Những Mẩu Chuyện Thú Vị Về
Mèo Nhật Bản
Maneki Neko – hình ảnh con mèo vẫy tay quen thuộc khắp nơi trên thế giới (Ảnh: Unsplash)
Ở Istanbul mèo chạy rong khắp nơi trong thành phố, chẳng những không bị trung tâm kiểm soát thú hoang bắt nhốt mà còn được các ông chủ tiệm bán cá ở chợ cho ăn. Ở Việt Nam tôi thấy mèo hoang trong ngõ hẻm, trên đường phố giữa đêm. Ở Hoa Kỳ, tôi không hề thấy bóng mèo trong Central Park, hay trên đường phố Mahattan, nhưng sau nhà tôi luôn luôn có vài con mèo hoang đến xin ăn.
Hầu như những thành phố hoặc quận lỵ đông người đều có cơ quan kiểm soát thú hoang. Ở Brooklyn, có một nhóm người đi cứu giúp mèo hoang. Cách kiểm soát mèo hoang một cách nhân đạo là đặt bẫy bắt mèo, chích ngừa, và triệt sản. Mèo sinh sản rất nhanh. Chừng tám tháng tuổi là mèo có thể thụ thai và sinh con. Mỗi lứa chừng năm hay sáu mèo con. Chỉ trong vòng một hay hai năm là đã có một đàn mèo vài chục con. Ở Ueno Park, Nhật Bản, tôi thấy một người đàn ông mang thức ăn cho mèo hoang ăn. Tôi gặp một con mèo nằm ở hàng rào trước ngôi đền thờ nhà văn Shikibu Murasaki. Tôi gặp ba hay bốn con mèo trên đường trail lên và xuống núi Fushimi Inari Taisha.
Đây chỉ là một vài thí dụ để nói rằng trên thế giới có rất nhiều người yêu mèo và họ yêu bằng cách riêng của họ. Tuy vậy, tôi mạo muội nghĩ rằng, có lẽ không người nước nào yêu mèo bằng người Nhật bởi vì trên thế giới chỉ nước Nhật là có những chuyện độc đáo về mèo.
Con mèo trưởng trạm xe lửa Kishigawa
Trong số hàng triệu mèo ở Nhật, có lẽ Tama là con mèo nổi tiếng nhất. Tama làm trưởng trạm của trạm xe lửa Kishi ở Kinogawa từ năm 2007 cho đến khi qua đời vào năm 2015. Chuyện như thế này. Năm 2006, khi nhận thấy quá ít hành khách dùng tuyến đường xe lửa Kishigawa thuộc vùng Wakayama, công ty xe lửa địa phương quyết định cắt dịch vụ và đóng cửa các trạm đón đưa hành khách.
Con mèo trưởng trạm xe lửa Kishigawa
Tuy nhiên, xe lửa chạy qua vùng rừng núi dân cư thưa thớt nhưng là phương tiện di chuyển đường xa, gần như độc nhất, cho nên công chúng sống dọc theo tuyến đường trên không chấp nhận quyết định của công ty xe lửa. Để duy trì hoạt động, người dân nhận lãnh trách nhiệm trông coi và bảo quản những trạm nhỏ vắng người mà không nhận tiền công. Sau đó, họ còn đưa một con mèo tên Tama ra làm… trưởng trạm (Tama là cái tên rất phổ thông của mèo ở Nhật). Công ty xe lửa chẳng những chấp thuận yêu cầu của người dân mà còn thảo cả hợp đồng cộng tác của Tama với chữ ký nhận chức trưởng trạm là dấu in bàn chân của con mèo. Tama được trả công bằng… thức ăn mèo, được cho mặc bộ đồng phục bao gồm cái mũ trưởng trạm, và được ở trong trạm. Tama có hai phụ tá là mèo Chibi và Miiko.
Từ khi Tama làm trưởng trạm, số hành khách tuyến xe lửa Kishi tăng hơn mười phần trăm, góp phần vào việc tăng trưởng nền du lịch địa phương và thu nhập của công ty xe lửa. Điều này làm vui lòng ban lãnh đạo nên Tama được phong chức Giám Đốc Danh Dự của công ty. Vài năm sau, công ty xe lửa cho xây cất trạm xe lửa, trước kia là một căn nhà nhỏ bé, trở nên rộng lớn hơn và có thiết kế đặc biệt với mái nhà trạm xe lửa và các cửa sổ giống như đôi mắt mèo.
Khi Tama qua đời năm 2015, hơn ba ngàn người tham dự đám tang, và người ta đã cất một đền thờ Thần đạo gần trạm xe lửa để thờ Tama như là một anh linh (kami). Sau Tama, những con mèo kế vị tên là Nitama, Sun-tama-tama, và năm 2020 là Yontama.
