NƯỚC PHÁP VÀ ĐÌNH CÔNG
Nước Pháp lại bước vào một thời kỳ hổn loạn vì nạn đình công. Bắt đầu vào thứ năm 5/12/2019, tất cả các phương tiện chuyên chở ở Pháp đều đình đốn, từ xe lửa nối liền Paris đi các tỉnh, đến 11 chuyến (tuyến) métro ở Paris nằm ỳ tại chỗ, chỉ trừ 2 chuyến số 1 và số 14 là còn chạy để đưa đón khách (2 chuyến này nhờ chạy tự động không cần người lái nên vẫn lưu chuyển). Lý do nhân viên ngành xe điện métro và ngành hỏa xa đồng loạt đình công rồi kéo theo giới giáo dục, y tế... tất cả đình công là để phản đối dự định của chính phủ muốn cải cách chính sách hưu bổng.
Giải thích vấn đề hưu bổng ở Pháp là một chuyện không dễ vì nó rất phức tạp. Pháp có đến 42 chế độ hưu bổng khác nhau, mỗi chế độ ấn định tuổi đi hưu và cách tính tiền hưu riêng biệt, không chế độ nào giống chế độ nào.
Nhất là chế độ hưu bổng của ngành hỏa xa thì dành rất nhiều ưu điểm cho nhân viên. (Ngày xưa xe lửa chạy với than đá, thợ hỏa xa phải xúc đổ than đá vào đầu máy rất là cực nhọc và phải hít thở khói bụi có hại cho sức khỏe, nên họ được hưởng những điều kiện đặc biệt về lương bổng cũng như khi đi hưu. Nhưng ngày nay, xe lửa chạy bằng điện người lái xe lửa chỉ cần bấm nút và nhân viên hỏa xa không còn chết sớm vì bịnh tật do nghề nghiệp tạo ra). Dựa vào những ưu điểm có từ xa xưa ấy, nhân viên ngành hỏa xa khi đi làm đóng tiền vào quỹ hưu bổng thấp hơn những người làm việc ở các nơi khác (9,1%, trong khi những người khác đóng 11,3% ). Họ lại được quyền đi hưu sớm từ 50 đến 55 tuổi. Thêm nữa, nhân viên ngành hỏa xa khi đi hưu, lãnh 75% dựa trên tiền lương của 6 tháng cuối cùng, còn người làm việc thông thường thì chỉ lãnh 50% của 25 năm có lương cao nhất. Bởi vậy trung bình nhân viên ngành hỏa xa khi đi hưu lãnh 3310 €, còn nhân viên ở các cơ quan khác lãnh 1820€.
Để có thể cho nhân viên ngành hỏa xa và các ngành nghề được hưởng hưu bổng ưu ái đó, mỗi năm ngân sách quốc gia phải đổ vào 8 tỷ € thêm cho quỹ hưu của họ.
Với những ưu điểm đó, dĩ nhiên khi chính phủ muốn cải tổ, san bằng những đặc quyền đặc lợi, không còn cho nhân viên xe điện và hỏa xa hưởng những điều kiện ưu ái như trước nữa thì họ phản đối kịch liệt. Và để phản đối có hiệu nghiệm, họ đình công để cả nước Pháp bị «chết cứng».
Nên biết, trước đây, chế độ hưu bổng của Pháp được tính theo tam cá nguyệt (trimestre). Người đi làm khi tổng kết được 161 tam cá nguyệt (cho những người sinh năm 1949) hay 172 tam cá nguyệt (cho những người sinh năm 1973) nghĩa là phải đi làm từ 40 năm đến 43 năm mới đủ điều kiện để đi hưu và khi ấy mới lãnh lương hưu toàn vẹn. Nhưng chính phủ Macron muốn điều chỉnh 42 chế độ hưu bổng (như đã nói, trong đó có nhiều thiên lệch và bất công) để chỉ giữ lại một chế độ hưu bổng duy nhất được tính bằng điểm chứ không bằng tam cá nguyệt.
