Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
Pháp ngữ 3
 
hoà thượng Tuyên Hoá
 
 
Tu hành không thể tham đồ phương tiện, không thể xí đồ cầu may. Tu hành tức nói về công phu chân thật, nghĩa là dùng một phần công, thì sẽ có một phần quả thật; dùng mười phần công thì sẽ có mười phần quả thật. Ðây là định luật thiên cổ bất biến. Bất cứ tu pháp môn gì, càng khổ thì càng tốt, càng cực nhọc càng tốt, càng phí sức càng tốt. Từ xưa tới nay, cảnh giới khai ngộ đều từ trong sự khổ mà đắc được. Bổn phận của tôi thì nên tu hành như vậy (ngồi thiền), cho đến thành hay chẳng thành đạo, đừng màng nó. Nên có tư tưởng như thế.
 
Có người nói: ‘’Tôi một ngày niệm một trăm linh tám (108) biến Chú Ðại Bi, lại tụng một bộ kinh Pháp Hoa, đó có thật tu hành chăng ? ‘’Ðó thì chẳng cho là tu hành. Hãy nhìn quá khứ chư Phật Bồ Tát, các Ngài vì tu hành mà xả thân mạng; vì cầu Phật đạo phân thân nát cốt, mà chẳng tiếc. Phải có tinh thần hy sinh như thế, mới là đệ tử Phật chân chính, mới có thể đắc được định chân chính kiên cố.
 
Phải trồng nhân kiên cố, thì mới có thể kết quả kiên cố. Có quả kiên cố rồi, thì sẽ thoát khỏi ba cõi, dứt sinh tử. Muốn thoát khỏi cõi dục chăng ? Vậy, trước hết phải đoạn dục, tức là đoạn: Tài, sắc, danh, thực, thùy, năm dục. Hoặc đoạn: Sắc, thanh, hương, vị, xúc, năm cảnh. Ðoạn được thì sẽ thanh tịnh, chẳng đoạn được thì ô nhiễm. Thanh tịnh thì thoát khỏi cõi dục, ô nhiễm thì sẽ đoạ sáu nẻo. Dục đoạn thì thoát khỏi cõi dục, đoạn sắc thì thoát khỏi cõi sắc, như nếu chẳng chấp tướng, Do đó : ‘’Quét tất cả pháp, lìa tất cả tướng.’’ Hoặc là : ‘’Thấy việc tỉnh việc thoát khỏi thế gian. Thấy việc mê việc đọa trầm luân.’’ Hoặc là : ‘’Mắt thấy hình sắc trong chẳng biết. Tai nghe chuyện đời tâm chẳng hay.’’ Hoặc là: ‘’Bên trong chẳng có tâm. Bên ngoài chẳng có hình. Xa xa chẳng có vật.’’ Nếu đến được những cảnh giới này thì sẽ vượt khỏi cõi sắc. Ðến được chẳng có cảnh giới, chẳng những chẳng có hình sắc, mà cho đến tâm thức cũng chẳng còn. Lúc đó, liền thoát khỏi ba cõi.
 
Bồ Tát tu hành, làm các công đức rất kiên cố, không thể phá hoại được. Cho nên nói sở tác kiên cố chẳng tổn hại. Tức cũng là sở hành sở tác nhất định sẽ thành tựu, không thể lãng phí công phu. Giống như tất cả Bồ Tát tu hạnh thù thắng (lục độ vạn hạnh), chứng được công đức, chẳng cách chi hình dung được. Bồ Tát tu hành đạo thanh tịnh (chẳng có dục niệm), nguyện vì chúng sinh để tuyên nói, khiến cho chúng sinh cũng tu đạo thanh tịnh. Tóm lại, tức là đoạn dục khử ái. Nhìn thủng thân thể, buông bỏ chấp trước. Bằng không thì chấp cái này, chấp cái kia, chẳng phải là đạo thanh tịnh mà là đạo ô nhiễm. Ðạo thanh tịnh tức là bổn lai diện mục, tức cũng là cảnh giới như như chẳng động, liễu liễu thường minh.
 
 
 
        Ma có nhiều thứ, ma lợi hại nhất là tâm ma. Nó hay khiến cho bạn chẳng tu hành. Bạn muốn tu hành, thì nó lại nhiễu loạn, khiến cho bạn sinh vọng tưởng. Nó hay nói với bạn như vầy: ‘’Ðừng tu hành ! Tu hành là một việc khổ sở. Bạn phải ăn nhiều một chút, phải mặc nhiều một chút, phải ngủ nhiều một chút, nuôi dưỡng thân thể cho tốt. Ðó mới là đúng, đừng quá ngu si‘’! Tâm ma của mình thường hay phá hoại tâm tu đạo của mình.
 
        Người tu hành, nếu biết tu, thì tu thiện trong thiện. Không biết tu, thì tu ác trong thiện. Biết tu thì ở trong ác cũng có thiện. Chẳng biết tu, thì ở trong thiện cũng có ác. Cho nên có thiện trong thiện, ác trong thiện; thiện trong ác, ác trong ác – có bốn thứ phân biệt nầy. Người tu hành, trước hết phải hiểu rõ pháp thiện. Làm việc thiện trồng nhân thiện, đây là thiện trong thiện. Làm việc thiện trồng nhân ác, đây là ác trong thiện. Làm việc ác trồng nhân thiện, đây là thiện trong ác. Làm việc ác trồng nhân ác, đây là ác trong ác. Thiện pháp tức là thiện trong thiện, ác pháp tức là ác trong ác.
 
        Chúng ta người tu đạo, phải lập công, lập ngôn, lập đức, đây là pháp môn tối quan trọng. Nhưng không cần đến nơi xa để tìm, ở tại Chùa Kim Sơn sẽ tìm được. Là cái gì ? Nói đơn giản, thứ nhất đừng có lười biếng. Thứ hai đừng có ích kỷ. Vì Chùa Kim Sơn mà làm công, tức là lập công. Hộ trì tam bảo, tức là lập đức. Giảng Kinh thuyết pháp, tức là lập ngôn. Ba thứ nầy làm được viên mãn, thì công đức sẽ vô lượng.
 