Con mèo biểu tượng của sự may mắn
Thường khi bước vào một nhà hàng hay cửa tiệm, chúng ta gặp ở quầy thu tiền tượng một con mèo có đôi tai nhọn màu đỏ, chân trái giơ lên như để chào đón khách. Đôi khi, con mèo lúc lắc gật đầu và chân phải vẫy chào (nếu gắn lò xo) để mời gọi tiền bạc và may mắn bước vào nhà. Con mèo còn đeo trên cổ cái lục lạc để đuổi tà ma và vận xấu. Đó là con mèo Maneki Neko. Do thường gặp hình ảnh con mèo như vậy ở các khu Chinatown, người ta tưởng xuất xứ của nó từ Trung Quốc nhưng thật ra nó có nguồn gốc Nhật Bản.
Neko, chữ Nhật có nghĩa là mèo. Maneki có gốc là động từ maneku, có nghĩa mời một người nào đó bước vào. Maneki neko là con mèo mời khách vào nhà. Nó còn được gọi là mèo may mắn.
Nguồn gốc con mèo may mắn tương truyền có từ thời Edo (1603-1868). Ở chùa Gotoku-ji, Setagaya Ward, có con mèo tên Tama thường ngồi bên mái hiên một ngôi chùa, phía Tây Tokyo, đối diện với một cây cổ thụ rậm rạp. Trong khi đi săn bằng chim ưng, daimyo (tướng quân cai trị địa phương) Ii Naotaka trú một cơn bão lớn dưới gốc cây. Ii Naotaka thấy Tama liên tục vẫy tay như kêu gọi ông và trỏ về hướng ngôi chùa. Không hiểu ý, tướng quân bước đến gần con mèo xem nó muốn gì. Vừa bước ra khỏi chỗ đứng dưới gốc cây thì sét đánh khiến cây vỡ nát và bốc cháy. Cám ơn con mèo cứu mạng mình, tướng quân Ii Naotaka nhận bảo trợ ngôi chùa cho đến mãn đời.
Ngày nay hàng ngàn tượng mèo maneki-geko đủ cỡ lớn nhỏ được đặt chung quanh chùa Gotoku-ji. Du khách có thể mua tượng mèo trong chùa và đặt ngoài vườn, như một hình thức cúng dường hoặc mang về nhà để làm bùa hên. Nhiều người cho rằng con mèo giơ chân giống như sắp rửa mặt và khi mèo rửa mặt thì sẽ có mưa. Người khác lại bảo rằng mèo rửa mặt là điềm nhà sắp có khách đến chơi.
Có một câu chuyện khác nữa nói về nguồn gốc maneki-neko. Gần Asakusa, Tokyo, ở Đền Imado có tượng con mèo ngồi nghiêng, mặt hướng về phía bên hông (khác với con mèo may mắn nhìn thẳng ra phía trước mặt). Năm 1852, Imada, có một phụ nữ nghèo đến độ phải mang con mèo đem bỏ vì không có đủ thức ăn để nuôi. Đêm ấy, Imada nằm mơ thấy con mèo ngồi giơ tay lên vẫy bảo rằng: “Nếu ngươi nắn đất sét làm tượng giống như thế ngồi của ta, ta sẽ mang may mắn đến cho ngươi.”
Imada vâng lời, nắn một bức tượng mèo giơ tay lên và mang đến bán trước cửa Đền Imado. Khách đi đường nhìn thấy tượng mèo, họ rất thích. Imada bán đắt hàng, từ đó, không còn nghèo đói nữa. Cùng năm ấy, nhà danh họa trường phái tranh khắc trên gỗ Hiroshige Utagawa làm ra bức tranh miêu tả tượng những con mèo bán ở chợ. Đó là một trong những bức tranh khắc gỗ lâu đời nhất về maneki neko, con mèo mang may mắn cho người.
Mèo khiêu vũ ở trạm xe điện ngầm Odoriba
Chuyện kể rằng trong tiệm bán tương ở Totsuka-juku, một trong 53 nhà ga nổi tiếng trên con đường Tokaido từ Edo (Kyoto ngày nay) đến Tokyo, ông chủ tiệm tương thấy khăn lau miệng (napkin) cứ dần biến mất trong đêm. Rồi có một đêm, ông tình cờ nghe tiếng nhạc ở một nơi trong nhà ga, vốn không có người, khiến ông tò mò. Đến gần, ông thấy một đám mèo đang nhảy múa, trên đầu mỗi con mèo đều đội một cái napkin. Điều này giải thích vì sao napkin trong tiệm ông không cánh mà bay.
Odoriba, có nghĩa là nơi khiêu vũ, không phải của người mà của linh miêu, bakeneko, được dùng làm tên cho trạm xe điện ngầm ở Yokohama. Bakeneko là yokai, một giống linh miêu, có thể múa hát và nói chuyện như người. Khi xây trạm xe điện ngầm Odoriba, người ta chẳng những nhắc lại huyền thoại của mèo bằng chữ Odoriba mà còn vinh danh mèo bằng cách xây nhà ga một cách đặc biệt. Ở lối ra số 1 và số 3, mái nhà được thiết kế giống như hai cái tai mèo, khiến cho nhà ga giống như một con mèo. Ở lối ra số 4 gần trần nhà có khung sườn thép hình tròn, bên trên trang trí hình những con mèo nhảy múa. Trên nền nhà, tường, và ngay cả trên các bậc thang lên xuống nhà ga, có in nhiều dấu chân mèo được dùng để hướng dẫn hành khách.
