giải quyết gì cả, cuối cùng vấn đề ấy sẽ được tự giải quyết. Đây là bài toán cao khó giải của Lưu Bang, Hạng Võ thời xưa, đời ngày nay mấy ai hiểu được. Vấn đề ở đây không phải là chấp nhận hay bác bỏ, mà Thầy thừa nhận vấn đề như sự tự nhiên của nó.
Một Nguyễn Trãi công thần khuyên Vua Lê Lợi trong việc an bang tế thế vào thế kỷ thứ 15, khi Vua Lê đã dựng được nghiệp đế, thì Thầy chính là kẻ công thần ấy mà ít người nhìn ra được. Vì không có minh quân, mà tướng tài còn ẩn dật dưới nhãn hiệu một bần tăng, nhưng chúa tể sơn lâm ấy sẽ trỗi mình, khi hoàng thiên không phụ người có lòng tốt.
Ý của Thầy muốn dung chứa mọi khuynh hướng vào một chốn và hoạt động dưới một thể chế, để mong rằng thể hiện được tư tưởng tự do và bình đẳng của con người. Điều ấy hẳn tốt, vì chính nhờ vi trùng có thể nuôi dưỡng thân nầy để tồn tại mà cũng chính vì vi trùng mà ta tự hại lấy ta. Khi sức mạnh tự thân không còn nữa thì thân cát bụi sẽ trả về cho cát bụi; gió thời gian xin trả lại cho thiên nhiên. Đời hay Đạo lâu nay vốn là thế, chẳng thiên vị một ai bao giờ! Ai có đến ắt có đi, ai có còn hẳn có mất, nghìn thu vĩnh biệt từ đây !!!
Về khẩu giáo, Thầy luôn nói lời từ ái. Thỉnh thoảng vẫn có quở rầy đệ tử; nhưng với người ngoài hầu như không thể hiện tánh nóng nảy bao giờ. Đây là điểm son của người lãnh đạo. Người lãnh đạo cần phải biết hết tất cả mọi việc, chứ không cần làm hết mọi việc. Thầy đã thể hiện đúng được điều ấy. Bên trái bên phải Thầy đã có tả phù hữu bật, thì còn lo gì với bạch hổ cư Tây, anh hùng cái thế ấy! Do vậy Thầy không cần la rầy nhiều mà việc chùa, việc Giáo Hội vẫn thông suốt trôi chảy lạ thường. Có những cuộc họp Giáo Hội thật nan giải, nhưng với Thầy mọi việc đều bình thường, chỉ có cuộc họp lần cuối tại Phần Lan vào đêm 28 tháng 7 năm 2013 vừa qua lại là một cuộc họp lịch sử. Vì biên bản Thầy hưa ký và sẽ vĩnh viễn không bao giờ ký nữa. Những vấn đề đau đầu nhức óc hôm đó, sẽ để cho vấn đề tự giải quyết vấn đề. Đó có phải là ý nguyện của Thầy chăng !!!
Đối với những đoàn thể quốc gia bên ngoài, Thầy cũng là một bậc long tượng của Thiền môn, ngồi giữa muôn trùng vây bủa, nào thị phi, nhân ngã, nào tán thưởng hăm dọa, vu oan... nhưng tất cả đối với Thầy, vật càng thối bao nhiêu, càng nuôi cây tốt bấy nhiêu; người càng chướng bao nhiêu, những kẻ ấy thể hiện là người tài. Thầy là một người nài huấn luyện tượng vương thật giỏi. Thầy là một kỵ mã giỏi như Quan Công giữa chốn quân trường. Thầy là một Bao Công đã xử án công bằng, khiến cho bao nhiêu người thấp cổ bé họng được nhờ.
Tuy Thầy không chú trọng bằng cấp nhiều, nhưng chính Thầy đã đỗ đạt nhiều phẩm vị khác nhau ở Đại Học, Thầy không quan tâm về sức khỏe của chính mình. Vì Thầy ngại phiền lòng những người chung quanh phải lo lắng. Những ngày cuối của Thầy tại Phần Lan, ai cũng mong Thầy vào bệnh viện để sớm được chữa trị, nhưng Thầy mãi chần chờ. Vì Thầy không muốn xa khóa học, xa Pháp lữ và xa học trò đệ tử. Thầy đau mà như không đau. Vì Thầy nơi thân lẫn tâm chưa bao giờ thể hiện rõ điều ấy. Đời người có bốn giai đọan quan trọng. Đó là sanh, già, bệnh, chết. Thế mà Thầy đã đốt đi bớt hai giai đoạn rồi, chỉ có sanh ra và chết đi, còn già và bệnh, Thầy không kinh qua cái đau đớn của già bệnh. Đây có phải là sự thị hiện vào đời của ngài Duy Ma Cật, đã thị hiện chăng! Thầy vẫn làm việc cho đến giây phút cuối cùng trên giường bệnh. Với Thầy lúc nào cũng là công việc và giải quyết vấn đề, chứ không tìm cách chạy trốn vấn đề. Đây là sự thể hiện tinh thần Bồ Tát của Thầy vậy.
Ngày Thầy bệnh nặng, mọi người đang lo lắng qua điện thoại từ Phần Lan được báo về. Bên nầy chưa kịp lo cầu an, đã phải chuẩn bị cáo bạch tang lễ chỉ trong vòng 10 phút sau đó vào sáng ngày 8 tháng 8 năm 2013 vừa qua... Trời đất đổi màu, máu chảy ngược về tim, trăng sao đều rơi rụng. Ai nghe tin Thầy ra đi cũng bàng hoàng sửng sốt. Vì mới hôm qua còn nghe điện thoại, mới hôm nao ở lớp học còn nói nói cười cười, thế mà bây giờ đã thành sự thật. Vả chăng cuộc thế vô thường, thế gian giả hợp như đức Phật đã dạy trong kinh Bát Đại Nhân Giác !
Giờ Thầy đã ra đi. Giáo Hội sẽ để trống ngôi Chủ tịch, nhằm thể hiện tinh thần hiếu kính của hàng hậu côn. Ngôi vị ấy, nơi chốn kia không phải là chốn phân quyền cho ai đó được bầu vào để lãnh đạo, mà chính Thầy vẫn còn hiện hữu đó đây để lãnh đạo Giáo Hội trong cơn thử thách nầy. Có như thế tứ chúng mới đồng tu và đồng ân triêm lợi lạc được.
Ngôi chùa Khánh Anh là một ngôi chùa lịch sử, vì xây dựng suốt gần 20 năm qua chưa có một ngày dừng nghỉ. Ấy cũng chính là tâm nguyện của Thầy muốn thể hiện góp gió thành bão, không kêu gọi Phật Tử nhiều lần, khiến cho nhiều người phải thối thất đạo tâm, để ai đó cứ tùy nguyện đóng góp theo sự thở than nhẹ nhõm trên báo Khánh Anh của mình là mọi người đã tự động rồi.
Dĩ nhiên, những anh em còn lại trong Giáo Hội sẽ không làm ngơ được khi cơ đồ, ngôi Phạm Vũ Khánh Anh còn đang dang dở như thế nầy. Thế nào rồi cũng có Long Thần, Hộ Pháp chở che, gia hộ để mọi Phật sự của Khánh Anh nói riêng và của Giáo Hội sớm viên thành. Mặc dù, một tờ di chúc bằng giấy trắng mực đen Thầy không ghi lại, nhưng những lời Vô Ngôn như Phật ngày xưa, chỉ truyền tâm qua Ngài Ca Diếp chỉ một cái mỉm cười, mà mãi tận bây giờ, mấy ngàn năm sau vẫn còn lưu truyền giáo pháp ấy lại cho đời. Do vậy, đâu cần gì phải có giấy tờ văn tự, mà anh em trong Giáo Hội sẽ gánh vác cùng Thầy, mặc dù Thầy không còn hiện hữu trên cõi trần gian nầy nữa.
Tất cả các chùa, các Giáo Hội tại Âu Châu nầy hầu như chỉ nhờ vào một bàn tay, một khối óc của Thầy tạo dựng nên. Đâu có ai biết định kỳ hằng tháng xây chùa là gì! Đâu có ai rõ Hội Thiện không lời là sao! Tất cả đều nhờ Thầy tiên phương mà bao nhiêu ngôi chùa được xây dựng nên tại Âu Châu hay Canada để phụng thờ ngôi Tam Bảo. Từ chùa Viên Giác ở Đức, chùa Quan Âm ở Montreal, Canada hay các chùa tại các nước Âu Châu như Nga Sô, Thụy Điển, Phần Lan, Na Uy, Đan Mạch, Anh Quốc, Ái Nhĩ Lan, Pháp, Đức, Bỉ, Áo, Ý, Hòa Lan, Thụy Sĩ v.v... Tất cả đều ghi đậm dấu chân của Thầy. Nếu không có Thầy hiện hữu lúc ban đầu thì những ngôi chùa nầy sẽ phát triển theo một hướng khác rồi.
Trong Thầy không có kẻ thù. Nếu có chăng, chỉ là tham, sân, si, tật đố. Ai cũng là bạn của Thầy, dẫu người ấy không đồng quan điểm của Thầy. Đây là điểm son của người quân tử, như hoa sen vượt khỏi bùn nhơ, như lá sen không làm cho nước đọng lại. Tất cả rồi cũng trôi qua. Tất cả rồi cũng trở về vị trí uyên nguyên của nó. Đó là bản thể Di Đà, Duy Tâm Tịnh Độ. Tất cả điều nầy ai ai cũng có, chúng ta chỉ cần tánh sáng ấy hiển lộ ở mọi người mà thôi.
Nhiều đệ tử xuất gia bảo rằng đời Thầy đâu có bao giờ vui đâu, nên hình nào của Thầy cũng chẳng thấy Thầy cười. Thế mà khi Thầy mất, chụp hình thấy Thầy cười tự tại đó. Điều nầy cũng đáng nói. Ngạn ngữ của người xưa là: ”Khi tôi sinh ra đời nầy mọi người chung quanh tôi đều cười để mừng sự ra đời của tôi, trong khi tôi vẫn khóc o e đâu đó. Để rồi suốt trong một chặng đường dài của sanh tử, tôi phải làm một cái gì đó, để rồi một ngày nào đó tôi sẽ ra đi, mĩm cười buông xuôi hai tay, để mọi người chung quanh tôi đều khóc”. Điều nầy đã thể hiện được nơi Thầy một cách trọn vẹn rồi đó.
Chẳng còn bao lâu nữa thì cửa lò thiêu sẽ đóng lại, xác thân của Thầy sẽ không còn tồn tại như xưa nữa, nhưng đâu đó trên bầu trời hay trong chánh điện chùa Khánh Anh hay ở những ngày lễ chính tại các chùa và ngay trong những bữa cơm của các gia đình Phật Tử, những người đã chịu ơn Thầy, không bao giờ không nghĩ đến Thầy cho đến một lúc nào đó tâm thức nầy không còn chủ động được nữa mới thôi.
Bao nhiêu nước mắt mấy ngày nay đã chảy. Bây giờ mới thấy cái buồn nó len nhẹ vào hồn là sao, nhưng vẫn mãi tin rằng Thầy đã được giải thoát khi thấy hình chụp của Thầy lúc lâm chung hơi nóng, máu đỏ dồn lên đầu, chứng tỏ rằng một hành giả đã được vãng sanh. Xin chắp hai tay lại và đảnh lễ trước giác linh Thầy với câu niệm như sau:
Nam mô Từ Lâm Tế Chánh Tôn tứ thập tứ thế Liễu Quán Pháp Phái, khai sơn Khánh Anh Đường Thượng húy thượng NGUYÊN hạ CẢNH, tự Viên Dung, hiệu Minh Tâm giác linh Hòa Thượng thùy từ chứng giám ●
Viết xong vào ngày 13 tháng 8 năm 2013 trên chuyến xe lửa từ Hannover đến Paris, để đón nhục thân Thầy từ Phần Lan trở lại Pháp vào chiều nay.
___________________________
Công việc trước tác, phiên dịch của Tổ Khánh Anh
● Tỳ Kheo Thích Như Điển
(Bài thuyết trình trong ngày Hiệp Kỵ Về Nguồn lần thứ 7 tại chùa Cổ Lâm Seattle, Hoa Kỳ từ ngày 27 đến ngày 29.9.2013).
Như tất cả chúng ta đều biết Tổ Khánh Anh là người xuất thân từ Quảng Ngãi và từ những năm 1916 Ngài đã quy y Tam Bảo tại chùa Cảnh Tiên và năm 1917 lúc Ngài 22 tuổi đã xuất gia tu học tại chùa Quang Lộc tỉnh Quảng Ngãi với Pháp danh là Chơn Quý. Ngài thuộc dòng Lâm Tế Chúc Thánh thuộc thế hệ truyền thừa thứ 7. Ngài sinh năm 1895 và viên tịch năm 1961.
Ngài nhờ có căn bản Hán học vững chắc trước khi đi xuất gia; nên khi vào chùa ở tuổi 22, khi Ngài dạo qua những kinh điển bằng chữ Hán, với Ngài không khó lắm để hiểu những phần căn bản của giáo lý nầy. Đây là một lợi điểm của những vị đương thời. Vì thuở ấy những khoa thi bằng Hán văn của triều đình nhà Nguyễn vẫn chưa chấm dứt; nên Nho Học giữ một thế đứng quan trọng trong nhân gian thuở bấy giờ. Chúng ta cũng nên biết rằng năm Ngài xuất gia cũng là năm sắp chấm dứt chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914-1918). Năm Ngài 30 tuổi (1925) sau khi thọ giới Tỳ Kheo và Bồ Tát, Ngài đã trở thành một vị giảng sư Phật Học nổi tiếng lúc đương thời.
Kể từ năm 1927 Ngài đã xuôi Nam và suốt trong những tháng năm còn lại của đời Ngài, Ngài đều trải qua những chức vụ như Trụ Trì tại các chùa Long An hay làm Pháp Sư giảng dạy Phật Pháp cho Tăng Ni cũng như Phật tử tại các chùa Giác Hoa ở Bạc Liêu hay chùa Hiền Long ở Vĩnh Long. Nơi đâu Ngài trụ cũng như giảng dạy giáo lý Phật Đà, nơi đó có đông đảo chư Tăng Ni cũng như Phật tử đến đảnh lễ để cầu học giáo pháp thậm thâm vi diệu ấy.
Vào những năm 1935 Ngài đã hợp tác với cố Hòa Thượng Khánh Hòa, Hòa Thượng Huệ Quang, Hòa Thượng Pháp Hải v.v... để lãnh đạo Hội Lưỡng Xuyên Phật Học đặt tại chùa Long Phước Tỉnh Trà Vinh và Ngài cũng đã chính thức mở Phật Học Đường ở đây để đào tạo Tăng tài, nhằm truyền trì mạng mạch Phật Pháp cho Tăng Ni cũng như cộng tác với tạp chí Duy Tâm, là cơ quan truyền bá đạo Phật của Hội. Chúng ta nên nhớ rằng thời gian nầy Nam Kỳ vẫn còn thuộc Pháp. Do vậy việc chủ trương đào tạo Tăng Ni, Phật tử theo khuynh hướng của Đạo Phật không phải là chuyện đơn thuần. Tinh thần nầy có lẽ Ngài và Quý Tổ khác đã ảnh hưởng mạnh mẽ con đường cải cách Phật Học của Ngài Thái Hư Đại Sư bên Trung Hoa. Ngài Thái Hư chủ trương rằng: phải cách mạng Phật Giáo bằng ba tiêu điểm. Đó là: Cách mạng Giáo Chế, Cách Mạng Giáo Hội và Cách Mạng Giáo Sản. Đây cũng là những tiêu đề mà Tôn Dật Tiên đã chủ trương cách mạng cho Trung Quốc vào năm Tân Hợi (1911). Đó là: Dân sinh, Dân Tộc và Dân Quyền. Tuy tinh thần Tam Dân chủ nghĩa nầy của Tôn Dật Tiên không thành công trọn vẹn tại Trung Hoa lục địa; nhưng cũng đã được Tưởng Giới Thạch kế thừa qua tinh thần dân chủ ấy, để sau đó lan tràn qua Đài Loan từ những năm sau đệ nhị thế chiến (1939-1945) và ngày nay Đài Loan là một đảo quốc tự do phát triển theo chủ trương của Tôn Trung Sơn tự thuở nào; khiến cho thế giới phải ngưỡng vọng về một quốc gia tự do dân chủ chỉ mới hơn 100 năm lịch sử truyền thừa mà ngay cả Trung Hoa lục địa ngày nay cũng chưa thể sánh kịp.
Từ đó chúng ta cũng có thể so sánh về con đường phát huy của Phật Giáo tại Trung Hoa cũng như Việt Nam chúng ta ở vào thời kỳ đầu và giữa của thế kỷ thứ 20 ấy. Tuy tinh thần cách mạng của Thái Hư Đại Sư cũng không thành công mấy tại Trung Hoa; nhất là sau khi Trung Hoa đã chính thức trở thành cộng sản vào năm 1949. Thế nhưng tinh thần ấy đã có các vị Đại Sư như: Bạch Thánh, Ngộ Minh, Tinh Vân, Thánh Nghiêm, Diễn Bồi, Tuyên Hóa... kế thừa và Phật Giáo đã lan tỏa ra khắp Đông Tây ở các quốc gia vốn lâu nay chỉ có ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo. Ví dụ như Ngài Tuyên Hóa, Ngài Thánh Nghiêm, Ngài Tinh Vân ở Hoa Kỳ. Ngài Diễn Bồi ở Việt Nam, Tân Gia Ba. Ngài Ngộ Minh, Ngài Bạch Thánh ở Đài Loan v.v... Tinh thần cách mạng duy tân ấy đã ảnh hưởng đến những phong trào chấn hưng Phật Học của Phật Giáo Việt Nam tại ba Kỳ gồm Bắc, Trung và Nam. Đây giống như một cơn địa chấn lớn, mà hậu chấn động ấy vẫn còn vang vọng cho đến ngày nay, dẫu đã trải qua hơn 100 năm lịch sử truyền thừa. Nếu thuở ấy không xuất hiện những bậc danh Tăng như các Ngài vừa kể, thì ngày nay còn đâu để truy tán công đức của các Ngài nữa.
Thời buổi năm 1945 là thời kỳ chuẩn bị chấm dứt chiến tranh thế giới lần thứ hai. Trong khi miền Bắc Việt Nam bị lâm vào trận đói năm Ất Dậu, khiến cho cả 2 triệu người chết đói vì chính sách cai trị hà khắc của người Nhật tại Việt Nam. Do vậy miền Nam cũng bị ảnh hưởng lây. Cho nên Tổ Khánh Anh đã về nhập thất tại chùa Phước Hậu ở Trà Ôn để tâm nghiên cứu Tam Tạng Thánh Điển. Trong cái rủi ro ấy lại có cái may nầy. Nếu không có những thì giờ nhập thất và nghiên cứu của Ngài thì ngày nay hậu bối chúng ta đã không có những tác phẩm như:
- Hoa Nghiêm nguyên nhân luận
- Nhị Khóa Hiệp Giải
- 25 bài thuyết pháp của Thái Hư Đại Sư
- Tại Gia cư sĩ luật
- Duy Thức triết học
- Quy Nguyên Trực Chỉ
- Khánh Anh văn sao (3 tập)
Ngày nay các học tăng vẫn còn xử dụng các quyển như: Nhị Khóa Hiệp Giải, Quy Nguyên Trực Chỉ, Hoa Nghiêm Nguyên Nhân Luận để học hỏi tại các Phật Học Viện cũng như những Đại Học Phật Giáo.
Nhị Khóa Hiệp Giải chính là sớ giải và chú thích rõ ràng từng câu, từng chữ, từng ý, từng lời của hai thời công phu khuya và công phu chiều. Đây được chú dịch từ nguyên bản chữ Hán nhan đề là: Thiền Môn Nhật Tụng. Tác phẩm nầy xuất xứ từ Trung Hoa trong những thế kỷ trước và ngày nay cũng đã được dịch ra tiếng Anh, tiếng Đức v.v… nhằm giới thiệu những bản văn tụng theo truyền thống Phật Giáo Đại Thừa Trung Hoa. Việt Nam chúng ta ảnh hưởng không nhỏ qua lối truyền thừa Phật Giáo từ xa xưa. Do vậy Nhị Khóa Hiệp Giải của Ngài Khánh Anh đã làm tỏa sáng niềm tin cũng như cách hành trì của những Tăng Ni Phật tử thuở ấy và ngay cả ngày nay nữa.
Bên Trung Hoa, Ngài Thái Hư Đại Sư chủ trương người Cư Sĩ cũng phải có giới luật để tu tập. Cho nên Ngài mới cho soạn bộ Ưu Bà Tắc giới kinh. Tuy nói là Ưu Bà Tắc; nhưng thực tế trong ấy, kinh nầy đa phần chủ trương theo tinh thần Lục Độ Ba La Mật và Bồ Tát Giới. Căn cứ theo xưa thì người Cư Sĩ Tại Gia vẫn phải thọ Bồ Tát 10 giới trọng và 48 giới nhẹ; nhưng dựa theo tinh thần trong kinh Ưu Bà Tắc Giới kinh nầy, Ngài Thái Hư Đại Sư đã tạo thành 6 giới trọng và 28 giới nhẹ để người Cư Sĩ tại gia dễ hành trì. Từ đó Việt Nam chúng ta cũng ảnh hưởng không ít trong vấn đề giới luật của người Cư Sĩ tại gia trong hiện tại.
Hai mươi lăm bài thuyết pháp của Ngài Thái Hư Đại Sư bằng chữ Hán đã được Tổ Khánh Anh dịch ra tiếng Việt. Ngày nay chúng ta chưa bắt gặp được văn bản chính nào của những tư tưởng nầy. Tuy nhiên chúng tôi nghĩ rằng cũng không vượt ra khỏi tinh thần của cách mạng Giáo Chế, cách mạng Giáo Hội và cách mạng Giáo Sản như Ngài đã chủ trương. Vì sao phải cách mạng? Vì lẽ cần phải thay đổi. Phật Giáo không thể đứng yên một chỗ để nhìn thấy giáo lý của Đức Phật ngày nay con người ứng dụng không còn đúng phép nữa. Tăng Ni phải có những quy định rõ ràng. Giáo Hội phải có tính cách pháp nhân, pháp lý và tài sản của Giáo Hội là tài sản chung của Đoàn Thể Tăng Già cũng như Phật tử chứ không phải của riêng một vị Tăng hay Ni nào.
Quy Nguyên Trực Chỉ cũng là một bản văn bằng chữ Hán do Ngài Tông Bổn (1020-1099) bên Trung Hoa biên sọan; nhưng đã được Tổ Khánh Anh phiên dịch, trước tác rõ ràng và đã trở thành một tác phẩm gối đầu giường cho những ai muốn nghiên tầm về triết lý tính không của Phật Giáo. Đây là một tác phẩm dựa trên căn bản của Tánh Không, của Đại Trí Độ Luận và của Đại Thừa Khởi Tín Luận. Là một tác phẩm rất quan trọng đối với người xuất gia cũng như tại gia.
Chỉ tiếc rằng 3 tập Khánh Anh Văn Sao ngày nay chưa thấy lưu hành. Nếu có được những tập biên khảo nầy của Tổ Khánh Anh để hậu thế học hỏi, trau giồi kinh nghiệm, thì quả là phước báu vô song.
Nếu cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo GHPGVNTN (1964-1973) không có nhân duyên được Tổ Khánh Anh cho xuất gia vào năm 8 tuổi (1927) và được Tổ Khánh Anh ban cho Pháp Danh là Như Quả, nối dòng pháp thứ 41 của Lâm Tế và thế hệ thứ 8 của Pháp Phái Chúc Thánh thì chắc rằng sự nghiệp biên dịch, trước tác, sáng tác không đồ sộ như ngày nay chúng ta có được. Đây chính là thành quả mà Tổ Khánh Anh đã trực tiếp khai tâm và hướng đạo cho cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa lúc bấy giờ. Ngày nay ai đó trong hàng ngũ xuất gia hay tại gia, khi nghe đến danh hiệu của Ngài Thiện Hoa đều hiểu rõ; nhưng nghe Pháp Hiệu của Tổ Khánh Anh; chúng ta thấy xa mờ; nhưng nếu không có những bóng mờ ẩn hiện trong thời buổi xa xưa ấy, thì chúng ta không có một bình minh lịch sử của Phật Giáo Việt Nam chúng ta tại hải ngoại cũng như quốc nội như ngày hôm nay. Trong Hoa Nghiêm Nguyên Nhân Luận Ngài cũng đã chỉ rõ ra rằng: Nếu cái nầy không thì cái kia cũng sẽ không và nếu cái nầy có thì cái kia sẽ có. Không không, có có ấy là một chuỗi nhân duyên dài nối kết lại với nhau, mà Phật Giáo không đi ra ngoài những định luật của sự tồn tại cũng như quy ẩn ấy.
Người xưa thường nói: ”Nhìn con cái thì sẽ biết cha mẹ như thế nào”. Ngày nay chúng ta nhìn vào lịch sử cận đại với những Ngài Thiện Hoa, Trí Tịnh, Thiện Hòa v.v… chúng ta không thể không vinh danh vị Tổ Sư Khánh Anh. Vì lẽ nếu không có Ngài Khánh Anh vào Nam từ những năm 1927 ấy, thì Phật Giáo Miền Nam cũng thiếu đi những bậc chân tu thạc đức, mà ngày nay sử sách vẫn còn ghi. Từ tên gọi ấy những ngôi chùa rải rác đó đây trên quê hương đất Việt hay tại hải ngoại ngày nay đa phần lấy Đạo Hiệu Khánh Anh của Ngài để đặt tên cho ngôi chùa của mình trụ trì, nhằm xiển dương giáo pháp nhiệm mầu của Đấng Như Lai. Trong đó có ngôi chùa Khánh Anh tại Evry Pháp Quốc, do cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm thành lập, cũng không thua kém gì những ngôi phạm vũ huy hoàng của Trung Hoa hay Nhật Bản tại Hải Ngọai ngày nay.
Xin chắp tay nguyện cầu cho giáo pháp của Đức Như Lai luôn bền vững trên quả địa cầu nầy. Vì chư Phật cũng thường hay dạy rằng: ”Kẻ nào hiểu được Pháp, kẻ đó sẽ hiểu Phật và kẻ nào hiểu Phật, kẻ ấy sẽ hiểu được Pháp”.
Kính nguyện Quý Ngài pháp thể khinh an, chúng sanh dị độ và Phật sự dễ thành.
Viết xong vào một sáng mùa thu tại Tu Viện Viên Đức Ravensburg Đức Quốc ngày 4 tháng 9 năm 2013.
Tỳ Kheo Thích Như Điển
Phương Trượng Chùa Viên Giác Hannover Đức Quốc.
_________________________
Phước báu thế gian và phước điền Tam bảo
● Thích Như Điển
Mỗi người trong chúng ta, ai sinh ra trong cuộc đời nầy cũng đều có một nghiệp quả khác nhau. Có kẻ sinh ra làm Vua, làm Thái tử, làm Công chúa. Có người sinh ra làm quan, làm Tổng thống, làm Thủ tướng, làm người lãnh đạo, làm nhà tư bản, nhà giáo dục, bác học, bác sĩ v.v… Nhưng cũng có lắm người khi được sinh ra lại phải bị rơi vào trong những gia đình thiếu cơm ăn áo mặc, rách nát tang thương. Cũng có lắm người khi sinh ra đã không có đủ mắt, tai, mũi, lưỡi, tay chân v.v… Quả thật trong cuộc đời nầy có muôn hình vạn trạng, không sao có thể kể hết ra được. Nhưng tất cả đều có chung một điểm là lúc sinh ra chỉ là kết quả của một chuỗi dài nhân quả của nhiều kiếp trước đã định sẵn rồi mà ta không biết và tuyệt nhiên chẳng có cha mẹ nào hay con cái nào có thể định đoạt sẵn cho sự chào đời ấy.
Thế gian nầy khởi đi từ 50% là thiện và 50% là ác. Nếu con người từ điểm thiện căn bản ấy tiếp tục làm thiện nữa thì kết quả là con người sẽ được sanh vào thế giới cao hơn; nhưng nếu con người vẫn mãi mê trong danh lợi, dục lạc và quên đi con đường tu tỉnh thì cũng từ 50% thiện ấy, con người sẽ rơi vào những con đường xấu ác. Tất cả đều do cái nhân chính là ta tự tạo ra; chứ không phải do cha mẹ hay một đấng thiêng liêng nào khác. Ai lại không muốn cho mình danh giá. Có ai trong chúng ta lại không muốn giàu sang phú quý, thế mà ta vẫn nghèo hèn, khốn khổ. Không ai trong chúng ta mong mỏi khi sinh ra phải làm kẻ tôi đòi, hạ liệt. Thế mà hơn 6 tỷ người trên thế giới nầy, tất cả các chỉ tay đều không giống nhau; nên nghiệp lực của mỗi người cũng chẳng giống nhau, ngay cả như anh em sinh đôi cùng cha cùng mẹ mà phước báu của mỗi người đều khác nhau.
Sinh ra được làm Thái tử, Công chúa hay những người lãnh đạo quốc gia, tất cả đều là do phước báu nhiều đời trước của những người nầy đã gây tạo và bây giờ họ chỉ hưởng những gì mà họ đã trồng trong quá khứ mà thôi. Họ đã làm phước, họ đã bố thí, đã cúng dường Tam Bảo, đã giúp đỡ người, giúp đời, giúp dân, giúp nước v.v… Cái nhân ấy trong quá khứ cứ tích tụ mãi trong một hay nhiều đời để trở thành một số tiền lời lớn mà họ đã để dành, khi họ trở lại làm người, chính họ được thừa hưởng những phước báu mà họ đã tu tạo từ trước. Còn những người sinh ra trong đời nầy mặc dầu cố gắng hết sức trong mọi công việc; nhưng nghèo đói vẫn hoàn nghèo đói; bởi lẽ những người ấy vay nợ ngân hàng nghiệp quá nhiều trong quá khứ, bây giờ họ phải làm để trả nợ cũ trong nhiều đời. Nợ chưa trả hết thì làm sao có thể có tiền lời cho được.
Nhiều người sinh ra thiếu những cơ phận trong người; bởi vì trong quá khứ đã liên hệ với những nghiệp sát, đạo, dâm v.v… nhưng cũng có lắm người khi mới sinh ra lại đẹp đẽ lạ thường, khiến cho ai trông thấy cũng đem lòng mến mộ. Có mỹ nhân, hoa khôi, á hậu, đồng thời cũng có những tướng cướp vang bóng một thời. Có người khi sinh ra đã ăn chay, có người muốn đi xuất gia tầm sự giải thoát; chứ không muốn vướng bận thê triền, tử phược… Có người sinh ra thông minh trí tuệ mà cũng có lắm người bị ám muội vì vô minh che lấp trong nhiều đời. Có người cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm; nhưng ngược lại cũng có nhiều người của cải dư thừa, kẻ ăn người ở, đâu đó đủ đầy. Nhiều người cho rằng ông trời bất công; nhưng nói như vậy là chưa hiểu nhân quả của nhà Phật. Đức Phật dạy rằng “nhân nào thì quả đó“, „hình ngay thì bóng thẳng, hình vạy thì bóng cong“. Rõ ràng là như vậy. Không ai có thể làm cho ta tốt hơn, mà cũng không có ai có thể làm cho ta xấu hơn; ngoại trừ chính chúng ta phải tự chịu trách nhiệm về những hành vi tạo tác của mình trong quá khứ liên hệ đến hiện tại và dẫn mãi đến tương lai. Đây là điểm chính của nhân duyên sanh và nhân quả nhiều đời vậy.
Khi hiểu được như vậy thì chúng ta cố gắng vun trồng cội phước từ ngay bây giờ để tích lũy vốn về sau. Có như thế chúng ta mới khỏi bị điểm trừ của nghiệp quả. Có nhiều người làm từ thiện giúp kẻ bần cùng cơ nhỡ. Vì biết rằng trong đời nầy “đâu có ai giàu ba họ và cũng chẳng có ai khó ba đời“. Giúp người cũng chính là giúp mình vậy. Hiểu được như vậy thì tất cả những việc làm phước, bố thí, cúng dường v.v… chúng ta luôn hoan hỷ, không có gì để than phiền hay trách móc. Vì mình làm cho chính mình mà. Chính người đi bố thí phải cảm ơn người nhận của thí ấy. Vì lẽ nếu không có người nhận thì mình bố thí cho ai. Chúng ta cũng phải cảm ơn những người chửi mắng ta. Vì lẽ nếu không có họ thì làm sao ta biết sự nhẫn chịu của mình đã đạt đến mức nào. Cho nên Đức Phật đã dạy trong kinh Tạp A Hàm rằng:
„Sức mạnh của trẻ thơ là tiếng khóc. Sức mạnh của người trí là dùng ánh sáng trí tuệ để xét soi. Sức mạnh của người học rộng là dùng sự hiểu biết của mình để phán đoán sự việc. Sức mạnh của đàn bà là sự hờn giỗi. Sức mạnh của người tu là sự nhẫn nhục và sức mạnh của người ngu là sự lệ thuộc vào sự khen chê của người khác“…
Nội từng ấy việc, chúng ta thử thẩm định lại mình ở vào hạng người nào. Các bậc A La Hán lậu tận đã hết; nên các Ngài tuy còn sống; nhưng các Ngài đã có thể khẳng định rằng: “Ta, sự sanh đã hết, phạm hạnh đã lập, những việc cần làm đã làm xong và biết chắc chắn rằng kiếp sau ta không còn tái sanh nữa“. Các Ngài thì dõng mãnh và dứt khoát như vậy. Còn chúng ta thì sao? Làm việc gì cũng bị sự chấp ngã và chấp thủ chi phối. Do vậy vẫn mãi còn lênh đênh trong biển khổ luân hồi, chưa biết bao giờ mới ra khỏi.
Có nhhiều người Phật Tử Nam Tông ở các nước Miến Điện, Thái Lan, Tích Lan, Lào, Cam Bốt v.v… họ hiểu rất rõ về phước báu; nên họ đã tu tạo chùa tháp, cúng dường chư Tăng, hộ trì Tam Bảo; nên những nơi nầy Tam Bảo được hưng long cả hơn 2.500 năm nay và chắc chắn rằng sẽ còn dài lâu hơn như thế nữa. Có người đến ngày sinh nhật tập trung con cái về chùa phát tâm làm việc thiện, tiền bạc con cháu biếu tặng đem hiến dâng vào cửa chùa những tịnh tài ấy, nhằm vun bồi phước báu về sau. Bây giờ bên Bắc Tông, một số quý Phật Tử thấy những việc làm nầy có ý nghĩa; nên những ngày sinh nhật của chính mình hay những thành viên trong gia đình của mình cũng muốn tu tạo phước báu bằng cách về chùa làm lễ và muốn hộ trì chùa bằng cách mang những tịnh tài có được trong ngày sinh nhật dâng lên cúng dường, hộ trì Tam Bảo và để tạo nhân duyên thù thắng cho mỗi thành viên trong gia đình mình. Có nhiều người lý luận rằng: Chư Tăng Ni là những người xả tục xuất gia; nên để cho họ chuyên tu, còn vấn đề vật chất người cư sĩ có thể cáng đáng được; nên để cho Phật Tử tại gia lo liệu. Nhiều vị có điều kiện còn lập chùa, tháp xong xuôi, sau đó cung thỉnh chư Tăng Ni về Trụ Trì, giảng pháp. Còn việc tứ sự cúng dường đều do cư sĩ lo hộ trì. Đây là những hình ảnh đẹp mà chúng ta nên thực hành. Vì lẽ người xuất gia không có khả năng tạo ra kinh tế dễ dàng như người tại gia. Trong khi đó người tại gia vẫn còn vướng bận gia đình nên cũng không thể có toàn thời gian để lo cho Tam Bảo như người xuất gia được. Nếu cả hai bên đều cộng tác hỗ tương như vậy thì Đạo Phật sẽ được phát triển mạnh mẽ và dài lâu.
Đức Phật một hôm đứng trên núi cao nhìn xuống đồng bằng, thấy những người nông phu đang làm ruộng và họ chia những thửa ruộng ra làm nhiều mảnh khác nhau. Ngài thấy xong, cho gọi các Đệ Tử lại và dạy rằng: “Từ đây về sau những chiếc y mà chư Tăng Ni đắp hằng ngày đều nên kết thành bằng nhiều tấm vải thô khác nhau, giống như những thửa ruộng kia và đây chính là nơi mà người tại gia có thể gieo trồng phước báu vào“. Lời dạy ấy vẫn còn đây. Tuy rằng ngày nay y áo của chư tăng ni theo mỗi trường phái đều có sự thể hiện khác nhau; nhưng trên những mảnh y ấy không thiếu những mảnh ruộng phước như ngày xưa mà Đức Phật đã dạy.
Có hôm Ngài hỏi các vị đệ tử đi khất thực cùng với Ngài rằng: “Cả hai con bò đang đi cày, gồm bò trắng và bò đen. Vậy con nào khổ hơn?“. Có vị trả lời rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Con bò đen khổ hơn con bò trắng; hoặc hai con đều khổ như nhau“. Cuối cùng cũng có Thầy Tỳ Kheo trả lời rằng: “Chính cái ách nó làm cho hai con bò kia khổ“. Đức Phật từ tốn giải thích rằng: „Thật ra con bò bị khổ, cái ách không khổ mà do chính cái ý dục của con người tạo ra những loại khổ kia, khiến cho con người vì danh sắc mà phải chạy theo nó. Phàm những gì có hình tướng đều bị vô thường chi phối, mà đã là vô thường thì phải khổ, đã khổ thì đều do không chi phối, mà cái nhân chính của không là vô ngã“. Thế nhưng con người bị vô minh che lấp; nên tạo ra những hành động. Những hành động ấy là do sự hiểu biết, rồi tạo ra những hình tướng. Nếu vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì danh sắc diệt v.v… cứ như thế thẩm thấu qua 12 nhân duyên và bản thể của sự vật; nếu con người thực chứng được điều nầy thì con người sẽ hết khổ; chứng được quả vô thượng bồ đề. Tuy nhiên quả ấy vẫn còn xa; nếu con người không chấp nhận những thực tế đang xảy ra nhan nhãn khắp nơi trên quả địa cầu nầy.
Ngay cả Đức Phật cũng cần đến phước đức nữa, như qua câu chuyện xâu kim cho Ngài A Na Luật thì chúng ta sẽ rõ. Một hôm Ngài A Na Luật ngồi xâu kim; nhưng vì mắt bị mờ; nên hỏi lớn tiếng lên rằng: Có ai đó có thể xâu giùm kim cho ta để được phước đức không? Đức Phật đứng gần đó trả lời rằng: “Như Lai sẽ xâu cho Ông“. Ngài A Na Luật thưa: “Như Lai đâu cần phước đức nữa“. Đức Phật trả lời Ngài A Na Luật rằng: “Chính Như Lai cũng cần phước đức“. Chúng ta nghĩ sao về câu chuyện nầy? Nó không phải là một mẩu chuyện ngụ ngôn hay truyền thuyết, mà nó là một bài học sống động cho cả người tại gia lẫn xuất gia. Vì lẽ phước đức ai ai cũng phải cần đến.
Ngài Tulku Thondup người Tây Tạng hiện đang ở Hoa Kỳ, Giáo Sư Đại Học Havard, tác giả tập sách “Peaceful Death, Joyful Rebirth“ mà tôi và Thượng Tọa Nguyên Tạng dịch là: “Chết an lạc, tái sanh hoan hỷ“ đã được nhiều người đọc. Trong sách ấy Ngài định nghĩa về công đức và phước báu như thế nầy: “Những giọt nước mưa từ hư không rơi xuống mặt đất, nước ấy sẽ chảy vào ao, rồi hồ. Tiếp đó nước sẽ chảy vào sông và cuối cùng chảy ra biển lớn. Trong biển cả mênh mông kia chứa rất nhiều nước; nhưng sẽ không thiếu những giọt nước lúc ban đầu“. Việc nầy Ngài muốn nhắn nhủ đến chúng ta những gì?
Mỗi một lạy mà chúng ta đảnh lễ trước tôn tượng của chư Phật và chư vị Bồ Tát cũng giống như những giọt nước mưa ban đầu ấy; hoặc giả khi chúng ta đi chùa, mang cúng Phật một cành bông hay đĩa trái cây; hoặc giả đốt cúng Phật một cây nhang thơm, nhẫn đến cúng dường cho việc xây chùa, đắp tượng, đúc chuông hay làm những công đức giúp người trong cơn hoạn nạn, khó nghèo; hoặc giả xây trường học, cầu cống v.v… tất cả những việc nầy là những điều có thể tạo nên biển công đức đại dương như nước trong biển cả mênh mông kia. Do vậy chúng ta không sợ chúng ta dư thừa phước báu, mà chỉ sợ rằng chưa đủ phước đức mà thôi. Ngược lại việc tạo tội, dầu là vô tình hay cố ý, chúng ta không thấy, không nghe, chẳng biết; nhưng tội ấy dần tăng, khiến cho phước báu của chúng ta tăng trưởng không kịp; nên nỗi khổ vẫn cứ mãi chất chồng và con người vẫn mãi bị vòng luân hồi sanh tử chi phối.
Từ những câu chuyện thực tế bên trên, nếu chúng ta tự suy gẫm, gạn lọc cũng như biết hỗ thẹn cho những ác nghiệp lâu nay mà chúng ta đã tự tạo trong nhiều đời, nhiều kiếp, cố gắng buông bỏ những điều xấu, thực hành những niệm thiện lương, cứu người, giúp đời v.v… thì chính đây là những nhân tố khả dĩ giúp ta có được số tiền lời đáng kể, để một mai chúng ta có đi đầu thai ở chỗ nào đi chăng nữa, thì chúng ta cũng có vốn liếng để tiêu xài. Người biết tu tập là người biết bảo hộ bởi chính mình, không nên thấy người khác tốt hay xấu, làm hay không làm, mà hãy tự nhắc nhở mình là nên làm những gì lợi lạc cho chính bản thân của chúng ta, thì đó mới là điều đáng nói.
Khuyến tấn người khác cùng làm việc thiện; đó chính là những thiện hữu tri thức của chúng ta. Chúng ta nên gần gũi những người nầy, vì gần họ lâu ngày cũng giống như đi vào trong sương mai. Tuy sương không làm cho ta ướt áo; nhưng sương ấy sẽ thấm dần vào da thịt của chúng ta. Cũng như thế, nếu ta vào rừng trầm, tuy không lấy trầm đi; nhưng mùi trầm vẫn thấm nhuộm vào thân ta. Ngược lại, nếu chúng ta chỉ muốn gần gũi những ác tri thức, chẳng khác nào ta đi vào chợ cá. Tuy ta không ăn cá, không mua cá; nhưng mùi tanh của cá làm cho áo ta mặc bị tanh lây. Do vậy chúng ta cần gần gũi những bậc thiện hữu tri thức để phước báu được tăng trưởng nhiều hơn và không nên gần gũi những bạn ác hay “cản duyên thiện sự“ thì tâm lẫn thân của ta chẳng được lợi ích gì.
Mong rằng người Phật Tử chúng ta sẽ ý niệm được như vậy.
Viết xong vào một sáng đầu xuân
tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover-Đức Quốc 2014
________________________
Một năm đã trôi qua
● Thích Như Điển
Thời gian mãi trôi qua, không gian chưa bao giờ ngừng sự chuyển động và con người cũng phải già thêm, vì không thể cưỡng lại định luật vô thường vốn tự có. Ngày xưa khi Đức Phật còn tại thế Ngài hay dạy cho các vị đệ tử rằng: Phàm những gì có hình tướng thì tất cả đều bị chi phối bởi sự vô thường, mà đã vô thường thì nguyên nhân chính của nó là khổ, nhưng thật ra cái khổ nó cũng không có thật tướng, vì bản thể của mọi hiện tượng đều là không. Sở dĩ có, vì có ái và thủ chấp hữu, nên mới có những tướng sanh diệt. Khi nào không duyên vào bất cứ một hiện tượng hay hình thức nào bên ngoài, thì lúc ấy chúng ta sẽ chứng được thực tướng của Niết Bàn vô sanh vô diệt.
Thế nhưng đối với tất cả chúng ta vẫn còn đang sống trong sự sanh diệt và sự đối đãi của nhị nguyên, nên chúng ta vẫn còn khổ đau, vui buồn chi phối. Ít ai vui được khi một người thân nhất trong đời của mình đã ra đi vĩnh viễn. Vì lẽ những kỷ niệm vui buồn trong cuộc sống, có thể là năm năm, mười năm hay nhiều hơn thế nữa, vẫn là những dấu ấn đáng lưu giữ nơi tâm. Ví như cha mẹ sinh ta ra, là một trong những ân trọng mà ta không thể nào quên được, dầu cho đó là một người con bất hiếu đến đâu đi chăng nữa thì ở một phút giây nào đó đứng trước sự mất mát vĩnh viễn kia của hai đấng sinh thành, thì đây sẽ là cơ hội để thức tỉnh lương tâm của người cùng tử ấy. A Xà Thế hay Vô Não là những bằng chứng cho ví dụ nầy.
Ơn Thầy Tổ hay ơn tế độ của những bậc Tôn Sư cũng không kém phần quan trọng. Tuy các Ngài không tạo ra hình hài vóc dáng của mình như cha mẹ của ta, nhưng các Ngài đã dạy cho ta ăn học, biết cách xử thế ở đường đời cũng như đường đạo, để từ đó chúng ta có cơ hội rõ biết được lối đi về của hai nẻo tử sinh. Các Ngài đã dạy cho ta sự hiểu biết, giúp cho ta rõ được việc thiện ác, chỉ cho ta con đường ngay lẽ phải v.v… chính đây là những chất liệu dưỡng sinh để chúng ta có đầy đủ nghị lực để vào đời. Vì đời nầy chính là một môi trường đấu tranh kiên cố. Nếu không có những bậc Tôn Sư như thế, chắc rằng chúng ta sẽ dễ bị ngoại cảnh chi phối.
Một nhân duyên không nhỏ đối với Tăng Ni và Phật Tử Việt Nam tại Âu Châu là đã được gần gũi, tiếp cận cũng như thọ lãnh sự giáo hóa của một bậc Thầy cao cả như thế. Đó là cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu kiêm Viện chủ chùa Khánh Anh tại Paris Pháp Quốc, Ngài đã đến với trần thế nầy vào năm 1940 và Ngài đã thị hiện xả bỏ báo thân tại Phần Lan, nhân khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 25 vào ngày 8 tháng 8 năm 2013, nhằm ngày mồng hai tháng bảy năm Quý Tỵ, thế thọ 75 tuổi đời và hơn 60 năm Tăng Lạp (Ngài xuất gia năm 1949, lúc Ngài 9 tuổi). Một sự ra đi chẳng ai ngờ, không một lời dặn bảo, chẳng có một sự trối trăn hay đau đớn trước khi thở hơi thở cuối cùng tại bệnh viện Turku Phần Lan. Đây là một hạnh phúc đối với Ngài. Vì những gì Ngài mong mỏi, Ngài đã thực hiện trọn vẹn trên chuyến lữ hành cô độc của một kiếp nhân sinh suốt trong một dặm đăng trình của 75 năm trong một cuộc lữ du như thế. Ngài đã mong cho Giáo Hội và Tăng Đoàn được vững mạnh qua việc tu học và Ngài cũng đã không quên giáo hóa Phật Tử tại gia qua những chuyến lữ hành hoằng pháp xuyên lục địa, bất kể ngày đêm năm tháng. Nơi nào cần Ngài đã đến, nơi nào cung thỉnh thì Ngài đi. Cứ thế và cứ thế bước chân của người Khất Sĩ đã dạo chơi trong khắp chốn Ta Bà nầy. Ngài mong có được những khóa an cư kiết hạ nhân Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu mỗi năm trong 10 ngày tại mỗi nước khác nhau, việc ấy nay cũng đã được chư Tăng Ni tuân thủ hành trì từ năm rồi tại Phần Lan. Đây là cơ hội để chư Tôn Đức Tăng Già ngồi lại bên nhau để trì tụng bộ Kinh Đại Thừa Diệu Pháp Liên Hoa mỗi đêm một quyển, trong khi các Phật Tử tại gia vẫn học tập với chư vị khách Tăng đến giảng dạy từ khắp nơi trên thế giới. Rồi tụng giới Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Bồ Tát giới tại gia v.v… đây là những hình ảnh hòa hợp của Tăng Đoàn giống như thời Đức Phật còn tại thế. Chắc hẳn Ngài đã vui, trước khi theo Phật về Tây tại Phần Lan vào năm trước? Năm nay và những năm sau nữa cũng sẽ như vậy để Thầy đang ở một chốn xa xăm nào đó dõi mắt nhìn về cõi nầy sẽ mỉm cười tự tại khi những pháp lữ, đệ tử, học trò thân thương của mình vẫn thực hành theo những di chỉ của mình đã hoài bão.
Rồi an cư kiết đông đã được một lần tổ chức tại chùa Trí Thủ ở Thụy Sĩ, nơi ấy Thầy cũng đã hiện thân đến và nay mai đây những ngày kiết đông như vậy cũng sẽ được tổ chức tại chùa Linh Thứu ở Berlin hay Khánh Anh tại Paris cũng như những nước sẽ đứng ra đăng cai tổ chức. Chắc Thầy đã vui khi thị hiện qua hình ảnh của một con bướm trắng ngày nào đã nhởn nhơ bay lượn trên chánh điện vào một sáng tụng Lăng Nghiêm nhân Khóa Tu Học Phật Pháp kỳ thứ 26 tại Thụy Sĩ vừa rồi. Con bướm ấy đến nghe kinh, con bướm đậu trên những hoa sen đang khoe sắc, con bướm bay dạo khắp chánh điện, rồi con bướm lại bay xa như chẳng còn luyến tiếc một điều gì nữa, khi mà mọi hoài bão đã được vẹn toàn.
Trong Khóa Tu Học năm nay tại Thụy Sĩ có đến 96 Tăng Ni và 841 nam nữ Phật Tử học viên đến từ 17 nước khắp bốn châu lục: Mỹ, Úc, Á và Âu Châu. Đây là con số chẳng ai ngờ. Vì biết rằng khi Thầy vắng bóng thì năng lực để thành tựu như lúc Thầy còn tại tiền, khó ai có thể nối kết nổi. Có lẽ do vì sự gia hộ của Thầy cũng như sự quan tâm của quý Phật Tử xa gần chịu ơn Thầy, không muốn cô phụ Thầy trong việc hoằng pháp lợi sanh nên kỳ nầy có những cụ già trên 90 tuổi vẫn hiện diện. Điều ấy cũng là hình ảnh vi diệu để nhắc nhở cho con cháu của cụ bà phải luôn luôn tiếp nối pháp Phật, không để cho gián đoạn, mặc dầu Thầy đã không còn hiện hữu trên thế gian nầy nữa. Đặc biệt kỳ nầy có hơn 60 Phật Tử phát tâm thọ Bồ Tát Giới tại gia. Chắc hẳn Thầy đã vui, khi có nhiều người mong cầu thực hành Bồ Tát hạnh như vậy.
Ngôi chùa Khánh Anh tại Evry xây dựng tuy còn dang dở, nhưng những pháp lữ cũng như những đệ tử xuất gia và tại gia của Thầy sẽ cố gắng xây dựng cho xong để kịp vào lễ khánh thành từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 8 năm 2015 sắp đến để kỷ niệm 20 năm xây dựng và cũng là ngày lễ Đại Tường của Thầy. Ngày ấy chư Tăng Ni và Phật Tử khắp nơi câu hội về, nhưng sẽ không có Thầy hiện diện và ai ai cũng có ý mong chờ. Biết đâu lúc ấy sẽ có một con bướm trắng lại xuất hiện để lượn quanh khắp ngôi chùa Khánh Anh và các Pháp Lữ của Thầy rồi Thầy cũng sẽ đi vào chỗ Vô Sanh Pháp Nhẫn. Vì Thầy vẫn mang một đại nguyện là làm sao cho Giáo Hội Âu Châu phải có một ngôi nhà chung và bây giờ Thầy đã toại nguyện rồi đó. Những thiếu thốn trong việc tiếp tục xây dựng sẽ được bà con Phật Tử xa gần cũng như chư Tôn Đức Tăng Ni của Giáo Hội kề vai ra để gánh vác. Thầy hãy đừng bận tâm cho những công việc như thế tại đây. Vì những gì có hình tướng, thực ra chỉ là những chuyện đối đãi nhị nguyên mà thôi.
Mỗi năm nhân Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu sẽ dành ra một buổi để tưởng niệm Thầy và chư vị Tổ Sư tiền bối hữu công. Vì chính Thầy đã khai tâm cho không biết bao nhiêu người đã được quay về bến giác và mong rằng sự tưởng niệm ấy vẫn luôn được tiếp diễn như vậy để thâm tạ ân đức của Thầy đã dày công giáo hóa Tăng Ni cũng như tín đồ Phật tử khi Thầy còn tại thế ở chốn trời Âu nầy. Hôm ngày 5 tháng 7 năm 2014 vừa qua, tại chánh điện của Khóa Tu Học kỳ thứ 26 đã có hàng ngàn người đã phủ phục trước di ảnh của Thầy để đảnh lễ và tưởng niệm. Lời kinh trầm hùng được xướng lên của chư Tôn Đức Tăng Ni cử hành theo nghi lễ Phật Giáo Huế qua quyển Pháp Sự Khoa Nghi do cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Đệ Tứ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất biên soạn. Ngài cũng là vị Thầy y chỉ của Thầy khi Thầy còn tu học tại Phật Học viện Hải Đức Nha Trang từ những năm 1956, 1957, rồi Thầy trò xa nhau từ khi Thầy sang Nhật Bản du học (1968). Hôm nay âm dương, Tịnh Độ hai nẻo đi về tuy bị cách trở bằng hình hài, nhưng tâm thức đã dường như được cảm thông qua những câu văn phụng thỉnh Giác Linh hôm ấy. Nhiều người đã bật lên tiếng khóc nghẹn ngào khi cảm niệm đến ân sư. Những giọt nước mắt lăn tròn trên gò má hay những cái ngắm nhìn đầy trĩu thương kính với Người, giờ đây chỉ có thể cảm nhận mà không thốt lên được một lời nào, nhất là những người đã một thời cùng với Thầy chung vai góp sức để lo cho chùa Khánh Anh và cho Giáo Hội. Khi Thầy còn sống, Thầy cũng đã được nghe không biết bao nhiêu là thị phi nhơn nghĩa và bây giờ ngược lại Thầy chỉ cảm nhận toàn là những chuyện hay, chuyện đẹp của thế nhân xưng tụng mình, chắc Thầy cũng sẽ buồn cười cho màn kịch của nhân thế phải không? Vì tánh Thầy vốn giản dị nhưng rất sâu sắc, không bao giờ phê bình chỉ trích ai, dầu cho người đó có mặt hay vắng mặt. Đây là một đặc tính cố hữu tuyệt vời của Thầy mà không thể ai cũng có thể học hỏi theo được. Nếu có chăng, đó cũng chỉ là những sự chắp vá vụng về mà thôi.
Vùng đồi núi Schwarzsee nay rất đẹp, giống như trong tranh vẽ của Âu Châu. Nơi đây con người và thiên nhiên rất gần gũi. Trong 10 ngày qua, gần 1.000 chư Tăng Ni và học viên tham dự Khóa Tu Học tại đây như con trong một nhà, sống và tu học theo tinh thần lục hòa, nên ai cũng hoan hỷ và dẫu cho có một chuyện gì đó trái ý nghịch lòng xảy ra thì mọi người đã nghĩ đến Thầy nên lại bỏ qua cho nhau, không một sự trách móc nhỏ to hay giận hờn vô cớ. Âu đó cũng nhờ sự quan tâm và sức gia trì của Thầy mà có được.
Một ngày niệm Phật suốt từ sáng đến chiều trong Khóa Tu Học, đã làm rung động cả núi rừng vốn dĩ đã trầm mặc nơi đây kể từ một thuở xa xưa nào đó. Thế mà hôm nay đã đánh thức muôn loài cùng hướng về nẻo thiện qua câu Phật hiệu: Nam Mô A Di Đà Phật Để rồi mọi loài và mọi người cùng an bình hạnh phúc khi có cả hàng ngàn trái tim, tâm thức của những người con Phật đang trì tụng một cách miên mật như thế. Khi câu Phật hiệu nầy vang lên khiến cho núi rừng cũng phải thức giấc, Thiền Sư cũng phải ngoái nhìn lại những công án của mình đã hạ thủ công phu được đến đâu rồi. Ôi! Cao quý thay! Thầy đã đi hơn một năm rồi, nhưng tâm Thầy và hình bóng của Thầy vẫn còn ở lại với tứ chúng tại đây suốt trong một thời gian dài như vậy. Cũng không phải chỉ khi nào có Khóa Tu Học Phật Pháp mới tưởng niệm và nhớ nghĩ về Thầy, mà lúc nào cũng như lúc nào các Pháp hữu của Thầy cũng cảm niệm được những sự cưu mang của Thầy, nên phải cố gắng thực hiện để khỏi phụ công của Thầy đã lao công nhọc sức trong suốt thời gian 75 năm khi Thầy có mặt trên trần thế nầy vậy.
Các Đệ Tử xuất gia và tại gia của Thầy cũng rất hoan hỷ, vì thấy rằng họ không bị lẻ loi khi Tôn Sư của mình vừa vắng bóng. Lý do rất đơn giản là: Khi sống Thầy đã vì mọi người thì khi Thầy ra đi mọi người sẽ vì Thầy để đền ơn đáp nghĩa, để khỏi phải cô phụ tấm lòng của Thầy đã vì mọi người như từ trước đến nay. Rồi đây những bài tưởng niệm Thầy sẽ được đăng trong kỷ yếu sắp xuất bản nhân tuần Đại Tường của Thầy vào năm 2015 nầy. Tất cả đều chỉ còn là những hoài niệm, những tiếc thương một thời của dĩ vãng. Đó chính là những ân đức mà không phải ai cũng có được như Thầy, khi Thầy còn hiện hữu nơi đây hay khi Thầy đã theo Phật về Tây.
Kỳ họp Giáo Hội năm nay hai lần vẫn đẹp đẽ, vì lẽ ai trong chư Tôn Đức cũng mong mỏi rằng mọi Phật sự chuẩn bị cho sang năm 2015 phải được hoàn thiện tốt đẹp, nên mọi người đã chú tâm vào mục đích đã đề ra để giải quyết và cuối cùng đã xuôi buồm thuận gió, không như năm rồi tại Phần Lan, khiến cho Thầy phải ngồi đến 1 giờ khuya của ngày hôm sau để nghe những báo cáo của các địa phương và phải tìm phương pháp giải quyết thích hợp. Chắc rằng Thầy cũng đã phải đau đầu không ít cho cuộc họp lịch sử đó. Từ nay trở đi Thầy sẽ không còn phải chủ trì những phiên họp gay go như thế nữa. Năm nay đã chẳng phải lặp lại những gì mà đã phải nghe như năm rồi. Như vậy, công việc tự nó đã được giải quyết một cách ổn thỏa. Đây chẳng phải là cách giải quyết của Thầy sao?
Mỗi năm như vậy đều có lễ tác bạch cúng dường trai Tăng và trai phạn của các phái đoàn của các nước tại Âu Châu, nhiều khi cũng có những gia đình hữu sự muốn hồi hướng phước báu cho người còn hay kẻ mất trong gia đình, nên nhân cơ hội nầy cũng đã phát tâm dõng mãnh làm việc phước và cứ từng bài tác bạch như thế, hầu như không có bài nào là chẳng nhắc nhở đến công giáo dưỡng cũng như hình ảnh của Sư Ông. Hầu như đâu đó trong khắp không gian của vùng núi đồi nội ngoại giới trường khi tác pháp an cư trong 10 ngày nầy đều có sự hiện hữu của ân sư. Khiến cho ai đó khi nghe đến những tâm cảm nầy cũng hết sức ngậm ngùi. Đã đành là vậy, nhưng nhiều người cũng phải gạt lệ để đọc tiếp tục những bài tác bạch cúng dường thật là ý nghĩa. Lớp học của các em Oanh Vũ cũng không bao giờ thiếu vắng bóng dáng của Thầy. Vì chữ „Đại Học Oanh Vũ” vốn do Thầy sáng tác ra, ngày nay hình như đã trở thành một thương hiệu nổi tiếng, khiến cho ai đó khi nhắc đến những mầm non trong Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Âu Châu, đều phải hiểu ngay rằng: Đó chính là một sự gợi nhớ đến Sư Ông Minh Tâm mà các em vẫn thường hay gọi thân thương như thế.
Rồi một bao gạo cúng dường để trợ duyên cho Khóa Tu Học Phật Pháp vẫn hằn sâu vào tâm cảm của mọi người mỗi khi khóa giáo lý gần kề. Nếu ai không đi được thì gửi về chùa Khánh Anh hay qua bạn bè mang đến đóng góp trực tiếp cho Ban Tổ chức địa phương, nhờ vậy mà năm nào cũng như năm nào, sau khi tổ chức xong, không dư thì thôi chứ không bao giờ thiếu cả. Đây là thành tựu do sáng kiến của Thầy vậy. Nếu không có Thầy nghĩ ra việc nầy thì tại Âu Châu nầy cũng phải tìm cách gây quỹ như những châu khác vậy.
Rồi nào là: Cúng dường định kỳ hằng tháng, cúng dường bất định kỳ, cho mượn hội thiện không lời, hậu sống, hậu chết, ngân hàng Cấp Cô Độc v.v… tất cả đều do Thầy tạo ra và từ đó ở hải ngoại nầy các chùa khắp nơi đã bắt chước thực hiện theo. Công đức ấy thật là không nhỏ. Chắc sau nầy riêng ở tại hải ngoại gồm 5 châu lục phải tôn phong Thầy là vị Tổ khai sáng ra môn phái đặc biệt nầy. Môn phái nầy không có dòng kệ truyền thừa, nhưng nghĩ rằng môn phái nầy sẽ không bị thất truyền và sẽ được tiếp tục mãi mãi về sau nầy khi người Phật tử Việt Nam chúng ta vẫn còn thực hiện chế độ tùy hỷ cúng dường như xưa nay. Như thế ấy, lần nầy chỉ riêng tiền thuê chỗ để ở trong 10 ngày cho các học viên cũng đã lên đến 65.000 FS, tương đương với 65.000 USD, ai mới nghe qua ban đầu cũng phát ớn. Vì nghĩ rằng làm sao đủ số học viên tham dự đóng tiền học phí cho đủ để trang trải những chi phí khác như: Ăn uống, trần thiết, di chuyển, cúng dường chư Tôn Đức giảng sư v.v… thế mà cuối cùng con số học viên tham dự ngắn và dài hạn đã lên đến 937 người và số thu cho mọi sự cúng dường cũng như đóng học phí đã lên đến trên dưới 200.000 FS. Trong đó việc cúng dường 1 bao gạo 30 Euro cũng đã chiếm hết một phần tư rồi. Kỳ nầy số tiền thặng dư cũng không dưới 10.000 FS. Đây chính là công đức và thành quả mà Thầy đã để lại vậy. Thế hệ sau nầy nếu muốn được truyền thừa pháp môn nầy thì chỉ cần tu, học và thực hành như Thầy đã thực hiện thì chắc chắn sẽ thành công. Thầy không cho ai đó một hay nhiều cái bánh, dầu cho đó là đệ tử xuất gia hay tại gia, mà Thầy đã sáng tạo ra không biết bao nhiêu phương pháp làm bánh để trao đến cho mọi người. Với những mẫu khuôn bánh được tạo ra những chiếc bánh như vậy thì tùy theo sở thích và khẩu vị của mỗi người mà tạo thành những chiếc bánh xinh xinh dễ nhìn để mọi người tự đi cầu chứng thương hiệu, rồi cứ thế sản xuất ra nhiều chiếc bánh khác nữa, mà chiếc bánh đầu tiên ấy Thầy đã chẳng lấy bản quyền. Có lẽ đây là thành quả của bao nhiêu năm mà Thầy đã tu học tại Nhật Bản từ năm 1968 đến 1973, và Thầy đã xay nhuyễn lại để mang về cho Phật Giáo Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước một sức sống, một cái nhìn thật là vi diệu như thế chăng?
Ngoài kia trời vẫn mưa và vẫn nắng. Đó là chuyện của đất trời vạn vật xưa nay. Trong khi đó tại chánh điện hay ở trong những gian phòng học tập Phật pháp, chư Tăng Ni vẫn tiếp tục trao truyền những diệu lý mầu nhiệm ấy cho bao người con Phật, nhằm thăng tiến một niềm tin, mà căn bản vẫn là sự giải thoát của kiếp luân hồi sanh tử nầy.
Viết xong vào ngày 7 tháng 7 năm 2014 tại Schwarzsee vùng Fribourg Thụy Sĩ.
Thích Như Điển
____________________________
Nỗi khổ của một kiếp nhân sinh
● Thích Như Điển
Đọc các bộ kinh căn bản của Nam Truyền như Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm v.v… Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã có những lời dạy thật chí thiết về con người và sự vật, cảnh giới ở cõi nầy hay những cõi khác. Đôi khi Ngài lấy thí dụ về một con gà hay con chó, con bò hay con trâu. Nhiều lúc Ngài lấy cây cỏ hay đất đai để nêu lên những điều mà Ngài muốn gửi đến những đệ tử xuất gia và tại gia của mình. Trên từ các bậc quân vương, dưới cho đến những giai cấp bần khổ, hạ tiện nhất của xã hội Ấn Độ lúc bấy giờ. Với con người thì Ngài đã độ được không biết bao nhiêu mà kể cho xiết. Ví dụ như Vua Ba Tư Nặc, Vua Tần Bà Sa La, Vua A Xà Thế; Hoàng Hậu thì có Bà Vy Đề Hy, Bà Ma Ha Ba Xà Ba Đề; cho đến vô số các bậc Thái Tử, Công chúa, Đại Thần như: Nan Đà, A Nan, La Hầu La, Gia Du Đà La hay Kỳ Bà v.v… Đối với ngoại đạo được hàng phục như Ngài Ca Diếp, Mục Kiền Liên, Xá Lợi Phất hay những người đương đầu với Ngài như Đề Bà Đạt Đa, Vô Não hoặc những ngoại đạo Phạm Chí, Ni Kiền Tử v.v… Với bất cứ ai, Ngài cũng đều đem giáo lý thậm thâm vi diệu của Tứ Diệu Đế và 37 phẩm trợ đạo ra để khuyên nhủ họ.
Một hôm vua Ba Tư Nặc đánh thắng Vua A Xà Thế (theo kinh Tạp A Hàm) và được đưa đến trước Đức Phật. Ngài từ tốn khuyên Vua Ba Tư Nặc hãy dùng lòng từ của một đấng quân vương mà tha cho những lỗi lầm của A Xà Thế đã gây nên. Ngài không thiên vị bên nào cả, mà Ngài đã đứng trên quan điểm của một con người hiểu biết về sự thật của cuộc đời bằng con mắt trí tuệ và từ bi, nên Ngài đã thể hiện những lời khuyên như vậy và cuối cùng Vua Ba Tư Nặc đã tha cho A Xà Thế. Một câu chuyện khác cũng thể hiện được cái thấy xa, nhìn rộng của Đức Phật như sau:
Một hôm Ngài A Nan bạch Phật rằng: “Kính Bạch Đức Thế Tôn, có những cây có cả hoa thơm, cành lá cũng thơm và ngay cả rễ của nó cũng thơm nữa, nhưng chắc chắn là không thể bay được ngược gió. Vậy thưa Ngài, có loài hoa nào bay ngược gió được chăng?”. Ngài từ tốn bảo A Nan rằng: “Có chứ. Đó là những nam, nữ Cư sĩ giữ gìn giới cấm trong sạch như Ngũ giới, Thập thiện giới, Bát quan trai giới v.v… chính họ là những người tượng trưng cho đức hạnh. Hương ấy có thể bay được ngược gió.”
Có hôm Ngài ngồi ngoài vườn xoài của một tín chủ nào đó, sau khi thọ trai xong thì Ngài giảng pháp và để dễ hiểu, Ngài lấy móng tay của mình xúc vào đó một ít đất, rồi đưa lên cao truyền hỏi đại chúng rằng: “Các ngươi thấy đất trong móng tay ta nhiều hay đất trong đại địa nhiều?”. Dĩ nhiên là ai cũng trả lời rằng: “Bạch Ngài, đất trong móng tay của Ngài so với đất trong đại địa rất ít”. Từ đó Đức Phật đưa ra hằng tá thí dụ cho việc nầy và Ngài bảo: “Cũng như thế ấy, những gì mà các ông hiểu, nó chỉ giống như đất trong móng tay của ta mà thôi, còn bản thể của sự vật nó nhiều như đất trong đại địa vậy” (Tạp A Hàm).
Rồi một hôm, có nhiều vị đệ tử xuất gia của Ngài tranh luận về có, không, còn, mất v.v… khiến đi đến chỗ bí lối và chính Ngài là bậc Thầy hướng đạo đã chỉ ra những việc căn bản như vô thường, khổ, không và vô ngã để chư đệ tử nhận ra chân giá trị của cuộc sống nầy vốn nó không có thật tướng. Ngài thường hay hỏi rằng:
“Những điều các ngươi nói hay thấy nghe đều là những vật có hình tướng, được cấu tạo bởi những sắc uẩn. Vậy những loại ấy là thường hay là vô thường?”
- Bạch Thế Tôn! Tất cả đều vô thường.
“Vậy căn bản của sự vô thường là gì?”
- Chính đó là khổ.
“Khổ do đâu mà có?”
- Do các duyên sinh hòa hợp và biến đổi mà có.
“Có phải do chấp thủ, chấp hữu nên thấy cái nầy là như thế, cái kia là như vậy phải không?”
- Kính bạch Ngài, đúng như vậy.
“Như vậy cái khổ ấy cũng không có thật tướng. Vì do chấp thủ mà thành tựu và do vô minh nên mới có nhận thức như vậy, chứ trên thực tế thì cái khổ ấy do cái không nó biến đổi mà thành. Đã là không, nhưng con người do chấp ngã và ngã sở nên nó mới bị lôi kéo vào cái vòng luẩn quẩn nầy, mà ngã nầy vốn nó cũng không có thật tướng nữa. Nó ví như tiếng vỗ của hai bàn tay hay lửa cháy vậy thôi. Trước khi có tiếng vỗ thì âm thanh đó chẳng từ đâu đến và sau khi tiếng vỗ tan rồi thì nó cũng chẳng biết đi về đâu. Giống hệt như thế, lửa hiện hữu, ta thấy lửa cháy to, cháy lớn, nhưng khi củi hết rồi thì lửa không còn nữa. Như vậy âm thanh hay lửa kia do duyên hợp mà thành tựu và duyên hết thì tan rã, đâu có cái gì là chủ thể mà chấp vào đó là cái nầy là của tôi hay cái nầy thuộc về tôi v.v… Thật ra thì chẳng có cái gì là miên viễn không bị chi phối, biến đổi theo Tứ Pháp Ấn nầy cả ”.
Từ đó chư đệ tử của Ngài đã NGỘ được chân lý nầy (Tạp A Hàm).
Thật ra những lời dạy của Ngài nó không khó lắm để chúng ta ngày nay nhận biết ra, nhưng nó rất khó thực hiện. Khi cái có và cái không ấy, chúng ta không tự làm chủ được chính mình. Vì lẽ, biết thân ta vẫn biết, nhưng tiếc thân ta vẫn tiếc. Chỉ có những bậc chân nhân A La Hán khi lậu tận đã hết mới dám tuyên bố rằng: “Ta việc sanh đã hết, những phạm hạnh đã lập, những việc cần làm ta đã làm xong và ta biết chắc một điều là kiếp sau ta không còn tái sanh nữa”. Trong chúng ta chắc chắn chưa có ai dám tuyên bố được như vậy, khi chúng ta vẫn còn là chúng sanh mãi trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi sanh tử nầy.
Ngày ấy, Ngài chia giáo pháp của Ngài về cuộc đời nầy theo 4 giai đoạn. Đó là: sanh, già, bịnh và chết. Mới nghe ai cũng nghĩ là chuyện bình thường, nhưng nó không thường đâu, khi mà người ta rõ biết được chân lý khổ nầy rồi, từ đó mới tìm đường vượt khỏi sanh tử khổ đau. Nếu không, cái khổ ấy nó vẫn còn đeo đuổi ta mãi, cho đến khi nào chúng ta được giác ngộ, giải thoát thì cái khổ ấy nó mới thật sự buông ta ra. Nếu cuộc đời nầy trung bình sống được 80 năm trong một kiếp nhân sinh ngắn ngủi nầy, thì ta có thể chia ra việc sanh có 20 năm, việc già có 20 năm, việc bịnh có 20 năm và việc chết cũng sẽ có 20 năm như thế. Tại sao vậy? Vì lẽ khi được Mẹ sanh ra, không phải chỉ có giây phút đó, mà sự sống thật sự có ý nghĩa trong 80 năm ấy chỉ có 20 năm mà thôi. Nghĩa là sống không bịnh, không già, ít phiền não và chưa chết. Nhưng trong 20 năm của sự sanh ấy chúng ta đã làm được những gì? Không ít người bị tật nguyền khi mới sanh ra và ngay cả nhiều động vật cũng như thế. Rõ ràng cái khổ nó đã nối đuôi nhau để chi phối con người và sự vật từ muôn thuở, nhưng chúng ta nào có quan tâm biết đến cái khổ ấy bao giờ. Có nhiều em bé sinh ra thiếu tay chân, không tư tưởng, giống như một cái xác không hồn. Cha mẹ nào vui khi biết con mình như thế và hạnh phúc đâu rồi? Sao khổ đau lại tràn ngập trong gia đình như thế nầy? Có nhiều em bé sinh ra đến 5 hay 10 tuổi vẫn chưa biết nói hai chữ Mẹ Cha đầu đời. Còn nỗi khổ nào hơn như thế nữa chăng? Cũng có lắm đứa bé không tự làm chủ được mình trong những việc như ăn, uống, tiểu, giải v.v…
Cái già không ai chờ đợi cả, nhưng cái già nó sẽ đến nhanh với mình khi mà tóc trên đầu đã hoa râm sợi trắng, sợi đen. Lúc mà lưng bị đau, xương bị nhức, gối bị mỏi, mắt bị kém. Lúc ấy chúng ta mới tiếc cho tuổi xuân và hối hận tại sao khi còn trẻ mình đã không thực hiện được những điều muốn làm, mà để cho thời gian trôi qua nhanh như vậy. Bây giờ hối hận kể ra cũng đã quá muộn rồi. Khi còn trẻ, khỏe, ta sống gần trời và xa đất; đến khi già rồi chúng ta phải sống gần đất xa trời. Lúc ấy mới nhận chân ra cuộc đời nầy chẳng có gì là thật cả. Nên Ấn Độ Giáo họ thoát ly đời sống gia đình ở tuổi về chiều, vì đã rõ biết cuộc đời nầy là không thật. Nhưng Đức Phật của chúng ta, Ngài đã xuất gia khi tuổi còn xuân xanh, chứ không phải chờ cho cái già, cái bịnh đến Ngài mới ý thức được điều đó. Đây là một cuộc cách mạng vĩ đại mà Đức Thích Ca đã thực hiện cách đây hơn 2558 năm, và đây cũng là một cuộc cách mạng vô tiền khoáng hậu, chưa có ai thực hiện được việc nầy thuở bấy giờ. Khi già ai cũng có thể nhớ trước, quên sau. Thế mà nhiều người cứ ngỡ là mình nhớ đúng, chẳng sai chút nào cả. Đây có thể là do sự chấp thủ của cái nhận thức đã quá hạn lâu rồi, nhưng con người vẫn còn bám víu vào đó. Ví dụ như người già lái xe, phản ứng rất chậm, chắc chắn một điều là không còn giống như thời thanh niên nữa; nhưng người lớn tuổi vẫn cố chứng minh cho rằng mình không có lỗi khi cầm tay lái, vì mình đã có kinh nghiệm lái xe đã mấy chục năm rồi. Chính cái chấp thủ nầy mà nó làm cho người ta rất khổ tâm và không chịu chấp nhận nó.
Bịnh tật cũng thế. Suốt cả một cuộc đời, có nhiều người bịnh liên miên, nhưng cũng có nhiều người ít bịnh. Tất cả đều có liên quan đến nghiệp sát sanh của mình ở kiếp nầy hay kiếp trước. Bịnh hay tật chỉ là kết quả của nghiệp đã từng gây ra từ trong vô lượng kiếp, bây giờ cái quả ấy đã chín muồi, nên trong hiện tại thể hiện nơi thân thể của chính ta mà thôi. Khi ta cắt cổ, nhổ lông loài súc sanh, chúng ta đâu có rõ biết được cái đau của chúng. Con người chỉ cần biết làm sao cung phụng cho cái dạ dày nầy hay cho khẩu vị nầy đầy đủ, ngon ngọt là được rồi; nhưng cái quả, chúng đang chờ ta trước mắt đó. Hiện tại có nhiều người bị ngồi trên xe lăn, bị run rẩy liên hồi hay bị những chứng thần kinh mất ăn, mất ngủ… chỉ chừng ấy việc thôi, chúng ta cũng đủ khiếp vía. Nhưng đa phần con người ít nhớ và hay mau quên, nên những điều như thế nếu có xảy ra, chúng ta cũng thường hay nghĩ là của ai đó, chứ không phải của mình và thuộc về mình.
Cái chết trước sau rồi nó cũng sẽ đến, nhưng chúng ta luôn nghĩ rằng nó sẽ đến với người khác chứ không phải mình, nên ít có người chuẩn bị cho sự chết, chỉ lo cho sự sống mà thôi. Thế nhưng đâu có ai ngờ rằng chúng ta đã có hằng ngàn lần sinh và hằng ngàn lần chết như thế. Có lúc làm người, có khi làm Tiên, có khi làm súc sanh, có khi làm quỷ đói v.v… cứ như thế bị trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi, chưa bao giờ ngừng nghỉ. Do vậy Phật và chư vị Bồ Tát mới ra đời nhằm chỉ rõ cho chúng sanh đường đi, lối về. Nếu ai biết dừng và biết rõ được giá trị của sự sống, thì người đó sẽ sớm tìm ra ngõ rẽ cho chính mình. Nếu không, chúng ta vẫn mãi là con thuyền không định hướng trong bể khổ trầm luân nầy. Phật đã chỉ rõ về tướng thay đổi của tâm và Ngài đã dùng trí tuệ của mình để hướng dẫn chúng ta ra khỏi sự sanh tử ấy. Vấn đề ở đây là chúng ta có muốn bước ra khỏi chốn ấy không, hay chúng ta vẫn muốn quẩn quanh đây đó, để rồi vẫn mãi mãi bị sanh tử dài lâu chi phối cả cuộc hành trình tiếp theo sau đó nữa.
Cũng có nhiều người ra đời chỉ để chữa được thân bịnh của chúng sanh, mà không thể chữa được tâm bịnh. Ngược lại cũng có những vị Thầy chỉ chữa được tâm bịnh mà không thể chữa được thân bịnh. Bịnh nào rồi cũng khổ, nhưng cái khổ nhất của con người là không biết lối ra hay không muốn ra khỏi cái vòng luẩn quẩn ấy. Có những vị Bồ Tát như Ngài Địa Tạng quyết định sẽ không rời khỏi địa ngục và không thành Phật khi mà một chúng sanh nào đó vẫn còn trong địa ngục kia. Lời nguyện ấy cao cả vô cùng, còn chúng sanh thì cang cường không ít, nhưng vì “chưa thấy quan tài nên chưa đổ lệ”. Cũng có những lương y lành nghề hay những vị Bác Sĩ luôn tận tâm với nghề nghiệp của mình; vì không muốn cho cái khổ của thân dày vò con người, họ đã phát nguyện cứu người, cứu đời bằng cách học ngành y khoa; dĩ nhiên không nhất thiết phải là vì chuyện đồng lương khá hơn những nghề khác, mà đó chính là hạnh nguyện, ước muốn của mỗi người khi vào đời mong được cứu khổ cho nhân sinh và những chủng loại khác. Nhưng cũng có nhiều người khi mới sinh ra không học nghề thuốc mà có thể chữa bịnh được, nên người ta gọi những người nầy có tay “phục dược”. Dĩ nhiên không phải ai cũng là những y sĩ Kỳ Bà, vốn là vị lương y nổi tiếng thường chữa bịnh cho Đức Phật thời xưa. Nhưng thỉnh thoảng vẫn có những người, có lẽ do một ước nguyện nào đó của những vị Thiện Thần chưa thành tựu ở cõi khác, muốn gá tâm thức mình vào một hay nhiều người có tay “phục dược” ở thế gian nầy để cứu khổ chúng sanh. Quý Ngài đã thị hiện ra con người bằng da, bằng thịt như chúng ta, nhưng lại có biệt tài chữa bịnh nan y, giống như trường hợp Đức Địa Tạng không có đầu tại Fuchu, Nhật Bản đã cứu khổ cho hằng trăm ngàn bệnh nhân như vậy và đó cũng là trường hợp của Thần Y Võ Hoàng Yên.
Có thể nói đây là một hiện tượng cũng được, mà một sự thật không chối cãi cũng được, nếu ai đó đã một lần chứng kiến về cách chữa bịnh của Ông ta. Năm nay (2014) Thầy Yên mới 39 tuổi (sinh năm 1975), nhưng cách ăn nói không khác gì một vị Thầy giảng pháp và cách chữa bịnh không khác gì những việc xảy ra trước mắt mọi người như thần, nên người đời gọi Thầy là Thần y, nhưng Thầy vẫn khiêm nhường nói mình chỉ là một vị Thầy thuốc. Riêng tôi đã có cơ duyên tiếp xúc với Thầy khi Thầy về chữa bịnh từ thiện cho gần 1.000 bịnh nhân, người Việt cũng như người Đức, người Thổ và nhiều người ngoại quốc khác tại chùa Viên Giác, Hannover vào những ngày 5,6,7 và 12,13,14 tháng 9 năm 2014 nầy. Tôi đã trực tiếp phỏng vấn Thầy và đại khái Thầy đã trả lời như sau:
Lúc nhỏ nhà rất nghèo, nên đã vào chùa Hưng Nghĩa, huyện Cái Nước, Cà Mau, thuộc Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Học Việt Nam để tá túc vào năm 16 tuổi (giống như trường hợp của Trần Trung Đạo). Ở đó cho đến năm 20 tuổi, có một vị Thầy dạy Đạo tên là Trần Văn Ba, Pháp Danh Thiện Nghiêm, trưởng Ban Y Tế phước thiện và cũng là vị Trụ Trì của ngôi chùa nầy, đã truyền dạy đạo đức và y lý cho Thầy Yên như: khám chữa bệnh, châm cứu, xem mạch và bốc thuốc. Sau khi tốt nghiệp phổ thông thì Thầy Yên lên Sài Gòn học Luật, Thầy Yên đã được Hòa Thượng Thích Minh Cảnh và Hòa Thượng Thích Huệ Xương chỉ bảo, giúp đỡ tại Tu Viện Huệ Quang. Sau khi tốt nghiệp Đại Học, Thầy Yên đã bươn chải vào đời tìm kế sinh nhai. Ban đầu rất thành công và mãn nguyện, nhưng sau khi một người bạn thân tên là Phan Thanh Long gặp tai nạn giao thông, ra đi một cách tức tưởi, nên đã nhận thấy cuộc đời quá vô thường và Thầy Yên đã quyết chí lập công bồi đức. Từ đó Thầy Yên phát nguyện lập 10 ngôi chùa để thờ Phật và khám chữa bịnh trong cũng như ngoài nước (1) .
Một hôm Thầy Yên vào một gian phòng đặc biệt để tọa thiền, quán chiếu về sự vô thường sanh diệt ấy. Bỗng đâu có một luồng ánh sáng từ xa bay vào phòng, trong khi Thầy vẫn còn tỉnh thức và vẫn tiếp tục thiền quán về vấn đề trị bịnh. Sau đó Thầy Yên nghĩ rằng mình có thể trị bịnh được và Thầy Yên đã đi chữa trị cho mọi người, đa phần là những kẻ bị tật nguyền và họ đã có khả năng tự đứng dậy đi được. Tiếng lành cứ đồn xa và nhiều người khắp nơi đã đến gặp Thầy Yên để xin được chữa trị. Thuở ấy, cách đây 8 năm về trước, các y khoa Bác Sĩ Việt Nam không tin và cho đến khi Hội Đồng Y Khoa Bác Sĩ Việt Nam tham dự trực tiếp những ca chữa bịnh của Thầy Yên như chữa trị về câm, ngọng, điếc, mù để có thể nói, nghe và thấy rõ được; nhất là những người bán thân bất toại, nằm liệt giường nhiều năm, sau khi Thầy ấy thăm dò bịnh, Thầy chỉ bấm vào những huyệt đạo cần thiết, chỉ trong vòng 15 phút là bịnh nhân ấy có thể cử động chân tay hay cũng có nhiều người tự đứng dậy đi được. Có nhiều người lâu nay không ăn uống được hoặc giả ăn chẳng biết ngon, nhưng sau khi chẩn mạch và chữa trị, Thầy ấy đã làm cho con bịnh ăn cảm thấy ngon và cơn bịnh dường như đã tiêu tán đi đâu từ lâu rồi.
Có nhiều người bị mụt nhọt mọc ở đâu đó trong người hay có kẻ bị sai khớp xương, đi đứng khó khăn… chỉ cần chữa trong 15 phút sau là con bịnh có thể trở lại bình thường và cảm thấy như mình chẳng có chuyện gì xảy ra trong quá khứ cả. Nhiều tràng vỗ tay liên tục xảy ra suốt trong thời gian chữa bịnh vào những ngày trên tại chùa Viên Giác, Hannover và đã có nhiều trường hợp hy hữu khó giải thích được. Ví dụ như có nhiều đứa bé đi đứng không bình thường, thế mà chỉ qua những cái nắn nót gân cốt là các bé kia đi đứng như người bình thường. Cha Mẹ đã quỳ xuống lễ tạ, thầm cảm ơn trực tiếp Thầy cũng như ba ngôi Tam Bảo đã gia hộ, nên mới được như vậy. Tôi cũng đã phỏng vấn những người Đức đến chữa trị các bịnh nan y, nghĩa là những bịnh mà các Bác Sĩ Đức đã chê, nhưng Thầy Yên đã chữa khỏi.
Tôi không biết dùng từ nào để diễn tả và niệm ân Thầy ấy, chỉ có thể trực tiếp và gián tiếp giới thiệu bài nầy trong sự giới hạn nhất định của nó, nhằm tri ân Thầy đã cứu khổ cho không biết bao nhiêu người trong tinh thần từ thiện vô vụ lợi, không nhận một thù lao nào cả. Những đóng góp nếu có của những người đã được chữa trị, chúng tôi đã trao qua những người học trò đại diện cho Thầy mang về Việt Nam tiếp tục giúp cho những mảnh đời bất hạnh khác và những người cơ nhỡ không có nơi nương nhờ.
Quý vị cũng có thể mở các Youtube và bấm vào chỗ “Thần Y Võ Hoàng Yên” thì quý vị có thể xem đầy đủ cách trị bịnh của Thầy ấy. Hoặc giả quý vị nào ở Việt Nam cũng có thể đến những địa chỉ sau đây để được chữa trị trong mỗi tháng từ ngày 20 đến 30. Địa chỉ:
- Trung Tâm phục hồi chức năng Dưỡng Sinh Võ Hoàng Yên, thôn Yên Khánh, xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh
- Chùa Hưng An, thôn 3, xã Gia An, huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Thuận.
Cả hai nơi trên đều có thể liên lạc qua Thầy Yên số Phone: 0084-932 084 094.
Ngoài thời gian nầy, Thầy Yên hay đi đến các nơi khác trên thế giới như: Hoa Kỳ, Úc, Pháp, Canada, Nhật, Đức v.v… để chữa trị cho những người có nhu cầu
Thầy Yên cho biết rằng tất cả các bệnh thuộc về thân đều có sự liên hệ với nghiệp giết hại chúng sanh, do đó nếu ai muốn chữa được lành bịnh lâu dài thì nên ăn chay thêm nhiều ngày trong tháng, nếu ăn chay trường được thì càng tốt hơn nữa. Chính bản thân Thầy Yên cũng trường chay, nên tôi tin rằng những lời của Thầy ấy khuyên người bịnh sẽ có kết quả khả quan.
Tóm lại bệnh nhân muốn hết bệnh thì phải biết kiêng cữ và luyện tập đều đặn, nếu không, bịnh cũ sẽ dễ tái phát. Lúc ấy khó có thể đổ lỗi cho ai, ngoại trừ mình. Dĩ nhiên tất cả không phải hoàn toàn là các phép mầu, nếu chúng ta không tuân thủ theo những nguyên tắc chính mà một người bịnh cần phải giữ gìn.
Nhìn cuộc đời quá khổ của một kiếp nhân sinh qua lời Phật dạy, căn cứ vào các Kinh Điển Nguyên Thủy và chứng thực những cuộc sống khổ đau mà con người đang gánh chịu hằng ngày, nên tôi đã viết lên bài nầy nhằm làm lợi lạc quần sanh. Nếu ai đó có nhân duyên đọc được cũng như nghe thấy những điều trên, khi đến chữa trị bệnh với Thầy Yên thì sẽ tăng thêm giá trị cũng như ý nghĩa của sự sống từ mỗi con người của chúng ta.
Mong rằng mọi người được ít khổ nhiều vui, đó chính là sự quan tâm của nhiều người đối với chúng ta khi còn phải sống trong cảnh đối đãi nhị nguyên như thế nầy.
Viên Giác Tự, Hannover, vào một chiều Thu năm 2014.
Thích Như Điển
(1)Ngôi chùa thứ nhất mà Thầy Yên đã xây dựng tên là Hưng An tự tại Bình Thuận, được khánh thành năm 2013, có hơn 10.000 người tham dự, trong đó có nhiều chư Tôn Đức Tăng, Ni đến chứng minh và đồng bào Phật Tử khắp nơi quy tụ về. Hiện nay ngôi chùa thứ hai đang bắt đầu xây cất. Những việc chữa trị bịnh nan y của Thầy Yên cho các bệnh nhân đều có tính cách từ thiện, không phải trả một lệ phí nào cả. Tuy nhiên vẫn có nhiều nhà hảo tâm ủng hộ việc làm cũng như tâm nguyện của Thầy ấy.
________________________
Chùa Vạn Hạnh tạ Nante - Pháp Quốc
HT. Phương Trượng Chùa Viên Giác, TT. Nguyên Lộc, Sư Cô Tuệ Đàm Hương và Phật tử tại Chùa Vạn Hạnh Nante
● Thích Như Điển
Nếu có ai đó đi về miền Tây nước Pháp thì sẽ gặp một ngôi chùa Việt, mang tên của Vạn Hạnh Thiền Sư, là một vị Quốc Sư của triều nhà Lý (1010-1225), đang tọa lạc tại số 3, rue du Souvenir Francais, 44800 Saint Herblain, thì đó chính là trụ sở sinh hoạt tâm linh của người Việt cũng như người Pháp, do Thượng Tọa Thích Nguyên Lộc Trụ Trì và lãnh đạo tinh thần.
Ngôi chùa không lớn lắm, nhưng nhìn từ bên ngoài vào trong, người tham quan mới cảm nhận ra được sức sống nội tâm đang vươn lên một cách mãnh liệt qua sự sắp xếp tài tình khéo léo của Thượng Tọa Trụ Trì. Trên từ Chánh Điện, dưới cho đến Hội Trường, rồi nhà nghỉ hay nơi thờ Tổ và thờ Hương linh... đâu đâu cũng có cái hồn đi kèm. Người đến đây bất kể là Việt hay Pháp cũng đều cảm nhận được điều ấy. Ngoài vườn chùa có đủ loại Bonsai của Việt Nam, Trung Hoa và Nhật Bản. Với bàn tay khéo léo của Thượng Tọa Trụ Trì, ai ai cũng phải trầm trồ tán thưởng. Có lẽ nhờ có bàn tay tuyệt vời như vậy, cho nên các Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu hầu như dầu cho ở xa cách mấy, Giáo Hội cũng phải triệu hồi Thầy đến để lo cho vấn đề trần thiết. Nhất là lúc sinh thời, khi còn Hòa Thượng Chủ Tịch Thích Minh Tâm, Ngài vẫn luôn quan tâm và đốc thúc Thượng Tọa Nguyên Lộc lo cho vấn đề nầy.
Được biết trước đây 27 năm (1987) một Hội Phật Giáo Văn Hóa miền Tây nước Pháp được thành lập. Hội viên là những người tỵ nạn Việt Nam, trong đó có rất nhiều người Việt đã sinh sống tại Lào và đã quy y với cố Hòa Thượng Thích Nhật Liên, vốn là Bổn Sư của Thượng Tọa Trụ Trì. Hội được sự dìu dắt của cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm từ thuở đó và sau nầy Hội mua một cơ sở, vốn là một nông trại bỏ hoang đã lâu đời để biến thành ngôi Phạm Vũ khang trang như hiện tại. Vào năm 1996 Hòa Thượng Chủ Tịch đã cử Thượng Tọa Thích Nguyên Lộc về đây để chăm lo Phật sự. Đến năm 2002 đồ án xây dựng chùa đã được chính quyền địa phương chấp nhận và năm 2004 công trình kiến thiết bắt đầu để đến tháng 6 năm 2008 thì hoàn thành và một Đại Lễ Khánh Thành đã được cử hành trang nghiêm trọng thể trong mùa hè năm ấy.
Tôi đến đây lần đầu vào năm 2004 và lần thứ hai vào dịp Đại Lễ Khánh Thành năm 2008. Lần nầy là lần thứ ba, tôi đến thành phố thơ mộng nầy vào giữa mùa Thu, lá vàng đang rơi lả tả đó đây, như báo hiệu cho thế nhân biết rằng: Việc thành, trụ, hoại, không vốn là một định luật vô thường, mà thế nhân ai trong đời cũng phải trải qua nhiều mùa Thu như thế. Hôm đó là ngày 24 tháng 10 năm 2014 và tôi đã ở lại đây cho đến ngày 27 tháng 10 mới trở về lại Đức. Tôi trở lại chùa Vạn Hạnh ở Nante sau 6 năm dài với nhiều thay đổi. Bây giờ mái chùa đã phủ một màu rêu, cây cối đã lên cao, sen đã nở vào Hạ, cá trong hồ vẫn nhởn nhơ bơi lội như chẳng hề quan tâm đến khách vãng lai. Nhìn những hình ảnh lễ Khánh Thành chùa treo trên tường từ năm 2008, nay vẫn còn đây; nhưng thế nhân thì mỗi người mỗi ngả, kẻ mất người còn, có người đã ra đi, lắm người còn ở lại; nhưng mỗi người đều có một thế đứng riêng để lo cho Phật sự của mình. Quả thật, nếu đường đời có muôn vạn ngả thì nẻo đạo cũng lắm khúc quanh co. Cuối cùng rồi: "Trăm sông cũng chảy về biển cả", nhưng lúc chảy, lúc trôi, lúc bào mòn, lúc chuyển mình v.v... khiến cho đất Mẹ phải bao phen bị xói mòn, hụt hẫng... Thế nhưng Phật Pháp rất nhiệm mầu. Bởi vì: "Sau cơn bỉ cực đến hồi thái lai". Đó vốn là những việc bình thường lâu nay của tạo hóa vậy.
Vườn chùa phải nói là một hoa viên có trồng nhiều cây Bonsai cả hằng mấy trăm năm, chỉ những người có con mắt nghệ thuật cao, mới có thể chăm bón cho vườn hoa cây kiểng như vậy. Khi nhặt từng chiếc lá rơi bên bờ hồ, chắc Thầy Nguyên Lộc có khi cũng liên tưởng đến việc tịnh hóa tâm linh của mình, nên giữa cảnh và người, giữa không gian và sự vật mới được như vậy. Ngoài ra những hòn non bộ, có đủ cả các Tôn Tượng Bồ Tát và chư Thiên đang tĩnh tọa trên những giả sơn nầy. Lúc mới trông vào, xem giống như người thật. Những bình phong, câu đối, những bụi trúc, bờ lau... đâu đó đã tạo nên được một cảnh quan thật là Thiền vị. Nếu quý Phật tử nào chưa một lần đến đó, sẽ chẳng thể hình dung ra được cảnh sơn thủy hữu tình của chùa Vạn Hạnh tại Nante, Pháp Quốc là như thế nào.
Được biết Thượng Tọa Trụ Trì cũng còn đang tiếp tục cho xây dựng những công trình phụ như Tăng xá, nhà bếp v.v... dĩ nhiên là còn cần rất nhiều kinh phí để hoàn thành. Vậy quý Đạo hữu hay Phật tử nào có duyên đọc được bài nầy, thì xin mỗi người một bàn tay, cố gắng giúp Thầy và giúp chùa để cho những Phật sự nầy được thành tựu viên mãn. Công đức nầy chẳng phải là nhỏ cho vấn đề tu tạo phước đức của người Phật tử tại gia. Mọi việc ủng hộ tịnh tài và tịnh vật xin gửi về địa chỉ bên trên.
