Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
Những Điều Kỳ Thú Về Loài Ngỗng



PHẦN 1.
 
Vào 1 ngày cuối tuần của năm 2000, lúc đó tôi 7 tuổi, khi tôi cùng bố mẹ, anh chị vừa đi chơi bóng trở về nhà thì chúng tôi nhìn thấy 2 con ngỗng trời trưởng thành và 1 con ngỗng con ở lối đậu xe trước nhà.

Hai con ngỗng bố mẹ, có lẽ bị giật mình bởi sự xuất hiện đột ngột của chúng tôi nên đã vỗ cánh bay đi, còn con của nó nhỏ quá chưa thể bay theo bố mẹ nên bị bỏ lại. Vì đã có kinh nghiệm tiếp xúc với động vật hoang dã, chúng tôi thậm chí còn không dám tiếp xúc với con ngỗng con vì sợ nó sẽ quen với con người mà quên đi gia đình của nó mãi mãi.

Nhiều giờ trôi qua, đêm tối đã bao trùm, con vật nhỏ đáng thương vẫn đi lang thang ở quanh sân của chúng tôi, không hề biết về những hiểm nguy xung quanh, có thể 1 loài săn mồi nào đó đang rình rập nó. Đó là lúc chúng tôi biết mình phải can thiệp và đưa nó vào nhà.

Vài ngày sau, cặp ngỗng bố mẹ đã quay trở lại sân nhà chúng tôi, và chúng tôi xua chú ngỗng con về phía bố mẹ nó, hy vọng gia đình chúng sẽ đoàn tụ. Thế nhưng, lần nào nó cũng chạy về phía chúng tôi. Sự việc tiếp diễn được 5 ngày, dường như nó đã quyết định rằng chúng tôi mới là gia đình mới của nó. Ngỗng bố mẹ bỏ cuộc, và mãi mãi không quay trở lại. Còn chúng tôi đặt cho nó cái tên là Peeper, coi nó như 1 thành viên trong gia đình.

Cứ thế, Peeper ở với chúng tôi được gần một năm. Ngày nào nó cũng lạch bạch chạy theo chúng tôi, nô đùa cùng chúng tôi ở sân nhà. Nó ngủ ở hiên nhà sau vào mỗi tối. Ngày nào bố tôi cũng phải dùng vòi xịt để làm sạch chất thải của nó. Ngoài ra, 1 hoạt động hàng ngày của bố còn bao gồm việc ném Peeper vào không trung để nó bay một vòng quanh nhà chúng tôi, và nó thường quay lại khi hiên nhà đã được rửa sạch sẽ.

Một buổi tối, bác tôi ghé qua, và bố tôi muốn cho bác ấy xem màn trình diễn bay điệu nghệ của Peeper. Bố lại ném nó vào không khí, nhưng lần này, Peeper đã bay đi thật. Ai cũng buồn bã. Trời rất tối, và chúng tôi thật sự lo lắng. Chúng tôi tìm nó trong nhiều ngày, còn gọi tên nó nữa, nhưng nó không quay lại. Chúng tôi hy vọng nó sẽ tìm được 1 đàn ngỗng mới và trở về thế giới tự nhiên của nó.

Nếu tìm hiểu, bạn sẽ biết ngỗng Canada là loài chim có thể sống tới 25 năm, rất trung thành và không bao giờ quên ngôi nhà đầu tiên của chúng. Thế nhưng, chúng tôi vẫn vô cùng bất ngờ khi vào năm 2019, 1 con ngỗng Canada trưởng thành lại vẫn nhớ đường để tìm về nhà tôi.

Ngỗng trời yêu thích những ngôi nhà có bãi cỏ rộng, xanh mướt vì đây là nguồn thức ăn lý tưởng của chúng. Địa hình bằng phẳng giúp chúng quan sát được các loài săn mồi. Vì thế, tôi nghĩ nó chỉ là một con ngỗng nào khác chứ không phải Peeper ngày xưa, nhưng tôi đã nhầm.

Sau 2 tuần, con ngỗng ấy vẫn tiếp tục quay lại, nên tôi linh cảm nó không phải con ngỗng nào khác. Nó làm tất cả những việc mà Peeper vẫn thường làm, ví dụ như cố đi vào cửa trước và ngủ ở khu vực hồ bơi có rào chắn. Không chỉ bắt chước kiểu cách của Peeper, mỗi lần chúng tôi gọi tên Peeper thì nó đều có phản ứng đáp lại.

