NHỮNG SỢI TÓC
Thời gian gần đây, chùa Ba Vàng được cộng đồng mạng chiếu cố khá chặt chẽ, từ vụ giải vong nhiều tai tiếng cho đến cung thỉnh xá lợi tóc của đức Phật từ Myanmar về.
Phật giáo Bắc tông, khi du nhập vào Trung Hoa, suốt thời gian xã hội hóa, ít nhiều hòa chung văn hóa bản địa, trong đó có tín ngưỡng và tập quán đương thời.
Du nhập vào Việt Nam, có Phật giáo tín ngưỡng dân gian và Phật giáo xuất thế gian, có nghĩa Phật giáo thuần túy không bị pha tạp, chuyên tu giải thoát bằng Thiền định, nặng về hành trì hơn mang tính Tôn giáo.
Giải vong không có trong Phật giáo nguyên thủy, nhưng để cho quần chúng quen với tập tục cổ xưa gần với Phật giáo, Phật giáo Bắc tông phương tiện áp dụng ma chay cúng kiến của Thần giáo, cúng Thai nhi và nhiều hình thức khác, trong đó có cúng “giải oan”. Tuy kinh điển nguyên thủy không đề cập đến oan gia trái chủ, nhưng luật nhân quả trong cuộc sống không tránh khỏi ân oán với nhau, mang theo nghiệp thức giữa thế giới vô hình với thế giới hữu hình.
Dưới nhãn quan thế gian pháp vẫn chịu tác động của luật nhân quả, nhưng xuất thế gian pháp, chư Phật Bồ Tát, La Hán xem chúng là mộng, không thực. Chừng nào chứng đắc toàn giác, nghiệp thức không còn, gọi là Bạch tịnh thức thì nhân quả là giấc mộng. Vì thế, việc giải oan trở thành nghi thức trong Phật giáo Bắc tông (cầu siêu là một hình thức đơn giản), nhưng việc giải oan bạt độ chỉ xuất hiện trong các đàn chẩn tế, thông thường các chùa ít thực hiện ngoài việc cầu siêu.Những năm trước, khi Làng Mai về Việt Nam, Thiền sư T.Nhất Hạnh đã tổ chức cầu siêu bạt độ cho ba miền; giải oan là một phần ý nghĩa trong cầu siêu bạt độ.
Sợi tóc Xá lợi, có nguồn gốc từ thời Phật còn tại thế. Khi chùa Ba Vàng cung thỉnh Xá lợi tóc từ Myanmar về, rộ lên nhiều phản bác mang tính tiêu cực.
“Theo lịch sử ngôi chùa, công trình kiến trúc tôn giáo này ban đầu được người dân tộc Mon xây dựng cách đây 2.500 năm. Truyền thuyết kể rằng, hai anh em Tapussa và Bhalika đã gặp Đức Phật Thích ca Mâu ni vừa mới giác ngộ và đã cúng dường Ngài.
Đáp lại, Đức Phật đã tặng cho hai anh em 8 sợi tóc của Ngài để họ dâng lên Vua Yangon Okkalapa. Nhà vua ra lệnh xây chùa để cất giữ một số sợi tóc trong khi những sợi tóc khác được cất giữ tại chùa Shwedagon. Do có nhiều thánh tích của Đức Phật nên cả hai ngôi chùa đều trở thành trung tâm hành hương của các Phật tử.” Theo nguồn
Thế thì nguồn gốc sợi tóc của Phật là có thật.Nhiều dư luận không nắm rõ nguồn gốc nên suy luận không đúng: - Phật hỏa thiêu làm gì còn tóc,Phật cạo đầu ai ở đó nhặt tóc để dành…Khi Phật ra khỏi hoàng thành vượt qua dòng sông Anoma, dùng kiếm cắt tóc, đưa áo và kiếm cho Sa Nặc đem về hoàng cung, như vậy Phật chỉ cắt tóc chứ không cạo tóc.Do công năng nội lực của Phật, tóc xoắn ốc trên đỉnh nhục kế ( một trong 32 tướng tốt) là hình tượng tôn thờ ngày nay cả Bắc và Nam tông Phật giáo.
Miền Tây Nam bộ, thỉnh thoảng xuất hiện vài ông Đạo đầu tóc đanh cứng vấn cao như tổ tò vò không có gì lạ
Có một truyền thuyết mang tính xuyên tạc là khi Phật thiền định giữa trời nắng, ốc bưu bò lên che đầu đức Phật, sau khi ốc chết rơi xuống đếm được 108 con, từ đó xâu chuổi có 108 hạt ( chuyện xâu chuổi sẽ nói vào dịp khác). Trong giáo sử, Phật ở dưới gốc cây hoặc trong hương thất, làm gì ở ngoài nắng mà có ốc bưu che đầu. Ngay khi chưa chứng quả, ngài ngồi vẫn có rắn bảy đầu che nắng che mưa gần sông Ni Liên Thuyền, thì quả vị vô thượng chánh đẳng chánh giác cần gì đến ốc bưu! Nguồn tâm tiêu cực thời nào cũng có do đố kỵ mà ra.