Để không làm thiệt thòi quyền lợi của dân Pháp ngay tức khắc, đề nghị cải cách của chính phủ chỉ áp dụng cho những người sinh sau năm 1975, nghĩa là ... từ từ sự cải cách này mới áp dụng cho thế hệ sinh ra sau năm 1975. Ngoài ra biện pháp mới về hưu bổng của chính phủ Macron chỉ sẽ bắt đầu áp dụng cho những người sinh năm 2004 : vào năm 18 tuổi của những người này (nghĩa là năm 2022) nếu họ có đi làm họ sẽ đóng tiền cho quỹ hưu trí theo chế độ mới bằng cách “mua điểm”. Suốt thời kỳ làm việc của một cá nhân, mỗi khi đi làm họ sẽ đóng một số tiền vào quỹ hưu trí và số tiền này sẽ chuyển thành “điểm”. Điểm càng cao thì tiền hưu sẽ càng nhiều.
Hiện thời, người Pháp đi hưu ở tuổi 62 nhưng chính phủ Macron muốn tăng tuổi hưu lên 64 vào năm 2027. Với chính sách mới, khi đi hưu ở tuổi 64 người làm việc được hưởng tiền hưu đầy đủ, không bị khấu trừ gì cả. Nhưng nếu đi hưu trước 64 tuổi thì bị thiệt thòi vài phần trăm (5% cho mỗi năm) và nếu cố gắng làm việc để đi hưu sau 64 tuổi thì sẽ được hưởng thêm bonus 5 % trên tiền hưu (cho mỗi năm làm việc thêm của mình).
Sở dĩ các nghiệp đoàn nổi giận và đình công là vì chính phủ Macron tuyên bố : năm 2027 muốn đi hưu ở tuổi 62 cũng được nhưng sẽ mất 10% (mỗi năm mất 5%) còn nếu chờ đến 64 tuổi thì được lãnh lương hưu đầy đủ. Các nghiệp đoàn cho rằng như vậy khác nào chính phủ bắt buộc một cách gián tiếp người dân phải đi hưu ở tuổi 64 ! Thế là họ đình công dài hạn và dọa sẽ kéo dài đình công đến ngày Lễ Giáng Sinh..
Theo chính sách 64 tuổi này, chính phủ Macron muốn khuyến khích người Pháp làm việc lâu dài hơn vì khi làm việc lâu hơn thì người công nhân tiếp tục đóng tiền vào các quỹ xã hội. Đó là việc chính phủ mong muốn để đắp vào lỗ hỏng thiếu hụt của các quỹ hưu bổng sẽ lên đến 17 tỷ € vào năm 2025, nếu cứ tiếp tục ‘không thay đổi gì’ như thế.
Tuy nhiên cũng có những trường hợp người làm việc được quyền đi hưu sớm hơn hạn định 62 hay 64 tuổi. Đó là những người đã bắt tay đi làm sớm, hay những người làm việc trong các điều kiện được đánh giá là cực nhọc quá mức. Những người tàn tật cũng được đi hưu vào tuổi 55 đến 59. Những người có việc làm nguy hiểm như : lính chữa lửa, cảnh sát, hiến binh, lính gát ngục, quân nhân ... thì có quy chế riêng về tuổi đi hưu, từ 52 tuổi đến 57 tuỳ theo ngành.
Càng ngày với những tiến bộ của y khoa, người Pháp lại được chăm sóc sức khỏe chu đáo nên tuổi thọ tăng cao. Nên chuyện kéo dài tuổi làm việc là điều hữu lý. Người Đức đã chấp nhận 67 tuổi để bắt đầu đi hưu, người Thụy Điển đã áp dụng từ năm 2001 biện pháp tính điểm cho chế độ hưu bổng. Chỉ có người Pháp, khi chính phủ muốn cải tổ (về bất cứ điều gì) là phản đối, xuống đường, đình công. Nước Pháp ngày càng phải mượn nợ «ngập đầu» để chi trả mọi thứ nhưng người dân Pháp dường như chỉ biết quyền lợi của riêng mình, càng ngày càng đòi hỏi nhiều hơn. Lạ thật ! Có thể nói đó là thái độ của những người được cưng chiều nên quen thói.
