Phật Thích Ca 佛釋迦 Gautama Buddha
***
Xem dạng pdf
Nội dung
Phần A
Đức Phật Thích Ca lịch sử
1. Tổng quan về đức Phật Thích Ca.
2. Phật Thích Ca đản sanh.
3. Phật Thích Ca xuất gia tu học và thành đạo.
3.1. Xuất gia tu học.
3.2. Giác ngộ - Thành đạo.
4. Phật Thích Ca chuyển Pháp luân.
4.1. Hình thành chuyển Pháp luân.
4.2. Nội dung chuyển Pháp luân.
4.3. Hoằng truyền chân lý.
- Nhận thức chân lý.
- Thực hành tu học chân lý.
4.4. Hoằng truyền đạo đức.
- Tính nhân bản trong đạo đức của Phật giáo.
- Từ Bi-Trí Tuệ trong đạo đức học Phật giáo.
- Chuẩn mực 10 điều đạo đức cho bản thân.
- Chuẩn mực đạo đức qua các đối tượng.
5. Phật Thích Ca nhập Niết-bàn.
Phần B
Đức Phật Thích Ca biểu tượng và huyền thoại
1. Biểu tượng và huyền thoại khi đức Phật đản sanh.
1.1. Biểu tượng 7 hoa sen khi Phật ra đời – Thất Giác Chi.
1.2. Biểu tượng của “Duy ngã vi tôn – 唯我為尊”
1.3. Biểu tượng tắm Phật trong lễ Phật đản.
2. Biểu tượng và huyền thoại khi đức Phật thành đạo.
2.1. Tam thân.
2.2. Tam bảo.
3. Biểu tượng và huyền thoại khi đức Phật nhập Niết-bàn.
Phần C
Đạo Phật sau đức Phật nhập Niết-bàn
1. Sự phát triển của đạo Phật.
1.1. Sự phân chia phái.
1.2. Tính thống nhất trong đạo Phật.
2. Đạo Phật là một tôn giáo hay một triết lý.
2.1. Đạo Phật tôn giáo và Đạo Phật minh triết.
2.2. Giác ngộ – Giải thoát.
– Siêu thoát – An tịnh
3. Các thánh tích của đạo Phật – Tứ động tâm.
3.1. Lumbini (Vườn Lâm Tỳ Ni), nơi đức Phật đản sanh.
3.2. Bodhgaya (Bồ Ðề Ðạo Tràng), nơi đức Phật thành đạo.
3.3. Sarnath (Vườn Lộc Uyển), nơi đức Phật khai giảng giáo pháp.
3.4. Kushinara (Câu Thi Na), nơi đức Phật nhập Niết-bàn.
Bài đọc thêm
1/. Đức tin và Chánh tín.
2/. Đức Phật dạy con như thế nào?
3/. Đức Phật trong cái nhìn của các học giả.
1) Nhân cách vĩ đại của đức Phật.
2) Trí tuệ siêu việt của đức Phật.
3) Cống hiến của đức Phật với nhân loại.4) Giáo pháp của đức Phật.
4/. Hình ảnh của đức Phật trong các tôn giáo khác trên thế giới.
NBS: Minh Tâm 7/2019
Phần A
Đức Phật Thích Ca lịch sử
1. Tổng quan về Phật Thích Ca.
Vesak - Wikipedia
Lễ Phật Đản – Wikipedia tiếng Việt
Ngày 15 tháng 12 năm 1999, theo đề nghị của 34 nước, để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của đức Phật Thích Ca, Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc tại phiên hợp thứ 54, mục 174 của chương trình nghị sự đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hợp Quốc, là đặc trưng cho đời sống tinh thần cao đẹp của nhân loại.
Những hoạt động kỷ niệm sẽ được diễn ra hàng năm tại trụ sở và các trung tâm của Liên Hợp Quốc trên thế giới từ năm 2000 trở đi. Sự chọn lựa này được sự đồng thuận của đại diện các quốc gia trên thế giới, kể cả các quốc gia có quốc giáo không phải là đạo Phật; sự kiện lựa chọn này cũng không căn cứ vào khối lượng tín đồ của bất kỳ tôn giáo nào trên toàn thế giới.