Thượng Tọa Nguyên Lộc trao cho tôi một tờ chương trình của ba ngày từ thứ Sáu (24.10) đến ngày Chủ nhật (26.10) gồm có phần Thọ Bát Quan Trai, giảng pháp cũng như tụng kinh và huân tu Tịnh Độ. Những nghi lễ kia, Thượng Tọa và Sư Cô Tuệ Đàm Hương đảm trách, còn tôi có tất cả 6 thời giảng trong ba ngày, mỗi lần giảng như thế là một tiếng rưỡi đồng hồ. Đề tài tôi không soạn trước như những nơi khác. Vì tôi muốn biết trình độ của thính chúng, sau đó mới nương theo đó để giảng. Đây là những nhịp điệu muôn thuở của các vị Giảng sư. Dầu cho có lão luyện bao nhiêu đi chăng nữa, cũng không thể nào áp đặt những đề tài cho thính chúng theo sự hiểu biết của mình, mà đa phần các vị Giảng sư hay giảng những gì thính chúng muốn nghe, chứ không phải giảng những điều gì mà vị Giảng sư muốn giảng. Điều nầy nó cũng tương tự như sự giáo dục ngày nay trên thế giới vậy. Nghĩa là người Thầy sẽ dạy cái gì cho người học trò muốn học, chứ không phải dạy những gì mà người Thầy muốn dạy. Thật ra làm Giáo sư Đại học, Giảng viên, Giáo sư, Giáo viên v.v... rất khó mà dễ, vì người Thầy đã biết rành trình độ của sinh viên, học sinh nên người Thầy biết rõ là mình sẽ phải dạy những gì trong tiết mục sắp giảng cho sinh viên, học sinh. Nhưng thú thật giảng pháp rất là khó, vì người ngồi nghe pháp ở bên dưới Hội trường trình độ khác nhau rất nhiều. Có nhiều người có học vị cao như Giáo sư, Tiến sĩ, Cao học, Cử nhân.... đồng thời cũng có lắm người dân dã, chỉ có một niềm tin duy nhất mà họ đến với Đạo. Có người ngoại quốc cũng tham gia cùng, đôi khi lại có nhiều người khác Đạo đến nghe pháp nữa. Quả thật những trường hợp như thế nầy, vị Pháp Sư phải thiên biến vạn hóa các đề tài mới có thể thích nghi cho ngần ấy thính chúng ở trong một ngôi chùa khi nghe pháp. Chẳng bằng với các lớp học khác, Thầy giáo chỉ giảng có một trình độ cho sinh viên, học sinh theo đề tài đã có sẵn của Bộ Giáo Dục đã duyệt xét. Dĩ nhiên mỗi một phạm trù như thế, nó đều có những khó khăn riêng của nó, nhưng ở đây tôi chỉ muốn đưa ra một vài thí dụ đơn thuần trong việc giảng pháp với việc đi dạy học, không phải để so sánh hơn thua, mà để thấy được cái cần phải quyền biến của một vị Giảng sư trước một cử tọa đa dạng như vậy.
Ở chùa Vạn Hạnh tại Nante cũng không ra khỏi quy lệ ấy. Phật tử ở đây đa phần là người lớn tuổi và đã sinh hoạt nhiều năm tại chùa, nhưng ít người đã nghe tôi giảng, nên tôi chọn đề tài tùy tiện theo từng buổi. Buổi giảng đầu tôi xoáy vào Kinh Tạp A Hàm với 37 Phẩm Trợ Đạo cùng những thí dụ cụ thể như thuở Đức Phật xa xưa, khi Ngài còn tại thế. Buổi giảng thứ hai tôi giới thiệu về Phật Giáo Nhật Bản cũng như sự thành công của người Nhật khi mang Phật Giáo Ấn Độ và Trung Hoa vào đất nước của mình và họ đã xay nhuyễn lại, để cuối cùng chỉ còn là Phật Giáo của Nhật Bản, chứ người ngoài ít ai biết đến đó cũng là những sản phẩm kỳ cựu của Trung Hoa. Thế nhưng khi người ta nghe về Zen, về Bushidoo về Chadoo, Kendoo, Shodoo v.v... là của người Nhật, chứ không còn là từ nguồn văn hóa ngoại lai nữa. Buổi thứ ba và thứ tư tôi nói về Trung Ấm Thân cũng như việc đi đầu thai. Lần nầy có tạo cơ hội cho thính chúng hỏi để đáp. Sang ngày Chủ nhật 26 tháng 10 năm 2014 tôi nói về Lịch sử truyền thừa Phật Giáo từ Ấn Độ đến Trung Hoa, Việt Nam và Nhật Bản. Buổi chiều hôm Chủ nhật chỉ đặc biệt nói về Phật Giáo Việt Nam, chỉ mới đến Triều Lý và Triều Trần trong 400 năm lịch sử ấy (1010-1400). Nhìn chung thì thấy rằng mọi người đều hoan hỷ khi tiếp nhận giáo pháp Phật Đà và chắc chắn rằng sau lần nghe pháp nầy nhiều người sẽ có thay đổi, nhất là việc ăn chay thêm ngày và niệm Phật v.v...
Ngoài những sinh hoạt chính bên trên cũng còn có thêm nhiều sinh hoạt phụ như sau:
Vào buổi sáng Chủ nhật, tôi và Thầy Nguyên Lộc đi dạo bên ngoài công viên, bỗng đâu có một con chó đen, thật to tướng chạy xông đến chúng tôi, mặc dầu chủ của nó đứng đó không xa mấy. Lẽ ra người chủ phải buộc dây cổ của con chó lại, khi có người lạ, dầu cho ở trong công viên, vì đó là luật, nhưng có lẽ người chủ sơ ý, hay vẫn nghĩ rằng con chó của mình đã được huấn luyện thuần thục rồi, nên không lo. Điều nầy hẳn đã lầm. Vì chó là một loài thú rất trung thành chỉ với chủ, nhưng người ngoài thì chưa phải vậy. Thầy Nguyên Lộc dừng lại và đứng theo thế tấn, chìa hai tay ra để cho nó cũng phải dừng lại việc tấn công. Kế tiếp thì chủ nó hay kịp kêu lớn lên thì nó ngoan ngoãn cụp đuôi chạy lại chủ. Chúng ta cũng chứng kiến nhiều trường hợp con cọp, con beo... đã được chủ nó thuần phục từ nhỏ, nhưng nhiều lúc vẫn cắn xé chủ mình, không cứu kịp. Điểm chính ở đây tôi muốn nói là: Con vật nó vẫn là con vật. Dầu cho mình có thuần hóa được bao nhiêu đi chăng nữa thì nó vẫn là con vật, không nên dể ngươi với nó. Cho nên trong Bồ Tát Giới Kinh khuyên ta nên cầu nguyện cho những con thú nầy kiếp sau trở lại làm người chứ không nên làm súc vật nữa.
Buổi chiều Chủ nhật ngày 26 tháng 10, tôi và Thầy Nguyên Lộc đi dạo quanh bờ hồ một lần nữa. Lần nầy thì trời quang mây tạnh, nên độ nhìn phóng ra được xa hơn so với lúc ban mai khi còn dày đặc sương mù. Chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện, đa phần là những việc hồi tưởng về Sư Ông Minh Tâm và bàn qua một vài công việc của Giáo Hội. Thành Phố Saint Herblain chắc phải bỏ công quỹ ra nhiều khoản tiền thật lớn, mới tạo nên được những cảnh quang tuyệt mỹ như thế nầy. Người dân ở đây họ đóng thuế cho nhà nước và nhà nước Pháp đã lấy thuế ấy thực hiện những công việc phúc lợi, để giúp cho dân họ có một đời sống thư giản hơn sau những ngày làm việc mệt nhọc trong tuần. Cho nên công viên, hồ bơi, phòng sinh hoạt công cộng cho người lớn lẫn trẻ con nơi đâu cũng thấy. Chúng tôi lên đồi rồi xuống dốc, đi và nói chuyện cũng như hồi tưởng lại những chặng đường thăng trầm của Giáo Hội đã đi qua và sẽ sắp bước sang giai đoạn khác nữa. Nói để nghe và nghe việc nói để thử tìm một phương pháp nào đó khả dĩ để thực thi trong thời gian tới.
Tối hôm đó tại Hội Trường chùa Vạn Hạnh có một đêm văn nghệ giúp vui. Vì các vị Phật tử bảo rằng: "Mấy bữa nay Quý Thầy đã hướng dẫn Phật Pháp cho chúng con và bây giờ chúng con hát để cho Quý Thầy, Cô cùng thưởng thức". Nhiều vị lớn tuổi nhưng tiếng hát vẫn còn đậm đà, hơi vẫn còn ấm, giọng vẫn còn cao. Không phải chỉ một, mà tại chùa Vạn Hạnh nầy có cả chục người như vậy. Ngâm thơ, ca nhạc và kể chuyện vui... ở Vạn Hạnh nầy không thiếu, mà còn có thể nói rằng nhiều hơn các nơi tôi vẫn thường qua lại nữa. Đúng là tài năng không phân biệt tuổi tác.
Ngày thứ Hai 27 tháng 10 Thầy Nguyên Lộc và Đạo hữu Viên Minh đã đưa tôi đi thăm lâu đài DUCS của BRETAGNE. Nay là một viện bảo tàng của thành phố Nante rất nổi tiếng. Lâu đài nầy đã được xây dựng từ thế kỷ thứ 15 và công trình nầy sau đó được người con gái của Ông Francis II DUKE của Brittany tiếp tục hoàn thành. Bà Anne, Duchess của Brittany và cũng đã hai lần là Hoàng Hậu của nước Pháp. Lâu đài nầy vào thế kỷ thứ 16 cũng đã có lúc biến thành nhà tù khi Hoàng Gia đang ở đây. Bây giờ người ta cho công chúng vào xem tự do để thấy và nhìn được những dấu ấn ngày xưa đã một thời vang bóng. Vua chúa ở Đông hay Tây cũng đều giống nhau. Điều quan trọng của họ là: Củng cố quyền lực. Họ mong muốn triều đại của họ trị vì phải kéo dài cho đến hằng vạn năm, nhưng trong lịch sử Đông Tây xưa nay chưa có triều đại nào được như vậy.
Kế đó chúng tôi đi xem vườn Nhật Bản trong lòng phố thị của Nante. Phải nói cho ngay rằng: Nhật Bản ngày nay tại Nante là Nhật Bản của Nante, chứ không phải Nhật Bản của Nhật. Từ cách cấu tạo cây cảnh cho đến nhà cửa, hồ nước, mái cổng tam quan v.v... rất xinh và rất hài hòa với trời nước của miền Tây nước Pháp. Đây là sự thành công tuyệt vời của người Nhật đã giới thiệu văn hóa cũng như kiến trúc và hoa viên của mình vào các đất nước Âu Mỹ ngày nay.
Tiếp theo chúng tôi đi thăm một công viên của Pháp. Tại đây phải nói là trên cả tuyệt vời. Với những bàn tay khéo léo của những người tạo nên cây cảnh và vườn tược, họ đã chăm sóc những cây cảnh thiên nhiên từ Á Châu mang sang như cây tùng, cây bách, cây trắc bá diệp, cây phong, cây Ginko v.v... đã toát lên một cảnh trí thiên nhiên hội ngộ Á-Âu thật là tuyệt mỹ. Dĩ nhiên cũng còn có nhiều cây cỏ từ Mỹ Châu và Phi Châu mang đến nữa và đã được trồng vào đây, nhưng so với những loài thực vật được mang đến từ Á Châu thì khiêm nhường hơn. Đặc biệt trong vườn hoa nầy hay nói đúng hơn cả xứ Nante nầy đâu đâu cũng thấy loài hoa Hải Đường, hoa Thung, hoa Mộc Liên... rất nhiều. Nếu là mùa hoa nở, chắc rằng chim chóc cũng vui lây. Vì hoa sẽ mang theo những hương sắc cho cuộc đời và tạo nên những gấm hoa cho nhân thế.
Sau khi dùng trưa Thượng Tọa Nguyên Lộc và Đạo hữu Viên Minh đưa tôi lên phi trường để về lại München, Đức Quốc, sau 4 ngày đã lạc bước ở chốn trời Tây. 17 giờ bay, nhưng đến 18 giờ máy bay phải đổi sang máy bay khác mới bay về lại Đức được. Tôi lấy xe S-Bahn đi về nhà gare München thì mọi tuyến xe khác đều không còn chờ đợi được người bị trễ máy bay nữa và đành phải lên trên phòng chờ để ngồi chung với những người lỡ đường khác, vì qua nửa đêm mới có chuyến tàu khuya về lại Ravensburg. Dưới hành lang của bến tàu München tình cờ gặp mấy người Phật tử quen, họ mời tôi về khách sạn gần đó, nhưng tôi cảm ơn và chối từ. Vì lẽ chỉ chờ có mấy tiếng đồng hồ, chắc rằng sẽ vượt qua được thôi. Tại nhà chờ nầy chỉ trong mấy tiếng đồng hồ thôi mà tôi đã tiếp cận được không biết bao nhiêu là hạng người và nhiều giai tầng trong xã hội: Người Đức cũng như người ngoại quốc, người vô gia cư cũng như những người say túy lúy. Tự dưng có một đoàn người cả ba, bốn chục vừa người lớn vừa trẻ con ào vào phòng chờ giữa đêm khuya nói cười rôm rả, dường như họ chẳng để ý đến những người chung quanh mình đang hiện diện. Có lẽ đây là văn hóa của những người đang đến từ phía Đông. Sao mà Đông Tây khác nhau nhiều quá vậy! Tôi ngồi đó và thẫn thờ nhìn rõ ra rằng: Mình là một người tu có đầy đủ phúc báu vô ngần. Do vậy "Con xin niệm ân Tam Bảo rất nhiều. Vì nếu không có Tam Bảo thì con không có được ngày hôm nay" và mình vẫn là người có hạnh phúc hơn nhiều người khác rất nhiều.
Chuyến tàu nửa đêm đã đưa tôi về lại Ravensburg. Lúc đến chùa trời đã sáng, tôi vội viết bài nầy để cảm ơn Thầy Nguyên Lộc và các Phật tử tại Nante đã tạo cho tôi có một cơ hội quý báu đến chùa Vạn Hạnh để trải ra cả tấm lòng của mình để cho mọi người cùng học và cùng tu. Xin cảm ơn những bữa cơm chay thật là ngon miệng đầy tình nghĩa Thầy trò. Cũng xin nhớ ơn những tiếng hát và những vần thơ đã đi thẳng vào lòng người và cuối cùng xin cảm ơn những người đi ăn xin đã trọ qua đêm chờ xe lửa trong nhà chờ, họ đã cho tôi rõ biết hơn về một kiếp nhân sinh là như thế đó.
Viết xong vào 11 giờ 30 phút trưa ngày 28 tháng 10 năm 2014 tại Tu Viện Viên Đức Ravensburg Đức Quốc
Lời vào kinh
● Thích Như Điển
Cách đây 30 năm (1984) khi tuổi đời của tôi ở tuổi thứ 35 (sinh năm 1949) vẫn còn mạnh khỏe, ít lo toan về việc sức khỏe; nhưng khi nhìn thấy các cụ bà đi chùa muốn lạy Phật theo lối ngũ thể đầu địa; nghĩa là đứng lên, ngồi xuống; năm vóc gieo sát xuống đất không thể được và cứ thế ngồi trên sàn nhà để lễ Phật, nguyện cầu. Tôi thấy vậy bèn nghĩ rằng: “một ngày nào đó, mình cũng sẽ như vậy”, nên kể từ đó tôi phát tâm lạy Ngũ Bách Danh, rồi Tam Thiên Phật Danh, rồi Vạn Phật. Kế tiếp lạy Kinh Pháp Hoa và Kinh Đại Bát Niết Bàn mỗi chữ mỗi lạy suốt trong vòng 30 năm nay (1984 - 2014) để sám hối nghiệp chướng của mình trong nhiều đời nhiều kiếp, nhằm thăng tiến trên con đường tu của mình.
Năm 1984 khi bắt đầu lạy kinh Ngũ Bách Danh bằng âm Hán Việt thuở ấy, tôi không để ý mấy về ngữ nghĩa. Vì lúc đó lạy chỉ để lạy theo lời nguyện của mình. Rồi 30 năm sau, vào ngày 11 và 12 tháng 10 năm 2014 vừa qua, Chi Hội Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn tại Norddeich và Gia Đình Phật Tử Minh Hải tổ chức Thọ Bát Quan Trai tại Đạo Tràng Liên Hoa có cho lạy 2 lần vào hai buổi sáng thứ Bảy và Chủ Nhật sau thời tụng Kinh Lăng Nghiêm, mỗi lần 100 lạy. Thú thật lần nầy khi lạy, đôi khi tôi cũng không rõ nghĩa tiếng Việt của danh hiệu ấy là gì; nên sau giờ tụng kinh, tôi có phát nguyện là: “Để Thầy tìm cách dịch hoàn toàn ra tiếng Việt”. Thế là mọi người đều vui mừng, hớn hở.
Tôi mang bản dịch Hán Việt đã có sẵn về nơi Tu Viện Viên Đức và nhờ Thầy Hạnh Bổn tra trong Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh có kinh nầy hay không, để Thầy trò chúng tôi sẽ bắt tay vào việc dịch thuật. Lạ thay! Thầy ấy trả lời rằng: “Bạch Sư Phụ! Kinh Ngũ Bách Danh nầy không có trong Đại Tạng Kinh chữ Hán”. Thế là tôi viết mail cho Thầy Hạnh Tuệ đang ở tại chùa Phật Đà, San Diego, Hoa Kỳ, tìm hộ giùm bản kinh nầy và chỉ trong một ngày thôi. Vì tôi cần hướng dẫn cho quý Thầy dịch trong tuần lễ từ ngày 15 đến 17 tháng 10 năm 2014, khi tất cả Thầy trò đều ở tại Tu Viện Viên Đức, nằm ở Ravensburg thuộc miền Nam nước Đức nầy.
Thầy Hạnh Tuệ thật là nhanh nhẹn, không đầy 24 tiếng đồng hồ sau, Thầy ấy đã gởi cho tôi bản PDF qua E-Mail 48 trang bằng chữ Hán. Tôi mừng quá và bắt đầu tra cứu thêm thì thấy bản nầy đã được “Quảng Minh” dịch ra Hán Việt. Đây có lẽ là bản văn Hán Việt cũ nhất mà lâu nay các chùa Việt Nam của chúng ta ở trong và ngoài nước vẫn hay trì tụng; kế đó tôi lên mạng để tìm thì thấy Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu vào năm 2012 khi tuổi đời của Ngài đã trên 90 tuổi; nhưng Ngài cũng đã cố gắng dịch sang Hán Việt cũng như biên soạn ra Việt ngữ hoàn toàn tại Tu Viện Viên Quang, South Carolina, Hoa Kỳ. Nhưng cả 2 bản dịch nầy đều không để xuất xứ của mộc bản Thành Thái năm Mậu Tuất; như bản của Thầy Hạnh Tuệ đã gởi cho tôi.
Mặc dầu trong “vài lời đầu sách” của Hòa Thượng Thích Tâm Châu có viết rằng: “Trước đây, tại Việt Nam, Phật tử miền Bắc, lễ tụng theo chữ Hán. Nhưng sau năm 1954, Phật tử miền Bắc di cư vào miền Nam, được phiên âm ra chữ Việt, in thành sách và phổ biến rộng rãi hơn”. Đơn giản chỉ có vậy và người đọc hoàn toàn cũng không hiểu kinh nầy xuất xứ từ đâu.
Đoạn khác Ngài viết: “Kinh Ngũ Bách Danh, do sự tuyển trạch những từ, những câu quan yếu trong các kinh Đà-ra-ni và Kinh Phổ Môn, tập thành 500 danh hiệu của Bồ Tát Quán Thế Âm; hầu cung ứng cho sự cầu nguyện của Phật tử”.
Lần đọc vào bên trong bản dịch tiếng Việt của Ngài, tôi thấy văn phong dịch ra Việt văn của Ngài rất trong sáng; nhưng đa phần thuộc cách trì tụng theo ngôn ngữ miền Bắc, khiến cho các Phật tử người miền Trung hay miền Nam khó thực hành. Do vậy Thầy trò chúng tôi đã bắt tay vào ngay việc dịch quyển kinh nầy hoàn toàn ra Việt ngữ và hầu như ít thêm hay bớt nội dung của câu danh hiệu của Bồ Tát, trừ phi câu ấy quá tối nghĩa.
Mỗi Thầy một máy vi tính để làm việc từ tối ngày 15 tháng 10 đến tối ngày 17 tháng 10 năm 2014, thì Thầy trò chúng tôi đã dịch xong hoàn toàn 500 danh hiệu của Bồ Tát. Trong 6 lần ngồi chung lại với nhau, mỗi lần 1 tiếng rưỡi đồng hồ, nghĩa là 9 tiếng dịch và chỉnh lại cho 500 danh hiệu nầy. Thầy Hạnh Tâm đọc bản Hán Việt của Quảng Minh, Thầy Hạnh Định dịch thẳng từ tiếng Hán Việt sang Việt ngữ. Chỗ nào không thông suốt, tôi tra cứu thêm nơi bản dịch của Hòa Thượng Tâm Châu, sửa lại câu văn Việt ngữ thật gọn và cuối cùng Thầy Hạnh Bổn đánh máy vào Computer. Đó là những công đoạn mà Thầy trò chúng tôi đã thực hiện.
Có điều là cả hai bản dịch của Hòa Thượng Thích Tâm Châu và của Quảng Minh đều không ghi xuất xứ kinh nầy được dịch từ bản chữ Hán nào? Ở đâu và do đâu mà có? May đâu nhờ Thầy Hạnh Tuệ ở Hoa Kỳ cung cấp cho tôi bản văn chữ Hán có xuất xứ từ Hà Nội và được in thành sách từ bản gỗ vào năm 1898 (Mậu Tuất) nhằm năm Thành Thái thứ 9. Như vậy bản Hán văn nầy do chùa Xiển Pháp tại làng An Trạch in, ấn tống tính đến nay (2014) đã 116 năm rồi và nó có xuất xứ từ miền Bắc. Điều nầy đúng như lời đầu sách của Hòa Thượng Thích Tâm Châu đã viết; nhưng sớm hơn 1954 nhiều năm và dĩ nhiên còn xuất hiện tại miền Bắc trước đó nữa, để đến năm 1898 mới khắc vào bản gỗ và được in ra cho mọi người đọc tụng lúc bấy giờ. Cho nên ta có thể kết luận rằng: “Kinh Ngũ Bách Danh Quán Thế Âm Bồ Tát là kinh của các vị Tổ Sư Việt Nam soạn ra, chứ không phải của Trung Hoa hay Nhật Bản; lại càng không thuộc Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh; tuy vẫn được viết bằng chữ Hán”. Có lẽ chúng ta là người Phật tử Việt Nam nên hãnh diện về việc nầy. Vì lâu nay đa phần chúng ta nghĩ rằng: “Chữ Hán chỉ có người Trung Hoa biên soạn; nhưng các vị Tổ Việt Nam chúng ta cũng đã soạn không những sách như Ngài Pháp Chuyên Luật Truyền hay Toàn Nhật Quang Đài bằng chữ Hán mà Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát hằng ca ngợi, tán dương”.
Nay cả Kinh, các Tổ Sư Việt Nam cũng đã soạn cho người Việt Nam đọc tụng, Kinh nầy cũng không khác mấy với kinh Lương Hoàng Sám, Thủy Sám, Vu Lan Bồn, Báo Ân Phụ Mẫu của Trung Hoa. Tuy không do Phật nói ra nhưng vẫn gọi là Kinh, vì những nội dung của những Kinh nầy không trái với lời Phật dạy và vốn đã được Phật tử Trung Hoa, Đại Hàn, Nhật Bản và Việt Nam trì tụng cả hằng nhiều thế kỷ nay, cũng đã trở thành nếp văn hóa riêng của mỗi dân tộc mình.
Nay Kinh Ngũ Bách Danh nầy cũng đáng tán dương công đức của chư Tổ Sư Việt Nam của chúng ta. Mặc dầu thời kỳ nầy (1898) Việt Nam không còn bị Bắc thuộc nữa, nhưng đã bị Pháp thuộc (1868-1945), tuy phải bị học chữ Pháp; nhưng trong chùa vẫn dùng chữ Hán và ngay các khoa thi của triều đình vẫn còn dùng chữ Hán cho đến đầu thế kỷ thứ 20 mới chấm dứt. Vua Thành Thái sinh ngày 14 tháng 3 năm 1879 và mất ngày 23 tháng 3 năm 1954.
Ông lên ngôi vua năm 1889 và bị xuống ngôi năm 1907. Ông chỉ làm vua có 18 năm thôi và trong thời gian nầy (1898); nghĩa là sau khi ông lên ngôi vua được 9 năm, bộ kinh nầy đã được ra đời.
Vua Thành Thái là một nhà vua cách mạng và hình như nhà vua nầy cũng có vài điều không bình thường lắm, giống như ông vua Đại Chánh (Taisho) của Nhật Bản, cũng là một vị Thiên Hoàng đồng thời với vua Thành Thái; nhưng đứng về phương diện văn hóa và hộ trì Phật Pháp thì cả hai ông vua nầy đều có công đối với Đạo Phật. Thiên Hoàng Đại Chánh cho khắc in bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh bằng Hán văn, có giá trị rất cao, mà ngày nay các sử gia, học giả đều căn cứ vào đây để dịch ra tiếng Bạch thoại, tiếng Nhật, tiếng Anh và cả tiếng Việt nữa.
Dầu cho thân phụ của ông là vua Minh Trị (Meiji) rất nổi tiếng qua việc canh tân xứ sở Nhật Bản vào năm 1868 nhưng với Phật Giáo, vua Minh Trị không bằng con của mình là vua Đại Chánh đã đối xử với Phật Giáo rất đặc biệt nên “Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh” mới được hình thành dưới thời vua Đại Chánh nầy.
Ngày nay phương tiện truyền thông quá tinh vi, nên chúng ta có cơ hội và khả năng để tìm tòi lại lai lịch ngày xưa một cách tương đối dễ dàng hơn ngày trước rất nhiều. Do vậy lịch sử càng ngày sẽ được làm sáng tỏ hơn, qua công đức của tiền nhân, đã một thời làm vẻ vang nòi giống Việt cũng như của lịch sử Phật giáo nước nhà.
Nơi đây các dịch giả và người nhiệm sắc bản văn nầy xin vô cùng niệm ân Ngài Quảng Minh cũng như Trưởng Lão Hòa Thượng Thích Tâm Châu; chúng con đã nhờ vào bản dịch của các Ngài để có thể tham cứu thêm những điều cần phải làm cho bản dịch Việt ngữ lần nầy có phần hữu ích cho nhiều tầng lớp Phật tử hơn.
Nguyện đem công đức dịch Kinh nầy, cầu cho tất cả pháp giới chúng sanh đều được hàm triêm lợi lạc.
Viết xong lời vào kinh nầy vào một ngày cuối Thu tại Tu Viện Viên Đức Ravensburg năm 2014.
Hòa Thượng Thích Như Điển
Phương Trượng chùa Viên Giác
Hannover - Đức quốc
Kính ghi
______________________________
Ai không chết ?
● Thích Như Điển
Trong Kinh Bát Dương có nói rằng: “Sanh hữu hạn, tử bất kỳ”, nghĩa là: “Sanh có thời gian, chết chẳng ai biết được”. Điều nầy có nghĩa là khi chúng ta được sanh ra trong cuộc đời nầy, Cha mẹ, Bác sĩ có thể dự đoán ngày tháng nào chúng ta ra đời, vì họ là những chủ nhân của việc tạo dựng ra sanh mạng của chúng ta; nhưng sự chết, không ai có thể làm chủ được và không ai trong chúng ta, là những người thường, có thể biết trước được ngày giờ nào chúng ta phải ra đi khỏi trần thế nầy cả. Do vậy Đạo Phật gọi cuộc đời nầy là vô thường.
Đời người có 4 giai đoạn quan trọng, đó là: Sanh, già, bệnh và chết. Có người mới sanh ra đã chết, có người già rồi mới chết, có người phải chịu bệnh tật triền miên rồi mới chết và cuối cùng thì sự chết nó không tha cho ai hết. Trên từ Vua quan, Hoàng hậu, Thứ phi, Tổng thống, Thủ tướng, dưới cho đến những người bình dân hạ tiện, áo vải cơ hàn thiếu cơm ăn, áo mặc… tất cả đều phải chết. Như vậy chết là một việc chắc chắn, không một ai thoát khỏi, nhưng thử hỏi trong hơn 7 tỷ người được sanh ra, lớn lên và cư trú trên quả địa cầu của thế kỷ thứ 21 nầy, có được bao nhiêu người lo cho sự chết đó và có được bao nhiêu phần trăm số người ý niệm được sự vô thường đó, hay chúng ta vẫn mãi tranh danh đoạt lợi một cách bất chánh để vơ cho đầy túi tham? Nhưng để làm gì và kết cuộc của cuộc đời nầy, ai cũng đã biết, nhưng tại sao phải gánh lo âu, phiền não vào người mình nhiều như thế? Đây là một câu hỏi mà mọi người trong chúng ta phải tự trả lời. Có như vậy chúng ta mới rõ đường sanh tử được.
Trong bốn giai đoạn của cuộc đời ấy, có người chỉ trải qua có một giai đoạn, có nghĩa là khi sanh ra hay chưa được sanh ra đã chết trong bụng mẹ và cũng có kẻ chưa già và không bịnh, nhưng cũng phải bị chết. Có người được sống đến cả một trăm tuổi, nhưng không bị bịnh và cuối cùng cũng phải chết. Như vậy sanh là một tiền đề và chết là một kết luận, nhưng sống như thế nào trong khoảng thời gian 30 hay 50 năm của cuộc đời ấy cho có ý nghĩa để rồi một ngày nào đó chúng ta phải ra đi, đó mới là điều đáng nói. Mỗi chúng ta đều có biệt nghiệp và cộng nghiệp riêng và chung, không ai giống ai cả, dầu cho đó là những kẻ song sinh hay sinh ra cùng một lúc ba, bốn người. Cha mẹ không có quyền năng để sắp đặt nghiệp lực của con cái. Cha mẹ chỉ là nhân duyên để cho những thai nhi chào đời, rồi trong cuộc sống nầy do nhân duyên và nghiệp quả của kiếp trước do chính mình tự tạo ra và bây giờ chính là lúc chúng phải được hay bị hưởng quả ấy từ trong vô lượng kiếp. Cho nên Ông Bà chúng ta thường nói rằng: “Cha mẹ sinh con, chứ chẳng sinh lòng” là như vậy. Lòng ấy chính là tâm thức của mỗi chúng sanh. Thân thể nầy có thể mất và biến đổi qua nhiều hình tướng khác nhau, nhưng tâm thức ấy vẫn luôn tồn tại qua nhiều giai đoạn chuyển biến của nghiệp lực. Khi ta làm thân người thì tâm thức ấy mang tâm con người, khi ta làm Chư thiên thì tâm thức ấy là người của cõi trên, khi ta bị rơi vào địa ngục thì tâm thức ấy sẽ biến thành tâm của chúng sanh trong địa ngục… cứ thế, con đường vào ra của sanh tử không bao giờ ngưng nghỉ, cho đến khi nào chúng ta có thể làm chủ được sự sống và sự chết mới thôi.
Những bậc Vua chúa, Tổng thống, Thủ tướng hay những người lãnh đạo quốc gia, họ là những người đã tạo ra nhân bố thí trong nhiều đời, nên trong kiếp nầy chỉ là kết quả của những gì mà họ đã tạo được, còn chúng ta dầu cho có cố gắng trong kiếp nầy rất nhiều, nhưng nợ cũ của tiền kiếp chúng ta trả chưa xong, thì phải chờ kiếp sau nữa mới mong có được cuộc sống đầy đủ hơn trong hiện tại. Nhưng thói đời, con người ít ai tự làm chủ mình được khi có danh và có địa vị đi kèm. Nhiều người được bầu lên làm Tổng thống, Thủ tướng v.v… cứ nghĩ rằng mình sẽ mãi ở được nơi ngôi cao, lộc cả ấy, nên cứ lao vào tham dục, càng tham bao nhiêu lại càng thấy thiếu bấy nhiêu, chẳng bù với lúc cơ hàn, dân dã, chỉ mơ làm sao cho đủ cơm ăn, áo mặc. Nhưng khi đã có quyền bính trong tay rồi thì chẳng luận là ai, nếu không chế ngự được lòng ham muốn thì con đường dẫn đến tội lỗi ở ngay trước mắt, chứ chẳng xa xôi gì. Và rồi, chẳng ai ngờ được, một ngày nào đó, khi cơn vô thường hay đời sống dân chủ của người dân trổi dậy, thì ngôi cao, lộc cả ấy đâu có còn gì nữa để mà mong. Ai hiểu được điều nầy, người ấy sẽ nhẹ gánh tang bồng, ai không hiểu được lý nhân duyên và luật nhân quả, thì người ấy sẽ khổ đau muôn kiếp, không phải chỉ trong kiếp nầy mà thôi.
Nói về cộng nghiệp của chúng sanh thì có vô số thí dụ. Ví như chúng ta là những người chẳng quen biết nhau, nhưng sẽ đi chung trên một chuyến đò qua sông, qua biển hoặc giả sẽ cùng đi chung trên một chiếc xe hơi hay máy bay, xe lửa v.v… chẳng ai hẹn ai, nhưng có kẻ bước lên, có người bước xuống. Đùng một cái, tai nạn xảy ra, có người được cứu sống, có kẻ bị thương nhẹ, có người bị thương nặng và cũng có nhiều người phải chết tức tưởi trong chuyến đò sanh tử ấy. Quả thật tất cả những người đã cất bước ra đi nầy, chẳng ai mong điều ấy xảy ra, nhưng rốt cuộc, ít ai trong chúng ta tránh khỏi. Cho nên nhà Phật gọi đây là cộng nghiệp. Nghĩa là nghiệp ấy đã có sẵn trong bao đời rồi, bây giờ cùng trong chuyến hành trình hữu hạn ấy, bắt buộc chúng ta phải chịu lấy quả báo kia. Dĩ nhiên là chẳng có ai trong chúng ta chờ đợi và mong muốn như thế, nhưng chúng ta vẫn không tránh khỏi, vì nghiệp đã đến lúc chín muồi, nhân và quả đã thuần thục, nên kết quả mới xảy ra như thế. Thế nhưng nghiệp sẽ chẳng chấm dứt nơi ấy, mà những hành vi tạo tác trong bao đời kia vẫn còn luôn tiếp diễn như những màn kịch trên sân khấu trường đời mà những nghệ sĩ đang tiếp tục trình diễn những vở tuồng như thế thôi. Hay có, dở có, lâm ly bi đát, khổ sở vì tình, quyền uy biến mất rồi tái hiện v.v… tất cả chỉ là những tuồng huyễn hóa của thế gian mà con người và tâm thức là những nhân vật chính.
Nhìn những chính trị gia mới ngày nào đó còn hăng say hùng biện trên diễn đàn chính trị của thế giới, khiến cho ai đó hết sức thầm ca ngợi cho những con người tài ba lỗi lạc kia. Bẵng đi một thời gian lại được nghe tin rằng: Ông kia, bà nọ… nay đã bị lâm vào chứng bệnh Altzheimer nhớ trước, quên sau, ngay cả chỗ nằm của mình còn không nhớ để trở về, thì làm sao có thể nhớ được chuyện trước, chuyện sau. Như vậy không phải do vô thường biến đổi là gì và con người mấy ai ý niệm được sự vô thường ấy. Khi ta còn trẻ khỏe thì chúng ta ít ai nghĩ đến sự già chết, bịnh đau. Vì chúng ta nghĩ rằng cái già cái chết ấy nó sẽ đến với người khác chứ nó chưa đến với mình, nhưng đâu ai biết được chuyến đò sanh tử của thế gian nó sẽ đến mang ta đi khỏi nơi nầy vào bất cứ lúc nào và chuyến đò ấy nó sẽ chở ta đi tiếp tục cuộc hành trình của sanh tử và chắc chắn một điều là chúng ta không có quyền hẹn lại ngày mai chúng ta mới có thể bước lên chuyến đò ấy, dầu cho là một bậc Quân vương có uy thế lừng trời hay một bà Hoàng hậu vốn là mẫu nghi trong thiên hạ…
Khi Đức Phật còn tại thế, Ngài đã dạy về nhân cách sống của một con người và Ngài cũng dạy về nguyên nhân của sanh tử bì lao như thế nào, để từ đó người tại gia cũng như người xuất gia rút ra những kinh nghiệm, rồi thực hành theo để lợi mình và lợi người trong khi sống cũng như sau khi đã chết. Trong kinh Tạp A Hàm có kể lại một câu chuyện như sau:
Một hôm Ngài A Nan cầm một cành hoa lên và bạch Phật rằng:
“Kính bạch Đức Thế Tôn, con ngửi thấy mùi của bông hoa nầy rất thơm, mà ngay cả cành và lá của nó cũng thơm, nhẫn đến rễ của nó cũng thơm nữa, không biết có loài hoa nào hương thơm của nó có thể bay được ngược gió hay không?”
Có chứ! Nầy A Nan, “Đó là những người Cư sĩ tại gia giữ tròn năm giới cấm. Đó là những người tại gia thực hành Bát Quan Trai Giới mỗi tháng 6 ngày vào các ngày mồng tám, mười bốn, rằm, hai mươi ba, ba mươi và mồng một. Đó là những người Cư sĩ tại gia giữ trọn mười điều lành của thân, của miệng và của ý. Chính đó là những hương thơm, dầu ngược gió cũng có thể bay khắp muôn phương”.
Chừng ấy việc thôi, nếu chúng ta đọc và suy nghĩ kỹ cũng như thực hành thì giá trị vô song. Đây chính là đức hạnh, đây chính là con đường dẫn đến các cõi nhân thiên thiện lương. Đây chính là hành trình của những con người hướng đến hướng giải thoát sanh tử.
Cũng có khi các vị đệ tử xuất gia của Ngài thắc mắc về nhiều đề tài khác nhau và mang ra tranh cãi, khi Ngài nghe lớn tiếng ồn ào ở một góc Tịnh Xá nào đó, thì Ngài mới bảo Đại Chúng nhóm họp lại để Ngài giải nghi cho chư Tăng hiện diện. Thông thường Ngài hay dạy như trong các kinh Trường A Hàm, Trung A Hàm và Tạp A Hàm như sau:
Phàm vật đó có hình tướng hay không?
Bạch Thế Tôn, có
- Vậy vật ấy có bị vô thường chi phối hay không?
- Bạch Thế Tôn, có
- Vậy vô thường do đâu mà có?
- Do sự khổ mà ra. Bạch Thế Tôn.
- Sự khổ ấy từ đâu mà sanh?
- Bạch Thế Tôn, do vô minh và ái nhiễm mà có.
- Vậy vô minh và ái nhiễm từ đâu mà sanh?
- Bạch Thế Tôn, do sự sanh mà có.
- Vậy sanh từ đâu đến?
- Bạch Thế Tôn, từ chấp ngã, thủ mà có.
- Vậy căn bản của ngã và thủ là gì?
- Bạch Thế Tôn, là không, là vô tướng.
Cứ như thế và như thế, Ngài đã giải rõ mọi hành hoạt và nguyên nhân. Người xuất gia hay người tại gia nào chiêm nghiệm được những lời dạy ấy rồi, đem ra quan sát, thực hành ắt sẽ có kết quả ngay.
Một hôm có một vị Tỳ Kheo đến hỏi Phật rằng:
- Bạch Đức Thế Tôn, ngã và ngã sở là gì vậy?
- Ví như hai bàn tay chạm vào nhau, chúng ta sẽ nghe một âm thanh, nhưng ngươi hãy quan sát kỹ là âm thanh ấy trước khi xảy ra nó ở đâu và sau khi âm thanh ấy không còn nữa thì nó sẽ đi về đâu? Ngã nó cũng như thế đó. Vì nó không có thật tướng như âm thanh kia, nhưng chúng sanh cứ cho là thật, nên cứ bám víu vào đó và khổ đau, sanh tử từ đây mà thành. Còn ngã sở tức là những gì thuộc về mình, nhưng các ngươi nghiệm xem có đúng như vậy chăng?
Ví như một đống củi để đó, có người mồi lửa để đốt. Rõ ràng là ta thấy có củi và có lửa hiện hữu, nhưng khi củi hết, lửa tắt rồi thì lửa ấy đi về đâu? Những người chấp cái nầy là của ta, cái nầy thuộc về ta cũng như thế ấy. Thật ra chẳng có cái nào có cái tướng thật cả. Do vậy con người mới khổ đau và dẫn đến sanh tử bì lao.
Trong Kinh Tăng Nhất A Hàm quyển thứ tám, Đức Phật đã dạy cho Ngài A Nan quán về An Ban (Ànàpàna), có nghĩa là quán niệm về hơi thở. Đây là một kinh cũ nhất trong các kinh và các Tỳ Kheo và các Phật tử vẫn còn thực hành cho đến ngày nay trên quả địa cầu nầy, dầu cho đó là Nam Tông hay Bắc Tông, Đại Thừa hay Kim Cang Thừa cũng đều lấy kinh nầy làm chính. Đức Phật dạy rằng:
“Khi hít hơi thở vào, ngươi biết rằng đang hít vào, khi thở hơi thở ra, ngươi biết là đang thở ra. Khi hít hơi thở vào ngươi biết là hơi thở lạnh, khi thở hơi thở ra, ngươi biết là hơi thở ấm. Cứ thế ngươi lần lượt quan sát về vô thường, về khổ về không và vô ngã cũng như vậy”.
Thế là Ngài A Nan thực hành ngay. Hôm ấy Ngài không ăn, quyết ghi nhớ lời Phật dạy, dành thời gian để quán niệm về hơi thở và cuối cùng Ngài đã tự tại, giải thoát, rời khỏi mọi sự ràng buộc của thế gian và đến trước Đức Phật, đầu lễ sát dưới chân Phật và bạch rằng:
- Kính bạch Đức Thế Tôn, “Con việc sanh đã hết, những phạm hạnh đã lập, việc nào cần làm con đã làm xong và con biết chắc một điều là kiếp sau con không còn tái sanh nữa”.
Đức Phật khen tặng công hạnh của Ngài A Nan và báo cho các vị Tỳ Kheo khác biết rằng: Đây chính thật là một vị đã rõ biết con đường sanh tử.
Hầu hết các vị A La Hán đều chứng quả như vậy. Các Ngài chứng Thánh quả nầy khi còn sanh tiền chứ không phải khi các Ngài nhập diệt. Chứng là chứng cái gì? Đó là hiểu rõ tận gốc của sanh tử bì lao, không còn bị sanh tử chi phối nữa. Người chứng quả sẽ làm chủ sự sống và sự chết, còn người chưa chứng quả, chính sự sống chết làm chủ mình. Cái khác nhau giữa Thánh nhân và phàm phu là vậy. Người phàm chỉ có chấp tướng và chấp ngã, nên mới bị sanh tử chi phối, còn chư vị Thánh nhân đã rõ biết đường đi lối về, cho nên các bậc A La Hán, các vị Bồ Tát hay chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai đều là những người không bị cái chết nó sai xử.
Để kết luận bài nầy, tôi xin nói ngay rằng: Nếu Quý Vị có dịp đọc các Tạng Nam Truyền bằng tiếng Pali hay đã được dịch ra Hán Văn rồi Việt Ngữ hay Nhật ngữ v.v… các kết luận đều như vậy. Nghĩa là 100 vị Tỳ Kheo, 50 vị Tỳ Kheo Ni khi Phật còn tại thế đã chứng được Thánh quả nầy. Nghĩa là các vị ấy sau khi đã quán sát sanh tử luôn nói rằng: “Ta việc sanh đã hết, những phạm hạnh đã lập, những việc nào cần làm, ta đã làm xong và ta biết chắc một điều là kiếp sau ta không còn tái sanh nữa”.
Riêng 40 vị Cư sĩ nam và 30 vị Cư sĩ nữ chỉ chứng ba quả đầu của tứ Thánh quả khi Đức Phật còn tại thế, nên đã chưa nói ra được sự rõ biết của con đường sanh tử nầy, vì ái dục vẫn còn thì sanh tử vẫn còn hiện hữu và ngay cả con đường của Đại Thừa Bồ Tát cũng như vậy. Nghĩa là người Cư sĩ có thể giải thoát sanh tử được, nhưng chưa có thể vào ngôi vị của A La Hán hay Phật quả. Vì ái nghiệp vẫn còn. Xin nguyện cầu cho tất cả chúng ta sớm xa lìa lưới ái, để có được sự tự chủ trong vấn đề sanh tử của mình.
Thích Như Điển
Viết xong ngày 12 tháng 2 năm 2015 tại Tu Viện Viên Đức vào một sáng mùa Đông khi bên ngoài tuyết vẫn còn rơi.
_____________________________
Đi cớ bót
● HT. Thích Như Điển
Năm nay 2015 tôi có đến ba mùa Xuân. Đó là mùa Xuân của nước Đức, mùa Xuân của nước Nhật và mùa Xuân của Hoa Kỳ. Thông thường mùa Xuân bắt đầu vào cuối tháng 3 dương lịch và kéo dài ba tháng như vậy, để thuận với lẽ tuần hoàn của vạn hữu là Xuân, Hạ, Thu, Đông; nhưng cũng có nhiều nơi mỗi năm chỉ có hai mùa như quê tôi Việt Nam, là mùa mưa và mùa nắng. Trong khi đó Âu Châu, nhất là vùng Bắc Âu, mỗi năm cũng chỉ có hai mùa. Đó là mùa lạnh kéo dài nhiều khi đến 6 hay 7 tháng và mùa ấm chỉ có chừng 3 đến 4 tháng là cùng. Dĩ nhiên là sẽ không có mùa Hè và trời vào Thu lại nhanh lắm, để đón tiếp một mùa Đông băng giá lạnh lùng.
Không biết là thiên nhiên ưu đãi con người hay con người phải bị lệ thuộc vào thiên nhiên, để rồi cùng sống, cùng hít thở với khí trời và muôn vật, nhưng điều căn bản là con người cần phải sống trên quả địa cầu nầy, dầu cho có bao nhiêu mùa Thu qua, Đông lại hay Thu sang Hè đến, con người vẫn phải thích nghi với mọi hoàn cảnh trong mọi không gian để được sống còn và được tồn tại. Nhìn những con vật sống thiếu thốn cỏ, nước khi băng giá phủ kín khắp núi rừng, không có gì để nuôi thân hay những chiếc xe hơi phải gồng mình chịu đựng với nhiệt độ đôi khi trừ dưới cả mấy chục độ Celcus, tôi nghĩ rằng: “Những con vật này và những dụng cụ di chuyển ấy sao mà tài tình thế, chúng phải thích nghi với mọi hoàn cảnh để sinh tồn và hữu dụng”; nhưng cũng có nhiều người bảo với tôi rằng: “Con người còn giỏi hơn những vật thể kia nữa, vì trời có nóng đến bao nhiêu độ như ở Phi Châu hay lạnh đến bao nhiêu độ như ở Alaska, con người vẫn phải sống và phải phấn đấu để tồn tại”. Nghe ra cũng hữu lý phải không quý vị?
Tôi rời Đức vào sáng ngày 20 tháng 3 năm 2015 từ phi trường Frankfurt để đi Amsterdam và địa điểm cuối cùng là gặp nhau tại phi trường Kansai Osaka, Nhật Bản vào ngày 21 tháng 3. Ngày nầy cũng là ngày Ohigan (lễ Bỉ Ngạn) hay nói đúng hơn là lễ Thanh Minh của người Nhật, kéo dài trong một tuần lễ cho đến ngày 28 tháng 3 mỗi năm như thế. Tại Nhật mỗi năm họ có đến hai lễ Thanh Minh. Đó là vào mùa Xuân và mùa Thu. Ohigan của mùa Thu bắt đầu từ ngày 21 tháng 9 cho đến 28 tháng 9 mỗi năm, họ chỉ tính theo dương lịch, chứ không phải âm lịch như chúng ta hoặc Đài Loan. Rời Đức đã vào Xuân, khí trời tương đối ấm áp, nên tôi chỉ khoác thêm một tấm khăn choàng cổ và đội một mũ len như thường lệ, chứ không mang áo khoác bên ngoài. Vì lẽ những cuộc hành trình tiếp tục của tôi trong những ngày tháng tới, đều bắt đầu từ cái tối đến cái sáng, từ cái lạnh cắt da vào Đông để đi đến những nơi ấm áp hơn là Nhật Bản và Hoa Kỳ. Cuối cùng rồi tất cả 31 người gồm tám quốc tịch cũng đã gặp nhau qua những câu hỏi, lời chào. Đó là Úc Châu xa xôi trong muôn vạn dặm, Hoa Kỳ và Canada. Bên Âu Châu có đến 5 nước đại diện, đó là Na Uy, Đan Mạch, Đức, Pháp và Thụy Sĩ. Lần nầy số người tham gia hành hương Nhật Bản khiêm tốn hơn lần trước, vì lẽ đi nhiều ngày hơn, nên những người đi làm khó lấy phép trọn vẹn cho 21 ngày như thế. Lần trước vào năm 2013 có đến 84 người và đi cả hai xe Bus, nhưng ở Nhật chỉ được một tuần lễ và dĩ nhiên là chỉ đi đến được những nơi cần phải đi, còn những nơi quan trọng khác đành phải chờ đến năm 2015 nầy mới thực hiện được trọn vẹn. Ngoài ra một lý do tế nhị khác là tài chánh. Ở Nhật cái gì cũng đắt đỏ, nên càng đi lâu ngày thì số chi phải tăng theo cấp số cộng hay cấp số nhân, nên nhiều người khi muốn đi Nhật phải tự lượng lại sức của mình, nên mới có sự chần chờ do dự là vậy. Ví dụ như dùng sáng ở một khách sạn 4 hay 5 sao phải trả thêm 3.000 đến 3.500 Yen, tương đương với 30 hay 35 USD, mà vốn ở những xứ Âu Mỹ khác, thông thường ăn sáng tại khách sạn đã được tính chung trong tiền thuê phòng rồi. Một củ khoai lang nướng có xuất xứ từ Hokkaido, người mua phải trả đến 8 USD, một trái bắp nướng đôi khi phải trả đến 4 hay 5 USD là chuyện thường. Nếu cứ đứng đó mà so đo giá cả thì chúng ta sẽ bị đánh bật ra ngoài, vì nhiều người khác phải cần mua và cần trả tiền cho người bán hàng. Do vậy những ai đi Nhật phải nên hiểu rằng: Thời gian cấp bách lắm, phải quyết định nhanh cho mọi việc và phải đúng giờ cũng như phải sạch sẽ, ngăn nắp. Đó là lối sống của người Nhật, mà nếu ai là người ngoại quốc sống hay đi du lịch tại Nhật, nhất cử, nhất động phải làm theo. Nếu không, mình sẽ bị loại trừ ra khỏi cộng đồng sinh hoạt nầy ngay từ thuở ban đầu và chưa chắc gì có thể tham dự suốt chuyến hành hương được.
Giá sinh hoạt tại Nhật rất đắt đỏ. Nếu là khách du lịch, mỗi ngày phải trả cho những dịch vụ công cộng như di chuyển, ăn uống, vé vào cổng những nơi danh lam thắng cảnh v.v… ít nhất cũng phải là 100 USD. Đó là chưa kể đến tiền khách sạn. Tùy theo loại bao nhiêu sao thì giá tiền cũng theo đó mà lên xuống; nhưng trung bình không dưới 100 USD cho mỗi đêm như vậy. Có nhiều người đề nghị rằng: Thôi thì bớt ăn, bớt đi để cho đỡ tốn kém. Nghe ra cũng hữu lý, nhưng như vậy thì đâu còn ý nghĩa của việc đi du lịch nữa. Viết đến đây tôi nhớ một câu chuyện xưa chừng 50 năm hơn về trước, khi còn học đệ thất tại trường Trung Học Bồ Đề Hội An, vào giờ Pháp Văn của Cụ Giáo Sư Phạm Phú Hưu, trong Cours de Langue của Mauger như sau:
“Có một anh chàng người nhà quê lên Paris để đi du lịch. Khi đến Paris anh ta không có người quen, nên anh ta chọn một chiếc Taxi để đi xem phong cảnh. Khi lên xe, anh ta chỉ chăm chú nhìn vào chiếc đồng hồ Taxi nhảy số tiền, chứ chẳng thấy được phong cảnh bên ngoài bao nhiêu. Anh ta nóng ruột quá, nên bảo người tài xế cho anh ta xuống xe. Sau khi thanh toán tiền Taxi, anh ta tìm cách về lại quê với những phương tiện rẻ tiền nhất. Khi trở lại quê xưa, mọi người dân trong làng ùa đến thăm anh và hỏi rằng: Anh văn minh quá, đã đi được đến thủ đô hoa lệ của nước Pháp chúng ta, đó là Paris muôn màu, là kinh đô của ánh sáng. Vậy anh hãy kể cho chúng tôi nghe, anh đã trông thấy những gì nào? Người đi Paris du lịch ấy trả lời rằng: Tôi chỉ thấy Taximètre mà thôi! Mọi người ồ lên cười, rồi vội vã trở lại công việc nhà của mình…”.
Thuở đó ở tuổi 14, 15 khi đọc đến chuyện nầy tôi thấy vui vui và bây giờ sau hơn 43 năm ở ngoại quốc, đi đến cả 73 quốc gia trên 5 châu lục nầy, mỗi lần nhớ đến “chiếc đồng hồ taxi tính tiền” của anh chàng du lịch Paris mà mỉm cười cho chính thân phận của mình.
Phái đoàn của chúng tôi dùng xe Bus để di chuyển suốt một tuyến đường dài trong 21 ngày ấy tại Nhật. Bắt đầu đi từ Osaka đến Fuchu, nơi có Đức Địa Tạng không đầu (xem thêm quyển Những mẫu chuyện Linh Ứng của Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát), kế tiếp đi Hiroshima, rồi xe chạy ngược về Nara để những ngày sau đó đi thăm những ngôi chùa nổi tiếng tại Kyoto và Nara (xem thêm hình ảnh hành hương của phái đoàn đã được đăng tải trên các Website như: quangduc.com ở Úc; hoavouo.com ở Hoa Kỳ và viengiac.de ở Đức), sau đó đoàn đi thăm núi Phú Sĩ, ở tại khách sạn Washingon vùng Kofu. Tại đây tôi vì vội vã nên đã bỏ quên chiếc khăn quàng cổ và cái mũ len. Rõ ràng là đã già rồi, tuổi 67 không còn trẻ nữa, nên mới có chuyện để nói. Tôi đem việc nầy nói cho ông tài xế xe Bus người Nhật nghe, tên ông ta là Suwabe, tài xế của hãng xe Sawai Kanko. Không ngờ ông nầy là tín đồ Phật Giáo của chùa Honryuji, nơi tôi đã ở tại Hachioji từ những năm 1973 đến 1977 để đi học. Do vậy mà những đề nghị gì về việc thay đổi chương trình di chuyển của đoàn về sau nầy đều rất dễ dãi và thoải mái. Tôi nhờ ông ta gọi cho khách sạn Washington tại Kofu nói về chiếc mũ và cái khăn choàng cổ bị bỏ quên, sau đó ông mỉm cười và nói: “Thầy đừng lo, ngày mai những vật ấy sẽ được gửi đến khách sạn Mystays tại Haneda”. Đúng như lời hứa ấy, vào chiều ngày 2.4.2015 tôi đã nhận được lại chiếc khăn quàng cổ và cái mũ đã mang đi từ Đức, vì mùa Xuân khí trời vẫn còn lạnh, nếu không có những vật hộ thân nầy thì cũng khốn khổ.
Ngày 3 tháng 4 năm 2015 có 4 Phật tử ở tiểu bang Florida phải về nước trước, vì công ăn việc làm của họ. Phái đoàn bây giờ còn lại 27 người. Hôm đó chúng tôi đi Kamakura để viếng thăm tượng Phật lớn bằng đồng rất nổi tiếng từ thế kỷ thứ 13, nhưng tượng nầy cũng không cao bằng tượng Ushiku ở Ibaraki do phái Tịnh Độ Tông xây dựng chừng vài chục năm về trước. Tượng cao 120 mét, nghĩa là lớn gấp ba lần tượng nữ thần tự do tại New York. Tất cả đều làm bằng đồng và nếu tính theo lối bình thường thì tượng nầy bằng một tòa lâu đài cao 45 từng (nếu mỗi từng chiều cao độ 2 mét rưỡi). Thế giới chỉ có một chứ chưa có tượng nào lớn bằng tượng nầy. Tối hôm ấy về lại khách sạn Mercure ở Yokosuka. Đây là một hải cảng quân sự, gần Tokyo, gồm nhiều tàu Hải Quân và kể cả tàu ngầm của Hoa Kỳ đang thả neo tại đó. Do vậy, khách sạn ở đây kiểm soát rất kỹ lưỡng những người khách đến cũng như đi. Tối đó tôi không khỏe lắm, nên không đi ra ngoài dùng tối cùng đoàn và đây mới là việc chính như đầu đề câu chuyện đã đề cập. Nguyên là có hai ông bà người Việt, có quốc tịch Hoa Kỳ ở vùng Seattle sau khi dùng tối đã để quên tại nhà hàng một cái ví quan trọng, trong đó có hai Passport Hoa Kỳ và một số hiện kim USD. Khi nhớ ra, trở lại hỏi thì nhân viên nhà hàng bảo rằng không thấy. Kẻ hỏi thì giỏi tiếng Anh mà người nghe không rành, nên đành chỉ chỏ ra dấu rồi trở về lại khách sạn, đêm đó người mất giấy tờ ngủ không yên chút nào.
Sáng hôm sau ngày 4 tháng 4 năm 2015 cũng là một ngày được gọi là định mệnh, như đã được an bài. Vì số 4 đọc theo tiếng Nhật là Shi, mà Shi của số 4 kia cũng đồng âm với chữ Tử. Do vậy, người Nhật hầu như không dùng đến số 4 ở một số nơi nhạy cảm như bệnh viện, nhà dưỡng lão v.v… thế mà ở vào một sự trùng hợp nào đó, hôm ấy gặp đến hai con số 4, ngày cũng 4 mà tháng cũng 4 nữa. Sáng hôm ấy tôi cũng không dùng sáng được, vì cái bụng nó làm reo. Thầy Hạnh Nguyện đi vào phòng tôi hỏi rằng: “Sư Phụ có biết chuyện gì đã xảy ra vào tối hôm qua không?”, dĩ nhiên là tôi trả lời: “Không hay biết gì cả” và Thầy ấy nhờ tôi sang tiệm ăn hôm qua để hỏi bằng tiếng Nhật một lần nữa cho tỏ tường. Tiệm mới mở cửa, có người đến hỏi chuyện mất đồ tối hôm qua, nhân viên nhìn qua nhìn lại và có người dưới bếp nói với lên rằng: “Hình như hôm qua đã có người nhận được, hãy liên lạc với chỗ Information trong khu buôn bán nầy ở tầng hai để nhận lại”. Khi nghe tôi dịch lại sang tiếng Việt hai chữ “hình như” đã làm cho hai ông bà mừng lo lẫn lộn. Tuy nhiên theo lời khuyên của nhân viên Tòa Đại Sứ Mỹ tại Tokyo hôm đó thì nên đi cớ bót cảnh sát để có bằng chứng và thứ hai tuần sau họ sẽ giúp cho việc cấp tạm giấy tờ để trở lại Hoa Kỳ vào ngày 8 tháng 4 nầy. Hôm đó là ngày thứ Bảy (4.4.2015) nên mọi cơ quan công quyền đều không làm việc, nên có đi đến đâu cũng chỉ thế thôi, ngoại trừ đi cớ bót cảnh sát gần đó. Ba Thầy trò đi bộ đến bót cảnh sát. Người trực phiên hôm đó còn rất trẻ, hỏi han tỉ mỉ mọi việc và ghi vào giấy khai báo, đoạn họ đưa cho hai ông bà một mảnh giấy nhỏ độ cỡ một bàn tay và bảo rằng: “Nếu vật bị mất mà tìm ra được thì nên giao con số nầy lại cho bất cứ một bót cảnh sát nào đó trên nước Nhật nầy cũng được, để biết rằng việc cớ bót đã hoàn tất”. Chúng tôi cảm ơn và trở về lại khách sạn để tiếp tục cuộc đăng trình đi Kamakura để viếng thăm chùa Viên Giác và chùa Tịnh Trí. Xe chạy qua những khu hoa Anh Đào nở rộ, ai nấy trong xe Bus đều trầm trồ, khen ngợi và mỗi người mỗi cách khác nhau để tán dương cho loài hoa đặc biệt ấy. Nào là: Loài hoa quý phái, loài hoa vương giả, loài hoa cao thượng v.v… tất cả vẻ đẹp đều nhắm vào hoa Anh Đào để tán thưởng, mà mọi người quên đi rằng trong xe Bus nầy có hai người đang tím ruột bầm gan vì lẽ giấy tờ cũng như tiền bạc đã bị mất hết rồi. Riêng tôi có an ủi hai ông bà và mọi người trong xe rằng: “Không có gì phải lo cả, nếu cái ví ấy được người Nhật nhặt được thì khỏi phải lo, nhưng… (với chữ nhưng nhiều lo ngại lẫn nghi ngờ)… nhưng nếu gặp người Việt Nam hay những người ngoại quốc khác lượm được thì chưa chắc đó…”.
Sau khi thăm chùa Viên Giác (Enkakuji) mọi người vui vẻ bảo nhau rằng: “Tại sao hôm nay chúng con về thăm Tổ Đình mà cũng phải trả tiền vé vào cửa”? câu hỏi hơi khó trả lời. Vì tất cả những chùa thuộc danh thắng của Nhật Bản, bất cứ là ai khi đi viếng cảnh đều phải trả tiền vào cổng, ngoại trừ các vị Tăng Sĩ. Điều ấy hình như đã thành lệ tại đây. Còn chùa Viên Giác tại Đức lâu nay được tồn tại và phát triển do sự đóng góp cúng dường tự nguyện chứ không bắt buộc”… Mọi người tỏ vẻ hài lòng và bảo nhau rằng: “Thôi thì nhập gia phải tùy tục vậy”.
Khi đến chùa Tịnh Trí (Jochi), sau khi mua vé vào cửa xong thì có điện thoại từ khách sạn Mercure ở Yokosuka gọi vào máy của Thầy Hạnh Nguyện và tôi đã nghe báo tin bằng tiếng Nhật là “Cái ví của hai ông bà khai mất tối hôm qua, bây giờ đã có người đem nộp chỗ Information tại tầng hai của siêu thị ở Yokosuka, vậy ngay từ bây giờ quý vị có thể đến đó để nhận diện và lấy lại đồ đã bị thất lạc của mình”. Tôi cảm ơn và trả lời rằng: “Bây giờ chúng tôi còn phải tiếp tục đi phố người Hoa tại Yokohama, đến chiều chúng tôi sẽ đến nhận lại” - “Vâng! Như thế cũng ổn thôi”. Sau khi cúp điện thoại, mọi người vỗ tay ầm ĩ, khiến nhiều khách Nhật tham quan chùa hôm đó chẳng biết là chuyện gì đã xảy ra với chúng tôi, và ai trong chúng tôi cũng mỉm cười vui vẻ, chẳng có ai lộ trên nét mặt vẻ u buồn. Vui nhất ngày hôm ấy dĩ nhiên là hai ông bà bị mất giấy tờ. Thế là niềm tin về người Nhật của chúng tôi càng tăng thêm nhiều hơn nữa qua hai sự kiện vừa kể trên.
Đến chỗ Information của siêu thị tại Yokosuka nhận diện đồ mất, ánh mắt của bà vui mừng khó tả. Sau khi thấy được cái ví của chính mình đã đánh rơi vào tối hôm qua, bà nhẹ tay mở ví và lôi ra trước hai cái Passport Hoa Kỳ và một gói tiền USD được bọc kín cẩn thận cùng với những thuốc uống tùy thân. Hầu như chẳng có ai mở ra để xem trong đó có những gì và người nhặt được chỉ có nhiệm vụ đem trả lại, chứ không cần tìm hiểu nội dung trong chiếc ví ấy. Sau khi nói những lời cảm ơn chân thành bằng tiếng Nhật với cô nhân viên ngồi tại quầy Information, cả ba chúng tôi đi đến trạm cảnh sát gần đó để trả lại mật mã đã cớ bót và tôi đã cảm ơn những người cảnh sát bằng tiếng Nhật như sau: “Honto ni Watashitachi ga gaikokku kara, Nihon ni kitte, kono Jiken no atode, Watashitachi wa Nihonjin no mae ni Atama o sagashinakerebanaranai, too iu no wa, doko no Kuni ni kitte mo, Nihonjin no joo ni nittenai. Deskara, honto ni arigatoo gozaimasu” nghĩa là: “Với chúng tôi, những người đến Nhật Bản từ ngoại quốc, sau sự kiện nầy, chúng tôi phải cúi đầu chào người Nhật. Nghĩa là dẫu cho có đến bất cứ một nơi nào trên thế giới, không có nơi đâu giống như nước Nhật nầy cả. Cho nên chúng tôi xin chân thành niệm ân của quý vị.” Đây chắc hẳn không phải là những lời khách sáo, nên cả họ và chúng tôi đều cúi đầu chào nhau như đã từng gặp gỡ từ bấy lâu rồi.
Sau sự kiện Tsunami đã xảy ra vào ngày 11 tháng 3 năm 2011 vừa qua tại 4 tỉnh miền Đông nước Nhật đã có không biết bao nhiêu bài tường thuật trên báo chí cũng như truyền hình về cung cách của người Nhật, từ người lớn cho đến em bé… tất cả đều trật tự, nhường nhịn nhau, không chen lấn nhau chỉ để được giành cho phần mình và đặc biệt là có đến 8.000 cái két sắt nhặt được sau cơn địa chấn ấy, nhưng chỉ có 3.000 cái có chủ nhân nhận lại, còn 5.000 cái, mỗi cái trong đó có chứa hằng triệu USD hay tiền Yen, nhưng không có chủ đến tìm, có lẽ họ là những người bất hạnh trong số 17.000 người mất tích ấy và họ cũng không còn thân nhân để đến nhận lại khối tài sản kia, nên các sở cảnh sát địa phương vùng Fukushima vẫn còn lưu giữ những két sắt nầy. Đó là những thông tin chính thức từ nhà nước Nhật Bản, nhưng cũng có nhiều nhà báo Việt Nam ở ngoại quốc không tin và có nhiều ký giả cho rằng: Bộ người Nhật họ thành thật đến như vậy sao? Họ không bị mất cắp hay sao? Họ thánh thiện như vậy hay sao? v.v… và v.v… tôi xem những tin ấy không cải chánh giùm cho người Nhật, nhưng khi quý vị đã đọc hai sự kiện trên rồi, chắc chắn quý vị cũng có thể rõ một điều là tại Nhật, nếu bạn đi đường hay ở khách sạn, nếu lỡ làm rơi một món đồ nào đó mà có xuất xứ rõ ràng thì bạn không nên lo lắng quá đáng. Vì ở Nhật hầu như không bao giờ có việc ăn cắp vặt cũng như ăn cướp ban ngày như ở một số nước khác tại Á Châu. Để chứng minh cho điều nầy, nhân hôm đi Shibuya (thăm tượng con chó bằng đồng gọi là Hachiko {Bát Công} để giải thích cho mọi người về lòng trung thành cũng như đúng giờ của con chó đối với chủ, dầu cho chủ của nó có chết đi. Và văn hóa ấy đã lấn sang Hoa Kỳ, để tài tử nổi tiếng Hollywood Richard Geere, cũng là một Phật tử đã đóng bộ Phim nổi tiếng nầy, khiến cho thế giới phải ngợi khen cho sự thẩm thấu về nền văn hóa của Nhật đối với nước Mỹ văn minh ngày nay, tôi vào bưu điện mua một loại bì thư gọi là “Genkin no Futoo” (bao thơ để bỏ tiền mặt vào đó và gửi đi trong nước Nhật). Loại nầy đã có từ khi tôi đến Nhật (1972) và nay vẫn còn. Nghĩa là người gửi bỏ tiền mặt vào bì thư, ghi địa chỉ người nhận và người gửi rõ ràng và đặc biệt là phải ghi rõ số tiền mặt trong bao thơ bao nhiêu, để trị giá lệ phí và bảo đảm nếu có mất thì sẽ được bưu điện Nhật đền lại tương đương. Trong xe Bus, tôi giải thích và tặng cho đại diện của 8 nước tham gia chuyến hành hương nầy mỗi nơi một bao thơ gửi tiền mặt như vậy để cho mọi người thấy rằng tại Nhật Bản, độ tin cậy giữa con người và con người rất chính xác, không phải sợ trộm cướp và mất mát bất cứ một thứ gì cả. Cho nên người dân ở đây an tâm trong cuộc sống, không phải lo toan như một số dân tộc khác trên thế giới, trong đó có dân tộc Việt Nam của chúng ta tại quốc nội của mình.
Tôi chấm dứt bài viết nầy bằng một tin mới nhất là Nhật Bản đã chế tạo được xe điện từ trường chạy 605 cây số giờ và chính thức sẽ được triển khai ra thị trường vào năm 2027. Không biết lúc ấy tôi có còn sống không, để được đi loại xe điện nầy, nhưng chắc chắn một điều là nhà vệ sinh công cộng của Nhật sạch sẽ hơn nhiều nhà vệ sinh trên thế giới, vì lẽ tại đó mọi người dân đều có ý thức trách nhiệm của mình cho mọi vấn đề của cuộc sống, không chờ đợi ai lo cho mình, mà mỗi người phải tự có bổn phận đối với tự thân, gia đình, quốc gia và xã hội. Nếu ai đó bảo rằng: Hoa Anh Đào là loại hoa đẹp nhất tại xứ Nhật, tôi bảo không sai, nhưng cái đẹp nhất của người Nhật trong hiện tại là “nhà vệ sinh công cộng, chứ không phải Hoa Anh Đào”, mà vốn những loại kỹ thuật điện tử nầy người Nhật đã học lại của Âu Châu và Mỹ Châu, nhưng ngày nay họ đã bỏ lại các châu nầy về kỹ thuật số rồi.
Đừng chờ đợi nữa, mà hãy gắng lên để tiến về phía trước. Đó là lời cầu chúc của riêng tôi đối với những ai có quan tâm về đạo đức, giáo dục cũng như về tương lai của xứ sở mình.
HT. Thích Như Điển
Viết xong vào lúc 11 giờ sáng ngày 23 tháng 4 năm 2015 tại chùa Hải Đức vùng Jacksonville thuộc Tiểu Bang Florida Hoa Kỳ nhân Phái Đoàn Hoằng Pháp có mặt tại đây từ ngày 21 đến ngày 28 tháng 4 năm 2015.
_________________________________
Đại lễ Phật Đản Quốc Tế tổ chức tại UNESCO Paris
Kỷ niệm Đản Sinh lần thứ 2639 của Đức Phật
từ ngày 27 đến 29 tháng 5 năm 2015
● Thích Như Điển
Cách đây hơn 10 năm tại trụ sở Liên Hiệp Quốc ở New York, Hoa Kỳ, các thành viên của Liên Hiệp Quốc đã đồng thuận mỗi năm lấy ngày Vesak của Đức Phật làm ngày Phật Đản của thế giới. Theo truyền thống của các xứ Phật Giáo Nam Tông thì Vesak có nghĩa là lễ Tam Hợp, kỷ niệm cả ngày Đản Sanh lẫn ngày Thành Đạo và nhập Niết Bàn của Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni. Đây là một điều rất đáng tán dương và ca ngợi, không phải chỉ riêng cho người Phật tử mà cho cả toàn thể nhân loại hơn 6 tỷ người hiện có mặt trên quả địa cầu nầy. Tuy quá trễ vì Đức Phật đã ra đời tại Ấn Độ, tính từ đó đến nay đã hơn 25 thế kỷ rồi, trong khi đó những tôn giáo khác có mặt trễ hơn, nhưng đã được thế giới nhìn nhận sớm hơn. Nếu không nhờ các nước thành viên Phật Giáo như Tích Lan, Thái Lan, Bhutan, Miến Điện v.v... can thiệp, đề nghị với Liên Hiệp Quốc, thì chắc rằng ngày sinh ra đời của Ngài cũng chỉ có giới Phật tử biết đến mà thôi.
Tại trụ sở Liên Hiệp Quốc (UNESCO) ở Paris, đây là lần thứ tư Tòa Đại Sứ Tích Lan cộng tác với Tịnh Tông Học Hội của Pháp Sư Tịnh Không, có trụ sở tại Brisbane Úc Châu đứng ra tổ chức trong ba ngày trên. Được biết năm 2013 khi cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm còn sanh tiền, Ngài với tư cách là Chủ Tịch Hội Đồng Tăng Già tại Pháp, đã được mời đọc diễn văn của lần tổ chức thứ hai tại trụ sở nầy. Năm 2014 Ngài đã vắng bóng và năm nay 2015 Thầy đã vĩnh viễn rời xa diễn đàn nầy để đi vào cõi không vô tướng của chư Phật. Tôi, trong sự tình cờ đến Paris lần nầy để dự tuần chung thất của Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh, được tổ chức tại chùa Linh Sơn vào ngày 28.5.2015, cũng như dự định dành nhiều thời gian để đi thăm công trình xây cất chùa Khánh Anh mới trong giai đoạn cuối, cho kịp lễ Khánh Thành từ ngày 13 đến 16 tháng 8 năm 2015 nầy, nhưng Thầy Quảng Đạo thấy tôi qua, nên rất vui để mời tôi cùng đi tham dự lễ Phật Đản Quốc Tế nầy.
Nhìn chương trình tổng quát và chi tiết của 3 ngày Đại Lễ, chúng tôi có một khái niệm chung và sẽ chọn ra những giờ giấc thích hợp để tham gia cùng với những người Phật tử năm châu câu hội về Paris trong những ngày lễ hội quan trọng như thế nầy, lòng tôi cảm thấy hân hoan và tự cảm nhận rằng: Hình như mình cũng phải có trách nhiệm để hiện diện trong một dịp may hiếm quý như thế nầy. Trụ sở UNESCO nằm không xa chùa Khánh Anh cũ mấy, nên sau 30 phút bằng xe hơi, đạo hữu Minh Đức đã đưa chúng tôi đến tận nơi tổ chức. Sau khi qua kiểm tra của các khâu hành chánh, chúng tôi đã vào bên trong hội trường dành làm nơi tổ chức. Nhìn lên trên khán đài, người tham dự biết ngay là Phật Giáo Tích Lan và Tịnh Tông Học Hội đứng ra tổ chức và bao biện mọi mặt cho ba ngày lễ nầy. Nào ăn uống, triển lãm, âm nhạc, cư trú v.v... tất cả đều có sự kết nối với nhau rất hài hòa, không những chỉ có người Á Châu, mà người Âu, người Phi, người Úc, người Mỹ cũng tham gia trong nhiều diễn đàn khác nhau của Đại Lễ. Đây là những hình ảnh thật là tuyệt vời trong ngày kỷ niệm sự giáng trần của Đức Phật.
Ngày đầu tiên lễ khai mạc rất là trang nghiêm và thanh tịnh. Tuy hội trường chứa 2.000 người vẫn còn trống, nhưng đâu đó sắc màu của những chiếc y vàng của Nam Tông, xen lẫn với màu đỏ tím y áo của Tây Tạng cùng với màu nâu sẩm của Phật Giáo Việt Nam, hòa quyện cùng những người da màu đến từ Phi Châu... tự nó đã nói lên được tính đa dạng của lễ hội nầy.
Chương trình của buổi sáng ngày 27 tháng 5 như sau: Vào lúc 9:20 phút chư Tăng Nam Tông lên lễ đài tụng một bài kinh Pali ngắn, sau đó một vị Tu Sĩ đại diện cho Tịnh Tông Học Hội lên tụng một bài kinh tiếng Hoa. Nghe đâu những năm trước còn có tụng kinh tiếng Việt và tiếng Tây Tạng nữa, nhưng năm nay thì hình ảnh ấy không còn nữa. Do vì Hòa Thượng Thích Minh Tâm đã vắng bóng hai năm rồi, nên sự liên lạc không được chặt chẽ như xưa kia cũng là chuyện bình thường của nhân thế vậy.
Tiếp đến là nghi lễ đốt đèn dầu cúng Phật theo truyền thống Nam Tông Tích Lan như lâu nay họ vẫn cử hành. Những vị khách quý được mời lên châm lửa vào những ngọn nến đã có sẵn, đặt trên một cây đèn có chân cao, nhằm tuyên dương ánh sáng trí tuệ trong giáo pháp của Đức Phật.
Sau phần đốt đèn là diễn văn khai mạc của Ông Akila Viraj Kariyawasam, Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục Tích Lan, đương kim đặc trách thường trực của Tích Lan tại UNESCO. Những vị đọc chúc từ tiếp theo là Bộ Trưởng Bộ Tôn Giáo Tích Lan, Thông Điệp của UNESCO, của Đại Diện Thủ Tướng Macedona, của đặc trách ngoại giao UNESCO, của Ông Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon, của Tổng Thống Tích Lan Maithripala Sirisena và trước lời cảm tạ của Hòa Thượng Dr. Bodagama Chandima, Viện Trưởng học viện Phật Giáo Manelwatta tại Tích Lan là bài phát biểu chủ đề của lễ khai mạc hôm nay do Pháp Sư Tịnh Không đến từ Úc Châu thuyết trình. Ngài nói bằng tiếng Phổ Thông (Hoa Ngữ) và được chuyển dịch sang Anh cũng như Pháp ngữ qua ống nghe. Nếu ai rành Hoa Ngữ thì nghe trực tiếp, ai không rành thì dùng ống nghe để nghe một trong hai ngôn ngữ kia. Ngài năm nay đã trên 84 tuổi, nhưng sức khỏe vẫn còn rất tốt, lời nói hơi khàn, có lẽ vì đường xa từ Úc đến Pháp phải cần mất ít nhất là 26 giờ ngồi trên máy bay. Nội dung xoay quanh sáu điểm then chốt từ gia đình đến xã hội, học đường, ngôn ngữ, văn hóa, niềm tin... để cuối cùng Ngài kết luận là sự “giáo dưỡng và dục thành” (giáo dục) qua con đường giáo dục của Phật Giáo là một vấn đề rất hệ trọng. Phật Giáo sẽ giúp cho môi trường xã hội phát triển an ổn, đồng thời thế giới được hòa bình. Chúng ta người Việt Nam sống tại Úc và các nơi trên thế giới, được biết Ngài là vị sáng lập Tịnh Tông Học Hội cũng như Viện Trưởng học viện Phật Học thuộc Tịnh Độ tại Úc Châu, nhưng trong suốt bài nói chuyện của Ngài, người nghe ít được đề cập đến vấn đề cảnh giới Tây Phương Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà, mà thính chúng được nghe những sự hướng dẫn để giải quyết những sự xung đột trong cuộc sống theo tinh thần Phật Học và qua sự giáo dục của Phật Giáo. Đây là một đề tài hay, cần nghiên cứu và thực hành. Với tuổi trên 80 mà thuyết trình hơn nửa tiếng đồng hồ ở tư thế đứng, quả là một hình ảnh đáng kính phục cho sức khỏe cũng như sự minh mẫn của Ngài.
Sau phần nầy những diễn giả được tặng sách bằng tiếng Anh nhan đề là: “Phật Đản, nền Hòa Bình và sự thân thiện, những suy tư của người Phật tử và sự bảo hộ”. Sau phần nầy chư Tăng Nam Tông đi dùng ngọ trai còn những vị theo truyền thống Đại Thừa cũng như các Phật tử khác thì ở lại Hội Trường để nghe các diễn giả của Thiên Chúa Giáo, Ấn Độ Giáo, Hồi Giáo, Lão Giáo và Phật Giáo liên tiếp lên trình bày những quan điểm của đạo giáo mình qua cái nhìn về thế giới hiện thực nầy. Dĩ nhiên là mỗi một tôn giáo đều có những quan niệm về tinh thần, đạo đức, niềm tin khác nhau, nhưng đạo nào cũng mong muốn cho con người thoát khổ được vui và không quên nhắn gửi đến với mọi người là hãy đến với đạo, chứ không nên ở bên ngoài đạo rồi phê phán thế nầy thế nọ, rốt cuộc chẳng được ích lợi gì mà còn xa rời niềm tin tôn giáo của mình đang theo nữa. Thượng Tọa Dr.Thawalama Dhammika, Viện Chủ Tu Viện Phật Giáo tại Genève, Thụy Sĩ đã tóm lược nội dung của từng diễn giả một qua nhiệm vụ điều hành buổi hội thảo của mình, khiến cho những cử tọa dễ nhận bắt được những điều quan yếu mà diễn giả muốn trình bày.
Thượng Tọa Wu Shin, Phó Viện Trưởng Học Viện Tịnh Tông Học Hội tại Úc Châu cũng đã cho mọi người biết về năng lực của câu Phật hiệu: Nam Mô A Di Đà hay Đức Quan Thế Âm Bồ Tát và những năng lực nội tại của những hành giả tu học theo lời Phật dạy, nhằm tịnh hóa thân tâm, cải thiện xã hội, cốt yếu làm sao cho thế giới được hòa bình và nhân sinh an lạc. Chúng tôi sau đó rời phòng hội, lên từng thứ bảy để dùng ngọ trai. Tại đây các Phật tử Nam Tông Tích Lan đứng chờ sẵn sàng cúng dường phục vụ phần trai phạn, mặc dầu các phần chay tại đây đều có thể tự mỗi người phục vụ lấy như tập tục của các nước tây phương khác. Mỗi người Phật tử Tích Lan mang đến trước mỗi chư Tăng một món ăn. Nếu món nào không thích dùng thì dùng tay che đĩa lại, món nào thích dùng thì giở tay lên để người cúng dường để thức ăn vào đĩa. Cuối cùng chúng tôi mỗi người đều được cúng dường cho một chiếc y mới của Nam Tông và một số sách vở Phật Học bằng tiếng Anh và tiếng Pháp của Tịnh Tông Học Hội.
Chiều ngày 27.5.2015 chúng tôi không đi tham dự tiếp để nghe những bài thuyết trình của lễ Vesak nữa, mà chúng tôi sang thăm chùa mới Khánh Anh tại Evry. Thầy Quảng Đạo và đạo hữu Minh Đức đã đưa chúng tôi đến chùa mới như mọi khi và lần nầy chúng tôi thấy rằng tiến độ thi công của những hãng thầu người Pháp rất nhịp nhàng và nhanh chóng. Những thợ người Trung Quốc đang bắt đầu làm lan can trước Chánh Điện, trong khi những người thợ Việt Nam và những người làm công quả đang miệt mài phân chia phòng ốc cũng như lót gạch các nơi. Tôi thử đếm những phòng ngủ của ba tầng lầu, có tất cả 38 phòng, mỗi phòng chứa được hai hay 4 người. Ngoài ra còn tầng thượng, tầng dưới và tầng để xe nữa. Nếu kể chung lớn nhỏ, chắc không dưới 50 phòng, kể cả chánh điện, hội trường và nhà bếp, nhà kho v.v...
Nhìn chung theo Hòa Thượng Thích Tánh Thiệt cho biết trễ lắm là đến ngày 15.7.2015 nầy sẽ được nghiệm thu. Mong rằng mọi việc sẽ được trôi chảy, thông qua mau lẹ, để cho lễ Khánh Thành vào tháng 8 được tự tại vô ngại cử hành. Ni Sư Diệu Trạm cũng cho biết rằng: Bàn ghế, tủ thờ, hoành phi, liễn đối đã được xuống tàu thủy từ tháng 5 và hai container cuối cùng sẽ xuống tàu trong tháng 6 nầy. Hy vọng lễ Khánh Thành chùa sẽ có đầy đủ tất cả những pháp cụ nầy. Cô Diệu Trạm cũng cho biết rằng Kỷ Yếu của Hòa Thượng Thích Minh Tâm, dày 738 trang đã được in ấn tại Đài Loan và sách đang trên đường về Khánh Anh cũng như những châu lục khác.
Tôi đứng nhìn ngôi Phạm Vũ Khánh Anh mà chạnh lòng. Vì lẽ vô thường đã mang theo vị Thầy khả kính của tứ chúng Phật tử Khánh Anh nói riêng và đồng bào Phật tử khắp nơi nói chung, một sự hụt hẫng khó diễn tả bằng lời. Từ ngày Thầy quá vãng đến nay đã gần hai năm rồi (8.8.2013 - 5.2015), trong hai năm ấy Tử Đệ của Thầy đã kề vai gánh vác, cốt cho ngôi chùa Khánh Anh nầy được hoàn thiện trong nay mai. Đây là một công đức không nhỏ, khi Tôn Sư của mình vắng bóng. Riêng Hòa Thượng Tánh Thiệt thì trực tiếp hơn tôi cũng như có khả năng lo việc xây dựng nhiều hơn tôi, nên Ngài ở vòng trong để chỉ đạo cho Thầy Quảng Đạo, Cô Diệu Trạm cũng như các hãng thầu ở phần bên trong của nội tự, còn phần tôi lo chạy bên ngoài để ngoại giao cũng như kêu gọi chư Tôn Đức và bà con Phật tử khắp nơi tiếp tay cho ngôi chùa Khánh Anh sớm thành tựu.
Sau lễ Khánh Thành rồi, Hòa Thượng Tánh Thiệt cũng như tôi sẽ có những Phật sự khác tại mỗi chùa của mình, nên chắc rằng sẽ không còn trực tiếp như xưa nữa. Tất cả những công việc làm của chúng tôi đều mang tính cách tự nguyện, không một điều kiện nào cả, nhằm gửi lại chút thâm tình nơi hậu thế: “Người xưa như thế đó”. Có nghĩa là: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây và uống nước nên nhớ người đào giếng”. Không biết bây giờ cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm nghĩ gì và nhớ gì đến hình ảnh của ngôi Đại Tự Khánh Anh mà Tử Đệ và Huynh Đệ của mình đang lo gánh vác? Chắc chắn một điều là có nhiều việc Thầy sẽ không đồng ý, vì làm trái ý của Thầy, nhưng xin Thầy hãy an tâm nơi cõi Tịnh rằng: “Những người đi sau như chúng tôi sẽ không bao giờ làm điều gì xấu hơn xưa. Nếu có, chỉ là những việc tốt hơn để cho Đời và Đạo được gìn giữ mãi về sau cho hậu thế”.
Sáng sớm ngày 28 tháng 5 sau thời công phu khuya, đạo hữu Minh Đức đưa tôi, Thầy Quảng Đạo và Cô Diệu Trạm đến nhà gare Lyon để đón Hòa Thượng Thích Tánh Thiệt lên dự tuần chung thất của Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh. Chúng tôi đến Tự Viện Linh Sơn ở Joinville lúc hơn 9 giờ sáng, có Hòa Thượng Trí Hải và chư Tăng Tự Viện đón tiếp. Khi vào phòng khách thì lần lượt được gặp Hòa Thượng Phước Đường, Hòa Thượng Giác Huệ, Hòa Thượng Giác Hoàng, Thượng Tọa Tịnh Quang, Thượng Tọa Thiện Niệm, Thượng Tọa An Chí, Thượng Tọa Nguyên Lộc, Sư Bà Như Tuấn và rất đông Tăng Ni thuộc Tự Viện Linh Sơn cũng như Đệ Tử của Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh. Qua việc cung tuyên tiểu sử của Ngài do Hòa Thượng Trí Hải đọc, chúng ta được biết Ngài gốc người Ninh Thuận thuộc dòng phái Lâm Tế Chúc Thánh đời thứ 42 với Pháp Danh là Thị Viên, Pháp Tự là Hạnh Bị. Năm 1968 sau khi tốt nghiệp cử nhân tại Việt Nam, Ngài nhận được học bổng của cả Việt Nam và Đài Loan, nên năm 1969 Ngài sang Đài Loan du học, đến năm 1981 Ngài tốt nghiệp Tiến Sĩ văn học tại Đài Bắc. Từ năm 1994 Ngài phát tâm chủ trương phiên dịch Đại Tạng Kinh tiếng Việt từ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Thật ra việc làm nầy không phải chỉ có một mình Ngài phiên dịch, mà Ngài chỉ là người đề xướng và đã quy tụ chư Tăng Ni tại Việt Nam cũng như ngoại quốc phiên dịch ra Việt ngữ. Ngoài ra vấn đề tài chánh cũng là vấn đề quyết định cho việc thành tựu một Đại Tạng Kinh Việt ngữ như vậy, nên Ngài đã bôn ba đây đó để cổ động mọi người đóng góp và in ấn tại Đài Loan. Cho đến nay đã xong 100 bộ in thành sách, mỗi bộ từ 1.500 trang đến 2.500 trang. Số còn lại 103 bộ nữa đã dịch và san định xong trước khi Ngài viên tịch. Những bộ còn lại nầy đang tiếp tục in ấn. Hy vọng nay mai chúng ta sẽ có một bộ Đại Tạng Kinh hoàn toàn bằng Việt ngữ gồm 203 tập. Các nước Phật Giáo Nam Tông họ đã có tạng Pali từ những năm 85 trước Tây lịch. Những bộ Đại Tạng bằng chữ Hán có từ thời Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Đại Hàn có tạng Cao Ly, Nhật Bản có Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh có từ thời Đại Chánh vào đầu thế kỷ thứ 20. Riêng Việt Nam chúng ta đến đầu thế kỷ thứ 21 nầy mới chính thức có được Đại Tạng Kinh tiếng Việt. Công đức ấy có được là do Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh, Đệ nhị Tăng Thống của Pháp Phái Linh Sơn hoàn thành. Lịch sử Phật Giáo Việt Nam sẽ ghi công của Hòa Thượng. Tuy nhiên phần Mật Giáo Hòa Thượng không cho dịch trọn vẹn, nhưng Cố Hòa Thượng Thích Viên Đức cũng đã dịch một phần và sau nầy có vị Pháp Hiệu là Huyền Thanh cũng đã dịch hầu như trọn vẹn phần Mật Giáo nầy, đã có đi trên Đại Tạng Online điện tử của các trang nhà trên thế giới. Riêng Tạng Pali đã được Cố Hòa Thượng Thích Minh Châu dày công phiên dịch ra tiếng Việt và đã hoàn chỉnh từ lâu. Đây là những dấu hiệu đáng lạc quan cho Phật Giáo Việt Nam ở mai hậu. Tuy Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh còn nhiều lỗi dịch cũng như văn phạm, nhưng dẫu sao đi nữa thì đây cũng là một công trình của lịch sử Phật Giáo Việt Nam, đáng hãnh diện vô cùng. Đó cũng là lời Đạo Từ của tôi khi đáp lại lời tác bạch trai tăng của Tử Đệ của Cố Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh cúng dường hôm đó. Nhìn lên di ảnh của Cố Hòa Thượng Thích Huyền Vi, đã ra đi cách đây 10 năm về trước và nay Hòa Thượng Tịnh Hạnh cũng đã ra đi ở tuổi 82, đã để lại cho môn đồ pháp quyến của Linh Sơn nhiều trách nhiệm hơn so với khi Thầy mình còn tại thế. Sư Cô Thanh Nghiêm đệ tử của Hòa Thượng Tịnh Hạnh cũng cho biết rằng: Nhân ngày tuần 49 của Thầy hôm 28.5.2015 vừa qua, chính quyền thành phố Paris đã chính thức cấp giấy phép để Đại Học Linh Sơn tại Paris được đi vào hoạt động. Rõ ràng là “trong cái mất mát bao giờ cũng có những cái được và trong những cái được ấy lại bao hàm những việc sắp mất mát”.
Ngày xưa ở Âu Châu nầy có rất nhiều vị Hòa Thượng tiếng tăm như: Cố Hòa Thượng Thích Thiền Định, Hòa Thượng Thích Huyền Vi, Hòa Thượng Thích Trung Quán, Hòa Thượng Thích Chân Thường, Hòa Thượng Thích Minh Lễ, Hòa Thượng Thích Minh Tâm. Nhưng nay thì các Ngài không còn tại thế nữa. Nếu còn chăng, chỉ là những hình bóng cũ đã vang bóng tự thuở nào và những biến thiên của dòng đời ảo hóa ấy, khiến cho chúng ta phải chạnh lòng để nghĩ đến thân phận của mình ở một mai đây. Tất cả rồi cũng sẽ chỉ còn là một cái “KHÔNG” to tướng. Hãy ý niệm về việc nầy để chúng ta cố gắng tu hành.
Tối đó tại trụ sở UNESCO có buổi Concert để mừng lễ Khánh Đản của Đức Phật, nên chúng tôi được đạo hữu Minh Đức đưa đi xem. Chương trình ghi bắt đầu từ lúc 6:30 chiều, nhưng mãi đến 7:30 tối người dẫn chương trình vẫn chưa lên sân khấu. Đúng là giờ của Á Châu, mặc dầu chúng ta đang ở tại Âu Châu. Không biết đến bao giờ người Á Châu của chúng ta mới đúng giờ như người Nhật hay Âu Mỹ? Cuối cùng rồi mọi việc cũng diễn ra như đã dự định. Đầu tiên là lễ đốt đèn và sau đó có những màn vũ của những vũ công điêu luyện đến từ Tích Lan. Ngồi xem những màn trình diễn nầy, tôi liên tưởng lại ngày 8 tháng 7 năm 2011 tại Thủ Đô Colombo Tích Lan, khi cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm và tôi đến lãnh giải thưởng danh dự của quốc gia nầy do Hội Đồng Tăng Già đã trao cho những người có công mang ánh sáng Phật Pháp đến cho người Âu Mỹ, cũng vẫn những điệu nhảy múa na ná như vậy. Hôm ấy chúng tôi còn được Thủ Tướng D.M Jayaratne trao cho quạt đỏ của quốc gia, mà quý Phật tử Việt Nam hay gọi là quạt “Quốc Sư”, vì thế giới cũng như trong nước ít có người được vinh dự ấy.
Họ nhảy múa thật là điêu luyện, thỉnh thoảng có chen vào những màn độc tấu đàn tranh của người Hoa, xen lẫn với những màn xiếc cũng như Taichi. Đặc biệt nhất phải nói là hai nhà nghiên cứu về Tích Lan, người Pháp, có lẽ Ông Bà cũng là Phật tử, hát một bài hát dân ca bằng tiếng Shingalese rất hay, khiến cho những người Tích Lan tham dự đêm hòa nhạc hôm đó rất tự hào về quê hương của họ. Không phải chỉ họ hãnh diện về quê hương của họ, mà người Pháp đã làm cho họ hãnh diện với bạn bè năm châu nữa. Bài hát nầy bằng tiếng Tích Lan, tôi nghe không hiểu gì, nhưng những hình ảnh chiếu lên tường, đi kèm với tiếng hát lời ca đã làm cho thính giả mãn nguyện. Tiếng hát rồi cũng xa dần và trôi vào dĩ vãng, nhưng những gì nước Tích Lan đã làm được cho Phật Giáo và mang Phật Giáo ra khỏi quê hương của họ để giới thiệu cho bạn bè năm châu biết về một dân tộc hiền hòa, hơn 90% theo Đạo Phật để cho thế giới biết đến và cảm thông. Đó mới là vấn đề chính. Có lẽ Hòa Thượng Tịnh Không cũng nhờ chính quyền Tích Lan mà Ngài có được chân đứng ở UNESCO, vì họ có quốc gia và Tích Lan cũng nhờ có Tịnh Tông Học Hội mà họ có khả năng tài chánh để tổ chức trong 3 ngày nầy.
Khi nhìn người lại nghĩ đến ta và nhìn ta để nghĩ đến người. Vì lẽ Ngài Tịnh Không chắc cũng không còn hiện hữu bao lâu nữa trên đời nầy, không biết rằng Tịnh Tông Học Hội có thể tổ chức chung với Tích Lan đến lần thứ 5, thứ 6 hay nhiều lần như thế nữa không, chứ khi tôi nhìn về Việt Nam, chúng ta không đóng góp được một phần nào đó trong lễ hội nầy, quả thật, khi Hòa Thượng Minh Tâm đi rồi, thì uy tín và ảnh hưởng cũng lại bị dần quên đi ở chốn quan trọng nầy. Nhưng dẫu sao đi nữa, sự hy vọng cho một tương lai tươi sáng của Phật Giáo nói chung vẫn là một điều nên mơ ước, nhưng so ra uy tín và cách diễn tả vấn đề của Ngài Phó Hội Trưởng Tịnh Tông Học Hội trong hiện tại còn quá xa với sự hiện hữu của Ngài Tịnh Không ở nơi nầy.
Xin nguyện cầu cho một thế giới thực sự hòa bình và an lạc qua lời dạy của Đức Phật và cứ mỗi lần tham dự lễ Đản Sanh của Ngài, chúng ta không quên thông điệp “Lấy từ bi để hóa giải hận thù”. Có như vậy chúng ta mới xứng đáng là người Đệ Tử chân chính của Đức Phật.
Thích Như Điển
Viết xong tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover Đức Quốc vào một sáng mùa Hè ngày 3 tháng 6 năm 2015 của lần An Cư Kiết Hạ thứ 31 tại Tổ Đình nầy.
__________________________
Những cánh hoa rơi
● HT. Thích Như Điển
Nếu có người nào đó bảo rằng: “Tại sao Thầy viết nhiều và không chịu nghỉ ngơi, hãy để dồn viết một tác phẩm có giá trị vẫn hay hơn là những bài tạp ghi như vậy” thì tôi sẽ trả lời rằng: “Nếu viết được thì cứ viết, chứ chờ viết hay mới viết thì biết bao giờ mới viết được một bài. Có nhiều người chờ cả đời không viết, đến khi muốn viết thì không còn sức khỏe nữa”. Quả cuộc đời nầy nó có nhiều cái khó như thế, mà chúng ta thì không tự làm chủ thời gian cũng như sức khỏe của mình được. Do vậy tôi chủ trương rằng: “Cái gì làm được trong ngày hôm nay thì hãy nên làm, chứ chờ đến ngày mai thì nhiều khi ngày mai ấy không còn ở lại với mình nữa. Dầu ta có già, có sống lâu bao nhiêu năm trên thế gian nầy đi nữa, rồi một ngày nào đó chúng ta cũng phải ra đi, mà thời gian thì chẳng thương tiếc gì ta, dầu ta có cố níu kéo nó lại. Ngay cả những người thân trong gia đình, mình cứ ngỡ rằng họ luôn ở gần mình và họ thuộc về một phần của cuộc sống mình, nhưng điều ấy ta đã lầm. Cuối cùng rồi chẳng có cái gì là của mình, ngay cả tài sản, của cải, người thân, địa vị, học thức, bằng cấp v.v... Tất cả rồi cũng chỉ còn là con số không to tướng như những cánh hoa rơi trước gió mà thôi”.
