Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 

Phật giáo, điêu khắc và âm nhạc



Từ thời cổ đại, nhiều tôn giáo lớn đã biết sử dụng sức mạnh của Hội Họa, Điêu Khắc như một phương tiện để phát triển đạo giáo và tín ngưỡng của mình. Hơn nữa, những tác phẩm mỹ thuật, dù dưới hình thức nào đi nữa, cũng diễn tả được rất nhiều điều mà người thuyết giảng không thể nói. Nhiều triết gia cho rằng “Một bức tranh bằng ngàn lời nói!”

Ngoài việc diễn tả nội dung muốn diễn đạt một cách thầm lặng mà lại chuyên sâu, mỹ thuật còn là những trang sử để người đời sau, chỉ nhìn vào cũng hiểu được những sinh hoạt của tôn giáo của người đời trước. Trong các nền văn minh cổ đại như Ai Cập, La Mã, Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc tại các nền văn minh hay tôn giáo đã bị tuyệt diệt tại các Châu lục khác, những bức tranh khắc chạm trên mọi phương tiện sinh hoạt còn tìm thấy trong các đền thờ đã thay cho người tường trình để kể cho nhân loại biết những tập tục tôn giáo đã diễn ra trong thời xưa ấy.

Tại Ấn Độ, nghệ thuật điêu khắc và hội họa thuộc về Phật Giáo đã phát triển sau thời Đức Thế Tôn hạ sinh không lâu. Vì thế, mà chúng sinh mới hiểu thấu rõ hơn các sinh hoạt của Đức Phật. Dĩ nhiên, những pho tượng điêu khắc hay những bức tranh vẽ từ thời xa xưa ấy còn đơn giản, chưa có cầu kỳ và tinh xảo như những thế kỷ sau này. Sau khi đạo Phật phát triển sang Trung Hoa và các nước Á Châu khác như Tích Lan, Thái Lan, Cam Bốt các nước Trung Á, thì hình ảnh về Phật Giáo có thay đổi tùy theo óc sáng tạo của các điêu khắc gia hay các họa sĩ và cũng tùy theo văn hóa và văn minh của mỗi nước.

Khi đạo Phật được truyền bá sang Việt Nam, thì các công trình điêu khắc của các quốc gia đó cũng theo sau. Nhưng thời ấy, vì trình độ thưởng thức nghệ thuật còn thấp cũng như những điều luật của Đạo Phật hồi đó còn chưa thông tỏ, cho nên các tác phẩm đầu tiên về đạo Phật tại Việt Nam chỉ là những tác phẩm Phi thánh Tượng, nghĩa là chưa có hình người, mà chỉ là những công trình điêu khắc giản lược mang tính ẩn dụ như hoa sen, bánh xe luân hồi mà thôi.
Sang đến đời nhà Lý, nhà Trần thì Phật Giáo thịnh hành. Từ đó, các điêu khắc hình Đức Phật và các loại hình như lá bồ đề, hoa sen, hay các vũ nữ uốn mình theo kiểu Ấn độ, kiểu Trung Hoa cũng như các họa tiết Rồng, Tiên được phổ biến rộng rãi và đa số các chùa chiền, đình thờ đều có hình rồng ngậm ngọc trên nóc.

Qua thời nhà Lê, thì Phật Giáo đã lan truyền ra gần như cả nước. Nghệ thuật điêu khắc cũng từng bước mà phát triển theo. Những họa tiết hình lưỡi lửa, long phụng chầu ngọc được khắc họa khắp nơi. Từ đó mà những tượng Phật theo văn hóa Việt Nam đích thực được đúc, nặn, hoặc chạm trên gỗ bắt đầu được thiết trí trong các chùa chiền. Một trong những tượng Phật nổi tiếng thế kỷ thứ 11 là tượng Phật A di Đà tại chùa Phật Tích, Bắc Ninh được điêu khắc năm 1057 mang dáng vẻ Việt Nam nhiều hơn là dáng vẻ Ấn độ hay Trung Hoa.