Vesak là ngày lễ trọng đại được tổ chức hằng năm bởi cả hai truyền thống Nam tông và Bắc tông. Lễ Vesak hay còn gọi là lễ Tam hiệp gồm 3 kỷ niệm là Phật đản sinh - Phật thành đạo - Phật Niết-bàn.
Qua thông điệp này, có thể thấy rằng chân lý từ ngày mà đức Phật Thích Ca khám phá ra đến nay hãy vẫn còn giữ nguyên giá trị thiết thực của nó trên mọi không gian và thời gian nơi thế giới này.
H. G. Wells, nhà văn nổi tiếng người Anh đã phát biểu: “Nơi đức Phật ta thấy rõ ràng là con người giản dị, có lòng nhiệt thành, một mình phát huy ánh sáng tươi đẹp, một nhân vật sống thực, một con người như mọi người, chứ không phải là một nhân vật thần thoại ẩn hiện trong nhiều truyện hoang đường. Ngài cũng đem đến cho nhân loại lời khuyên bảo có tính cách phổ thông, nhiều quan niệm tân tiến, và đạo đức của các thế hệ tân thời đều tương hợp với giáo lý ấy”.
Dưới đây là một ít tìm hiểu về thân thế và sự nghiệp của đức Phật Thích Ca, người đã khiến được toàn thế giới tôn kính ngưỡng mộ.
Gautama Buddha - Wikipedia
Tất-đạt-đa Cồ-đàm – Wikipedia tiếng Việt
Một bức tranh vẽ về cuộc đời đức Phật Thích Ca
Tất-đạt-đa Cồ-đàm [悉達多- 瞿曇; P: Siddhattha Gotama; S: Siddhārtha Gautama; E: Gautama Buddha, Shakyamuni Buddha] hay gọi đơn giản là Tất-đạt-đa, là một con người có thật, là triết gia, là học giả, là người sáng lập Phật giáo, sống ở Ấn Độ cổ đại khoảng giữa thế kỷ thứ VI tCN.
Tất-đạt-đa được người đương thời tôn xưng là Thích Ca Mâu Ni [释迦牟尼; P: Shakyamuni (Shakya: dòng dõi, dòng tộc // muni: hiền triết, thanh tịnh); S: Śākyamuni; E: Sage of the Sakyans] có nghĩa là Bậc trí giả của dòng dõi Thích-ca, hay gọi đơn giản là Phật Thích Ca.
Tất-đạt-đa, theo sử liệu, là một vương tử hoàng tộc Cồ-Đàm (瞿曇; P: Gotama; S: Gautama) ở thành Ca-tỳ-la-vệ thuộc tiểu quốc Thích Ca, đã từ bỏ đời sống phú quý để tìm đạo. Sau sáu năm cầu đạo, Tất-đạt-đa đã đạt được giác ngộ tâm linh và Ngài đã dành 45 năm cuối của cuộc đời mình cho việc truyền dạy giáo lý ở phía đông tiểu lục địa Ấn Độ.
Bản đồ các thánh tích liên quan đến cuộc đời của đức Phật Thích Ca
Phật Thích Ca được các Phật tử xem là một bậc đạo sư đã giác ngộ viên mãn và tự giải thoát (tự do nội tâm) do thấu triệt được sự vận hành của thế giới xung quanh, đồng thời truyền bá kinh nghiệm giác ngộ của mình cho người khác để họ có thể tự chấm dứt khổ đau và tự tìm thấy được hạnh phúc tối thượng cho chính bản thân mình.
Phật Thích Ca từ nơi sự chứng ngộ chân lý khách quan Duyên khởi của mình, đã đề ra con đường thực hành Trung đạo, đó là phương pháp tránh những cực đoan trong đời sống vật chất và đời sống tinh thần, tiêu biểu là lối sống buông thả theo dục lạc hay lối sống trói buộc bằng khổ hạnh trong các học thuyết tôn giáo Ấn Độ thời đó.
Phật Thích Ca từ nơi sự truyền bá giáo pháp, đã đặt nền tảng cho sự hình thành Phật giáo. Hàng loạt những bản kinh ghi lại lời dạy của đức Phật Thích Ca đã được lưu giữ qua truyền miệng và được viết thành sách 400 năm sau đó.
