Phật – A-la-hán – Bồ-tát
佛- 阿羅漢- 菩薩
Buddha – Arahant – Bodhisatta
***
Nội dung
1. Phật.
1.1. Bậc giác ngộ - Phật (Bụt).
1) Phật Toàn giác
2) Phật Độc giác
3) Phật A-la-hán
4) Tam thế Phật
1.2. Phật tính.
Phật tính = Duyên khởi tính = Vô thường tính + Vô ngã tính
1.3. Phật lực.
1) Tự lực 2) Tha lực
2. A-la-hán.
2.1. A-la-hán và Phật.
2.2. Tu học và quả chứng của A-la-hán.
[Văn tuệ-Tư tuệ-Tu tuệ] => [Đắc giới + Đắc định + Đắc tuệ = Niết-bàn]
2.3. Tín ngưỡng A-la-hán.
1) 10 đại đệ tử A-la-hán 2) 16 vị tổ A-la-hán 3)18 vị tổ A-la-hán
3. Bồ-tát.
3.1. Bồ-đề và Bồ-đề tâm.
1) Bồ-đề 2) Bồ-đề tâm
3.2. Bồ-tát.
1) Bồ-tát hiện thực 2) Bồ-tát siêu việt
3.3. Tu học và quả chứng của Bồ-tát.
50 ngôi vị thực hành tu học của Bồ-tát chia làm 5 thứ bậc:
1) Bồ-tát Nhập môn: Thập tín (1 thứ bậc).
2) Bồ-tát Tam hiền: Thập hạnh – Thập trụ – Thập hồi hướng (3).
3) Bồ-tát Thánh nhân: Thập địa (1 thứ bậc).
Bài đọc thêm
1/. Tứ nhiếp pháp.
2/. Lục thông – Tam minh.
3/. Mười tám vị A-la-hán chùa Tây Phương, Thạch Thất, Hà Nội.
NBS: Minh tâm 6/2020
1. Phật.
1.1. Bậc giác ngộ - Phật (Bụt).
Buddha (title) - Wikipedia
Phật – Wikipedia tiếng Việt
Phật(佛; P;S: Buddha; E: Awakened One, Enlightened One, Knowing One)
Phậtlà từ phiên âm gốc Hán, còn gọi là Phật đà佛陀hayGiác giả覺者.
Bụt là từ phiên âm gốc Việt.Tính theo thời gian và điều kiện phát triển thì từ Bụt đã xuất hiện trong ngôn ngữ Việt sớm nhất là vào thế kỷ thứ 2 và muộn nhất là thế kỷ thứ 6 và từ nầy đã do các thiền sư Ấn đầu tiên dịch ra từ chữ Phạn Buddhã và sử dụng đến thế kỷ thứ XIII- XIV. Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, hai bên đều có xu hướng mời các cao tăng từ Trung Quốc sang để hoằng hóa, nên từ Bụt bị lấn át bởi từ Phật và dần dần đi vào quên lãng.
Từ “Buddha” được rút ra từ ngữ căn tiếng Phạn “Budh”, có nghĩa là giác ngộ (= thấy biết rõ hay tỉnh thức). Theo đó, danh từ Phật không phải là danh từ riêng mà là một danh từ chung chỉ cho “Bậc giác ngộ” hay “Bậc tỉnh giác” (Giác giả).
Thái tử Tất-đạt-đa (P: Siddhattha; S: Siddhārtha) không phải sanh ra đã được gọi là Phật. Ngài sanh ra không tự nhiên mà có được giác ngộ. Ngài cũng không nhờ ân điển của bất cứ một đấng siêu nhiên nào. Tuy nhiên, sau nhiều cố gắng tu học liên tục, Ngài đã giác ngộ chân lý.
Nói chung, bất cứ chúng sanh nào cũng có thể thấy biết chân lý, vượt thoát mê lầm để thành Phật. Như trong kinh Phạm Võng Bồ Tát Tâm Địa Phẩm có chép:
“Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành. Ta không phải là vị Phật đầu tiên, cũng chẳng phải là vị Phật cuối cùng nơi thế gian này. Trước ta đã có vô số vị Phật, và sau ta cũng sẽ có vô số vị Phật xuất hiện trên thế gian này”.
Như vậy, Phật không phải là thần thánh hay siêu nhiên. Ngài cũng không phải là một đấng cứu thế cứu người bằng cách tự mình gánh lấy gánh nặng tội lỗi của chúng sanh. Như chúng ta, Phật cũng sanh ra là một con người. Sự khác biệt giữa Phật và phàm nhân là Phật đã hoàn toàn giác ngộ chân lý, còn phàm nhân vẫn mê mờ tăm tối.
Các Phật tử nhận thức rằng vị Phật Thích Ca lịch sử không phải là vị thần tối thượng ban phúc giáng họa, cũng không phải là đấng cứu thế cứu người bằng cách tự mình gánh lấy tội lỗi của loài người. Người Phật tử chỉ tôn kính đức Phật như một con người toàn giác toàn hảo đã đạt được sự giác ngộ giải thoát thân tâm qua những nỗ lực tu học của chính mình và không qua ân điển của bất cứ một đấng siêu nhiên nào.
Theo Phật giáo, ai trong chúng ta cũng đều có khả năng làm Phật; tuy nhiên, muốn thành Phật, chúng ta phải tu học theo con đường mà đức Phật Thích Ca đã vạch ra để đi đến giác ngộ qua các giai đoạn của quả vị Phật.
Bậc giác ngộ được phân biệt sau:
1) Phật Toàn giác(佛全覺; P: Sammā-sambuddha; S: Samyak-saṃbuddha; E: Perfectly Enlightened One, Supremely Awakened One): Đây là bậc giác ngộ đạt Niết-bàn mà không qua hướng dẫn của bất kỳ ai, và có thể chỉ con đường dẫn đến Niết-bàn cho người khácquatuyên thuyết giáo pháp. Nhờ vậy chúng sinh có được phương tiện giải thoát rộng rãi. Tuy nhiên, thời đại xuất hiện một vị Phật Toàn Giác là rất hiếm trong các chu kỳ thế giới. Phật Thích Ca là vị Phật Toàn giác.
Vị Phật Toàn giác được biểu hiện với 3 đặc điểm sau:
- Tự giác: Tự mình giác ngộ cho bản thân mình.
- Giác tha: Giáo hóa cho người khác cũng đồng giác ngộ.
- Giác hạnh viên mãn: Hai công hạnh Tự giác và Giác tha đều hoàn thành một cách đầy đủ.
TrongTrung bộ kinh III, trang 110, nói lên địa vị tối thượng này của vịPhật Toàn giác:
"Không thể có một vị Tỳ-kheo, này Ba-la-môn, thành tựu một cách trọn vẹn, một cách đầy đủ tất cả các pháp mà Thế Tôn bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác đã thành tựu.”
2)Phật Độc giác(佛獨覺; P: Pacceka-buddha; S: Pratyeka-buddha; E: Lone Buddha, Private Buddha, or Silent Buddha): Đây là bậc giác ngộ đạt Niết-bàn mà không qua hướng dẫn của bất kỳ ai, nhưng không thể dạy con đường giác ngộ cho người khác vì không đủ khả năng giáo hóa chúng sinh về những điều mình chứng ngộ. Do đó, chúng sinh không có phương tiện giải thoát rộng rãi.
3) Phật A-la-hán (佛阿羅漢; P: Sāvaka-buddha; S: Śrāvaka- buddha; E: Hearer, Disciple): Đây là bậc giác ngộđạt Niết bàn bằng cách thực hành theo lời dạy của Phật Toàn giác hoặc những học trò của vị Phật Toàn giác này (Xin xem thêm mục 2. A-la-hán bên dưới).
4) Tam thế Phật.
Kinh văn đôi lúc cũng nhắc đến Tam thế Phật 三世佛, nghĩa là có vô số các vị Phật xuất hiện trong ba đời, lần lượt ở thời quá khứ, thời hiện tại và thời vị lai, trong đó:
- Phật Nhiên Đăng tượng trưng cho chư Phật thời quá khứ.
