Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 

NHỮNG NGÀY CẬN TẾT....




Hắn sống ở Bỉ đến 14/3 này là đúng 40 năm, chỉ trừ những năm đầu tiên loay hoay công việc ở Luxembourg, lại cư trú nơi không phải chính thức là nhà của mình, con còn nhỏ...không có những ngày cận tết để chuẩn bị.

Đến khi về Liege vợ chồng hắn mới có những tổ chức Tết phần muốn để lại cho con cái những ấn tượng về truyền thống VN, đó cũng là năm lần đầu tiên hắn làm thử kiểu "ngoài lá dong, trong gạo nếp"; mà đâu có lá dong, truyền thống của bắc kỳ dốn, hắn tập làm bằng lá chuối. Cũng gói, cũng luộc, những thủ tục y như ngày trước mẹ hắn hay các anh chị gói, rồi cũng luộc, đâu biết cần thời gian là bao lâu, có khi bánh bị sống...càng lâu sau đó hắn gói chắc tay hơn, luộc bánh cũng rền hơn, cả nhà đều thích ăn bánh hắn gói, thường thì bánh xong vào ngày tiễn ông táo và hắn cũng mời ông táo chiếc bánh đầu tiên và năm nào cũng vậy gia đình hắn cũng có một ngày tết với tất cả con cháu đầy đủ ở Liege...

Sau trận lụt lịch sử ở LIege năm 2021, đồ đạc bàn ghế, bếp núc tan nát... vợ hắn lại không may ngã, bị gãy xương phải mổ, nối cây kim loại bên trong, con cái phải lên xuống trông nom. Vợ chồng hắn quyết định dọn lên Bruxelles định cư... bỏ hết đồ đạc, lên đây mướn nhà sắm sửa lại? Chỉ là 1 appartement nhỏ, gọn tiện nghi nên chuyện tổ chức tết giao lại cho con cái...năm nay gia đình hắn 11 người ăn tết ở nhà "cô hai" trưởng nữ của hắn, hắn không gói bánh chưng nữa, chỉ làm giúp cho con chút đỉnh. Cũng không tiễn ông táo vào ngày này, chắc ông táo cũng thông cảm.
 
Tết cuối cùng tại Liege, nhà hắn là tết năm Canh Tí 2020, lúc đó vợ chồng hắn có 4 đứa cháu ngoại, năm nay lên được 5 đứa.

Ara

 
1-CÚNG ÔNG TÁO
 
Hôm nay là ngày 2 tháng 2 năm 2024 nhằm ngày 23 tháng chạp là ngày đưa ông Táo về trời.
 
Cứ đến khoảng 22 – 23 Tháng Chạp, là người người nhà nhà lại rục rịch mua những bộ đồ vàng mã,
 
làm mâm cơm cúng tiễn ông Táo về trời. Hãy cùng nhau tìm hiểu về nguồn gốc của ngày lễ này.

 
Đất lề quê thói.
 
Miền Nam có tập tục của Miền Nam
 
"Hôm nay tháng chạp hăm ba
 
Tiễn đưa Ông Táo bộ ba về trời"
 
Người Miền Nam đưa Ông Táo bằng  bộ đồ đưa Ông Táo
 
Thông thường xưa rày dân Nam Kỳ rặt đưa Ông Táo bằng bộ cò bay ngựa chạy,dân gốc Tàu cúng cây mía cho leo
 
Cùng là dân tộc Việt,nói một tiếng,viết một chữ,song phong tục Nam-Bắc trong ngày Tết khác nhau hoàn toàn
 
Ngày 23 tháng chạp đưa Ông Táo người Nam Kỳ cúng cò bay ngựa chạy,Bắc Kỳ cúng cá chép. Nam Kỳ gọi Ông Táo ,Bắc Kỳ gọi Ông Công Ông Táo….
 
Mời anh chị và các bạn đọc tiếp về  CÚNG ÔNG TÁO theo link dưới đây:
 
 
2-TẢN MẠN NHỮNG NGÀY CẬN TẾT… XƯA
 
....mấy đêm cuối năm, cái bếp nhà quê trong căn nhà Từ Đường rực sáng. Con cháu từ SàiGòn về quê ăn Tết từ mấy  ngày trước ngồi quây quần bên hai nồi bánh tét bốc hơi ngùn ngụt. Thuở đó chiến tranh chưa về tới miền quê, hàng năm sáu bẩy gia đình cô chú và gia đình tôi tề tựu ở căn nhà Từ Đường đón Tết.
 
Qua những khe hở của vách ván, bên ngoài gió làm xao động những tàu dừa nghe xào xạc. Mấy đứa con nít ngồi sát vào nhau nghe chú ba Đảnh kể chuyện ma. Chú ba là một tá điền thân thuộc của ông tôi tới phụ việc nấu bánh. Ông mặc bộ đồ bà ba đen tóc búi tó quấn cái khăn ca rô thắt ngang trán. Cái điếu thuốc rê trên miệng phập phều làn khói trắng. Một mình ông canh hai nồi bánh, đó là cái thùng phuy được cắt làm đôi chứa vào khoảng vài chục đòn bánh tét. Nước lúc nào cũng được châm ngập bánh vào khoảng vài lóng tay. Ông vừa làm vừa kể chuyện ma cho đám con nít ngồi quanh nồi.
 
Bà nội tôi và mấy cô ngồi gói bánh ít trên bộ ván gõ. Sau lứa bánh tét sẽ tới bánh ít.
 
Hai cái đòn gỗ cuối bếp treo đầy bánh tét vừa nấu đêm hôm trước.
 
Tiếng nói chuyện rôm rả, tiếng củi cháy lách tách và bên ngoài tiếng xào xạc của mấy tàu lá dừa hợp thành một bản hợp tấu... đượm tình gia tộc.
 
Hơn sáu mươi năm rồi cái không gian thời gian đó sao mà chẳng thể quên! Và tôi biết mãi mãi sẽ không tìm lại được....
 
…..
 
Đó là chuyện ngày xưa.....
 
Với tôi Tết vui nhất là khoảng thời gian ba tuần trước Tết. Không khí rộn ràng từ trong nhà ra tới ngõ.
 
Tôi và anh tôi quét vôi lại phòng khách và cái hàng ba ở cổng vào. Xong rồi là tới phần chùi bóng hai cái chân đèn và cái lư hương bằng đồng.
 
Các chị tôi  phụ má tôi làm mứt Tết, cũng không nhiều mứt gừng, mứt dừa, mứt mãng cầu xiêm , mứt bí.
 
Má tôi giao cho tôi xâm mấy chục củ gừng. Gừng gọt vỏ xong phải xâm cho chất cay theo nước thoát ra ngoài.
 
Có một việc mà tôi tự nguyện là khiêng mấy tràng mứt phơi trên bệ hàng rào. Mứt sên xong được trải ra trên cái nia.
 
Nắng tháng chạp không nóng lắm nên phải phơi vài bận mứt mới khô. Tôi ngồi ở hàng ba vừa học vừa canh chừng tràng mứt không cho chim choc hay ruồi bu vào. Thỉnh thoảng len lén thấy không có ai bóc một nhúm bỏ vào miệng. Ăn vụng bao giờ cũng ngon hơn ăn thiệt!
 
Nhựng năm vào đại học vì đi kèm trẻ nên túi cũng rủng rỉnh xu. Mấy đêm cận Tết tạt ra chợ SàiGòn dạo phố Tết.
 
Mấy gian hàng chung quanh chợ đêm về đèn đuốc sáng choang, tiếng rao hàng và mấy bản nhạc xuân được mở lớn hết cở.
 
Thiên hạ mua sắm Tết nườm nượp, chen chân đi không lọt. Tôi lựa mấy chai rượu dâu từ Đà Lạt, mấy hộp trà Quan Âm một ít khô cá thiều để cúng bàn thờ đêm ba mươi rước ông bà về ăn Tết với cháu con.
 
Trong cái rộn ràng đó tự nhiên những niềm vui bất chợt đến mà không biết tại sao?
 
Cái vui của tất cả mọi người trong đó có mình.
 
Sau 1975 những niềm vui đó mất dần và bây giờ nơi đây hoàn toàn không còn.
 