Sống 67 năm trên trần thế, tôi đã chứng kiến không biết bao nhiêu là nỗi biệt ly của nhiều người, ngay bản thân mình cũng có, mà cho những người thân, những bạn bè gần xa cũng không thiếu, nhất là những Phật tử qua đời mà tôi đã đến trợ niệm cho họ. Đặc biệt lần nầy tôi chỉ muốn ghi lại những cảm xúc của mình khi đối diện với những sự biệt ly nầy. Trước đây hai năm, vào ngày 8 tháng 8 năm 2013 Cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Viện Chủ chùa Khánh Anh tại Pháp, đồng thời Ngài cũng là nguyên Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu, đã ra đi chưa một lời dặn dò với môn đồ đệ tử cũng như các thành viên của Giáo Hội và suốt hai năm qua, chúng tôi đã cùng với quý Thầy Cô trong Giáo Hội và đệ tử xuất gia cũng như tại gia của Ngài tiếp tục gánh vác con thuyền của Giáo Hội và nhất là việc xây dựng ngôi phạm vũ Khánh Anh vẫn còn trong thời kỳ dang dở. Để rồi cuối cùng Giáo Hội Âu Châu cũng đã tổ chức được các lễ quan trọng từ ngày 13 đến ngày 16 tháng 8 năm 2015 vừa qua; có cả hằng ngàn Phật tử khắp năm châu và hơn 300 Tăng Ni khắp các nơi về tham dự. Đây là một thành quả, một hãnh diện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu nói chung cũng như môn đồ pháp quyến của Cố Hòa Thượng Minh Tâm nói riêng vậy.
Đại Giới Đàn Khánh Anh quy tụ hơn 40 giới tử đến từ 10 quốc gia tại Âu Châu cũng như Mỹ Châu, trong nầy có 10 giới tử là người Pháp, Đức, Thụy Sĩ, Ý, Đan Mạch, Scotland v.v... Giới Đàn nầy đã mở ra phương tiện cho những người Tây Phương, đặc biệt là nữ giới, đã xuất gia với các trường phái Phật Giáo Tây Tạng suốt trong hơn 20 năm hay hơn 30 năm vẫn chưa được thọ Thức Xoa và Tỳ Kheo Ni, kể từ sau khi Thọ giới Sa Di Ni. Chúng ta đã bắc một nhịp cầu cho những người nữ Tây Phương nầy, và trong tương lai, sau khi họ đã thọ giới Tỳ Kheo Ni, có đủ hạ lạp trong 5 mùa An Cư Kiết Hạ trở lên, họ có thể thâu nhận đệ tử và nếu đủ 10 vị Ni, họ có thể bắt đầu truyền các giới cho chư Ni Âu Mỹ, để họ có cơ hội tiếp cận với giáo lý của Đức Phật theo tinh thần của Tứ Phần Luật, mà chư Ni Việt Nam đang hành trì. Đây là điểm son của Giới Đàn Khánh Anh trong những ngày 13 và 14 tháng 8 năm 2015 vừa qua.
Kế đến là Lễ Hiệp Kỵ chư Lịch Đại Tổ Sư (Về Nguồn 9) được tổ chức trọng thể vào ngày 15 qua những đề tài thuyết trình về hành trạng của Tổ Khương Tăng Hội và Tổ Khánh Anh, lồng vào đó trong những ngày 13 và 14 có những đêm “trà đàm hội ngộ” cũng như “Hội luận Tăng Ni trẻ” v.v... đã làm cho không khí sinh hoạt của ngày Về Nguồn lại càng nổi sắc hơn. Một đài truyền hình đến từ Hoa Kỳ có phỏng vấn tôi rằng: “Thưa Thầy, nhiều người tại Hoa Kỳ khi nghe đến hai chữ Về Nguồn lại liên tưởng đến tổ chức nầy có liên hệ đến Cộng sản. Vậy xin Thầy cho biết về ý kiến của Thầy như thế nào về vấn đề nầy?”. Tôi trả lời rằng: “Cách đây 9 năm, tại chùa Pháp Vân Toronto, Canada đã tổ chức Về Nguồn lần thứ nhất, có gần 100 Tăng Ni tham dự và sau đó bị các cơ quan truyền thông la hoảng lên là Về Nguồn, chính là về với Cộng sản, nhưng xin thưa, Cộng sản đâu có nguồn gốc dân tộc mà về. Vả lại suốt trong 9 năm qua, trong gần 100 vị Tăng Ni tham dự lần đầu ấy có ai là Cộng sản đâu, xin quý vị chỉ giùm cho tôi”. Đó là câu trả lời đơn giản của tôi. Ở những xứ tự do nầy người ta có quyền chỉ trích xây dựng, nhưng không phải để phỉ báng và chụp mũ. Nếu nói họ có, mà thiếu bằng chứng để chứng minh, thì sẽ có luật pháp hiện hành nghiêm trị. Đã có nhiều trường hợp như vậy xảy ra rồi và xin những người hay chụp mũ người khác hoặc vu cáo người khác không có bằng chứng thì hãy lấy đó làm gương. Theo tôi thì nên thấy cái hay cái đẹp của người khác, tâm mình sẽ thanh thản hơn; còn nếu chỉ thấy cái xấu cái sai của đối phương thì lúc nào tâm ta cũng khó chịu. Có lần Nguyên Đạo Văn Công Tuấn viết: “Có nhiều người chỉ muốn vạch lá tìm sâu, thì kẻ ấy chỉ thấy sâu và không bao giờ thấy lá”. Xin nhớ cho rằng chúng ta là những người học hạnh Thánh để thực hành theo các Thánh nhơn, chứ không phải chúng ta là Thánh. Do vậy con người vẫn còn có những lỗi lầm, thì cũng là chuyện bình thường thôi, không có gì để khó hiểu cả.
Đêm thứ Bảy ngày 15 tháng 8 “Tưởng niệm bậc xuất trần thượng sĩ” đã làm cho nhiều người thương cảm nhớ đến Sư Ông Minh Tâm. Những giọt nước mắt vẫn vô tình tuôn chảy như để nhớ lại một bậc Thầy đã dày công hy hiến đời mình cho Giáo Hội cũng như những công việc chung đại sự khác. Ngày hôm sau, 16 tháng 8 năm 2015 là ngày cắt băng Khánh thành (tuy chưa được phép chính thức của chính quyền Pháp, vì còn những công trình chính chưa hoàn thiện), nhưng chư Tôn Đức cũng như đồng bào Phật tử khắp nơi đều hoan hỷ để được nhìn thấy hình ảnh nầy, sau 20 năm xây dựng. Lễ Hiệp Kỵ chư Lịch Đại Tổ Sư và tuyên đọc tâm niệm của Tăng Ni Hải Ngoại cũng như lễ Đại Tường của Cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm đã được diễn ra vô cùng trang nghiêm thành kính. Kế tiếp là phần tấn phong Trụ Trì cho Thượng Tọa Thích Quảng Đạo và Ni Sư Diệu Trạm. Thầy Quảng Đạo sẽ lo cho ngôi chùa mới ở Evry với sự cố vấn của Chư Tôn Hòa Thượng trong Giáo Hội Âu Châu cũng như môn phái Liễu Quán gần và xa. Để điều hành ngôi đại tự nầy Thầy Quảng Đạo phải cần sự trợ duyên của chư Thượng Tọa, Đại Đức Tăng trong các Tổng Vụ của Giáo Hội. Phần nội tự sẽ do Thượng Tọa Quảng Đạo cũng như huynh đệ tỷ muội cùng quý Phật tử tại gia đảm trách. Ni Sư Diệu Trạm cũng đã phát biểu thật là dõng mãnh và cảm động, khi Hòa Thượng Thích Tánh Thiệt trao quyền Trụ Trì ngôi chùa cũ Khánh Anh tại Bagnneux mà Cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm đã Trụ Trì tại đó từ năm 1977 cho đến năm 2013. Đây là những hình ảnh đẹp vô cùng trong những Đại Lễ được cử hành tại chùa Khánh Anh trong những ngày nầy. Mặc dầu một cánh hoa đã rụng, nhưng có hai cánh hoa đã mọc lên để tiếp tục con đường của Thầy Tổ mình đã dày công vun đắp trong suốt hơn 40 năm qua. Tiếp theo là lễ cúng dường Trai Tăng cho gần 400 Tăng Ni hiện diện. Đây có lẽ là số Tăng Ni đông nhất tại Âu Châu có mặt trong những ngày nầy tại chùa Khánh Anh để tham dự những Đại Lễ vừa trình bày. Hẳn rằng Hòa Thượng Minh Tâm ở một nơi xa xôi nào đó, Ngài đã đoái mắt nhìn về ngôi Đại Tự Khánh Anh và mỉm cười hoan hỷ cho những việc truyền đăng tục diệm đã được kế vãng khai lai như thế.
Trong tháng 8 năm 2015 vừa qua tại Hoa Kỳ và Canada đã có ba cánh Hoa cùng rơi một lúc vào những ngày 3, ngày 18 và ngày 20. Đó là Cố Trưởng Lão Hòa Thượng Pháp Chủ Thích Giác Nhiên, Viện Chủ Tổ Đình Minh Đăng Quang tại Westminster California, ra đi ở tuổi thượng thọ 93. Tiếp đến là Hòa Thượng Thích Viên Diệu, Trụ Trì chùa Thuyền Tôn tại Montreal, Canada ra đi ở tuổi 62 và một bậc danh Tăng thạc đức nữa, đó là Cố Đại Lão Hòa Thượng Thượng Thủ Thích Tâm Châu, ra đi ở tuổi 95 với 84 năm hành đạo và 74 Hạ Lạp trên khắp mọi miền đất Việt và năm châu, bốn bể kể từ hơn 40 năm nay, không có nơi nào là không có hình bóng của Ngài hiện hữu. Tôi sẽ viết về ba cánh Hoa đặc biệt nầy của Pháp Phái Khất Sĩ, của Liễu Quán Pháp Phái và của Trúc Lâm Yên Tử Pháp Phái. Dĩ nhiên sẽ có nhiều phần khiếm khuyết, kính mong chư Tôn Đức và Quý thiện hữu tri thức bổ túc cho. Xin vô vàn đa tạ.
Phái Khất Sĩ do Ngài Minh Đăng Quang sáng lập vào tiền bán thế kỷ thứ 20 và chỉ có Việt Nam mới có, chứ trên thế giới không có Phái nầy, ngoại trừ chư Tăng Việt Nam sang Mỹ hay các châu lục khác đã mang truyền thống Khất Sĩ nầy của Việt Nam đến thành lập ra. Căn cứ theo bộ “Chơn Lý” gồm hai quyển của Ngài Minh Đăng Quang truyền lại, thì đầu tiên Ngài tu theo Đại Thừa ở Việt Nam, sau đó Ngài sang Cao Miên để tham cứu Thiền học với các Sư Nam Tông và cuối cùng Ngài về lại Việt Nam thành lập phái Khất Sĩ nầy. Chư Tăng Ni dùng chay, đi khất thực, thịnh hành nhất là ở miền Nam Việt Nam. Và năm 1954 thì Ngài Minh Đăng Quang vắng bóng. Kể từ đó các Môn Đồ của Ngài đi du hóa khắp nơi để thành lập Tịnh Xá và giáo hóa chúng sanh theo thể loại văn thơ được sáng tác hay dịch thuật từ các Kinh điển Đại Thừa. Cố Hòa Thượng Thích Giác Nhiên là vị Đệ tử sau cùng của Tổ Sư Minh Đăng Quang, Ngài sang Mỹ tỵ nạn Cộng sản vào đầu thập niên 80 và đã gầy dựng chừng 20 Đạo Tràng, Tu Viện, Tịnh Xá có liên quan đến hệ phái Khất Sĩ tại Hoa Kỳ. Băng giảng của Ngài được gửi đi khắp các nơi, nên Phật tử có cơ duyên để nghe và hành trì. Cuối đời, Ngài bị bệnh duyên trong 9 năm và vào ngày 3 tháng 8 năm 2015 Ngài đã ra đi ở tuổi đời 93 và hơn 60 hạ lạp. Đây là một mất mát to lớn của Giáo Đoàn Khất Sĩ Việt Nam cả trong lẫn ngoài nước. Sau đó nhục thân của Ngài được đưa về Việt Nam và hỏa thiêu tại Sài Gòn. Môn Đồ Pháp Quyến của Ngài đã cử hành những lễ nghi quan trọng để nhớ lại ân xưa của một bậc Thầy cao cả đã dày công huấn dục các tử đệ nên người.
Cách đây chừng 3 tháng Phái Đoàn Hoằng Pháp Âu Mỹ của chúng tôi có ghé Canada và nghe tin Hòa Thượng Viên Diệu, Trụ Trì chùa Thuyền Tôn tại Montreal bịnh nặng, nên đã ghé thăm và Thầy cho biết rằng: “Bác sĩ đã chê, cho về lại chùa an nghỉ, chắc chỉ còn 3 tháng nữa sẽ đi”. Tôi nghe cũng hơi đột ngột, vì tin ấy chính từ Thầy nói ra, vả lại tuổi đời Thầy mới 62, chưa phải có gì bi quan lắm. Thế nhưng ngày 18 tháng 8 năm 2015 vừa qua, Thầy đã ra đi vĩnh viễn rồi. Hòa Thượng Viên Diệu thuộc Pháp Phái Liễu Quán. Phái nầy được thành hình tại Đàng Trong vào cuối thế kỷ thứ 17 do Ngài Nguyên Thiều từ Trung Hoa qua giáo hóa, Tổ Liễu Quán người Sông Cầu Phú Yên ra Huế học đạo và đắc pháp với Ngài Minh Hoằng Tử Dung, khai sơn chùa Từ Đàm. Và kể từ đầu thế kỷ thứ 18 đến nay, tại Huế nói riêng cũng như khắp các miền Trung và Hải Ngoại ngày nay, nhiều chư Tôn Đức thuộc về dòng Thiền nầy. Ngài Liễu Quán là người Việt Nam, nên Thiền Phái nầy được phát triển rất mạnh khắp nơi trên thế giới ngày nay. Thầy Viên Diệu ra đi để lại 3 ngôi chùa tại Canada và chắc rằng môn phong pháp phái Liễu Quán sẽ cử người ra đảm nhiệm.
Vào ngày mồng 7 tháng 7 năm Ất Mùi, nhằm ngày 20 tháng 8 năm 2015 Ngài Thượng Thủ của GHPGVN trên Thế Giới đã viên tịch tại Montreal với tuổi thọ 95. Xuất gia tại Ninh Bình từ 11 tuổi, 21 tuổi thọ giới Tỳ Kheo, nên Ngài đã có 74 Hạ Lạp trong Thiền Môn, là một trong những vị Trưởng Lão của Phật Giáo Việt Nam. Đó là cố Hòa Thượng Thích Tâm Châu, Ngài thuộc dòng phái Trúc Lâm Yên Tử của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tôn. Đến năm 1954 Ngài theo làn sóng người tỵ nạn Cộng sản, đã xa lìa miền Bắc vào Nam và Ngài đã thành lập hay chứng minh cho nhiều ngôi chùa tại miền Nam Việt Nam như: Vĩnh Nghiêm, Giác Minh, Việt Nam Quốc Tự v.v... Trong giai đoạn nhiễu nhương của Phật Giáo bị nhà Ngô đàn áp, Ngài làm Trưởng Ban Liên Phái Bảo Vệ Phật Giáo để đối thoại với chính quyền nhà Ngô và sau cuộc cách mạng thành công vào ngày 1 tháng 11 năm 1963, Ngài đã được bầu lên làm Viện Trưởng Viện Hóa Đạo đầu tiên của GHPGVNTN từ năm 1964, đến năm 1966 thì Giáo Hội tách rời làm hai thành Ấn Quang và Việt Nam Quốc Tự. Ngài giữ nhiều vai trò quan trọng trong nhiều giai đoạn khác nhau của Phật Giáo Việt Nam. Đến ngày 30 tháng 4 năm 1975 Ngài một lần nữa đi tỵ nạn Cộng sản sang Pháp. Đến Pháp, Ngài lập chùa Từ Quang, rồi Hồng Hiên và sau đó qua Hoa Kỳ cũng như Canada để cố vấn cho chùa Giác Hoàng, Liên Hoa và tiếp đến Ngài trở lại Montreal để thành lập Tổ Đình Từ Quang. Năm 1984 Ngài đã thành lập GHPGVN trên Thế Giới tại chùa Liên Hoa Brossard Canada và Ngài làm Thượng Thủ. Đến năm 2014, đúng 30 năm sau Ngài tổ chức lễ kỷ niệm 30 năm thành lập tổ chức nầy rất trọng thể tại Tu Viện Viên Quang ở Hoa Kỳ.
Gần một thế kỷ Ngài đã kinh qua. Do vậy có không biết bao nhiêu điều để nói, nhưng với người viết bài nầy xin cung kính đảnh lễ Ngài như bao lần Ngài đến tham dự những lễ lộc quan trọng của chùa Viên Giác tại Hannover trong những năm 1991 (Đại Hội Ban Chấp Hành của Hội Đồng Tăng Già Thế Giới), năm 2003 (lễ truyền trao Trụ Trì) và năm 2008 (lễ được tấn phong lên Hòa Thượng). Mỗi lần chúng tôi sang Canada cũng đều xin phép đến đảnh lễ Ngài và mỗi lần như thế đều được nghe những lời giáo huấn của Ngài rất chí tình về sự hòa hợp Tăng Già cũng như cố gắng phát triển Phật Giáo tại các nơi v.v... Băng ngâm thơ và kinh sách của Ngài, tôi được nhận rất nhiều, đã nghe và đã đọc. Từng chữ, từng lời như được gợi nhớ đâu đây. Lẽ ra tôi phải sang tận nơi Tổ Đình Từ Quang tại Montreal Canada để tiễn đưa Ngài lần cuối, nhưng trong Giáo Hội Âu Châu đã có nhiều vị đại diện đến để đảnh lễ kim quan Ngài rồi, vả lại ngày Vu Lan quá cận kề, nên không thể đến Canada được. Như những gì Ngài đã có lần dặn dò thân mật rằng: “Thầy Như Điển đừng quên tôi nhé! “Vâng! Con sẽ không bao giờ quên Ngài cũng như những hành hoạt của Ngài trên suốt một chặng đường dài của lịch sử Việt Nam và Phật Giáo Việt Nam như thế và con sẽ đến Tổ Đình từ Quang vào những dịp sau nầy như hình ảnh của Ngài đã thị hiện trên bầu trời Montreal vào lúc 10 giờ đêm ngày 21 tháng 8 năm 2015 khi đưa nhục thân của Ngài đi nhà quàn vậy. Vâng! Chính những sự thị hiện của cánh Hoa vĩ đại ấy giống như “Cánh Hoa Tâm” mà Ngài đã trước tác, tạo nên những vần thơ Đạo Lý tuyệt diệu để gửi lại cho Đời vậy.
Trước sau gì rồi mọi người cũng sẽ có một ngày ra đi như vậy, nên ngay từ bây giờ chúng ta nên sẵn sàng đón nhận những niềm vui lẫn sự lo toan cho cuộc sống và hãy để như vậy cho dòng đời trôi chảy mãi đến tận vô cùng, không đợi chờ, không phủ nhận, mà hãy chấp nhận nó Như Là thì mọi việc sẽ qua đi.
Những cánh hoa rơi trên bầu trời Âu Mỹ ngày nay của thế kỷ thứ 21 đã làm cho chúng ta gợi nhớ lại những cánh hoa ngày trước, khi Đức Phật còn tại thế, mà trong Kinh Tạp A Hàm, Ngài A Nan một hôm đã bạch lên với Đức Thế Tôn rằng:
“Kính bạch Ngài, con đang nhặt được một cành hoa, khi con ngửi, mùi thơm của nó tỏa khắp, cảm thấy rất dịu dàng, thơm tho. Ngay cả cành và lá của nó cũng thơm nữa. Không những thế! bạch Ngài, cả rễ của nó con ngửi cũng cảm thấy thơm. Không biết có loài hoa nào ngược gió mà có thể bay khắp muôn phương chăng?“.
Nầy A Nan! Có chứ. Đó là hương thơm của những người Phật tử tại gia giữ tròn 5 giới cấm. Đó là hương thơm của những người Phật tử tại gia trai giới gìn giữ cẩn thận trong sáu ngày, vào ngày mồng 8, 23, 14, rằm, 30 và mồng một. Đó là hương thơm của những người Phật tử tại gia giữ tròn Bát Quan Trai giới trong những ngày trên. Hương thơm nầy, dầu cho có ngược gió cũng bay khắp muôn phương. Như vậy đó, hương thơm của những người Đức Hạnh, dầu ngược gió cũng có thể bay khắp muôn phương, ngay cả hàng Cư Sĩ, Đức Phật vẫn ca ngợi tán dương như vậy. Còn ở đây, như trên chúng ta đã thấy, các bậc Đại Sư đi vào đời, mang theo biết bao nhiêu nguyện lực để phổ hóa chúng sanh, thì hương thơm của giới, của định, của tuệ, của giải thoát và giải thoát tri kiến hương ấy vẫn còn lan tỏa khắp nơi trên hoàn vũ nầy.
Chúng ta tưởng niệm đến các Ngài cũng có nghĩa là chúng ta muốn noi theo những hạnh nguyện của các Ngài, đi vào đời, dấn thân vì Đạo. Dầu cho bao hiểm nguy đến tánh mạng đi chăng nữa chúng ta vẫn không lùi bước trước những nghịch cảnh thử thách lòng mình. Có như vậy mới xứng đáng là đệ tử của Phật. Ngày nay pháp nhược, ma cường nên những thế lực vô minh đang rình rập bên ta. Vậy chúng ta hãy can đảm hơn lên để đi vào đời, phải làm sao giống như lời thệ nguyện của Ngài A Nan trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm rằng:
“Trong đời ác năm trược, con nguyện xin vào trước. Nếu có một chúng sanh nào chưa thành Phật thì con sẽ không vào Niết Bàn”.
Hãy dũng mãnh và tinh tấn lên, như voi chúa xông vào trận mạc. Chúng ta phải đối diện với vô minh và chúng ta phải chuyển hóa vô minh thành trí tuệ và chuyển hóa phiền não thành Bồ Đề. Đây mới là bổn phận của người tu Phật. Xin cầu nguyện cho tất cả chúng ta hãy vững lòng tin nơi Tam Bảo và nơi tự thân của mỗi người như vậy.
Thích Như Điển
Viết xong vào mùa Vu Lan báo hiếu năm 2015
Phật Lịch 2559.
_____________________________________________
10 Điều phát minh sáng kiến của H.T Thích Minh Tâm
Thích Như Điển
Đây không phải chỉ là một sự tán dương ca ngợi, mà còn là những điều trân quý, người đời sau cần giữ gìn truyền tụng, nếu chúng ta hiểu rõ nghĩa của những chữ “ẩm thủy tư nguyên” là gì.
Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây v.v… vốn là những câu tục ngữ mà người Việt chúng ta vẫn hay nhắc nhở đến hằng ngày, thì không có lý do gì để chúng ta quên ơn của những người đi trước đã dày công gầy dựng lên. Các nhà bác học như Albert Einstein có thuyết tương đối, văn hào Victor Hugo, định đề Eclik, định lý Archimet v.v… tất cả đều được mọi người biết đến và về sau nầy có những công trình được cầu chứng tại tòa án để không ai có thể phát hiện trùng lặp với tên tuổi của mình đã sáng chế. Thế nhưng cũng có nhiều công trình thế kỷ thuộc diện tâm linh, phi vật thể, thì chưa ai nghĩ đến điều nầy cả. Điều nầy cũng giống như bản quyền của một tác phẩm được độc quyền xử dụng, phát hành khi đã có khai báo với tòa án. Ở đây tôi muốn nhắc đến những công trình thế kỷ về sau, mà cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm đã đóng góp cho Đạo suốt hơn 40 năm qua tại hải ngoại nầy. Dĩ nhiên những điều của tôi trình bày cũng có thể là không hoàn toàn đúng, vì tôi không phải là Ngài, nhưng tôi có thể nói rằng kể từ năm 1972 đến năm 2013, suốt hơn 40 năm như vậy tôi đã gần gũi và làm việc với Thầy, là vai trò Tổng Thư Ký, nên tôi xin ghi lại đây để lại cho đời.
Sáng kiến đầu tiên của Thầy là „Định Kỳ hằng tháng“ cúng chùa. Thuở ấy Phật tử ít ỏi, công ăn việc làm chưa có, chưa ai nghĩ đến chuyện xây chùa ở ngoại quốc nầy cả. Sau khi Thầy qua Pháp năm 1973, làm việc chung với Thầy Nhất Hạnh một thời gian, thì năm 1974 Thầy về Acceuil gần Paris lập nên Niệm Phật Đường Khánh Anh từ dạo ấy. Bây giờ nhìn lại hình ảnh đơn sơ của ngôi Niệm Phật Đường cũng như đọc lại những bài viết của Thầy về chùa Khánh Anh qua hơn 30 năm lịch sử, mới thấy cái khó khăn của Thầy lúc ban đầu là gì. Từ lúc đó Thầy nghĩ rằng: Muốn duy trì một ngôi chùa phải có Ban Hộ Trì Tam Bảo. Và Thầy đã kêu gọi bà con Phật tử đóng góp định kỳ mỗi tháng 5 hay 10 Franc hoặc nhiều hơn nữa để trả tiền thuê Niệm Phật Đường. Nếu có đám cúng, Phật tử cúng vào chùa thì dùng ngân quỹ ấy để dành lo cho những đại sự khác. Đây chính là phát minh của Thầy, mà sau nầy các chùa Việt Nam tại ngoại quốc đều áp dụng. Ngay cả ngôi Niệm Phật Đường Viên Giác đầu tiên tại Hannover được thành lập năm 1978, tôi cũng đã áp dụng phương pháp nầy và đã thành công ở giai đoạn đầu cũng như kéo dài mãi tận cho đến ngày nay và mãi mãi về sau nữa.
Sau khi thành lập Niệm Phật Đường Khánh Anh tại Acceuil vào năm 1974 rồi, Thầy đi đây đó để sinh hoạt Phật sự với các cá nhân, tổ chức, hội đoàn sinh viên thuở ấy v.v… nhất là thời điểm sau 30 tháng 4 năm 1975 người Việt ra đi tỵ nạn cộng sản càng ngày càng nhiều, nên nhu cầu về cầu an, cầu siêu, thuyết giảng, thuyết trình tại các nơi cũng như tại Niệm Phật Đường được tăng lên cấp số nhân, nên cần phải có một ngôi chùa. Nhưng khi tự hỏi rằng, tiền bạc đâu có để mà mua cơ sở lớn hơn? Lúc ấy Thầy đã nảy ra sáng kiến là kêu gọi Phật Tử đóng góp „một thước đất xây chùa“, sau nầy là một miếng ngói, một viên gạch… cũng nằm trong phát minh thứ hai nầy của Thầy. Ban đầu mới nghe qua thật là khó tính, vì bài toán ngân hàng không vốn nầy rất khó giải. Thế mà có kết quả vô cùng. Nghĩa là số tiền mua đất hay mua nhà được quy ra từng m2 một. Mỗi mét giá bao nhiêu, Thầy căn cứ theo đó để kêu gọi Phật tử đóng góp. Nếu mỗi người hay mỗi gia đình đóng góp từ 1m2 trở lên thì chỉ cần 500 gia đình là có thể mua một cơ sở khiêm nhường rồi. Thế là Thầy đã tạo mãi được miếng đất có sẵn ngôi nhà tại đường Henri Barbusse số 14 tại Bagneux, cách Paris không xa từ năm 1978, để đến ngày 19 tháng hai âm lịch năm Kỷ Mùi (nhằm ngày 17.3.1979) nhân lễ vía Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, Thầy đã cho làm lễ khai móng để xây dựng Chánh Điện Chùa Khánh Anh tại địa điểm trên. Sau đó số 18 rồi số 16 của đường Henri Barbusse cũng được Thầy mua lại cho chùa. Tiền có được dĩ nhiên là do nhiều nguồn khác nữa. Ví dụ như tiền để dành từ năm 1974 đến năm 1978, rồi làm bánh, phát hành kinh sách, sáng tác ra Lịch Nhựt Thanh (bây giờ gọi là lịch Khánh Anh)…. Đây chính là những nguồn vốn cần thiết để Thầy thành tựu 3 cơ sở trên.
Ngày 18 tháng 6 năm 1995 là ngày lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng chùa mới tại Evry trên mảnh đất 4.000 m2 như hiện nay cũng là do sáng kiến của Thầy. Muốn thành tựu một dự án to lớn như vậy phải có nhiều nguồn tài lực hơn, nên Thầy mới nghĩ ra Hội Thiện hay nói rõ hơn là cho chùa mượn không có lời, để rồi sau năm ba năm chùa rút thăm để hoàn lại số tiền ấy cho người đã cho mượn. Sau nầy Thầy còn gọi là “Ngân Hàng Cấp Cô Độc” và cũng chính từ ngân hàng nầy mà Thầy đã cho xây được ngôi chùa Khánh Anh một cách hùng vĩ, độc đáo nhất tại Âu Châu nầy với số tiền lên đến 22 triệu Euro, cũng không dưới 30 triệu USD. Số tiền ấy làm sao có được khi không có sự tính toán, suy nghĩ để tạo ra một phương pháp mà người đóng góp, cho mượn không lấy gì làm nặng gánh mấy. Đây là phát minh thứ ba của Thầy về việc xây chùa, tạo tượng, đúc chuông v.v…
Để cho việc điều hành một ngôi chùa luôn sống động và hài hòa cũng như không bị kẹt về vấn đề tài chánh và nhất là không bị lệ thuộc vào chỉ một cá nhân hay tổ chức nào, Thầy đã nghĩ ra cách thứ tư là mua „Hậu Sống“ và phương pháp thứ năm là „Hậu Chết“. Thế nào là Hậu Sống và thế nào là Hậu Chết? Đây là câu trả lời. Có nhiều người không có con cái nối dòng, hoặc giả không có người kế tự, hoặc về già bị con cái bỏ bê, không lo phụng dưỡng cha mẹ như phong tục của người Việt Nam mình xưa nay vốn được gìn giữ, nên quý Cụ lo trước hậu sự cho mình. Các Cụ để dành được một số tiền khả dĩ để có thể lo cho ma chay, tuần thất, kỵ giỗ v.v… đem đến gửi cho Thầy. Số tiền nầy không nhất định là bao nhiêu, có thể nhiều mà cũng có thể ít, nghĩa là tùy theo khả năng của mỗi người và nhất là không phải đóng một lần vào chùa, mà có thể chia ra nhiều lần và nhiều năm như thế, cho đến lúc mãn phần thì nhà chùa sẽ lo cho tất cả. Nếu lúc ấy con cháu có đến lo chung với chùa càng tốt, nếu không ai đoái hoài đến thân nhân của mình thì chùa sẽ đứng ra lo. Ngày xưa ở Việt Nam thì các Cụ nghĩ rằng, phải có “mồ yên, mả đẹp”, nhưng ở ngoại quốc nầy được ký linh, ký tự tại chùa cũng đã là một phước báu rồi, huống nữa mỗi tuần thất và mỗi lần giỗ quảy đều có nhà chùa lo cho thì còn gì quý hơn cho người quá vãng nữa.
Có nhiều người lúc sống chưa lo được thì khi mãn phần thân nhân ký gửi tro cốt vào chùa, rồi mỗi năm ngày giỗ, ngày kỵ con cháu về chùa để thăm tro cốt của Ông Bà Cha Mẹ mình tại Tháp Địa Tạng. Nơi đó đang lưu giữ nhiều người thân cũng như đạo hữu của mình lúc còn sinh tiền. Nếu tro cốt nầy đem ra nghĩa địa của Pháp cũng phải tốn tiền, nhưng quanh năm suốt tháng quạnh hiu, đâu có ai đốt cho một nén nhang khi thăm mộ, còn ở chùa hầu như ngày nào cũng có tiếng kinh lời kệ. Rõ ràng là địa táng, hỏa táng hay thủy táng không bằng gửi tro cốt vào chùa. Mỗi năm có lễ Thanh Minh, Vu Lan, Phật Đản, ngày Tết con cháu dầu sống có xa chùa, nhưng những ngày lễ hội nầy có thể hẹn nhau cùng về chùa để thăm viếng tro cốt của Mẹ Cha, bằng hữu, thật là vô cùng tiện lợi. Đây có nghĩa là hậu chết và cũng là phát minh thứ năm của Thầy nhằm duy trì cũng như phát triển ngôi chùa suốt thời gian năm tháng mà không bị khổ tâm khi phải nghĩ ngợi làm cách nào để duy trì một ngôi chùa, nhất là chùa to lớn như ngôi Đại Tự Khánh Anh trong hiện tại.
Trên đây là 5 sáng kiến phát minh của Thầy về sự xây dựng cũng như bảo trì một ngôi chùa ở hải ngoại ngày nay. Chắc hẳn những điều nầy không xảy ra ở trong nước hay một vài nơi khác trên thế giới, nhưng ngay cả ngôi chùa Viên Giác tại Hannover nầy, chúng tôi đa phần cũng đã áp dụng nhiều phương pháp trong những phương pháp trên mà Thầy đã phát minh ra. Ân ấy, nghĩa nầy đàn hậu bối biết làm sao đền trả được, chỉ biết khắc vào lòng, ghi vào dạ để nhớ ơn Thầy, mặc dầu Thầy không còn hiện hữu trên cõi đời nầy nữa kể từ ngày 8 tháng 8 năm 2013. Thời gian dẫu có trôi qua và không gian nầy dẫu có thay đổi, nhưng những gì Thầy đã đóng góp, phát minh cho Phật Giáo Việt Nam tại Hải Ngoại ngày nay bao người và bao đời cũng phải nên ghi nhớ.
Việc sáng kiến thứ sáu là tổ chức thành công „Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu“. Đây là công việc văn hóa, văn học, giáo dục mà suốt đời Thầy đã cưu mang. Ngay cả ngày ra đi của Thầy tại Phần Lan cũng là những ngày mãn khóa Tu Học kỳ thứ 25 tại đó. Từ năm 1983 mỗi năm chùa Khánh Anh tại Bagneux đều tổ chức Khóa Tu Học cho 30 người đến 100 người, mãi cho đến năm 1987 Khóa nầy đã dời sang Thuỵ Sĩ và cũng chính khóa nầy chư Tôn Đức trong Giáo Hội Âu Châu đề nghị Thầy thành lập Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu và Thầy đã thuận. Do vậy Khóa Tu Học Kỳ I được tổ chức tại Hòa Lan kể từ năm 1988, năm 1989 tổ chức kỳ II tại Berkhof, Đức Quốc và năm nầy cũng là năm đã khởi công xây dựng chùa Viên Giác tại đường Karlsruherstr, tồn tại mãi cho đến ngày nay. Nếu tính chung tất cả các khóa được tổ chức tại chùa Khánh Anh thì Âu Châu năm nay (2015) đã được 32 năm như thế, trong khi đó Hoa Kỳ mới tổ chức được 5 khóa và Úc Châu được 15 khóa. Như vậy Hòa Thượng Minh Tâm cũng là người tiên phương trên phương diện tổ chức các Khóa Tu Học nầy. Ở những Quốc Gia khác có đông người cư ngụ như Úc Châu, Hoa Kỳ v.v… thì Quý Thầy, Cô tổ chức cơm chay gây quỹ cho Khóa Tu Học, nhưng ở Âu Châu điều kiện địa lý và bị ngăn cách bởi nhiều Quốc Gia trong một lục địa, nên để nuôi dưỡng sự phát tâm và lòng từ của người Phật tử, Thầy đã có sáng kiến phát minh ra việc kêu gọi „một bao gạo cho khóa học“. Mới đầu nghe cũng lạ tai và cũng đã có nhiều Phật tử nhiệt tình mua cả 2 hay 30 bao gạo đến cúng cho Khóa Tu Học, nhưng đa phần là Phật tử ở xa hay gửi tịnh tài về chùa Khánh Anh cũng như các nơi tổ chức để cúng dường. Đây là phát minh thứ bảy của Thầy trong nhiều khóa trước. Đến Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 27 vừa rồi tổ chức tại Neuss, Đức Quốc từ ngày 20 đến ngày 30 tháng 7 năm 2015, số tịnh tài quý Phật tử khắp nơi gửi về ủng hộ “một bao gạo” lên đến 46.000 Euro. Đây là con số ủng hộ một bao gạo cao nhất từ trước đến nay, là điều chưa hề đạt đến, mặc dầu Thầy đã ra đi khỏi cõi đời nầy đã trên hai năm rồi. Từ đây và mãi mãi về sau bao gạo nầy sẽ nuôi sống Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu trải qua nhiều năm tháng nữa. Thầy không cho mỗi người một cái bánh để dùng, mà dẫu cho cái bánh ấy có lớn đến đâu đi chăng nữa thì dùng trong một vài ngày cũng hết. Còn ở đây ngược lại, Thầy đã cho chúng ta một cái khuôn làm bánh và cách thức làm bánh, pha bột chế đường làm sao cho nó ngon, có hương vị thơm tho, được nhiều người ưa chuộng, thì quả là cái cung cách ấy nó có giá trị vô song, không gì có thể sánh bằng được.
Phát minh thứ tám của Thầy là “Đại Học Oanh Vũ”. Mới đầu nghe cũng lạ tai, nhưng nghe riết rồi cũng quen đi. Điều nầy hẳn nhiên không phải là Thầy không biết, vì lẽ trước khi đi du học Nhật Bản năm 1967, Thầy đã là Hiệu trưởng Trường Trung Học Bồ Đề Nguyên Thiều Bình Định, lúc Thầy 27, 28 tuổi. Dĩ nhiên là Thầy phải có cử nhân mới đảm nhận được vai trò ấy và ở Nhật Bản từ năm 1967 đến năm 1973, Thầy đã học Nhật Ngữ và thi vào Cao Học Đại Học Lập Chánh (Risso), rồi nghiên cứu sinh Ph.D, lẽ nào Thầy không rõ danh từ Đại Học là gì mà đem danh từ nầy gán cho các em Oanh Vũ tuổi còn Tiểu Học? Dĩ nhiên Thầy có mục đích khi sáng tạo ra lớp học nầy, cũng giống như Thầy đã thành lập ra Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu và các chùa hay các Niệm Phật Đường trên các xứ nầy, đó là chưa kể đến chùa Quan Âm tại Montréal, Canada hay vài chùa mà Thầy đã đỡ đầu ở Hoa Kỳ. Công đức nầy khó ai sánh kịp. Nguyên là mỗi khi Giáo Hội tại Âu Châu tổ chức các Khóa Tu Học như vậy, bao giờ Gia Đình Phật Tử Âu Châu cũng luôn tham gia chuyên môn của mình bên cạnh những hoạt động của Giáo Hội. Hình ảnh nầy thật đẹp mà mãi cho đến ngày nay Âu Châu vẫn còn trân quý, giữ gìn. Các em Oanh Vũ không bao giờ đi một mình đến lớp học được mà phải có Mẹ Cha đi kèm, nhưng nếu các em không có ai chăm sóc thì Cha Mẹ cũng bị phân tâm. Do vậy Thầy đã đặc cách cho các Huynh Trưởng chuyên lo cho các em Oanh Vũ để cho Cha Mẹ cùng học và cùng tu. Từ đó hình ảnh cả Gia Đình cùng đi tu học tại các Khóa Học tại Âu Châu mà chúng ta thường hay thấy. Đây chẳng phải là tinh thần “Phật Hóa Phổ Gia Đình” là gì và nếu không phải là sáng kiến của Thầy thì mấy ai nhìn xa thấy rộng được như vậy?
Ba điểm trên liên quan về vấn đề Tu Học và Giáo Dục. Mặc dầu Thầy chưa chính thức biên hay dịch một tác phẩm nào để lại cho đời, vì quá bận rộn với những công việc hành chánh của Giáo Hội, nhưng những sáng tác phát minh như thế, hẳn bao đời sau người Phật tử vẫn còn nhắc đến tên Thầy. Nó cũng giống như những định đề toán học: (a+b)2 = a2+b2+2ab. Nếu học sinh nào thuộc phương trình nầy thì trọn đời có thể giải được bài toán đang vây bủa chúng ta. Đây là những phương pháp, cách hành xử mà ai trong chúng ta ở trong đời, chắc chắn sẽ có lần cần đến.
Cách đây chừng hơn 25 năm khi mà tình hình Tôn Giáo tại Việt Nam vẫn còn bị đàn áp khốc liệt thì Thầy và Đức Ông Philipp Trần Văn Hoài đã đứng ra thành lập „Hội Đồng Liên Tôn“, nhằm kêu gọi các Tôn Giáo đứng lại gần nhau để tranh đấu cho vấn đề Nhân Quyền và Tự Do Tôn Giáo tại Việt Nam phải được tôn trọng. Điều nầy chứng tỏ Thầy cũng có một cái nhìn thật sâu và thật xa, để đối phó với những oan nghiệt của cuộc đời mà người Phật Tử hay Tín Đồ của các Tôn Giáo khác phải gánh chịu. Mặc dầu từ khi xa quê năm 1967 đến năm 2013, tổng cộng cũng đã trên dưới 46 năm chưa một lần Thầy về thăm viếng quê hương xứ sở, nhưng hình ảnh của Hòa Thượng Thích Huyền Quang, vốn là vị Bổn Sư Y Chỉ của Thầy khi Thầy còn học tại Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang, bị câu lưu, vào tù ra khám không biết bao nhiêu lần, cùng những vị khác như Hòa Thượng Thích Thiện Minh bị bức tử trong tù vào năm 1979, rồi Hòa Thượng Quảng Độ, Hòa Thượng Thiện Hạnh, Thượng Tọa Tuệ Sỹ, Ni Trưởng Thích Nữ Trí Hải, Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát v.v… tất cả phải cần có tiếng nói ở ngoại quốc hỗ trợ, nên Thầy đã không ngại gian lao khó nhọc, dầu cho bao tử đã bị cắt đi hai phần ba, nhưng tinh thần tranh đấu cho một quê hương Tự Do Việt Nam ở trong Thầy luôn luôn đầy đủ, không bao giờ vắng bóng và khiếm khuyết ở bất cứ thời điểm nào trên lộ trình tranh đấu của Thầy. Nay Paris, mai Washington DC, mốt Nam Bắc Cali, rồi bữa kia Sydney, Tokyo v.v… bất cứ nơi nào cần, Thầy luôn có mặt, chưa bao giờ than thở mà cũng chưa bao giờ trách hờn hay nói xấu bất cứ một ai trong suốt hơn 40 năm mà tôi đã có cơ duyên thân cận, gần gũi Thầy. Nhiều lắm là Thầy bảo rằng: “Sao mà kỳ lạ nhỉ!”. Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng nghe ra cũng thấm thía nhiều ý nghĩa lắm.
Cuối cùng, đây là phát minh thứ 10 của đời Thầy. Đó là sự hình thành „Liên Châu“ của các Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hoa Kỳ, Canada, Úc Châu cũng như Âu Châu. Nghĩa là sau khi Giáo Chỉ số 9 được ban hành, ai cũng ngẩn ngơ (xem bài “Chỉ còn là đống gạch vụn” mà Thầy đã viết), Thầy là người đầu tiên điện thoại cho Hòa Thượng Như Huệ tại Adelaide, Úc Châu; sau đó gọi cho Hòa Thượng Thắng Hoan, Hòa Thượng Tín Nghĩa (Hoa Kỳ); Hòa Thượng Bổn Đạt (Canada), rồi Hòa Thượng Bảo Lạc, Hòa Thượng Tánh Thiệt và cá nhân chúng tôi… thảo luận phải làm một cái gì đó để giữ lại những Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đã được thành lập lâu nay tại hải ngoại và cuối cùng cách đây 9 năm, nhân Khóa Tu Học Phật Pháp Úc Châu được tổ chức gần Sydney, Quý Ngài bốn châu đã ngồi lại với nhau bàn bạc mọi vấn đế và Thầy là người được đề cử nhận chức Trưởng Ban Điều Hợp của Tổ Chức nầy đầu tiên và cứ luân phiên mỗi hai năm, một châu lục điều hành. Nếu không có những cao kiến ấy phát ra từ Quý Thầy thì thử hỏi ngày nay Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại Hải Ngoại nầy còn lại được gì, ngoại trừ một đống tro tàn, một khối gạch vụn bị đổ nát, tang thương. Đúng là chư Tổ Sư truyền thừa bao đời nay đã cứu chúng ta và chư Phật, chư Bồ Tát đã thùy từ gia hộ, nên mới được như vậy.
Trên đây là 10 điều phát minh sáng kiến của cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm, nguyên là Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu, Viện Chủ chùa Khánh Anh tại Pháp, mà tôi đã tuyển chọn ra. Dĩ nhiên còn nhiều nữa, nhưng tôi chỉ nêu lên những điều nổi bậc, để chúng ta biết được mà tri ân, báo ân cho những người đã vì đời sau mà hiến dâng tâm trí của mình cho đại cuộc. Riêng Thầy, chắc không bao giờ Thầy nghĩ đến việc nầy cả. Nhưng ngày nay, sau hai năm Thầy viên tịch, cứ công tâm mà nói, ai chê, ai khen… rồi cũng trôi qua với thời gian năm tháng, nhưng những phát minh như thế nầy chắc chắn vẫn mãi còn hiện hữu với thời gian. Người ta có thể xóa đi vết nhăn trên vầng trán, nhưng sâu thẳm bên trong da thịt vẫn còn dấu vết của thương đau, còn ở đây thì ngược lại, dầu cho Thầy đã ra đi, nhưng khi nhắc đến Thầy, Cố Hòa Thượng Thích Minh Tâm thuở nào, không ai mà không thầm cảm tạ.
Viết xong vào một sáng mùa Thu tại thư phòng
chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc – 2015
_________________________________
Đọc quyển "Tôn Giáo Học So Sánh"
của Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm
Bản dịch Việt ngữ của
Thượng Tọa Thích Chân Tính
dịch từ Hán Văn ra Việt ngữ
● Thích Như Điển
Đọc sách là niềm vui của tôi từ thời còn đi học cho đến nay, chưa bao giờ ngơi nghỉ. Nếu sách hay, tôi chỉ cần đọc trong một hay hai ngày là xong một quyển sách 500 đến 600 trang. Nếu sách khó, cần phải nhiều thời gian hơn thì mỗi lần tôi đọc một ít. Còn thế nào là sách dở? xin trả lời ngắn gọn là: Sách ấy không hợp với năng khiếu của mình. Dĩ nhiên khi một người viết sách, họ phải đem cái hay nhất, cái đặc biệt nhất của mình để giới thiệu đến các độc giả khắp nơi, cho nên không thể nói là dở được. Cuối cùng thì dở hay hay tùy theo đối tượng cho cả người viết lẫn người đọc, là tác giả muốn gì và độc giả muốn học hỏi được gì nơi tác phẩm ấy. Tôi đọc Đại Tạng Kinh có ngày đến 200 trang nhưng vẫn không thấy chán, mặc dầu chỉ có chữ và chữ, chứ không có một hình ảnh nào phụ họa đi kèm theo cả. Nhiều khi nhìn thấy trời tối mà lo cho những trang Kinh còn lỡ dở chưa đọc xong, phải vội gấp Kinh lại, đúng là một điều đáng tiếc. Vì biết đâu ngày mai đọc tiếp sẽ không còn những đoạn văn hay tiếp tục được khơi dậy trong tâm thức nữa.
Ai biếu tôi cái gì, cũng quý cả. Tất cả tôi đều nhận, nhưng có lẽ quý nhất là Kinh sách. Đi đâu và đến đâu, dầu sách có nặng cho mấy đi nữa, tôi cũng cố gắng mang theo về, không bỏ sót một quyển nào. Tôi quan niệm rằng, người ta tốn công viết và in thành Kinh sách, mình chỉ có công đọc thôi mà không dùng thì giờ để nghiên tầm thì quả là điều đáng tiếc vô cùng. Kỳ nầy tôi được một Phật tử về thăm quê, sau khi trở lại Đức, mang cho tôi 3 quyển sách của Thượng Tọa Thích Chân Tính, Trụ Trì chùa Hoằng Pháp tại Việt Nam gửi tặng và đề ngày 10 tháng 11 năm 2015. Quyển thứ nhất nhan đề như đã nêu trên; quyển thứ hai tên là: Vua Pasenadi (Ba Tư Nặc) và quyển Lời Hoa bằng hai ngôn ngữ Việt Anh. Quyển sau cùng tôi xem nhanh, vì chỉ là thư họa; quyển thứ hai sau khi đọc lời tựa của sách, tôi biết rằng Thầy Chân Tính sao lục gom góp những câu chuyện về Vua Ba Tư Nặc khắp đó đây trong Đại Tạng Nam và Bắc Truyền mà tôi đã có dịp đọc qua như: Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm và Tăng Nhất A Hàm… rải rác đâu đó, tôi đã đọc qua rồi, nên không phải nhọc công đọc lại nữa. Chỉ riêng quyển “Tôn Giáo Học so sánh” của Cố Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm là tôi quan tâm nhiều, nên liền đọc ngay. Sách dày 624 trang, in bìa cứng, trình bày rất trí thức, rành mạch, ngay cả những lời chú thích và đặc biệt là hầu như không sai một lỗi chính tả Việt ngữ nào. Đây là một quyển sách dịch biết tôn trọng độc giả. Vì người đọc, không phải chỉ tìm những văn phong hay ho, ý tưởng trung thực của tác giả lẫn dịch giả, mà nơi ấy người đọc phải thấy an lạc, hoan hỷ khi đọc được một tác phẩm giá trị. Ở đây, tác giả, dịch giả và tác phẩm nầy đã đáp ứng được tất cả những nhu cầu đó.
Đọc lời tựa của Cố Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm thì thấy sách nầy được biên soạn xong vào tháng 4 năm 1968 tại Đài Bắc, Đài Loan. Đây là kết quả của những bản văn nghiên cứu của Hòa Thượng dùng làm sách giáo khoa để dạy cho Tăng Ni tại Học Viện Phật Giáo Thọ Sơn ở Cao Hùng trong những năm Ngài làm Giáo Thọ tại đó, và theo Thầy Chân Tính thì bản dịch từ Hán Văn ra Việt ngữ nầy hoàn thành vào tháng 10 năm 1995, xuất bản lần đầu tiên năm 1996, tái bản có bổ khuyết cho lần nầy vào năm 2015 và được in tại Đài Loan nên cả hình thức lẫn nội dung đều tuyệt hảo.
Đầu năm 1972 khi tôi sang Nhật Bản du học, lúc bấy giờ Thầy Lâm Như Tạng (hiện ở Úc) sắp xếp cho tôi ở nhờ chung phòng cùng với Hòa Thượng Thích Chơn Thành (hiện Ngài đang Trụ Trì chùa Liên Hoa tại Santa Ana, Hoa Kỳ) trong thời gian 3 tháng đầu, cốt để đi tìm thuê phòng trọ khác và chính trong thời gian nầy Hòa Thượng Chơn Thành có dẫn tôi đến thăm căn phòng trọ của Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm tại Gotanda (Ngũ Phản Điền) nằm gần Đại Học Risso (Lập Chánh), Tokyo. Thuở ấy tiếng Anh của tôi cũng chỉ mới bập bẹ, còn tiếng Pháp thì Ngài Thánh Nghiêm không hiểu, nên Hòa Thượng Thích Chơn Thành nói tiếng Nhật với Hòa Thượng Thích Thánh Nghiêm, còn tôi chỉ cười trừ, chứ chưa dùng được ngôn ngữ nào để diễn tả được ý của mình cả. Nhìn lên các kệ sách, tôi thật ngưỡng mộ vị Thầy nầy và được biết thuở ấy (1972) Ngài Thánh Nghiêm đang dọn luận án Tiến Sĩ tại Đại Học Risso. Sau nầy có cơ hội đọc “Thánh Nghiêm tự truyện” tôi mới vỡ lẽ ra là Hòa Thượng Thánh Nghiêm cũng không có bằng cấp đặc biệt nào tại Trung Hoa Lục Địa hay sau nầy tại Đài Loan, sau khi Ngài tỵ nạn tại đó từ năm 1949 (năm toàn cõi Trung Hoa trở thành cộng sản). Theo tôi, có lẽ nhờ công trình nghiên cứu về “Tôn Giáo Học so sánh” nầy mà Ngài đã được các học giả Phật Giáo Nhật Bản đương thời quan tâm và mời Ngài sang Nhật để tiếp tục công trình nghiên cứu nầy chăng? Và cũng chính năm 1975 Ngài đã tốt nghiệp Tiến sĩ Văn Học tại Đại Học Phật Giáo Risso nầy. Đầu tiên khi thoáng nhìn chữ Risso, tôi nghĩ rằng chữ Jean-Jacques-Rousseau (người Pháp) họ viết trại đi chăng? Nhưng không phải. Đó là hai chữ trong “Lập Chánh An Quốc Luận” (Risso Ankokuron), là một bản điều trần của Ngài Nhật Liên, Giáo Tổ của Nhật Liên Tông (chuyên trì tụng Kinh Pháp Hoa phẩm thứ 2- Phương Tiện Phẩm và phẩm thứ 16- Như Lai Thọ Lượng Phẩm). Thuở ấy quân Mông Cổ (giữa thế kỷ thứ 13) sang xâm chiếm Nhật Bản và Ngài Nhật Liên đã dâng biểu tấu với triều đình Nhật Bản về tác hại của việc xâm lược; nhưng kết cuộc là Ngài và các đệ tử bị đày lên đảo Sato. Cuối cùng đúng như sự thật, nên triều đình Mạc Phủ mới cho mời Ngài về và kể từ đó Ngài đứng ra tuyên bày giáo nghĩa của Kinh Pháp Hoa và ngày nay Tông Nhựt Liên nầy phong Ngài làm Sơ Tổ, họ có chừng 30 trường Đại Học dài hạn và ngắn hạn, trong đó có Đại Học Risso nầy.
Sau khi tốt nghiệp tại Nhật Bản, Ngài Thánh Nghiêm về lại Đài Loan, nhưng Ngài không trụ tại đó, mà Ngài sang Hoa Kỳ để hành đạo (xem thêm quyển Thánh Nghiêm tự truyện), Ngài lập chùa Đông Sơ Thiền Tự tại New York và ngôi chùa nhỏ nầy chính là nơi xuất phát Phật Giáo Đài Loan tại Hoa Kỳ. Chùa có cho xuất bản định kỳ mỗi năm 4 số Chan Magazine ở địa chỉ Institute of Chung-Hwa Buddhist Culture – 90-56 Corona Avenue Elmhurst, NY 11373, USA. Tạp chí nầy viết bằng tiếng Anh và có tuổi thọ hơn 40 năm rồi. Cho đến hôm nay (2016) tôi vẫn còn nhận đều đặn tạp chí nầy để đọc. Sau nầy tôi nghe nói Ngài về lại Đài Bắc thành lập Pháp Cổ Sơn và kể từ đó, tôi lại được liên lạc với Ngài. Nhờ vậy mà tôi đã gửi Thầy Hạnh Giới (hiện đang Trụ Trì chùa Viên Giác, Hannover) sau khi tốt nghiệp Tiến Sĩ tại Đại Học Hannover (2003) sang Đài Loan học tiếng Hoa và cư trú tại Pháp Cổ Sơn lúc Ngài còn sanh tiền, để học Thiền Tào Động tại Phật Học Viện nầy. Vì Ngài đã tốt nghiệp Tiến sĩ Văn Học tại Nhật Bản cũng như có hoạt động dạy Thiền cho người Mỹ tại Hoa Kỳ, nên cách tổ chức của Pháp Cổ Sơn tại Đài Loan là một trung tâm văn hóa, học thuật, tôn giáo có tính cách Bác Học cũng như Phật Học. Do vậy nếu những Tăng Ni Việt Nam nào muốn tham cứu thâm sâu về Phật Học ở trình độ Đại Học và Hậu Đại Học tại Đài Loan thì nên đến đây để tu và để học. Thật là lợi ích vô cùng.
Ai đến Đài Bắc rồi, không thể không trầm trồ ngợi khen công trình thế kỷ mà Ngài đã để lại cho Đạo, cho Đời. Nhưng khi Ngài ra đi, Ngài chỉ di chúc lại là nên đem tro cốt của Ngài rải vào vườn hoa trong Pháp Cổ Sơn để bón cho cây cỏ xanh tươi, thân cát bụi của Ngài, xin trả về lại cho cát bụi. Quả thật là một việc làm bất khả tư nghì, mà không phải vị Đại Sư nào cũng có thể làm được như vậy trong đời nầy. Tư tưởng của Ngài ảnh hưởng bởi Ngài Thái Hư Đại Sư và Ngài Ấn Thuận. Ngài dung thông cả Thiền và Tịnh Độ. Riêng Tịnh Độ thì Ngài chia ra làm bốn quốc độ như sau. Đó là: Nhân gian Tịnh Độ, Thiên Quốc Tịnh Độ, Phật Quốc Tịnh Độ và Tự Tánh Di Đà Tịnh Độ. Quý Vị nào nếu có đến Taipei Đài Loan thì cũng nên viếng thăm đảnh lễ Pháp Cổ Sơn để học hỏi được nhiều điều hay lạ tại ngôi Già lam nầy.
Bây giờ chúng ta chính thức đi vào khảo sát nội dung của tác phẩm nầy. Sách gồm tất cả 10 chương, lần lượt trình bày về 1) Tôn Giáo Nguyên Thủy, 2) Tôn Giáo của những dân tộc chưa khai hóa, 3) Tôn Giáo các dân tộc cổ đại, 4) Tôn Giáo của Ấn Độ, 5) Tôn Giáo của Trung Quốc, 6) Tôn Giáo thiểu số, 7) Do Thái Giáo, 8) Cơ Đốc Giáo, 9) Hồi Giáo, 10) Đạo Phật. Cứ mỗi một chương như vậy có nhiều tiết mục khác nhau. Tác giả đã khéo léo phân tích kỹ lưỡng từng tôn giáo một, đứng trên quan điểm của người nghiên cứu khảo sát, chứ không phải đứng trên lập trường của người theo Phật Giáo. Đây có thể nói là một tác phẩm tuyệt vời đã viết về so sánh giữa các tôn giáo với nhau mà tôi chưa hề được đọc đến. Về lịch sử, Ngài Thánh Nghiêm cũng đã chứng minh rất rõ ràng qua những văn kiện cũng như ngôn ngữ, văn hóa v.v… Ví dụ như chữ Hán thì gọi nước Trung Hoa là Trung Quốc, nhưng tại sao tiếng Anh gọi là China? Ngài giải thích trong tác phẩm nầy như sau: Thuở nhà Tần đã có sự giao dịch với nước ngoài. Chữ Tần đọc âm là Chin, mà Chin chỉ riêng một đơn âm khó dùng, nên người Tây phương thêm chữ na vào cho dễ đọc và cuối cùng người ngoại quốc khi nói hay gọi đến nước Trung Hoa thì gọi là Chi(na) là vậy.
Ngài đã phân tích rất rõ ràng trong Kinh 10 điều của Đạo Lão, đã lấy điều nào của Phật Giáo đem làm Kinh Văn của mình và vì sao Đạo Lão cũng như Đạo Khổng chỉ tồn tại ở Trung Hoa mà không vượt ra khỏi được biên giới của Trung Quốc như Đạo Phật đã từ Ấn Độ sang Trung Hoa và từ Trung Hoa được truyền đi các nơi khác trên thế giới? Ngài cũng đã cho biết rõ (trang 579) “Vào năm Xích Ô thứ 10 đời Ngô Đại Đế (247), Khương Tăng Hội, một Thiền sinh ở Giao Chỉ (nay là Việt Nam), đến Kiến Nghiệp, kinh đô của nước Ngô, cầu được Xá lợi Phật xuất hiện, khiến Ngô Tôn Quyền phát tâm xây chùa thờ Phật, lấy tên là Chùa Kiến Sơ. Đây là ngôi chùa thờ Phật đầu tiên tại nước Ngô. Khương Tăng Hội đã biên tập Lục Độ Tập Kinh và viết chú thích cho những Kinh điển được dịch trước đó. Nhờ vậy Phật Giáo vùng Giang Nam dần trở nên hưng thịnh…”. Đọc đoạn văn trên, chúng ta là người Việt Nam cảm thấy hãnh diện vô cùng, vì Sơ Tổ Phật Giáo Việt Nam của chúng ta là Ngài Khương Tăng Hội, người sinh ra và lớn lên tại Giao Châu; sau đó qua Giang Nam, Trung Quốc dịch kinh, truyền đạo khiến cho vua quan Trung Quốc ngưỡng mộ, nên cho xây chùa và học Phật v.v… Như vậy từ tác phẩm nầy chúng ta có thể khẳng định rằng việc nghiên cứu của Ngài Thánh Nghiêm rất nghiêm túc. Việc nầy cũng tương ưng với sách “Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam tập I” của Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát cũng đã có đề cập về vấn đề nầy. Với lịch sử dịch Kinh điển từ tiếng Phạn sang chữ Hán thì có rất nhiều các đại dịch giả người Ấn Độ và các nước khác cũng như người Trung Hoa, nhưng trong lịch sử dịch kinh, không ai qua bốn vị Tam Tạng Pháp Sư, đó là Ngài Cưu Ma La Thập, Ngài Bất Không, Ngài Chân Đế và Ngài Huyền Trang.
Về Ấn Độ Giáo, Ngài phân tích cũng rất là tỉ mỉ chi tiết. Ngài cho biết Phật Giáo đã dùng Thiền Học và việc ăn chay từ Ấn Độ Giáo như thế nào? Sự cải cách về quan điểm vũ trụ quan cũng như nhân sinh quan về việc hình thành vũ trụ theo quan điểm của Ấn Độ Giáo và Phật Giáo giống ở điểm nào và khác nhau ở điểm nào? Chữ Sa Môn Thích Tử, Sa Môn Phạm Chí, Sa Môn ngoại đạo... Từ nầy do đâu mà có và cuối cùng thì Ngài khuyên rằng nên dùng chữ Tỳ Kheo, là một giới danh khác biệt hoàn toàn với Ấn Độ giáo và chỉ có Phật Giáo mới có cách gọi nầy do Đức Phật đặt ra mà thôi.
Ngài đã viết về những Tôn Giáo Cổ của Arab và Giáo Chủ Hồi Giáo Mohamed đã dùng những điểm nào của cả Do Thái Giáo để tạo nên giáo lý của tôn giáo mình. Thiên đường của Hồi Giáo khác nhau với Thiên Đường của Cơ Đốc Giáo hay Do Thái Giáo như thế nào? Tại sao Mohamed chủ trương có nhiều vợ? (Ông ta có tất cả 7 bà, sau khi bà vợ chính thức đã qua đời lúc bà ta ở tuổi 65 và Ông ta ở tuổi 50). Tất cả những điều nầy nếu quý vị muốn tìm hiểu, xin đọc tác phẩm nầy, sẽ được giải đáp tường tận rõ ràng và nên nhớ rằng tác phẩm nầy đã được biên soạn rất công phu và đã được xuất bản tại Đài Loan từ năm 1968 chứ không phải mới đây, nghĩa là cách nay cũng đã gần nửa thế kỷ rồi. Gần đây thì vấn đề chiến tranh tôn giáo, nhất là các xứ Hồi Giáo đã liên tục gây hấn, giết chóc, tàn sát dã man, khiến cho nhiều người phải quan tâm tìm đọc những kinh sách cũng như chủ trương của Đạo nầy, thì quyển sách nầy có thể giải đáp hầu như tất cả những nghi vấn của quý vị.
Với Đạo Phật cũng như vậy, Ngài không vì mình là một Tăng nhân để phải bênh vực cho Phật Giáo, mà Ngài đã đứng trên quan điểm và lập luận của lịch sử cũng như tính triết học của Tôn Giáo nầy để luận bàn. Ngài nói về thuyết Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên rồi 37 phẩm trợ đạo như: Tứ niệm xứ, Tứ chánh cần, Tứ như ý túc, Ngũ căn, Ngũ lực, Thất bồ đề phần, Bát chánh đạo phần để rồi Ngài nhấn mạnh về Tam Pháp Ấn. Đây chính là giáo lý căn bản mà Đức Thích Tôn đã dạy về: Chư hành vô thường, chư pháp vô ngã và Niết Bàn tịch tịnh v.v… Ngài đã giải thích cặn kẽ về tu như thế nào để chứng Thanh Văn, tu theo phép gì để chứng Duyên Giác, Bồ Tát, Phật v.v… Ngài dùng những kỳ kết tập (4 lần) tại Ấn Độ để chỉ rõ về việc phân chia bộ phái cũng như Phật Giáo Thượng Tọa bộ đã áp đảo Đại Chúng bộ trong kỳ kết tập Kinh điển lần thứ 2 sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn 100 năm tại Thành Phố Hoa Thị như thế nào? Tại sao thời kỳ kết tập Kinh điển lần thứ nhất sau khi Đức Phật nhập Niết Bàn 100 ngày tại động Thất Diệp gần thành Vương Xá chỉ có 500 vị A La Hán mà trên thực tế thuở ấy còn nhiều vị A Lan Hán khác nữa không được cung thỉnh? Vì lẽ Ngài Ma Ha Ca Diếp thiên về hạnh tu Đầu Đà cũng như Thiền Định, nên chỉ muốn những vị chuyên hành trì các pháp môn nầy tham dự mà thôi. Đó là câu trả lời của Ngài Thánh Nghiêm. Trong khi đó những vị A La Hán chuyên về trí tuệ và sự lợi lạc cho chúng sanh có tinh thần Đại Thừa thì bị bỏ rơi ra ngoài. Đây là cách lập luận có thể tin tưởng được. Rồi Phật Giáo cất cánh ra ngoài Ấn Độ, nếu không nhờ lần kết tập thứ ba thời vua A Dục (sau Đức Phật nhập diệt 300 năm) và nếu không là Ông Vua Hộ Pháp nầy thì tinh thần bộ phái Bắc Tông vẫn chưa vươn xa ra khỏi Ấn Độ và nếu không có Ngài Long Thọ, Mã Minh, Vô Trước, Thế Thân tiếp nối… là những vị Đại Sư thuộc Trung Quán, Tánh Không và chủ trương xiển dương học phái Đại Thừa, thì Đại Thừa vẫn nằm trong lãnh thổ Ấn Độ chứ không ra ngoài lãnh thổ nầy được, nhất là 5 vấn đề của Đại Thiên được bàn đến trong kỳ kết tập lần thứ ba nầy.
Nhìn toàn bộ thì đây là một tác phẩm tuyệt vời khi bàn đến vấn đề tôn giáo trên thế giới. Những ai là Giáo Sư tại các trường Tôn Giáo Học trên thế giới nên chia sẻ với sinh viên của mình qua tác phẩm nầy, thật là hữu ích vô cùng và tôi tin rằng tác phẩm nầy đã được dịch ra Anh Văn rồi. Hy vọng những người của các tôn giáo khác cũng có thể đọc được. Nếu bạn là người thích nghiên cứu về nguồn gốc của các tôn giáo thì không thể thiếu tác phẩm giá trị nầy trong tủ sách của mình. Một lần nữa cũng xin tán thán Thầy Thích Chân Tính, một ngòi bút điêu luyện đã chuyển tải được những tư tưởng về Tôn Giáo của Ngài Thánh Nghiêm qua lời dịch của Thầy. Công đức nầy thật là không nhỏ. Xin vô vàn niệm ân Thầy.
Riêng quý độc giả, những ai thích nghiên cứu thì xin quý vị bắt đầu mở những trang sách nầy ra để đọc và chiêm nghiệm từng chữ, từng lời, từng trang một… để rồi có thể nói lên quan điểm của mình sau khi đã đọc xong 624 trang này và lúc gấp sách lại, quý vị sẽ thấy phảng phất đâu đây một Thánh Nghiêm Pháp Sư, con người nhỏ thó, nhưng trí tuệ thật là tuyệt vời. Cuối cùng, điều mong mỏi của chính tôi là mong quý vị có thể thẩm thấu tác phẩm nầy qua nhiều cách nhìn khác nhau để được lợi mình và lợi người, mà tôn giáo mãi cho đến ngày hôm nay vẫn đóng một vai trò tâm linh quan trọng trong đời sống tôn giáo của mọi người trên hành tinh nầy.
Riêng tôi khi tiếp xúc trực tiếp với các tôn giáo tại Âu Mỹ ngày hôm nay thì xin đưa ra nhận định rằng: Mỗi tôn giáo đều giống như hương thơm của những loài hoa quý. Thiên Chúa Giáo tượng trưng cho Hoa Hồng; Tin Lành biểu hiện cho Hoa Cẩm Chướng; Đạo Phật là Hoa Sen. Lâu nay chúng ta trồng riêng lẻ những loài hoa nầy mỗi nơi mỗi cụm, bây giờ chúng ta nên trồng chung vào trong một vườn hoa tâm linh, khi hoa nở sẽ mang vẻ đẹp muôn màu, đem hương thơm dâng hiến cho thế nhân. Xin được là như vậy.
Viết xong vào một sáng mùa Xuân
tại thư phòng chùa Viên Giác, Hannover, Đức Quốc nhằm ngày 03 tháng 3 năm 2016.
Thích Như Điển
_____________________________
Trúc Lâm một chiều mưa nặng hạt tại Houston, Texas
● Thích Như Điển
Hôm đó là một ngày lịch sử của tiểu bang rộng nhất nước Mỹ nầy và đặc biệt là vùng Houston, nơi có chùa Trúc Lâm đang hiện hữu với một rừng trúc bạt ngàn. Khi đêm đến chim chóc tứ phương bay tụ về đây để trú ngụ qua đêm và tiếng kêu của chúng giống như một bầy chim vỡ tổ. Đó là ngày 17 tháng 4 năm 2016, nhằm ngày Chủ nhật như mọi ngày Chủ nhật khác ở xứ nầy, nhưng khác xa những ngày lễ Phật hằng tuần khác mà tôi đã tham dự. Có nhiều người Phật tử Việt Nam, Mỹ, Hoa, Mễ… lẫn Thiên Chúa Giáo và những người không thuộc tôn giáo nào đã ngồi thật yên lặng dưới những cơn mưa nặng hạt của chiều hôm ấy, vì lẽ trong Chánh điện không còn sức dung chứa nữa.
Nói đến nước Mỹ thì không ai là không trầm trồ khen ngợi về mọi phương diện, và mùa Hè năm 2016 nầy, trong lúc An Cư Kiết Hạ, tôi sẽ viết chi tiết về nước Hoa Kỳ như đã viết về nước Nhật và nước Úc trong hai năm qua. Lần viết tùy bút nầy, chỉ xin ghi lại những cảm nhận nhiệm mầu của một chuyến hoằng pháp của Phái đoàn Âu Mỹ năm nay, nhằm ghi lại những sự kiện mà chính bản thân chúng tôi và nhiều Thầy Cô trong Phái đoàn đã trải nghiệm. Vì lẽ những chuyện xảy ra nó không phải chỉ cho một vài người, mà cho cả hằng trăm, hằng ngàn người đã chứng kiến sự kiện lụt lớn bất thường vào đêm 17 tháng 4 đến rạng sáng ngày thứ Hai 18 tháng 4 năm 2016 tại Houston, Texas. Khi nói đến tiểu bang nầy, ai trong chúng ta cũng liên tưởng đến cao bồi Texas, đến giá dầu xăng rẻ khủng khiếp so với Âu Châu, cùng đồng ruộng bạt ngàn, với diện tích rộng gấp ba lần nước Việt Nam và ngang tầm với tiểu bang New South Wales của Úc… Có rất nhiều chuyện để nói, để viết và để kể ra. Vì đi lần nầy đến Hoa Kỳ của tôi là lần thứ 49, kể từ năm 1978 đến nay, đã có không biết bao nhiêu lần đi và lần đến, nhưng lần nầy đã để lại trong lòng tôi thật nhiều sự linh thiêng cảm ứng nhiệm mầu.
Sáng ngày 17.4.2016 cũng là một buổi sáng đặc biệt, vì lẽ chưa bao giờ chúng tôi giảng pháp từ sáng sớm vào lúc 6 giờ, sau khi trì tụng Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm như vậy. Thượng Tọa Thích Chúc Thiện Trụ Trì chùa Liên Hoa tại San Antonio đã dành cho chúng tôi hơn một tiếng rưỡi đồng hồ để nói về lịch sử truyền thừa của Môn Phái Lâm Tế Chúc Thánh. Thế nhưng hôm đó tôi lại tán thán về công đức trì tụng Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm của Khóa Tu Bát Quan Trai của hơn 50 Phật Tử tại chùa Liên Hoa và nói về hình ảnh của những chiếc dép, đôi giày ngay ngắn được sắp thẳng hàng như người Nhật, chỉ có khác một điều là những đôi giày của người Nhật khi bước vào nhà hay điện Phật thì họ tự để quay ra cửa, còn người Việt Nam của chúng ta thì để hướng vào bên trong nhà hay bên trong chùa. Lâu nay báo chí Việt cũng như các nước trên thế giới đều viết và nói về sự ngăn nắp của người Nhật, sự đúng giờ giống như người Đức. Họ làm việc với tinh thần trách nhiệm cao, sạch sẽ, ngăn nắp, không đổ lỗi cho người khác v.v… Đó cũng lại là hai nước mà chính bản thân tôi đã sống, đã tu, đã hành Phật sự từ năm 1972 đến nay, kể ra cũng gần nửa thế kỷ rồi. Do vậy niềm hãnh diện về hai quốc gia nầy, tôi cũng đã có nhiều lần bày tỏ bằng cách nầy hay cách khác, qua lối diễn tả của mình khi giảng pháp hay lúc viết bài v.v… Đây là một niềm vui và cũng là một niềm hãnh diện.
Từ San Antonio, Thầy trò chúng tôi được một người Phật tử Ấn Độ gốc Iran chở cho đi trên chiếc xe 5 chỗ ngồi, hướng về ngôi chùa Từ Bi Quan Âm Đạo Tràng tại Cypress, Houston, Texas do Thượng Tọa Thích Phước Tâm trụ trì. Đúng 11 giờ trưa chúng tôi phải bắt đầu giảng pháp, nhưng hôm đó trời mưa nặng hạt quá, nên chiếc xe của Bình và của Phật tử gốc Ấn nầy không thể đi nhanh hơn được nữa, vì lẽ ở phía trước chúng tôi những lùm mây như chụp phủ chúng tôi, như nghiến răng chờ đợi một giây phút hãi hùng nào đó. Bầu trời đen nghịt và mưa vẫn rơi liên hồi. Lúc đến chùa, mọi người đã đứng sắp hàng chờ cung nghinh Phái đoàn từ lâu. Chúng tôi cảm thấy thẹn lòng, vì nhìn đồng hồ, thấy đã đến trễ 3 phút. So với chặng đường dài gần 200 Miles mà chúng tôi phải vượt qua trên 3 tiếng đồng hồ, nếu là ở Đức, chúng tôi chỉ cần một nửa hay hơn một nửa của khoảng thời gian này.
Từ 11 giờ đến 13:30 trưa ngày 17.4.2016 là giờ giảng của chúng tôi, Thầy Viên Giác, Thầy Thánh Trí, Ni Sư Minh Huệ và Ni Sư Tịnh Vân. Hôm đó tôi nói về “Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam”; Thầy Thánh Trí chia sẻ một số kinh nghiệm tu tập của mình; Thầy Viên Giác hát hai bài ca do Thầy ấy sáng tác; Ni Sư Tịnh Vân nói tiếng Anh cho những giới trẻ tham gia trong buổi giảng nầy. Không khí thật trẻ trung, vui vẻ dường như chẳng có gì xảy ra ở bên ngoài cả. Trời vẫn sáng, người vẫn qua lại nhộn nhịp ở sân chùa. Sau đó thì Phái đoàn chúng tôi trở về lại chùa Trúc Lâm để bắt đầu cho buổi giảng vào chiều cùng ngày. Nhưng sáng hôm sau ngày 18.4.2016 thì nước đã ngập lên khắp sân chùa, tràn vào Chánh Điện như hình ảnh bên dưới. Ai biết được ngày mai là gì? Do vậy mà Đức Phật đã nói “Vô Thường” là như thế.
(Từ Bi Quán Âm Đạo Tràng bị ngập lụt)
(Từ Bi Quan Âm Đạo Tràng sau ngày bị ngập lụt)
Chùa Trúc Lâm tại Houston do Cậu Chín, thường gọi là Uncle Nine sáng lập. Cách đây chừng gần 10 năm Cậu Chín đã quy y Tam Bảo với tôi và Tăng đoàn Hoằng Pháp Âu Mỹ; một năm sau Cậu Chín xin xuất gia. Việc nầy tôi có thỉnh ý với Trưởng Lão Thích Chơn Điền, Ngài trụ trì chùa Quan Âm tại Houston; Ngài vốn là Sư Thúc của tôi, về việc xuất gia của Cậu Chín thì Ngài bảo rằng: “Hãy dùng phương tiện mà độ sanh. Mình không độ cho người Mỹ, người Hoa và đặc biệt là người Mễ được, trong khi Cậu ấy độ được những người nầy tin theo Phật Giáo, thì mình cũng nên hỷ xã, cho Chú ấy chỉ thọ Sa Di Bồ Tát Giới mà thôi”. Tôi vâng lệnh Trưởng Lão Thích Chơn Điền và cách đây 6 năm đã cho Cậu Chín thọ Sa Di Bồ Tát Giới có Tam Sư Thất Chứng và Sư Ông Thích Chơn Điền làm Chứng Minh Đạo Sư trong giới đàn nầy. Pháp Danh của Thầy ấy là Thiện Phẩm, Pháp Tự là Hạnh Hoa và Pháp Hiệu là Giác Liên. Nguyên Thầy Thiện Phẩm là một người xem bói rất tài tình, có thể nói thông thạo trên 10 ngôn ngữ. Đó là: tiếng Anh, tiếng Việt, Quang Thoại, Quảng Đông, Triều Châu, Phước Kiến, Hải Nam, Lào, Thái, Miên, Tây Ban Nha… Mỗi ngày như vậy có cả hằng trăm người đứng sắp hàng rút thẻ tại văn phòng để được xem quẻ và chữa bịnh. Sáng từ sớm tinh sương Thầy ấy đã sang chùa Trúc Lâm lễ Phật. Đúng 6 giờ sáng thì ra văn phòng làm việc. Hai giờ chiều về chùa chữa bịnh. Đến tối thì làm lễ và giảng pháp cho Phật tử bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Ngày lại tháng qua, năm nầy qua năm nọ đều như thế cả. Đặc biệt là ngày thứ Hai từ lúc 4 giờ chiều có cả hàng ngàn người Mỹ, Mễ, Hoa, Việt đến chùa Trúc Lâm để nghe Thầy ấy giảng pháp.
Năm nay Phái đoàn Hoằng Pháp Âu Mỹ của chúng tôi đến đây từ ngày 12 đến ngày 19 tháng 4 năm 2016 và sự kiện đặc biệt bị lụt lội tại Houston rơi vào khoảng trong thời gian nầy và những phép nhiệm mầu đã xảy ra, ít ai trong đoàn có thể hình dung ra được, chỉ biết cảm nhận mà thôi!
Từ tối thứ Sáu ngày 15 đến Chủ nhật ngày 17 tháng 4 năm 2016, trong ba đêm nầy có tổng cộng độ 2.000 người đến tham dự lễ Phật, nghe pháp thoại bằng tiếng Anh, Hoa và Việt ngữ cũng như làm lễ chú nguyện và phóng sanh. Suốt trong 3 đến 4 tiếng đồng hồ như vậy mọi người đã lắng nghe chúng tôi, Thượng Tọa Thông Triết, Thượng Tọa Hạnh Bảo, Thầy Pháp Trú, Thầy Thiện Đạo, Thầy Thánh Trí, Thầy Hạnh Tuệ, Thầy Viên Giác, Ni Sư Minh Huệ và Ni Sư Tịnh Vân giảng. Sau khi giảng xong mọi người được dùng cơm chay thân mật do chính các Phật tử người Mễ và người Hoa mang đến cúng dường. Một số người không vào Chánh Điện được thì họ ngồi ngoài trời mưa như vậy để thể hiện lòng kiên trì cầu pháp và sự chú nguyện của chư Tăng. Thật là hiếm thấy trên chặng đường đi hoằng pháp khắp đó đây của tôi lâu nay, mà nay mới được gặp. Họ không phải là người Việt Nam mà là người Mỹ, người Mễ và người Hoa. Thật là vi diệu vô cùng.
Tối ngày 17.4.2016 trời mưa tầm tã suốt đêm, giông tố phũ phàng, sấm sét thắp sáng cả một bầu trời Houston như chưa bao giờ từng xảy ra như vậy. Ai ai cũng lo, cũng ngại, không biết rồi ngày mai sẽ ra sao đây, khi mà buổi lễ đặc biệt vào chiều mai ngày 18.4 (thứ Hai) chưa xảy ra. Nằm trong phòng, vạch cửa sổ nhìn ra ngoài vườn trúc, thấy nước chảy lênh láng như có sóng tràn dâng, cộng thêm với bão và tiếng gầm của trời đất, ai trong chúng tôi cũng lo ngại. Sau buổi thiền tọa và công phu khuya, trì tụng thần chú Thủ Lăng Nghiêm hôm ấy, những giọt mưa lại càng nặng hạt hơn nữa, khiến cho chư Tăng khó mà rời khỏi Chánh Điện để trở về lại nơi ngơi nghỉ của mình, nên sáng hôm đó phải dùng toàn mì gói. Đột nhiên Thầy Thiện Phẩm xuất hiện và báo tin việc cúng dường trai Tăng trưa ngày 18.4. Tiện đó một trong Quý Thầy mới hỏi Thầy Thiện Phẩm rằng: “Nếu chiều nầy mưa thì sao?”. Thầy ấy bảo rằng: “Bạch Quý Thầy, sau khi cúng dường trai Tăng, thì trời sẽ nắng cho đến tối”. Một Thầy khác bảo rằng: “Đài và báo cho biết là trời sẽ mưa suốt cho đến hết ngày mai. Nếu Thầy Thiện Phẩm dự đoán đúng như vậy thì tôi sẽ đi lễ bái Đức Quan Âm liền!”.
Đúng như vậy, sau ngọ trai hôm ngày 18.4.2016 trời Houston và hình như chỉ riêng vùng chùa Trúc Lâm, đã bắt đầu hừng sáng, tạnh mưa, trong khi những nơi khác vẫn còn cấm xe chạy ra vào thành phố và cũng có những buổi phóng sự trực tiếp truyền hình thật là đặc biệt về sự kiện nầy như sau: Có một người lớn tuổi cố lái chiếc xe vào vùng nước ngập, bị lạc tay lái và xe bắt đầu chìm dần xuống hố sâu bên cạnh đường đi. Một phóng viên trẻ bảo ông ta hãy ra khỏi xe lập tức. Người ấy mở cửa trước của xe bước ra, nước ùa vào bên trong xe, tiếng ông ta vọng hỏi lại phóng viên đài truyền hình CNN là: “Tôi phải làm gì đây?”, trong khi tay vẫn cố bám lấy cánh cửa của xe hơi. Phóng viên bảo rằng: “Ông hãy buông tay ra và bơi về phía tôi”. Ông ta vẫn chần chờ… cuối cùng Ông ta bơi theo hướng của phóng viên và đã được phóng viên truyền hình trẻ dìu ông lên chỗ khô ráo, trong khi chiếc xe chìm dần vào dòng nước chảy. Đây là một phóng sự trực tiếp truyền hình, giống như là phóng sự chiến trường của một thuở xa xưa nào đó tại quê mẹ của chúng ta. Thế là một mạng người được cứu sống và chiếc xe bị chìm sâu theo dòng nước, thuận với lẽ vô thường như Đức Phật vẫn thường hay dạy cho chúng ta.
Trưởng Lão Thích Chơn Điền (91 tuổi)
Bốn giờ chiều bắt đầu buổi lễ, có sự chứng minh của Trưởng Lão Thích Chơn Điền (năm nay Ngài 91 tuổi) thì trời đã hoàn toàn hết mưa, hết gió, bầu trời Houston dường như chưa bao giờ có sự kiện lụt lội, sấm sét đã xảy ra trước đó mấy tiếng đồng hồ. Sau khi niêm hương bạch Phật, chúng tôi tụng Kinh Khánh Đản, mừng ngày Đản Sanh của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni. Kế tiếp tôi đã giảng bằng tiếng Việt về ý nghĩa Đản Sanh của Đức Phật, được Thầy Pháp Trú dịch ra tiếng Anh rất lưu loát, tiếp đó được dịch ra tiếng Tây Ban Nha bởi một nữ Phật tử người Mễ. Mọi người làm lễ tắm Phật và tất cả ra bên ngoài sân để tiếp tục nghe Pháp của Thầy Thiện Phẩm giảng. Sau khi dùng chiều, chư Tăng Ni cũng ra bên ngoài sân và bắt đầu tụng một bài Tâm Kinh Bát Nhã bằng tiếng Việt, sau đó là phần thuyết giảng chính của Thầy Pháp Trú cũng như Thầy Thiện Đạo bằng tiếng Anh, có phiên dịch ra tiếng Tây Ban Nha và xen vào đó là những lời bình luận bằng nhiều ngôn ngữ của Thầy Thiện Phẩm. Buổi lễ chấm dứt sau phần chú nguyện rảy nước của chư Tăng đến những người hiện diện. Ngày hôm ấy đã có độ 2.500 Phật tử về chùa Trúc Lâm tham dự. Nếu không có sự kiện bão lụt tại Houston thì số người tham dự chắc rằng không dừng lại ở đó, mà con số bình thường của mỗi thứ Hai theo như Thầy Thiện Phẩm cho biết là 5 đến 6.000 người.
(Khóa tu Phật Pháp tại chùa Trúc Lâm TX 18.4.2016)
Sự nhiệm mầu nầy, ai có thể nghiệm mới biết, còn những người ở xa hay nghe, đọc qua tường thuật như thế nầy, chắc rằng sẽ không cảm nhận sâu xa được. Tôi cố viết lại một vài sự kiện để giới thiệu cho mọi người biết rằng, đã có những điều linh nghiệm như vậy. Còn tin hay không, đúng hay sai… tự mỗi người hãy tự thể nghiệm đối với chính bản thân mình thì sẽ rõ.
Sáng sớm ngày hôm sau Bình và một Phật tử người Ấn Độ đưa chúng tôi lên phi trường Houston để bay đi Oklahoma, nơi có ngôi Thiền Viện Chánh Pháp, do Thượng Tọa Thích Thông Triết trụ trì, để tiếp tục chuyến hoằng pháp của Phái đoàn kỳ nầy. Tại phi trường tôi bắt chuyện với mấy khách hành hương người Mỹ, phải ở lại tại phi trường suốt hai ngày đêm vừa qua để chờ chuyến bay vào chiều nay. Vì tất cả những chuyến bay từ tối ngày 17 và suốt ngày 18 đều bị hủy bỏ, sáng ngày 19.4.2016 mới bắt đầu bay lại. Quả thật Phái đoàn chúng tôi đã gặp nhiều phước báu vô ngần, vì những chuyện gì đã xảy ra trong hai ngày qua, quả thật như một giấc mộng, ai trong chúng tôi cũng chỉ biết cảm nhận, chứ không thể luận bàn gì tiếp tục nữa.
Ngồi trên chuyến bay nhỏ của United Airline hướng về Oklahoma, khởi đi từ Houston, tôi thấy trên trời có ánh thái dương dọi chiếu vào khung cửa sổ của máy bay thật ấm áp; những đóa bạch vân đang bay lơ lửng giữa không trung, như đón chào khách bồng lai từ tiên giới trở về nơi trần thế. Gió vẫn yên, mây vẫn bay, sấm sét đã ngưng từ lâu rồi, nên máy bay hạ cánh tại phi trường Oklahoma một cách an toàn vào buổi sớm mai ngày 19.4.2016 sớm hơn dự định của những người đi đón cả 30 phút.
Lần nầy tôi ghi lại những trải nghiệm của mình nhân một chuyến Hoằng Pháp đầy ý nghĩa và gián tiếp giới thiệu một vài sự kiện cũng như hình ảnh mà nhiều người ở xa muốn tìm hiểu đến. Như là một món quà lưu niệm để gửi đến mọi người khắp nơi trên thế giới đã theo dõi cũng như ủng hộ việc Hoằng Pháp của Phái đoàn từ xưa cho đến nay.
Thích Như Điển
Viết xong bài nầy vào sáng ngày 21 tháng 4 năm 2016 tại Thiền Viện Chánh Pháp Oklahoma, Hoa Kỳ.
_______________________
Đọc tác phẩm. Hợp tuyển lời Phật dạy từ kinh tạng Pali
● Thích Như Điển
Năm nay (2016) trong chương trình của tôi, không dự định đi sang Úc, nhưng ngày 23 tháng 6 năm 2016 vừa qua, Hòa Thượng Thích Như Huệ, Phương Trượng Tổ Đình chùa Pháp Hoa tại Nam Úc viên tịch ở tuổi 83, và Ngài cũng là vị Thầy dạy Đạo cho tôi từ năm 1964 đến năm 1968, nên tôi phải sang Úc để tham dự Lễ Tang của Ngài tại Adelaide, miền Nam nước Úc. Sau đó tôi về Sydney mấy ngày để thăm Pháp Bảo cũng như Đa Bảo, rồi được Thượng Tọa Nguyên Tạng mời về dự Khóa An Cư Kiết Đông kỳ thứ 17 do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan tổ chức tại Tu Viện Quảng Đức ở Melbourne (miền Đông nước Úc) từ ngày 5 đến ngày 15 tháng 7 năm 2016. Do vậy tôi đã kết hợp với chuyến đi nầy để đến tham dự Khóa An Cư lần đầu tiên tại đây đối với tôi từ ngày 5 đến ngày 10 tháng 7, và sau đó phải trở lại Đức để còn phải tiếp tục cho bao nhiêu công việc Phật sự khác nữa.
Trưa ngày 5 tháng 7 năm 2016, sau lễ Khai mạc Khóa An Cư Kiết Đông lần thứ 17 của Giáo Hội Úc Châu tại Tu Viện Quảng Đức, là lễ Quá đường đầu tiên của trường Hạ. Hôm đó chính đạo hữu Giáo Sư Nguyên Nhật Trần Như Mai đã tác bạch lễ cúng dường quyển sách “Hợp tuyển lời Phật dạy từ Kinh Tạng Pali” lên chư Tôn Thiền Đức trong trường Hạ. Sau khi về phòng, tôi bắt đầu đọc tác phẩm giá trị nầy do Ngài học giả Bhikkhu Bodhi người Hoa Kỳ viết và dịch từ tiếng Pali sang tiếng Anh; Giáo Sư Nguyên Nhật Trần Như Mai đã dày công phiên dịch sang tiếng Việt và đã được Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam cho xuất bản dưới hình thức ấn tống vào năm 2015. Đây là một tác phẩm giá trị không thể bỏ qua được, nên tôi đã đọc từ trang bìa cho đến hết trang cuối của hơn 600 trang sách trong nhiều ngày với không biết bao nhiêu là điều cần phải học hỏi thêm từ Kinh Tạng Pali, mà tôi vốn ít có duyên với việc đọc và nghiên cứu kinh sách từ Phật Giáo Nguyên Thủy nầy.
Hòa Thượng Bodhi là Tăng Sĩ người Hoa Kỳ tu theo truyền thống Theravada. Ngài sinh năm 1944, năm nay Ngài đã 72 tuổi. Năm 1972 sau khi hoàn tất học vị Tiến sĩ Triết học tại Đại Học Claremont, Hoa Kỳ, Ngài đã đến Tích Lan và thọ giới Sa Di tại đó. Năm 1973 Ngài thọ giới Tỳ Kheo với Ngài Ananda Maitreya. Ngài sống tổng cộng hơn 20 năm tại Kandy, Tích Lan và hiện nay Ngài đang lưu trú tại Tu Viện Chuang Yen ở New York, một Tu Viện thuộc Phật Giáo Đại Thừa. Ngài là dịch giả và tác giả của nhiều Kinh sách quan trọng như: Tăng Chi Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, Cẩm nang tổng hợp Vi Diệu Pháp, Bát Thánh Đạo, Hợp Tuyển lời Phật dạy v.v… Như vậy phần Kinh Tạng Nikaya Ngài đã trực tiếp dịch từ tiếng Pali sang tiếng Anh khá nhiều, chỉ trừ Trường Bộ Kinh và Tiểu Bộ Kinh là Ngài chưa dịch. Đây là một trong những dịch giả Tây Phương đáng tin cậy, vì lẽ tiếng Anh vốn là tiếng Mẹ đẻ của Ngài và với học vị Tiến Sĩ cũng như ở Tích Lan đến hơn 20 năm, thì đây là cơ hội để Ngài nghiên tầm tiếng Pali và dịch thẳng lời Phật dạy được viết từ tiếng Pali sang tiếng Anh, vốn đã được hình thành tại Ấn Độ và Tích Lan khoảng năm 85 trước Tây Lịch.
Quyển sách trên, Ngài Bodhi trong phần chú thích đã trích dẫn nhiều lời giảng giải của Ngài Nyanaponika. Điều nầy cũng dễ hiểu, vì trong thời gian hơn 20 năm Ngài Bodhi ở Tích Lan thì cũng đã gặp và cùng tu học với Ngài Nyanaponika tại Kandy. Ngài Nyanaponika sinh ngày 21 tháng 7 năm 1901 tại Hanau gần Frankfurt, Đức Quốc và đã viên tịch vào ngày 19 tháng 10 năm 1994 tại Kandy, Tích Lan sau 57 năm sống một đời sống Tăng Sĩ Nam Tông trọn vẹn. Ngài tên thật là Siegmund Feniger. Với 93 năm ở trần thế và 57 năm xuất gia học đạo, Ngài Nyanaponika đã đóng góp cho Phật Giáo Tích Lan và Phật Giáo Âu, Mỹ không ít. Ngài cũng đã dịch Tạp A Hàm (Samyutta Nikaya) và Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara Nikaya) ra tiếng Đức hoàn toàn. Do vậy những học giả và Phật tử người Đức cũng như người Thụy Sĩ nhớ ơn Ngài rất nhiều. Ngài Bodhi ở Tích Lan đến năm 1993, lúc ấy Ngài Nyanaponika vẫn còn hiện hữu và chắc chắn hai vị đã trao đổi với nhau bằng tiếng Anh. Cả hai Ngài nầy tôi đều có duyên gặp mặt tại Tích Lan và ở Đức. Tôi gặp Ngài Nyanaponika tại Kandy vào năm 1992 do Hòa Thượng Tiến Sĩ Seelawansa giới thiệu. Chúng tôi trao đổi với nhau bằng tiếng Đức và lúc ấy Ngài đã yếu đi nhiều. Còn Ngài Bodhi thì tôi đã gặp tại Đại Học Hamburg, Đức Quốc cách đây chừng 10 năm về trước khi Ngài đến tham dự Hội Nghị về Ni giới, đặc biệt là vấn đề cho thọ giới Tỳ Kheo Ni theo truyền thống Phật Giáo Tây Tạng dưới sự chủ trì của Đức Đạt Lai Lạt La thứ 14.
Cố Hòa Thượng Tiến Sĩ Thích Minh Châu sau khi tốt nghiệp tại Đại Học Nalanda, Ấn Độ, Ngài về nước và làm Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh từ năm 1964 đến năm 1975. Trong thời gian nầy Ngài đã cố công dịch thuật thẳng từ tiếng Pali sang tiếng Việt các tạng Nikaya như: Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh và Tiểu Bộ Kinh (Jātaka: Chuyện Tiền Thân Đức Phật) thì Ngài chỉ dịch ra tiếng Việt từ Tập I - Tập V, và sau nầy đã có cố Giáo sư cư sĩ Nguyên Tâm Trần Phương Lan tiếp tục dịch sang tiếng Việt (Tập VI – Tập X) theo bản tiếng Anh của Hội Kinh Tạng Pali, Luân đôn- Anh Quốc (Pali Text Society – Oxford University-London) để hoàn thành Tam Tạng Kinh Điển của hệ phái Theravada. Đây là một thành quả tuyệt vời của Cố Hòa Thượng Minh Châu cũng như của Phật Giáo Việt Nam chúng ta. Cho đến nay (2016) Đại Tạng Kinh Nam Truyền đã hoàn thành và đóng thành 13 tập rất trang nhã. Tập 1 có 744 trang, tập 2 có 632 trang, tập 3 có 666 trang, tập 4 có 810 trang, tập 5 có 844 trang; tập 6 có 860 trang, tập 7 có 786 trang, tập 8 có 814 trang, tập 9 có 662 trang, tập 10 có 768 trang, tập 11 có 802 trang, tập 12 có 756 trang và tập 13 của Tiểu Bộ Kinh có 714 trang. Tổng cộng 13 quyển là 9.858 trang. Đó là tất cả những lời Phật dạy suốt 45 năm hiện thế của Ngài.
