Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
PHẬT CHẾ GIỚI CẤM CÁC TỲ KHEO CHẶT CÂY VÌ CÂY XANH LÀ CHỖ CỦA QUỶ THẦN VÀ GIỮ GÌN SỰ SỐNG CHO TRÁI ĐẤT 

 
Ai chặn được cơn giận
Như dừng chiếc xe lăn
Ta gọi xà ích giỏi
Hơn những kẻ buông trôi.

Có một tỳ kheo muốn xây tịnh thất riêng nên quyết định đốn một thân cây to rồi thuê người xẻ gỗ. Không ngờ, trên cây này có một thọ thần (thần cây) đang trú ẩn cùng với đứa con. Khi vị tỳ kheo chuẩn bị đốn cây, nữ thần đã van xin ông dừng tay vì đây là nơi ở của hai mẹ con bà. Nghe lời van nài thống thiết như thế, nhưng ông vẫn bỏ ngoài tai và tiếp tục công việc.

Chúng ta gọi bà là nữ thần, ma, tinh hay quỷ cũng được vì bà có thần lực, khác với bóng ma vất vưởng. Loại yêu tinh này sống trên cây có thể gây hại và giết người. Khi van xin không được, nữ thần định giết vị tỳ kheo vì bà chỉ cần "phất tay” là ông bỏ mạng. Nhưng bà cố gắng kiềm chế lại, tự nhắc rằng nếu giết một tỳ kheo thì sau này mình sẽ chịu quả báo thảm khốc, hơn nữa, những thần cây khác cũng sẽ bắt chước. Cuối cùng, bà dừng lại ý muốn của mình, đành để cho vị tỳ kheo đốn luôn cả cây để lấy gỗ làm tịnh thất.

Tất nhiên, bà cảm thấy ấm ức nên đến trình với Phật. Bà thành thật kể rằng, trong cơn nóng giận bà đã có ý định giết vị tỳ kheo nhưng sau đó kiềm chế lại được vì cân nhắc hai lý do: quả báo của mình và việc làm của mình sẽ trở thành gương xấu cho kẻ khác. Đức Thế Tôn hết sức khen ngợi bà. Phật nói bài kệ:

Ai chặn được cơn giận
Như dừng chiếc xe lăn
Ta gọi xà ích giỏi
Hơn những kẻ buông trôi.

Nghe bài kệ, bà chứng luôn Sơ quả. Dù vậy, bà vẫn còn buồn bã ấm ức (người chứng Sơ quả chưa dứt hết phiến não). Phật dạy:

- Thôi, ngươi hãy đến ở tại thân cây gần tịnh thất của Như Lai, sẽ không ai đến đốn phá nữa.

Được Đức Phật cho phép, bà vui mừng dời về thân cây đó ở và rất hạnh phúc vì vừa có nơi trú ẩn, vừa được gần Thế Tôn.

Sau đó, do việc này mà Phật chế giới cấm các tỳ kheo chặt cây, vì cây xanh là chỗ ở của quỷ thần, đóng vai trò quan trọng trong việc giữ gìn sự sống cho trái đất. Cho đến ngày nay, những vị thọ tỳ kheo đều phải giữ giới này, thậm chí cả cỏ cũng không được phát. Đạo Phật là một tôn giáo tôn trọng sự sống, không giết hại động vật và không động đến thảm thực vật. Tuy nhiên, hiện nay môi trường đang bị tàn phá nặng nề do hoạt động đốn gỗ phá rừng, bức tử hệ sinh thái của trái đất. Những người có lương tri lại càng yêu quý đạo Phật biết bao, bởi hơn 2600 năm trước đây, Phật đã cấm đệ tử của Người chặt cây, đốn gỗ để bảo vệ sự sống của Trái đất.

Sống đơn giản không làm tổn hại
Đến thiên nhiên vĩ đại dấu yêu
Không phung phí, chẳng dùng nhiều
Áo cơm điện nước mọi điều chung quanh.
Bao công sức để dành tu tập
Vượt khỏi vòng ngã chấp trầm luân
Yêu thương vạn loại xa gần
Chúng sinh mãi mãi vẫn cần có nhau.