        Người tu đạo, đừng có tư tưởng "hoạch thiện kỳ thân" (pháp tiểu thừa), phải có hành vi "kiêm thiện Thiên hạ" (pháp đại thừa). Kiêm thiện Thiên hạ, tức là vì lợi ích chúng minh mà làm Phật sự. Tóm lại, đừng vì mình mà làm việc, phải vì đại chúng mà làm việc. Do đó : "Tự lợi lợi tha, tự giác giác tha, tự độ độ tha". Ðây là tinh thần đại công vô tư, ai ai làm được, thì ai ai cũng có thể tự tại. Ðộc thiện kỳ thân, tức là vì mình chẳng vì người. Vì mình làm việc, mà chẳng chịu vị đại chúng mà làm việc. Do đó : "Tự lợi chẳng lợi tha, tự giác chẳng giác tha, tự độ chẳng độ tha". Ðây là tà kiến ích kỷ.
 
        Chúng ta người tu đạo, phải giữ bổn phận. Hãy buông xả tâm ích kỷ, hãy đề khởi tâm đạo đức, tất cả đều nghĩ về đại chúng. Phàm là có việc lợi ích cho đại chúng, thì tận lực mà làm, đừng có so sánh lợi hại được mất. Có một phần sức lực, thì tận một phần sức lực, có mười phần sức lực, thì tận mười phần sức lực. Lấy việc công làm việc tư, ai ai cũng làm được như thế, thì gia đình đều hoà khí, xã hội được an ninh, quốc gia được giàu mạnh, thế giới được hoà bình. Do đó có thể thấy, ích kỷ là đứng đầu của vạn điều ác. Nhất định phải tiêu diệt nó, đừng để nó làm sóng làm gió, làm cho thiên hạ đại loạn.
 
        Tụng trì Chú Ðại Bi, đắc được sự lợi ích, dù suốt thuở vị lai nói cũng không hết được. Phàm là người tụng trì Chú Ðại Bi, tuyệt đối chẳng đoạ vào ba đường ác. Nếu đoạ vào ba đường ác, thì Bồ Tát Quán Thế Âm Ngài cũng không thành Phật. Người tụng trì Chú Ðại Bi, thì tất cả sự ngu si, nếu không biến thành trí huệ, thì Bồ Tát Quán Thế Âm Ngài không thành Phật. Chú Ðại Bi trị được tám vạn bốn ngàn thứ bệnh của thế gian. Nếu có bệnh tật, thậm chí bác sĩ đông tây cũng bó tay, nếu bạn kiền thành tụng trì Chú Ðại Bi, thì nhất định không thuốc mà khỏi bệnh. Tức có thần hiệu không thể nghĩ bàn như thế.
 
        Chúng ta chúng sinh với chư Phật, có quan hệ không thể phân ly, chư Phật đã thành Phật, chúng sinh chưa thành Phật. Pháp thân của Phật trụ khắp trong thân chúng sinh chưa thành Phật. Do đó: "Nay con đều hiểu các Như Lai, Như Lai với con không khác biệt. Như Lai thường ở trong thân con, Như Lai tức là ngã chân như".
 
Chư Phật chẳng lìa khỏi thân của chúng ta, cho nên đừng đi khắp nơi tìm Phật. Chỉ cần quay đầu lại, thì có thể sẽ thấy được Phật. Do đó: "Biển khổ không bờ, Quay đầu là bến".
 
Nếu bạn giác ngộ tất cả các pháp, tức là trở về nguồn cội, cũng là rõ tâm thấy tánh, nghĩa là chứng được bản thể của Như Lai.
 
Chúng ta chúng sinh đều đang sống ở trong pháp thân Như Lai, nếu chẳng phải ở trong pháp thân Như Lai, thì chúng sinh cũng đều chết. Giống như trong thân thể của mỗi người chúng ta, đều có vô lượng vi khuẩn. Những vi khuẩn nầy, nương thân người mà tồn tại. Con người chết đi, thì vi khuẩn cũng chết. Pháp thân Như Lai ví như thân thể con người, chúng sinh ví như vi khuẩn. Chúng ta tồn tại ở trong pháp thân Như Lai, cũng giống như vi khuẩn tồn tại ở trong thân người, cùng một đạo lý. Pháp thân của Như Lai không thể nào chết, mà chúng ta ở trong luân hồi chuyển lại chuyển đi, sinh tồn ở trong luân hồi. Bản tánh của chúng ta tức là Phật tánh. Do đó:
 
 
 
"Tất cả chúng sinh, Ðều sẽ thành Phật".
 
 
 
        Ðáng tiếc chúng ta không biết tu hành, cho nên chưa có thể thành Phật.
 
 
 
Pháp thân của Phật, đầy khắp hư không. Những hạt bụi ở trong hư không, chẳng có một hạt bụi nào, mà chẳng phải là nơi pháp thân của Phật ở tại đó, chẳng phải là nơi Phật pháp ở tại đó, chẳng phải là nơi mười phương hiền Thánh Tăng ở tại đó. Cho nên ở trong hư không đầy khắp Phật Pháp Tăng Tam Bảo. Tức nhiên đầy khắp hư không, nhưng vẫn là chân không. Tức cũng là trong chân không có diệu hữu, trong diệu hữu đầy đủ chân không. Do đó:
 
 
 
"Chân không chẳng ngại diệu hữu
 
Diệu hữu chẳng ngại chân không".
 
 
 
Tóm lại, chân không chẳng không mà sinh diệu hữu, diệu hữu chẳng hữu mà sinh chân không, đây tức là trung đạo.
 
        Giống như cõi hư không, cũng chẳng sinh, cũng chẳng diệt. Khi nào sinh ra, chẳng có ai biết. Khi nào tiêu diệt, chẳng có ai hay. Nếu có thể đập vụn hư không ra, thì lúc đó, sự chấp trước sẽ phá tan. Nếu không thể đập vụn hư không, thì vẫn có cái "không" tồn tại. Không sinh không diệt tức là bản tánh của hư không. Pháp của chư Phật nói, cũng giống như hư không, cũng chẳng sinh chẳng diệt. Ðến lúc cứu kính cũng chẳng có sinh diệt.
 
Ai ai cũng đều có tâm tham, tham mà không biết chán. Tham cầu chẳng được, thì sinh vô minh. Vô minh khởi lên, thì có phiền não. Có phiền não rồi thì lý trí khống chế chẳng được tình cảm, thậm chí mất đi trí huệ, bèn tạo ra những việc ngu si, cho nên gọi tham sân si là ba độc.
 
Tham đó, bao gồm đủ thứ sự mong muốn hy vọng. Hoặc tham danh lợi, hoặc tham phú quý. Sự tham đó, chẳng có lúc nào biết đủ. Tham dục đó từ đâu đến ? Tức là từ trong sự ích kỷ mà sinh ra. Nếu chẳng có ích kỷ tác quái, thì chẳng có tâm tham dục lớn như thế. Chẳng có tham dục lớn, thì chẳng có phiền não lớn. Chẳng có phiền não, thì trí huệ sẽ hiện tiền, lúc đó chẳng còn ngu si nữa.
 
