NHỮNG KỶ NIỆM KHÓ QUÊN
Không phải vì bốc đồng mà tôi đi học nhảy dù. Sinh viên quân y thời bây giờ chỉ khác sinh viên dân y mỗi một bộ quân phục.Bộ đồ ka-ki vàng tôi chỉ sử dụng vào ba việc: chào cờ mỗi sáng thứ hai,lãnh lương và khi quần áo xi-vin thợ giặt chưa kịp mang vào. Thật tình dạo ấy tôi thích mặc xi-vin hơn áo lính, nó giúp mình thoải mái chìm lẩn mọi nơi. Nhưng đôi lúc cũng tự thấy mình thiếu kỷ luật trong không khí tự do đó, đôi lúc thấy mình như một thứ lính hư của quân đội. Cho đến khi phải có mặt vào những buổi sáng tinh sương , tập dượt để diễn hành vào ngày Quốc Khánh, trên con đường Nguyễn Văn Thoại , dưới sự hướng dẫn của các sĩ quan Dù, tôi mới có cái nhìn khác về cuộc sống.Nhìn những sĩ quan Dù phong sương mà oai dũng trong bộ đồ hoa với chiếc mũ đỏ bỗng nhiên tôi có cảm tình với người lính chiến..
Tôi bắt đầu chú ý đến chiến tranh đang xảy ra trên đất nước. Tôi không thể lạc quan tin tưởng hòa bình sẽ đến trước khi tôi ra trường.Như thế, dù muốn dù không, tôi sẽ phải đối mặt với cuộc chiến. Như để dẫn chứng, càng đến gần năm tôi ra trường, chiến tranh càng trở nên khốc liệt. Và tôi đã có một quyết định quan trọng đầu tiên trong đời mình :Chọn quân y Dù. Một quyết định đã giúp tôi, từ một thanh niên hiền hoà mơ mộng, trở nên một người có được tự tin trước những thử thách.
Sau cuộc hành quân thứ nhất, về hậu cứ, tôi sắp xếp lại cách phân phối các y tá tăng phái các đại đội tác chiến. Tình hình chính trị và chiến trường bắt đầu làm kéo dài các cuộc hành quân. Tôi muốn các y tá phải luân phiên nhau đi các đại đội tác chiến, để thêm kinh nghiệm cấp cứu và nhất là để được công bằng.Một y tá làm đơn xin đổi về trạm cứu thương của một tiểu đoàn Dù khác.Tìm hiểu nguyên do tôi biết người y tá này trước đây được vị tiền nhiệm của tôi rất thương và luôn luôn giữ anh ở đại đội chỉ huy.Khi tôi cắt các y tá luân phiên đi đại đội tác chiến, chắc anh nghĩ tôi ghét anh và xem việc anh phải đi đại đội tác chiến một thời gian như bao nhiêu y tá khác là một sự thất sủng. Anh tâm sự với một người bạn về lý do anh xin đổi về trạm cứu thương của tiểu đoàn Dù kia:’’ Ông bác sĩ bên kia người cùng miền, dễ thông cảm hơn.’’Thông cảm là nguồn gốc của thiên vị, bất công.Tôi muốn chọn công bằng.Thuộc cấp đã hiểu lầm tôi.Nhưng tôi không giận anh như anh tưởng xuyên qua vẻ mặt rụt rè của anh khi anh lên chào từ giã tôi.Sang trạm cứu thương của đơn vị mới anh vẫn đi đại đội tác chiến. Đại đội tác chiến này đóng biệt lập bên kia bờ sông Thạch Hãn ( Quảng Trị ).Vào một ngày sau Tết, trọn đại đội bị tràn ngập bởi một lực lượng địch đông cấp tiểu đoàn.Khi nghe tin anh tử trận đám ý tá của tôi càu nhàu:”Ai bảo ở bên này yên không chịu, mò sang bên kia cho chết!”. Cái chết của người y tá làm tôi băn khoăn.Tôi muốn đem công bằng cho mọi người nhưng quyết định của tôi có gián tiếp đưa đến cái chết cho anh không?