Khẩu Nghiệp Mang Đến Quả Báo Thê Thảm

Khi tức giận, chúng ta thường tìm cách trả đũa ngay lập tức cho hả cơn giận, bất chấp hậu quả trầm trọng như thế nào. Báo chí từng đăng tin về hai người hàng xóm đã giết nhau chỉ vì con gà nhà này bay sang nhà kia mổ một vài cọng rau. Trước đó, họ đã tranh cãi và mắng mỏ nhau. Người này nói một câu, người kia cũng cố tìm câu khác xúc phạm hơn để mắng lại. Trong cơn nóng giận, họ nói lời gay gắt nhằm hạ nhục đối phương khiến người kia phải nhục nhã. Ngày xưa, nhà này cách nhà kia chỉ có hàng giậu, hàng xóm sống gần nhau thân tình, thường mời nhau ăn những món ngon. Nhưng mỗi lần xảy ra xích mích động chạm, họ lại lớn tiếng mắng chửi nhau. Tình huống này đã làm lộ ra bản chất xấu xa nhất của con người.

Chúng sinh là vậy, trong cơn tức giận chúng ta thường thích mắng chửi nhau, không ngờ khẩu nghiệp này mang lại quả báo thê thảm về sau. Nếu mắng ai là chó, chính ta sẽ đọa làm loài bốn chân. Nếu mắng ai là điếm, chính ta cũng có ngày "buôn hương bán phấn". Trong một số trường hợp, nóng giận đến mức phải đánh giết nhau dẫn đến bạo lực và thậm chí là giết người, thì ác nghiệp nặng nề hơn, cũng cấu thành tội hình sự.

Người xưa có câu "No mất ngon, giận mất khôn" thật là chí lý. Trong cơn giận, ta thường nói cho đã miệng, đánh cho đã tay, chẳng màng tội phước, về sau mới than khóc trước quả báo đắng cay.

Có khi trong cơn giận
Con đã đánh đập người
Lòng lửa cháy bời bời
Mặt dạ xoa hung dữ.
Nay quay về nẻo chánh
Hiểu lầm lỗi ngày xưa
Lòng day dứt vô bờ
Xin cúi đầu sám hối...

Cách Kiềm Chế Nóng Giận

Người có thiện căn tu hành là người có khả năng kiềm chế được cơn giận của mình. Trong câu chuyện, vị nữ thần/thọ thần/thần cây (gọi theo cách dân gian là yêu tinh/quỷ) ở kiếp xưa đã có tu hành, nên khi gặp Phật, dù còn nghiệp nào đó nên phải làm yêu tinh trú trên cây nhưng bà vẫn biết kiềm chế cơn nóng giận.

Phật khen ngợi người có khả năng kiểm soát cơn giận giống như người xà ích khéo kiềm một chiếc xe đang lao dốc, công việc cực kỳ khó. Để có được bản lĩnh này, người đó phải có đạo hạnh và đạo lực tu hành từ quá khứ.

Để hóa giải sân hận, chúng ta phải tu tập qua hai điều: thiền định và phát nguyện. Thiền định giúp người tu thiền đạt được chánh niệm tỉnh giác, triền cái sân bị phá tan, không bao giờ còn nóng giận nữa. Đây là cách đẩy lùi nóng giận nhờ tu hành. Phát nguyện sám hối và cầu nguyện trước Phật: Xin Phật gia hộ để dù gặp việc trái ý nghịch lòng, con vẫn bình thản, nhẫn nhục, không nổi sân. Mỗi ngày đều nguyện như thế thì khi gặp chuyện, ta sẽ kiểm soát được cơn giận của mình giống như vị nữ thần trong câu chuyện.

(Trích: "NHỮNG ĐIỀU THÚ VỊ TỪ TRUYỆN TÍCH PHÁP CÚ TẬP 11", Trang 31 - 35)


___________________


Hoang Nguyen gởi