Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
Những ngày ở Áo
                                                            

Thích Như Điển
 
Lâu lắm rồi tôi mới trở lại Áo trong mùa Đông như năm nay, từ ngày 22 đến 24 tháng 11 năm 2019. Thầy Viên Duy và một Phật Tử đến phi trường Wien (Vienna) đón tôi vào chiều ngày 22 tháng 11, đưa về chùa Pháp Tạng, nơi Thượng Tọa làm Trụ Trì và Hòa Thượng Thích Trí Minh làm Cố vấn và lãnh đạo tinh thần. Đây  chẳng phải là lần đầu tiên tôi đến Áo, mà những lần trước đó, kể từ năm 1978 đến nay chắc cũng hơn 10 lần, nhưng mỗi lần lại mỗi khác, chẳng có lần nào giống lần nào cả. Có lúc thì tôi đi với Hòa Thượng Thích Minh Tâm, tham dự Hội Nghị về vấn đề nhân quyền và tự do tôn giáo tại những phiên điều trần tại Quốc Hội Áo, có khi thì ngồi biểu tình chung với các dân tộc khác đòi tự do tôn giáo và nhân quyền cho Việt Nam khi có những cuộc họp của Quốc Tế tại Wien. Cũng có khi tôi đến Áo vì thăm viếng Hòa Thượng Seelawansa, Giáo Sư Đại Học Wien tại trung tâm Nanaponika để thăm hỏi về chuyện Đạo, hay thuyết trình về Phật Giáo bằng tiếng Đức tại Trung Tâm nầy. Đôi khi đến Áo vì có đám tang và cũng có lúc đến thăm Niệm Phật Đường Minh Tịnh là tiền thân của chùa Pháp Tạng bây giờ, và có khi ở đến 10 ngày vào dịp khóa Tu Học Phật Pháp Âu Châu được tổ chức gần Wien trong những năm trước.

 
 
Chùa Pháp Tạng được Thầy Viên Duy và Quý Phật tử tại Áo đã tạo mãi, cải gia vi tự với số tiền lên đến hơn 500.000,00 Euro. Đó là chưa kể đến việc sửa chữa. Phật tử đã quyên góp và cho mượn Hội Thiện độ phân nửa số tiến ấy. Số còn lại chùa phải đi vay ngân hàng và mỗi tháng phải trả cho ngân hàng 1.500,00 Euro trong vòng 25 năm. Chùa có 3 tầng, tầng trên cùng chưa sửa lại. Tầng giữa làm điện Phật và chỗ ở của vị Trụ Trì cũng như chư Tăng vãng lai. Chánh Điện khang trang, có thể chứa trên 130 Phật Tử tham dự. Đặc biệt Chánh Điện thờ tôn tượng Đức Bổn Sư và 48 hóa thân của Đức Phật A Di Đà cùng với các vị Thánh Chúng bằng đồng, được thỉnh từ Népal về tôn trí tại đây trong gần 3 năm qua. Tầng dưới cũng rộng như tầng trên, gồm có phòng làm Hội trường, nhà ăn, nhà bếp và nhà vệ sinh công cộng. Phải nói rằng đây là một sự cố gắng hết mình của Phật Tử Việt Nam tại Áo cũng như của Thầy Trụ Trì. Xin tán thán và tùy hỷ công đức “Kiến Pháp tràng ư xứ xứ, phá nghi võng ư trùng trùng, hàng phục chúng ma, thiệu long Tam Bảo” nầy. Quý Đạo Hữu Phật tử ở xa đến Wien nên ghé qua chùa Pháp Tạng một lần để lễ Phật và thăm viếng Thầy Trụ Trì. Công đức cũng không nhỏ. Chùa nằm rất gần phi trường Wien và trước cửa chùa là trạm xe lửa, nên rất tiện lợi cho việc đi lại, kể cả những vị lớn tuổi muốn ghé thăm chùa, lễ Phật.
 