- Phật Thích Ca tượng trưng cho vị Phật thời hiện tại.
- Phật Di Lặc tượng trưng cho chư Phật thời vị lai.
1.2. Phật tính.
Phật tính (佛性; S: Buddhatā, Buddha-svabhāva; E: Buddha-nature)
Chân lý khách quan tự nhiên Duyên khởi do đức Phật khám phá ra biểu hiện tính đồng đẳng trong mọi loài chúng sanh; tính chất đồng đẳng theo chân lý này được gọi là Phật tính. Như vậy Phật tính là cách nói khác của Duyên khởi, là Tuệ giác, là phương tiện dẫn dắt chúng sinh đến Niết-bàn vậy.
Nguyên lý Duyên khởi, có các biểu hiện cụ thể chính yếu là Nhân Quả, Vô thường, Vô ngã. Theo đó ta có:
Phật tính = Duyên khởi tính = Vô thường tính + Vô ngã tính
Dưới đây là 3 đặc tính của Duyên khởi, tức nội dung của Phật tính.
1) Nhân Quả(因果; P;S : Hetu-phala; E: Cause and Effect) : Đây là nói gọn của Nhân Duyên Quả [Với duyên (緣; P: paccaya, paticca; S: pratyaya, pratitya; E: condition), được triển khai từ nguyên lý Duyên khởi vào đời sống, qua cách nhìn thông thường của con người.
+ Nhân : Được xem là duyên chính, còn gọi là nội duyên. Ví dụ : con người là duyên chính, tổ hợp bởi 5 duyên (= 5 uẩn).
+ Duyên : Được xem là duyên phụ, còn gọi là ngoại duyên, nó có thể có lợi (thiện) hay có hại (bất thiện) cho duyên chính.
+ Quả : Là duyên chính mới hình thành từ sự phối hợp duyên chính và duyên phụ.
Nhân + Duyên = Quả
Từ đây, đức Phật đã xây dựng cơ cấu Tứ Diệu Đế gồm 2 cặp Nhân Quả:
+ Cặp Nhân Quả thế gian là: Khổ Đế - Tập Đế.
+ Cặp Nhân Quả xuất thế gian là: Diệt Đế - Đạo Đế.
2) Vô thường(無常; P: Anicca; S: Anitya; E: Impermanence): Đây là cách trình bày về hiện tượng không ngừng biến đổi của mọi sự vật trong vũ trụ. Đó là do mọi sự vật hình thành từ các duyên tương quan tương liên và các duyên không ngừng tương tác nhau nơi tự thân và ngoại cảnh, tạo ra hiện tượng biến đổi, mà qua các giác quan hạn chế nơi con người, đã nhầm gọi là “có Sinh có Diệt”.
3) Vô ngã(無我; P: Anattā; S: Anātman; E: No-self, Not self, Non-ego): Đây là cách trình bày về bản chất giả tạm không thực thể của mọi sự vật trong vũ trụ, do hình thành từ các duyên tương quan tương liên và các duyên không ngừng tương tác nhau nơi tự thân và ngoại cảnh.
- Với nhận thức Vô ngã, con người sẽ không chấp mắc vào:
+ Cái ta (Ngã 我; E: I / Ego) : Thực thể.
+ Cái của ta (Ngã sở 我所; E: Mine): Cái của thực thể.
+ Cái ta tự có (Tự ngã 似我; E: Myself): Thực thể tự có (như linh hồn tự có và hằng có).
- Với nhận thức Hữu ngã, con người sẽ chấp mắc vào Cái ta, Cái của ta, Cái ta tự có. Đây là cội nguồn của khổ đau.
1.3. Phật lực.
Theo đạo Phật, hành giả thực hành đúng đắn trong tu học, cần phát huy hai nguồn lực sau:
1) Tự lực 自力: Đạo Phật dạy rằng mỗi người tự làm chủ số phận của mình theo quy luật Nhân Quả biểu hiện qua Nghiệp do mình tạo ra, không một ai ngoài bản thân ta có thể phán xét, cứu vớt, xóa tội cho mình.
2) Tha lực 他力: Đạo Phật dạy rằng các vị Phật, Bồ tát … chỉ là các vị đạo sư dẫn đường, giúp cho chúng sanh tự tìm cách giải thoát thông qua giáo Pháp bằng việc nhận thức và hành động theo chân lý khách quan Duyên khởi.
Chân lý khách quan Duyên khởi là phương tiện giúp hành giả chuyển hóa tâm trí của mình từ mê sang ngộ. Chân lý khách quan này ví như con thuyền trí tuệ giúp đưa hành giả từ bờ mê qua bờ giác. Khi đã giác ngộ viên mãn, hành giả thong dong lên bờ, chứ không phá thuyền, cũng không giữ thuyền mãi bên mình.
Vì thế, “Phật lực佛力hay Oai lực của chư Phật, …” là tha lực dùng nói lên hình tượng cho sức mạnh chuyển hóa nội tâm mê lầm dính mắc của chúng sinh, từ sự quán triệt chân lý mà đức Phật đã dày công khám phá ra, chứ không nhằm nói tới sức mạnh của thần thông nơi vị Phật đối với thế giới vật lý hữu tướng. Chúng ta nên nhớ rằng đạo Phật là đạo tu tâm chứ không phải đạo tu tướng.
Xem thêm:
- Đức Phật là ai? | Sống hạnh phúc
- Đức Phật Ở Đâu - Trung Tâm Hộ Tông
- Tại sao không nên vội tin… đức Phật?
- Đức Phật của chúng ta - Thiền Viện Viên Không
- Đức Phật: Nhà giáo dục vĩ đại - Phatgiao.org.vn
VIDEO
- Đức Phật thầy của Trời Người
- Đức Phật Là Ai–Thích Phước Tiến
- Đức Phật lịch sử- TT. Thích Nhật Từ
- Đức Phật - Nhà cách mạng vĩ đại- Thích Nhật Từ
- Đức Phật Là Một Con Người – Thầy Thích Phước Tiến
- Đức Phật Bậc Thầy Của Trời Người- Thầy Thích Phước Tiến
- Hình Tượng Đức Phật Nói Lên Điều Gì- Thầy Thích Phước Tiến
- Lược Sử Đức Phật Thích Ca(Đản Sanh - Thành Đạo) – Thầy Thích Phước Tiến
- Lược Sử Đức Phật Thích Ca(Thành Đạo - Niết Bàn) – Thầy Thích Phước Tiến
2. A-la-hán.
Arhat - Wikipedia
A-la-hán – Wikipedia tiếng Việt
A-la-hán(阿羅漢; P: Arahat, Arahant; S: Arhat, Arhant;)
Theo Phật giáo Nguyên thủy, A-la-hán là “người đã đạt tới Niết-bàn”, “người hoàn hảo” hay “người xứng đáng", cụ thể là:
- Bậc đã hoàn toàn chứng ngộ chân lý.
- Bậc chủ động trong sinh tử luân hồi.
- Bậc xứng đáng được cúng dường.
Tuy nhiên theo các tông phái khác trong Phật giáo Phát triển, thì thuật ngữ này để chỉ những người đã tiến rất sâu trên con đường giác ngộ, tuy cũng chủ động trong sinh tử luân hồi nhưng chưa hoàn toàn viên mãn, nói cách khác là chưa đạt Phật quả.
2.1. A-la-hán và Phật.
Về cơ bản, đức Phật cũng đã tự cho mình là một A-la-hán, cách mà Phật đi đến giác ngộ cũng giống hệt những vị A-la-hán khác, nhưng vì trong vô số kiếp trước Phật đã tạo dựng nhiều công đức dấn thân làm lợi ích cho chúng sinh, thực hành Bồ-tát hạnh nên khi đắc đạo ngài có thần thông, trí tuệ, dung mạo, công đức ... cực kỳ cao quý, phi phàm, vượt xa những A-la-hán đệ tử sau này.