Hình minh họa cho thế hệ sau của người Pháp phải gánh chịu nợ nần.
Người Pháp vẫn tự hào về văn hoá, về đất nước xinh đẹp ; về nghệ thuật ẩm thực và rượu vang, champagne,cognac ; về sản phẩm cao cấp (nước hoa và các hàng xa xí phẩm). Tất cả được thế giới hâm mộ. Để bài tỏ nét tự hào ấy, người Pháp hay nói : đó là cái ngoại lệ của đất nước chúng tôi (l’exception française). Nhưng sự cố chấp cứ muốn hưởng thụ mà không cần biết đến ngày mai của người Pháp cũng là một «l’exception française» ư ??
Tờ báo The Guardian của Anh đã viết về những người ngoại quốc sống trên đất Pháp như sau (bản dịch sang tiếng Pháp)
En France, vous vous êtes intégré à partir du moment où vous vous sentez capable de critiquer, surtout si vous critiquez l'État et le gouvernement. C’est une qualité particulièrement française, presque une maladie, je dirais! Dans ce pays, nous sommes français, nous devons être français et cela nécessite une mentalité toute particulière .
(Ở Pháp người ngoại quốc khi bắt đầu hội nhập vào xã hội thì phải biết chỉ trích, nhất là chỉ trích đất nước và chính phủ. Đó là một đặc điểm của người Pháp, gần như bịnh hoạn ! Và muốn là người Pháp thì phải có «cái cách suy nghĩ» rất đặc biệt đó)
Chính vì vậy, Emmanuel Macron chẳng đã nói về dân tộc mình là «les gaulois réfractaires» những con gà bướng bỉnh, ương ngạnh, thích chống đối, thì cũng đúng đấy chứ.
Thanh Vân.
(Paris) 16/12/2019
Nước Pháp và Bạo Loạn
Những ngày qua, thế giới thảng thốt trước hình ảnh Paris hỗn loạn với nhóm người mặc áo 'gi-lê' màu vàng biểu tình và đập phá. Họ lấy bất cứ vật dụng nào tìm được như : cạy những viên đá lót đường, giật ngã hàng rào sắt của công viên, lấy bàn ghế của quán cà phê ...để ném vào cảnh sát. Rồi đốt xe, đập cửa hàng để 'hôi của', viết bừa bãi trên Khải Hoàn Môn.
Paris tan tác, Đại Lộ Champs-Élysées chìm trong khói cay của cảnh sát bắn ra để chặn bước tiến của nhóm người biểu tình hòa lẫn trong khói lửa xuất phát từ những chiếc xe hơi do nhóm người này đốt . Có người bình luận: "thời Đức Quốc Xã chiếm Paris họ cũng không nỡ phá hoại chút gì nơi thành phố xinh đẹp này". Chua xót mà đúng vậy!
Nhóm biểu tình là ai ? Họ muốn gì?
Khởi đầu họ chỉ muốn phản đối giá xăng dầu sắp tăng lên vài xu mỗi lít, nghĩa là khi đổ đầy bình xăng phải tốn thêm vài đồng euros, nếu lái xe mỗi ngày thì mỗi tháng mất vài chục euros. Đồng ý là khi ngân quỹ gia đình đã eo hẹp thì mất 50 hay 70 euros thêm mỗi tháng cũng là một gánh nặng. Nhưng song song chính phủ có 'tặng' những ngân phiếu giúp mua xăng 30€/hàng tháng cho những người có lợi tức thấp mà phải di chuyển bằng xe hơi đi làm.
