Ông Pompeo: Thế giới nên tách rời khỏi nền kinh tế Trung Quốc và xích lại gần Đài Loan
Hôm 27/9 tại Diễn đàn Doanh nghiệp Đài Loan toàn cầu, cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo nói rằng Hoa Kỳ đã quá 'ngây thơ' với ĐCSTQ trong nhiều thập kỷ để rồi nhận ra rằng, làm ăn với Trung Quốc vừa bất công, vừa mất tự do. Ông kêu gọi thế giới nên tìm cách tách rời khỏi nền kinh tế Trung Quốc và xích lại gần Đài Loan.
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo một lần nữa nhận lời mới tới thăm Đài Loan để tham dự "Diễn đàn Doanh nghiệp Đài Loan toàn cầu" vào ngày 27/9. Đây là chuyến thăm Đài Loan lần thứ hai của ông trong năm nay.
Chuyến thăm Đài Loan lần thứ hai trong năm nay
Ông Michael Pompeo dẫn đầu một phái đoàn đến thăm Đài Loan lần thứ hai trong năm nay. Phái đoàn đến sân bay Quốc tế Đào Viên lúc 9:26 tối ngày 26/9. Phó tổng thống Lại Thanh Đức đến tham dự và có bài phát biểu tại diễn đàn. Phía ngoài hội trường, lực lượng cảnh sát thực hiện công tác giữ gìn an ninh và kiểm tra nghiêm ngặt.
Trong chuyến thăm của ông Pompeo lần này, thế giới bên ngoài đã chú ý đến những động thái mới của ĐCSTQ và các cuộc tấn công quân sự của ĐCSTQ nhắm vào Đài Loan. Bộ trưởng Quốc phòng Đài Loan Khưu Quốc Chính (Qiu Guozheng) cho biết trong một cuộc phỏng vấn với giới truyền thông rằng, Quân đội Đài Loan sẽ tiếp tục chú ý đến ĐCSTQ. Mỗi khi có khách nước ngoài đến thăm Đài Loan, ĐCSTQ sẽ thực hiện một số động thái. Điều này diễn ra hàng ngày, nhưng sức ảnh hưởng của nó là khác nhau, ông Khưu Quốc Chính cho hay.
Bộ Quốc phòng Trung Hoa Dân Quốc (Ministry of National Defense) cho biết, tính đến 5 giờ chiều ngày 27/9, Đài Loan đã phát hiện tổng cộng 11 phi cơ xuất kích và 4 tàu Trung Quốc đang tiếp tục hoạt động trên vùng biển và vùng trời xung quanh Đài Loan. Quân đội Quốc gia đã điều động máy bay, tàu chiến và hệ thống tên lửa bờ biển để giám sát chặt chẽ và chuẩn bị kế hoạch ứng phó.
Ông Pompeo: Đài Loan tự do và về cơ bản khác với ĐCSTQ
“Diễn đàn Doanh nghiệp Đài Loan toàn cầu” lần thứ hai được tổ chức tại khách sạn Marriott ở Cao Hùng vào hôm 27/9. Khoảng 300 doanh nhân Đài Loan từ khắp nơi trên thế giới đã tham dự sự kiện.
Ông Pompeo nói rằng ông rất vinh dự được đến Đài Loan để tham dự sự kiện này lần thứ nhất. Trên thực tế, ông tin rằng bất kỳ người Mỹ nào đến thăm Đài Loan đều sẽ có cảm giác như ở nhà. Mặc dù Đài Loan và Hoa Kỳ có nền văn hóa khác nhau, nhưng người Mỹ cũng sẽ nhận thấy những điểm chung giữa hai nơi, chẳng hạn như một xã hội sáng tạo với pháp quyền, nhân quyền, thị trường tự do và dân chủ.
"Người Mỹ sẽ thấy một quốc gia yêu tự do, và họ biết giá trị và cái giá của tự do. Thậm chí còn tốt hơn nhiều đồng bào Mỹ của chúng tôi ngày nay", ông Pompeo cho hay.
Ông chỉ ra rằng, một số người không hài lòng khi thấy người Mỹ đến đây để củng cố tình hữu nghị sâu sắc giữa Hoa Kỳ và Đài Loan. Một số người thậm chí còn cho rằng Đài Loan không phải là tự do, mà là một phần của cái gọi là ĐCSTQ. Ông nhấn mạnh rằng Đài Loan thực sự là tự do. Nếu ông Pompeo có thể đến Đài Loan nhưng không thể đến Trung Quốc, điều đó cho thấy Đài Loan về cơ bản khác với ĐCSTQ.
Phó Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức (bên phải) chạm khuỷu tay với cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo trong Diễn đàn Doanh nghiệp Đài Loan Toàn cầu tại Cao Hùng, Đài Loan, hôm 27/9/2022. (Ảnh: Sam Yeh/AFP/Getty Images )
Thực tế là các nhà lãnh đạo đương nhiệm và tiền nhiệm của Đài Loan từng nói rằng, Đài Loan không cần phải tuyên bố độc lập, bởi vì Đài Loan đã là một nền dân chủ độc lập có chủ quyền.
Ông Pompeo cho biết, một trong những điều tự hào nhất mà ông từng làm với tư cách là ngoại trưởng là đưa chính phủ và người dân Hoa Kỳ xích lại gần Đài Loan hơn. Ông nói rằng, bất kỳ người Mỹ nào đã từng đến Đài Loan và Trung Quốc đều sẽ cảm nhận sự khác biệt rõ rệt: một bên là tự do và một bên thì không; một bên là đồng minh của Hoa Kỳ còn bên kia là đối thủ.