Pháp thân của Phật, tận hư không khắp pháp giới. Không thể nói Phật ở cõi nước nầy ra đời, ở cõi nước kia chẳng ra đời. Sở dĩ Phật ra đời, là vì ứng duyên của chúng sinh. Cũng không thể ngày đêm mà thấy được Phật, hoặc một năm, hoặc một tháng, hoặc một sát na. Không thể dùng thời gian để tính đếm, cũng không thể dùng không gian để tưởng niệm. Phật là vượt thời gian và không gian. Phật có thể dung nạp vô lượng kiếp làm một niệm, lại có thể kéo dài một sát na làm vô lượng kiếp. Ðây là cảnh giới không thể nghĩ bàn. Nên biết, hoàn toàn là tình hình như vậy. Không thể dùng cõi nước, ngày đêm, năm tháng, một sát na, để trắc lượng và minh bạch cảnh giới không thể nghĩ bàn nào của Phật.
 
Người học Phật pháp, nên lấy sự nghiên cứu thế giới làm trách nhiệm của mình. Cử chỉ, hành động, lời nói của mỗi người, nên tưởng nghĩ đến thế giới. Tại sao hiện tại trên thế giới có nhiều chiến tranh như thế ? Là vì ở trong tâm của mỗi người đặc biệt có nhiều chiến tranh. Chiến tranh trong tâm, tức là vọng tưởng ở trong tâm. Vọng tưởng ở trong tâm tức là chiến tranh lý và dục. Lý tức là thiên lý, chân lý tự nhiên. Dục là dục niệm, tham mà chẳng biết chán. Dục niệm thời thường chiến tranh lý trí, là vì dục niệm chinh phục lý trí, cho nên thế giới càng ngày càng xấu đi.
 
Nếu đầu óc của mỗi người đều tỉnh táo, tiêu diệt vọng tưởng của mình, thì trí huệ chân chánh sẽ hiện tiền. Một người có trí huệ chân chánh, thì một người được bình an. Mười người có trí huệ chân chánh, thì mười người được bình an. Nhân dân của một quốc gia, đều có lý trí, thì quốc gia đó sẽ được bình an. Cho đến thế giới cũng đều sẽ bình an.
 
Tại sao thế giới chẳng bình an ? Vì trong tâm ai ai cũng đều có tâm dâm dục hoành hành, trí huệ bớt đi. Cho nên thế giới càng ngày càng xấu đi. Nếu ai ai cũng hướng thiện, lấy việc cứu giúp thế giới làm trách nhiệm của mình, thì thế giới sẽ vĩnh viễn hoà bình, chẳng có chiến tranh.
 
Phải biết rằng chẳng phải thế giới chẳng tốt, mà là chính chúng ta chẳng tốt. Nếu muốn thế giới tốt đẹp, thì phải từ bản thân mà làm, giảm bớt đi tâm ích kỷ, tâm tự lợi, tâm tham dục, tâm sân hận, tâm ngu si, hoặc là quét sạch. Ðược như thế thì thế giới sẽ tốt đẹp.
 
        Phật giáo cũng tình hình giống như vậy, chẳng phải là Phật giáo chẳng tốt, mà là ta chưa tốt. Nếu ta có thể thanh tâm quả dục, chẳng có mọi tập khí mao bệnh, chẳng nghe lời quỷ, mà nghe lời Phật, thì tự nhiên sẽ bình an vô sự.
 
        Nghe lời quỷ, tức là con quỷ ích kỷ tác quái, kiến nghị với bạn rằng: Việc này, đối với bạn chẳng có lợi ích, bạn nên sửa đổi tư tưởng như vầy và như vầy, ra chủ ý thế bạn. Tóm lại, hoàn toàn vì lợi ích của mình mà tính toán.
 
        Nghe lời Phật, tức là xả mình vì người, vì lợi ích của đại chúng mà nỗ lực. Vì hạnh phúc của mọi người mà phát triển, còn sự lợi hại của mình chẳng màng đến, thấy việc nghĩa là làm, thậm chí vào chỗ dầu sôi lửa bỏng cũng không từ. Có tinh thần hy sinh như vậy, đó là tư tưởng và hành vi chân chánh của Phật giáo đồ.
 
        Muốn khiến cho Phật giáo tốt, thì mỗi Phật giáo đồ, chỉ cần quét sạch vọng tưởng của mình, chẳng còn ý niệm nhiễm ô tồn tại. Nếu còn một tơ hào ý niệm nhiễm ô, thì sẽ không đắc được trí huệ thanh tịnh, cảnh giới thanh tịnh sẽ chẳng hiện tiền. Vĩnh viễn hồ đồ, chỉ biết cầu danh, cầu lợi, cầu phước, cầu lộc, chỉ biết ích kỷ lợi mình, tất cả đều vì mình, chẳng nghĩ đến kẻ khác.
 
        Chúng ta tu hành nhiều năm, tại sao vẫn còn ngu si ? Sự việc gì cũng chẳng minh bạch ? Là vì tâm nhiễm ô quá nặng, trí huệ thanh tịnh chẳng hiện tiền. Ai có thể "Tâm thanh thuỷ hiện nguyệt, ý định Thiên vô vân". Tâm nước trong hiện trăng, ý định trời không mây, thì người đó chẳng có tư dục tạp niệm, trí huệ chân chánh sẽ hiện tiền.
 
        Chúng ta muốn tu pháp môn nhẫn nhục, thì phải có công phu hàm dưỡng, nghe những lời chẳng thuận tai, cũng chẳng buồn. Cổ nhân có nói:
 
"Kiến ngô quá giả thị ngô sư".
 
Nghĩa là:
 
"Người thấy lỗi tôi là thầy tôi".
 
Ai thấy được lỗi lầm của tôi, thì người đó là thầy tôi. Tử Lộ thời xưa nghe qua liền hoan hỉ. Ðại Câu Vương nghe qua liền lạy. Ðó là người dũng mãnh sửa đổi lỗi lầm, có lỗi thì tự sửa, người khác không cách chi giúp bạn sửa đổi, người khác chỉ khuyên nói mà thôi, muốn cho bạn trừ khử sạch tập khí mao bệnh. Sửa hay không là do bạn, người khác chẳng có cách nào khác.
 