Nhưng nhóm người phản đối không thỏa mãn, họ mặc áo vàng ra chận đường không cho xe cộ lưu thông , rồi dần dần biểu tình và quyết định kéo lên Paris đốt phá. Ban đầu chính phủ Pháp yêu cầu họ tụ họp tại Champ de Mars để biểu tình , đó là một khoảng đất trống đối diện Tháp Eiffel mà mỗi khi có lễ lạc như ngày Quốc Khánh 14 tháng 7, nơi này là điểm họp để người dân xem ca nhạc ngoài trời và ngắm pháo hoa. Nhưng đoàn biểu tình không đồng ý, bảo là muốn đi đâu thì đi, không phải những 'con cừu' để chính phủ 'nhốt' (enfermer) vào quãng trường nào cũng được!
Thế là bạo loạn xảy ra như mọi người đã trông thấy. Ngoài ném đá, cây nhọn, banh sắt (pétanque) họ ném cả a-xít vào cảnh sát và cảnh sát chỉ thụt lùi, đôi khi bắt giữ vài phần tử quá hung hăng. Nhìn những cảnh đó, người ta bàng hoàng.. Tại sao người dân tấn công cảnh sát mà không bị trả đũa hay đánh đập lại? (Luật lệ của nước Pháp là như vậy !). Nếu ở một nước nào đó dù là dân chủ tự do nhất (như Mỹ) tấn công cảnh sát thì có nguy cơ bị cảnh sát bắn chết là lẽ thường (quyền tự vệ chính đáng), nhưng ở nước Pháp thì không được. Những người bạo loạn thừa biết kẻ hở đó nên tha hồ lấn lướt và tung hoành.
Thực ra, nếu quy lỗi cho Macron tạo nên bất ổn xã hội này thì không đúng vì ông ta nắm quyền chỉ mới 18 tháng. Một khi xã hội Pháp càng ngày càng chênh lệch giữa người thành thị có công ăn việc làm và người ở tỉnh nhỏ tìm việc khó khăn, thì lỗi này đến từ 30 hay 40 năm qua. Các chính phủ liên tiếp -vừa hữu vừa tả- đã không chấn chỉnh được tình hình kinh tế nên nước Pháp càng ngày càng lún vào thất nghiệp (10%). Và những sai lầm : như chính sách 35 giờ làm việc mỗi tuần (có quốc gia nào làm việc ít như vậy ?), nghỉ hè 5 tuần lễ có trả lương (thật rộng rãi, chỉ duy nhất ở Pháp), đi hưu ở tuổi 62, những người làm việc trong ngành xe lửa thì được đi hưu từ 55 tuổi. Tất cả những ưu tiên đó là gánh nặng khó kham nổi cho các công xưởng. Thêm nữa luật lệ lao động Pháp cũng không cho phép sa thải nhân viên dễ dàng và tiền lương tối thiểu mà công nhân bỏ vào túi hàng tháng là 1173€ (nghĩa là 9,88€ một giờ, 1500€ một tháng trước khi trừ các khoản bảo hiểm xã hội như : sức khỏe, thất nghiệp, tai nạn). Các hãng xưởng chịu một gánh nặng về lương bổng, giờ làm việc ít hơn các nước khác, trả thêm 5 tuần nghỉ hè, và có chuyện gì cũng không dễ sa thải nhân viên. Nên cho dù công nhân Pháp có giỏi tay nghề, khi tính tới tính lui, chủ nhân cũng thấy sở phí quá nặng, hãng xưởng đã được dời đi những nơi khác : như các nước Đông Âu (Hung, Ba Lan) hay gần hơn Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Thổ Nhỉ Kỳ. Nếu không dời đi xa hơn nữa : TQ, VN, Bangladesh, Ấn độ...
Tình trạng này cứ kéo dài, thì người dân Pháp càng thất nghiệp. Nhưng là loại thất nghiệp được trợ cấp, ban đầu là 80% hay 90% số lương, rồi lần lần giảm xuống, nhưng dù 2, 3 năm sau người thất nghiệp vẫn có tiền mỗi tháng, ít hay nhiều.