Nhưng càng về sau, nhiều luận bản xuất hiện và làm cho khoảng cách giữa từ "Phật" và từ "A-la-hán" càng cách xa. Thậm chí nhiều luận bản còn có ý chê bai quả vị A-la-hán là kém cỏi. Đây là điều trái ngược với quan điểm ban đầu của Phật.
Thời đức Phật tại thế không có chuyện chia tông lập phái như về sau. Xưa kia, khi một vị đắc quả A-la-hán, Phật không nói người này đã tinh tấn (chăm chỉ) tu theo pháp môn này hay pháp môn kia, mà giải thích rằng trong nhiều tiền kiếp người đó đã hết lòng tạo dựng nhiều công đức, cung kính hay cúng dường một bậc Thánh nào đó. Vì thế, chúng ta không nên phân biệt Tiểu thừa, Đại thừa hay Kim Cương thừa.
2.2. Tu học và quả chứng của A-la-hán.
Để có thể đạt quả vị A-la-hán, thông thường hành giả theo lộ trình tu học Văn-Tư-Tu, với:
- Văn tuệ: Hành giả học hiểu chân lý giác ngộ giải thoát. Kết quả hành giả đạt tuệ gọi là Văn tuệ.
- Tư tuệ: Hành giả suy tưởng là luận biện thấu đáo về chân lý giác ngộ giải thoát. Kết quả hành giả đạt tuệ gọi là Tư tuệ.
- Tu tuệ: Hành giả thực hành chuyển hóa tâm nhờ vào quán chiếu chân lý giác ngộ giải thoát, gọi là Thiền, để tâm trở nên vững vàng – đó là Thiền định, và tâm trở nên sáng suốt về thực tướng của vạn sự vật – đó là Thiền tuệ. Kết quả hành giả đạt tuệ gọi là Tu tuệ.
Việc thực hành Thiền định và Thiền tuệ đều dựa vào phương pháp Chánh niệm định và Chánh niệm tuệ, là những kết quả rút ra từ Văn tuệ và Tư tuệ. Kết quả hành giả đạt tuệ gọi là Tu tuệ. Thành quả của Tu tuệ là quả chứng A-la-hán, đạt tới Niết-bàn, đã phá bỏ được 10 kết sử, như bảng tóm tắt sau:
Bảng tóm tắt
Tiến trình giác ngộ-giải thoát của một vị Thánh trong Phật giáo
Tứ quảvị |
Kết sử
(phiền não cần đoạn diệt) |
Vòng tái sinh |
Dự Lưu – Tu-đà-hoàn
Sotāpanna
(Stream-enterer) |
Thân kiến, Nghi, Giới cấm thủ.
( 3 kết sử đầu tiên) |
Thêm bảy lần tái sinh trong cõi người hoặc trời |
Nhất lai –Tư-đà-hàm
Sakadāgāmi
(Once-returner ) |
Làm nguội thêmDục tham vàSân.
(2 kết sử kế tiếp) |
Thêm một lần tái sinh nữa trong cõi Dục |
Bất Lai – A-na-hàm
Anāgāmi
(Non-returner ) |
Đoạn diệt hoàn toàn5 hạ phần kết sử.
(Thân kiến, Nghi, Giới cấm thủ, Dục tham, và Sân) |
Tùy sinh vào cõi Sắc giới |
Bất sinh– A-la-hán
Arahant
(Complete-liberation) |
Đoạn diệt hoàn toàn5 thượng phần kiết sử.
(Sắc tham, Vô Sắc tham, Mạn, Trạo cử, Vô minh) |
Giải thoát vòng sinh tử luân hồi |
Theo đó, Niết-bàn là trạng thái tâm của bậc thánh nhân đã dập tắt được mọi phiền não từ Tham, Sân, Si.
+ Trong kinh Tương Ưng Bộ IV, trang 404 nêu rõ:
“Đoạn tận Tham, đoạn tận Sân, đoạn tận Si, đây gọi là Niết-bàn”.
+ Trong kinh Tạp A Hàmviết:
“Niết-bàn (涅槃; P: Nibbāna; S: Nirvāṇa) có nghĩa là dập tắt hoàn toàn ngọn lửa phiền não, là đoạn trừ nghiệp gây ra từ ba bất thiện là Tham, Sân và Si.”
Ba tâm Tham, Sân, Si là những tâm do chính chúng ta tự trói mắc mà sinh ra phiền não. Đó chính là Ái dục, là đầu mối của bị động trong sinh tử luân hồi mà con người cứ mãi dính mắc vào.
Niết-bàn đã được phân biệt sau:
+ Hữu dư Niết-bàn (有餘涅槃; P: Savupadisesa-nibbāna; S: Sopadhiśeṣa-nirvāṇa): Đó là Niết-bàn khi thánh nhân hãy còn sắc thân ‘Ngũ uẩn’.
+ Vô dư Niết-bàn (無餘涅槃; P: Anupadisesa-nibbāna; S: Nirupadhiśeṣa-nirvāṇa): Đó là Niết-bàn khi thánh nhân không còn sắc thân ‘Ngũ uẩn’.
Theo Phật giáo Phát triển, thì Niết-bàn cũng với ý nghĩa không khác, nhưng có cách phát biểu sau:
+ Vô trụ xứ Niết-bàn (無住處涅槃; S: Apratiṣṭhita-nirvāṇa): Đó là Niết-bàn không dính mắc chỗ nơi. Các vị Bồ-tát khi giác ngộ, lao mình trong lục đạo giáo hóa chúng sanh, lấy sự sanh tử của chúng sanh làm cảnh giới. Tuy ra vào sanh tử nhưng lúc nào cũng tự tại vô ngại.
+ Trụ xứ Niết-bàn (住處涅槃; S: Pratiṣṭhita-nirvāṇa): Còn gọi là Tự tánh Niết-bàn. Đó là Niết-bàn tự sẵn có của chúng sanh, không phải tu tập mới có. Như mặt gương tánh vốn sạch không phải đợi lau chùi mới hiện. Đó là Niết-bàn với ý nghĩa cố định, bất động.
Một vị đã chứng A-la-hán có phước đức và nhân duyên vô cùng lớn, có đủ Tam Minh và Lục Thông (6 thần thông), nhưng ngược lại người có được Ngũ Thông (5 thần thông) chưa chắc là một vị A-la-hán. Tuy nhiên do phúc đức và nhân duyên khác nhau, mà khả năng và thần thông của các vị A-la-hán có thể có sự chênh lệch (Xin xem Bài đọc thêm Lục Thông và Tam Minh bên dưới).
2.3. Tín ngưỡng A-la-hán.
Trong các kinh điển Phật giáo sơ kỳ của Ấn Độ, có chi tiết ghi chép nói về 4 vị A-la-hán nguyện trụ tại thế độ sinh. Sau đó theo truyền thuyết, số lượng A-la-hán được mô tả là 10 đại đệ tử của Phật Thích-ca Mâu-ni.
Về sau, qua tác phẩm Nandimitrāvadāna (Pháp Trụ ký; 法住記) của Đại sư người Sri Lanka Nandimitra, được dịch bởi pháp sư Huyền Trang sang chữ Hán, số lượng A-la-hán tăng dần lên 16, bao gồm cả nhân vật có thật và hư cấu, nhờ đó danh tự của 16 vị La hán được ghi nhận.
Vào khoảng thời kỳ cuối đời Đường và đầu Ngũ đại Thập quốc, có thêm 2 vị A-la-hán nữa được thêm vào danh sách này, tăng lên thành 18 vị. Do điều này, hình tượng 18 A-la-hán phổ biến tại Trung Quốc và ảnh hưởng đến cả Việt Nam, nhưng lại có nhiều dị bản. Tuy nhiên ở Nhật Bản và Tây Tạng, vẫn tiếp tục phối vị 16 A-la-hán.
1) 10 vị đại đệ tử A-la-hán.