        Chúng ta người tu đạo, nên nhớ ! Nên nhớ ! Ðừng chướng ngại người khác tu đạo. Mình chẳng tu đạo, thì đã phạm quy cụ, lại làm ảnh hưởng đến người khác không tu đạo, khiến cho tâm của họ chẳng được bình an, dấy khởi vọng tưởng, đó là một việc rất nguy hiểm. Nếu chẳng mau sửa đổi tư tưởng và hành vi như thế, thì tương lai đoạ vào địa ngục, nhất định bạn sẽ có phần.
 
Nếu như ở tại hữu tình thế gian (chúng sinh thế gian), mà xa lìa tất cả mọi sự chấp trước, thì sẽ đạt đến cảnh giới viên dung vô ngại, lúc đó, tâm chẳng có mọi sự chấp trước, sẽ sinh tâm đại hoan hỉ, đắc được giải thoát. Sẽ minh bạch tất cả pháp, bổn lai tự tánh vốn có đủ. Do đó: "Hạt châu ở trong áo, chẳng từ bên ngoài mà có được". Ðối với pháp liền đắc được khai ngộ.
 
        Chấp trước tức là chấp giữ vào tất cả những điều tốt. Giống như người tham tiền tài, thì chấp trước vào tiền tài. Người tham sắc đẹp, thì chấp trước vào sắc đẹp. Người tham danh, thì chấp trước vào danh. Người tham ăn, thì chấp trước vào ăn. Người tham ngủ, thì chấp trước vào ngủ. Tóm lại, tham gì thì chấp trước vào đó; có chấp trước thì chẳng đắc được giải thoát.
 
        Còn có chấp về cái ta, tất cả là ta đều tốt, đó tức là ích kỷ. Có ích kỷ, thì muốn lợi cho mình. Người học Phật pháp, lại có sự chấp trước về pháp. Tôi giảng được bộ Kinh nầy, thì có chấp trước về bộ Kinh nầy. Tôi giảng được bộ Kinh nọ, thì có chấp trước về bộ Kinh nọ. Tôi hiểu biết nhiều hơn anh, thì có pháp chấp. Tôi tu hành có công phu hơn anh, cũng là pháp chấp. Trước khi chưa học Phật, thì chẳng có pháp chấp. Học Phật rồi, thì nhìn ai chẳng ra gì, sinh ra đại ngã mạn, đó tức là chấp về pháp. Chúng ta chúng sinh, giống như tằm nhả tơ, tự ràng buộc mình, chẳng được giải thoát.
 
Bồ Tát cứu độ tất cả chúng sinh, mà chẳng kể công, chẳng chấp tướng, chẳng khoe khoang. Ngài đem tất cả công đức thiện nghiệp hồi hướng cho tất cả chúng sinh. Lìa các tướng, tức là lìa khỏi sự chấp trước. Nếu có sự chấp trước, thì sẽ tự mãn, sẽ kiêu ngạo. Một khi sinh tâm kiêu ngạo, thì vĩnh viễn sẽ không thể khai mở đại trí huệ. Sự khó khăn nhất, quang trọng nhất của sự tu hành, là tu lìa sự chấp trước, lìa sự kiêu ngạo, nếu không thì không thể nào đắc được sự giải thoát. Chấp trước thì giống như dùng sợi dây thừng tự trói buộc mình, cho nên nói không thể được giải thoát. Người chấp trước, thì tâm lượng nhỏ, không thể dung chứa người, dung chứa vật, tuyệt đối sẽ chẳng có đại trí huệ, chẳng có đại trí huệ quang minh. Người chẳng chấp trước vào "người, sự việc, thời, đất, vật", mới có thể cứu độ tất cả chúng sinh, lìa tướng chúng sinh hồi hướng, cuối cùng tự nhiên sẽ đạt đến bồ đề viên mãn, quy vô sở đắc, khai đại ngộ, được đại trí huệ.
 
Các vị đệ tử của Phật ! Ðại Bồ Tát, thấy tất cả chúng sinh, tạo đủ thứ nghiệp ác. Thân họ tạo nghiệp giết hại, trộm cắp, tà dâm, tâm thì tham lam, sân hận, ngu si, miệng thì nói dối, nói hai lưỡi, nói thêu dệt, chửi mắng, tự tạo ra đủ thứ nghiệp ác, tự thọ tất cả thống khổ. Ai ai cũng chẳng muốn thọ khổ, nhưng họ lại đang thọ khổ. Ðây chẳng phải kẻ khác trao cho, cũng chẳng phải ông trời không công bằng, tuỳ tiện ban bố cho bạn, cũng chẳng phải Phật Bồ Tát không bảo hộ bạn để khiến cho bạn thọ nhận. Ðây là do trong nhiều đời, nhiều kiếp, tự mình làm, tự mình chịu, tạo nghiệp chiêu cảm quả khổ. Vì nghiệp ác báo chướng, cho nên chẳng thấy được Phật, chẳng nghe được Pháp, chẳng gặp được hiền Thánh Tăng, suốt đời chẳng nghe được tên Tam Bảo. Bồ Tát thấy tình hình như vậy, nên trong tâm bèn nghĩ như vầy: Tôi phải vào trong ba đường ác, để thay thế những chúng sinh đó, thọ đủ thứ khổ, khiến cho những chúng sinh thọ khổ, đều đắc được giải thoát. Khi Bồ Tát thọ khổ độc như thế, thì càng thọ khổ, ngược lại càng dũng mãnh tinh tấn, càng siêng tu giới định huệ, càng diệt trừ tham sân si. Ngài chẳng xả bỏ chúng sinh mà trốn tránh thống khổ. Khi có cảnh giới khổ nạn đến thân, thì Ngài cũng chẳng sợ hãi mất tích. Dù có đến địa ngục để thay thế những chúng sinh thọ khổ cực hình thảm khốc, Ngài cũng chẳng sinh tâm khiếp sợ, quyết chẳng vì khổ lớn mà sinh tâm thối lùi, thay đổi tâm nguyện chẳng thay thế chúng sinh thọ khổ, hoặc sợ sệt mà sinh tâm khiếp nhược. Tâm nguyện Bồ Tát kiên cố, Ngài vĩnh viễn chẳng thối khiếp, vĩnh viễn chẳng cảm thấy mệt mỏi, hoặc nhàm chán. Ngài nhận rằng:
 
 
 
"Thọ khổ thì hết khổ,
 
Hưởng phước thì tiêu phước".
 