Giáo Sư Nguyên Nhật Trần Như Mai trong “Lời giới thiệu của người dịch” đã cho biết là nhờ có vị Thầy Bổn Sư của mình là Cố Hòa Thượng Thích Minh Châu đã dịch bộ Kinh Nikaya từ tiếng Pali sang tiếng Việt mà Giáo Sư đã tham khảo nơi đó để dịch nên Tác Phẩm nầy và Giáo Sư cũng đã cảm ơn Ngài Bodhi đã dày công dịch bộ Kinh Nikaya từ tiếng Pali sang tiếng Anh, cũng như giảng dạy thông qua Internet, để Phật tử khắp thế giới có thể lắng nghe và học tập. Ngoài ra dịch giả cũng đã có cơ hội trực tiếp trao đổi email với Ngài Bodhi khi có những thắc mắc về Phật Pháp, cũng như Ngài Bodhi sẵn sàng hỗ trợ cho việc phát hành tác phẩm nầy tại Hoa Kỳ. Dịch giả phải nói là thông thạo Anh văn và Việt văn nên văn phong rất lưu loát khiến cho người đọc khi đọc đến bất cứ đoạn dịch nào, dầu cho có khó hiểu đến bao nhiêu đi chăng nữa, thì cũng có thể tiếp tục đọc những dòng suối mát thanh lương từ kim khẩu của Đức Phật hay các Đại Đệ Tử của Ngài, khi kể một câu chuyện hay giảng sâu về Vô Ngã, Niết Bàn v.v…
Từ chương thứ nhất “Thân phận con người”, chương thứ hai “Người mang lại ánh sáng”, chương thứ ba “Tiếp cận giáo pháp”, chương thứ tư “Hạnh phúc thấy rõ ngay trong đời sống hiện tại”, chương thứ năm “Con đường đưa đến tái sanh tốt đẹp”, chương thứ sáu “Tầm nhìn thâm sâu về thế giới”, chương thứ bảy “Con đường giải thoát”, chương thứ tám “Tu tập tâm”, chương thứ chín “Chiếu sáng tuệ quang” cho đến chương thứ mười “Các cấp bậc chứng đắc”, cứ trước mỗi chương như vậy Ngài Bodhi đều có lời giới thiệu tổng quát từng chương, khiến cho người đọc không bỡ ngỡ khi đi vào nội dung, mà còn hiểu rõ thêm ý giải thích của Ngài qua các vấn đề khác nhau của nội dung nữa. Đây là việc làm của các học giả, mà một người viết sách bình thường khó thực hiện được. Vả lại lời Phật dạy thì sâu thẩm vô cùng, mỗi lời, mỗi ý đều có mục đích duy nhất là làm cho người nghe phải đập vỡ vỏ vô minh ra từng mảnh nhỏ thì mới có thể tiếp nhận được giáo lý của Ngài. “Đây là ta, đây là của ta, đây là tự ngã của ta” hay khi đã ngộ được rồi thì: “Đây không phải là ta, đây không phải là của ta và đây không phải là tự ngã của ta”.
Khi năm hạ phần kiết sử như: Thân kiến, nghi, giới cấm thủ, tham lam, sân hận vẫn còn nơi các vị mới chứng quả Dự Lưu hay Thất Lai thì vẫn có thể sanh Thiên, nhưng chưa sạch sẽ trọn vẹn năm hạ phần kiết
sử nầy thì không thể chứng được các quả vị Nhất Lai hay Bất Lai. Muốn chứng được Hữu Dư Y hay Vô Dư Y Niết Bàn thì vị đó theo luận giải trong Tương Ưng Bộ Kinh ở phần chú thích số 36 của chương 10 rất hay như sau: “Diễn tiến tinh thần của một kẻ vô văn phàm phu cũng giống như một miếng vải bẩn. Ba sự quán chiếu (về Vô thường, Khổ và Vô ngã) giống như ba chất tẩy uế. Diễn tiến tinh thần của một vị Bất Lai giống như miếng vải đã được giặt sạch bằng ba chất tẩy uế ấy. Những phiền não cấu uế cần được đoạn trừ đối với một vị đang trên đường tu tập hướng đến quả A La Hán cũng giống như mùi của chất tẩy uế còn sót lại. Tri kiến về con đường đưa đến quả A La Hán cũng giống như mùi hương ngọt ngào của chiếc tủ đựng vải và sự đoạn diệt mọi phiền não cấu uế của con đường ấy cũng giống như mùi chất tẩy rửa còn sót lại trên vải đã biến mất sau khi miếng vải được cất vào tủ”. Đọc đoạn văn nầy tôi đã thẩm thấu ý của Đức Phật qua lời dạy cũng như những ví dụ rất chính xác, khiến tâm tôi cũng hỷ lạc vô cùng.
Khi định nghĩa về hai chữ Như Lai ở trang 542, Kinh Tăng Chi I đã có một số giải thích ngắn, trong đó có câu: “Nầy các Tỳ Kheo, Như Lai nói gì thì làm như vậy và làm gì thì nói như vậy. Vì Như Lai làm đúng như đã nói và nói đúng như đã làm, nên được gọi là Như Lai”. Trong khi đó Kinh Kim Cang thì định nghĩa rằng: “Như Lai giả vô sở tòng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai”. Nghĩa là: “Như Lai không từ đâu đến và cũng không đi về đâu, nên gọi là Như Lai”. Tuy nhiên, trong Chương II, phần giới thiệu tổng quát, Bhikkhu Bodhi có đề cập định nghĩa khác của Như Lai (trang 80, đoạn 2):… Trong phần mở đầu của Kinh Đại Duyên (Mahāpadāna Sutta, Trường BK 14), danh xưng Như Lai (Tathāgata)... có nghĩa là người “Đã Đến Như Thế“ (tathā āgata), nghĩa là, người đã đến giữa chúng ta trong cùng một cách thế mà các vị Phật thời quá khứ đã đến; và người “Đã Đi Như Vậy“ (tathā āgata), nghĩa là người đã đi đến chỗ bình an tối thượng là Niết Bàn, cùng một cách thế như các vị Phật thời quá khứ đã đi. Và trong Chương X, phần Giới thiệu tổng quát của Bhikkhu Bodhi (trang 493, đoạn 3), ngài có giải thích rằng: “... Như Lai... có thể hiểu theo hai cách: được hiểu như là tathā āgata, nghĩa là„Đã Đến Như Thế“, ngụ ý rằng Đức Phật đãđến theo một mẫu mực đã định sẵn...; và được hiểu như là tathā gata, nghĩa là “Đã Đi Như Vậy“, ngụ ý rằng Ngài đã đi theo một mẫu mực đã định sẵn (mà các bài luận giải đã diễn nghĩa là Ngài đã đi đến Niết Bàn bằng cách viên mãn tu tập về giới, định, tuệ, các đạo lộ và đạo quả)... (xin xem thêm trang 497: nhận xét của Bhikkhu Bodhi (đoạn 2) về những lời giải thích ngắn vì sao Đức Phật được gọi là Như Lai).
Cũng như thế, khi đọc các Bộ Kinh Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm và Tăng Nhất A Hàm chúng ta cũng thấy được rằng: Khi các Vị Đệ Tử của Đức Phật lúc chứng quả A La Hán, các Ngài thường nói rằng: “Ta việc sanh đã hết, những phạm hạnh đã lập, việc gì cần làm ta đã làm xong và ta biết chắc một điều là kiếp sau ta không còn tái sanh nữa”. Trong khi đó văn bản tiếng Pali thì nói gọn hơn: “Sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, những việc cần làm đã làm, không còn trở lại bất cứ trạng thái hiện hữu nào nữa”. Cách dịch của Giáo Sư Nguyên Nhật Trần Như Mai cũng rất hay ví dụ như: Vô văn phàm phu, để diễn tả cho những vị chưa liễu ngộ Pháp và Đa văn Thánh đệ tử để gọi đối lại những bậc đã dự vào hàng Thánh. Chữ A Nhã Kiều Trần Như theo nguyên ngữ tiếng Pali là Liễu Pháp Kiều Trần Như, quả là lối dịch mới, khiến cho nhiều người có thể có thêm từ để dịch thuật. Ví dụ như chữ panna lâu nay chúng ta thường hiểu là Bát Nhã hay Trí Tuệ, nhưng nay Ngài Tỳ Kheo Nanamoli dịch thẳng từ tiếng Pali ra tiếng Anh có nghĩa là “tuệ tri” hay Tỳ Kheo Thanissaro dịch là “kiến tri”. Tất cả đều hay và đều rõ nghĩa, nhất là giáo lý Nam Truyền nầy căn cứ vào Bát Chánh Đạo, mà Chánh Kiến là quan trọng nhất khi thể nghiệm một điều gì. Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo, Thập Nhị Nhân Duyên hay 37 phẩm trợ đạo vốn là nền tảng chung cho cả Therava, Mahayana và Vjairayana, nhưng ở Theravada thì định nghĩa rõ ràng hơn như: Rõ biết về khổ, nguồn gốc của khổ, sự đoạn diệt khổ và con đường (Chánh kiến của Bát Chánh Đạo) dẫn đến sự diệt khổ. Vô minh, hành thức cũng vậy. Rõ biết về vô minh, nguồn gốc của vô minh, sự đoạn diệt vô minh và con đường dẫn đến (Chánh Kiến) sự đoạn diệt vô minh…. Tất cả đều do ái dục, ái nhiễm, nên vòng luân hồi sanh tử vẫn quay. Cho nên những ai chưa dứt hẳn ái dục thì chưa thể chứng Thánh Quả A La Hán. Trong sách nầy cũng có dẫn chứng một số các nam nữ cư sĩ đã chứng A La Hán, nhưng đa phần là ở trạng thái ngay sau khi chết, hoặc giả có vài trường hợp chứng khi còn sống nhưng sau đó phải xuất gia để đoạn trừ ái dục. Người học Phật nên hiểu rõ vấn đề nầy và không nên nhầm lẫn.
Nhìn chung thì đây là một tác phẩm, một dịch phẩm đáng đọc. Đọc để biết một Đức Phật lịch sử như Đức Thích Ca Mâu Ni, khi Ngài sanh ra như thế nào, Ngài đã nói những gì mà lâu nay các học giả vẫn còn tranh cãi, thì đây là một tác phẩm đã giải đáp được những phần chính nầy. Phật đã nói địa ngục như thế nào, Chư Thiên ở các tầng trời sinh hoạt ra sao và trạng thái của Niết Bàn là gì v.v… tất cả đều hiện rõ trong 10 chương tóm lược qua tác phẩm giá trị nầy. Những ai không có thì giờ để đọc hết Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh bằng chữ Hán gồm 100 quyển hay Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh bằng tiếng Việt gồm 203 quyển để ghi nhớ và tra cứu lại cho thật kỹ càng trước khi giảng dạy cho Phật tử và nói rằng: Cái nầy Phật nói, cái kia Phật không nói v.v… Cái lỗi lớn nhất của những học giả và những nhà nghiên cứu là đọc chưa hết các Đại Tạng Kinh cả Nam lẫn Bắc truyền, mà đã vội kết luận như thế, thì quá sớm. Nếu là một học giả chân chính thì sau khi giảng pháp nên nói rằng: Theo quan niệm riêng của tôi là như vậy, thì sẽ không có ai phản biện lại làm gì.
Đây là một tác phẩm tuyệt vời, bất cứ chúng ta theo truyền thống Phật Giáo nào cũng nên đọc, nhưng đáng tiếc là có một số lỗi chính tả không đáng phải xảy ra khi đánh máy, mà người xem lại lần cuối không kiểm soát kỹ. Trong khi những chú thích hay trong ngoặc tiếng Pali thì đánh máy rất cẩn thận, nhưng tiếng Việt thì sai những lỗi không cần có. Ví dụ như trang 404 chữ… thế gian của bậc A La Hán; nhưng chữ bậc ở đây lại đánh máy là t chứ không phải c. Trang 576 cũng vậy. Xưa nay tôi chưa thấy chữ những nào dấu hỏi mà ở trang nầy người đánh máy thì đánh như thế nầy… rồi rằng vị ấy hỏi về những cấp bậc hành thiền… Ở chương thứ 10 có chú thích đến số thứ tự 69; nhưng mới đọc đến chú thích số 64 chưa xong thì không biết tìm mấy chú thích còn lại ở đâu nữa. Đây là lỗi của nhà in, nhưng người soát lỗi lại sau cùng trước khi cho in, lơ đễnh quá, không phải chỉ mấy lỗi ấy thôi, mà còn rất nhiều, rất nhiều ở trong nhiều chương như thế. Do vậy riêng tôi chỉ mong rằng chính dịch giả nên cố gắng rà soát lại từng trang để khi tái bản (do Thượng Tọa Nguyên Tạng đề xướng và có vận động quỹ ấn tống tại Trường Hạ Quảng Đức cho đợt ấn tống lần 2 vào khoảng Vu Lan 2016 hoặc Tết Đinh Dậu 2017) thì người đọc sẽ được lợi lạc hơn. Vì lẽ một tác phẩm có giá trị là một tác phẩm phải nên hoàn hảo ở mọi phương diện thì người đọc sẽ cảm thấy thoải mái hơn, khi đọc được một tác phẩm giá trị như vậy.
Người đọc sách hay kén chọn sách để đọc, bởi vì cầm một tác phẩm trên tay là cầm một giá trị văn học hay lịch sử để nghiền ngẫm truy tìm, mà lỡ nhận ra những lỗi như thế, quả là uổng vô cùng cho người đã có công dịch từ ngôn ngữ nầy sang ngôn ngữ khác. Tôi không rành Pali và Phạn Ngữ, nên tôi thán phục những ai đã cố công dịch và dẫn giải những lời Phật dạy ra ngôn ngữ Mẹ đẻ của mình, đó là một diễm phúc vô cùng. Trong đó có Ngài Nyanaponika, Ngài Minh Châu, Ngài Bodhi và Giáo Sư Nguyên Nhật Trần Như Mai nữa. Xin tri ân chư vị rất nhiều và xin nhận nơi đây sự tỏ bày vô cùng trân quý và cảm kích của người đọc, khi đã đọc xong tác phẩm “Hợp tuyển lời Phật dạy từ Kinh Tạng Pali”, và vị nào muốn nghiên cứu kỹ càng hơn thì cũng nên đọc qua tác phẩm nầy để thể ngộ về trình độ Phật lý của chính mình.
Viết tại Tu Viện Viên Đức thuộc miền Nam nước Đức vào một ngày đẹp nhất trong năm (20.7.2016)
Thích Như Điển
________________________
Vô thường bệnh lão
● Thích Như Điển
Khi chưa thọ giới Sa Di, vào những năm 1964, 1965 tại chùa Phước Lâm ở Hội An, tôi được Sư Chú Hạnh Thu chỉ cho cách học Quy Sơn Cảnh Sách, cũng như các luật nghi khác để chuẩn bị đi thọ Sa Di vào năm 1967 tại Đà Nẵng. Khi học đến câu:
Vô thường bịnh lão
Bất dữ nhơn kỳ
Triêu tồn tịch vong
Sát na dị thế
Thí như xuân sương hiểu lộ
Thức hốt tức vô
Ngạn thọ tỉnh đằng
Khởi năng trường cửu…
Nghĩa:
Vô thường già bịnh
Chẳng đợi chờ ai
Sớm còn tối mất
Biến đổi từng hồi
Giống như sương mùa Xuân thấy đó
Bỗng chốc chẳng còn
Cây bên miệng giếng
Sao có thể dài lâu…
Chỉ chừng ấy thôi cũng để cho tâm tôi tỉnh ngộ. Thật ra cái tỉnh của tuổi 15, 16 nó không như bây giờ. Càng lớn, càng già thì những ý nghĩa của những câu văn Cảnh Sách nầy lại càng có giá trị nhiều hơn nữa. Nó giống như thuốc bổ ngấm lịm dần vào trong từng thớ thịt của thân và ý niệm của tâm. Khi nhỏ, học để mà học, đọc để mà đọc, tụng để mà tụng, chứ ý nghĩa thì còn mơ hồ lắm. Đến khi về già ngẫm lại những lời dạy của Tổ Quy Sơn Linh Hựu Thiền Sư thật là ý vị vô cùng. Ai không biết vô thường, nhưng nhiều khi chúng ta nghĩ rằng vô thường ấy nó đến với người khác chứ chưa đến với mình. Nếu có chăng đi nữa thì cũng chưa đến với ta. Làm như mình là người ngoại lệ vậy. Ngài Quy Sơn nói rất rõ “Nó không chờ đợi ai hết cả”. Điều ấy có nghĩa là: Dầu trẻ, dầu già, khi cơn vô thường đến, hít vào mà không thở ra thì đã gọi là chết rồi, đâu cần phải gọi là 20, 30, 40 hay 80 hoặc 100 tuổi. Số tuổi dầu có ít hay nhiều, nó cũng giống như buổi sáng thì còn đó, nhưng buổi tối đã hết rồi. Thân thể và tâm thức nầy nó biến hiện trong từng sát na, nhưng chúng ta nào có ai hay biết. Nó cũng giống như những giọt sương ban mai của mùa Xuân lấp lánh trên đầu cây ngọn cỏ, trông rất đẹp mắt, nhưng bỗng chốc lại tan đi, chẳng khác nào cây bám rễ bên bờ miệng giếng thì làm sao có thể tồn tại lâu dài được…
Đó là ý nghĩa của đoạn văn trên. Tôi vẫn mãi nằm lòng, dầu cho bây giờ đã sắp đến cái tuổi thất thập cổ lai hy rồi, khi chiêm nghiệm lại vẫn thấy giá trị vô cùng. Sanh, già, bệnh, chết là một định luật mà không ai trong chúng ta có thể vượt qua khỏi, hay xem thường chúng. Nguyên lý nầy Đức Phật đã chỉ rõ cho chúng ta thấy, chứ thực ra trước khi Đức Phật ra đời, con người cũng đã bị luật vô thường nầy chi phối rồi, chẳng phải chờ đến hôm nay chúng ta mới biết. Rồi ngày mai đây, hằng trăm, hàng ngàn năm nữa cũng thế thôi. Biết để rồi biết chứ khó chấp nhận nó. Bởi vì “Biết thân ta vẫn biết, nhưng tiếc thân ta vẫn tiếc” là vậy. Cho đến khi nào con người liễu ngộ được điều nầy thì lời dạy của Đức Phật sẽ trở nên một giá trị miên viễn cho cuộc đời nầy.
Tôi cũng đã chứng kiến không biết bao nhiêu sự ra đi của rất nhiều người, già có, trẻ có, Tăng có, tục có. Từ người cao sang phú quý cho đến kẻ bần cùng… hầu như tôi đều có mặt trong rất nhiều cơ hội như vậy để chia sẻ những sự mất mát với những người thân, những Phật tử hay với Môn Đồ Pháp Quyến của một vài vị Trưởng Lão ở trong cũng như ngoài nước. Hôm nay bài nầy tôi viết để tưởng niệm cố Hòa Thượng Thích Như Huệ tại Úc Châu, vốn là vị Thầy Giáo Thọ của tôi từ những năm 1964 đến năm 1968 tại Hội An trong những mùa An Cư Kiết Hạ hay những giờ học Giáo Lý tại trường Trung Học Bồ Đề Hội An thuở nào.
Chiều ngày 23 tháng 6 năm 2016 Thượng Tọa Nguyên Tạng từ Úc có gọi cho tôi nhiều lần để báo tin rằng Hòa Thượng Thích Như Huệ, Phương Trượng Tổ Đình Pháp Hoa ở Nam Úc đã viên tịch, nhưng tôi và Thầy Hạnh Giới lúc ấy đang chỉnh sửa bài vở tại Vô Học Cốc, nên đã không nghe được tin nầy, mãi cho đến giữa khuya hôm đó bên Úc, Thầy gọi cho tôi một lần nữa, thì mọi việc đã được an bài. Nghĩa là Hòa Thượng đã thực sự ra đi, thế thọ 83 tuổi và Ngài tu học trên dưới 70 năm kể cả thời gian ở trong nước và ở hải ngoại. Đây là một sự mất mát không nhỏ đối với đồng bào Phật tử Việt Nam tại Úc, cũng như cho Môn Đồ Pháp Quyến của Ngài. Phần tôi phải lo chuẩn bị sắp xếp để đi dự Tang lễ của Ngài vào ngày 30 tháng 6 năm 2016 tại Adelaide, Nam Úc. Mặc dầu tôi mới vừa ra khỏi bệnh viện, sau cuộc giải phẫu Tiền Liệt Tuyến lần thứ hai mới mấy ngày (16.6.2016), nhưng tôi quyết định đi Úc. Có nhiều Đệ Tử lo ngại cho sức khỏe của tôi, nên có ý ngăn cản, nhưng tôi bảo rằng “Ơn nghĩa nghìn trùng của Hòa Thượng, làm sao tôi có thể đáp đền được, nếu ngày di quan không có mặt tôi, sẽ là sự thiếu sót vô cùng” cho nên mọi người đã hiểu và muốn cử quý Thầy Thị giả đi theo cùng, nhưng tôi đã khoát tay và bảo rằng “Thầy có thể tự lo liệu lấy”. Từ Đức muốn qua Úc, phải mất ít nhất là 24 đến 26 giờ ngồi trên máy bay, đó là chưa kể đến những giờ chờ đợi. Do vậy mà ai cũng ngán đi Úc. Càng già thì lại càng ngán ngẫm hơn với khoảng thời gian như vậy. Cuối cùng thì tôi, Hòa Thượng Thích Tánh Thiệt, Thầy Quảng Đạo và Cô Diệu Trạm đã đến phi trường Adelaide vào tối ngày 28 tháng 6 năm 2016 vừa qua để tham dự Tang lễ của Ngài. Năm nay cũng là năm tôi bỏ việc tham dự sinh nhật của chính mình được tổ chức tại chùa Linh Thứu ở Berlin, nhân việc họp Chi Bộ thường niên của chư Tăng Ni Việt Nam ở Đức và tôi cũng bỏ luôn việc chủ trì khóa tu gieo duyên tại chùa Viên Giác Hannover từ ngày 1 đến ngày 10 tháng 7 năm nay, để chỉ một mục đích duy nhất là tham gia Tang lễ của Hòa Thượng Ân sư, Trưởng Lão Thích Như Huệ.
Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại tại Úc Đại Lợi và Tân Tây Lan đứng ra lo Tang lễ, còn Môn Đồ Pháp Quyến chỉ giữ nhiệm vụ lo việc “Tứ sự cúng dường” cho chư Tôn Đức Tăng Ni đến tham dự lễ; mọi việc đáp từ, cũng như cách tổ chức đều có Giáo Hội đảm đang. Trên từ Hòa Thượng Tăng Giáo Trưởng Thích Huyền Tôn đến chư Tôn Đức Tăng Ni trong Giáo Hội tại Úc Đại Lợi cũng như Tân Tây Lan đều hiện diện. Dưới là những vị cư sĩ thuần thành hộ pháp tại các Tiểu Bang cũng đều có mặt. Đặc biệt là Giáo Hội của Bốn Châu gồm: Âu, Úc, Mỹ và Canada đều hiện diện để nói lên tình liên kết của Giáo Hội Liên Châu. Đặc biệt hơn nữa là có Ông Lê Văn Hiếu đại diện cho Toàn Quyền Nam Úc (chỉ dưới quyền của Nữ Hoàng Elizabeth của Anh) cũng đã đến phúng viếng trước Kim quan của Hòa Thượng. Đây là niềm hãnh diện của chúng ta, vì lẽ trong cộng đồng của người Việt Nam tỵ nạn tại Úc Châu, cố Hòa Thượng Thích Như Huệ đã giữ một vai trò tích cực trong cương vị lãnh đạo tinh thần của Phật Giáo trong suốt hơn 3 thập niên qua tại vùng đất mới nầy.
Cuộc đời của Hòa Thượng ở quê nhà cũng như tại hải ngoại đã trải qua nhiều giai đoạn khác nhau như: thăng, trầm, vinh, nhục. Cao thượng có mà thấp kém cũng chẳng phải là không; nhất là những giai đoạn vào cuối đời, Hòa Thượng bị tai bay họa gửi, lo lắng khôn lường cho những vụ kiện cáo không đâu, tưởng chừng như không còn lối thoát. Thế nhưng những dư báo của Hòa Thượng trong đời trước vẫn còn, nên mọi chướng duyên rồi cũng nhường bước cho những sự kiện mới đã được hanh thông. Hòa Thượng đã thở phào nhẹ nhõm và có lẽ đây cũng là một trong những nguyên nhân làm cho bịnh trạng của Hòa Thượng càng ngày càng trầm trọng hơn và cuối cùng phải nhận câu “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Riêng tôi thì suy nghĩ khác đi một chút trong quan điểm nầy. Tôi thấy đa phần người Việt của chúng ta, ai đó khi còn sống thường bị thấy toàn là chuyện xấu, nhưng đến khi chết thì lại được nghe toàn là những lời ca ngợi ở mọi bình diện và cũng chẳng ai dám nói sự thật bao giờ. Có lẽ người ta sợ sự thật chăng? Cho nên theo tôi nghĩ, lúc còn sống chúng ta chỉ nên thấy những chuyện tốt của nhau, lo vun bồi những điều lành để làm tăng trưởng thiện tâm nơi mỗi người, thì tuổi thọ của chúng ta có thể sẽ được dài lâu hơn. Còn việc xấu, bề nào nó cũng đã xấu rồi, tại sao chúng ta lại còn đào sâu hơn nữa để làm gì? Đó có phải là chúng ta chỉ lo củng cố cho tự ngã của mình và muốn dìm cái ngã của người khác xuống để cái ngã của chính ta tự do, tự tại chăng? Cũng có thể là như vậy, mà cũng chưa hẳn là như vậy. Bởi lẽ, không một ai trong chúng ta tránh khỏi sự thật được. Dầu cho sự thật ấy có là thế nào đi chăng nữa thì sự thật cũng sẽ là một sự thật, thì đâu cần phải chữa chạy làm gì?
Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 thường dạy rằng: “Nếu trong tâm bạn chỉ chứa toàn là lòng từ bi, thì hận thù không còn nơi để tồn tại”. Đúng thật là như vậy. Nếu chúng ta chỉ nhìn những cái đẹp cái thiện của người khác, khi đang sống hay lúc đã chết, thì tâm ta hỷ lạc vô biên. Nếu không muốn thấy, hoặc vô tình hay cố ý về những lỗi lầm của kẻ khác, tâm ấy chính là tâm đại địa của những bậc quân tử. Đời nầy rất hiếm có được người như vậy, nhưng tuyệt nhiên không phải là không. Đôi khi Ngài cũng dạy rằng: “Love and Compassion are nessessities, not luxussieties. Without them, humanity can not survive”. Nghĩa là: Tình yêu và lòng từ bi là những điều cần thiết, không phải là những điều xa xỉ. Nếu không có chúng, thì nhân cách của con người không thể phát triển được”. Đúng là như vậy, giữa con người với con người hơn thua nhau là cái nhân cách sống, chứ không phải sự giàu có, danh vọng, địa vị hay sĩ diện. Chúng lại không là những giá trị vật chất để biểu dương, mà là những Chân Thiện Mỹ của con người vốn có sẵn nơi tự tâm của mỗi chúng ta.
Từ đó tôi có ý nghĩ rằng từ nay về sau, nếu chúng ta nhìn một người nào đó, hãy khoan phê phán, mà hãy trân quý họ như những gì trong phẩm “Thường Bất Khinh Bồ Tát” trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa đã dạy, thì tâm ta sẽ tự tại vô ngại, không có gì bị dính mắc và không có gì để phiền não, mà thay vào đó, chúng ta thấy ai cũng là Thầy của mình và mình chính là những người học trò cần phải học hỏi ở nơi những vị Thầy ấy, thì mọi việc sẽ trở nên giản đơn hơn bao giờ hết. Nếu chúng ta chỉ chuyên nhìn điểm xấu của người khác thì tâm của chúng ta cũng sẽ chứa đựng những phiền não, thì lòng từ bi ít có cơ hội để hiện hữu. Hãy mở rộng bản tâm của mỗi con người để đón nhận những niềm tin yêu cao thượng nơi những bậc trưởng thượng thì mọi người trong chúng ta sẽ được lợi lạc nhiều hơn. Quan niệm của mỗi người có thể mỗi khác, nhưng quan niệm về cách sống của tôi từ lâu tôi đã chọn cách nầy, cảm thấy lợi lạc vô cùng.
Nay nhân sự ra đi của Cố Hòa Thượng Thích Như Huệ cũng là vị Ân sư của tôi, tôi muốn nhắn gửi đến mọi người, có thể là không phải ai cũng đều đồng quan điểm với tôi, nhưng nên ít chỉ trích nhau trong lúc còn sanh tiền, mà hãy trân quý nhau trong từng những sát na hiện hữu, vì ngày mai sẽ không là ngày hôm nay và quá khứ chẳng phải là hiện tại, tất cả đều phải thay đổi, cho nên chúng ta nên nhìn về người cũng như sự vật có cái nhìn thông thoáng hơn, thì tâm ta sẽ an lạc vô cùng. Sự sống nếu có bắt đầu thì phải có sự chấm dứt và chúng ta muốn sự chấm dứt ấy như thế nào, chúng lệ thuộc vào những hành động trong hiện tại của mỗi người. Nếu trong hiện tại chúng ta luôn dùng lòng từ bi để cư xử với nhau, thì chắc rằng thế giới nầy sẽ trong sáng hơn. Điều ấy hẳn đúng như Thánh Gandhi đã nói rằng: “Nếu mỗi ngày chúng ta dùng 10 đến 15 phút để thiền định thì thế giới sẽ không có chiến tranh xảy ra”. Sở dĩ có chiến tranh vì còn hận thù, mà hận thù thì không thể tự diệt được hận thù; chỉ có lòng từ bi mới diệt được hận thù mà thôi.
● Thích Như Điển
Viết xong vào một sáng mùa Thu ngày 9 tháng 9 năm 2016 tại Tu Viện Viên Đức Ravensburg, miền Nam nước Đức.
___________________________
Pháp học và pháp hành
theo kinh tạng Nam và bắc truyền
● Thích Như Điển
Tất cả chúng ta đều biết rằng lời Phật dạy trong 45 năm, sau khi Ngài đắc đạo dưới cội cây Bồ Đề tại Gaya ở Ấn Độ, đã để lại cho chúng ta một gia tài tâm linh đồ sộ qua khẩu truyền cũng như bằng văn tự. Kể từ đó đến nay, con Người vĩ đại ấy và giáo lý thậm thâm vi diệu của Ngài đã vượt ra khỏi không gian của xứ Ấn và thời gian trải dài suốt 26 thế kỷ từ Á sang Âu, từ Âu sang Mỹ, từ Mỹ sang Úc, Phi Châu v.v… Như vậy đủ để cho chúng ta thấy rằng giáo lý ấy đã khế hợp với căn cơ của mọi người, dầu tu theo truyền thống Nam truyền hay Bắc truyền và ngay cả Kim Cang Thừa đi nữa cũng là những cỗ xe đang chuyên chở mọi người đi đến con đường giải thoát của sanh tử luân hồi.
Đọc các Tạng Nikaya như: Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh, Tăng Chi Bộ Kinh và Tiểu Bộ Kinh trong gần 10.000 trang sách và gồm 13 tập, mỗi tập dày trên dưới 1.000 trang như thế, chỉ có những vị chứng Thánh quả mới có thể nhớ nằm lòng hết, còn những học giả chỉ nghiên cứu một phần nào đó trong Nikaya, thì cũng chỉ biết rõ về phần của mình mà thôi, còn những phần chưa nghiên cứu thì chưa nắm bắt hết được.
Từ Kinh Tạng Pali ấy được dịch sang các ngôn ngữ địa phương như: Tiếng Tích Lan, tiếng Thái, tiếng Miến Điện v.v… cũng như cả chữ Hán, chữ Đại Hàn, chữ Nhật. Bên phần Hán văn thì trở thành bộ A Hàm gồm 9 quyển, trong đó có: Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm và Tăng Nhất A Hàm. Riêng Bộ Bản Duyên phần lớn tương ưng với Tiểu Bộ Kinh bên Nam truyền. Như vậy về phần nầy chúng ta có thể nghiên cứu và đối chiếu với nhau để biết rõ là bên nào có, bên nào không có trong văn bản tiếng Pali hoặc ngược lại. Đại Tạng Kinh bằng chữ Hán thì rất đa dạng, đã trải qua các thời Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh và mỗi thời như thế đều có cho thêm vào những bộ sớ giải về Kinh cũng như Luận Tạng. Do vậy mà Bộ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshuu Daizokyo) đã được biên thành ở đầu thế kỷ thứ 20 tại Nhật Bản, gần 100 quyển kể cả những niên đại và họa đồ truyền thừa. Mỗi quyển cũng trên dưới 1.000 trang chia làm 3 cột trên, giữa và dưới. Chữ nhỏ li ti. Cho nên khi Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh chủ trương cho dịch bộ nầy thành Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh bằng Việt ngữ thì đã lên đến 203 quyển và mỗi quyển cũng trên dưới 1.000 trang. Như vậy tổng cộng Đại Tạng Kinh Bắc Truyền bằng tiếng Việt có thể lên đến 250.000 trang. Bây giờ chúng ta có thể đặt câu hỏi là: Ai có thể thuộc làu hoặc hiểu hết lời Phật dạy và những lời chú giải của các Vị Tổ Sư trong chừng ấy trang Kinh, Luật và Luận? Chắc hẳn không phải là chúng ta rồi. Vậy chúng ta nên hạ mình xuống và khiêm nhường để tìm tòi lời Phật dạy qua những bộ Đại Tạng Kinh nầy. Đó là chưa nói đến Tạng của Đại Hàn khác với Trung Hoa và Nhật Bản nữa.
Riêng Kim Cang Thừa thì được truyền vào Tây Tạng, Bhutan, Mông Cổ, Sikkim v.v… từ thế kỷ thứ 7, cho đến nay cũng đã trên 1.300 năm lịch sử rồi và đặc biệt truyền thống nầy hành trì sâu về Bát Nhã, Trung Quán cũng như Duy Thức… cho nên cái nhìn của Phật Giáo Njima (Cổ Mật) Gelupa (phái giữ giới) Kayu và Sakya cũng không hẳn là đã giống với Phật Giáo Nguyên Thủy. Tuy rằng, dẫu cho có theo truyền thống Phật Giáo nào đi chăng nữa thì 37 phẩm trợ đạo vẫn là phần giáo lý căn bản của Tông Phái mình đang theo.
Đức Phật khi còn tại thế, Ngài hay lấy những ví dụ để chứng minh cho người nghe dễ hiểu và lãnh hội một cách dễ dàng. Do vậy mà chúng ta có thể thấy nhan nhãn đâu đây trong các kinh sách còn lưu truyền lại cho đến ngày nay đều thể hiện việc nầy qua các nhân vật như chư Phật ở các cõi khác, chư Thiên, con Người, A Tu La, Quỷ Thần và đặc biệt là phần súc sanh như những con chó, mèo, heo, gà, rắn, cọp, sói, sư tử, ba ba, khỉ, vượn, chim trĩ, chim công, chim se sẻ, chim bồ câu v.v… đều xuất hiện rải rác đó đây khắp các Tạng Kinh, Luật cũng như Luận. Có lần Đức Phật đã dạy rằng: “Giáo lý của ta được phân định như sau: Có người nghe xong rồi hiểu, hiểu xong lại thực hành, thực hành xong thì chứng đạo quả. Cũng có người nghe xong rồi hiểu, hiểu xong không thực hành và dĩ nhiên là không thể chứng được Đạo. Hạng người thứ ba là nghe xong rồi chẳng hiểu, lại chẳng thực hành, nên chẳng chứng quả vị nào cả”. Vậy ở thời kỳ Pháp đang đi xuống nầy, chúng ta đang thuộc vào giai tầng nào thì tự chúng ta phải hiểu lấy vậy.
Trong thời gian gần đây, sau những thời giảng pháp, tôi thường cho các Phật tử đặt câu hỏi về nhiều đề tài khác nhau, viết lên trên giấy và không cần ghi tên họ cũng như Pháp danh để được tự nhiên hơn và cũng không cần trực tiếp giơ tay lên hỏi, vì có những câu hỏi rất là tế nhị. Ví dụ như những câu hỏi sau: “Bạch Thầy, có một vị Pháp Sư nọ bằng cấp cao, có học vị Tiến Sĩ, nhưng khi giảng pháp lại quyết đoán rằng: Phật không nói về địa ngục cũng như không có Bát Kỉnh Pháp cho chư Ni. Vậy đâu là câu trả lời đúng nhất?”. Hoặc “Có vị Pháp Sư bảo rằng: không có Đức Phật A Di Đà, không có cảnh giới Tây Phương Cực Lạc cũng như không có việc giải thoát về cảnh giới ấy. Vậy đâu là sự thật, khiến cho chúng con tu theo pháp môn Tịnh Độ cũng rất hoang mang. Xin Thầy giải đáp giùm cho”.
Dĩ nhiên là còn rất nhiều câu hỏi rất hay nữa, nhưng hôm nay tôi chỉ lạm bàn về những câu hỏi bên trên mà thôi. Đầu tiên xin trả lời chung chung là: Tịnh Độ có rất nhiều cõi, nhưng Cực Lạc chỉ có một mà thôi. Ví dụ như Đông Phương Tịnh Độ của Đức Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, Tịnh Độ ở cõi Nội Cung Đẩu Suất của Đức Phật Di Lặc và của những vị Nhứt Sanh Bổ Xứ. Riêng Ngài Thánh Nghiêm, người Trung Hoa, tốt nghiệp Tiến Sĩ Đại Học Risso tại Nhật Bản, sáng lập tông phái Pháp Cổ Sơn tại Đài Loan thì Ngài trả lời rằng: Có 4 cảnh giới Tịnh Độ. Đó là Nhơn Gian Tịnh Độ, Thiên Quốc Tịnh Độ, Phật Quốc Tịnh Độ và Tự Tánh Di Đà Tịnh Độ. Nhưng ở đây chúng ta cũng có thể đặt ngược câu hỏi lại rằng: Những cõi Thường Tịch Quang Tịnh Độ, Thật Báo Trang Nghiêm Tịnh Độ để đón tiếp ai, nếu không phải là những vị Thiền Sư tu chứng sẽ về đây? Nếu những vị ấy không muốn vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Đức Phật A Di Đà thì điều nầy không có gì để thắc mắc cả.
Ở đây xin mách cho những vị học giả hay những vị Tăng Sĩ có học vị cao mà chưa có thì giờ để đọc hết những bộ A Hàm thì xin vào Bộ A Hàm I, phần IV thuộc Kinh Trường A Hàm, kinh thứ 30 là Kinh Thế Ký, phần thứ 4 có nói về Địa ngục, ở trang số 587 trong 1.010 trang của quyển I nầy. Ngoài ra Đức Phật còn nói về các cõi khác như Tứ Thiên Vương, Đao Lợi Thiên v.v… Khi đọc xong đoạn kinh văn nầy thì chắc rằng vị Giảng sư ấy sẽ không thể nói rằng: Phật không nói về các cảnh giới địa ngục. Thỉnh thoảng đâu đó chúng ta vẫn thấy Đức Phật dạy rằng: “Người bị đọa vào địa ngục dầu bao nhiêu kiếp cũng có ngày ra khỏi và những kẻ bị ái dục sai khiến, khi đã dính mắc vào đó rồi thì trăm ngàn muôn kiếp vẫn khó được thoát ly”.
Đến Trung A Hàm quyển thứ V- quyển hạ- phần biệt dịch số 60 Phật nói Kinh Cù Đàm Di Ký Quả, trang 203 đến 210. Trong nầy Phật dạy rất rõ về Bát Kỉnh Pháp cho Bà Kiều Đàm Di khi đến xin Phật xuất gia cùng với 500 người nữ khác, cũng như những lời thưa thỉnh của Ngài A Nan biện bạch làm thế nào để cho người nữ được xuất gia và thọ giới, có nói rất rõ trong Kinh nầy. Quyển nầy dày 1.080 trang. Những vị Sư Cô nào không tin rằng Phật đã nói Bát Kỉnh Pháp, hay những vị Pháp Sư nào nói rằng Phật không chế 8 pháp nầy cho người nữ xuất gia thì hãy vào Quyển Trung A Hàm thứ V nầy để xem và nghiền ngẫm cho thật kỹ trước khi thăng tòa thuyết pháp cũng như giảng giáo lý cho đại chúng.
Bộ Bản Duyên thứ I, tập thứ 10 trong 203 tập có ghi lại rất rõ ràng về những mẩu chuyện tiền thân của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni trong nhiều tiền kiếp trước cũng như việc thọ ký về sau cho các vị A La Hán, các vị Bồ Tát hay những vị Phật có ghi lại rõ trong Phật Nói Kinh Sinh, quyển thứ V, phần Kinh văn thứ 48, Đức Phật nói về Kinh Mật Cụ (dụng cụ đựng mật) có nói về các đạo hào quang khi Phật thọ ký cho những chúng sanh như sau:
- Nếu thọ ký cho Bồ Tát thì hào quang theo đảnh đầu vào.
- Nếu thọ ký cho Duyên Giác thì hào quang theo miệng vào.
- Nếu thọ ký cho Thanh Văn thì hào quang theo khuỷu tay vào.
- Nếu thọ ký cho những người có phước đức trên cõi trời thì hào quang theo xương sống vào.
- Nếu thọ ký cho thân người thì hào quang sẽ theo đầu gối vào.
- Nếu nói về địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh thì hào quang sẽ theo chân để vào (trang 453 trong 970 trang của quyển nầy).
Điều nầy không khác mấy với tinh thần “Trung Ấm Thân” và “Chuyển Di Tâm Thức” của Đại Thừa cũng như của Phật Giáo Tây Tạng là:
Đảnh Thánh, nhãn sanh Thiên
Nhơn trung, ác quỷ Phúc
Bàng Sanh tất cái ly
Địa ngục cước tâm xuất.
Nghĩa:
Nếu hơi nóng sau cùng nằm ở đỉnh đầu thì sẽ trở thành bậc Thánh; hơi nóng ở hai mắt sẽ sanh về cõi chư Thiên; hơi nóng nằm ở ngang ngực sẽ sanh lại làm người; hơi ấm nằm ở bụng sẽ sanh về thế giới ngạ quỷ; hơi nóng nằm ở đầu gối chắc chắn người ấy sẽ sanh vào loài súc sanh; và cuối cùng, nếu hơi nóng nằm ở dưới lòng bàn chân thì chúng sanh ấy sẽ đầu thai vào cảnh giới địa ngục.
So sánh hai tư tưởng của Bộ Bản Duyên phần Thọ Ký nói trong Kinh Mật Cụ và tư tưởng vãng sanh của Đại Thừa không sai khác là bao nhiêu.
Cũng trong Bộ Bản Duyên thứ I trang 474, Kinh văn thứ 55, Đức Phật đã giảng về Kinh Thí Dụ. Trong nầy Ngài có kể câu chuyện trong một kiếp quá khứ của Ngài Thủ Đạt và Ngài Duy Tiên. Ở phần kết luận Đức Phật Thích Ca Mâu Ni bảo rằng: “Ngài Thủ Đạt chính là bản thân của ta và Ngài Duy Tiên hiện nay là Đức Phật A Di Đà”.
Như vậy khi nói về tiền thân Đức Phật A Di Đà sẽ có 48 lời nguyện của Ngài khi còn là một vị Bồ Tát, Ngài phát ra 48 lời nguyện, như trong Kinh Vô Lượng Thọ có trình bày. Như vậy làm sao không có Đức Phật A Di Đà và không có cảnh giới Tây Phương Cực Lạc? Riêng tôi nghĩ, nếu quý vị Pháp Sư giảng pháp về Tịnh Độ hay Cực Lạc, có thể nói rằng: “Theo quan điểm của tôi thì… có một thế giới như thế… hay không có một thế giới như thế”… chứ đừng nói rằng: Đức Phật không nói như thế nầy hay không nói như thế kia. Cái lỗi to lớn nhất của các học giả và các vị Pháp Sư khi nghiên cứu và giảng pháp về giáo lý của Đạo Phật là đọc chưa hết Đại Tạng Kinh Nam Truyền lẫn Bắc Truyền mà kết luận như vậy thì thật là nông cạn. Hãy thận trọng khi giảng pháp, dầu cho mình ở vị trí nào đi chăng nữa. Tôi không phản đối về sự học tập có bằng cấp, vì cái bằng nó vô tội vạ. Do đó tôi vẫn thường khuyên các Thầy, Cô đệ tử của mình rằng: “Sự học nó không làm cho mình giải thoát sanh tử được, nhưng nếu muốn mở cánh cửa sanh tử kia, không thể thiếu sự tu và sự học được”.
Tôi viết bài nầy không phải để khoa trương, mà để thẩm định lại một vài điều cần phải nên thẩm định, để biết đâu quý Thầy, quý Phật tử và những học giả nghiên cứu về Phật học có cơ hội suy nghiệm lại những đề tài thuyết giảng cũng như những bài viết của mình.
Viết xong vào lúc 10 giờ sáng ngày 22.12.2016 tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc.
_____________________________________
Đọc“Chú Đại Bi giảng giải” do cố HT Tuyên Hóa giảng
Thượng Tọa Thích Minh Định(Pháp Quốc) dịch sang Việt ngữ từ Hán Văn
Thích Như Điển
Suốt ngày 22 tháng 6 năm 2017 vừa qua, tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc, nhân mùa An Cư Kiết Hạ năm nay, tôi để tâm đọc quyển sách nầy trong vô cùng trân trọng, sau khi nhận được sách gửi tặng từ Thượng Tọa Thích Minh Định. Xin vô cùng niệm ân Thầy.
Đọc sách, Kinh, báo chí v.v… vốn là niềm vui của tôi tự thuở nào chẳng biết, nhưng nếu cảm thấy rảnh rỗi là tôi cầm sách hay Kinh để đọc. Riết rồi trở thành một thói quen rất đặc biệt. Do vậy mỗi ngày đọc Đại Tạng Kinh bằng tiếng Việt cỡ 200 trang cũng là chuyện bình thường đối với tôi. Tôi nghĩ rằng người khác đã có công viết hay dịch thuật và in thành sách hay báo chí, vốn là công sức và trí tuệ của nhiều người gom lại, tại sao chúng ta không đọc để học được những điều hay nơi Kinh, sách hay báo chí viết. Cho nên hầu như không có sách, hay báo chí nào gửi đến chùa Viên Giác mà tôi không lướt mắt qua, hoặc đọc hết cả cuốn sách dày hàng trăm, hằng nghìn trang như vậy, nếu là sách hay. Mỗi người trong chúng ta có một thói quen cố hữu, nhưng nếu ai đó chọn đúng cách sống thì sự an lạc sẽ đến với mình, không phải chỉ trong đời này mà còn kế tiếp theo ở nhiều đời sau nữa.
Cầm quyển sách trên tay với 180 trang khổ A5 như thế, tôi cảm thấy thoải mái khi bắt đầu đọc. Chú Đại Bi nầy do cố Hòa Thượng Tuyên Hóa ở Vạn Phật Thánh Thành, Hoa Kỳ giảng bằng tiếng Phổ Thông cách đây hơn 20 năm về trước, sau đó Thượng Tọa Thích Minh Định, Đệ tử của Cố Hòa Thượng Thích Trung Quán đã dày công phiên dịch ra Việt ngữ và đã xuất bản lần đầu cũng cách đây 20 năm. Lần tái bản nầy của năm 2017 do nhà xuất bản Hồng Đức ở Việt Nam in với hình thức ấn tống 1.000 cuốn và tôi đã nhận được một trong những cuốn ấy cùng với quyển“Ý Nghĩa Đời Người” của cùng tác giả và dịch giả. Đầu tiên tôi đọc mục lục của sách được chia ra như sau: Từ trang đầu cho đến trang 108 là những bài pháp của Cố Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng về Thần Chú Đại Bi; từ trang 109 đến trang 163 Ngài giảng giải về 10 cảnh giới của 4 bậc Thánh và 6 cõi phàm; từ trang 164 đến trang 177 Ngài kể lại chuyện“Như Ý Ma Nữ”.
Trước đây vào năm 2001 tôi có xuất bản quyển “Kinh Đại Bi”bằng tiếng Việt và tiếng Đức. Bản nầy dịch từ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Nội dung Kinh có mô tả về việc những người đi biển gặp nạn lớn, cá to nuốt luôn cả chiếc thuyền vào bụng cá, trong số người đi biển chỉ có một người niệm được danh hiệu“Nam Mô Phật”mà cá kia động lòng, nên đã há miệng ra cho những người mắc nạn ấy trở về lại đất liền. Đó chỉ là một trong nhiều chuyện trong Kinh Đại Bi do Phật nói và đã được kết tập vào Đại Tạng. Riêng Thần Chú Đại Bi thì chúng ta tụng hằng ngày, hằng thời kinh, hằng năm, hằng tháng, hằng pháp hội v.v… nhưng hầu như không nghe nói ai giảng cũng như nói về ý nghĩa của Chú nầy cả. Nếu có, quý Thầy cũng chỉ nói tổng quát rằng“Đây là Thần Chú của Đức Quan Thế Âm, vì lòng bi mẫn cứu chúng sanh mà phát ra Đại Nguyện với nhiều hóa thân để cứu độ”, còn giảng từng câu từng chữ thì không và chưa thấy ai đề cập đến. Nay có quyển sách nầy trên tay, nên tôi rất hoan hỷ để đọc từ trang đầu đến trang cuối chỉ trong một ngày, độ hơn 4 tiếng đồng hồ cho 180 trang ấy.
Đầu tiên chúng ta thử tìm hiểu sơ lược về Tiểu sử của Ngài, để chúng ta có được một cái nhìn khái quát về Ngài trong những năm tháng hành đạo tại Trung Hoa, Hồng Kông và Hoa Kỳ trong suốt một cuộc hành trình dài 77 năm ấy. Ngài sinh ngày 16 tháng 3 năm Mậu Ngọ(1918) tại Tỉnh Kiết Lâm ở phía Đông Bắc Trung Hoa và ngày nay thuộc Mãn Châu(xem thêm chi tiết Tiểu Sử của Ngài nơi Wikipedia tiếng Việt). Năm 19 tuổi sau khi lễ tang của Mẹ xong, Ngài đến chùa Tam Duyên xuất gia và nhận Ngài Hòa Thượng Thường Trí làm Thầy. Sau đó Ngài về phần mộ của Mẹ mình để cư tang trong ba năm. Ngài ngồi Thiền và niệm danh hiệu Đức Phật A Di Đà, gặp nhiều điềm lành như ánh sáng hay gặp Ngài Lục Tổ Huệ Năng trong khi Thiền định. Đến năm 1946 Ngài đến chùa Nam Hoa và đảnh lễ Hòa Thượng Hư Vân để xin thọ Cụ Túc giới. Ngài Hư Vân phú cho Ngài Pháp Hiệu là Tuyên Hóa. Đến năm 1949 Ngài sang Hồng Kông và tu khổ hạnh quên mình tại đó. Năm 1961 Ngài sang Úc Châu hoằng pháp, đến năm 1962 Ngài sang San Francisco, Hoa Kỳ. Đến năm 1968 Ngài bắt đầu giảng Kinh Đại thừa, trong đó có Lăng Nghiêm và sau 96 ngày có 5 người Mỹ xuất gia với Ngài. Năm 1976 Ngài thành lập Vạn Phật Thánh Thành(cách thành phố San Jose chừng 2 tiếng đồng hồ lái xe). Đến ngày 7 tháng 6 năm 1995 Ngài viên tịch tại Los Angeles, Hoa Kỳ. Câu di ngôn của Ngài để lại cho đời là:“Khi tôi đến, tôi không có gì cả, khi tôi đi, tôi vẫn không có gì cả. Tôi không muốn để lại dấu vết gì trên thế gian. Tôi từ hư không đến. Tôi sẽ trở về hư không”.
Ngày nay nếu Tăng Ni hay Phật Tử nào đó có lòng muốn đến Vạn Phật Thánh Thành để tu học trong nhiều năm tháng hay thăm viếng cũng rất có ý nghĩa, vì bậc chân tu nầy tuy nói rằng“Ngài không muốn để lại dấu vết gì trên thế gian nầy”, nhưng Vạn Phật Thánh Thành vẫn còn đó, những tòa nhà(vốn là một bệnh viện) ngang dọc vẫn còn đây và đâu đó dấu chân của Ngài vẫn còn in bóng khắp mọi nơi. Tiếng giảng Kinh của Ngài vẫn còn trầm lắng nơi tâm tư của người học Phật, họ là những người Hoa, người Việt, người Mỹ v.v… Tại Vạn Phật Thánh Thành quý vị có thể tu theo nhiều pháp môn như ngồi Thiền, niệm Phật, lễ bái, Kim Cang thừa, trì luật, Duy thức v.v… nghĩa là tại Đại Học Pháp Giới cũng như những lớp giảng Kinh ở đó vẫn được tổ chức hằng ngày, hằng tháng, hằng năm. Nghe đâu Đại Học Pháp Giới tại Vạn Phật Thánh Thành cũng đang chiêu sinh, Tăng, Ni và Cư sĩ từ ngoại quốc có thể ghi tên tu học tại đây với visa dài hạn vào Mỹ. Đây là một cơ hội tốt cho những ai muốn tìm cầu tu học cũng như đảnh lễ xá lợi của Ngài, và đến đây để thấy tấm lòng của người xưa cao cả là dường nào. Phương Trượng tại đây trong hiện tại là một người Tăng sĩ từ Trung Hoa lục địa đến và được truyền thừa khi Ngài Tuyên Hóa còn sanh tiền. Mọi lễ nghi, pháp quy tại Vạn Phật Thánh Thành đều được duy trì như thời Ngài Tuyên Hóa còn hiện thế. Thế mới biết: Ngài không để lại gì mà thật sự ra Ngài đã để lại rất nhiều cho hậu thế. Đây là những Pháp Bảo vô giá mà chúng ta khó có thể tìm được trên thế gian nầy.
Đọc những lời giảng giải của Ngài về Chú Đại Bi tôi cứ ngỡ là Ngài rành chữ Phạn, nhưng không, Ngài trả lời cho những người học Phật là Ngài tự biết như thế và giảng ra thôi. Nếu ai đó có hỏi Ngài là Ngài có biết tiếng Phạn không? Ngài trả lời rằng: Không. Nhưng tại sao Ngài biết giảng những Thần Chú? Thì Ngài hỏi lại rằng: Nó cũng giống như bạn hỏi tôi tại sao tôi xuất gia và tôi hỏi lại bạn là tại sao bạn không xuất gia? Khi nào bạn trả lời được câu hỏi ấy, tức bạn đã hiểu lý do vì sao rồi. Ngài giảng rất rõ về câu Chú đầu tiên trong Thần Chú Đại Bi“Nam Mô hắc ra đát na đá ra dạ da”, rồi từng chữ, từng câu xuyên suốt hết bài chú, cuối cùnglà“Án Tất Điện Đô Mạn Đà Ra Bạt Đà Dạ Ta Bà Ha” và đây cũng là Thần Chú trong khi cạo tóc như: Thế trừ tu phác, đương nguyện chúng sanh, viễn ly phiền não, cứu cánh tịch diệt. Án tất điện đô mạn đà ra bạt đà dạ ta bà ha.Ngài giải thích 14 lần chữ Ta Bà Ha trong bài Chú Đại Bi và mỗi câu là mỗi nghĩa khác nhau của 42 Thủ Nhãn. Chữ Ta Bà Ha ấy có nghĩa chung trong 6 nghĩa là: Thành tựu, Cát tường, Viên tịch, Tiêu tai, Tăng ích và Vô trụ hay Vô sở trụ. Đến đoạn “Hê Rị Ma Ha Bàn Đa Sa Mế” Ngài giảng về Hòa Thượng Chí Công và vua Lương Võ Đế(thế kỷ thứ 6) cũng như những câu chuyện luân hồi của chúng sanh rất có ý nghĩa. Đặc biệt là câu chuyện về hai con chim bồ câu. Ngài Tuyên Hóa giảng rằng: Ngài Chí Công mỗi ngày hay ăn hai con chim bồ câu và người đầu bếp nghĩ rằng chắc là thịt của bồ câu ngon lắm, nên anh ta một hôm trước khi dọn cơm cho Ngài, đã ăn trước một phần để xem thử ngon dở như thế nào. Khi mang cơm lên, Ngài Chí Công bảo: Hôm nay ai ăn lén bồ câu của ta? Người đầu bếp chối không ăn và Ngài Chí Công chứng minh cho anh ta thấy rằng đâu là sự thật. Sau khi ăn xong hai con chim bồ câu, Ngài bèn hả miệng và phun ra hai con chim bồ câu, có một con bay được và con kia chẳng có cánh nên không bay được. Đoạn Ngài nói tiếp: Ngươi xem đi, nếu ngươi chẳng ăn lén cánh bồ câu, thì sao con bồ câu nầy bay không được? Vậy cánh của nó ở đâu? Từ đó người đầu bếp mới biết Ngài Chí Công không phải là người bình thường mà là Bồ Tát hóa thân. Cho nên ăn bồ câu nấu chín rồi, mà có thể trở thành bồ câu sống. Nếu chẳng phải cảnh giới của Bồ Tát thì làm sao có cảnh trạng nầy?
Viết đến đây tôi liên tưởng đến Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ Trần Tung, Anh ruột của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Nguyên Thánh Thiên Cảm Hoàng Hậu húy Thiều (vợ của Vua Trần Thánh Tông, Mẹ của vua Trần Nhân Tông) cũng tương tự như vậy. Một hôm Tuệ Trung Thượng Sĩ về Phủ Thiên Trường(nơi dành cho những Thái Thượng Hoàng về đây an nghỉ, còn Thăng Long là Đế Đô của các vua đang tại vị). Thiên Cảm Hoàng Thái Hậu dọn tiệc để đãi anh mình tại Phủ Thiên Trường. Trên bàn có cả thức ăn mặn và thức ăn chay. Tuệ Trung Thượng Sĩ gắp thức ăn không phân biệt chay mặn. Hoàng Thái Hậu hỏi: “Anh tu Thiền mà ăn thịt cá thì làm sao thành Phật được?”. Ông cười đáp:“Phật là Phật, anh là anh. Anh không cần thành Phật. Phật cũng không cần thành anh. Em không nghe các bậc cổ đức nói: Văn Thù là Văn Thù, giải thoát là giải thoát đó sao?”. Trong bữa tiệc nầy có cả vua Trần Nhân Tông, vua rất thắc mắc về việc nầy vì chưa hiểu rõ ý nghĩa câu trả lời của Tuệ Trung Thượng Sĩ, nhưng chưa tiện hỏi.(đọc thêm phóng tác lịch sử tiểu thuyết cuối Triều Lý, đầu nhà Trần về “Mối tơ vương của Huyền Trân công chúa” do chúng tôi biên soạn và sẽ xuất bản vào năm 2018). Đọc đoạn văn nầy, chúng ta thấy hành tung của những vị Bồ Tát đi vào đời để độ sanh thật là bất khả tư nghì, chúng ta không thể dùng cái trí hiểu biết bình thường mà hiểu được những hành động của họ, đừng nói gì đến chuyện phán đoán đúng sai. Tiện đây tôi xin ghi thêm một câu chuyện bên lề về những hành tung của Ngài Tuyên Hóa để tìm hiểu thêm(vì trong Tiểu Sử của Ngài không thấy ghi, nhưng đã được truyền miệng qua nhiều người) như sau:
Khoảng năm 1975, miền Bắc California bị hạn hán kéo dài lâu ngày, nước không có để cho gia súc cũng như loài người dùng, mà trên đồi cao nầy có cả một bịnh viện gồm hơn 100 phòng, có nhiều người ở tại đó. Đây là vấn đề nan giải, chính phủ Mỹ cũng bó tay, không làm sao tìm đâu ra nước được, cho nên mới treo bảng bán cơ sở nầy. Có một người Hoa, vốn biết Hòa Thượng Tuyên Hóa từ trước, nên đến cung thỉnh Ngài đến xem và nếu Ngài thấy chỗ nào có nước thì điềm chỉ cho, để bà ta mua cúng dường Ngài Tuyên Hóa. Khi Ngài chỉ vào một khoảnh đất trống trong khu nhà đất lớn cả hằng trăm mẫu và nói: “Nơi nầy có nước”. Sau đó cho người khoan thì thấy quả thật là có nước, vị thí chủ đã mua cơ sở nầy của chính phủ Mỹ với giá rẻ để cúng dường cho Ngài, và Vạn Phật Thánh Thành từ năm 1975 đến nay, hơn 40 năm sinh hoạt cho cả hằng trăm, hằng ngàn người vẫn không hề thiếu nước. Tôi viết điều nầy qua việc nghe thấy cũng như đã đến tại chỗ, nơi Vạn Phật Thánh Thành trong hai lần, đi cùng với quý Phật tử tại san Jose trong những năm về trước. Nếu có gì sai sót thì xin quý vị bổ túc cho.
Câu“Y Hê Di Hê” Ngài cho là câu Chú nầy thuộc về Ma Hê Thủ La Thiên Vương. Đây là loài ma vương của ngoại đạo, nếu ai đó niệm đến câu“Y Hê Di Hê” nầy thì Ma Hê Thủ La Thiên Vương sẽ đến, lúc nầy, trong tâm của bạn nghĩ việc gì, kêu y đi làm, thì y sẽ lập tức y giáo phụng hành. Trang 72 của quyển sách nầy cũng cho biết là 42 Thủ Nhãn nầy đều là sở tu của Bồ Tát, chứ chẳng phải là tên của 42 vị Bồ Tát. Ngài cũng cho biết là tại Đài Loan có một vị Pháp Sư giảng Chú Đại Bi, mỗi một Thủ Nhãn vị nầy đều giảng thành một vị Bồ Tát. Ví dụ như“Chưởng Thượng Hóa Phật Thủ Nhãn”thì vị nầy giảng là:“Chưởng Thượng Hóa Phật Bồ Tát Thủ Nhãn”. Giảng như vậy là sai, sai một ly đi một dặm là vậy. Hình Thủ Nhãn tức là hình bàn tay có cầm những pháp bảo, mà cũng kỳ lạ là từ câu thứ 24.“Tát Bà Tát Bà” mới bắt đầu có Thủ Nhãn nầy và chấm dứt ở câu 75.“Ta Bà Ha” gồm có 42 hình ảnh của bàn tay với nhiều ấn quyết, mà không chấm dứt ở câu 84. “Ta Bà Ha” là câu cuối cùng, nhưng dẫu sao đi nữa thì đây cũng là những lời giải thích của vị có tu, có hành trì Thần Chú Linh Cảm nầy của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát vì lòng Đại Bi mà đã thể hiện ra như thế để hóa độ chúng sanh, còn tin hay không thì xin tùy theo từng người đã cảm ứng với Thần Chú nầy như thế nào, chứ bảo rằng đúng hay sai thì lại là vấn đề khác nữa.
Riêng tôi cũng bị hỏi nhiều lần về Thần Chú Đại Bi nầy là tại sao các Thầy không giảng ra tiếng Việt? Tôi chỉ trả lời rằng: Đã là Thần Chú, là mật ngôn của chư Phật thì chỉ có Phật với Phật mới hiểu, chứ còn chúng sanh như chúng ta thì làm sao hiểu nổi. Bồ Tát nghe còn chưa hiểu thì các vị Thanh Văn, Duyên Giác, A La Hán cũng chỉ đứng đó mà nhìn, chứ chưa thể nào hiểu hết được ý của Phật; nhưng ta biết chắc một điều là: Thần Chú nầy là vì lòng Đại Bi của Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và Ngài đã nói ra diệu dược tâm linh để cứu cho những chúng sinh nào cần đến loại thuốc nầy. Tôi ví dụ như chúng ta mở đài để nghe tin tức, nhưng khi dò chưa đúng đài thì chúng ta chỉ nghe những tiếng rè rè mà thôi, khi nào chúng ta dò đúng đài rồi thì chúng ta sẽ nghe rõ âm thanh của người trong máy nói. Vậy thì đài của chúng ta và đài của Phật, Bồ Tát chưa đúng tần số của nhau, nên chúng ta chưa rõ Quý Ngài nói gì, chứ không phải là không hiểu. Một ngày nào đó chúng ta sẽ hiểu các Ngài, khi chúng ta đã ở được vào chỗ Vô Trụ.
Tôi hay hành trì Kinh Lăng Nghiêm miên mật vào mỗi buổi sáng từ khi xuất gia(1964) đến nay(2017)cũng đã 53 năm rồi. Cứ mỗi lần nhắm mắt lại khi vào tựa của Kinh là cảm thấy mọi vật đều bất khả tư nghì. Tuy chẳng hiểu lời Thần Chú nói gì, nhưng đó là tất cả Đại Định của chư Phật và chư vị Bồ Tát. Cho nên khi giảng Kinh Lăng Nghiêm, Ngài Tuyên Hóa cũng đã có lần bảo:“Người nào hành trì Kinh Lăng Nghiêm mà bị xuống địa ngục, thì Ngài sẽ vào địa ngục trước để chịu thay cho người nầy vậy”. Như thế đủ biết rằng Lăng Nghiêm Thần Chú diệu dụng biết là chừng nào rồi. Hãy trì tụng Đại Bi, Lăng Nghiêm và những Thần Chú khác, không còn phải phân tâm nghi ngại gì nữa cả.
Từ trang 109 đến trang 163 Ngài giảng về 10 Pháp Giới như: Cảnh giới của Phật, Bồ Tát, Duyên Giác,Thanh Văn, Trời, A Tu La, Người, Súc sanh, Ngạ quỷ, Địa ngục. Những lời giảng nầy cũng giống như những vị Pháp Sư khác giảng tại các pháp hội đó đây. Chỉ riêng phần cuối từ trang 164 đến trang 177 Ngài tường thuật lại chuyện“Như Ý Ma Nữ”‘có những thể nghiệm trị bệnh từ bản thân của Ngài cho những chúng sanh ở cõi khác kể từ khi Ngài còn ở bên Trung Hoa lục địa trước năm 1949. Hãy xem và hãy tự suy nghĩ cũng như thẩm định lại giá trị của những mẫu chuyện của Ngài kể, để chúng ta hiểu biết về những cõi khác một phần nào thôi. Đây chính là vấn đề“trạch pháp” vậy.
Nếu có ai đó hỏi tôi rằng: Làm sao có thể viết nhiều được? Tôi sẽ trả lời rằng: Hãy đọc thật nhiều thì sẽ viết được nhiều và nếu có ai đó hỏi tôi rằng: Làm sao để có thể nhớ nhiều được? Tôi sẽ trả lời rằng: Hãy tu nhiều và hành trì nhiều thì sẽ nhớ nhiều và nhớ được lâu. Nhưng tu và hành bao nhiêu làđủ, thì tùy theo nhân duyên và nghiệp lực của mỗi chúng ta đã gieo trồng trong nhiều đời nhiều kiếp, chứ không phải trong một kiếp mà có thể giải đáp được những câu hỏi nầy. Riêng tôi rất là hạnh phúc, bởi vì chỉ trong một đời nầy gần 70 năm trong cuộc thế mà tôi đã kinh qua và đây là một phước báu vô ngần, ngàn năm mới chỉ có một. Đó là:
- Đại Tạng Kinh Nam Truyền do cố Hòa Thượng Thích Minh Châu dịch thẳng từ tiếng Pali sang tiếng Việt gồm có các bộ: Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kinh và Tăng Chi Bộ Kinh. Phần Tiểu Bộ Kinh còn lại do Giáo Sư Nguyên Tâm Trần Phương Lan và một số quý vị khác dịch thẳng từ tiếng Anh sang tiếng Việt. Tất cả gồm 13 quyển và tổng cộng độ gần 10.000 trang. Những Thiện Hữu Tri Thức tại Việt Nam đã đọc hết 3 Tạng nầy vào băng và tôi đã nghe xong liên tiếp trong 30 ngày như thế.
- Đại Tạng Kinh Bắc Truyền hay đúng hơn là Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh, do Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh chủ trương phiên dịch ra Việt ngữ và lấy tên là: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh. Tổng cộng đã xuất bản được 187 tập. Từ tập 188 đến tập 203 đang trên tiến trình xuất bản tại Đài Loan, nhưng trên các trang nhà ở ngoại quốc đã có đủ 203 tập. Tổng cộng độ chừng 250.000 trang tất cả. Nếu một người phát tâm đọc trọn bộ nầy phải dùng thời gian ít nhất là 15 đến 20 năm và mỗi ngày phải đọc ít nhất từ 150 đến 200 trang như thế. Phần tôi đã đọc xong bộ Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tạp A Hàm, Tăng Nhất A Hàm và đang đọc bộ Bản Duyên. Tôi cũng đã phát tâm đọc trọn bộ Đại Tạng nầy trong những ngày còn lại của cuộc đời.
- Bộ Phim về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni do UNESCO tài trợ và các đạo diễn người Tích Lan, Ấn Độ cũng như các tài tử Ấn Độ đóng phim, dàn dựng lịch sử về cuộc đời của Đức Phật qua 54 tập và tập thứ 55 giới thiệu tổng quát những tập trước, đã làm cho hàng triệu triệu tín đồ Phật Giáo trên thế giới cũng như những người có tín ngưỡng khác phải khâm phục tận đáy lòng mình, khi xem những sự kiện của con người lịch sử ấy. Do vậy ngày nay nhân loại đã vinh danh Ngài là con người của lòng Từ Bi và Trí Tuệ. Tôi cũng đã xem hết 55 tập nầy đến 2 lần và mỗi lần xem như vậy khiến cho tôi càng thêm cung kính Đức Phật nhiều hơn nữa.
Chỉ 3 việc như trên cũng đủ làm cho tôi hoan hỷ vô cùng, dầu sống hay chết, dầu ở cõi nầy hay cõi khác, dầu cho bây giờ hay trong mai hậu, tôi đã đi qua trên con đường thiên lý ấyvới ngàn dặm gió sương, nhưng không một cám dỗ nào có thể làm cho mình thối chí xuất trần, làm người xuất gia học đạo và hành đạo như bài kinh“Nhứt dạ hiền giả” mà Hòa Thượng Thích Minh Châu đã dịch ra Việt ngữ như sau:
Quá khứ không truy tìm
Tương lai không ước vọng
Quá khứ đã đoạn tận
Tương lai thì chưa đến
Chỉ có pháp hiện tại
Tuệ giác chính là đây
Không động, không rung chuyển
Biết vậy nên tu tập
Hôm nay nhiệt tâm làm
Ai biết chết ngày mai
Không ai điều đình được
Với đại quân thần chết
Trú như vậy nhiệt tâm
Đêm ngày không mệt mỏi
Xứng gọi nhứt dạ hiền
Bậc yên tịnh trầm lặng.
Đọc xong quyển“Chú Đại Bi giảng giải” của Hòa Thượng Tuyên Hóa do Thượng Tọa Thích Minh Định, Trụ Trì chùa Kim Quang ở Pháp phiên dịch ra Việt ngữ, tôi vô vàn niệm ân Thầy, vì ngày nay vẫn còn có những bậc Trưởng Tử của Như Lai lo truyền thừa mối Đạo qua lời Kinh, Chú và sự giảng dạy của chư Tôn Đức khắp nơi trên thế gian nầy. Hẳn là điều quý báu vô song, không gì có thể sánh được. Câu văn của Ngài Tuyên Hóa giảng, in thành sách, nhưng khi dịch ra Việt văn, Thầy Minh Định đã uyển chuyển thay đổi cấu trúc của câu văn, nên đọc rất suông, thông suốt, dễ hiểu vô cùng. Mong rằng các Phật tử hay chư Tăng Ni nào hữu duyên thì cũng nên xem qua tác phẩm nầy, rất có giá trị.
Xin nguyện cầu cho Chánh Pháp luôn được cửu trụ nơi cõi Ta Bà nầy.
Viết xong trong một ngày đẹp trời của mùa An Cư Kiết Hạ năm 2017 tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc.
_____________________________
Đọc Khảo Luận “Đường về núi cũ chùa xưa”
Của Hòa Thượng Thích Phước An
Thích Như Điển
Cầm quyển sách Khảo Luận dày 370 trang của Hòa Thượng Thích Phước An viết trong nhiều năm tại Việt Nam, và tháng 11 năm 2016 vừa rồi nhà Xuất Bản Hồng Đức đã cho in ấn phát hành. Sách do Đạo hữu Nguyên Trí mang tay qua Đức và có cả chữ ký của Tác giả nữa. Xin vô vàn niệm ân Hòa Thượng. Lâu nay chỉ được nghe danh chứ chưa được diện kiến, Hòa Thượng lại sinh cùng năm 1949 với tôi và hiện nay Ngài đang ở tại chùa Hải Đức, Nha Trang. Đây cũng là một niềm vui, vì mùa An Cư Kiết Hạ năm 2017 nầy tôi có nhiều thời gian để đọc kinh sách, vì lẽ sách viết năm nay đã xong và các Phật tử đang hoàn thiện khâu đánh máy cho quyển “Phóng tác lịch sử tiểu thuyết về cuối Lý đầu Trần và mối tơ vương của Huyền Trân Công Chúa”. Sang năm 2018 quý vị sẽ có sách nầy để đọc.
Đã gọi là Khảo Luận thì cũng có thểnhững bài nầy đã được thuyết trình ở đâu đó, trong những Khóa Tu Học hay Đại Hội Văn Hóa Phật Giáo v.v…, nhưng hình như Thầy viết chỉ để giải tỏa những tâm sự của một người trí thức Phật Giáo trong một hoàn cảnh nhiễu nhương của đất nước hiện nay, nên chỉ lấy bối cảnh lịch sử và những con người lịch sử cùng tư tưởng của họ để trực tiếp hay gián tiếp nói lên sự suy tư của mình cho một Đạo Phật Việt Nam bây giờ và mai hậu. Do đó qua những lời bình của Tác giả với từng tiêu đề, người đọc thấy rõ được việc nầy, ví dụ như những chương viết khảo luận về Trần Thái Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Nhân Tông, Thiền Sư Huyền Quang, Nguyễn Du v.v… thì ít nhiều tôi đã đọc đâu đó từ lâu rồi. Tuy nhiên ở những chương nầy, Thầy Phước An đã khảo cứu thêm nhiều bài thơ chữ Hán hay chữ Nôm của họ sáng tác, mà từ lâu rồi trong thi ca cổ điển của văn học Việt Nam cũng khó tìm đâu ra được. Đây cũng là một điểm mới trong những khảo luận nầy. Điều làm tôi tâm đắc và khâm phục là lần đầu tiên nghe đến Trần Quang Triều, Ông sinh năm 1286, là con cả của Trần Quốc Tảng và là cháu nội của Trần Hưng Đạo, ông cũng là một Phật tử thuần thành cho nên Thầy Phước An đã dành tiêu đề cho bài khảo luận là: Trần Quang Triều, người gìn giữ ngôi chùa tâm linh của quê hương. Đây cũng là lần đầu tiên tôi đọc thơ của Trần Quang Triều do Thầy Phước An giới thiệu.
Rồi đến Trần Minh Tông, sự ân hận của một nhà vua Phật tử với bài thơ:
Lúc đói, no nê một bát cơm
Nước trong đầy bình đủ giải cơn khát
Trên chiếc gối ở giường mây, đánh giấc ngủ trưa
Chính là sung sướng thật sự ở trong đó.
Đọc bài nầy xong ta thấy Trần Minh Tông có tư tưởng không khác với Điều Ngự Giác Hoàng là mấy trong bài Cư Trần Lạc Đạo như sau:
Ở đời vui đạo hãy tùy duyên
Đói cứ ăn đi, mệt nghỉ liền
Của báu trong nhà thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền
(Lê Mạnh Thát dịch)
Đến Nguyễn Trãi và Ngô Thì Nhậm lại một lần nữa làm cho tôi đi hết ngạc nhiên nầy đến ngạc nhiên khác, vì Thầy Phước An tìm lại được những bài thơ vô cùng quý hiếm để tự hỏi rằng: Nguyễn Trãi có phải là một Thiền Sư không? Nhưng trước tiên chúng ta phải rõ Nguyễn Trãi là một nhà Nho, một danh tướng, một công thần, một quân sư của Vua Lê Lợi khi chống lại nhà Minh từ những năm 1418 đến 1427. Và cũng là tác giả của Bình Ngô Đại Cáo, trong đó ta thấy được tư tưởng của ông qua cách chủ trương đánh giặc Minh mà cũng đem tấm lòng của một bậc anh hùng dân tộc ra khuyên lính như sau:
… “Áo không, ta cởi áo cho
Cơm không, ta sẻ cơm no cho lòng”…
Rồi sau khi lên làm vua, Lê Lợi được Nguyễn Trãi khuyên rằng: “Dân cũng giống như nước, Vua giống như kẻ lái thuyền. Chính nước đó sẽ chở thuyền đi đến nơi đến chốn và chính nước đó cũng sẽ lật thuyền. Bệ Hạ hãy khéo xét phân”. Đây là trung ngôn và chắc rằng sẽ nghịch nhĩ với những bạo chúa, nhưng với Lê Lợi thì không, nên nhà Hậu Lê đã bền vững cả hằng mấy trăm năm lịch sử sau đó. Nhưng sau nầy thì Nguyễn Trãi đã bị án oan và bị tru di tam tộc do chính triều đình mà Ông phục vụ ban lệnh, Ông đã bị giết vào năm 1442. Còn Ngô Thì Nhậm thì bị ngã gục bởi sự đối ngịch với triều đại Tây Sơn mà Ông đang phục vụ. Thầy Phước An nhận định rằng: “Bởi vậy hai cái chết của hai nhà đại trí thức của dân tộc vẫn để lại vết thương đau đớn không phải chỉ ở thời đại của Nguyễn Trãi và Ngô Thì Nhậm thôi, mà vết thương đó vẫn tiếp tục mưng mủ cho đến nhiều thế kỷ về sau nữa, đặc biệt là đối với những người biết vui cũng như buồn về lẽ thịnh suy của lịch sử dân tộc”.
Đọc đến Thiền Sư Chân Nguyên(1647-1726) với tín ngưỡng Di Đà tại Việt Nam và với thế giới quan cho người dân quê Việt Nam, thì ta mới biết là có một tác phẩm đặc biệt dành riêng cho Tịnh Độ Tông. Đó là tác phẩm Tịnh Độ Yếu Nghĩa và được Giáo Sư Lê Mạnh Thát xem như một tác phẩm lý luận của Phật Giáo Việt Nam. Vào năm 2012 khi tôi viết quyển “Tư Tưởng Tịnh Độ Tông”, lúc đi tìm tài liệu về Tịnh Độ Tông Nhật Bản thì không khó, vì các vị Tổ Sư đều rõ ràng. Họ lấy hai vị Tổ Sư người Ấn Độ dẫn đầu là Ngài Long Thọ(Sơ Tổ), Ngài Thế Thân(Nhị Tổ). Rồi Trung Hoa có 3 vị,đó là Ngài Đàm Loan(Tam Tổ), Ngài Đạo Xước(Tứ Tổ), Ngài Thiện Đạo (Ngũ Tổ). Lúc ấy tôi lấy làm lạ là tại sao người Nhật không lấy Ngài Huệ Viễn làm sơ Tổ của Tịnh Độ Tông Trung Hoa mà là Ngài Đàm Loan(Xem thêm sách đã dẫn để biết lý do). Kế tiếp tôi tra qua Phật Quang Đại Tự Điển do Hòa Thượng Quảng Độ dịch thì thấy Ngài Đàm Hoằng đã đến Giao Châu chúng ta vào thế kỷ thứ năm(422) và ở núi Tiên Du tu theo Quán Vô Lượng Thọ Kinh cho đến năm 455 thì tự hỏa thiêu và viên tịch.(Có thể tham cứu thêm Chân Nguyên Thiền Sư Toàn Tập của Giáo Sư Lê Mạnh Thát). Như vậy có thể kết luận rằng Tịnh Độ Tông truyền sang Việt Nam chúng ta trước cả Thiền Tông nữa. Vì phái Tỳ Ni Đa Lưu Chi được truyền đến Việt Nam chúng ta sau cả gần 200 năm lịch sử so với Tịnh Độ. Do vậy mà trong những ngày lễ Chúc tán thù ân ở Tổ Đình Viên Giác tại Hannover Đức Quốc nầy, sau khi xướng Ngài Khương Tăng Hội là Sơ Tổ của Phật Giáo Việt Nam, tiếp theo tôi xướng Ngài Đàm Hoằng là Sơ Tổ của Tịnh Độ Tông Việt Nam và sau đó mới đến Thiền Tông. Người Nhật cũng vậy, họ lập Ngài Nguyên Tín(Lục Tổ), Ngài Pháp Nhiên(Thất Tổ) và Ngài Thân Loan(Bát Tổ). Có lẽ Phật Giáo Việt Nam của chúng ta cũng nên làm một Pháp Phái của Tịnh Độ Tông từ thế kỷ thứ 5 đến thế kỷ thứ 17,18 như thế để Tịnh Độ Tông Việt Nam có một sự truyền thừa rõ rệt hơn.
Thầy Phước An cũng đã viết khảo luận về “Núi Hồng Lĩnh nơi nuôi dưỡng lòng từ bi của thi hào Nguyễn Du” và cũng đã trích Kiều cũng như những vần thơ của Nguyễn Du khi sống tại quê nhà với thân phụ Nguyễn Nghiễm hay bào huynh của mình. Nơi đâu sông, núi, mây, sương vẫn là chốn bồng lai tiên cảnh của Đại Thi Hào và đặc biệt là Phật Giáo. Nếu Cụ Nguyễn Du không đọc Kinh Kim Cang đến 1.000 lần hay Pháp Hoa và Hoa Nghiêm thì tác phẩm Kim Vân Kiều cũng khó mà hình thành, nhất là sau khi đi sứ sang Trung Hoa vào triều Gia Long năm 1813, nghĩa là cách nay hơn 200 năm và cho dù 100 năm nữa chắc cũng sẽ không có người sinh ra trong thời tao loạn như Nguyễn Du, đã phải làm quan trong 3 triều đại của Vua Lê chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, rồi nhà Nguyễn Tây Sơn và cuối cùng là Gia Long Nguyễn Ánh. Thân phận làm tôi trung trong 3 triều đại ấy cũng đâu có khác gì phận bạc của nàng Kiều trải qua một cuộc đời hồng nhan bạc mệnh? Nên Ông đã thốt lên câu:
“Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như”
Tiếp đến là bài khảo luận về “Một vài cảm nhận nhân đọc lịch sử Phật Giáo Việt Nam của Giáo Sư Lê Mạnh Thát” thì Thầy Phước An cho biết rằng Thầy Lê Mạnh Thát mới viết đến đời Trần Thánh Tông(1278) nhưng đã 3.000 trang rồi. Những tập sách nầy thì tôi cũng đã đọc và đã phát hiện ra rằng Đạo Phật Việt Nam đã được truyền vào từ đời vua Hùng Vương thứ 18 và Chữ Đồng Tử cùng Công chúa Tiên Dung là hai người Phật tử đầu tiên của nước Việt theo tinh thần của Lục Độ Tập Kinh mà Giáo Sư Lê Mạnh Thát đã chứng minh. Nghĩa là sự chứng minh nầy đã vượt thời gian sớm hơn 200 năm về trước qua sự chứng minh của Nguyễn Lang(Thiền Sư Nhất Hạnh) vào thế kỷ thứ nhất trong tác phẩm “Phật Giáo Việt Nam Sử Luận” và Hòa Thượng Thích Mật Thể qua tác phẩm “Phật Giáo Việt Nam Yếu Lược” đã chứng minh vào cuối thế kỷ thứ hai sau Tây Lịch. Hôm nay ở trong phần nầy tôi cũng đã phát hiện thêm phần “Cao Tăng cầu pháp Tây Thiên Trúc” đời nhà Đường(618-907), lại có Ngài Đại Thừa Đăng người Giao Châu đã cùng với các vị Sư Trung Hoa sang Thiên Trúc thỉnh kinh, và lúc về lại kinh đô Trường An năm Trinh Quán thứ 19(646) được vua Đường Thái Tông giao cho cung Ngọc Hoa, để Ngài Huyền Trang phiên dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán những kinh sách mang về từ Ấn Độ trong 19 năm như vậy. Đến năm 665 Ngài Huyền Trang viên tịch thì sử nầy cho biết là có từ tám đến mười trong hầu hết những bộ Kinh mà Ngài Huyền Trang phiên dịch sang chữ Hán, thì hầu như bộ nào cũng do Ngài Đại Thừa Đăng người Giao Châu của chúng ta bút thọ(nhuận bút). Như vậy chứng tỏ rằng khả năng tiếng Phạn và chữ Hán của Ngài Đại Thừa Đăng rất giỏi nên Ngài Huyền Trang mới giao cho việc giảo chính đó. Chữ Pradipa, Ngài Huyền Trang dịch là Quang, còn Ngài Nghĩa Tịnh thì dịch là Đăng, nhưng theo Giáo Sư Lê Mạnh Thát thì hai vị nầy là một người chứ không phải hai người. Đây cũng là niềm hỷ lạc mới mà chư Tăng Ni cũng như Phật Tử Việt Nam chúng ta nên biết. Vì lẽ lâu nay ai tu học theo Đại Thừa Phật Giáo Trung Hoa cũng đều tán thán công đức của Ngài Huyền Trang không ít, nhưng nay lại có Ngài Đại Thừa Đăng, người Giao Châu của chúng ta đã hiệu đính cho những bản dịch nầy từ chữ Phạn sang chữ Hán của Ngài Huyền Trang nữa, thì đây là một niềm an ủi lớn lao cho người Việt Nam của chúng ta dù đang sống ở trong hay ngoài nước Việt Nam.
Đến phần “Toàn Nhật Thiền Sư với những nẻo đường cát bụi của quê hương và người muốn đưa tinh thần Phật Giáo đời nhà Trần xuống cho triều đại Tây Sơn” cũng rất là đặc biệt. Hai bài nầy đều dựa phần chính vào sách Lịch Sử Phật Giáo Việt Nam tập 1,2,3 cũng như Pháp Chuyên Luật Truyền và Toàn Nhật Quang Đài toàn tập của Giáo Sư Lê Mạnh Thát cũng như tác phẩm “Lược Sử Phật Giáo Việt Nam và các chùa Phú Yên” của hai tác giả Nguyễn Đình Chúc và Huệ Nguyễn. Trở về lại lịch sử truyền thừa của Thiền Phái Chúc Thánh để chúng ta hiểu thêm về Toàn Nhật Quang Đài như sau: Năm 1695 Ngài Minh Hải Đắc Trí Pháp Bảo(1670-1746) đã cùng với Hòa Thượng Thạch Liêm và Hội Đồng Thập Sư từ Trung Hoa sang Hội An và Bình Định, rồi Thuận Hóa để kiến đàn truyền giới cho chư Tăng Ni cũng như Chúa Nguyễn Phúc Chu. Sau đó Ngài Minh Hoằng Tử Dung ở lại Huế, Ngài Minh Hải Pháp Bảo và Ngài Minh Lượng Thành Đẳng vào Hội An, lập nên chùa Chúc Thánh và chùa Vạn Đức. Ngài Minh Hải truyền pháp cho Ngài Thiệt Dinh Chánh Hiển Ân Triêm(1712-1796); Ngài Thiệt Dinh khai sơn và Trụ Trì chùa Phước Lâm ở Hội An từ năm 1736 đến năm 1796. Trong thời gian nầy thì Ngài Pháp Chuyên Luật Truyền Diệu Nghiêm(1726-1798)từ Thăng Bình Quảng Nam đến chùa Phước Lâm để xin làm Đệ Tử của Ngài Thiệt Dinh, sau đó Ngài Pháp Chuyên vào Bình Định và đến Phú Yên khai sơn chùa Từ Quang và làm Trụ Trì từ năm 1797 đến năm 1798. Ngài chỉ Trụ Trì ở chùa Từ Quang một năm rồi viên tịch, giao lại cho một trong mấy chục đệ tử đắc pháp với Ngài là: Toàn Thể Vi Lương Linh Nguyên(1765-1844) Trụ Trì từ năm 1798 đến 1844. Còn Ngài Toàn Nhật Vi Bảo Quang Đài(sanh ngày 28.10.1757 mất ngày 6.4.1834, thọ 78 tuổi)không làm Trụ trì chùa Từ Quang theo như Phổ Hệ đã ghi. Nếu Ngài Toàn Nhật Quang Đài xuất gia lúc 30 tuổi; tức năm 1785, 1786; nghĩa là lúc Ngài còn làm tướng cho Tây Sơn và khi Nguyễn Huệ đem quân về vây Nguyễn Nhạc là anh ruột của mình tại thành Đồ Bàn vào năm 1786, thì Toàn Nhật Quang Đài thấy nồi da xáo thịt nên mới đến chùa Từ Quang(lúc ấy có thể chỉ là một cái am tranh?) để xin Ngài Pháp Chuyên Luật Truyền xuất gia và trú ngụ tại đó cùng với Thầy mình; hoặc giả hai Thầy trò đã từ Bình Định gặp nhau và từ đó cùng lên Phú Yên để tu niệm và sáng tác những tác phẩm để đời, trong đó có Hứa Sử Truyện Vãn, và theo Giáo Sư Lê Mạnh Thát, tác giả là Toàn Nhật Quang Đài thì căn cứ theo văn phong trong sách, Ngài Toàn Nhật có thể là người sinh ra ở vùng Trị Thiên.
Triều Đại Quang Trung Nguyễn Huệ cũng chỉ đến năm 1792 là chấm dứt, sau đó là nhà Nguyễn trung hưng trong vòng 10 năm, Gia Long trở lại quê xưa từ Thái Lan để thống nhất sơn hà lên ngôi Hoàng Đế vào năm 1802. Theo Thầy Phước An thì Ngài Toàn Nhật Quang Đài chỉ phò vua Quang Trung Nguyễn Huệ, còn nhà Nguyễn Gia Long thì hoàn toàn không cộng tác như Cụ Nguyễn Du đã làm. Ví dụ như trong ba bài bạt trong những lần in kinh năm 1819(năm Gia Long băng hà và năm Minh Mạng lên ngôi) cũng như năm 1829 thì một bài bạt không đề ngày tháng gì hết, còn hai bài bạt kia, ta chỉ thấy ghi “Tuế thứ Kỷ Mão”và “Tuế thứ Kỷ Sửu”. Đây là những bằng chứng mà Ngài Toàn Nhật Quang Đài không thừa nhận triều đại Gia Long cũng như Minh Mạng(vì lẽ các dân tộc Á Châu khi còn vua trị vì, phải ghi rõ niên đại của vua). Trong hai bài khảo luận nầy Thầy Phước An cũng đã cho biết là Nguyễn Lữ em ruột của Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ đã có thời làm Sư ở chùa tại Bình Định, nên sau khi lên ngôi Hoàng Đế, Quang Trung cũng đã có sắc phong nhiều chùa và đối đãi tốt với Phật Giáo. Tuy nhiên cũng có sách(theo cái nhìn của nhà Nguyễn Gia Long)thì cho rằng Anh Em Tây Sơn là Ngụy, vì không chính truyền, trong khi đó Nguyễn Hoàng từ năm 1600 đã có mặt tại Đàng Trong rồi, thì việc thừa kế cơ nghiệp của tiên đế để lập nên Kinh Đô ở Phú Xuânvà tiếp tục trị vì của dòng họ Nguyễn nầy cho đến năm 1945 cũng là điều hiển nhiên của lịch sử. Nhưng chỉ tiếc rằng sau khi đại thắng quân Thanh vào năm 1798, chỉ mấy năm sau đó thì Quang Trung Nguyễn Huệ đã băng hà, nên Nguyễn Gia Long mới có cơ hội trở về lại quê cha đất Tổ, nếu không thì lịch sử chắc đã sang trang? Tác Giả quyển sách khảo luận “Đường về núi cũ chùa xưa”nầy là người sinh ra tại Bình Định, nên Hòa Thượng Thích Phước An đa phần chỉ nhìn về những khía cạnh tốt của ba anhem nhà Tây Sơn, chứ đứng về phương diện lịch sử, thì Nguyễn Huệ cũng có nhiều điều sai trái khi cho quân lính tịch thu những đại hồng chung tại các chùa ở Huế để lấy đồng đúc súng, nhờ vậy mới đánh được quân Thanh, và tiếp đó Quang Trung cũng đã ra những sắc lệnh cho chư Tăng Ni, nếu ai không thuộc hai thời công phu bái sám và 4 quyển luật thì về nhà cày ruộng. Điều nầy cũng không khác với Minh Trị Thiên Hoàng (Meji Tenno)của Nhật Bản trong cuộc Duy Tân vào năm 1868 là mấy. Nhưng lịch sử là lịch sử và nghiệp lực là nghiệp lực của mỗi cá nhân hay của cả một dân tộc, không ai có thể gánh thay những tội lỗi nầy được. Đây chính là nhân quả nhiều đời, mà người Phật tử chúng ta cần phải nên biết.
Có thể từ nhiều lý do như vậy mà Ngài Toàn Nhật Quang Đài mới viết ra Hứa Sử Truyện Vãn để kể những câu chuyện nhằm khuyên vua, khuyên đời. Cuối cùng chỉ có lòng Từ Bi mới hóa giải được tất cả những muộn phiền của nhân thế, còn “Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai, ai dễ biết ai?”cũng là một thử thách của thời đại chính trị và Tôn Giáo vào cuối thế kỷ thứ 18, đầu thế kỷ thứ 19 để ngày nay chúng ta những kẻ hậu học lấy đó làm bài học về lòng Nhân Từ của con người, kể từ khi khai thiên lập địa trên quả địa cầu nầy. Đọc Kinh sách để nhớ lại công đức của tiền nhân. Đó là một việc phải cần quan tâm đến của những người thuộc những thế hệ kế thừa.
Tôi thuộc nhiều thơ của nhiều tác giả khác nhau, Đời cũng như Đạo, nhưng khi đọc đến tác phẩm nầy, tôi mới biết rằng những bài thơ của mình đã học, đã thuộc và đã biết không thấm vào đâu cả so với kho tàng văn chương, thi phú của người xưa, nhất là những bậc cổ đức trong Phật Giáo Việt Nam ở vào thời mới giành lại độc lập lần thứ nhất, thời Hai Bà Trưng, Bà Triệu, hay lần thứ hai dưới thời Ngô Quyền, Lê Đại Hành, rồi lần thứ ba dưới thời Lê Lợi v.v… Nhờ những vị Học Giả của Phật Giáo như Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, Giáo Sư Trí Siêu Lê Mạnh Thát v.v…mà ngày nay chúng ta dựng lại được nguồn mạch của Phật Giáo nước nhà. Bởi vì các Ngài ngoài việc giỏi những sinh ngữ như: Sanscrit, Hán ngữ, Anh ngữ, Pháp ngữ, Việt Ngữ v.v… các Ngài còn có tấm lòng cho quê hương và Đạo Pháp, nên những người như Hòa Thượng Tuệ Sỹ, Bùi Giáng v.v… cũng là những cột trụ của văn học Phật Giáo Việt Nam mà đời nầy hay muôn đời về sau nữa, chắc chắn lịch sử Việt Nam và lịch sử Phật Giáo sẽ khôngbao giờ quên đi những công trình nghiên cứu tuyệt vời to lớn ấy.
Xin niệm ân Hòa Thượng Thích Phước An, tác giả cuốn sách Khảo Luận “Đường về núi cũ chùa xưa” rất nhiều và xin trân trọng kính giới thiệu đến các độc giả Phật tử cũng như không là Phật tử, cũng nên đọc những bài khảo luận giá trị nầy để biết rằng người xưa đã hành xử như thế nào trong cuộc sống ở đời, cũng như đã dùng Đạo Lý nào để xử thế nhằm an bang tế thế cho muôn dân.
Viết xong vào lúc 19:00 ngày 4 tháng 7 năm 2017 tại thư phòng chùa Viên Giác nhân khóa Tu Gieo Duyên và khóa tu miên mật của Phật tử tại đây.
Phật Tử Thanh Phi sửa lại lỗi chính tả
_____________________________
Người Thầy cũ
Thích Như Điển
Trong tất cả chúng ta từ khi mới sinh ra đời cho đến lúc lớn khôn, lúc già, lúc chết và ngay cả đến lúc tái sinh, chẳng ai là không có nhiều vị Thầy để dạy cho ta bằng nhiều hình thức khác nhau, để cho ta vào đời cả. Tôi là một chúng sanh như bao nhiêu tỷ tỷ chúng sanh khác, chỉ trên quả địa cầu nầy thôi cũng không ra ngoài thông lệ ấy.
Tục ngữ Việt Nam có câu:
"Không Thầy đố mầy làm nên"
Do vậy mà bất cứ cái gì cũng cần phải có Thầy chỉ bảo cả. Trong trường hợp không có Thầy chỉ bảo mà làm được thì chỉ xảy ra ở một trong hai trường hợp mà thôi. Đó là làm sai, làm bậy. Hoặc giả quá thông minh, học một biết mười; nên không cần đến Thầy dạy mình, mình vẫn biết.
Ngày xưa Nho gia có câu:
"Nhất tự vi sư, bán tự vi sư"
Nghĩa là: "Một chữ cũng Thầy, nửa chữ cũng Thầy" để nói lên cái tình nghĩa của con người đối với ơn huấn dục mình ở dưới nhiều hình thức khác nhau. Do vậy mà công ơn của Thầy nhiều khi còn cao hơn cả ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha ta nữa. Vì cha mẹ chỉ cho ta tấm thân nầy. Còn Thầy cho ta cả cái tinh thần và uốn nắn ta thành người hữu dụng trong xã hội.
Người Thầy mà gần gũi ta đầu tiên trong cuộc đời. Đó là cha mẹ của mình. Mẹ đã tập cho ta ăn, dạy cho ta nói, ru cho ta ngủ, hát cho ta nghe và nhiều khi còn dạy cho ta đánh vần mấy chữ đầu đời nữa. Sau khi biết đi thì cho ta đi học ở mẫu giáo. Nơi ấy có những Thầy Cô dạy cho ta đánh vần từng mẫu tự a, b, c... Rồi thì năm tháng dần qua tự mình ráp vần được để đọc, để viết và để hiểu được mấy câu ca dao như:
"Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng thờ mẹ kính cha
Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con".