Ten Principal Disciples -Wikipedia
Thập đại đệ tử – Wikipedia tiếng Việt
1/. Ma-ha-ca-diếp(摩訶迦葉; S: Mahākāśyapa): Đầu-đà (tu khổ hạnh) đệ nhất; ông là người yêu cầu mở đại hội kết tập kinh điển lần đầu tiên của Phật giáo.
2/. A-nan-đà(阿難陀; S: Ānanda): Đa văn đệ nhất, người "nghe và nhớ nhiều nhất". Tuy là Đa văn đệ nhất nhưng sau khi Đức Phật Niết-bàn ông mới chứng quả A-la-hán rạng sáng ngày kết tập kinh điển đầu tiên. Ngài đồng thời là thị giả của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
3/. Xá-lợi-phất(舍利弗; S: Śāriputra, bo): Trí huệ đệ nhất, đệ tử quan trọng của Phật trong các kinh Nikaya; trước khi xuất gia, ông là một luận sư nổi tiếng trong giáo đoàn Bà-la-môn. Ngài là một trong hai vị tôn giả được Đức Phật giao cho trọng trách thống lĩnh Tăng đoàn.
4/. Tu-bồ-đề(須菩提; S: Subhūti): Giải Không (S: śūnyatā) đệ nhất. Tu-bồ-đề thường xuất hiện trong kinh điển hệ Bát-nhã-ba-la-mật-đa.
5/. Phú-lâu-na(富樓那; S: Pūrṇa): Thuyết Pháp đệ nhất.
6/. Mục-kiền-liên(目犍連; S: Mahāmaudgalyāyana): Thần thông đệ nhất, hay đi đôi với Xá-lợi-phất; sau khi xuất gia được 7 ngày ông đã đoạn trừ hết các lậu hoặc, chứng quả A-la-hán. Ngài cùng với Tôn Giả Xá-lơi-phất là một trong hai vị được Đức Phật giao cho trọng trách thống lĩnh Tăng Đoàn.
7/. Ca-chiên-diên(迦旃延; S: Katyāyana): Biện luận đệ nhất.
8/. A-na-luật(阿那律; S: Aniruddha): Thiên nhãn đệ nhất.
9/. U-pa-li(優波離; S: Upāli): Giới luật đệ nhất.
10/. La-hầu-la(羅睺羅; S: Rāhula): Mật hạnh đệ nhất, ông cũng là người con duy nhất của Thái tử Tất-đạt-đa (sau này thành Đức Phật Bổn sư Thích Ca Mâu Ni)
2) 16 vị tổ A-la-hán.
Sixteen Arhats - Wikipedia
Thập Lục La hán – Wikipedia tiếng Việt
Các bức chân dung nổi tiếng đầu tiên về 16 vị A-la-hán này được vẽ bởi nhà sư Trung Quốc Guan Xiu vào khoảng năm 891. Ông đã tặng những bức chân dung này cho chùa Shengyin, sông Tiền Đường (Hàng Châu), nơi chúng được bảo quản cẩn thận.
1)Piṇḍola Bhāradvāja 2) Ajita 3) Subinda 4) Kālika
5)Vajriputra 6) Bhadra 7) Kanakavatsa 8) Kanaka Bhāradvāja
9)Nakula 10) Rāhula 11) Cūḍapanthaka 12) Aṅgaja
13)Panthaka 14) Nāgasena 15) Jīvaka 16) Vanavāsin
2) 18 vị tổ A-la-hán.
Eighteen Arhats - Wikipedia
Thập Bát La hán – Wikipedia tiếng Việt
Có nhiều dị bản về 18 vị A-la-hán, hình ảnh các tôn giả đại diện lại có sự khác biệt, nhất ở 2 vị trí A-la-hán được bổ sung về sau (Xin xem Bài đọc thêm ”18 vị La Hán chùa Tây Phương” bên dưới).
Xem thêm:
- Tượng la hán và những điều chưa biết
- 18 vị A La hán chùa Tây Phương - Hội Phật Giáo Thảo Đường
- A la hán là gì? Sự khác nhau giữa A la hán và Bồ tát - Hoa Sen Phật
VIDEO
- Vị A La Hán Cũng Là Bồ Tát- Thiền Sư Thích Nhất Hạnh
- VĐPP l A La Hán có phải bậc thông suốt mọi thứ- HT Pháp Tông
- Sự thật về CÁC VỊ LA HÁN trong Phật Giáo- Thầy Thích Pháp Hòa
- Làm Sao Tu Đắc Quả A-La-Hán?Phật Pháp vấn đáp - Thầy Thích Pháp Hòa
3. Bồ-tát.
Bodhisattva - Wikipedia
Bồ Tát – Wikipedia tiếng Việt
3.1. Bồ-đề và Bồ-đề tâm.
1) Bồ-đề (菩提; P;S: Bodhi; E: Enlightenment of a Buddha): Có nghĩa là sự giác ngộ覺悟của một vị Phật.
Bồ-đề gọi đủ là A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-Bồ-đề.Trong đó:
- A-nậu-đa-la (阿耨多羅; P;S: Anuttarā): Vô thượng (không gì cao hơn).
- Tam-miệu (三藐; P;S: Saṃyak): Chánh đẳng (bình đẳng chân chánh).
- Tam-Bồ-đề (三菩提; P;S: Saṃbodhi): Chánh giác (giác ngộ chân chính).
Theo đó:
Bồ-đề = A-nậu-đa-la Tam-miệu Tam-Bồ-đề (阿耨多羅三藐三菩提; P;S: Anuttarā-Saṃyak-Saṃbodhi; E: Highest Perfect Awakening): Có nghĩa là Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác hay Vô thượng Bồ-đề (giác ngộ vô thượng).
2) Bồ-đề tâm(菩提心; P;S: Bodhi-citta; E: Enlightenment mind, Awakening mind): Còn gọi là Giác tâm 覺心, là tâm giác ngộ hay tâm an trú trong giác ngộ, là một khái niệm trong đạo Phật, có nghĩa là tâm giác ngộ. Theo đó có thể nói rằng:
- Bồ-đề tâm hay Tuệ tâm, là Bát-nhã Ba-la-mật-đa tâm. Đó là tâm vượt thoát đối đãi, nghĩa là tuy tâm sống tích cực với các khái niệm đối đãi vì lợi ích của muôn loài, nhưng lại không dính mắc vào các khái niệm đối đãi này.
- Bồ-đề tâm được xem là Niết-bàn tâm, là trạng thái của tâm không còn bị trói buộc bởi Chấp ngã-Ái dục, biểu hiện bằng Tham-Sân-Si.
- Bồ-đề tâm như Pema Chodron giải thích trong cuốn No Time to Lose: “Có lẽ câu trả lời đơn giản nhất là Bồ-đề tâm đưa chúng ta ra khỏi chấp trước và cho chúng ta cơ hội để sửa lại những thói quen tiêu cực. Hơn nữa, mọi chướng ngại chúng ta gặp phải đều trở thành cơ hội để phát triển sự can đảm vĩ đại của trái tim Bồ-đề.”
- Phát Bồ-đề tâm là phát nguyện sống với tâm giác ngộ, là phát nguyện nhận thức và hành động trên nền tảng của sự giác ngộ. Bồ-đề tâm là tính cách của tất cả các Bậc giác ngộ, còn Phát Bồ-đề tâm là định hướng cho những ai đang vươn tới giác ngộ. Vươn tới giác ngộ nơi đây không gì khác hơn là vươn tới quán triệt nhận thức và hành động đúng đắn Chân lý khách quan Duyên khởi.
Bồ-đề tâm là hạt giống sinh ra hết thẩy chư Phật, là ruộng tốt nuôi lớn các pháp trong sạch. Nếu phát khởi tâm này mà tu hành tinh tiến, thì sẽ mau chóng đi tới giác ngộ vô thượng. Cho nên biết Bồ-đề tâm là chỗ bắt đầu của tất cả thệ nguyện chân chính, là gốc của giác ngộ.