 
 
        Ngài nhận rằng càng thọ khổ thì càng tốt, càng khổ thì càng muốn, Ngài muốn đấu tranh với khổ. Các vị thiện tín ! Có phải bạn cảm thấy vị đại Bồ Tát đó quá ngu si chăng ? Tại sao lại muốn đi tìm khổ thọ ! Các vị phải biết Bồ Tát thọ khổ là nguyện lực xưa, chẳng giống như phàm phu thọ khổ, thì bị nghiệp báo ràng buộc. Giống như hiện tại ai ai cũng đều ăn ba bữa, ngủ giường rộng, họ ăn thật no nê mập mạp, ngủ thì ngủ nhiều, còn chúng ta thì ngày ăn một bữa, thường thường cảm thấy đói chút chút, cũng chẳng mập mạp. Ðây chẳng phải là chúng ta kiếp trước tạo nghiệp ác, đời nầy thọ thứ khổ nầy, mà là chúng ta muốn thọ một chút khổ ăn không no, ngủ không nhiều, nhờ đây để hết khổ. Chẳng có ai bảo chúng ta làm như thế, mà là chúng ta muốn làm như vậy. Bồ Tát Ngài chẳng phải ngu si, lấy khổ làm vui, Ngài muốn thay thế chúng sinh thọ khổ, mới viên mãn công đức Bồ Tát đạo, mới thành tựu quả vị Phật. Phàm phu tự cho mình thông minh, tránh khổ tìm vui, khéo léo đủ cách, kết quả không những chẳng thành Phật, ngược lại tạo ra những tội nghiệt như thế. Nếu chúng ta muốn thành Phật, thì phải học sự ngu si của Bồ Tát, có thể thay thế người thọ khổ, tạo nhiều nghiệp lành. Giả sử bạn không muốn thành Phật, thì dùng con quỷ thông minh của mình, con trùng lanh lợi đi mưu toan, cho rằng chẳng thọ khổ, đợi đến lúc khổ báo đến, thì hối hận chẳng còn kịp nữa, mới biết rốt ráo học sự ngu si của Bồ Tát là tốt. Tại sao ? Nguyên nhân tại sao Bồ Tát phát nguyện như thế ? Vì Bồ Tát Ngài tự nguyện phát tâm nguyện thay thế chúng sinh thọ khổ, Ngài hạ quyết tâm muốn thay thế chúng sinh đảm trách sự khổ, hy vọng khiến cho chúng sinh đắc được giải thoát, lìa khổ được vui, bỏ mê về với giác ngộ, chấm dứt sinh tử. Vì nguyên nhân nầy mà Bồ Tát mới phát nguyện lớn nầy, tu tập căn lành hồi hướng cho chúng sinh.
 
Các vị thiện sĩ ! Bạn không ngại hãy nghĩ xem, nếu bạn có thể đối với tất cả tướng đều chẳng chấp trước, thì còn có phiền não gì chớ ! Không chấp tướng, buông xả đặng, tức là không chấp trước, việc gì cũng không thể dẫn khởi bạn phiền não. Bạn thường ở trong cảnh giới tự tại tự như, tự mình mát mẻ an vui, thì kẻ khác sẽ thấy được, cũng hoan hỉ gần gũi bạn. Những người nhiều phiền não, suốt ngày ở trong thành sầu muộn, thì việc gì cũng trách oán người, là vì họ nhìn chẳng phá được tất cả tướng, tất cả đều xem quá chân thật, chấp trước thấy cái ta, nhận giặc làm con, nhiễm khổ làm vui, chẳng nhận thức được tất cả trên thế gian đều là hư vọng. Bồ Tát Ngài đã phá trừ được tất cả sự chấp trước, cho nên khéo hay tu hành. Nếu phàm phu có thể phá trừ được chấp cái ta, thì sẽ đồng với Bồ Tát, tu hành đủ thứ nghiệp thiện. Bồ Tát tu hành, thì Ngài tu pháp thanh tịnh, siêng tu chẳng giải đãi, quyết chẳng lãng phí thời gian, tu tu ngừng ngừng, thì sẽ quên đi việc tu hạnh lành. Ngài xả lìa tất cả sự chấp trước, cho nên Ngài thường trụ ở trong hạnh môn không chấp, không nương tựa.
 
        Bồ Tát suy gẫm khéo léo như vậy, chẳng có mê hoặc, chẳng trái với các pháp, chẳng hoại nghiệp nhân. Thấy rõ chân thật, khéo léo hồi hướng, biết pháp tự tánh. Dùng sức phương tiện, thành tựu nghiệp báo, đến được bờ kia. Trí huệ quán sát tất cả các pháp, được thần thông trí huệ. Các nghiệp căn lành không làm mà làm, tuỳ tâm tự tại.
 
        Bồ Tát dùng trí huệ phương tiện khéo léo của Ngài như vậy, để suy gẫm pháp thâm sâu vô thượng của chư Phật nói, thấu rõ các pháp thật tướng, mọi việc đều thông đạt vô ngại. Ngài đối với mọi việc gì cũng chẳng có nghi hoặc. Phàm là xử sự tiếp vật, trong tâm của Ngài, giống như một tấm gương, chiếu rõ tất cả cảnh giới, do đó:
 
 
 
"Việc đến thì sáng,
 
Việc đi thì tịnh".
 
 
 
        Tấm gướng nó cũng:
 
 
 
"Vật đến thì ứng,
 
Vật đi thì không".
 
 
 
- Bồ Tát chẳng mê hoặc về sự lý, cũng chẳng trái ngược với tất cả các pháp thật tướng. Ngữ mặc động tĩnh, cũng chẳng bị nhân của nghiệp phá hoại. Nghiệp vẫn là nghiệp, nhân vẫn là nhân, đó là do Bồ Tát đã thấy rõ đạo lý chân thật. Ðồng thời Ngài cũng biết vận dụng trí huệ như thế nào, khéo léo hồi hướng tất cả những căn lành tu hành. Bồ Tát minh bạch tự tánh của các pháp, là thanh tịnh, vắng lặng, là cảm mà toại thông. Tất cả nhân duyên nghiệp báo, nương trí huệ sinh ra sức phương tiện, khéo léo vận dụng, mới thành tựu nghiệp báo, mới có thể đạt đến giai đoạn viên mãn rốt ráo, tức là đạt đến Niết Bàn bờ kia. Suy gẫm quán sát các pháp, chẳng phải dùng ý thức của phàm phu, có thể thấu rõ được thật tướng các pháp. Mà là phải dùng sức trí huệ không chấp, không nương, để quán sát tất cả các pháp. Cho nên hoạch được thần thông trí huệ. Căn lành của tất cả nghiệp thiện, đừng trước ý tạo tác; tóm lại, tức là chẳng có mục đích, chẳng có xí đồ mà làm, thì tự nhiên tu hành pháp môn nầy. Bồ Tát Ngài tuỳ tâm tự tại tu hành, đắc được cảnh giới tự tại như ý.
 