Rồi đến Tiểu Học ta trưởng thành thêm một chút nữa. Bấy giờ ta gặp những vị Thầy, Cô rất nghiêm khắc, đồng thời cũng không thiếu những Thầy dễ dãi. Có Thầy, Cô còn chăm sóc sức khỏe cho ta và lo hỏi han ta tại sao ta học bị kém v.v...
Bước thêm một bước nữa ta vào Trung Học. Với 7 năm dài ấy có người thi đậu, có kẻ thi rớt. Có người phải bỏ học để đi học nghề, nhằm sớm có tiền để phụ giúp gia đình, vì gia đình đang nằm trong hoàn cảnh khó nghèo. Cũng có người nhờ Thầy hay bạn tốt mà đường công danh lại rộng mở để đi sang bậc Đại Học. Ở đó học 4 năm, chúng ta cũng phải cần những vị Thầy hay Cô có sở học rộng hơn, hiểu biết nhiều hơn so với thời Trung Học và Tiểu Học. Rồi sau đó nếu còn nhân duyên đối với học đường thì đi tiếp thêm 2 năm ở bậc Cao Học và 3 năm nữa ở bậc Tiến Sĩ. Lúc nầy thì cần những vị Thầy gần gũi hơn nữa để giúp ta hoàn thành những luận án quan trọng của ngành mình theo học.
Nghĩa là từ đầu đời cho đến giữa đời hoặc cuối đời, chỉ riêng con đường học vấn thôi, ta đã cần không biết bao nhiêu vị Thầy rồi. Nào Thầy dạy Việt Văn, Cô dạy Toán Lý Hóa, Vạn Vật, Sử Địa, Thể Thao, Nữ công gia chánh v.v... cho đến những vị Thầy dạy ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức, Triết học v.v... Tiếp đó ta đi vào lãnh vực chuyên môn của ngành nghề Giáo dục, Y khoa, Tâm lý xã hội, Ngôn ngữ v.v... tất cả đều phải cần người dìu dắt ta đi vào đời.
Đó là học chữ. Còn học nghề thì ta có Thầy dạy làm cái bánh, dạy cho ta chưng bình hoa cho đẹp, dạy cho ta sơn sửa nhà cửa, dạy cho ta làm đẹp một chiếc xe hơi; xây một bức tường cho thẳng, đóng một cái bàn thật đẹp, làm một cái khung hình thật xinh. Nếu nói đủ nghề nghiệp trong nhân gian nầy phải kể đến số trăm. Do vậy mà trong đời ta chắc cũng có hơn một trăm vị Thầy. Trong hơn một trăm vị Thầy đó có người ta thương, có người ta ghét, có người ta oán, hoặc giả cũng có vị Thầy ta chẳng dám nhìn mặt vì nhiều lý do khác nhau.
Riêng tôi còn có thêm một số quý Thầy khác ở trong Đạo nữa. Nào là Thầy Bổn Sư, Thầy Y Chỉ Sư, Thầy Giáo Thọ v.v... Ở mỗi một giai đoạn trong cuộc đời tu hành, tôi đều có một vị Thầy như thế. Sống trong thiền môn từ hồi 15 tuổi đến giờ; nay đầu đã bạc, sau gần 40 năm tương chao, kinh kệ, tôi đã nhận được biết bao nhiêu lời giáo huấn của nhiều vị Thầy khác nhau và ơn giáo dưỡng ấy sống thì không được phép quên, mà chết thì phải mang theo để được ơn đền nghĩa trả. Đó là cái đạo làm người và làm học trò vậy. Ở đời hay ở Đạo cũng thế, nếu chúng ta sống mà thiếu cái đạo nầy, thật là xấu hổ với cỏ cây hoặc loài điểu thú. Vì loài vật đôi khi còn báo ân cha mẹ, Thầy bạn, huống nữa là người.
Từ khi ra làm việc đạo đến bây giờ tôi cũng đã làm Thầy truyền giới, Thầy Bổn Sư cho không biết bao nhiêu đệ tử tại gia và xuất gia. Tôi đã học ở họ rất nhiều và đồng thời họ cũng đã tham cứu học hỏi ở nơi tôi không ít. Do vậy mà tôi vẫn thường hay nói rằng: bất cứ ai cũng là Thầy của mình cả. Nếu vị ấy dạy cho mình những điều mình chưa biết. Đồng thời mình cũng là Thầy của mọi người; nếu người khác có cái gì đó cần mình giúp đỡ, dạy dỗ. Khi nhìn vấn đề và sự việc như thế thì ta sẽ thấy nhẹ nhàng khi làm học trò hay ngay cả khi ta đóng vai là vị Thầy dạy học, Thầy lãnh đạo tinh thần v.v... Vì lẽ trong chúng sanh có sự hiện hữu của ta và trong ta không thể nào thiếu sự hiện hữu của chúng sanh cả. Vì một là tất cả, mà tất cả cũng là một. Trong nầy có cái kia và trong cái kia có tồn tại cái nầy.
Tôi được may mắn làm người có đầy đủ lục căn như thế nầy là một hạnh phúc rất lớn. Trong khi đó còn có biết bao nhiêu người bất hạnh khác; kẻ bị thiếu cái tay, người bị cụt cái chân v.v... thì quả là điều bất hạnh vô cùng, mà tất cả cũng đều do nghiệp duyên tạo tác và ngày hôm nay do kết quả huân tập mà thành thôi.
Hôm nay tôi viết một câu chuyện kể về một vị Thầy người Nhật có tên là Takeda Hideo. Ông ta là một Thầy giáo dạy tiếng Nhật cho tôi ở 2 năm cuối Đại Học từ năm 1975-1977. Nếu kể thêm thời gian thì từ ấy đến nay cũng đã trên 25 năm rồi. Trong hơn 25 năm ấy biết bao nhiêu là vật đổi sao dời; nhưng vị Thầy ấy vẫn còn nhớ đến tôi và mới đây vào thượng tuần tháng 9 năm 2002, cả hai vợ chồng của Thầy đã đến chùa Viên Giác Hannover, ngồi nơi chánh điện trong tư thế của người Nhật, đã làm cho tôi có một ý niệm thật tốt đẹp về những vị Thầy đã trải qua trong cuộc đời sinh viên của mình.
Những giờ Nhật ngữ học thêm với Thầy Takeda tại Đại Học Teikyo ở Tokyo trong những năm ấy đã hiện về rõ ràng trong trí óc của tôi khi Thầy ấy nhắc lại rằng: Thuở ấy tôi đang dịch sách Truyện Cổ Việt Nam của Nguyễn Đổng Chi từ tiếng Việt sang tiếng Nhật và Thầy ấy là người sửa bài cho tôi; đến khi người giới thiệu bài dịch của tôi cho Thầy Kikuchi thì Thầy ấy phán cho một câu mà cho đến bây giờ tôi vừa sung sướng cũng vừa hổ thẹn: "Thiên tài của ngôn ngữ học đấy". Không biết câu ấy hiện giờ có còn đúng không nữa. Vì thời gian trôi qua, tiếng Nhựt của tôi bây giờ chắc không còn như dạo ấy nữa.
Thầy Takeda bảo rằng: Thầy Kikuchi khi chết không mời Thầy Nhựt nào tụng kinh siêu độ cho cả, mà đã dùng băng tụng kinh của tôi bằng tiếng Nhật và tiếng Việt, bài kinh Bát Nhã trước đây 25 năm ở nhà Thầy Takeda mà tôi đã tụng để làm lễ di quan, trong khi bao nhiêu giáo sư Đại Học dự đám không biết tại sao có cái duyên kỳ ngộ như thế?
Đại Học Teikyo ở Tokyo là một Đại Học nổi tiếng về phân khoa y khoa và thể dục. Trong khi đó tôi học giáo dục của niên khóa đầu tiên 72-77. Do vậy mà thuở ấy phân khoa nầy chưa có gì đặc biệt lắm. Chứ bây giờ, nếu ai đó lên mạng Internet để xem thì Đại Học nầy phát triển rất rộng rãi trên thế giới.
Tôi đã đến Nhật và đã ở lại Nhật chỉ hơn 5 năm thôi; nhưng trong hơn 5 năm ấy tôi đã học được ở người Nhựt rất nhiều và ngày nay khi nhìn những thành quả tôi có được ở Đức thì Thầy Takeda cũng rất ngạc nhiên. Vì không biết rằng phép mầu nào đã đưa đẩy tôi như vậy. Tôi có trả lời Thầy ấy rằng: Kết quả của ngày hôm nay là do tôi thâu thập được từ nền giáo dục của người Nhựt và người Đức đó. Thầy ấy nhoẻn miệng cười.
Một hôm nhân việc đi dự lễ Vu Lan tại chùa Thiện Hòa tại Mönchen-gladbach vào ngày 7 tháng 9 năm 2002, trong khi ngồi dùng trà với chư Tăng, Thầy ấy nói với Thầy Đồng Văn bằng tiếng Anh rằng: "Thầy Như Điển ngày xưa, gần 30 năm về trước, là học trò Nhật ngữ của tôi, còn bây giờ Thầy ấy là Thầy dạy đạo cho tôi đấy!". Tôi nghe rất bàng hoàng. Vì không ngờ đang có một Giáo Thọ Sư nổi tiếng tại Đại Học Vũ Tạng (Musano Joshi Daigakku) mà Thầy có thể thốt lên được lời đó thì đúng là làm cho tôi hổ thẹn và tôi cũng ngầm vui rằng: may mà lúc ấy mình là một trong những sinh viên giỏi của trường. Nếu là người học dở thì chắc rằng mình phải che mặt lại khi gặp Thầy ấy quá.
Thầy và Cô đã cùng chúng tôi đi đến phố Düsseldorf để cho Thầy ấy thấy rằng nơi đây có một mảnh quê hương nho nhỏ của xứ mặt trời và Cô đã hỉ hả khi mua được một số đồ kỷ niệm, mà ở Nhật phải trả giá gấp đôi chưa chắc gì đã có được. Bà vợ của Thầy Takeda bảo rằng: "Nếu sau nầy tôi đến Đức để dạy trà đạo đâu cần phải mang theo đồ lỉnh nghỉnh từ Tokyo sang, mà tại nơi đây, ở Düsseldorf nầy đủ hết cả". Tôi trả lời bằng một nụ cười đồng ý.
Rồi một hôm chúng tôi ngồi bên tách cà-phê nóng ở vỉa hè phố cổ thuộc thành phố Celle, đã nói chuyện về những năm tháng đã trôi qua cũng như những tháng ngày sắp tới. Chúng tôi đã hớp trọn không gian và thời gian; lúc bấy giờ tình nghĩa Thầy trò chỉ còn là những tư tưởng giống nhau của bằng hữu nhiều hơn là những dị biệt. Ngồi bên tách cà-phê, vợ của Thầy Takeda đã chìa cho tôi mấy tấm hình chụp tại nhà Thầy vào năm 1987 khi tôi có dịp quay lại Nhựt và có ghé lại nhà Thầy thăm. Thế mà tôi đã quên và lúc ấy tôi có học chế trà theo kiểu Nhật và tại Đức sau nầy có đôi ba lần tôi đã tổ chức trà đạo như thế cho những vị tham dự tu Bát Quan Trai thực hành.
Rồi một hôm chúng tôi đi vào một mảnh vườn xinh xắn mang tên Vô Thức Cốc và Vô Học Cốc để giới thiệu cho Thầy Cô về nghệ thuật làm vườn của người Đức cũng như của người Việt.
Tôi vốn sinh ra từ nhà quê; nên rất thích ruộng vườn và cây cỏ. Cho nên lúc nào cũng muốn nơi ẩn cư của mình cũng phải có cỏ cây, sông núi, ao hồ thì mới vui với thiên nhiên mà sống trong những ngày còn lại của cuộc đời. Nên chùa Viên Giác đã tạo được những thuận duyên như thế.
Trong ngôi vườn nầy có một căn nhà nho nhỏ 2 gian mà ai đến đây cũng thích ngồi thiền, dạy trà đạo, tĩnh tu... trong ấy có cả Thầy Takeda và Cô. Tôi đặt tên cho Cốc nầy là Vô Học. Hạnh Giới người lo thủ Cốc tại đây, đang trình Luận án Tiến Sĩ về Ngôn Ngữ Học và Tôn Giáo Học tại Đại Học Hannover mà cho là Vô Học thì cũng hơi khó nghe với người chưa hiểu đạo. Còn kẻ đã lướt qua Tam Tạng Thánh Giáo của Như Lai thì Vô Học có nghĩa là Vô Sanh, là A La Hán, là những vị đã chứng quả giải thoát rồi, không còn học nữa và không còn sanh tử luân hồi, lại qua trong lục đạo nữa.
Thượng Tọa Tiến Sĩ Seelawansa, Giáo sư Đại Học Wien - Áo Quốc, khi sang đây cũng rất thích và hè năm tới Thầy ấy sẽ hướng dẫn một khóa Thiền Vipassana cho một số người Đức, cũng muốn tổ chức tại Vô Học Cốc nầy. Chung quanh vườn có hồ nho nhỏ, có cây ăn trái, có nhiều loại hoa đẹp hiếm quý của Đức. Từ từ sẽ có những cánh hoa Á Châu sẽ được trồng xen lẫn vào đây, để vườn hoa văn hóa của xứ Đức nầy có thêm nhiều màu sắc lộng lẫy hơn.
Sau khi nhận vườn đã có mấy lần Picnic cho cả chùa và các anh em công quả. Ai cũng khen là vườn đẹp, nhà lớn, khung cảnh nên thơ. Có trời, có trăng, có mây, có gió lộng. Bởi thế mà vợ chồng Thầy Takeda từ Nhật Bản xa xôi đến đây; nơi mà tấc đất tấc vàng, thấy khung cảnh thiên nhiên nầy rất thích và đề nghị để chỗ nầy dạy trà đạo theo kiểu Nhật khi Thầy Cô ấy về hưu. Dĩ nhiên là tôi đã đồng ý và thời gian ấy chắc cũng chẳng còn xa.
Các anh em công quả phá đi một số cây dại và thay thế vào đó bằng những luống cải bẹ xanh mùa đông. Trong vườn nầy chắc độ giữa tháng 11 năm nay mới thu hoạch lần đầu; chứ bên vườn của Hạnh Tấn, có cái Cốc tên là Vô Thức ấy thì rau đã xanh lắm rồi và đợt gặt hái đầu tiên vào tháng 10 vừa qua được mọi người tán thưởng. Rau cải thiên nhiên, trồng không bón phân hóa học, chỉ toàn là cây lá mục của mùa cũ đem bón phân cho cây cỏ năm nầy; nên khi dùng những đặc sản nầy chúng ta lại gần gũi với thiên nhiên nhiều hơn mà không sợ những phản ứng phụ của chất hóa học gây ra.
Thầy Takeda ngồi trầm ngâm nơi vườn ngoài của Vô Học Cốc, còn Cô thì huyên thuyên mọi điều đề nghị cho một phong trang có tính cách dân dã ấy và dĩ nhiên là tôi đã dạ dạ thưa thưa rất đúng với lễ nghi và phong cách của người Nhật để Thầy Cô ấy yên lòng. Đoạn Thầy hỏi về sự phát triển của Phật Giáo tại Đức và có lúc Thầy sánh tôi với Giám Chân Hòa Thượng, người có công mang Phật Giáo từ Trung Quốc sang Nhật Bản vào thế kỷ thứ 6. Còn tôi mang Phật Giáo từ Việt Nam và Nhật Bản vào đất nước nầy cũng là kẻ tiên phong. Dĩ nhiên là tôi rất xấu hổ với lời ca tụng nầy. Vì lẽ tôi không là gì cả. Chỉ là một hạt cát nhỏ trong sa mạc mà thôi.
Vì sao vậy? Vì việc khen chê ở cuộc đời nầy là sự thường tình. Ta phải bình tĩnh trước lời chê và nhún nhường trước lời khen và tốt nhất hãy xem sự khen chê ấy không là gì cả. Vì tất cả đều là pháp hữu vi, có đến phải có đi, có còn phải có mất. Người nào đó, khi còn sống cũng như khi chết, họ khen ta không bút mực nào tả hết; nhưng nếu rủi ro có một việc gì đó không như ý họ, thế là thần tượng, minh sư, kẻ đạo cao đức cả kia trở thành địa ngục A Tỳ, nơi giam giữ những tội nhân của thần tượng kia bị sụp đổ. Ta tu học Phật không phải như thế. Ta phải đứng vững trên đầu sóng ngọn gió, không vì lời khen mà vui, cũng chẳng phải vì chê mà buồn. Phải chấp nhận những tương đối trong cuộc đời nầy. Tôi luôn quan niệm rằng cuộc sống của mỗi người trong chúng ta có lúc bình yên, có lúc gợn sóng. Khi con thuyền lên đến tột đỉnh của ngọn sóng cũng có nghĩa là gió bão càng to hơn, càng lớn hơn và càng gào thét nhiều hơn. Lúc ấy ta phải làm gì? Nếu ta không vững tay chèo, sẽ dễ bị chao đảo con thuyền, sẽ có nguy cơ ngập nước và chìm sâu vào đại dương, cũng chỉ để cho nhân thế cười chê là ta không có bản lãnh. Do vậy phải hiểu rằng sau cơn gió to, sóng lớn ấy, bầu trời và mặt nước sẽ quang đãng, bình yên trở lại, để ta tiếp tục lái chiếc thuyền nan tiếp tục cuộc hành trình trong sanh tử của ta.
Tôi đã chấp nhận mình là đất để hứng chịu những sạch nhơ của nhân thế và chấp nhận mình là nước để chuyên chở những trong đục của cuộc đời thì cần gì phải biện luận. Đây là hạnh của Ngài Địa Tạng và Ngài Quan Âm mà tôi đang thực hiện. Ngày xưa khi Phật còn tại thế có một câu chuyện được kể lại như thế nầy:
"Có một vị Tỳ Kheo không tinh chuyên giới luật; nhưng lúc nào cũng ganh tị với Ngài Xá Lợi Phất. Do đó vị Tỳ Kheo ấy đặt điều nói xấu Ngài Xá Lợi Phất với chúng Tăng. Một ngày nọ đến tai Đức Phật và Đức Phật cũng đã quán chiếu sự kiện nầy rõ ràng, sau đó kêu Ngài Xá Lợi Phất và vị Tỳ Kheo nầy vào để nghe lời giải thích.
Ngài Xá Lợi Phất thưa rằng: Lâu nay con thực hiện hạnh của đất, cho nên bất cứ ai bỏ một vật gì xấu lên đó con cũng chẳng buồn, mà dầu có liệng một cành hoa đẹp lên mình đất thì đất cũng chẳng vui. Do đó sự vu cáo của vị Tỳ Kheo kia đối với con không có ý nghĩa gì cả.
Đức Phật chỉ rõ sự sai trái của vị Tỳ Kheo nọ và vị ấy sám hối trước Ngài Xá Lợi Phất cũng như Đức Phật".
Đây là câu chuyện có thật khi Đức Phật còn tại thế và ngày nay ta đem câu chuyện ấy áp dụng vào tự thân của mỗi người khi thực hành Bồ Tát Đạo vẫn còn có giá trị như thường.
Trong Đại Trí Độ Luận, Đức Phật có dạy một câu chuyện rất hay. Chuyện kể rằng: Hai vị Tỳ Kheo đang bàn nhau về hình thức và nội dụng của sự tu và sự chứng. Có vị thì bảo rằng sự chứng đạo có giá trị như vàng thật và có vị thì bảo rằng sự trong sáng thanh tịnh cũng giống như ánh sáng của chân lý. Đức Phật hỏi:
Nếu vàng ấy được chứa trong một cái túi dơ, thì các ngươi lấy vàng hay lấy túi? hoặc giả bỏ túi lấy vàng ?
Nếu trong đêm tối có một người hủi cầm đuốc soi đường. Vậy các ngươi chê người hủi không cần đến đuốc? hay nhận đuốc mà không cần người hủi?
Cuối cùng rồi Ngài đã dạy: Tất cả những gì ở thế gian nầy đều thuộc về đối đãi, đều có tính cách phương tiện. Hãy chấp nhận phương tiện để đi đến cứu cánh Niết Bàn. Nếu không có cái túi dơ ấy thì không có gì thay thế để đựng vàng được và nếu không có người cùi hủi ấy thì ai giúp mang ánh sáng đến cho ta? Do vậy mà tất cả đều cần thiết để thành tựu đạo nghiệp khi chọn con đường Bồ Tát Hạnh là thế.
Tôi cũng đã trải qua nhiều sự thử thách của cuộc sống. Cho nên những lời dạy như thế, những bài học như thế quả là giá trị vô song trên hành trình tu học của mình. Ai trong chúng ta khi sinh ra cũng đều tục lụy cả và trong cái tục lụy ấy nếu ta biết hướng thiện thì chúng ta sẽ làm chủ của sanh tử luân hồi. Còn chúng ta buông lung thì chúng ta mãi đắm chìm nơi bùn sâu nước đọng ấy.
Chẳng ai trong chúng ta khi sinh ra là Thánh nhân cả, mà phải đi từ con người, đặc biệt là con người biết tu học để trở thành Thánh, thành Tiên, thành Phật. Do vậy phải dụng công thật nhiều thì mới mong hạt minh châu nơi cõi lòng, tự tánh nơi tâm thức mới trở thành vàng thật và ánh quang minh rực rỡ của đêm đen được.
Thầy Takeda và Cô ở lại chùa Viên Giác Hannover 2 ngày. Sau đó Thầy lại về Nhật mang theo một số tài liệu bằng tiếng Đức có giới thiệu về sự phát triển Phật Giáo tại đây do tôi cung cấp, để sau khi về Nhật, Thầy giới thiệu với các sinh viên Đại Học của Thầy ấy và chắc rằng Thầy ấy kể lại cho họ nghe như sau:
"Tôi đến Hannover vào một chiều thu của năm 2002 để thăm người sinh viên Tăng sĩ Thích Như Điển, đã học tiếng Nhật với tôi cách đây hơn 25 năm về trước tại Đại Học Teikyo ở Tokyo; nhưng điều đặc biệt là Thầy Cô đến đó đã không liên lạc trước bằng điện thoại. Có thể gây cho người Tăng sĩ Việt Nam nầy một sự ngạc nhiên và biết đâu người ấy lại nhớ tôi. Vợ chồng tôi đã vào ngồi nơi chánh điện chùa Viên Giác theo kiểu Nhật, dĩ nhiên là Thầy ấy biết là người Nhật; nhưng đã chẳng biết là Nhật nào. Mà quả đúng như vậy, sau khi có người báo tin cho biết, Thầy ấy đã lên chánh điện gặp tôi và vợ; nhưng đã chẳng nhận ra. Chỉ mới 16 năm thôi mà. Vì năm 1987 Thầy ấy có gặp tôi khi trở lại thăm Tokyo lần ấy. Có lẽ tôi đã già? Hay Thầy ấy đã có quá nhiều chuyện để phải lo, đâu có cần lưu tâm làm gì đến một ông giáo già dạy Nhật ngữ? Có phải thế không các bạn?
Nhưng không đâu - Sau một phút giới thiệu là Thầy ấy đã nhớ ra rồi. Tiếng Nhật vẫn còn sõi lắm. Thật đúng với câu: Thiên tài của ngôn ngữ học mà Thầy Kikuchi đã khen Thầy Như Điển khi nào. Chúng tôi đã đàm đạo suốt 2 ngày liền và cũng đã nói cho Thầy ấy nghe về dự tính của chúng tôi sau khi hưu trí ở Đại Học.
Thời gian trôi qua nhanh quá phải không các bạn. Mới đó mà tôi đã quá già và chàng thanh niên Tăng sĩ Việt Nam ngày ấy, bây giờ tóc cũng đã hoa râm và đang trụ trì một tự viện rất lớn tại Hannover - Đức Quốc, mang tên là Viên Giác Tự. Còn đây là những tác phẩm bằng tiếng Việt đã được dịch ra tiếng Đức của Thầy ấy. Các bạn hãy xem đi! Và có lẽ cũng chẳng hiểu gì. Vì tiếng Đức đâu phải là một ngôn ngữ đơn giản như các bạn biết đó.
Tôi không ngờ tình Thầy trò lại có thể bền lâu như thế. Nhiều lúc nó còn bền lâu hơn cả tình nghĩa vợ chồng. Có phải thế không các bạn? Nếu không tin, thời gian càng lâu sẽ chứng minh được câu nói của tôi là đúng.
Dĩ nhiên là Thầy ấy chẳng cần khen. Vì Thầy ấy tu theo Phật Giáo và biết rõ sự vô thường, sự giả tạm của thế gian; nhưng không khen sao được, khi người đó, chính là học trò của mình hơn 25 năm về trước. Nhưng bây giờ các bạn có biết không? Có lần tôi bảo: Thầy Như Điển là Thầy của tôi rồi đó! Các bạn chắc chẳng tin đâu. Làm gì có chuyện đó. Nhưng đó là sự thật. Vì Thầy ấy ngày nay, không phải là người sinh viên của Đại Học Teikyo vào năm 75-77 của năm thứ 3 và năm thứ 4 ngành giáo dục nữa, mà Thầy ấy là người của quần chúng, của mọi chúng sanh và tôi cũng là một chúng sanh trong ấy...".
Đó là một dự đoán của tác giả, cũng có thể Thầy Takeda nói khác đi, hay hơn thế nữa, tốt hơn thế nữa; nhưng đồng thời cũng có thể xấu hơn thế nữa. Ví dụ như suốt mấy ngày chỉ cho ăn bánh mì Đức, cơm Việt Nam mà chẳng có Misosuru (súp đậu nành) của Nhựt v.v... và v.v... nghĩa là còn nhiều chuyện để kể cho sinh viên của Thầy Takeda nghe trong suốt mấy giờ đầu của khóa mùa đông năm học 2002 nầy.
Hôm nay ngày 17 tháng 10 năm 2002 nhằm ngày 12 tháng 9 năm Nhâm Ngọ, tôi đã cúng lễ kỵ đầu của Sư Phụ tôi, người đã có công cho tôi xuất gia học đạo, thế phác quy y. Người cũng đã là một ánh sáng cho tuổi thơ của tôi khi mới chập chững vào đời. Hôm nay Đại Chúng làm lễ tưởng niệm Người và đã đọc một phần tiểu sử của Thầy tôi trong những năm cuối cuộc đời. Tôi thấy Thầy mình vĩ đại quá, cao cả quá mà trong quá trình làm chú tiểu của tôi từ năm 1964 đến năm 1968 ở hai chùa Phước Lâm và Viên Giác tại Hội An tôi đã chẳng nhận ra được. Nếu có nhận ra thuở bấy giờ cũng chỉ là những điều nhỏ nhoi, cục bộ; chỉ biết bảo vệ cho cái tự ngã của mình để phán đoán một vấn đề; chứ không phải như ngày hôm nay. Không biết có phải rằng bất cứ ai trong chúng ta cũng phải đợi cho người thân chết rồi ta mới nhận ra được điều đó chăng. Hay có người đang sống vẫn hưởng được những hạnh phúc an lạc trong khi sống và thực hành giáo lý của Đức Như Lai? Nghĩa là: chơn thật bất hư.
Gió thu đang lay mạnh những cành cây bên hông chùa làm tôi chợt tỉnh cho cơn vô thường của nhân thế và tôi cũng biết rằng một ngày nào đó mình phải ra đi. Khi ra đi chúng ta sẽ mang theo được gì và gởi lại nơi nhân thế nầy những gì; thiết nghĩ ngay bây giờ hãy chuẩn bị cho gói vào hành trang của mình và tha nhân ở kiếp nầy cũng như mai hậu có một cuộc sống tâm linh đầy ý nghĩa, không hận thù, chia rẽ mà lúc nào cũng như lúc nào tình thương trí tuệ vẫn là những chất liệu dưỡng sinh trong cuộc sống của mình.
Hướng về vị Thầy cũ và nhiều vị Thầy cũ; trong đó có vị Thầy dạy học mà cũng có vị Thầy dạy đạo, tôi thành tâm cảm niệm những thâm ân của bất cứ ai đã giúp mình có được một cuộc sống cao đẹp, có giá trị miên viễn trong tình thương yêu của Đức Phật và nhất là tư cách, phẩm giá của một con người và con người đó dẫu dưới bất cứ hình thức nào cũng mang một giá trị tâm linh cao thượng của nó.
Viên Giác tự một chiều thu
của năm 2002
___________________
Hai Mùa Hạ Năm nay
Thích Như Điển
Sau khi làm lễ kỷ niệm 25 năm thành lập chùa Viên Giác và xuất bản báo Viên Giác, Thầy trò chúng tôi đã chuẩn bị cho chuyến hành trình về phương Đông và Nam Bán Cầu rồi. Kế đó là lễ Vu Lan, với sự tham dự của hơn 7000 người, tại chùa Viên Giác Hannover trong những ngày cuối tháng tám năm 2003, quả là một dấu ấn khó quên.
Đầu tháng chín đã có Thầy Đồng Văn, Hạnh Giới và Hạnh Tuệ đi trước sang Lào để tham gia lễ rước tro cốt của cố Hòa Thượng Thích Trung Quán, từ Paris về an trí tại chùa Bàng Long ở kinh đô Vạn Tượng. Còn tôi và Thầy Tông Nghiêm đúng ngày 12 tháng 9 năm 2003 mới lên đường.
Đầu tiên chúng tôi đến đất Phật, nơi Ngài đã thành đạo cách đây 2547 năm về trước. Phi trường Gaya đã mở cửa hơn 5 tháng nay, nên chúng tôi đã lấy phi cơ đi thẳng từ Bangkok, chứ không phải từ New Delhi hay Calkutta như những lần trước nữa. Từ Bangkok đi Gaya chỉ tốn hơn ba tiếng đồng hồ, nhưng thời gian chờ đợi để được khám xét tại Gaya đúng hơn 2 tiếng nữa. Mặc dầu hôm ấy hành khách vào cửa khẩu nầy chỉ có 15 người. Người Ấn Độ chậm chạp đã đành, mà vì mới nên họ chưa có kinh nghiệm.
Tại đây có hai chùa Việt Nam. Một chùa do Thầy Huyền Diệu sáng lập từ năm 1987 và chùa khác mang tên là Trung Tâm Tu Học Viên Giác do Thầy Hạnh Nguyện và Hạnh Tấn sáng lập đã được khánh thành vào tháng 3 năm 2002 vừa qua. Sau khi khánh thành xong thì Thầy Hạnh Nguyện phát tâm cúng dường Trung Tâm nầy cho Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại. Sau đó Thầy ấy đi học tại Trung Quốc. Kế tiếp là Thầy Hạnh Hảo đã lo một năm và bây giờ kế tục là Hạnh Định. Còn Hạnh Nguyện chỉ đóng vai trò giám đốc nhưng phải ở xa. Do đó mọi việc đều do Hạnh Định và Tăng chúng trong chùa quyết định. Chùa hiện có Sư cô Như Bảo, Chú Đồng Thuận và Hạnh Giải là người xuất gia. Ngoài ra, Trung Tâm cũng mới nhận thêm 10 em Assam, thuộc Ấn Độ tuổi từ 9 đến 23. Các em nói được tiếng Hindi và Anh Ngữ, đang học tiếng Việt và có nhiều em có thể nói đến 7 thứ tiếng. Nuôi các em tại đây, em nào có nhân duyên thì sau nầy đi xuất gia theo truyền thống Việt Nam, nếu không thể thì vẫn ở đó đi học, sau ra làm việc cho chùa.
Ngoài ra, Trung Tâm cũng có 6 người Ấn Độ giúp việc. Họ là những nhân công lo quét tước, dọn dẹp, lau chùi, gác cổng và làm cơm. Vì Trung Tâm tương đối lớn. Có bốn tầng và tất cả đều lót đá cẩm thạch trông rất sang trọng. Có chánh điện rộng rãi chứa đựng 200 người, có thư viện và nhà ăn rất rộng. Tổng cộng có 27 phòng. Mỗi phòng kê hai giường và đầy đủ tiện nghi như một khách sạn ba sao tại Âu Châu. Tổng cộng diện tích sử dụng là 2700 mét vuông. Với số kinh phí là một triệu đô-la Mỹ. Tất cả số tiền nầy do Phật tử tại Mỹ Châu, Âu Châu, Úc Châu đóng góp. Chùa Viên Giác tại Hannover đóng góp mười phần trăm của số tiền xây dựng nầy. Nếu chùa nầy mà xây dựng ở ngoại quốc thì chắc phải thành hai hoặc ba triệu Mỹ kim chứ không ít. Vì lẽ nhân công và vật giá ở Ấn Độ rẻ nên mới được như vậy.
Chùa còn mắc nợ một ít của các Phật tử tại Đức và Mỹ, nhưng không nhiều lắm. Ngoài ra, sự hoạt động của Trung Tâm trong hiện tại đa phần là do các phái đoàn hành hương các nơi về đóng góp cúng dường và sự đóng góp định kỳ của quý Phật Tử bên Mỹ. Mùa Đông và mùa Xuân có nhiều khách hành hương, còn mùa Hạ và mùa Thu nơi nầy rất nóng, do vậy ít có khách vãng lai. Tuy thế tiền sinh hoạt và bảo trì, mỗi tháng không dưới 1.000 US
Đi đường xa mệt mỏi, khách hành hương về đây có chỗ nghỉ chân, quả thật rất xứng đáng với những sự đóng góp của chư Tôn Đức và quý Phật Tử xa gần. Nếu không có những người tiên phong như Đại Đức Thích Hạnh Nguyện và Đại Đức Thích Hạnh Tấn đứng ra kêu gọi xây dựng thì làm sao chúng ta có được một đạo tràng nguy nga đồ sộ như thế để nơi đất Phật có được một chút đóng góp, một sự hiện hữu của Phật Giáo Việt Nam chúng ta?
Trong khi chúng tôi ở đây có nhiều phái đoàn từ Việt Nam sang, quý Thầy quý Cô du học tại New Delhi cũng xuống vấn an. Mỗi sáng sớm chúng tôi ra Đại Tháp lễ Phật cầu nguyện. Ban ngày đi chiêm bái các chùa hoặc các thánh tích lân cận. Buổi tối Chúng thường trụ của Trung Tâm Tu Học Viên Giác và một số quý Thầy Cô tại Delhi học với chúng tôi về một bản kinh mới dịch tên là: “Phát Bồ Đề Tâm Kinh Luận”.
Ngày 20 tháng 9, Thầy Đồng Văn, Hạnh Giới và Hạnh Tuệ đã đến để sau đó đi thăm một số Thánh Tích còn lại. Ngày 27 tháng 9, Hạnh Nguyện từ Trung Quốc về để lo một vài công việc cần thiết. Ngày 1 và 2 tháng 10 năm 2003 có tổ chức Giới Đàn truyền giới Sa Di cho chú Hạnh Giải và truyền Tam Quy Ngũ Giới cho các em người Assam. Buổi chiều đi rải cốt Đạo Hữu Thiện Pháp Hà Thị Lan Anh ở sông Ni Liên Thuyền và sau đó là lễ Phát Chẩn cho dân nghèo tại địa phương. Ngày hôm sau cúng kỵ cho sư phụ của chúng tôi, lễ trai tăng và buổi chiều phát chẩn một lần nữa.
Phái đoàn ra ga xe lửa vào tối ngày 4.10 để đi New Delhi, nhưng trễ tàu. Lại một phen thất điên bát đảo với một rừng người tại nhà gare, chen lấn với bò, trâu, heo, gà, phẩn người, phân vật. Thật kinh hoàng và khủng khiếp cho những ai mới đến Ấn Độ lần đầu. Hạnh Định phải đi đổi vé tàu để đi chuyến sau và chiều ngày 5 tháng 10 thì phái đoàn đã đến nhà gare New Delhi gần 15 tiếng đồng hồ ở trên xe lửa. Đến đón phái đoàn hôm đó có Thầy Như Tú, Thầy Tâm Tường, Thầy Minh Tâm, Thầy Nguyên Tân, Sư cô Đồng Anh, Nguyễn Bá Hải và phái đoàn của Phật Giáo Tây Tạng.
Đoàn chúng tôi năm người được đưa về nhà Khách của Tây Tạng, để ngày mai đi tham dự lễ Cầu Nguyện Hòa Bình với Ðức Đạt Lai Lạt Ma cùng với 10 Tôn Giáo khác tại công viên Đức Phật Đản Sanh tại trung tâm New Delhi.
Với hơn 3000 người tham dự và cũng có sự hiện diện của Cựu Tổng Thống Ấn Độ cũng như những nhân vật quan trọng của chính quyền Tây Tạng. Phái đoàn Việt Nam của chúng ta có trên 30 vị do Thầy Lương Nguyên bắt giọng để tán bài: “Trí Tuệ” rất nhịp nhàng. Sau đó tụng Bát Nhã và Tự Quy. Trên 10 Tôn Giáo hôm đó có lẽ phía Việt Nam là rầm rộ và khởi sắc nhất, nên truyền hình và báo chí đã loan tin ngay tối hôm đó và đăng tin tức trên trang báo vào sáng hôm sau.
Từ Việt Nam đến có Thượng Tọa Bác Sĩ Thích Hải Ấn, Viện Chủ chùa Từ Đàm, Thượng Tọa Minh Đức, Ni Sư Như Minh, Ni Sư Hải Liên, Sư Cô Huệ Mỹ, Thân mẫu Hạnh Định cũng đã hòa nhịp với đại chúng để được đảnh lễ, chiêm ngưỡng và nhận khăn chúc phúc từ Ðức Đạt Lai Lạt Ma. Ai cũng bảo rằng chuyện nầy như mơ cũng khó có thể có được.
Buổi chiều tôi đã có một bài tham luận ngắn tiếng Anh độ 500 chữ với tiêu đề về Hòa Bình Thế Giới để đóng góp chung với 10 diễn giả của 10 Tôn Giáo khác đến từ khắp nơi trên thế giới với sự hiện diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Buổi tối, một lần nữa Thầy Lương Nguyên đã hướng dẫn hơn 20 Thầy Cô cùng tán tụng những bài kinh Lăng Nghiêm, Thập Chú và Bát Nhã cũng như Hồi Hướng rất trầm hùng. Đây là công khó nhọc của Thầy Hạnh Chánh, Thầy Lương Nguyên, Thầy Như Tú và quý Thầy cô khác đang lưu học tại New Delhi. Tất cả những hình ảnh và âm thanh nầy sẽ được lưu lại và sẽ đăng vào quyển kỷ yếu sắp tới để phát cho các tham dự viên ở những lần tổ chức khác trong tương lai.
Ngày hôm sau, 7 tháng 10 năm 2003 là một ngày cảm động. Do sự sắp đặt của Thầy Hạnh Chánh mà có hơn 100 tăng ni, hiện đang du học tại Ấn Độ, đa phần có nhận học bổng từ chùa Viên Giác đã hiện diện cùng với vị Khoa Trưởng Phân Khoa Phật Học tại một giảng đường ở Đại Học New Delhi. Không khí thật lành mạnh, vui tươi và đượm tình nghĩa quê hương nên tôi đã phát biểu rằng:
“Năm nay tôi có đến hai lần sinh nhật, một lần vào ngày 28 tháng 6 vừa qua tại chùa Viên Giác và hôm nay đây do quý Thầy cô khoản đãi để chúc thọ chúng tôi. Có lẽ vì năm nay tôi có hai mùa hè nên đã có hai lần sinh nhật. Một mùa hè nắng ấm của Âu Châu và một mùa hè tươi sáng của Nam Bán Cầu nơi xứ Úc trong thời gian sắp đến, cũng chỉ trong năm nay thôi”.
Mọi người đều cười, sau đó là tham dự phần cắt bánh tặng quà cũng như giúp vui văn nghệ. Không ngờ những tiếng hát lời ca của quý Thầy, quý Cô đâu có thua gì những nghệ sĩ chuyên nghiệp.
Ngày hôm sau 8 tháng 10 năm 2003 đoàn chúng tôi đến thăm quý Thầy, quý Cô tại các cư xá sinh viên, ăn cơm trưa và chiều tại đó, để rồi tối hôm đó mọi người tiễn phái đoàn ra phi trường trong cảm động bùi ngùi.
Khi đã vào ngồi yên trong lòng máy bay rồi, chúng tôi mới hồi tưởng lại những gì đã trải qua gần một tháng tại Ấn Độ, để rồi hướng đi tới là một chốn xa xôi ở tận bên kia đường xích đạo. Nơi đó vẫn có chùa chiền, huynh đệ nhất là nơi chúng tôi sắp nhập thất trong những ngày sắp đến.
Tối ngày 9 tháng 10 năm 2003 phái đoàn chúng tôi đã được Hòa Thượng Thích Bảo Lạc và Từ Vũ, em của Hạnh Giới, ra phi trường Sydney đón tiếp. Sau đó về chùa lễ Phật, cạo tóc, đi ngủ sớm để ngày mai phải lên phi trường Sydney trở lại, hướng đến Melbourne, nơi tổ chức lễ Khánh Thành Tu Viện Quảng Đức và có nhiều chương trình khác sẽ tuần tự giới thiệu phía dưới đây.
Sau khi về Tu Viện Quảng Đức, nơi Thượng Tọa Thích Tâm Phương trụ trì và Đại Đức Thích Nguyên Tạng làm phó trụ trì. Nơi nầy cũng là nơi có “trang nhà” về Phật Học rất phong phú. Chúng tôi đã đảnh lễ vấn an Chư Tôn Hòa Thượng, Thượng Tọa đến từ Hoa Kỳ, Âu Châu, Canada, Việt Nam và Úc Châu, sau đó dùng cơm trưa để buổi chiều bắt đầu vào ngay phiên họp của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại. Đại Hội bất thường để kiện toàn tình hình của Giáo Hội và Suy Tôn Đức Đại Lão Hòa Thượng Thượng Huyền Hạ Quang đăng phẩm vị Đệ Tứ Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất hiện nay, cũng như công cử thành phần lãnh đạo của hai viện Tăng Thống và Viện Hóa Đạo.
Tối đó tại Chánh Điện chùa có hơn 400 người thính pháp, tôi đã nói về đề tài “Làm sao để được an lạc khi chúng ta tu học” Thính chúng đa phần là những Phật tử tại Melbourne và một số đến từ Mỹ, Canada cũng như Anh Quốc. Sau hơn một tiếng đồng hồ tôi đã chấm dứt để mọi người còn chuẩn bị cho chương trình của ngày hôm sau nữa.
Khách tăng đến từ ngoại quốc không quen với khí hậu của Melbourne nên đa phần bị cảm. Vì trời của Melbourne mỗi ngày có bốn thời tiết. Sáng mùa xuân, trưa mùa hè, chiều mùa thu và tối mùa đông. Do vậy, nếu ai đó có đi Melbourne, xin hãy chuẩn bị áo ấm cho thật kỹ, dầu cho đó là mùa nào trong năm đi nữa.
Sáng hôm sau, ngày 11 tháng 10 năm 2003, chùa có chương trình riêng cho lễ An vị Phật và Giáo Hội có chương trình riêng của những buổi họp. Pháp Sư Niên Trưởng Thích Giác Đức với đề tài: “Hướng đi truyền thống của Phật Giáo Việt Nam”. Pháp Sư vẫn còn phong độ của một giảng sư Đại Học Đường đứng trên bục giảng để giảng giải cho sinh viên và cử tọa rất hùng hồn và khúc chiết. Đến chiều là buổi nói chuyện của Giáo Sư Võ Văn Ái và Nữ sĩ Ỷ Lan với đề tài: “Tìm hiểu Pháp Lệnh về Tôn Giáo của Nhà Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam”. Rất tiếc giờ đó chúng tôi không có mặt vì phải đi thăm chùa Pháp Vương của Hòa Thượng Thích Huyền Tôn.
Đến tối có Hòa Thượng Thích Minh Tâm nói về đề tài: “Đề án Phật sự” Chương trình to lớn mà nhân sự lại ít ỏi. Do vậy, đây cũng là một số đề tài cần phải bổ sung và mổ xẻ cho Phật sự trọng đại của tương lai Giáo Hội nhiều hơn nữa.
Đến ngày hôm sau, vào lúc 11 giờ sáng ngày 12 tháng 10 năm 2003 tất cả chư tôn đức Tăng Ni và hơn 4000 đồng hương Phật Tử đã vân tập vào hội trường và chánh điện để dự lễ Khánh Thành Tu Viện Quảng Đức. Có đại diện chính quyền và các đoàn thể cũng như chư Tôn Đức trong Giáo Hội ở các châu phát biểu. Suốt hơn 2 tiếng đồng hồ, phần diễn văn, đạo từ đã đọc xong và sau đó cung nghinh Chơn Dung của Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang lên Đại Điện để chuẩn bị lễ Khánh Thành và Lễ Suy Tôn Đức Đệ Tứ Tăng Thống. Buổi lễ rất cảm động. Mọi người, mí mắt đỏ hoe, mờ vì ngấn lệ và vì sự cảm động, chia xẻ những khó khăn mà quý Ngài trong nước đã đương cũng như sẽ gặp phải. Có những cuộn phim sống được quay và gửi ra từ tu viện Nguyên Thiều ở Bình Định về những ngày họp của Hội Đồng Lưỡng Viện để bổ sung thành phần nhân sự của Giáo Hội tại quốc nội cũng như Hải Ngoại trong tháng 9 vừa qua. Ai nấy xem những đoạn phim nầy mới thấy được cái ý chí kiên cường bất khuất của những nhà lãnh đạo GHPGVNTN ở trong nước và mới khâm phục được đức tính vô úy ấy.
Kết thúc của Lễ Khánh Thành là buổi lễ cúng dường trai tăng và lễ Đăng Đàn Chẩn Tế vào chiều ngày 12 tháng 10 năm 2003 ấy. Đây phải nói là một sự thành công rực rỡ của Tu Viện Quảng Đức nói riêng, sau đó là Giáo Hội Úc Châu và nói chung cho GHPGVNTN ở quốc nội cũng như Hải Ngoại
Sáng ngày 13 tháng 10 năm 2003, phái đoàn của chúng tôi đã lên máy bay để đi Adelaide, thăm chùa Pháp Hoa và đảnh lễ Hòa Thượng Hội Chủ Thích Như Huệ. Ngài cũng là ân sư của chúng tôi khi chúng tôi còn học Trung Học tại Trường Bồ Đề Hội An, cách đây 40 năm về trước mà lúc đó Ngài là Giám Đốc. Để được thăm và để chiêm nghiệm cảnh hoang tàn của một điện Phật do người bị tâm thần phá hoại đập nát hết những biểu tượng mà người Phật Tử đã tôn thờ. Tối hôm sau ngày 14 tháng 10 tôi đã giảng một thời Pháp ngắn sau Hòa Thượng Thích Minh Tâm với nhan đề là: “Hãy giữ vững một niềm tin”.
Tôi đã đến địa phương nầy từ năm 1979 đến nay cũng đã gần 25 năm rồi. Sau bao nhiêu năm cố gắng, chùa Pháp Hoa đã được dựng lên, nhưng nhìn xuống phía dưới người nghe Pháp hầu như tôi chẳng thấy một người quen nào. Vì đa phần các vị lớn tuổi bịnh hoạn, hoặc có người đã theo Phật. Chỉ có một số mới đến chùa sau nầy. Nhìn tăng chúng tại đây cũng thế, có người mới đến thì vui, nhưng những người cũ ngày xưa bây giờ chẳng còn nữa, chẳng biết tại sao, và trách ai bây giờ? Tất cả chẳng qua là nhân duyên, nghiệp lực.
Rời chùa Pháp Hoa vào sáng sớm ngày 15 tháng 10, đáp máy bay đi đến Camberra để tham dự Giới Đàn Giác Tánh – A Nan Đà do Thượng Tọa Thích Quảng Ba, Tu Viện Trưởng đề xướng. Giới Đàn nầy có tổng cộng 19 giới tử đa phần là người Úc. Trong 19 vị nầy chỉ có hai giới tử Tỳ Kheo Ni, một giới tử Sa Di và ba giới tử Sa Di Ni là người Việt Nam. Do vậy các đàn Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni và Sa Di đều phải truyền bằng tiếng Anh và tiếng Việt.
Đại Lão Hòa Thượng Thích Phước Thành và Hòa Thượng Thích Thiện Nhơn chứng minh cho Giới Đàn, Hòa Thượng Thích Huyền Tôn làm Đàn Đầu Hòa Thượng, Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh làm Yết Ma, Hòa Thượng Thích Giác Lượng, Thượng Tọa Thích Nguyên Phước làm Giáo Thọ A Xà Lê. Trong bảy vị tôn chứng có mời 3 vị từ Việt Nam và 4 vị tại Úc. Có tả hữu Giám Đàn. Còn tôi thì làm Tuyên Luật Sư và Sư Bà Nguyên Thanh, Sư Bà Diệu Tâm và Hai Sư Bà tại Úc khảo hạch các giới tử thọ giới.
Buổi bế mạc có cúng dường trai tăng tại Trung Tâm Tây Tạng rất trang nghiêm do Thượng Tọa Thích Quảng Ba và Ngài Choedak Yuthok chủ sự. Nhìn chung Giới Đàn rất thành công trang nghiêm, thanh tịnh và giới tử rất thuần kính Tam Bảo. Hy vọng họ sẽ được đắc giới rất nhiều tại Giới Đàn nầy. Ngoài Thượng Tọa Thích Quảng Ba dịch sang tiếng Anh trong giới đàn, lần nầy có Đại Đức Thích Đồng Văn và Đại Đức Thích Hạnh Giới cũng đã trợ dịch tiếng Việt sang Anh văn trong khi truyền giới nên rất linh động và giới tử người Úc rất hoan hỷ.
Hôm thứ năm ngày 16 tháng 10, phái đoàn hơn 20 vị tăng ni và cư sĩ do Thượng Tọa Thích Quảng Ba hướng dẫn cũng đã vào trụ sở Quốc Hội Úc để tham dự với hơn 1000 người nhân lễ kỷ niệm 1 năm trước đây, ngày mà quân khủng bố giết hại hàng trăm người ngoại quốc tại đảo Bali ở Indonesia.
Sau mấy năm không trở lại thủ đô nước Úc, bây giờ trông thấy ngôi chùa Vạn Hạnh đã xây các Pháp Xá gần xong, rất đồ sộ, hy vọng một mai đây khi chùa xây xong rồi thì đây là một tu viện có tầm vóc của người Việt Nam tại thủ đô xứ Úc nầy.
Chiều ngày thứ sáu, ngày 17 tháng 10 năm 2003, phái đoàn chúng tôi cộng thêm Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Hòa Thượng Thích Chánh Lạc và sáu vị từ Đức do Sư bà Diệu Tâm hướng dẫn, đã lên xe 14 chỗ ngồi do Thầy Phổ Huân đón về chùa Pháp Bảo tại Sydney. Đoạn đường nầy cách đây 20 năm về trước vẫn còn là đường quốc lộ, bây giờ tất cả đã được xây thành xa lộ. Hơn 200 cây số chỉ cần ba tiếng đồng hồ là đã đến chùa rồi.
Chùa Pháp Bảo tại đây bắt đầu xây từ năm 1984 và 1985 khánh thành, nhưng sang năm 2004 sẽ làm lễ kỷ niệm 25 năm thành lập. Vì từ năm 1979, Hội Phật Giáo Việt Nam tại New South Wales là Hội Phật Giáo được thành lập đầu tiên tại xứ Úc nầy. Có Hòa Thượng Thích Bảo Lạc chăm sóc và sự hỗ trợ nhiệt tình của bà con xa gần nên chùa Pháp Bảo rất khang trang, chung quanh có hàng rào hoa sen bao bọc, trông rất mỹ thuật. Mặc dù bằng bê-tông cốt thép. Có nhà thiền và phòng ốc cho khách phương xa lưu lại, đã cung ứng đầy đủ tiện nghi của một ngôi chùa, và ngôi chùa đó đã đứng vững cũng như góp phần xây dựng bảo vệ và phát triển của người Việt tha phương từ ngày xưa cho đến bây giờ và mãi mãi về sau nữa. Vì ý thức như thế nên đệ tử xuất gia của Hòa Thượng là Đại Đức Thích Phổ Huân, Sa Di Ni Giác Anh và quý Cô khác, cũng như quý Phật tử đã làm một buổi lễ chúc mừng Hòa Thượng cũng như chúng tôi vào chiều ngày 18 tháng 10 năm 2003 tại phòng Thiền rất cảm động. Có hai trăm năm mươi Phật tử cũ mới đến tham dự. Có người chống gậy đến, có người ngồi xe lăn, cũng có giới trẻ nhưng rất ít. Thăm tôi hôm đó có cụ bà Lê Thị Khang, pháp danh Diệu Tùng, người đã định cư tại Đức từ hơn 20 năm qua, đã đóng góp cho Viên Giác tại Hannover cũng như Bảo Quang tại Hamburg rất nhiều. Nhưng sau nầy vì già yếu nên qua Úc ở với con. Cụ nắm tay tôi và có ý hỏi sư Diệu Tâm. Tôi có bảo người con trai nên dẫn cụ vào phòng trong kẻo gió, chờ một chút sư Diệu Tâm sẽ về. Thế mà sau hai ngày cụ đã ra đi vĩnh viễn ở tuổi thọ 88. Ngày về thăm nhà cụ vào 20 tháng 10, Hòa Thượng Bảo Lạc và Sư Diệu Tâm, Sư Diệu Phước cũng chỉ kịp hộ niệm cho cụ khi cụ vừa tắt thở mà thôi. Đó là một sự ra đi có đợi chờ và gặp đầy đủ những người mà cụ muốn gặp.
Ở tại đây tôi cũng đã nhận được báo Viên Giác số 137 tháng 10 năm 2003 do Bác Thị Tâm gửi, trong đó có kèm lá thơ nói về cô Nguyễn Thị Hiền, Pháp Danh Thiện Hạnh là vợ của Phật Tử Thiện Tấn Vũ Quang Tú, là đệ tử thuần thành của tôi cũng đã ra đi cách đây mấy ngày ở lứa tuổi chưa quá 45. Thật là vô thường quá! Thật là khó nói quá! Đâu có ai chuẩn bị trước cho những chuyến ra đi sớm như thế đâu! Do vậy mà hôm phát biểu tại lễ nhập thất của tôi tại Tu Viện Đa Bảo, tôi có thưa với Hòa Thượng Minh Tâm, Hòa Thượng Bảo Lạc, Sư Bà Diệu Tâm, Ni Sư Diệu Phước và cùng với 14 vị Tăng Ni khác rằng khi còn trẻ người ta hay làm bài toán cộng, nhưng khi đến già rồi người ta phải làm bài toán trừ. Ví dụ như ta sống được bảy mươi tuổi đi, mà bây giờ đã năm mươi lăm tuổi rồi. Cứ mỗi năm trừ đi một tuổi, thật sự ra thời gian ấy còn lại có là bao, mà ta sẽ làm được gì? Đó là một câu hỏi mà mỗi người cần phải thể nghiệm lấy. Đó là chưa kể đến sự vô thường.
Buổi lễ mừng Thầy Bảo Lạc lên Hòa Thượng, còn tôi lên Phương Trượng có sự tham dự của Hòa Thượng Thích Minh Tâm, Hòa Thượng Thích Tịnh Hạnh, Hòa Thượng Thích Chánh Lạc, Thượng Tọa Thích Giác Đẳng, Thượng Tọa Thích Quảng Nghiêm, Thầy Phổ Hương, Thầy Ẩn Long, Sư Bà Thích Nữ Diệu Tâm, Ni Sư Diệu Phước, Sư Cô Diệu Trạm, Sư Cô Bảo Trường và hơn mười vị tăng ni khác nữa đã cùng 250 Phật tử dùng tiệc sau khi Thầy Phổ Huân mở lời, nhằm mục đích đền đáp ân sư đã dày công huấn dục nên người cũng như cá nhân tôi, bào đệ của Hòa Thượng Bảo Lạc, kèm theo đó là hát và ngâm thơ, ca vọng cổ, cúng dường. Cuối tiệc có chụp hình lưu niệm và cắt bánh ăn mừng. Đạo Hữu Hoàng Khôi đại diện cho Hội Phật Giáo tại đây có lời cảm tạ thâm ân của Hòa Thượng Bảo Lạc và đồng thời Hòa Thượng Minh Tâm, Hòa Thượng Tịnh Hạnh và Hòa Thượng Chánh Lạc cũng có lời đạo từ trong ngày vui hôm ấy.
Trước khi lên núi tại Tu Viện Đa Bảo, phái đoàn chúng tôi đã ghé thăm một số chùa ở Sydney, cũng như tiễn đưa một số chư vị Khách tăng trở về lại nước của mình.
Ở tại núi nầy, ngày đêm Thầy trò chúng tôi công phu kinh kệ, dịch kinh, viết sách, làm vườn, nấu ăn, dọn dẹp. Mỗi tối, tôi trì kinh Kim Cang, niệm 21 biến Đại Bi cùng niệm Phật, là đã hết đi một tiếng rưỡi đồng hồ rồi.
Thầy Đồng Văn phụ tôi đánh máy khi tôi đọc từ bản văn chữ Hán ra tiếng Việt, Hạnh Giới cũng thế. Mỗi ngày bốn tiếng đồng hồ có hai vị Tiến Sĩ về Triết Học và Ngôn Ngữ phụ dịch kinh thì tôi đỡ lo. Vì lẽ kinh dịch ra đã có người giảo chính lại. Chúng tôi đã hoàn thành xong một chuyện của Đại Hòa Thượng Đông Chinh thời nhà Đường. Đó là câu chuyện của Giám Chân Hòa Thượng, người Trung Quốc đã truyền Phật Giáo sang Nhật Bản vào thế kỷ thứ 8, cách nay hơn 1200 năm. Năm 1973, tôi đã xem phim nầy bằng tiếng Nhật tại Nhật mà bây giờ mới có cơ hội dịch Đại Tạng Kinh ra tiếng Việt. Phim nầy, thời đó đã chiếm đến năm giải Oscar. Sau nầy chẳng thấy trình chiếu nữa, chẳng biết lý do tại sao? Ngoài ra, Thầy trò chúng tôi đang dịch bộ Đại Đường Tây Vức Ký của Ngài Huyền Trang viết gần 12 quyển và 100 trang trong Đại Tạng. Nếu dịch xong chắc cũng hơn 300 trang đánh máy chữ Việt. Đây không phải là Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân viết vào đời nhà Minh, như phim ảnh chúng ta vẫn thường hay xem, mà là câu chuyện có thật do Ngài Đường Tam Tạng thuật lại. Chuyện nầy cũng đã có dịch sang tiếng Đức, nên Hạnh Giới không cần phải dịch lại nữa, chỉ có phần tiếng Việt lâu nay chưa có người dịch nên kỳ nhập thất nầy Thầy trò chúng tôi cố gắng hoàn thành dịch phẩm nầy. Thầy Tông Nghiêm là người Hoa sanh ra ở Mã Lai và qua hai thế hệ. Ông nội là người Nhật, bà nội là người Hoa, nên bây giờ chẳng còn biết tiếng Nhật nào nữa. Tuy nhiên là một Thạc Sĩ về Phật Học nên cũng đã giảng cho Thầy Đồng Văn, Hạnh Giới, Hạnh Tuệ học tiếng Hoa, trong khi đó Thầy ấy học tiếng Việt từ Thầy Đồng Văn và Hạnh Giới.
Ở vùng nầy mỗi sáng có chim kêu, sáo hót, chim chóc líu lo khi ánh thái dương vừa tỏ dạng. Đêm đêm cũng nghe tiếng gáy của những loài chim lạ, ngày ngày tôi có dịp làm quen với những loài kiến, loài thỏ khác nhau. Kiến ở đây có rất nhiều loại. Loại lớn gần 2 cm, loại nhỏ thì đủ loại. Có con có càng như càng cua, chúng cắn vào là phải xức thuốc. Tôi xem chúng đào hang, làm tổ cũng công phu lắm. Mỗi con đều có nhiệm vụ khiêng vác, chẳng có con nào ở không. Con kiến nhỏ như thế mà ra công đào rất nhiều hang lớn. Chúng hăng say như chưa từng mỏi mệt. Nhìn chúng như vậy nên tôi nghĩ rằng con người phải đặc biệt hơn chứ, phải gắng sức gia công thêm. Tôi thường hay bỏ thức ăn cho chúng và thế là chúng kéo tới từng đoàn chứ không phải chỉ một con. Đúng là loài kiến cũng thảo ăn đấy chứ? Nếu là loài người mà gặp mối lợi lớn như thế thì chắc ít chia cho ai đâu?
Có nhiều loài chim rất đẹp, rất khôn ngoan. Chúng bay lượn chung quanh thất của tôi và phòng ở của quý Thầy, quý chú. Chúng ít sợ chúng tôi, vì có lẽ chúng tôi cũng tôn trọng sự tự do của chúng.
Ở đây có nhiều cây Bạch Đàn thơm mùi khuynh diệp. Dưới cái nắng mùa hạ ở đây cây tiết ra mùi thơm bát ngát. Cây cỏ còn thế, thử hỏi con người ta phải làm gì cho đời đây?
Thỉnh thoảng thì mới có con Kangouru và con Kuala tức là con ngủ ngày đến viếng. Vì bây giờ tiếng động của con người hơi nhiều nên miền núi nầy những động vật quý như thế càng ngày càng ít đi. Bây giờ ở đây là núi rừng, nhưng chừng hai mươi năm nữa cũng sẽ trở thành đô thị như chùa Pháp Bảo, chùa Phước Huệ trong hiện tại. Vì hai mươi năm trước đây, ở đó là rừng. Thầy trò Thầy Bảo Lạc đến nhận đất của chính phủ cho, thì bảo rằng rừng rậm như thế nầy, ai mà có thể tới. Thế mà mới đó đã hai mươi năm qua và bây giờ đúng là bãi bể đã biến thành ruộng dâu.
Khi đọc kinh Kim Cang mỗi tối, tôi càng thấm thía hơn khi đến câu: “Quá khứ tâm bất khả đắc, Hiện tại tâm bất khả đắc và Vị lai tâm bất khả đắc” Chẳng có cái gì có mà cũng chẳng có cái gì không. Có hay không đều do tâm vọng tưởng mà thành tựu. Cho nên đức Phật cũng đã nói:
Nhược dĩ sắc kiến ngã
Dĩ âm thanh cầu ngã
Thị nhân hành tà đạo
Bất năng kiến Như Lai
Như Lai không đến, không đi, không còn, không mất. Do vậy mà nếu dùng hình tướng âm thanh để cầu thì suốt đời vẫn không bao giờ thấy được chân thật tướng của Như Lai, để rồi đoạn kết trong kinh Kim Cang Phật dạy rằng:
Nhứt thiết Hữu Vi Pháp
Như Mộng huyễn bào ảnh
Như Lộ, diệc Như Điện
Ưng tác như thị quán.
Nghĩa là hãy xem tất cả các pháp có hình tướng đều như mộng, như giả, như ảo ảnh, như giọt sương, như điện chớp thì mới thấy được chân tướng của các pháp.
Từ núi đồi của xứ Úc nầy đang ở độ hè sang, tôi và bốn vị đi cùng xin gửi một chút nắng về sưởi ấm lòng người tại Viên Giác cũng như những độc giả xa gần của báo Viên Giác tại Đức, Âu Châu và hẹn gặp lại quý vị vào Tết Nguyên Đán Giáp Thân sắp đến tại chùa.
Mong quý vị đọc đoản văn ngắn nầy để biết rằng chúng tôi đang làm gì, và cũng mong quý vị luôn nghĩ rằng chúng tôi vẫn luôn luôn ở bên quý vị và chưa bao giờ xa quý vị cả.
Những ngày nhập thất
tại Tu Viện Đa Bảo,
Úc Đại Lợi, vào một sáng đầu hạ.
__________________
Học bổng
Thích Như Điển
Đã từ hơn 10 năm nay thể hiện tinh thần cộng sự và chia xẻ những khó khăn của Tăng Ni Sinh Việt Nam đang du học tại ngoại quốc cũng như trong nước; nên chúng tôi đầu tiên đã cấp phát học bổng cho quý Thầy đang học Đại Học cũng như Tiến Sĩ tại Hoa Kỳ, sau đó là Ấn Độ, rồi Thái Lan, Trung Quốc, Anh Quốc và sau nầy là Việt Nam. Điều nầy quý Hòa Thượng, quý Thượng Tọa trong Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu cũng như Hoa Kỳ đều nhiệt liệt hoan nghinh và Hòa Thượng Thích Hộ Giác còn đề nghị nên chuyển học bổng của Giáo Hội PGVNTN tại Đức cấp, trở thành học bổng của Giáo Hội PGVNTN Hải Ngoại cấp, để tiếng nói được mạnh hơn. Ở cơ sở nầy chúng tôi đã hoàn toàn đồng ý.
Hội Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức cũng có chủ trương cấp phát học bổng cho Tăng Ni Việt Nam trong nước và đã được quý Đạo Hữu, Phật Tử xa gần hỗ trợ bằng cách cho mượn Hội Thiện không lời trong vòng 5 năm. Hội Phật Tử đã bỏ số tiền ấy vào Konto tiết kiệm để lấy tiền lời cấp phát học bổng. Chủ trương ấy đã được nhiều vị đồng ý. Hiện nay số tiền tiết kiệm nầy độ trên 100.000À và mỗi năm tiền lời độ 3.000À. Số tiền lời nầy chia làm ba. Cấp 20 học bổng cho Tăng Ni Sinh đang học cao cấp Phật Học tại Hà Nội. 20 cấp cho Tăng Ni Sinh đang học cao cấp tại Huế và 20 cấp cho Tăng Ni Sinh đang học cao cấp Phật Học Vạn Hạnh tại Sàigòn. Đó là chưa kể hàng trăm học bổng khác do chùa Viên Giác cấp cho các trường Trung Cấp Phật Học tại Đà Nẵng, Hội An, Tam Kỳ, Nguyên Thiều (Bình Định) và một số nơi khác.
Riêng tại Ấn Độ hiện có 150 Tăng Ni Sinh Việt Nam đang học các ngành Tôn Giáo, Giáo Dục, Ngôn Ngữ v.v... ở các bậc Đại Học, Cao Học, Thạc Sĩ, Tiến Sĩ. Cũng đã có hơn 10 vị đã ra trường. Số còn lại đang trình luận án và sẽ trình luận án trong nay mai. Trong số 150 vị đó, chùa Viên Giác tại Hannover đã và đang cấp cho 100 vị. Số tiền mỗi năm chuyển 2 lần. Mỗi lần độ chừng 28.000À. Như vậy mỗi năm số tiền phải chuyển riêng cho Ấn Độ là 56.000À. Đa phần số tiền nầy là do quý Sư Cô tại chùa làm bánh để phát hành trong các dịp lễ mà có được. Nếu số tiền trên có thiếu thì trích ra từ quỹ Tam Bảo của chùa.
Tổng số học bổng mà chùa Viên Giác cấp khắp nơi mỗi năm lên đến 75.000À. Trong đó số đóng góp của các Phật Tử cũng có; nhưng rất khiêm nhường. Xin kêu gọi sự hưởng ứng của quý vị.
Chư Tổ dạy rằng: "Tạo tự dị, tạo Tăng nan". Nghĩa là "Xây chùa dễ, đào tạo Tăng khó". Đúng như thế. Nếu có một vị Tăng Ni xứng đáng thì có thể xây mấy ngôi chùa cũng được, chứ không phải chỉ một ngôi. Do vậy mà cá nhân tôi luôn luôn quyết theo con đường giáo dục nầy, là một con đường nhân bản mà chư Tổ đã bao đời truyền đạt lại. Xây chùa tuy dễ; nhưng ở ngoại quốc nầy cũng gian nan lắm. Còn những ai có tâm lo cho lớp hậu tấn thì số người ấy cũng chẳng có nhiều. Vì đa phần phải lo cho tự viện của mình, cũng như những Phật sự khác, làm sao có thể chu toàn được. Nói như thế không phải là không có. Ở Mỹ, Canada, Úc, Âu Châu vẫn có nhiều Thầy, Cô đang gia tâm hỗ trợ trong khả năng của mình; nhưng cũng chưa đồng bộ mấy. Dầu sao đi nữa đã có tâm giáo dưỡng như thế vẫn quý hóa vô cùng.
Tôi phát tâm đi từ tấm lòng của người đã được Giáo Hội PGVNTN cho đi du học tại Nhật Bản từ năm 1972; nên rất thông cảm cho nhiều Thầy Cô đang học tại ngoại quốc mà gặp khó khăn như thế; nên cố gắng giúp đỡ mà thôi. Ngoài ra không có một mục đích nào khác, ngoài mục đính là: đào tạo tăng tài để báo Phật ân đức. Nghĩ phận mình đã an, còn bao nhiêu kẻ chưa an thì phải lo giúp đỡ. Chỉ đơn thuần có thế. Cho nên một Thầy, Cô nào học xong ở học vị nào là tôi mừng vô kể. Vì chẳng uổng công đèn sách của mẹ cha và Giáo Hội cũng như người cấp phát học bổng, Khi niềm vui nói lên được, không có nghĩa là khoe khoang, cũng chẳng có nghĩa là tự ti mặc cảm hay danh tướng v.v... Vì tôi vẫn hay nói cho quý Thầy, quý Cô đệ tử của tôi tại chùa nghe trong giờ học là:
"Sự học nó không làm cho con người tu giải thoát được; nhưng nếu muốn mở cánh cửa giải thoát ấy, không thể thiếu sự tu và sự học được". Đành rằng người tu không cần bằng cấp. Vì bằng cấp ấy chẳng phải đi làm để nuôi thân; nhưng nếu ở đời tự xưng là một Bác Sĩ, Tiến Sĩ mà không có giấy tờ chứng minh thì ai dám cho mổ và chữa cho bệnh nhân, hay giảng bài trên giảng đường Đại Học ?
Ngày xưa Thánh Ghandi tranh đấu cho xứ Ấn Độ được độc lập từ người Anh. Ông ta đã qua Phi Châu và hô hào những người Ấn Độ tại đó không chấp nhận chính sách của người Anh cai trị tại Ấn Độ, thì nên xé bỏ bằng cấp cũng như giấy tờ của người Anh cấp. Ông là người xé đầu tiên cái bằng Cử Nhân Luật Học ấy. Nếu lúc ấy ông không có bằng mà hô hào người khác xé bỏ, không biết có ai nghe theo chăng ?
Trở lại vấn đề của chư Tăng Ni cũng thế. Bây giờ ở ngoại quốc mỗi ngày chùa nhận được rất nhiều thư từ giao dịch bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Nếu vị trụ trì ấy không đọc được thì phải nhờ đến đệ tử; nhưng đệ tử tại gia thì bận công ăn việc làm không tới chùa xem thư được. Khi đến thì thư kia đã hết thời hạn rồi. Như thế là đã lỡ mất một cơ hội.
Đầu tháng 10 năm 2003 vừa qua tôi có dịp sang Ấn Độ trước khi đi Úc, Thầy Hạnh Chánh và các Tăng Ni sinh đang du học tại đó, đa phần nhận học bổng từ chùa Viên Giác Hannover có tổ chức một bữa họp mặt, mừng khánh tuế của tôi, có gần 100 vị đến dự. Đồng thời có Thượng Tọa Khoa Trưởng Phân Khoa Phật Học tại Đại Học New Delhi và Thượng Tọa Minh Đức đến từ Việt Nam cũng đã tham dự tiệc vui nầy.
Hình : Thượng Tọa Khoa Trưởng Phân Khoa Phật Học tại Đại Học New Delhi (ngồi giữa), Thượng Tọa Thích Minh Đức, Thượng Tọa Phương Trượng chùa Viên Giác cùng các Tăng Ni Sinh Việt Nam đang du học tại Ấn Độ chụp hình lưu niệm.
Hình: Quan khách đang lắng nghe Đại Đức Thích Hạnh Chánh, Trưởng Ban Tổ Chức, tuyên bố lý do.
Hình : Sư Cô Thích Nữ Minh Huệ chụp nhân ngày nhận bằng Tiến sĩ.
Ngoài ra Sư Cô Thích Nữ Minh Huệ, thế danh Võ Thị Hồng Nga, sinh năm 1957, xuất gia năm 1976 và thọ Tỳ Kheo Ni năm 1981. Sau đó học khóa II trường Cao Cấp Phật Học Vạn Hạnh tại Việt Nam từ 1988-1992. Đến Ấn Độ năm 1994 và đã trải qua các học trình Cao Học, Thạc Sĩ và đã tốt nghiệp Tiến Sĩ triết học tại Đại Học New Delhi ngày 22.02.2003. Đây là niềm vui chung của Ni giới và của đồng bào Phật Tử. Vì từ nay Ni giới cũng sẽ có những bậc Ni tài để ra giúp đời giúp đạo. Sư Cô cũng đã nhận được học bổng toàn phần của chùa Viên Giác cấp từ năm 1997 đến năm 2002. Mỗi năm 1.200 US$.
_____________________
Tưởng niệm về những vị Thầy của quê hương xứ Quảng
Thích Như Điển
?ầu năm 2004 nầy phái đoàn chư Tăng Âu Châu đến Canada và Hoa Kỳ hoằng pháp từ ngày 26 tháng 2 đến ngày 13 tháng 4 năm 2004 đã gặt hái được nhiều thành quả tốt đẹp. Tuy nhiên với riêng tôi, trong thời gian đó đã nhận được 3 tin tức không vui. Đó là Thượng Tọa Thích Mỹ Quang, Hòa Thượng Thích Tâm Thanh và Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Nhãn đã quá vãng.
Cả 3 vị đều xuất thân từ quê hương xứ Quảng và mỗi vị viên tịch mỗi nơi khác nhau. Khi còn là chú tiểu (1964-1968) tôi thường hay ra vô Đà Nẵng và lúc ấy được biết là Thầy Mỹ Quang đã Trụ trì Chùa Tỉnh Hội Phật Giáo Đà Nẵng, sau nầy đổi lại thành Chùa Pháp Lâm. Bẵng đi một thời gian, có lẽ cũng chừng 30 năm, khi tôi có dịp đề cập đến việc thỉnh quý Thầy từ Việt Nam qua đăng đàn chẩn tế tại Trung Tâm Tu Học Viên Giác ở Ấn Độ nhân lễ khánh thành vào tháng 3 năm 2001 thì Thầy Như Tịnh có đề nghị với tôi là nên thỉnh Thầy Mỹ Quang. Thế là từ đó tôi có liên hệ với Thầy, cũng như gặp lại Thượng Tọa mấy mươi năm xa cách tại quê hương của Phật.
Được biết Thượng Tọa đang ở Sàigòn và có nhắn nhủ với tôi là cố gắng hỗ trợ những Phật sự của Thượng Tọa tại đó. Tôi đã vâng lời và đã thực hiện những gì như Thượng Tọa đã gởi gắm. Để rồi đầu tháng 3 năm nay nghe tin Thượng Tọa ra đi. Xin cúi đầu và chắp tay cung kính hướng về Giác Linh của Thượng Tọa. Cầu nguyện cho Giác Linh của Thượng Tọa được cao đăng Phật Quốc.
Vào ngày 2 tháng 4 năm 2004 trong khi chúng tôi đang hướng dẫn khóa tu cho Phật Tử tại Chùa Tịnh Luật Houston-Texas thì nghe báo tin là Hòa Thượng Thích Tâm Thanh, Trụ trì Vĩnh Minh tự viện tại Đại Ninh đã viên tịch. Tôi không ngỡ ngàng; nhưng chỉ tiếc rằng mình chưa gặp lại Đại Sư Huynh sau hơn 30 xa cách. Bây giờ thì dẫu cho có thể về lại quê xưa đi nữa cũng chưa chắc gì có thể gặp được Ngài. Huống nữa là điều ấy cũng chỉ là giả tưởng và mơ ước trong tôi.
Người xuất thân tại xã Mã Châu, quận Duy Xuyên là nơi dệt lụa rất nổi tiếng của quê hương xứ Quảng. Tôi biết Thầy từ khi Thầy chưa xuất gia, có một tiệm chụp hình và vẽ chân dung hiệu Thanh Hải tại Trạm Nam Phước, nằm trên quốc lộ số 1 của quận Duy Xuyên từ những năm 62, 63 kia. Thời gian ấy kể cho đến nay cũng đã hơn 40 năm rồi đấy. Ngày ấy Thầy là một Huynh Trưởng với tài kể chuyện rất nổi tiếng trong Gia Đình Phật Tử Quảng Nam và đặc biệt là quận Duy Xuyên.
Năm 1963 Thầy xuống Hội An góp phần tranh đấu với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cùng với Sư Phụ của chúng tôi, là Cố Hòa Thượng Thích Long Trí. Sau ngày 20 tháng 8 năm 1963, ngày mà chính quyền Ngô Đình Diệm tổng tấn công chùa chiền thì Thầy ấy xuất gia tại chùa Tỉnh Hội Phật Giáo Quảng Nam - bây giờ có tên là Chùa Pháp Bảo tại Hội An (xin xem thêm quyển Châu Ngọc Hồi Ký của Sư Phụ tôi sẽ rõ hơn). Sau đó Sư Phụ tôi gởi Thầy đi Sàigòn để học tại Phật Học Viện Huệ Nghiêm và thọ Sa Di tại đó. Pháp tự Giải Tịnh là Thầy tôi đặt. Còn pháp hiệu Chơn Nghiêm có lẽ Ôn Diệu Pháp tại Đà Nẵng đặt cho sau khi thọ Tỳ Kheo chăng?
Sau khi Thầy tốt nghiệp tại Huệ Nghiêm được Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cử làm giảng sư của Giáo Hội. Thầy về Trụ trì Chùa Phổ Hiền và làm Giám Đốc Trường Trung Học Bồ Đề Hạnh Đức tại Ngã Tư Bảy Hiền cho đến năm 1975. Tôi xuất gia vào tháng 5 năm 1964 và tự động được xem là pháp đệ của Thầy; nên sau nầy những gì cần liên hệ, Sư Phụ tôi thường hay bảo là nên lên gặp Tâm Thanh. Rồi từ đó (1968-1972) khi tôi ở Sàigòn, lại có cơ hội lên thăm Thầy.
Một hôm tôi báo tin cho Thầy biết là tôi đã được giấy phép đi du học Nhật Bản. Thầy có vẻ vui mừng và khuyên tôi nên ráng học cho thành tài để sau nầy về nước lo cho Đạo. Tôi dạ dạ vâng vâng để chuẩn bị chuyến ra đi xa ngút ngàn ấy.
Để tiễn chân tôi, Thầy ký tặng tôi trên tờ giấy bạc 20 đồng thời Việt Nam Cộng Hòa và trên mảnh giấy ấy Thầy viết: "Để tiễn chân Như Điển trên đường du học. 8.1 Nhâm Tý".
Tôi giữ tờ giấy bạc ấy cho đến ngày nay, cũng đã là năm thứ 33 rồi. Ngày 8.1 Nhâm Tý tức nhằm ngày 22 tháng 1 năm 1972. Ngày ấy tôi vui; nhưng cũng đã có lắm kẻ buồn. Vì người muốn đi du học lại chưa có cơ hội và chưa đủ điều kiện. Còn những bạn bè đời đạo chưa biết rằng tôi ra đi như thế lúc nào mới về lại Việt Nam và có thể gặp lại nhau, hàn huyên tâm sự.
Ngày 22 tháng 2 năm 1972 tại phi trường Tân Sơn Nhất - Sàigòn trên đường sang Nhật Bản du học. Cố Hòa Thượng Thích Tâm Thanh là người đứng vòng tay - từ trái kể qua người thứ 4.
Đó là những hình ảnh kỷ niệm còn lại nơi tôi của hơn 30 năm về trước. Đến sau năm 1975 Thầy đã hết lòng với Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất tại quê nhà nên cũng đã bị nghi kỵ, cấm cố về nhiều phương diện. Do đó Thầy đã dời về Đại Ninh để lập nên Vĩnh Minh tự viện. Ý nói chỉ quyết tâm tu theo pháp môn Tịnh Độ như Ngài Vĩnh Minh Diên Thọ của Trung Quốc đã chủ trương; nhưng chữ Vĩnh Minh nầy theo Đại Sư Huynh giải thích với tôi lúc Người còn sống là: Vĩnh Gia và Minh Hải. Lấy 2 chữ của 2 vị Tổ Sư Chùa Chúc Thánh và Chùa Phước Lâm để ghép lại. Âu đó cũng là nhân duyên để những hành giả tu theo pháp môn Tịnh Độ nhớ đến cũng như nghĩ về chốn Tổ khi hành trì pháp môn nầy.
Những ngày cuối cùng của đời Thầy rất an lạc. Thầy đã nhập thất hơn 1 năm nay để niệm Phật cầu vãng sanh và Thầy đã được toại nguyện. Trước ngày theo Phật mấy hôm, Thầy đã họp đồ chúng lại dặn dò những điều cần đáng nói và đã tỉnh táo ra đi vào ngày 2 tháng 4 năm 2004 khi tuổi đời đã 73 (sinh năm 1932) và tuổi đạo nằm vào năm thứ 41. Như thế là hết một đời người. Dẫu cho bây giờ lớp đàn em của chúng tôi có nói gì, thưa gì thì Thầy cũng chỉ mỉm cười chứ không gật đầu mà cũng chẳng chối từ nữa. Thầy đã tự tại như bao nhiêu sự tự tại khác.
\ Di ảnh của Hòa Thượng Thích Tâm Thanh.
Từ Mỹ Quốc xa xôi, tôi nghe tin nầy, có Mail về cho Như Tịnh và nhờ Như Tịnh đi cho tấm liễn là: "Độ Sanh Vô Ngại". Đơn giản chỉ thế thôi của một tấm lòng pháp đệ ở nơi chốn xa xôi gởi về. Nhiều người biết Thầy qua tiếng giảng pháp trong máy Cassette hay trực tiếp gặp Thầy. Còn tôi, một con người sinh ra từ quê hương xứ Quảng và cũng đã xuất gia cùng Thầy, thời gian sai khác chỉ có 9 tháng. Nên chúng tôi cũng có những sự liên hệ thân tình hơn.
Đích thân chúng tôi xuống Tịnh Thất Quan Âm ở Houston của Sư Thúc là Trưởng Lão Thích Chơn Điền để mời Ngài lên chứng minh lễ truy niệm Hòa Thượng Thích Tâm Thanh vào chiều ngày 4 tháng 4 năm 2004 khi bế giảng khóa học tại Chùa Tịnh Luật. Sư Thúc đã hoan hỷ chấp nhận. Chúng tôi về lại khóa học để lo cho hơn 150 học viên trong lãnh vực chuyên môn của mình.
Đến sáng ngày 4 tháng 4 năm 2004 (chủ nhật) sau thời công phu sáng, chúng tôi được biết Đại Lão Hòa Thượng Thích Trí Nhãn nguyên Trụ trì Tổ Đình Chúc Thánh tại Hội An, Quảng Nam, là Bổn Sư của Đại Đức Thích Hạnh Chánh, đang du học tại Ấn Độ, đã viên tịch với tuổi thọ 96 và 71 hạ lạp. Tôi như bàng hoàng khó tả. Vì chỉ trong vòng 1 tháng mà Quảng Nam đã mất đi 3 vị Cao Tăng thạc đức. Do vậy chúng tôi đã điện thoại cho Sư Thúc, xin chứng minh làm lễ truy niệm cho Hòa Thượng Thích Trí Nhãn luôn một thể.
Tổ Đình Chúc Thánh do Tổ Sư Minh Hải khai sơn từ thế kỷ thứ 17. Cho đến nay đã hơn 300 năm lịch sử truyền thừa. Phật Giáo Việt Nam ở Đàng Trong thời đó đã nối truyền mạng mạch của phái Thiền Lâm Tế nầy suốt từ đó đến nay. Trong các bậc danh Tăng cận đại xuất thân từ pháp phái Minh Hải, Hội An Quảng Nam gồm có những vị như: Cố Hòa Thượng Thích Khánh Anh, Cố Hòa Thượng Thích Thiện Hoa, Cố Hòa Thượng Thích Quảng Đức, Cố Hòa Thượng Thích Hành Trụ, Cố Hòa Thượng Thích Trí Hữu, v.v.... và đương kim Đệ Tứ Tăng Thống Đức Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Hòa Thượng Thích Bảo An, Hòa Thượng Thích Trí Giác, Hòa Thượng Thích Đổng Minh, Hòa Thượng Thích Đổng Quán, Trưởng Lão Thích Chơn Điền, Hòa Thượng Thích Như Huệ, v.v... Đó là những bậc danh Tăng tiêu biểu có sự liên hệ truyền thừa với dòng kệ của Ngài Minh Hải, phát xuất từ Hội An quê hương xứ Quảng.
Bây giờ thì chốn Tổ vẫn còn đây; nhưng hình ảnh của những bậc được gọi là: Thạch Trụ của Thiền Gia không còn nữa. Âu đó cũng là vận mệnh của Phật Giáo Quảng Nam nói riêng và của quê hương đất nước Việt Nam nói chung vậy. Tôi đã nhờ Sư đệ Như Tịnh tại Việt Nam và Tăng chúng Chùa Viên Giác tại Hội An đi phúng viếng bằng 4 chữ "Đạo Thọ Cao Hiển". Nghĩa là cây giác ngộ ấy cao vời vợi, bao giờ cũng phát triển, hiển vinh nơi chốn Tổ. Mà quả thật như thế, với tuổi đời 96 năm qua lại nơi chốn trần thế và 71 năm sớm hôm kinh kệ ở Thiền Môn thì quả thật là cây Bồ Đề ấy đã ăn sâu vào lòng đất và vươn cao lên tận mấy tầng mây.
Trước đây nghe Ni Sư Trí Hải đột ngột viên tịch, tôi đã nhờ Hạnh Bảo đi phúng điếu với 4 chữ: "Khứ lai tự tại". Đúng là như thế. Chỉ mong cho Ni Sư, một bậc Ni tài kiệt xuất của Phật Giáo Việt Nam bao giờ cũng như bao giờ, dầu có mặt hay vắng mặt nơi trần thế nầy Người vẫn ung dung tự tại nơi cõi Diêm Phù để hoằng pháp lợi sanh.
Nhân lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Chùa Viên Giác tại Hannover Đức Quốc (1978-2003) chư Tăng Ni trong Chi Bộ Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Đức Quốc đã đi một tấm biển sơn son thếp vàng rất trang trọng do Ngài Huyền Quang cho 4 chữ "Chúc Thánh Dư Hương". Đó là mùi thơm của Thiền phái Chúc Thánh đã tỏa ra khắp bốn phương trời. Chúc Thánh ngày nay không còn nằm tại quê hương xứ Quảng nữa, mà đã vào Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Phan Rang, Nha Trang, Sàigòn, Gia Định rồi Úc Châu, Mỹ Châu và Âu Châu... Cứ thế hương thơm ấy vẫn lan tỏa gần xa.
Ngoài ra Tổ Đình Phổ Bảo tại Bình Định và Chùa Giác Uyển tại Sàigòn cũng đã đi một tấm biển sơn son thếp vàng nhân lễ kỷ niệm 25 năm ấy do Ngài Huyền Quang cho là: "Chi Dinh Bổn Cố". Nghĩa là "cành tốt gốc mạnh". Nếu cái gốc từ Chúc Thánh ấy không vững thì cành lá làm sao có thể đâm chồi nảy lộc được. Sau đó tôi có dịp điện thoại hầu thăm Ngài Đệ Tứ Tăng Thống trước khi nhập thất tại Úc vào cuối năm 2003 vừa qua thì Ngài bảo rằng: 8 chữ ấy đều có ý nghĩa trong sách vở cả. Tôi thâm tạ lòng chiếu cố của Ngài và 2 tấm biển sơn son thếp vàng ấy đang được treo trang trọng tại Tổ Đình Chùa Viên Giác Hannover ngày nay.
Với danh nghĩa là Phương Trượng của Chùa Viên Giác tại đây, tôi có bổn phận phải làm một gạch nối ở trong cũng như ngoài nước; cho người lớn tuổi và lớp sinh ra lớn lên tại xứ người, xuất gia học đạo tại đây, rõ biết ngọn nguồn mà tìm về khi có dịp. Vì người xưa hay bảo: "Ẩm Thủy Tư Nguyên" là vậy - "Uống nước phải nhớ nguồn". Nếu không có cái bắt đầu, làm sao có cái nối truyền của ngày hôm nay. Do vậy mà kẻ hậu học cần phải biết và ghi tạc thâm ân của chư vị tiền bối là điều rất cần thiết.
Nơi xa xôi hơn nửa vòng trái đất, tôi chỉ biết đốt nén hương lòng dâng lên và gởi về chư vị Tôn Túc đã vĩnh viễn ra đi trong thời gian qua và cầu nguyện cho quý Ngài được Vô Sanh Pháp Nhẫn.
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật
______________________
Những ngày cuối cùng của nhà thơ Huy Giang
Thích Như Điển
Tưởng niệm anh như là một cộng tác viên chính thức của báo Viên Giác đã hơn 10 năm qua tại xứ Đức nầy. Tôi không biết là đã gặp anh từ dạo nào và cũng không nhớ là những ngày anh đã đến với chùa Viên Giác và báo Viên Giác ra sao; nhưng nhớ rất rõ, Huy Giang là một Phật Tử thuần thành đã quy y Tam Bảo với pháp danh là Thiện Chánh.
Cuối tháng 3 năm 2004 vừa qua, sau khi nhập thất ở Úc về, tôi có được điện thoại của anh cho biết là anh đã bị bệnh xơ gan đến thời kỳ thứ 3 và chắc rằng không còn sống bao lâu nữa. Tôi nghe như ngỡ ngàng. Vì lẽ Huy Giang vẫn còn sáng tác đều và vẫn còn mân mê những vần thơ cho trang Hoa Phượng cũng như đó đây trên các tập san Viên Giác. Tôi nghe tiếng anh nói rất nhẹ và cuối cùng anh bảo rằng: "Con xin Thầy cho con một lời khuyên".
Tôi nói: Như anh biết đó! Cuộc đời nầy bản chất của nó là vô thường, luôn luôn thay đổi. Không có gì vĩnh cửu cả. "Quá khứ là những gì đã trôi qua. Vị lai là những gì chưa đến. Còn hiện tại thì thay đổi trong từng sát na sanh diệt". Do vậy mà hãy ý niệm việc chết chỉ là một trạng thái thay đổi bề ngoài của thân xác. Ví như ta mặc chiếc áo mới khác mà thôi! Không có gì để lo âu. Mọi việc anh nên thu xếp cho gọn, nhớ câu niệm Phật nằm lòng và ở đây mỗi sáng tụng kinh Lăng Nghiêm tôi sẽ cầu nguyện cho anh.
Sau khi biết tin như thế, tôi có nói chú Sanh người thư ký của văn phòng chùa Viên Giác liên lạc với anh Hòa, Chủ bút và nhờ anh Hòa loan tin đến các văn thi hữu khác tại Âu Châu để chung lời cầu nguyện cho anh.
Rồi sau đó Chi Hội Phật Tử VNTN tại Rottweil có tổ chức khóa tu bát quan trai tại Schramberg, địa phương nơi anh cư ngụ, tôi đã đến và Huy Giang đã đến gặp tôi 2 lần vào ngày thứ bảy và ngày chủ nhật của cuối tháng 3 năm 2004. Tôi thấy anh yếu lắm. Đôi mắt vẫn long lanh và trong buổi giảng hôm đó tại hội trường, tôi có nói về Huy Giang cho mọi người nghe. Bác Thiện Hậu và Vũ Nam sau đó có đến nhà anh để thăm hỏi.
Nhiều người mách bảo cho anh nhiều phương pháp chữa trị theo thuốc Nam. Vì thuốc Tây, Bác sĩ đã chạy không chịu chữa nữa. Thế là bác Thị Tâm Ngô Văn Phát, Hội Trưởng Hội Phật Tử VNTN tại Đức cũng đã sốt sắng hỏi thăm và trợ duyên thuốc men cho anh trong khi đang bịnh. Anh cảm động lắm. Vì có nhiều người chăm sóc đến cho mình. Không những thế khi thân mình bị bịnh, ít để ý đến, mà nghe ai bịnh, Huy Giang cũng đã gởi lời thăm hỏi tận tình. Thật là những cử chỉ sau cùng của một đời người quá đẹp.
Tôi có an ủi Huy Giang nhiều việc dựa theo tinh thần của Đạo Phật đối diện với tử sinh và Huy Giang đã hoàn toàn chấp nhận. Vì anh là một Phật Tử thuần thành. Dầu cho trước đó Huy Giang có là "anh hùng xa lộ" đi chăng nữa, mà những người đã nắm vững giáo lý nhà Phật rồi, thì những người đó biết trân quý là dường bao!!!
Cách đó chừng vài tuần tôi có điện thoại thăm Huy Giang và được biết anh có chương trình là tháng 8 năm nầy sẽ đưa vợ con về quê hương để tìm cách chữa trị. Tôi nghe giọng của Huy Giang yếu lắm, nhưng cố an ủi vỗ về và trong tâm nghĩ rằng chắc không còn hy vọng gì nhiều. Tuy nhiên theo tinh thần quý trọng sự sống, tôi có nói với Huy Giang câu tục ngữ của Nga rằng:
"Mất tiền là chẳng mất gì cả. Mất danh dự là mất một phần lớn của cuộc đời. Chỉ có mất sự hy vọng với niềm tin yêu, thì kẻ đó mới là kẻ mất tất cả".
Quả thật sự hy vọng và niềm tin rất quan trọng. Kẻ nào sống trong đời nầy mà thiếu đi hai đặc điểm nầy, quả thật là một người nghèo nàn, không còn ai nghèo hơn như thế được nữa cả. Huy Giang cũng đã vin vào sự hy vọng ấy, nghĩa là về quê hương chữa trị có lẽ bịnh tình sẽ thuyên giảm hơn. Nên anh cũng đang chuẩn bị cho tư thế trở về.
Gần đến cuối tháng 6 thì tôi nghe tin anh Đan Hà về họp báo Viên Giác tại chùa báo tin là Huy Giang đã tái nhập viện và bây giờ đã cất tiếng nói không còn được nữa, yếu lắm rồi. Thế rồi Huy Giang thiếp đi trong giấc ngủ thiên thu vào ngày 24 tháng 6 năm 2004 tại bệnh viện và từ đó ở nhà đã liên lạc với chùa, Thầy Hạnh Tấn đã cho tôi biết và tôi đã coi ngày làm lễ tiễn đưa Huy Giang vào 29 tháng 6 năm 2004.
Trên đường đi xuống Schramberg để đưa Huy Giang về với Phật có tôi, Thầy Minh Tâm từ Ấn Độ, Thầy Hạnh Tấn, chú Hạnh Tuệ, Đồng Tâm, anh Phù Vân Nguyễn Hòa và Đạo hữu Nhựt Trọng Trần Văn Minh. Chúng tôi đã nhắc về những kỷ niệm với anh Vũ Ngọc Long, với Huy Giang, với Đan Hà và nhất là bài "Những Nụ Hoa Bần" mới đây Vũ Nam viết về Huy Giang trong số báo Viên Giác tháng 6 năm 2004. Không biết bài ấy anh đã đọc được chưa? Nếu đã đọc được rồi trước khi anh nhắm mắt chắc là anh sẽ bằng lòng lắm.
Đến nhà Huy Giang vào tối hôm 28 tháng 6 thì đã thấy Ni Sư Như Viên và nhiều người đã tụ tập nơi đây để tụng kinh cầu nguyện cho anh và trông ai cũng đượm vẻ buồn. Nhất là vợ chồng anh Hoàng tại Ý. Họ là những bạn văn nghệ với nhau qua thơ văn và hát tân nhạc. Những bài thơ của Huy Giang viết về mẹ hình như đã được anh Hoàng phổ nhạc và hôm đó anh Hoàng cũng đã hiện diện. Một hồi Thiện Mãn mang lại cho tôi một chương trình dày kín của ngày mai trong lễ tống táng. Tôi đã nhuận lại một lần nữa, để mọi việc được tiến hành đúng vào 11 giờ và chấm dứt lúc 12 giờ trưa ngày 29 tháng 6 năm 2004 ấy.
Cả nhà quỳ tại nghĩa địa đông nghẹt người Việt và Đức. Đầu tiên Thiện Mãn lên đọc chương trình của tang lễ. Sau đó ông bà đỡ đầu cho anh lên có vài lời tiễn biệt lần cuối và mở nhạc tiễn đưa. Sau đó chúng tôi có vài lời với Huy Giang bằng tiếng Việt, Thầy Hạnh Tấn đã dịch sang tiếng Đức. Rồi lễ cầu siêu ngắn gọn và tiếp theo là những bài điếu văn của anh Từ Nguyên đến từ Paris đại diện cho Trung Tâm Âu Châu / Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, của anh Phù Vân Nguyễn Hòa chủ bút báo Viên Giác, của Chi Hội Phật Tử VNTN tại Reutlingen, Rottweil, Mannheim, ông chủ hãng nơi anh làm việc. Nhà thơ Đan Hà đã có một bài thơ tiễn biệt anh rất cảm động. Rồi vợ anh Huy Giang đã lên cảm ơn mọi người. Sau đó mỗi người một nén nhang lên trước quan tài của anh bên cạnh tiếng nhạc buồn và cầu nguyện cho anh về bên kia thế giới an lành của Đức Từ Phụ A Di Đà. Tuy anh đã chết; nhưng tinh thần anh vẫn còn sống với mọi người. Nhất là những tác phẩm của anh còn để lại cho đời. Tuy không là những áng văn tuyệt tác; nhưng đó là tất cả những sợi tơ lòng mà Huy Giang đã rút ra và dệt nên những gấm hoa để hy hiến cho đời.