Người bạn năm xưa thực sự đã quay trở về rồi. Hai mươi năm không phải là một khoảng thời gian ngắn. Vậy mà một con vật vẫn sống sót được sau 20 năm, vẫn nhớ đến những ân nhân của nó và quay trở về, chẳng phải là 1 điều kỳ diệu giữa cuộc đời đầy những sự xô bồ, hối hả và nhiều quên lãng này sao?

Tại sao Peeper lại quay lại? Lý do chắc chỉ mình nó là rõ nhất. Có lẽ bạn đời của nó đã chết, và ngỗng trời hay nói đúng là loài ngỗng thì chẳng bao giờ kết đôi 2 lần, thế nên, nó đang sống trong cô độc và muốn tìm về gia đình đầu tiên của nó để bầu bạn cho khuây khỏa.

Hoặc cũng có thể, nó biết mình đã sắp đi đến chặng cuối của hành trình mang tên cuộc sống, và muốn trở về nhà, như người ta nói, "Lá rụng về cội". Đây cũng là một hành vi điển hình của chúng. Dù với bất kỳ lý do gì, chúng tôi cũng luôn sẵn sàng giang rộng vòng tay đón Peeper trở về. Nó tiếp tục sống cùng tôi, và vẫn may mà tôi chưa rời xa ngôi nhà của bố mẹ.

Không phải đêm nào nó cũng về nhà như ngày còn bé. Có những đêm nó đậu ở một cái hồ nước gần đó, tìm cho mình sự thoải mái của giống loài. Thế nhưng, chỉ riêng việc nó ở với chúng tôi vào ban ngày đã rất tuyệt vời, đem lại niềm vui và sự ấm áp cho gia đình chúng tôi rồi.
 
Người ta cứ nói, con người là động vật cấp cao ưu tú nhất, thế nhưng, theo như tôi thấy, nhiều khi những bài học vĩ đại nhất cho con người lại tới từ thiên nhiên.
 
Sự quay trở lại của Peeper là một trải nghiệm vô cùng có ý nghĩa với cả gia đình, nhất là riêng với tôi. Hy vọng rằng con cái của tôi, 1 ngày nào đó cũng sẽ có cơ hội được kết nối với thiên nhiên, để có thể hiểu được thế nào là tình yêu thương, lòng biết ơn và sự thủy chung, những bài học mà nhờ có Peeper, đã trở nên vô cùng sống động và đặc biệt.
 
 BẠN BIẾT GÌ VỀ CON NGỖNG?
 
1. NGỖNG LÀ LOÀI ĂN CHAY, thích nhất ăn cỏ và lúa, hoặc cơm trắng, chỉ vậy thôi. Nếu trong thố ăn của ngỗng, bạn bỏ ít tôm cá vào, ngỗng sẽ không bao giờ đụng đến cái thau đó nữa, dù là sau đó không có tôm cá.
- Hoặc bạn cố tình chỉ cho ăn tôm cá hay thịt, ngỗng thà nhịn đói cả tháng rồi chết chứ không ăn.
- Hoặc bạn cố tình nhét thịt cá vào miệng, ngỗng sẽ ói ra.

2. NGỖNG CÓ TÁNH LINH RẤT CAO, nên dùng để giữ nhà, ngăn vong này nọ.
- chó thấy người bên ngoài cổng nhà là sủa, ngỗng thì khi nào người lạ vào đất/ nhà của bạn, ngỗng mới kêu to, khi nghe tiếng càng dồn dập và mạnh mẽ, chắc chắn có biến.
- mảnh đất vong nhiều, Thầy trừ chưa kịp, ngỗng ở 3 ngày trở lên là hết.
- chó không biết có bão, ngỗng nghe ngóng thời tiết biến chuyển rất tốt.
- trứng ngỗng được con mái ấp, con trống canh, ngoài chủ ra, ai cũng sẽ bị tấn công nếu đe doạ việc ấp trứng. Và trứng nếu đụng tay vào, sẽ bị thối. Nên dùng cái chén múc lên để lại bên trong nếu trứng bị lăn ra ngoài ổ.
- người chủ mới có toàn quyền với ngỗng, người lạ luôn bị ngỗng tấn công, đôi cánh ngỗng quạt mạnh có thể gãy tay.
- ngỗng rất chung tình, nếu một con chết đi, con kia thờ phụng trọn đời.
- Nếu muốn bán ngỗng con, dẫn người vô coi bắt ngay. Chứ để mai bắt là đêm đó ngỗng mẹ mổ cho chết hết đàn con, nhất quyết không cho con về tay người khác.

