Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
Nhược điểm của những Cường Quốc



Cali Today News – Từ lúc nhỏ, các em học sinh thường được nghe kể những chuyện cổ tích để nói về những giai thoại như Samson, có sức mạnh tuyệt luân như một siêu nhân nhưng nếu bị cắt đi bộ tóc dài của mình thì sẽ trở thành bình thường, mất hết sức lực siêu phàm. Hoặc là chuyện về Achilles trong huyền thoại Hy Lạp, từ lúc nhỏ ra đã được bà mẹ nhúng vào dòng sông Styx có phép lạ khiến cho khắp thân mình trở nên chắc chắn như thành đồng vách sắt. Nhưng vì bà mẹ nắm đứa con ở góc chân để nhúng vào nước sông nên chỗ gót chân này không dính nước sông để được cứng cáp và từ đó trở thành điểm yếu nhất trên người, để rồi về sau Achilles bị giết vì bị đối thủ bắn một mũi tên đúng ngày vào chỗ gót chân đó.





Với trẻ em người Việt, chúng cùng thường được nghe kể chuyện ngụ ngôn Kiến và Voi. Ở trong rừng, voi được xem là con thú có sức mạnh lớn nhất, không thua ai. Còn kiến là vật bé nhỏ nhất, không ai sợ. Khi thấy đàn kiến nghêng ngang đi giữa đường mà không tránh mình, voi hăm he rằng mình chỉ dẫm một cái là sẽ đè bẹp hết cả đàn kiến. Kiến không sợ, nói rằng mình không kiêu ngạo, nhưng cũng không sợ. Voi nổi giận, lồng lên, định dẫm đàn kiến chết tan xác. Nhưng đàn kiến nhỏ bé đã nhanh nhẹn tản ra, bám ngay lấy chân rồi leo lên lưng voi, xúm cả vào hai mắt voi mà cắn, rồi lại chui vào hai tai voi mà đục thủng màng nhĩ, và chui vào vòi voi mà đốt, mà cắn. Voi đau buốt đến tận óc, không tài nào chịu nổi, ngã lăn ra, kêu khóc, giãy giụa ầm trời cho tới khi xin tha lỗi mới được buông tha.

Câu chuyện tưởng như chỉ dành cho trẻ con kể trên bỗng dưng lại trở thành một thí dụ rất lý thú khi ngẫm nhìn lại chuyện thời sự đang xảy ra hiện nay, với chuyện các cường quốc như Hoa Kỳ và Pháp (và có lẽ nhiều nước khác) đang rơi vào tình cảnh khó khăn nguy cấp và vô tình để lộ những nhược điểm của mình.

Công việc bình thường của nhà báo này chỉ cố gắng viết một bài phân tích thời sự hàng tuần nhằm tổng hợp một số những diễn biến quan trọng đáng chú ý đi kèm với những nhận định của riêng mình. Trong bối cảnh cơn đại dịch vì Covid-19 hiện nay, một số những dữ kiện đã thay đổi quá nhanh chóng với những con số về những người bị nhiễm bệnh và tử vong thay đổi từng ngày, thậm chí từng giờ một, với cường độ leo thang đến chóng mặt và đáng ngại. Do đó, thỉnh thoảng kẻ này cũng góp mặt lên tiếng trên một số diễn đàn truyền thông để góp ý hoặc bổ túc một số bài viết hay nhận định, và nhất là để bài bác những nguồn thông tin không chính xác theo kiểu “fake news” dù rằng nó được phát tán bởi nhiều người không hiểu rõ vấn đề, cũng như không chịu khó điều tra kỹ lưỡng hoặc tìm hiểu sâu rộng hơn trước khi loan truyền rộng rãi đến nhiều người do bởi thói quen và tâm lý dễ dãi một cách “đến gần như ẩu tả” khi tự cho rằng mình chỉ có làm nhiệm vụ chuyển tải lại những thông tin nhận được qua Internet để mọi người tùy nghi thẩm tường, và những ai không đồng ý thì cứ tự nhiên “delete”.