Mọi người ra về và chúng tôi về lại nhà để làm lễ trí linh. Trên bàn thờ của Huy Giang có tấm liễn treo đó, do Ban Biên Tập Báo Viên Giác đi điếu với 4 chữ trích ra từ sám Quy Mạng là: Đồng Viên Chủng Trí". Đúng là thế "Cùng đầy đủ hạt giống trí tuệ". Đây là ước muốn của Ban Biên Tập cũng như cá nhân tôi là một sáng lập Chủ Nhiệm của báo Viên Giác từ hơn 25 năm nay.
Cái trí tuệ bát nhã ấy mới là trí tuệ siêu việt mà mọi người cần hội nhập vào để được chư Bồ Tát hóa độ, chư Phật cảm thông và biết đâu ở một đóa hoa hồng liên nào đó, Huy Giang đang mỉm cười vì biết rằng mình đã vào cõi vô sanh, còn những người đang hộ niệm cho mình đó đều là những người không ai xa lạ cả. Nào Đan Hà, anh Bác sĩ Minh, anh Hòa, Vũ Nam, bác Hiền, anh Lý, Thiện Mãn, anh Hoàng, vợ con mình v.v... chắc là Huy Giang sẽ nghĩ rằng mình là người hạnh phúc nhất. Vì khi ra đi đã có rất nhiều người đến đưa tiễn. Nếu mình đi sau họ thì không biết rằng ai sẽ là kẻ tiễn đưa mình.
Gió vẫn thổi, mưa vẫn bay, nhưng bầu trời vẫn trong sáng. Ánh sáng ấy lòe lên rồi chợt tắt. Mây đen kéo qua rồi bay về ở một phương trời vô định nào đó đã mang theo cả tư tưởng của chúng tôi và tâm thức của Huy Giang hòa quyện vào để tiễn người ra đi lần cuối vào chốn hư vô tịch mịch ấy.
Sáng sớm hôm 29 tháng 6 năm 2004 khi tôi đi ngang qua bếp thì vợ Huy Giang khoe với tôi rằng:"Thầy ơi! Anh Huy Giang đã về thăm nhà, thăm con đó".
Tôi hỏi lại: Sao chị biết? Thì chị bảo rằng: "Có con bướm vàng đã bay đậu thật lâu trên cánh vai của con".
Đó là sự mong ước đợi chờ nó thể hiện qua nhiều hình thức khác nhau như thế. Biết đâu Huy Giang đã hóa bướm để về thăm nhà và thăm mọi người chung quanh mình đang lo cho mình có một đám tang thật đầy đủ ý nghĩa, mà bình thường chắc gì nhà mình đã tụ họp được đông người như thế!
Trang kinh đã khép lại, chúng tôi lần lượt tạ từ bao nhiêu người quen biết để ra về. Đây không phải là lần đầu tôi đi dự đám tang. Vì sự chết của người Phật Tử nhiều khi tôi cận kề hơn là sự sống. Không phải tôi dửng dưng với sự chết như những Bác sĩ giải phẫu. Mà cứ mỗi một người quen trong đời ra đi như thế, mình biết rằng nay mai sẽ đến phiên mình. Tôi không sợ chết. Vì chết là một điều bắt buộc. Nhưng một điều tôi luôn tâm niệm rằng: Cuộc đời nầy ngắn ngủi lắm; nên làm cái gì có thể làm được. Không nên gây oán thù đau khổ cho nhau, mà hãy dùng tình thương và trí tuệ để mầm mống thiện lương sẽ mọc lên đầy khắp cõi nhân sinh nầy thì ai ai sống nơi đây cũng đều được lợi lạc và sống trong sự tỉnh thức, chứ không phải cạnh tranh nhau để chửi bới lẫn nhau, mạt sát nhau cho thậm tệ, rồi mai đây ta sẽ được gì? Có thể thấy có thể nghe như những câu trong bài Tống Táng như vầy:
"Thông minh tài trí anh hùng
Si mê dại dột cũng chung một gò
Biển trần nhiều nỗi gay go
Mau mau nhẹ bước qua đò sông mê...
. . . . .
Không ân, không oán, không sầu
Không già, không chết, có đâu luân hồi
Tánh xưa nay đã tỏ rồi
Gương xưa nay đã lau chùi trần ô
Tu hành phải đợi kiếp mô
Nguồn tình, bể ái đã khô bao giờ...."
Đúng là thế. Có sinh ra thì phải có già, có bịnh và có chết và chỉ có những người hiểu được giá trị của sự chết thì mới can đảm chấp nhận. Còn đa phần vẫn còn sợ chết và luyến tiếc không biết bao nhiêu việc ở đời nên khi chết đâu có an tâm. Nào của cải, tình yêu, một thời danh vọng... nhưng những thứ ấy đâu có thật, như ảo ảnh phù du; mấy ai nắm bắt được lý vô thường của tạo hóa. Kẻ nào hiểu được và chấp nhận những thực tế khổ đau ấy, tức đã chấp nhận được cuộc đời và từ đó hướng đời mình vào một cuộc sống khác tốt đẹp hơn. Vì chết không phải là hết.
Huy Giang là một con người như thế. Anh đã chấp nhận ra đi, thuận thế vô thường. Vì lẽ có sinh ra, tất phải có ngày biến đổi để tồn tại, rồi vĩnh viễn ra đi. Đó là thành, trụ, hoại, không. Thân cát bụi xin trả về với cát bụi. Tóc của trần thế xin gởi lại nơi trần thế. Ơn nghĩa của cha mẹ xin trao lại cho mẹ cha. Chuyện trần gian xin gác lại bên tai, không còn giận hờn, ân oán mà Huy Giang đã nhẹ gánh vân du về nơi cõi Phật.
Mong rằng Đức Từ Phụ A Di Đà Phật sẽ phóng hào quang ngũ sắc để tiếp độ Phật Tử Thiện Chánh Trần Ngọc Bé bút hiệu Huy Giang sinh năm Kỷ Sửu (1949) về nơi tịnh cảnh lạc bang để tiếp tục nghe pháp của chư vị Bồ Tát và chư vị thiện hữu trí thức nơi chín phẩm liên hoa ấy.
Tại đây, nơi chốn nầy tôi có vài lời gởi đến anh, là một bạn văn, một người đệ tử đã quy y, một Phật Tử thuần thành với đạo, một người đã hiểu lý vô thường, có có không không như những vần thơ của xứ Huế thuở nào.
Trăm năm trước thì ta chẳng có
Trăm năm sau có cũng như không
Cuộc đời sắc sắc không không
Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi.
Đó là những lời nguyện cầu tốt đẹp nhất đối với Huy Giang và mong anh luôn được an lạc dầu ở bất cứ nơi nào.
___________________________
Kính thưa quý vị lãnh đạo tinh thần của các Tôn Giáo bạn
Kính thưa Ông Dr. Neudeck
Kính thưa quý vị khách quý cùng toàn thể đồng hương Việt Nam.
Hôm nay Cap Anamur tổ chức lễ kỷ niệm 25 năm ngày thành lập và việc vớt người Việt trên biển Đông, khi phải rời bỏ quê hương Việt Nam, ra đi tỵ nạn Cộng Sản và đã được chính bàn tay chở che của chính phủ, nhân dân Đức, đặc biệt là của Ông Bà Dr. Neudeck; nên đã có hơn 10.000 người Việt Nam đang hưởng được hai chữ tự do thật sự tại quê hương thứ hai nầy. Xin nhiệt liệt tán thưởng người có sáng kiến đầu tiên cứu người ấy là ông Dr. Neudeck.
25 năm là một phần tư của thế kỷ. Chặng đường ấy không dài so với 100 hay 1.000 năm; nhưng nó đã thể hiện được tình người không biên giới. Bất kể là nam, nữ, Đông Tây hay khác Tôn Giáo, mà dưới cái nhìn của Phật Giáo, chính ông là sự hiện thân của Bồ Tát Quan Thế Âm, đã dang nhiều cánh tay ra để cứu khổ cho bao người trong cơn thập tử nhứt sanh ấy. Hành động ấy chỉ có những vị Bồ Tát mới có thể làm được mà thôi.
Hôm nay chúng tôi đến đây, đại diện cho đại đa số đồng hương Phật Tử Việt Nam hiện đang sống tại Cộng Hòa Liên Bang Đức nầy để tri ân chính phủ, các chính khách cũng như Ông Bà và nhân dân Đức đã vì lòng từ bi và chia xẻ thật sự ý nghĩa của hai chữ tự do, mà sau đệ nhị thế chiến, người Đức nói riêng và Âu Á nói chung, đã gặp khổ nạn; nên quý vị đã thông cảm mà cưu mang chúng tôi cho đến ngày hôm nay trên quê hương nầy. Mặc dầu tôi không được tàu Cap Anamur vớt; nhưng chia xẻ khi được một niềm vui hoặc nỗi buồn khi mất mát của người khác, là bổn phận của chúng tôi; nên hôm nay chúng tôi đến đây để vinh danh Ông Dr. Neudeck cũng như cảm ơn chính phủ Cộng Hòa Liên Bang Đức, rằng chúng tôi sẽ không bao giờ quên nghĩa cử cao đẹp thánh thiện ấy.
Tục ngữ Việt Nam chúng tôi có câu: "Ăn quả nhớ kẻ trồng cây; Uống nước nhớ người đào giếng". Do vậy mà ngay cả thế hệ đầu tiên và mãi đến những thế hệ thứ 2, thứ 3 sau nầy đi nữa, chúng tôi vẫn luôn luôn thể hiện tinh thần nầy trong cuộc sống ấy tại đây, phải đóng góp phần mình dầu ở bất cứ lãnh vực nào, để nhớ ơn những người đã sinh lại lần thứ hai đời mình. Nếu không có sự cứu vớt của chiếc tàu Cap Anamur cách đây 25 năm về trước thì chúng tôi không có được ngày hôm nay.
Trân trọng kính chào tất cả quý vị.
Thích Như Điển
Phương Trượng chùa Viên Giác Hannover
_________________________
Liếp cải vường Chùa
Thích Như Điển
Năm 1989 là năm đầu tiên chân tôi đã được đặt lên miền đất của Phật; nơi Ngài đã sinh ra, lớn lên, thành đạo và nhập Niết Bàn cách đó hơn 2.500 năm về trước. Sau khi về lại Đức, tôi có viết quyển “Lòng Từ Đức Phật”, trong đó có ghi lại về chuyến đi lịch sử ấy và nghĩ rằng chỉ đi Ấn Độ có một lần thôi. Thế mà đến hôm nay (2004) đã là lần thứ bảy rồi đấy! Thế thì, xứ Phật có gì lạ và điều gì đã làm cho hồn tôi vương vấn?
Phải trả lời 4 chữ đầu tiên là: “phép Phật nhiệm mầu”. Chỉ có phép Phật nhiệm mầu mới làm cho tâm tôi luôn hướng về cõi giác ngộ ấy. Tôi nhớ, hồi ấy (1989) đang xây dựng chùa Viên Giác tại Hannover, Thầy Huyền Diệu có ghé sang thăm và khuyên nên đi qua xứ Phật một chuyến. Thế là tôi và Hòa Thượng Minh Tâm khăn gói lên đường. Đến xứ Phật lần đầu tôi đã có nhiều điều cảm ứng; nhưng vì cái dơ nhớp bề ngoài và cái nghèo khó ấy của người Ấn Độ đã làm cho tôi chùn bước lữ du. Thế nhưng những điều nhiệm mầu ấy càng ngày càng thấm dần vào tâm thức của mình, cứ khơi động mãi và cứ thế, mỗi năm sau đó một lần tự nhiên tôi muốn đi Ấn Độ để về đất Phật lạy tạ, đền ơn Tam Bảo.
Cũng phải kết luận rằng: Nếu năm 1989 tôi không đi về xứ Phật thì năm 1991 đã không thể tổ chức lễ khánh thành chùa Viên Giác tại Hannover và năm 1993 tổ chức lễ hoàn nguyện được. Đúng là một chuỗi dài nhân duyên nó trói buộc nhau, như 12 mắc xích của Thập Nhị Nhân Duyên vậy. Cái nầy có cho nên cái kia có, cái nầy sinh cho nên cái khác cứ tiếp tục sinh ra. Như thế và như thế.
Đến năm 2000, trong khi tổ chức Expo diễn ra, chùa Viên Giác ở Hannover cũng phải đóng góp phần mình vào đó thì Thầy Hạnh Nguyện và Hạnh Tấn có thưa với tôi rằng quý vị ấy muốn xây tại Bồ Đề Đạo Tràng một ngôi chùa lấy tên là Trung Tâm Tu Học Viên Giác. Dĩ nhiên là tôi không chần chờ để trả lời là được hay không, mà đồng ý ngay. Vì biết rằng đó là một việc thiện đáng làm. Nếu cấm cản, té ra tôi là người: “cản duyên thiện sự” thì sau nầy biết ăn nói làm sao đây với học trò đệ tử và với lịch sử truyền thừa? Do vậy mà tôi đã thuận. Dĩ nhiên là tôi cũng phải đưa ra điều kiện là bắt buộc quý Thầy ấy, đặc biệt là Hạnh Nguyện phải chịu trách nhiệm chính trong vấn đề xây dựng và phần chùa Viên Giác tại Hannover thì đóng góp 10% cho công trình.
Thế là việc vận động đã bắt đầu. Thầy ấy một mình tả xung hữu đột như tôi hồi năm 89 vậy. Nghĩa là chỉ cách 11 năm sau thôi là đệ tử xuất gia đã bắt đầu đi vận động làm chùa. Thuận duyên rất nhiều. Vì là ngôi chùa ở xứ Phật nên đã có nhiều người đóng góp giúp đỡ; nhưng nghịch cảnh vẫn không phải là hiếm vì ngay các bậc Tôn Túc ở Hải ngoại lúc ấy cũng nghĩ rằng làm sao hai Thầy ấy có khả năng để xây dựng cho xong một dự án đồ sộ như vậy. Có nhiều vị hỏi tôi là có dám bảo đảm rằng hai Thầy ấy xây xong Trung Tâm Tu Học Viên Giác tại Bồ Đề Đạo Tràng hay không? Thì tôi trả lời rằng: Tục ngữ Đức có câu: Ohne Anfang Ohne Ende. Nghĩa là không có cái bắt đầu thì sẽ không có cái chấm dứt và dĩ nhiên là những sự giúp đỡ cúng dường, trợ vốn, lạc quyên về tài chánh cứ từ từ được đóng góp. Thế mà ngôi chùa 1 triệu US dollars ấy đã thành hình và vẫn giữ lời hứa của mình; nên chùa Viên Giác tại Hannover đã đóng góp 100.000 USD vào đó. Nếu ngôi chùa ấy xây tại Âu Châu, hoặc Mỹ Châu hay Úc Châu cũng phải lên đến 3 triệu US dollars. Ở đây rẻ, vì vật liệu và nhân công so với Âu Mỹ không bằng một phần mười, thậm chí cả phần trăm nữa.
Khi đi vận động thì Thầy Hạnh Nguyện đã đến Úc, Mỹ, Canada và Hoa Kỳ cũng như Âu Châu. Đi đến đâu cũng được hỗ trợ nhiệt liệt, mặc dầu Thầy ấy không có tài ăn nói mấy; nhưng hạnh nguyện, đúng là Hạnh Nguyện với 3 ngón tay đốt để cúng dường chư Phật, trong đó có một ngón đốt để cúng dường phát nguyện cho Trung Tâm Tu Học Viên Giác được thành tựu cùng với Thầy Đồng Văn, Thầy Hạnh Tấn sau khi đi tam bộ nhất bái từ Varanasi (Lộc Uyển); nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên, đến Bồ Đề Đạo Tràng độ chừng 240 km, đi trong vòng 40 ngày. Chỉ chừng đó thôi, mọi người đã cảm động và hỗ trợ. Cho nên tôi thường nói: Sự hình thành Trung Tâm Tu Học Viên Giác ở Bồ Đề Đạo Tràng có 3 ngón tay của 3 Thầy ấy. Riêng Hạnh Nguyện đã đốt đến ngón thứ 3 thì lại càng làm cho nhiều người nể phục, kính trọng hơn. Vì ở lứa tuổi 35 - 40 ấy có mấy người ở Hải ngoại nầy làm được việc ấy.
Đến tháng 3 năm 2002 tổ chức lễ khánh thành thì Thầy ấy cúng dường lại cho Giáo Hội. Hôm ấy có sự tham dự của Hòa Thượng Thích Hộ Giác, Trưởng Lão Thích Chơn Điền, Hòa Thượng Thích Như Huệ và đông đảo chư Tăng Ni, Phật tử chứng kiến. Tôi đã cử ra một Ban Ðiều Hành Trung Tâm và sau đó Hạnh Hảo chịu trách nhiệm trực tiếp điều hành để Hạnh Nguyện đi học ở Trung Quốc. Một năm sau thì thay thế Hạnh Hảo bằng Hạnh Định và sang năm 2005 sẽ thay thế Thầy khác điều hành. Vì lẽ khí hậu, phong tục, cách làm việc của người Ấn, người mình khó mà duy trì lâu dài được. Với nhiệt độ trung bình vào mùa hè là 40 đến 50 độ C và cách làm việc thì hết sức tùy tiện; nên ai giỏi bao nhiêu đi chăng nữa nhưng sức chịu đựng cũng chỉ có giới hạn mà thôi.
Được một cái là từ ấy đến nay (2002 - 2004) tại đây đã tổ chức được một đại giới đàn để truyền Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Thức Xoa Ma Na, Sa Di, Sa Di Ni, Bồ Tát xuất gia, Bồ Tát tại gia, ngũ giới v.v... và 2 lần khác truyền Sa Di cũng như cho xuất gia tất cả là 4 vị, gồm 3 nam và 1 nữ. Trong 3 năm ấy có một người Ấn Độ gốc Assam; Một người bạn cũ của tôi đồng tu lúc 41 năm về trước; nhưng vì gia duyên ràng buộc như trong quyển “Có và Không” của tôi đã trình bày; nên bây giờ đã xuất gia, thọ giới Sa Di và làm đệ tử của tôi. Đó là chú Hạnh Giải, người chủ làm vườn của Trung Tâm Tu Học Viên Giác mà tôi sẽ giới thiệu với quý vị sau đây. Một người nữ xuất gia cũng là một nhân duyên hy hữu. Cô ta đi du học tại Hoa Kỳ năm 1973, đã đỗ Tiến Sĩ và dạy tại Đại Học Berkley trong vòng 18 năm, nhưng sau khi xây dựng hoàn thành ngôi nhà để Đại Hồng Chung trong vườn Đại Tháp Bồ Đề cũng như hòn non bộ phía sau hồ nước thiêng nơi Đức Phật đã ngồi Thiền Định có thần long che chở, thì lần nầy (2004) khi tôi qua thăm xứ Phật, cô ta đã phát tâm xuống tóc xuất gia với Pháp danh Diệu Liên được đổi lại là Thiện Liên.
Chú Đồng Thuận nay có pháp tự là Thông Trị đang ở chùa Viên Giác Hannover, là cháu của Hạnh Bảo và đệ tử của Hạnh Tấn. Một chú khác người Assam ở đây đã hơn một năm. Nay thì xin xuất gia với pháp danh là Đồng Tác làm đệ tử của Hạnh Nguyện và Y chỉ với Hạnh Định. Chú nầy mới một năm mà nói tiếng Việt đã khá. Tuy dấu giọng chưa rõ lắm; nhưng quả là một cố gắng phi thường. Vừa đi học kế toán ở trường đời, về chùa Hạnh Định chỉ vẽ kinh kệ, làm việc chùa v.v... thế mà mọi việc đều thành công tốt đẹp, quả là điều đáng tán thán.
Trung Tâm Tu Học Viên Giác tại đây gồm 4 tầng. Tầng trên cùng để thờ Phật, thờ Tổ và thư viện cũng như 4 phòng của chư Tăng. Tầng dưới gồm sảnh đường, chùa một cột và các phòng dành cho khách hành hương. Tầng trệt có Lobby, một tượng Di Lặc cao 5 mét tạc theo kiểu Bhutan, những phòng cho khách hành hương và nhà bếp. Tầng dưới cùng là nhà ăn, phòng phát hành pháp cụ cũng như phòng sinh hoạt. Diện tích sử dụng cho tất cả 4 tầng là 2.700m². Ít hơn chùa Viên Giác tại Hannover 300m². Điều đặc biệt là tất cả các tầng đều được lót đá cẩm thạch thiên nhiên. Có miếng rộng đến 2m. Những đá ấy mà ở Đức thì chỉ có mơ chứ khó có tiền để thực hiện được. Đắt vì tiền, mà đắt vì công thợ nữa. Ở Âu Châu khó thể thực hiện được điều nầy. Nhờ lót đá cẩm thạch thiên nhiên ấy mà mùa hè rất mát. Đang đi bên ngoài nóng nực, khi bước vào chùa, tự nhiên một không khí mát dịu, thanh lương, làm cho khách hành hương rất vô cùng dễ chịu.
Xây dựng xong là điều quý; nhưng bảo trì ngôi chùa nầy cũng không đơn giản. Hiện tại trong chùa có một Thầy, 2 chú và 7 người làm. Mỗi tháng trung bình để trả tiền nhân công, điện, gas, nước v.v... cũng tốn độ 1.000USD và 12 tháng trong năm như thế phải nhân lên làm 12 lần. Do vậy các đoàn hành hương sau khi đến đây chiêm bái, sau khi về nước đều tự nguyện lập danh sách kêu gọi quý Phật tử ủng hộ định kỳ để duy trì nơi linh thiêng lịch sử nầy. Công đức ấy quả thật không nhỏ.
Tôi vốn quan niệm rằng: Mỗi thế hệ chỉ bắt được một nhịp cầu. Nhịp cầu quá khứ của chúng tôi chỉ có thể bắt được đến hiện tại và nhịp cầu hiện tại ấy phải tiếp tục bắt đến tương lai, chứ nhịp cầu quá khứ ấy sẽ không bắt được đến tương lai. Nếu bắt, sẽ hỏng một nhịp cầu. Vì giữa quá khứ và tương lai, bắt buộc phải có một nhịp cầu hiện tại. Vị trí ấy quý Thầy đệ tử của tôi đang làm và nhiều khi còn giỏi hơn Sư phụ nữa. Điều ấy thật đáng hãnh diện về những người đệ tử của mình. Nhiều khi tôi bảo: Thầy chỉ nuôi con thôi và sẽ không nuôi cháu. Nghĩa là tôi chỉ lo giáo dục, dưỡng thành cho thế hệ đệ tử; còn đồ tôn thì quý đệ tử phải lo chứ Thầy sẽ không lo. Nếu có cho những gì cho đệ tử thì Thầy sẽ chỉ cho phương pháp làm một cái bánh, chứ Thầy không cho cái bánh hay cho bột cho đường. Vì nếu cho cái bánh thì sẽ có người trong 44 đệ tử xuất gia ấy sẽ phân bì cái bánh lớn, bánh nhỏ. Còn cho một phương pháp làm bánh thì mỗi người có tự do để giới thiệu cái bánh của mình đến với tất cả mọi giới bằng khả năng tự tạo tác của mình.
Trước vườn chùa tại đây có một vườn cải xinh xinh, trong ấy trồng nào là xà-lách, cải bẹ xanh, rau diếp cá, rau thơm, bầu, mướp v.v... đúng là một vườn rau cải Việt Nam tại quê hương của Đức Phật.
Nhìn những liếp cải xanh mơn mởn dưới ánh thái dương ban mai rọi chiếu, tôi nhớ thuở làm điệu tại chùa Phước Lâm ở Hội An năm 1964 cách đây cũng đã 41 năm rồi. Thuở ấy tôi và chú Thị Duyên (bây giờ là Hạnh Giải) cùng với những bạn đồng tu khác mỗi ngày phải gánh nước tưới cây. Mỗi đội như thế phải làm cho xong một số nhiệm vụ trước khi đi đến trường, chú ấy lanh hơn tôi nên đã tưới xong cây cải và cây kiểng, còn tôi cứ thật tình làm việc; nên công việc đến chậm hơn. Thế mà chắc. Cũng giống như người Đức thường hay nói: langsam aber sicher (chậm nhưng chắc chắn). Chú đi nhanh nên bị vấp ngã dây chắn của cuộc đời. Sau gần 30 năm chú trở lại con đường tu, lại phát nguyện làm đệ tử của tôi, quả là điều ở thế gian nầy ít có, mà ngày xưa là bạn cùng trang lứa đó. Chú rất thành thực để vun xới những liếp cải nầy để có những cây cải thật xanh tươi để cho phái đoàn dùng, đặc biệt là tôi, đến từ miền đất lạnh của Âu Châu và dường như trong thâm tâm đâu đó của chú làm như thế để chuộc lỗi lại thuở xưa nơi chốn Tổ Đình đã không làm tròn nhiệm vụ. Giờ đây có Phật chứng tri cho lòng thành của chú vậy.
Người Việt Nam mình đi đâu là mang quê hương theo đến đó. Quê hương ấy có cây húng, cây ngò, cây rau răm, cây diếp cá. Chính những cây rau thơm ấy đã làm nên mùi vị rất Việt Nam. Cũng như thế ấy, 100 sinh viên Tăng Ni đang ở Ấn Độ, nhận học bổng của chùa Viên Giác Đức quốc là kết quả của những cái bánh được phát hành do quý Sư Cô và quý Phật Tử tại chùa trong các dịp lễ Phật Đản, Vu Lan và Tết Nguyên Đán cũng như Rằm Tháng Giêng làm nên. Mỗi cái bánh khi làm, quý Sư cô niệm một câu Phật hiệu và 25 cái bằng Tiến Sĩ đã ra trường ở Ấn Độ nầy đều do chất liệu bánh của chùa Viên Giác ở Đức tạo thành và 75 cái bằng thế hệ kế tiếp trong tương lai cũng sẽ được xây dựng trên những cái bánh công đức như thế.
Ở trên đời nầy không có cái gì là phép lạ cả. Mà phép lạ chính là những điều mình tạo ra được và làm chủ chính nó. Từ năm 1994 đến nay (2004) là 10 năm ròng rã; Nhờ bánh trái phát hành mà chùa Viên Giác đã giúp cho 350 cái học bổng khắp nơi như thế. Từ Trung Hoa cho đến Việt Nam, rồi Thái Lan qua Hoa Kỳ, Anh quốc v.v... tất cả đều nhờ bánh. Dĩ nhiên khi giúp đỡ, tôi đã không đặt ra một điều kiện nào cả. Điều kiện duy nhất là quý Thầy quý Cô học cho thành tài ra trường và phục vụ cho Phật Giáo. Có nhiều người bảo tôi là trọng bằng cấp; nhưng không phải vậy. Tôi quý những người có học vị thì đúng hơn. Nếu Phật Giáo Việt Nam không có những Thầy Tuệ Sỹ, Thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát, Ni Sư Trí Hải v.v... thì đâu có trí thức Việt Nam. Tất cả những vị ấy đều do tu, do học mà thành tựu.
Tôi vẫn thường bảo cho học trò và đệ tử của mình rằng: Sự học và bằng cấp nó không làm cho mình giải thoát được; nhưng nếu muốn mở cánh cửa giải thoát kia, không thể thiếu sự tu và sự học được.
Ngày xưa và ngày nay tất cả đều giống nhau thôi. Các bậc trí thức Phật Giáo, những vị chứng đạo; những người làm nên lịch sử v.v... đều là những người có tu và có học. Còn ngày nay nếu bảo sự học không quan trọng thì trường ốc khắp nơi trên thế giới người ta mở ra để làm gì? Có phải là để đào tạo và tìm kiếm nhân tài chăng? Nếu Phật Giáo muốn phát triển mạnh trong tương lai, không thể thiếu những người có tu và có học được.
Ngày xưa đất Quảng Nam mới chỉ có 5 người thi đỗ Tiến Sĩ, Bảng Nhãn, Thám Hoa cùng một khoa mà Vua đã ban cho 5 con phụng cùng một lúc bay về nơi đất mẹ từ kinh đô Thuận Hóa. Cho nên người Quảng Nam vẫn luôn tự hào là xứ: Ngũ Phụng Tề Phi. Xứ của ngàn năm văn vật, xứ của địa linh nhân kiệt v.v... Còn Phật Giáo Việt Nam chừng 5, 10 năm nữa có hằng trăm vị tân khoa Tiến sĩ ra trường. Lúc ấy ngôi nhà Phật Giáo sẽ càng vững vàng hơn bao giờ hết. Tôi có quyền hy vọng và đặt niềm tin như thế.
Đã có lần tôi viết: Tôi không có tay trồng cây; nhưng trồng người thì rất có kết quả. Mà quả thật như thế, ai cho tôi bất cứ một cây gì, dẫu cho cây hoa thật đẹp, mà cây ấy được bày biện trong phòng tôi thì nhiều lắm là 4 ngày sau hoa sẽ héo và cây sẽ chết. Mặc dầu tôi đã hỏi người cho về cách tưới nước, chăm sóc cây rất kỹ càng. Chẳng lẽ tôi không có duyên với cây cảnh. Hay tại tôi mạng hỏa, mà còn là tích lịch hỏa nữa. Lửa sấm sét xảy ra trên trời và nơi trần thế nữa nên nó mạnh và làm cho cây cối không sống được. Còn con người, tôi vốn đem lòng từ bi và tấm lòng chơn thật để đối đãi; nên có lẽ vì thế mà đã gần gũi, hóa độ được nhiều người chăng? Nếu là người ấy có hư đốn đến đâu đi chăng nữa, qua bàn tay uốn nắn của tôi, vị ấy chắc chắn sẽ thành người. Đó là kinh nghiệm sau 25 năm tiếp Tăng độ chúng vậy.
“Cây trái vườn chùa” là một tiêu đề mà tôi đã đặt, viết cũng như đăng trên tạp chí Viên Giác để giới thiệu người làm vườn là Bác Sáu, đã được nhiều người nhiệt liệt hoan nghinh. Đến nay tôi viết: “Liếp cải vườn chùa” không biết rằng có được đón tiếp nồng hậu như thế nữa không? Tuy nhiên dẫu có sao đi chăng nữa, những liếp rau ấy đã nuôi dưỡng thân tứ đại của mình, tạo thành huệ mạng cho Phật pháp, thì riêng chính nó đã có một ý nghĩa cao cả rồi. Còn tôi, nhiệm vụ của mình cũng ví như một ông lái đò, mà 2 câu thơ của Thầy Thiện Thuận đã đi nhân lễ kỷ niệm 25 năm thành lập chùa Viên Giác Hannover vào năm 2003 như sau:
“Đón đưa bao kẻ qua sông
Nhớ quên mặc kệ vẫn ông chèo đò”.
Ai nhớ, ai quên, ông chèo đò vẫn chỉ có nhiệm vụ đưa khách sang sông. Đưa qua, đón về là nhiệm vụ và bổn phận của mình, chẳng có gì đáng phiền, đáng lo. Lại càng chả phải vì danh vọng, địa vị, tiền tài mà chọn nghề lái đò như thế. Tất cả mọi việc, mọi vật trên trần gian nầy có xảy đến, trôi đi v.v... chúng ta đều phải quán bằng 2 chữ: như thị.
Từ trong phòng ở nơi lầu tư của Trung Tâm Tu Học Viên Giác ở Bồ Đề Đạo Tràng nầy từ sáng đến tối, tôi đã nghe đủ thứ âm thanh tạp chủng. Nào tiếng chửi mắng vào ban trưa vọng vào; tiếng rên la của côn trùng, súc vật. Tiếng chó sủa, tiếng vịt kêu, tiếng chim hót, tiếng mèo kêu, tiếng dê hí, ngựa, trâu, bò rống v.v... đã tạo nên một âm thanh rất hỗn tạp, một cảnh sống rất xô bồ. Trong ấy có nhiều lúc tôi tự nghĩ: mình là ai đây? Là một con người với thực thể của đầu, mắt, tay, chân hay là một giả tướng như trong kinh Kim Cang đã dạy?
Thấy cái sạch và cái dơ, cái tốt và cái xấu. Cái thượng lưu trong xã hội và cái cơ cực của con người, cái sống và cái chết gần trong từng gang tấc của miếng cơm manh áo thì phải định nghĩa sao đây cho đúng? Thế mà ở nơi đây cách mấy ngàn năm trước dẫn đến hiện tại đã có biết bao nhiêu chúng sanh đã sanh ra, tồn tại rồi mất đi, rồi luân hồi biến thể. Họ đã tự chọn cho mình một nghiệp dĩ như thế. Cho nên ca dao xứ Huế mới có câu:
“Trăm năm trước thì ta chẳng có
Trăm năm sau có cũng như không
Cuộc đời sắc sắc không không
Trăm năm còn lại tấm lòng từ bi”.
Chỉ có “tấm lòng từ bi” là còn lại thôi. Còn bao nhiêu cung vàng điện ngọc, lầu son gác tía, dinh thự, chức tước, địa vị v.v... tất cả rồi cũng chỉ là một đám sương mù của lịch sử mà thôi. Đời đúng là thế; nhưng mấy ai ý thức được việc đời?
Người ta giết nhau vì tình, chém nhau vì tiền, tranh nhau từng tấc đất, từng tiếng nói, từng chút lợi danh; nhưng khi tử thần đã đến gõ cửa rồi thì lúc ấy ai là người tranh thiệt hơn, hơn thiệt đây? Hay cũng phải nhắm mắt đành chấp nhận buông xuôi hai tay về nơi chín suối? Liệu rằng câu Phật hiệu có còn giá trị lúc ấy hay không? Hay cũng chỉ là lợi danh phù phiếm? Như Ngô Thời Nhậm và Đặng Trần Thường đã đối đáp với nhau:
Ai công hầu, ai khanh tướng, trong trần ai ai dễ biết ai?
Thế chiến quốc, thế xuân thu, gặp thời thế, thế thời phải thế.
Cây cỏ tuy vô tình; nhưng nó đã dưỡng nuôi biết bao nhiêu con người, chúng sanh để làm nên lịch sử. Còn con người nếu chẳng biết nghĩa nhân thì dẫu có sống trên cõi thế nầy trăm năm mà không biết nhục vinh, còn mất thì sự sống ấy nó vẫn không có giá trị chút nào.
Có những người đang sống mà như đã chết. Có những kẻ đã chết mà vẫn còn sống trong lòng của mọi người. Có những người trẻ tuổi 20 mà lối suy nghĩ như cụ già 80. Trong khi đó có những người tuy già với thân thể mà đầu óc vẫn còn son trẻ như thuở tuổi còn xanh. Vậy trẻ hay già, cao thượng hay thấp hèn, tốt hay xấu v.v... tất cả đều do quan niệm của con người tự tạo nên; rồi thức chấp thủ, chấp ngã bảo vệ nó; nên ta cho đó là đúng là sai; chứ trên thực tế thì đúng sai, tốt xấu v.v... tất cả chỉ là những đối đãi của cuộc đời mà thôi chẳng có gì đáng nói cả.
Trước khi sang Ấn Độ lần nầy, tôi đã có mặt hai tuần tại Phật Học Viện Quốc Tế ở North Hills thuộc tiểu bang California; nơi Cố Hòa Thượng Thích Đức Nhuận đã làm Giám Đốc, nhằm hướng dẫn Tăng chúng của viện trong khi vắng bóng ân sư của mình. Một nỗi đau về vô thường đã lắng đọng nơi hồn tôi. Có nhiều buổi sáng tinh sương hoặc buổi chiều êm đềm nơi Viện, tôi đã dạo quanh chùa, quanh vườn để xem cây cảnh, rồi chạnh lòng nghĩ đến mình, mai sau lại còn chi? hay cũng chỉ là hư danh và ảo ảnh. Nhìn ngôi chùa đồ sộ, nhìn những cây nhãn, cây lựu, cây mơ, cây hồng, cây chanh, cây quít sai trái, tôi liên tưởng đến Hòa Thượng cũng như người làm vườn đem hạt giống thiện để ươm và sau 20 năm, một thế hệ đã qua. Bây giờ thế hệ nầy đã bắt đầu gặt hái những kết quả ấy. Còn ở nơi Hòa Thượng, chắc Ngài đã chứng được pháp vô sanh? Nên sẽ mỉm cười về những gì mà mình đã đến, đã đi và đã chẳng còn để lại dấu vết? Tuy hậu thế kim cổ vẫn còn mong chờ, nhớ nghĩ về Ngài.
Bởi thế, khi nhập thất lần đầu tại Tu Viện Đa Bảo trên núi đồi tại Úc Đại Lợi năm 2003 vừa qua, tôi đã tính lui cuộc đời của mình để thấy rằng bây giờ chẳng phải còn thời giờ để làm bài toán cộng nữa, mà phải biết rằng mỗi năm phải trừ đi một tuổi rồi đấy; để rồi một ngày nào đó ta phải ra đi, buông xuôi hai tay về nơi chín suối, để nhìn cuộc thế vần xoay, thì ta sẽ được gì? Do vậy, mỗi tối mỗi trang kinh Kim Cang mầu nhiệm đã dẫn tôi vào thực tế là: Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc và vị lai tâm bất khả đắc. Để biết rằng: Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai. Năm nay lần thứ 2, sau khi lạy Phật dưới cội Bồ Đề ở Ấn Độ rồi, tôi và hai chú đệ tử sẽ đi về phía Nam Bán Cầu để nhập thất, dịch kinh trong khoảng gần 3 tháng như thế. Mong rằng năm nay tôi cũng sẽ dịch được nhiều trang kinh như năm rồi (2003) đã dịch Đại Đường Tây Vức ký, đã ấn tống tại Hoa Kỳ năm 2004 nầy 4.000 cuốn, tại Âu châu 1.000 cuốn và tại Úc châu 2.000 cuốn sẽ dự định in vào cuối năm nay. Một điều bất ngờ là tại Việt Nam người ta đã tự động in lại quyển Đại Đường Tây Vức ký nầy ra nhiều ngàn bản để phát hành. Như vậy cũng tốt thôi. Vì có như thế Phật pháp mới được lưu thông.
Ngoài ra quyển: Làm thế nào để trở thành một người tốt cũng đã được xuất bản tại Đức 1.000 ấn bản, đã được Phật tử khắp nơi hưởng ứng ủng hộ. Mong rằng những dịch phẩm và tác phẩm trong tương lai cũng sẽ được quý vị hỗ trợ như thế!
Trời đã về chiều, những bẹ cải xanh của chú Hạnh Giải ngoài vườn chùa, tại Trung Tâm Tu Học Viên Giác ở Ấn Độ cũng đã từ từ xếp lại để đón những giọt sương đêm nhằm nuôi vững thân cây cho xanh cành tốt ngọn, nhằm tô điểm chất ngọt cho đời, thì ở đây tôi cũng tạm gác bút sau một ngày viết 18 trang viết tay cho bài nầy và lá Thư Tòa Soạn cho báo Viên Giác số 144. Kính chúc quý độc giả được vạn an.
Viết xong vào tối ngày 29-10-2004
tại thư phòng Trung Tâm Tu Học Viên Giác,
Bồ Đề Đạo Tràng, Ấn Độ.
______________________
Bóng Hoàng Y
Thích Như Điển
Kể từ thời Đức Phật còn tại thế, giáo đoàn của Ngài rất đông; ít nhất là cũng 1.250 vị. Trong đó đa phần là đệ tử của Ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên và 3 anh em Ngài Ca Diếp. Chỉ có những vị dẫn đầu nầy là quy y với Phật. Sau đó đệ tử của họ mới tiếp tục nối bước theo Thầy mình. Trước khi họ đến với Phật, họ là ngoại đạo, có lẽ trên mình họ đã chẳng khoác những mảnh y vàng.
Thế mà từ đó về sau, chư Tăng Ni của Ấn Độ đều mặc y vàng khi đi khất thực cũng như lúc ở Chùa, Tịnh Xá. Theo trong nhiều bộ luật như: Tứ Phần Luật, Ngũ Phần Luật, Thập Tụng Luật, Pali Luật v.v... Phật đã chế là y áo của Tăng Ni nên mặc theo màu hoại sắc. Thế nào là hoại sắc? Nghĩa là một màu không đẹp như những màu thuần chất khác. Phải nhuộm đi, dầu màu ấy là màu gì. Phật dạy nên lấy vải của thây những người chết, bện lại và giặt đi cũng như nhuộm đổi màu khác. Sau đó hãy dùng. Như thế, ta có thể hiểu rằng màu hoại sắc là màu không thuần màu trắng, không thuần màu đen và ngay cả màu vàng.
Nhưng lý do nào mà chư Tăng Ni từ ấy đến nay đã hơn 2.500 năm lịch sử truyền thừa, dầu Nam Tông hay Bắc Tông, dầu Tây Tạng hay Trung Hoa. Dầu Nhật Bản hay Đại Hàn, Việt Nam v.v... đâu đâu cũng đều khoác y vàng khi làm lễ ?
Có lẽ, chỉ có lẽ thôi, chứ chưa hẳn đã chắc chắn. Vì đây chỉ là theo sự suy đoán của người viết. Vì trong cuộc đời của Đức Phật đã có 2 lần hiện lên toàn thân là sắc vàng. Đó là sau khi Phật thành đạo và trước khi Phật nhập Đại Bát Niết Bàn. Do vậy mà chúng ta thường thấy đa phần những tượng Phật của bất cứ nước nào trên thế giới đều thếp vàng để nói lên những ý nghĩa trọng đại trong cuộc đời của Ngài.
Rồi từ đó, hình ảnh tấm thân màu vàng, chiếc áo vàng ấy đã trở thành biểu tượng của chư Tăng Ni và cứ thế mà đời nầy qua đời khác đã kế thừa để lưu giữ mạng mạch của Phật Giáo. Dĩ nhiên sau nầy chư vị Tổ Sư có chia ra các loại y riêng biệt như hạ y, trung y và thượng y, dùng để mặc trong lúc nào. Tuy nhiên thời Phật và ngay cả những vị Sư Nam Tông ngày nay đa phần chỉ dùng 3 y một lúc kể cả lúc ăn, ngủ, làm lễ cũng chỉ một loại; nhưng thượng y, trung y và hạ y được kể như 3 y gồm một đắp lên trên người, một mặc phần trên thân thể và y còn lại gọi là hạ y mặc phía dưới. Tất cả đều màu vàng.
Màu vàng ấy tượng trưng cho màu giải thoát, giác ngộ, nên kể từ đó cho đến nay, từ mạn y của Sa Di, Sa Di Ni, cho đến y 25 điều gồm 100 miếng vải, tất cả cũng đều dùng màu vàng. Có vài nước đắp y màu tím như Nhật, hoặc nâu như Đại Hàn, màu đỏ như Trung Quốc. Tuy nhiên màu vàng vẫn là màu đa phần được thấy chư Tăng Ni đắp lên người khi tham dự Hội Nghị, Lễ Phật Đản, Vu Lan hay những lễ hội quan trọng trong ngày, trong năm tại chùa cũng như những nơi công cộng.
Kể từ khi Phật Giáo được truyền sang Trung Quốc cũng đã có những ông Vua, bà Hoàng Hậu, Công Chúa, Thái Tử, Đại Thần, Tể Tướng của triều đình v.v... đã đổi hoàng bào, áo ngự hàn của vương tộc để lấy chiếc hoàng y, khoác lên mình làm thân đạo sĩ để tiếp tục chí nguyện phát tâm Bồ Đề, hành Bồ Tát đạo, mà nơi chốn hoàng cung việc nầy khó thể thực hiện vẹn toàn.
Rồi đạo Phật đến Việt Nam cũng thế, đạo Phật đã mang lại cho con người nói chung và từng giai cấp đặc biệt trong xã hội nói riêng có một chỗ đứng rõ ràng khi về với Phật Đạo. Nghĩa là: "Không có sự phân biệt giai cấp và tôn giáo khi trong máu người cùng đỏ và nước mắt người cùng mặn". Do vậy mà bóng hoàng y ấy đã quyện vào lòng người, xây nên tự chủ của dân tộc, khiến cho vua quan và nhân dân trăm họ được thấm nhuần tự cổ chí kim. Kể từ khi Đạo Phật đến đất nước ta cho đến bây giờ, gần 2.000 năm lịch sử; nếu Phật Giáo không làm phong phú cho nền văn hóa của dân tộc thì thôi, chứ quyết rằng Phật Giáo đã chẳng có gì làm hại cho dân tộc Việt Nam ở trên mọi phương diện. Ngay cả các nước khác trên thế giới ngày nay khi có sự hiện diện của Phật Giáo cũng chỉ thế thôi.
Ở xứ Đức nầy, khi mới đặt chân đến đây tôi cũng rất ngỡ ngàng và tôi không nghĩ rằng bóng hoàng y của chư Tăng Ni có thể tồn tại và phát triển ở đây lâu dài, mà ngược lại sau 27 năm hoạt động Phật sự ở xứ nầy, tôi thấy hoàn toàn trái ngược lại. Ngày ấy tôi nghĩ, ở xã hội Âu Mỹ đầy những cám dỗ về vật chất như thế nầy làm sao có được những tâm hồn phát tâm xuất gia hướng thượng. Còn bây giờ mỗi lần ở trên đàn truyền giới, hay vào những buổi học của chúng Tăng; những buổi cơm quá đường, lòng tôi lại rộn hẳn lên một niềm vui, không bi quan như những gì trước đây tôi nghĩ là "tre tàn nhưng măng chẳng mọc". Bây giờ riêng tại xứ Đức nầy càng mọc lên những mụt măng bụ bẫm nữa là khác. Điều ấy hẳn đáng mừng. Vì "chùa" thì phải có "chiền". Chiền nầy có nghĩa là truyền thừa ấy. Nếu không có kẻ truyền thừa thì xây chùa, tạo tượng, đúc chuông để làm gì?
Có những người trẻ khi đến với tôi, với chùa dĩ nhiên là họ có một lý tưởng rất đẹp trước khi xuất gia học đạo. Trong đó có những lý do chính là cảm niệm về sự vô thường qua sự chết chóc của người thân hay bạn bè mà phát tâm xuất gia học đạo. Cũng có người vì hiểu đạo mà phát tâm đi tu và cũng có nhiều người vì lý do nầy hay lý do khác; nhưng tựu chung tất cả đều là những lý do rất đẹp để trở thành kẻ "Phát túc siêu phương, thân hình dị tục, thiện long thánh chủng, chấn nhiếp ma quân, thượng báo tứ ân, hạ tế tam hữu...". Nghĩa là như Tổ Quy Sơn đã dạy: Người đi xuất gia là người có một chân trời cao rộng, thân hình khác đời, nhằm làm hưng long dòng hạt thánh, nhiếp phục ma quân, trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba cõi...". Cứ thế và cứ thế người xuất gia được tôi luyện cho mình một tâm Bồ Đề dũng mãnh như vậy.
Ngày nay tôi thấy tại chùa Viên Giác nầy ở nơi trai đường có nhiều khuôn mặt xinh xắn, tươi mát, rạng nở những nụ cười rất hiền hòa và giải thoát, khi ngồi vào bàn ăn hay lúc kinh hành nhiễu Phật cũng đều như vậy. Nghĩa là chính tôi cũng được an lạc lây, qua cung cách, cử chỉ và sự tận tụy ấy.
Họ là ai? Họ là những sinh viên, học sinh, là những người có tay nghề cao mà đã dám bỏ tất cả để về chùa, xin Thầy cho xuất gia học đạo. Chịu khổ cực với những năm tháng tôi luyện để thành một Tăng sĩ. Quả thật họ là những người có chí.
Để rồi ngày lại tháng qua, họ bước lên một bước nữa sau khi đã được thế phát xuất gia, cứ thế và cứ thế chiếc hoàng y đã gói trọn đời họ vào chốn tu hành. Không phải gói chặt xác bướm như chú tiểu Lan đã chôn trọn mối tình với Điệp, mà là một cuộc đời thanh thoát tự chọn ở chốn Thiền Môn. Đó là những kẻ không biết thức tỉnh kịp thời.
Mới đây tôi có dịp ra vườn, đi qua Cốc Vô Thức rồi sang đến Cốc Vô Học, tình cờ tôi phát hiện một con chim đã chết khô queo bên cạnh cánh cửa sổ. Nào ruồi xanh, ruồi đen bu đậu chung quanh. Tôi gọi một em làm công quả đến để chỉ cho em ấy xem về hiện thật của cuộc đời và trước khi đem xác chim ấy đi chôn, tôi đã nói với em ấy rằng:
"Cuộc đời chúng ta cũng sẽ giống như xác thân của con chim ấy thôi. Nếu khi sống mà chẳng làm được một việc gì hữu ích cho nhân quần, xã hội, cho đạo pháp, cho cuộc đời thì khi gió đã trả về cho gió, lửa trả về cho lửa, nước trả về cho nước, thì đất kia lại cũng chôn chính thân mình, để cát bụi phải trở về với cát bụi mà thôi! Đời người ngắn ngủi lắm. Vậy phải làm một cái gì đó!!!". Em làm công quả không phản ứng lại những lời nói, mà đã lầm lũi đem xác con chim để đi chôn. Trong khi đó tôi tụng cho con chim kia 3 biến kinh vãng sanh.
Cuộc sống nầy nó cũng chỉ đơn giản thế thôi. Có đến thì phải có đi. Có còn thì có mất, có kẻ được thì phải có người thua... Nhưng nếu ai đó biết chấp nhận và vượt qua những thị phi nhân nghĩa của cuộc đời thì kẻ đó thật là kẻ đáng quý kính biết dường bao.
Bây giờ thế hệ trẻ đã đến chùa với Đạo và Chùa. Tôi biết trong số ấy có những em đang học Lăng Nghiêm để chuẩn bị thử thách tâm mình là có thành thật phát tâm xuất gia không? Có những em gái, em trai tuổi 18, 20 rất xinh xắn, tươi mát. Có những nụ cười tươi khi dọn dẹp, khi tụng kinh, khi học hỏi. Tôi có bảo: "Khi các con xin ba mẹ đi về chùa là ba mẹ mừng lắm. Vì tuổi ấy mà xin đi đâu thì ba mẹ lo, chứ xin đi chùa là ba mẹ sẽ mừng. Vì biết rằng con mình không làm những điều xấu. Nếu không đi tu lâu dài được thì ít ra cũng gặp được những ý trung nhân tốt tại chùa, qua việc quen biết. Như thế ba mẹ lại càng vui hơn". Bây giờ chúng Đại Bi ấy qua sự hướng dẫn của Sư Chú Hạnh Giả và quý Chú khác đã có khoảng 40 em như thế. Đây là một kết quả đáng mừng, mà ở ngoại quốc nầy khó tìm được những tâm hồn biết hướng thượng như vậy.
Con đường tình vẫn là con đường rộng mở; nhưng là con đường tục lụy của chốn trần gian. Dĩ nhiên khi còn trẻ đã có lắm người muốn phát tâm xuất gia; nhưng vì gia đình không đồng ý, hay bị ép buộc dựng vợ gả chồng nên đã bỏ lỡ đi một cơ hội. Đến khi về già rồi mới mong tiếp tục đường tu, thì lúc ấy mắt đã mờ và tai đã điếc rồi. Quả là uổng phí cả một thời gian của tuổi xuân xanh.
Có người bảo: Phải chi 40 năm về trước tôi đi tu thì bây giờ tôi đã lên Thượng Tọa, Hòa Thượng. Điều ấy không sai; nhưng có chữ: Nếu, phải chi, nhưng... ở trước một mệnh đề, thì những việc ấy cũng cần xét lại.
Ngày nay các em đi xuất gia có một sự chọn lựa tương đối kỹ. Ví dụ như khi mình vào chùa ấy sẽ học được những gì? Vị Thầy mà các em theo đó có lưu tâm về sự học, sự tu không? Hay đi tu chỉ để có làm việc chùa? Ở chùa đó có môi trường tu học hay không? v.v... và v.v... dĩ nhiên chỗ Thầy trò là chỗ nhân duyên, chứ không phải ai muốn đi tu là cũng được.
Vua Càn Long của nhà Thanh bên Trung Hoa có bảo rằng: "Cuộc sống của một ông Vua chưa bằng nửa chiếc y vàng của một Tăng sĩ". Quả đúng như vậy. Vì chiếc y vàng ấy tượng trưng cho sự giải thoát. Chứ chốn vương quyền kia tuy có quyền sanh sát trong tay; nhưng đối diện chỉ là bốn bức tường thành vô tri, vô giác. Chỉ có bẩm thưa, gọi dạ bảo vâng. Chứ làm sao có được một chân trời cao rộng như người Tăng sĩ được. Hoặc giả khi vua Trần Nhân Tông của Việt Nam chúng ta trước khi rời bỏ ngai vàng để đi xuất gia. Nhà vua đã bảo: "Trẫm xem ngai vàng như một đôi dép rách". Quả thật là lời tuyên bố quả quyết ấy chỉ có một không hai trong lịch sử của chốn thiền môn.
Ai ý niệm được vô thường, sanh diệt ấy, thì người đó xứng đáng đi trên lộ trình thiên lý của người hành Bồ Tát đạo, phát tâm Bồ Đề rộng lớn để cứu độ chúng sanh. Còn nếu ai vẫn ham vui nơi bể ái, sông mê thì kiếp nhân sinh ấy luống trôi đi một cách nhanh chóng không có lời tiếc than nào đáng ghi lại cả. Chỉ giống như xác con chim bên cạnh cửa sổ của Vô Học Cốc mà thôi. Thân nầy mà không tu, khi chết đi rồi cũng chỉ để cho giòi, bọ đục khoét, nào có ích gì.
Tôi nói thế cũng chẳng phải khuyên mọi người phải bỏ cuộc sống bình thường để đi vào chùa xuất gia làm Tăng Lữ hết đâu. Như vậy chắc chùa cũng không đủ chỗ chứa, mà hãy ý niệm sự thật trong cuộc sống là không có gì thực tướng cả. Tất cả chỉ là giả danh mà thôi. Như trong kinh Kim Cang, Phật đã dạy: Phàm sở hữu tướng giai thị hư không. Nghĩa là tất cả cái gì có hình tướng đều là không thật. Hiểu và biết cũng như thực hành được điều nầy, quả là điều quý giá biết bao. Còn hơn là ở trên ngai vàng mà chẳng hiểu ta, người là gì, thì thật là vô dụng.
Ngày nay sau hơn 40 năm tu tập ở cửa không và hơn 40 đệ tử xuất gia đã được độ, tôi thấy mình đã nhẹ gánh lo âu của những năm tháng về trước khi mới đặt chân đến xứ Đức nầy. Dĩ nhiên là tôi không có gì để thất vọng cả. Tuy nhiên niềm hy vọng vẫn là chất liệu dưỡng sinh trong cuộc sống của mình và chính sự hy vọng ấy đã nuôi tôi trưởng thành và tồn tại cho đến ngày nay. Đó là ơn của Tam Bảo và của Đàn Na Thí Chủ.
Một mai nầy tôi cũng phải ra đi, vùi thân nầy vào lòng đất lạnh với chiếc y vàng. Dĩ nhiên tôi sẽ rất vui vì phía trước, phía sau tôi vẫn còn có nhiều con người đã đương và sẽ khoác lên mình màu y giải thoát ấy để cứu độ nhân sinh ra khỏi chốn khổ của thế nhân mà thơ văn đã có lần nói đến:
"Bể khổ mênh mông hận ngút trời
Khách trần chèo một chiếc thuyền chơi
Thuyền ai ngược gió ai xuôi gió
Chung cuộc rồi trong bể khổ thôi".
Cái khổ chùa thế nhân là thế đó và cái an lạc, hoan hỷ của người xuất gia thì quý vị đã rõ rồi. Hãy tự mình chọn lựa cho mình con đường đúng để mà đi. Kẻo mấy mươi năm sau lại có người trách móc rằng: Giá như hồi đó. Nếu mà lúc ấy, v.v... thì chắc rằng phải chờ đến kiếp lai sinh, mà dễ gì có thể làm người trở lại để khoác lên mình một chiếc hoàng y ?
Viết bài nầy để vinh danh những người trẻ đã biết tự chọn cho mình một lối đi, mà lối đi ấy tuy có chông gai thử thách đó; nhưng là một lối đi giải thoát luân hồi. Còn cuộc đời vốn đa diện, biết đâu ta phải bị lọt vào hố sâu nguy hiểm thì ai là người có thể vớt ta ra khỏi những chốn đọa đày ấy!
Riêng mình cảm thấy rất vui, vì đường mình đi đã đương và sẽ có nhiều người nối bước và hy vọng chiếc hoàng y ấy sẽ trải rộng như bóng y của Đức Phật A Di Đà trong truyện cổ Việt Nam về sự tích của Cây Nêu Ngày Tết thì sanh chúng sẽ được nhờ.
Viết xong vào một chiều thu năm 2004 tại thư phòng chùa Viên Giác,
Hannover - Đức Quốc.
______________________________________
Thế Gian Hằng Như Mộng
Thích Như Điển
Trong cuộc sống vốn dĩ mang tính chất vô thường biến đổi nầy, chẳng có gì mang tính chất nhất định cả. Vì vậy chư Phật và chư Tổ Sư đã vì đời mà khuyên nhủ chúng ta rằng: "Không có gì là thực tướng. Tất cả chỉ là mộng huyễn mà thôi"! Thế nhưng ai là người đã liễu ngộ được điều nầy và ai là người "xúc sự vô tâm" trước mọi hoàn cảnh biến dịch của đất trời vạn vật ?
Tsunami đã xảy ra vào cuối tháng 12 năm 2004 vừa qua tại các nước Đông Nam Á Châu, quả đã chứng minh được điều đó. Điều được chứng minh rõ ràng là nhà cửa, sinh mạng, của cải, đất đai, ruộng vườn, công danh, sự nghiệp v.v... tất cả chỉ trong vòng một tiếng đồng hồ đã trở thành một cái không to tướng vô nghĩa. Người có nhà cao cửa rộng đã trắng tay không còn một tấc đất. Người có địa vị tột đỉnh trong xã hội, sau một cơn thịnh nộ của đất trời cũng trở thành vô nghĩa và lúc ấy chỉ còn một xác chết không hồn, vô chủ, chẳng ai thừa nhận. Một mỹ nữ, một tăng nhơn, một em bé, một cụ già v.v... tất cả cũng chỉ là không. Không tất cả. Chẳng có gì là thực tướng, mặc dầu bình sinh ta vẫn thấy có tướng nam, tướng nữ, tướng giàu, tướng nghèo, tướng cao, tướng thấp, tướng đẹp, tướng xấu v.v... tất cả chỉ là ảo ảnh và bọt nước. Mà đã là giả cảnh, huyễn mộng thì có ai có thể níu kéo lại với cuộc đời nầy. Dẫu cho đó là Thần Thánh, người có quyền ban ơn giáng họa đi chăng nữa thì cái không thể cãi lại vô thường vẫn là một sự thật mà ít ai trong chúng ta có thể chấp nhận một cách dễ dàng được.
Mặc dầu chúng ta già; nhưng nếu có ai đó khen ta trẻ, ta vẫn vui và nếu có ai đó thật tình bảo rằng chúng ta già, thì chúng ta buồn và không chấp nhận. Vậy thì già và trẻ, tốt và xấu, hơn và thua, trắng và đen v.v... nó cũng chỉ là một sự đối đãi của cuộc đời mà vốn thật tướng của nó là không có thật. Do vậy Đức Phật mới dạy cho chúng ta rằng: "Cuộc sống ở thế gian nầy là giả tạo, huyễn mộng".
Cũng bởi chúng ta cho rằng cuộc đời nầy là thật có; nên chúng ta mới khổ đau khi người thân ra đi, khi của cải bị đánh rơi; khi không còn được thương yêu nói lời dịu ngọt nữa. Cũng bởi cho là thật có ông Bác sĩ, bà Kỹ sư, cô Y tá v.v.. nên mới vin vào đó mà chấp ngã và nâng cao cái ngã của mình hơn cái ngã của người khác và rồi còn bao nhiêu cái thuộc về ngã còn đèo bồng theo phía sau nữa. Cũng vì tất cả cái nhìn của ta đều hữu tướng, chứ chưa thật biết vốn cái gì có hình tướng đều bị vô thường chi phối và tất cả cái gì có, đều là hư vọng cả. Như có danh, có tiền, có tình, có của, có sắc đẹp v.v...
Phật dạy trong kinh Kim Cang rằng: Quá khứ là những gì đã qua. Vị lai là những gì chưa đến. Còn hiện tại biến đổi trong từng phút giây sanh diệt. Do vậy mà chúng ta biết được rằng tất cả mọi vật trên thế gian nầy đều bị vô thường chi phối. Chẳng có cái nào đứng yên, không có cái nào tồn tại; nên Phật bảo rằng: Các pháp đều luôn đổi thay. Không có pháp nào đứng yên một chỗ, ngay cả pháp xuất thế gian, chứ đừng nói đến pháp thế gian. Vậy thì cái nhìn của Đức Phật về cuộc đời và sự vật sẽ như thế nào? Ngài nhìn đời như sau:
Thế gian ly sinh diệt
Du như hư không hoa
Trí bất đắc hữu vô
Nhi hưng Đại Bi tâm
Nghĩa là:
Thế gian lìa sanh diệt
Giống như hoa hư không
Trí chẳng có và không (được và mất)
Mà tăng tâm Đại Bi
Nghĩa đen đã giải thích như trên. Còn nghĩa bóng là ý gì? Đó là - dưới cái nhìn của Phật và chư vị Bồ Tát, thế gian nầy chẳng có sanh mà cũng chẳng có diệt. Vì sanh diệt chỉ là một hiện tượng mà thôi. Khi đã gọi là hiện tượng thì chúng không thể có thật tướng, mà chỉ có sự biến đổi. Ví như không khí chỗ nầy trống thì chỗ kia đến choán chỗ. Sự sinh ra và mất đi cũng chỉ là sự thay đổi vị trí chứ không mất mà cũng chẳng còn. Vì tất cả những hiện tượng ấy cũng giống như hoa đốm trên hư không, vốn là điều chẳng thật có. Sở dĩ chúng ta thấy hoa đốm. Vì lẽ mắt ta bị hoa chứ hư không thực tế không có hoa đốm. Đó chỉ là ảo giác của con người. Dưới con mắt trí tuệ của bậc Đại Nhân thì chẳng có sự có mà cũng chẳng có sự không. Vì có không, chỉ là một sự đối đãi trong cuộc đời nầy. Điều quan trọng của chúng ta là phải phát khởi tâm từ bi khi quan sát sự vật thì chính tâm ấy mới giúp ta hiểu rõ được lẽ thật của cuộc đời.
Giáo lý của Đạo Phật lấy cái không để lập luận cho mọi sự hiện hữu trên thế gian nầy; nên tam pháp ấn (vô thường, khổ, vô ngã) hoặc tứ pháp ấn (vô thường, khổ, không, vô ngã) làm căn bản cho mọi nhận thức. Nếu mọi cách nhận định mà đi xa nguyên tắc nầy, tức giáo lý ấy không phải là giáo lý của Đạo Phật. Tại sao giáo lý của Đạo Phật lấy cái không để nhận định về mọi pháp? Vì lẽ thực tướng của các pháp là không và vì để đánh mạnh vào sự hiểu biết ấy và phải thực hành giáo lý ấy cho sâu xa nên kinh Bát Nhã, Trung Quán luận, Kim Cang đều là những bộ kinh quan trọng hướng dẫn chúng ta chứng thực được với thực tướng của cái không ấy; từ đó ta mới có thể hiểu rõ được bộ mặt thật của thế gian nầy là gì.
Giả dụ rằng có người nào đó hỏi tôi rằng: Tại sao Thầy đi xuất gia? Thay vì tôi sẽ trả lời theo sự tò mò của họ, thì tôi sẽ hỏi lại họ rằng: Tại sao anh không xuất gia? Khi anh trả lời rõ được câu hỏi ấy, tức anh sẽ hiểu tại sao tôi xuất gia. Ví dụ câu tự trả lời của anh là: à, à... vì tôi, vì thế nầy, vì thế kia. Vì tôi có gia đình, tôi đang có sự nghiệp, tôi đang có con cái, của cải v.v... Rõ ràng là anh đã bị những cái có ấy chi phối cho nên anh đã không đi tu. Vậy thì người đã đi tu là ít ra đã thoát ra ngoài một phần nào sự chi phối ấy. Vì họ biết nhìn nhận vào mặt thật của cuộc đời, của sự vật. Chứ không phải vì người ta chán đời mà người ta đi tu; hoặc giả vì thất tình, mất công danh sự nghiệp mà đi tu v.v... đi tu như thế thì biết bao giờ mới thoát khỏi được sự sanh tử triền phược của thế gian nầy.
Có người nói tôi đã tỉnh rồi; nhưng sau đó lại say nữa thì sự tỉnh ấy nó chỉ có tính cách đối đãi mà thôi. Một ngày nọ tôi đi thăm người ta triển lãm về cơ thể học của con người. Họ chia thân thể nầy ra từng mảnh nhỏ và khi đến phần buồng phổi thì người ta chia ra loại phổi có hút thuốc lá nó nguy hại và đen đóm như thế nào; còn loại phổi không hút thuốc lá nó đỏ và hồng như thế nào, ai xem cũng hiểu rõ là cái hại và không hại của sự hút thuốc lá; nhưng khi mới rời khỏi căn phòng triển lãm chẳng được bao lâu thì chính những người khi nãy ở bên trong khi xem thấy sự tai hại của việc hút thuốc lá, đã thán lên là hút thuốc nguy hiểm như thế đó! Phổi nám đen như vậy, mà chính bây giờ, ngay lúc nầy khi mới ra khỏi hội trường, họ đã vội bật quẹt đốt thuốc, rít thật mạnh, nhả khói phì phà; làm như là suốt đời họ chưa bao giờ được hút như thế. Quả thật là: Biết thân ta vẫn biết mà tiếc thân ta vẫn tiếc là vậy.
Mọi người trong chúng ta ai cũng biết sự nguy hiểm của thuốc lá và rượu đối với sức khỏe như thế nào; nhưng bỏ được thuốc lá và rượu không phải là điều dễ. Mà vốn dĩ những thứ nầy do ta tự huân tập mà thành, chứ khi sinh ra đâu có đứa bé nào đã biết hút thuốc và uống rượu đâu. Đó là chưa kể những loại tham, sân, si có những cội nguồn đã ăn sâu vào trong vô lượng kiếp về trước nữa, làm sao có thể xả bỏ được.
Cái giả còn chưa biết được thì làm sao biết được cái chơn; mà cái chơn ấy có được là cũng từ cái giả ấy mà ra; chứ cái chơn như thật tánh ấy vốn không phải từ nơi xa lạ đến đây. Cũng ví như khi trái cam còn trên cành, khi còn xanh ta hái lấy để ăn, thì chắc chắn quả cam ấy sẽ chát và chua; nhưng trải qua thời gian năm tháng thì trái cam ấy khi chín sẽ ngọt. Câu hỏi được đặt ra là: Chất ngọt kia từ đâu đến? Có rất nhiều người trả lời rằng: Nhờ đất, phân bón, ánh sáng mặt trời v.v... những câu trả lời như thế không sai; nhưng thực tế là không hoàn toàn đúng. Câu trả lời đúng nhất là: Chất ngọt ấy từ chất chua kia mà thành cũng như phiền não và Niết Bàn an lạc là một chứ không phải là hai và Bồ Đề tức sự giác ngộ không đâu khác hơn là từ phiền não mà biến hóa ra Bồ Đề. Nếu chúng ta biết tu học và giải quyết vấn đề nan giải ấy thì mọi việc sẽ thành tựu. Đôi khi chúng ta chỉ biết chạy trốn vấn đề chứ không đối diện với vấn đề. Còn giải quyết vấn đề là vấn đề khó khăn hơn nữa, cần phải đối diện thẳng với vấn đề và chấp nhận vấn đề thì mới có thể giải quyết vấn đề được. Còn đa phần chúng ta hay chạy trốn vấn đề hơn là đối diện để chấp nhận và giải quyết vấn đề.
Ở đây sự vô thường sanh diệt cũng thế. Chúng ta chỉ nghĩ rằng vấn đề đó của người khác chứ không phải là vấn đề của mình và vì không phải là vấn đề của mình cho nên ta chẳng quan tâm. Nên khi vấn đề đến, ta rất ngỡ ngàng và lo sợ. Mới đây có người đến nhà xác để đưa tiễn một người thân và trông thấy nhiều quan tài quá thì người kia hỏi tôi rằng:
- Thưa Thầy: Tại sao có nhiều người chết quá vậy?
Tôi trả lời:
- Không lẽ sanh ra đời, ai cũng sống mãi không chết sao? Bởi lẽ người ta chỉ vui khi có đứa bé ra đời; chứ đâu có ai lo nghĩ là một ngày nào đó mình cũng phải chết đi. Vì chết là một định luật, đâu có ai thoát khỏi.
Người kia lại tiếp:
- Chắc là Thầy quen với sự chết rồi nên Thầy không sợ ma?
Tôi bảo:
- Ngay cả ma nó cũng chẳng có thật tướng thì lấy gì để mà sợ. Sở dĩ ta sợ ma vì ta tin rằng có con ma như thế, như thế; nhưng đa phần con ma ấy là ma tưởng tượng mà thôi. Cũng giống như ta nằm chiêm bao thấy bao cảnh tiệc tùng mà ta tham dự ở Việt Nam hay ở những nơi khác; nhưng khi mở mắt ra thì chẳng có tiệc gì cả. Vì sao vậy? Đó chỉ là sự huân tập của chủng tử trong nhiều nơi, nhiều lần; nên mới hiện ra như vậy. Còn thực tướng của chơn như rõ ràng là không có sự đối đãi, mất còn, đến đi, hai một v.v...
Rõ ràng là mộng. Tất cả chỉ là mộng, ngay cả thân người nầy cũng chỉ là mộng; nhưng chúng ta vẫn nói nó là thật có; mà đâu có gì là thật, khi mà đất, nước, gió, lửa mỗi thứ tan rã theo mỗi nơi. Khi 4 chất lớn nầy tan rã thì không khí trả về cho không khí, đất đai trả về cho đất đai, nước và lửa cũng lại như thế. Có cái gì là còn và có cái gì là mất đâu. Tất cả chỉ là một sự thay đổi. Ta đến đây cũng chỉ để chấp nhận và hứng chịu những sự khổ đau cũng như hưởng được một chút an lạc hạnh phúc mà ta cho là hiện thực; nhưng trong thực tế của tánh không, thì tất cả chỉ là ảo giác; tất cả chỉ là ảo ảnh của cuộc đời.
Một cuộc sống 30 năm, 60 năm, 80 năm hay nhẫn đến 100 năm đi nữa nó cũng chẳng là bao. Thời gian ấy so với đất trời vạn vật nầy hiện hữu cả mấy trăm triệu năm thì sự hiện hữu của ta giữa cuộc thế nầy nó cũng chỉ là hạt cát trong sa mạc, giọt sương mai dưới ánh nắng mặt trời; chỉ là một giọt nước trong biển cả đại dương. Tất cả đều vô nghĩa. Tất cả là một cái không to tướng. Ta phải quán sát như thế để ta thấy rằng ta không là gì cả. Vì ta không từ đâu đến mà cũng chẳng đi về đâu. Sự đến và sự đi của ta cũng chỉ là một ánh sáng nhỏ như con đom đóm giữa sa mạc hoang vu vậy thôi.
Ta đang sống cũng có nghĩa là ta đi dần đến chỗ chết. Ta đang khổ đau cũng có nghĩa là ta đang chuyển sự khổ đau ấy thành ra an lạc, hạnh phúc. Ta đang si mê cũng có nghĩa là ta đang hướng về bờ giác. Ta đang là chúng sanh cũng có nghĩa là ta sẽ đi đến con đường của chư vị Bồ Tát và chư Phật đã đi. Hãy quên đi niềm tự hào vô cớ, hãy quên đi tự ngã là gì, hãy quênđi tất cả. Chỉ nhớ một điều duy nhất là: Cái gì ở trên đời nầy cũng không có thật tướng; ngay cả lời khen hay tiếng chê, đẹp hay xấu v.v...
Khi người Phật Tử chấp nhận những nguyên tắc ấy thì chúng ta sống rất là bình an trong cuộc sống vốn chẳng an bình nầy; chúng ta sẽ được an lạc khi tâm chúng ta hoàn toàn không có thù hận ngự trị. Sống và chết như thế mới có một giá trị toàn hảo. Còn sống để mà sống, chết để mà chết, thì sự sống chết ấy nó hoàn toàn vô ý vị, chẳng có gì để đáng nói nơi đây và nhất là dưới cái nhìn của Đạo Phật. Đạo Phật đến với con người và giúp con người phải hiểu rõ cái bản lai diện mục của nó là gì và phải đối diện với tử sinh chứ không chạy trốn tử sinh. Nhìn và thực hiện giáo lý của Đạo Phật như thế, là một cái nhìn tích cực,chứ không phải tiêu cực như bao nhiêu người đã hiểu sai lầm về Đạo Phật. Do vậy ta có thể định nghĩa rằng: Đạo Phật không phải là đạo bi quan, cũng không phải là một đạo lạc quan, mà là một đạo thực tế cho cuộc đời nầy. Từ đó ta sống và đi vào đời rất thong thả tự nhiên như những Thiền sư đã thỏng tay vào chợ mà không bị chợ đời đàm tiếu thị phi, mà dẫu cho người đời có nhìn những vị ấy là gì gì đi nữa thì tất cả cũng chẳng là gì so với cái có và cái không trong cuộc đời nầy.
Thế gian hằng như mộng là thế. Chẳng có gì là thật tướng cả. Vì vậy chúng ta nếu chấp nhận những thực tế thì tánh chân như sẽ hiện về. Còn nếu chúng ta buông lung chạy nhảy, cố chạy trốn sự thật của cuộc đời thì suốt cả hành trình sanh tử ấy chẳng có ý nghĩa gì so với cái có và cái không to tướng kia. Dẫu cho là một bậc quân vương hay một bậc mẫu nghi trong thiên hạ đi nữa mà không ý thức được việc nầy thì khi chết đi cũng chẳng mang theo được cái gì ngoài cái nghiệp mà thôi. Phải ý thức như vua Trần Thái Tông rằng: "Trẫm xem ngai vàng như đôi dép bỏ" thì mới hiểu được thế nào là đạo và thế nào là giả tướng của cuộc đời. Nếu không, ai trong chúng ta cũng lao mình vào khổ đau và chốn bùn lầy nước đọng, mà chẳng biết mình đang bị hại bởi chính mình.
Viết bài nầy để tự đánh thức lấy mình và mong cho mọi người con Phật hiểu rõ được giả tướng của cuộc đời để tự tu tự độ và sớm vào chỗ an lạc giải thoát chơn như tuyệt đối, thì đó mới chính là chỗ nương nhờ của chúng ta đối với cái không thênh thang của Đạo Phật.
Viết xong vào một ngày vào hạ tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover, Đức Quốc.
______________________
BÁT BẤT TRUNG ĐẠO
* Thích Như Điển
Chúng ta sống trong thế giới ngày hôm nay đã cách xa Đức Phật hơn 2500 năm lịch sử và cách xa Ngài Long Thọ (Nagajuna) tác giả của Trung Quán Luận là 1.800 năm. Nghĩa là Ngài sinh ra đời tại miền Nam Ấn Độ cách Phật xuất thế khoảng 700 năm; nhưng từ ấy đến nay giáo lý ấy vẫn còn có giá trị thực tiễn. Mặc dầu chúng ta đang sống trong một thế giới văn minh tinh thần và vật chất tại Âu Mỹ nầy.
Bát bất gồm có 8 loại không. Đó là: Bất sinh bất diệt, bất đoạn bất thường, bất nhất bất dị và bất khứ bất lai. Đây là 8 loại lập luận để thấy con đường trung đạo. Nghĩa là không phải cái nầy mà cũng chẳng phải cái kia. Thông thường chúng ta chấp có, chấp không, chấp còn chấp mất, chấp sinh chấp diệt, chấp đến chấp đi v.v... Vì lẽ ta dùng con mắt bình thường của thế gian để xem và phán xét như thế. Còn Bồ Tát nhìn sự vật của tâm thức trước và sau rỗng không vô định, chẳng có giới hạn bởi thời gian và không gian; cho nên mới đưa ra lập luận ấy.
Thế nào là bất sinh bất diệt? Nghĩa là ta vốn chẳng sinh ra và cũng chẳng mất đi. Cái mà gọi là sinh đó, thật ra nó chỉ là một hiện tượng. Vì ta thấy có một con người, một sự vật hiện hữu ở đời nầy. Rồi sống một thời gian trên cõi thế để rồi một ngày nào đó ta phải ra đi; gọi việc ấy là mất; nhưng mất cái gì và còn cái gì? - Cái được gọi là mất đó thật sự ra nó cũng chỉ là một sự trả lại cho đất trời vạn vật; cho đất, nước, gió, lửa mà thôi. Vì khi ta sinh ra ta đã vay mượn của thiên nhiên vạn vật thì khi ta chết đi ta chỉ trả lại mà thôi. Do vậy mà dưới mắt Bồ Tát chẳng có sự sinh và chẳng có sự diệt. Ta mất chỗ nầy, ta sẽ hiện hữu ở nơi khác và từ nơi khác sẽ đến chốn nầy để tồn tại một thời gian; rồi một ngày nào đó sự hiện hữu ấy cũng phải thay đổi vậy.
Bất đoạn bất thường; nghĩa là chẳng mất mà cũng chẳng còn. Cái chẳng mất ấy chính là tâm thức của ta. Tâm ta giống như một dòng điện. Dòng điện ấy luôn luôn tồn tại ở mọi nơi, mọi chỗ và mọi hình thức khác nhau; nhưng khi một bóng đèn cháy rồi, ta không còn thấy ánh sáng nữa, ta gọi là mất; nhưng thực sự ra ánh sáng ấy vẫn còn, nó đang hiện hữu trong dòng điện ấy. Bằng chứng là nếu ta thay một bóng đèn khác thì nó sẽ sáng lên. Ánh sáng ấy nói là thường cũng không đúng, mà nói là mất cũng không đúng. Vì lẽ ánh sáng ấy chỉ thay đổi, xê dịch tùy thời mà thôi. Tâm thức ta cũng giống như vậy. Khi ta còn cảm giác thì bảo rằng ta biết. Khi hơi thở hết rồi thì gọi là chết, mà ngay cả hơi thở ấy cũng vay mượn của đất trời, chứ đâu có cái gì là của ta. Nó không có chủ thể thật sự. Khi hít không khí vào để nuôi buồng phổi, rồi thở không khí ra để tạo sự tuần hoàn. Khi không còn hít thở được nữa thì ta bảo rằng đã dứt sự sống. Tâm thức ấy thực sự ra không hoàn toàn là một tâm thức độc lập. Nếu ta là người thì tâm ta là người. Nếu ta là vật thì dòng tâm thức ấy sẽ thay đổi thành sự nhận biết của con vật, chứ không thể là sự nhận biết của con người được. Do vậy nếu nói tâm ấy thường còn là điều không đúng.
Như vậy tâm ấy sẽ đi về đâu? - Đó chỉ là một sự biến tướng của sự nhận thức. Khi làm chúng sanh thì tâm ấy là chúng sanh. Khi làm A La Hán thì tâm ấy sẽ chuyển đổi; khi làm Bồ Tát thì tâm ấy lại càng mạnh mẽ hơn để lao vào đời mà cứu độ chúng sanh. Khi thức đã chuyển thành trí trọn vẹn thì tâm ấy là Niết Bàn, Vô Ngã, Chơn Như, Tịch Tịnh. Cũng là một dòng nước; nhưng khi chảy đến chỗ đất lở thì ta thấy đục và khi chảy đến chỗ cát hoặc sỏi đá ta thấy trong. Sở dĩ ta thấy trong hay đục là do nhận thức chấp trước của mình mà có, chứ thật ra nước không trong mà cũng chẳng đục. Do vậy mà tâm nầy cũng chỉ thế thôi.
Bất nhất bất dịnghĩa là không phải một mà cũng chẳng phải khác. Điểm nầy hơi khó. Vì lẽ ít có loại triết học nào giống như triết học của Trung Quán. Đa phần các học thuyết khác đều dựa vào một đấng thần linh để làm chủ tể sinh ra vạn vật và có mọi quyền năng bắt buộc loài người phải tuân theo; nhưng ở giáo lý của Đức Phật không có điều đó. Có nghĩa là không ai sinh ra loài người cả. Ngoại trừ nghiệp lực của con người đã tự tạo trong quá khứ và chính nghiệp nầy đã và sẽ dẫn ta đi lên thiên đường hay xuống địa ngục mà thôi. Trong truyện Kiều phần hết có 4 câu thơ thật hay có thể diễn tả được tính cách nầy.
"Đã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách bởi trời gần trời xa
Thiện căn vốn tại lòng ta
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài"
Có lẽ nhờ tụng kinh Kim Cang 300 lần; mỗi lần ít nhất là một tiếng rưỡi đồng hồ; nên cụ Tiên Điền Nguyễn Du mới kết được truyện Kiều thâm thúy như vậy.
Rõ ràng là do nghiệp và vô minh tạo tác mà thành, rồi biến đổi: chứ tuyệt đối chẳng có cái gì sanh và bị sanh, ngoại trừ nghiệp lực chi phối. Điều quan trọng ở đây là gốc vốn thiện ở cõi lòng thì kết quả của nghiệp là thiện chứ không thể trái ngược lại. Nếu có, vả chăng đó chỉ là sự vay trả chưa xong của nhiều đời; nên bây giờ phải trả tiếp đó mà thôi.
Không khác mà cũng không nhiều hay không giống. Điều ấy có nghĩa là ngoài cái nầy không có cái kia; hoặc ngược lại. Như ngoài A không có B và ngoài B không có A.
Nhứt nguyên luận hay nhị nguyên luận và tam đoạn luận của Âu Châu cũng xuất hiện đồng thời với Trung Quán Luận nhưng không thể sánh bằng và Trung Quán Luận đã vượt lên trên tất cả mọi lập luận ấy vào những thời buổi ban đầu của thế kỷ thứ 2 sau Tây lịch.
Ở Âu Châu thời ấy chỉ có một vị thần sinh ra mọi sự thưởng phạt của thế gian. Điều nầy không có trong giáo lý Phật Giáo. Như vậy nó sẽ vô lý là ai đã tạo ra vị thần kia? Hay vị thần ấy tự sinh? Nếu tự sinh thì không đúng với luật tuần hoàn của vũ trụ và của khoa học.
Nhị nguyên luận có nghĩa là cái nầy có cho nên cái kia có. Nếu cái nầy không có thì cái kia không có. Ví dụ như A sinh ra B, rồi B sinh ra C. Nếu A không có thì B sẽ không có và dĩ nhiên là không có C. Nhưng câu hỏi được đặt ra cho phái nhị nguyên luận của Âu Châu là ai sinh ra A thì họ không trả lời rõ ràng.
Tam đoạn luận thì đa phần chúng ta đều biết. Đó là triết thuyết của Socrates người Hy Lạp, đương thời đã thuyết phục được Âu Châu là:
"Tất cả mọi người đều phải chết
Tôi là người
Vậy tôi phải chết"
Đây là một sự lập luận gián đoạn và chỉ có tính cách thời gian, chứ không có tính cách phổ quát. Còn Trung Quán Luận thì không giống như 3 loại lập luận của triết học Âu Châu thuở bây giờ. Ngài Long Thọ lập luận là: Trong cái nầy nó có cái kia và trong cái kia nó có cái nầy. Ta đang sống cũng có nghĩa là ta đang đi đến chỗ chết. Và sự sống chỉ là sự tiếp nối của cái nầy và cái kia trong một thời gian nhất định nào đó, rồi nó thay đổi.
Ví dụ như trong cây bao giờ cũng có hoa và trong đá bao giờ cũng có lửa. Về mùa đông ta không thấy hoa; nhưng khi xuân đến hoa kia lại khoe sắc thắm. Vậy hoa từ đâu mà có? Do biến thể của đất trời vạn vật và thiên nhiên; nhưng hoa chỉ trổ khi có đầy đủ yếu tố thuận lợi. Phật tánh cũng giống như thế. Phật tánh ấy không ngoài mà cũng chẳng ở trong. Nhưng nếu đầy đủ yếu tố thì cái tánh Phật ấy sẽ thành Phật; chứ ta không cần đi tìm Phật ở bên ngoài.
Lửa cũng như thế, vốn tự có trong đá. Ta chỉ cần va chạm 2 hòn sỏi, cục đá với nhau thì ta sẽ có lửa. Điều kiện ắt có và đủ ở đây chính là động tác tạo lửa; cũng không phải vì ta làm cho va chạm mà có lửa. Vì lửa đã sẵn có; nhưng vì điều kiện lúc ấy đã chín muồi; nên lửa lại phát sanh. Phật tánh cũng giống như vậy. Do những tư lương Bồ Đề thành thục thì Phật tánh lại hiển lộ. Do vậy mà ta thấy có người đã thành Phật, mà có kẻ vẫn còn là chúng sanh.
Bất khứ bất lailà chẳng đến mà chẳng đi. Thân và tâm nầy thật ra cũng chẳng từ nơi nào đến mà cũng chẳng phải đi về đâu. Ví như gió thổi, mây bay. Ta ở đây thì có gió, cây bị động. Nên ta thấy có hiện tượng gió; nhưng gió bắt nguồn từ đâu và sẽ đi về đâu thì chẳng ai trả lời được. Tâm nầy cũng thế; nó hiện khi ta thức và nó ẩn khi ta ngủ. Nếu nói lúc ngủ không còn tâm thì tại sao khi ta thức, cái sự hiểu biết ấy nó lại hiện hữu và khi ta chết thì bảo là mất; nhưng cái biết ấy nó sẽ mất đi đâu và nó sẽ đi về đâu?
Vậy thì trước khi ta đến thế giới nầy, ta là ai? Và sau khi ta chết đi, ta sẽ đi về đâu? Theo lập luận của Ngài Long Thọ thì ta không đến mà ta cũng chẳng đi. Sở dĩ mà ta thấy có đến và có đi, vì ta thấy có sự hiện hữu của một con người, với thân tứ đại nầy; nhưng con người ấy nó sẽ không là gì cả so với cái to lớn của đất trời vạn vật và của không gian cũng như thời gian trong một hay nhiều kiếp lai sinh.
Trong thân thể của mình có sự vay mượn và sự hiện hữu của mẹ cha. Thế mà khi cha mẹ hay người thân mất ta bảo là không còn gì nữa. Đó là một sự ảo tưởng. Tại sao không còn? Thử hỏi dòng máu nầy, gương mặt kia từ đâu mà có, nếu không phải từ cha mẹ sinh? Do vậy mà ta bảo rằng mất; nhưng điều ấy chẳng mất; nó chẳng mất mà nó cũng chẳng còn. Vì nó phải bị chi phối bởi thời gian, nên phải chết và thay đổi dáng hình. Như vậy ta bảo rằng đi khuất hay đã mất; nhưng khuất cũng có nghĩa là sẽ hiện lại khi cần và cái mất ấy chỉ có tính cách tương đối, chứ chưa và không tuyệt đối. Vậy thì tâm nầy hay thức nầy nó chẳng từ đâu đến và khi mất đi thì nó cũng chẳng đi về đâu. Do vậy mà trong kinh Kim Cang, Phật dạy rằng:
"Quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc và vị lai tâm bất khả đắc". Nghĩa là tâm quá khứ đã chẳng được, tâm hiện tại cũng như thế và tâm vị lai thì biến đổi trong từng sát na sanh diệt. Vậy thì cái gì là có, cái gì là không? Cái gì còn và cái gì là mất? Dưới mắt của Bồ Tát thì mọi hiện tượng trong thời gian nầy chỉ là một sự biến tướng giống như người mang cặp kính nhiều màu. Khi đeo màu nầy thì ta thấy đối tượng là màu ấy. Khi ta thay đổi màu khác thì ta bảo rằng đối tượng kia đã đổi màu; nhưng trong thực tế thì đối tượng không thay đổi, chỉ có ta đang thay đổi vị thế của các cặp kính ấy.
Trung Đạo là nói về cái lý sở tác. Chính quán và Trung quán là nói về cái trí năng chứng ấy. Hơn nữa đối với thiên (lệch lạc) thì gọi là Trung, đối với tà thì gọi là chính. Trung Đạo ở đây có nghĩa là:
"Phi nhất, phi nhị thị vi trung đạo"
Nghĩa là: "Không một mà cũng chẳng hai, đó là con đường chính giữa"
Con đường chính giữa là con đường phủ nhận những loại cực đoan bên nầy hay bên kia, tốt hay xấu. Đây là cái lý. Còn điều chính yếu là nói về cái trí năng phân biệt mọi việc của tâm thức. Ta sẽ biết đâu là đúng và đâu là sai. Sở dĩ mà có sự sai đúng. Vì ta chấp vào chỗ thấy biết của mình làm chủ; nhưng thật sự ra sự thấy biết của mình căn cứ nơi cái gì để cho là đúng. Tất cả cũng chỉ là sự chấp ngã và chấp tướng và ngay trong sự chấp đó cũng đã có sự thay đổi rồi; nên chẳng có gì là chân lý khi tâm ta vẫn còn vọng động và đối đãi. Cái tuyệt đối ở đây có nghĩa là mọi vật và mọi việc nó là: "như nhị". Như thế ấy đó. Cái gì đến cứ để cho nó đến. Cái gì đi hãy để cho nó đi. Hãy đừng tiếc thương, ái luyến. Cũng đừng sầu khổ, vấn vương. Điều quan trọng là hãy biết chấp nhận sự thật của cuộc đời. Mà sự thật của cuộc đời là gì? - Là cái không to tướng, là cái không do mọi sự giả hợp mà thành. Sở dĩ ta khổ đau bởi vì ta thấy có. Bây giờ ta hiểu được lẽ trung đạo rồi thì có không nó cũng chẳng phải thực tướng nên ta không bị chi phối bởi đối tượng, mà ta phải làm chủ lại đối tượng. Do vậy mà Minh Châu Hương Hải Thiền Sư của Việt Nam chúng ta thời Trịnh Nguyễn phân tranh, nói rằng:
"Có thời có tự mảy may
Không thời cả thế gian nầy cũng không
Cho hay bóng nguyệt dòng sông
Nào ai hay biết có không là gì ?"
Có thì một chút cũng gọi là có, mà không thì to lớn bao nhiêu cũng gọi là không. Khi bóng trăng chiếu trên mặt nước thì ta bảo rằng có trăng, có nước và khi trăng di chuyển đi nơi khác, mặt nước vẫn còn đó; nhưng ta lại chẳng thấy trăng đâu, rồi ta lại nói không. Đây chỉ là một hiện tượng vần xoay của mặt trời, mặt trăng và quả đất. Còn ta, ta vẫn bị cái đến đi nó chi phối trong từng giờ từng phút như vậy.
Hai câu cuối mới thật là tuyệt vời. Giống như 2 câu thách đố của những hành giả tu hành. Đó là việc có không ấy ai biết được. Kẻ nào biết được thì chính kẻ ấy là kẻ hiểu đạo. Rõ được đường đi lối về của 2 nẻo tử sinh. Trong đời nầy chỉ có việc sinh và tử là quan trọng, mà biết được và làm chủ được chính mình, thì còn gì hơn được nữa.
Đối với những bậc giải thoát giác ngộ thì tâm thường tự tại an nhiên, trạm tịch. Tuyệt nhiên không gợn một chút phiền não nào. Còn tâm ta cũng vậy; nhưng chỉ toàn là bụi trần che phủ nên khi hành động một việc gì thì cũng chỉ toàn là khổ đau và sầu muộn. Ta đã biết mọi lý kỹ rồi. Bây giờ chỉ còn chấp nhận và thực hành thì mới có kết quả khả quan được. Nếu không hạ thủ công phu ngay từ bây giờ thì chẳng khác nào ta thấy một món ăn ngon mà ta chưa cầm đũa và chưa thưởng thức thì giá trị của món ăn ấy ta vẫn chưa cảm nhận được trọn vẹn nơi khẩu vị của mình. "Có thực mới vực được đạo" là vậy. Chữ thực ở đây không nhất thiết là ăn mà là chứng thực hay hiểu rõ được chân lý. Ấy là thực. Thực đây là hiểu sự thật của vạn pháp và rõ được đường đi lối về.
Giáo lý Trung Đạo nầy do Ngài Đại Luận Sư Long Thọ đã chủ trương, nhằm xiển dương tinh thần Đại Thừa Phật Giáo và lấy từ căn bản của Phật Giáo Nguyên Thủy. Ngay cả Phật Giáo Nguyên Thủy cũng chưa hẳn đã hoàn toàn chấp nhận quan điểm nầy; nhưng theo Ngài, Ngài bảo rằng: Tất cả nền giáo lý ấy mà không có một phái ngoại đạo nào phá vỡ được, thỉ đó chính là giáo lý của Đức Phật và là giáo lý của Đại Thừa". Nói như thế không sai. Vì lẽ cái nầy khi lớn lên không phải chỉ có một cái gốc, hay chỉ có một cành, mà cành ấy phải tỏa ra cành lá sum sê thì cây ấy được gọi là cây phát triển. Ở đây tinh thần Đại Thừa giáo cũng vậy, lấy những điểm chính trong giáo lý của Đức Phật để xiển dương tinh thần giác ngộ giải thoát. Tuy có đi ra ngoài khuôn mẫu; nhưng nó là sự phát triển của một thân cây, nhất là cây ấy đã có mấy ngàn năm lịch sử.
Viết xong trong khóa Tu Gieo Duyên kỳ 7 tại Chùa Viên Giác Hannover từ ngày 1 đến 14 tháng 7 năm 2005
Thích Như Điển
_________________________________
BÍ TRUYỀN KINH VƯƠNG
Thích Như Điển
Nhân sinh nhật lần thứ 57 (kể theo tuổi ta) của tôi năm nay (28.6.2005) có một Phật Tử Việt Nam tại New York, Mỹ Quốc, gởi tặng cho tôi một bộ kinh Kim Cang rất quý, có xuất xứ từ đời nhà Thanh (Trung Hoa) và chính do vua Khang Hi (1666-1722) viết, được phục chế lại. Quả là một món quà vô giá. |
Ngoài hộp bằng da cũ kỹ có 3 dòng chữ. Đó là: Hoàng Thất Bí Truyền Kinh Vương. Nghĩa là: Vua trong các kinh được giữ bí mật tại Hoàng cung. Sau đó là những chữ lớn: Bát Nhã Ba La Bí Truyền Kim Cang Kinh và phía tay trái của hộp đựng kinh có 4 chữ: Khang Hi Ngự Thơ và có đóng những dấu triện bằng son đỏ của Hoàng Triều.
Lật vào bên trong hộp, đọc được những dòng chữ nầy:
"Nguyện đồng niệm Phật nhơn, tận sanh Cực Lạc quốc, Nam Mô A Di Đà Phật, kiến Phật liễu sanh tử, như Phật độ nhứt thiết.
Tạng kinh vân: Niệm thử Phật giả, hiện thế tiêu tai bảo thọ, thử Phật hữu đại thệ nguyện vân: Ngã tác Phật thời, thập phương chúng sanh, chí tâm tín nhạo, dục sanh ngã quốc, thập thinh niệm ngã danh hiệu, nhi bất sanh giả, ngã bất tác Phật. Như mỗi triêu, hợp chưởng hướng tây, chí thành niệm Phật thập thinh, niệm thượng tứ cú kệ nhứt biến, tây phương thất bảo trì, sanh liên hoa nhất đóa, tha nhựt ư kỳ trung thác sanh, y thực tùy ý hóa thành, trường sanh bất tử".
Khang Hi ngự thơ
Xin tạm dịch ra tiếng Việt như sau:
"Nguyện cùng người niệm Phật, sanh hết nước Cực Lạc. Nam Mô A Di Đà Phật. Thấy Phật rõ sanh tử, như Phật độ tất cả.
Kinh dạy rằng: Người niệm Phật nầy, hiện đời tiêu tai sống lâu. Phật nầy có thệ nguyện rằng:
Khi ta thành Phật, mười phương chúng sanh, chí tâm vui tin, muốn sanh nước ta, niệm mười tiếng danh hiệu ta, mà chẳng sanh được, ta chẳng thành Phật.
Như mỗi sáng chắp tay hướng về Tây chí thành niệm Phật mười tiếng, niệm bốn câu kệ trên một lần, ở nơi ao báu tại Tây Phương, sanh một đóa hoa sen. Ngày kia khi thác sanh, về nơi đây. Áo quần, ăn uống tùy ý hóa thành, sống hoài chẳng chết".
Khang Hi ngự thơ
Đó, ta có thể tin là lời của nhà Vua phát nguyện trước khi trì kinh Kim Cang và nhà Vua cũng xác quyết một trong 48 lời nguyện của Đức Phật A Di Đà là như thế. Không biết là Vua hay vị Đại Thần nào đó viết chữ kinh rất sắc sảo trên nan tre được trau chuốt rất tinh vi và phía sau được khâu dính vào với lụa nguyên thủy. Đồng thời hai bên đầu và chân của mỗi trang đều có vẽ truyện Ngài Huyền Trang đi thỉnh kinh bằng son đỏ. Cuối kinh chỉ viết: "Đại Thanh Hoàng Thất kinh thơ tạng phẩm" rồi đóng 3 con dấu đỏ thật lớn. Dấu thứ nhất "Khang Hi ngự thơ". Dấu thứ 2 "Ngự thơ phòng tạng" và dấu thứ 3 " Hoàng Thất ích dân tạng thơ".
Quả thật là tôi đã được một báu vật không có ý đợi chờ. Vì vị Phật Tử ấy nghĩ rằng ở trên núi đồi Đa Bảo tại Úc, mỗi tối khi nhập thất, tôi đều trì tụng kinh nầy. Do vậy mà gởi tặng. Đó là sự chân thành. Ngoài ra có lẽ vị ấy cũng nghĩ rằng do không biết chữ Hán; nên trao về tôi đọc cũng như trì tụng thì ích lợi hơn. Do vậy mà bản kinh ấy hiện được tôn trí tại Chùa Viên Giác Hannover - Đức Quốc.
