Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
NÓI CHUYỆN VỀ ĐẠI SƯ ẤN QUANG 

 

Nói đến đây, tôi nhớ tới chuyện của Ngài Ấn Quang đại sư, Ngài ngồi niệm Phật rồi thị tịch tại núi Linh Nham ở Tô Châu, khi hỏa thiêu thì dùng gỗ chiên đàn để thiêu di thể. 

Lúc đó, người tham dự chẳng biết là bao nhiêu... Từ trên núi xuống dưới chân núi khoảng ba dặm, mà đầy dẫy mọi người đều đến đưa đám. Sau khi thiêu xong thì lượm được rất nhiều xá lợi năm màu. Ngài Ấn Quang chẳng những dụng công tu hành, mà còn tinh thông kinh điển. Ngài tu ở trên núi Phổ Đà mười tám năm.

Trong thời gian đó, Ngài chuyên tâm duyệt đọc Đại Tạng Kinh. Khi duyệt đọc thì ngồi ngay thẳng, cung kính cầm quyển kinh. Khi vào nhà cầu thời cởi y áo giày dép, thay đổi áo khác giày khác để vào. Trở ra thì mặc vào lại. Vì cung kính như thế, cho nên đã khai ngộ. Sau khi khai ngộ thì chuyên môn niệm : ‘’Nam Mô A Di Đà Phật,’’ sáu chữ hồng danh. Về sau thành lập đạo tràng ở trên núi Linh Nham ở Tô Châu, đề xướng pháp môn niệm Phật, pháp môn này rất dễ tu trì. 

Ngài Ấn Quang về mặt học vấn và đạo đức đều là thượng thừa, chẳng hổ là một bậc cao Tăng. Đáng tiếc giọng nói quá nặng (người ở Xiểm Tây Cáp Dương), một số người chẳng hiểu lời của Ngài nói. Cho nên, Ngài rất ít giảng kinh thuyết pháp. Song, Ngài dùng văn tự để tuyên dương Phật pháp. Do đó, có câu : ‘’Lời nói khuyên người một thời, Sách vở khuyên người trăm đời.’’ Do đó, lưu lại văn sao của Ngài Ấn Quang, người sau được ích lợi không ít. 

Một năm nọ, Ngài Ấn Quang đến Nam Kinh giảng kinh, cũng có thể người tin Phật rất ít, mấy ngày đầu còn có người nghe kinh, về sau dần dần giảm bớt. Cuối cùng chỉ còn một người ngồi ở đó nghe. Ngài Ấn Quang từ pháp tòa nhìn xuống đạo tràng rộng lớn, mà chỉ có một người nghe kinh, tâm nghĩ, "một người nghe kinh cũng phải giảng kinh". Sau khi giảng xong, rời khỏi pháp toà đến trước người đó bèn hỏi : ‘’Cư sĩ ! Ông có hiểu tôi giảng kinh chăng ?‘’ 

- Người đó đáp : ‘’Tôi chẳng hiểu Ngài giảng cái gì ?‘’ 

- Ngài Ấn Quang trả lời :‘’Nếu ông không hiểu, sao lại đến nghe kinh ?‘’ 

- Người đó đáp : ‘’Tôi là người quản lý ở đây, đợi khi thầy giảng xong, thì tôi thu xếp bàn ghế lại.’’ 

Từ đó, Ngài Ấn Quang phát nguyện, chẳng giảng kinh ở Nam Kinh nữa. 

Một năm nọ, Ngài Ấn Quang đến Thượng Hải giảng Kinh A Di Đà, có đăng tin tức trên báo, khiến cho người có duyên đến nghe kinh gieo trồng căn lành, tích tụ công đức. Lần pháp hội đó, rất long trọng trang nghiêm, rất nhiều người đến nghe kinh đều là tín đồ kiền thành. 

Đương thời, có một nữ cư sĩ (chẳng phải là Phật tử) ở trong mộng thấy có người mặc áo giáp màu vàng, bảo với cô ta rằng : ‘’Con hãy đến Thượng Hải để nghe Bồ Tát Đại Thế Chí giảng Kinh A Di Đà.’’ Cô ta nhớ rất rõ ràng. Ngày thứ hai sáng sớm xem báo, thì thấy tin tức họ cung thỉnh Ngài Ấn Quang giảng Kinh A Di Đà. Cô ta vì tâm háo kỳ, mà đến chỗ đó để cầu kiến Ngài Ấn Quang. Khi thấy Ngài Ấn Quang thì tự động đảnh lễ, bèn nói với Ngài Ấn Quang rằng : ‘’Con chẳng phải là Phật giáo đồ, vì đêm hôm qua con nằm mộng thấy, có người bảo con đến chỗ này nghe Bồ Tát Đại Thế Chí giảng Kinh A Di Đà. Xin hỏi Ngài ! Không chừng Ngài là Bồ Tát Đại Thế Chí.’’ 

Lúc đó, Ngài Ấn Quang dơ tay thị ý :‘’Việc này, con biết, ta biết, đừng nói cho ai biết.’’ 

Vị nữ cư sĩ đó, bèn quy y Tam Bảo, cuối cùng vẫn giữ tin này bí mật, chẳng thố lộ với bất cứ ai. 

Ba năm sau, khi Ngài Ấn Quang viên tịch trên núi Linh Nham, thì vị cư sĩ này, mới tuyên bố cảnh giới này ở trước công chúng. Lúc đó, mọi người mới biết Ngài Ấn Quang là hóa thân của Bồ Tát Đại Thế Chí, Bồ Tát thừa nguyện trở lại. 

Đời sau, tôn xưng là Tổ Sư thứ mười ba phái Liên Tông. Tuy nhiên, đệ tử quy y với Ngài khắp thiên hạ, nhưng chẳng có đệ tử truyền pháp. Tại sao ? Vì Ngài thệ nguyện chẳng lập chùa, chẳng thu đệ tử xuất gia.


Hòa Thượng Tuyên Hoá

___________________


Hoang Nguyen gởi