Nobel Văn chương hay Nobel Hoà bình cho Việt Nam?
Đầu năm nay Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc đến tham dự buổi lễ phát động cuộc vận động sáng tác văn học và đã có phát biểu khuyến khích các nhà văn Việt Nam cố gắng sáng tác đạt đến tầm mức cao để được trao giải Nobel Văn chương trong tương lai gần, đem lại niềm hãnh diện cho đất nước.
Nghe lãnh đạo Việt Nam nói chuyện chiều cao, chiều sâu của văn chương, nghệ thuật nhiều người lại lên tiếng phê phán chính sách bóp nghẹt tự do tư tưởng, tự do sáng tạo mà Đảng Cộng sản đang áp đặt lên người dân thì mong muốn có nhà văn Việt Nam đạt giải Nobel Văn chương là mơ tưởng hão huyền, hay cũng chỉ là “nổ” cho vui như nhiều lần ông Phúc từng phát biểu.
Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện (ngồi giữa) cùng với Steve Denny (bên phải) của Indochina Archive, UC Berkeley và Bùi Văn Phú (bên trái) phụ trách thông dịch, trong buổi nói chuyện tại Đại học Berkeley năm 1995 khi ông vừa đến Hoa Kỳ (Ảnh: Bùi Văn Phú) |
Thực tế là ngày nay một số nhà văn Việt, hay có gốc Việt, có tác phẩm dù chưa được trao giải Nobel nhưng cũng đã đạt nhiều giải thưởng danh tiếng khác và họ là những người không sống trong sự kìm hãm tự do từ những chính sách của nhà nước. Họ sống ở bên ngoài nước Việt Nam, hay là những người tuy sống trong nước nhưng đã can đảm vượt qua nỗi sợ hãi để viết lên suy nghĩ của mình.
Nguyễn Thanh Việt với “The Sympathizer”đạt giải Pulitzer 2016 của Hoa Kỳ là người Mỹ gốc Việt. Nguyễn Phan Quế Mai với “The Mountains Sing” đạt giải Lannan Literary Fellowship 2020, hiện sống tại một quốc gia Trung Á. Thi sĩ Ocean Vương mang hai dòng máu Mỹ-Việt với “Night Sky With Exit Wounds” đạt các giải Whiting 2016, T.S. Eliot 2017 và MacArthur Fellow 2019.
Bản tiếng Việt tập truyện “The Refugees” của Nguyễn Thanh Việt và tác phẩm “The Mountains Sing” của Nguyễn Phan Quế Mai (Ảnh: Bùi Văn Phú) |
Những tác phẩm trên đã nhận được nhiều lời khen và được giới thiệu rộng rãi trên văn đàn thế giới.
Hai tiểu thuyết “The Sympathizer” và “The Mountains Sing”đã được dịch ra nhiều thứ tiếng nhưng đến nay vẫn chưa có bản Việt ngữ xuất bản ở Việt Nam, chỉ vì có nội dung không phù hợp với quan điểm của nhà nước.
Mấy năm trước, Nguyễn Thanh Việt có tập truyện “The Refugees” được dịch và in trong nước, trong đó có truyện ngắn “War Years” bị kiểm duyệt không cho in vì viết về những sinh hoạt chống cộng của người Việt tại Hoa Kỳ.
Nếu như trong dịp gặp gỡ văn nhân, thi sĩ vừa qua mà Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc đã gợi ý rằng bây giờ ban tuyên giáo không còn kiểm duyệt nội dung sáng tác của các văn nghệ sĩ và các nhà xuất bản được tự do in ấn, phát hành những tác phẩm lựa chọn, khi đó mới hy vọng trong vài năm tới Việt Nam sẽ có tác phẩm của nhà văn Việt Nam gây tiếng vang trên văn đàn thế giới.
Như vào cuối thập niên 1980 với chính sách “cởi trói văn nghệ” trong vài năm thì những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Trần Mạnh Hảo, Bảo Ninh, Phạm Thị Hoài mới được chú ý.
Trước đó thi ca Việt Nam đã được thế giới biết đến khi Văn bút Quốc tế đã trao giải Thi ca Quốc tế 1985 cho thi sĩ Nguyễn Chí Thiện với tập thơ “Hoa địa ngục”được một nhà ngoại giao Anh đưa ra khỏi Việt Nam năm 1979 và được phổ biến rộng rãi sau đó. Năm 1989 nhà thơ cũng được trao giải PEN/Barbara Goldsmith Freedom to Write, khi ông còn đang nằm trong xà-lim ở nhà tù Hoả Lò vì làm thơ phê phán chế độ cộng sản.
Năm 1990, Văn bút Việt Nam Hải ngoại, lúc đó do nhà văn Nguyễn Ngọc Ngạn làm chủ tịch, đã đề nghị thi sĩ Nguyễn Chí Thiện với tập thơ “Tiếng vọng từ đáy vực” (Flowers from Hell) cho giải Nobel Văn chương.
Sau khi Hà Nội cởi trói văn nghệ, Dương Thu Hương là nhà văn người Việt có nhiều tác phẩm được độc giả bên ngoài Việt Nam biết đến: “Quãng đời đánh mất”, “Bên kia bờ ảo vọng”, “Lưu ly”, “Chốn vắng”, “Các vĩ nhân tỉnh lẻ”, “Đỉnh cao chói lọi”.