Xem thêm:
- Lich su Duc Phat Thich Ca - BUDSAS
- Đức Phật Thích Ca: Lịch Sử Và Huyền Thoại. - Sử Phật Giáo
- Sơ Lược Thân Thế và Sự Nghiệp hoằng pháp của Đức Phật Thích Ca
VIDEO
- Con Người và Vũ Trụ
- Khám phá cội nguồn của phật giáo
- Bảy Kỳ Quan Thế Giới Của Phật Giáo
- Những nẽo đường của đức Phật Thích Ca
- Cuộc đời đức phật The Buddha 2010 HD Vietsub
- Khoa học nói gì về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca
2. Phật Thích Ca đản sanh.
Qua các kinh điển sử liệu ghi chép lại và sau các khám phá khảo cổ vào đầu thế kỷ 20, các học giả ngày nay hầu hết đều công nhận đức Phật Thích Ca đã sống và truyền dạy giáo lý trong thời cai trị của Tần-bà-sa-la [Bimbisāra – 558 -:- 491 tCN)] và qua đời trong thời gian đầu của triều đại A-xà-thế (Ajātaśatru), người kế thừa của Tần-bà-sa-la. Thời điểm chính xác năm sinh và năm mất theo lịch hiện đại được ghi nhận dao động trong khoảng 624 tới 563 tCN. Tuy nhiên, đại hội Phật giáo thế giới đã thống nhất cho rằng đức Phật Thích Ca sinh khoảng năm 624 tCN và qua đời khi 80 tuổi năm 544 tCN.
- Đản sanh: Tất-đạt-đa, họ Cồ-đàm, thuộc thị tộc Thích Ca (释迦; P: Sākiya hoặc Sakya; S: Sakya). Gốc dân da trắng Árya. Ngài ra đời tại ven rừng ở Lâm-tỳ-ni (嵐毘尼, P;S: Lumbinī), một địa danh nằm giữa hai tiểu quốc Sakya và Koliya thuở bấy giờ. Đây là khu vực nằm giữa dãy Hi-mã-lạp-sơn và sông Hằng. Ngài là thái tử nước Sakya xứ Trung Ấn Độ, thủ phủ là Ca-Tỳ-La-Vệ (迦毘羅衛; P: Kapilavatthu; S: Kapilavastu), ngày nay thuộc quốc gia Nepal.
- Thân phụ: Là vua Tịnh Phạn (淨飯; P: Suddhōdana; S: Śuddhodana) của tiểu quốc Sakya.
- Thân mẫu: Là hoàng hậu Ma-da (摩耶; P: Mahãmãyãdevi Gotami), người tiểu quốc Koliya láng giềng, băng hà sau khi hạ sinh thái tử Tất-đạt-đa được 7 ngày vào năm 624 tCN.
- Di Mẫu: Là vương phi Ma-ha-ma-xa-ba-đề (摩呵波闍波提; P: Mahãpajapati Gotami), là dì ruột đã trực tiếp nuôi nấng dạy dỗ thái tử kể từ khi hoàng hậu Ma-da băng hà cho đến khi thái tử trưởng thành. Vương phi có con trai với vua Tịnh Phạn là hoàng tử Nanda, nhưng để toàn tâm toàn ý lo cho thái tử, lệnh bà đã giao hoàng tử Nanda cho các bảo mẫu trong cung nuôi dưỡng. Về sau, khi Tất-đạt-đa đã đắc đạo, bà Gotami đã xin Phật cho phép xuất gia, trở thành vị nữ đệ tử (Tỳ khưu ni) đầu tiên của Phật giáo và sau này đã đắc quả A-la-hán
Tranh vẽ thái tử Tất-đạt-đa và bà Ma-ha-ba-xà-ba-đề
(tranh vẽ theo phong cách Hy Lạp cổ)
Tranh vẽ đám cưới của thái tử Tất-đạt-đa với công chúa Da-du-đà-la, người vợ của Phật trước khi xuất gia
- Thái tử Tất-đạt-đa lúc 16 tuổi đã thành hôn với công chúa Da-du-đà-la (耶輸陀羅; P: Yasodharā; S: Yaśodharā) của thị tộc Koli cùng tuổi với thái tử vào năm 608 trước Tây lịch.