3. NGỖNG NHIỀU LỢI ÍCH MÀ NHÀ VƯỜN/ NHÀ RỘNG NÊN CÓ:
- nghe tiếng ngỗng kêu, rắn và chuột lánh xa ít nhất vài trăm mét.
- phân ngỗng bạn cứ rắc quanh vườn, quanh nhà, sẽ đuổi được rắn, kể cả rắn hổ đất, độc nhất, đang bò, gần đến nơi có chút xíu phân ngỗng, sẽ co mình chuyển hướng.
- mở kinh niệm Phật quanh vườn vừa lợi cho người ở trên khu đất và cho ngỗng mình đang nuôi nghe.

***

Tuy nhiên, ngỗng ăn cỏ cây rất nhiều và sẽ xử hết vườn cây cỏ nhà bạn, nên nếu nhà đang có vườn cỏ đẹp, muốn nuôi ngỗng nên quây lưới lại một khoảnh vừa cho ngỗng ở và bơi lội dưới ao, tắm rửa.
- nếu ngỗng rụng cái lông, đem vào rửa sạch phơi khô gối đầu nằm, rất tốt cho một giấc ngủ yên về tâm linh.
Lông ngỗng nướng lên cùng viên than hồng, rồi tán nhuyễn ra, trị viêm tai giữa rất hay, tiệt sạch...
 
4. CÔNG DỤNG CỦA TRÁI TRỨNG NGỖNG UNG, CHỮA BỆNH SANH NON THẦN KỲ.

Tôi là người được hưởng sự mầu nhiệm của trái trứng ngỗng ung nên xin viết ra đây để mọi người được biết, nếu có ai bị như vợ tôi, có thế xử dụng trái trứng ngỗng ung. Trái trứng ngỗng ung là trái trứng đã được ngỗng mẹ ấp và không nở ra ngỗng con.

Năm 1968, vừa đánh VC đợt Tết Mậu Thân tại Chợ Lớn xong, tôi về trình diện TĐ51BĐQ đang tăng phái cho SĐ25BB, đóng tại quận Đức Hoà, cả trung đoàn VC từ các nơi, đánh thua quân ta kéo về ẩn nấp tại ấp Trầm Lạc, kế bên mật khu Bời Lời, gần biên giới Việt Miên. Tin tình báo cho hay nên Thiếu Tướng Nguyễn Xuân Thịnh, Tư Lệnh SĐ25BB  quyết định mở cuộc hành quân tiêu diệt đơn vị VC này.

Ngày 16 tháng 3/1968, tiểu đoàn 51 Biệt động quân lại tham gia cuộc hành quân tại Trầm Lạc, Đức Hòa, Hậu Nghĩa. Một tiểu đoàn chủ lực của Cộng quân đã dàn trận để “nghênh chiến” đơn vị Mũ Nâu này. Cũng như tại Giồng Lớn, Cộng quân đã xây dựng cụm phòng thủ với địa đạo liên hoàn. Đại đội tiền phong đã bị địch dùng đại liên bắn xối xả, nhưng với chiến thuật cá nhân chiến đấu trong đội hình đại đội tấn công, chiến binh Biệt động quân đã làm chủ trận địa ngay từ phút đầu.

PHẦN 2.

Kết hợp giữa vận động chiến và lối đánh đặc biệt của binh chủng trong tấn công, từng trung đội Biệt động quân đã “dọn sạch” các cụm chốt phòng ngự của địch, mục tiêu cuối cùng là ban chỉ huy tiểu đoàn Cộng quân được giao cho một đại đội. Sau 6 giờ giao tranh liên tục, tiểu đoàn 51 Biệt động quân đã loại ngoài vòng chiến 95 CQ, bắt sống 1 tù binh, tịch thu 19 vũ khí, phá hủy hệ thống địa đạo và hấm hồ quanh khu vực hành quân. Phía lực lượng VNCH có 10 chiến binh tử thương, 19 người bị thương. Tôi là SQ bị thương được trực thăng chở  thẳng về Tổng Y Viện Cộng Hoà.  Ngày 22 tháng 3 năm 1968, Thiếu Tướng Nguyễn Xuân Thịnh, Tư Lệnh SĐ25BB đã vào TYV Cộng Hoà gắn huy chương và thăng cấo cho các quân nhân hữu công, tôi là Chuẩn Úy Lê Thanh Tùng được đặc cách thăng cấp Thiếu Úy kèm Anh Dũng Bội Tinh Ngôi Sao Vàng. Trong cuộc đời binh nghiệp đã lưu truyền câu „bạo phát bạo tàn“, nghiã là lên cấp nhanh sẽ sớm tàn, có thể chết, tử trận, tôi cũng lo sợ điều này xảy ra với tôi, tôi ra trường ngày 12 tháng 01 năm 1968, đến ngày 22 tháng 03 năm 1968 đã được thăng cấp đặc cách như vậy qúa nhanh vì trận đánh này quân ta đã thắng lớn, xác địch bỏ lại là 95 VC, vũ khí tịch thu có cả thượng liên.
Sau khi giải phẫu lấy viên đạn ở ngực, tôi được nghỉ dưỡng thương, 29 ngày tái khám.
Trong lúc đang nghỉ dưỡng thương tại nhà, thì nàng, người con gái tôi „phải lòng“ từ mấy năm trước