Tôi chua chát nhớ tới câu nói của Machiavel:”Có khi mình làm điều hay cũng bị ghét như khi làm điều dở.’’
Sau cuộc hành quân thứ hai, tôi xin thay thế ông y tá trưởng.Tội nghiệp ông ta.Nhớ lại vẻ mặt hớn hở của ông ngày đầu tiên tôi đến trạm cứu thương.Tôi nghe ông khoe:’’ Ông bác sĩ này người cùng miền với tôi.’’ Ông đã có tuổi,dể thương, chuyên môn khá,nhưng lười và nhất là thiếu uy tín chỉ huy.’’ Ta chỉ đòi hỏi một người nào đó những gì y có thể làm được’’. Le petit prince của Saint- Exupéry khuyên như thế.
Ông không đáp ứng được những gì tôi trông chờ ở người y tá trưởng. Thượng cấp cho biết, nếu muốn thay thế y tá trưởng, thì phải lấy người trong trạm cứu thương của tiểu đoàn chứ đại đội quân y hiện không có người đưa xuống.Tôi đồng ý.Trạm cứu thương của tôi hiện có bốn người : Một trung sĩ và ba hạ sĩ nhất.Tôi loại ngay anh trung sĩ gốc Miên mặc dù anh có cấp bậc cao nhất vì lẽ anh không có chứng chỉ chuyên môn nào.Y tá trưởng phải có bằng chuyên môn cao hơn các y tá khác.Tôi xin thuyên chuyển anh về đại đội quân y cùng lúc với ông y tá trưởng mà tôi xin thay thế. Còn lại ba người hạ sĩ nhất. Người thứ nhất, gốc Thượng, can đảm nhưng nóng tính, uống rượu và chỉ có chứng chỉ CC1; người thứ hai,cận thị, ít nói, ham học hỏi và có chứng chỉ CC2 ;người thứ ba, trẻ nhất về tuổi lẫn thâm niên cấp bậc, có chứng chỉ CC2,rất ba gai, thuộc loại`` đá cá lăn dưa``. Anh này đi đại đội đến cả ông đại đội trưởng cũng phải nể mặt.Nghe nói có lần anh đã cãi tay đôi với vị tiền nhiệm của tôi. Tôi phải chọn một trong ba người này làm y tá trưởng. Và tôi đã chọn anh chàng ``đá cá lăn dưa``.Tôi đi đến quyết định này sau một cuộc hành quân gian lao dài ba tháng, trong đó tôi có dịp thử thách khả năng của ba người hạ sĩ nhất.
Tôi giao cho mỗi người chỉ huy hai y tá, lập thành ba tổ tam tam.Mỗi lần trạm cứu thương di chuyển, luân phiên nhau, một tổ đi trước, một tổ đi sau và một tổ đi cạnh tôi.Tôi theo dõi cách chỉ huy của mỗi người hạ sĩ nhất.Anh gốc Thượng có dịp là la mắng, chê bai hai y tá trẻ dưới quyền; anh cận thị gần như để mặc hai y tá dưới quyền muốn làm gì thì làm, mỗi khi đóng quân chiều anh kiếm chọn ngay cho mình một chỗ tốt, đào ngay cho mình một cái hầm; anh ‘’ đá cá lăn dưa’’cũng hay mắng hai y tá thuộc cấp nhưng để chỉ dẫn họ cách chích thuốc, băng bó và phát thuốc hơn là mắng để tỏ uy quyền.Mỗi lần đóng quân anh hay đến góp ý kiến với tôi về chỗ đóng của trạm cứu thương:’’Đóng ở đây hẹp quá, đụng trận em thấy không đủ chỗ cho thương binh nằm..Mặt này em thấy hở quá, đại đội đóng ở ngoài mỏng lắm vì quân số ít, ông đại đội trưởng lại không mấy chì...’’