Tết  chì là hoài niệm  ký ức!
 
Buồn và nhớ vô cùng....
 
…….
 
Trở lại với cái Tết xưa nơi làng quê. Mấy đứa nhỏ được nghỉ Tết trước một tuần nên về quê trước.
 
Mấy anh chị lớn các cô chú phải đi làm mãi đến 29, 30 tháng chạp mới về.
 
Mấy cô mấy thiếm và má tôi cả ngày dưới bếp gói bánh tét bánh ít, chuẩn bị thức ăn cho việc cúng kiến và cho đại gia đình tới gần năm mươi người.
 
Món ăn Tết hàng năm có thịt kho nước dừa, canh khổ qua dồn thịt, thịt phá lấu, dưa giá củ kiệu.
 
Là con trai nhưng cái tính hay tò mò nên tôi hỏi han má tôi và các cô để biết gói bánh tét như thế nào….
 
GÓI BÁNH TÉT
 

Gói bánh có nhiều khâu sau khi chuẩn bị nếp, thịt và đậu xanh để làm nhưn.
 
Khâu 1:
 
Lót lá: Trước khi lót là thì để 1-3 sợi lạt chiều dọc.  Hai miếng lá đầu tiên là phần lộ ra ngoài nên cần lá to và đẹp.  Xếp hai đầu lá vào nhau và để xơ lá ngang với dây để khi buộc lá không bị tét. Hai lá sau là để lót nên không cần đẹp lắm và để chiều ngược lại.
 
Đổ nền: Lót một lớp nếp làm nền.  Đây là phần nếp bìa nên cần cào đều độ dày để khi cuộn lại bìa nếp đều tròn.
 
Lót nhân:  Để một lớp mỏng đậu xanh.  Sau đó một miếng thịt ba chỉ đã ướp rồi lên trên một lớp đậu xanh nữa.
 
Đổ nóc: Phủ lên trên phần nhưng một lớp nếp nữa và lấy tay vuốt để nếp phủ đều.
 
Khâu 2: Tạo hình
 
Cuộn lá chuối và gấp hai đầu.  Lấy ngón chặn để nếp không chạy bậy và cột dây lạt giữa.  Bạn cũng có thể cột thêm hai dây bìa. 
 
Lấy cạnh tay chặn đầu rồi lật đứng đòn bánh.  Vỗ nhẹ đòn bánh để nếp xuống đều và lấy muỗng đổ nếp vào đầu trên để phủ phần nhưng không để lộ. Lấy kéo cắt gọn phần đầu rồi gấp góc thành hình vuông.  Lấy hai miếng lá nhỏ để gấp đầu rồi dùng lạt cột phần đầu lại.  Sau đó lật ngược phần đầu kia lên và làm công đoạn bịt đầu như trên.
 
Khâu 3: Cột dây
 
Sau khi tạo hình thì lăn đòn bánh vài lần để cho đều nếp.
 
Cột hai dây dọc theo đòn
 
Cột dây ngang cách nhau chừng 2cm
 
Khâu 4: Nấu
 
Tùy đòn lớn nhỏ mà thời gian nấu khác nhau.  Đòn bánh gói ở nhà chừng ½ kg nếp nên khá to so với đa số bánh tét bán ở chợ.  Với đòn lớn thời gian nấu thường 7-8 h và châm nước thường xuyên.
 
Người mới làm thì học khâu cột dây.  Nói thế nhưng không hề dễ vì cột chặt quá thì nếp không có không gian để nở và nấu khó chín. Chẳng những thế mà sợi lạt có thể bị đứt nữa. Còn cột lỏng tay quá thì bánh bị nhão.  Khi tét bị rớt bể từng miếng. Có câu lạt mềm buộc chặt nhưng khi buộc cũng phải khéo nữa.
 
Sau khi biết buộc dây rồi thì mới học đến khâu túm đầu.  Nói thế chứ khâu này cũng không hề dễ. 
 
Nghệ thuật ở gói bánh tét là khi tét bánh dùng dây lạt, miếng bánh không bị bể vì đòn bó quá lỏng, miếng thịt nằm giữa sau đó là vòng đậu xanh rồi vòng nếp ngoài đều bề dày.  Nếp và nhân không chạy bậy.
 
Ngày đầu năm, sau khi mừng tuổi Ông Bà, Ba Má và các Cô Chú. Chúng tôi ngồi quanh hai cái bàn tròn ở gian giữa trước bàn thờ gia tiên.
 
Mấy cô cắt bánh tét thật khéo, cắt bằng nhợ đỏ. Các khoanh bánh đều nhau không dày không mỏng. Bánh được sắp trên cái dĩa bàn sứ trắng làm nổi bật màu xanh của nếp màu của lá chuối. Xa xa thỉnh thoảng có tiếng pháo đì đùng của ngày đầu năm.....
 
Nhớ quá....!
image.png
 
Yếm trắng lá xanh em gói bánh.
 
Hương em thẩm thấu nếp với nhưn.
 
Ta ăn nên phải tương tư mãi.
 
Cái dáng em ngồi miệng nở...hoa.
 
3-Những câu chuyện về nguồn gốc bánh tét miền Tây
 
Một trong số những truyền thuyết được đề cập nhiều nhất có liên quan tới sự kiện vua Quang Trung đánh đuổi quân Thanh xâm lược vào dịp Tết năm Kỷ Dậu 1789.
 
Tương truyền để có thể tạo được cuộc tiến công thần tốc từ Thuận Hóa ra đến Thăng Long, đạo quân gồm 7 vạn binh lính của Vua Quang Trung phải thực hiện cuộc hành quân ngày đêm không nghỉ.
 
Quân đội được chia thành từng tổ, mỗi tổ 3 người, mang theo một cái cáng. Cứ thế một người nằm nghỉ và ăn uống trên cáng thì 2 người còn lại sẽ gánh đi suốt dọc đường, đến giờ lại thay phiên nhau một người nằm nghỉ thì hai người sẽ cáng đi.
 
Để đảm bảo lương thực cho quân lính, vua Quang Trung cho người nấu bánh chưng, nhưng lại thay đổi hình dạng của bánh chưng đổi bánh thành hình đòn như bánh tét miền Nam ngày nay để tiện mang theo, không cồng kềnh, không phải dừng lại nấu nướng.
image.png
 
Trung đổi hình hình dạng bánh chưng thành dạng đòn để dễ mang theo hành quân, rồi gọi tên bánh tét
 
Một truyền thuyết khác bổ sung thêm cho nguồn gốc của bánh tét, cách gọi tên bánh và thói quen ăn bánh tét trong ngày Tết được kể như sau:
 
Vào mùa xuân Kỷ Dậu năm 1789, Nguyễn Huệ và quân ta đánh đuổi quân Thanh ra khỏi đất nước. Lúc bấy giờ quân lính được nghỉ ngơi, ăn Tết. Trong số quân lính có anh lính nọ được người nhà gửi cho món bánh làm từ gạo nếp, nhân đậu xanh, hình dạng như bánh tét ngày nay (tuy nhiên lúc bấy giờ chưa có tên gọi). Anh lính mang bánh mời vua Quang Trung.
 
Vua ăn thấy ngon bèn hỏi thăm về loại bánh này. Anh lính kể, bánh do người vợ ở quê nhà làm gửi cho. Mỗi lần ăn bánh, anh càng thương, càng nhớ vợ nhiều hơn. Anh mắc chứng đau bụng (có thể xem là đau dạ dày) nhưng khi ăn bánh này thì lại không thấy đau nữa.
 
Nghe câu chuyện cảm động của anh lính, vua bèn ra lệnh cho mọi người gói loại bánh này để ăn Tết và đặt tên là bánh Tết nhằm ghi nhớ chiến thắng giặc Thanh vào mùa xuân và thể hiện tình cảm gia đình thắm thiết mỗi độ xuân về. Đó được xem là nguồn gốc của bánh tét trong ngày Tết cổ truyền.
 
Mời anh chị và các bạn đọc tiếp về  BÁNH TÉT theo link dưới đây:
 
4- LẶT LÁ MAI
 
  Lúc ba tôi còn sống, đến ngày rằm tháng Chạp là ba cho anh em chúng tôi lặt lá cây mai ba trồng.
 
