Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 


 
Năm năm trước, lần đầu hai vợ chồng tôi gặp nó khi đi chợ VN mua đồ, chúng tôi đều nhớ ngay lại hình ảnh của mình 40 năm xưa khi mới đặt chân tới Hoa Kỳ. Nó nhanh nhẹ, vui vẻ chia sẻ:

- Cháu mới tới Mỹ được một tuần. Bà chủ tiệm là họ hàng xa với má cháu giúp bảo lãnh cháu qua với diện làm việc. Hôm nay ra tiệm làm. Thích quá, chú ơi. Cuối tháng này lãnh lương có tiền trả cho bà chủ đã làm giấy tờ, mua vé máy bay còn dư gửi về cho ba má cháu nuôi mấy đứa em ở VN.

Năm xưa tôi ở Houston, chúng tôi cũng có tiệm bán hàng nên hiểu rất nhiều về tình trạng cần người bán hàng tin tưởng như ông, bà chủ tiệm này. Kiếm người bán hàng không khó nhưng kiếm người bán hàng tin tưởng không ăn cắp tiền rất khó. Bán hàng là luôn đụng tới tiền. Mỗi ngày y lấy chỉ $30 là một tháng mất gần 1 ngàn như chơi. Chưa kể những đồ mà người bán hàng ăn uống hay lấy mang về nhà xài nữa. Mướn 4 người bán hàng lấy tiền là tiệm hết lời do đó cách hay nhất là kiếm họ, hàng, con cháu xa gần làm là tốt nhất.

Khi nó giới thiệu tên nó, đầu óc tôi đang trở về với những năm tháng mới qua nên không chú ý tới. Sau này mỗi lần nói chuyện với vợ tôi, tôi không nhớ tên nên đặt tên cúng cơm, gọi là “nó” cho dễ nói chuyện.

Nó và tôi có hai chuyện khác nhau và một chuyện giống nhau: tôi qua Mỹ không do cá nhân nào bảo lãnh mà là do chính phủ Hoa Kỳ nhận tôi. Tôi không phải đi làm gửi về nuôi ba, má hay anh, chị, em như nó. Nhưng tôi vẩn mang nợ CP Mỹ cho mượn tiền mua vé máy bay qua Mỹ như nó nợ ông, bà chủ tiệm vậy.

Tôi thích nó vì sau khi giới thiệu về gia cảnh, nó hỏi tôi về chuyện học hành và tỏ ý muốn đi học. Tôi khuyên bảo nó:

– Cháu qua đây phải tìm cách đi học chứ cứ đi bán hàng hoài không tiến lên được đâu. Mình qua đây, muốn có công việc tốt, lương cao, bổng lộc nhiều thì chỉ có một cách giựt được job thơm của người Mỹ là có bằng cấp. Không có bằng cấp thì rất khó mà có được lương cao. Ông bà chủ tiệm chỉ trả cháu lương tối thiểu chưa tới $8 đô la một giờ. Không có bảo hiểm, không có ngày nghỉ lễ, nghỉ hè, nghĩ ốm đau.. thì khi cháu bệnh không có lương mà vô nhà thương nằm không có bảo hiểm trả cho thì chỉ một tuần thôi là ẵm nợ trên 40 ngàn đô như chơi. Cháu ráng làm để dành tiền, vào trường học, có bằng ra làm thì lương gấp hơn 3 lần ngay. Làm càng lâu, lương càng cao, lên gấp 6,7 lần, bổng lộc càng nhiều, nghỉ hè càng lâu.

Nó gật đầu đồng ý và hỏi tôi nhiều về chuyện trở lại trường học để học cao hơn lên.

Thời gian cứ êm ả, bình yên trôi qua. Lâu lâu đi chợ có cơ hội nói chuyện với nó, tôi hỏi nó về chuyện học hành thì nó than:

- Làm mệt quá chú ơi. Ba má cháu muốn có tiền xây nhà nên cứ phải làm thêm giờ, thêm ngày nên chưa để dành tiền đi học được.

Năm sau, nó đưa hình hãnh diện khoe:
– Ba má cháu xây nhà xong rồi. Chú coi nè. Nhà gạch hai tầng đó. Em cháu sắp lấy chồng. Hai vợ chồng nó xin cháu tiền để xây nhà ra ở riêng nên giờ lại phải làm thêm chú ơi, vẫn không có để dành tiền đi học được.