Người cầu sinh về Tịnh độ, cũng phải phát Bồ-đề tâm. Kinh Vô lượng thọ quyển hạ nói rằng ba bậc người cầu vãng sinh đều phải phát Vô thượng Bồ-đề tâm.
Về thể tính của Bồ-đề tâm, kinh Đại nhật quyển 1 phẩm Trụ tâm nói, biết tâm mình một cách như thực, đó là Bồ-đề. Bồ-đề tâm nhờ vào nhiều duyên lành mà phát khởi.
3.2. Bồ-tát.
Bồ-tát菩薩(P: Bodhisatta; S: Bodhisattva) đều được sử dụng trong cả Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Bắc truyền.
Bồ-tát là cách nói gọn của Bồ-đề Tát-đỏa 菩提薩埵, được dịch nghĩa theo tiếng Hán là Đại sĩ 大士hoặc Giác hữu tình 覺有情(lợi lạc chúng sinh hữu tình). Trong đó:
- Bồ-đề(菩提; P;S: Bodhi; E: Enlightenment): Giác ngộ.
- Tát-đỏa (薩埵; P: Satta; S: Sattva): Hữu tình.
Theo đó, Bồ-tát được hiểu một cách đơn giản là Bậc giác ngộ đang gắn với việc độ sinh, nghĩa là đang trong hạnh nhập thế.
Khái niệm Bồ-tát đã từng được tìm thấy trong các kinh điển Phật giáo Nguyên thủy, nhất là khi nói về các tiền thân của Tất-đạt-đa Cồ-đàm trong kinh Bản Sinh. Tuy nhiên,tư tưởng Bồ-tát bắt đầu ảnh hưởng trong các tông phái Phật giáo Ấn Độ vào những năm cuối của vương triều A-dục (Ashoka). Không lâu sau đó, khi Phật giáo Đại Chúng bộ phát triển, tư tưởng nhập thế này đã nhanh chóng ảnh hưởng mạnh mẽ khắp Ấn Độ và truyền rộng đến các quốc gia Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Tây Tạng, Việt Nam … Theo truyền thống tư tưởng này, có vô lượng Bồ-tát thị hiện trong nhiều hình tướng và chủng tộc, trong nhiều không gian và thời gian để cứu giúp chúng sanh đang trôi lăn trong khổ đau.
Trong các kinh điển Phật giáo Phát triển (Bắc truyền), hình ảnh Bồ-tát tương tự như A-la-hán, trong đó A-la-hán thường bị hiểu nhầm là tập trung chủ yếu vào sự giải thoát cho chính mình, xu hướng ít làm lợi nhiều cho chúng sinh, còn Bồ-tát thì có nguyện lực cao cả hơn nhiều, không những tu bổ trí tuệ bản thân mà còn mang lợi ích đến mọi chúng sinh trên con đường giác ngộ.
Tuy nhiên, nếu tự thân những ai đã hiểu rõ về giáo lý của đạo Phật về hai phương diện Chân lý và Đạo đức, thì đều có thể chiêm nghiệm nhận ra thâm ý của các Bậc giác ngộ, cho dù các vị này ở tầng bậc nào đi chăng nữa.
Hiện nay, trong Phật giáo Phát triển, khi nói đến Bồ-tát, người ta lại xem đó là tiền thân của các vị Phật tương lai, và Bồ-tát được chia làm hai dạng sau:
1) Bồ-tát hiện thực: Đó là những hành giả đang sống nơi thế gian này, đầy lòng từ bi, giúp đỡ chúng sinh, hướng về Phật quả.
2) Bồ-tát siêu việt: Đó là những hành giả đã thực hành các hạnh vượt thoát (Ba-la-mật) ở mức độ rất cao, hoàn toàn bất thối chuyển (không còn thối lui), có khả năng chủ động trong sinh tử luân hồi nhưng chưa nhập Vô dư y Niết-bàn.
Các vị Bồ-tát siêu việt xuất hiện trong thế gian dưới nhiều dạng khác nhau để cứu độ chúng sinh. Đó là các vị được Phật tử tôn thờ và đảnh lễ, thường là các vị Bồ-tát: Quán Thế Âm (觀世音), Đại Thế Chí (大勢至), Văn Thù Sư Lợi (文殊師利), Phổ Hiền (普賢) và Địa Tạng (地藏).
Thích Ca Tam Tôn Việt Nam
Bồ-tát Địa Tạng – Phật Thích Ca – Bồ-tát Quán Thế Âm
Ý nghĩa biểu tượng:
Chân lý được Phật Thích Ca khám phá ra có giá trị xuyên suốt vô hình & hữu hình, vượt thoát không gian & thời gian.
Thích Ca Tam Tôn Trung Quốc
Bồ-tát Phổ Hiền – Phật Thích Ca – Bồ-tát Văn Thù
Ý nghĩa biểu tượng:
Từ Bi - Tâm thanh tịnh – Trí Tuệ
Tây Phương Tam Thánh
Bồ-tát Đại Thế Chí – Phật A-di-đà – Bồ-tát Quán Thế Âm
Ý nghĩa biểu tượng:
Trí Tuệ - Tâm thanh tịnh – Từ Bi
Chú thích: Phật Thích Ca và Phật A-di-đà tuy 2 tướng nhưng chỉ là một.
3.3. Tu học và quả chứng của Bồ-tát.
Theo kinh Hoa Nghiêm, một hành giả muốn thành một vị Bồ-tát thật thụ thì phải trải qua 50 ngôi vị công phu tu tập để hoàn thành nhiệm vụ là tự độ và độ tha, tự giác và giác tha. Trên con đường tu tập, một vị Bồ-tát phải hoàn thành cho xong thứ từ thấp đến cao, nghĩa là Bồ-tát phải khởi hành từ Nhập Môn của Thập Tín cho đến hoàn thành Thánh quả của Thập Địa. 50 ngôi vị tu tập của Bồ-tát được chia làm năm thứ bậc:
- Thập tín: Là thứ bậc của Bồ-tát Nhập môn. Hành giả lập hạnh Giới, Định, Tuệ kết hợp với công hạnh Bố thí nhiếp(Xin xem Bài đọc thêm “Tứ nhiếp pháp” bên dưới).
- Thập hạnh: Là thứ bậc của Bồ-tát Tam hiền. Hành giả lập hạnh Giới, Định, Tuệ kết hợp với công hạnh Ái ngữ nhiếp.
-Thập trụ: Là thứ bậc của Bồ-tát Tam hiền. Hành giả lập hạnh Giới, Định, Tuệ kết hợp với công hạnh Lợi hành nhiếp.
-Thập hồi hướng: Là thứ bậc của Bồ-tát Tam hiền. Hành giả lập hạnh Giới, Định, Tuệ kết hợp với công hạnh Đồng sự nhiếp.
- Thập địa: Là thứ bậc của Bồ-tát Thánh nhân. Hành giả phát khởi và an trú vào (trí tuệ vô ngã qua bốn quả vị lần lượt là Noãn, Nhẫn, Đảnh, và Thế đệ nhất. Tại Thế đệ nhất vị, hành giả thành tựu công phu vững trú ở trí tuệ vô ngã, và đi vào hành Thập địa Bồ-tát đạo.
Nội dung của Thập Địa như sau:
1/. Hoan Hỷ địa(Pramuditā - Tâm ý hoan hỷ): Tại đây, Bồ-tát an trú vững chắc vào trí tuệ vô ngã, tâm sanh hoan hỷ, chứng đắc sự thật Ngã Không và Pháp Không. Bồ-tát khởi sự đạt được Thánh tánh (vào dòng Thánh)
2/.Ly Cấu địa(Vimalā - Xa lìa phiền não): Tại nhị địa, Bồ-tát hành viên mãn Giới đức.
3/. Phát Quang địa (Prabhā-Karì - Trí tuệ chói sáng): Tại tam địa, Bồ-tát hành viên mãn hạnh Nhẫn nhục, đi sâu vào nội quán, thoát khỏi ràng buộc của đường tu (tu đạo: bhāvanāmārga)
4/. Diệm Huệ địa(Arcismatì - Trí tuệ rực rỡ): Tại tứ địa, Bồ-tát hành viên mãn hạnh Tinh Tấn, phát triển mạnh năng lực thiền quán.
