Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh





 
NHỮNG VIÊN NGỌC SÁNG CỦA NI BỘ BẮC TÔNG ĐẤT TIỀN GIANG


 



TKN. Như Năng

“Mỹ Tho cảnh đẹp người xinh
Quyện lòng du khách gợi tình nước non”.[1]

 

Từng là một trong những trung tâm thương mại tấp nập nhất Nam bộ vào thế kỷ XVII, TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) cũng nổi tiếng là vùng “đất học”. Người dân Mỹ Tho có truyền thống hiếu học, nhiều sĩ phu đỗ đạt, thành tài, đóng góp quên mình cho đất nước. Mỹ Tho cũng nổi tiếng là vùng đất “Tây học”, nơi trường học theo giáo dục phương Tây đầu tiên của Việt Nam đã được thành lập.[2] Tư tưởng tiến bộ của phương Tây về bình quyền đã sớm thâm nhập vào vùng đất nơi đây, giúp nữ giới Mỹ Tho có điều kiện học tập, vươn lên thuận lợi hơn nhiều nơi khác. Vì vậy, Ni giới Mỹ Tho sớm có điều kiện tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến, ươm mầm trí thức, thực hiện khát vọng hoài bão lớn.

Chính vì vậy, Tiền Giang là mảnh đất có truyền thống Ni giới phát triển mạnh. Trong thế kỷ XX, nơi đây đã sinh ra nhiều vị danh Ni đóng góp cho sự phát triển lớn mạnh của Ni giới nước nhà thời hiện đại. Những viên ngọc sáng của Ni giới đất Tiền Giang có thể kể đến Sư bà Diệu Tịnh (1910-1942); Sư bà Liễu Tánh (1916-1982); Sư bà Như Ngộ (1918-2016). Quý Sư bà là những người đã đóng góp đáng kể vào sự hình thành và phát triển của Ni bộ Bắc Tông, riêng Sư bà Liễu Tánh từng giữ trọng trách Vụ trưởng Ni bộ trong những giai đoạn nhất định. Nhân dịp Lễ Giỗ Tổ Kiều Đàm Di được tổ chức long trọng tại tỉnh Tiền Giang năm nay, với tinh thần “Uống nước nhớ nguồn” và “Tiếp bước tiền nhân, phát huy Chánh pháp”, chúng con xin đóng góp tham luận tựa đề “Những viên ngọc sáng của Ni bộ Bắc Tông đất Tiền Giang” nhằm ghi lại đôi nét hoạt động một thời của quý Sư bà Diệu Tịnh, Sư bà Liễu Tánh, Sư bà Như Ngộ, để tỏ lòng ngưỡng mộ và tôn kính những bậc danh Ni của mảnh đất giàu truyền thống này.

1. Sư bà Diệu Tịnh

Ngay từ đầu thế kỷ XX, Sư bà Diệu Tịnh đã có những đóng góp tiên phong trong việc tập hợp, đoàn kết Ni giới miền Nam, tạo cơ sở cho sự hình thành Ni bộ Bắc Tông vào năm 1956.

Sư bà Diệu Tịnh sinh năm 1910 tại huyện Gò Công (thuộc tỉnh Tiền Giang ngày nay), mất năm 1942, thế danh là Phạm Đại Thọ. Sư bà thuộc dòng dõi Phạm Đăng. Từ khi còn nhỏ, Sư bà đã thể hiện là người ham học, ham tu. Năm 15 tuổi, Sư bà vào chùa Tân Lâm ở Tân Sơn Nhất - Gia Định. Năm 18 tuổi, Sư bà theo học trường Ni Giác Hoa ở Bạc Liêu, tại đây, Sư bà được thọ học với Hòa thượng Như Hiển Chí Thiền, được Pháp danh Hồng Thọ, hiệu Diệu Tịnh. Sau khi học xong ở Trường Giác Hoa, Sư bà về lại Gia Định, theo học với Hòa thượng Phước Tường Như Quý (Thủ Đức), được cử về chùa Hội Sơn (Châu Thới - Biên Hòa) năm 19 tuổi. Năm 1930, Sư bà thọ giới Tỳ kheo Ni tại núi Điện Bà và sau đó theo học với Hòa thượng Từ Phong cho đến lúc Ngài viên tịch.

