Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
Phải nên cầu như thế nào? 
 
 
 
Trong Phật pháp kinh điển đã khẳng định, “Phật thị môn trung, hữu cầu tất ứng.” Vọng ngữ là đại giới trong nhà Phật, vậy thì căn cứ vào đâu mà chư Phật Bồ Tát sao có thể nói lời không thực tế như vậy? 
 
Mạnh Tử nói, “cầu tắc đắc chi, thị cầu tại ngã giả dã. Đạo đức nhân nghĩa, khả dĩ lực cầu, công danh phú qúy, như hà cầu đắc?” Nghĩa là: cầu mà được bởi vì điều cầu đó có ở trong tâm ta. Nhưng đạo đức nhân nghĩa thiện lương ở trong tâm có thể tự lực tìm cầu hay sửa đổi được; còn công danh, phú quý, giàu sang là những điều ở ngoài thân, làm sao cầu được?
 
Lục Tổ nói: Tất cả phước điền đều không rời tâm. Từ nơi tâm mình mà cầu thì mọi sự đều cảm ứng. Tìm cầu ở ngay nội tâm của mình thì không những chỉ cầu được đạo đức, nhân nghĩa; mà ngay cả công danh, phú quý cũng cầu được; trong ngoài đều được; cầu như vậy mới hữu ích vì cầu mà được vậy. 
 
“Câu này ở trong Lục Tổ Đàn kinh: Nhất thiết phước điền, bất ly phương thốn. “Phương thốn” chính là chỉ cho tâm địa của chúng ta. Cát hung họa phước là từ trong tâm chúng ta biến hiện ra, bất li phương thốn. Tòng tâm nhi mịch cảm vô bất thông, chúng ta cầu cảm ứng, cầu cảm ứng thì từ chỗ nào mà cầu? Từ chân tâm mà cầu. Cho nên cầu phú quý được phú quý, cầu trai gái được trai gái, cầu sống lâu được sống lâu. Cho nên, bạn phải hiểu được cái đạo lý tìm cầu, phải biết được cái phương pháp tìm cầu. Nếu bạn như lý như pháp mà cầu, có điều gì bạn không cầu được chứ. Thế xuất thế gian khó nhất là thành Phật, thành Phật mà còn có thể cầu được thì hà huống gì là công danh, phú quý thế gian.” (Hòa Thượng Tịnh Không giảng.) 
 
Hướng vào trong tự tánh mà cầu thì liền hữu cầu tất ứng, hướng ra bên ngoài mà cầu chưa chắc sẽ có ứng. Đa số chúng ta vì vô minh nên thường ngoài tâm mà cầu pháp, hướng đến bên ngoài (ngoại tâm) mà cầu. Đó là cầu ngoại đạo. Nếu ngoài tâm mà cầu pháp, thì Phật Pháp Tăng đều biến thành bên ngoài. Vừa thọ tam quy thì tức khắc thành ngoại đạo. Bồ Tát Đại Thế Chí dạy chúng ta phương pháp niệm Phật, “Gom nhiếp sáu căn, tịnh niệm liên tục,” đó là tự tánh tam bảo. Nếu như gọi đó là phương pháp thì đó là pháp bảo, nếu như gọi đó là bản thể thì đó là bản lai diện mục của phật bảo với đầy đủ tự tánh tam bảo. Phật dạy chúng ta như vậy mà quy y, không phải quy y tam bảo bên ngoài. Quy y tam bảo bên ngoài, không hiểu được tam bảo bên trong thì biến thành ngoại đạo. Ngoại đạo nầy không có nghĩa là tôn giáo khác mà là ngoài vòng kim cang phục ma khuyên. 
 
Nếu không biết hướng về nội tâm, mà chỉ mưu đồ hướng ngoại tìm thì thật không hợp đạo lý mà chỉ được những nhân quả hay những điều định mệnh đã an bài. Số mệnh đã định thì chẳng phải phí công phí sức, dù cầu hay không, tự nhiên rồi sẽ có. Ngược lại số không có, lại không biết phương pháp hướng nội tâm mà cầu thì dù có trăm phương ngàn kế mưu đồ cũng không được gì cả, chỉ mất công vô ích mà thôi, vì ở trong thì tâm trí thao thức không yên, ngoài thì chẳng được gì cả, đó là nội ngoại song thất. Thuyết thiên mệnh, số mệnh không phải là quan niệm của Phật Giáo nhưng số mệnh mà tôi muốn nói đây là không thay đổi được nghiệp quả nếu chúng ta không biết cách cầu. 

Lê Huy Trứ


Tle8464953 gởi