- Công chúa Da-du-đà-la năm 29 tuổi đã hạ sanh một hoàng nam cho thái tử. Đức vua Tịnh Phạn đặt tên cho cháu nội là La-hầu-la (羅睺羅; P;S: Rāhula).
Theo kinh Đại-bát-niết-bàn (大般涅槃; P: Mahāparinibbāna-sutta), đức Phật qua đời tại thành phố Câu-thi-na (拘尸那; S: Kuṣinagara) của bộ tộc Malla vào năm 544 tCN (một số nhà khảo cổ thì cho rằng đó là năm 486 hay 483 tCN), địa điểm này được các nhà khảo cổ nhận dạng là Kasia ở quận Deoria của xứ Utta Pradesh ngày nay.
Xem thêm:
- Shakya - Wikipedia
Shakya – Wikipedia tiếng Việt
- Śuddhodana - Wikipedia
Tịnh Phạn – Wikipedia tiếng Việt
- Maya (mother of the Buddha) - Wikipedia
Hoàng hậu Maya – Wikipedia tiếng Việt
- Yaśodharā - Wikipedia
Da-du-đà-la – Wikipedia tiếng Việt
- Rāhula - Wikipedia
La-hầu-la – Wikipedia tiếng Việt
VIDEO
- Những Nẻo Đường Của Phật Thích Ca 1/4
- Những Nẻo Đường Của Phật Thích Ca 2/4
- Những Nẻo Đường Của Phật Thích Ca 3/4
- Những Nẻo Đường Của Phật Thích Ca 4/4
3. Phật Thích Ca xuất gia tu học và thành đạo.
3.1. Xuất gia tu học.
Sau khi công chúa Da-du-đà-la hạ sinh một bé trai, đặt tên là La-hầu-la (nghĩa là Chướng ngại), Tất-đạt-đa quyết định từ bỏ cuộc sống xa hoa, lìa cung điện bất chấp nỗ lực ngăn cản của cha mình. Trong đêm tối, Tất-đạt-đa gọi người nô bộc trung thành là Sa Nặc (Channa) lấy con ngựa Kiền Trắc (ngựa Kantaka) rồi ra đi. Khi tới bờ sông Anomà, Thái tử dừng lại, bỏ ngựa, cạo râu, cắt tóc, trao y phục và đồ trang sức cho Sa Nặc, và lệnh cho Sa Nặc trở về.
Sử sách Phật giáo xác định rằng sự ra đi này là rạng ngày mồng 8 tháng 2 năm 595 trước công nguyên, và gọi đó là cuộc "Đại xả ly", hoặc "Đại xuất hành (cuộc ra đi vĩ đại)"
Bức tranh kể về Tất Đạt Đa và ngựa Kiền Trắc lên đường xuất gia
Tất-đạt-đa bắt đầu thử cùng tu khổ hạnh với nhiều nhóm tăng sĩ khác nhau, cũng như tìm mọi đạo sư ở các giáo phái khác nhau, với quyết tâm tìm cách diệt khổ. Theo truyền thống Ấn Độ bấy giờ chỉ có con đường khổ hạnh mới đưa đến đạt đạo. Các vị đạo sư khổ hạnh danh tiếng thời đó là A-la-la Ca-lam (阿羅邏迦藍; P: Āḷāra-kālāma; S: Ārāda-kālāma) và Ưu-đà-la La-ma tử (優陀羅羅摩子; P: Uddaka-rāmaputta; S: Rudraka-rāmaputra).
- Nơi A-la-la Ca-lam, Tất-đạt-đa nhanh chóng đạt đến cấp thiền Vô sở hữu xứ (S: ākiṃcanyāyatana, P: ākiñcaññāyatana).
- Nơi Ưu-đà-la La-ma tử thì học đạt đến cấp thiền Phi tưởng phi phi tưởng xứ (P: Nevasaññā-nāsaññāyatana; S: Naivasaṃjñā-nāsaṃñāyatana), là trạng thái siêu việt nhất của thiền định.
