Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
Nỗi tương tư màu vàng


Những thập niên 1970-80, từ Đức tôi vẫn sang Pháp chơi mỗi năm ít nhất một lần,  mới biết người Pháp thời đó vẫn còn yêu mến đất nước và nhất là người Việt như thế nào. Một tình yêu khó giải thích, như mọi tình yêu, nhưng không thể không thấy.

Như có một lần nói chuyện với một ông Tây già, khi biết tôi sống ở Đức ổng trợn mắt: sao lại ở Đức, mày phải sang đây sống với tụi tao! Mà đó không phải lần duy nhất, tôi gặp một người Pháp tỏ lộ lòng yêu mến VN.
 
Khoảng 1976, trên một tờ tạp chí Pháp không nhớ tên, tôi đọc được một bài viết về Hà Nội sau chiến tranh, có một đoạn vô cùng ý nghĩa. Tác giả mô tả một Hà Nội sơ xác, nhưng kết luận thật thấm thía: cuộc chiến đó mang lại một hậu quả tốt cho Hà Nội, đó là thành phố hoàn toàn không thay đổi, vẫn nguyên như cũ, chỉ tiếc rằng không bao lâu nét đẹp của Hà Nội đó sẽ không còn nữa.
 
Trong vô số những  bài viết trên FB thương tiếc một Hà Nội hay Sài Gòn của ngày cũ, hiếm khi có ai nói đến tấm lòng của người Pháp khi xây dựng hai thành phố này. Chúng đẹp hơn mọi thành phố của nước Pháp, trừ Paris hay Lyon… Người Pháp hãnh diện vì điều đó, và thương tiếc vì chúng không còn như thủa ban đầu nữa, như nhà văn Jean Lartéguy viết trong lời giới thiệu cuốn ’Le Mal Jaune’ – Nỗi tương tư màu vàng – của ông.
 
Tựa đề một cuốn truyện của Jean Lartéguy, “Le Mal Jaune”, đã trở thành một thuật ngữ không thể thiếu trong những tác phẩm, ký sự về Việt Nam thời chiến tranh. Một Việt Nam bi tráng, một nỗi đau trầm thống vượt trên mọi nỗi đau trầm thống trong lịch sử nhân loại. 
 
Jean Lartéguy giải thích “le mal jaune” thế này: “Ce roman est l’histoire de deux villes qui n’existent plus: Hanoï et Saïgon. Ceux qui les aimèrent – et ils furent nombreux – contractèrent auprès d’elles un mal dont ils n’arrivent point à se guérir: le mal jaune; une sorte de nostalgie qui devient poussée de fièvre certains soirs de cafard, certains jours d’abandon. Ce livre est dédié à ceux qui ont contracté cette maladie.” (tạm dịch: Cuốn sách này là lịch sử của hai thành phố, nay đã không còn: Hà Nội và Sài Gòn. Những kẻ vì chót yêu hai thành phố này – số người đó không ít – nhận luôn một chứng bệnh mà họ không có hy vọng chữa khỏi, “căn bệnh mầu vàng”.  Đó là một chứng bệnh “tương tư”, được truyền vào da thịt bởi những đêm… “buồn chán như con gián”, những ngày bơ vơ như đứa con bỏ chợ. Cuốn sách này xin gửi gấm đến những kẻ đã nhiễm phải chứng bệnh này.)
 
Như vậy, “le mal jaune” không chỉ gọi nỗi đau thương của đất nước VN hay đúng hơn cuộc chiến VN đã gây ra cho cả những người “ngoài cuộc” , mà còn nói lên một nỗi đau của những gã đàn ông phương Tây lạc loài đến phương Đông để đi tìm Thiên Đường đã mất.  Họ không tìm được thiên đường đó, nhưng mắc thêm căn bệnh tương tư suốt đời về một thiên đường họ mất một lần thứ hai…
 
Ngoài Jean Lartéguy, một trong những kẻ mắc chứng bệnh “mal jaune” suốt đời là John Swain, chính là người phóng viên chụp ảnh trong The Killing Fields (nhân vật chính là ký giả Sydney Schanberg). John Swain là tác giả cuốn River of Time – River như là Mekong, sông Cửu Long.
 
Cũng phải kể thêm Peter Scholl-Latour (Đức), tác giả cuốn ‘Der Tod im Reisfeld’, trong đó P.S-L  đã kêu lên “Indochina mon amour”, khi nước mắt cứ ứa ra, trên một trong vài chiếc máy bay hành khách cuối cùng rời phi trường Tân Sơn Nhứt, vào một ngày cuối tháng Tư, 1975. Những ngày đó, Swain ở lại PnomPenh, trở thành nhân chứng của Killing Fields…
 
Luong Le Huy

December 30, 2023

_________________


Đỗ Hứng gởi