. Anh còn lân la qua ban truyền tin, thâu thập được tin tức gì mới lạ là về báo cáo cho tôi hay.Tôi có thêm một nhận xét về người hạ sĩ nhất này, một nhận xét nhỏ nhưng đã làm nghiêng cán cân chọn lựa của tôi: Nói chuyện với tôi lúc nào anh cũng lễ phép nhưng không khúm núm hay nịnh hót. Tôi thích mẫu người như thế. Quyết định chọn anh hạ sĩ nhất trẻ tuổi và kém thâm niên làm y tá trưởng có tác dụng của một quả bom nổ. Đám y tá trẻ có vẻ chịu sự thay đổi nhân sự này.Anh cận thị thì thầm lặng bất mãn, anh người Thượng giận tôi ra mặt, đến cả hôm tiệc tiễn tôi rời trạm cứu thương anh cũng không đến dự.Người được tôi chọn cũng tỏ ra e ngại trước sự bất mãn của hai người kia.Tôi nhớ tôi đã nói với anh:
-Tôi chọn anh vì tôi tin anh có khả năng hơn. Bây giờ anh hãy chứng tỏ điều tôi tin anh là đúng. Và người hạ sĩ trẻ tuổi đã không phụ lòng tôi.Chỉ hai năm sau anh mang cấp bậc trung sĩ nhất, được chọn là y tá trưởng xuất sắc nhất tiểu đoàn quân y Dù và tiếp đó được chọn là chiến sĩ xuất sắc nhất ngành
Quân Y toàn quốc.Anh được vào dinh Độc Lập dự tiệc, được tổng thống tặng một chiếc đồng hồ đeo tay, một số tiền mặt và được đi bồi dưỡng hai tuần ở Đài Loan.Sau đó, trước một cuộc hành quân, anh có ghé bệnh viện Đỗ Vinh của sư đoàn Dù thăm tôi và nói:
-Trung tá y sĩ trưởng đã đồng ý cho em thuyên chuyển về quân y viện Qui Nhơn, quê của em.Em đi hành quân chuyến này là chuyến chót.
Anh đã đi hành quân chuyến chót.Nhưng đi không bao giờ trở về. Anh đã hy sinh cùng một số đồng đội trên một ngọn đồi bị địch pháo nát ở Hạ Lào.
Vào một buổi trưa, Nghiêm Sỹ Tuấn, y sĩ trưởng tiểu đoàn 6 Dù, ghé bệnh viện Đỗ Vinh thăm chúng tôi.Tuấn là người đã đến thay thế tôi ở trạm cứu thương tiểu đoàn 6 Dù, hậu cứ ở Vũng Tàu,sau khi tôi xin đổi về trạm cứu thương tiểu đoàn 3 Dù, hậu cứ ở Sàigòn. Y sĩ Dù phải phục vụ ở cấp tiểu đoàn hai năm, thế nhưng khi có y sĩ mới về đại đội quân y, y sĩ cũ được phép xin đổi đơn vị phục vụ nếu muốn.Tôi xin đổi từ 6 về 3, để được ở Sàigòn sau mỗi cuộc hành quân.Tuấn và tôi là bạn cùng khóa nhưng tôi là quân y hiện dịch còn Tuấn là trưng tập cho nên Tuấn chọn đơn vị sau tôi sáu tháng.Chúng tôi đang ở lưng chừng cuộc tổng công kích Mậu Thân 68 .Tôi lúc ấy là y sĩ gây mê của bệnh viện Đỗ Vinh.Với số thương binh hàng chục người đang chờ được giải phẫu mỗi ngày, tôi phải qua lại không ngừng giữa hai phòng mổ, khi gây mê toàn diện, khi làm’’bloc régional’’(1), phờ phạc người vì mệt và thiếu ngủ.Tuấn ghé phòng nghỉ trưa của sĩ quan thăm tôi lúc tôi đang ngồi ngủ gật trên chiếc ghế bành.Tôi giật mình thức giấc vì cái vỗ vai và tiếng ‘’chào anh’’ của Tuấn.Anh gọn ghẻ trong bộ đồ hành quân với chiếc nón sắt đội đầu.Tôi chỉ chiếc ghế bành đối diện mời Tuấn ngồi và hỏi:
-Sắp ‘’lội’’nữa à?