 
- Các vị thiện tín ! Nếu mỗi người đều có tâm từ bi, còn có nhìn sự việc không đúng của chúng sinh chăng ? Còn có thể cảm thấy người khác không thuận mắt chăng ? Hoan hỉ ai, chán ghét ai, ai thiện ai ác, sinh những tâm phân biệt nầy chăng ? Sự việc trên thế gian, lập trường của mỗi người đều khác nhau, tư tưởng đều khác nhau, do đó ý kiến mỗi cá nhân, hình thành thị phi đối lập tranh chấp, đối nghịch, phỉ báng, tiến thêm nữa diễn ra cảnh chảy máu chém giết, đó đều là do chẳng có tâm từ bi, chẳng có lòng dung thứ, vì ngã kiến quá sâu, tâm sân quá nặng. Nếu như ai ai cũng đều có tâm lượng rộng lớn như hư không khắp pháp giới, thì còn có lỗi lầm tranh chấp tôi đúng bạn sai chăng ? Tôi thường thường nói với các bạn: Nhà xí là nơi dơ bẩn nhất, nhưng trên thế giới có phải không cần nhà xí chăng ? Tôi muốn mọi người đều biết là không thể nào được. Bất luận là người giàu nghèo sang hèn, đều muốn ăn thức ăn ngon, nhưng ăn vào trong bụng rồi, trải qua sự tiêu hoá, thải ra chẳng muốn nhìn, vật rất là thối. Lúc đó, nếu bạn chẳng dùng nhà xí để chuyển vận, thì còn dùng phương pháp gì để giải quyết ? Rắn độc thú dữ thì hại người, nhưng ông trời có đức háo sinh, bạn có thể trừ diệt sạch hết chúng chăng ? Cho nên chúng ta đừng có nhìn người khác không đúng, đừng có nhìn nhất cử nhất động chỗ không tốt của người khác, phải dưỡng thành tâm dung thứ người khác, nhất là người xuất gia tu đạo, càng phải có tâm từ bi, tha thứ cho người, người tốt kẻ xấu đều đối đãi như nhau, dùng tâm từ bi để cảm hoá kẻ ác, kẻ ác mới là đối tượng giáo hoá của chúng ta, tu tập căn lành công đức, thì tại người ác thấy có công hiệu nhất. Nhất là không thể thấy người có lỗi lầm thì bỏ họ, kẻ khác chẳng bằng tâm ý của ta thì bài bác họ, như thế là dưỡng lớn tâm sân hận, tự giam bớt mầm bồ đề.
 
- Tôi có mấy câu rất thiển cạn, cũng có thể nói là châm ngôn xử sự làm người của tôi, nói ra cho các vị nghe. Nếu các bạn cảm thấy đúng, thì đừng ngại thực hành theo; nếu các bạn cho rằng không hợp ý, thì bạn cũng có thể lập ra tiêu chuẩn càng tốt.
 
"Sự sự đô hảo khứ". Nghĩa là mọi việc đều trôi qua tốt đẹp: Việc gì cũng đều chẳng có.
 
"Phiền não nan đoạn liễu". Nghĩa là phiền não khó dứt hết, chỉ có phiền não khó đoạn dứt sạch nhất.
 
"Chân năng bất sinh khí". Nghĩa là thật không sinh nóng giận, nếu bạn thật không nóng giận với kẻ khác.
 
"Tựu đắc vô giá bảo". Nghĩa là sẽ được báu vô giá, Không nóng giận là báu vô giá. Không màng cảnh giới gì, thiện ác tốt xấu, thậm chí gặp người đánh chưởi, đều không nóng giận, cảnh nghịch đến thuận mà thọ nhận, tu công phu nhẫn nhục, như thế chẳng đợi đắc được báu vô giá, bèn trở thành đại phú ông giàu có nhất trong nước.
 
"Tái yếu bất oán nhân". Nghĩa là lại chẳng thù oán người, tiến thêm một bước nữa chẳng oán trời trách người.
 
"Vạn sự đô năng hảo". Nghĩa là mọi việc thảy đều tốt, lúc đó tâm cảnh của bạn rộng lớn thái nhiên, mọi việc đều cảm thấy thuận tâm như ý.
 
"Phiền não vĩnh bất sinh". Nghĩa là phiền não vĩnh viễn không sinh, Mọi việc đều như ý, thì làm gì còn có phiền não sinh ra ?
 
"Sân hận tiêu trừ liễu". Nghĩa là sân hận đã tiêu trừ, vì tâm lượng rộng lớn, hay dung thứ người, nhường cho người, thì tâm sân hận vốn chẳng có chỗ nào sinh ra, như vậy thì tự nhiên sẽ tiêu trừ sạch hết không còn.
 
"Oan nghiệp tùng na trảo". Nghĩa là oan nghiệp tìm chỗ nào? Bạn không sân hận kẻ khác, lại không đố kị người khác, khắp nơi đều hoà khí, đi đến đâu thì nơi đó đều mát mẻ yên bình, ai ai cũng đều mến bạn, gần gũi bạn, thì còn có oan gia đối đầu chăng ?
 
"Thường sầu nhân bất đối". Nghĩa là còn lo người không đúng, bạn cảm thấy người nầy cũng không đúng, người kia cũng không thuận mắt, chuyên môn vạch lông tìm vết, tâm đầy oán khí, cái nầy không đúng cái kia không đúng.
 
"Na thị khổ một liễu". Nghĩa là, như vậy khổ chưa hết, trái cũng không đúng, phải cũng không đúng, lúc nào cũng phiền não, chuyện gì cũng nổi giận, đó chẳng phải tự mình tìm chuốt lấy cái khổ chăng, ai có thể thay thế được !
 
- Tại sao chúng sanh tu mà không đắc đạo? Chính vì vọng tâm quá nhiều. Nếu có vọng tâm thì chân tánh luôn bị nhiễu loạn, ắt sẽ khiến người ta dễ chấp vào sắc dục. Khi tâm đã vướng vào vòng ái dục, sự tham cầu vật chất nối liền phát sanh và tâm chứa đầy phiền não. Khi vọng tưởng khởi, phiền não sanh, khiến thân tâm ưu khổ không được tự tại.
 