Tất-đạt-đa đã không tìm thấy nơi các vị đó lời giải cho thắc mắc diệt khổ của mình. Ngay cả cấp độ thiền định cao nhất là "Phi tưởng phi phi tưởng xứ" vẫn chưa đạt đến việc giải thoát khỏi khổ đau, và cũng không phải là chân lý tối hậu. Tất-đạt-đa và năm sa môn Kiều Trần Như (P: Koṇḍañña; S: Kaundinya) đồng hành, quyết tâm tự tìm đường giải thoát.
Tượng Phật tu khổ hạnh
[Trưng bày tại viện bảo tàng Lahore, thành phố Peshawar, Pakistan]
Sau 6 năm tu khổ hạnh, có lúc gần kề cái chết, Tất-đạt-đa nhận ra cách tu khổ hạnh đó không phải là phép tu dẫn đến giác ngộ, nên đã bắt đầu ăn uống lại bình thường, năm sa môn kia thất vọng bỏ đi. Cách tu cực khổ được Phật nhắc lại sau khi thành đạo như sau:
Này Aggivessana, rồi Ta tự suy nghĩ như sau: "Ta hãy giảm thiểu tối đa ăn uống, ăn ít từng giọt một, như súp đậu xanh, súp đậu đen hay súp đậu hạt hay súp đậu nhỏ". Và này Aggivessana, trong khi Ta giảm thiểu tối đa sự ăn uống, ăn từng giọt một, như súp đậu xanh, xúp đậu đen hay súp đậu hạt hay xúp đậu nhỏ, thân của Ta trở thành hết sức gầy yếu.
- Vì Ta ăn quá ít, tay chân Ta trở thành như những cọng cỏ hay những đốt cây leo khô héo;
- Vì Ta ăn quá ít, bàn chân của Ta trở thành như móng chân con lạc đà;
- Vì Ta ăn quá ít, xương sống phô bày của Ta giống như một chuỗi banh; vì Ta ăn quá ít, các xương sườn gầy mòn của Ta giống như rui cột một nhà sàn hư nát;
- Vì Ta ăn quá ít, nên con ngươi long lanh của Ta nằm sâu thẳm trong lỗ con mắt, giống như ánh nước long lanh nằm sâu thẳm trong một giếng nước thâm sâu;
- Vì Ta ăn quá ít, da đầu Ta trở thành nhăn nhiu khô cằn như trái bí trắng và đắng bị cắt trước khi chín, bị cơn gió nóng làm cho nhăn nhíu khô cằn.
Này Aggivessana, vì Ta ăn quá ít, nên da bụng của Ta đến bám chặt xương sống.
- Nếu Ta nghĩ: "Ta hãy rờ da bụng", thì chính xương sống bị Ta nắm lấy.
- Nếu Ta nghĩ: "Ta hãy rờ xương sống", thì chính da bụng bị Ta nắm lấy.
Này Aggivessana, vì Ta ăn quá ít,
- Nếu Ta nghĩ: "Ta đi đại tiện, hay đi tiểu tiện" thì Ta ngã quỵ, úp mặt xuống đất.
- Nếu Ta muốn xoa dịu thân Ta, lấy tay xoa bóp chân tay, thì này Aggivessana, trong khi Ta xoa bóp chân tay, các lông tóc hư mục rụng khỏi thân Ta.
Lại nữa, này Aggivessana, có người thấy vậy nói như sau:
- "Sa-môn Gotama có da đen."
- Một số người nói như sau: "Sa-môn Gotama, da không đen, Sa-môn Gotama có da màu xám."
- Một số người nói như sau: "Sa-môn Gotama da không đen, da không xám."
- Một số người nói như sau: "Sa-môn Gotama da không đen, da không xám, Sa-môn Gotama có da màu vàng sẫm."
Cho đến mức độ như vậy, này Aggivessana, da của Ta vốn thanh tịnh, trong sáng bị hư hoại vì Ta ăn quá ít."