Bức ‘Người đẹp và mèo’ (ngày xưa) của họa sĩ Kitagawa Utamaro, khoảng 1793-94 (Ảnh: Heritage Art/Heritage Images via Getty Images)
Đảo Mèo
Người ta bảo rằng Nhật Bản có cả chục đảo mèo nhưng chỉ có hai đảo mèo được Wikipedia nhắc đến. Tashirojima là một đảo nhỏ ở Ishinomaki thuộc vùng Miyagi. Đảo này rất ít người ở và chỉ toàn người già. Dân số năm 1950 có chừng 1,000 rồi giảm xuống còn khoảng 80 vào năm 2015. Được gọi là đảo mèo vì số mèo trên đảo này rất đông. Người ta nuôi mèo vì tin rằng sẽ được may mắn.
Đa số người trên đảo làm nghề đánh cá. Ngư dân cầu mong được may mắn bình yên với sóng gió, và lưới được nhiều cá. Đảo còn được gọi là đảo manga, bởi vì họa sĩ manga danh tiếng, Shotaro Ishinomori, dự tính dọn về nơi này chỉ vài tháng trước khi ông qua đời. Từ khi nhiều người hiếu kỳ tìm đến xem đảo mèo, số du khách tăng vọt và người trên đảo có thêm nghề kinh doanh khách sạn. Nhiều cabin được xây cất có hình dáng con mèo ngồi với đôi tai nhọn vểnh lên.
Trên đảo này cũng có ngôi đền thờ mèo gọi là neko-jinja. Neko là mèo, jinja là đền thờ ở giữa đảo và giữa hai làng Oodomari and Nitoda. Trước kia, dân trên đảo làm nghề nuôi tằm dệt tơ. Mèo được nuôi để diệt chuột vì tằm là món ăn khoái khẩu của chuột.
Ngoài ra, dân làng còn làm nghề vá lưới. Ngư phủ từ nơi khác đến để thuê người vá lưới. Họ cư ngụ trong các quán trọ trên đảo và mèo tụ tập ở gần các quán trọ này để tìm thức ăn. Dần dần ngư phủ trở nên yêu mến mèo. Họ nhìn mèo để tiên đoán thời tiết và hướng đi của đàn cá. Họ tin rằng loài mèo có thể mang đến may mắn và giàu có. Có một ngày, một viên đá được dùng để chằng lưới chẳng may rơi trúng đầu và giết chết một con mèo. Người ta thương xót con mèo nên lập đền thờ.
Năm 2004 có hai người từ Sendai dọn về ở đảo, mở quán trọ đặt tên là Hamaya. Năm 2012, BBC có một phim tài liệu về mèo trên đảo này. Năm 2015, Landon Donoho quyên góp tiền từ công chúng làm một phim tài liệu khác. Cat Heaven Island nói về người và mèo, cả cũ lẫn mới về ở trên đảo.
Cứ khoảng hai tháng, có một bác sĩ thú y đến chăm sóc, chẩn bệnh, chích ngừa, và cho mèo uống thuốc. Tất cả những việc nuôi dưỡng hay giúp đỡ mèo đều là tình nguyện. Có một vài người trẻ tuổi đến lập nghiệp nơi đây và họ giúp đỡ những người già yếu. Dân trên đảo thường ao ước có một trường học dành cho trẻ em và như thế sẽ mời gọi được nhiều gia đình trẻ đến cư ngụ. Trước kia có một trường học nhưng vì dân số ngày càng giảm, trường học phải đóng cửa.
Người Nhật còn có thêm một đảo mèo nữa ở Aoshima, vùng Ehime. Số mèo trên đảo này đông hơn số người từ 6 đến 10 lần. Năm 2018, báo Ehime Shimbun cho biết tất cả mèo trên đảo sẽ được triệt sản. Tuy nhiên, vẫn có khoảng 10 mèo thoát khỏi sự triệt sản này bởi vì một người dân trên đảo đã đem giấu chúng.
Những câu chuyện về mèo ở Nhật cho thấy người ta tin rằng mèo có thể mang may mắn cho người chủ của nó. Tương tự người Tây phương tin rằng mèo có thể sống đến chín đời, người Nhật có câu tục ngữ: “Nếu bạn giết một con mèo, nó sẽ vận ám vào gia đình bạn suốt bảy thế hệ”, vì niềm tin dân gian cho rằng mèo biết trả thù và có thể sống rất lâu. Nếu bạn chăm sóc một con mèo, nó sẽ chăm sóc bạn để đền đáp.
Tôi có biết một người Nhật rất yêu mèo. Nhà thơ Issa thể hiện tình yêu này trong rất nhiều bài haiku.
Spring rain –
Splashing around
The cat washes in the river
(Kobayashi Issa – bản dịch tiếng Anh của Aya Kusch)
Mưa xuân
Tung tóe khắp nơi
Con mèo rửa mặt bên bờ sông
(Nguyễn Thị Hải Hà dịch)
Nguyễn Thị Hải Hà
_________________
Đỗ Hứng gởi