Sư bà đã có những đóng góp to lớn cho Phật giáo và Ni chúng. Thấy Ni giới thời đó chưa phát triển, Sư bà đã dịch Kinh Vu Lan, Phổ Môn, Pháp Bảo đàn cho in ấn tống, kèm theo lời khuyến khích các Sư cô nên phát tâm tu học. Từ năm 1933, Sư bà bắt đầu có nhiều bài viết đăng trên tạp chí Từ Bi Âm, nhằm kêu gọi chấn hưng Ni phái. Cùng năm này, Trường Hương chùa Giác Hoàng[3] (Bà Điểm) tổ chức cho hai phái Tăng Ni, Sư bà được mời làm Chánh na, lãnh đạo Ni, và sau đó được công nhận là Giáo thọ Ni đầu tiên của Gia Định. Khi đó, Sư bà mới 24 tuổi.

Năm 1934, Sư bà trụ trì chùa Thiên Bửu (Búng), đầu tiên mở lớp dạy Quốc ngữ và chữ Nho cho trẻ em. Cũng trong năm này, Sư bà khai trường hương 3 tháng tại chùa Thiên Bửu. Sư bà cùng Sư trưởng Huê Lâm dạy Luận và Luật, Ni chúng đến học được vài mươi người. Đây là trường hương đầu tiên do Ni tổ chức, là tiền đề cho sự trưởng thành của Ni giới về sau.

Cuối năm 1934, Sư bà mời Sư bà Diệu Tấn, Sư bà Diệu Tánh, Sư bà Diệu Thuận cùng xây cất chùa Ni Từ Hóa tại làng Tân Sơn Nhì (Gia Định). Năm sau chùa được dời sang làng Tân Sơn Nhất, đổi hiệu là Hải Ấn Ni Tự. Đây là ngôi chùa Ni đầu tiên vùng Gia Định.

Năm 1938, Sư bà được mời làm Pháp sư giảng dạy trong ba tháng hạ tại chùa Phước Long (Mỹ Tho). Sau đó, Sư bà ra Bắc tham cứu tạng Luật. Trên đường đi, Sư bà ghé Bình Định thuyết pháp tại chùa Liên Tôn và chùa Thiên Hưng; qua Đà Nẵng viếng hội Phật học Đà thành; đến Huế gặp cụ Lê Đình Thám và Sư bà Diệu Không; đến Hà Nội, Sư bà được mời thuyết pháp tại chùa Phó Hưng Yên; Sư bà học Luật tại chùa Quán Sứ.

Học xong, Sư bà về Nam ghé Huế giảng dạy trong 2 tháng. Năm 1940, Sư bà hợp tác với cô Ba Xàng mở trường Ni tại chùa Giác Linh. Sư bà làm Giáo thọ tại Ni trường chùa Giác Linh, sau đó Ni trường dời sang chùa Vạn An, kéo dài một năm. Năm 1941, Sư bà được mời khai trường Ni tại chùa Linh Phước (Sa Đéc). Nhưng ở đây, sức khỏe Sư bà bắt đầu suy yếu nên không giảng dạy nhiều. Cuối năm 1941, trường bế giảng.

Do lao tâm lao lực, ngày giảng dạy, đêm xem Kinh, thao thức việc hoằng truyền Ni chúng, ba trường Ni trong 2 năm, Sư bà đã mắc bệnh phổi phải về Hải Ấn tịnh dưỡng. Một năm sau, Sư bà viên tịch ở Hải Ấn Ni tự (làng Tân Sơn Nhất), ngày 01/7 âm lịch năm 1942, 33 tuổi đời, 12 tuổi đạo.

2. Sư bà Liễu Tánh

Sư bà Liễu Tánh (1916-1982) là Vụ trưởng Ni bộ Nam Việt nhiệm kỳ (1968-1972). Sư bà sinh trưởng trong một gia đình phú gia có truyền thống mộ đạo tại huyện Cai Lậy, tỉnh Định Tường (tỉnh Tiền Giang ngày nay). Thân sinh là cụ ông Thiện Nguyện (thế danh Lâm Khẩn Cầu) và thân mẫu là cụ bà Diệu Tâm (thế danh Nguyễn Thị Phương). Sư bà có tư chất thông tuệ ngay từ nhỏ, sáu tuổi đã theo bà ngoại đến quy y và thọ học giáo lý với Hòa thượng Pháp Lưu trong suốt 4 năm trường ròng rã ở chùa Bửu Long, làng Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Định Tường (tỉnh Tiền Giang ngày nay).

