Những biểu tượng đặc trưng riêng của nước Pháp
Là một đất nước của những điều ngọt ngào và lãng mạn, Pháp khiến du khách đến thăm phải say đắm. Cùng với đó, quốc gia này còn khiến du khách say lòng bởi sự đặc sắc và độc đáo của những biểu tượng đặc trưng riêng.
Nhắc đến Pháp, ta nghĩ ngay đến lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc, ẩm thực, tình yêu. Những nét đặc trưng của Pháp tạo nên bản sắc không lẫn vào đâu được. Và những tác phẩm nghệ thuật, những công trình kiến trúc, hay những món ăn Pháp không chỉ là những tượng đài bền vững theo thời gian mà còn là những chuẩn mực cho lối sống tinh tế.
CÁC BIỂU TƯỢNG QUỐC GIA
Quốc kỳ nước Pháp
Các quốc gia trên thế giới được phân biệt bằng những lá quốc kỳ riêng biệt. Đằng sau lá quốc kỳ là cả bản sắc văn hóa và dòng lịch sử chảy trong đó. Pháp với 3 màu trên lá cờ đơn giản mà rất tinh tế.
Quốc kỳ của Pháp (tiếng Pháp gọi là “drapeau tricolore”, “drapeau français”, và trong cách nói quân sự là “les couleurs”) ra đời trong cuộc Cách mạng năm 1789, khi dân quân mở cuộc tấn công phá ngục Bastille ở Paris. Lúc bấy giờ quân lính cách mạng đầu đội mũ xanh dương – đỏ – trắng và lá cờ cũng lấy ba màu đó làm nền.
Với cuộc cách mạng này, vấn đề đại sự quốc gia không còn là của riêng gia tộc hoàng gia mà là vấn đề của cả dân tộc. Như vậy, với quan niệm mới này, lá cờ không còn là biểu tượng của gia tộc lãnh đạo, mà là biểu tượng của toàn thể quốc dân. Người Pháp đã dùng từ ngữ “drapeau national” để chỉ biểu tượng này. Quan niệm của người Pháp dần dần được người các nước khác chấp nhận và người thuộc các dân tộc nói tiếng Anh đã dùng từ ngữ “national flag” khi nói đến lá cờ của mình.
Lá quốc kỳ đầu tiên trên thế giới là cờ tam sắc của Pháp gồm ba màu xanh, trắng, đỏ, xếp ngang nhau. Ba màu của quốc kỳ này là kết quả của sự thương lượng giữa Hoàng gia Pháp và nhân dân thị xã Paris. Lá cờ tiêu biểu cho hoàng gia Pháp từ lâu vốn nền trắng trên có thêu một hoa huệ màu vàng. Thời quân chủ Pháp, Paris là một thị xã có quyền tự trị và có lá cờ riêng gồm hai màu xanh và đỏ xếp dọc song song. Khi người dân Paris nổi lên làm cách mạng đòi chính quyền cải tổ chế độ, họ vẫn còn chấp nhận nền quân chủ. Nhà vua Pháp lúc đó là Louis XVI một mặt vì nhu nhược, một mặt vì thiếu chủ kiến cũng như thiếu cách giữ lại quyền hành độc nhất, nên không dùng vũ lực đối phó và chịu chấp nhận các yêu sách của nhân dân Paris. Do đó, hai bên đã đồng ý lấy cờ của hoàng gia và cờ của thị xã Paris kết hợp lại làm huy hiệu cho nước Pháp. Nhà vua là quốc trưởng nắm quyền Hành Pháp nên màu trắng của cờ hoàng gia được đặt ở giữa, hai màu xanh đỏ của cờ thị xã Paris được ghép hai bên thành một huy hiệu tam sắc. Sở dĩ màu trắng ở giữa cũng mang ý nghĩa rằng: nhà vua luôn trong lòng dân, và dân Paris luôn hiện diện quanh nhà vua.
Ngoài ra, Pháp cũng lấy 3 khẩu hiệu là: “Liberté – Égalité – Fraternité”, nghĩa là Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Nghĩa là, màu xanh tượng trưng cho màu hòa bình, sự tự do và hy vọng, màu trắng là màu trong sáng, công lý công bằng, màu đỏ là máu của những người ngã xuống để giữ đất nước, cũng là biểu trưng cho sự bác ái, yêu thương con người.