  Thật ra cây mai ba trồng trong chậu ở balcony là cây  mai tứ quý,một  loại mai nở hoa quanh năm chứ không phải đợi xuân về mới bạt ngàn nở hoa như loài mai rừng hay như trong bài hát:
 
  ''Cứ mỗi lần hoa mai vàng trước ngõ...''
 
  Cây mai  tứ quý xanh tốt, lá nhỏ và dày hơn mai rừng,hoa cũng nhỏ hơn ,vàng đậm hơn và khi hoa rụng hết ,đài hoa  dần  chuyển sang màu đỏ đậm dưới các hạt mai kết trái màu xanh và đen mun khi già...Hạt mai già  khi xuống đất sẽ  lên một cây hoa mai con- tiếp  tục cho một cuôc sống mới của hoa mai .
 
  Ba tôi tin rằng khi Tết đến,năm  mới bắt đầu cho những ngày mới và khi cả cây vàng rực những hoa sẽ là điềm may mắn ''tài lộc đầy nhà'' nên đến 15 tháng chạp âm lịch ông lại lặt hết lá mai  và tích cưc bón phân,tưới  nước cho mai  mau  đâm chồi,nảy lộc ,nở hoa đúng mùng Một Tết.Ba lăt hết lá,cẩn thận không để mất đi những chồi nhỏ xíu còn e lệ nấp trong thân cây trốn cái lạnh của mùa đông và khi nắng ấm dần lên lại yểu điệu vươn ra thành cô gái xuân thì  với  năm cánh hoa vàng óng,lấp lánh dưới ánh nắng mùa xuân.
 
  Đến rằm tháng Chạp tôi lại nhớ dáng vẻ của ba khi lặt từng lá mai rồi phun nước lên cả cây mỗi buổi chiều .Sáng ra ông vui  mừng đếm từng nụ ,từng chồi non đang nhú mầm khi ngày Tết cận kề...
 
Kỷ niệm xưa đâu bổng tràn về…nhớ quá Tết ngày xưa!
 
Tại miền Nam Việt Nam, vào mỗi dịp Tết đến thì các gia đình sẽ cùng nhau lặt hết lá mai đi, đây từ lâu đã được xem như một phong tục tập quán của người dân nơi đây. Vậy việc lặt lá mai có ý nghĩa gì?
 
 
5- “MÙA PHƠI SÂN TRƯỚC”
 
TRUYỆN TẾT CỦA NHÀ VĂN NGUYỄN NGỌC TƯ
 
"Người ta có đâu có nghĩa là mình phải có..."
 
Đọc câu truyện dưới đây của cô Tư mà thấy dạt dào tình quê, thấy như cái hương Tết lãng đãng trên con đường làng về nhà ...
 
Cảm nhận cái hương Tết để đi vào Hồn Tết... rồi mới ĂN TẾT…..
 
Hồi con nít thích đi xe đạp về nhà ngoại bằng con đường xóm cặp mé sông Rạch Rập. Đường đất dầm dãi suốt một mùa mưa, chừng gió chướng thổi về mới ráo tạnh bùn lầy. Đến Chạp thì những chân trâu cũng bị bôi xóa hết, có thể đạp xe thong dong mà thỏa thuê nghiêng ngó.
 
Mùa Chạp đi bảy cây số không nghe mỏi. Gió chướng khoác lên làng mạc một vẻ mơ màng, đường uốn lượn theo sông, và dòng chảy đó thẳm suốt thoắt ẩn thoắt hiện sau những lùm cây hoang dại. Dọc đường thấy Tết lấp ló khắp nơi, trên sân nhà người, trên những giàn phơi.
 
Người nhà quê hồi mình con nít toàn người nghèo, sân nhà quê hồi ấy cũng rặt sân đất, nên nhà nào cũng cặm cái giàn trước nhà, suốt sáu tháng mưa sân chìm trong nước cũng có chỗ mà đem phơi củi, hay gối, chiếu. Những ngày hửng nắng trên giàn luôn có thứ gì đó ngóng nắng, khi cám mốc, khi thì mớ bột gạo thừa trong lúc làm bánh, khi thì mớ cơm nguội hay mớ lá dừa khô dùng để nhen lửa, mấy trái đậu bắp già làm giống cho mùa sau…
 
Phơi trên giàn mọi thứ khô mau, vì nắng ngun ngút trên mặt, gió lộng phía lưng. Những nhà có sân rộng người ta còn phơi lúa trên giàn, lúa khô đem vô bồ được mấy hôm đã thấy trên mặt sân xăm xắp nước lúa rày đã lấm tấm xanh. Qua nhà nào có trẻ nhỏ gặp những tấm chiếu manh con con nằm uống nắng.
 
Càng gần về cuối năm giàn phơi càng bận rộn. Dầu dãi oằn mình suốt năm, giờ trên giàn bày ra những món ngon chuẩn bị cho cuộc hội hè. Bánh phồng vừa quết xong, củ kiệu mới trộn đường xong, mứt gừng mới ngào nửa lửa… thứ nào cũng ưa nắng. Nhưng cá khô mới là ưa nắng nhứt hạng, mới cần thứ nắng ròng ròng như thắp lửa, thứ nắng như cháy trên đầu. Mùa Chạp cá làm đìa người ta lớp rọng lớp làm mắm để ăn dần dần cho tới mùa lúa sau, mớ xẻ làm khô ăn Tết. Mùa đìa kéo dài cả tháng nghĩa là lúc nào giàn phơi cũng đầy những con cá nằm nhuộm nắng cho đỏ au da thịt.
 
Mùa Chạp thể nào cũng gặp người ta ép chuối khô. Chuối xiêm chín cây sẵn ngoài vườn, lột vỏ phơi một nắng, rồi đem ép mỏng. Không như cá khô rủ rê bọn ruồi nhặng đến mức phải đốt nắm nhang cắm nơi đầu gió để xua đuổi chúng, mật chuối tươm ướt rượt chỉ mê dụ quyến rũ lũ ong. Kéo tới dập dìu, lảo đảo bay đậu như say, những con ong sa đà ở giàn phơi cho đến khi những miếng chuối ép mỏng bắt đầu khô quắt, vàng óng như vừa nướng trên than hồng. Chuối phơi đủ nắng có thể ăn tới ra Giêng, mật lặn vào trong vừa ăn vừa tợp miếng trà, hoặc ngào qua với khóm, me… đem dầm nước đá uống cũng ngon thấu trời.
 
Vậy là nước miếng mình ứa ra, trên từng mét đường về nhà ngoại. Tâm hồn mệt nhoài với những món ăn cực kỳ mời gọi trong sân thiên hạ. Đang thèm tô cơm nguội chan nước dừa ăn với khô lóc nướng thì bỗng nghĩ giờ phải có thịt kho Tàu để ăn với dưa kiệu nhà kia, rồi cái hủ mắm tép dầm nắng sát hàng rào làm mình nhớ nhung chuối chát, khế chua cùng với gừng xắt mịn thì mâm mứt tắc đỏ au đằng kia làm mình lịm chết một cách lim dim như tụi kiến.
 
Chân rõ ràng không mỏi, nhưng tâm rã rời, cứ chạy theo đeo đuổi miết trên những giàn phơi. Hụt hơi, chới với. Có lần về nhà kêu má Tết này làm những món này này, những món mà mình nhìn thấy mang theo trên suốt chặng đường từ nhà ngoại về. Má cười, người ta có đâu có nghĩa là mình phải có.
 
Mình dại hơn cả tuổi mười ba, không hiểu câu đó mấy, nên vẫn muốn má bày thật nhiều thứ trên giàn phơi nhà mình, chớ không phải còm nhom chút dưa kiệu, dưa hành, chút chuối khô… Nên Chạp sau mình vẫn nhắc, má lại nói ta đâu cần phải có cái mà người ta có.
 