Tối thứ Sáu ngày 22 tháng 11 tôi chủ động liên lạc với Hòa Thượng Seelawansa để thăm hỏi và hẹn ngày mai thứ Bảy đến thăm Ngài. Hòa Thượng là người Tích Lan, nhưng rất gần gũi với người Việt Nam tại Áo, vì trước đây ba bốn chục năm, khi chưa có chùa Việt Nam tại Wien thì đa phần Phật Tử chúng ta đều đi đến trung tâm của Hòa Thượng để sinh hoạt. Từ đó chúng tôi có sự liên hệ thật gần gũi, mặc dầu thuộc Phật Giáo Nam Tông, nhưng vì Hòa Thượng đã tu học tại Tây Phương gần 40 năm, nên quan điểm của Ngài về các Tông Phái rất thoáng, dễ tiếp xúc và gần gũi. Cũng may là ngày hôm sau Hòa Thượng rảnh, nên sau thời công phu sáng và dùng điểm tâm xong, Phật tử Tuấn chở chúng tôi và Thầy Viên Duy đến thăm Ngài. Lần nầy tại trung tâm Nanaponika, không phải chỉ có một mình Ngài, mà còn có thêm 3 vị Tỳ Kheo khác nữa đến từ Tích Lan. Chúng tôi lễ Phật, quý Thầy tụng kinh chúc phúc cầu nguyện, sau đó dùng trà với đường tán giống như đường mía của Việt Nam, nhưng có xuất xứ từ Tích Lan. Tôi nhớ về quê hương Quảng Nam thật nhiều khi trao đổi với Ngài về những câu chuyện đạo. Ví dụ như Hội Phật Giáo Áo ngày nay, tình hình các Tăng sĩ Phật Giáo Tích Lan tại Âu Châu, An Cư Kiết Hạ, thuyết trình và giảng dạy tại Đại Học cũng như những chuyện bên lề khác bằng hai ngôn ngữ chính là tiếng Anh và tiếng Đức.
 

 

Chiều thứ Bảy cùng ngày, Thầy Viên Duy chở tôi ra nghĩa địa trung ương của thành phố Wien để đi thăm mộ của những danh nhân về âm nhạc như: Wolfgang Amadeus Mozart, Ludwig van Beethoven, Franz Schubert v.v… Đi nghĩa địa mà vào một buổi chiều Đông nơi xứ người, có cái gì đó hơi thuộc về âm cảnh một tí, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng đi nhanh, đến nhanh, vì lẽ vào mùa Đông ở Âu Châu mặt trời đi ngủ sớm lắm. Nhiều khi mới hai hay ba giờ chiều đã không còn một tia thái dương nào rọi chiếu thẳng xuống cõi trần nầy nữa, mà tất cả đều nhường cho bóng đêm phủ kín cả một không gian vô tận từ ba bốn giờ chiều đến chín, mười giờ sáng ngày hôm sau. Đó vẫn là chuyện thường mà tôi đã trải qua hơn 40 năm tại Âu Châu nầy. Ông Bà chúng ta thường hay nói rằng: “Sống cái nhà, già cái mồ”, thì người Tây Phương cũng không ngoại lệ. Có những ngôi mộ đã được chôn cất trong nghĩa địa nầy hằng mấy trăm năm, to lớn, bề thế như là một ngôi biệt thự sang trọng để dành cho chủ nhân và nhiều khi còn cho cả gia đình nữa. Có chỗ chỉ chôn một quan tài, nhưng cũng có nhiều chỗ người trong gia đình, quan tài được chôn chồng lên nhau, và cũng có nhiều cổ quan tài để thật cao trên cả đầu người, không biết tục lệ nầy có từ đâu, nhưng chắc rằng Việt Nam chúng ta chưa có tục lệ nầy.
 
