Những Công Trình “Đắp Chiếu”
Hàng loạt công trình hạ tầng giao thông, nước sạch, văn hóa… từ tiền công quỹ nhưng lại “đắp chiếu”, hoang phế… Những công trình “làm nghèo” đất nước như vậy tồn tại ở rất nhiều nơi.
Cầu trăm tỉ hoang phế
“Đắp chiếu” hơn 10 năm nay, cây cầu vượt đường sắt bắc – nam khá bề thế tại tổ dân phố Khánh Mỹ (TT.Phong Điền, H.Phong Điền, Thừa Thiên-Huế) thuộc dự án đường cứu hộ cứu nạn Phong Điền – Điền Lộc được tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt với nguồn vốn 671 tỉ đồng, đã có dấu hiệu xuống cấp, hoang phế.
Cầu vượt dài 16,5 km có 3 nhịp, 8 trụ tròn đứng, 2 đầu là tường thành cao, xem như cầu đã hoàn thiện xong phần thô rất kiên cố. Tuy nhiên, điều khó hiểu là cầu lại… không có đường dẫn, khiến khối bê tông cứ “sừng sững” giữa trời một cách vô dụng. Sau thời gian dài bỏ hoang, đến nay rong rêu đã phủ đen khối bê tông, các phần cốt thép bị gỉ sét, ăn mòn…
Công trình chậm chạp một cách khó hiểu này đã ảnh hưởng trực tiếp đến những gia đình ở đó khiến họ rất khổ sở. Họ sống trong cảnh chờ đợi và chưa biết lúc nào công trình sẽ tiếp tục. Chuyện tái định cư cũng “treo” lơ lửng qua năm tháng.
Giai đoạn 1 đầu tư khoảng 212 tỉ đồng, khởi công từ năm 2012, đến nay đã thông tuyến từ QL1 nối tỉnh lộ 4 của tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Tại sao cầu cứ nằm chỏng chơ giữa nắng mưa như vậy?
Giai đoạn 2 của công trình này chưa tiếp tục do thiếu vốn. Dự án được phê duyệt 671 tỉ đồng, nhưng chi hết 340 tỉ đồng thì gặp khó khăn!
Xây dở dang rồi bỏ đó
Tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An… cũng không khó để tìm những công trình nửa vời do giữa chừng thiếu vốn hoặc vì nhiều nguyên nhân khác nhau đành phải bỏ hoang, chết yểu, hoặc công trình phí phạm vì không mang lại hiệu quả.
Điển hình là dự án cầu làng Ngòn bắc qua sông Cầu Chày, nối TT.Ngọc Lặc với xã Ngọc Khê (H.Ngọc Lặc, Thanh Hóa) gần 55 tỉ đồng.
Theo thiết kế, cầu được xây dựng bằng bê tông cốt thép, dài 113 m và hoàn thành trong thời gian không quá 5 năm kể từ năm 2010, sẽ giúp người dân hai nơi trên không phải lụy thuyền, bè qua sông Cầu Chày, hoặc không phải đi đường vòng gần 10 km để qua lại giữa đôi bên.
Sau khi được phê duyệt, Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa đã triển khai công trình nhưng đến tháng 4.2012, tỉnh Thanh Hóa đột nhiên thông báo phải dừng lại do thiếu vốn.
Lúc dừng thi công, cầu làng Ngòn mới xây bệ, tường thân, tường cánh 2 mố, 2 trụ cầu và một phần đường dẫn lên cầu mất hơn 22 tỉ đồng (42% giá trị công trình). Kể từ đó đến nay, công trình chết yểu, bỏ hoang.
Hiện xung quanh các mố cầu, trụ cầu, cây cối mọc um tùm; những phần thép lộ thiên hoen gỉ, hư hỏng…
Công trình dừng xây dựng không chỉ phí phạm tiền mà còn gây ra không ít hệ lụy cho địa phương. Kẻ nghiện ngập hay tụ tập tại khu vực cầu làng Ngòn làm mất an ninh trật tự. Ngoài ra việc giải tỏa mặt bằng nhưng lại không sử dụng làm lãng phí đất đai.