Vào ngày thứ Hai 30/3 vừa qua, có nhiều người đã lên tiếng bình luận về một bản tin đăng trên tờ Người Việt tại Orange County, California với tựa đề “Mỹ nhận chuyến hàng y tế khẩn cấp đầu tiên từ Trung Quốc”. Có người đặt câu hỏi rằng liệu bản tin này có đúng sự thật hay không, hoặc họ chưa tìm ra bài viết nguyên gốc bằng Anh-ngữ để kiểm tra lại. Cũng có người chua chát viết:

“Tiếc quá. Giờ thì TC có dịp cười mỉa Trump rồi, một mặt thì đòi đem TC ra tòa án quốc tế, một mặt thì chịu nhận hàng cấp cứu của nó, tha hồ nó cười vào mặt. Sao Trump lại chịu hạ mình như vậy? Bó tay rồi sao?”

Rồi cũng có người có lẽ muốn tìm cách biện minh cho chính quyền Trump và tự suy diễn rằng:

“Có lẽ trong tình thế bi đát hiện tại, nên chính phủ Mỹ nhằm mục đích cưu mang dân chúng. Nhưng liệu có tin được TC hay không mới là vấn đề. Bó tay.”

Và cũng có người nêu lên một mối hoài nghi chính đáng khi viết:

“Có gì đoan chắc là những món hàng do tụi Tầu khựa cung cấp này đủ tiêu chuẩn khoa học y tế, thứ nữa là liệu tụi Tầu có ưu ái tặng cho nước và nhân dân Mỹ vài tỷ con virus nữa không? Sao không xài đồ sản xuất ở Nam Hàn hay Đài Loan?”

Kẻ viết bài này đành phải làm một màn tìm hiểu kỹ lưỡng hơn vì hầu hết các diễn đàn truyền thông lớn vào lúc đó đều không thấy tường thuật về chuyện này, và trong cuộc họp báo hàng ngày của TT Trump tại Toà Bạch Ốc vào chiều thứ Hai 30/3 lúc đó cũng không hề loan tin chút nào về điều này.

Sau vài phút “google” đề tài này, quả tình sự kiện này đã được tường thuật trên nhiều cơ quan truyền thông kỳ cựu và uy tín.

Bài viết trên tờ Người Việt thật ra chỉ là dịch từ một bản tin của Reuters, một hãng thông tấn quốc tế kỳ cựu được hàng ngàn các cơ quan truyền thông lớn nhỏ khắp nơi mỗi ngày dựa vào để có những thông tin mới nhất. Ngoài ra, cũng có ít nhất là hai cơ quan uy tín của Hoa Kỳ là đài truyền hình CBS News và cơ quan NPR, hệ thống cung cấp truyền thanh do Quốc Hội thiết lập để cung cấp thông tin cho hơn 1,000 đài truyền thanh công cộng trên toàn nước Mỹ.

Do đó, chúng tôi có thể khẳng định rằng đây là chuyện có thật chứ không hề là “Fake News” như nhiều người thường có thói quen chụp mũ và cáo buộc mỗi khi thấy có những bài viết hoặc tin tức nào có phần bất lợi cho chính quyền Trump trong thời gian hơn 3 năm qua. Và để minh chứng điều này, chúng tôi có kèm theo những links đầy đủ để những ai có khả năng về Anh-ngữ có thể tìm vào và đọc đầy đủ để kiểm chứng, cùng với hình ảnh rất rõ ràng.