Đầu tiên chúng tôi đến thăm mộ của thiên tài âm nhạc W.A. Mozart. Ông sinh ngày 27/1/1756 tại Salzburg, Áo và mất vào ngày 5/12/1791 tại Wien với tuổi đời chỉ mới 35. Thế nhưng tên tuổi của Ông thế giới âm nhạc ngày nay, không ai mà không biết đến. Do vậy thiên tài không luận tuổi là vậy. Nói như Napoléon Đại Đế của Pháp định nghĩa về chiều cao của một con người “Không phải tính từ dưới bàn chân trở lên, mà tính từ quả tim trở lên của người ấy”, nói như vậy Napoléon hàm ý để chỉ cho chính bản thân mình thì phải. Cha của Mozart là Leopold Mozart và Mẹ là Anna Maria Pertl. Ông có bà chị tên là Maria Anne và tên thường gọi là Mannerl. Cha Mẹ và chị Ông là những nhạc sư rất nổi tiếng, riêng Ông Mozart nổi tiếng nhất vào năm 1787 với bài Serenade “Die kleine Nachtmusik” (Đêm nhạc nhỏ bé). Khi đến đây tôi lại liên tưởng đến Việt Nam của mình, thời của Mozart cũng là thời của Quang Trung Nguyễn Huệ đại thắng quân Thanh vào năm 1789 và Quang Trung chỉ làm vua được 6 năm kể từ năm 1786 đến 1792. Khi Mozart qua đời, sau đó 1 năm Quang Trung Đại Đế của chúng ta cũng đã băng hà để lại biết bao nhiêu thương nhớ của người đương thời và niềm thương kính ấy kéo dài mãi cho tận đến ngày nay, dầu cho là người bên Đông hay ở phương Tây cũng vậy. Để chứng minh cho điều nầy là những cánh hoa màu đỏ, vàng, tím, trắng vẫn còn tươi do những người đi viếng mộ của Ông đã trang trọng đặt lên đó, để tưởng nhớ người đã làm nên lịch sử âm nhạc của nước Áo nói riêng và trên thế giới ngày nay nói chung. Nằm kế bên mộ của Mozart là ngôi mộ tưởng niệm Beethoven. Tên đủ là Ludwig van Beethoven. Ông sanh ngày 17/12/1770 tại Bonn, Đức  Quốc và mất ngày 26/3/1827, thọ 57 tuổi. Cha Ông là Johan von Beethoven (1739 -1782) và Mẹ Ông là Maria Magdalena Keverich (19/12/1746 - 17/7/1787) sống tại Bonn và bà mất khi Beethoven mới 17 tuổi. Cha Mẹ ông cũng là những nhạc sĩ có tiếng thời bấy giờ, và lần đầu tiên Ông đến Wien, Áo Quốc vào năm 1787, đã trở thành học trò của nhạc sư Mozart, nhưng cũng trong năm nầy Ông phải trở về lại Bonn để cư tang cho Mẹ. Đến năm 1792 khi Ông trở lại Wien lần thứ 2 thì Mozart đã qua đời trước đó một năm rồi. Ông tìm học nhạc với Johann Scheml, Johann Georg Albrechtsberger và Antonio Salier. Ông mất vào năm 1827, được chôn ở nghĩa trang Wahringer Ortsfriedhof, nhưng đến năm 1888 thành phố Wien đã cho cải táng và mang về chôn gần các danh nhân như Mozart, Fanz Schubert tại nghĩa trang trung tâm (Zentralfriedhof). Ai đó nếu có lần đi qua nơi nầy, nhất là những nhạc sĩ, ca sĩ Việt Nam có hát hoặc soạn nhạc liên quan đến nhạc cổ điển và hiện đại thì cũng nên một lần đến đây để tưởng nhớ lại người xưa. Năm 1827 là năm mà Vua Minh Mạng đang trị vì tại quê hương Đại Việt của chúng ta và Cụ Nguyễn Du cũng vừa hoàn thành xong tác phẩm Kim Vân Kiều Truyện với hơn 3.000 câu thơ, mà là người Việt Nam, ít ai không biết đến một vài câu Kiều. Cụ Nguyễn Du có than rằng: Bất tri tam bách dư niên hậu, thiên hạ hà nhân khấp Tố Như; nghĩa là: Chẳng biết 300 năm sau, có ai khóc Tố Như chăng? Dĩ nhiên là có rất nhiều người. Dẫu cho thời gian 300 năm ấy chưa đến, nhưng qua tác phẩm Kim Vân Kiều đã có không biết bao nhiêu người đổ lệ cho thân phận hồng nhan bạc mệnh của Kiều nói riêng, hay đó cũng chính là thân phận của Cụ khi phải làm quan trong ba triều (Trịnh Nguyễn ở Đàng Ngoài, Quang Trung cũng như Gia Long và Minh Mạng). Theo tinh thần “Trung thần bất sự nhị quân” (Tôi trung không thờ hai chúa) thế mà Cụ đã phải thờ đến 3 chúa vào cuối thế kỷ thứ 18 và đầu thế kỷ thứ 19 tại Việt Nam chúng ta, cũng là một sự ngoại lệ của một bậc thiên tài chăng?