Suốt 11 năm qua, xã rồi huyện đã nhiều lần đề nghị cấp có thẩm quyền giải quyết nhưng vẫn chưa có lối thoát. Vì công trình do cấp trên quản lý, nên nhiều năm nay đành bỏ mặc, dân địa phương chẳng biết khi nào nó mới được hồi sinh.
Đội vốn hơn gấp đôi để sửa sai thiết kế
Có chung “hoàn cảnh” với cầu vượt đường sắt tại TT.Phong Điền còn có cầu Lợi Nông (bắc qua sông Lợi Nông, P.An Đông) được tỉnh Thừa Thiên-Huế phê duyệt từ năm 2016, với tổng chi phí 32 tỉ đồng. Công trình hoàn thành phần thô cầu và kè đá mất 16,34 tỉ đồng nhưng do thiết kế sai khiến cầu chỏng chơ trên cao và cũng… không có đường dẫn để lên cầu.
Các công trình lãng phí, “làm nghèo” công quỹ gây ra nhiều hệ lụy, nhưng đáng nói, khi đề cập đến trách nhiệm thuộc về ai, thì nhiều “địa chỉ” không có câu câu trả lời!
Bao giờ dự án thủy lợi 90 tỉ thôi ‘hành’ dân?
Công trình thủy lợi Suối Đá tại xã Quảng Hòa (H.Đắk Glong) nhiều tai tiếng nhất tỉnh Đắk Nông vì tiêu tốn hàng chục tỉ đồng, nhiều lần gia hạn, gây ám ảnh đối với người dân xã nghèo Quảng Hòa.
Theo thiết kế, dự án sẽ bảo đảm cung cấp nước tưới cho 1.000 ha cây nông nghiệp, tăng canh tác lúa nước từ 1 lên 2 vụ/năm và tạo nguồn nước dùng ổn định về sau cho hơn 1.750 gia đình trong khu vực.
Số tiền chi cho công trình này lên đến 90 tỉ đồng, được xếp vào nhóm cấp bách và phải thực hiện không quá 5 năm. Khởi công tháng 11.2017, dự định hoàn thành tháng 11.2019. Tuy nhiên cho đến nay công trình vẫn chưa xong và liên tục xin gia hạn. Kể từ đó, công trình đã trải qua đến 4 lần gia hạn nhưng vẫn chưa hoàn thành. Mới đây, tỉnh Đắk Nông đồng ý gia hạn lần thứ 5.
Việc sử dụng kết quả khảo sát địa chất để thiết kế bản vẽ thi công cũng có nhiều sai phạm. Kết quả là phải điều chỉnh dự án đầu tư 2 lần, điều chỉnh thiết kế 3 lần…
Có 315 m kênh của người dân gần kênh nhánh N4 nhưng trong bản vẽ thi công đã không đề cập đến hiện trạng này, và không có giải pháp sử dụng lại kênh cũ.
Hậu quả là trong thời gian thi công kênh nhánh N4, phải phá dỡ kênh cũ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tưới tiêu cho hơn 6 ha lúa của dân địa phương.
Nguy cơ nông dân nghèo mất sinh kế
Đáng nói hơn, mỗi khi điều chỉnh thiết kế, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan đã không thực hiện đồng bộ. Kết quả là phải tiếp tục thay đổi thiết kế, gia hạn nhiều lần khiến tiến độ chậm hơn 2 năm.
Sự vô trách nhiệm này ảnh hưởng trực tiếp đến việc tưới tiêu nông nghiệp trong nhiều năm qua, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân xã Quảng Hòa là xã giáp với tỉnh Lâm Đồng, dân số khoảng 7.000 người, là một trong những xã nghèo nhất tỉnh Đắk Nông. Người dân trong xã hầu hết là đồng bào thiểu số, sống dựa vào nông nghiệp. Tỷ lệ hộ nghèo trong xã chiếm 62% .