Cũng trong lúc tìm tòi các dữ kiện trên mạng Internet, kẻ này cũng tìm được nhiều tin tức đáng chú ý khác liên quan đến vụ này. Đó là một bài viết của Eric Kulisch, là chủ biên của tạp chí Air Cargo chuyên về những thông tin nghề nghiệp trong lãnh vực vận chuyển hàng không. Có thể vào xem ở link dưới đây:


Bài báo này có nhắc lại về chuyến bay đầu tiên bằng phi cơ khổng lồ Boeing 747 của hãng Atlas Air từ Thượng Hải đến New York vào ngày 29/3 là nằm trong Chiến Dịch Cầu Không Vận (Project Airbridge) để cứu nguy nước Mỹ hiện nay (chẳng biết có quan trọng bằng chiến dịch cầu không vận trong hai năm 1948-1949 mà Liên Minh Âu Mỹ đã thực hiện để cứu nguy Tây Bá Linh hay không?)

Gọi là cầu không vận vì những viên chức liên hệ đều nói rằng nếu phải chờ đợi sự vận chuyển các thứ hàng này (gồm có các mặt nạ N95, số quần áo mặc trong nhà thương của bác sĩ và y tá để bảo vệ họ khỏi bị lây nhiễm, 30 triệu gang tay và hàng chục ngàn những máy đo nhiệt độ) đi bằng đường thuỷ như thường lệ thì có thể mất từ 20 đến 30 ngày. Và do đó vì nhu cầu thiếu thốn cấp bách hiện nay nên mọi người đã quyết định đầy mạnh bằng đường hàng không để rút thời gian xuống còn có 2-3 ngày.

 
Máy bay Boeing 747 của Atlas Air chở vật dụng y tế từ Trung Cộng đáp xuống New York (hình EMS World)

Bài báo còn nói thêm rằng liền sau đó là một chuyến bay thứ nhì cũng bằng phi cơ Boeing 747 của hãng Atlas Air, với một lô hàng hoá cứu trợ to lớn tương tự cũng được lệnh bay từ Trung Cộng để đáp xuống phi trường Chicago O’Hare vào sáng thứ Hai 30/3.

Và qua thứ Ba 31/3 là sẽ có thêm một chuyến bay khác chở hàng hoá tương tự cũng từ bên Tầu bay sang để đáp xuống một phi trường ở tiểu bang Ohio. Tổng cộng đã có 19 chuyến bay khẩn cấp chở các phẩm vật cứu trợ này được lên lịch trình thực hiện trong những ngày tới. TT Trump trong ngày Chủ Nhật cho biết là sẽ có tổng cộng 50 chuyến bay chở hàng như vậy, chở vật dụng cứu trợ y tế gồm khẩu trang, găng tay và các bộ quần áo v.v. để bảo vệ an toàn cho các bác sĩ và y tá khỏi bị lây nhiễm khi chăm sóc bệnh nhân.

Kẻ này đã chua thêm lời bình luận rằng con số to lớn như vậy cũng đủ chứng tỏ khả năng sản xuất to lớn hàng đầu của đệ nhất siêu cường Hoa Kỳ để sẵn sàng đối phó với mọi tình huống bất ngờ có còn thực sự đứng vững nữa hay không? Việc kêu gọi các đại công ty của Mỹ hãy rút đầu tư ở Trung Cộng và những nước khác về sản xuất tại Hoa Kỳ tuy là một đề nghị chí lý, nhưng không phải là điều dễ thực hiện theo kiểu nhanh chóng, với những khó khăn to lớn về mặt kỹ thuật, chưa kể đến tâm lý của giới đại tài phiệt chủ nhân các đại công ty ở Mỹ chỉ nghĩ đến lợi nhuận của mình trước nhất, cho nên từ mấy chục năm qua đã phải chuyển hướng để sản xuất rất nhiều mặt hàng tại Trung Cộng (với giá thành rẻ hơn nhiều) thay vì trong nội địa nước Mỹ.

Bài báo cũng nhắc đến việc một nữ phát ngôn viên của FEMA, cơ quan cao cấp của Hoa Kỳ chuyên đảm trách công tác cứu trợ sau những thiên tai lớn, cho biết rằng không phải chỉ có những hàng cứu trợ y tế này đều đến từ Trung Cộng bởi vì họ đang trông chờ những chuyến hàng tương tự từ những nước khác như Thái Lan, Mã Lai Á, Việt Nam, Đài Loan, Ấn Độ, Honduras và Mễ Tây Cơ trong những ngày sắp tới. Sự kiện này cũng đủ nói lên sức mạnh của cái gọi là Make America Great Again có thực sự đang đứng vững trên một nền tảng vững chắc hay không?

