NHỮNG NGÀY VUI
Lại sắp đến 30/4 thôi lại nói đến chuyện tù cho hợp thời vụ. Sống trong tù cộng sản , sự tàn bạo kể sao cho xiết, nhưng muốn sống sót nên quên đi những điều mà Việt cộng đặt ra để hành tù mà chỉ nghĩ đến những điều vui tươi cho ngày tù ngắn lại. Những nhân vật tôi nhắc đến ở đây tôi thường kèm chức vụ của những vị này cho khỏi lẫn lộn với người khác, và phần lớn đã ra người thiên cổ nên không đối chứng được, nhưng tôi thề chỉ nói sự thật chỉ sự thật mà thôi, và...như thế là công lý.
Sau ngày 30/4 cộng sản ra thông cáo đi “học tập “ đem tiền ăn trong một tháng. Nhiều người cả tin là sẽ bị giữ trong một tháng rồi ra về. Tôi không tin như vậy vì đây không phải là lần đầu tôi gặp người bạn khó ưa này, cộng sản. Trước đây năm 1953, tôi cũng đã nếm mùi trại tù cải tạo một lần, trong một năm, vì là con điạ chủ. Tại đây tôi đã bị giam chung với một người tù mà sau này lại được ngộ cố tri trong trại tù Long Thành là luật sư Nguyễn Hữu Hiệu.
Ngày đi tù tuy là luật sư, nhưng đã đi lính và mang cấp bậc thiếu tá, thẩm phán quân sự. Tôi có thể nạp mạng với tư cách quân nhân với chức vụ thiếu tá. Tôi cũng có thể trà trộn vào đám tù dân sự với tư cách thẩm phán. Tôi chọn đi tù dân sự để tránh việc có thể những quân nhân trước đây đã chẳng may có dịp đáo tụng đình và đã gặp tôi với tư cách thẩm phán công tố, điều đó sẽ kém vui đi. Do đó tôi trình diện ở trường Gia Long, nơi gặp gỡ của người tù dân sự.
Vào trường Gia Long chúng tôi bị giải đến trại tù Long Thành. Trại tù Long Thành, trước đây là làng cô nhi Long Thành của sư trụ trì tên là Tư Sự. Trước ngày 30/4 không lâu, với tư cách thẩm phán công tố, tôi đã có dịp gặp Tư Sự vì tội hoạt động cho việt cộng và bị tòa án Quân Dự Mặt Trận vùng 3 bắt giữ.
Sau này lên Long Thành tôi mới biết Tư Sự là đại tá việt cộng. Tôi muốn tránh gặp lại người cũ nhưng rốt cuộc lại ở nhà người bạn cũ là TS chủ làng cô nhi Long Thành. Cũng may, chắc Tư Sự lúc này làm lớn lắm nên chẳng gặp tôi làm gì.
Tại nhà tù Long Thành, đời tôi chưa đến nỗi khắt khe lắm, vẫn còn mang một tên thơ mộng là trường cải tạo 15 NV. Tôi đã gặp cụ Lê Tài Triển , ngày tôi tuyên thệ luật sư thì cụ là Chánh nhất tòa thượng thẩm Sài Gòn, sau này giữ chức vụ gì bên bộ ngoại giao thì tôi không nhớ. Cụ Triển đi lao động vai vác cuốc nhưng vẫn giữ phong thái của một người trí thức chân mang giầy tây và áo bỏ trong quần.
Cụ Lưu Đình Việp, Chửơng lý tòa Thượng thẩm Sài Gòn đi tù còn cố mang theo một cái đệm hơi để tối nằm cho êm.
Ngày đi tù, theo sắp xếp, tôi ở đội các thẩm phán. Lúc đó tôi chưa đến tuổi 40, còn trẻ chán, nhưng lại ở tổ toàn những vị cao niên, phần lớn là các vị thẩm phán tối cao. Ngày ngày đi làm vườn cụ Vũ Tiến Tuân chưởng lý tối cao pháp viện, vì đau chân không ngồi xổm để nhổ cỏ được cụ kiếm được một mảnh gỗ làm ghế ngồi.
Vì mảnh gỗ này cụ Tuân bị bọn cán bộ quấy rầy hoài , “ đi lao động mà còn ngồi ghế kiểu phong kiến”. Cụ Nguyễn Mạnh Nhu chưởng lý được giao một đàn dê.