Sư bà xuất gia năm 12 tuổi tại chùa Phi Lai, Châu Đốc (An Giang) với Hòa thượng Như Hiển Chí Thiền, được pháp danh Diệu Tánh. So với quý Sư bà cùng ở chùa Phi Lai như Sư bà Diệu Kim, Sư bà Hữu Chí, Sư bà Diệu Tấn… Sư bà Diệu Tánh là người nhỏ tuổi nhất. Năm 15 tuổi, Sư bà cùng với mẹ được thọ giới Sa di Ni tại chùa Khánh Quới (Tiền Giang ngày nay). Năm 17 tuổi, mẹ Sư bà lâm trọng bệnh, Sư bà về Cai Lậy để chăm sóc mẹ già. Một năm sau, mẹ Sư bà qua đời, Sư bà phát tâm nhập thất một năm trong một thảo am nhỏ (nay là chùa Khánh Hưng) để tụng Kinh Diệu Pháp Liên Hoa một chữ một lạy và đọc tụng Kinh Địa Tạng 300 bộ để báo hiếu mẫu thân.

Năm 20 tuổi, Sư bà được thọ giới Tỳ kheo Ni tại chùa Thiên Phước, làng Tân Hương - Mỹ Tho. Tại đây, Sư bà y chỉ với Hòa thượng Pháp Tạng, được cho phép về chùa Phước Trường với Hòa thượng để tu học, sau 3 năm được Hòa thượng ban cho bài kệ đắc pháp. Hòa thượng đã dạy nghi thức Thiền lâm và Hán học cho Sư bà. Nhờ sự giáo dưỡng của Hòa thượng, Sư bà được khai tâm từ độ ấy. Năm 24 tuổi, Sư bà được Hòa thượng Phước Trường cho ra Huế học tại Ni trường Diệu Đức. Tại Huế, Sư bà sống theo nếp mẫu mực đạm bạc của một Ni sinh, chỉ mặc một chiếc áo nhật bình cũ kỹ bất kể mùa nóng lạnh của Kinh thành Huế. Suốt 4 năm học tập tại Ni trường Huế, Sư bà đã vượt qua mọi thử thách, học tập cần mẫn và được Sư bà Giám đốc Ni trường Diệu Đức khen ngợi công hạnh tu học: “Sáng dường gương, trong tợ tuyết/ Mềm như sắc, cứng như bông…”

Năm 27 tuổi, Sư bà về Nam, xin cầu pháp với Hòa thượng Phổ Nghĩa Phước Trường, dòng Lâm tế Gia phổ đời thứ 40, được Hòa thượng cho pháp danh Liễu Tánh. Năm 28 tuổi, Hòa thượng cho gọi Sư bà về Sài Gòn, giao Sư bà trách nhiệm Trụ trì chùa Bửu Toàn (Chợ Gạo). Được đào luyện và thọ giới với chư Hòa thượng danh tiếng, đến năm 30 tuổi, Sư bà đã có uy tín và đức độ để hoằng pháp.

Nhận thấy tỉnh nhà chưa có chùa Ni, năm 31 tuổi, Sư bà về Cai Lậy, xây cất chùa Phật Bửu (còn gọi chùa Sư Nữ) trên khuôn viên đất của ông bà. Đây là chùa Ni đầu tiên của huyện Cai Lậy, tỉnh Định Tường (Tiền Giang). Tại đây, Sư bà bắt đầu thâu nhận đệ tử, giảng dạy Kinh Luật. Từ năm 1948 đến năm 1960, Phật Bửu Ni Học đường luôn luôn có Ni chúng theo học gần 50 người, dưới sự dạy dỗ của Hòa thượng Phước Tường và Sư bà.[4]

Năm 1950, ở tuổi 34, Sư bà nhận lời thỉnh của chùa Phật Quang (Bến Tre) khai Trường Hương ba tháng tại đây. Sau thời gian này, Sư bà cùng với Sư bà Như Minh chùa Bạch Vân, Sư bà Như Ngộ chùa Phổ Đức, Sư bà Như Huệ chùa Vĩnh Bửu… cầu học Kinh Lăng Nghiêm Trực chỉ với Hòa thượng Trí Tịnh tại chùa Vạn Đức. Quý Sư bà cùng dự khóa An cư tại chùa Giác Nguyên, cùng hội ý về việc thành lập Ni bộ. Khi Sư trưởng Như Thanh đi vận động quý Sư bà ở miền Nam đã đến Phật Bửu Ni tự gặp Sư bà Liễu Tánh đầu tiên. Trong Đại hội Ni bộ tại chùa Huê Lâm năm 1956, Sư bà được đề cử làm Phó Trưởng Ni bộ Nam Việt đồng thời làm Trưởng ban Ni bộ tỉnh Định Tường (Tiền Giang). Năm 1957, Sư bà mở lớp Sơ đẳng Phật học tại chùa Phật Bửu cho hơn 40 chư Ni trong và ngoài tỉnh. Năm 1958, Sư bà được Ban Quản trị Ni bộ giao chức vụ Quản lý Ni trường Dược Sư nhiệm kỳ đầu tiên. Năm 1960, Sư bà làm Trưởng ban Hoằng pháp của Ni bộ Nam Việt. Sư bà đã đi thuyết pháp tại nhiều chùa như chùa Xá Lợi, Dược Sư… và đi giảng tại các nơi như Châu Đốc, Vũng Tàu, Vĩnh Long, Mỹ Tho… Cũng trong năm 1960, Sư bà thành lập Pháp Hoa Ni viện tại đường Cô Bắc, Sài Gòn.

