Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
 
NƯỚC MỸ CÔ ĐƠN VÀ THỤT LÙI
 

 
Tưởng sau bốn năm ta có dịp đúc kết các thành quả của TT Trump. Ai ngờ quốc nội chưa tới đâu thì dịch Covid-19 tàn phá kinh tế Hoa kỳ đến tan hoang tột độ. Bịnh dịch còn bùng phát, lại xì ra những biểu tình tranh đấu chống bất công màu da George Floyd. Thế giới nhìn vào, sững sờ chứng kiến nhà lãnh đạo Hoa kỳ loay hoay không biết ứng phó hai đại nạn thế nào. Tề gia chưa xong, sao bình thiên hạ được? Bạn đọc nhớ bài diễn văn nhận chức “America
 
First” năm 2017? Không ai ngờ đó là hiệu lệnh của những bước đi giật lùi của một cường quốc.
 
1. Vai đàn anh đứng sau:
 
Trước LHQ năm 2019, TT Trump đã tuyên bố: “We reject the ideology of globalism, and we embrace the doctrine of patriotism” và Hoa kỳ thực sự quay vào bên trong. Ba năm qua, TT Trump chủ trương Hoa kỳ vĩ đại, một cái vĩ đại trong nước Mỹ, một cái vĩ đại ngoài phạm vi toàn cầu.
 
Quan niệm của TT Trump là Mỹ sẽ hùng mạnh hơn từ đây mà không lãnh đạo, không đóng vai phú lít của thế giới. Tuy cô đọng và hướng nội, Mỹ vẫn là một cường quốc, một quốc gia phồn thịnh về kinh tế và vô địch về quân sự. Mỹ sẽ đứng đầu nhưng không dẫn đầu. Mỹ sẽ mạnh một mình một cõi, và Mỹ không đóng vai lãnh tụ. Mỹ là đàn anh nhưng không là... đại ca. TT Trump Make America Great Again.
 
Khẩu hiệu hùng hồn MAGA cũng gây nhiều dư âm trên thế giới. Theo công ty thăm dò ý kiến Pew Research Center, khi TT Trump mới vào toà Bạch ốc, và 55% các nước được hỏi coi TT Trump là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, nhưng chỉ có 22% các nước trong số 37 nước đó tin tưởng TT Trump sẽ là một lãnh tụ làm việc có hiệu quả trên chính trường quốc tế.
 
Các nhận xét trên chính xác vì từ khi nhận chức năm 2017, TT Trump đã xa rời đồng minh (Nato, WTO...), thẳng tay xé bỏ các liên minh đa phương (Hiệp Ước Nguyên Tử Tầm Trung với Nga, Paris Agreement về khí hậu, Unesco, Iran Deal…). Hơn ba năm qua, từ đối nội đến đối ngoại, ông bận tâm đập phá nhiều hơn là xây dựng hoặc thay thế. Và ông thích đối đầu hơn là cộng tác.
  
Thay vì đối diện để thương thảo, TT Trump đối đầu đồng minh và đối thủ với ba chiến thuật chế tài, phong tỏa và tẩy chay. Các quốc gia từ Âu châu xuống Iran qua đến Trung Hoa đều ít nhiều chạm những đòn này. Vì thế, cộng đồng quốc tế coi TT Trump là người chập choạng thất thường và còn nguy hiểm nữa. Mấy năm nay nhiều nước bên Âu châu không dám tin TT Trump và sợ ông có thể trở thành một mối đe dọa cho họ. Vì...
 
TT Trump đập phá rồi lùi bước quay vào trong nhà mặc cho người khác tiến lên xây dựng lại.
 
Người mở hầu bao, mang gạch cát, xi măng đến là Tập Cận Bình. Tháng mười năm 2017, trong bài diễn văn trước đại hội đảng lần thứ 19, Tập Cận Bình trình bày sơ lược hướng đi của TC trong tương lai là: tham dự một cách tích cực vào việc cải cách hệ thống điều hành toàn cầu.
 
Trong cục diện toàn cầu ngày nay, Bắc kinh đã bắt đầu từ những gì TT Trump đã bỏ đi sau khi đập phá. Chẳng ai trong chúng ta muốn Hoa kỳ dửng dưng bỏ đi để TC dẫn đầu. Vậy mà nhìn lại Phi châu, Âu châu, Á châu và nam Mỹ đi, hàng ngàn các chuyên viên TC, hàng hoá máy móc made in china, trường dậy tiếng Hoa đã lan tràn.
 