-Chắc vậy. Nghe nói kỳ này ‘’làm ăn’’ lớn.
-Có biết ở đâu không?
-Khe Sanh.
-Nhưng toa sắp có người thay thế rồi.
-Sếp cũng nói vậy.Tôi đi hành quân chuyến này là chuyến chót.
Tuấn đã đi hành quân chuyến chót. Và đi không bao giờ trở về.Một quả pháo của địch rơi trúng ngay trạm cứu thương. Tuấn lúc đó đang ngồi trên miệng hầm truyền dung dịch cho một thương binh nằm trên cáng. Đám y tá đang ở dưới hầm, tất cả bị thương nhưng không ai chết.Chỉ có Tuấn và người thương binh tử trận! Chúng tôi nhận tin Tuấn hy sinh trong bàng hoàng.Tôi lại một lần nữa băn khoăn.Giá mà tôi không xin đổi về tiểu đoàn 3, vẫn ở lại tiểu đoàn 6, Tuấn sẽ về tiểu đoàn 3, số mệnh có khác đi chăng? Rồi tôi tự hỏi lòng: mình có gián tiếp trách nhiệm gì về cái chết của Tuấn hay không ?
May mắn còn lại cho đời tôi, mãi đến hôm nay, chưa có người thứ ba nào đến nói với tôi đi chuyến này là chuyến chót của họ.
Nếu có những quyết định tôi hành xử như một quyền hạn thì cũng có những quyết định mang tính cách phản ứng.Trong một cuộc hành quân tại Vùng I, tiểu đoàn đang di chuyển qua những ngọn đồi trọc, nắng chích trên đầu như kim,lửa. Gặp tôi ông đại đội trưởng đại đội 63 nói:
-Tôi có thằng nhỏ sốt dữ lắm, chốc nữa nhờ bác sĩ khám xem có cần di tản không.
Tôi đáp:
-Vâng, khi nào dừng quân, đại úy gởi nó lên tôi xem.
Dừng quân vào lúc mười hai giờ trưa.Mệt mỏi, tôi ngã lăn trên cỏ nằm thở.Tôi nghe tiếng trực thăng đáp xuống. Một lát ông thượng sĩ an ninh sang gặp tôi:
-Thiếu tá tiểu đoàn trưởng nhờ bác sĩ viết cho cái phiếu di tản một binh sĩ của đại đội 63 bị sốt. Ông đại đội trưởng cho anh này lên trực thăng nhưng vì không có phiếu di tản nên phi công không chịu chở.
Tôi được biết vị tư lệnh Sư Đoàn I Bộ Binh đã chỉ thị các phi công trực thăng từ chối di tản những binh sĩ không có phiếu tản thương. Đã xảy ra vài trường hợp một số binh sĩ mất tinh thần nhào đại lên trực thăng. Lúc ấy nếu tôi dễ dãi viết cái phiếu tản thương thì mọi chuyện êm đẹp và có thể tôi được lòng ông tiểu đoàn trưởng. Nhưng tôi nghĩ làm như thế tôi tự để bị chà đạp lên nguyên tắc làm việc.Mọi dễ dãi sớm muộn đều đưa đến lạm dụng.Tôi trả lời ông thượng sĩ an ninh:
-Tôi chỉ quyết định di tản hay không sau khi khám người bệnh.
-Nhưng thưa bác sĩ, phi hành đoàn không chịu chờ.
Tôi giữ vững lập trường:
-Nhưng nếu không khám thì tôi không thể ký phiếu di tản. Đó là một nguyên tắc phải giữ để làm việc.
Tôi còn nói thêm:
-Tại sao binh sĩ đó sốt mà sáng nay không cho đi khám. Nếu khám thấy sốt nặng tôi đã giữ ở lại ở trạm cứu thương và xin di tản trước khi tiểu đoàn di chuyển.