Tôi lập gia đình cũng là chuyện tình cờ, hai đứa đã giận nhau, hai người con gái cùng lên thăm tôi một ngày, thế là “giận nhau”, không “thèm” đoái hoài gì tới tôi nữa, suốt những tháng ngày còn lại trong quân trường, tôi đã thành kẻ “mồi côi”, mỗi tuần về phép cũng không có ai để dắt tay dạo phố. Ra trường, đánh trận bị thương, nằm trong Tổng Y Viện Cộng Hoà, cũng không có một em gái hậu phương vào thăm, tủi thân cho kẻ cô đơn, bỗng dưng một ngày đẹp trời, Nàng và cô em gái đến nhà thăm thương binh, tôi thực sự ngỡ ngàng, đứng như “trời trồng” không mở lời được, cứ ngỡ đã vĩnh viễn xa nhau từ “ngày ấy”, xuất viện về nhà dưỡng thương, 29 ngày tái khám, thời gian này thật là “lý tưởng” cho cuộc đời một người quân nhân tác chiến, bên cạnh lại có “người đẹp” để có thể “dung dăng dung dẻ” bát phố Saigon, đi chơi vài lần, tôi đề cập đến việc lập gia thất mà mẹ tôi vừa nhắc đến, nếu em đồng ý thì về thưa chuyện với Ba Má, nàng gọi phụ mẫu là Ba Má, còn tôi gọi là Thầy U theo phong tục của vùng làng quê nơi tôi sinh ra ngoài Bắc. Vài ngày sau tôi đưa mẹ tôi và người thím qua nhà nàng để “người lớn” hai bên tính chuyện “trăm năm” cho đôi trẻ. Nàng ưng lấy tôi, một người nghèo, bỏ hết của cải chạy vào Nam, là một sự hy sinh, nhà nàng “có của ăn của để”, ba nàng là một vị thầu khoán xây cất lâu năm tại Saigon, thế nhưng số trời đã đãi ngộ, chỉ hơn 2 năm sau ngày cưới, tôi đã có một căn nhà mặt tiền đường để “ra riêng”, căn nhà này mang số 11Đ, Đại lộ Hùng Vương, Quận 10 Saigon, ngang 5 mét dài 35 mét, Ba nàng đã cho thợ đến xây cất cho chúng tôi, tôi mua vật liệu theo chỉ dẫn của Ba nàng, tại căn nhà này, nàng đã sinh cho tôi 2 cô con gái, năm một, 1971, cháu Lê Trân Thụy Thanh Trúc ra đời, năm sau 1972, cháu Lê Trần Thụy Thanh Quyên tiếp theo.  Sở dĩ tôi có căn nhà này là nhờ phong trào Thương Phế Binh Đòi Quyền Sống mà một dạo người dân Đô thành gọi là phong trào “cắm dùi” của Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hoà, tôi bị thương lần thứ hai, đang chờ ra Hội Đồng Y Khoa, để giải ngũ, thì xảy ra vụ “cắm dùi”, tôi tham gia tích cực với anh em ngay từ buổi đầu, biết rõ ngọn ngành, có dịp tôi sẽ kể về “biến cố” này để hậu thế được tường tri.