Vào thế kỷ 15, ba pho tượng Tam Thế tại Chùa Ngọc Khám, Bắc Ninh đã được thực hiện rất công phu bằng những bàn tay nghệ nhân Việt Nam. Sau đó, đến thế kỷ 17, 18, thì tượng Phật Thích Ca nhập Niết Bàn, hồi đó còn được gọi tên bằng tượng ông Bụt có tóc xoắn ốc, được chạm khắc bằng gỗ sơn son thiếp vàng, vào thế kỷ 17, 18 rất tinh xảo. Nét mặt Đức Thế Tôn khi nhập Niết Bàn thể hiện lên một sắc thái vô cùng đặc biệt, Ngài mang một nụ cười hoàn toàn thoát tục, siêu nhiên, khó tả bằng lời trong một khuôn mặt hoàn toàn Việt Nam, không ảnh hưởng nét văn hóa Trung Hoa mấy. Đức Phật mà trước đó chỉ được tượng trưng qua biểu tượng, nay mang hình dáng con người mang đủ trong 32 tướng tốt (mahapurushalakshana), chẳng hạn như nhục kế ở trên đầu, tóc xoắn ốc, chấm son đỏ giữa lông mày và tai dài.

Qua thời Trịnh Nguyễn phân tranh, đời sống ly loạn, nhân dân ta thán, thì bỗng xuất hiện những tượng điêu khắc Bồ Tát Quan Thế Âm. Những tượng này được làm dưới nhiều dạng: Quan Âm Thị Giả, Quan Âm Vô úy, Quan Âm Tống tử, Quan Nam tọa sơn, Quan Âm Nam Hải, rồi Quan Âm Thiên Thủ, Thiên Nhãn (ngàn tay, ngàn mắt).

Năm 1959, Việt Nam tham dự đại hội Phật Giáo tại Ấn Độ, mang theo bản tượng thạch cao khắc hình đức Quan Âm nghìn mắt nghìn tay, phỏng theo tượng chính tại chùa Bút Tháp, được thế giới thưởng lãm nhiệt liệt. Rồi cứ thế, theo đà tiến triển của đất nước, nhiều tác phẩm điêu khắc về Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, Bồ Tát Quán Thế Âm và các đệ tử được các nhà điêu khắc Việt Nam đúc và sáng tạo bằng nhiều vật liệu khác nhau, như từ đá, gỗ, thạch cao, và sau này là xi măng. Trình độ văn minh và thưởng ngoạn càng tăng trưởng thì những tác phẩm điêu khắc Phật Giáo càng tinh vi, linh động, làm xúc động tâm hồn Phật Tử, đem lại niềm An Lạc cho những ai có tâm Phật thật sự.

Song song với sự phát triển của nghệ thuật điêu khắc Phật Giáo, âm nhạc trong Phật giáo cũng thay đổi. Cách đây vài thập niên, có những người nói rằng trong Phật Giáo không có âm nhạc, chỉ có tiếng mõ, tiếng chuông đều đều, ru ngủ. Họ cho rằng các bài hát có tính cách Phật Giáo chỉ phát triển từ khoảng trên 10 năm nay, và những bài nhạc được hát trong các buổi nghi lễ thì khởi đầu rất thô sơ, không phong phú như trong các tôn giáo khác.

Những năm trước 1975, khi nói về âm nhạc trong Phật Giáo, có người nói Phật Giáo không nên có âm nhạc, vì âm nhạc là phương tiện quyến rũ của ma quỷ. Thiển nghĩ, nhận định này không đúng vì thực tế, âm nhạc đã ẩn sâu trong Phật Giáo từ vài ngàn năm nay.

Trước hết, âm nhạc là gì? Âm nhạc là âm thanh được phát ra từ miệng cũng như từ các khí cụ theo những cao độ hay thang bậc phát âm khác nhau. Âm nhạc thay đổi tùy theo trường độ (hay độ dài) khác nhau, và cường độ (tức độ mạnh yếu) khác nhau. Âm nhạc cao quý là phương tiện để thanh lọc tâm hồn. Âm nhạc tốt sẽ hướng dẫn người nghe đến đỉnh cao của trí thức.