Liên quan đến lời nhận định hay tâm trạng của nhiều người cho rằng liệu chúng ta có nên tin tưởng vào Trung Cộng hay không, kẻ này cũng xin thưa rằng tin được hay không Trung Cộng thì việc chính quyền Trump ngửa tay nhận hàng nó gửi cứu trợ khẩn cấp cũng đủ nói lên tâm trạng và vị thế của mình rồi. Trong tình thế này, rõ ràng là Mỹ đang cần Trung Cộng hay đang đánh cho nó sắp sập tiệm như nhiều người thường đề cao TT Trump?

Dĩ nhiên liền sau đó không lâu đã có khá nhiều người khác nhập cuộc, với những lời lẽ thô tục để mắng chửi nặng nề và thậm tệ với kẻ này vì cho rằng nội dung của nó chỉ nhằm đánh phá Hoa Kỳ và chính phủ Trump v.v. Nhưng tuyệt nhiên không có người nào đưa ra được một chứng cớ nào để chứng minh rằng những điều kẻ này viết có thể được xem là không đúng sự thật. Có một vài người cũng chịu khó vào lục tìm các links được nêu ra để biện luận rằng thật ra đó không phải là việc Hoa Kỳ đang nhận đồ cứu trợ từ Trung Cộng bởi vì các thứ hàng hoá đó có thể là do các công ty của Mỹ đang sản xuất hoặc đặt mua ở Trung Cộng từ trước và nay đến lượt gửi hàng sang lại Hoa Kỳ là chuyện bình thường v.v.

Cùng lúc đó, bên trời Âu, cũng có một người khác lên tiếng về cùng chủ đề này, đó là nhà báo Đinh Lâm Thanh khi ông viết rằng:

“Tàu Cộng đang tiếp tục giai đoạn tiêu diệt thế giới là đội lốt viện trợ nhân đạo y tế giúp đở cho những quốc gia đang bị nhiễm virus vũ hán… Thật ra, Tàu Cộng dùng lá bài nầy để vuốt ve quốc tế về tội đã phát tán dịch bệnh cho toàn cầu. nhưng may thay có nhiều quốc gia đã khám phá ra âm mưu và thẳng thừng từ chối, trả lại các sản phẩm y tế thiếu chất lượng về lại cho Tàu Cộng. Riêng nước Pháp, chính quyền vẫn còn ngây thơ đã vui vẻ và nôn nóng đặt mua một tỷ mặt nạ cho đợt đầu. Trên các đài truyền hình của Pháp tối hôm qua và sáng nay, chính phủ và giới truyền thông quá vui mừng vì vừa nhận được chuyến giao hàng đầu tiên của Tàu Cộng và cho chở trực tiếp ngay đến các bệnh viện. Không biết có vị nào trong chính quyền đã vô tình nhận gói vuông vuông, là món nghề của Tàu Cộng, mà lại vui vẻ ca tụng thằng Tàu như bọn Cộng Sản Việt Nam vậy??? Buồn thay!”

Nhưng có một phụ nữ khác sinh sống ở Pháp đã lên tiếng phản bác và đưa ra những nhận xét trung thực để diễn tả tình trạng thiếu thốn và khó khăn khắp nơi đối với mọi người, từ cư dân đến các bác sĩ, y tá và sau cùng là giới chức chính quyền ở Pháp có nhiệm vụ phải đối phó với cơn dịch bệnh Covid-19, nên khiến họ phải lấy quyết định nhận mua hàng cứu trợ y tế từ Trung Cộng chứ không hề vì thích nhận hối lộ như lời cáo giác xa gần của nhà báo này.