Ký giả Tucker Carlson của đài Fox News nói rằng Bắc kinh đang lợi dụng cơn hỗn loạn hiện nay để tính việc ngự trị thế giới, và đại dịch này sẽ tung hô một kỷ nguyên Tàu mới. Mấy tuần lễ gần đây, Tập Cận Bình đã điện thoại cho trên 40 nguyên thủ các nước để bàn về hợp tác quốc tế và trợ giúp dụng cụ y tế. Ngày mùng 4 tháng năm vừa qua, European Union tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh về thuốc chủng chống dịch, Hoa kỳ không tham dự và không đóng góp. Nghĩa là...
  
Cờ đã đến tay, Bắc kinh bắt đầu dùng ảnh hưởng kinh tế chính trị của một cường quốc hạng nhì để đóng những vai quan trọng trong các tổ chức quan trọng của LHQ. Cho đến nay TC đứng đầu 4 trong số 15 cơ quan chuyên môn của LHQ: FAO (Tổ chức thực phẩm và nông nghiệp-Food and Agriculture Organization), ICAO(Hàng không quốc tế-International Civil Aviation Organization), UNIDO (Tổ chức phát triển kỹ nghệ-United Nations Industrial Development Organization)và ITU (Viễn Thông Quốc Tế- International Telecommunication Union) -. Đây là những tổ chức mà Hoa kỳ và Tây phương đã từng dẫn đầu từ sau đệ nhị thế chiến.
  
Dù không dẫn đầu những tổ chức còn lại, ảnh hưởng của TC cũng rất lộ liễu. Tháng 8 năm 2018, TC đã đưa thuốc Bắc (Chinese Traditional Medicine) vào trong dược và y trình của tổ chức Y khoa thế giới WHO và TC gia tăng đóng góp lên đến $1 tỷ đô la trong khi Mỹ cắt đứt đóng góp và chia tay WHO.
  
Tiếp theo y tế, TC cũng lập một nhóm có tên “Asian Standards Organization” để cạnh tranh với ISO, IEC, và 3GPP. Việc này tương tự như sau khi TC lập ngân hàng Asian Infrastructure Development Bank để cạnh tranh với Ngân hàng Thế giới.
 
Trong tương lai, TC còn rộng lượng hơn nữa. Các kinh tế gia tại nhà băng HSBC Holdings Plc của Anh thăm dò ý kiến 75 quốc gia, họ công nhận chỉ còn TC là quốc gia sẽ đóng góp nhiều nhất vào việc phát triển toàn cầu trong thập niên tới.
  
Cùng một chiều hướng đó, trước khi có đại dịch, báo Finance Post dự đoán, vào năm 2030, GDP của TC sẽ lên tới $26 ngàn tỷ đô la trong khi Hoa kỳ tăng GDP từ $20.4 –năm 2018- lên đến $25.2 ngàn tỷ đô la. Đương nhiên ngôi vị của TC sẽ không còn thứ nhì mà ngang ngửa với Hoa kỳ.
 
Thế giới vẫn coi Hoa kỳ là một nước giàu mạnh và cũng là một anh trọc phú... ích kỷ.
 
2. Anh trọc phú đơn độc:
 
Gìn giữ vai trò hùng mạnh của nước Mỹ là đúng vì một khi đã hùng mạnh Mỹ không cần dựa vào bạn bè chung quanh và các tổ chức quốc tế. Đúng đó, càng dấn thân càng tốn kém. Mỗi một ràng buộc quốc tế là một tốn kém cho ngân sách quốc gia và nhiều khi nước Mỹ không nhận về những lợi nhuận tương xứng. Trên diện tài chánh, Mỹ càng xả thân làm việc chùa, các khó khăn xã hội bên trong nước Mỹ càng bị sao lãng và dân càng bị thiệt thòi. Nên ta...
 
Cứ để cho thế giới lo việc thế giới.
 
Một khi nước Mỹ giàu có và hùng mạnh, thiếu gì đồng minh nể phục và láng giềng nhờ vả, vì...
 