Lúc nào trong túi cụ cũng chứa đầy đá. Dê chạy nhanh cụ đuổi không kịp nên phải dùng đá ném để gom chúng nó về.
Cụ Phạm Văn Hiền, chánh nhất tòa thượng thẩm Huế, người hiền lành nhưng cũng không kém phần dí dỏm. Một lần tôi đi đổ rác với cụ.
Rác đựng trên một cái cáng, cụ đi phía trước tôi khiêng phía sau. Tới chỗ rẽ, tôi nhắc, cụ nghiêm nghị quay lại bảo tôi: “Con đường chính trị tôi có thể lầm, nhưng con đường đổ rác thì tôi biết ông ạ “
Cụ Trịnh Xuân Ngạn người có thể biết thiên kinh vạn quyển, nhưng những chuyện đời thường, rất đời thường thì có khi lại không biết.
Một lần cụ hớn hở tìm tôi như Archimede tìm ra sức đẩy của nước và khoe rằng:
”Cái dây thép bẻ đi bẻ lại một lúc thì nó gẫy ông ạ!”
Ở tù hơn một năm thì đến Tết, tù được thăm nuôi, anh Vũ Mạnh dự thẩm, nhân vật này tôi biết là còn sống vì thấy tên trong hội ái hữu Luật khoa San Jose, có người chú làm tướng Việt cộng đến thăm. Tôi thấy anh Mạnh có vẻ chuẩn bị tư tưởng dữ lắm, vì đây là cuộc gặp gỡ của những người từ hai bên chiến tuyến.
Từ nhà thăm nuôi trở về, anh Mạnh báo cáo là sau khi hỏi thăm chuyện gia đình, ông chú anh đã nghiêm nghị trách: ”Sao nhà cháu đi hết rồi mà cháu còn ở lại đây”
Ở tù thì phải hát những bài của Việt cộng. Anh Trần Tấn Toan, Thựơng nghị sĩ, người phụ trách văn nghệ của đội, sáng tác bài “Giữ vững niềm tin“ và đưa lên ban giám thị trại để kiểm duyệt. Bài hát được chấp nhận, nhưng đội tập tành hát chưa được bao lâu thì có lệnh xuống là cấm hát.
Không biết chúng nó giữ vững niềm tin nhưng là tin cái gì? Tin ai?
Những năm còn đi học, tôi được moị người biết đến với cái tên ông táo trường luật. Năm học sau, mọi người bắt tôi làm ông táo nữa, tôi từ chối, làm mãi cũng nhàm. Tuy nhiên khi đi tù, để giúp vui mọi người đang độ buồn phiền, tôi đành làm Táo hai lần nữa, nhưng những lần sau này, tôi không tự viết sớ táo nữa mà để người khác viết. Tôi chỉ sửa lại cho hợp ý táo thôi.
Lần đầu ở trại long Thành do dự thẩm Nguyễn Ý Nhạc viết và lần thứ hai ở trại Quảng Ninh do đại sứ Phạm Trọng Nhân viết. “Những màn trình diễn cũng Mua vui cũng được một vài trống canh” ( Nguyễn Du).
Bây giờ đi tù, không phải chỉnh trang sắc đẹp như hồi đi làm nữa, nên tôi để râu dài như ông đạo dừa và lại được anh em đặt cho một tên mới là ông đạo.
Một ngày không biết là có đẹp trời hay không, tôi gặp một tên cán bộ có vẻ để ý đến tôi, tôi tránh lối khác, chẳng nên dây với hủi, nhưng y cũng chẳng tha.
Y đi nhanh vòng lối khác và chặn lối tôi: “Để râu chống cộng hả?” thế là y lôi tôi đi cạo bén hàm râu. Râu đi rồi nhưng cái tên ông đạo thì còn, cho đến bây giờ thỉnh thoảng vẫn có người gọi...
Sau những buổi học tập chính trị trên hội trường, chúng tôi phải về họp tổ để kiểm điểm và viết bản thu hoạch xem tù học hành như thế nào.
Trong chiếu ngồi họp tổ, tôi với Hội thẩm Dương Thiệu được phân công mỗi người nhìn về một phía làm lính gác bọn cán bộ trại. Chúng tôi ngồi nói chuyện tầm phào nhưng bỗng nhiên thấy hội thẩm Sinh hoặc tôi đổi giọng thì mọi người lập tức chuyển sang chuyện thảo luận chính trị có vẻ hăng sa, tạm gác sang bên chuyện trời, trăng, mây, gió.