Quốc kỳ Pháp với màu sắc tinh tế, ý nghĩa lớn và khẩu hiệu phù hợp chung với lý tưởng của cả nhân loại, bởi vậy từ đó cờ Pháp được cả thế giới công nhận. Sau đó, một vài nước Châu Âu cũng lựa chọn 3 màu này làm quốc kỳ, với mong muốn nhân loại được tự do – bình đằng – bác ái.
Quốc huy Pháp
Quốc huy Pháp hiện tại đã là một biểu tượng của nước Pháp từ năm 1953, mặc dù nó không được công nhận là quốc huy chính thức về mặt pháp lý. Nó xuất hiện trên tấm bìa hộ chiếu Pháp và đã được Bộ Ngoại giao Pháp thông qua là một biểu tượng được sử dụng bởi cơ quan đại diện ngoại giao, lãnh sự vào năm 1912. Quốc huy này sử dụng bản thiết kế của nhà điêu khắc Jules-Clément Chaplain.
Quốc huy Pháp bao gồm:
Hình một chiếc lá chắn rộng với một bên là đầu một con sư tử và một bên là đầu một con đại bàng, mang theo dòng chữ ghép lồng với nhau “RF” viết tắt cho République Française (Cộng hòa Pháp).
Một nhánh nguyệt quế tượng trưng cho chiến thắng của Cộng hòa Pháp.
Một nhánh sồi tượng trưng cho sự trường tồn và thông thái.
Fasces – là biểu tượng gồm một bó gậy gỗ với một lưỡi rìu nổi lên ở giữa, tượng trưng cho quyền lực và pháp lý.
Quốc ca Pháp
“La Marseillaise” không chỉ được biết đến như bản quốc ca hùng tráng của nước Cộng hòa Pháp. Nó còn là một bài hát đem lại cảm hứng cho rất nhiều tác giả và được sử dụng trong các tác phẩm cổ điển, xuất hiện đầy tự hào ở không biết bao nhiêu nhà hát!
Aux armes, citoyens,
Formez vos bataillons,
Marchons, marchons!
Qu”un sang impur
Abreuve nos sillons!
Cầm vũ khí, hỡi đồng bào,
Tạo thành những đoàn quân,
Cùng tiến bước, tiến bước!
Máu quân thù ô uế
Sẽ tưới đẫm ruộng ta!
“La Marseillaise” được Claude Joseph Rouget de l’Isle (một người Bảo hoàng) sáng tác tại Strasbourg vào ngày 25/4/1792 sau khi tuyên chiến với hoàng đế Áo.
Tên ban đầu của ca khúc là “Chant de guerre de l”Armée du Rhin” (Hành khúc của đội quân vùng sông Rhin) và được đề tặng cho nguyên soái Nicolas Luckner, một sĩ quan Pháp quê gốc Bavarian. Nó đã trở thành lời kêu gọi tập hợp trong cuộc Cách mạng Pháp và mang tên “La Marseillaise” do được nghĩa quân từ Marseille là những người đầu tiên hát vang trên đường phố khi họ tiến vào Paris.
Lời ca được lấy cảm hứng từ một tấm áp phích tuyên truyền rất phổ biến thời đó. Nguồn gốc âm nhạc thì gây tranh cãi hơn vì La Marseillaise không được ký tên (trái ngược với những sáng tác khác của Rouget de L’Isle) và nó có vẻ như quá phức tạp so với trình độ âm nhạc vốn không quá xuất sắc của tác giả. Cảm hứng về âm nhạc có thể từ oratorio Esther (1775) của Jean-Baptiste Grisons (1746-1815) – thầy cả của một nhà thờ nhỏ ở Saint-Omer. Khi nghe, không ai có thể nghi ngờ điều này.
La Marseillaise được lấy làm quốc ca Pháp theo một sắc lệnh ban hành vào ngày 14/7/1795 nhưng rồi sau đó lần lượt bị Napoleon I, Louis XVIII và Napoleon III cấm ngặt. Bài quốc ca này được phục hồi một thời gian ngắn ngủi sau Cách mạng tháng 7 năm 1830 và chỉ trở thành quốc ca chính thức lâu bền từ năm 1879.