5/. Nan Thắng địa(Sudurjiayā - Vô cùng khó khăn mới đạt được): Tại ngũ địa, Bồ-tát hành viên mãn Công phu Thiền định, đầy đủ nhân duyên để an trú vào Tánh Không tại thế gian.
6/. Hiện Tiền địa(Abhimukhì - Chân Như hiển hiện): Tại lục địa, Bồ-tát phát triển viên mãn tuệ vô ngã (Prajnā), thấy như thật tánh thanh tịnh của vạn hữu (bình đẳng ứng xử với tịnh và bất tịnh)
7/. Viễn hành địa(Dùramgama - Đi xa): Tại thất địa, Bồ-tát đoạn tận tập khí chấp Ngã, phát triển tâm đại bi cứu độ chúng sinh.
8/. Bất động địa(Acalā - Không lay động): Tại bát địa, Bồ-tát đoạn tận tập khí chấp Ngã và chấp Pháp, an trú vào vô tướng mà tự tại du hành độ sinh.
9/. Thiện Huệ địa(Sādhumatì - Trí tuệ diệu dụng): Tại cữu địa, Bồ-tát thành tựu Thập lực Bồ-tát, (Dasabalā), có khả năng thuyết pháp độ sinh rộng rãi.
10/. Pháp Vân địa(Dharmameghā - Mây pháp che khắp cả muôn loài chúng sinh): Tại thập địa, Bồ-tát có thể thuyết pháp chỉ đường cho mọi căn cơ, như đám mây lớn cho mưa cho các loài cây lớn, cây nhỏ.
Từ Bất Động địa, Bồ-tát được tôn xưng là Đại Bồ-tát (Mahàbodhisattvā).
Xem thêm:
- Bồ Tát - Thich Tri Sieu
- 50 NGÔI VỊ BỒ TÁT | Graphicdesignmn.com
- Tiếp Hiện và Bồ Tát Đạo - Deer Park Monastery
VIDEO
- Phật, Bồ Tát là gì? Có bao nhiêu vị Phật, Bồ Tát?
- Thầy Thích Pháp Hòa Giảng Ý Nghĩa Thọ Bồ Tát Giới
- Vấn đáp: Thế nào là Phật và Bồ tát ?| Thích Nhật Từ
Bài đọc thêm
1/. Tứ nhiếp pháp.
Tứ nhiếp pháp(四攝法; S: Catvāri-saṃgrahavastūni; E: The four methods that Bodhisattvas employ to approach and save people): Trong đó:
- Tứ 四: Là bốn.
- Nhiếp 攝: Là thu hút, thu phục .
- Pháp 法: Là cách thức.
Theo đó, tứ nhiếp pháp là bốn phương pháp thu phục chúng sinh mà hàng Bồ-tát ứng dụng để thân cận và giúp đỡ mọi người sống an vui trong đạo lý giác ngộ.
1. Bố thí nhiếp(布施攝; S: Dāna-saṃgraha; E: Giving the gift of Dharma or something that people like): Đó là cách thu phục bằng cách ban tặng giáo pháp (Pháp thí) hoặc những thứ mà mọi người cần như tiền, vật chất(Tài thí).
2. Ái ngữ nhiếp(愛語攝; S: Priya-vāditā-saṃgraha; E: Using kind words): Đó là cách thu phục bằng cách dùng lời nói chân thật, lời nói hay đẹp và nhu hoà để giáo hoá người.
3. Lợi hạnh nhiếp(利行攝; S: Artha-caryā-saṃgraha; E: Acting for the purpose of benefit to people): Đó là cách thu phục bằng hành động vị tha, dấn thân phục vụ, làm việc vì mục đích đem lại lợi lạc cho mọi người, như làm các việc từ thiện xã hội.
4.Ðồng sự nhiếp(同事攝; S: Samānārthatā-saṃgraha; E: Physically working together with people): Đó là cách thu phục bằng cách tạo điều kiện cùng làm chung một công việc, để sống gần gũi với mọi người, dù là người thiện hay người ác, nhằm giúp đỡ họ làm tốt.
Bồ-tát vốn được xem là Bậc giác ngộ chân lý và đang gắn với việc độ sinh, nghĩa là đang trong hạnh nhập thế. Theo đó, mọi hành động của Bồ-tát là không dính mắc (Ba-la-mật-đa 波羅蜜多;P: Pāramī; S: Pāramitā; E: Perfection, Transcendental perfection, Completeness).Vì thế, Tứ nhiếp pháp hàm chứa ý nghĩa là Tứ Độ, tức Tứ Ba-la-mật-đa.
Thập Độ十度 hay Thập Ba-la-mật-đa trong Phật giáo Nam truyền, hoặc Lục Độ 六度hay Lục Ba-la-mật-đa trong Phật giáo Bắc truyền là 10 và 6 hành động tiêu biểu tu tập theo chân lý Duyên khởi. Thành tựu được chúng, hành giả được xem như đã có đủ khả năng Ba-la-mật-đa hóa tất cả mọi hành động trong cuộc sống, nghĩa là hành giả đã thành tựu là Bậc giác ngộ giải thoát.
---------------
Chú thích:
1) Độ(渡; P;S: Pāramitā): Giúp vượt qua. Như Lục độ, Thập độ.
2) Hộ trì(護持; P: Parittāṇa; S: Paritrāṇa; E: protection) là từ gốc Hán, trong đó:
Hộ護: Giúp đỡ // Trì持: Giữ gìn.
Theo đó, hộ trì là giúp đỡ, giữ gìn. Ví dụ:
- Hộ trì bên ngoài: Nhưhộ trì tự viện hay hộ trì Tam bảo.
- Hộ trì bên trong: Nhưhộ trì các Căn.
3) Cứu救: giúp cho thoát nạn.
- Chuộc (Nôm): bù đắp. Như: ‘lấy công chuộc tội’, ‘cứu chuộc’.
- Rỗi (Nôm): cứu vớt linh hồn. Như: ‘cứu rỗi’.
Trong đạo Phật, hành giả luôn phát nguyện “Tự giác, Giác tha, Giác hạnh viên mãn” là tiến trình hành động nên Thánh. Tuy nhiên, việc Giác tha của bậc Thánh là nhằm Độ hay Hộ trì chứ không nhằm Cứu nạn救難, Cứu rỗi, Cứu chuộc, vì mỗi người đều có những biệt Nghiệp (tốt hoặc xấu) mà mình đã tự làm và phải tự nhận theo luật công bình khách quan Nhân Quả.
Hơn nữa, mỗi người cũng phải Tự giác chứ các Thánh không thể giác ngộ giúp được. Thực tế cho thấy nếu các Thánh có thể cứu hay giúp được thì mọi người sẽ đều không gặp hoạn nạn và nên Thánh tất cả.
Xem thêm:
- TỨ NHIẾP PHÁP
- Tứ nhiếp pháp - Đại tạng kinh Việt Nam
- Tứ nhiếp pháp – Pratique du Bouddhisme – Hành Pháp Phật
VIDEO
- Tứ nhiếp pháp- Thích Thiện Xuân
- Thầy Thích Trí Huệ - Tứ Nhiếp Pháp
- Thuật Đắc Nhân Tâm - Thầy Thích Phước Tiến
- PHDS BS Đỗ Hồng Ngọc kỳ 43 Tứ Nhiếp Pháp
2/. Lục thông – Tam minh.
Lục thôngvà Tam minh là hai khả năng khác thường xuất hiện đối với Bậc giác ngộ A-la-hán. Ngũ thông là 5 loại thần thông đầu (từ 1. đến 5.) phổ biến ở người tu nơi các tôn giáo khác, và thường đước gọi là Phép lạ, chỉ có thánh quả A-la-hán mới đạt thần thông thứ 6.