Kinh nầy được chia ra làm 32 đoạn và mỗi đoạn có một tiêu đề, giới thiệu tổng quát về nội dung của đoạn đó. Nơi đây tôi chỉ lược qua chứ không đi vào chi tiết.
Đoạn mộtnói về nguyên do của Pháp hội là sau khi Đức Thế Tôn vào thành Xá Vệ để khất thực, sau đó về lại vườn của Trưởng Giả Cấp Cô Độc dùng trưa và sau khi rửa chân xong, liền ngồi đó.
Đoạn thứ hainói Ngài Thiện Hiện tức là Tu Bồ Đề khải thỉnh Đức Phật rằng: Ngài đã phó chúc cho các Bồ Tát khi phát tâm vô thượng chánh đẳng chánh giác, mà làm thế nào để trụ và làm thế nào để hàng phục được tâm nầy?
Đến đoạn thứ banói về phần chính của sự phát tâm Đại Thừa. Có nhiều loại chúng sanh đã vào vô dư Niết Bàn; nhưng thật ra chẳng có chúng sanh nào vào Niết Bàn cả. Vì sao vậy? Vì Bồ Tát mà có tướng ta, tướng người, tướng chúng sanh, tướng thọ giả tức không phải là Bồ Tát.
Đoạn thứ tưnói về "diệu hạnh vô trụ". Ở nơi pháp mà không trụ để bố thí, ấy gọi là không trụ vào tướng. Còn nếu trụ vào tướng để bố thí thì phước đức chẳng có.
Đoạn thứ nămnói về lý như thật khi nhận thấy sự việc. Phàm tất cả cái gì có hình tướng đều là hư vọng. Nếu xem các tướng mà không phải tướng, thì mới thấy được Như Lai.
Đoạn thứ sáunói về sự chánh tín hy hữu. Sau 500 năm Đức Phật diệt độ mà có người hay trì tụng kinh nầy và có tín tâm thì đối với kẻ đó không phải chỉ trong một đời Phật mà ở trong nhiều vị Phật đã trồng căn lành, thì phải biết rằng kẻ ấy phước đức nhiều lắm. Vì vậy cho nên đừng chấp vào pháp mà cũng đừng chấp vào phi pháp. Vì lẽ ấy mà Đức Phật thường hay nói với các Tỳ Kheo rằng: Sự thuyết pháp của ta cũng như chiếc bè. Chánh pháp còn nên bỏ, huống là phi pháp.
Đoạn thứ bảy"chẳng được, chẳng nói". Chỗ này Ngài Tu Bồ Đề hiểu rằng Phật đã dạy chẳng có pháp nào là nhứt định cả và chẳng có pháp nào để chứng đắc. Vì tất cả các vị hiền thánh đều từ pháp vô vi mà có chỗ sai biệt.
Đoạn thứ támnói về việc "y cứ vào pháp để sanh". Nếu kẻ dùng của cải quý báu để bố thí thì phước nầy dẫu có, nhưng không bằng kẻ thọ trì kinh nầy cho đến đọc tụng 4 câu kệ. Vì lẽ tất cả chư Phật đều từ kinh nầy mà ra. Cho nên nói là Phật Pháp mà cũng chẳng phải là Phật Pháp.
Đoạn thứ chínnói về một tướng và vô tướng. Bốn quả Thánh tuy có chứng đắc; nhưng thật ra chẳng có vì trong ấy không có kẻ chứng đắc và quả vị để chứng đắc.
Đoạn thứ mười nói về: Trang nghiêm Tịnh Độ. Chính đoạn thứ 10 nầy rất quan trọng và Ngài Huệ Năng đã ngộ được chân lý của Kim Cang ở nơi nầy: "Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm". Nghĩa là "Chẳng nên trụ vào hình tướng để sanh tâm, chẳng nên trụ vào âm thanh, sắc đẹp, mùi vị, sự va chạm và các pháp để sanh tâm, mà nên ở vào chỗ không trụ để sanh tâm". Chỗ không trụ là chỗ không chấp trước; chỗ không trụ là chỗ không đến, không đi, không còn, không mất, v.v...
Đoạn thứ 11 nói về cái phước của vô vi là hơn cả. Kẻ dùng của bố thí như cát của sông Hằng tuy rằng phước nhiều đấy; nhưng vẫn không bằng kẻ thiện nam, người thiện nữ ở nơi kinh nầy cho đến thọ trì 4 câu kệ thôi, là phước nầy hơn phước bố thí kia rất nhiều.
Đoạn thứ 12 nói về việc "tôn trọng chánh giáo". Kẻ nào mà trì tụng cho đến 4 câu kệ của kinh nầy thì nơi đó tất cả thế gian, trời, người, A Tu La đều cúng dường như tháp miếu của Phật; huống gì là có kẻ hay thọ trì đọc tụng. Chỗ nào có kinh nầy, như là có Phật tại đó. Nếu là Phật Tử thì nên tôn trọng.
Đoạn thứ 13 nói về sự "thọ trì như pháp". Kinh nầy được gọi là kinh: Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật và Phật hỏi Ngài Tu Bồ Đề rằng: Có thể dùng 32 tướng để thấy Như Lai chăng? thì Ngài Tu Bồ Đề trả lời rằng: Không thể.
Đoạn thứ 14 nói về: Lìa tướng tịch diệt. Ngài Tu Bồ Đề xưng tán kinh nầy và còn nói rằng việc tin hiểu thọ trì thật khó sau 500 năm nếu có người nghe kinh nầy mà tin tưởng, giải nghĩa, rồi thọ trì thì phải biết rằng khó có lắm. Vì lẽ kẻ ấy là kẻ không có tướng ta, không có tướng người, không có tướng chúng sanh và chẳng có tướng thọ giả. Vì tất cả đều chẳng có tướng. Vì lìa tất cả tướng là chư Phật vậy.
Ở đây có thuật lại chuyện ngày xưa Ngài đã vì Vua Ca Lợi mà cắt hết thân thể. Khi cắt như thế thì không có tướng ta, không có tướng người, không có tướng chúng sanh và chẳng có tướng thọ giả. Vì lẽ nếu trụ vào tướng thì sẽ bị sân hận. Vì khi làm tiên nhơn nhẫn nhục ở 500 đời trước cũng chẳng trụ vào những tướng nầy. Do vậy muốn chứng quả vô thượng Bồ Đề phải lìa hết tất cả tướng.
Đoạn thứ 15 nói về: Công đức của việc trì kinh. Nếu có kẻ nào từ sáng, trưa, tối mỗi ngày 3 lần như thế đem của cải hoặc thân nầy để bố thí nhiều như cát sông Hằng trong trăm ngàn kiếp mà khi nghe kinh nầy có tín tâm chẳng nghịch thì phước nầy nhiều hơn phước kia; huống gì là biên chép, thọ trì, đọc tụng và vì người khác giải nói. Nói tóm lại là kinh nầy thật "bất khả tư nghì".
Đoạn thứ 16 nói về kinh nầy hay làm cho thanh tịnh các nghiệp chướng. Nếu có kẻ nào trì tụng kinh nầy mà có người khinh chê thì phải biết người ấy đời trước đang đọa vào đường ác; nên đời nầy mới thế, mà khi nghe được kinh nầy thì nghiệp đời trước được tiêu diệt và chứng quả. Hoặc khi nghe kinh nầy mà có kẻ hồ nghi, tâm cuồng loạn chẳng tin thì phải biết kinh nầy thật bất khả tư nghì và quả báo cũng lại như thế.
Đoạn thứ 17 nói về: Cứu cánh vô ngã. Khi người phát tâm thì phải sanh tâm như thế nầy: Ta muốn diệt độ tất cả chúng sanh, tất cả chúng sanh diệt độ rồi mà chẳng có một chúng sanh nào thật diệt độ cả. Vì lẽ nếu Bồ Tát còn ngã tướng thì chẳng phải là Bồ Tát. Đức Phật Thích Ca đã chẳng vì chỗ Phật Nhiên Đăng mà được thọ ký cũng như thành Phật. Vì chẳng có pháp nào để được chứng đắc cả. Có người nói Phật chứng quả; nhưng thật ra chẳng có quả nào để Phật chứng cả. Ở đấy chẳng thật chẳng hư. Cho nên Phật đã nói rằng: Tất cả pháp đều là Phật Pháp.
Đoạn thứ 18 nói về: Nhứt thể đồng quán. Phật hỏi Tu Bồ Đề về nhục nhãn, thiên nhãn, huệ nhãn, pháp nhãn và Phật nhãn để biết rằng có tất cả những cái có ấy trong tổng thể như cát sông Hằng; nhưng Như Lai nói các tâm đều chẳng phải là tâm, thì ấy mới gọi là tâm. Vì lẽ quá khứ tâm đã chẳng được, hiện tại tâm chẳng thể được và vị lai tâm cũng chẳng thể được. Sở dĩ như vậy, vì lẽ không có cái gì là thực tướng cả, mà ngay cả tâm nầy cũng luôn luôn thay đổi.
Đoạn thứ 19nói về sự lưu thông của Pháp giới. Đức Phật hỏi Ngài Tu Bồ Đề rằng có người dùng của quý báu đầy cả tam thiên đại thiên thế giới để bố thí, thì người nầy với nhân duyên ấy, phước đức có nhiều chăng? Ngài Tu Bồ Đề trả lời rằng: Rất nhiều. Nhưng Phật bảo rằng: Nếu phước đức mà thật có thì chẳng nói là phước đức nhiều mà chẳng có phước đức thì đó mới được phước đức nhiều.
Đoạn thứ 20nói về: Lìa sắc, lìa tướng. Phật có thể dùng cụ túc sắc thân để thấy chăng? Chắc là không. Vì Như Lai bảo: Cụ túc sắc thân tức chẳng phải là cụ túc thì đó mới là cụ túc, mà các tướng cụ túc chẳng phải là cụ túc thì đó mới là tướng cụ túc.
Đoạn thứ 21nói về: Chẳng nói mà nói. Ngươi cũng đừng bảo rằng ta đang thuyết pháp. Nếu có ai đó bảo ta đang thuyết pháp, tức là hủy báng ta. Vì sao vậy? Vì thuyết pháp có nghĩa là không có pháp nào có thể nói cả, thì đó gọi là thuyết pháp.
Đoạn thứ 22nói về: Chẳng có pháp nào để đắc cả. Ngài Tu Bồ Đề hỏi Phật là Ngài đã chứng được A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề và được chỗ vô vi chăng? Phật bảo rằng: Như thế như thế. Vì lẽ chẳng có pháp nào để được; nên gọi là được.
Đoạn thứ 23nói về Tịnh tâm hành thiện. Pháp nầy bình đẳng chẳng có cao thấp nên gọi là A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, vô ngã, vô nhơn, vô chúng sanh, vô thọ giả, tu tất cả pháp lành tức chứng được quả giải thoát.
Đoạn thứ 24nói về: Chẳng sánh với phước trí. Ở đây xác định một lần nữa rằng trong tam thiên đại thiên thế giới nếu người giàu có, của chất như núi Tu Di bằng bảy báu mà đem bố thí thì người nầy so với người thọ trì, đọc tụng và giải nói cho người khác 4 câu kệ của Bát Nhã Ba La Mật Đa thì phước đức của người trước chẳng bằng một phần trăm và trăm ngàn vạn ức phần cho đến tính đếm thí dụ cũng chẳng bằng người sau.
Đoạn thứ 25nói về: Hóa vô sở hóa. Phật hỏi Ngài Tu Bồ Đề rằng có phải Phật đang độ chúng sanh không? Ngài Tu Bồ Đề trả lời rằng: Thật ra chẳng có chúng sanh nào để độ cả. Nếu mà Như Lai còn có chúng sanh để độ thì Như Lai còn ngã, chúng sanh, thọ giả. Nếu có ngã tức còn phàm phu mà phàm phu tức chẳng phải phàm phu thì ấy mới là phàm phu.
Đoạn thứ 26nói về: Pháp thân phi tướng. Đoạn nầy có kệ:
Nếu dùng hình sắc để thấy ta
Dùng âm thanh để cầu ta
Người nầy hành tà đạo
Chẳng thể thấy Như Lai.
Nếu dùng hình tướng và âm thanh để cầu thì đó không phải là thật tướng. Vì thật tướng chẳng thấy thì làm sao dùng cái đối đãi để cầu cái không có đối đãi được.
Đoạn thứ 27nói về: Chẳng đoạn chẳng diệt. Nếu kẻ phát tâm Bồ Đề để chứng quả giải thoát thì phải nói rằng các pháp chẳng đoạn mà cũng chẳng diệt.
Đoạn thứ 28nói về: Chẳng thọ, chẳng tham. Ngài Tu Bồ Đề hỏi Phật rằng: Tại sao Bồ Tát chẳng thọ phước đức? Đức Phật trả lời rằng: Tuy Bồ Tát có tạo phước đức; nhưng không tham trước nơi phước đức; nên nói là chẳng thọ phước đức.
Đoạn thứ 29nói về: Uy nghi tịch tĩnh. Nếu có người bảo Như Lai, đến, đi, ngồi, nằm thì người ấy chẳng hiểu rõ nghĩa của Như Lai nói. Vì sao vậy? Vì Như Lai có nghĩa là: Chẳng từ đâu đến, lại chẳng đi về đâu. Cho nên nói là Như Lai.
Đoạn thứ 30nói về: Lý của một hợp tướng. Trong tam thiên đại thiên thế giới gồm nhiều vi trần; nhưng thật ra chẳng có thế giới nào cả; nên mới gọi là thế giới. Vì lẽ nếu thế giới thật có tức là một hợp tướng; mà hợp tướng tức chẳng phải hợp tướng thì đó gọi là một hợp tướng.
Đoạn thứ 31nói về: Tri kiến bất sanh. Nếu có kẻ nào đó nói Như Lai nói ngã kiến, nhơn kiến, chúng sanh kiến, thọ giả kiến tức chẳng hiểu rõ Như Lai. Vì Như Lai nói những loại nầy chẳng thực tướng; nên nó có tên là như thế. Các pháp cứ như thế mà biết, chẳng sanh, chẳng diệt. Cho nên nói pháp tướng tức phi pháp tướng. Ấy chính là pháp tướng.
Đoạn thứ 32nói về: Ứng hóa phi chơn. Kẻ nào dùng của bố thí trong vô lượng A Tăng Kỳ thế giới bằng bảy của báu và đối với người phát tâm thọ trì kinh nầy cho đến 4 câu kệ hoặc đọc tụng và vì người khác diễn nói thì phước nầy hơn phước kia rất nhiều.
Tất cả các pháp hữu vi
Như mộng huyễn bào ảnh
Như sương mai, điện chớp
Nên quán theo như vậy.
Rõ ràng là mọi pháp hữu vi trên thế gian nầy đều không thật tướng. Nó như mộng, như huyễn, như bọt nước. Có đó rồi mất đó. Nó giống như giọt sương ban mai trông rất đẹp mắt; nhưng khi ánh thái dương đến thì tan đi. Điện chớp cũng thế, lúc có lúc không; không hiện hữu. Do vậy mà người tu theo pháp Bát Nhã phải thấy rằng: Tất cả những cái gì còn đối đãi là còn bị vô thường chi phối. Cái nào còn sanh diệt, tức cái ấy không có thật tướng.
Sau khi nghe Đức Phật nói kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa rồi thì Trưởng Lão Tu Bồ Đề, Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di cùng tất cả trời người, A Tu La nghe Phật nói đều hoan hỷ tín thọ và hành trì.
Quả thật những ai đã hữu duyên khi Phật còn tại thế mà trực tiếp nghe được kinh nầy và liễu ngộ được cái không để chứng đắc và Phật còn nhắc nhở rằng nếu sau 500 năm Phật nhập diệt rồi mà còn có kẻ đọc tụng, giải nói, thọ trì thì quả rằng kẻ ấy còn có phước đức rất nhiều. Nhiều hơn cả những kẻ đem vàng bạc của báu nhiều như núi Tu Di để đem đi bố thí trong suốt bao nhiêu A Tăng Kỳ Kiếp trong tam thiên đại thiên thế giới nầy.
Chúng ta ngày nay sinh ra trong thời kỳ mạt pháp nầy, cách Phật rất xa, đã hơn 2.500 năm lịch sử rồi; nhưng nay có cơ duyên đọc tụng kinh nầy, mà còn nói cho người khác cùng hiểu nữa thì quả thật trong vô lượng vô biên kiếp về trước, chúng ta đã có nhân duyên với chư Phật và chư vị Bồ Tát rồi.
Mặc dầu ở thế kỷ thứ 4 sau Thiên Chúa, Ngài Huệ Viễn sáng tổ của Tịnh Độ Tông Trung Hoa có viết quyển "Sa Môn Bất Kỉnh Vương Giả Luận" tức là quyển luận nói về việc các bậc tu hành không quỳ lạy vua chúa và thuở ấy đã có nhiều sự bàn cãi tranh luận, nhưng mãi về sau nầy những ông Vua Phật Tử của Trung Hoa như Đường Thái Tông, Thuận Trị, Khang Hi v.v... vẫn một mực tôn thờ Phật Giáo và đã có nhiều lần Phật Giáo là quốc giáo nơi đất nước hơn một tỷ dân nầy.
Bây giờ Phật Giáo tại Trung Hoa không còn thịnh hành như ngày xưa nữa. Âu đó cũng do vô thường biến đổi; nhưng không vì thế mà Phật Giáo bị mất đi vị thế của mình. Dẫu biết rằng tất cả cũng chỉ là không và cái không ấy Vạn Hạnh Thiền Sư, bậc Thầy của Lý Công Uẩn tức Lý Thái Tổ đã để lại bài kệ rằng:
Thân như bóng xế chiều tà
Cỏ xuân tươi tốt thu qua rụng rời
Sá chi suy thạnh cuộc đời
Thạnh suy như hạt sương rơi đầu cành.
Đó là một bài văn dịch tuyệt vời ra tiếng Việt của cố Hòa Thượng Thích Mật Thể. Còn nguyên văn chữ Hán như thế nầy:
Thân như điện ảnh hữu hoàn vô
Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô
Nhậm vận thịnh suy như bố úy
Thịnh suy như lộ thảo đầu phô.
Cái không ấy theo tinh thần Kim Cang Bát Nhã, Vạn Hạnh Thiền Sư đã liễu triệt vào đầu thế kỷ thứ 11 và mãi đến thế kỷ thứ 17 triều nhà Thanh, Vua Khang Hi ở Trung Hoa lặp lại cũng không ngoài cái không ấy và bây giờ chúng ta ở chốn trời Tây nầy nói và hiểu cái không của Bát Nhã của Kim Cang cũng là cái không vô tướng ấy.
Xin hồi hướng tất cả những phước báu có được cho những ai khi đọc qua bài lược giải nầy và nguyện rằng tất cả nên trụ vào chỗ không trụ ấy để thành tựu trí bát nhã.
Viết xong trong mùa An Cư Kiết Hạ năm Ất Dậu 2005
tại thư phòng Chùa Viên Giác Hannover, Đức quốc
______________________
Tôi làm phi công
Thích Như Điển
„Tôi làm phi công“ hay „chuyến đi không định trước“ là tiêu đề của bài viết này khi chúng tôi đã đến thăm nước Lào từngày 17 đến 19 tháng 10 năm 2005 vừa qua.
Ngồi trên chiếc máy bay Charter Air Lào bay với hai động cơ và chứa được 74 hành khách; tôi miên mang liên tưởng về chuyến đi này và nghĩ rằng: Không biết là mình có thể xin được Visa tại phi trường Vientian để vào Lào chăng?
Sau khi phi cơ đã đáp xuống an toàn trên phi đạo, tôi nhìn ra ngoài khung cửa nhỏ của phi cơ, thấy mọi sự sinh hoạt vẫn bình lắng của một chiều thu nơi thủ đô được gọi là Vạn Tượng này. Nhìn những khuôn mặt hiền từ nhưng không lạnh nhạt mấy của những nhân viên làm giấy tờ nhập cảnh, tôi như nhẹ nhõm và thoáng mỉm miệng cười, như để tự an ủi mình rằng: mọi việc không có gì đáng lo ngại lắm.
Tôi, Thầy Nguyên Thành và Hạnh Bổn ra khỏi phi trường không có hành lý; vì chuyến đi không định trước; nên tất cả đều vội vã và để tất cả hành lý ở lại Bangkok. Sư cô Thích Nữ Đàm Ngọc, Trụ trì chùa Bàng Long cùng với một số quý Thầy và một số Phật Tử khác cùng đến tận phi trường để đón chúng tôi về chùa.
Tôi quan sát nhà cửa phố xá ở hai bên đường đi và có sự so sánh với Thái Lan cũng như Ấn Độ; những nước mà chúng tôi đã đi qua; thấy nơi đây có một cái gì đó chưa định nghĩa rõ ràng được; nhưng cũng gợi lên trong tôi một cảm giác nhẹ nhàng với một đất nước mà qua bao lần thay chủ đổi ngôi. Tôi biết rằng: Ngày xưa Lào là một Vương Quốc trị vì theo tinh thần của Phật Giáo; rồi năm 1975 họ đã tự biến mình thành chủ nghĩa cộng sản và bây giờ hình ảnh cộng sản ấy chỉ còn thấy nơi lá cờ đỏ trên đó có búa liềm của Liên Xô cũ; mà vốn lá cờ nầy sau khi cộng sản Nga Sô sụp đổ vào 1990, họ không còn dùng nữa; mà chỉ dùng lá cờ của nước Nga bằng ba màu trắng, xanh, đỏ. Trong khi đó tại phi truờng của Làocũng như dọc theo hai bên đường vào thành phố đâu đó vẫn còn treo những lá cờ đỏ búa liềm phất phới song song với cờ Lào; trông như một nguời hoài cổđã ở vào buổi xế chiều. Có lẽ toàn dân Lào không biết rằng chế độ cộng sản Nga Sô đã bị giải thể và biến thành chế độ tự do cùng với các nước cộng sản Đông Âu cho đến nay cũng đã hơn 15 năm rồi. Hoặc nước Lào đã thọ dụng những ơn nghĩa của cộng sản Liên Sô cũ; nên vẫn còn vương vấn một vài điều trong quá khứ chăng?
Đến trước cổng chùa Bàng Long chúng tôi được đón tiếp bởi sư cô Đàm Quy và các Phật tử bằng hai hàng chào ở hai bên cổng ra vào. Đoạn chúng tôi vào chánh điện lễ Phật, rồi lễ Tổ và xuống trai đường để thăm hỏi những Phật tử hiện diện tại nơi đây. Được biết rằng chùa này do cố Hòa Thượng Thích Trung Quán và Hòa Thượng Thích Nhật Liên đã khai sơn và xây dựng cách đây đã hơn 50 năm rồi. Năm 1975 cố Hòa Thượng Thích Trung Quán đã ra đi tỵ nạn cộng sản đến Pháp Quốc và Ngài đã đến Paris thành lập chùa Hoa Nghiêm và ở tại Bỉ vùng Bruxelles cũng có một chùa Hoa Nghiêm như thế. Ngoài ra tại Pháp cũng có một vài chùa do Ngài lãnh đạo như ở Lille, Limoges... Ngày nay thì Ngài đã không còn nữa. Vì Ngài đã viên tịch cách đây hơn 2 năm; nhưng những Kinh sách giá trị của Ngài đã dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt như bộ Đại Trí Độ Luận gồm 100 quyển, là một tác phẩm đồ sộ nhất của Ngài vẫn còn lưu truyền lại cho đến ngày nay, mà tôi mỗi tuần một lần căn cứ theo bộ Luận này để hướng dẫn cho Tăng chúng chùa Viên Giác suốt trong 5 năm qua mà chỉ mới được 50 quyển.
Còn Ngài Hòa Thượng Nhật Liên là đệ tử của cố Đại Lão Hòa Thượng đệ tam Tăng Thống Thích Đôn Hậu đã bị tòa Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa trước năm 1975 trục xuất về Việt Nam với lý do là có liên hệ với cộng sản. Rồi cách đây 12 năm khi cố Hòa Thượng Thích Đôn Hậu viên tịch tại chùa Linh Mụ, Huế. Hòa Thượng Nhật Liên, Thượng Tọa Trí Tựu là những người đệ tử của Ngài nhưng rất khó khăn để được cư tang trong đám tang của cố Đại Lão Hòa Thượng. Vì chính quyền cộng sản Việt Nam lúc bấy giờ họ bảo rằng Hòa Thượng Thích Nhật Liên theo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Một buổi sáng vào ngày 19 tháng 10 năm 2005 tại phòng khách chùa Bàng Long tôi đã tiếp chuyện với một cụ già Việt Nam năm nay 84 tuổi và sống tại Lào gần 70 năm, đã cho tôi biết sự thật về vấn đề trục xuất Ngài Nhật Liên rằng: Thuở ấy có con của ông Đại sứ Việt Nam Cộng Hòa bị chết và đem vào chùa Bàng Long làm lễ cúng 49 ngày; nhưng vì lý do nào đó Ngài Nhật Liên không làm chủ lễ. Thế là một lịnh trục xuất được ban hành.
Đến đây để thấy công đức của người xưa và thấy được sự hư giả của cuộc đời ảo mộng. Vì thế đức Phật dạy rằng: Tất cả các pháp đều không có tính nhất định; cái đúng của ngày hôm qua có thể là cái sai của ngày hôm nay và cái sai của ngày hôm nay cũng có thể là cái đúng của ngày mai. Con người vốn không phải là tội nhân của lịch sử, mà lịch sử thì bao giờ cũng phải sang trang để nhường lại cho nguời khác làm nên một lịch sử mới. Do vậy đúng hay sai, chánh hay tà chỉ có thời gian mới thể trả lời được hết. Ví dụ trường hợp của Ngài Nhật Liên là một; ở đây thì họ bảo theo kia và ở kia thì họ bảo theo nơi khác. Như vậy thì cái gì đúng và cái gì sai ở trong cuộc đời tương đối này?
Đến đây chúng tôi mới biết được rằng ngày hôm ấy 17 tháng 10 năm 2005 nhằm vào ngày 16 tháng 9 âm lịch năm Ất Dậu là ngày lễ ra hạ của chư Tăng Nam Tông ở các nước Lào, Thái, Miến Điện v.v... Do vậy các công tư sở đều đóng cửa để mọi người có cơ hội đến chùa làm lễ Takbac (lễ cúng dường Trai Tăng). Đêm hôm đó chúng tôi đi nghỉ thật sớm để còn dậy sớm vào lúc 4 giờ tụng Kinh Lăng Nghiêm; rồi ăn sáng và dùng thời giờ còn lại để đi thăm các chùa trong Kinh Đô nhân ngày mãn hạ tự tứ của chư Tăng.
Thủ đô Vientiane vốn nhỏ hơn Đà Nẵng; nhưng cứ cách một con đường là có một Đại Tự. Điều đó chứng tỏ rằng lòng tin Phật của người Phật Tử Lào khó diễn tả hết được bằng ngôn từ. Chúng tôi vào một ngôi chùa được gọi là linh thiêng hàng đầu tại đây thì thấy nam thanh nữ tú; ông già bà cả; trẻ con theo mẹ đến chùa trên tay gồm một bình bát trong ấy có đủ loại thực phẩm cũng như tịnh tài để cúng dường chư Tăng nhân ngày mãn hạ. Họ sắp thành hai hàng thẳng lối đi đến hai bên dãy bàn có để sẵn mấy chục cái bình bát lớn và cứ thế thí chủ cứ phổ đồng cúng dường mà không thấy mặt một vị Tăng nào cả. Sau đó những người Tịnh Hạnh nhơn tại chùa mới thâu lại những của cúng dường ấy vào một cần xé lớn và bình bát lại trống không để cho đoàn người tiếp tục bỏ vào đó để cúng dường. Chúng tôi len lỏi vào bên trong Đại Điện thì thấy nơi đây đã chật ních cả người. Hàng bên trên cùng hàng đối diện với Phật tử là chư Tăng và vị Sư Cả của chùa. Có một vị đang giảng pháp và mọi người đang chăm chú lắng nghe. Cũng có một số người Tây phương tham dự lễ Takbac, họ lắng nghe rất thành kính; nhưng có thể chẳng hiểu gì vì các Sư nơi đây chỉ giảng bằng tiếng Lào.
Tôi quan sát thấy một người mẹ cầm tay con mình hướng dẫn cho cách rải nước xuống mặt đất để chúc phước, sau khi đã cúng dường xong; một tay bé đưa ngang ngực; tay kia cùng với mẹ thể hiện lòng từ; trong khi đó miệng lâm râm cầu nguyện. Vì hình ảnh dễ thương và trang trọng này tôi đoan chắc một điều dầu 1000 năm sau nữa nước Lào vẫn là một nước Phật giáo với 90% dân số; dẫu cho vật đổi sao dời và chính quyền nào có thay ngôi đổi chủ thì ở tại đất nước này cũng chẳng có gì đổi dời cả, nhất là niềm tin vào tôn giáo đã ăn sâu vào từng thớ thịt của người dân.
Chúng tôi cũng có dịp tiếp xúc với phó Vua Sãi và Vua Sãi của Lào. Các Ngài rất từ bi và mở rộng tấm lòng. Vua Sãi cho chúng tôi biết rằng: Người Lào ưa làm phước bố thí cũng như xây chùa. Do vậy nơi nào cũng toàn là chùa cả. Ngài nói tiếp: Người Lào chỉ biết sống cho hiện tại và ít có để dành cho tương lai. Vì thế mà họ rất tự tại. Khi được hỏi rằng tại đây có bao nhiêu Tăng sĩ và bao nhiêu ngôi chùa, thì Ngài đáp rằng: Tại Lào hiện có 27.000 Tăng sĩ là hơn 10.000 ngôi chùa trong số hơn 5 triệu dân.
Như thế nếu có một sự so sánh với Việt Nam chúng ta có tới hơn 80 triệu dân mà chỉ có hơn 40.000 Tăng sĩ và hơn 20.000 ngôi chùa từ Bắc tới Nam, là một con số rất khiêm nhường.
Sau khi cúng dường Ngài và được Ngài kể rõ tỉ mỉ thêm là nước Thái Lan đã đem cúng dường cho Ngài một tượng Phật bằng thạch ngọc giả thay thế cho tượng thạch ngọc thật mà họ đã lấy tại chùa Wat Prakeo đem về Thái để thờ trong những thế kỷ trước. Đoạn Ngài chỉ về hướng của pho tượng nằm trong cùng của bàn thờ rồi cười lớn. Tiếng cười ấy như hàm ý trách móc; nhưng cũng có thể là một sự cảm thông. Vì người Thái đem về đây cũng để thờ tự; chứ không phải để triệt thoái một Vương triều, mà đã có lần Vua Rama thứ IX của Thái Lan vào đầu thế kỷ thứ 21 đã tuyên bố với những nhà truyền giáo Tây phương rằng: „Quý vị có thể cải đạo hết dân tôi; nhưng có một người mà quý vị không thể cải đạo Phật thành đạo Thiên Chúa Giáo được. Đó là tôi“. Một ông vua Thái Lan như thế; một hình ảnh em bé theo mẹ đi chùa như thế và những tấm lòng tin Phật của những người tại các xứ Phật giáo nầy; khiến cho chúng ta đoan chắc rằng là những nơi đây không bao giờ họ đánh mất niềm tin vào đạo Phật cả. Chứ không phải như ai kia ở Việt Nam tuyên bố rằng: “Thà mất nước chứ không mất đạo“. Còn ở đây nước họ vẫn theo đạo Phật và ngày ngày đang phát triển.
Chiều ngày 18 tháng 10 năm 2005 trên chánh điện chùa Bàng Long tôi có một thời pháp ngắn trong hơn 1 tiếng đồng hồ với tựa đề là: „Củng cố một niềm tin“ với gần 30 kiều bào hiện diện. Họ là những người đã sinh ra và lớn lên ở xứ này gồm nhiều thế hệ khác nhau nhưng vẫn còn nói ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Việt Nam; khiến tôi rất mừng .
Tối hôm đó Thầy Nguyên Thành, chú Hạnh Bổn, Sư cô Đàm Ngọc và anh Keo người Lào đã ra tận dòng sông Mékong để tham dự lễ hội để thả hoa và đèn xuống dòng nước, mà theo tục lệ người Lào đây là một sự Sám hối của chính mình trong suốt cả năm qua đã gây nên biết bao nhiêu tội lỗi trong cuộc đời, nhờ dòng sông chuyên chở và gội sạch những tai ương trong cuộc sống. Thật là một lễ hội mang nhiều ý nghĩa trong cuộc đời với niềm tin yêu vào tôn giáo một cách sâu sắc nhân ngày tự tứ của chư Tăng.
Sáng hôm sau ngày 19 tháng 10 năm 2005 sau thời khóa Công Phu và dùng sáng chúng tôi ra tận bờ sông Mékong một lần nữa để xem đua thuyền và chính bản thân tôi đã dùng chính bàn tay của mình khoát nước sông Mékong để rửa sạch những bụi trần của nội tâm và hàm ý gởi về Việt Nam theo dòng sông Mékong này tâm tình của nguời xa xứ gần 35 năm chưa có một lần trở lại như tâm sự của Hạ Tri Chương đời Đường đã có thơ rằng:
Thiểu thiếu ly gia lão đại hồi
Hương âm vô cải mấm mao thôi
Nhi đồng tương kiến bất tương thức
Tiếu vấn khách tòng hà xứ lai.
Tạm dịch:
Tuổi nhỏ xa quê, già trở lại
Giọng quê không đổi, tóc mai thay
Trẻ con tuy thấy nhưng chẳng biết
Cười hỏi khách rằng, đến nơi nao?
Trên đường trở về chùa với những bước chân chậm rãi, tôi quan sát một người mẹ dẫn con đã tự động ngồi xuống với hai tay chắp lên ngang ngực cúi đầu; như để thi lễ trước những nhà Sư đang bước qua. Hình ảnh này và hình ảnh tại phi truờng Thái Lan khi chư Tăng đến hoặc đi đều được những nhân viên lo lắng giấy tờ một cách cung kính tận tình, khiến cho tôi liên tưởng đến những người Việt Nam không hiểu đạo cố chen lấn với chư Tăng để đi trước; hoặc giành phần tốt về cho chính mình; thì quả thật rằng đất nước Việt Nam mình và Phật Giáo Việt Nam của chúng ta phải còn học hỏi ở Lào cũng như ở Thái Lan nhiều lắm; mà vốn dĩ chư Tăng chỉ mang trong người một hạnh nguyện lợi tha với chữ KHÔNG to tướng thì có gì đâu để mà lấn lướt với chư Tăng.
Rời chùa Bàng Long với những tấm lòng chân tình của anh Keo, anh Lộc; của những người Hoa và người Lào, người Việt; với sự cung kính của nhị vị Sư cô đã làm cho phái đoàn có nhiều cảm tình đặc biệt, như đã có lần Thầy Đồng Văn cùng Hạnh Giới và Hạnh Tuệ sau khi đi Lào về có viết một bài đăng trên báo Tâm Giác, với nhan đề là „Ai Lao đi dễ khó về“ cũng đúng như tâm trạng của chúng tôi vào ngày 19 tháng 10 năm 2005 nầy.
Một lễ tự tứ mãn hạ của chư Tăng đã kết hợp với lễ truyền thống của dân tộc như thế; quả là những ngày lễ đầy ý nghĩa vô cùng cho đức tin tôn giáo cũng như văn hóa của dân tộc nầy.
Rời phi trường Vientiane với bao hoài niệm và mong rằng sẽ có ngày trở lại chốn này.
Sau khi làm thủ tục xuất cảnh, chúng tôi lên máy bay để trở về Bangkok và chuẩn bị cho một chuyến đi dài hơn thế nữa thì một chuyện lạ lại xảy ra. Đó là việc „Tôi làm phi công“ bất đắc dĩ cũng giống như chuyến đi không định trước đã diễn ra một cách nhịp nhàng trong 3 ngày tại xứ Lào.
Dường như tôi nghe không rõ bằng ngôn ngữ tiếng Anh thật điêu luyện của cô chiêu đãi viên: „Xin mời Ngài vào phòng lái. Vì có sự yêu cầu của 2 phi công“.
Tôi hỏi lại cho kỹ một lần nữa: Có phải là tôi lên ngồi hàng đầu không?
Cô ta lắc đầu và bảo rằng: Ở tận bên kia cánh cửa của phi công kia.
Tôi mở cửa bước vào và một trong hai phi công hỏi tôi bằng tiếng Lào; tôi chẳng hiểu gì cả và bảo lại rằng: Tôi chỉ có thể nói được: Tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Hoa và một ít tiếng Nga. Vậy ông có thể tự chọn một ngôn ngữ để nói chuyện.
Hai người cùng nhoẻn miệng cười và nói:
- Thôi thì chúng ta hãy đàm thoại bằng tiếng Anh đi.
Đoạn người phi công trưởng hỏi tôi rằng: Tôi nghe nói tại phi trường, Ngài có nhiều vật kỷ niệm để tặng cho Phật tử phải không?
Tôi tự hỏi rằng: Sao mà thông tin ở xứ Lào nhanh đến thế? Rồi trở lại chỗ ngồi của mình để lấy những quà biếu đem trở lại tặng cho hai người. Rồi phi công trưởng bảo tôi: Thầy có muốn ngồi xuống để xem không?
Tôi đáp: Tôi thấy chỉ toàn là mây không, đâu thấy gì để xem. Tôi muốn trở lại chỗ ngồi của tôi và trước khi máy bay hạ cánh chừng 20 phút tôi sẽ trở lại đây một lần nữa. Chắc quý ông đồng ý?
Sau hai cái gật đầu, tôi trở lại chỗ ngồi của mình với những cái tò mò của người ngoại quốc đi chung chuyến và chính chúng tôi cũng nghĩ rằng: Trong đời nầy đó là lần đầu tiên mà tôi vào phòng lái của phi công trong khi máy bay đang bay ở cao độ và chắc rằng không có thể xảy ra lần thứ hai trong đời mình nữa.
Nhân viên của phi hành đoàn báo hiệu các hành khách phải cài dây an toàn, thì chính lúc đó cũng là lúc tôi tự động mở cửa phòng lái vào bên trong với hai phi công để xem máy bay hạ cánh như thế nào. Trong khi người phi công trưởng chỉ cho tôi cách hạ ghế xuống và gài dây an toàn để ngồi; thì người phi công phụ đang ghi chép liên tục những độ cao thấp mà đường bay nào để phải hạ cánh.
Tôi quan sát một vòng của phòng lái thấy từ trên đầu đến trước mặt ít nhất cũng có từ 500 đến 1000 tín hiệu khác nhau. Tôi liền hỏi ông trưởng phi công rằng: Ông học lái ở đâu và được đào tạo như thế nào?
Ông ta đáp: 5 năm học ở Nga, 1 năm học tại Trung Quốc và 1 tháng luyện tập tại phi trường Frankfurt.
Ochin Karasho! Tuyệt vời! Đó là tiếng Nga mà tôi khen ông phi công trưởng. Đoạn tôi tiếp:
- Những người phi công phải những người có đầu óc thông minh lắm mới điều khiển được một bộ máy vĩ đại thế này. Vả lại nếu một trong hai người không đồng ý với nhau thì chắc là những hành khách sẽ là những nạn nhân phải không ông?
Sau khi ông cười đáp lễ, ông ta điều chỉnh những nút nghe vừa phải. Vì trong phòng lái những tín hiệu từ tổng đài phát ra liên tục bằng cả giọng nam lẫn giọng nữ với ngôn ngữ tiếng Anh thật điêu luyện.
Thế rồi những bánh xe máy bay được thả xuống; tốc độ cũng như độ cao được hạ dần; tôi nhìn thấy đất liền và xa xa phía trước là phi đạo của phi truờng Bangkok. Nhìn hai cần lái của hai phi công tôi liên tưởng đến cần lái tự động của xe hơi. Cũng bấm tới trả lui; tăng và giảm tốc độ; dường như trên không trung cũng có một con đường để đi. Tuy rằng không hiện thực như hành giả tu theo pháp môn Tịnh Độ muốn bay về cõi Tịnh của đức Phật A Di Đà. Tuy không có lối đi để nhìn thấy như là một sự phác họa vô hình trong 48 lời nguyện của đức Từ Phụ A Di Đà, thì đoan chắc rằng ở cõi Tây phương phải là một hiện thực trong vô tướng của nó.
Máy bay đã đáp cánh xuống phi đạo an toàn và ông phi công trưởng còn chỉ cho tôi thấy rằng: Một phi đạo mà cả hai đường lên và xuống, quả là rất nguy hiểm.
Tôi bảo rằng: Nếu không giỏi tiếng Anh càng nguy hiểm hơn nữa và tôi hỏi tiếp ông: Lần nào cũng đậu một chỗ giống nhau hay sao?
Ông ta bảo: Mỗi lần mỗi khác và tùy theo sự điều khiển của đài Kiểm soát Không Lưu và ông ta nói tiếp: Tại sao Thầy không mang máy chụp hình theo?
Tôi đáp: Vì vội quá.
Ông ta bảo: Thôi lần sau nhé và chắc chắn tôi sẽ để cho Thầy ngồi suốt đoạn đường và sẽ cùng nói chuyện với tôi trong khi lái.
Chúng tôi bắt tay nhau và hẹn ngày gặp trở lại.
„Tôi làm phi công“ và chuyến đi không định trước như đề tài của bài nầy đã giới thiệu bên trên; nhằm gởi lời tạ ơn đến những người đã có tâm hướng thượng và giới thiệu một vài nét đơn sơ về truyền thống sau lễ tự tứ mãn hạ của chư Tăng tại Lào. Nếu ai muốn biết rõ ràng hơn thì nên một lần đặt chân đến đây để tỏ rõ ngọn ngạch.
Viết xong tại Bangkok vào một chiều thu chung quanh những chùa viện san sát bên nhau (2005).
_______________________
Tu và Học
(Viết về tinh thần của Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu)
Thích Như Điển
Năm nay (2006) Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Chi Bộ Đức Quốc và Hội Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn tại Cộng Hòa Liên Bang Đức đăng cai tổ chức kỳ thứ 18 Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu, từ ngày 27 tháng 7 năm 2006 đến ngày 5 tháng 8 năm 2006 tại địa điểm:
Schulzentrum Tostedt
Schützenstrasse. Tostedt
Đây là lần thứ 3 Giáo Hội tại Đức đã đứng ra tổ chức. Lần đầu tiên tổ chức khóa thứ 2 tại Berkhof từ ngày 14 tháng 7 đến ngày 24 tháng 7 năm 1990. Lần thứ 2 tổ chức kỳ thứ 9 tại Pfaffenhofen miền Nam nước Đức từ ngày 31 tháng 7 đến ngày 9 tháng 8 năm 1997. Lần đầu quy tụ khoảng 200 người tại nhà hàng Tử Cấm Thành (Verbotene Stadt) ở Berkhof của Phật tử Lý Chấn Lợi để tu học. Lần thứ 2 do Chi Hội Phật Tử Việt Nam Tỵ Nạn tại München đứng ra tổ chức, chịu trách nhiệm thuê mướn phòng ốc cũng như lo vấn đề kỹ thuật. Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Đức đảm nhận việc văn phòng. Thuở ấy độ 600 người tham dự. Năm nay 2006 dự định có từ 800 đến 1.000 người tham dự.
Lui về quá khứ trước đây 18 năm hay xa hơn nữa phải cộng thêm 5 khóa giáo lý được tổ chức tại chùa Khánh Anh do Hòa Thượng Chủ Tịch đứng ra tổ chức, hướng dẫn. Khởi đầu là những bước đi chập chững từ những khóa tu Bát Quan Trai, những khóa huân tu Tịnh Độ. Thời gian đầu là những ngày cuối tuần; nhưng sau đó tiến dần lên 5 ngày rồi 10 ngày và nếu kể chung lại 5 khóa trên, đã tổ chức tại chùa Khánh Anh, Pháp quốc, thì phải nói năm nay Giáo Hội Âu Châu đã tiến đến khóa thứ 23 rồi.
Trong 18 lần tổ chức quy mô ấy, lần lượt các nước đứng ra tổ chức có nơi đã lên đến 3 lần như Pháp, Thụy Sĩ, Hòa Lan, Đan Mạch, Đức và những nước khác mới tổ chức 1 đến 2 lần như: Bỉ, Ý, Na Uy, Thụy Điển, Anh quốc. Mỗi lần như thế quy tụ từ 500 người cho đến 1.000 người gồm Phật Tử từ 13 nước Âu Châu và đôi khi còn có thêm Phật Tử đến từ Úc, Canada hay Mỹ Châu nữa. Trong số học viên tham dự gồm nhiều thành phần khác nhau về tuổi tác cũng như trình độ học vấn. Tuổi nhỏ nhất là các em Oanh Vũ thuộc các Gia Đình Phật Tử; hoặc con cái của những học viên mang theo cùng. Tuổi lớn nhất đôi khi có những cụ già hơn 80 tuổi vẫn còn theo học các khóa chuyên khoa của quý Thầy giảng dạy.
Năm 2005 vừa qua Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 17 do Giáo Hội tại Pháp đứng ra tổ chức tại Amiens, có khoảng hơn 500 người tham dự. Tuy không đông như bên Ý tổ chức vào năm 2004, có đến 1.000 người tham dự; nhưng ở Amiens sự phân chia lớp đã đi vào nề nếp gồm những lớp như sau:
1) Lớp học cho quý vị Tăng Ni. Lớp nầy chia ra làm 2 lớp, gồm lớp Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni học riêng và lớp Sa Di, Sa Di Ni, Thức Xoa và tập sự học riêng.
2) Lớp 2 là lớp chuyên khoa, dành cho quý vị đã theo học lâu năm và mỗi lần quý Thầy sẽ giảng dạy những cốt lõi kinh điển Đại Thừa quan trọng nhất trong nhiều bộ kinh khác nhau.
3) Lớp 1 được gọi là lớp bắt đầu. Lớp nầy chia ra làm 2 lớp chính. Đó là lớp người lớn tuổi, biết rành tiếng Việt và lớp Thanh Thiếu Niên. Lớp Thanh Thiếu Niên năm rồi chia ra làm 3 lớp gồm những em thuộc nhóm nói tiếng Pháp, những em thuộc nhóm nói tiếng Đức và những em thuộc nhóm nói tiếng Anh. Năm nay (2006) có lẽ thêm một nhóm nữa. Đó là nhóm Bắc Âu nói tiếng Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan.
4) Lớp Oanh Vũ là lớp căn bản của Giáo Hội. Vì nếu tre già mà măng không mọc thì làm sao tiếp nối được con đường mà Giáo Hội đã dựng xây từ trước đến nay. Cho nên Hòa Thượng Chủ Tịch thường gọi đây là lớp "Đại Học Oanh Vũ". "Đại Học" nầy được các anh chị em Huynh Trưởng GĐPT VN tại Âu Châu chăm sóc rất kỹ lưỡng.
5) Ngoài ra trong các khóa tu học như thế GĐPT VN tại Âu Châu đều có cắm trại để sinh hoạt ngoài trời, đồng thời cộng tác, chia xẻ công tác của Giáo Hội. Vì vậy GĐPT VN tại Âu Châu vẫn được chư Tôn Đức khen ngợi và là một bộ phận sinh hoạt thanh thiếu niên không thể thiếu trong căn nhà của Giáo Hội. Do hoàn cảnh và sự sinh hoạt hài hòa nầy mà Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu tuy sinh sau đẻ muộn và nhỏ hơn các Giáo Hội khác trên thế giới; nhưng bước đi những bước rất vững chắc.
Mỗi năm Giáo Hội Âu Châu chỉ có 10 ngày sinh hoạt tu học chung như thế và dĩ nhiên ngoài ra còn có những khóa tu ngắn hay dài hạn tại mỗi địa phương do mỗi quốc gia đứng ra tổ chức nữa; nên không khí tu học tại đây rất đa dạng và khởi sắc. Lồng vào trong 10 ngày ấy có họp Giáo Hội, họp GĐPT, họp Liên Chúng Bồ Tát. Đặc biệt là một ngày niệm Phật suốt 8 tiếng đồng hồ không ngớt tiếng Nam Mô A Di Đà Phật. Từ đây đã khơi dậy được những niềm tin chánh tín vào ngôi Tam Bảo; nên đã có nhiều người tại Âu Châu xuất gia. Đặc biệt là tại Đức và Na Uy. Các em sinh ra và lớn lên tại các xã hội Âu Mỹ nầy; nhưng khi các em tự ý thức được "niềm tin là chất liệu dưỡng sinh của cuộc sống" thì các em đã xin cha mẹ cho xuất gia học đạo. Có em đang ở lứa tuổi 9, 10, 11, 12 v.v... Có em sau khi thi Tú Tài xong thì đi xuất gia và sau đó vào học các Đại Học sở tại, ngành Tôn Giáo, Triết Học hay Ngôn Ngữ, Giáo Dục v.v... Cũng không thiếu những người lớn tuổi phát tâm xuất gia và những Bồ Tát tại gia ăn chay trường, lạy kinh mỗi chữ mỗi lạy. Đây là cây công đức mà Giáo Hội đã trồng tại Âu Châu suốt gần 30 năm qua và giờ đây Giáo Hội đang gặt hái những kết quả đã đầu tư qua một chặng đường dài với không biết bao nhiêu là thâm ân giáo dưỡng ấy.
Tôi có cơ hội đi nhiều nơi và tham dự nhiều khóa tu khác nhau ở các châu khác; nhưng phải thành thật mà nói rằng không có nơi nào quy tụ số người học Phật và tu Phật được nhiều như Âu Châu. Giáo Hội tại đây vẫn còn yếu, so với châu Mỹ và châu Úc; nhưng ở đây nhờ quý Thầy, quý Cô tương nhượng giúp đỡ nhau cho công việc của Giáo Hội, đồng thời quý Phật Tử, Gia Đình Phật Tử cũng rất gắn bó sắt son một lòng với Giáo Hội và cả hai; Đời Đạo cùng một lòng chuyển bánh xe pháp; nên xe đã chạy và mọi người đang hướng đến con đường trước mặt là giải thoát những khổ đau phiền lụy trong cuộc đời và mang từ bi, trí tuệ đến cho mọi người để chuyển hóa những khổ đau ấy trở thành những hạnh phúc an lạc miên viễn trong cuộc sống nầy.
Đặc biệt năm nay (2006), qua sự vận động của Phật tử Thị Thiện Phạm Công Hoàng ở Tostedt, là đệ tử tại gia thứ 5 của tôi, quy y từ những đầu thập niên 80, là một sinh viên du học tại Đức từ năm 1968, hiện là Chủ Tịch Tổ Chức Sinh Hoạt của Người Việt tại Cộng Hòa Liên Bang Đức, đã có những ngoại giao thật rộng; nên đã mời được ông Christian Wulff, Thủ Tướng Tiểu Bang Niedersachsen làm Shirmherschaft (đỡ đầu) cho lần tổ chức nầy. Ngoài ra chính quyền địa phương cũng đã tạo mọi dễ dàng trong vấn đề cho mượn và thuê mướn phòng ốc để tổ chức khóa tu học từ ngày 27 tháng 7 đến ngày 5 tháng 8 năm 2006 nầy.
Địa điểm tổ chức là một quần thể trường học nằm gần bên cạnh một cánh rừng thật thơ mộng và bên cạnh Câu Lạc Bộ săn bắn của dân làng. Nơi đây có tất cả 10 tòa nhà; nhưng sơ khởi chúng ta chỉ xử dụng 5 tòa nhà là đủ.
Tòa nhà đầu tiên dùng để làm nơi ăn quá đường, ăn sáng cũng như tối và làm văn nghệ lúc bế giảng. Trong tòa nhà nầy có 1 phòng rộng, có thể chứa từ 800 đến 1.000 người, có đầy đủ bàn ghế và sân khấu để làm văn nghệ. Có một nhà bếp tương đối đủ rộng để nấu ăn và cung cấp thức ăn cho 1.000 người.
Bước qua một cái sân cỏ rộng, nơi GĐPT cắm trại là đến khu chơi thể thao. Khu nầy là một nhà kiếng lớn, gồm có 3 sân đá bóng tròn. Nơi đây trang trí để làm chánh điện. Tại chánh điện nầy có thể dung chứa chừng 1.500 người. Lễ khai mạc và lễ bế mạc dự định có mời Thủ Tướng và các quan chức của chính phủ cũng như đại diện các Tôn Giáo khác sẽ được cử hành tại đây. Ngoài ra đây cũng là nơi dùng để ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh và các khóa lễ khác.
Tòa nhà thứ ba gồm một nhà Thể Thao 2 tầng. Tầng trên có thể chứa 500 người và tầng dưới chứa độ 200 người. Cả 2 nơi nầy sẽ dùng làm lớp học cho Lớp 1 và Lớp 2.
Tòa nhà thứ tư và tòa nhà thứ năm là các phòng học. Gồm tất cả 36 phòng. Mỗi phòng có thể ngủ và học từ 30 đến 50 người.
Ngoài ra nhà vệ sinh và nhà tắm công cộng không dưới 60 cái. Bên ngoài lại có mấy sân dùng để đánh bóng chuyền và bóng tròn. Nếu nói diện tích chung dùng để xử dụng, chắc cũng từ 50 đến 70.000m² để dung chứa cho số lượng của 1.000 người tham dự trong 10 ngày ấy.
Về khâu tổ chức, Giáo Hội tại Đức sẽ yêu cầu quý Chùa và các Chi Hội đứng ra đảm trách một hay hai ngày trong Ban Trai Soạn và GĐPT VN tại Đức lo đảm nhiệm việc văn phòng. Tại địa phương Tostedt lo vấn đề đưa đón. Đặc biệt các Chi Hội Phật Tử Việt Nam tại miền Bắc Đức như Hannover, Hamburg, Berlin, Bremen, Aurich, Wilhelmshaven sẽ trực tiếp đảm nhiệm những phần nặng nhọc cho khóa học, so với các Chi Hội ở xa nơi tổ chức. Nói tổng quát thì Chi Bộ và Hội Phật Tử lo; nhưng nói chi tiết thì mỗi cá nhân, mỗi học viên là những thành phần nồng cốt trong mọi khâu tổ chức. Có như thế khóa tu học mới thành tựu viên mãn.
Từ địa điểm tổ chức đến phi trường Hamburg cách xa 40 km; cách phi trường Bremen 60 km và cách phi trường Hannover 140 km. Quý vị Phật Tử ở xa hoặc gần cũng có thể dùng mọi phương tiện như xe hơi, tàu hỏa, máy bay để đến địa chỉ trên. Trong thời gian nầy; nếu quý Phật Tử ở xa muốn liên lạc về Khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu kỳ thứ 18 thì xin qua địa chỉ và số điện thoại chùa Viên Giác hoặc các chùa nơi quý vị cư ngụ. Đặc biệt tại địa phương tổ chức thì xin liên lạc qua địa chỉ: ĐH Thị Thiện Phạm Công Hoàng
Morlaas Ost 8. 21255 Tostedt - GERMANY
Tel. 04182 - 95 98 19
E-Mail: hoang.Pham-Cong@airbus.com
hoặc: oavdhpc@aol.com
Về học phí, Giáo Hội Âu Châu sẽ tính theo giống như giá năm trước tại Amiens (xin xem chi tiết thông báo trong số nầy về khóa tu học) và Giáo Hội địa phương cũng kêu gọi quý Phật Tử ở xa không đi tham dự được cũng nên hỗ trợ phần mình đóng góp cho một bao gạo. Mỗi bao giá 20€ và xin gởi tịnh tài về chùa Viên Giác để san sẻ những công việc to lớn nầy với Ban Tổ Chức. Ngoài ra quý vị cũng có thể vào các trang Website sau đây để biết thêm chi tiết về việc tổ chức:
1) www.ghpgvntn-auchau.org
2) E-mail: khanhanh@free.fr.
3) www: viengiac.net
Năm nay đa phần học viên phải ăn chay nằm đất, Ban Tổ Chức chỉ có thể cung cấp nệm hơi, miếng trải đất hoặc giường bố; còn túi ngủ hay mền, xin quý vị phải tự mang theo. Vì đa phần ngủ tập thể. Trong trường hợp những vị lớn tuổi muốn ở khách sạn gần trường thì cho biết riêng, để Ban Tổ Chức lo đặt khách sạn cho quý vị và phần phụ chi nầy xin các học viên tự lo liệu.
Riêng quý chư Tôn Đức trong Ban Giáo Thọ, Giảng Sư thì sẽ được Ban Tổ Chức mời tạm trú tại các nhà Phật Tử ở gần đó; hoặc tại khách sạn. Tuy nhiên những Thầy, Cô trẻ trong Giáo Hội cũng như những vị Giám Thị cố gắng ở tại nơi tổ chức để chia xẻ cũng như chăm sóc các học viên.
Đây là một cơ hội rất quý hiếm cho mọi lứa tuổi. Quý vị nên về đây tu học để có thêm bạn bè thân hữu mới. Ngoài ra chúng ta sẽ trao đổi với các Tổ Chức, Hội Đoàn khác của Giáo Hội để học hỏi với nhau. Ban Tổ Chức cũng mong rằng các Giáo Hội, các Chùa tại các nước ở Âu Châu cũng có thể giới thiệu tổ chức của mình qua một quầy hàng thông tin tại địa điểm lớp học. Có như thế những học viên tham dự dễ dàng trao đổi hơn. Ban Biên Tập Báo Viên Giác cũng như Hội Phật Tử VNTN tại CHLB Đức sẽ có những quầy thông tin giới thiệu tổ chức của mình trong khóa tu học nầy.
Có nhiều vị ở xa không hiểu tại sao GHPGVNTN Âu Châu lại hoạt động nhịp nhàng như vậy thì xin về đây tham dự khóa tu học kỳ thứ 18 nầy sẽ hiểu rõ thêm. Đồng thời quý vị cũng có thể tham dự khóa họp Đại Hội Khoáng Đại lần nầy để bầu lại thành phần Ban Điều Hành của Giáo Hội ở 2 cơ cấu gồm Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương và Hội Đồng Điều Hành. Đây là cơ hội để chúng ta chia xẻ những kinh nghiệm tu học tại các địa phương, đồng thời chúng ta sẽ kề vai gánh vác, đóng góp với Giáo Hội trong những công việc Phật sự từ trung ương đến địa phương, từ việc nhỏ cho đến việc lớn.
Đặc biệt trong khóa tu học lần nầy các anh em Tăng Ni trẻ cũng sẽ có một hay hai lần họp mặt để nói lên những ước vọng của mình trong vấn đề phát triển Phật Giáo Việt Nam tại Âu Châu, đồng thời đứng ra gánh vác những trách nhiệm cụ thể để chia xẻ với Giáo Hội và với những vị Trưởng Lão đã lãnh đạo Giáo Hội suốt hơn mấy chục năm qua. Có như thế tương lai của Giáo Hội mới được tươi sáng.
Riêng tôi chỉ nguyện cầu với cái nhân tốt như thế thì Giáo Hội chắc chắn sẽ gặt hái được nhiều quả tốt. Vì trong ấy những hạt giống chắc rất nhiều và hạt giống lép ít hơn. Đó là lời cầu nguyện và cũng là ý hướng của chúng ta nên đạt được, để cho bây giờ và mai hậu, con cháu của chúng ta sẽ được nhờ.
Mong rằng Hòa Thượng Chủ Tịch vẫn mãi là bóng cây đại thọ để che mát và lèo lái con thuyền của Giáo Hội. Đồng thời cầu nguyện cho quý Thầy, Cô trẻ trong Chi Bộ Đức Quốc của nhiệm kỳ 2003-2007 và của Hội Phật Tử nhiệm kỳ 2004-2008 thành tựu được mọi dự kiến như các bậc trưởng thượng đã tin tưởng và đặt niềm hy vọng nơi quý anh em Tăng Ni và quý vị Phật Tử.
Viết xong vào một sáng mùa Xuân năm 2006
tại thư phòng chùa Viên Giác
______________________________
Kinh nghiệm truyền bá và phát triển Phật Giáo tại Âu Châu – đặc biệt là Đức quốc
Thích Như Điển
Phương Trượng chùa Viên Giác Hannover – Đức Quốc
Đạo Phật như một cây đại thọ, có gốc rễ đã bám chặt sâu vào lòng đất của Á Châu hơn 2500 năm lịch sử. Do vậy gốc rễ ấy đã quá vững vàng để cho những cành lá ấy vươn cao mãi cho đến tận trời Tây và Phật Giáo đó ngày hôm nay đã có mặt khắp năm châu trên quả địa cầu nầy.
Sau khi vua A Dục (304 BC – 232 BC) quy y với Đạo Phật và gửi nhiều đoàn truyền giáo sang các nước Âu Châu như Hy Lạp, Iran, Irak, Alexandria…. Thì nghiễm nhiên giáo lý của Đức Phật đã có mặt tại các xứ Trung và Đông Âu này từ những ngày mà Thiên Chúa chưa xuất hiện. Vì vậy mà thuở bấy giờ những Tăng Sĩ và giáo đoàn cũng như tự viện đã được phát triển một cách hùng mạnh, đã chiếm cứ một phương trời triết học, nghệ thuật, văn hóa cũng như đạo đức tại những xứ này. Đó là kết quả của những nhà khảo cổ học gần đây đã khai quật được nhiều di tích tại xứ Alexandria cũng như tại Hy Lạp. Điều này chứng tỏ rằng Phật Giáo đã vang bóng một thời tại những xứ ấy.
Sau đó thì các đạo khác xuất hiện và Phật Giáo vốn chủ trương ôn hòa, bất bạo động; nên đã bị các tôn giáo khác như Hồi Giáo đã thanh toán, chiếm hữu và giết chóc cũng như phá hoại không biết bao nhiêu là tự viện, tu sĩ và những giá trị tinh thần khác. Ngay cả tại Ấn Độ; nơi quê hương của Đạo Phật cũng đã trải qua không biết bao nhiêu thăng trầm như thế. Phật Giáo không chùn bước với những thử thách và chịu đựng ấy; Phật Giáo đã nép mình vào sự tồn tại của dân chúng mà thị hiện qua niều hình thức khác nhau và trong những thời kỳ bị đánh hại như thế, Phật Giáo chỉ còn tồn tại trong những hình thức nghi lễ, cúng bái cũng như đức tin Trời Phật mà thôi. Đây chính là cái nhân để gìn giữ lửa trí tuệ cho những thời kỳ phục hưng sau nầy tại Âu cũng như Á Châu.
Đọc sử Âu Châu không thấy nói nhiều về sự hiện diện của Phật Giáo tại châu này vào những thế kỷ sau Thiên Chúa cho đến thế kỷ thứ 17, 18. Có lẽ vì ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo trong những thế kỷ ấy quá lẫy lừng tại châu này; nên Phật Giáo lại ẩn nhẫn đâu đó để tự tiếp cận về sau này, nơi những nhà triết học của Âu Châu chăng? Trải qua những lần chinh đông của quân đội các nước Âu châu để đi tìm thuộc địa, trong đó có Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp, Anh, Hòa Lan v.v... đã để lại nơi những con người khoa học Âu Châu trong khi tìm kiếm một giá trị tâm linh đích thực của những dân tộc Á Châu ấy thì họ đã bắt gặp Phật Giáo và cũng chính những người ra đi viễn chinh ấy họ đã mang về cho quê hương của họ những chiến lợi phẩm đã nhặt được tại Ấn Độ, Tích Lan, Việt Nam v.v... gồm những tượng Phật, kinh điển bằng tiếng Pali hay Hán văn. Kể từ đó những nhà nghiên cứu mới bắt đầu làm quen với Đạo Phật.
Như vậy, trong cái rủi lại có cái may và trong cái may ấy lại ẩn chứa những rủi ro khó lường được về sau nầy. Cái rủi là thuở ấy những người Á Châu chúng ta không có đủ phương tiện thuyền bè như người Âu Châu để chinh Tây như người Tây Phương đã đến chinh phục chúng ta vào những thế kỷ 16, 17, 18 và 19; nhưng được cái may là giáo lý của Đạo Phật được tự động tràn ngập vào Tây Phương từ hàng thượng lưu trí thức và từ đó giáo lý ấy đã được truyền bá rộng rãi trong khắp Âu Châu ngày nay.
Nhưng trong cái may ấy cũng có cái rủi là không có người lãnh đạo những phong trào học Phật này. Đúng là trăm hoa đua nở. Lý do chính đáng để trăm hoa nầy đua nở. Vì các nhà học phật Âu Mỹ nầy họ đã chán ngấy những tôn giáo độc thần, mọi quyền của con người đều được ban ơn bởi một vị Thượng Đế. Do đó mà họ muốn thoát ra khỏi những kỷ cương vốn đã trói cột họ suốt hơn 2000 năm nay. Đây là lý do chính để họ thấy rằng ở Đạo Phật có một cái gì đó công bằng hơn. Vì mọi người đều có khả năng thành Phật và ngay cả người nữ đối với Đạo Phật cũng có một vai trò và giá trị cao hơn là những Tôn Giáo khác; nên họ đã chấp nhận Đạo Phật một cách rất dễ dàng. Rồi từ đó họ đi vào giáo điển bằng tiếng Pali, Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản, Đại Hàn, Việt Nam và Phạn Ngữ.
Riêng tại nứơc Đức này cách đây hơn 200 năm có nhà văn đồng thời là triết gia đã bắt đầu làm quen với Phật Giáo. Đó là Schopenhauer (22.02.1778-21.09.1860), ông ta không hẳn là một Phật tử, nhưng ông đã thích giáo lý của Đạo Phật và hình ảnh tượng Phật đầu tiên đã có nơi phòng làm việc của ông vào những năm ở đầu thế kỷ 19 đã khiến cho những nhà Phật học khẳng định rằng: Phật Giáo tại xứ Đức nầy đã bắt đầu từ đó. Đồng thời với Schopenhauer, tại Việt Nam chúng ta có đại thi hào Nguyễn Du. Nguyễn Du đã phải tụng kinh Kim Cang hơn 300 biến mới hoàn thành được tác phẩm “Kim Vân Kiều” là một câu chuyện bên Trung Quốc nhan đề là “Thanh Tâm Tài Tử Truyện” hay “Đoạn Trường Tân Thanh” vốn dĩ là một áng văn xuôi rất bình thường đã xuất hiện vào triều nhà Minh, ở vào thế kỷ thứ 13, 14. Thế nhưng khi tác phẩm ấy đã vào tay cụ Nguyễn Du, là một bậc quan lại của ba triều([1]) nghiễm nhiên đã trở thành một tuyệt tác văn chương, mà có lẽ trước và sau đó trong lịch sử văn học Việt Nam không có tác phẩm nào có thể sánh bằng với tác phẩm nầy. Vả chăng tinh thần Tam Giáo đồng quy đã thể hiện được trong tác phẩm nầy qua cái nhìn biến thiên của lịch sử. Giả dụ, nếu tác phẩm này có tồn tại ở Trung Quốc trong 1000 năm sau nữa, cũng chỉ thế thôi. Nó sẽ trở về trong quên lãng. Nhưng ở đây may mắn nó đã lọt vào tay của cụ Nguyễn Du và chính nó đã làm đẹp đẽ giang sơn văn học Việt Nam, chứ không là của Trung Quốc.
Đạo Phật cũng như thế, khi du nhập vào các nước Âu Châu đã biến thể khá nhiều. Đầu tiên có những nhà nghiên cứu người Âu Châu sau khi thâm hiểu giáo lý của Đạo Phật ít nhiều, họ đã tự động sang Á Châu để xuất gia học đạo, trong đó có Ngài Nyanatiloka ([2])người Đức, Ngài sang Tích Lan kể từ sau đệ nhị thế chiến (1939-1945) và viên tịch tại đó. Trong thời gian Ngài ở Tích Lan, rất tích cực trong việc dạy Thiền cũng như phiên dịch những kinh điển từ tiếng Pali sang tiếng Anh và tiếng Đức. Ngài không về lại Đức. Vì lẽ xứ Đức đối với Ngài chưa có cơ duyên; trong khi đó Tích Lan là một xứ Phật Giáo; nên Ngài đã không rời bỏ nơi mà Ngài đã tu học trong nhiều năm tháng.
Rồi những năm đầu thế kỷ thứ 20 nầy, người ta đã để ý đến Zen của Nhật Bản, qua sự truyền bá của Daisetsu Suzuki (1870-1966), là người Nhật có vợ Anh và những tác phẩm của ông như “Easy Zen and Easy Practise” đã làm cho nhiều người Âu Mỹ, nhất là người Đức ưa chuộng phong thái mới nầy. Nó rõ ràng hơn và an ổn hơn là đi vào thế giới tiếng Pali không đơn thuần chút nào ở những giai đoạn đầu học Phật.
Rồi các triết gia Friedrich Nietzsche (1844-1900) hay Sigmund Freud (1856-1939) và Hermann Hesse (1877-1962) là những người không nhiều thì ít đã ảnh hưởng tinh thần khai phóng tâm linh của Phật Giáo qua tác phẩm „Ánh Sáng Á Châu“ (The Light of Asia) của Edwin Arnold (10.06.1932-24.03.1904). Để từ đó họ có những sáng tác độc đáo như “Đường về nội tâm” (Der Weg nach Innen) của Herman Hesse. Chính những tư tưởng của những triết gia này đã ảnh hưởng không ít đối với người đương thời và ngay trong hiện tại, không thiếu những người nhắc nhở đến họ.
Đặc biệt nhất ở xứ Đức này phải nhắc đến nhà Bác học Albert Einstein (14.03.1879-18.04.1955). Ông ta là người Đức gốc Do Thái sinh ra tại Neu Ulm thuộc miền Nam nước Đức. Lớn lên ông học hành cũng bình thường; nhưng sau đó nhờ đi dạy học tại Thụy Sĩ và nhờ phát minh thuyết tương đối (Reality Theory); nên đã được thế giới ngưỡng mộ. Sau đệ nhị thế chiến, ông di dân qua Hoa Kỳ và lập nghiệp cũng như chết tại đó. Ông đã viết rất nhiều sách và diễn thuyết rất nhiều nơi trên thế giới; nhưng với ông đặc biệt có ba điều mà người Phật tử chúng ta cần nên nhớ. Ông nói: “Điều thứ nhất, người Phật tử không cần đi tìm Đạo Phật nơi khoa học, vì trong Đạo Phật đã đầy đủ tính chất khoa học rồi.
Điều thứ hai, tôi (tác giả) không phải là một Phật tử. Nhưng nếu tôi theo một Tôn Giáo, tôi sẽ chọn Phật Giáo.
Điều thứ ba, kể từ thế kỷ thứ 21 trở đi không có Tôn Giáo nào có thể phát triển mạnh trên thế giới bằng Đạo Phật.”
Ta có thể nói rằng: Nhà Bác học Albert Einstein là một người Phật tử chưa quy y Tam Bảo và rất có thiện cảm với giáo lý của Đạo Phật mà ở vào cuối thế kỷ thứ 20. trên quả đất này có sáu tỷ người, trong khi đó Liên Hiệp Quốc đã chọn ông là người tiêu biểu và là cha đẻ của thuyết tương đối. Từ đó ta hãnh diện là một người Phật tử đã chọn đúng đường cho nội tâm của mình.
Đức Phật nói trong luận A Tỳ Đàm về việc thành lập các thế giới ([3]) đã khẳng định rằng vũ trụ nầy còn tồn tại lâu bền hay sẽ vỡ tung ra trong thời gian dài ngắn là do con người biểu hiện qua các việc: Có kính trọng cha mẹ, Thầy Tổ; có hòa thuận với anh chị em trong gia đình; có tu bát qua trai, làm lành lánh dữ hay không; chứ không phải quả đất nầy được cai quản bởi một vị chúa tể nào. Đây là một nhận định khoa học, khách quan mà Đức Phật đã dõng dạc tuyên bố như thế qua tuệ giác siêu việt chứng ngộ của mình.
Cũng như gần đây nhà Bác học Stephen Hawking (sanh 08.01.1942) là người Anh. Ông ta đã chứng minh như Đức Phật là thời gian không có bắt đầu và không có cuối cùng. Rõ ràng là giáo lý ấy đã được người Âu Mỹ và đặc biệt là những học giảcủa thế giới đã tán đồng. Do vậy đề tài “Phật Giáo trong thời đại mới: Cơ hội và thách thức” có lẽ sẽ không dừng lại đây mà sẽ triển khai ở nhiều phương diện, để Đạo Phật càng ngày càng được thăng hoa hơn.
Vào giữa thế kỷ thứ 20 một phong trào học Phật mới tại Âu châu nầy đã bùng nổ mạnh. Đó là Phật Giáo Tây Tạng. Qua hình ảnh của Đức Đạt Lai Lạt Ma mà giáo lý Mật Tông đã được truyền bá khắp nơi. Từ thành phần trí thức, đến những người dân dã đã đổ xô đi nghe Ngài thuyết giảng, hay muốn gặp gỡ Ngài để được ban phước lành và đặc biệt là học hỏi những tư tưởng thâm sâu của Phật Giáo Tây Tạng đi từ Nhất thừa, đến Bích chi Phật thừa, Bồ Tát đạo rồi mới vào được Kim Cang thừa. Đây là điểm son của lịch sử truyền thừa Phật Giáo trên thế giới.
Ở Đạo Phật không có cơ quan truyền giáo; nhưng ở Phật Giáo có một chất liệu thẩm thấu rất ly kỳ; nó giống như nước cứ chảy đến đâu là thấm vào lòng đất tại đó và không bị đất đẩy ngược lại. Nhìn lại lịch sử truyền thừa từ Ấn Độ qua Trung Hoa cũng thế. Thuở ấy Phật Giáo đã nhờ Lão Giáo nên đã thâm nhập vào đất Trung Hoa một cách dễ dàng; nếu chỉ qua con đường Nho Giáo thì có lẽ Phật Giáo đã giậm chân tại chỗ. Ngược lại Việt Nam chúng ta thì qua những nhà Nho và qua những bậc vua chúa mà Phật Giáo đã được truyền vào đây một cách dễ dàng. Phật Giáo Nhật Bản cũng thế. Thánh Đức Thái Tử (Shotoku Taishi) là một ông vua vào thuở thời Đường hưng thịnh bên Trung Hoa, ông ta cũng làu thông kinh sử; nhưng ngược lại đã chọn Phật Giáo làm quốc giáo cho thần dân. Ngoài ra trong điều 3 của Hiến pháp Nhật Bản lúc bấy giờ còn lấy Tam Quy Ngũ Giới cho vào đó để thực hiện việc cai trị dân của Thái Tử. Quả thật Đạo Phật đã ở trong lòng người.
Chúng ta cũng sắp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long lịch sử (1010 – 2010) chắc chắn không thể không nhắc đến Vạn Hạnh Thiền Sư vốn là một nhà Nho và đã bỏ Nho theo Phật và vai trò của Lý Công Uẩn trong việc trị nước an dân qua tinh thần của Phật học. Như thế chúng ta có thể khẳng định rằng Phật giáo đi đến đâu đã hòa nhập một cách tài tình vào tinh thần cũng như cách sống, phong tục, văn hóa, tập quán của nước đó.
Người Đức vốn là một dân tộc trọng kỷ luật và có tinh thần tự giác rất cao. Ngoài ra bên ngoài tuy họ lãnh đạm; nhưng bên trong có một quả tim rất từ bi, có một tình thương vô tận. Vì họ đã kinh qua những lò thiêu Do Thái của Hitler và trải qua chiến tranh đau khổ của đệ nhất và đệ nhị thế chiến; nên sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 họ đã dang tay ra để đón nhận hơn 100.000 người Việt Nam đến đây để tỵ nạn, sinh sống và bây giờ chúng ta đã và đang xây đắp cho quê hương nầy một viên gạch tâm linh của Phật Giáo vào tòa nhà cao nhất của 200 năm lịch sử truyền thừa nầy và dân tộc Đức đã chấp nhận Phật giáo một cách dễ dàng từ chính quyền trung ương đến địa phương. Từ những người thượng lưu trí thức, cho đến những người bình dân ở nhiều khía cạnh khác nhau. Đây quả thật là pháp Phật nhiệm mầu và hầu như đã không có một sự chống đối nào khi Phật giáo Việt Nam của chúng ta hội nhập vào xã hội nầy.
Vì người Đức quan niệm rằng: Một người không có đạo đức Tôn Giáo là người ấy dễ phá rối nền an ninh trật tự của xã hội nầy; nên chính quyền đã giúp cho Tôn giáo về văn hóa cũng như ổn định xã hội bằng phương pháp tạo điều kiện cho người có tôn giáo tham gia hoạt động Tôn giáo nhiều hơn để khỏi gây ra những tệ nạn trong xã hội, mà vốn dĩ công tác này là những chuyên đề của những vị lãnh đạo tinh thần của Phật giáo, có thể giúp đỡ cho chính quyền Đức ổn định trật tự trong xã hội nầy.
Ở đây người ta không cai trị dân bằng sự “gọi dạ bảo vâng” mà họ nghe tiếng nói từ dân và do dân đề nghị, cũng như giải quyết những nhu cầu của người dân, trong đó có vấn đề Tôn giáo, là một vấn đề ưu tiên mà nhà nước phải đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần của họ. Có như thế cuộc sống xã hội mới được an bình và quốc gia mới được thịnh trị.
Tôi vốn xuất thân là một nhà giáo dục Phật giáo đi từ Á sang Âu và khi đến đây, thấy vấn đề tổ chức xã hội của họ có quy củ và chặt chẽ như thế nên đã cúi đầu chào khâm phục và bắt tay cộng tác để làm những công việc xã hội văn hóa mà Tôn giáo của mình vốn đã không xa lạ gì trong mấy ngàn năm lịch sử tại quê hương Việt Nam yêu dấu ấy.
Đem chuông đi đánh xứ người, quả không phải là điều dễ dàng gì; nhưng riêng cá nhân tôi đã cố gắng qua 47 tác phẩm bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau như: Việt, Anh, Hoa, Nhật, Đức ngữ đã và đang đóng góp phần mình về vấn đề tâm linh cho ngôi nhà Phật Giáo tại Đức nầy.
Theo tôi nghĩ những bậc Tổ Sư của chúng ta như Ngài Ma Đằng, Ngài Trúc Pháp Lan khi qua kinh đô Lạc Dương của Trung Quốc vào thời nhà Hán chắc rằng các Ngài cũng bỡ ngỡ lắm, vì ngôn ngữ không thông; nhưng qua kinh tứ Thập Nhị chương mà quý Ngài đã phiên dịch tại chùa Bạch Mã và những bản kinh sau đó, quả đã đóng góp và tích tụ bằng nhiều năm tháng kinh qua để được hội nhập vào cuộc sống tâm linh ấy thuở bấy giờ, quả thật vấn đề ngôn ngữ là vấn đề tối trọng đại.
Người Nhật có câu tục ngữ rằng:
“Go ni ireba, go ni sitagae”. (vào làng phải theo làng đó)
Người Trung Quốc có câu:
“Nhập gia tùy tục, nhập giang tùy khúc”
Và người Anh có câu:
“When you are in Rome do as Romans do”
Quả là sự ly kỳ cho việc truyền thừa Phật Giáo tại xứ nầy.
Ở Đức, Phật Giáo Việt Nam mới có mặt độ 30 năm; nhưng Phật Giáo đã bước đi những bước rất chậm và chắc như câu tục ngữ Đức: “Langsam aber sicher” (chậm mà chắc) và hy vọng ở thế hệ thứ 2, thứ 3 trở đi Phật Giáo Việt Nam sẽ có chân đứng vững chãi tại xứ nầy ([4]). Một điều rất rõ ràng là bây giờ người Đức có một số lớn đọc, tụng được kinh tiếng Việt và người Việt sinh ra và lớn lên tại xứ Đức nầy bắt đầu từ thế hệ thứ 2 trở đi đã đọc, tụng kinh được bằng tiếng Đức. Đây là một sự giao thoa về mặt văn hóa và Tôn Giáo mà chúng ta thật ra khó có một cơ hội định trước. Có lẽ các pháp tất cả đều do nhân duyên sanh và tất cả các pháp cũng sẽ do nhân duyên diệt. Nếu thuận lợi thì sẽ tồn tại và phát triển. Nếu nghịch duyên thì giáo lý ấy sẽ ẩn mình, hoặc chuyển sang một hướng khác để tự tồn. Điều này lịch sử đã chứng minh và dĩ nhiên lịch sử không là vấn đề lập lại mà lịch sử là sự trải dài của thành, trụ, hoại, không.
Vui, buồn, khen, chê, được, mất, lợi, bất lợi v.v… đó chẳng qua là những đối đãi trong cuộc đời và tất cả không thật tướng. Vì thật tướng của chơn lý vốn là không như trong Bát Bất Trung Đạo, Ngài Long Thọ (Nagarjuna) đã dạy cho chúng ta gần 2000 năm lịch sử rồi.
Đối với khoa học cái gì càng mới bao nhiêu, càng có giá trị bấy nhiêu. Vì đó là những sản phẩm của văn minh và trí tuệ. Còn đối với Tôn Giáo, những gì càng cũ kỹ bao nhiêu và được tồn tại qua thời gian năm tháng lâu dài thì đấy chính là văn hóa và đấy chính là niềm tin vào một Tôn Giáo. Nhưng điều quan trọng nó không nằm trong chiều dài của lịch sử tồn tại Tôn Giáo đó, mà nó chỉ có giá trị của bề dày lịch sử và cuộc đời mà tôn giáo ấy đã, đang cũng như sẽ đóng góp cho nhân loại mà thôi.
Tôi xa nước từ năm 1972 để đi Nhật và qua Đức trực tiếp từ Nhật năm 1977. Cho đến nay ở ngoại quốc đã gần 35 năm và ở Đức gần 30 năm chưa một lần về thăm xứ; ngoại trừ năm 1974 có 1 tháng thăm quê. Thế nhưng quê hương và đất nước là những tình tự dân tộc mà người con xa xứ không được quyền quên. Vì nơi đó đã sinh ra mình và nuôi mình lớn lên thành người. Nay Thượng Tọa Giáo Sư học giả và Sử gia Trí Siêu Lê Mạnh Thát tổ chức được một buổi hội thảo khoa học về Phật Giáo trong thời đại mới như thế nầy, quả là điều đáng ngưỡng vọng và thán phục biết bao. Ở xa, tôi chưa về thăm quê được; nên xin gởi bài này để đóng góp vào việc phát triển Phật Giáo Việt Nam trong mai hậu và xem đây như là một chút tình quê của người sống ly hương đang vời trông về cố quốc.
Kính chào tất cả liệt quý vị.
Viết xong vào một sáng mùa hạ tại thư phòng chùa Viên Giác.
([1]) Đó là triều chúa Trịnh ở Đàng Ngoài. Triều Nguyễn Huệ Tây Sơn và triều Gia Long Nguyễn Ánh
([2]) Antom Gueth, 1878 - 1957
([3]) Do TT. Thích Như Điển dịch từ chữ Hán sang tiếng Việt – Sariputra Giáo Dục Từ Thiện Hội xuất bản năm 2006 tại Hoa Kỳ.
([4])Xin đọc thêm sách tiếng Đức, của Dr Martin Bauman về sự hình thành của Phật Giáo Việt Nam tại Đức
________________________
mùa cây trái
Thích Như Điển
ức Phật thường dạy rằng: „nhân nào quả đó“; „gieo gió gặt bão“; „nhân thiện quả thiện, nhân ác quả ác“; hoặc ông bà mình cũng có câu tục ngữ: „ăn cây nào rào cây ấy“; „ăn quả nhớ kẻ trồng cây“; „uống nước nhớ người đào giếng“; v.v... Nếu nói cho hết những ca dao, tục ngữ, ngạn ngữ của Việt Nam và Phật Giáo, chắc phải cần đến cả một quyển Tự Điển dày mấy trăm trang mới diễn tả hết được những ý tứ sâu sắc của từng sự việc mà người xưa không muốn nói dông dài, chỉ tóm gọn trong 5 hay 10 chữ là đủ để nói lên việc muốn nói, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng như thường.
Không riêng gì dân tộc Việt Nam chúng ta có những tục ngữ, phong dao, ngạn ngữ ấy mà cả người Trung Hoa, người Nhật, người Đức, người Pháp, người Anh cũng đều có những loại ngôn ngữ như thế. Nếu một người ngoại quốc nào học một ngoại ngữ mà có thể xử dụng thành thục những phong dao, tục ngữ, cách ngôn của tiếng địa phương ấy, tức là người ngoại quốc đó nói ngôn ngữ ấy giỏi rồi, sẽ được người địa phương khen ngợi và hàm ý rằng: „Kẻ ấy là người đáng quý, vì hiểu được bản tính dân tộc của mình“. Nếu một người ngoại quốc, học một ngoại ngữ mà nói không đúng văn phạm hoặc phát âm sai, thì người địa phương ấy sẽ cười. Do vậy nếu ta có cơ hội tìm hiểu một dân tộc; nên đi sâu vào ngôn ngữ và phong tục của dân tộc ấy.
Hôm nay tôi không muốn trình bày với quý vị về phạm trù ngôn ngữ, vốn đa dạng ấy; mà chỉ muốn diễn tả „một niệm tri ân“ qua ngôn ngữ đối với những công việc bình thường trong cuộc sống hằng ngày. Thông thường ai trong chúng ta trong hiện tại cũng tất bật với công việc ở sở, ở nhà, ở trường. Công việc xong lo về nhà tắm rửa, xem truyền hình, hỏi han qua loa vợ con, rồi ăn uống, đọc báo và sau đó là ngủ nghỉ để bồi dưỡng sức khỏe cho ngày hôm sau với công việc, trách nhiệm và bổn phận của mình; nhằm tạo cho mình một chỗ đứng, giữ vững chỗ làm. Có như thế mới đảm bảo kinh tế gia đình, để nuôi vợ nuôi con và lo những chuyện lặt vặt khác. Khi có tiền người ta có thể mua „nước“, mua „gạo“, mua „danh“, mua „địa vị“, v.v... đâu cần hiểu và nghĩ về làm gì cho mệt óc đối với những người làm cho ta có cái ăn, cái mặc; vì lẽ thời giờ không cho phép. Đây là lý do chính của cuộc sống hôm nay chăng ?
Riêng tôi chắc có một vài điểm khác. Vì lẽ tôi được sinh ra tại miền quê của xứ Quảng, nơi có ruộng đồng, cỏ dại. Nơi ấy có con trâu đi cày, có người đàn bà cấy mạ, có thợ gặt khi mùa tới. Có con sông Thu Bồn hiền hòa chảy qua cầu Câu Lâu dẫn xuống Phố Hội, mà ngày xa xưa ấy tôi đã theo cha mình đi trên những chiếc thuyền nan xuôi về Phố Hiến, nằm ngửa trên sàn ghe để xem trên trời có mấy vì sao và vào Hội An để thưởng thức những tô Cao Lầu, mùi thơm nghi ngút bốc khói. Những kỷ niệm ấy 50 năm về trước, bây giờ đã qua rồi. Hội An ngày nay là địa điểm du lịch nổi tiếng của cả nước và đa phần là khách ngoại quốc đến viếng thăm, ai ra về cũng vừa ý. Nhưng không biết tô Cao Lầu có còn mùi vị như xưa không và chắc chắn những con đường làng quê bây giờ đã tráng xi-măng và lót gạch chứ không còn nhầy nhụa như thuở nào và người thợ cày, thợ cấy ngày nay có nhàn rỗi hơn những ngày trước chăng?
Xa rồi một thời vang bóng; nhưng chắc rằng cái ăn, cái mặc không khác mấy khi con người đã có mặt trên quả địa cầu nầy. Dẫu cho khoa học có tiến bộ bao nhiêu đi chăng nữa thì người ta cũng cần phải ăn uống mới sống được. Đặc biệt những kẻ đã chứng đạo hoặc chúng sanh cao hơn cõi người thì không cần đề cập đến; chứ những chúng sanh từ cõi người trở xuống chắc chắn cần phải „có thực mới vực được đạo“. Ở đây tôi không bàn về việc ẩm thực mà như trên có nói là: một niệm tri ân. Riêng chữ Hán có thể nói là cảm niệm tri ân(感 念 知 恩).Nói gọn là cảm ân hay cảm ơn. Chữ cảm ơn của Việt Nam chúng ta là nói trại từ 2 chữ cảm ân đó. Nếu phân tích ra thì cả 2 chữ đều có bộ tâm ở phía dưới. Ở đây ý nói việc ấy liên quan đến lãnh vực tinh thần.
Chữ Cảm (感) gồm chữ hàm (咸)ở trên và bộ tâm ở dưới. Chữ hàm có nghĩa là khắp cả, đều hết. Cái tâm mà biến đều khắp nơi thì gọi là cảm. Cảm đây cũng có nghĩa là „cảm hóa“ đến mọi loài và mọi người.
Còn chữ Ân (恩) ở trên có bộ nhơn hay chữ nhơn. Có nghĩa là nguyên nhơn, nhơn tố lúc ban đầu, mà nguyên nhơn ấy qua cái tâm biểu hiện lại trở thành ân nghĩa nghìn trùng.
Còn chữ Niệm (念) có nghĩa là nhớ nghĩ đến, mà nhớ nghĩ ngay bây giờ qua cái tâm ấy liên tưởng đến.
Chữ Tri (知) gồm có bộ thỉ, tức là mũi tên và bộ khẩu tức là cái miệng. Cái miệng con người phát ngôn ra lời nói nhanh như mũi tên và mũi tên ấy sẽ mang đến cho chúng ta cả điều lợi lẫn điều hại; nếu chúng ta không biết kiểm soát qua cái tâm của mình. Do vậy mà cái niệm tri ân nó bao gồm những ý nghĩa sâu xa như thế đối với bất cứ một lãnh vực nào thuộc về trong đời sống của mình.
Ở trong chùa Nhựt tôi thường được nghe dạy rằng: Bao giờ cũng phải có cái niệm tri ân ấy đối với mọi người và mọi vật ở chung quanh ta. Ta phải nên nói: „Hai“ nhiều hơn nói „iie“. Nói „Yes“ nhiều hơn nói “No“. Nói „Oui“ nhiều hơn nói „Non“; nói „Tui“ nhiều hơn nói „Butui“; nói „Ja“ nhiều hơn nói „Nein“, v.v... dẫu cho ngôn ngữ nào đi chăng nữa thì nó cũng biểu hiện cái đức tính khiêm cung, cần mẫn, lễ độ của người cho cũng như kẻ nhận trong vấn đề nầy mà thôi. Trong trường hợp nầy nếu có người nào đó đến xin ta một món tiền mà trong túi ta thật tình không có. Nếu ta nói „Yes“ phải tính sao đây? Dĩ nhiên không phải là lối bí. Nếu người tu theo hạnh bố thí, thì ta có thể đi mượn tiền để cho; hoặc giả hứa cúng và khi nào có tiền thì ta sẽ cúng vào. Việc ấy không muộn. Trong khi đó, nếu người không sẵn sàng nói „Yes“ mà chỉ sẵn sàng nói „No“ thì dầu cho trong ngân hàng của người ấy có bạc vạn đi chăng nữa, họ cũng vẫn chưa sẵn sàng để bố thí, vì tâm họ chưa phát. Tôi học cách nói „Yes“ để tâm mình lúc nào cũng sẵn sàng cho mọi lẽ sống trong cuộc đời. Dĩ nhiên đôi khi cũng cần phải nói „No“, không phải để bảo vệ cái tự ngã của mình mà phải biết kiểm soát lòng từ bi của mình phải qua sự sàng lọc của trí tuệ, lúc ấy sự hành xử mới có thể gọi là tương đối được.
Trời mùa Đông ở Âu Châu, đặc biệt là ở nước Đức rất lạnh. Nếu ai muốn trồng một cây nào đó, dĩ nhiên là phải chăm sóc thật kỹ và phải dưỡng nuôi ở trong phòng khách hay nhà kiếng. Còn trồng cây ăn trái Á Châu tại xứ Đức nầy phải nói rằng phải trải qua nhiều mùa mưa nắng và rút tỉa kinh nghiệm mới có thể làm cho cây xanh và ra trái đúng mùa được. Nếu không biết canh chừng thời tiết thì chỉ có uổng công gieo giống; nhưng sẽ không bao giờ gặt được kết quả nào. Ở đây tôi muốn cảm ơn công khó của Bác Sáu, Bác Hoành, anh Thiện Lượng, anh Dũng, Bác Minh Tôn và những người trực hay gián tiếp khác đã tạo nên cây cảnh và cây trái vườn chùa Viên Giác tại Hannover trong những năm tháng qua.
Đặc biệt là Bác Sáu đã chăm sóc vườn chùa từ năm 1990 đến nay, kể cũng đã 16 năm rồi còn gì nữa. Ngày xưa khi Bác gái còn sống thì hai Bác vẫn đi chùa. Bác gái lo bếp núc, bánh trái bên trong, thì Bác trai lo vun xới liếp rau hay tưới bầu, tưới bí bên ngoài vườn. Ngày nay Bác gái đã ra đi và Bác trai vẫn tiếp tục công việc của mình. Đây cũng là một việc cần phải xử dụng chữ tâm nhiều lắm.
Tôi để ý vào những ngày cuối tháng 3 dương lịch là Bác đã săm se những hạt bầu, hạt khổ qua đem ra ương vào trong những chậu nhỏ đặt gần sưởi ở trong phòng. Chừng vài tuần sau thì cây bầu, cây khổ qua con đã bắt đầu vươn lên khỏi mặt đất. Bác dưỡng cho cây bầu và cây khổ qua cả tháng tư, nhiều khi đến cuối tháng 5, sau khi lễ Phật Đản, Bác mới xuống bầu và xuống khổ qua. Trồng bầu và khổ qua tại xứ nầy công phu lắm. Nghĩa là sáng viếng chiều thăm mới mong cho cây lên cao được. Nếu chỉ bỏ thí cho đất trời thì chỉ có lợi cho loài sâu bọ mà thôi.
Trước khi xuống bầu vào vạt đất chính phía sau chùa, Bác xem trời, trăng và đoán thầm để biết ngày tháng cho hoa, kết trái; hoặc giả xem chừng thử thời tiết có trái gió trở trời gì chăng. Đoạn Bác che những gốc bầu và gốc khổ qua lại, sợ đêm xuống sương lạnh sẽ làm cho gốc bầu bị chết lạnh đi. Bác nuông chiều cây bầu và cây khổ qua như người mẹ cho con bú mớm ở tuổi mới lọt lòng. Bác quan sát từng tượt bầu quấn vào những thanh tre nhỏ để bò lên giàn, Bác dìu cây bầu lên giàn như dìu những đứa con đầu đời của mình đi vào cuộc sống mới. Khi bầu và khổ qua đã bám rễ nơi đất thì Bác bắt đầu cho phân và giục bầu phát triển nhanh hơn theo bí quyết và kinh nghiệm riêng của mình. Đố ai biết được tại sao có nhiều người trồng khổ qua và bầu chỉ ra toàn là lá; hoặc nếu có cũng chỉ vài quả thôi. Riêng Bác Sáu, bầu chưa lên giàn đã có trái và trái thật là sai. Đây là bí quyết của Bác. Nếu quý vị nào cần trồng bầu thì xin hỏi riêng Bác, chứ tôi không giải thích chung ở đây được. Rồi khi bầu nở bông và nở hoa, quý Bác là người làm mai mối cho chúng, thay vì ong bướm làm nhiệm vụ nầy. Nhiều khi tôi nghĩ: Cây cỏ vốn vô tình; nhưng chúng cũng có sự sống đấy chứ. Cùng trong một dây bầu, mà có cả nhụy đực lẫn nhụy cái và chúng lại xen đan vào nhau để tạo ra những chủng tử của bầu con. Từ đó ta nghiệm thấy con người cũng vậy. Trong mỗi con người của chúng ta đều mang 2 tính chất song hành. Đó là nam tính và nữ tính. Nếu người nào nam tính mạnh hơn thì thì tính người nam trở thành một người nam lịch lãm. Còn người nào nữ tính mạnh hơn thì cái nữ quyền sẽ lãnh đạo thân cũng như tâm của người ấy. Do vậy Phật nói trong kinh Hoa Nghiêm thuyết „trùng trùng duyên khởi“ là vậy. Vì trong cái nầy lại có cái kia và trong cái kia lại có cái nọ. Cái nầy sanh thì cái khác diệt và diệt chỗ nầy lại sanh chỗ kia. Cứ thế mà tạo vật biến đổi không cùng.
Năm nay (2006) từ tháng 6 đến tháng 8 ba giàn bầu của chùa Viên Giác thu hoạch không dưới 300 trái. Có loại ăn, cúng trai tăng; có loại phát hành, có loại là tặng phẩm cho những người làm công quả. Hầu như mỗi nấc ra một trái; trái đâu mà trái lạ thường; quả bầu xinh xinh dễ ngắm mà trông ra ai cũng thích. Tuy vị của bầu không ngon gì và cũng khó nấu; nhưng nó là dòng giống của quê hương từ Á Châu xa xôi mang đến; nên ai cũng muốn nếm vị của bầu. Trong khi đó những người Đức qua lại xem bầu cũng trầm trồ; nhưng chẳng biết gọi đây là quả gì? Vì xứ Đức nầy không có giống quả ấy. Tôi bảo họ đây là Zucchini của Á Châu. Dĩ nhiên nó có tên khoa học riêng của nó; nhưng giải nghĩa đến bao giờ thì người Đức mới hiểu được điều nầy.