Quốc hoa của Pháp
Quốc hoa được Pháp lựa chọn là hoa Iris với hình ảnh hoa đã được cách điệu có tên là “fleur-de-lis”. Nó chính thức là biểu trưng cho nước Pháp từ thế kỷ 13. Loài hoa này từ xưa đã được coi là biểu tượng của Đức mẹ đồng trinh Mary nên nó được coi là biểu tượng của thần linh. Dưới thời vua Louis IX, ba cánh của hoa được xem là tượng trưng của sự trung thành, uyên bác và niềm hi vọng. Hình ảnh của nó được sử dụng rất nhiều trong các tác phẩm hội họa hay trong nghệ thuật kiến trúc.
GÀ TRỐNG GÔ-LOA
Từ lâu, đội tuyển bóng đá Pháp đã được gắn liền với hình ảnh “Những chú gà trống Gô-loa” (trong tiếng Pháp là “Gaulois”), không chỉ vậy, đối với những người yêu nước Pháp, chắc chắn ai cũng biết rằng đây được coi là biểu tượng cho quốc gia này dù chưa được sử dụng một cách chính thức ở bất kỳ đế chế hay nền cộng hòa nào.
Gà trống Gô-loa hay còn được biết đến với cái tên “Gallus Gallus” là một trong những biểu tượng nổi tiếng nhất của thế giới nói chung và của nước Pháp nói riêng. Hàng trăm năm nay, nó được coi là tượng trưng cho sự chân thành và tươi sáng.
Nó cũng từng xuất hiện trên lá cờ cách mạng Pháp và biểu trưng cho sự cho sự kiên cường, dũng cảm của người dân bởi những chú gà trống Gô loa này sở hữu 1 vẻ ngoài đẹp đẽ với chiếc mào đỏ rực đầy oai vệ, dáng gáy vô cùng hiên ngang và đuôi dài, cong cong, mang màu xám xanh như những thanh đoản kiếm nhỏ.
Chính vì những dáng vẻ đó mà dần dần nó trở thành biểu tượng của người dân Pháp.
NÀNG MARIANNE – BIỂU TƯỢNG CỦA DÂN TỘC PHÁP
Cùng với lá cờ ba màu xanh – trắng – đỏ, khẩu hiệu “Tự do – Bình đẳng – Bác ái”, hài hát La Marseillaise và chú gà trống Gaulois, nàng Marianne là một trong những biểu tượng mang nhiều ý nghĩa của nước Pháp. Tượng nàng Marianne được đặt trang trọng tại các tòa thị chính, cơ quan hành chính, trường học…, hình ảnh nàng Marianne xuất hiện trên mọi tài liệu, văn bản chính thức của chính phủ Pháp, trên tem thư và các đồng tiền xu.
Nhưng Marianne là ai? Do đâu mà nàng Marianne trở thành một biểu tượng hàng đầu của nước Pháp? Lần giở những trang sử, nàng Marianne trở thành biểu tượng từ thời Cách Mạng Tư Sản Pháp 1789. Và vào thời đó, việc chọn một phụ nữ làm biểu tượng có nguồn gốc từ thời La Mã cổ đại, với chiếc mũ phrygien màu đỏ của những người nô lệ sau khi được người chủ giải phóng, tượng trưng cho tự do.
Về nguồn gốc tên Marianne, theo nhiều tư liệu, vào thế kỷ 18, Marie và Anne là hai tên gọi rất phổ biến của phụ nữ Pháp thuộc tầng lớp bình dân, và Marianne là tên ghép lại từ hai tên gọi bình dân Marie và Anne. Cái tên Marianne cũng được xuất hiện trong lời bài hát “La Guérison de Marianne”. Bài hát được sáng tác năm 1792, chỉ mươi ngày sau khi thành lập Nền Cộng hòa. Chuyên gia về lịch sử, phóng viên Frank Ferrand giải thích trên kênh Europe 1:
Bài hát này kể rằng một người bệnh tên là Marianne đã được chữa khỏi bệnh. Một cách ẩn dụ, người ta nói tới nền cộng hòa non trẻ có từ năm 1792 và đang bị công kích, tấn công từ mọi phía. Và ở miền nam, người ta cũng quen với câu hỏi: “Marianne thế nào rồi?”, có nghĩa là “Chế độ chính trị mới tiến triển thế nào rồi?”.