Vai mang túi bạc kè kè
 
Nói quấy nói quá người nghe rần rần
 
Không những nghe, các quốc gia trên hoàn cầu sẽ tuân phục nữa. Bất cứ một hiểm họa nào xẩy ra cho nhân loại, thế giới sẽ theo sự hướng dẫn và điều khiển của Mỹ. Nước Mỹ từ vai trò đàn anh trong làng nghiễm nhiên lên ngôi vị đại ca, nhất là khi cả thế giới cùng chung đối diện một hiểm hoạ sống còn.
 
Có điều vì chủ trương “America First” có khi cũng là “America Alone” . Trong 3 năm qua, TT Trump quên mình là đại ca và đã phang luôn cả bạn bè. Trước hết Ấn độ bị Trump đánh tariff trên sắt và nhôm và còn bị đẩy ra khỏi vị thế thương mại- preferential trade status. Kế đến Nam hàn, một đồng minh kỳ cựu từ bao nhiêu năm nay đóng góp phí tổn quân đội Mỹ tại Nam hàn $860 triệu Mỹ kim nay phải trả lên đến $4 tỷ đô la mỗi năm. Một việc mà trong giang hồ gọi là “shakedown”.
 
Nhìn các láng giềng bị anh hai... báng, thủ tướng Tân gia ba Lý Hiển Long than thở với BBC hồi năm 2017 như sau: “Chúng tôi buộc phải chọn giữa hai người bạn Hoa kỳ và Trung quốc.”
 
Hai đại ca, đều xấu xa khó ưa, nhưng Tập Cận Bình chưa... tráo trở... bốc đồng bằng Trump. Trong kỳ đại dịch, Hoa kỳ và TT Trump đã làm cho thế giới sáng mắt: America First và Hoa kỳ sẵn sàng hy sinh bạn bè. Trong vị thế đàn anh hùng mạnh, Hoa kỳ chẳng cần đồng minh nể phục hoặc thế giới tin tưởng. Nhìn kỹ đi.
 
Ai cũng thấy TT Trump chống coronavirus một, bận đi... gom phiếu mười.
 
Vì cái bận rộn ngắn và hạn hẹp này, những chính sách ngoại giao và chính trị gần đây của TT Trump đầu voi đuôi chuột, đoản kỳ và khó thi hành cho cả Mỹ và đồng minh.
 
Mới đây, khi được TT Trump mời tham dự hội nghị G7 tại Washington DC, bà Merkel, thủ tướng Đức đã khéo léo từ chối vì không muốn bị hố thêm một lần nữa. Bà biết rằng Âu châu và nước Đức đứng thật xa đằng sau America First.
 
America First cũng đẩy đồng minh và các quốc gia trên thế giới sang gần TC hơn. Theo viện nghiên cứu dư luận Gallup hồi tháng hai, 2019, trong số 130 quốc gia thăm dò, 34 phần trăm ủng hộ TC trong khi Hoa kỳ chỉ được 31 phần trăm. Bên Á châu, ảnh hưởng thương mại của TC rõ ràng không thể chối cãi được. Ngoài sức mạnh quân sự, Hoa kỳ lép vế TC cả trên lãnh vực kinh tế, lẫn cách lấy lòng láng giềng và cái hầu bao rủng rỉnh Nhân dân tệ rộng mở cho các nước trong vùng.
 
Gần đây, khi TC ban hành luật an ninh mới tại Hong kong. Hoa kỳ đánh võ mồm. Các nước Á châu coi đây là vấn đề nội bộ của TC và cả Âu châu tỉnh bơ không phản ứng gì.
 
Thì ra từ đại dịch đến George Floyd, Hoa kỳ lúng túng bên trong, ích kỷ , và... bủn xỉn bên ngoài. Mọi quốc gia đều thấy Hoa kỳ không còn là một cường quốc siêu việt mà thế giới không thể thiếu như trước. Nay Hoa kỳ chỉ là một thành viên như mọi quốc gia khác trong cộng đồng quốc tế.
 
3. Mặt trận Huawei:
 
Tranh chấp hoặc chiến tranh dù là thương mại hay quân sự, cũng gây ra những hậu quả tai hại cho người ngoài cuộc, từ đồng minh đến giới tiêu thụ Mỹ. Đúng ra, phía thiệt hại nhiều nhất phải là TC chứ sao lại là đồng minh hoặc các công ty và dân chúng Mỹ?
 