Ở trại giam Long Thành hơn một năm thì tôi cùng một số lớn tù nhân khác chuyển về Thủ Đức giam trong một trại dành cho các nữ ngày trước. Những nữ phạm nhân ngày trước không còn, nhưng cảnh thì vẫn là cảnh cũ để nhớ lại những ngày còn làm luật sư đi thăm thân chủ ở đây.
Tại trại Thủ Đức tôi nằm cạnh và ăn chung với hai vị là giáo sư Bùi Từơng Huân tổng trưởng quốc phòng của chính phủ Dương văn Minh và đại sứ Phạm Trọng Nhân, cuối cùng làm giám đốc nghi lễ phủ tổng thống.
Những ngày ở Thủ Đức, thức ăn của chúng tôi còn nhiều vì nhà mới thăm nuôi.
Hai người ăn chung với tôi đều đã du học ở Pháp nên thời sinh viên đã nấu nướng giỏi lắm, còn tôi ở Việt Nam, cả đời cơm bưng nước rót nên chẳng biết gì.
Để người ta nấu ăn cho mình mãi cũng khó coi nên một ngày nọ tôi tình nguyện làm đầu bếp. Các tù nhân nấu ăn trong lon sữa Guigoz.
Trại cung cấp một bếp than đá cho tù nhân. Tôi lóng ngóng đặt lon trên bếp. Đồ ăn sôi, nắp lon bật ra, tôi bị phỏng. Thế là từ đó hai vị kia tiếp tục nấu nướng, tôi chỉ có việc ăn thôi. Tôi lẩm bẩm tuyên bố: ”Đời tôi chưa bao giờ huy hoàng đến thế, bồi tổng trưởng mà bếp đại sứ.”
Giáo sư Huân đánh cờ tướng cao hơn tôi nhiều. Tôi thuộc loại cờ thấp nhưng không gọi là cờ thấp mà là “cờ lùn” Tôi vừa đánh cờ vừa lẩm bẩn chọc ghẹo nên giáo sư Huân thua tôi hoài.
Ở trại giam Thủ Đức một thời gian ngắn thì chúng tôi bị lùa xuống hầm tàu Hồng Hà đem ra ngoài Bắc lưu đày. Nơi ở mới là trại giam Quảng Ninh.
Đêm đầu tiên ở trại Quảng Ninh, trại đón tiếp những người tù chính trị mới tới bằng một đêm do đội văn nghệ hình sự, những người tù phụ trách. Chúng tôi mệt mỏi ngồi xem. Một nữ ca sĩ phấn son lên trình bầy bản: ”Người ơi xin ở đừng về.”
Tù khổ sai biệt xứ mà năn nỉ người ơi xin ở đừng về thì kẹt nhau quá.
Thời gian này là gần tết nên giám thị trại yêu cầu tù làm văn nghệ mừng xuân. Đêm văn nghệ nghe anh Trần Huỳnh Châu tổng thư ký nội bộ nội vụ, chơi mandolin bản The Blue Danube, bọn cán bộ xem ra đã không bằng lòng vì cho là nhạc ngụy, nhưng đến khi nghe trung tá cảnh sát Kiều Đắc Thời, nặng 150 ký trình bày bản “ Bé yêu bác Hồ” tay chấp lên má, đầu nghiêng nghiêng rất là ngây thơ, thì bọn cán bộ không chịu nổi, đuổi tất cả về phòng giam. Vẫn chưa hết, vào phòng giam thấy một bàn bầy biện đàng hoàng, cán bộ lại hét lên: ”Ai cho các anh làm bàn thờ tổ quốc trong phòng giam mà lại cắm hoa cứt lợn!” Thế là văn nghệ cũng dẹp mà bàn thờ cũng dẹp luôn.
Hết văn nghệ lại học tập chính trị rồi yêu cầu tù xung phong viết chuyên đề.