Đó là lần đầu tiên tên Marianne mang tính tượng trưng cho sự thay đổi chế độ. Từ biểu tượng cho tự do mà Cách Mạng Tư Sản Pháp 1789 đạt được, nàng Marianne trở thành biểu tượng cho nền Cộng Hòa. Các nhà cách mạng cũng lấy Marianne làm biểu tượng cho “mẹ Tổ quốc”, hình ảnh người mẹ chở che, nuôi dưỡng những người con của nền Cộng hòa Pháp non trẻ.
Hình ảnh nàng Marianne ban đầu được chọn dựa theo hình ảnh người thiếu nữ ngực trần, một tay phất lá cờ ba màu xanh – trắng – đỏ, một tay cầm binh khí, đầu đội chiếc mũ frygien, trong bức tranh nổi tiếng “Tự do dẫn đường cho nhân dân” của danh họa Eugène Delacroix. Hình ảnh người thiếu nữ đó tượng trưng cho sự vùng lên tranh đấu, dẫn dắt dân tộc hướng tới tự do. Bức tranh được lấy cảm hứng từ một sự kiện lịch sử có thật: vào ba ngày 27, 28, 29/07/1830, người dân Pháp nổi dậy lật đổ vị vua Charles X – vốn không được lòng dân và đưa Louis Philippes d’Orléan lên ngôi vua.
Từ năm 1848, ở thời Đệ Nhị Cộng Hòa, người ta còn thấy xuất hiện hình ảnh nàng Marianne được khắc họa với một cái cân tượng trưng cho sự bình đẳng, hai bàn tay đan vào nhau ngụ ý nới tới tình đoàn kết, lòng bác ái. Và như vậy, hình ảnh nàng Marianne bao hàm cả các giá trị cơ bản của nước Pháp: tự do, bình đẳng, bác ái.
Theo dòng lịch sử, khi thì nàng Marianne mang dáng vẻ nghiêm trang, hiền dịu, đầu đội vòng nguyệt quế (theo ý nguyện của những người cộng hòa bảo thủ), khi thì nàng Marianne để ngực trần, đội mũ frygien đỏ, mang dáng vẻ của một thủ lĩnh tranh đấu (theo ý nguyện của những người cộng hòa chủ trương cách mạng).
Mang ý nghĩa tượng trưng cho Cách Mạng, vào thời các hoàng đế Napoléon, nàng Marianne không còn được coi là biểu tượng. Các bức tượng nàng Marianne được thay thế bằng tượng của hoàng đế Napoléon. Tới năm 1852, hoàng đế Napoléon III còn cho thay hình nàng Marianne trên đồng xu và tem thư bằng hình của mình.
Tới thời Đệ Tam Cộng Hòa 1870, việc sử dụng biểu tượng Marianne được chính thức hóa. Tượng nàng Marianne bắt đầu được đặt trong các tòa thị chính trên khắp nước Pháp, thay thế cho tượng của Hoàng đế Napoléon III. Điều này thể hiện sự cắt đứt với Đệ Nhị Đế Chế và sự hòa giải của những người cộng hòa sau những biến cố thời Công Xã Paris. Tòa thị chính Paris đặt tượng nàng Marianne đội mũ phrygien vào năm 1880. Các bức tượng Marianne, dù là tượng bán thân hay toàn thân, dù không có khuôn mẫu nhất định nhưng thường gợi nhắc về những thời khắc Cách Mạng quan trọng trong lịch sử Pháp: 1789, 1830, 1848.
Sang thế kỷ 20, dưới chế độ Vichy trong Đệ Nhị Thế Chiến, nàng Marianne đại diện cho nền Cộng Hòa chống lại chế độ Vichy và đại diện cho cuộc chiến chống phát xít Đức, nên bị chính phủ Vichy cấm hoàn toàn. Hình nàng Marianne trên tem thư bị thay bằng hình thống chế Philippe Pétain.