Bác Sáu biết cắt đọt bầu chỗ nào và lúc nào và bao giờ thì bầu sẽ ra trái. Còn tôi nhìn vào thì chỉ thấy dây nào cũng giống như dây ấy thôi, làm sao mà cắt chỗ nầy bỏ chỗ kia cho đành được. Quả là kỳ công của người làm vườn là vậy. Câu chuyện chưa chấm dứt ở đây; tôi sẽ đưa quý vị lần lượt đi xem hết rau cải, rau quả vườn chùa Viên Giác để nói lên tấm lòng tri ân đối với Bác cũng như với đất trời vạn vật đã mang chất liệu sống đến cho con người từ „đất mẹ“ mà ra. Thật thế, tất cả đều từ đất, đất đã cho ta đồ ăn như rau, quả, lúa, gạo, đậu, mè, táo, lúa mì, cây cối v.v... và nước cũng như phân bón đã giúp cho cỏ cây được tồn tại với thời gian năm tháng.
Trồng khổ qua còn cực khổ hơn là trồng bầu nữa. Vì thân khổ qua quá yếu mềm như những công nương nơi vương phủ. Do vậy mà Bác Sáu càng phải chiều chuộng nhiều hơn nữa. Nào là ngắm tới ngắm lui, bắt qua chỗ nầy, chận chỗ kia lại cho tượt, cho mầm, cho nụ không làm khổ lụy cho nhau. Thật là một kỳ công vậy. Nếu bầu cần nhiều nước, thì khổ qua cần ít nước hơn. Chữ khổ có nghĩa là cực khổ mà cũng có nghĩa là đắng cay; chữ qua có nghĩa là dưa. Khổ qua có nghĩa là dưa đắng. Người ta dịch tiếng Đức là Bittermelone cũng không sai với nguyên ngữ của nó là bao. Có người nghe theo âm và liền hiểu rằng: Nếu ăn dưa nầy thì sự khổ sẽ qua đi. Do vậy có nhiều người thích ăn; nhưng đồng thời cũng có nhiều người ăn không được. Vì đắng quá! Ai trong đời nầy mà chẳng mong sự khổ sớm qua đi; nhưng điều ấy còn lệ thuộc bởi nhơn duyên và nghiệp lực nữa. Nếu không bị ràng buộc vào nhân duyên thì hóa ra nhân quả của nhà Phật không đúng sao?
Năm nay (2006) khổ qua không được mùa mấy. Ngược lại bầu và bí rợ (bí sáp) thì quá được mùa. Đến nỗi nhiều người đến thăm chùa và ra viếng cảnh thấy cây cảnh liền nói: „Bầu Bác Sáu năm nay sai trái dữ ha!“ quả là câu nói vô tình; nhưng cũng vui vui và có người còn nói: „ Thôi thì gọi Bác Sáu Bầu cho nó tiện thay vì nói Bác Sáu Lầu như xưa nay“. Vì lẽ Bác trồng bầu cho chùa đã vào hàng thượng nhơn, chuyên nghiệp.
Bí rợ tiếng Hán gọi là Đông qua; có lẽ loại bí (dưa) nầy đến từ phía Đông. Còn dưa hấu gọi là Tây qua. Từ đó ta biết là dưa hấu đến từ phía Tây; nhưng tiếng Anh và tiếng Đức gọi là Water Melon hay Wassermelone là không đúng với nguyên ngữ rồi. Có lẽ do ai đó dịch sai từ lúc ban đầu. Ở Đức nầy, đặc biệt ở vườn chùa Viên Giác không trồng dưa hấu mà chỉ trồng bí rợ. Bác Sáu chọn giống bí sáp Việt Nam, trái nhỏ nhưng ăn rất ngọt. Có nhiều người tặng nhau ít dám tặng bí. Vì sợ người đối diện không ưa nhận; hay bầu thì tự mua, chứ ít ai tặng bầu. Đây là những sự kiêng cữ theo thói quen, chứ ý nghĩa thì không phải vậy. Riêng nhà chùa thì không kiêng cữ gì cả. Vì có phép nào hơn phép Phật đâu mà sợ xui xẻo. Ở đời hay tin dị đoan, chứ ở chùa thì không hẳn như thế. Tin ở Tam Bảo là đầy đủ chất liệu để ta đi đến chỗ giác ngộ giải thoát rồi. Còn dị đoan mê tín chỉ là những tín ngưỡng của dân gian mà thôi. Cách trồng bí rợ không khó như trồng bầu hay trồng khổ qua. Tôi ví bí rợ như con nhà nghèo, khi sinh ra bỏ lăn lóc đó, khóc đã đời lại nín; chứ chẳng có người giữ trẻ để nuông chiều dỗ dành như „cô bầu“, „cậu khổ qua“ kia. Trông bí rợ mà cảm đến thân phận của tự thân, phải tự phấn đấu vươn lên thì mới có đất sống, chứ chẳng có ai bắc giàn sẵn cho mình leo đâu. Phải tự tìm lấy mà bò.
Ngoài ra Bác Sáu cũng có trồng Zucchini của Đức; giống nầy là giống rau địa phương nên rất dễ trồng. Chỉ cần ương hạt ngoài trời trong khoảng tháng 5 chứ không cần ương trong nhà như bầu hay khổ qua. Zucchini trái lớn và dễ ăn. Mỗi ngày Bác hay hái cả xe cần xé chở vào bếp; quý cô sẽ kho hoặc nấu canh, ăn bùi bùi như khoai tây, không ngon lắm; nhưng là món dễ nấu. Suốt mùa Zucchini ra cả hàng năm bảy trăm trái. Vả lại ngoài chợ Đức cũng có bán nên ít người chú ý đến Zucchini nầy.
Rau răm, rau húng, ngò, cải bẹ xanh, tía tô, rau dền, rau mồng tơi, rau tần ô, v.v... mỗi loại rau đều có cách chăm sóc riêng của nó. Người Việt mình đa phần thích rau tần ô và cải bẹ xanh. Vì lẽ dễ ăn. Những loại nầy có thể ăn sống, hoặc luộc, hoặc chiên, hoặc xào, hoặc nấu canh đều được cả. Trong 3 đến 4 tháng của mỗi năm vào mùa hè, Bác Sáu thường gieo đến 4 hay 5 lần như thế. Lần nào cũng tốt, cũng xanh và ăn rất ngọt. Phân thì Bác dùng bã đậu nành và thân, lá cây đã được xay nhỏ. Thỉnh thoảng mới thấy vài hột phân màu xanh hóa học; nhưng họa hoằn lắm Bác mới bỏ vào gốc. Vì lúc ấy chính là lúc Bác muốn thúc giục cho cây lên nhanh hơn để trúng mùa Phật Đản hay Vu Lan về, khi có khách hỏi mua mà không có thì cũng bị phiền, do đó Bác dùng phương tiện vậy.
Rau răm rất khó trồng; nhưng rau húng thì rất dễ. Chỉ cần bỏ phân tưới nước là rau lên. Mùa Đông không cần phải đem vào nhà; cứ để nguyên ngoài vườn và khi tuyết phủ lên bên trên cũng có nghĩa là rau húng và rau diếp cá đang có một giấc ngủ say suốt cả 5 tháng trường, để mùa xuân sang năm, những loại rau nầy tự động vươn mình lên khỏi tuyết để chào đón ánh thái dương và loài người cứ ngắm nghía theo sự trưởng thành ấy mà chọn làm thức ăn cho mình trong những tháng ngày đầu xuân có nắng trời ấm áp.
Rau dền đỏ thì cần để hạt giống cũng như rau xà-lách, nhằm sang năm có giống để gieo một hay nhiều lứa; nhưng ngược lại rau dền dại màu xanh thì không cần lấy hạt. Cây của năm trước trổ bông rồi rớt hạt xuống đất. Cây con năm sau tự động mọc lên để cung ứng nhu cầu. Tuy là một loài rau dại nhưng ăn rất ngon, có vị bùi bùi và con người thường không thương mà cũng chẳng ghét. Có thể gọi rau nầy là rau Trung Đạo chăng ?
Một loại rau nữa rất khó trồng ở xứ nầy, đó là: Rau muống. Tại sao gọi là rau muống thì tôi không biết. Không biết chữ nầy xuất xứ từ đâu và do ai đặt ra; chứ tiếng Nhật và tiếng Tàu đều gọi là: Không Tâm thái. Nghĩa là rau ruột rỗng. Có lẽ tiếng Tàu và tiếng Nhật có lý hơn. Chứ tiếng Việt chữ muống có „g“ nó không có ý nghĩa gì cả. Ở Việt Nam đặc biệt là tại miền Bắc, rau muống vốn là món ăn bình dân thường nhật, chẳng có nhà nào mà không dùng đến. Miền Trung và miền Nam cũng thế. Nhưng rau muống ở Việt Nam đa phần là rau muống nước. Nghĩa là chúng sống thành từng bè trên mặt nước. Cứ đến ngày tháng là người ta cắt đọt đem ra chợ bán, độ nửa tháng sau lại nứt lên đọt mới. Cứ thế quanh năm suốt tháng chẳng cần phải trồng, cũng chẳng phải tưới nước bón phân. Còn rau muống ở đây muốn ăn vào mùa Đông thì đây là loại rau quý phái, đài các lắm đó. Hình như cả 10 US đô-la một ki-lô đấy! Cả gần 30 năm rồi tôi chưa đi chợ nên không biết thị trường giá cả; nhưng nghe đâu là như thế. Tôi thấy Bác Sáu đem hạt rau muống ra gieo vào đất khô, để trong thùng có đáy và đậy lại cho vào nhà kín. Lần đầu tôi thấy hơi lạ. Vì ăn rau muống đã mòn răng, có bao giờ thôi thấy được hạt rau muống đâu?! Bây giờ ở Đức nầy lại thấy. Quả là điều không bình thường. Độ 5 hay 7 ngày sau tôi quan sát thấy mầm rau muống đã trồi lên khỏi mặt đất và Bác để cho cao độ 1 tấc thì đổ nước vào. Rau muống cứ theo mặt nước mà vươn cao lên, cứ thế và cứ thế; khi đến độ dùng được thì Bác cắt vào cho nhà bếp. Mỗi năm Bác cắt độ 4 hay 5 kỳ. Mỗi kỳ chừng mấy kí-lô. Có lẽ rau muống khó trồng nên Bác ít chăm sóc loại rau nầy, vì tốn thì giờ cho nó nhiều quá mà thành quả chắc không bằng bầu, bí cũng nên.
Một loại đậu địa phương – đó là đậu que và đậu đỏ cũng được Bác trồng bên hàng rào của chùa. Đậu ăn không ngon lắm; nhưng cũng là món ăn giặm cho chùa rất thường thấy. Đậu nầy ương thẳng vào mặt đất vào khoảng tháng 5 và sau đó đậu phát triển nhanh, cho lá, hoa và nụ. Trong mỗi năm cô Hạnh Châu, cô Hạnh Ân mỗi ngày đều hái và theo tôi nghĩ chắc cũng có cả trăm kí-lô là ít.
Vườn chùa Viên Giác tuy nhỏ; nhưng cây trái đều nhiều. Đây là do công chăm sóc đặc biệt của Bác Sáu và tiếp đến là Bác Hoành. Còn anh Thiện Lượng thì chăm sóc bên Cốc Vô Học. Mỗi năm vào dịp Xuân, Hạ, Thu chùa Viên Giác ít tốn tiền chợ để mua rau. Vì đã có vườn chùa cung cấp. Lượng rau không nhỏ để cung cấp cho 30 đến 50 người dùng hằng ngày, thì đây đúng là „nhân nào quả ấy“ như trên tôi đã trình bày. Vì cái nhân là tạo dựng cho chùa có một vườn cây cảnh đẹp và cái quả là cây trái phủ phê, ăn, cho, biếu đề huề mà hoa lợi nhà chùa vẫn ngày càng tăng chứ không có giảm. Cũng chính cái nhân, vì tôi là một người tu nhưng thuộc gốc gác nhà quê của quê hương xứ Quảng, nên rất say mê với cây cảnh ruộng đồng. Tôi đoan quyết rằng nếu không có những gốc rạ quê hương đó thì ngày nay tôi đã chẳng phải là tôi trong hiện tại.
Viết như thế để nghĩ và nhớ về những người đã có công mang đến cho ta cái ăn, cái mặc. Trong đó sự nhớ ân và tri ân không thể nào thiếu được đối với kẻ tu hành như chúng tôi. Viết cũng để nhớ về cha và mẹ, hai đấng sinh thành đã khuất bóng. Người cũng từ gốc rơm, bờ giậu mà nuôi con tu học thành người. Viết để nhớ về Thầy, một con người dũng khí, lúc nào cũng trồi lên khỏi sự áp bức và bất công. Viết để nhớ về những người anh, người chị đã và đang trải dài tấm lưng của mình dưới ánh nắng của quê hương, để được sống còn và đã có cái ăn cái mặc. Viết để nhớ lại những người nông dân xứ Quảng chân lấm tay bùn, suốt đời tận tụy vì chồng, vì con, vì gia đình, vì xã hội, đã làm lụng bằng chân tay, hy sinh mồ hôi và sức lực của mình để chan rưới cho ruộng đồng thêm mầu mỡ. Nhờ đó mà những kẻ sĩ dẫn đầu đất nước mới có cái ăn để thành người. Ngày xưa Nguyễn Công Trứ bảo rằng: „Nhứt sĩ, nhì nông“; nhưng Trần Tế Xương đã bảo rằng: „Hết gạo chạy rông, nhứt nông nhì sĩ“. Nếu có sĩ mà không có nông cũng không được; ngược lại cũng như thế. Tuy xã hội có chia ra nhiều giai cấp khác nhau; mỗi người làm mỗi nhiệm vụ khác nhau; nhưng mục đích giống nhau là làm sao cho con người thoát ra khỏi cảnh đói nghèo, cơ cực. Trong khi đó Đức Phật lại chủ trương „Phật tánh giống nhau“. Do vậy mà con người vốn tầm thường nhỏ bé; nhưng cũng đã làm nên lịch sử phi thường, dầu cho đó là kẻ chăn trâu, người cày ruộng, kẻ làm vườn, hay những người dân quê mộc mạc khác.
Tôi vốn quan niệm rằng: „Phi cổ bất thành kim“. Nghĩa là không có cái cũ thì sẽ không có cái mới ngày hôm nay. Nếu kẻ nào đó chỉ „chọn mới, nới cũ“ quả thật kẻ ấy đã mất đi cái niệm tri ân với những người đã sinh ra trước mình đã chịu khổ cực để cho mình được sống, được làm người và nhất là được an hưởng những lợi tức, những kết quả mà người xưa hay người đi trước đã truyền thừa lại.
Viết để nhớ lại chính mình là một đứa bé nhà quê, lấy bầu trời rộng rãi của quê hương làm chỗ ngao du sơn thủy. Lấy đất Tổ quê cha làm chỗ dựa lưng cho cuộc sống của ngày hôm nay; đứa bé ấy đã có lần chăn trâu, chằm nón, đập lúa, giã gạo, làm đậu hủ, xe nhang, đạp xe đạp, lái xe hơi. Đi từ chỗ bùn lầy nước đọng của quê hương xứ Quảng để đi đến chốn phồn hoa đô hội của thị thành như: Phố Hội An, Đà Nẵng, Sàigòn, Tokyo, Frankfurt, Berlin, Hannover, Paris, London, Sydney, Canberra, New York, Los Angeles, Cairo, Tunis, v.v... đi để rồi đến, đến để rồi đi. Thật ra vòng sanh tử tử sanh ấy chẳng có gì để đáng chê, đáng trách; mà đúng hơn là đáng cám ơn, niệm ân những người đã vì mình mà hy sinh, tạo dựng để chúng ta có cơ hội tiếp nối việc truyền thừa ấy suốt trong dòng lịch sử mà thôi.
Đọc “Đại Đế Asoka từ Huyền Thoại đến sự thật”Bác Sáu làm vườn của Viên Giác là người tượng trưng cho nhiều Bác Sáu như thế của quê hương chúng ta, của đất khách quê người. Nơi đâu cũng có những con người hy sinh như thế mà đã không đòi hỏi một chút đền bù. Dầu cho đó là một sự đền ơn nhỏ nhoi nhất. Riêng tôi chỉ có nụ cười khi tiếp chuyện; sự niệm ơn khi dùng đến rau trái. Sự tưởng niệm khi nhớ đến và nghĩ về những người đã trực tiếp hoặc gián tiếp lo cho mình có cái ăn cái mặc để sống còn mà làm cái bổn phận của con tằm thì phải nhả tơ. Nếu tằm ăn dâu mà chỉ thừa thãi ra những cặn bã là dâu nguyên chất thì chẳng có ích lợi gì cho đời cả. Chính dâu kia, qua miệng tằm, sau khi tiêu thụ phải chuyển tải thành những cái kén và trở thành những sợi tơ, để dệt nên những gấm hoa vàng sáng chói, óng ả trong cuộc đời thì sự chuyển hóa ấy mới có ý nghĩa và mong rằng trong chứng ta ai ai cũng sẽ được như vậy.-
_______________________________
Đọc “Đại Đế Asoka từ Huyền Thoại đến sự thật”
Của Lê Tự Hỷ
Thích Như Điển
Thư Viện Huệ Quang ở Sài Gòn vào tháng 3 năm 2017 vừa qua, dưới sự điều hành Trung Tâm dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang của Hòa Thượng Thích Minh Cảnh, cùng với nhà xuất bản Hồng Đức tại Hà Nội đã cho xuất bản tập sách trên do Lê Tự Kỷ biên soạn rất công phu. Sách dày 234 trang, khổ A5 và tôi đã được Phật Tử Nguyên Đạo Văn Công Tuấn gửi tặng cho một cuốn, có cả chữ ký của Tác giả đề ngày 17 tháng 5 năm 2017. Đây là một niềm vui, vì lâu nay tôi vẫn thường hay bắt chước theo người xưa để lặp lại câu tiếng Pháp rằng: “Si vous avez beaucoup dárgent, vous pouvez acheter quelque livres, mais pas de connaissance”. Nghĩa là: “Nếu bạn có nhiều tiền, bạn có thể mua được một vài quyển sách,nhưng không thể mua được sự hiểu biết”. Như vậy muốn có sự hiểu biết, chúng ta cần nên tìm tòi nơi sách vở là vậy. Tôi, tánh ham đọc kinh sách, nên ai tặng quyển nào là phải lo đọc quyển đó cho xong chứ không sẽ phụ lòng người viết và người tặng. Đây là lý do để tôi được đắm chìm trong biển học và giáo lý vi diệu của Đức Thế Tôn cũng như văn hóa, thơ văn ở ngoài đời thường.
Khi đọc vào nội dung, thấy Tác giả đã dày công nghiên cứu và chú thích rõ ràng từng điểm một, khiến cho tôi có thể liên tưởng đây là một luận án của Cao Học hay Tiến Sĩ Phật Học, chứ không phải là một quyển sách bình thường, mà Tác giả nầy theo Hòa Thượng Minh Cảnh viết trong lời giới thiệu là một Phật tử, nhưng theo tôi, vị nầy cũng có thể là một người tu xuất thân từ nhiều hoàn cảnh khác nhau, giỏi Anh văn và Phạn ngữ. Do vậy trong lời mở đầu Tác giả cũng có khuyên là chư Tăng Ni nên học chữ Phạn, nếu theo hệ Đại Thừa để được mở rộng tầm nhìn nhiều hơn. Đây là một điều cần nên làm cho những thế hệ Tăng Ni trẻ về sau nầy vậy. Phần tôi đã gần 70 tuổi đời và hơn 53 năm ăn cơm góp của Đàn Na Tín Thí trong chùa, chắc rằng không kham nổi về ngành học nầy nữa. Xin nhường bước lại cho thế hệ Đệ tử, Đồ tôn…vậy. Ngày 6 tháng 7 năm 2017 vừa qua cũng là ngày đặc biệt của nước Đức nầy, nơi tôi đã ở nhờ suốt 40 năm qua vì có Hội Nghị G20 tại Hamburg. Tuy nói là 20 nước, nhưng cũng có rất nhiều nước được mời tham dự với tư cách là quan sát viên nữa. Trọn ngày này, sau khi tọa thiền và trì tụng Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm như thường ngày với Đại Chúng chùa Viên Giác xong, tôi trở lại thư phòng bắt đầu đọc sách nầy trong say mê và sau khi dùng trưa, tôi đọc thêm 2 tiếng rưỡi đồng hồ nữa. Tổng cộng 5 tiếng tất cả là xong quyển sách 234 trang nầy. Xin cảm ơn Tác giả đã mang đến niềm hỷ lạc cho tôi khi được đọc quyển sách quý như trên.
Sách được chia ra những mục rất rõ ràng như: Tổng quan về Asoka, ba bộ sách của Phật Giáo(Asokavadana, Mahavamsa và Dipavamsa)có viết về Asoka, những sắc dụ của Asoka, những trụ đá của Asoka, cuộc đời của Asoka qua huyền thoại và sự thật, cuối cùng là nhận xét kết thúc cũng như trích dẫn những tài liệu tham khảo. Những trang sách gần nửa quyển ban đầu đọc hơi ngán, vì chỉ là những hình ảnh và sự chứng minh của Tác giả, nhưng nửa quyển sách về sau thì có những câu chuyện liên quan đến cuộc đời của Vua A Dục, và những câu chuyện liên hệ như cặp mắt của Thái Tử Câu Na La(Kunala) v.v… thật là tuyệt diệu. Chưa cần biết là huyền thoại hay là sự thật, nhưng ngày nay nếu ai đó đi hành hương đến 4 Thánh Tích: Nơi Đức Phật sinh ra(Lâm Tỳ Ni ởNépal); nơi Đức Phật thành đạo (Boddhi Gaya);nơi Đức Phật lần đầu tiên chuyển Pháp luân nói pháp Tứ Diệu Đế (Varanasi{Senath=Vườn Lộc Uyển}); và nơi Đức Phật nhập Niết Bàn (Kushinagara). Tất cả những nơi trên chúng ta đều thấynhững cây trụ đá có đầu sư tử nguyên vẹn, hay bị gãy, những trụ đá này do Vua Asoka dựng lên trong khoảng thời gian sau khi lên làm vua được 8,10,20 năm v.v… đủ để xác thực rằng tại xứ Ấn Độ có một vị vua Phật tử sinh ra sau Đức Phật độ 200 đến 300 năm, lớn lên và làm vua một vương quốc rộng lớn, giáp ranh với Ai Cập, Alexandria và trải dài đến phía Bắc giáp cận Népal, Pakistan và Afghanistan. Đó là sự thật, và nhìn lên quốc kỳ của Ấn Độ ngày nay, sau khi Gandhi, vị cha tinh thần của dân tộc Ấn đã tranh đấu quyết liệt, dành lại tự chủ nước nhà từ thực dân Anh năm 1947, thì ngày 22 tháng 7 năm 1947 Quốc Hội Ấn Độ đã chọn bánh xe Asoka(Asoka-cakra)đặt vào vị trí ở giữa lá cờ của Quốc gia nầy, và hiện nay có hơn một tỷ người Ấn Độ đang đứng dưới lá cờ ấy. Bánh xe Asoka gồm có 24 nan và có ý nghĩa như sau: 12 nan đầu trong bánh xe Asoka tượng trưng cho 12 chuỗi nhân duyên trong thuyết duyên khởi của nhà Phật và 12 nan kế tiếp tượng trưng cho quá trình dị diệt(không nhân =>không quả). Chấm dứt luân hồi sanh tử tức sẽ vào được trạng thái Niết Bàn. Tuy Phật Giáo ngày nay ở Ấn Độ chỉ còn độ 3 phần trăm của dân số trên 1 tỷ người đó, nhưng bánh xe được chọn là Quốc Huy của Ấn Độ, có nghĩa là cả dân tộc nầy đang hướng về nẻo thiện lương, và cũng vì điều nầy Asoka Đại Đế đã mang danh thơm đến cho Ấn Độ cả hơn 2.300 năm về trước rồi.
Trước khi Vua Asoka trở thành một Phật tử thuần thành thì Ông là người rất độc ác, nên được gọi là Candasoka và sau khi Ông quy y Phật, giữ gìn giới cấm thì gọi là Dharmasoka. Sử thi Mahavamsa và Dipavamsa đều ghi lại việc vì để chiếm ngôi vua, Asoka giết tất cả 99 người anh em, chỉ chừa lại có một người em cùng cha cùng mẹ, tên là Vitaoka hay Tissa; và trận chiến Kalinga ông đã cho giết cả 100.000 người và bắt làm tù binh 150.000 người. Nhưng khi Ông trở thành một Phật tử thì những sắc lệnh mà Ông ban ra cho chúng ta thấy, ngay cả ngày nay các nước dân chủ Tây phương nầy cũng không có nước nào sánh bằng kể cả Mỹ, Anh, Pháp, Đức v.v…Sắc lệnh ấy như sau:
- Những phản hồi của nhân dân về chính sách của nhà vua
- Những vấn đề của Quốc Gia mà nhà vua cần giải quyết
- Báo cáo với nhà vua bất cứ ở thời điểm nào, bất cứ nhà vua ở đâu, làm việc gì v.v…
Quả thật ngày nay dù những nước dân chủ trên thế giới đi nữa cũng có ngày nghỉ cuối tuần; nhưng vua A Dục thì hầu như không có, bất cứ khi ngủ hay thức và ở bất cứ nơi đâu, nếu nhân dân và hành chánh cần đến thì nhà vua đều hiện diện. Đây quả thật là một Ông vua thời xưa đã văn minh, dân chủ như vậy, mà ngày nay trên khắp thế gian nầy khó tìm đâu ra được một ông vua như thế.
Tác giả Lê Tự Kỷ đang sinh sống tại Việt Nam, nhưng qua gương lấy Đức để trị vì của Vua A Dục, Ông đã viết quan điểm của mình ở những trang 61 và 62 trong quyển sách nầy thật là rõ ràng, và nếu ai là người đang nắm quyền chăn dân trị nước cũng nên học lại bài học Đức trị của Vua Asoka, thay vì Pháp trị như xưa nay mà trên nói dưới không nghe v.v…Đây là cái dũng của người cầm bút vậy. Tôi không biết là Tác giả tuổi tác bao nhiêu, nhưng nhìn chữ ký tặng sách, cảm nhận như là người đã đứng tuổi và những nhận xét của Tác giả khiến cho độc giả đánh giá được cái giá trị nhân bản của người cầm bút là vậy.
Sau khi trở thành Phật tử,Vua Asoka đã cho dựng rất nhiều trụ đávà 84.000 bảo tháp thờ Xá lợi của Đức Phật trên khắp xứ Ấn Độ, nhưng những trụ đá nầy đến thế kỷ thứ 13 thì bị cánh quân Hồi Giáo đến từ Thổ Nhĩ Kỳ tiến chiếm Ấn Độ, và vì Hồi Giáo không thờhình tượng của những con vật, nên những trụ đáVua A Dục cho khắc hình những con bò, sư tử đều bị đập bỏ, tách rời ra khỏi thân trụ. Hiện nay chỉ cómột trụ đá duy nhất có hình một con sư tử trên đỉnh còn tồn tại nguyên vẹn tại Vesali(Tỳ Xá Ly), nơi Đức Phật cho phái nữ thọ giới Tỳ Kheo Ni và ban Bát Kỉnh Pháp. Ngày nay khách hành hương chúng ta nếu có cơ hội đến đó, sẽ được chiêm bái những công trình to lớn đã có mặt từ thời vua A Dục. Mãi cho đến thế kỷ thứ 17, 18 khi người Anh có mặt tại Ấn Độ, vào năm 1851 dưới sự lãnh đạo của Alexander Cunningham cùng với sự ghi chú của Ngài Nghĩa Tịnh và Ngài Huyền Trang qua Đại Đường Tây Vức Ký, mà những nhà khảo cổ từ từ tìm ra được những trụ đá của vua A Dục, trên đó có nhiều sắc lệnh được viết bằng tiếng Ai Cập và những ký tự Brahmi đã bị lãng quên từ những thế kỷ trước, nên chẳng ai hiểu và cũng không đọc được, mãi cho đến năm 1837 James Prinsep, một nhà khảo cổ người Anh giải mã được ký tự Brahmi, khám phá ra ý nghĩa các sắc dụ của một vị vua có tên là Devanampriya Priyadarsin, mà Prinsep cho là Vua Devanampriya Tisya ở Sri Lanka, nhưng sau đó George Turnor giúp chỉ ra là Vua Asoka. Mãi đến năm 1915 khi một sắc dụ đã được C. Beadon, một kỹ sư đào mỏ vàng tìm thấy tại Maski, một làng trong quận Raichur ở Karnataka, và một sắc dụ phụ trên đá được tìm thấy tại làng Gujarra ở quận Datia của bang Madhya Pradesh, thì ngoài tên Devanampriya Priyadarsin, cả hai đều có ghi thêm tên Vua Asoka. Từ đó những trụ đá có khắc ghi những chữ Brahmi thời vua Asoka, được chính thức công nhận là những trụ đá do vua A Dục cho xây dựng. Ngay cả Bảo Tháp tại Bồ Đề Đạo Tràng, nơi Đức Phật thành đạo cũng chỉ mới được các nhà khảo cổ Anh và Ấn Độ tìm lại được vào năm 1780. Do vậy chúng ta có thể nói rằng, công đức của những nhà khảo cổ học không ít. Tuy họ không là Phật tử, nhưng nhờ những sự khai quật nầy, và những gì của lịch sử thì phải nên trả về lại cho lịch sử, mà chúng ta ngày hôm nay mới có cơ hội đến Ấn Độ chiêm bái và đảnh lễ những nơi nầy, để chúng ta biết được rằng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một Đức Phật lịch sử và Asoka Đại Đế đã là một con người như vậy. Người Tây Phương thuở ấy chưa biết Phật Pháp nhiều, nhưng nhờ họ mà chúng ta có thể khôi phục lại những truyền thống Tôn Giáo, Văn Hóa lâu đời đã có mặt tại Đông Phương, và ngày nay ở thế kỷ thứ 21 nầy, họ đang được hưởng những giá trị nhân bản, đạo đức của Đạo Phật đã mang lại cho họ.
Nhưng tại sao Ông Vua hung bạo nầy lại trở thành một Phật tử, thì đây là nguồn tin đáng tin cậyvì có nhiều dẫn chứng mà Tác Giả đã viết như sau:“Nhưng hai năm sau khi tới ở ẩn tại Kalinga thì Hoàng đế Bindusara(Phụ Vương của Vua A Dục) gọi Asoka về để đi dẹp một cuộc nổi loạn tại Ujjayini. Trong trận nầy, Asoka bị thương, nhưng quân của Asoka đã dẹp yên được loạn. Asoka phải điều trị vết thương trong bí mật để phe của Thái tử Susima không thể làm hại. Ở nơi bí mật đó, Asoka được các Tăng Ni Phật Giáo điều trị vết thương, và tại nơi đây lần đầu tiên Asoka biết sơ về Phật Giáo. Nhưng theo nhà sử học M.N.Das thì chính Karuvaki sau nầy chuyển qua Phật Giáo và hướng dẫn Asoka về Phật Giáo. Tài liệu nầy cũng cho biết Karuvaki là người vợ duy nhất có tên trong sắc dụ khắc trên đá về lòng nhân từ của bà trong việc tặng quà cho dân chúng. Cũng tại nơi điều trị vết thương nầy, Asoka đã gặp người nữ điều dưỡng xinh đẹp chăm sóc vết thương cho Ông tên là Devi, con của một thương gia đến từ vùng lân cận Vidisa. Asoka yêu và cưới Devi, Devi sinh choAsoka hai người con là Hoàng Tử Mahendra và Công Chúa Samghamitra mà sử thi Mahavamsa cho biết là hai người từ Ấn Độ đến truyền Phật Giáo tại Tích Lan. Nhưng có điều lạ là tài liệu Asokavadana(A Dục Vương Kinh)không hề nói đến chuyện nầy” (sách đã dẫn trang 105 và 106).
Ở một nơi khác thì nguyên nhân của vua A Dục tin Phật Giáo vì “Đức Phật đã tuyên đoán rằng sau khi Ngài nhập diệt 100 năm thì sẽ có một vị Vua tên là Pataliputra(Hoa Thị Thành)phân phối Xá lợi của Phật vào 84.000 Bảo tháp. Nhưng thay vì làm như thế, Ngài lại xây ở đây một địa ngục với hàng ngàn người bị cực hình cho đến chết. Xin Đức Vua hãy bảo đảm mạng sống cho tất cả chúng sanh vì lòng từ bi là đức hạnh cao nhất. Xin Ngài hãy hoàn thành lời tiên đoán của Đức Phật”. Đó là lời của nhà Sư Samudra nói cho vua A Dục nghe. Sau khi nghe như vậy thì Vua Asoka tha thứ tù nhân, tuyên bố đặt lòng tin vào Đức Phật, Pháp và Tăng, nhà vua cũng hứa sẽ xây những Bảo tháp để thờ Xá lợi của Phật, Sư Samudra biến mất sau đó. Và còn nhiều tài liệu liên quan nói về việc Asoka trở thành Phật tử, khi đọc vào nội dung của sách chúng ta sẽ tìm ra lời giải đáp ấy. Trong Mahavamsa cũng đã nói đến khía cạnh Pháp Vương của Asoka là: “Ngay sau khi 84.000 Bảo pháp được hoàn thành thì một chuyện đã xảy ra được biết như là sự mầu nhiệm. Đó là, đang đứng trong hoàng cung, Asoka thình lình thấy cùng một lúc tất cả 84.000 chùa(bảo tháp)và toàn thể cõi Jambudvipa(Diêm Phù Đề) đã được trang hoàng lộng lẫy trong lễ hội tưng bừng. Điều nầy như Paul Mus đã giải thích rõ: Cái thấy của Asoka là cái thấy của Pháp Thân (dharmakaya)” (trang 129). Trong tất cả những chiếu dụ, đa phần Vua Asoka nói về việc cấm sát sanh từ người cho đến loài vật, hãy đem tình thương đến cho muôn vật kể cả cỏ cây, lập nên những nhà nghỉ và giếng nước công cộng để cho người đi đường xa có nơi trú ngụ. Đặc biệt là sắc dụ không cho bất cứ ai làm chia rẽ Tăng Đoàn nữa.
Tiếp đến Vua Asoka đi đến những nơi thuộc Tứ Động Tâm của Đức Phật do Ngài Upagupta hướng dẫn và mỗi nơi Vua Asoka cúng 100.000 đồng tiền vàng và chính Ngài Upagupta cũng đã nhắc lại chuyện “Cậu bé ngày xưa khi Đức Phật Thích Ca còn tại thế đã cúng dường cho Đức Phật một nắm cát bụi và chính nhờ sự cúng dường nắm cát bụi với lòng thành kính và mong cát bụi hóa thành thức ăn, mà ngày nay cậu bé ấy mới trở thành một vị vua sáng chói, quyền uy không ai sánh được”. Khi đến thăm cây Bồ Đề nơi Đức Phật giác ngộ thành Phật thì Vua Asoka cho cúng dường tại đó ngoài 100.000 tiền vàng, còn cho gửi thêm đến cây Bồ Đề những tặng phẩm cao quý nữa. Khi nghe tin như vậy Hoàng Hậu Tisyaraksita ganh tỵ, ngỡ rằng nhà vua đem vàng bạc châu báu cho một người đàn bà nào khác, nên mới nhờ một bà phù thủy cột chỉ quanh thân cây Bồ Đề, làm cho cây Bồ Đề bắt đầu chết. Nhà vua hay tin như vậy nên cũng muốn chết theo, nhưng Hoàng Hậu Tisyaraksita bảo rằng sẽ nhờ bà phù thủy hóa phép làm cho cây Bồ Đề sống lại bằng cách tháo những sợi chỉ đã buộc vào cây Bồ Đề và tưới vào đó một ngàn bình sữa mỗi ngày. Sau khi cây Bồ Đề sống lại, nhà vua đã tôn vinh Tăng chúng với Đại lễ cúng dường chư Tăng (Pancavarsika). Nhưng ở trong Đại Đường Tây Vực Ký thì Ngài Huyền Trang lại nói khác là: Khi vua A Dục chưa tin Phật Pháp, Ngài có lòng đố kỵ ganh tỵ với cả Đức Phật và cho quân lính đốn chặt hết tất cả những cành lá của cây Bồ Đề xuống và nhà Vua bảo rằng: Nếu quả thật Đức Phật linh thiêng thì xin cho thấy những điềm lành. Điềm lành thứ nhất được hiện ra cho Vua thấy là khi quân lính chất cành lá cây Bồ Đề lại để đốt thì kỳ lạ thay có những vầng hào quang xuất hiện, khiến Vua phải quan tâm. Đêm đó điềm lành thứ hai hiện đến trong giấc mộng của Vua Asoka là:Nếu ngày mai trở đi Vua cho đổ vào gốc cây Bồ Đề đã bị đốn chặt một ngàn bình sữa thì cây sẽ sống lại. Sáng hôm sau Vua đã cho quân lính thực hiện việc ấy và cuối cùng cây Bồ Đề đã tiếp tục tươi tốt về sau nầy, nên nhà Vua còn quyết tâm hộ trì Tam Bảo càng dũng mãnh hơn nữa.
Ngay ngày xây dựng xong 84.000 Bảo tháp(Dharmarajika) Hoàng Hậu Padmavati hạ sinh một người con trai rất đẹp, dễ thương duyên dáng và có đôi mắt vô cùng sáng, nên nhà vua đặt tên là Dharmavivardhna(người làm thăng tiến Phật Pháp) và cũng còn gọi là Kunala(Câu chuyện cặp mắt Thái Tử Câu Na La nầy hầu như các Anh Chị Em Huynh Trưởng và Đoàn Sinh Gia Đình Phật Tử nào cũng biết). Nhưng cũng chính vì đôi mắt đẹp nầy mà Chánh hậu Tisyaraksita mê mẫn và tìm cách tỏ tình, nhưng Câu Na La không ưng chịu, vì dẫu sao đi nữa Chánh hậu cũng giống như Mẹ ruột của mình. Từ đó Bà đem tâm hãm hại Thái Tử Kunala, và cuối cùng lệnh móc mắtThái Tửđưa đến xứ Taksasila với ấn dấu của vua Asoka được đóng vào khi Bà làm Vua bảy ngày theo sự ban cho của Vua A Dục, sau khi Bà chữa lành bịnh cho Vua. Đó là một ân sủng, nhưng là một lỗi lầm và ở cuối câu chuyện thì vợ chồng Thái Tử trở lại Hoàng cung với đôi mắt mù và cây đàn Vina và Đức Vua Asoka đã nhận ra tiếng đàn hát của con mình, tiếp đó thì cặp mắt của Thái Tử được trở lại như ban đầu nhờ sự phát nguyện chân thật khi nghĩ về sự thiện lành cho Mẹ Tisyaraksita(Chánh cung Hoàng Hậu).
Sau khi có lòng tin sâu Phật Pháp Asoka còn được gọi là Người Con Yêu của các Thần Linh, nhà Vua đã hỏi các nhà Sư ai là người đã cúng dường nhiều nhất cho Phật Giáo. Các Vị Sư cho biết đó là Ông Anathapindada(Cấp Cô Độc). Khi biết Ông ấy cúng dường 100 Koti đồng vàng, tức khoảng 10 tỷ đồng tiền vàng thì nhà Vua cũng mong được làm như vậy. Trong đời của Vua, Ông đã cúng được 96 Koti và còn 4 Koti nữa mới bằng Ông Cấp Cô Độc, nhưng bấy giờ Vua đau nặng, chẳng bao lâu nữa sẽ qua đời, làm sao có đủ số tiền ấy để cúng, nên Vua đã hướng qua quan Tể Tướng Radhagupta(nguyên trong đời trước khi gặp Đức Phật Thích Ca là cậu bé bạn của Asoka, khi Asoka cúng dường nắm cát bụi vào bình bát của Đức Phật) và có ý muốn cúng dường thêm 4 Koti tiền vàng nữa cho Tu Viện Kukutarama để đủ số 100 Koti, nhưng Thái Tử nối ngôi Sampadin là con trai của Câu Na La không cho xuất chi từ ngân khố quốc gia, nên nhà vua đã cho gửi đến Tu Viện những đĩa bằng vàng, bạc để cúng, còn Ông thì ăn đĩa bằng đất sét. Cuối cùng tài sản riêng của Vua Asoka chỉ còn là nửa trái alamaka(loại dâu tây, Ấn Độ và Âu Châu thường có) và Vua Asoka cho một người dân mang nửa quả Alamaka ấy đến Tu Viện Kukutarama để cúng dường cho chư Tăng và chư Tăng đã cho nghiền nhuyễn nửa quả dâu ấy đổ vào một nồi cháo và phân chia cho toàn thể dân chúng và nhà Vua phát nguyện rằng: “Với tặng phẩm nầy, Trẫm không mong sanh vào cảnh giới của chư Thiên hay của Phạm Vương(Brahma), càng ít muốn vinh quang của vương quyền nhưng bất ổn như biển đầy sóng. Mà bởi vì Trẫm cúng dường với niềm tin, Trẫm chỉ mong nhận kết quả từ tặng phẩm nầy một thứ gì không thể bị ăn cắp, được tôn vinh bởi các bậc Thánh và an nhiên trong tất cả mọi lay động: Đó là quyền làm chủ được tâm của mình”. Quả là lời chí thiết của một đấng quân Vương Phật Tử hiểu đạo, Ông cũng nguyện cúng dường quả địa cầu nầy cho Tăng chúng và sau đó Ông qua đời. Tuy nhiên Tể Tướng Radhagupta cũng đã nhắc cho các quan biết rằng vua Asoka đã cúng dường toàn thể quả địa cầu nầy cho Tăng chúng, nên để làm đủ ý nguyện cúng dường 100 Koti tiền vàng của Vua thì các quan nên chung lại 4 Koti nữa để chuộc lại quả địa cầu nầy và tôn phong Sampadin lên làm Vua. Nhưng rồi chỉ 52 năm sau khi vua Asoka băng hà, tức vào năm 180 trước Tây lịch, đế chế của Vua Asoka không còn nữa và Pusyamitra Sunga tổng chỉ huy quân đội của Brhadratha đã giết Vua và lên ngôi, lập nên đế quốc Sunga(185-75 trước Tây lịch).
Asoka cũng đã khuyến khích người khác tạo công đức bằng những câu chuyện sau đây: “Có một thời, nhà tiên tri của triều đình sau khi quan sát về thể trạng của Asoka, tuyên bố rằng trên người của nhà vua có nhiều tướng xấu. Để đối trị lại những điều xấu nầy, nhà vua nên thực hiện nhiều công việc tạo công đức. Do đó Asoka đã lập kế hoạch tạo công đức và đã xây dựng 84.000 Bảo tháp. Sau đó Ông quay trở lại chỗ nhà tiên tri xem, nhưng những tướng xấu vẫn còn. Thế rồi nhà vua mới hỏi Trưởng Lão Yasas là nên làm điều gì khác nữa để có thể xóa đi những tướng xấu nầy, Trưởng Lão trả lời rằng, cho tới nay nhà vua mới chỉ tạo được công đức “nhỏ”cho chính Ông thôi, điều mà nhà Vua cần làm là nên tạo ra công đức “lớn” bằng cách khuyến khích những người khác cũng tạo nên công đức” (trang 200). Sau đó nhà Vua mặc y phục một vị Sư đến khất thực gặp một nhà của người đàn bà nghèo, không còn gì cả, nhưng cũng rất hoan hỷ để bố thí cái váy mà bà đang mặc và bà núp sau bức tường để tặng váy cho nhà Vua. Sau đó Ông quay về lại hoàng cung lấy một sợi dây chuyền quý giá để tặng cho bà lão ấy và ban cho nhiều ruộng đất nữa. Nhà Vua tiếp tục đi khất thực đến nhà hai vợ chồng già, họ không có gì để cho Vua cả, nên họ nói Vua chờ họ đi vay 7 đồng tiền vàng để cúng cho nhà Sư(vua) và nếu sau một tuần mà không có tiền trả thì hai vợ chồng sẽ trở thành nô lệ của chủ nợ. Lại một lần nữa Vua rất cảm động và quay về cung, Vua đem vàng bạc tặng lại cho hai người già nầy cũng như ban cho họ một làng để làm thái ấp. Khi Vua Asoka đã hoàn tất việc khuyến khích những người khác bố thí như thế, những tướng xấu trên người của Vua đã hết.
Trở về lại chuyện xưa, tại sao nhà Vua Asoka lại xấu xí khi sinh ra như vậy? Thì câu trả lời được rõ là do khi kiếp trước gặp Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, đứa bé(tiền thân của Vua Asoka)không có gì để bố thí hết, chỉ có nắm cát bên đường, hai đứa bé vốc lên và bỏ vào trong bình bát của Đức Phật và nghĩ rằng cát ấy sẽ biến thành thức ăn. Ý niệm thì tốt, nhờ vậy hơn 200 năm sau khi Phật nhập Niết Bàn được làm Vua, nhưng phẩm vật cúng dường xấu, nên khi sinh ra bị xấu xí, da dẻ sần sùi trông như cát vậy. Theo sách Asokavadana có cho biết là khi mới lên ngôi, các đại thần không coi trọng Asoka, vì cho rằng do họ đưa lên ngôi, cho nên họ mới là kẻ nắm thực quyền và nhiều khi tỏ ra khinh thường Asoka. Asoka biết thế nên muốn thử lòng trung thành của họ và ra lệnh cho chặt bỏ tất cả những cây có hoa, có trái, chỉ để lại những cây có gai sắc nhọn. Điều nầy hàm ý chính Vua, kẻ có làn da nhám, xù xì xấu xí nầy sẽ là kẻ thống trị chứ không phải các ngươi. Những ai không chịu tuân lệnh làm thì bị chém đầu. Một lần khác, Asoka đi dạo trong vườn ngự uyển cùng 500 cung nữ chỉ cây Asoka đầy hoa và tán thán cây đẹp, hàm ý vua nói rằng ta cũng đẹp như thế, nên các cung nữ nên chăm sóc cho ta như vậy. Các cung nữ không ưa làn da xù xì của vua mà còn muốn sánh mình với hoa đẹp Asoka nữa, nên chờ khi vua ngủ 500 cung nữ đã xúm lại chặt hết hoa, lá khiến cây Asoka chỉ còn lại những cành trơ trụi. Khi biết chuyện như vậy Vua Asoka cho thiêu sống hết 500 cung nữ nầy. Từ đó tên gọi Candasoka(Asoka tàn ác) đã trở thành biệt danh để gọi cho sự tàn ác nầy, nhưng sau nầy khi quy y Tam Bảo Ông đã trở thành một vị Vua nhân từ, nên gọi là Dharmasoka(Asoka theo Phật Pháp).
Tuy quyển sách nầy không dày, nhưng đây là một quyển sách nói về Hoàng Đế A Dục tương đối đầy đủ nhất và những cứ liệu của tác giả Lê Tự Hỷ có tính thuyết phục và độ chính xác rất nhiều, dầu cho đó là những câu chuyện huyền thoại của Vua đi chăng nữa, nhưng chúng ta biết chắc chắn rằng có một vị Vua Phật Tử của Ấn Độ đã trị vì một vương quốc vào một thời như thế, chỉ cách sau Đức Phật Thích Ca Mâu Ni 200 đến 300 năm trước Tây lịch. Đây là một quyển sách đáng đọc và nghiên cứu. Xin trân trọng niệm ân Tác giả, cũng như Hòa Thượng Thích Minh Cảnh, Thư Viện Huệ Quang, nhà xuất bản Hồng Đức cũng như những người con ưu tú Phật Tử Việt Nam đã, đương và sẽ dương cao ngọn cờ chánh pháp, cốt sao làm cho Phật Pháp là một chất liệu dưỡng sinh để nuôi sống cả hằng tỷ con người trên hành tinh nầy về đời sống tâm linh như Vua Asoka đã mong muốn là:“Quyền làm chủ được tâm linh của mình”.
Viết xong vào lúc 17 giờ ngày 7 tháng 7 năm 2017 tại thư phòng chùa Viên Giác Hannover Đức Quốc, nhân khóa An Cư Kiết Hạ của chư Tăng Ni và những ngày tu miên mật của hơn 50 Phật Tử tại gia ở đây.
Phật Tử Thanh Phi sửa lại lỗi chính tả.
______________________
Vị Trí Của Một Ngôi Chùa
Thích Như Điển
Ngôi chùa đối với người Phật Tử Việt Nam chúng ta nói riêng hay những dân tộc khác tại Á Châu nói chung; chùa đóng một vị trí quan trọng trong đời sống của nhân dân, kể cả những người không thuộc tín ngưỡng Phật Giáo. Do vậy từ mấy ngàn năm nay, hình ảnh của ngôi chùa đã ăn sâu vào nề nếp văn học, thi ca, kiến trúc, phong tục, tập quán, lịch sử v.v…nên chùa là “Cái thiện của làng tôi” như nhà văn Thiện Văn Phạm Phú Minh ở Hoa Kỳ đã viết trong tờ Thế Kỷ thứ 21 như vậy.
Hôm đó là ngày Chủ nhật 27 tháng 8 năm 2017 tại địa phương Nantes, Pháp Quốc có buổi giảng của tôi nhân lễ Hoàn Nguyện và Lễ Vu Lan của chùa. Thượng Tọa Trụ Trì Thích Nguyên Lộc đã thỉnh tôi giảng một thời Pháp và tôi đã chọn đề tài nầy. Lúc bắt đầu mới 9 giờ sáng nên số người tham dự không đông mấy, cũng như thời gian chỉ có một tiếng đồng hồ, nên tôi đã không thể triển khai hết được ý của mình muốn nói. Tuy nhiên những điểm chính tôi đã trình bày hết rồi và mọi người nghe hôm đó cũng cảm thấy hoan hỷ. Đầu tiên tôi đi xa hơn qua tận Trung Quốc để thăm viếng quê hương của chư Tổ mà Phật Giáo Việt Nam của chúng ta đã ảnh hưởng bởi những Tông Phái qua việc truyền thừa không ít. Tôi chọn bài thơ “Hàn Sơn Tự” của Trương Kế, một thi nhân rất nổi tiếng ở đời nhà Lương vào thế kỷ thứ sáu thuộc đời Vua Lương Vũ Đế (502-519). Vị trí của Ông trong văn chương thi phú có thể ví với Lý Bạch, Thôi Hộ, Hạ Tri Chương v.v… ở đời nhà Đường. Ở tại Tô Châu có ngôi chùa nầy. Ngôi chùa sở dĩ nổi tiếng nhờ 4 câu thơ và nếu có ai đó đã đi đến Tô Châu rồi thì sẽ xem được chữ Phật thật là tuyệt vời, nhưng được viết không cân xứng mấy. Theo truyền thuyết thì cho rằng: Người viết chữ Phật nầy muốn có đến 3 lượng vàng, nhưng nhà chùa chỉ trả cho Ông ta được hai lượng, nên hai sổ thẳng của chữ Phất (tánh không) không cân xứng mấy. Đã là giả thuyết thì chúng ta cũng không nên chấp cứ vào đó làm gì, nhưng ở Trung Hoa có rất nhiều chuyện giả sử như vậy.
Bài thơ Phong Kiều Dạ Bạc như sau:
Nguyệt lạc Ô Đề sương mãn thiên
Giang phong ngư hỏa đối sầu miên
Cô Tô thành ngoại Hàn Sơn Tự
Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền.
Nếu trực dịch ra tiếng Việt thì như thế nầy:
Bóng trăng chim quạ, sương đầy trời
Sông, cây, chài lưới đối nhau thôi
Cô Tô thành ấy, chùa Hàn Sơn
Nửa đêm tiếng chuông, đến khách thuyền.
Và được dịch sang thể lục bát như sau:
Trăng tà tiếng quạ kêu sương
Lửa chài, cây bến sầu vươn mái chèo
Thuyền ai đậu bến Cô Tô
Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San.
Quả là tuyệt vời với lối thơ câu 6 và câu 8 ấy. Chỉ riêng Việt Nam chúng ta mới có, chứ Haiku của Nhật Bản hay thơ Đường của Trung Quốc cũng không thể sánh bằng. Bởi thế mà có thời Ông Bà của chúng ta đã thể hiện tinh thần nầy qua hai câu chữ Hán như sau:
Văn như Siêu, Quát vô tiền Hán
Thi đáo Tùng, Tuy bất thịnh Đường.
Nghĩa là:
Văn như Siêu (Lê Văn Siêu) và Quát (Cao Bá Quát) thì trước đời nhà Hán không ai bì kịp.
Thơ đến được như Tùng (Thiện Vương) và Tuy (Lý Vương) thì thời thịnh Đường cũng chẳng có ai được.
Như vậy dân tộc Việt Nam chúng ta là một dân tộc can cường, cao cả, quyết không chịu đi làm nô lệ cho nước nào, mà ở thời Khương Tăng Hội (280) từ Giao Châu chúng ta, Ngài đã được Ngô Tôn Quyền mời sang Trung Quốc làm Thầy cho Vua và ở thế kỷ thứ 15, Kiến trúc sư Nguyễn An đã chỉ huy xây cất Tử Cấm Thành cho Vua nhà Minh, và mãi cho đến ngày nay dân tộc ta đã tự hào về những chiến thắng quân Nguyên Mông ba lần của các vua chúa nhà Trần năm 1257, 1285 và 1288. Lịch sử dĩ nhiên không dừng lại ở đó, nhưng chúng ta có quyền hãnh diện về những gì mà Cha Ông của chúng ta đã để lại cho lịch sử đời sau và chúng ta không được quên dòng chảy của những thành tích lịch sử nầy.
Đến Trung Quốc, có 4 châu mà thiên hạ đồn rằng không nên thiếu. Đó là Quảng Châu để thăm viếng và thưởng thức những món ăn tuyệt hảo tại đây. Hàn Châu để thăm những phong cảnh đẹp và người đẹp của xứ nầy. Liễu Châu để chọn cho mình những thứ gỗ tốt để đóng quan tài khi cái già cái chết sắp đến cận kề và Tô Châu ngoài ngôi chùa Hàn Sơn nầy ra, còn rất nhiều tơ lụa đẹp, mịn màng. Ngày nay Trung Hoa đã thay đổi nhiều rồi, dĩ nhiên là không còn những truyền thuyết hay những giả sử như thời xa xưa nữa, nhưng bài thơ của Trương Kế đã từng để lại không biết bao nhiêu sự thi hóa chốn nầy, mà ngày nay ngôi chùa và bài thơ vẫn còn tồn tại với thời gian.
Sang đến Việt Nam thì ngôi chùa lại đóng vai trò không những chỉ là nơi chốn để nguyện cầu, lễ bái v.v… mà còn là nơi tiếp các sứ thần của các nước láng giềng khi vào cống sứ vua chúa nước ta, nên mới gọi là chùa Quán Sứ (chỗ ở của các Sứ thần). Ngôi chùa ấy ngày nay vẫn còn ở Hà Nội, nhưng có mấy người Hà Nội trong hiện tại hiểu được vai trò của ngôi chùa nầy từ thuở sơ khai của dân tộc chúng ta? Hồ Dzếnh (1916-1991) là một nhà thơ ở thế kỷ thứ 20, Ông đã làm những câu thơ trong bài thơ “Quê ngoại” như sau để nói về vị trí của ngôi chùa:
Quê tôi có gió bốn mùa
Có trăng giữa tháng, có chùa quanh năm
Sương hôm, gió sớm trăng rằm
Chỉ thanh đạm thế, âm thầm thế thôi
Mai nầy tôi bỏ quê tôi,
Bỏ trăng, bỏ gió, chao ôi bỏ chùa.
Trăng và gió là những hình ảnh đẹp biết là bao, nhưng thi nhân có thể bỏ được. Chỉ riêng hình ảnh của ngôi chùa làng quê đơn sơ mộc mạc ấy thì thi nhân không thể nào quên được, dầu cho xa quê trong nhiều dặm đăng trình. Do vậy hình ảnh ngôi chùa ấy đã làm cho thi nhân luôn nhớ nghĩ về quê, nơi ấy có mồ mả Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ và nhất là hình ảnh của ngôi chùa trong đêm thanh cảnh vắng, khi trăng rằm đã hiện ra, soi bóng ngôi chùa vào tận tâm cang của những người xa xứ. Rồi Xuân Tâm, Ông có bài thơ rất hay, nói về tiếng chuông chùa và ngôi mộ cũng như người Mẹ đã mất qua bài thơ bất hủ mà nhiều thi nhân đã trích dẫn, và ngay cả trong tác phẩm “Bông Hồng Cài Áo” của Thiền Sư Thích Nhất Hạnh:
….Hoàng hôn phủ trên mộ
Chuông chùa nhẹ nhẹ rơi
Tôi thấy tôi mất Mẹ
Là mất cả bầu trời.
Chỉ có 4 câu sau cùng của bài thơ nói về Mẹ, chúng ta cũng đã có thể hình dung được vị trí của ngôi chùa và tiếng chuông chùa trong đêm khuya hay sáng sớm như thế nào đối với người dân quê Việt Nam chúng ta rồi.
Từ những hình ảnh thân thương của ngôi chùa ở Trung Hoa, Việt Nam…tôi đã hướng mọi người về ngôi chùa Vạn Hạnh tại Nantes, Pháp Quốc, nơi hàng trăm thính chúng đang ngồi nghe tôi nói chuyện về vị trí của một ngôi chùa qua thi ca Việt Nam cũng như Trung Quốc. Ai ai cũng nhìn nhận rằng dưới bàn tay khéo léo của Thượng Tọa Thích Nguyên Lộc, Trụ Trì ngôi chùa nầy đúng 20 năm xây dựng và với 30 năm hiện hữu nơi cõi trời Tây nầy, Vạn Hạnh tại nơi đây rất xứng đáng với tất cả tầm vóc ấy. Ngôi chùa nhỏ, có nóc cong. Bên cạnh đó tuy không có những cội mai già như trong bài thơ “Nhớ Chùa” của Thi Sĩ Huyền Không, tức Cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác đã sáng tác vào năm 1949, nhưng những gốc Ô liu cũng có đến mấy trăm năm tuổi thọ đang được trồng cạnh bên hiên chùa. Nào là trúc, sen, bầu, bí, hòn non bộ, chùa Một Cột v.v… Ngoài ra còn có một nhà rường năm gian hai chái rất Việt Nam, nơi đây Thượng Tọa dự định sẽ làm một Trà Thất để tiếp đón khách thập phương và những khách vãng lai người Pháp, nhằm giới thiệu văn hóa của dân tộc mình cho người bản xứ. Quả là quá tuyệt vời cho một ngôi chùa Việt Nam tại Hải ngoại, đang góp phần xây dựng cho đất nước, cho Phật Giáo và cho Dân Tộc Việt Nam trong khi ở xứ người, cũng như sánh vai với hơn 700 ngôi chùa như vậy của Việt Nam chúng ta đang hiện diện trên năm châu lục ngày nay.
Hôm đó trời thật đẹp, không có trăng sao, nhưng những âm thanh huyền diệu của những tiếng Kinh cầu qua Trai đàn chẩn tế bạt độ mà Thượng Tọa Thích Hoằng Khai, Tổng Thư Ký của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Âu Châu làm sám chủ với Ban Kinh Sư hùng hậu khắp Âu Châu đã tựu về để giải oan, bạt độ cho những hương linh người Việt và người Pháp quá vãng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau của chiến tranh, cũng như những người lâm nạn bất thường.
Lời Kinh trầm bổng thiết tha như gọi hồn người nơi cõi xa xăm nào đó hãy về đây thính pháp văn kinh, giải thoát được nẻo luân hồi sanh tử. Còn người sống đã đến đây như chạnh lòng nghĩ về thân phận của mình rồi mai đây sẽ ra sao, nếu không có hình ảnh của một ngôi chùa, nơi ấy có vị Sư già đang dõi bước theo đàn con phiêu lạc ở phương trời nào, thì hôm nay đây chính là cơ hội để gợi nhớ về một thuở xa xưa nào đó nơi quê hương mình và đặc biệt nơi xứ Pháp nầy, mà tại đây có được một ngôi chùa như chùa Vạn Hạnh ở Nantes nầy là một diễm phúc vô cùng quý báu cho người đã quá vãng cũng như những người còn tại thế.
Cuối buổi giảng tôi đã lược qua bài thơ “Nhớ Chùa” của cố Hòa Thượng Thích Mãn Giác, mà đa phần chỉ nhớ hai câu cuối của bài thơ mà thôi. Đó là: “Mái chùa che chở hồn dân tộc, Nếp sống muôn đời của Tổ Tông”.
Nhớ Chùa
Từ thuở ra đi vắng bóng chùa
Đường đời đã nhọc chuyện hơn thua
Trong tôi bừng dậy niềm chua xót
Xao xuyến mơ về lại cảnh xưa.
Thấp thoáng đâu đây cảnh tượng làng
Có con đường đỏ chạy thênh thang
Có hàng tre gợi hồn sông núi
Im lặng chùa tôi ngập nắng vàng.
Có những cây mai sống trọn đời
Bên hàng tùng cúc mãi xanh tươi
Nhìn lên phảng phất hương trầm tỏa
Đức Phật từ bi miệng mỉm cười.
Mỗi tối dân quê đón gió lành
Khắp chùa dìu dặt ánh trăng thanh
Tiếng chuông thức tỉnh lan xa mãi
Yên ổn dân làng mọi mái tranh.
Trầm đốt hương xông thơm ngọt ngào
Thôn trên xóm dưới dạ nao nao
Dân làng tắm gội lên chùa lễ
Mười bốn ba mươi mỗi tối nào.
Tôi nhớ làm sao những buổi chiều
Lời kinh vằng vặc giọng cao siêu
Đây ngôi chùa cổ ngày hai buổi
Cầu nguyện dân làng sống ấm yêu.
Vì vậy làng tôi sống thái bình
Sớm hôm tiếng mõ với chuông linh
Sắn khoai gạo bắp nuôi dân chúng
Xây dựng tương lai xứ sở mình.
Biết đến bao giờ trở lại quê
Buâng khuâng lòng gợi nhớ nhung về
Tang thương dầu có bao nhiêu nữa
Cũng nguyện cho chùa khỏi tái tê.
Chuông vẳng nơi nao nhớ lạ lùng
Ra đi ai chẳng nhớ chùa chung
Mái chùa che chở hồn dân tộc
Nếp sống muôn đời của Tổ Tông.
Đó là những câu kết của thời thuyết pháp hôm đó và tôi hẹn lại với mọi người là ở một thời gian thuận tiện nào đó, tôi sẽ điểm lại từng trang Kinh Việt, từng lời thơ và ý vị trong những điển tích Việt Nam qua bài thơ nầy, mà cho đến nay đã trải qua 70 năm lịch sử, hình ảnh ngôi chùa qua thi ca, văn học vẫn còn vang vọng khắp đó đây trên cõi đời sương gió nầy
Viết xong vào chiều ngày 19 tháng 9 năm 2017 nhằm ngày 29 tháng 7 âm lịch năm Đinh Dậu nhân lễ vía Đức Địa Tạng Vương Bồ Tát tại Tu Viện Viên Đức Ravensburg, Đức Quốc.
Sửa lỗi chính tả: Phật Tử Thanh Phi(Úc Châu)
______________________
Đọc “Thần Chú trong Phật Giáo”
Do Giáo Sư Lê Tự Hỷ biên soạn
Thích Như Điển
Cầm quyển sách trên tay với độ dày 340 trang khổ A5 do Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam-Trung Tâm dịch thuật Hán Nôm Huệ Quang ấn hành và nhà xuất bản Hồng Đức tái bản lần thứ 2 năm 2015. Sách này do Phật Tử Nguyên Đạo Văn Công Tuấn trao tay cho tôi tại khóa tu Phật Thất từ ngày 24 đến 31.09.2017 vừa qua tại chùa Bảo Quang, Hamburg, Đức Quốc. Tôi rất vui mừng được đọc tác phẩm thứ hai của Giáo Sư Lê Tự Hỷ. Ngắm nhìn bìa sách cũng như cách in ấn của Việt Nam trong hiện tại đã tiến được 8 phần 10 so với Đài Loan hay Đức, nên tôi lại càng vui hơn nữa. Bởi lẽ từ năm 1975 đến cuối năm 2000 tất cả những kinh sách được in ấn tại Việt Nam, kể cả đóng bìa cứng cũng rất kém về kỹ thuật và mỹ thuật, nhưng nay sau hơn 40 năm, nghề in ấn Việt Nam đã bắt đầu có cơ ngơi vươn lên cùng với thế giới sách vở rồi và hy vọng rằng nghề ấn loát nầy sẽ không dừng lại ở đây.
Tôi vốn ưa đọc sách, nhưng cũng rất kén chọn sách hay để đọc, vì nếu lỡ đọc một quyển Kinh hay sách nào đó không bổ ích, thì cảm thấy tốn quá nhiều thời gian của mình. Sách hay Kinh điển vốn là món ăn tinh thần của tôi trong nhiều năm tháng nay. Trước đây tôi đã đọc quyển “Asoka từ huyền thoại đến sự thật” của Giáo Sư Lê Tự Hỷ viết và cũng đã điểm qua sách nầy cũng như cho đăng tải lên nhiều trang nhà để độc giả khắp nơi làm quen được với tác phẩm quý hiếm nầy. Trước đó nữa thì tôi đã đọc “Chú Đại Bi giảng giải” của Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng tại Vạn Phật Thánh Thành, Hoa Kỳ và Thượng Tọa Thích Minh Định ở Pháp đã dịch sang Việt ngữ rất lưu loát và sách nầy tôi cũng đã điểm qua. Kế đến hôm tháng 7 vừa qua, tôi có ghé thăm chùa Kim Quang của Thượng Tọa, Thầy đã biếu cho tôi quyển “Chú Lăng Nghiêm Kệ và giảng giải tập 1” của Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng và Thầy đã dịch ra Việt Văn rất trôi chảy. Quyển nầy có hai phần: Phần đầu tiếng Việt và phần sau, Sư Cô em ruột của Thượng Tọa dịch ra tiếng Pháp cũng rất tuyệt vời. Thầy ấy bảo rằng vào tháng 11 nầy, lúc tôi qua giảng pháp tại chùa Kim Quang thì Thầy sẽ biếu cho tập 2 để đọc. Trong khi chưa có tập 2 của chú Lăng Nghiêm thì tôi đã nhận được quyển “Thần chú trong Phật Giáo” nầy của Giáo Sư Lê Tự Hỷ, nên đã đọc trong vòng 4 tiếng đồng hồ trên xe lửa chạy nhanh từ Hannover đến Ravensburg vào ngày 9 tháng 10 năm 2017 vừa qua và tôi nghĩ rằng mình phải có bổn phận điểm lại sách nầy để giới thiệu với các độc giả khắp nơi, làm quen với những Kinh sách, chú giải quan trọng nầy. Dĩ nhiên sẽ không phải chỉ có toàn là những lời khen tặng, mà đâu đó chắc sẽ không thiếu những góp ý chân thành, nên xin tác giả và các soạn giả hoan hỷ cho về những vấn đề xây dựng nầy.
Tôi vốn sinh ra từ quê hương xứ Quảng và bản chất là nông dân, nên nghĩ sao nói vậy và tôi cũng được biết tác giả Lê Tự Hỷ cũng là người xuất thân từ quận Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Mặc dầu đang ở đâu và giảng dạy ngôn ngữ nào đi nữa thì âm điệu tiếng Quảng Nam vẫn còn nguyên vẹn. Tôi được phước duyên là đi xuất gia từ năm 1964 đến bây giờ và từ đó đến nay những thời Kinh Lăng Nghiêm vào những buổi sáng hầu như chưa bao giờ xao lãng, ngoại trừ vài ngày ốm đau cũng như ở trong bệnh viện mấy ngày tại xứ Đức trong năm 2016 vừa qua, và hầu như Lăng Nghiêm đối với tôi, việc hành trì xem ra như cơm ăn, áo mặc, không thể thiếu trong bất cứ ngày nào. Ngày xưa còn nhỏ, lứa tuổi 15 đã được xuất gia học đạo và bài Kinh đầu tiên phải trả cho Quý Chú lớn hơn ở trong chùa Phước Lâm là Kinh Lăng Nghiêm. Thuở ấy học thuộc lòng Lăng Nghiêm, tôi chẳng hiểu tại sao phải học và cứ học như thế để hành trì, cho đến bây giờ năm 2017 nầy là hơn 54 năm như thế, tôi thấy Lăng Nghiêm vẫn là Lăng Nghiêm, nhưng Lăng Nghiêm bây giờ mỗi buổi sáng tôi hành trì với Đại Chúng chùa Viên Giác, Hannover hay ở tại Tu Viện Viên Đức, Ravensburg nầy, tôi nhận thấy được một oai thần mãnh liệt từ kim khẩu của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni phóng ra để tuyên thuyết Thần Chú nầy, nên với tôi là một pháp hành vô cùng quan trọng.
Nhân đọc quyển “Thần chú trong Phật Giáo” của Giáo Sư Lê Tự Hỷ, tôi xin nêu ra đây 3 quan điểm trong khi đọc Kinh, trì Chú hay nói đúng hơn là pháp học, pháp hành và pháp học lẫn pháp hành. Đây chỉ là quan niệm của tôi và tôi xin điểm qua từng pháp một qua các câu Thần Chú “Yết Đế, Yết Đế Ba La Tăng, Yết Đế, Bồ Đề Tát Bà Ha”, kế tiếp là câu “Án Ma Ni Bát Di Hồng” rồi “Chú Đại Bi” và Thập Chú trong Kinh Lăng Nghiêm của quyển sách nầy mà Giáo Sư Lê Tự Hỷ đã dày công nghiên cứu.
Tôi xin phép xếp Giáo Sư Lê Tự Hỷ vào quan điểm thứ nhất là Pháp Học. Học là một Pháp rất quan trọng. Bởi vì Đức Phật vẫn hay dạy rằng: “Ai hiểu được Pháp kẻ đó sẽ hiểu được Phật và ai hiểu được Phật người ấy sẽ hiểu được Pháp”. Như vậy việc học và hiểu Pháp rất quan trọng. Lâu nay Kinh điển được dịch từ chữ Pali sang tiếng Việt, bên Đại Tạng Kinh Nam Truyền gồm 13 tập với 25.000 trang Kinh văn, thì có Cố Hòa Thượng Tiến Sĩ Thích Minh Châu đã làm; Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh (Taisho Shinshu Daizokyo) do Cố Hòa Thượng Tiến Sĩ Thích Tịnh Hạnh chủ trương dịch từ Hán văn sang Việt Văn thành Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh, cũng không dưới 250.000 trang Kinh, nhưng vấn đề giảng giải những Thần Chú ra tiếng Hán và tiếng Việt thì tôi thấy chỉ mới có Cố Hòa Thượng Tuyên Hóa và Giáo Sư Lê Tự Hỷ thực hiện. Tôi không rõ Giáo Sư Lê Tự Hỷ học tiếng Phạn ở đâu, nhưng khả năng phân tích và ngữ nghĩa trong Phạn ngữ của Giáo Sư thật quả là tuyệt vời. Có lẽ một phần do tự học như Hòa Thượng Thích Tuệ Sĩ mà ra. Riêng tôi phạm trù Phạn ngữ cũng như tiếng Pali thì xin chịu, bởi từ nhỏ vốn quen với nền văn học chữ Hán cũng như Anh, Pháp, Nhật và Đức ngữ, nên ở những phạm trù Phạn Ngữ thuộc về Thần Chú, thì tôi chỉ có dựa cột mà nghe chứ không dám luận bàn. Vì cuộc đời nầy có nhiều việc phải tu, phải học nữa, cho đến khi nào nắp quan tài đậy lại mới thôi. Cho nên người xưa thường nói rằng:
Học hải vô nhai cần thị ngạn
Thanh không hữu lộ chí vi thê
Giáo sư cho rằng những phiên âm Hán Việt về Thần Chú lâu nay chúng ta đọc, không sát với tiếng Việt. Do vậy nên hãy đọc âm vận được phiên âm trực tiếp từ chữ Phạn ra chữ Hán thì tương đối đúng hơn. Điều nầy hẳn tôi đồng ý với tác giả của quyển sách nầy, nhưng lâu nay ở Việt Nam chưa có vị Sư hay Cư Sĩ nào làm được điều ấy cả. Lý do là sở học về Phạn Ngữ của quý Ngài giới hạn chăng? Hay vì lẽ gì mà các Ngài đã không cho phiên âm ra Việt ngữ. Như vậy Ngài Khương Tăng Hội, Ngài Chi Cương Lương, Ngài Mâu Bác đã ở Giao Châu chúng ta từ thế kỷ thứ 2, thứ 3 đã chẳng quan tâm về vấn đề nầy hay sao? Hay là các Ngài ấy thấy rằng cứ để nguyên mẫu âm Hán Việt như thế để trì tụng thì công đức cũng không nhỏ. Đến thế kỷ thứ 8 (750) chúng ta có Ngài Phật Triết (người Lâm Ấp) và Ngài Bồ Đề Tiên Na (người Ấn Độ) đến xứ Phù Nam nầy và vào năm 752 các Ngài được Thánh Vũ Thiên Hoàng của Nhật Bản mời sang Nara để làm lễ khai nhãn cúng dường tượng Tỳ Lô Giá Na Phật bằng đồng, chắc hẳn quý Ngài cũng rất rành tiếng Phạn, không hiểu tại sao các Ngài không dịch những câu Thần Chú trong Đại Bi, Bát Nhã hay Lăng Nghiêm ra tiếng Việt? Hẳn nhiên phải có lý do, nhưng bây giờ quý Ngài ấy đâu còn hiện diện trên cõi Ta Bà nầy nữa mà tham vấn. Do vậy, chúng ta vẫn chưa có được câu trả lời. Nhưng dẫu sao đi nữa việc làm của Giáo Sư Lê Tự Hỷ là việc làm đáng khâm phục và Giáo Sư cũng khuyên là lớp Tăng Ni hay Phật Tử trẻ có cơ duyên tiếp xúc với Phạn Văn thì nên đọc các Thần Chú nầy trực tiếp từ tiếng Phạn ra âm tiếng Việt thì gần gũi với nguyên ngữ hơn. Riêng phận già gần 70 tuổi như tôi trong hiện tại thì chỉ xin chấp nhận cái cũ đã trải qua truyền thống lâu nay về Pháp Hành, chứ chưa thay đổi qua Pháp Học như Giáo Sư đề nghị được.
Quan điểm thứ hai là về Pháp Hành. Ví dụ như Ngài Tuyên Hóa, Ngài Tinh Vân, Ngài Ân Thuận, Ngài Thanh Từ v.v… cả Trung Hoa và Việt Nam trong quá khứ cũng như hiện tại các Ngài nầy hầu như không có bằng cấp nào của thế gian cả, nhưng về phép Tu của các Ngài thì quả là Thầy của cả Nhân Thiên, ít ai sánh kịp. Ngài Tuyên Hóa khi giảng giải về Chú Lăng Nghiêm hay Chú Đại Bi, Ngài có bảo rằng Ngài không biết chữ Phạn, nhưng cái cảm nhận của Ngài khi giảng đến những Thần Chú nầy, do như có lực gia trì của chư Phật và chư vị Bồ Tát nên Ngài mới giảng được như vậy. Trong sách này, kể từ trang 173 trở đi tác giả Lê Tự Hỷ không đồng ý với Ngài Tuyên Hóa mấy. Tuy nhiên Ngài đã được xưng là Thánh Tăng của đương đại và Ngài cũng có bảo rằng: “Trong đời mạt pháp nầy, nếu ai đó hành trì Thần Chú Thủ Lăng Nghiêm mà bị rơi vào địa ngục, thì Ngài sẽ là người xuống đó trước”. Hành giả có thể bảo đảm được việc nầy, chứ học giả thì khó có thể nói những câu tương tự được như vậy.
Nếu đứng về quan điểm của Pháp Hành thì nên xem trang 30 của sách nầy, tác giả đã kể ra 2 câu chuyện trong Phật Giáo Tây Tạng rất hay về một vị Thầy chỉ biết trì tụng duy nhất một câu Thần Chú mà thôi. Một vị Tăng Sĩ nổi danh khác không cần Thầy dạy nữa, nên đi tìm vị Tăng Sĩ chuyên tu nầy và thấy vị nầy đọc sai âm câu Thần Chú, nên cố gắng sửa lại. Cuối cùng vị theo pháp Hành quên bẳng đi là người bạn Tăng Sĩ kia đã dạy cho mình phát âm như thế nào, nên đã lướt đi trên nước, đến cạnh bên chiếc thuyền của vị Tăng Sĩ nổi danh kia để hỏi lại về âm vận của câu chú, thì cả người chèo thuyền và vị Tăng Sĩ nổi danh kia đều hết sức kinh ngạc nên đã đáp lại rằng: “Ôi thôi! Ngài không cần gì nữa cả, không cần gì nữa cả!”.
Câu chuyện thứ 2 ở trang 32 và 33 cũng rất hấp dẫn. Đó là câu chuyện của hai học Tăng, một thông minh và một bình thường. Người bình thường niệm câu Thần Chú Án Ma Ni Bát Di Hồng trong 3 năm liền, được 100 triệu lần và người thông minh kia chỉ bắt đầu niệm danh hiệu nầy trong ba ngày còn lại; trước khi người Tăng Sĩ bình thường kia sắp xong 100 triệu lần, người Tăng Sĩ thông minh kia quán mọi người trên thế gian nầy đều là một Đức Quan Thế Âm và mình với Ngài không khác. Cuối cùng Sư Phụ của hai Vị nầy đều rất hài lòng cho Pháp Hành nầy. Thật ra thì Phật Giáo Việt Nam của chúng ta trong hiện tại thiếu những vị chuyên tu về Pháp Hành như Tây Tạng hay Trung Hoa, chứ chúng ta không thiếu những Pháp Học.
Bây giờ trở đi mới chính là những giờ phút Phật Giáo Việt Nam của chúng ta phải hạ thủ công phu, mới bắt kịp theo Phật Giáo Tây Tạng được. Tôi đi rất nhiều nơi và đến rất nhiều chốn, nhưng những nước còn hành trì Thần Chú Lăng Nghiêm rất ít, trong đó chỉ còn thấy ở các chùa Trung Hoa, Việt Nam, Đại Hàn và An Nam Tông của Việt Nam ở Thái Lan cũng như những chùa Việt Đại Thừa tại ngoại quốc. Trong khi đó Phật Giáo Nhật Bản họ hành trì theo Kinh điển của Tông Phái họ và hoàn toàn không có Tông nào tụng Lăng Nghiêm cả; còn Phật Giáo ở Đức lại đa dạng hơn, nghĩa là nhóm Phật tử nào theo Tông Phái của Phật Giáo nước nào thì họ tụng theo ngôn ngữ tiếng của nước đó. Ví dụ như người Mỹ, người Đức, người Pháp theo Phật Giáo Tây Tạng thì họ tụng Kinh, Chú theo âm Tây Tạng, chứ họ chưa có thể biến đổi hoàn toàn theo âm vận của tiếng địa phương được. Ở đây chúng ta cũng đồng ý với Giáo Sư Lê Tư Hỷ rằng: “Công dụng của Thần Chú không từ ngoài mà được. Việc chính là hành giả ấy hành trì như thế nào mà thôi”.
Quan điểm thứ 3 là vừa có Pháp Học và có cả Pháp Hành. Đại diện cho khuynh hướng nầy có Cố Hòa Thượng Tiến Sĩ Thích Minh Châu, Thiền Sư Thích Nhất Hạnh, Cố Hòa Thượng Tiến Sĩ Thánh Nghiêm và Đức Đạt Lai Lạt Ma. Nếu có ai đó đã đọc Nam Truyền Đại Tạng Kinh hay những sách của Cố Hòa Thượng Thích Minh Châu viết thì chúng ta phải ngưỡng vọng một bậc Thầy đạo cao, đức trọng. Là một học giả uyên bác về tiếng Pali, Hán văn, Pháp Văn và Anh Văn, nhưng pháp Hành Thiền của Ngài không bao giờ xao lãng. Mặc dầu với cương vị của một vị Viện Trưởng Viện Đại Học Vạn Hạnh từ năm 1964 đến năm 1975, có không biết bao nhiêu việc phải giải quyết, nhưng tâm từ và tâm bi qua sự Hành Thiền, Ngài đã làm tỏa chiếu một bầu trời Vạn Hạnh cho đến mãi ngày nay. Thiền Sư Thích Nhất Hạnh với hơn 150 tác phẩm bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau. Thầy Nhất Hạnh đã hướng dẫn người ngoại quốc tu Thiền Chánh Niệm như thế nào và ở ngoại quốc ngày nay, trong giới Phật Giáo và các học giả khi nghe nhắc tới Thiền Sư Nhất Hạnh, không ai mà không biết.
Ngài Thánh Nghiêm, người Đài Loan, năm 1972 tôi đã có dịp gặp Ngài tại Nhật và sau nầy khi Thầy Hạnh Giới tốt nghiệp Tiến Sĩ tại Đại Học Hannover vào năm 2003, tôi cũng đã cho Thầy ấy qua Pháp Cổ Sơn tại Đài Loan để tu học với Ngài Thánh Nghiêm trong nhiều năm. Tại đó học Tăng có thể học tư tưởng của Ngài về: Nhân Gian Tịnh Độ, Thiên Quốc Tịnh Độ, Phật Quốc Tịnh Độ và Tự Tánh Di Đà Tịnh Độ và nếu có ai đó đã đọc những sách của Ngài như: Thánh Nghiêm Tự Truyện hay So Sánh Tôn Giáo Học v.v…thì chúng ta cũng sẽ thấy được một Tiến Sĩ của Nhật Bản chịu đựng sống dưới gầm cầu ở New York suốt 6 tháng trường để thực chứng với “cái KHÔNG là gì?” sau khi đã không thành công với Ban Hộ Tự của chùa Đông Sơ ở New York. Còn Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 thì khỏi phải phẩm bình, vì Ngài là một Thánh nhân trong hiện thế, nhưng mỗi ngày Ngài đều hành trì 4 tiếng đồng hồ vào mỗi buổi sáng. Còn chúng ta thì sao? Đa phần chúng ta là phàm Tăng, phàm Ni nhưng rất dễ duôi với việc hành trì qua việc trì tụng Thần Chú Lăng Nghiêm vào mỗi buổi sáng. Nếu ai đó đã đọc được những tác phẩm của Đức Đạt Lai Lạt La thì trong đó có hai quyển nên đọc trước. Đó là: “Nước tôi và dân tôi” hay “Tự do trong lưu đày” để thấy rằng một bậc Thánh Tăng đã thực hành Pháp Học và Pháp Hành như thế nào trong suốt cuộc đời của Ngài. Có như vậy chúng ta mới cố gắng để thành tựu sở tu và sở chứng của mình được, khi nhìn gương thực hiện Pháp của các Ngài.
Đọc “Nhân Sinh Yếu Nghĩa” của Ngài Tuyên Hóa giảng bằng tiếng Phổ Thông và Thượng Tọa Minh Định đã dịch sang Việt Ngữ, hay đọc “Thần Chú trong Phật Giáo” của Giáo Sư Lê Tự Hỷ chúng ta sẽ thấy ngay thế nào là Pháp Học và thế nào là Pháp Hành. Riêng tôi xin chắp hai tay lại để niệm ân tất cả, vì tôi đã chưa làm được việc đó. Tôi chỉ là người nối bước theo những lối chân mòn của các bậc Tổ Đức đã từng lội qua những dòng sông sanh tử mà thôi. Từ đó chúng ta sẽ có một cái nhìn thấu triệt hơn về con đường mà chúng ta đang đi và đang phụng sự.
Về chính tả hỏi, ngã v.v… sách nầy không có lỗi, nhưng về tiếng Nhật có lẽ Giáo Sư Lê Tự Hỷ không chuyên (Dĩ nhiên là tiếng Phạn và tiếng Anh thì Giáo Sư rất rành); bởi lẽ người Nhật không bao giờ đọc là namu amida bu.(trang 88) mà họ đọc là Namu Amida Butsu (chữ Phật theo lối viết của Nhật, không giống chữ Phật viết theo chữ Hán) và ngay cả Việt Nam mình sau nầy cũng có một số người chủ trương là nên đọc “Nam Mô A Mi Đà Phật”. Như vậy cũng không ổn, vì lẽ tiếng Trung Hoa không có âm vận d và đ; nên họ đọc Di là Mi và Đà là Là. Nếu ai đó chủ trương sửa đổi, sao không đổi thành “Nam Mô A Mi Là Phật” cho đúng giọng của người Trung Quốc?
Thật ra những điều đã được nêu lên ở trên chỉ là những điều kiến giải riêng biệt của tôi mà thôi và mong rằng: Nếu bài điểm sách nầy có được lợi lạc nào đó cho cả Tác Giả lẫn Học Giả và Hành Giả trong môi trường mà mọi việc đều được phổ biến rộng rãi trên hoàn cầu như ngày hôm nay, thì quả là một điều quá tuyệt vời đối với người viết bài điểm sách nầy vậy.
Viết xong vào một sáng mùa Thu tại Tu Viện Viên Đức, Ravensburg thuộc miền Nam nước Đức ngày 11 tháng 10 năm 2017
Phật Tử Thanh Phi, Úc Châu sửa lại lỗi chính tả.
______________________________________
Hành Trình Về Con Đường Giáo Dục Của Phật Giáo
Thích Như Điển
Nếu nói về việc học, việc tu của chư Tăng Ni Phật Giáo thì tự ngàn xưa Đức Phật đã là một bậc Thầy vĩ đại đảm trách làm một Hướng đạo sư cho mọi người quy về. Trên từ những vị xuất gia, dưới đến vua, quan và thứ dân, ai ai cũng một lòng quy ngưỡng về giáo lý thậm thâm vi diệu ấy. Mục đích chính của việc tu tập là thoát ly khỏi cảnh giới khổ đau nầy, để trở về với bản lai diện mục thanh tịnh, giải thoát của mỗi người. Đức Phật cũng đã từng nói rằng: “Ta chỉ là một Đạo Sư”, nghĩa là một kẻ dẫn đường. Kẻ dẫn đường ấy chính là Thầy của chúng ta và bất cứ ai trong đời nầy dẫn được ta đi vào Đời hay vào Đạo đều là Thầy của chúng ta cả.
Đầu tiên chúng ta cũng nên phân tích thế nào là giáo dục và thế nào là sư phạm? Hai từ nầy có giống nhau hay khác nhau ở điểm nào, để từ đó chúng ta có một cái nhìn thiết thực hơn về con đường hoằng pháp cũng như việc giáo dục của Phật Giáo như thế nào mới đúng với khế lý và khế cơ của mọi người, để có thể tiêu thụ và xay nhuyễn lại những gì đã tu và đã học nhằm thăng hoa đời sống tâm linh của mình. Đấy chính là chìa khóa để mở cánh cửa tâm hồn của mỗi chúng ta. Chữ giáo có nghĩa là dạy, chỉ bày; chữ dục có nghĩa là nuôi, dưỡng, mong muốn được trưởng thành. Nếu định nghĩa chung lại cả hai chữ giáo dục trong cương vị của một người Thầy có nghĩa là: Dạy dỗ, mong muốn (người học trò) trở thành (người hữu dụng) qua sự chỉ bày, dạy dỗ của mình. Là một người Thầy, chúng ta phải có những bổn phận ấy, nếu không là vậy thì sẽ như người xưa thường nói: “Giáo bất nghiêm, sư chi đọa” Nghĩa là việc dạy dỗ không nghiêm khắc thì vị Thầy ấy đã hỏng rồi. Làm Thầy mà hỏng thì học trò sao nên được. Do vậy người Thầy xuất gia hay vị giáo sư ngoài đời cũng không khác nhau mấy về chủ đích nầy.
Sư phạm nghĩa là một người Thầy mô phạm, đi dạy có giáo trình và làm đúng với lương tâm nghề nghiệp của mình. Dạy học trò không vì đồng lương kiếm được mà dạy học là thể hiện tinh thần mô phạm của một con người ở trường học cũng như ở trong chùa. Có nhiều vị Thầy giảng rất hay, nhưng Phật tử sau khi nghe thời giảng ấy rồi, họ bảo với nhau rằng: “Vị Thầy đó không có sư phạm”. Vậy sư phạm cũng có nghĩa là mình giảng làm sao cho người khác nghe hiểu điều của mình nói, chứ không phải giảng điều của mình hiểu. Điều mình hiểu và điều học trò hiểu hai việc nầy không giống nhau. Điều ấy có nghĩa là: Vị Thầy quá say sưa giảng về tánh Không, trong khi đó thì Phật tử cũng nghe với tâm không. Đó là không hiểu gì hết. Như vậy việc thuyết pháp hay dạy dỗ ấy liệu có ích lợi gì cho người nghe và người học? Cũng có nhiều vị giảng sư khi vào đề rất hay, nhưng cái kết của buổi giảng thì đi lạc đề mất. Chính vị giảng sư đó cũng không biết là mình đã giảng những gì, thì làm sao học viên có thể nắm bắt được điều của mình đã giảng. Đây là vấn đề then chốt của sư phạm.
Việc hoằng pháp của chư Tăng Ni hải ngoại hay trong nước ngày nay đòi hỏi vị giảng sư phải thông thạo nhiều ngoại ngữ và đặc biệt là pháp hành quan trọng hơn cả pháp học nữa. Nếu vị giảng sư ấy chỉ thao thao bất tuyệt về một đề tài nào đó, nhưng xét ra việc hành trì vị nầy thiếu, thì kết quả sẽ không được hiệu nghiệm nhiều, nếu có chăng đi nữa, nó chỉ như là một vị giáo sư ở trường đời, chứ không phải là một vị giảng sư của Phật giáo.
Như vậy giữa giáo dục và sư phạm có nhiều điểm giống nhau mà cũng có nhiều điểm khác nhau. Ở ngoại quốc như nước Đức nầy, tại Đại học người ta hay chia ra nhiều loại giáo dục khác nhau như: Giáo dục thiếu niên, giáo dục người lớn, giáo dục đặc biệt v.v… rồi từ đó họ chia ra ngành cũng như nhiều phạm vi chuyên môn khác. Trong khi đó ở Việt Nam chúng ta trong thời gian trước đây, tất cả học sinh đều dồn chung vào một trường, hay một lớp, không có những trường đặc biệt dành cho người có năng khiếu hay trường đặc biệt dành cho những người học nghề hay những trẻ khuyết tật. Ở tại Đức, ngay từ tiểu học, nhà trường đã định hình là đứa trẻ đó sẽ hướng đến sự học chữ hay học nghề. Từ đó người học trò, rồi sinh viên sau nầy ai ai cũng dễ tự làm chủ cho con đường học vấn của mình. Còn ở nước ta, ngay trong hiện tại hành trình về sự giáo dục của Phật giáo và ngay cả thế học cũng chưa định hình rõ về phương diện nầy, nên khó biết được khả năng của từng người học trò mà ngành giáo dục phải biết tiên liệu cho tương lai của những học viên ấy. Đa phần lớp người xuất gia cũng như lớp học ở đời đều xếp chung vào một lớp, ai giỏi thì tự vươn mình đi lên, ai dở thì chịu chết, ngụp lặn trong biển của chữ nghĩa hay phương trình toán học v.v…
Có nhiều vị Thầy có bằng cấp Đại học, nhưng sở học và sở tu chưa đi đến đâu, thế mà đã vội kết luận là: Đức Phật đã nói cái nầy, Đức Phật không nói cái kia v.v… nói như thế để chứng minh mình là người có học, nhưng cuối cùng điều ấy đã chứng minh cho thấy rằng vị ấy đã chẳng đọc hết qua Tam Tạng Kinh Điển của Đại Thừa lẫn Tạng Kinh Nam Truyền, thì làm sao có thể nói là đúng được, dầu cho vị Thầy ấy có bằng cấp nào đi chăng nữa. Nếu vị Thầy ấy nói rằng: Theo tôi nghĩ là như vậy, như vầy… thì được chứ không nên gán cho Đức Phật hay các vị Tổ nói như thế. Phật không nói như vậy, Tổ không bày như thế, chỉ có vị Giảng Sư ấy nói như vậy mà thôi. Ở đây chưa có vị nào đọc hay nghe hết 25.000 trang kinh của Nam Truyền gồm: Trường Bộ Kinh, Trung Bộ Kinh, Tương Ưng Bộ Kính, Tăng Chi Bộ Kinh và Tiểu Bộ Kinh với 13 tập thì làm sao dám kết luận như vậy được. Còn Đại Thừa ư! Nó mênh mông vô tận. 250.000 trang kinh được dịch ra tiếng Việt từ Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh với 203 tập, mỗi tập trên dưới cả 1.000 trang như: Trường A Hàm, Trung A Hàm, Tăng Nhất A Hàm, Tạp A Hàm và những bộ kinh khác như Hoa Nghiêm, Bát Nhã, Pháp Hoa, Niết Bàn. Rồi nào là luật nầy, luận kia nữa v.v… Do vậy người có văn hóa, có sư phạm, có sự đào tạo qua việc giáo dục thì không có ai có thể dám quả quyết được rằng mình đã hiểu hết lời Phật dạy trong từng hằng trăm ngàn trang kinh như thế, chứ chưa nói đến việc nhớ nghĩ và hành trì nữa. Quả là một điều khó khăn vô cùng.
Ngày xưa trong các chùa viện ở Việt Nam, Đại Hàn, Nhật Bản đều nương vào chữ Hán để giáo dục cho Tăng, Ni sinh khi vào chùa tu học và chính từ cái vốn Hán học nầy mà đã có rất nhiều những vị Thầy xuất thân từ nông dân hay giai cấp thấp hơn trong xã hội trở thành những vị Tổ Sư đã nổi tiếng ở nhiều thời. Như vậy chữ Hán nó không có tội, nếu có chăng do người xử dụng ngôn ngữ nầy để làm gì mà thôi. Có nhiều người lại cho rằng: Việt Nam chúng ta cần phải dùng mẫu tự La Mã tuyệt đối thì xã hội mới tiến bộ. Điều nầy đúng hay sai, sau 400 năm chữ quốc ngữ, chúng ta có thể trả lời được việc ấy rồi. Trong khi đó Nhật Bản và Hàn Quốc, họ vẫn dùng chữ Hán đọc theo âm Nhật và âm Hàn, ngoài ra họ còn sáng tạo thêm nhiều âm vận cũng như cách viết cách tân từ chữ Hán để được Nhật hóa và Hàn hóa, mà ngày nay hai nước nầy họ tiến còn xa hơn những nước kỹ nghệ Tây phương như Anh, Pháp, Đức hay ngay cả Mỹ nữa. Như vậy ngôn ngữ nó không có tội tình gì hết, nếu có chăng chỉ do người xử dụng nó mà thôi.
Trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam về cơ sở giáo dục của Phật giáo chúng ta đã có những nơi như Ký nhi viện, Cô nhi viện, Vườn trẻ, trường Tiểu học, trường Trung học Bồ Đề, Đại học Vạn Hạnh v.v… chỉ trong vòng hơn 20 năm thôi (1954-1975), Giáo Hội chúng ta đã đào tạo ra không biết bao nhiêu người Tăng sĩ cũng như Cư sĩ giỏi giang để ra gánh vác việc đời việc đạo. Trong khi đó từ năm 1975 đến nay đã hơn 40 năm trôi qua như thế, riêng về Đại Học Phật Giáo hầu như chúng ta chưa có một nơi nào đào tạo ra Tiến sĩ hay Cao học Phật Học. Thử hỏi như thế thì con đường giáo dục cũng như hoằng pháp của Giáo Hội, của Phật giáo sẽ đi về đâu? Năm 1972 khi tôi đến Nhật du học. Lúc ấy toàn cõi nước Nhật đã có gần 1.000 Đại Học, mà Phật giáo đã chiếm gần 100 trường rồi, còn ngày nay thì vô số kể. Nếu muốn nhìn sự tiến bộ của một dân tộc, một Đạo pháp thì phải nhìn ngay vào sự giáo dục của đất nước ấy. Nếu nền giáo dục, đào tạo không phát triển mà chỉ lo phát triển kinh tế và quốc phòng thì quốc gia ấy bao giờ mới có thể sánh vai cùng với thế giới hiện đại bên ngoài ngày nay?
Để kết luận cho bài nầy, theo thiển ý của tôi về vấn đề hành trình cho con đường giáo dục của Phật giáo kể cả ở trong lẫn ngoài nước, chúng ta phải có chương trình giáo dục cụ thể, có hiệu quả và năng xuất ngay từ bây giờ, mà vấn đề giáo dục phải đưa lên hàng đầu. Vì đầu tư cho sự giáo dục chúng ta cần nhiều thời gian cũng như tiền bạc hơn bất cứ loại đầu tư nào, ngay cả đầu tư về vấn đề kinh tế. Vì thế nhà Bác Học Albert Einstein cũng đã từng nói rằng: “Hãy đừng mong trở thành một người thành công, mà hãy trở thành một người có giá trị”. Giá trị của chúng ta là: Thực tu và thực học, chứ không phải giá trị ở bằng cấp hay chỗ đứng trong xã hội. Do vậy tôi vẫn thường hay nói với những vị đệ tử có bằng cấp của tôi rằng: “Sự học nó không làm cho người ta giải thoát được, nhưng nếu muốn mở cánh cửa giải thoát kia, không thể thiếu sự tu và sự học được”.
Phật giáo Việt Nam của chúng ta trong hiện tại ở trong cũng như ngoài nước cần đến pháp hành nhiều hơn là pháp học. Nếu có học mà không có sự hành trì thì con đường tu chứng dẫn đến sự giải thoát sanh tử luân hồi vẫn còn xa. Mong rằng đây chỉ là một đóng góp ý kiến nhỏ nhoi của mình cho việc trọng đại giáo dục của Phật giáo Việt Nam ở trong cũng như ngoài nước và ngay cho bây giờ hay cả trong tương lai ở nhiều năm tháng nữa.
Viết xong vào ngày 4 tháng 11 năm 2017 tại Chùa Kim Quang, Paris, Pháp Quốc.
Phật Tử Thanh Phi Úc Châu sửa lại lỗi chính tả.
|
|