Cũng may qua mỗi Chạp mỗi mùa phơi mình mỗi lớn, bài học của người của ta má không nhắc nữa, mình bỗng bâng quơ nhớ. Nhận ra trên giàn đời cũng phơi những thân phận người. Ngó qua khoảng sân đã rợp những cây mồng gà, vạn thọ biết ai ăn Tết lớn ai chịu đìu hiu, như ngó qua cái sào phơi quần áo biết nhà ai đông nhà ai đơn chiếc, ai khá giả ai nghèo. Nắng gió khiến mọi niềm vui nỗi buồn bày ra như một cuộc diễu hành, không che giấu khách qua đường. Căn chòi của bà già chèo đò hay chở mình qua sông trống mãi, cho đến ngày cuối Chạp bỗng trên đống củi có phơi vài tàu lá chuối, biết tối nay trên sân nhỏ bà sẽ ngồi canh nồi bánh tét đến giao thừa. Mình bỗng nghe nhẹ nhõm khi nhìn theo bóng nhỏ đưa chiếc đò về bên kia sông.
 
Chật vật mấy, cuối Chạp cũng có cái đem phơi, đem nhuộm nắng, cũng có bụi bông vạn thọ, và bông trang, bông lồng đèn nở rực rỡ trên rào.
 
6- CÂY NÊU

 

GIÁ TRỊ NHÂN VĂN, NHÂN ĐẠO TỪ TỤC LỆ CÂY NÊU NGÀY TẾT
 
Chúng ta hãy nhìn sâu vào từng chi tiết bên trong câu chuyện để thấy được tính nhân văn, nhân đạo của nó mà cảm nhận được ý nghĩa cao quý của việc trồng cây nêu ngày Tết như thế nào.
 
Hằng năm cứ mỗi độ xuân về, mọi người đang sửa soạn đón chào năm mới cùng với việc chuẩn bị cổ bàn để cúng gia tiên, tiễn đưa ông Táo về trời… thì cũng là dịp bắt đầu dựng cây nêu ngày tết trước cổng nhà. Phong tục này chỉ còn rất ít nhà người dân và các đền thờ, nhà chùa… duy trì gìn giữ.
 
Theo quan niệm dân gian, chính vì từ ngày Táo quân về trời cho đến đêm giao thừa là vắng mặt Táo công, nên ma quỷ nhân cơ hội này lẻn về quấy nhiễu, do đó phải trồng cây nêu để trừ tà. Cây nêu được trồng ngay trước cửa nhà từ ngày 23 tháng chạp, chậm nhất là chiều 30 Tết cho đến ngày 7 tháng Giêng thì triệt hạ, gọi là ‘hạ nêu’. Phàm những khoản vay mượn thiếu thốn trong tiết ấy không được đòi hỏi, đợi ngày hạ nêu rồi mới được đòi hỏi. Trước khi dựng nêu, người ta lập bàn thờ trang nghiêm để cúng tế, cầu mưa thuận gió hòa, cầu tổ tiên phù hộ độ trì cho con cháu.
 
Cây nêu là một thân cây tre dài, thẳng, được dựng nơi trang trọng, rộng rãi; đầu thân tre được buộc một dải vải điều (màu đỏ) có ghi những lời cầu nguyện hoặc lời chúc năm mới, và một cái giỏ tre, trong đó có đựng cau, trầu, rượu, hoặc một số phẩm vật khác theo phong tục từng miền. Dĩ nhiên cây tre phải được chôn chặt và neo nhiều phía để tre đứng vững, khi đó tre chứng tỏ sự dẻo dai bền bỉ, dầu gió nhẹ hay mạnh, dù gió đông bắc hay tây nam, tre có nghiêng qua nghiêng về thì phần chính cây vẫn thẳng và cây không gãy. Người ta ví sự dẻo dai và vững chãi của tre như sức sống Việt Nam.
 
Theo học giả Nguyễn Đổng Chi trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam (NXB Khoa học xã hội, Hà Nội 1972), sự tích cây nêu được tóm tắt như sau:
 
Ngày xưa Quỷ chiếm toàn bộ đất nước,còn Người chỉ làm thuê, và  nộp phần lớn lúa thu hoạch cho Quỷ. Quỷ ngày càng bóc lột Người quá tay, và cuối cùng Quỷ tự cho mình hưởng quyền “ăn ngọn cho gốc”. Người chỉ được hưởng rạ, tuyệt đường sinh nhai nên cầu cứu Đức Phật giúp đỡ. Phật bảo Người đừng trồng lúa mà trồng khoai lang. Mùa thu hoạch ấy, Người được hưởng không biết bao nhiêu củ khoai, còn Quỷ chỉ hưởng lá và dây khoai, đúng theo phương thức “ăn ngọn cho gốc”.
 
Sang mùa khác, Quỷ lại chuyển qua phương thức “ăn gốc cho ngọn”. Phật bảo Người lại chuyển sang trồng lúa. Kết quả Quỷ lại hỏng ăn. Quỷ tức lộn ruột nên mùa sau chúng nó tuyên bố  “ăn cả gốc lẫn ngọn”. Phật trao cho Người giống cây ngô (bắp) để gieo khắp nơi. Quỷ lại không được gì, còn Người thì thu hoạch cơ man là trái ngô. Cuối cùng Quỷ nhất định bắt Người phải trả lại tất cả ruộng đất không cho làm rẽ nữa.
 
Phật bàn với Người điều đình với Quỷ, xin miếng đất bằng bóng chiếc áo cà sa treo trên ngọn cây tre. Quỷ thấy không thiệt hại gì nên đồng ý. Khi đó Phật dùng phép thuật để bóng chiếc áo cà sa đó che phủ toàn bộ đất đai khiến Quỷ mất đất phải chạy ra biển Đông.
 
Do mất đất sống nên Quỷ huy động quân vào cướp lại. Trận đánh này bên Quỷ bị thua sau khi bị bên Người tấn công bằng máu chó, lá dứa, tỏi, vôi bột… và Quỷ lại bị Phật đày ra biển Đông. Trước khi đi, Quỷ xin Phật thương tình cho phép một năm được vài ba ngày vào đất liền viếng thăm phần mộ của tổ tiên cha ông. Phật thương hại nên hứa cho.
 
Do đó, hàng năm, cứ vào dịp Tết Nguyên đán là những ngày Quỷ vào thăm đất liền thì người ta theo tục cũ trồng cây nêu để Quỷ không bén mảng đến chỗ Người cư ngụ. Trên nêu có treo khánh đất, có tiếng động phát ra khi gió rung để nhắc nhở bọn Quỷ nghe mà tránh. Trên ngọn cây nêu còn buộc một bó lá dứa hoặc cành đa mỏ hái để cho Quỷ sợ. Ngoài ra, người ta còn vẽ hình cung tên hướng mũi nhọn về phía đông và rắc vôi bột xuống đất trước cửa ra vào trong những ngày Tết để cấm cửa Quỷ.
 
Qua câu chuyện trên nhiều người cho đó là hủ tục, mê tín dị đoan. Hãy khoan! Chúng ta đừng vội quy kết, mà hãy nhìn sâu vào từng chi tiết bên trong câu chuyện để thấy được tính nhân văn, nhân đạo của nó mà cảm nhận được ý nghĩa cao quý của việc trồng cây nêu ngày Tết như thế nào.
 
Trước hết, cây tre là biểu trưng cho tính chất, bản sắc riêng của con người Việt Nam, của dân tộc Việt Nam. Tre là thể hiện cương nhu phối triển! Tre có thể uốn cong trước gió. Gió bão cực mạnh cũng không làm tre đổ hay bật rễ. Cây tre cũng có thể chẻ mỏng để làm các vật dụng đồng thời có thể dùng để làm khiêng, chống đỡ nhà cửa…
 
Trồng tre vào đầu năm mới để khẳng định tinh thần Việt Nam và trồng tre trước cửa nhà trong bảy ngày đầu năm còn là đánh dấu những ngày vui, hạnh phúc nhất trong năm, những may mắn mới với ước mong nhiều đổi mới hơn, nhiều thành đạt hơn. Không những thế, trên cây nêu, ông cha ta còn treo đèn lòng vào buổi tối với ý nghĩa để soi đường cho hương linh ông bà tổ tiên thấy đường về nhà đón tết cùng con cháu. Đây cũng nói lên ý nghĩa cao quý của tộc Việt qua tinh thần hiếu đạo, tưởng nhớ ông bà tổ tiên như thế nào.
 