 
 
Bên cạnh mộ của Beethoven và Mozart là mộ của Franz Schubert. Ông nầy cũng người Áo, sinh vào ngày 31/1/1797 ở gần Wien và mất ngày 19/11/1828 ở tuổi 31. Ông chuyên về Komponist. Thường thì những thiên tài hay có đời sống quá ngắn ngủi, chẳng biết tại sao, nhưng đây là sự thật, xưa nay Đông Tây gì cũng đã xảy ra nhiều sự kiện như thế cả. Do vậy hãy lấy hai chữ “Vô thường”mà Đức Phật đã dạy cho chúng ta để làm hành trang, cũng như sự chiêm nghiệm trong cuộc sống hằng ngày vốn dĩ phù du, mộng ảo nầy, để chúng ta tự tìm lại con người của chính mình và mình tự hỏi mình là ai? Để những bước đi trên đường trần còn lại có thật nhiều ý nghĩa hơn. Chúng tôi chạy xe thật chậm trong nghĩa địa Wien rộng lớn bao la nầy để đi đến nơi chôn cất những người Phật tử Áo cũng như những người Phật tử Á Châu tại một nơi rộng lớn gần đó cũng nằm trong nghĩa địa nầy ở Gruppe thứ 48.
 
Đầu tiên chúng tôi thấy một ngọn tháp không cao lắm, độ chừng 8 mét, được xây dựng theo mô hình Stupa Sanchi ở Miền Nam Ấn Độ do A Dục Đại Đế cho xây dựng từ thế kỷ thứ ba trước Dương Lịch. Chung quanh 4 phía tháp được họa sĩ vẽ nên 4 cảnh động tâm của Đức Phật. Đó là: Hình ảnh Ngài lúc Đản Sanh, thành đạo, thuyết pháp lần đầu tiên và nhập Niết Bàn. Bên cạnh đó có một ngôi nhà nhỏ tôn thờ những lời dạy căn bản đầu tiên của Đức Phật cho người xuất gia cũng như tại gia bằng tiếng Đức. Đó là: Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo và Thập Nhị Nhân Duyên. Quả là vi diệu và bất khả tư nghì. Tại Tây Phương nầy, ngày nay Áo và Ý, Phật Giáo đã được chính quyền sở tại công nhận là một tôn giáo của thế giới, sánh vai cùng với các tôn giáo khác hiện có mặt trên quả địa cầu nầy như: Thiên Chúa Giáo, Tin Lành, Chính Thống Giáo v.v… Đây là một niềm vui và là một niềm hạnh phúc của những người con Phật đó đây. Các nước khác tại Âu Châu như: Đức, Pháp, Hòa Lan và các xứ Bắc Âu nay mai Phật Giáo cũng sẽ được công nhận là một tôn giáo như tại Áo và Ý vậy. Đây chính là những công đức của những vị Đại Sư có mặt hàng đầu tại Âu Châu, trong đó phải kể đến Hòa Thượng Seelawansa, Ông Hội Trưởng Hội Phật Giáo Áo, Ý v.v…
 
