Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
NHỮNG LOẠI PHƯỚC ĐẶC BIỆT GIÚP TA RÚT NGẮN THỜI GIAN HOÀN THIỆN NỘI TÂM


Nếu ta không có một cái phước đặc biệt thì có sửa lỗi trong bốn ngàn kiếp rồi tâm ta vẫn chưa tốt. Ta cứ giằng co giữa cái tốt và cái xấu, cứ sửa từng chút điều xấu điều tốt thì bốn ngàn kiếp ta chưa tốt nếu ta không có một cái phước đặc biệt. Khi nào ta có một cái phước đặc biệt thì tự nhiên ta mạnh mẽ hơn, nhạy bén hơn, nhanh chóng hơn sửa tâm ta và phải đợi đến khi ta sang mức độ thứ hai là chánh niệm thì ta mới hoàn thiện được con người mình trong nội tâm. Qua tới mức độ thứ hai đó là đấu tranh giữa tỉnh giác và bất giác. Cái phước đặc biệt đây là cái gì mà nó làm ta tăng tốc lên trong việc sửa lỗi nội tâm mình?
Mà nếu thiếu cái phước đặc biệt đó thì ta cứ giằng co giữa đúng và sai ở cái giai đoạn bốn ngàn kiếp chưa xong.

Cái phước đặc biệt này là có một cơ hội nào đó bất ngờ ta gặp một bậc Thánh, ta quỳ xuống ta đảnh lễ ta cung kính cúng dường thừa sự, thì bỗng nhiên cái phước ta tăng vọt lên, rồi cái trí ta sáng lên. Rồi ta giành giật giằng co giữa cái đúng và cái sai trong nội tâm mình nhanh hơn, chỉ trong vòng năm sáu năm bắt đầu nó thuần, rồi ta tu tập thiền định rồi ta bước sang giai đoạn thứ hai luôn. Đó là đấu tranh giữa tỉnh giác và bất giác. Nơi cái tỉnh giác và bất giác này ta mới đủ sức hoàn thiện nội tâm mình cho tới tinh vi trong từng sợi tóc nhỏ nhặt. Tại vì những niệm sai của ta nó nhỏ li ti như hạt bụi.

Ví dụ mình vừa khởi tham hay là khởi sân, những niệm đó nó lớn. Như khi ta giận lên rồi nói: "Tao đánh nó bây giờ!". Thì cái niệm sân đó thô nhưng mà sự thật những cái sai của ta nó nhỏ như sợi tóc ta không thấy. Phải đến khi ta bước sang giai đoạn thứ hai đấu tranh giữa tỉnh giác và bất giác ta mới thấy được những lỗi rất nhỏ như hạt bụi. Tới chừng đó rồi ta mới hoàn thiện được nội tâm. Còn ở giai đoạn thứ nhất mà đấu tranh giữa đúng và sai chỉ là những cái đúng rồi sai thô dễ thấy, vậy mà mất bốn ngàn kiếp nếu ta không có cái phước đặc biệt. Còn nếu ta có cái phước đặc biệt, ta cung kính được bậc Thánh thì ta nuốt thời gian liền.
Vì vậy ta rất cần có những bậc Thánh trên đời này để ta nương tựa cung kính cúng dường.

Bây giờ trên đời này ai là Thánh? Thực ra trên đời này không thiếu Thánh đâu, nhưng mà ta không nhìn thấy. Có rất nhiều vị chứng Tu Đà Hoàn ở kiếp trước, họ trở lại cõi này thì ta nhìn không ra tại cái vị Tu Đà Hoàn họ nhìn không đặc biệt. Còn những vị từ Tư Đà Hàm trở lên thì họ đặc biệt nên ta dễ nhìn thấy. Còn những vị Tu Đà Hoàn trở lại cõi đời này họ cũng trông giống như mình, thấy họ tốt tốt hơn mình chút vậy thôi nhưng họ là Tu Đà Hoàn mà nhiều khi ta bỏ qua.

Nhưng bây giờ ta không gặp được Thánh thì ta bù lại bằng cái gì? Ta bù lại bằng cách lễ Phật với lòng thiết tha tôn kính. Cái khó của ta là nhìn tượng Phật khô khan ta khó khởi được lòng thiết tha tôn kính. Tại vì mình lạy cái tượng xong rồi lát nữa mình cũng đi qua đi lại trước mặt, nhiều khi ngồi đó để ăn cơm. Nhưng nếu mà một vị Thánh thật sự ngồi đó thì mình không dám đi qua đi lại, không dám ngồi đó ăn uống nói chuyện đùa vui. Cái sự nghiêm túc, nghiêm cấm của mình nó tăng hơn nhờ vậy cái phước của mình cao. Còn cái bức tượng Phật lúc nào lạy thì lạy, còn lúc khác không thì mình vẫn đi qua đi lại, thậm chí quay lưng về phía tượng Phật rồi nói đùa nói giỡn coi như không có gì. Do đó phước ta bị giảm lại. Đó là lý do vào thời không có các bậc Thánh thì ta lễ Phật cung kính tạm đỡ nhưng mà cũng không bằng do tâm ta không đủ thiết tha, không đủ nghiêm cẩn bằng một vị Thánh sống. Nên giữa thế gian này nếu mà xuất hiện một vị Thánh sống thì đó là muôn vàn châu ngọc, là phước điền cho cuộc đời này. Nên ta bù lại bằng việc thường lễ Phật cung kính. Đó là cái phước thứ nhất để ta tăng tốc thanh lọc nội tâm mình cho thật là đúng.

