Trong kinh Bổn sinh (Jàkata), Đức Phật còn nêu ra mười phẩm chất cần có của một lãnh đạo quốc gia để trị vì tốt đất nước, gọi là Thập vương pháp:
1-Phải có khí độ rộng lượng, cao thượng, vì dân chúng chứ không vì bản thân.
2-Sống đạo đức và hướng dẫn dân chúng sống đạo đức.
3-Sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân cho dân, cho nước.
4-Trung thực và liêm khiết, công bình, chính trực.
5-Nhân từ, đức độ, có hành vi, cách cư xử nhu hòa, từ ái đối với mọi người.
6-Sống thanh cao, giản dị, không thù oán, tị hiềm.
7-Thực thi bất bạo động, không làm tổn hại bất cứ ai.
8-Có lòng kiên trì, nhẫn nại.
9-Lấy lòng dân làm gốc, đưa ý dân lên hàng đầu.
10-Tôn trọng sự hòa hợp trong nội bộ quốc gia và hòa bình thế giới.
GN - Đức Phật không phải là một nhà chính trị, Ngài không chủ trương kinh bang tế thế, thiết lập quy chế nhà nước, xây dựng hệ thống pháp luật. Đức Phật là Đấng Đạo sư, một nhà đạo đức, tâm linh đồng thời là một nhà giáo dục, Ngài mở rộng phạm vi đóng góp cho tất cả chúng sinh chứ không giới hạn ở một quốc gia, dân tộc nào.
Đường hướng và chủ trương của Ngài đặt trên nền tảng đạo đức và tâm linh chứ không phải là chính trị, quyền lực và sự khôn ngoan của bản ngã. Mục đích duy nhất của Ngài là mang lại an lạc hạnh phúc cho tất cả chúng sinh. Đối với các nhà lãnh đạo quốc gia quản trị đất nước, những lời dạy của Ngài giúp họ đem lại hạnh phúc, thái hòa cho dân chúng.
Trong kinh Tăng chi bộ I (chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức), Đức Phật đã nêu lên vai trò của người lãnh đạo một tổ chức hay một quốc gia như sau: “Khi đàn bò lội sông/ Đầu đàn đi sai lạc/ Cả đàn đều đi sai/ Vì hướng dẫn sai lạc/ Cũng vậy, trong loài người/ Vị được xem tối thắng/ Nếu sở hành phi pháp/ Còn nói gì người khác/ Cả nước bị đau khổ/ Nếu vua sống phi pháp/ Khi đàn bò lội sông/ Đầu đàn đi đúng hướng/ Cả đàn đều đúng hướng/ Vì hướng dẫn đúng đường/ Cũng vậy trong loài người/ Vị được xem tối thắng/ Nếu sở hành đúng pháp/ Còn nói gì người khác/ Cả nước được an vui/ Nếu vua sống đúng pháp”.
Bài kệ cho thấy vai trò người lãnh đạo là làm gương và dẫn dắt. Nếu lãnh đạo là người có tài năng và đạo đức, đưa ra những đường lối, chủ trương tích cực, đúng hướng, có lợi ích cho nước cho dân thì mọi người nhờ đó mà có cuộc sống an vui hạnh phúc, đất nước đó ngày càng thịnh vượng, thái bình. Nhưng ngược lại, nếu lãnh đạo có “sở hành phi pháp” (không có khả năng và tư cách đạo đức lãnh đạo), chỉ đạo sai lạc thì chắc chắn kéo theo vô số điều tiêu cực, hệ lụy. (Xem thêm Tiểu bộ kinh, tập 6, phần Khuyến dụ quốc vương).
Trong kinh Tiểu bộ I (kinh Tập, Cánh cửa bại vong), Đức Phật cho biết nếu người lãnh đạo, có quyền thế nhưng có phẩm chất đạo đức kém sẽ đưa chính họ và những người khác vào cánh cửa bại vong: “Đàn bà hay đàn ông/ Rượu chè, tiêu hoang phí/ Được địa vị, quyền thế/ Là cửa vào bại vong”, “Người tự hào gia thế/ Về tài sản, dòng họ/ Khinh miệt những người khác/ Là cửa vào bại vong”. Kinh Tiểu bộ (Chuyện Đại vương Janasandha), Đức Phật dạy: “Một vị vua phải trị vì sáng suốt; trong mọi phận sự của một vị vua, đối với thần dân như cha mẹ đối với con, từ bỏ mọi việc làm ác. Khi một vị vua chân chính, bầy tôi cũng chân chính noi gương”.