Chính Rush Limbaugh trong ngày mùng 10 tháng 5 năm 2019 công nhận: “Tariffs are taxes, and conservatives oppose taxes. Here comes Trump imposing taxes on the importation of Chinese goods...”
 
Trực tiếp và ngắn hạn thì dân Mỹ bị thiệt thòi, nhưng về lâu về dài, khi hàng Tàu vẫn cao giá, người mua sẽ ít đi, các hãng xưởng TC sẽ bị ảnh hưởng nặng nề.
 
Nhưng tại sao TC lỗ một, bên ta lỗ hai, lỗ ba? Và Hoa kỳ có thực sự muốn đập Tàu không? Cốt lõi của vấn đề là TT Trump đưa Huawei vào trận chiến vì hai lý do:
 
Giành lại ngôi vị điện thoại 5G và thống lĩnh thế giới về trí tuệ nhân tạo (AI-Artificial Intelligence).
 
Trên phương diện kỹ thuật, Hoa kỳ đi sau Huawei mấy bước. Hoa kỳ không có một công ty điện thoại tầm cỡ Huawei mà có AT&T, Sprint, Verizon... kiểu nhiều thầy thối ma, nhiều cha con khó lấy chồng. TC đã bắt đầu 5G vào 2018, mãi đến 2019 FCC mới đấu giá các băng tần truyền sóng cho 5G. Trên thế giới, đa số các quốc gia dùng tần số thấp (sub-6 gigahertz spectrum) trong khi Hoa kỳ dùng tần số cao (mmWave spectrum). Ngoài lợi thế về nhiều tần số, sự lựa chọn về kỹ thuật này làm cho máy móc 5G của Hoa kỳ nhiêu khê, mắc mỏ.(Bernstein Research 5G primer- Mar 2019)
 
Giá cả đương nhiên là một yếu tố quan trọng trong thương mại. Máy móc 5G của Huawei rẻ nhất trên thị trường, kế đến hàng Nokia, Ericsson và Samsung. Hiện nay, Huawei chiếm 28 phần trăm thị trường viễn thông quốc tế. Đa số các quốc gia Á châu, Âu châu, Phi châu ngả theo hàng Huawei. Những người không mua hàng Hoa kỳ có cả đồng minh và láng giềng. Nói gì cho xa, hai ông “soul mates” chí thân của TT Trump là Boris Johnson của Anh và Jair Bolsonaro của Ba tây có chịu tẩy chay hàng Huawei đâu. Hàng TC nhan nhản khắp Mexico và nam Mỹ. Nói chung, đồng minh không theo Hoa kỳ đánh Huawei vì họ thắc mắc: đánh TC để TT Trump thắng cử cuối năm nay hay để dành ngôi 5G và dẫn đầu thế giới về kỹ thuật trong tương lai ?
 
Huawei đã bá chủ khắp các thị trường trong khi tương lai kỹ thuật của Hoa kỳ cũng mù mịt, đứng thật xa sau thế giới và TC. Tháng giêng 2020, Technical University of Berlin và công ty IPlytics của Đức cho thấy trong các phát minh về chuẩn mực 5G (standard essential patents), Samsung, Nokia và LG dẫn đầu. Kế đến là Huawei và ZTE với 2,111 bằng phát minh, hãng Nokia có 1,397 bằng phát minh. Hoa kỳ chỉ nhận được vỏn vẹn 979 bằng phát minh (Qualcom 831 và Intel 148).

Trong ngắn hạn, TC ngậm miệng mặc TT Trump la lối vì trên thực tế trong trận chiến giữa Huawei-Hoa kỳ đã ngã ngũ từ hai năm nay cả về kỹ thuật, lẫn giá cả và thị trường rồi.
 
Thua Huawei 5G thật, nhưng Hoa kỳ vẫn dẫn đầu lãnh vực kỹ thuật điện tử, nhất là semiconductor. Nhưng về trí tuệ nhân tạo, TC có thể lật ngược thế cờ trong vòng 5 hoặc 10 năm tới.
 