Sự việc sau đó được bộ chỉ huy tiểu đoàn giải quyết bằng cách nhờ ông cố vấn Mỹ ra dàn xếp với phi hành đoàn Mỹ để binh sĩ kia được lên trực thăng mà không có phiếu di tản.Ngoài vấn đề nguyên tắc tôi nêu ra để từ chối, còn có một khía cạnh tâm lý càng làm tôi cứng rắn trong thái độ. Ông đại đội trưởng đại đội 63 là người được ông tiểu đoàn trưởng cưng nhất trong số năm ông đại đội trưởng.Tôi nghĩ nếu là bốn ông kia có lẽ họ không làm như thế. Ông tiểu đoàn trưởng có ý hơi giận tôi. Nhưng ông tiểu đoàn phó thì hoàn toàn đồng ý hành động của tôi.Chính ông khuyên ông tiểu đoàn trưởng khiển trách ông đại đội trưởng 63. Một điều an ủi tôi là ông tiểu đoàn trưởng rất nể ông tiểu đoàn phó. Ngay tối hôm đó ông đại đội trưởng 63 đến gặp tôi để phân trần. Ông nói ông không cố ý dẫm chân lên công việc của tôi nhưng vì đại đội của ông đóng quanh bãi đáp thấy tiện nên ông cho binh sĩ bị sốt lên ngay trực thăng.
Tôi nhớ tôi đã trả lời ông:
-Tôi hiểu lý do việc đại úy làm nhưng mong đại úy cũng hiểu việc làm của tôi.
Mấy ngày sau, vào lúc ba giờ sáng, y tá đại đội 63 báo cáo tôi hay ông đại đội trưởng bị tiêu chảy , đau bụng dữ dội, đang nằm rên la. Đại đội 63 đóng xa bộ chỉ huy tiểu đoàn nên y tá trưởng đề nghị với tôi:
-Bác sĩ nói binh sĩ khiêng cáng ông lên đây.
Tôi lắc đầu:
-Mình nên đến khám ông ta. Cậu và hai người nữa theo tôi, đem theo nước biển, giây truyền, thuốc chống đau và ói.
Tôi còn giận ông ta nhưng không vì thế mà thiếu bổn phận với ông.Tôi đã lần mò trong cơn mưa dầm,trên đoạn đường trơn trợt, đến khám và điều trị ông.Tôi đã tự tay truyền nước biển, tự tay chích thuốc cho ông.Tôi đã ở cạnh ông cho đến khi ông cảm thấy dễ chịu mới ra về.Kể từ ngày ấy cho đến khi tôi rời đơn vị, người sĩ quan quí mến tôi nhất tiểu đoàn có lẽ là ông đại đội trưởng 63.
Nhưng một lần khác tôi đã khuyên một y sĩ đàn em làm ngược lại là cứ viết phiếu tản thương mặc dù ông tiểu đoàn trưởng ra lệnh không cho di tản.Lúc ấy tôi đang coi một toán giải phẫu nằm cạnh lữ đoàn.Cả lữ đoàn đang đóng dưỡng quân tại Đông Hà. Một y sĩ trẻ, mới về quân y Dù được hai tháng, đến gặp tôi hỏi ý kiến về một việc anh khó xử: Một binh sĩ, trong một phiên gác, vô ý cướp cò súng, đạn xuyên bàn chân phải.Khám vết thương anh thấy gãy hở hai xương bàn chân phải. Anh định cho tản thương nhưng ông tiểu đoàn trưởng, để trừng phạt, ra lệnh giữ lại,giam riêng một nơi,mỗi ngày nhờ bác sĩ tiểu đoàn săn sóc vết thương mà thôi.Nghe xong câu chuyện tôi hỏi người đồng nghiệp đàn em:
-Em có tin giữ lại em có thể chữa lành vết thương không?
-Không chắc đâu anh ạ. Em sợ viêm xương lắm.
-Thí dụ,nếu giữ lại vì biện pháp kỹ luật mà vết thương bị nhiễm trùng, sau đó phải cưa bàn chân, thượng cấp khiển trách, ai là người chịu trách nhiệm?
-Ông tiểu đoàn trưởng , vì ông ra lệnh.
Tôi mỉm cười:
-Cả em cũng chịu trách nhiệm nữa. Vì em không di tản một trường hợp xét thấy cần di tản.