Cũng cần lưu ý thần thông khác với pháp thuật. Thần thông do trình độ định tâm cao (từ tứ thiền trở lên) và phát triển đúng hướng bằng tự lực mà đạt được. Còn pháp thuật phần lớn đạt được bằng cách cầu viện đến tha lực và không cần phải đạt đến tứ thiền, đôi lúc chỉ cần niềm tin hay Cận định (Upacāra-samādhi= Cận hành định, Dục định) là đủ.
1) Lục thông(六通; P: Chalabhiññā; S: Ṣaḍabhijñāḥ; E: Six supernatural or universal powers) - còn gọi là 6 sức mạnh tâm linh siêu thế)
Dưới đây là nội dung của của các thần thông:
1.Thiên Nhãn thông (天眼通; P: dibbacakkhu, cutūpapātañāṇa; S: divyacaksus; E: clairvoyance):
Đó là khả năng nhìn của mắt không hạn chế - không bị trở ngại bởi khoảng cách và chướng ngại vật.
2.Thiên Nhĩ thông (天耳通; P:dibbasota; S: divyasrotam; E: clairaudience):
Đó là khả năng nghe của tai không hạn chế, không bị trở ngại của ngôn ngữ, hiểu được tiếng muôn loài.
3.Tha Tâm thông (他心通;P: paracittavijañāṇa, cetopariyañāṇa; S: paracittajñāna; E: mental telepathy, ability to know the minds of all living beings):
Đó là khả năng biết được suy nghĩ của muôn loài.
4.Túc Mạng thông (夙命通; P: pubbenivāsānussatiñāna; S: pūrvanivāsānusmṛtijñāna; E: ability to penetrate into past and future lives of self and others):
Đó là khả năng nhìn thấy được nhiều kiếp quá khứ của mình và người khác.
5.Thần Túc thông (神足通;P: iddhividha; S: ṛddhipāda; E: ability to be anywhere at will):
Đó là khả năng di chuyển không hạn chế: phi thân (khinh thân), di chuyển tức thời. Thậm chí còn có thể tàng hình, hiện thân to, nhỏ tùy ý. Thần Túc thông còn gọi là Biến Hóa thông.
6.Lậu Tận thông (漏盡通; P: āsavakkhayañāṇa; S: āśravakṣayajñāna; E: the supernatural insight into the initiative of the stream of transmigration):
Đó là khả năng làm chủ thân và tâm, trong mọi hoàn cảnh không bị nhiễm ô tham-sân-si. Khả năng này giúp phá được ngã chấp từ đối đãi thị phi nhưtốt hay xấuhoặc thiện hay ác, gây ra phiền não, là đầu mối của mọi nghiệp chướng. Người đạt Lậu Tận thông sẽ ở trong một trạng thái được gọi là Niết-bàn.
Lậu Tận thông còn được dùng trong giáo hóa chúng sinh nên gọi là Giáo Hóa thông. Đó là dùng những lời đúng pháp khéo léo giúp người khác chuyển hóa những nghiệp xấu ác về suy nghĩ (ý), lời nói (khẩu) và hành động (thân) trong cuộc sống. Trong Tăng chi bộ kinh, chương III, phẩm VI, kinh số 60, mô tả Giáo Hóa thông như sau: “Hãy suy nghĩ như thế này, chớ suy nghĩ như vậy! Hãy tác ý như vậy, chớ tác ý như vậy! Hãy từ bỏ cái này! Hãy đạt đến cái này và an trú!”.
2)Tam minh(三明; P: Tivijja; S: Trividya; E: Three insights, Three kinds of clarity)
Ba pháp Thiên Nhãn thông, Túc Mạng thông và Lậu Tận thông còn được gọi Tam minh,là bởi sau khi nhập được vào Tứ thiền và đắc được Đệ tứ Thánh quả A-la-hán thì hành giả đó bắt buộc phải trải qua 3 kinh nghiệm thần thông này.Tam Minh luôn xuất hiện kèm với Lục Thông.
-
Quá khứ: Đầu tiên là nhớ lại vô lượng kiếp quá khứ của mình với từng chi tiết nhỏ để thành tựu Túc Mạng minh(夙命明; E: Insight into the mortal conditions of self and others in previous life). Qua Túc Mạng minh hành giả dễ dàng đoạn diệt Thường kiến.
-
Tương lai: Kế đến là thấy sự lưu chuyển sinh tử của vô số chúng sinh ở các cõi theo nghiệp duyên thiện ác để thành tựu Thiên Nhãn minh (天眼明; E: Supernatural insight into future mortal conditions - deaths and rebirths). Qua Thiên Nhãn minh hành giả dễ dàng đoạn diệt Đoạn kiến.
-
Hiện tại: Cuối cùng là thấy rõ bản chất đau khổ của luân hồi sinh tử, nguyên nhân của đau khổ, bản chất của Niết bàn, và con đường đưa đến Niết bàn để thành tựu Lậu Tận minh (漏盡明; E: Nirvana insight - Insight into present mortal sufferings so as to overcome all passions or temptations). Qua Lậu Tận minh hành giả dễ dàng đoạn diệt những Kiến hoặc (thấy biết sai lầm).
Trong kinh Ðại Ca-chiên-diên Nhất Dạ Hiền Giả (Mahā-kaccāna-bhaddekaratta sutta) Tam minh về nội tâm của bậc giác ngộ được mô tả như sau:
Quá khứkhông truy tìm
Tương laikhông ước vọng,
Quá khứ đã đoạn tận,
Tương lai lại chưa đến,
Chỉ có pháp hiện tại,
Tuệ quán chính ở đây.
Không động, không rung chuyển …
Sau khi chứng ngộ, Phật Thích Ca thường dùng Tam minh để soi chiếu xem chúng sinh nào có đủ căn duyên giác ngộ để hộ trì.
Xem thêm:
- Thần thông không do tìm kiếm
- Mặt trái của thần thông - Giác Ngộ
- Thần thông và nghiệp lực - Thiền viện Trúc Lâm Bạch Mã
- Đức Phật sử dụng thần thông như thế nào -Thư Viện Hoa Sen
- Những phép lạ và thần thông của Đức Phật trong kinh điển ...
VIDEO
- Chứng đắc thần thông- TT. Thích Nhật Từ
- Thần thông và Thiền định- TT. Thích Nhật Từ
- Thần thông, nghiệp lực và giáo hóa - TT. Thích Nhật Từ
- Vấn đáp: Thần thông trong đạo Phật 05-03-2020 - TT. Thích Nhật Từ
- Vấn đáp: Thần thông, vô sư trí, sở tri chướng- 2014 | Thích Nhật Từ
- CHỨNG ĐẮC THẦN THÔNG là trở ngại của Thiền định | Thích Nhật Từ
- 4 thần thông – Thầy Thích Trí Huệ
- Thần Thông Trong Đạo Phật – Pháp Âm Thích Phước Tiến
- Triệu chứng tự nhận mình có thần thông hoặc chứng đắc - HT. PHÁP TÔNG
- Vì sao ĐỨC PHẬT không dùng THẦN THÔNG để cứu chúng sanh – Thích Pháp Hòa
3/. Mười tám vị A-la-hán chùa Tây Phương, Thạch Thất, Hà Nội (La Hán = A-la-hán).
Trong mỹ thuật, các vị La Hán thường được thể hiện dưới 3 dạng: tượng, phù điêu và tranh vẽ để thờ ở các chùa. Ở chùa Việt Nam, các La Hán chỉ thể hiện ở 2 dạng tượng và phù điêu, như La Hán ở chùa Trăm Gian (Quảng Nghi Tự), Chùa Thầy (Thiên Phúc Tự), Chùa Mía (Sùng Nghiêm Tự), 3 chùa này đều ở Hà Tây cũ, nay là Hà Nội. Cách bài trí: tượng La Hán chia làm 2 dãy, mỗi bên 9 vị ở hai bên tiền đường (Miền Trung và Miền Nam), hay ở hai nhà giải vũ (Miền Bắc). Tượng La Hán ở Miền Bắc thường trong tư thế ngồi trên loại bệ tự nhiên như tảng đá, mô đất, gốc cây. Tượng La Hán ở Miền Nam trong tư thế cưỡi trên lưng các con thú. Hình hài, động tác, nét mặt mỗi vị một vẻ rất sinh động và gần gũi với con người đời thường.
