Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
NỖI NIỀM CỦA "NƯỚC XA"

 

Hôm qua,  tôi theo chân một người bạn vô dịch vụ chuyển tiền về Việt Nam (đường Brookhurst, thành phố Westminster) để khiếu nại về việc tiền chuyển cho thân nhân ở quận 12, Sài Gòn mà 10 ngày rồi người nhận vẫn chưa nhận được, cũng không thấy nhân viên dịch vụ chuyển tiền gọi điện thoại thông báo lý do chậm trễ. Câu trả lời của anh nhân viên ngồi ở quầy dịch vụ chuyển tiền làm tôi choáng váng. “Lúc này nhân viên bển bận rộn dữ lắm nên không gọi cho ai hết. Nếu có số account ngân hàng thì thông báo chúng tôi sẽ tiền vô chớ không đi giao nữa.”(?!) Thân nhân người ta ở Sài Gòn đang đau ốm, cần tiền mua thuốc nên bên này phải bóp bụng gởi trong lúc thắt ngặt và mong cho tiền mau tới tay người nhận, mới sử dụng dịch vụ “lẹ,” chớ chuyển qua bank account thì cần gì dùng dịch vụ, vô Bank of America trên đường Bolsa chuyển là xong. Lẽ ra, nếu có sự trục trặc không giao tiền cho khách hàng được thì dịch vụ phải gọi cho người nhận thông báo, đằng này buông một câu như tạt gáo nước đá “nhân viên bận rộn dữ lắm nên không gọi cho ai hết,” riết rồi ở Mỹ mà cung cách làm việc cửa quyền giống y cơ quan nhà nước Việt cộng. Vậy là bạn tôi phải thông báo cho thân nhân ở Việt Nam ra nhà băng mở account, lấy số tài khoản Việt Nam gởi qua Mỹ, (cho đến thời điểm tôi đang viết bài này thì người ở Sài Gòn vẫn chưa nhận được tiền.)
 
Xong vụ gởi tiền chúng tôi lết qua dịch vụ cargo (chuyển hàng về Việt Nam) cũng ở thành phố Westminster. Phải nói là khu vực Westminster người Việt mở tiệm kinh doanh dịch vụ cargo mật độ dày đặc. Mấy năm trước, mỗi năm một lần tôi tới tiệm cargo để gởi quà về quê là một số thuốc chữa bệnh mà ở Việt Nam không thể mua được. Lần này, tôi ngạc nhiên khi thấy tòa sảnh tiệm vốn rất rộng nay đầy nghẹt hàng trăm thùng giấy (đã đóng gói hàng) chuẩn bị chuyển đi, tức là số hàng gởi tăng gấp ba lần, mà lại không phải vào dịp Tết Nguyên đán. Ông chủ tiệm cargo cho biết thời gian gần đây đồng hương người Việt thu gom, mua vét thuốc Tylenol và thức ăn khô gởi về Việt Nam quá trời nhiều.
 
Gởi thuốc chữa bệnh là sự thường, gởi thức ăn khô, lại là mì gói (sản xuất tại Việt Nam, tại Thailand nhập qua Mỹ) mới là đáng “nể,” tiền cước phí tương đương tiền mua thùng mì gói. Không chỉ mì gói, bất cứ thì gì ăn được người ta đều đóng thùng gởi về hết. Có những khách hàng ở các thành phố cách xa Little Sài Gòn cũng tụ về đây gởi hàng về Việt Nam. Các dịch vụ cargo và Bưu điện chính phủ “nhộn nhịp” xếp hàng dài xọc chờ vô gởi hàng, hơn cả những dịp Tết Nguyên đán nữa. Tôi tìm hiểu kỹ mới biết mấy ông bà Việt Nam bên này nghe nói bên Ðông Lào bị “ngăn sông cấm chợ,” bị “nhốt như tù” để cách ly, đi mua đồ ăn không được nên sợ người thân bên Việt Nam bị đói. Người đi gởi hàng lại hỏi nhau “Không biết mì gói có phải là mặt hàng thiết yếu”? Rồi lo lắng e rằng gởi mì gói thân nhân không được nhận, và lại chạy đi mua thêm lung tung đủ thứ món khác như thịt hộp, trái cây khô, bánh tây, hộp bột ngũ cốc, quần áo, … mà theo ý họ “Nó là thiết yếu” để “độn” vô, biến thùng đựng mấy chục gói mì tôm thành “thùng hàng thiết yếu.” Ông chủ cargo (quen với tôi) cho biết hàng chuyển về Sài Gòn nhanh nhất mất 7 ngày, về các tỉnh mất 12 ngày, đó là những lúc “thuận buồm xuôi gió.” Hiện nay tiệm nhận chuyển hàng nhưng không dám bảo đảm giao đúng thời gian như trước mà còn tùy phía nhà nước Việt cộng có cho shipper hoạt động hay hàng về phải nằm ì ở nhà kho. Cách đây nửa tháng, hàng về Việt Nam nằm ì trong kho hơn chục ngày không giao được, riết rồi kho không đủ chỗ chứa hàng tồn luôn.