Tôi nhìn nó vừa thương cảm, vừa tội nghiệp nên khuyên:
– Anh em là “kiến giả nhất phận”. Hai vợ chồng em cháu muốn có tiền để xây nhà thi “tay làm hàm nhai” chúng nó phải nai lưng ra làm chứ phận cháu phải lo thân mình trước chứ đâu có phải lo tiền cho chúng cất nhà đâu?

Vợ tôi can tôi:
- Chuyện nhà nó anh cứ xía vô, chưa chắc gì ba,má,em trai, em gái nó ưa. Còn nữa, nó bỏ làm đi học thì ông, bà chủ tiệm mất người bán hàng tin tưởng như nó sẽ tức anh đó.

Sau khi vợ chồng em gái nó xây nhà xong, tôi lại nghe nó vừa khoe vừa than:
- Em trai cháu học ra trường phải trả tiền mới kiếm được việc làm. Nó xin cháu tiền để nó chạy tiền kiếm việc. Ông bà chủ lại muốn cháu ra mướn phòng ở riêng nên giờ tốn thêm tiền nhà nữa, chú ơi. Cũng may là mướn phòng gần chợ nên cũng tiện đi bộ tới làm, không tốn tiền mua xe, mua xăng.

Vợ tôi thắc mắc. Tôi vừa giải thích, vừa chọc vợ:
- Cái thành phố nhỏ xíu này chỉ có bốn ngàn dân VN thôi nên ai cũng biết ai. Cho nó ở chung lâu ngày ngộ nhỡ một trong hai người con gái mê nó thì ông bà chủ không chịu mang tiếng là có con rể làm nghề bán hàng đâu nên phải cho nó ra ở riêng. Nếu con rể là anh thì ông, bà sẽ chịu cho ở lại ngay.

Vợ tôi liếc xéo, mỉa mai tôi:
– Ừ! Anh thì chỉ có ông chủ…chịu chứ con gái ông, bà không chịu đâu.

Thời yên bình trôi qua, dịch cúm Tàu đổ tới. Giữa hai năm ngoái thấy nó vẫn còn làm trong tiệm nên tôi hỏi:
- Cháu không sợ dính Covid-19 hay sao mà còn cứ ra đây làm? Chưa có thuốc chữa, thuốc phòng dịch. Mỗi ông bác sĩ nói một kiểu, mỗi nước chống dịch mỗi một phương pháp nên cháu phải cẩn thận. Chết như chơi đó.

Nó tỉnh bơ, trả lời:
- Nếu dính bệnh thì vào nhà thương được chữa miễn phí, chú ơi. Ông bà chủ nói có bệnh khác thì phải trả tiền, chứ Covid-19 là được miễn phí.

Tôi giải thích:
– Ông, bà chủ nói không sai với tình cảnh của ông bà, nhưng nói sai chuyện của cháu. Chính phủ Hoa Kỳ sẽ trả cho người dính Covid-19, nhưng chỉ trả cho công dân Hoa Kỳ thôi. Cháu qua đây với diện công nhân nên không có quốc tịch, sẽ mang nợ đó. Vì cháu không là công dân Mỹ nên nhà thương sẽ cho nợ và sau này đi làm họ sẽ tự động trừ lương của cháu. Ông bà chủ trả tiền mặt cho cháu, CP Mỹ không trừ lương được, nhưng họ biết hết đó. Họ làm ngơ vì biết trước sau gì cháu cũng phải trả khi cháu muốn ra khỏi nước này. Lại nữa, khi cháu già, CP không phải tốn chi phí hỗ trợ gì cả.
Nó im lặng.
Sau này đi chợ, không thấy nó nữa.

Ông chủ thành thật khai: nó ở một mình, bị dính bệnh nên không ai biết. Thấy nó gọi nhưng không dám tới sợ lây. Tui quên mất là nó không có xe, cũng không biết lái xe nữa nên chết mấy ngày người ta mới hay.
Cuối tuần mỗi khi ghé chợ VN lại nhớ tới nó.

Chỉ biết chua xót khi nghĩ tới căn nhà mới xây của ba má và của vợ chồng em nó. Không biết em trai nó giờ có còn việc làm hay không?
Thương nó quá. Cháu ơi.


____________


Đỗ Hứng gởi