Chùa Tây Phương – Wikipedia tiếng Việt
Riêng chùa Tây Phương (Sùng Phúc Tự) ở huyện Thạch Thất, trước năm 1965 thuộc tỉnh Sơn Tây cũ, qua thời gian được nhập vào các tỉnh Hà Tây, Hà Sơn Bình, và thuộc Hà Nội từ năm 2008, làkhông bài trí tượng La Hán, mà thay vào đó là tượng Tổ sư phái Thiền tông Tây Thiên (Ấn Độ) nối tiếp nhau chủ trì, gìn giữ Phật pháp ở Ấn Độ sau Phật Thích Ca. Đây là những pho tượng Tổ rất sinh động, biểu lộ nội tâm của nhân vật, có giá trị thẩm mỹ cao, và được xem là một bộ tượng hoàn thiện nhất của điêu khắc gỗ Việt Nam trong thế kỷ 18. Các pho tượng đã thoát ra ngoài các khuôn mẫu chuẩn mực của các tượng Phật, Bồ Tát, để mang lên mình những sáng tạo, cảm hứng sống động.
Nếu như các tượng Phật thường ở trong trạng thái tĩnh: ngồi vững chãi trên tòa sen, mắt nhắm hờ, bất động chìm trong cõi bất khả tư nghị, các nếp áo đều phủ xuống lặng lẽ; thì các tượng Tổ chùa Tây Phương ở trong trạng thái động: đứng, ngồi, nói, thuyết, quạt ... rất sinh động phong phú, các tà áo bay tung, bước chân vững chãi ... Có thể nói rằng, các nghệ nhân dân gian đã thổi hồn cuộc sống vào các tượng Tổ này.
Hai bộ tem La Hán chùa Tậy Phương
Nhà thơ Huy Cận đã có một bài thơ hay về những pho tượng này nhan đề "Các vị La Hán chùa Tây Phương". Bài thơ ra đời năm 1960 và đã được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy cho học sinh bậc phổ thông trong chương trình SGK Văn học 12 giai đoạn 1990-2006. Nguồn: Bài thơ cuộc đời, NXB Văn học, 1963
Các vị La Hán chùa Tây Phương
Tôi đến thăm về lòng vấn vương.
Há chẳng phải đây là xứ Phật,
Mà sao ai nấy mặt đau thương?
Đây vị xương trần chân với tay
Có chi thiêu đốt tấm thân gầy
Trầm ngâm đau khổ sâu vòm mắt
Tự bấy ngồi y cho đến nay.
Có vị mắt giương, mày nhíu xệch
Trán như nổi sóng biển luân hồi
Môi cong chua chát, tâm hồn héo
Gân vặn bàn tay mạch máu sôi.
Có vị chân tay co xếp lại
Tròn xoe từa thể chiếc thai non
Nhưng đôi tai rộng dài ngang gối
Cả cuộc đời nghe đủ chuyện buồn....
Các vị ngồi đây trong lặng yên
Mà nghe giông bão nổ trăm miền
Như từ vực thẳm đời nhân loại
Bóng tối đùn ra trận gió đen.
Mỗi người một vẻ, mặt con người
Cuồn cuộn đau thương cháy dưới trời
Cuộc họp lạ lùng trăm vật vã
Tượng không khóc cũng đổ mồ hôi.
Mặt cúi nghiêng, mặt ngoảnh sau
Quay theo tám hướng hỏi trời sâu
Một câu hỏi lớn. Không lời đáp
Cho đến bây giờ mặt vẫn chau.
Có thực trên đường tu đến Phật
Trần gian tìm cởi áo trầm luân
Bấy nhiêu quằn quại run lần chót
Các vị đau theo lòng chúng nhân?
Nào đâu, bác thợ cả xưa đâu?
Sống lại cho tôi hỏi một câu:
Bác tạc bấy nhiêu hình khô hạnh
Thật chăng chuyện Phật kể cho nhau?
Hay bấy nhiêu hồn trong gió bão
Bấy nhiêu tâm sự, bấy nhiêu đời
Là cha ông đó bằng xương máu
Đã khổ, không yên cả đứng ngồi.
Cha ông năm tháng đè lưng nặng
Những bạn đương thời của Nguyễn Du
Nung nấu tâm can vò võ trán
Đau đời có cứu được đời đâu.
Đứt ruột cha ông trong cái thuở
Cuộc sống giậm chân hoài một chỗ
Bao nhiêu hi vọng thúc bên sườn
Héo tựa mầm non thiếu ánh dương.
Hoàng hôn thế kỷ phủ bao la
Sờ soạng, cha ông tìm lối ra
Có phải thế mà trên mặt tượng
Nửa như khói ám, nửa sương tà.
Các vị La Hán chùa Tây Phương!
Hôm nay xã hội đã lên đường
Tôi nhìn mặt tượng dường tươi lại
Xua bóng hoàng hôn, tản khói sương.
Cha ông yêu mến thời xưa cũ
Trần trụi đau thương bỗng hoá gần!
Những bước mất đi trong thớ gỗ
Về đây, tươi vạn dặm đường xuân.
27-12-1960
16 vị Tổ A-la-hán chùa Tây Phương
Vị Tổ thứ nhất: Ma Ha Ca Diếp (Mahakasyapa)
Vị Tổ thứ 2: A-Nan (Ananda)
Vị Tổ thứ 3: Thương-Na-Hòa-Tu (Sanakavasa)
Vị Tổ thứ 4: Ưu-Ba-Cúc-Đa (Upagupta)
Vị Tổ thứ 5: Đề-Đa-Ca (Dhrtaka)
Vị Tổ thứ 6: Di Giá Ca (Miccaka)
Vị Tổ thứ 7: Bà Tu Mật (Vasumitra)
Vị Tổ thứ 8: Phật-Đà-Nan-Đề (Buddhanandi)
Vị Tổ thứ 9: Phục-Đà-Mật-Đa (Buddhamitra)
Vị Tổ thứ 10: Hiếp-Tôn-Giả (Parsvika)
Vị Tổ thứ 11: Bồ-Tát Mã-Minh (Asvaghosha)
Vị Tổ thứ 12: Ca-Tỳ-Ma-La (Capimala)
Vị Tổ thứ 13: Bồ-Tát Long-Thọ (Nagarjuna)
Vị Tổ thứ 14: La-Hầu-La-Đa (Rahulata)
Vị Tổ thứ 15: Tăng-Già-Nan-Đề (Sanghanandi)
Vị Tổ thứ 16: Già-Da-Xá-Đa (Gayasata)
Vị Tổ thứ 17: Cưu-Ma-La-Đa (Kumarata)
Vị Tổ thứ 18: Xà-Dạ-Đa (Jayata)
Xem thêm:
- Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam (VII)
- Ý nghĩa của 18 vị La Hán chùa Tây Phương - Bàn thờ
- Tìm hiểu 18 vị La Hán trên 2 bộ tem bưu chính Việt Nam ...
VIDEO
- Phóng sự: Chùa Tây Phương(by A.D Group)
- TÂY PHƯƠNG CỔ TỰ ( THẠCH THẤT - TP HÀ NỘI )
- Du lịch Chùa Tây Phương kiệt tác huyền thoại | Hà nội phố
- Các vị La Hán chùa Tây Phương- Huy Cận - Trần Thị Tuyết diễn ngâm
- Chùa Tây Phương| Tay Phương Pagoda | Di Tích Quốc Gia Đặc Biệt | Ký Sự UNESCO
Hoan nghênh các bạn góp ý, trao đổi !
***
Huy Thai gởi
|
|