Mỗi năm tôi có dịp xuống vùng biển ở miền Nam nước Pháp. Vì cứ đi mãi một chỗ nên lâu ngày tôi kết bạn với những người địa phương. Đa số họ không đi làm : hoặc họ lãnh tiền thất nghiệp hoặc lãnh hưu trí non, hoặc lãnh tiền trợ cấp tối thiểu (RSA, Revenu de Solidarité active : 550€ cho những người độc thân, 991€ khi có 2 con, và nếu mẹ một mình nuôi con thì được giúp nhiều thêm nữa). Các ông ở tỉnh nhỏ, cả ngày chơi trò thảy banh sắt (pétanque), các bà đi tắm biển hay piscine, buổi chiều cùng nhau uống rượu apéritif (rượu khai vị) và tán gẫu chuyện trò đến khuya. Khi tôi hỏi : “ở vùng này có vườn nho và vườn cây trái, đến mùa thu hoạch, chủ vườn rao tìm người hái nho, hái trái cây, tại sao quý ông bà không đi làm?” Họ trả lời : "những việc đó nặng nhọc, và nếu chúng tôi đi làm thì sẽ mất tiền trợ cấp". Như vậy họ chọn nhàn hạ, rong chơi và hưởng trợ cấp hơn là đi làm đổ mồ hôi mà cũng chỉ có khoản lương cao hơn một tí so với tiền trợ cấp !!! Chủ vườn đành phải mướn thợ đến từ Tây Ban Nha hay từ các nước Đông Âu.
Đa số dân ở vùng tỉnh nhỏ là như vậy, một 'vấn nạn' của nước Pháp (dĩ nhiên không phải ai cũng đều như thế ). Bây giờ chính những người đó đòi hỏi phải cho họ thêm tiền!
Ngoài ra, ở Pháp, một gia đình đi làm lãnh lương tối thiểu mà có con nhỏ thì được hưởng thêm trợ cấp nhà, trợ cấp con, nghỉ hè cũng được cho một số tiền để dẫn con đi chơi. Bịnh nặng hay kinh niên (ung thư, tiểu đường, gan...) thì người dân Pháp được điều trị miễn phí.
Những người áo vàng này, nhìn xem họ có nghèo khổ cùng cực không ? Dĩ nhiên ở đâu cũng có những trường hợp đáng thương nhưng không phải là đa số.
Có một người áo vàng lên radio, truyền hình nói chuyện, báo chí khám phá ra ông ta lãnh 2600€ hàng tháng tiền thất nghiệp từ 10 năm qua !
Như vậy dân Pháp có quá đáng thương không ? Có sống trong nghèo khổ cùng cực không ? Hoàn toàn không ! Nhưng người dân càng lúc càng đòi hỏi nhiều hơn. Trên truyền hình cho thấy có những người không hài lòng với cuộc sống, khi được phỏng vấn, một người nói : "từ lâu tôi không đi ăn nhà hàng, không đi xem hát hay không đi nghỉ hè". Một bà lão khoảng 65 tuổi nói : "tôi muốn có tiền để tặng quà cho các cháu tôi". Và bà than thở : "không biết con cháu tôi sau này chúng sẽ sống như thế nào ?". Bà này thật mâu thuẫn, khi chính phủ Macron kêu gọi phải ‘thắt lưng buộc bụng’ hy sinh một chút trong vải năm để cân bằng ngân quỹ quốc gia, cho thế hệ mai sau không phải trả nợ ‘ngập đầu’ do cha ông để lại, thì bà biểu tình đòi hỏi, mà chính bà cũng biết là con cháu bà sẽ hứng chịu hậu quả ! Các nước khác như Canada, Đức ... đều đã có những giai đoạn khắc khổ và dân chúng chấp nhận ‘thắt lưng buộc bụng’ nên sau vải năm, đất nước họ phát triển hơn, vững mạnh hơn. Nước Pháp từ 30 năm nay, không có đề nghị nào của chính phủ -tả cũng như hữu- để cải cách đất nước mà được người dân chấp nhận. Lạ thật !