Thật ra cái sự “lo xa” sợ thân nhân, họ hàng tại Việt Nam chết đói của đồng hương ở Mỹ thiệt là thừa thãi. Gởi thuốc về thì tôi công nhận là hữu ích, vì tất cả thuốc sản xuất trong nước (đồng dạng Tylenol) đã bị con buôn mua vét sạch và đưa lên mạng bán giá cắt cổ, nhưng gởi thức ăn thì rõ ràng “Nước xa không cứu được lửa gần”. Nguồn cơn không phải thiếu thực phẩm mà do ngăn cấm lưu thông nên kẻ bán không ai mua, kẻ mua không ra được khỏi nhà, hàng hóa ứ đọng, người cần ăn thì đói. Một thùng mì gói cho một gia đình (trung bình 4 người) thì ăn được bao lâu? Trong khi chờ đợi 10 ngày đến một tháng “đồ ăn Mỹ” về tới thì đói rã họng ra rồi nếu không có thức ăn tại chỗ, vì vậy thực phẩm địa phương mới đóng vai trò chủ yếu để toàn dân khỏi phải chết đói. Người Việt ở Mỹ lâu nay đều sử dụng dịch vụ cargo của các công ty dịch vụ do người Việt làm chủ, người dùng có thể gởi bất cứ thứ hàng hóa nào về Việt Nam nếu đó không phải là đồ quốc cấm. Một ông chủ dịch vụ cargo đã nói đùa rằng tiệm Costco bán món gì thì món đó đều có người mua gởi cho thân nhân, có khi giá cước gởi gấp 3 lần giá trị món hàng, nhưng họ vẫn gởi để người thân ở quê được hãnh diện vì “xài hàng Mỹ.” (?!)

Thời gian dịch bệnh, nhiều bác sĩ và bệnh nhân nhiễm cúm Tàu (đã tự chữa khỏi) đều khuyên nên ở nhà dùng Tylenol khi nhiễm bệnh thể nhẹ mà không cần phải nhập viện (sợ lây nhiễm chéo) thì vẫn tốt hơn. Vậy là tạo nên cơn sốt người Việt vét mua hết Tylenol (chai lớn 325 viên) bán ở Costco, Walmart, Target gởi về Việt Nam, làm người mua sau chỉ có thể order online giới hạn 5 chai/member mà thôi. Anh nhân viên tiệm cargo tỏ vẻ ngạc nhiên và hỏi tôi “Làm cách nào mua được nhiều Tylenol vậy?” khi thấy tôi đem tới tiệm 10 hộp Tylenol. Tôi trả lời “Dễ ợt, tui order online trên website Costco và Amazon, Amazon muốn mua bao nhiêu hộp cũng có.”  Lẽ ra, nhà nước Việt cộng nên tạo điều kiện thuận lợi để dòng thuốc chống cúm Tàu này được lưu thông về nước được dễ dàng thì sai nha hải quan Việt cộng lại cố tình lợi dụng nhu cầu thiết yếu này của dân để thu thêm cái mà chúng gọi là “lệ phí” $2/chai Tylenol, tức người gởi phải nộp phí sai nha hải quan $7/chai Tylenol.

Thống kê mới nhất cho thấy người Việt định cư ở nước ngoài hơn 4.5 triệu, rải rác khắp thế giới, riêng người Việt ở Mỹ hơn 3 triệu được coi là phần lớn (không phải tất cả) có thu nhập khá và có khả năng giúp đỡ thân nhân ở Việt Nam, chiếm khoảng 3.5% so với tổng dân số Việt Nam. “Khúc ruột ngàn dặm” bị bỏ rơi trôi trên dòng sông Tonlé Sap khoảng hơn 100 ngàn người, họ không xin tiền thân nhân ở Việt Nam đã gọi là “may cho họ hàng” rồi, chẳng ai đủ khả năng làm giàu với cuộc sống lênh đênh theo con nước thủy triều xứ Biển Hồ. Tôi liệt kê chi tiết như vậy để cho thấy thực tế số người quốc nội có thân nhân ở hải ngoại và được giúp đỡ rất ít trong mùa dịch, giống như “muối bỏ biển,” số dân chúng không có thân nhân ở hải ngoại phải tự lực cánh sinh chiếm hơn 70% dân số (tôi có trừ bớt thành phần cán bộ đảng viên, quan chức, quân đội, công an và đại gia đỏ.) Vậy nhà nước Việt cộng có dám để cho 70% dân số chết đói không? Câu trả lời rõ ràng là “Không.” và “Thời buổi này Việt cộng không bao giờ dám để dân chết đói.” Vậy mắc mớ gì người Việt ở Mỹ phải “chở củi” mì gói “về rừng”?


T.P.T.
 
___________________

 
Alice Dupond gởi