- Chúng sanh lặn hụp trong biển sanh tử luân hồi không thoát ra được, nên Chân Đạo ngày một xa vợi. Biển khổ không bờ, nếu mình biết hồi đầu thời sẽ đến bờ giác cứu cánh Niết Bàn, hồi phục bổn lai diện mục của mình. Chủ yếu cần phải tỉnh giác trong mỗi niệm, như gà ấp trứng, mèo rình chuột, rồng giữ hạt châu thì tự nhiên chẳng bao lâu sẽ nhận được tin lành.
 
- Phật-giáo là tôn giáo đề xướng tinh thần "vô ngã" cho nên không chấp nhận chuyện bói toán, coi tử vi, phong thủy, hay coi tướng số. Những chuyện đó đều đi ngược lại với Phật-pháp, cho nên mình phải cấm chỉ chuyện phổ biến nó. Nếu như quý-vị tin vào những thứ tà pháp đó, thì tự nhiên chấp nhận cái "ngã" của mình tồn tại, tất cả là vì mình. Hễ có cái của mình, thì mình luôn luôn tìm cách vì mình mà tính toán, vì mình mà chẳng vì người khác; như vậy thì không còn gì là Phật-pháp nữa.
 
- Phật-pháp thì dạy con người không tranh, không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không vọng ngữ. Còn phong thủy thì dạy người ta tranh, dạy người ta cầu, ích kỷ, dạy họ tự lợi, dạy họ nói láo. Thậm chí còn nói láo rằng trong một trăm ngày, thì có thể đại phát tài, có thể làm quan. Người có lòng tham thì liền tin lời của y. Thật ra đại tài chưa phát, mà tiểu tài đã hao đi, vì phải đem tiền đi trả lễ cho ông thầy bói rồi. Bói như vậy chẳng khác nào bảo người đó đi cướp tiền ngân hàng để lập tức được phát tài, không cần một trăm ngày cũng đã phát rồi.
 
- Lại nữa, nếu ông thầy bói biết chỗ nào có phong thủy tốt có thể phát tài, có thể thăng quan tiến chức, thì tại sao bản thân y không dùng, mà nói cho người khác biết? Thật là vô lý! Hy vọng những người thông minh như quý-vị đừng nên mê tín bị những kẻ đó lừa bịp.
 
- Y học, bói toán, tinh văn, tướng số, y bốc tinh tướng ở trong Phật-giáo là một trong năm nghề người tu đạo không nên làm. Y tức là bác sĩ trị bệnh cho người khác (người tại gia làm bác sĩ được, song kẻ xuất gia không làm). Bói toán biết chuyện tốt xấu kiết hung. Tinh tức là tinh văn coi tinh tú biết được chuyện tốt xấu kiết hung. Tướng tức là tướng mạo, coi biết được mệnh vận thuận hay nghịch. Ðó là những điều mê tín. Mình phải biết rằng đạo lý "nhân định thắng thiên" con người có thể thắng được trời.
 
- Người xuất gia tu đạo, sinh tử là chuyện không sợ, hà huống là những chuyện nhỏ nhặt này? Những thứ đó có gì mà phải lấy làm lạ. Người xuất gia là người siêu xuất ra số mạng.
 
 Siêu xuất tam giới ngoại,
Bất tại ngũ hành trung.
 
Nghĩa là:
 
Vượt ra khỏi tam giới,
Không ở trong ngũ hành.
 
- Nếu tính tướng mạng, phong thủy, đó là những thứ mà những kẻ thế tục mới tin. Mình phải hiểu rằng vận mệnh con người đều do nghiệp lực chiêu cảm mà sinh ra. Mình đừng để tập khí dắt dẫn, đừng để vật dục làm mê mờ; cần phải tự sáng tạo vận mạng cho chính mình, phải làm chủ tể vận mạng. Cứ làm nhiều công đức thì sẽ cải tạo vận mạng của mình. Khi gặp nạn tự nhiên sẽ hóa thành kiết tường. Rằng:
 
Ðản hành hảo sự
Mạc vấn tiền trình.
 
Nghĩa là:
 
Cứ làm việc tốt,
Đừng hỏi chuyện tương lai.
 
 
Pháp giới có bốn tướng: Thành, trụ, hoại, không. Lúc thành thì thành tựu từng chút từng chút. Lúc trụ thì loài người càng ngày càng tiến hoá, càng ngày càng văn minh. Nhưng phải biết, tiến hoá và văn minh đạt đến cực điểm, thì thế giới sẽ huỷ hoại. Tại sao ? Lúc đó con người không cần máy bay, ai ai cũng có thần thông, có thể bay đi ở trong hư không, mà không chướng ngại. Hết thảy lỗ lông trong thân người đều biết nói, lại biết lắng nghe các thứ âm thanh, không cần điện thoại. Bất cứ hai người cách xa bao nhiêu, đó đây đều nói chuyện với nhau, giống như ở trước mặt. Đến được trình độ nầy, thì trái đất tự nhiên sẽ chẳng còn nữa, đây là đạo lý gì ? Vì bí mật của vũ trụ đã bị lộ ra, chẳng cách chi sinh tồn, cho nên sẽ huỷ diệt.
 
Nói một cách đơn giản, giữa loài người với nhau, cùng nhau có tham sân si ba độc, vì có ba độc, cho nên tạo ra khí độc, đầy dẫy hư không. Hư không bị nhiễm ô không thanh khiết, con người hít vào, thì từ từ trúng độc, tự nhiên sẽ khiến cho nhân loại tuyệt chủng. Đó cũng giống như trái đất huỷ diệt.
 
Vì có tham sân si, nên con người với con người tranh đấu với nhau, nhà với nhà tranh đấu với nhau, nước này với nước kia tranh đấu với nhau, trái đất với hành tinh tranh đấu với nhau, khiến cho vũ trụ đồng quy ư tận, nguy hiểm giống như ba nạn lớn xuất hiện.
 
Vì có sự quan hệ như thế, cho nên pháp giới không thanh tịnh. Hoạ may có Bồ Tát phát nguyện, khiến cho pháp giới không bị huỷ hoại, mà còn viên mãn lại thanh tịnh, biến hoá tất cả khí xấu thành cát tường.
 
- Các vị chú ý ! Học tập Phật pháp, mục đích là cầu trí huệ. Phải ngày càng thông minh, không thể ngày càng hồ đồ. Có người càng học càng cống cao, càng tu càng ngã mạn. Đối với bạn hữu đồng tu biểu hiện ra vẻ ta đây. Những tư tưởng đó không thể được, nếu có những tư tưởng đó thì phải sớm sửa đổi, bằng không thì trong địa ngục sẽ có một phần của bạn.
 
