Ông vượt qua kỷ lục trước đây của Laurent Fabius, người được tổng thống Francois Mitterrand bổ nhiệm làm lãnh đạo chính phủ ở tuổi 37 năm 1984. Ông Gabriel Attal tại văn phòng ở Paris hồi tháng 9/2020. Ảnh: AFP
Ông Attal sinh tháng 3/1989, tốt nghiệp thạc sĩ công vụ tại Đại học Sciences Po ở Paris. Ông được cho là muốn tiến vào chính trường khi tham gia một cuộc biểu tình phản đối bà Jean-Marie Le Pen, khi lãnh đạo cực hữu này cạnh tranh với ông Jacques Chirac trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2002.
Ông Attal gia nhập đảng Xã hội năm 2006. Năm 2012, ông làm việc tại văn phòng bộ trưởng y tế Pháp khi đó là Marisol Touraine, mẹ của một người bạn cùng lớp. Bà Touraine mô tả Attal là " người khéo léo, có trách nhiệm" và dự đoán ông có "tương lai tươi sáng, sự nghiệp tuyệt vời".
Attal gia nhập đảng En Marche (sau này đổi tên thành Renaissance) của ông Macron năm 2016 và nhanh chóng thăng tiến. Ông là phát ngôn viên chính phủ Pháp trong giai đoạn đại dịch Covid-19, quốc vụ khanh Bộ Tài chính và được bổ nhiệm lãnh đạo Bộ Giáo dục năm 2023.
Hai tháng sau khi trở thành Bộ trưởng Giáo dục, ông gây tiếng vang với lệnh cấm học sinh mặc abaya, một loại trang phục thường được phụ nữ Hồi giáo khoác lên người."Chủ nghĩa thế tục đồng nghĩa với quyền tự do được giải phóng chính mình tại trường học", ông nói khi đó.
Quyết định của Attal đã gây nhiều tranh cãi về các quy định thế tục ở Pháp, quốc gia có cộng đồng người theo Hồi giáo đông đảo. Động thái này cũng được cho là đã góp phần khiến Attal nổi bật hơn trên chính trường.
Tân Thủ tướng Attal có phong cách chính trị quyết liệt, đối lập với người tiền nhiệm Elisabeth Borne, 62 tuổi, một nhà kỹ trị thích điều hành ở hậu trường. Việc được bổ nhiệm làm Thủ tướng ở tuổi 34 khiến ông Attal được so sánh với chính ông Macron, người từng trở thành tổng thống trẻ nhất của Pháp ở tuổi 39.
Ông Attal cũng là Thủ tướng Pháp đầu tiên là người đồng tính công khai. Năm 2018, ông từng có mối quan hệ với Stephane Sejourne, cựu cố vấn chính trị của Tổng thống Macron. Động thái bổ nhiệm ông Attal diễn ra sau khi bà Borne nộp đơn từ chức ngày 8/1, trong bối cảnh Tổng thống Macron chuẩn bị công bố nội các mới. Bà Borne nhậm chức hồi tháng 5/2022, là nữ thủ tướng thứ hai trong lịch sử Pháp.
Ông Macron từng làm dấy lên đồn đoán về cải tổ chính phủ hồi tháng trước, khi hứa hẹn về một sáng kiến chính trị mới sau năm 2023 nhiều tranh cãi liên quan đến các cải cách về hệ thống lương hưu và luật nhập cư cũng như tình trạng bạo loạn tại một số đô thị. Việc thông qua luật nhập cư cứng rắn gần đây đã gây rạn nứt trong liên minh cầm quyền, buộc ông Macron hứa hẹn về một sáng kiến chính trị mới.
Tại Pháp, tổng thống là người đưa ra các chính sách chung, nhưng thủ tướng quản lý hoạt động của chính phủ, đồng nghĩa sẽ chịu trách nhiệm khi chính quyền gặp bê bối.
"Bộ đôi Macron - Attal có thể mang đến luồng sinh khí mới cho chính phủ Pháp", nhà thăm dò Jean-Daniel Levy của công ty nghiên cứu Harris Interactive nhận định.
Trong khi đó, phe đối lập không kỳ vọng nhiều từ việc thay thủ tướng, bởi ông Macron vẫn là người ra quyết định trong đa số vấn đề. "Elisabeth Borne, Gabriel Attal hay bất kỳ ai khác, tôi không quan tâm, vẫn sẽ là những chính sách đó", Olivier Faure, lãnh đạo đảng Xã hội, nói
Tổng thống Macron sẽ không thể tái tranh cử năm 2027, vì ông đã đạt giới hạn hai nhiệm kỳ theo quy định của hiến pháp. Việc cải tổ nội các được cho là nhằm giúp tạo thêm lợi thế cho ứng viên của đảng Renaissance cầm quyền, tránh thất bại trước đảng đối lập Mặt trận Quốc gia Pháp (NR) của bà Le Pen, trong bối cảnh nhiều chính trị gia tin bà sẽ đắc cử.
________________
Đặng Hữu Phát gởi