Ngày hôm sau, Chủ nhật 24 tháng 11 năm 2019 tại chùa Pháp Tạng có độ trên đưới 100 Phật tử quanh vùng về chùa tham dự lễ Hạ Nguyên Rằm Tháng Mười cũng như tham dự lễ cầu siêu, cầu an và nghe thuyết giảng. Đúng 10:30 mọi người đã vân tập nơi Chánh Điện và Thượng Tọa Thích Viên Duy đã chủ trì buổi lễ cầu an tụng Kinh Phổ Môn. Bắt đầu từ 11 đến 12 giờ trưa là giờ thuyết giảng của tôi. Hôm ấy tôi mang tinh thần của Cụ Nguyễn Du và Cụ Nguyễn Công Trứ ra nói chuyện với Phật tử hiện diện về việc sau khi đã đi thăm mộ của Ông Mozart và Beethoven cũng như thăm nghĩa địa Phật Giáo tại Wien. Tinh thần “Nhân sinh tự cổ thùy vô tử, lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh”(Cuộc đời xưa nay ai sinh ra mà chẳng chết, nhưng hãy để lại một cái gì đó, làm cho tâm người được rạng rỡ). Riêng tôi thì hơi khác với những vị nầy một ít về tư tưởng như sau. Tôi nghĩ: Những cây cỏ và hoa dại mọc lên hai bên lề đường, hầu như không có tên gọi, nhưng chúng đã mang lại hương sắc cho đời khi chúng nở hoa, khoe sắc thắm cho mọi người qua đường thưởng lãm, thì chúng ta là con người không lẽ không làm được một việc gì đó để lại cho tha nhân sao? Chỉ đơn giản vậy thôi, nhưng không phải là ai cũng quan tâm đến điều nầy.
 
Sau giờ ngọ trai, đến 13:30 là thời cầu siêu và niệm Phật của các Phật tử do Thầy Viên Duy dẫn lễ. Từ 14 đến 15:30 với gần 80 Phật tử hiện diện, tôi đã nói và giảng về cuộc đời của Đức Phật từ sau khi thành đạo đến khi trở lại cung thành Ca Tỳ La Vệ để gặp vua Tịnh Phạn, Công Chúa Gia Du Đà La cùng với Hoàng Thân Quốc Thích theo tinh thần Kinh Phật Bản Hạnh Tập, tập thứ 13 trong 203 tập của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Mọi người nghe pháp đã chiêm nghiệm rõ lại lời Phật dạy qua Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Đạo và Thập Nhị Nhân Duyên. Hôm đó sau khi buổi giảng chấm dứt, mọi người hoan hỷ ra về và chắc rằng rất nhiều người hiện diện trong hai lần thính pháp ấy sẽ nhận chân ra rõ hơn về lời Phật dạy thế nào là: Vô thường, khổ, không và vô ngã. Cuộc đời nầy vốn chỉ là một sự tiếp nối và chắp vá lại những gì đã bị đổ vỡ từ trong vô lượng kiếp về trước, nên chúng ta hoan hỷ chấp nhận những dư báo của ngày nay đang nhận lãnh, dầu là nghiệp thiện hay bất thiện, chúng ta tự nhận trách nhiệm ấy về mình, thì xã hội nầy hay những người chung quanh chúng ta sẽ luôn được hạnh phúc và sống trong tình huynh đệ để hiểu biết, tương thân với nhau để vượt qua những chướng duyên trên đường đời cũng như đường Đạo.
 
Viết lại những kỷ niệm như trên để ghi lại một chuyến đi tuy ngắn ngủi chỉ nhằm vào lúc cuối tuần, nhưng đó là một hành trình dài để tiếp nối đoạn đường mà trong vô lượng kiếp chúng ta đã đi và sẽ đến. Nguyện cầu cho ngôi Chùa Pháp Tạng ở Wien, Áo Quốc mãi là điểm tựa tinh thần cho người Việt tha hương tỵ nạn trên xứ người có Bảo Sở để quay về và từ đó chúng ta sẽ có một cộng đồng sống tại xứ người có nhiều trách nhiệm với nước sở tại nhiều hơn, mà Phật Giáo là một nhân tố không kém phần quan trọng.
 
Viết xong vào lúc 11 giờ trưa ngày 25 tháng 11 năm 2019 tại Tu Viện Viên Đức, Ravensburg thuộc miền Nam nước Đức.
 
Chùa Viên Giác gởi