Bố mẹ tôi không có tiền để mua cho chúng tôi một căn nhà nhỏ nên vẫn phải ở chung với đại gia đình từ ngày cưới, nàng chẳng hề than vãn hay đòi ở riêng.  Lấy nhau tháng 6.1968, năm sau 1969, nàng sinh cho tôi một cháu bé, nhưng vì sinh thiếu tháng nên nuôi không được, năm 1970 sinh thêm lần nữa, vẫn bị sanh sớm, tôi còn trong quân ngũ, vẫn đi tác chiến, “rày đây mai đó” không có được một ngày phép để đưa nàng đi khám Bác Sĩ, cũng may tôi có một bác gái người Nam mà tôi coi như người mẹ nuôi, thời chưa khoác áo chinh nhân, chỉ cho tôi cách chữa “dân gian”, xin một quả trứng ngỗng ung, ấp mà không nở con, luộc lên cho nàng ăn một mình, không ai được ăn ké, lúc đóng quân dưới Nhà Bè, tôi quen biết một vị có nuôi một đàn ngỗng, bèn chạy xuống đó để hỏi xin trái trứng ngỗng ung, vừa hỏi, vị này biết ngay là xin trứng ung để chữa chứng sanh non. Nhờ ăn trái trứng ngỗng ung này mà năm 1971, nàng đã hạ sinh cháu đầu tiên đủ ngày đủ tháng, năm sau thêm cháu thứ hai. Tôi đã chỉ cho nhiều người quen biết ở khắp  nơi, tất cả các bà vợ đều phải ăn trứng ngỗng ung mới sinh được các cháu đủ ngày tháng. Ghi ra đây để có ai như  trường hợp vợ tôi thì chỉ dẫn cho họ làm phước. Trứng không ung, chưa ấp không dùng được trong việc chữa trị này.

Vượt biển được tàu Cap Anamur của Đức vớt ngoài biển Đông, tháng 8.1980 qua Đức định cư, tôi  thuyết phục vợ tôi sinh thêm một đứa nữa, 17 tháng 10 năm 1988, một cháu gái ra đời, đây là cháu gái thứ tư cũng bị thiếu tháng vì ăn trứng ngỗng ung đã hơn 17 năm nên đã bị “loãng” may là ở Đức, y khoa tân tiến, cháu bé được nuôi dưỡng đầy đủ, lớn lên như một đứa bé sinh đẻ bình thường, đứa chị sinh ngày 28.10.1971, đứa em út sinh ngày 17.10.1988, chị cả lớn hơn em út 17 tuổi. Như vậy, vị nào bị mắc chứng bệnh “sanh non” nếu sinh đẻ cách nhau xa thì nhớ ăn lại trái trứng ngỗng ung nhé!

