NIẾT BÀN HẠNH PHÚC
Quang Minh
Hạnh phúc có hai dạng là hạnh phúc mộng và hạnh phúc thực. Hạnh phúc mộng là khi có nhưng không tồn tại lâu, vui nhưng không bền vững, tựa như giấc mộng khi ngủ nhưng tỉnh lại chỉ còn là hư âm vang vọng trong ảo ảnh của trí nhớ. Còn hạnh phúc thực là niềm hạnh phúc an vui không chỉ kéo dài mãi mà còn không phụ thuộc không gian, thời gian, việc làm, đối tượng tiếp xúc. Và hạnh phúc đó nằm ở trong tâm giải thoát.
Trong chốn hồng trần này khi mà có quá nhiều thứ khiến ta bận lòng thì phiền não cũng từ cái bận lòng ta mà có tăng giảm tùy theo mức độ vướng bận trong lòng mỗi người. Ai cũng muốn mình hạnh phúc, chứ không ai muốn bất hạnh khổ đau xảy ra đối với mình. Nhưng hạnh phúc ở đâu? Ta đi đâu để tìm kiếm nó? Và tùy thuộc vào mỗi người xác định mục tiêu của hạnh phúc để mà hành động, để đi kiếm tìm. Nhưng càng tìm kiếm thì nhiều người càng thấy sao mà hạnh phúc quá xa vời với mình. Hạnh phúc có phải là những điều ước mong của mình, mà khi đạt được thì mình thấy hạnh phúc, khi không đạt được thì phiền đau khổ lụy? Liên hệ thực tế chúng ta thấy là có nhiều người tuy đạt được ước mơ, đạt được hoài bão, đạt được niềm hi vọng nhưng niềm vui của người đó chỉ là được một thời gian nhất định, rồi họ lại quay lại cuộc hành trình tìm hạnh phúc mới, hạnh phúc tiếp theo là những ước vọng mới, mục tiêu mới, hoạch định mới, kế hoạch mới. Và lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn vòng tròn đi tìm kiếm hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc đó chỉ là hạnh phúc mộng mà thôi. Vì hạnh phúc mộng là hạnh phúc đạt được sự vui thích, đạt được ước muốn, ước vọng trong một thời gian nhất định. Và nó không tồn tại lâu được, vì những giới hạn của hạnh phúc mộng bị gò bó bởi một cái tâm nhỏ hẹp, gói gọn trong phạm vi của tự ngã bản thân. Hạnh phúc thực sự là niềm hạnh phúc hiện tại tâm giải thoát còn gọi là niết bàn hạnh phúc.
Như trong Tạp A Hàm, Kinh Niết Bàn viết:
Một thời, Phật ở tại vườn Cấp cô độc, rừng cây Kỳ-đà, nước Xá-vệ. Bấy giờ, có một Tỳ-kheo khác, đến chỗ Đức Phật, đầu mặt lạy sát chân Phật, rồi đứng qua một bên, bạch Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn, như Thế Tôn nói ‘chứng đắc Niết-bàn ngay trong hiện tại. Vậy, thế nào là Tỳ-kheo chứng đắc Niết-bàn ngay trong hiện tại?”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Lành thay! Lành thay! Nay ngươi muốn biết về sự ‘chứng đắc Niết-bàn ngay trong hiện tại’ phải không?”
Tỳ-kheo bạch Phật:
“Thưa vâng, bạch Thế Tôn.”
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Hãy lắng nghe và suy nghĩ kỹ, Ta sẽ vì ngươi mà nói.
Phật bảo Tỳ-kheo:
“Đối với sắc mà sanh tâm yểm ly, ly dục, diệt tận, không khởi lên các lậu, tâm giải thoát chân chánh, thì đó gọi là Tỳ-kheo chứng đắc Niết-bàn ngay trong hiện tại. Cũng vậy, đối với thọ, tưởng, hành, thức mà sanh tâm yểm ly, ly dục, diệt tận, không khởi lên các lậu, tâm giải thoát chân chánh, thì đó gọi là Tỳ-kheo chứng đắc Niết-bàn ngay trong hiện tại.”
Tỳ-kheo kia sau khi nghe những lời Phật dạy, phấn khởi vui mừng, lạy Phật mà lui.
Như vậy đối với sắc, thọ, tưởng, hành, thức mà không khởi tâm bám chấp, tâm giải thoát mọi sự ràng buộc đối với các pháp thế gian thì ngay hiện tại là niết bàn, ngay hiện tại là giải thoát, và sự giải thoát chính là niềm an vui, là niềm hạnh phúc thực trong tâm. Hạnh phúc không cần tìm đâu xa, mà chỉ cần tâm buông xả những niệm tưởng, vọng niệm phân biệt, chấp trước đối với các pháp vô thường của thế gian như ngũ dục, lục trần thế gian. Tâm không sinh nơi cảnh, thì cảnh tự nhiên sẽ yên bình. Và bình yên tĩnh lặng là bản thể của tâm hạnh phúc giải thoát.
Quang Minh gởi