Kẻ viết bài này cũng lên tiếng đồng thuận và lục tìm những bài viết trên các diễn đàn truyền thông tại Pháp để nói lên tình trạng thiếu thốn trầm trọng về các vật dụng y tế cần thiết (gọi là PPE, personal protective equipment) như mặt nạ, quần áo bảo vệ bên ngoài, bao tay v.v. mà các giới chức cứu cấp y tế hiện nay ở Pháp, cũng như ở Hoa Kỳ và hầu hết các nước khác trên thế giới đang phải trải qua và chật vật tìm cách ứng phó.

Chuyện chống hay thù ghét, lên án Trung Cộng là điều dễ hiểu vì ai cũng nhìn thấy rõ những tính toán và tham vọng xấu xa của nhà cầm quyền Bắc Kinh. Nhưng không phải vì vậy mà mọi người dễ có thói quen là phản ứng gay gắt hay mỉa mai tất cả những việc làm dưới lăng kính thiển cận và cực đoan để chụp mũ rằng các viên chức của Pháp là quá ngây thơ, hoặc tệ hơn nữa, là có thể nhận hối lộ của Tầu như lời cáo giác nặng nề của ông Đinh Lâm Thanh.

Chuyện nước Pháp bị rơi vào cơn thiếu thốn khẩu trang là một vấn nạn lớn đã được gióng chuông báo động từ nhiều tuần lễ vừa qua, xuyên qua rất nhiều nhà báo đã phân tích sâu rộng để giúp cho mọi người thấy rõ, và đa số dân chúng Pháp từ nhiều tuần qua cũng đã quen thuộc với cái tên của mặt nạ FFP2, tương tự như mặt nạ N95 tại Hoa Kỳ, được xem là loại mặt nạ hữu hiệu nhất trong việc phòng ngừa lây nhiễm siêu vi khuẩn coronavirus.

Ngoài ra, các viên chức cao cấp trong chính quyền Pháp cũng không che giấu tình trạng bi quan này, hoặc tìm cách đánh trống lảng như chính quyền Trump trong thời gian đầu, để rồi đến lúc cuối cùng nước đến chân cũng phải chấp nhận sự yếu kém và bất lực của mình, xuyên qua việc dang tay đón nhận các chuyến bay chở khẩn cấp các lô hàng vật dụng y tế đơn giản nhưng rất cần thiết này.

Chuyện này cũng được tường thuật đầy đủ trên tờ Le Figaro với bài viết của ký giả Keren Lentschner mô tả chuyến bay Air France cất cánh từ Thượng Hải để đáp xuống phi trường CDG vào ngày Chủ Nhật, mang theo 100 tấn vật dụng y tế, trong đó có 5 triệu rưởi mặt nạ y tế (khẩu trang). Bài báo còn viết tiếp rằng qua ngày thứ Hai hôm sau sẽ có một chuyến bay tiếp tế khác, rồi sau đó là một số những chuyến bay khác trong 15 ngày sắp tới trong đợt đầu của cái gọi là chiến dịch “cầu không vận” (pont aérien) để giúp đỡ nước Pháp. Có thể vào xem chi tiết bài báo trong link này:


(Nếu có đặt câu hỏi rằng liệu có người nào vô tình nhận “lì xì” hối lộ hay không, thì có thể hỏi ông Jared Kushner, con rể của TT Trump, là người được giao trọng trách phối hợp các công tác nhận hàng trong chiến dịch này. Từ nhiều năm trước, ông Jared và cô vợ là Ivanka Trump đã có nhiều mối làm ăn rất khấm khá bên Trung Cộng, và cặp vợ chồng còn mướn cả vú em (nanny) người Tầu để trông nom cho hai con nhỏ và đã dạy cho chúng biết hát bài ca bằng tiếng Hoa, cũng như đọc Tam Tự Kinh rất nhuần nhuyễn nhân chuyến viếng thăm của lãnh tụ Tập Cận Bình đến Mỹ gặp gia đình TT Trump vào năm 2017.)