Trong kinh Bổn sinh (Jàkata), Đức Phật còn nêu ra mười phẩm chất cần có của một lãnh đạo quốc gia để trị vì tốt đất nước, gọi là Thập vương pháp:
1-Phải có khí độ rộng lượng, cao thượng, vì dân chúng chứ không vì bản thân;
2-Sống đạo đức và hướng dẫn dân chúng sống đạo đức;
3-Sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân cho dân, cho nước;
4-Trung thực và liêm khiết, công bình, chính trực;
5-Nhân từ, đức độ, có hành vi, cách cư xử nhu hòa, từ ái đối với mọi người;
6-Sống thanh cao, giản dị, không thù oán, tị hiềm;
7-Thực thi bất bạo động, không làm tổn hại bất cứ ai;
8-Có lòng kiên trì, nhẫn nại;
9-Lấy lòng dân làm gốc, đưa ý dân lên hàng đầu;
10-Tôn trọng sự hòa hợp trong nội bộ quốc gia và hòa bình thế giới.
Đây không chỉ là những phẩm chất một vị vua cần có, mà còn là những phẩm chất của người đứng đầu chính phủ và lãnh đạo các bộ, các ngành thuộc bộ máy nhà nước cần phải có.
Mười phẩm chất của một vị vua anh minh, hiền đức hay nhà lãnh đạo tốt (Thập vương pháp) được nhắc đến trong nhiều bản kinh, nhất là trong Tiểu bộ kinh, tuy văn từ có khác nhưng chung quy nội dung không ngoài mười phẩm chất lãnh đạo: 1-Bố thí, có tấm lòng từ thiện, xả kỷ vị tha (trong quản trị đất nước thì điều này thể hiện ở các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội); 2-Trì giới, giữ gìn đạo đức (giữ năm giới: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu); 3-Bao dung, rộng lượng, giàu lòng hy sinh; 4-Liêm khiết, nghiêm minh, chính trực, công bằng; 5-Nhu hòa; 6.Sống khắc kỷ, giản dị (không đắm mình trong hưởng thụ, trụy lạc, không xa xỉ, biết chế ngự những ham muốn, dục vọng); 7-Không sân hận (không gieo thù kết oán với ai, không ganh ghét, đố kỵ, thù hằn); 8-Yêu hòa bình (không gây chiến, từ bi, bất bạo động); 9-Kham nhẫn, chịu đựng; 10-Thuận lòng dân.
Trong kinh Tiểu bộ (Chuyện hiếu tử Sàma), Đức Phật dạy về 10 bổn phận mà một vị vua anh minh hiền đức cần phải làm (cũng được xem như Thập vương pháp). Nếu làm tốt, vị vua không những lãnh đạo tốt đất nước của mình mà còn được sinh về cõi Trời sau khi chết. Đó là: 1-Bổn phận đối với cha mẹ; 2-Bổn phận đối với vợ con; 3-Bổn phận đối với thân bằng quyến thuộc; 4-Bổn phận đối với quần thần; 5-Bổn phận đối với binh sĩ; 6-Bổn phận đối với công chức; quan tâm đến các cơ quan chính quyền và đời sống nhân dân; 7-Bổn phận đối với những người tùy tùng thân cận; 8-Bổn phận đối với những bậc tu hành thanh tịnh, đạo cao đức trọng, các nhân sĩ, hiền tài; 9-Bổn phận đối với các bậc ẩn sĩ, tài đức mà mai danh ẩn tích (biết tôn kính, hỗ trợ và mời họ giúp dân giúp nước, thưa hỏi việc nước); 10-Biết yêu thương, bảo vệ loài vật, môi trường sinh thái.
Trong kinh Trường bộ II (Chuyển luân thánh vương sư tử hống, số 26), Đức Phật cũng dạy thêm: “Người lãnh đạo tốt phải biết cư xử công bình (không thiên lệch, vị kỷ vị thân, không tạo bất công do bị tiền tài mua chuộc hoặc vì khiếp sợ uy quyền, thế lực); không gieo lòng thù hận trong dân chúng; không ngần ngại áp dụng luật pháp khi cần thiết; phải thông hiểu pháp luật rõ ràng mỗi khi áp dụng. Luật pháp không phải áp dụng chỉ vì người ấy có uy quyền, mà phải được áp dụng hợp tình và hợp lý”.
