Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
NỮ TÔN GIẢ KIỀU ĐÀM DI  

(Lược  sử)
 
Nữ Tôn giả Đàm Di là vị Tỳ kheo Ni đầu tiên, bậc thượng thủ, lãnh đạo Ni đoàn thời Phật tại thế. 
 
Kiều Đàm Di hay Cù Đàm Di là tên tộc phiên âm của Gotami, tên đầy đủ theo Pàli ngữ Mahàpajàpati-Gotami, Hán ngữ phiên âm Ma Ha Ba Xà Ba Đề, Hán dịch Đái Ái Đạo, Đại Sinh Chủ hoặc Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di, là di mẫu của thái tử Tất Đạt Đa.
 
Nữ Tôn giả Kiều Đàm Di sinh trưởng tại Devadaha, nước Câu Ly (KoLy), một nước nhỏ đối diện với Ca Tỳ La Vệ (Kapilavatthu), con của vua Thiện Giác (Suppa Buddha), em gái của hoàng hậu Ma Da (Mahà Mayà), cả hai chị em đều là vợ của vua Tịnh Phạn (Suddhodana). 
 
Sau khi hạ sanh thái tử Tất Đạt Đa được bảy ngày, hoàng hậu Ma Da từ trần, Kiều Đàm Di trở thành di mẫu, trực tiếp chăm sóc và nuôi dưỡng thái tử khôn lớn.
 
Đến tuổi trưởng thành, thái tử xuất gia, thành Phật và trong thời gian ấy Kiều Đàm Di vẫn ở hoàng cung Ca Tỳ La Vệ với vua Tịnh Phạn. 
 
Sau khi thành đạo khoảng ba năm, lần đầu tiên Thế Tôn quyết định trở về hoằng hóa tại cố hương đồng thời thăm viếng phụ thân và hoàng tộc. 
 
Trong lần này, Kiều Đàm Di được Thế Tôn giáo hóa; sau khi nghe thuyết pháp, chứng đắc Sơ quả Tu đa hoàn .
 
Lần thứ hai, năm năm sau ngày thành đạo, Thế Tôn trở về Ca Tỳ La Vệ để độ cho vua cha đang hấp hối. 
 
An táng vua cha xong, Thế Tôn ở lại quê nhà một thời gian ngắn rồi tiếp bước tu phương hóa độ.
 
 Chính trong thời điểm này, tại vườn Nigrodha, Kiều Đàm Di đã xin phép Phật cho Người được thế phát xuất gia làm nữ Sa môn.
 
 Qua ba lần thưa thỉnh nhưng Thế Tôn không chấp nhận.
 
 Sau đó, Thế Tôn cùng Tăng chúng rời Kapilavatthu tiếp tục bộ hành đến Vesàli.
 
 Liền đó, Kiều Đàm Di cùng với năm trăm Thích nữ tự xuống tóc , đắp cà sa, đi chân trần cũng theo chân Phật bộ hành đến Vesàli.
 
 Tại Đại Lâm, ở những ngôi nhà có nóc nhọn, nơi Thế Tôn đang trú ngụ, Kiều Đàm Di và các Thích nữ đi đến, chân bị sưng, mình mẩy lấm lem bụi bặm, nước mắt đầy mặt, sầu muộn khóc than, đứng ngoài cửa chính. 
 
Nhờ Tôn giả Ananda can thiệp, Phật bằng lòng cho họ được xuất gia với điều kiện bắt buộc phải thọ trì Bát kỉnh pháp đến suốt đời .
 
Thế là từ đây, giáo đoàn Tỳ khoe ni được thành lập, do Kiều Đàm Di đứng đầu, tuân theo sự  lãnh đạo của Thế Tôn cùng với sự trợ duyên của chư Tăng. 
 
Sau khi được xuất gia, Kiều Đàm Di đến yết kiến Phật, nghe Phật thuyết pháp rồi tinh cần tinh tấn tu tập chứng đắc quả vi A la hán với trí tuệ trực giác và phân tích.
 
 Năm trăm Tỳ kheo ni sau khi nghe Tôn giả Nandaka giáo giới, chứng được sáu thắng trí, hoàn toàn tự tại giải thoát. 
 
Nhờ tại tổ chức, huấn luyện khéo léo của Kiều Đàm Di, Ni đoàn phát triển nhanh chóng và thực sự lớn mạnh. 
 
Nhiều Tỳ kheo ni chứng đắc quả vị A la hán, có uy tín trong quần chúng, được cư sĩ và dân chúng ca ngợi, ngưỡng mộ. 
 
Lúc Bậc Đạo Sư ở tinh xá Kỳ Viên (Jetavana), Thế Tôn xác nhận Kiều Đàm Di là nữ Tôn giả kinh nghiệm đệ nhất, sống hưởng thọ hạnh phúc giải thoát, Niết bàn .
 