Sở dĩ người dân xã Quảng Hòa bức xúc bởi trước khi có công trình thủy lợi Suối Đá, họ trồng lúa không lo thiếu nước lấy từ nguồn kênh mương đất tự đào.
Nghịch lý “không tưởng” là, từ lúc xây dựng thủy lợi Suối Đá, ruộng của người dân lúc nào cũng thiếu nước, không thể trồng trọt được. Để cứu ruộng lúa, người dân dùng máy bơm nước từ xa dẫn tưới vào ruộng, trong khi kênh mương thủy lợi nằm kề bên. “Đau khổ” nữa là, nông dân quá nghèo thì mấy ai có thể mua được máy bơm để tưới nước cho ruộng lúa.
Lãnh đạo xã Quảng Hòa nhiều lần ngán ngẩm và bức xúc vì thủy lợi Suối Đá. Ông Nguyễn Tôn Đông Khoa, Bí thư Đảng ủy xã Quảng Hòa, nói thẳng: “Người dân trong xã hầu hết là hộ nghèo, vì vậy họ luôn trông chờ dự án sớm được hoàn thành để có thể ổn định sản xuất. Tuy nhiên, dự án không chỉ đã chậm hơn 2 năm, mà còn phá hết kênh tưới vốn có, khiến người dân và địa phương vô cùng thất vọng”.
Có ruộng lúa nằm cạnh kênh, nhưng gia đình anh Lầu Văn Dê (ở thôn 12, xã Quảng Hòa) không thể thâm canh lúa nước 2 năm nay vì kênh nằm sâu dưới lòng đất, thấp khoảng 3 m so với nền ruộng hiện có. Cũng kể từ đó, gia đình anh Dê phải đi mua gạo, ngô về ăn…
Không thể bỏ hoang 2 sào ruộng nên vừa qua anh Dê phải “cắn răng” bỏ ra 30 triệu đồng thuê máy múc hạ nền ruộng xuống thấp, hy vọng ruộng sẽ có thể lấy nước từ kênh dẫn. “Tính luôn cả ruộng của mẹ và anh trai, vừa qua phải tốn hơn 100 triệu tiền thuê máy múc để hạ nền ruộng. Nhưng nếu không hạ nền ruộng thì phải chạy máy bơm, chi phí rất cao”, anh Dê xót xa.
Trạm y tế bỏ hoang 10 năm
Khu tái định cư (TĐC) Bến Ván được hình thành từ tháng 7.2004 với tổng số dân ban đầu là 1.015 người được di dời từ chương trình xây dựng hồ thủy lợi Tả Trạch (xã Dương Hòa, TX.Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế). Qua hơn 17 năm, đến nay khu TĐC Bến Ván đã có gần 1.500.
Là vùng đồi núi, khu TĐC Bến Ván nằm cách quốc lộ 1A hơn 10 km nên khi đưa vào sử dụng, nơi này có đầy đủ điện, đường, trường, trạm… Sau khi giao cho xã Lộc Bổn quản lý, các công trình đều sử dụng tốt. Thế nhưng, trạm y tế được xây dựng trên gần 2.000 m² đất chỉ hoạt động được vài năm đã phải “đắp chiếu” hoang phế, trong lúc đó nhu cầu chữa bệnh của người dân ngày một cao.
Trạm y tế Bến Ván trở nên nhếch nhác, hoang tàn, các giường bệnh, thiết bị y tế mốc meo, hư hỏng.
Trạm y tế này đang trong thời gian chờ… xóa sổ. Trong khi nhu cầu của người dân lại rất cần có cơ sở y tế. “Chúng tôi là dân lao động, nếu bị thương nhẹ, cần sơ cứu mà phải chạy ra trạm y tế xã hơn 10 km thì quá bất tiện. Chưa kể những người bị cao huyết áp, không có bác sĩ sơ cứu gấp thì rất nguy hiểm”, ông Ph. (48 tuổi, ngụ thôn Hòa Lộc, X.Lộc Bổn) nói.