Lý do đơn giản của việc Pháp phải nhờ đến Trung Cộng giúp đỡ về vật dụng y tế lần này là vì nếu không có đủ thì nước Pháp cũng sẽ . . . chết sớm, trước khi có thể ngồi tính sổ để kết tội về chuyện Trung Cộng đã giấu diếm vụ coronavirus này khi nó nổ ra ở Wuhan vào cuối năm 2019!

Gọi là đơn giản vì hiện nay mỗi tuần các bác sĩ và y tá của Pháp cần tiêu thụ khoảng 40 triệu mặt nạ trong khi tất cả các hãng xưởng ở Pháp chỉ sản xuất tối đa được mỗi tuần khoảng 8 triệu cái, cho dù đã “tăng ca” buộc các nhân viên phải làm ngày đêm, kể cả cuối tuần, trong một nước không có truyền thống cổ võ việc làm quá nhiều giờ. Nói theo ngôn ngữ tại Pháp, các hãng này đều đã bị nóng gần “cháy máy” (en surchauffe) rồi. Thật ra các hãng sản xuất mặt nạ ở Pháp chỉ ở dạng vừa (PME) chứ không có loại công ty lớn, gồm có: Segetex, Paul Boyé Technologies, Kolmi-Hopen, Macopharma và một công ty lớn của Mỹ là 3M.

Không phải chỉ có nước Pháp và Hoa Kỳ, trong nhiều tuần lễ vừa qua và kéo dài sắp tới, hầu như tất cả các nước khắp nơi đều chạy đi tìm các mặt nạ, và cũng chẳng có nước nào đáp ứng đủ nhu cầu của mình, theo như lời thú nhận của ông Olivier Véran là Tổng trưởng Bộ Y Tế của Pháp.

Trong một bài viết khác cũng trên tờ Le Figaro, ký giả Cyrille Vanlerberghe đã nói về sự yếu kém của Pháp trong việc cung ứng các mặt nạ cho nhu cầu của mình, và nêu lên rõ sự thiếu thốn và khan hiếm hiện nay, nhất là ở bên Pháp nhu cầu này còn cao hơn nhiều nước khác, vì ngay cả các bác sĩ ở phòng mạch tư cũng bị bắt buộc phải đưa cho tất cả bệnh nhân đến khám một cái mặt nạ để đeo nếu như họ có những triệu chứng khả nghi như ho, nóng sốt v. v. Vì thế nên nhu cầu xài mặt nạ ở Pháp khá cao.

Điều trớ trêu là sau khi cơn đại dịch này nổ ra tại Wuhan, nền kinh tế của Trung Cộng cũng bị đình trệ với các quyết định phong toả nhiều thành phố, đóng cửa nhiều hãng xưởng sản xuất đủ loại hàng hoá cung ứng cho các thị trường trên thế giới, trong đó có các vật dụng y tế được xuất cảng đi khắp nơi. Chính vì vậy mà hầu hết các nước trên thế giới đều bị thiếu hụt mặt nạ và các vật dụng y tế khi cơn đại dịch bùng nổ tại nước mình vì không có đủ hàng để tiếp tế và bổ sung vào kho dự trữ như bình thường, sau khi nhu cầu sử dụng tăng cao để chữa trị cho số lượng quá lớn các bệnh nhân.

Trên thế giới, chỉ có 2 nước Trung Cộng và Đài Loan là nơi sản xuất mạnh nhất số mặt nạ, chiếm đến 80% tổng số trên toàn cầu. Giờ đây khi nền kinh tế ở Trung Công bắt đầu khởi động lại, với khoảng 4,000 công ty quốc doanh và hàng chục ngàn công ty tư nhân khác, họ sẽ nỗ lực sản xuất để có thể cung ứng khoảng 110 triệu mặt nạ mỗi ngày.