Từ năm 1944, sau khi nước Pháp được giải phóng khỏi ách thống trị của phát xít Đức, hình ảnh nàng Marianne mới xuất hiện trở lại. Theo ý tưởng của Hiệp hội các tòa thị chính của Pháp, tượng nàng Marianne mang dáng vẻ một phụ nữ đương thời. Nguyên mẫu của tượng nàng Marianne thường là các ngôi sao màn bạc hoặc danh ca có tên tuổi của Pháp, như cô đào Brigitte Bardot (1968), diễn viên Michèle Morgan (1972), ca sĩ Mireille Mathieu (1978), nữ diễn viên huyền thoại Catherine Deneuve (1985) vốn nối tiếng ở Việt Nam với diễn xuất xuất sắc trong bộ phim Dông Dương, diễn viên Sophie Marceau (2012)…
Vào năm 1989, nhân kỷ niệm 200 năm nàng Marianne, 200 năm Cách Mạng Tư Sản Pháp, lần đầu tiên gương mặt một người mẫu được chọn để khắc họa nàng Marianne. Đó là người mẫu Inès de la Fressange. Tới năm 2000, vinh dự trên lại thuộc về người mẫu Laetitia Casta.
Vào năm 1849, giai đoạn Đệ Nhị Cộng Hòa, lần đầu tiên con tem thư in hình nàng Marianne được bưu điện Pháp phát hành. Nước Pháp khi đó vẫn là nước nông nghiệp và nàng Marianne đầu tiên trên tem thư được khắc hoạ qua hình ảnh Céres, nữ thần mùa màng trong thần thoại Hy Lạp.
Trong những năm qua, bưu điện Pháp đã phát hành vài chục phiên bản tem thư Marianne khác nhau, khi thì tem thư nàng Marianne mang ý nghĩa “thương mại và hòa bình hợp nhất và ngự trị trên thế giới” (cuối thế kỷ 19), khi lại mang hình ảnh của “người gieo hạt” khi mặt trời đang lên với ngụ ý nước Pháp đang tiến bước và gieo ý tưởng (1903).
Năm 1982, bưu điện Pháp cho phát hành một con tem mới với tên gọi “Nouvelle Marianne”, tạm dịch là “nàng Marianne mới”. Con tem “nàng Marianne mới” là do tân Tổng thống Pháp năm đó, ông Francois Mitterand, lựa chọn. Cho phát hành một con tem mới là truyền thống của các tổng thống thuộc nền Đệ Ngũ Cộng Hòa Pháp vốn có từ trước đó. Cũng giống người tiền nhiệm là tổng thống Giscard d’Estaing, tổng thống Francois Mitterand rất chú ý tới việc lựa chọn một hình ảnh đại diện cho nhiệm kỳ 7 năm lãnh đạo đất nước.
Tổng thống Giscard d’Estaing (nhiệm kỳ 1974-1981) đã chọn hình ảnh nàng Marianne dựa theo hình ảnh trong bức họa của thiếu nữ Sabine trong một bức tranh nổi tiếng của họa sĩ Jacques-Louis David được vẽ vào năm 1799 và được lưu giữ tại bảo tàng Louvre, Paris. Bức tranh có tên gọi – tạm dịch là “Những thiếu nữ Sabin ngăn cản cuộc chiến giữa người La Mã và người Sabin”, tượng trưng cho hòa giải quốc gia và tinh thần đoàn kết dân tộc.
Tổng thống Francois Mitterand, khi đó muốn một nàng Marianne khác hẳn nàng Marianne dưới thời người tiền nhiệm Giscard d’Estaing, đã chọn dựa theo hình ảnh người thiếu nữ trong bức tranh nổi tiếng “Tự do dẫn đường cho nhân dân” của danh họa Eugène Delacroix, làm hình ảnh đại diện cho nhiệm kỳ tổng thống 1982-1889, với hàm ý dân tộc Pháp kiên cường bất khuất hoặc nổi dậy, hoặc dùng lá phiếu lật đổ lãnh đạo không được lòng dân và lựa chọn người xứng đáng hơn lên nắm quyền.