"Chúng tôi nhận ra thực tế đó dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Trump và bắt đầu thúc đẩy sự công nhận nhiều hơn đối với chính sách của Hoa Kỳ", ông Pompeo cho hay. Ông cũng đề nghị xóa sổ các biện pháp hạn chế vô nghĩa và phản tác dụng đối với các nhà ngoại giao Đài Loan ở Washington. Không còn nghi ngờ gì nữa, các nền dân chủ thân thiện và các nhà ngoại giao của Đài Loan có thể tự do hợp tác và gặp gỡ ở bất cứ đâu họ muốn mà không bị hạn chế.
Ông Pompeo nói rằng hầu như tất cả các thiết bị điện tử trên thế giới đều có dấu ấn của các công ty bán dẫn của Đài Loan như: điện thoại di động, máy tính, các linh kiện điện tử và nhiều thiết bị quan trọng khác, tất cả đều dựa vào nguồn cung cấp của Đài Loan. Vì vậy Đài Loan rất quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia Hoa Kỳ.
Ông đề cập rằng hành động xâm lược ngoại giao, quân sự và kinh tế của ĐCSTQ đã thay đổi hiện trạng khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, và hậu quả là những người muốn theo đuổi tự do ngày càng xích lại gần nhau hơn. Đài Loan đã tăng ngân sách quốc phòng, và mối quan hệ Mỹ - Đài ngày càng trở nên sâu sắc hơn. Nhật Bản cuối cùng cũng bắt đầu nói về việc tăng ngân sách quốc phòng, có thể gần gấp đôi so với trước đây. Úc đã quyết định đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, và điều này cũng nhằm tăng cường khả năng răn đe ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương.
'Nếu muốn có một thế kỷ 21 tự do, đừng mù quáng hợp tác với ĐCSTQ'
Ông Pompeo đề cập rằng Hoa Kỳ phải thừa nhận một sự thật phũ phàng, và sự thật này sẽ khiến mọi người tỉnh táo trong nhiều thập kỷ tới. Nếu Washington muốn có một thế kỷ 21 tự do, chứ không phải thế kỷ của Trung Quốc mà ông Tập Cận Bình hằng mơ ước, thì việc tương tác một cách mù quáng với ĐCSTQ sẽ khiến nước Mỹ không bao giờ chạm tới mục tiêu này.
Ông cho rằng quyết định của cựu Tổng thống Trump đã làm thay đổi chiến lược chính trị, cũng như chuyển hướng nền kinh tế và thương mại nước Mỹ. Đây là điều tất yếu vì nó liên quan mật thiết đến an ninh quốc gia và nền kinh tế Hoa Kỳ.
Washington đã áp thuế đối với hơn một nửa hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đồng thời tăng cường kiểm soát xuất khẩu, hết sức cẩn trọng để không ảnh hưởng đến người tiêu dùng hoặc làm gián đoạn chuỗi cung ứng. Hoa Kỳ cũng áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với chất bán dẫn, điều này cũng ảnh hưởng đến chất bán dẫn của Đài Loan sử dụng các công cụ của Mỹ trong các cơ sở sản xuất của họ. Và kết quả này không phải là sự tách rời của Hoa Kỳ hay Đài Loan khỏi ĐCSTQ, mà là một bước ngoặt.
Ông tin rằng điều này không chỉ là tác động trực tiếp đến thương mại, mà là một tín hiệu, một biểu hiện của ý chí, rằng hiện trạng kinh tế từng mang lại lợi ích cho ĐCSTQ trong hai thập kỷ qua, nay đã thay đổi.
Ông Pompeo tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ đối với Đài Loan đặc biệt là về thương mại tự do. Cam kết kiên định của Mỹ đối với thương mại tự do và thị trường sẽ cho phép Mỹ làm được nhiều điều tốt đẹp hơn trên khắp thế giới, đặc biệt là khi hợp tác với nền dân chủ của Đài Loan.
Ông Pompeo: Hoa Kỳ quá ngây thơ khi làm ăn với Trung Quốc
Ông Pompeo nói rằng Hoa Kỳ đã quá 'ngây thơ' với ĐCSTQ trong nhiều thập kỷ để rồi nhận ra rằng, làm ăn với Trung Quốc vừa bất công, vừa mất tự do. Bởi vì nếu một quốc gia không tôn trọng các quyền cơ bản của con người, thì các quy tắc, các quyền sở hữu tài sản trí tuệ, các hiệp định thương mại đều trở nên vô nghĩa. Khi họ sẵn sàng đánh cắp tài sản trí tuệ, bóc lột công nhân và thậm chí phạm tội diệt chủng, thì không thể nói đến thương mại tự do nào cả, ông nói.
Ông nói: “Đài Loan hoàn toàn đối lập với ĐCSTQ ở những khía cạnh then chốt này. Đài Loan tôn trọng giá trị của thương mại tự do". Đó là lý do tại sao mối quan hệ thương mại Mỹ-Đài đang tiến triển rất tốt đẹp, và Đài Loan cũng là hình mẫu của thương mại tự do trên thế giới.
Ông Pompeo cũng kêu gọi Hoa Kỳ và các quốc gia tự do khác nên tìm kiếm một chiến lược tách rời khỏi ĐCSTQ và xích lại gần Đài Loan hơn.
Huyền Anh/Lam Giang
_____________
Đỗ Hứng gởi