Nhưng phải nói là các chính trị gia đối lập lúc nào cũng ‘đổ dầu vào lữa’. Như ông cựu Tổng Thống nhiệm kỳ vừa rồi, François Hollande, chính ông trong 5 năm cầm quyền, chẳng làm gì được cho nước Pháp. Ở đầu nhiệm kỳ, ông đã nói 'chắc như bắp' là ông sẽ làm giảm thất nghiệp, nhưng thời gian trôi qua, thất nghiệp chẳng thấy giảm, ông không còn lý lẽ nào để ra tái ứng cử nên tuyên bố rút lui. Vậy mà, chỉ một năm sau, ông tuyên bố vung vít : “Macron không phải là Tổng Thống của dân nhà giàu mà là Tổng Thống của dân thật là giàu”, cốt để chỉ trích chính sách chỉ đánh thuế trên bất động sản của người giàu mà miễn thuế trên những placements (tiền đặt để, đầu tư) trong ngân hàng hay trong các cơ quan tài chính để họ không di dời của cải ra khỏi nước Pháp vì nếu đánh thuế mạnh quá thì họ sẽ đem tiền đi nơi khác.
Đó là một chủ trương của Macron, nhờ đó mà hiện nay nhiều hãng xưởng, ngân hàng ngoại quốc đã chọn Pháp để dời cơ sở khi nước Anh tách ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (Brexit). Chánh sách của Macron là thu hút đầu tư để tạo công ăn việc làm, muốn vậy phải tạo điều kiện tốt cho các nhà tư bản chọn Pháp mở công xưởng. Chính sách này vừa có hiệu quả thì các nhà chính trị đối lập ‘phá hôi’, châm biếm hết lời mà không chờ thời gian để nó thành hình.
Trông thấy những người đập phá để đòi hỏi quyền lợi cho mình, người ta thắc mắc tự hỏi : vì lý lẽ nào để 'muốn' cho mình mà 'phá hoại' của người khác ? Đồng ý là không phải tất cả những người áo gi-lê vàng đập phá nhưng khi chính mình tạo cơ hội cho người khác làm sai, thì mình phải nghĩ lại, đằng này những người áo vàng cho điều đó là đúng thì khác nào mình là đồng lõa nhiệt tình.
Biểu tình phá hoại để làm gì, hay chỉ làm cho đất nước tan hoang ? Người Pháp trong quá khứ rất yêu nước, điển hình qua 2 trận thế chiến, họ tự nguyện ra chiến trường, nằm trong hào lũy đầy bùn đất, sống lạnh lẽo chung với chuột bọ để giữ từng tấc đất không cho quân Đức tiến quân. Có khi trong một gia đình, cha ông con cháu đều bỏ mạng trên chiến trường, vậy mà họ vẫn dấn thân. Không hiểu sao, bây giờ chỉ vì quyền lợi bản thân họ tự đánh phá đất nước mình ? Đành là Trời đã ban cho nước Pháp nhiều ưu điểm : một vùng đất có nhiều cảnh đẹp, phì nhiêu, ruộng nho danh tiếng, kiến trúc xưa cổ từ nghìn năm ... nhưng những điều đó không đủ để dân Pháp chỉ muốn nhàn hạ như những người được hưởng ‘thừa kế’.
Phải chăng nước Pháp sẽ tàn lụi vì chính người Pháp gây ra ? Chưa bao giờ câu nói của Tổng Thống Mỹ John F. Kennedy lại có ý nghĩa trước tình thế này : “Đừng đòi hỏi đất nước sẽ làm gì cho bạn, mà hãy tự hỏi : bạn có thể làm gì cho đất nước.” (Ne demandez pas ce que votre pays peut faire pour vous. Demandez ce que vous pouvez faire pour votre pays - Ask not what your country can do for you, ask what you can do for your country).
Thanh Vân
Paris, le 11 décembre 2018
Đặng Hữu Phát gởi