Tháng 12/2003, lần đầu tiên trong lịch sử, Bưu Điện Pháp tổ chức cuộc thi quốc gia về thiết kế tem thư Marianne dành cho mọi người dân Pháp trong độ tuổi 4-94 với chủ đề “nàng Marianne vì môi trường và các giá trị cơ bản của nước Pháp”. Tổng thống là người chọn con tem thắng cuộc. Hơn 50.000 bức vẽ dự thi đã được gửi tới ban tổ chức. Năm 2008, tổng thống Nicolas Sarkozy lựa chọn tem thư với đề tài nàng Marianne và Liên Hiệp Châu Âu.
Năm 2013, nhân ngày Quốc Khánh Pháp 14/07, con tem thư với hình ảnh một nàng Marianne mới đại diện cho nhiệm kỳ 5 năm của tổng thống François Hollande được công bố. Khác với các tổng thống tiền nhiệm, François Hollande không tự chọn hình ảnh nàng Marianne mới mà trao quyền lựa chọn cho học sinh các trường học trung học của Pháp thông qua một cuộc thi bình chọn với chủ đề “Marianne của giới trẻ”. Vượt qua khoảng 60 đối thủ dự thi, họa sĩ Olivier Ciappa, một nhà tranh đấu ủng hộ hôn nhân đồng giới đã được chọn với hình ảnh nàng Marianne với nguyên tác là Inna Shevchenko, lãnh đạo phong trào nữ quyền FEMEN. Đó là phong trào phái nữ để ngực trần phản kháng trước các vấn đề của xã hội hiện đại. FEMEN khởi phát từ quốc gia Đông Âu Ukraina.
Tại Pháp, FEMEN gây nhiều tranh cãi trong dư luận sau những hành vi phản kháng gây sốc ở những nơi uy nghiêm, linh thiêng, chẳng hạn vào tháng 02/2013, 8 phụ nữ theo phong trào FEMEN đã cởi áo khoe ngực trần trong nhà thờ Đức Bà Paris để “ăn mừng” sự kiện Giáo hoàng Benedicto XVI thoái vị và việc Pháp thông qua luật hôn nhân đồng giới. Việc chọn tác phẩm của nhà đấu tranh cho hôn nhân đồng giới, hơn nữa gương mặt đại diện cho nàng Marianne lại là nhân vật tiêu biểu của FEMEN đã khiến nhiều người dân Pháp và đối thủ chính trị của tổng thống François Hollande phẫn nộ và kêu gọi tẩy chay.
Theo dòng thời gian, với những đổi thay của thời cuộc, ý nghĩa biểu tượng của nàng cũng có nhiều thay đổi, từ tượng trưng cho các giá trị cốt lõi của nước Pháp, hoặc là biểu tượng của cách mạng, tự do, của nền Cộng Hòa, là hiện thân của những người tranh đấu hay người mẹ chở che bao bọc những người con của dân tộc Pháp …, nàng Marianne đã trở thành một biểu tượng mang tính khái quát cao, như ông Jean-François Kahn, sử gia, nhà văn, nhà báo, người sáng lập tuần báo Marianne nhận xét: “Marianne tượng trưng cho quốc gia, Marianne tượng trưng cho dân tộc, cho nền Cộng Hòa, cho nước Pháp. Đó là một biểu tượng mang nhiều ý nghĩa. Và tôi nghĩ rằng chính sự không rõ ràng đó khiến những người có xuất thân, tư tưởng, thái độ chính trị – xã hội khác nhau cùng quy tụ về quanh biểu tượng nàng Marianne”.
Với những ý nghĩa quan trọng đó, trải qua qua bao thăng trầm kể từ thế kỷ 18, nàng Marianne hiện vẫn là một trong năm biểu tượng chính thức của của dân tộc Pháp và hiện diện nhiều nơi trong cuộc sống hàng ngày của người dân Pháp.