Đến khi Thế Tôn ở Tỳ Xá Ly (Vesàli) tuyên bố không quá ba tháng sau sẽ nhập Niết bàn tại Ta La song thọ, xứ Câu Thi Na (Kusinara), Kiều Đàm Di nghĩ rằng: 
“Ta không kham nhẫn nhìn thấy Như Lai diệt độ, ta nên diệt độ trước”.
 
 Nữ Tôn giả đã đến xin phép Phật nhập diệt trước và được chấp nhận.
 
Sau khi Kiều Đàm Di công bố với Ni đoàn về quyết định nhập diệt của mình thì năm trăm vị Tỳ kheo ni cũng phát nguyện nhập diệt theo. 
 
Đích thân Thế tôn một tay đưa nhục thân Kiều Đàm Di đến chỗ hỏa thiêu, lấy gỗ chiên đàn chất lên trên thân di mẫu, chủ trì lễ trà tỳ.
 
 Đồng thời sai người đem xá lợi của Kiều Đàm Di cùng năm trăm vị Tỳ kheo ni xây tháp phụng thờ.
 
ST .
 
 
__________________________________


 
Phụ lục : 
 
THẬP  ĐẠI  ĐỆ  TỬ  NI
 
1. Nữ tôn giả Mahapajapati, trước đây là hoàng hậu của vua Suddhodana (Tịnh Phạn) (phụ thân của đức Phật) cai trị nước Kapilavatthu (Ca-tỳ-la-vệ). Nữ tôn giả là vị Tỳ kheo Ni đầu tiên và là vị lãnh đạo Ni đoàn.
 
2. Nữ Tôn giả Khema, trước đây là ái phi của vua Bình Sa cai trị nước Magadha (Ma-kiệt-đà). Nữ tôn giả là vị có Trí Tuệ đệ nhất trong Ni đoàn, cũng như tôn giả Sariputta (Xá Lợi Phất) bên chư Tăng.
 
3. Nữ tôn giả Uppalavanna, xuất thân từ gia đình thương mại, khi chưa xuất gia, sắc đẹp của cô nổi tiếng khắp kinh thành thời bấy giờ.
Sau khi vào Ni đoàn, nữ tôn giả tu tập phát triển thần thông lực và được đức Thế Tôn tán thán là vị Ni có Thần Thông đệ nhất, cũng như tôn giả Mogganlanna (Mục Kiền Liên) bên chư Tăng.
 
4. Nữ tôn giả Dhammadinna, trước đây là một người phụ nữ ngoan hiền, đảm đang thuộc giai cấp thượng lưu. Sau khi xuất gia, nữ tôn giả nỗ lực tu tập và được đức Thế Tôn khen ngợi là vị Ni Thuyết Pháp đệ nhất trong Ni chúng.
 
5. Nữ tôn giả Patacara, khi chưa xuất gia là một quả phụ đau khổ, tuyệt vọng. Sau khi xuất gia nữ tôn giả chứng quả A la hán và vị Ni Bảo Hộ Nữ Nhân đệ nhất trong Ni chúng.
 
6. Nữ tôn giả Kisagotami là người trước đây đến xin đức Thế Tôn cho con trai bà một liều thuốc để sống trở lại . Sau khi xuất gia, nữ tôn giả được Đức Phật tán thán là vị Ni có thắng hạnh Khổ Hạnh đệ nhất trong Ni đoàn.
 
7. Nữ tôn giả Bimba, trước đây là thứ phi của Thái tử Sidhartha, sau khi xuất gia được đức Thế Tôn công nhận là vị Ni An Trú Tâm đệ nhất.
 
8. Nữ tôn giả Bhadda Kudalakesa , một phụ nữ trẻ, sôi nổi, sau khi xuất gia trở thành vị Ni Lãnh Hội Ý Pháp đệ nhất trong Ni chúng .
 
9. Nữ tôn giả Soma, khi chưa xuất gia là một ngưòi mẹ đảm, thất vọng, chán chường. Sau khi gia nhập Ni đoàn, nữ tôn giả đã tu tập tinh tấn, đoạn trừ tất cả lậu hoặc trong tâm và được ca ngợi là vị Ni có thắng hạnh Tinh Tấn đệ nhất trong Ni đoàn.
 
10. Nữ tôn giả Nanda, một công chúa xinh đẹp, tinh tấn tu tập diệt trừ tính ích kỷ và tính tự yêu mình, quá chú ý, chăm sóc đến vẻ đẹp của mình; sau này đắc quả A la hán và được Đức Phật tán dương là vị Ni Thiền Định đệ nhất.
 
ST

________________


Hoang Nguyen gởi