Trở lại vấn đề Xá lợi tóc, ai bảo đó là loại cỏ pilli, chả lẽ trên 2500 năm được xem là quốc bảo, Myanmar lừa dối các nhà khoa học được sao? Do trình độ hiểu biết hạn chế về khoa học và Phật giáo, nên suy luận, lạc dẫn quần chúng theo hướng tiêu cực. chẳng những thế chính quyền Quảng Ninh do cộng đồng mạng tác động muốn vào cuộc, để làm gì trước những tâm linh huyền bí? Trước đây chính quyền cũng vào cuộc khi những tai tiếng rộ nở tại Ba Vàng, rồi chẳng khai thác được gì, đâu lại vào đấy.Cũng đừng có những ngôn từ xúc phạm đức Phật như một vài comment trên cộng đồng mạng, các Thánh nhân không xúc phạm đến chúng ta.
Không phải dư luận báo chí tất cả đều đúng. Quần chúng luôn tin cộng đồng mạng,căn cứ một chiều sẽ bị lạc dẫn đưa đến hiểu sai, sanh tâm phẩn nộ, bài xích đúng với mưu đồ của những ai ganh ăn ghét ở. Kinh nghiệm cho ta thấy những gì mắt thấy tai nghe chưa chắc là đúng.
Mùa nông nghiệp thất thu xưa kia tại Trung Hoa, thầy trò đức Khổng Tử được dân cho ít gạo, đệ tử nấu cơm, Khổng Tử nằm trên võng từ xa nhìn thấy đệ tử mở nắp vung bốc cơm cho vào miệng, ngài than – đói quá mới thấy được tấm lòng của đệ tử như thế nào; lúc cơm lên mâm, người đệ tử không ăn, nhường cho thầy và các huynh đệ, nói: lúc nảy cơm sôi bị màng nhện rơi vào, con hớt phần trên, không dám bỏ sợ tội, nên con phải ăn.Khổng Tử tự trách – sao mình vội phán xét, thấy vậy mà không phải vậy!
Trong cuộc sống giác quan hay bị đánh lừa bởi vọng tưởng, nhìn bề ngoài vội đánh giá chưa chắc đã đúng nếu không tìm hiểu thực chất của vấn đề. Hiện tượng và bản chất là hai mặt của một sự kiện, nhìn hiện tượng để phán đoán, đánh giá khó mà chính xác. Tâm hồ nghi, tâm đố kỵ thường ít xít cho nhiều làm quan trọng hóa vấn đề đưa quần chúng vào đường lầm tưởng.
Khởi đầu chùa Ba Vàng được quan tâm do nội bộ Phật giáo hiềm khích lẫn nhau, lấy việc giải oan chiêu mộ bá tánh quá đông, cách nhận tiền công khai giữa rừng tín đồ là hình ảnh thiếu tế nhị để có cớ đối thủ bài xích.Tiền bá tánh cúng là do hỷ tâm, quan trọng là đồng tiền được sử dụng như thế nào.Từ những đố kỵ vụn vặt đưa đến tàn hại lẫn nhau. Youtuber thường câu view, hoặc do ai đó khích động biến thành một cao trào mỗi khi Ba Vàng diễn ra sự kiện.
Chùa Ba Vàng luôn tạo ra những sự kiện bị tai tiếng, có lẽ thầy Thích Trúc Thái Minh nghĩ rằng việc làm công khai trong sáng tại sao phải che dấu, đó là sơ suất cho những tầm nhìn soi móc. Thiết nghĩ, những sinh hoạt thuộc phạm vi Tôn giáo, muốn phán xét cần phải hiểu rõ giáo lý, giáo điều của Tôn giáo mới đánh giá, nhìn sự việc mới chính xác.
Cuộc sống cần bao dung, giúp nhau xây đựng tốt hơn, đó là tình người, là nhân cách sống, vì không ai là hoàn hảo. Thánh kinh Thiên Chúa từng dạy – “các ngươi đừng đoán xét ai,để mình khỏi bị đoán xét”( Ma thi ơ 7:1). Lục tổ Huệ Năng đã nói : “hãy nhìn lỗi mình, đừng thấy lỗi người”.
MINH MẪN
30/12/2023
Sợi tóc Phật được Myanmar bảo quản nghiêm ngặt như thế nào?
Thứ Sáu, 10:00, 29/12/2023
VOV.VN - Năm 2018, việc trưng bày và rước xá lợi tóc linh thiêng của Đức Phật chưa từng có trước công chúng của chính quyền khu vực Yangon (Myanmar) đã làm dấy lên lo ngại rằng, sợi tóc hơn 2.500 năm tuổi có thể bị hư hại.