Trong chuyên đề, việt cộng muốn khai thác và thu lượm những kiến thức của người tù. Tôi tình nguyện viết với đề tài là: Địch muốn gì qua luật người cày có ruộng. Nghe tựa có vẻ kêu nên việt cộng chấp nhận. Tôi chưa bao giờ đọc luật người cày có ruộng, nhưng biết việt cộng dốt nên cứ viết lung tung. Bao nhiêu chữ hóc hiểm nhớ được là tuôn ra hết. Tên cán bộ quản giáo thỉnh thoảng vào đọc và bình phẩm "Sao tôi thấy anh viết văn chương thì rất chải chuốt mà tôi đọc chẳng hiểu gì cả" Tôi an ủi: "Đây Là những tài liệu chuyên môn nên cán bộ xem không hiểu, nhưng cán bộ trên bộ nội vụ xuống nghiên cứu thì họ sẽ biết. Tôi nghĩ thầm tao viết mà còn chẳng biết là tao viết cái gì thì làm sao mày hiểu. Mỗi ngày tôi chỉ viết năm trang chữ to bằng con bò còn dành thì giờ để nghỉ ngơi chứ. Những ngày sau thấy tên cán bộ quản giáo thập thò, tôi dơ tay xin ngòi bút, xin giấy viết. Bị quấy rầy những lần sau y chỉ đứng ở cửa nhìn vào chẳng bao giờ đến tận nơi xem tôi viết lách nữa.
Trốn việc quan đi ở chùa trong việc viết chuyên đề được gần một năm rồi cũng đến lúc bị chúng nó lùa ra ngoài đi làm lao động khổ sai. Ở tù muốn sống sót phải tìm cách làm càng ít càng tốt. Nứơc sông công tù mà. Trồng ngô thì một người đi trước, cầm cọc nhọn chọc một lỗ, người đi sau bỏ một hạt ngô xuống và lấp đất lại. Mỗi lỗ như thế tôi bỏ một nắm ngô cho chống hết. Cuốc đất thì phải cuốc từng lát mỏng mới có thể làm đất mịn để trồng trọt. Mỗi nhát cuốc của tôi chừng hai gang tay cho chóng đạt chỉ tiêu.
Thời gian này tù bắt đầu đói thê thảm. Đói ăn và đói cả thuốc hút nữa. Bây giờ ở đây no đủ rồi, việc bỏ thuốc có vẻ dễ dàng nhưng trong tù thì khó lắm. Đói ăn mà lại đói cả thuốc hút nữa thì chịu không nổi. Riêng tôi đã có lần nhịn cả phần ăn ít ỏi để đổi lấy thuốc hút. Đến giai đoạn này thuốc điếu đã thành xa xỉ phẩm vì thuốc đắt và hút chóng hết nên mọi người chuyển sang hút thuốc lào.
Giường tủ có hai từng, sàn trên và sàn dưới. Tôi nằm ở sàn trên bên dưới là anh Nguyễn Cao Quyền. Anh Quyền góc đại tá Quân Pháp nhưng đã sang ngoại giao và nhiệm sở là tòa đại sứ ở anh nhưng tham bằng tiến sĩ nên mò về Việt Nam trình luận án. Kẹt lại đành đi tù với mọi người cho có anh có em.
Một đêm thèm thuốc quá mà chẳng còn tí thuốc nào tôi lấy cái điếu cày ra kéo khan một hơi cho đỡ nhớ thuốc. Nghe tiếng điếu kêu lọc sọc anh Quyền ngốc đầu lên:
"Có gì vui không toa (toi)?”. Thấy chẳng có khói và mặt tôi cũng chẳng hấp dẫn gì nên đành buồn rầu nằm xuống.
Mỗi lần có thuốc lào hút , sợ say ngã từ sàn trên xuống đất có thể vỡ đầu , tôi đều leo xuống ngồi giữa nhà hút. Bao giờ tôi hút cũng có đại sứ Phạm Trọng Nhân đứng canh chừng. Thấy tôi say nằm giữa sàn nhà , có người thương hại chạy lại đỡ dậy vì sợ tôi trúng gió, thì người canh cho tôi cản lại và dõng dạc tuyên bố rằng:
“Hắn đang sướng đừng có đụng vào”
Kỹ sư Dương Kích Nhữơng, tổng trưởng giao thông công chính, cũng đói lắm, đi làm gặp con gì cũng bắt bỏ vào túi áo chờ khi về phòng giam sẽ hóa kiếp cho chúng để thêm thắt vào bữa ăn. Tuy nhiên ngài tổng trưởng rất ham đọc sách về đến phòng giam là chúi mũi vào đọc và đọc. Lũ cóc nhái tự do bò ra khỏi miệng túi áo và nhảy nhót tung tăng.