Có người nói : "Kinh văn của Kinh Hoa Nghiêm, nói tới nói lui, thật là không có ý nghĩa gì hết". Đó là vì đức hạnh của bạn không đủ, căn lành không thâm sâu, mới có tư tưởng như thế. Nếu nghiệp chướng thanh tịnh, thì lúc nào nghe Kinh cũng như uống cam lồ. Tóm lại, người nghe Kinh mà ngủ, thì tự mình phải hồi quang phản chiếu, suy gẫm tại sao ? tất phải có nguyên nhân.
 
Hành vi và tư tưởng của Bồ Tát khác với phàm phu chúng ta. Phàm phu chỉ biết có mình, chẳng biết có người khác. Song, Bồ Tát chỉ biết lợi ích chúng sinh, chẳng biết lợi ích chính mình. Phàm phu cho rằng Bồ Tát quá ngu. Có người nói : "Con người không ích kỷ, thì trời tru đất diệt". Đó mới là biểu hiện không có từ bi. Người chân chánh học Phật pháp, thì có thể vì pháp quên mình, có tinh thần vô uý thí.
 
 
 
Tại sao chúng ta có phiền não ? Tại sao có sầu lo ? Tại sao có sự không vui ? Là ví tâm ích kỷ đang tác quái ! Tâm nhiễm ô đang tác quái ! Cống cao ngã mạn đang tác quái ! Tập khí mao bệnh đang tác quái ! Do đó, tâm chẳng thanh tịnh, tâm chẳng hoan hỉ, nên có phiền não, có sầu lo. Thậm chí lễ Phật cũng chẳng vui vẻ, nghe Kinh cũng không vui vẻ. Bất cứ làm gì, cũng làm việc phô diễn, chẳng chân thật mà làm. Đó mới là việc khổ thật sự, tuyệt đối không an lạc.
 
 
 
Do nghiệp cảm khác nhau, cho nên trồng nhân thanh tịnh, thì được quả thanh tịnh; trồng nhân nhiễm ô, thì được quả nhiễm ô. Thứ nghiệp thiện ác hỗn tạp nầy, có lúc trong nghiệp thiện thêm nghiệp ác, có lúc trong nghiệp ác thêm nghiệp thiện. Có lúc trong nghiệp thanh tịnh, xen tạp nghiệp nhiễm ô; có lúc trong nghiệp nhiễm ô, xen tạp nghiệp thanh tịnh. Tương lai nghiệp thiện thành thục, thì sinh vào ba đường lành; tương lai nghiệp ác thành thục, thì sinh vào ba đường ác. Chẳng phải bị người khác bức bách, mà là do chính mình tạo nghiệp, chiêu cảm cảnh giới báo ứng. Do đó, "Mình làm mình chịu", người khác không thể nào thay thế được. Dù có tặng hồng bao, hối lộ vua Diêm Vương, cũng chẳng làm được, tại sao ? Vì vua Diêm Vương đại công vô tư, biện án thanh minh, chỉ nói thiện ác, không nói đến nhân tình, sự việc không thể chuyển đổi được.
 
Chúng ta người học Phật, phải khác với những người thế gian, những gì họ ham thích, chúng ta không ham thích, những gì họ tham, chúng ta không tham. Mao bệnh người thế gian có, chúng ta không có. Nếu sinh hoạt tập quán giống với những người thế gian, thì đó chẳng phải là người xuất gia. Họ nhẫn được, bạn nhẫn được; họ chịu được, bạn chịu được, đó chẳng phải là bản sắc của người xuất gia. Phải nhẫn những việc mà người khác không nhẫn được, phải chịu khổ mà người khác chịu không được, làm những việc mà người khác không làm được, đó mới là bản sắc chân chánh của người xuất gia.
 
Có tư tưởng tạp nhiễm rồi, nghĩ muốn nghe Kinh, mà tâm không thể thanh tịnh; nghĩ muốn tự tại, mà tâm không thể tự tại. Người học Phật, đừng nên có phiền não. Những thứ tạp nhiễm, phải có trí huệ rất vi tế, mới phân biệt rõ ràng được.
 
Nếu như thấu hiểu tà pháp, tức là minh bạch chánh pháp, tức cũng là minh bạch lý thể chân như thật tướng, không làm việc điên đảo. Ðiên đảo tức là không nên làm mà làm, nên làm mà không làm. Không điên đảo tức là nên làm thì làm, không nên làm thì không làm. Phải biết vọng là từ chân như thật tướng mà sinh ra. Phải biết gốc rễ của vọng là chân, trừ sạch hết vọng thì chân sẽ hiện ra, chỉ cần trừ khử tâm thức phân biệt, thì trí huệ vốn có sẽ hiện tiền. Như thế sẽ đầy đủ mắt thanh tịnh, mới thấy được Phật.
 
Tại sao chúng ta chẳng thấu hiểu chánh pháp ? Vì vô minh đang tác quái, khởi tâm tham, có tâm dục niệm, cho nên chẳng phân chánh tà. Nếu phá được vô minh, thì chẳng còn tâm tham, chẳng còn dục niệm, thì sẽ minh bạch gì là chánh pháp ? Tất cả mọi vấn đề đều tiếp nhận mà giải.
 
Chúng ta vốn giống như Phật, tự tánh quang minh hay chiếu sáng ba ngàn đại thiên thế giới, vì động một niệm vô minh, mà đến thế giới Ta Bà này, hoặc đến thế giới khác đầu thai làm người. Do đó, tu hành thì có thể thành Phật, không tu hành thì phải làm quỷ.
 
Chỉ cần chúng ta trở về cội nguồn, khôi phục lại trí huệ vốn có, thì chẳng còn tâm phân biệt, thì sẽ minh bạch tất cả. Do đó:
   
‘’Thiện ác hai con đường
 
Tu thì tu, tạo nghiệp thì tạo.’’
   
Tu phước tu huệ là Phật, tạo tội tạo nghiệp là quỷ. Phật xem tất cả chúng sinh đều là Phật. Quỷ xem chúng sinh đều là quỷ, đó là hết thảy do tâm tạo. Trong kinh này có nói:
 
  
‘’Nếu ai muốn biết rõ
 
Tất cả Phật ba đời
 
Hãy quán tánh pháp giới
 
Hết thảy do tâm tạo.’’
  
Tất cả tánh pháp giới, đều do tâm mà tạo ra.
 
(Còn tiếp)