Nếu định nghĩa như vậy thì từ ngàn xưa, những người theo Phật Giáo đã tụng kinh, gõ mõ, gõ khánh để tạo ra những âm thanh khác nhau. So sánh với 7 nốt nhạc của Tây Phương, thì tiếng mõ “cóc cóc” tương đương với một nốt nhạc, tiếng khánh vang “oang” là một nốt nhạc khác, và tiếng tụng kinh lên bổng xuống trầm là các nốt nhạc khác. Sự tập hợp của tiếng mõ, tiếng khánh, tiếng tụng kinh đã quyện vào nhau thành một trường phái âm nhạc đặc biệt có tác dụng tâm sinh lý làm người nghe như chìm vào trong một không gian khác. Quan trọng hơn cả, là sự hòa hợp của các âm thanh nói trên có tác dụng siêu nhiên làm thay đổi tâm hồn của người nghe, từ lo lắng, phiền muộn thành thanh thản, quên hết ưu phiền, từ tuyệt vọng biến thành hy vọng.

Đã có không biết bao nhiêu trường hợp mà con người chán nản, chỉ muốn kết liễu đời mình, nhưng khi vừa bước vào chùa, lập tức thấy tất cả niềm thất vọng tiêu tan. Thậm chí có nhiều trường hợp mà những người luôn có tà niệm, luôn vọng động, khi nghe thấy tiếng tụng kinh hòa nhập với tiếng mõ, tiếng chuông, đã giác ngộ, để trở thành những người Con Phật chân chính.

Như vậy, âm nhạc trong đạo Phật, thật ra đã là một phương tiên siêu nhiêu có từ ngàn đời trước và tùy theo dân tộc, quốc gia mà âm nhạc Phật Giáo phát triển theo các hình thức khác nhau. Như đạo Phật ở Tây Tạng, từ ngàn xưa đã dùng âm nhạc như phương tiện khiến cho Phật Tử thực hành Chánh Đạo một cách nhẹ nhàng, siêu thoát. Trước khi vào chùa, Phật tử phải đẩy xoay vòng một dẫy các chuông nhỏ, để tìm sự bình an. Đa số Phật Tử Tây Tạng thích nhảy múa với lục lạc, với chuông trước khi tụng kinh, vì thế mà tâm hồn người Phật Tử Tây Tạng thật thuần khiết, đơn giản, người nào cũng cảm thấy chữ Giác Ngộ ngay chính tâm hồn mình.

Vài dân tộc Đông Nam Á Châu khác cũng đam mê vũ theo điệu nhạc trước chính điện. Nhiều điệu vũ đã thể hiện các câu chuyện dựa theo các tích truyện về Đức Phật, các đệ tử của Đức Thế Tôn, hay các câu chuyện răn dậy nhân gian phải sống theo giáo lý của Phật. Tại các quốc gia tôn trọng đạo Phật như Thái Lan, Cam Bốt, Lào, thì âm nhạc luôn sát cánh với các nghi lễ, như Lễ Đản Sanh, Tắm Phật, Phật Thành Đạo. Những dụng cụ âm nhạc thì tùy quốc gia, thường có chiêng, mõ, đàn giây… Có nơi lại cho những vũ công nhảy múa trước Tượng Phật những điệu vũ kinh điển, có tập dượt kỹ càng làm say mê những người mộ đạo.

Trở lại thời đại ngày nay, đa số các trường phái âm nhạc của các quốc gia phát triển đã biến thành phương tiện ru ngủ con người, khiến con người dễ lạc vào Mê đạo. Một số các chương trình âm nhạc lại còn thể hiện những tư tưởng ma quỷ, kêu gào làm những chuyện thất đức.

Vì thế, âm nhạc Phật giáo đã phát triển cho thích hợp với nhu cầu của con người hiện tại. Những bản nhạc dựa theo kinh Phật cũng như các vũ điệu Phật Giáo là ngọn đuốc sáng giữa thế kỷ tối tăm, là phương tiện cần thiết để giúp nhận thức được đường giải thoát khỏi dục vọng một cách dễ dàng và thoải mái, giúp con người tìm về Chánh Đạo, là niềm vui và hạnh phúc của nhiều chục triệu người con Phật trong thế giới đầy tà ma, quỷ quái này.



CHU TẤT TIẾN

usaelection gởi