Không đạt giải thoát với cách tu khổ hạnh, Tất-đạt-đa từ bỏ phép tu này. Quả quyết rằng mình đã đi đến chỗ cùng cực của công phu tu khổ hạnh và khổ hạnh không dẫn đến giác ngộ, Tất-đạt-đa tìm phương pháp khác, và nhớ lại một kinh nghiệm thời thơ ấu, lúc đang ngồi dưới gốc cây mận:
Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: "Ta biết, trong khi phụ thân Ta, thuộc dòng Sakka (Thích-ca) đang cày và Ta đang ngồi dưới bóng mát cây diêm-phù-đề (P: jambu), Ta ly dục, ly pháp bất thiện chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỉ lạc do ly dục sinh, có tầm, có tứ". Khi an trú như vậy, Ta nghĩ: "Đạo lộ này có thể đưa đến giác ngộ chăng?"
Này Aggivessana, tiếp theo ý niệm ấy, ý thức này khởi lên nơi Ta: "Đây là đạo lộ đưa đến giác ngộ".
Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ: "Ta có sợ chăng lạc thụ này, một lạc thọ ly dục, ly pháp bất thiện?"
Và này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ: "Ta không sợ lạc thụ này, một lạc thọ ly dục, ly pháp bất thiện."
3.2. Giác ngộ - Thành đạo.
Sau 6 năm tu khổ hạnh không đạt kết quả, Tất-đạt-đa quyết định ăn uống bình thường trở lại, và thường đến bờ sông Ni-liên-thiền (Nairanjana, hiện nay là sông Phalgu) ngồi thiền định trên bãi cát. Một hôm, có hai cô bé chăn bò tên Nanda và Bala đang dắt bò xuống sông tắm thì thấy Tất-đạt-đa đang ngồi thiền định, họ sanh lòng kính mến liền tự tay vắt lấy sữa bò, nấu chín rồi dâng lên. Tất-đạt-đa ăn xong cảm thấy thân thể khoẻ mạnh.
Ðến ngày thứ 49, Tất-đạt-đa ngồi thiền định dưới gốc cây cổ-thụ Ajapala (cách cây Bồ-đề khoảng 100m về hướng đông), sắp đi khất thực, thì có hai chị em nàng Sujata (Tu-xà-đề), con ông trưởng làng Senani, mang bát cháo sữa (kheer) đến cúng vị Thần gốc cây để tạ ơn. Khi thấy Tất-đạt-đa đang tĩnh tọa, hai nàng đặt bát cháo sữa trước mặt, cung kính đảnh lễ rồi ra về. Sau khi ăn xong bát cháo sữa, Tất-đạt-đa thấy cơ thể khoẻ mạnh lạ thường nên không đi khất thực mà xuống sông Nairanjana tắm, tâm trạng ông vô cùng phấn chấn, cảm thấy sắp đạt thành tựu viên mãn.
Sau đó, Tất-đạt-đa đi trở lên bờ, đến cội Bồ-đề ở Bồ Ðề Ðạo Tràng và nguyện sẽ nhập định không rời chỗ ngồi cho đến lúc tìm ra nguyên nhân và cơ chế của Khổ. Trước khi ngồi, Tất-đạt-đa thầm nghĩ làm thế nào có một tòa ngồi cho yên tĩnh, trang nghiêm. Bỗng thấy một em bé tên là Sotthiya Svastika (Cát-Tường) gánh cỏ đi ngang qua đó, Tất-đạt-đa gọi lại hỏi xin một mớ cỏ để làm tòa ngồi. Em bé cung kính dâng sáu bó cỏ sắc (kusha) mềm mại và có hương thơm. Tất-đạt-đa xấp cỏ thành tọa cụ và bồ-đoàn, ngồi kiết già, lưng thẳng đứng hướng về phía gốc cây, mặt hơi cúi xuống nhìn về hướng đông, phía bờ sông Ni-liên-thiền.