Định cư trong vùng đồi núi cách xa trung tâm xã với đời sống kinh tế chủ yếu là trồng rừng, vì thế người dân 2 thôn Dương Lộc và Hòa Lộc rất cần có trạm y tế để đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh, nhất là trong tình hình thích ứng an toàn với dịch Covid-19.
Bến cá 43 tỉ hoang phế
Năm 2012, để nâng cấp bến cá xã Hoằng Phụ, tỉnh Thanh Hóa chi hơn 46 tỉ đồng từ vốn vay Ngân hàng Thế giới. Đến năm 2016, giảm số tiền xuống còn 43,6 tỉ đồng, và bắt đầu xây dựng.
Thiết kế gồm nhà điều hành, sân bến, cọc neo đậu tàu thuyền, hệ thống điện, cấp thoát nước, bể lọc nước thải, đắp đất, kè bờ bao, hai nhà thu nhận và phân loại tôm cá… cùng nhiều công trình phụ trợ khác.
Sau khi hoàn thành sẽ bảo đảm bốc dỡ, sơ chế, bảo quản và cung cấp dịch vụ cho khoảng 5.400 tấn thủy sản/năm, là nơi neo đậu, tránh bão cho tàu thuyền xã Hoằng Phụ và các vùng lân cận.
Đến tháng 5./017, sau khi hoàn thành, công trình được bàn giao cho xã Hoằng Phụ quản lý. Thế nhưng, từ lúc đó đến nay đã hơn 4 năm, bến cá không thể hoạt động do luồng lạch bị bồi lắng, tàu thuyền lớn nhỏ không thể vào bến để neo đậu, mua bán tôm cá.
Ông Nguyễn Đức Long (56 tuổi, người dân sống gần bến cá), cho hay: «Bến cá mới xây đẹp, khang trang, đường đi lối lại thuận tiện cho tàu thuyền vào mua bán và neo đậu. Dân xã Hoằng Phụ chúng tôi chủ yếu sống bằng nghề đi biển, từ xưa đến nay do không có bến cá nên phải chạy sâu vào khu vực đông dân cư bên trong mua bán, nhưng phía trong đó chật chội, ô nhiễm lắm. Nhu cầu bức thiết nhiều năm qua là có bến cá, nhưng đến lúc làm xong lại không dùng được”.
Hiện hàng trăm tàu thuyền của ngư dân xã Hoằng Phụ và các xã lân cận vẫn phải neo đậu sâu bên trong sông Cung, cách bờ biển khoảng 2 km. Khu vực neo thuyền đông dân nhất xã Hoằng Phụ, đường chật hẹp, cộng thêm việc chế biến hải sản của người dân khiến môi trường bị ô nhiễm, bức bí, nhất là vào mùa hè.
Chủ tịch xã Hoằng Phụ Nguyễn Thanh Bình, thừa nhận từ khi xây dựng xong cho đến nay, bến cá không thể hoạt động như dự định do luồng lạch bị bồi lắng, tàu thuyền không thể ra vào, dù những năm đầu xã có cho máy bơm nạo vét bùn nhưng không xuể.
Liên quan đến việc chuyển quản lý sang tư nhân, ông Bình cho hay: “Việc đổi quản lý là do Huyện, nên tôi không nắm rõ”.
Trưởng phòng NN-PTNT H.Hoằng Hóa, nói: “Vẫn đang trong giai đoạn trình tỉnh để phê duyệt tài chính, sau đó mới đấu giá được, mới chọn nhà thầu”.
Như vậy, sau hơn 4 năm, cảng cá hơn 43 tỉ đồng vẫn tiếp tục bỏ không, dù tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo H.Hoằng Hóa tìm cách “giải thoát” cho cảng cá này từ năm 2019!
San Hà (tổng hợp)
__________________
Đỗ Hứng gởi