Câu chuyện này cho thấy tinh thần nhập thế độ đời của đạo Phật, đức Phật xuất hiện một cách gần gũi trong đời sống của con người, nhất là người nông dân chân lấm tay bùn, bán mặt cho đất bán lưng cho trời mà thành quả lao động vẫn còn trong chờ vào trời đất. Đức Phật không những chỉ dạy cho con người về nếp sống đạo đức nhân tâm mà còn dạy con người biết nghề trồng trọt, chăn nuôi hợp thời, hợp thổ nhưỡng.
 
Trong sự tích này còn có một triết lý rất nhân đạo đó là lòng bao dung độ lượng. Khi đối phương đã thất bại, đã đầu hàng thì phải mở cho họ một con đường sống, hãy mở rộng lòng thương mà khoan dung, tha thứ cho họ, đừng dồn họ vào con đường cùng, bế tắc. Tính cách này đã được thể hiện trong huyết mạch của lòng người dân Việt. Trong lịch sử dựng nước và giữ nước tinh thần này đã được thể hiện qua các triều đại của những vị Vua anh minh đã làm cho kẻ thù phải khấu phục, chuyển thù thành bạn.
 
7-THA PHƯƠNG, NHỚ BÔNG VẠN THỌ
 
Trong các loại hoa, tôi ít chú ý đến bông cúc vạn thọ vì cho rằng bông này là biểu tượng của....đám ma! Tôi chỉ thấy các gia đình bên Đạo Phật mua bông vạn thọ màu vàng chùa về cúng những ngày đầu tháng và ngày rằm chứ ít thấy ai mua loại hoa này về chưng trong bình ở phòng khách. Mãi đến Tết mới thấy bông cúc vạn thọ cùng với các loại cúc khác như mâm xôi, đại đóa, kim cúc, v.v... được trồng trong giỏ tre nhỏ từ Sa đéc chở lên bán cho các gia đình chưng Tết. Chấm hết, tôi biết có bấy nhiêu đó về bông vạn thọ thôi. À, phải nói thêm là tôi không thích màu vàng chùa.
 
Tình cờ, tôi quen một người bạn quê ở Long Xuyên, rời Việt nam ở tuổi 13, mấy chục năm nay chưa về thăm quê lại lần nào vì cũng chẳng còn ai thân thích ở nhà. Lâu lâu, Bạn rút ruột kể tôi nghe những câu chuyện "ngày xưa" khi còn ở Việt nam. Gần Tết, bạn kể: "Ngày xưa, mỗi lần sắp đến Tết, Ba tôi trồng nhiều bông vạn thọ lắm. Trồng để chưng Tết và biếu bà con chòm xóm mỗi người một ít". Tôi như nghe được nỗi nhớ quê da diết của đứa bé 13 tuổi qua màu vàng chói của bông vạn thọ.
 
Từ đó, tôi "ngó ngàng" đến loại bông này nhiều hơn mỗi khi có dịp bắt gặp nó đây đó. Đi chợ hoa trước Tết, tôi chụp hình người bán ngủ đêm bên bông vạn thọ gửi cho bạn xem. Giờ thì vạn thọ không chỉ còn đơn điệu một màu vàng chùa mà còn có cả màu vàng chanh tươi tắn. Ngoài ra, kiểu dáng hoa bây giờ cũng đa dạng hơn xưa do có nhiều giống mới được nhập về Việt nam. Tuần rồi qua Nam Vang, tôi ngỡ ngàng khi nhìn thấy bông vạn thọ được chưng trong nhà hàng của khách sạn Sofitel. Cảm giác như bất ngờ thấy cô gái quê khỏe khoắn hàng ngày trong chiếc áo bà ba, hôm nay, cô diện áo dài tha thướt đi đám tiệc. Thiệt tình là tôi hết nhìn ra "cổ" luô
 
Chắc bạn cũng hổng dè bông vạn thọ trong giỏ tre của Ba mình hồi đó, khi chưng trong bình sứ hoặc pha lê đặt trang trọng trên bàn ăn của khách sạn cũng ra dáng như "ai kia" đó chớ. Mong rằng hình ảnh mấy bông vạn thọ này giúp bạn nguôi nỗi nhớ quê.
 
Xém chút nữa quên, bông vạn thọ cũng có sự tích nữa đó. Nhờ đọc sự tích này, tôi mới để ý thấy mỗi bông vạn thọ lại chính là một cụm của hàng trăm bông nhỏ, mỗi bông có nhụy ở giữa, chúng được kết lại với nhau thành một bông hoa hoàn chỉnh. Xin mời các bạn đọc qua sự tích Bông Vạn Thọ để cảm thấy yêu quý loại hoa dân dã này hơn.
 
Sự tích bông vạn thọ
 
Ngày xưa có một em bé nghèo, mẹ mất sớm nên chỉ được sống với cha. Cha là chỗ để em nương tựa, nhưng cũng là người em phải chăm sóc, vì từ ngày mẹ không còn, cha em thường bị ốm đau luôn… Lúc mẹ còn sống, em cũng được đi học dăm ba chữ. Sau khi mẹ mất, em đành học nghề để kiếm tiền nuôi cha. Em rất khéo tay nên đến học chạm trổ với một ông bác họ rất giỏi về nghề này.
 
Năm đó cha em ốm khá nặng. Ông bác họ đã hết sức giúp đỡ nhưng sau đó đành chịu vì ông cũng nghèo. Ông mách cho em bé biết là ở vùng dưới có một tên nhà giàu đang cất nhà mới, cần thợ chạm trổ cột kèo. Em liền nhờ ông bác họ chăm sóc cha hộ rồi xách đồ nghề đi ngay. Em mong sẽ kiếm được một ít tiền về thuốc thang cho cha. Gặp em, tên nhà giàu cho biết là hắn đã thuê đủ thợ rồi. Nhưng hắn lại hỏi em:
 
-Bây giờ tao không cần thợ chạm trổ mà cần một người giúp tao chuyện khác.
 
-Thưa ông chuyện gì?
 
-Mày biết ai có tài, cây chết rồi, vật chết rồi, người chết rồi, vẫn làm sống lại được thì mách cho tao, tao sẽ thưởng tiền và cho một ít thóc gạo.
 
Tên nhà giàu này tiền của thì nhiều, nhưng lại không có một tí tẹo thông minh nào. Đã thế hắn lại thích tỏ ra ta cũng là người có chút ít chữ nghĩa và tài trí. Vì vậy, hắn thích chơi với những người có tài để học điều này điều nọ rồi đi khoe với bà con họ hàng hoặc với người này người kia. Nghe hắn bảo cần có một người có tài, cây chết rồi, vật chết rồi, người chết rồi, vẫn làm sống lại được, em bé liền nhìn ra sân, nhìn lên bàn thờ nhà hắn ta, ngẫm nghĩ một giây lâu rồi nói:
 
-Thưa ông, những việc ấy, ông có thể giao cho con…
 
-Con ông nào? Con nhà ai?
 
-Con chứ còn con nhà ai nữa?
 
-Mày ấy à?
 
-Dạ!
 
-Mày có thể cứu cây, cứu vật, cứu người chết rồi sống lại được à?
 
-Dạ!
 
-Mày tự làm à?
 
-Dạ!
 
-Mày làm không được thì sao?
 
-Thì con xin ở làm người giúp việc không công cho ông trong ba năm.
 
-Được!
 
-Nhưng còn nếu con làm được thì sao?
 
-Tao sẽ thưởng cho mày một chục quan tiền và một chục nông thóc.
 
Em bé liền chỉ ra một dây bầu sắp leo lên đến giàn ở ngoài sân tên nhà giàu và nói: “Xin ông cứ cắt ngọn, nhổ hết rễ cái dây bầu kia, con làm phép, dây bầu sẽ sống lại cho ông xem."
 
Tên nhà giàu đần độn nghe nói liền làm theo ngay. Em bé cầm cái ngọn bầu, chùm rễ bầu ra về, nói chắc: "Sáng mai, mời ông cứ dậy sớm ra mà xem!"
 