Theo nhiều chuyên gia của Centre for Data Innovation, trong lãnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), Hoa kỳ đứng đầu trên 4 khía cạnh quan trọng: tài năng từ khắp các nước trên thế giới tụ lại, cả ngàn nghiên cứu lớn nhỏ của các công ty và các sinh viên PHDs, phần mềm và kỹ thuật áp dụng của các công ty hàng đầu trong khi TC nổi bật về ứng dụng và dữ kiện thực. Âu châu đứng thứ ba.
 
Các thứ hạng trên có thể bị đảo lộn vì chính sách giới hạn di dân của TT Trump. Một nghiên cứu của Georgetown University’s Center for Security and Emerging Technology cho thấy Hoa kỳ sẽ mất dần những đóng góp về trí tuệ nhân tạo của các người ngoại quốc vì đa số các nhân viên và sinh viên ngành trí tuệ nhân tạo không phải là người Hoa kỳ. Đứng đầu nhóm AI này là người Ấn độ và Trung hoa.
 
Năm 2018, theo hiệp hội the Computing Research Association, 62.8 phần trăm bằng Tiến sĩ và 65.4 phần trăm bằng Cao học về khoa học vi tính (computer science, information science and computer engineering) bên Mỹ về tay người ngọai quốc (non-resident aliens). Thống kê cho biết một khi ra trường và có việc tại Mỹ, đa số các thành phần ưu tú này sẽ ở lại. Nếu mất dần những tài năng này, Hoa kỳ làm sao có đủ chuyên viên AI để qua mặt TC đây?
 
Người Mỹ nào cũng biết ông Elon Musk, CEO của hãng Tesla and SpaceX, người Canada từng du học tại University of Pennsylvania. Cha đẻ của ông Steve Jobs là một sinh viên gốc Syria. Ông Sergey Brin, một trong hai người sáng lập Google đến từ Nga.
 
Từ chối nhận sinh viên ngoại quốc là một điều vô lý và ngu xuẩn. Các trường đại học Mỹ cần tiền học phí. Các sinh viên ngoại quốc giúp cho 450,000 người Mỹ có việc và trên $45 tỷ đô la cho các trường đại học (U.S. Dept of Commerce 2018). Chính những sinh viên thế giới này là nguồn tài năng xám của nền kinh tế Mỹ. Nguồn AI của Hoa kỳ không nằm quanh đây vì người Mỹ da trắng ít con, kế đến sinh viên Mỹ không ưa STEM (khoa học, kỹ thuật, kỹ sư và toán), sinh viên nào sẽ vào các trường đại học?
 
Tuy hô hào đánh Huawei nhưng TT Trump lại lơ là về ngân sách dành cho trí tuệ nhân tạo. Chuyên viên phân tích KavehWaddell tóm trong mấy chữ “so far, U.S. funding for AI has been anemic... “, khoảng $2 tỷ đô la (Devin Coldewey-Techcrunch Feb 7, 2020) trong khi TC bỏ ra ít nhất $70 tỷ đô la cho năm 2020 (the Obama White House Report in 2016).
 
Cũng trong chiều hướng gia tăng ngân sách AI, theo báo Forbes Dec 2, 2019, những năm gần đây, TC đã đề xuất trình làng nhiều bài nghiên cứu hơn Hoa kỳ và gia tăng các phát minh về trí tuệ nhân tạo 200% phần trăm, qua mặt cả Hoa kỳ và Nhật bản.
 
Sau gần bốn năm dưới sự lãnh đạo của TT Trump, America First của Trump First đã trở thành... America Alone. Ta bỏ đồng minh hoặc đồng minh xa lánh ta. Ngôi vị lãnh tụ của thế giới đang về tay TC không phải vì Hoa kỳ thua mà vì TT Trump nhìn quá gần, gần như đến đầu tháng 11 năm nay. Hoa kỳ để mặc cho TC thành công về 5G. Tương lai về kỹ thuật, điện tử, vi tính... cũng sẽ không thuộc về Hoa kỳ. Còn trí tuệ nhân tạo, Hoa kỳ cũng có cách để... thất bại mà không ai ngờ được. Ông Eric Schmidt, nguyên là CEO của đại công ty Google nói: “Some of the very best people are in countries that we won’t let into America. Would you rather have them building AI somewhere else, or rather have them here?”.
 
 
K. Nguyễn
 

usaelection gởi