Năm 1968, Sư bà được suy cử làm Vụ trưởng Ni bộ Bắc Tông kiêm Trưởng ban Xã hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất đến năm 1972.

Từ năm 52 tuổi, Sư bà lâm bệnh, sức khỏe yếu dần, nhưng hàng ngày, Sư bà vẫn tụng Kinh Pháp Hoa, chuyên tâm niệm Phật, tinh thần vẫn minh mẫn làm tròn trọng trách đối với Tam Bảo, với môn đồ pháp lữ. Năm 1982, sau khi sắp xếp xong Phật sự, dặn dò các môn đệ, làm di chúc cho ba Ni sư: Minh Thiền, Minh Hạnh, Minh Viên quản lý coi sóc chùa Phật Bửu và giao quyền quản lý Pháp Hoa Ni viện cho hai Ni sư: Minh Huệ, Minh Thiện tiếp nối “truyền đăng tục diệm”, Sư bà viên tịch tại Pháp Hoa Ni viện, 66 tuổi đời, 47 tuổi đạo, tháp thờ tại Phật Bửu Ni tự (Cai Lậy).

Sư bà viên tịch sớm nhất trong số các vị Vụ trưởng Ni bộ Bắc Tông, nhưng công đức và sự nghiệp để lại cho Ni giới cùng Phật tử vô cùng lớn lao. Gần 70 năm tu học và hành đạo, Sư bà đã để lại ân tình thâm trọng, vẹn nghĩa đạo đời, là viên ngọc sáng ngời của Ni giới Tiền Giang, soi đường cho chư Ni hậu bối nói chung, chư Ni đất Tiền Giang nói riêng.

3. Sư bà Như Ngộ

Sư bà Như Ngộ (1918-2016), sinh tại xã Khánh Hậu, thị xã Tân An, tỉnh Long An, thế danh Lê Thị Nên. Sư bà sinh trưởng trong gia đình trung lưu Nho giáo mến mộ Phật pháp. Từ nhỏ, Sư bà đã thường đến chùa lễ Phật nghe Kinh. Năm 12 tuổi, trải qua nỗi đau mất mẹ, Sư bà sớm thức tỉnh về lẽ vô thường của cuộc đời, bắt đầu ấp ủ quyết tâm xuất gia. Năm 16 tuổi, người được Sư cụ Pháp Long thế phát xuất gia với pháp danh là Diệu Ngộ. Năm 1938 (20 tuổi), Sư bà được thọ giới Tỳ kheo Ni tại chùa Hội Sơn (Thủ Đức). Sư bà là người ham học, suốt trong những năm tuổi trẻ từ 1938-1955, người không quản khó khăn trở ngại, không ngừng tìm thầy học đạo. Người đã được thọ giáo với các bậc cao Tăng thạc đức đương thời và trải qua các đạo tràng: chùa Kim Sơn (Phú Nhuận) nơi được xem là Phật học Ni trường uy tín nhất thời điểm đó; chùa Thiên Đức (Sài Gòn), Linh Phong (Tiền Giang); Kim Huê (Sa Đéc); Phật Quang (Trà Ôn); Bảo An (Cần Thơ); Vĩnh Bửu (Bến Tre).

Năm 1957, sau khi Ni bộ Bắc Tông thành lập, Sư bà được mời vào Ban Quản trị Ni bộ Nam Việt với chức vụ Thư ký và dự khóa Đào tạo Trụ trì tại chùa Ấn Quang.

Mặc dù sinh ra ở Long An nhưng cuộc đời của Sư bà Như Ngộ có nhân duyên gắn bó với vùng đất Mỹ Tho (Tiền Giang hiện nay). Sư bà là người đã khai sơn chùa Phổ Đức tại Mỹ Tho năm 1964, biến nơi đây trở thành Phật học Ni viện Trung tâm chuyên đào tạo chư Ni trình độ Sơ đẳng Phật học cho Tiền Giang và nhiều tỉnh lân cận. Trong thời gian từ 1966 đến 1974, Đạo tràng Phổ Đức phát triển hưng thịnh và trở thành Phật học Ni trường của tỉnh Tiền Giang. Đây chính là một thành tựu lớn về giáo dục của Ni giới Tiền Giang thời kỳ trước năm 1975.