Không phải ai cũng có chí hướng cao thượng về đời sống tâm linh đưa đến giác ngộ, giải thoát, cho nên tùy căn cơ trình độ mà Đức Phật nói pháp, trong đó có các pháp mang lại an lạc cho đời sống thế tục trong hiện tại và tương lai. Vì thế khi có vị lãnh đạo quốc gia nào xin ý kiến về các vấn đề xã hội, quốc gia, Đức Phật cũng nêu lên quan điểm của mình về chính sách trị quốc an dân và giải quyết các vấn đề xã hội. Ngài xem đó là dịp để các nhà đạo đức, tâm linh, các nhà giáo dục góp phần mang lại an lạc, hạnh phúc cho người dân ở một phương diện khác.
Tuy không phải là một nhà chính trị, không phải là một nhà xã hội học nhưng cái nhìn của Đức Phật hết sức sáng suốt và thấu đáo, ý kiến của Ngài có giá trị hữu ích, có tầm nhìn chiến lược rất được các nhà lãnh đạo quan tâm. Chẳng hạn như trong kinh Cứu-la-đàn-đầu (Trường bộ kinh I, số 5), Đức Phật nêu lên quan điểm lãnh đạo của mình như sau: “Những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về nông nghiệp và mục súc, Tôn vương hãy cấp cho những vị ấy hạt giống và thực vật; những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về thương nghiệp, Tôn vương hãy cấp cho những vị ấy vốn đầu tư; những vị nào trong quốc độ nhà vua nỗ lực về quan chức, Tôn vương hãy cấp cho những vị ấy vật thực và lương bổng. Những người này chuyên tâm vào nghề riêng của mình sẽ không nhiễu hại quốc độ nhà vua, và ngân quỹ nhà vua sẽ được dồi dào, quốc độ sẽ được an cư lạc nghiệp, không có tai ương, ách nạn và dân chúng hoan hỷ vui vẻ, cho con nhảy trên ngực, sống với nhà cửa luôn mở rộng”.
Trong một bài kinh khác, Đức Phật cho biết, nghèo đói là nguyên nhân chính của trộm cướp, hung ác, thù hằn, bạo động và các hành vi trái đạo lý. Vì thế chỉ có biện pháp cải thiện kinh tế, xóa đói giảm nghèo và quan tâm giáo dục tri thức, đạo đức mới ngăn chặn và làm giảm thiểu tệ nạn xã hội. Các hình phạt như xử tử, chặt tay chân, cầm tù, lưu đày, khổ sai… không hữu hiệu, không thể kiềm hãm tệ nạn xã hội và bất ổn chính trị (Trường bộ kinh II, kinh Chuyển luân thánh vương sư tử hống, số 26).
Đức Phật còn nêu ra 7 điều kiện thịnh suy của một quốc gia như sau:
1-Thường gặp gỡ và hội họp.
2-Hội họp, giải tán trong tinh thần đoàn kết.
3-Không ban hành những đạo luật chưa từng được ban hành; không hủy bỏ những đạo luật sẵn có, tôn trọng và giữ gìn những truyền thống quý báu.
4-Kính trọng các bậc trưởng thượng.
5-Không có những bất công, tôn trọng phụ nữ.
6-Thờ phụng, ghi nhớ công đức tổ tiên, những bậc có công.
7-Cung kính, hộ trì, noi gương các bậc Thánh.
Đó là những yếu tố làm nên sự hưng thịnh của một quốc gia (Tăng chi bộ kinh III, chương Bảy pháp).
Về phương pháp lãnh đạo, quản lý và điều hành một tổ chức, làm lợi ích cho số đông, Đức Phật dạy bốn pháp nhiếp hóa (Tứ nhiếp pháp): Bố thí nhiếp; Ái ngữ nhiếp; Lợi hành nhiếp; Đồng sự nhiếp. Bốn phương pháp nhiếp hóa này có thể dùng riêng lẻ tùy trường hợp hoặc sử dụng phối hợp một cách khéo léo.
Quả thật, nếu áp dụng thực thi được những lời Đức Phật dạy thì vị quốc chủ là vị vua nhân từ, đức độ, anh minh sáng suốt có sức mạnh của muôn dân, lo gì đất nước không thái bình thịnh trị. Khi mọi người dân đều yêu quê hương đất nước, đều tôn kính, quý mến các nhà lãnh đạo, các binh sĩ vì nước vì dân; khi quân và dân đoàn kết gắn bó một lòng, các chủ trương, chính sách nhà nước hợp lòng dân, xã hội an cư lạc nghiệp thì nền chính trị yên ổn, vững mạnh, đất nước hùng cường.
Phan Minh Đức
Trương Nga gởi