Năm 1973, cần tiền để làm ăn, tôi quyết định bán căn nhà được 2 triệu 600.000 đồng, lúc này giá vàng là 15.000 đồng một lượng. Tôi mua một căn nhà nhỏ hơn trong hẻm giá 600.000 đồng, còn 2 triệu tôi đóng góp vào cổ phần đấu thầu hoa chi chợ mà Quốc Hội đã ban hành luật ưu tiên cho Thương Phế Binh. Cuộc đời tôi lúc nhỏ đi học, nhà nghèo, thèm ăn một ổ bánh mì thịt cũng không có tiền mua, vì thế khi có con, tôi đã cố gắng “bươn chải”, đi làm tại Saigon Thủy Cục, lương hàng tháng, chính ngạch, ngoài giờ đi làm tôi đã tham gia các “dịch vụ” mà chính phủ dành cho Thương Phế Binh, do đó mức thu nhập khá khả quan, các con tôi đều được “no đủ”, muốn ăn cái gì tôi đều chiều theo ý các cháu. Nàng “cấn thai” cháu thứ 3 trước khi Việt Cộng vào chiếm Saigon một tháng, cháu Lê Trần Thụy Thanh Thanh sinh ngày 22 tháng 12 năm 1975. Năm 1980, tôi mua ghe tổ chức đem cả gia đình nhỏ của tôi vượt biên ngay tại Saigon (xem đoản văn CÂU CHUYỆN VƯỢT BIỂN TỪ THỦ ĐÔ SAIGON), chiếc thuyền bé nhỏ của tôi may mắn được chiếc tàu CAP ANAMUR vớt ngoài biển Đông, được đến Tây Đức định cư từ ngày 09.07.1980, 8 năm sau, cháu gái thứ tư tên Lê Trần Thụy Thi Thi Tina, ra đời ngày 17.10.1988. Các cụ đã có câu: “TAM NAM BÂT PHÚ, TỨ NỮ BẤT BẦN”, ý nghiã câu này, ai có 3 người con trai thì không giàu và ai có 4 người con gái thì không nghèo được. Tôi nằm suy nghiệm, câu này đã ứng vào giòng họ tôi, từ đời ông nội đến đời bố tôi. Ông nội sinh ra bố và 2 người chú, đang giàu có, ruộng đất nhiều nhất, nhà cửa lớn nhất vùng đó, bỗng dưng Cộng Sản về, phải bỏ của chạy lấy người vào Nam, chúng tịch thu hết tất cả. Đến đời bố tôi cũng vậy, sinh ra 2 người anh và tôi, vào miền Nam trở thành nghèo, suốt 21 năm, chỉ đủ sống. Tôi học xong bậc Tú Tài là một nghị lực mà tôi đã cố gắng vượt qua. Đến Đức sinh sống mãi 8 năm sau, nàng và tôi bàn tính, “đổi đất đổi đời”, xem có ra  thằng cu tí cho “có nếp có tẻ”, đây là số trời đã định, cháu thứ tư ra đời lại ứng vào vế thứ nhì “TỨ NỮ BẤT BẦN”, quả thật, cả 4 cháu gái của tôi đều học xong bậc Đại Học, mỗi cháu học một ngành nghề khác nhau, 3 cháu đem đi từ Saigon, đã mua nhà riêng, thêm vài cao ốc, mỗi cao ốc có 4 đến 8 căn hộ cho thuê, cháu Tina nhỏ nhất thua chị kế đến 13 tuổi, chưa mua nhà riêng vì mới đi làm, đó là về phần “an cư” của 4 cháu gái xin được lược thuật để anh em bạn bè thân hữu tường tri. Như vậy lúc nàng lấy tôi, gia đình rất nghèo như trên tôi đã mô tả, nhờ Trời đãi ngộ, chỉ hơn 2 năm sau ngày cưới, chúng tôi đã có một ngôi nhà “bề thế” để ra ở riêng, đến khi Việt Cộng chiếm miền Nam, chúng đã “trù dập” tôi, buộc tôi phải “liều chết” đem cả gia đình vượt biển tìm tự do một lần nữa, may mắn được con tàu nhân đạo Cap Anamur vớt ngoài biển Đông, đến nay đã 37 năm, các con tôi đều thành đạt trên bước đường học vấn, đó là cái gia sản tôi để lại cho các cháu. Còn nàng, kể từ ngày ưng lấy tôi năm 1968, một người nghèo, mà chỉ sau 12 năm, 1980, đã được sống một cuộc đời đáng sống, cả 4 đứa con đều “nên người”. Tưởng là vĩnh viễn mất nhau, ai ngờ chỉ một lần đến thăm mà thành ở với nhau suốt đời, nàng có những hành động tôi không tưởng tượng được, lúc Việt Cộng cho tôi nghỉ việc để đi kinh tế mới, tôi thật chán nản, không còn thiết sống nữa, rảnh rỗi, “nhàn cư vi bất thiện”, tôi đâm ra “cờ bạc” suốt ngày, nói tôi không nghe, nàng bèn chạy về Hoà Hưng “méc” bố tôi, đã có 3 mặt con rồi, ai mà làm thế, tôi cứ ngỡ nàng chỉ dọa thôi, nhưng khoảng một tiếng sau anh Hoà, anh thứ hai của tôi đã chở bố tôi qua nhà, ông cụ không la rầy mà chỉ nói, muốn báo hiếu cha mẹ thì hãy lo cho vợ con đừng “bài bạc” nữa và từ ngày đó tôi đã bỏ hẳn “cờ bạc” và nhờ không bài bạc mới còn tiền để mua ghe thuyền tổ chức đem cả gia đình vượt biển tìm tự do.

Nhân viết về công dụng của quả trứng ngỗng ung, khiến tôi viết “lan man”, hy vọng qúy vị đọc được bớt nhàm chán. Hẹn lại tất cả vào một dịp khác. Qúy bạn náo cần hỏi thêm cứ email cho tôi (danvanmagazin@gmail.com), tôi sẽ hồi đáp ngay.

------------------------------------
 
                                                                                        
PHẦN 3.           
              
TÂM HỒN VÀ TÌNH YÊU CỦA THIÊN NGA
 
Năm thứ hai đại học của tôi sắp sửa kết thúc. Vào một đêm nóng bức trong tuần cuối cùng của tháng năm, tôi nhận được điện thoại của mẹ ở ký túc xá cho biết tôi sẽ về nghỉ hè với ông bà để phụ giúp công việc đồng áng. Ý kiến này khiến mọi người trong nhà đều hài lòng. Riêng tôi không hoàn toàn bị thuyết phục lắm nhưng tự an ủi rằng dù gì cũng chỉ có một kỳ nghỉ mà thôi.

Sau khi thi xong môn cuối, tôi thu dọn đồ lên xe, chào tạm biệt bạn bè và hẹn sẽ gặp lại vào mùa thu. Các bạn tôi cũng vậy vì hầu hết bọn họ cũng sẽ về nhà.