Còn chuyện hàng hoá của Trung Cộng thiếu phẩm chất, thì đây cũng là một vấn đề nhức nhối khác. Dĩ nhiên, người dân và chính phủ Pháp, cũng như ở nhiều quốc gia khác, cũng không ngây thơ để hoàn toàn tin tưởng vào phẩm chất hoàn hảo của nó. Họ cũng sẽ có những thủ tục để kiểm tra trước khi sử dụng, và cũng không quá chờ đợi hay đòi hỏi hàng hoá của Tầu nhận được lần này phải thuộc loại “qualité excellente”.

Có lẽ nó cũng giống như tâm trạng của giới tiêu thụ ở Pháp và ở nhiều nơi trên thế giới, tiếp tục đổ xô đi mua hàng hoá trong các đại siêu thị mà đa số đều là “made in China”, cũng biết trước như vậy nhưng cũng đành chấp nhận vì nó rẻ, tiện lợi hơn nếu so với hàng hoá của các nước khác.

Trong một chừng mực nào đó, đây là tình cảnh “No-Win Situation” cho chính phủ Pháp cũng như Mỹ khi nhận các chuyến bay gửi hàng cứu trợ y tế khẩn cấp này. Nếu như các loại hàng nào tốt, xài được, chắc chắn là họ phải mang ơn Trung Cộng vì đã ra tay cứu giúp trong cơn nguy khó. Còn nếu hàng dổm, bị trả lại hoặc không xài được vì không bảo đảm, thì không chừng còn bị mang tiếng là ngu vì “nếu đã nghi ngờ nó có phẩm chất kém thì tại sao lại ngửa tay van xin nó gửi các chuyến bay khẩn cấp như vậy?”

Để kết luận, đây không phải chỉ là chuyện Đáng Buồn mà là Đáng Lo, vì một mặt chúng ta thù ghét và ghê sợ Trung Cộng, nhưng mặt khác đừng có quá xem thường nó, và đánh bóng tôn sùng quá đáng những lãnh tụ mị dân như TT Trump để nói rằng chỉ có ông ta mới có thể đánh sập được Tập Cận Bình, và nền kinh tế của Tầu Cộng sắp tiêu tùng vì chính sách bảo hộ mậu dịch và áp đặt thuế quan v.v.

Chưa biết “mèo nào cắn mỉu nào” giữa hai lãnh tụ của Mỹ và Tầu, nhưng việc Trump sau hai ngày đổ lỗi “Chinese Virus” để đánh lạc hướng sự chỉ trích của nhiều người về tội quá xem thường và lơ là trước mối nguy này, nhưng sau đó Trump đã rút lại lời này, không bao giờ nhắc lại nữa, thậm chí còn đọc và đánh vần đúng tên của Covid-19 trong cuộc họp báo ngày 2/4 vừa qua.

Sau cùng, ông Trump còn ngỏ lời ca ngợi lãnh tụ họ Tập để nói rằng cả hai sẽ cùng bắt tay để tiêu diệt cơn đại dịch, trước khi dang tay đón nhận những chuyến bay từ Tầu chở sang Hoa Kỳ các kho hàng cứu trợ y tế.

Câu chuyện về “gót chân Achilles” vô tình cho thấy là những cường quốc như Hoa Kỳ, Pháp và các nước Âu Mỹ, cho dù đã sửa soạn kỹ lưỡng và phòng bị trên nhiều mặt từ mấy chục năm qua về mặt an ninh quốc phòng, nhưng bỗng nhiên lại để lộ cho mọi người thấy rõ những nhược điểm “chết người” của mình chỉ vì những đồ vật hết sức tầm thường như chiếc mặt nạ để che mặt, mà có lẽ bất cứ một người nào biêt may vá cũng có thể sản xuất được.

Âu cũng là một chuyện bất ngờ mà có lẽ chỉ vài tháng trước không ai có thể ngờ nó lại có thể xảy ra được.


MAI LOAN

Houston, Texas, ngày 3 tháng 4/2020


usaelection gởi