“Những thiên đường mù” và “Tiểu thuyết vô đề” là hai tác phẩm đã có bản dịch tiếng Anh và tiếng Pháp và được đề nghị giải Prix Fémina, hạng mục sách nước ngoài, ở Pháp. Tác phẩm của Dương Thu Hương cũng được đề nghị cho giải văn chương Mỹ The Neustadt International Prize vào năm 2013.
Năm 2009 giáo sư Joseph Pivato của Trung tâm Ngôn ngữ và Văn học tại Đại học Athabasca, Canada đã đề nghị Dương Thu Hương cho giải Nobel Văn chương. Ông nhắc đến bốn tác phẩm của bà là“Paradise of the Blind” (1988), “Novel Without a Name” (1991), “Memories of a Pure Spring” (2000), và “Beyond Illusion” (2002) là những tác phẩm viết về hiện thực Việt Nam thiếu tự do sáng tác, dân quyền không được tôn trọng.
Nhà văn Dương Thu Hương là một bộ đội từng vào Nam chiến đấu, là đảng viên Đảng Cộng sản. Sau ngày 30/4/1975 bà đã viết về những gì nhìn thấy trên quê hương, về lãnh đạo Hà Nội khiến bà bị giam tù nhiều tháng. Đến năm 2006 bà rời Việt Nam qua Pháp sinh sống.
Về các giải Nobel được trao hằng năm, thế giới chú ý nhiều nhất đến Nobel Văn chương và Nobel Hoà bình.
Chưa có người Việt nào được trao giải Nobel Văn chương. Nhưng đã có một người Việt Nam được trao giải Nobel Hoà bình vào năm 1973, là nhà ngoại giao Lê Đức Thọ, cùng với nhà ngoại giao Mỹ Henry Kissinger vì các nỗ lực đàm phán đưa đến Bản Hiệp định Ba Lê 1973 để chấm dứt chiến tranh, tái lập hoà bình cho Việt Nam. Tuy nhiên, Lê Đức Thọ đã từ chối nhận giải.
Nguyễn Phan Quế Mai (thứ hai từ phải) trong buổi ra mắt sách ở Berkeley 11/2021 (Ảnh: Bùi Văn Phú)
|
Với cuộc chiến khốc liệt kéo dài nhiều năm và sau khi chiến tranh kết thúc, nước Việt thống nhất thì lại là một nền hoà bình trong lao tù, tôn giáo bị đàn áp, đời sống người dân mất tự do, nên hơn nửa thế kỷ qua đã có nhiều người Việt được đề nghị cho giải Nobel Hoà bình.
Năm 1967 nhà tranh đấu cho dân quyền Mỹ là Mục sư Martin Luther King Jr., quán quân Nobel Hoà bình 1964, đề nghị thầy Thích Nhất Hạnh.
Năm 1978 hai quán quân Nobel Hoà bình 1976 là Betty Williams và Mairead Corrigan Maguire đề nghị trao giải cho hai vị lãnh đạo Phật giáo Việt Nam là thầy Thích Huyền Quang và thầy Thích Quảng Độ.
Năm 2001 Dân biểu Loretta Sanchez đề nghị trao giải cho thầy Thích Quảng Độ và linh mục Nguyễn Văn Lý.
Bác sĩ Nguyễn Đan Quế, người khởi xướng “Cao trào Nhân bản” là phong trào tranh đấu bất bạo động đòi tự do, dân chủ cho Việt Nam, đã bốn lần được đề nghị trao giải, gần nhất là năm 2009 do hai dân biểu Hoa Kỳ là James P. Morgan và Gerald E. Connolly đề nghị.
Tháng Hai mỗi năm là thời điểm cho những đề nghị cho giải Nobel. Hiện đang có những vận động trao giải Nobel Hoà bình cho cô Phạm Đoan Trang, 43 tuổi, là một cựu phóng viên, tác giả của nhiều sách về quyền con người, đồng sáng lập tạp chí mạng Luật Khoa (luatkhoa.org). Trong nhiều năm qua cô đã lên tiếng bênh vực cho những quyền căn bản của dân Việt đang bị nhà nước chà đạp, vì thế cô đã bị bắt nhiều lần, bị công an gây thương tích và mới đây một toà án ở Hà Hội đã kết án cô 9 năm tù.
Với tình hình như hiện tại ở Việt Nam, khi người dân không được tự do phát biểu, không có tự do sáng tạo thì giấc mơ Nobel Văn chương cho Việt Nam của Chủ tịch Nước Nguyễn Xuân Phúc khó thành hiện thực.
Trong khi ở Việt Nam còn những tù nhân như Trần Huỳnh Duy Thức, Phạm Chí Dũng, Phạm Đoan Trang, là những người lên tiếng trong ôn hoà để tranh đấu cho quyền con người thì tương lai một giải Nobel Hoà bình cho Việt Nam có nhiều cơ hội hơn là giải Nobel Văn chương.
Bùi Văn Phú
_____________
Đỗ Hứng gởi