Sáng hôm sau, tên nhà giàu gắng dậy sớm (vì hắn ta vốn quen thói dậy muộn) ra chỗ cái gốc bầu bị ngắt ngọn, cắt rễ thì đã thấy cây bầu sốnglại thật. Khi em bé đến, hắn ta mở mắt ra mà nhìn em rồi khen:
 
-Hay! Hay! Mày giỏi lắm! Dây bầu sống lại thật rồi! Mày làm như thế nào, thử nói tao nghe!
 
-Thưa ông, để con cứu vật, cứu người, nhận thưởng của ông rồi con hãy nói luôn một thể.
 
-Hay! Hay! Ừ! Như vậy cũng được!
 
Em bé lại chỉ con gà trống tơ đang đi trên sân rồi nói: “Thưa ông, ông cứ cho người nhà bắt con gà trống tơ kia thịt đi, sau đó ông cứ cho con bộ lông của nó con mang về nhà, ngày mai con sẽ mang nó sống lại nộp cho ông!"
 
Tên nhà giàu ngu ngốc liền sai gia nhân làm y lời em bé bảo. Em bé nhận bộ lông gà đủ các màu xanh trắng, tía ra về. Hôm sau em trở lại, mang theo một con gà trống tơ, đưa cho tên nhà giàu xem và nói: “Con đã làm phép cho nó sống lại rồi. ông xem có phải đúng là con gà nhà ông đã bị giết thịt hôm qua không?"
 
Tên nhà giàu đần độn ngu si càng trố mắt ra mà nhìn em bé, hắn nói:
 
- Hay! Hay! Đúng là nó rồi! Giỏi thật! Mày làm cách nào mà lại cứu sống được nó. Nói ngay cho tao nghe đi!
 
- Con đã nói từ đầu là xong cả ba việc, cứu cây, cứu vật, cứu người, nhận xong tiền thưởng, thóc thưởng con mới nói kia mà!
 
Tên nhà giàu đành phải nhượng bộ lần nữa. Em bé liền nhìn lên bàn thờ tên nhà giàu nói:
 
-Bây giờ ông cho con mượn cái bức vẽ ông cụ nhà, để con đem về một ngày, sáng mai con sẽ mang ông cụ sống lại đến cho ông!
 
Tên nhà giàu ngu ngốc lại làm đúng theo lời em bé. Hắn ta vừa bàng hoàng, vừa kinh ngạc hỏi lại:
 
- Ngày mai, chú sẽ đưa ông cụ tao sống lại đến đây à?
 
- Dạ!
 
Tên nhà giàu cứ đứng ngẩn người ra mà nhìn em bé mang cái bức vẽ ra về… Hôm sau em bé cầm bức vẽ trở lại, tên nhà giàu hỏi ngay:
 
- Ông cụ nhà tao sống lại chưa?
 
- Dạ rồi!
 
- Sao chưa thấy ông cụ đâu cả! Em bé liền chỉ vào cuộn giấy nói:
 
- Dạ, ở trong này rồi! Nói xong em bé mở cuộn giấy ra. Tên nhà giàu trợn mắt hỏi:
 
- Thế này mà gọi là sống à?
 
- Dạ!
 
- Mày điên à?
 
- Dạ không! Thưa ông vậy ông bảo cụ này chết à?
 
- Mày bảo ông ấy không chết mà sống đấy à ? - Em bé điềm tĩnh trả lời:
 
- Dạ, sống thật đấy chứ! Bởi vì người chết thì phải nhắm mắt. Mắt ông cụ vẫn mở to thế này, sao lại bảo là chết! Và người chết thì làm sao cười được. ông cụ cười thế này mà lại bảo là chết rồi sao?
 
Như thế là em bé đã vẽ lại bức tranh, ông cụ trong bức vẽ mới lại hơi mỉm cười. Tên nhà giàu đần độn, ngu ngốc không biết làm sao đành phải chịu thua cuộc em bé. Lão ta còn khen:
 
- Hay! Hay! Mày khôn lắm! ông phải chịu là mày giỏi… Nhưng còn cái con gà trống tơ và dây bầu thì mày đã làm như thế nào?
 
- Ông cứ mang tiền và thóc thưởng ra đây, con nhận xong, con sẽ nói.
 
Tên nhà giàu liền vào lấy tiền và sai người nhà đong thóc thưởng cho em bé. Nhận thưởng xong, bấy giờ em bé mới nói:
 
- Thưa ông, cái dây bầu kia sống lại là nhờ thế này. Con đã chọn một cái dây bầu giống như cái dây bầu nhà ông, đang đêm mang đến trồng lại, chỉ có thế thôi! - Tên nhà giàu nghe nói cứ lặng người đi, vì xấu hổ. Em bé lại nói tiếp:
 
- Còn con gà trống tơ, thưa ông, nó cũng na ná như vậy. Con đã để ý và biết là trong xóm con có một con gà tía, rất giống con gà mà ông đã cho thịt. Gà rất nhiều con trông giống nhau, ông muốn có con nữa, con sẽ có ngay cho ông. Con bỏ tiền ra mua đem nộp cho ông rồi sẽ có tiền thưởng to hơn gấp nhiều lần mang về.
 
Tên nhà giàu bấy giờ mới thấy hết cái đần độn, ngu ngốc của mình. Lão ta ôm đầu than thở: “Chỉ có vậy mà mình chẳng đoán ra! Nhưng dù sao thằng bé này vẫn là đứa giỏi. Thưởng cho nó cũng phải lắm."
 
Nghĩ đến chuyện rồi mình sẽ bắt chước em bé và sẽ có khối người phục mình, hắn vui vẻ nhìn em bé nhận tiền, nhận thóc ra về. Có lẽ trong việc này, hắn đã tỏ ra bớt phần ngu ngốc. Thấy con mang mười quan tiền và mười nông thóc về, người cha mừng rỡ lạ lùng. Nghe con kể lại chuyện, ông đang ốm cũng phải cười khẽ mấy tiếng… Người cha vừa khỏi bệnh thì tiền kia thóc kia cũng không còn nữa. Mà ngày giỗ mẹ sắpđến rồi. ông liền nói với con:
 
-Thôi con ạ, cứ nấu bát cơm, kho đĩa cá cúng mẹ là được rồi!
 
Nhưng em bé hiếu thảo nào đâu chịu vậy. Em lại nghĩ đến tên nhà giàu tuy đần độn, ngu ngốc nhưng không đến nỗi keo kiệt kia. Em nghĩ bụng:Lần trước ông ta đố mình, bây giờ mình có cái gì đố lại nhỉ! Em định vậy nhưng chưa nghĩ ra được cách nào. Trước mắt em phải lo giỗ mẹ cái đã. ừ thì một bát cơm, một đĩa cá, nhưng cũng có tí hương hoa cho mẹ vui lòng. Em sẽ gắng tìm mua một nén hương. Còn hoa? Đang mùa cây khô, lá vàng, cả xóm chẳng thấy cái hoa nào để xin cả. Không có thì phải làm ra vậy!
 
Em bé vốn khéo tay lại vô cùng thông minh ấy liền chọn những lá lúa to đẹp nhất, cắt ra thành những sợi thật nhỏ rồi bó túm lại, bên dưới thắt thật chặt, còn bên trên thì cho xòe ra. Em lấy kéo tỉa thật đẹp, thật tròn. Sau đó em lại đi hái mấy cái lá xanh, buộc thêm vào ở dưới nhìn như cái đài hoa. Em làm một chùm năm cái, cắm vào ống tre, đặt lên bàn thờ cúng mẹ. Người cha thấy thế liền hỏi con:
 
-Con có thứ hoa gì mà lạ vậy? Em bé mỉm cười, ngẫm nghĩ một lát rồi đáp:
 
-Hoa trăm tuổi đó mà cha! Hoa để cúng mẹ rồi mẹ sẽ phù hộ cho cha sống thật lâu với con đó!
 
-Mới nhìn, cha cứ tưởng là hoa thật.
 
Lời nói của người cha bỗng làm cho em bé nảy sinh ra một ý mới. Vậy là sau khi cúng mẹ, em liền đem một bông hoa kia đến tên nhà giàu và nói:
 
- Tôi có bông hoa lạ mang đến để biếu ông và cám ơn ông đã thưởng cho tôi tiền, thóc dạo nào. - Tên nhà giàu vui vẻ nhận hoa rồi hỏi lại:
 
- Hoa này là hoa thật hay hoa giả?
 
