PHÁP HỌC VÀ PHÁP HÀNH
Khi đề cập đến những người tu trong Phật Giáo, thì chúng ta thấy có phân ra hai khuynh hướng tu học, một số vị thì nghiêng về pháp học, còn số vị khác lại chuyên về pháp hành.
☘ Vậy pháp học là gì ?
Là cả đời tu chỉ chuyên về việc nghiên cứu, học tập kinh điển, xem các luận bản... để biết được hết Tam tạng kinh điển ( Kinh, Luật, Luận ), nhiều vị còn phiên dịch kinh điển, hay viết ra nhiều bộ luận dựa trên kiến thức, sự hiểu biết đã tích lũy. Nhưng tâm thật sự chứng ngộ, hay đạt đạo thì có thể chưa, chỉ hiểu, chứ chưa thực chứng. (Còn số vị mà chuyên về pháp học nhưng tâm đã giác ngộ thì rất hiếm có, thời nay càng vô cùng hiếm).
☘ Còn pháp hành là gì ?
Là người tu này sau khi nắm được kiến thức cơ bản, vị này đi chuyên sâu vào việc thực hành giáo pháp. Cả ngày dành nhiều thời gian cho việc thực hành. Như ở trong các thiền viện thì mỗi thầy một ngày có thể ngồi thiền im lặng bất động ít nhất bốn tiếng đồng hồ, đây là chưa kể thời gian đi thiền hành, hay còn tối về ngồi, đi thêm nữa (Còn các vị đang nhập thất thì thời gian chuyên chú ngồi thiền hay đi thiền hành... thì dường như cả ngày, chỉ trừ vài tiếng lúc ngủ hay ăn cơm, vệ sinh cá nhân thôi).
Còn những vị tu Tịnh Độ thì họ cũng rất chuyên chú vào câu niệm Phật, giữ tâm luôn ở trạng thái nhất niệm, các thời khóa chính các vị ấy niệm Phật thành tiếng, còn thời khóa phụ, Vị ấy giữ tâm tĩnh lặng chánh niệm, luôn duy trì tâm ở trạng thái vắng lặng tĩnh giác, nếu cảm thấy tâm nhiều vọng tưởng Vị ấy trở lại với câu Phật hiệu niệm để giữ tâm trở lại sự chuyên chú, khi thấy ổn Vị ấy trở lại với sự tĩnh giác vắng lặng yên tĩnh, biết rõ thân tâm.
Những vị tu miên mật như thế này, nếu đủ cơ duyên họ rất dễ ngộ đạo.
Nên thường quý vị để ý thấy, những vị tu chuyên về pháp hành rất dễ chứng ngộ hơn những vị chuyên về pháp học.
☘ Còn quan điểm của tôi về vấn đề này thì :
Học lý thuyết chỉ để áp dụng vào việc tu hành chứ không đi lang man vào những lý luận suông, thiếu tính thực tiễn. Tuy nhiên, một số Vị có hạnh nguyện sinh trở lại cõi đời để phiên dịch kinh điển, để giúp cho chúng sinh có kinh sách tu hành. Do đó, vấn đề này chúng ta không nên phê bình hay xem thường, không nên nghĩ rằng mình đang tu pháp hành là ngon, cao ...khởi niệm như thế coi chừng bị tổn Phước.
Song, nhìn vào thực tế thì thời nay chúng ta thấy số lượng người tu pháp học nhiều hơn pháp hành. Nhiều vị cả đời tu chỉ chuyên về đi học hết bằng cấp này tới bằng cấp nọ. Đây gọi là đang nghiêng về pháp học. Kết thúc bài viết tôi ghi lại một đoạn lời dạy của Thiền sư Ajahn Chah, Ngài là một vị Thiền sư rất nổi tiếng người Thái Lan tu khổ hạnh sống trong rừng. Ngài thì chuyên về pháp hành, chuyên về thiền Tứ niệm xứ.
Ngài dạy như sau :
Để đi xuyên qua được một khu rừng rậm, chúng ta không cần thiết phải phá hết cả khu rừng, chỉ cần dọn một lối đi chính giữa, sau đó đi theo đường lối ấy thì cũng có thể đi xuyên qua được khu rừng.
Ví dụ này để nói lên việc học giáo pháp :
Chúng ta không cần thiết phải học hết cả Tam tạng kinh điển, hãy tập trung vào những kiến thức căn bản nhất, quan trọng nhất, cốt yếu nhất giúp ích trong việc hành trì, từ đó chúng ta chuyên chú vào việc thực hành thì sẽ đưa đến sự Giác Ngộ.
"Dầu nói ít kinh điển,
Nhưng hành pháp, tùy pháp,
Từ bỏ tham, sân, si,
Tỉnh giác, tâm giải thoát,
Không chấp thủ hai đời,
Dự phần Sa môn hạnh."
(Kinh Pháp Cú - Bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu)
- Tỏ tường với Pháp học,
quyết tâm với Pháp hành,
chắc chắn sẽ có ngày đạt đến Pháp Thành viên mãn..
Như Nhiên- Th Tánh Tuệ
________________
Yahoo Account gởi