Cái phước thứ hai để giúp ta tăng tốc nội tâm mình lên để hoàn thiện giai đoạn thứ nhất cho nhanh, rồi đấu tranh giành điều thiện cho lẹ là từ bi yêu thương chúng sinh. Khi ta thường khởi tâm từ, thường tự nhắc lòng mình yêu thương chúng sinh vạn loại thì phước nội tâm của ta cũng sáng lên rất là nhanh. Nên người tu trong cái thầm lặng của nội tâm không ai biết phải tự dặn lòng mình yêu thương mọi người. Phải nhắc hoài! Một tiếng đồng hồ nhắc một lần, mười lăm phút nhắc một lần, cả ngày tự nhắc hoài. Những lúc lạy Phật tụng kinh thì nhắc là đúng rồi nhưng mà những lúc không phải lạy Phật tụng kinh mà làm những công việc bình thường thì lâu lâu vẫn phải tự nhắc trong lòng mình là yêu thương mọi người. Thì cái phước của ta bắt đầu tăng vọt lên vì cái tâm từ bi cho ta phước lớn lắm.

Ví dụ như khi ta gặp ma, mà ma thì có nhiều loại. Có ma hiền, ma dễ thương, có ma rắn mắt hung dữ. Ma hiền dễ thương thì ta không nói nhưng ma hung dữ rắn mắt thì họ hay phá phách thì lúc đó nhiều khi ta niệm Phật họ không sợ. Mà lúc đó ta khởi tâm từ bi là ma tạt ra liền vì khi ta khởi tâm từ bi cái phước trong tâm ta khởi lên, ánh sáng trong tâm ta chiếu sáng ra ma sợ nên tạt đi liền.
Nên cái tâm từ bi khởi niệm yêu thương chúng sinh làm cho ta có phước rất là lớn. Nên để tăng được cái phước trong nội tâm mình ta thường nhắc mình dặn mình là phải yêu thương chúng sinh. Đó là cái thứ hai.

Cái thứ ba nữa là ráng giúp mọi người cùng biết tu hành. Ta đem những bài giảng cho mọi người cùng nghe, ta rủ mọi người đi nghe giảng, ta rủ mọi người đi tụng kinh lễ Phật, ta rủ mọi người đi tu tập thì tự nhiên phước nội tâm ta tăng lên, và cuộc chiến đấu trong nội tâm ta mau có kết quả. Trước đây những ý niệm sai nó cứ kéo dài, cứ lặp đi lặp lại mình chiến đấu rất vất vả. Nhưng mà khi mình có ba điều phước: "một là cung kính bậc Thánh, hai là khởi tâm từ bi, ba là rủ bạn bè đi tu", thì nhờ cái phước đó mà ta đấu tranh với cái ý niệm xấu trong tâm ta nhanh chóng chiến thắng. Thay vì mất bốn ngàn kiếp để hoàn thiện nội tâm thì bây giờ có khi trong ba năm năm năm mười năm, tâm ta đã bắt đầu thuần thiện không còn nghĩ bậy nữa, chỉ còn lại ý nghĩ tốt mà thôi. Mà chỉ còn ý nghĩ tốt nữa thôi thì phước của ta không còn là phước của con người nữa mà là phước của cõi trời. Phước của con người là lẫn lộn giữa thiện và ác đúng sai, thì người đó làm người. Phước của con thú là gì? Là điều ác chiếm đa số thì đọa làm thú.

Còn trong nội tâm mà điều thiện chiếm gần hết tràn đầy nội tâm thì đó là phước của chư thiên trên trời. Cho nên nếu mà ta được cái phước đặc biệt là cung kính bậc Thánh, nhắc mình yêu thương chúng sinh, rủ huynh đệ và mọi người đi tu tập thì trong mười năm ta hoàn thiện được nội tâm mình, không có ý nghĩ bậy nữa. Thì người này nếu lúc đó bất ngờ chết thì lên cõi trời. Mà nếu tiếp tục giữ cái nội tâm hoàn thiện đó, sống lâu tới bảy tám mươi tuổi thì chắc chắn chết lên cõi trời. Đó là điều không nghi ngờ gì nữa.

St

__________________


Hoang Nguyen gởi