Trước đây được cất giữ trong phòng di tích của chùa Botahtaung ở Yangon song vào ngày 1/4/2018, hộp tráp nhỏ đựng sợi tóc đã được đưa ra khỏi phòng dưới sự giám sát của Thủ hiến Yangon U Phyo Min Thein, một số tu sĩ Phật giáo cấp cao và những người trông nom ngôi chùa.
Ông U Sein Maw, Giám đốc Cơ quan các vấn đề tôn giáo khu vực Yangon cho biết, xá lợi tạm thời được đưa ra ngoài để sửa chữa căn phòng.
"Bên trong căn phòng cần được sửa chữa. Nước rò rỉ từ trần nhà", ông U Sein Maw nói.
Xá lợi tóc linh thiêng của Đức Phật được cất giữ tại chùa Botahtaung. Ảnh: The Irrawaddy
Theo lịch sử ngôi chùa, công trình kiến trúc tôn giáo này ban đầu được người dân tộc Mon xây dựng cách đây 2.500 năm. Truyền thuyết kể rằng, hai anh em Tapussa và Bhalika đã gặp Đức Phật Thích ca Mâu ni vừa mới giác ngộ và đã cúng dường Ngài.
Đáp lại, Đức Phật đã tặng cho hai anh em 8 sợi tóc của Ngài để họ dâng lên Vua Yangon Okkalapa. Nhà vua ra lệnh xây chùa để cất giữ một số sợi tóc trong khi những sợi tóc khác được cất giữ tại chùa Shwedagon. Do có nhiều thánh tích của Đức Phật nên cả hai ngôi chùa đều trở thành trung tâm hành hương của các Phật tử.
Xá lợi tóc linh thiêng của Đức Phật được trưng bày trước công chúng tại một phòng cầu nguyện gần đó. Mặc dù việc trưng bày là cơ hội hiếm có để các Phật tử chiêm bái xá lợi linh thiêng nhưng các nhà bảo tồn lo ngại rằng điều gì đó tồi tệ có thể xảy ra với "bảo vật quốc gia" này trong quá trình rước và trưng bày.
Xá lợi sau đó được đưa đến một phòng cầu nguyện khác tại chùa Shwedagon ngày 19/4/2018 và được lưu giữ ở đó để trưng bày cho công chúng đến ngày 24/4.
"Một di vật quốc gia như xá lợi tóc linh thiêng có nên ở ngoài trong một thời gian dài hay không vì tính mỏng manh của nó? Lỡ nó vô tình bị hư hại trong quá trình rước và trưng bày thì sao", bà Daw Moe Moe Lwin, Giám đốc Quỹ Di sản Yangon nói.
Bà cũng đặt câu hỏi: "Tôi tự hỏi liệu các biện pháp phòng ngừa đã được thực hiện chưa?”
Bà Daw Moe Moe Lwin đã đề cập đến việc bảo quản xá lợi tại một ngôi chùa ở Kandy, Sri Lanka, nơi thánh tích Phật giáo quan trọng nhất của đất nước này - một chiếc răng của Đức Phật được cất giữ trong một căn phòng được bảo vệ nghiêm ngặt và chỉ mở cửa cho những Phật tử và khách du lịch trong thời gian cúng dường hoặc lễ bái.
“Ngay cả khi bạn ở trong phòng, bạn cũng không thực sự nhìn thấy chiếc răng. Nó được giữ trong một chiếc hộp bằng vàng, trong đó có sáu chiếc hộp với kích thước giảm dần", bà Daw Moe Moe Lwin cho hay.
Lễ đưa hộp xá lợi ra khỏi phòng ngày 1/4. Ảnh: Zaykabar Company
Để giải quyết những lo ngại này, ông U Sein Maw cho biết họ đã có một kế hoạch kỹ lưỡng để bảo vệ xá lợi.
"Chúng tôi đã thảo luận về cách tốt nhất để đặt hộp chứa xá lợi vào xe và vận chuyển từ Botahtaung đến chùa Shwedagon”, ông nói.
Ông cho biết thêm rằng việc cải tạo phòng xá lợi là một phần trong kế hoạch trùng tu toàn diện ngôi chùa, bao gồm việc đúc lại toàn bộ vàng trên cấu trúc chùa.
Ngày 1/4, Thủ hiến và phu nhân Yangon, Thị trưởng Yangon U Maung Maung Soe, một số chư tăng cao cấp, một số doanh nhân của tập đoàn Zaykabar và Shwe Than Lwin đã tham gia buổi lễ di dời xá lợi và đi vòng quanh chùa ba lần trong khi đang giữ xá lợi này.
Trong Thế chiến II, ngôi chùa từng bị Không quân Hoàng gia Anh phá hủy hoàn toàn khi họ ném bom dọc sông Hlaing. Hộp xá lợi được tìm thấy trong đống đổ nát khi dọn dẹp những gì còn lại của ngôi chùa. Chùa đã được xây dựng lại vào thời kỳ đầu độc lập của Myanmar.
__________________
NguyenMinhMan gởi