BA CÔNG TRÌNH BIỂU TƯỢNG CỦA NƯỚC PHÁP
Tháp Eiffel
Tháp Eiffel là một công trình kiến trúc bằng sắt nằm trên Công viên Champ de Mars, cạnh sông Seine. Vốn có tên ban đầu là Tháp 300 m do Gustave Eiffel cùng các đồng nghiệp xây dựng nhân Triển lãm thế giới năm 1889, cũng là dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng Pháp.
Hơn một trăm năm nay hình ảnh nước Pháp và Thủ đô Paris gắn liền với tháp Eiffel. Người ta không thể hình dung nổi Paris sẽ như thế nào nếu không có tháp Eiffel.
Để ngắm nhìn toàn cảnh Paris, khách tham quan nên chọn ngày nắng đẹp, bạn không nên lên tháp quá sớm vì buổi sáng ở Paris thường có sương mù. Buổi chiều lúc Mặt trời lặn, hoặc ban đêm lên tháp khách tham quan sẽ thấy một cảnh tượng tuyệt vời. Từ năm 1985, tháp được lắp thêm một hệ thống chiếu sáng làm nổi bật vẻ đẹp và những đường nét kiến trúc phức tạp của tháp.
Nhà thờ Đức Bà Paris
Nhà thờ Đức Bà Paris là một nhà thờ Công giáo tiêu biểu cho phong cách kiến trúc gothic. Đứng trước mặt tiền của nhà thờ, du khách có thể nhận ra các trang trí điêu khắc bằng đá.
Nhà thờ Đức Bà là Trung Tâm của thành phố Paris và của cả nước Pháp bởi vì mọi khoảng cách gần xa đều được tính từ Trung Tâm này. Trước nhà thờ là tấm bảng đồng ghi rõ “Cây Số Không”.
Bảo tàng Louvre
Viện bảo tàng Louvre là viện bảo tàng lớn nhất Paris, là bảo tàng lâu đời và lớn thứ ba trên thế giới. Nó chứa một câu chuyện dài về lịch sử và nghệ thuật của nước Pháp từ thời các vua Capétiens cho đến tận ngày nay.
Trong viện bảo tàng hiện trưng bày nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị của nhân loại. Trong đó có bức họa nổi tiếng nhất thế giới La Joconde của Leonardo da Vinci. Vào sân, trước mặt tòa nhà là một thảm cỏ xanh rờn như mạ, bao quanh là rừng cây. Để lấy ánh sáng trời cho các tầng ngầm, người ta dựng ba kim tự tháp ốp kính trong suốt, xung quanh có đài phun nước. Hàng năm, có đến gần 3.000.000 lượt người tới xem.
NHỮNG NÉT VĂN HÓA ĐẶC TRƯNG
Trung tâm văn học- nghệ thuật
Thừa hưởng được nhiều tinh hoa từ nền văn minh Hy Lạp – La Mã cổ đại. Nền văn học – nghệ thuật của Pháp thật sự phát triển và mang dấu ấn riêng từ khoảng thế kỷ 20. Phát triển rực rỡ nhất là vào đầu thế kỷ 19. Những tác phẩm văn học Pháp phản ánh tâm tư, hiện thực xã hội trong từng giai đoạn. Vẽ nên bức tranh toàn cảnh của xã hội Châu Âu: “Thằng gù nhà thờ Đức Bà”, “Ba chàng lính ngự lâm”, “Đỏ và đen”, “Tấn trò đời”,… Nghệ thuật Pháp còn phát triển mạnh mẽ trong các lĩnh vực hội họa, điêu khắc, âm nhạc. Chỉ trong thời kì khai sáng, ở Pháp đã có hơn 200 tên tuổi được UNESCO công nhận là danh nhân văn hóa thế giới như Victor Hugo, Balzac, Claude Debussy, Bartholdi,…
Kiến trúc – nét văn hóa đặc trưng của Pháp
Pháp là một trong những nơi vừa góp phần bảo lưu, gìn giữ các phong cách kiến trúc cổ điển, vừa góp phần sáng tạo ra những phong cách kiến trúc mới hết sức độc đáo và ấn tượng. Kiến trúc Pháp kế thừa nét đẹp của kiến trúc cổ điển Hy Lạp – La Mã. Với những kiểu “thức” căn bản như: thức Doric, thức Ionic và thức Corinth. Thậm chí cả những kiểu thức tiến bộ của La Mã như Toscan và Compozit.