- Muốn thật thì nó thật mà muốn giả thì nó giả.
 
- Vì sao lại thật? Vì sao lại giả?
 
- Thật vì nó có thật mà giả vì nó không phải từ cây mà từ tay người làm ra. Em bé trả lời xong tiếp luôn:
 
- Lần trước ông ra bài cho con làm. Lần này con xin phép được đố ông một câu vì con nghe nói ông giỏi về chuyện giải các câu đố lắm! -Tên nhà giàu nghe nói, gan ruột cứ nở nang cả ra.
 
- Ừ, đố đi!
 
- Con đố ông hoa này có bao nhiêu cánh. ông mà đoán trúng, con sẽ đến ở giúp việc không công cho ông ba tháng.
 
- Còn nếu không đoán đúng?
 
- Điều đó xin tùy ông! Con chỉ xin nói là hiện nay con đang cần vải để may cho cha con một bộ quần áo mới. Tết sắp đến rồi.
 
- Được, tao mà đoán sai, tao sẽ cho mày mấy thước vải về may áo cho cha mày.
 
- Dạ, vậy thì ông đoán đi! Tên nhà giàu nhìn vào bông hoa một lúc rồi nói:
 
- Tao đếm có được không?
 
- Đếm thì không phải là đoán nữa rồi. Nhưng xin ông cứ đếm.
 
Tên nhà giàu thử đếm mà không tài nào đếm được vì cánh hoa nhiều quá, cứ xúm xít xen lẫn vào. Không làm sao biết rõ cánh hoa nào đã đếm, cánh hoa nào chưa đếm.
 
-Tao mở ra đếm có được không?
 
-Mở ra thì càng không phải là đoán nữa rồi. Nhưng xin ông cứ mở.
 
Tên nhà giàu liền mở bông hoa ra, bắt đầu đếm. ông ta đếm khá vất vả. Vì những cánh hoa bé và nhiều quá. Có lúc vừa đếm xong được một khóm gió bỗng thổi tung làm lẫn những cánh hoa chưa đếm vào. Có lúc chính ông ta quên mất là mình đã đếm đến chục thứ mấy, tám mươi hay chín mươi… Nhưng ông ta vẫn quyết đếm cho kỳ được. ông đếm mãi, gần hết cả buổi sáng mới gọi là xong. ông ta hớn hở trả lời luôn:
 
- Bông hoa này có vừa đúng một nghìn cánh! Em bé liền hỏi lại:
 
- Ông bảo là một nghìn cánh?
 
- Ừ! Chứ sao nữa! Mày đã chịu thua tao chưa nào?
 
-Vậy thì ông sai, sai to rồi!
 
-Sao lại sai! Mày đếm đi!
 
-Thưa ông tôi đã đếm rồi! Phải nói là ông đã đếm đúng nhưng mà vẫn sai.
 
-Thằng này nói lạ! Đúng mà lại sai! Như vậy là thế nào?
 
-Dạ vì ông đã quên rằng: Hoa nào thì cũng có cánh và có nhụy, ông đã đếm cả cánh và nhụy gộp vào với nhau rồi.
 
-Cái nào là cánh, cái nào là nhụy?
 
-Thưa ông, những cái ngắn hơn nhỏ hơn một chút là nhụy. Đây con sẽ chỉ cho ông xem. Em bé liền nhặt ra những sợi rơm nhỏ hơn và ngắn hơn một tí rồi bảo:
 
-ông xem đấy là nhụy đâu phải là cánh!
 
-Nhụy thì nó nằm ở giữa, sao nhụy này lại lẫn lung tung?
 
-Dạ, vì bông hoa này gồm nhiều hoa nhỏ ghép lại, mỗi hoa có bốn cánh và một nhụy ở giữa.
 
-Vậy theo mày có bao nhiêu cánh, bao nhiêu nhụy?
 
-Tám trăm cái cánh, hai trăm cái nhụy! - Một lần nữa, tên nhà giàu lại phải chịu thua em bé.
 
-Thằng này nói phải! Hoa thì phải có nhụy chứ! Tao quên, tao quên! Được, tao sẽ thưởng cho mày! Nhưng mày phải buộc lại cái bông hoa này để nó cho tao! Tao sẽ đem đi đố người khác xem họ có bị quên như tao không? Tao được cuộc, tao sẽ còn được to gấp mấy mày!
 
Em bé nhận được mấy thước vải về may áo Tết cho cha. Em kể hết đầu đuôi câu chuyện cho cha nghe. Lần này không còn bị ốm như lần trước, người cha đã bật lên cười thành tiếng. Ăn Tết xong, người bác họ đi làm ở xa về bảo cho hai cha con biết là vua đang dựng một ngôi đền lớn và cần có nhiều thợ chạm trổ thật khéo tay. Ông rủ hai bố con em bé cùng đi với mình, hứa sẽ đưa em vào một nhóm người chuyên chạm trổ chân cột đền. Hai bố con cùng về kinh. Sau này, nhờ khéo tay, lại thông minh sáng tạo, em bé trở thành người thợ chạm trổ giỏi nhất nước.
 
Một lần người thợ tài giỏi ấy được gặp cháu thần cây là thần Tiêu Lá. Nghe người thợ tài giỏi nhất nước kể lại câu chuyện ngày nhỏ, thần Tiêu Lá liền hỏi thật kỹ, sau đó thần tạo nên một giống hoa để người đời nhớ mãi tấm lòng của chú bé hiếu thảo rất đỗi thông minh kia. Hoa có hình dáng rất giống cái bông hoa kết bằng rơm của em bé ngày xưa. Hoa cũng có màu vàng như rơm, đẹp tươi hơn rơm, mà cũng nở vào dịp Tết. Hoa nở nhiều bông, lâu tàn, có hương thơm đặc biệt như là hương thơm của lòng hiếu thảo. Lá cũng thơm, đẹp như được một người rất khéo tay cắt tỉa chạm trổ. Hoa ấy ngày nay ta gọi là hoa Vạn Thọ. Tên có hai chữ nhưng đó là cả một lời chúc cho ông bà, cha mẹ và tất cả mọi người ai ai cũng được sống lâu trăm tuổi với những người thân của mình.
 
8-BÁNH TRÁNG TẾT

 

Chỉ có tết mới được ăn  dưa hấu  và  bánh tráng  đó là một trong những gì tôi nhớ nhất về tết...
 
   Thời gian sau này bánh tráng có quanh năm chớ hồi tôi còn nhỏ khoảng năm bảy mươi không biết các bạn ở thành thị thì sao chớ với tôi ở vùng quê xa lắc xa lơ  thì  bánh tráng chỉ có vào dịp tết .
 
Để có được bánh tráng chúng tôi phải dành dụm củi đầu dừa cả một năm mỗi lần bà nội biểu đem gốc cây khô hay cái đầu dừa để dành tết tráng bánh là tụi tôi đi làm nhanh lắm . Trước ngày tráng bánh bà nội tôi ngâm gạo một đêm rồi ngày sau xay thành bột ,bột xay xong lượt bỏ cặn bằng vải the mùng rồi cho vào chút muối cho bột không chua , lấy dá múc canh loại lớn  quậy vòng như lắng phèn lu nước rồi để yên đậy nắp lại . Củi được chở đến lò từ mấy hôm trước cho nên sáng sớm hôm đó bà nội và cô tôi thức sớm nạo dừa ( bánh tráng dừa thường tráng trước vì nó dày lâu khô ) tiếng rột rột của trái dừa khô cà vào cái bàn nạo làm tôi thức giấc nhưng tấm mền ấm áp luôn giữ chân tôi, tôi thiếp đi không biết bao lâu thì tiếng gà gáy vang lên  khắp xóm, đội quân tráng bánh gồm có  bà nội và mấy người cô  chở bột , nia ,sàng , thúng các loại để đựng bánh đã bơi xuồng  đi lâu rồi.Lò tráng bánh là nhà cô tư cùng xóm ,ngày tráng bánh là ngày chết hàng năm giả tỉ như nhà nội tôi tráng ngày hai mươi lăm tháng mười một , nhà bác hai  cạnh bên tráng ngày mùng một tháng chạp , cô ba tôi tráng ngày mùng ba tháng chạp , thiếm sáu xóm trên tráng ngày mùng bốn , ...thì hàng năm cứ vậy mà làm không có thay đổi , nhà nào có việc thì tự điều đình  với nhau.
 