Từ trường tôi về đến nông trại mất hết ba giờ lái xe. Ông bà tôi đều đã qua tuổi bảy mươi, và tôi biết họ rất cần người phụ giúp công việc của nông trại, ông không thể dọn cỏ khô một mình cũng như sửa chữa chuồng trại cùng hàng đống việc khác.

Chiều hôm ấy tôi đến nơi muộn. Bà đã nấu nhiều đồ ăn đến nỗi cả ba chúng tôi không thể nào ăn cho hết. Bà hết sức yêu thương và quan tâm tới đứa cháu của mình. Tôi đã nghĩ rằng sự niềm nở này sẽ nhanh chóng phai nhạt một khi tôi ở lâu cùng với bà. Nhưng không phải vậy.  Còn Ông thì  muốn biết tất cả mọi điều về tôi. Đến giờ ngủ, tôi nghĩ rằng mọi thứ rồi sẽ ổn. Dầu gì, tôi cũng chỉ phải ở đây một mùa hè thôi.

Sáng hôm sau, tự ông chuẩn bị bữa sáng cho hai người. Ông bảo rằng bà bị mệt vì đã vất vả cả ngày hôm qua nên sẽ nằm nghỉ lâu một chút. Tôi tự nhủ sẽ không nhờ bà làm bất cứ điều gì cho mình trong thời gian lưu lại. Tôi đến đây để giúp đỡ chứ không phải làm gánh nặng cho ông bà.

Buổi sáng đó, ông khiến tôi rất ngạc nhiên. Khi chúng tôi rời khỏi nhà, ông dường như sinh động và linh hoạt hẳn lên. Nông trại này là lãnh địa của ông. Mặc dù đã lớn tuổi, ông vẫn giữ được dáng vẻ tự tin khi đi khắp nơi trong khu vực này. Ông không còn có dáng vẻ gì của con người đã thiếp đi trên ghế tối qua trước lúc bản tin sáu giờ chấm dứt. Khi chúng tôi băng qua cánh cổng để đến xem xét đàn gia súc, ông dường như biết rất rõ từng con bò. Mà có tới gần hai trăm con trong đàn chứ ít gì!

Chúng tôi không thật sự làm nhiều việc trong ngày đầu, nhưng tôi lấy làm cảm phục về tất cả những gì mà ông đã thực hiện trong suốt những năm tôi chưa sinh ra. Ông không được ăn học đầy đủ nhưng đã nuôi dạy bốn người con khôn lớn nên người nhờ vào nông trại này. Tôi thật sự ấn tượng sâu sắc về điều đó.

Nhiều tuần lễ trôi qua. Đến tháng sáu, chúng tôi đã gom xong cỏ khô, cột lại thành bó và cất vào nhà kho. Tôi cũng dần quen với chuyện cùng ông làm việc mỗi ngày. Những gì cần làm ông đều dự tính sẵn trong đầu và mỗi ngày chúng tôi chỉ việc thực hiện từng phần.

Buổi chiều tối ở nhà, tôi thường đọc sách hay nói chuyện với bà. Bà không bao giờ chán những câu chuyện ở trường hay bất cứ chuyện gì có liên quan đến tôi. Bà còn kể cho tôi nghe về thời bà mới gặp ông, về tình yêu của ông dành cho bà, về ánh mắt thuở ban đầu mà bà còn nhớ mãi về ông…

Sáng chủ nhật tuần cuối cùng của tháng sáu, ông rủ tôi đi câu cá vì chúng tôi đã hoàn tất mọi việc. Hồ nước nằm trong một cánh đồng trũng gần khu rừng. Những năm trước ông đã thả cá xuống hồ. Hôm đó chúng tôi lái xe đến hồ, tiện thể coi qua đàn gia súc. Chúng tôi không thể ngờ đến những gì mình trông thấy sáng hôm đó: Một con trong cặp thiên nga mà ông tặng bà vào ngày lễ Kim Khánh đã chết. Con còn lại không chịu ăn mà cứ ngước nhìn về một hướng xa xăm.
– Sao mình không mua một con khác thế vào hở ông? – Tôi đề nghị với hi vọng có thể cứu vãn được tình thế.

Suy nghĩ một lát. Cuối cùng ông nói:
– Không… không dễ dàng vậy đâu con ạ! Con biết không, loài thiên nga cả đời chỉ có một bạn tình.

Ông đưa tay chỉ, trong khi tay kia giữ cần câu, – loài khác thì được, còn thiên nga thì không. Có thể mang đến cho nó một con khác nhưng chẳng thể mang lại một tâm hồn như nó vốn đã từng mong chờ, tìm được và thấu hiểu. Chúng ta chẳng thể làm được gì hơn cho con thiên nga còn lại. Nó phải tự xoay xở lấy mà thôi.