Lịch sử kiến trúc thế giới và lịch sử kiến trúc châu Âu đã để lại từng dấu ấn trên bước phát triển của mình trong kiến trúc Pháp. Có thể nói rằng kiến trúc Pháp được thừa hưởng tinh hoa của kiến trúc nhân loại. Cũng từ Pháp, nhiều phong cách kiến trúc tiêu biểu đã được hình thành và lan rộng ra toàn Châu Âu. Tiêu biểu là phong cách kiến trúc Roman, Gothic, Rococo.
Các kiến trúc sư Pháp cũng là người đi đầu trong việc tạo dựng nên những thể thức kiến trúc mới. Trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị cổ điển Hy Lạp – La Mã với bản sắc văn hóa Pháp. Với dấu ấn và hơi thở của thời đại tạo ra những công trình và phong cách rất riêng.
Văn hóa nơi công cộng của người Pháp
Văn hóa tại nơi công cộng của người Pháp được thể hiện khi đi thang bộ. Phụ nữ, trẻ em và người già luôn được đi bên có tay vịn. Đàn ông thì đi sau và xuống trước để có thể giúp đỡ khi cần thiết. Kèm với đó người đứng gần cửa thang máy sẽ hỏi những người khác xem họ muốn đến tầng nào. Pháp cũng như các nước văn minh khác, các công trình hay phương tiện công cộng đều rất chú ý đến người khuyết tật.
Trên đường phố người người đi đều bước theo nhịp của dòng người qua lại. Khi đi trên vỉa hè, vượt người đằng trước bằng cách nhẹ nhàng lách qua bên trái, đồng thời xoay ngang người để hạn chế tối đa không gian chiếm lĩnh. Đây là nét văn hóa đặc trưng của Pháp, rất tế nhị. Người đàn đàn ông luôn là người đi gần nhất với lề đường để bảo về cho người già, phụ nữ và trẻ em. Sự lôi thôi khi đi ra ngoài đường như mặc đồ ngủ hay đi dép trong nhà bị coi là hành vi thiếu tôn trọng mọi người.
Văn hóa ở các trung tâm
Trong rạp chiếu phim hay rạp hát, đúng giờ là điều lưu ý trước tiên. Người Pháp không thích sự lề mề trong khi đang thưởng thức các ca khúc hay các vở kịch. Điều này sẽ ảnh hưởng tới người khác. Người ta thích vỗ tay tán thưởng khi kết thúc phần biểu diễn. Thường thì nam giới sẽ ngồi ở 2 đầu của hàng ghế.
Văn hóa xếp hàng
Xếp hàng cũng là một nét văn hóa đặc trưng của Pháp. Mọi lúc mọi nơi người Pháp đều tôn trọng trật tự khi xếp hàng. Khi mua vé, khi vào cửa, đặc biệt là những khu có đông khách du lịch thì thời gian xếp hàng là khá dài. Họ thường thiết kế biển thông báo thời gian còn lại mà chúng ta phải đợi. Có hai hình thức là đứng xếp hàng hoặc rút số thứ tự từ máy tự động.
Văn hóa giao tiếp của người Pháp
Hôn má chính là điểm thú vị trong nét văn hóa đặc trưng của Pháp. Họ thường ôm hôn vào má khi gặp và chia tay. Hay khi muốn cảm ơn vì nhận được quà. Thường thì đối với những người trong gia đình, bạn bè thân thiết. Còn những người chưa thân hoặc đồng nghiệp ở cơ quan hay đối tác thì bắt tay lịch sự. Ở mỗi thành phố hay mỗi vùng thì số lượng nụ hôn và má cũng khác nhau. Thường thì là 1 cái vào má phải, 1 vào má trái cũng có nơi họ hôn 3 cái, hoặc 4 cái. Nếu người Pháp chủ động hôn vào má du khách thì đừng ngại nhé, điều đó thể hiện họ rất thiện cảm và muốn gần gũi hơn với du khách.
Posted by: lpk 116
____________________
Đặng Hữu Phát gởi