Từ năm 1975, do thời cuộc chuyển biến, Sư bà ủy nhiệm Trụ trì chùa Phổ Đức cho đệ tử Như Hảo và trở về chùa Thiên Phước (Long An) tịnh tu với một số đệ tử. Có những lúc phải đối diện với hoàn cảnh khó khăn buổi giao thời, Sư bà vẫn kiên định ý chí tu học, hết lòng giáo dưỡng đệ tử chuyên tâm tu hành. Nhờ công đức tu tập của Sư bà, Ni trường Thiên Phước ngày càng phát triển hưng thịnh và hiện nay trở thành trường Trung cấp Phật học Long An, đúng như ước nguyện sâu xa của Người.

Từ năm 2007, sức khỏe Sư bà suy yếu. Sư bà viên tịch ngày 01/9 âm lịch năm 2016, trụ thế 98 năm với 78 mùa An cư kiết hạ.

Nhận xét và kết luận

Qua phần tìm hiểu, có thể thấy, quý Sư bà Diệu Tịnh, Sư bà Liễu Tánh, Sư bà Như Ngộ, mặc dù sinh ra vào những thời điểm khác nhau, trải qua những số phận khác nhau nhưng quý Sư bà chia sẻ những điểm chung, đó là tinh thần ham học, ham tu, là tâm nguyện phụng sự vì sự nghiệp giáo dục đào tạo Ni chúng, góp phần thay đổi diện mạo của Ni chúng, tạo tiền đề quan trọng cho sự thành lập của Ni bộ Bắc Tông vào năm 1956 và có đóng góp tích cực cho sự phát triển của Ni bộ từ năm 1956 trở về sau.

Sư bà Diệu Tịnh, Sư bà Liễu Tánh, Sư bà Như Ngộ là những vị đã kế thừa xuất sắc di sản của Đức Thánh Tổ Ni, tiếp dẫn Ni lưu, hoằng truyền Chánh Pháp, là những viên ngọc sáng của mảnh đất Tiền Giang nói riêng, của Ni giới Việt Nam nói chung. Ở cương vị chuyên tu, quý Sư bà là bậc thầy lãnh đạo tinh thần. Ở cương vị hoạt động xã hội, quý Sư bà thực hiện tinh thần lợi tha giúp ích nhân sinh. Quý Sư bà là những người nghiêm khắc với bản thân nhưng từ bi đại lượng với tha nhân. Cuộc đời và công hạnh của các vị Trưởng lão Ni là những bài học cho muôn đời sau, là tấm gương sáng cho những thế hệ hậu bối soi chung.

Từ cuộc đời và hạnh nguyện của các bậc danh Ni đất Tiền Giang giàu truyền thống, có thể nói, sinh hoạt của Ni giới nơi đây luôn gắn liền với Ni giới Việt Nam qua các thời kỳ, góp phần quan trọng phụng sự đất nước, dân tộc. Những ngôi chùa Ni, những Ni trường đầu tiên ở Nam Bộ đã được hình thành tại đất Tiền Giang. Truyền thống tu học trang nghiêm của Ni giới Tiền Giang đã được giữ gìn và phát triển liên tục qua nhiều thế hệ bất kể những thăng trầm của lịch sử.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Tỳ kheo Ni Như Đức (biên soạn), Lược sử Ni giới Bắc Tông Việt Nam, NXB. Tôn giáo.
2. Ghi chép của đệ tử Sư bà Liễu Tánh.
3. Thành phố Mỹ Tho - Vùng đất, con người và truyền thống, http://sgddt. tiengiang.gov.vn/75-nam-thanh-
lap-oi-tntp-hcm/-/asset_publisher/ pnNeqFOSeyQY/content/thanh-pho-my-tho-vung-at-con-nguoi-va-truyen-thong.
4. Tài liệu thành lập Ni bộ Bắc Tông (Tổ đình Huê Lâm).
 
[2] Trường College de Mitho được thành lập năm 1879, là trường “Tây học” đầu tiên của Việt Nam.
[3] Đây là Trường Hương đầu tiên cho phép Ni tham dự.
[4] Tỳ kheo Ni Như Đức (biên soạn), Lược sử Ni giới Bắc Tông Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, tr. 104.

 

Tle8464953 gởi