 Nhà cô tư đắp lò ,đương vỉ tàu dừa từ sớm... một năm cả trăm cái vỉ  bằng tàu dừa mà cái vụ đương vỉ này nhe  cả xóm tôi từ bé đến lớn đều biết , nhà nào ít nhiều cũng đương vài vỉ phơi chuối , lúc nào rảnh rỗi mấy đứa rủ nhau chạy xuống lò bánh đương vỉ  đua chơi ,đương vỉ nói dễ chớ thật ra ban đầu cũng khó lắm ,cái tàu dừa người ta lựa tàu không bị sâu ăn lá chặt xuống để ít nhất hai ngày cho lá hơi dẻo dể đương , người mạnh nắm cái chót tàu dừa xé ra làm hai , người yếu thì hai người hai bên cùng xé rồi để hai bề sống ra ngoài bề lá chồng lên nhau rồi đương lên đương xuống ,vỉ đương khéo là bề ngang đều nhau không đầu teo đít to hay đầu to đít teo và không bị lỗi , chuyện đương vỉ lá dừa cũng nhiều cái buồn cười lắm ₫ương mà không để ý một lát nó vẹo ne là phải tháo ra đương lại . Cô tư là thợ tráng bánh lâu năm  rồi một mình cô mà đắp hai cái lò  hai bên trước mặt là bột đã pha sẳn , cái vá làm bằng nửa miển dừa khô trẹt lét lên nước bóng dợn , cái lò đặt cái nồi to trong đựng nước sôi liên tục miệng nồi bọc miếng vải trắng đã ngã màu trứng gà xung quanh có nhiều cái khoen vải ,mỗi khoan có cục đất nắn tròn tròn như quả lựu đạn căng xuống , cô tư múc một vá bột đổ lên cái vá miển  dừa  rồi đổ  lên  miếng vải quay một hai  vòng là nó giáp rồi lấy cái nắp chằm bằng lá dừa nước giống như cái nón lá nhưng to hơn đậy lên ,quay qua bên kia tráng bánh đậy lại là cô quay bên này lấy bánh ra , cái đồ lấy bánh làm bằng tàu cau bó tròn quấn miếng vải the , cô để cái đồ lấy bánh để trên miệng nồi rồi lấy cái thanh tre như đũa bếp nhưng dài và mỏng vích cái bánh cho dính vào cây lấy bánh và từ từ dở lên đưa cho người phơi bánh , người phơi bánh trải cái bánh lên vỉ tàu dừa mỗi vỉ dài phơi được sáu cái , vỉ ngắn bốn năm cái , khâu này quan trọng lắm nhe tựa như người tráng bánh chớ không có thua đâu tại vì bánh tráng phơi phải khéo không thì nó nhập cục ăn  không được làm hủ tiếu thì khổ , bánh đầy vỉ có người đội hoặc bê  ra dựng trên dàn phơi ngoài nắng . Hồi tôi còn nhỏ xíu sau giờ học được theo làm nghề đuổi gà ,lớn lên một chút thì bê ra phơi đợi bánh khô bê vô xếp thành chồng , lớn lên chút nửa nội cho tập tành phơi bánh và tôi có vài lần tranh thủ lúc cô tư nghỉ tráng ăn cơm len lén ngồi lên làm thợ tráng nhưng mà bánh tôi làm ra nó thành một cục làm thiệt khéo thì cũng còn nửa cái , khi đứng nhìn sao mà cô tư cổ tráng thiệt là dể quay tròn hai vòng là xong còn tôi đổ bột lên chưa kịp làm gì là nó dính tùm lum.
 
    Tráng bánh ai cũng mệt nhưng vui tiếng nói cười xôn xao , tiếng kể chuyện làng trên xóm dưới , nhắc lại những chuyện vui của mùa tráng năm trước, tiếng gọi chụm lửa vì thiếu lửa là bánh không nổi, phơi bánh  nhanh nhanh... mọi người  đều khẩn trương  .
 
   Khi ông mặt trời ngã dần về hướng tây bột hết , bánh tráng khô được đem vô hiên ngày càng nhiều ...  Bà nội và mấy cô tôi  xúm nhau gở bánh ,từng chồng bánh trắng phêu được xếp  cột đàng hoàng, bánh bể để riêng trong thúng ,hồi xưa không có bọc như bây giờ cái gì cũng đựng trong thúng nia đậy lá chuối , cái thúng nầy không có lấy đựng đất cát dơ nhe nó chỉ  để đãi gạo ,đãi nếp và đựng đồ khô sạch  .Tráng bánh được ngày nắng thì mệt lắm nhưng mà bánh dai ngon , gặp ngày trời ui ui  bánh không khô mà còn nằm vỉ là mệt . Bánh tráng xong về để trên kệ dằn cái thớt cho bánh êm ,  chỉ được ăn bánh vụn ...
 
 Mùa tráng bánh trong ký ức tôi là những ngày đông se  lạnh nếu ngày nào lò có tráng con nít đứng nhìn nhìn kiểu muốn ăn thì chủ lò hay người phơi cũng kêu cho bánh ướt , bánh ướt là cái bánh gặp sự cố phơi không được ,bánh ướt dừa béo béo ngọt ngọt còn bánh ướt trắng thì hơi chua...
 
  Hồi xưa sao ăn cái gì cũng thấy ngon chắc tại luôn thiếu thốn , bánh tráng dừa nướng lên béo ngậy người lớn vừa ăn vừa uống trà còn con nít thì vừa ăn vừa chơi đùa thật là vui,  bánh trắng thì nhúng nước xong cuốn rau thịt ,tôm chấm nắm tỏi chanh , chấm mắm nêm , bánh tráng trắng nhúng nước rồi cuộn với đường cát ăn cũng ngon lắm , nhất là mấy ngày tết đi chơi cho đã về đói bụng nhúng hai cái bánh tráng cuốn dưa cải chấm  thịt kho rệu  chèn ơi nó ngon hết biết , còn nếu làm siêng hâm nồi thịt hầm lên ( nhà nội tôi là nhà thờ nên ngày cúng hai buổi  mỗi buổi ba mâm, cúng xong nội sẽ dồn một nồi canh giò heo hầm , nồi hủ qua và nồi thịt kho) lấy bánh tráng vụn cho vào tô , ù  ra sân nhổ hai ba cây xà lách rửa sạch , nồi canh sôi lên múc vào tô cùng với khoanh giò heo thì có ngay tô hủ tiếu nhà quê tuyệt vời...
 
  Tết và nhiều nhiều kỹ niệm luôn miên man trong tâm trí tôi mỗi độ sắp xuân về...tôi biết khi mình luôn hoài niệm những gì xưa củ là mình đã già...
 
9-THỊT KHO TÀU
 

1. Nguồn gốc thịt kho tàu
 
Món thịt kho tàu hay còn gọi là thịt kho hột vịt từ lâu đã xuất hiện trong mâm cơm của các gia đình vùng Nam Bộ. Miền Nam nắng ấm chan hoà, cây dừa mọc bao la lủng lẳng trái, vậy nên vị của nồi thịt kho trứng nhờ nước dừa mà càng thanh, đậm đà. Nhắc đến cụm từ “kho tàu” nhiều người thường liên tưởng đến người Tàu - người Hoa. Tuy nhiên, món ăn này xuất xứ từ nền ẩm thực Việt hẳn hoi đấy nhé.
 
Có rất nhiều câu chuyện truyền tai về nguồn gốc món thịt kho tàu. Trong đó phổ biến nhất là dị bản dưới đây. Thuở xưa, dân làng chài mỗi khi lên tàu ra biển lớn đều phải lênh đênh nhiều ngày đêm, thậm chí đến cả hàng tháng trời. Vậy nên họ phải nấu một nồi thịt kho thật to để ăn trong nhiều ngày và để có sức kéo được nhiều mẻ cá lớn. Từ đó, người ta gọi món thịt này là “thịt kho tàu”.


____________


Đỗ Hứng gởi