Tàu cộng và việt cộng chuẩn bị chỏang nhau nên chúng tôi lại được ưu ái chuyển về trại 5 Thanh hóa. Tại Thanh hóa điều kiện sinh hoạt còn tồi tệ hơn nữa nên đã nổ ra một cuộc tuyệt thực toàn trại mà anh bạn đồng nghiệp luật sư Ngô Văn Tiệp đã tường trình. Tôi không được cái hân hạnh ở bộ ba biệt giam “ Lạc, Chí, Tiệp” nhưng cũng được ưu ái xếp vào đội trừng giới.
Chế độ ăn uống của tù chia ra làm ba giai cấp: những người làm vựơt hơn tiêu chuẩn mà việt cộng quy định thì ăn 18kg thực phẩm, người làm mức trung bình 15 ký, còn ở mức kỷ luật là 13 kg. Một lần bị kỷ luật là ăn 13kg trong ba tháng. Tôi là khách hàng hầu như là thường xuyên của cơm kỷ luật. Chẳng phải tôi chống đối gì ghê gớm mà chẳng qua vì chỉ vì vạ miệng.
Bọn chỉ điểm thì đội nào cũng có, do cán bộ trại chọn trong số những anh em tù tinh thần bị chao đảo để làm việc cho chúng rồi cài vào mỗi đội để theo dõi và báo cho cán bộ trại. Tôi rất ưu ái được bọn này chiếu cố.
Một lần tôi có lon Guigoz đường bị kiến vào vừa ngồi lắc lon cho kiến đi vừa lẩm bẩm một mình: ”Bác đang cùng chúng cháu hành quân” thế là đến tai cán bộ trại và lãnh 13kg kỷ lụât.
Một lần khác, tôi làm mấy cái khoen để đêm về có thể mắc mùng ngủ nhanh chóng, khỏi phải buộc dây lôi thôi. Vừa làm vừa nhắc lời “đồng chí“ Lê Duẫn để tự khen mình: "khoa học kĩ thuật là then chốt.” lại đến tai cán bộ trại và lại ăn 13kg
Những chuyện lẩm cẩm như thế xảy ra cho tôi không biết bao nhiêu lần.
Sau bao năm lưu đầy, chuyến xe lửa chở tù xuôi Nam rồi cũng xảy ra.
Bọn Việt cộng muốn đưa những bộ xương cách trí từ những nhà tù miền Bắc về Nam cho gần để gia đình tù vỗ béo cho thân nhân tù trước khi thả ra trông cho được một chút. Trong chuyến xe lửa xuôi Nam, những nhân viên hoả xa vẫn phải giữ nét mặt lạnh lùng cho phải phép, nhưng những gói xôi, những trái chuối, những gói thuốc lá đã được kín đáo ném ra cho tù.
Về nam ở trại Long Khánh đời sống dễ chịu hẳn. Gần gia đình nên phần lớn tù được nhà thăm nuôi. Thái độ của bọn cán bộ trại cũng thay đổi hẳn. Chúng nịnh tù để được cho quà. Tên cán bộ trực trại anh em tù gọi đùa là đại tá. Một hôm trời đã khuya mà anh em trong phòng giam còn tụ tập. Tên cán bộ trực trại đứng lại hỏi:
"Giờ này mà mấy ông tướng còn thức làm gì đây?". Trả lời: "Đại tá đi chỗ khác chơi, để các tướng làm việc.” Tên cán bộ trực trại bỏ đi, không nói một lời.
Nhốt mãi rồi cũng phải thả. Tôi đã nhận lệnh tha nhưng ngày hôm đó còn chờ cho các đội xuất trại đi lao động rồi mới đến được thả tù. Trong lúc ngồi đợi, tôi lấy đàn ra gẩy từng tưng. Biện lý Nguyễn Hồng Nhuận Tâm đi qua cằn nhằn: ”Về không lo chuẩn bị về còn ngồi đó mà đàn với địch".
Rồi nhà tù cũng mở cổng cho tôi ra. Tôi lóng ngóng không biết đường về nhà. Gặp được một bà cũng có vẻ đứng tuổi rồi, bụng mang bầu, để hỏi thăm bến xe đò về Sài Gòn. Người chỉ đường cho tôi, gọi tôi bằng bác và xưng con. Mình đã khám phá ra một điều là những năm tù đã biến mình từ một ngừơi trai trẻ thành một ông già.
Từ nhà tù nhỏ sang nhà tù lớn, chuyện quản chế, chuyện công an khu vực, và còn nhiều chuyện vui khác, nhưng đây chỉ nói chuyện tù, nói nữa là lạc đề nên đành chấm dứt.
Luật sư Nguyễn Hữu Thụy
Đỗ Hứng gởi