-Em muốn di tản lắm chứ nhưng ông tiểu đoàn trưởng.. ông…
Tôi cắt ngang lời anh :
-Em cứ viết phiếu tản thương buộc vào túi áo người bị thương. Thế là xong trách nhiệm phần em.Còn ông tiểu đoàn trưởng cho di tản hay không đó là quyền và trách nhiệm của ông ấy.Người binh sĩ có quyền chờ đợi ở em, bằng mọi cách, chữa lành vết thương cho anh ta. Còn biện pháp kỹ luật dành cho sự vô ý của anh ta lại là một chuyện khác.
Anh y sĩ trở về tiểu đoàn làm y như lời tôi khuyên.Tôi cũng tiếp tay anh bằng cách sang thăm ông tiểu đoàn trưởng, quen biết khá thân với tôi thời ông còn làm đại đội trưởng.Tôi đề cập đến người lính bị cướp cò súng và khuyên ông nên cho di tản để tránh nhiễm trùng.Người bị nạn thương được trực thăng di tản trong ngày hôm đó.
Có một kỷ niệm, mỗi lần nhớ tới, tôi không khỏi cười thầm, đó là lần tôi phải đóng vai người hùng giữa rừng sâu.Tiểu đoàn đang hành quân ở cao nguyên, vùng Pleime. Hôm đó một khinh binh, vì tiến sai lộ trình chỉ định, đạp phải cái bẫy của người Thượng, bị một mũi tên tre cắm sâu vào bắp chân trái. Anh ta không đứng dậy được. Ông đại đội trưởng, giận dữ, xin ông tiểu đoàn trưởng bỏ mặc anh ta lại giữa rừng. Tiếp đến có lệnh xuống lấy vũ khí của người bị thương, chỉ để lại cho anh ta một quả lựu đạn. Sau đó có lệnh di chuyển. Ông đại đội trưởng đại đội chỉ huy hỏi tôi:
-Bác sĩ, mình làm sao đây.Mình được lệnh đi mà nó thì không đi được. Khiêng cáng nó thì ở trên không cho.
Tôi bình tỉnh trả lời:
-Trung úy cứ đi trước, để mặc tôi lo.
Tôi thâm tâm không tin anh khinh binh sẽ bị bỏ lại giữa rừng với quả lựu đạn để tự xử. Thế nhưng biết đâu..Và tôi đã nghĩ ra một cách giải quyết với niềm tin sẽ thành công.Tôi gọi anh y tá trưởng lại cho anh biết việc tôi sắp làm, để tránh bối rối cho đám y tá khi thấy hành động của tôi.Khi các ban trong bộ chỉ huy tiểu đoàn đi hết, tôi ra lệnh trạm cứu thương di chuyễn theo.Mình tôi ở lại với người bị nạn.Anh khinh binh nhìn tôi, hỏi với giọng cay đắng:
-Bác sĩ chưa đi sao? Đừng ngại tôi một mình.
Vừa nói anh vừa vỗ vào quả lựu đạn đeo bên hông. Tôi không trả lời mà hỏi lại anh ta:
-Anh đi khinh binh sao không đi theo hướng chỉ định. Đi sai lỡ đưa cả đơn vị lọt ổ phục kích của địch thì sao.
Anh khinh binh cúi đầu đáp nhỏ:
-Thấy mấy luống rau của người Thượng trồng, chẳng biết là rau gì nhưng chắc ăn được, em tạt ngang định ngắt một ít, chiều nấu canh ăn cho có chất tươi. Không ngờ đạp phải bẫy chúng đặt để giết thú rừng vào dẫm lên rau..
Tôi đỡ anh khinh binh dậy:
-Để tôi cõng cậu đi.
Người khinh binh từ chối:
-Không được đâu, em nặng lắm.
Tôi không nhỏ con nhưng anh ta cũng to khoẻ.Tôi kiên quyết:
-Nặng thì nặng. Cậu chân đau, đứng chưa nổi làm sao đi.Cậu bị thương tôi phải săn sóc.Nếu đi theo không kịp, lạc trong rừng thì cả hai cùng chết. Huynh đệ chi binh mà cậu.