Suốt buổi sáng chúng tôi đã bắt đủ số cá cho bữa trưa. Trên đường về, ông dặn tôi đừng kể cho bà nghe về chuyện con thiên nga. Bà không còn đi về phía hồ nhiều nữa. Vì thế, cho bà biết việc đó cũng chẳng ích gì.
 
Vài ngày sau, ông và tôi có đi ngang hồ trong khi làm công việc kiểm tra đàn gia súc mỗi sáng. Chúng tôi trông thấy con thiên nga còn lại đang nằm đúng nơi bạn nó được tìm thấy trước đó. Và… Nó cũng đã chết…

Ông và tôi bắt đầu tháng bảy bằng công việc dựng một hàng rào mới. Đến ngày 12 tháng 7, bà tôi qua đời. Sáng hôm ấy tôi ngủ dậy muộn và ông cũng chẳng gõ cửa phòng gọi. Đến  gần tám giờ sáng, tôi mới vội vã thay đồ và xuống bếp. Bác sĩ Morgan đang ngồi tại bàn trong nhà bếp. Ông ấy đã là hàng xóm của ông bà tôi từ lâu kể từ khi về hưu. Trước đây, ông có tới nhà tôi vài lần mỗi khi cần kíp. Ngay lập tức, tôi nhận ra có điều gì bất ổn. Sáng nay, bên cạnh chân bác sĩ là chiếc cặp đen cũ kỷ. Và, rõ ràng ông tôi đang run rẩy.
Bà tôi đã đột ngột qua đời bởi chứng đột quy. Cha mẹ tôi đến ngay trong buổi chiều ấy. Người thân và bạn bè của ông bà cũng nhanh chóng tề tựu tại căn nhà cũ này.

Đám tang được tổ chức ngay ngày hôm sau vì ông nhất quyết muốn nó diễn ra càng sớm càng tốt. Vào ngày thứ hai sau đám tang, ông nói trong bữa sáng:
– Đây là một nông trại bận rộn. Chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm. Những người còn lại hãy trở về với công việc của mình.

Hầu hết mọi người trong gia đình đều đã đi khỏi, nhưng đó là cách ông bảo mọi người là đã đến lúc phải về nhà. Cha mẹ tôi là người cuối cùng ra về sau bữa trưa.

Ông tôi không phải là người có thể dễ dàng bộc lộ nỗi đau của mình cho ai khác. Cho nên, tất cả chúng tôi đều lo lắng cho ông. Mọi người đã bàn tính khuyên ông từ bỏ việc đồng áng. Cha mẹ tôi cũng nghĩ rằng ông đã già quá rồi nên không thể nào sống một mình ở đấy. Tuy nhiên, ông không hề bận tâm đến chuyện đó. Tôi thật sự tự hào về cách mà ông tự khẳng định mình.

Những ngày hè còn lại dần trôi qua. Chúng tôi vẫn bận rộn với công việc. Tôi lờ mờ nhận thấy ông có điều gì đó khang khác nhưng không chắc lắm. Tôi bắt đầu nghi ngại liệu ông có thể sống tốt hơn được với một ai đó không, nhưng tôi biết ông không thể nào rời bỏ nông trại.

Tháng chín đang đến gần, nhưng tôi lại không muốn ra đi. Tôi cũng tính đến việc bỏ học kỳ mùa thu này để ở với ông thêm vài tháng cho ông bớt cô đơn. Khi tôi đề cập đến việc này, ông lập tức phản đối, bảo rằng chỗ của tôi là trường đại học chứ không phải chốn này.

Cuối cùng đã đến lúc tôi phải thu dọn đồ lên xe và rời khỏi đây. Tôi bắt tay và ôm ông chào tạm biệt. Khi lái xe đi, qua kính chiếu hậu tôi còn nhìn thấy ông vẫy tay chào rồi quay về hương đồng cỏ để bắt đầu công việc kiểm tra đàn gia súc mỗi sáng. Đó là hình ảnh về ông mà tôi hằng lưu giữ trong tâm trí.

Mẹ gọi điện đến trường cho tôi vào một buổi sáng dông bão để báo tin ông mất. Một người hàng xóm ghé ngang nhà uống cà-phê sáng hôm đó và tìm thấy ông trong bếp. Ông mất vì chứng đột quy giống như bà. Trong khoảnh khắc đó, tôi đã hiểu ra được những điều mà ông đã cố gắng giải thích cho tôi về con thiên nga vào buổi sáng chúng tôi đi câu bên hồ.
 

usaelection gởi