Đêm hôm đó, Tất-đạt-đa bắt đầu thực hành các pháp thiền định. Cuối cùng, Tất-đạt-đa đạt tới Diệt Thọ-Tưởng định (Nirodha-samapatti), tỏa ra uy năng chiếu khắp Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới), và bắt đầu chứng đắc các đạo quả:
- Tận diệt các vi tế phiền não 微細煩惱 [phiền não = 煩惱; P: kilesa; S: kleśa] còn ẩn náu trong tâm làm nghiệp nhân cho sanh tử luân hồi. Ðến canh một đêm đó, Tất-đạt-đa chứng Túc Mạng minh (夙命明; E: Insight into the mortal conditions of self and others in previous life), biết rõ tất cả các tiền kiếp của mình (ở thời đại nào, tên gì, sanh trưởng thế nào, sinh sống ra sao, vui thích và đau khổ thế nào, tạo nghiệp gì, chết thế nào, rồi tái sinh thế nào...)
- Tận diệt các vi tế vô minh 微細無明. [vô minh = 無明; P: avijjā; S: avidyā]. Ðến canh ba, Tất-đạt-đa chứng Thiên Nhãn minh (天眼明; E: Supernatural insight into future mortal conditions - deaths and rebirths), biết rõ tất cả sự biến chuyển của vạn vật qua các giai-đoạn thành, trụ, hoại, không; và biết rõ tất cả chúng sanh (ở thời đại nào, tên gì, sanh trưởng thế nào, sinh sống ra sao, vui thích và đau khổ thế nào, tạo nghiệp gì, chết cách nào, rồi tái sinh thế nào...). Tất-đạt-đa biết rõ tất cả nhân duyên nghiệp báo của chúng sinh, từ đó đúc kết ra luật Nhân-Quả và Luân-Hồi.
- Tìm ra chân lý diệt khổ [khổ = 苦; P: dukkha; S: duḥkha ] giúp chúng sinh chấm dứt phiền-não và vô-minh, đạt đến giác ngộ hoàn toàn, vượt lên vòng sanh-tử luân-hồi. Ðến canh năm, Tất-đạt-đa chứng Lậu Tận minh (漏盡明; E: Nirvana insight - Insight into present mortal sufferings so as to overcome all passions or temptations), biết rõ tất cả các tiền kiếp của chính bản thân mình và của mỗi chúng sinh, do đâu là khổ, đâu là nguyên nhân của khổ, đâu là hạnh phúc chân thật vĩnh cửu và làm thế nào để đạt được nó. Như thế, Tất-đạt-đa đã đúc kết ra Tứ Diệu Ðế (Khổ, Tập, Diệt, Ðạo).
Tranh vẽ cảnh thái tử Tất-đạt-đa đạt tới giác ngộ
Theo sử Phật giáo, ngày mùng 8 tháng chạp âm lịch năm Nhâm Thân (đầu năm 589 tCN), ở tuổi 35, Tất-đạt-đa đã đạt tới giác ngộ, trở thành vị Phật toàn giác, là bậc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác (anuttara samma sambodhi), là đức Phật Thích Ca Mâu-Ni với Thập hiệu:
1. Như Lai (如來; P;S: Tathāgata; E: One who has thus gone), là "Người đã đến như thế" hoặc "Người đã đến từ cõi Chân như". Trong kinh Kim Cương, đức Phật giảng: Như Lai là một thực tại như thế, không từ đâu đến cũng chẳng đi về đâu; tuệ giác của đức Phật như Mặt Trời soi sáng khắp thế gian, xóa tan đêm tối vô minh.
2. Ứng Cúng (應供; P: Arahant; S: Arhat; E: the Worthy One), dịch nghĩa là A La Hán (阿羅漢), là "Người đáng được cúng dường", đáng được tôn kính.
3. Chính Biến Tri (正遍知; P: Sammāsambuddha; S: Samyaksaṃ- buddha; E: Perfectly Enlightened by Himself) dịch theo âm là Tam-miệu-tam-phật-đà, là "Người hiểu biết đúng tất cả các pháp".
4. Minh Hạnh Túc (明行足; P: Vijjā-caraṇa sampanno; S: Vidyā-caraṇa saṃpanna; E: Impeccable in Conduct and Understanding) nghĩa là "Người có đủ trí huệ và đức hạnh", tức là có đầy đủ tam minh (Túc Mạng Minh, Thiên Nhãn Minh, Lậu Tận Minh) và ngũ hạnh (Thánh Hạnh, Phạm Hạnh, Thiên Hạnh, Anh Nhi Hạnh, Bệnh Hạnh).