Tôi vui vẻ pha trò và cõng anh ta lên lưng.Quả là một khối nặng.Tôi nhẩm tính, với lối đi khó khăn trong rừng, chừng một trăm thước là tôi sẽ ngã qụy.Nhưng mới chừng ba mươi thước đã thấy anh y tá trưởng cùng đám y tá trở lui.Nhìn thấy họ tôi nghiêng vai đặt anh khinh binh xuống, thở phào một cái, cười nói:
-Cậu thấy chưa, không ai nỡ bỏ cậu và tôi đâu.
Trực thăng được gọi đến và anh khinh binh bị nạn được bốc đi.
Châm ngôn của người thuộc ngành quân y là: Tổ Quốc và Nhân Loại.Tổ quốc tuy nhỏ hẹp, nhưng trong thời chiến, lại ưu tiên hơn nhân loại.Nhân loại bao gồm cả kẻ địch.Tôi đã một lần đắn đo giữa tổ quốc và nhân loại.Và tôi đã một lần hành động vì nhân loại để rồi sau đó được biết mình sai.Trong một cuộc hành quân lục soát ở Tam Quan, đơn vị bắt một số tình nghi dẫn theo.Trên đường rút quân, đàn bà trẻ con ra đứng rải rác hai bên đường nhìn chúng tôi.Tôi thấy một người đàn bà còn trẻ chăm chú nhìn một người đàn ông trong đám tình nghi, bị thương ở ngón tay.Hai người nhìn nhau và bắt gặp tôi nhìn họ.Người đàn bà vội vàng lấy nón che mặt trong khi người đàn ông quay nhìn nơi khác.Trở về nơi đóng quân , người hạ sĩ quan an ninh dẫn người bị thương ở ngón tay sang tôi:
-Ông tiểu đoàn phó bảo tôi đưa người này sang bác sĩ khám, nếu nhẹ thì sẽ giữ lại để khai thác còn bác sĩ thấy nặng thì sẽ để đương sự lên ty y tế Bồng Sơn chữa.
Tôi nhìn vết thương: gãy hở đốt thứ ba ngón trỏ phải. Bình thường chỉ cần một chút thuốc tê, xắn bỏ lóng xương nát, khâu úp lớp da lại là xong.Có thể giữ người tình nghi cho an ninh khai thác. Sau đó, nếu chỉ là thường dân, sẽ gởi đương sự lên ty y tế Bồng Sơn. để được tiếp tục điều trị. Nhưng không hiểu sao, lúc đó nhớ lại cảnh hai người trao đổi cái nhìn lúc nảy, tôi nghĩ họ là vợ chồng, nên động lòng thương.Tôi trả lời người hạ sĩ quan an ninh:
-Vết thương này phải được giải phẫu, nên gởi lên ty y tế Bồng Sơn ngay.
Người đàn ông được thả ra để tự túc lên ty y tế Bồng Sơn chửa trị.Sáng hôm sau, vừa ngủ dậy tôi được bên an ninh, sau khi khai thác số tình nghi,cho biết người đàn ông được thả ra là trưởng ban kinh tài cấp xã của việt cộng.
Kỷ niệm làm tôi ray rứt nhất mỗi lần nhớ lại là lần ăn một trái cam non.Tiểu đoàn vừa lội từ bờ biển vào.Nắng tháng bảy ở Quảng Trị nẻ đất.Môi tôi khô nứt. Giọt nước cuối cùng trong bi-đông cũng vừa hết mà còn hơn cây số nữa mới ra tới quốc lộ. Khi nhìn thấy những ngôi nhà đầu tiên với vườn cây hiện ra, tôi cố bước thật mau tới vùng có bóng mát để mong được nghỉ chân.
-Bác sĩ ăn cam.
Người y tá ‘’tà lọt’ đưa tôi một quả cam xanh, lớn hơn quả chanh một chút. Tôi hỏi:
-Ở đâu vậy?
-Dạ ở trong vườn, cả một vườn cam.Tốp tác chiến đi trước hái hết trái lớn . Mình tới sau chỉ còn trái nhỏ.
Cơn khát làm tôi không còn thì giờ nghĩ ngợi.Tôi rút dao bỗ trái cam làm tư, miếng cam không tí nước. Tôi đưa một miếng vào miệng nhai, nghe vừa the vừa đắng.Tuy thế vẫn có chút gì ươn ướt làm bớt khô môi. Ra đến quốc lộ tôi thấy một ông cụ già đứng khóc. Tôi hỏi một binh sĩ :
-Sao ông cụ khóc thế? Có thân quyến gặp nạn à?
-Dạ không, tại tụi nó hái hết cam của ông.
Tôi nuốt ực cái xác cam còn ngậm trong miệng, không dám nhổ ra.Tôi nghe cổ họng ứ nghẹn.Đến trước ông cụ tôi hỏi:
-Vườn cam của bác đến mùa hái bán được bao nhiêu?
Ông cụ gạt nước mắt,mếu máo:
-Vườn cam là cả gia tài của tôi. Mỗi mùa hái bán được cả trăm ngàn.Nay các ông hái sạch tôi còn lấy gì để sống.
-Thế bác đã gặp ông tiểu đoàn trưởng chưa?
-Có, thì ông cũng chỉ xin lỗi, đền chút tiền, nhưng làm sao đủ .
Tôi móc cả tiền túi còn lại, được hai ngàn rưởi, đưa cả cho ông cụ rồi bảo y tá lấy tặng ông một ít thuốc kháng sinh, thuốc cảm cúm và thuổc bổ. Ông cụ, cầm tiền, cầm thuốc,khóc to hơn, xong cúi đầu chào khẻ tôi rồi bước đi.
Cơn khát hoành hành khiến chúng tôi đã làm một việc thất nhân tâm. Đáng lẽ ra chúng tôi phải chịu đựng cơn khát hơn là phạm vào tài sản của dân chúng.Chúng tôi đã không làm được điều tốt đẹp đó. Cá nhân tôi,khi cầm quả cam tôi biết nó được hái trộm đâu đó, nhưng nghĩ dầu sao nó cũng đã được hái rồi, vất đi cũng vậy thôi. Chính tôi còn lý luận buông xuôi như thế làm sao trách được đám binh sĩ. Đến hôm nay và chắc sẽ còn mãi mãi, mỗi lần nhai phải miếng cam nào the đắng hay nhìn thấy quả cam nào bé tí cỡ trái chanh, tôi lại chạnh nhớ quả cam năm nào với hình ảnh ông cụ già đứng khóc, để nghe lòng quặn đau vì xấu hổ.
Những kỷ niệm, qua hơn nửa thế kỷ, vẫn không phai. Thời còn làm y sĩ trưởng tiểu đoàn Dù tôi được các sĩ quan tác chiến khen là ‘’mát tay’’. Mát tay ở đây, không có nghĩa là tôi chữa bệnh hay, mà có nghĩa dưới thời tôi làm y sĩ trưởng, tiểu đoàn không đụng trận nhiều. Không đụng trận nhiều thì ít chết, ít bị thương. Quả thật trận đánh lớn duy nhất mà tôi tham dự là trận thử lửa ngay sau khi tôi đáo nhậm đơn vị, thay vị tiền nhiệm bị thương nhẹ. Trong trận đụng độ này, một ông đại đội trưởng tử thương cùng khoảng 20 binh sĩ Dù và Thiết Vận. Rồi thôi. Còn lại toàn đụng trận nhỏ. Còn lại là những ngày dài gian lao thể xác khắp bốn vùng chiến thuật. Tôi có sống vài thử thách lớn đến từ phía địch nhưng lại sống nhiều với những thử thách nhỏ đến từ phía đồng đội và đồng loại. Những thử thách buồn vui, pha chút hãnh diện lẫn sâu thẳm ngậm ngùi.
Trang Châu
(1)Bloc régional: Gây tê vùng
______________
usaelection gởi