5. Thiện Thệ (善逝; P: Sugato; S: Sugata; E: the Serene One), là "Người đã đi một cách tốt đẹp"
6. Thế Gian Giải (世間解; P: Lokavidu; S: Lokavid; E: the Knower of the Worlds), là "Người đã thấu hiểu thế giới"
7. Vô Thượng Sĩ (無上士; P: Anuttaro-purisa; S: Anuttara-puruṣa; E: the Unexcelled Being) là "Bậc tu hành tối cao, không ai vượt qua"
8. Điều Ngự Trượng Phu (調御丈夫; P: Purisa-damma-sarathi; S: Puruṣa-damya-sārathi); E: Perfect Trainer of Good Men) nghĩa là "Người đã chế ngự được bản ngã và nhân loại", có khả năng điều phục những người hiền và ngự phục những kẻ ác theo về chính đạo.
9. Thiên Nhân Sư (天人師; P: Sattha-devamanussanam; S: Sàstà deva-manusyànàm; E: Teacher of Gods and Men), là "Bậc thầy của cõi người và cõi trời"
10. Phật - Thế Tôn (佛世尊; P: Buddho-Bhagavati; S: Buddha-Bhagavat; E: the Awaken One-the Holy One), là "Bậc giác ngộ được thế gian tôn kính".
Từ thời điểm đó, Tất-đạt-đa biết mình là một bậc Giác ngộ, là Phật. Kinh nghiệm giác ngộ của Phật được ghi lại trong kinh sách theo chính lời của Tất-đạt-đa như sau:
"... Sau khi hoàn lại sinh lực (do tu khổ hạnh vô ích), Ta chú tâm giải thoát khỏi những tư tưởng tham ái, bất thiện và đạt được Sơ thiền, sau đó Nhị thiền, Tam thiền và Tứ thiền, nhưng những cảm giác hỉ lạc này không để lại dấu vết gì trong tâm ta.
Khi tâm ta được an tịnh, thanh lọc, không bị dục vọng cấu uế, nhạy bén, chắc chắn, bất động, ta hướng nó về những ký ức và nhận thức về các kiếp trước. Ta nhớ lại nhiều tiền kiếp, một, hai, ba, bốn, năm,..., trăm ngàn kiếp trước, nhớ những chu kì của thế giới. 'Nơi đó ta đã sống, tên của ta đã như thế, gia đình của ta là như thế, nghề nghiệp của ta, giai cấp xã hội của ta... Ta đã chết như vầy...'. Sự hiểu biết (P: vijjā; S: vidyā) đầu tiên này ta đã đạt được trong canh đầu [từ 21 đến 24 giờ đêm]...
Sau đó ta chú tâm đến sự sinh thành và hoại diệt của chúng sinh. Với con mắt của chư thiên, trong sáng, siêu việt mọi giới hạn nhân thế, ta thấy chúng sinh hình thành và tiêu hoại,...chúng sinh tái sinh theo nghiệp lực. Ta nhận ra rằng 'Chúng sinh tạo nghiệp bất thiện qua ba ải thân khẩu ý đều chìm đắm sau khi chết, tái sinh trong đoạ xứ, địa ngục. Các chúng sinh nào tạo thiện nghiệp bằng thân khẩu ý được tái sinh trong thiện đạo, sau khi chết được lên cõi thiên'... Sự hiểu biết thứ hai này ta đã đạt được trong canh hai [từ 24 giờ đêm đến 3 giờ sáng].
Sau đó ta chú tâm nhận thức về sự tiêu diệt các lậu hoặc (漏; P: āsava; S: āsrava) và nhìn nhận như thật: 'Đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là phương pháp tiêu diệt khổ, đây là con đường tiêu diệt khổ', và khi ta nhận thức được điều này, tâm ta thoát khỏi dục vọng, ham muốn tồn tại, vô minh. Ta tự hiểu chân lý 'Tái sinh ta đã đoạn, cuộc sống tu tập của ta đã hoàn tất, ta đã hoàn thành những gì phải làm. Cuộc sống (khổ đau) này ta đã vượt qua'... Sự hiểu biết thứ ba này ta đã đạt được trong canh ba [3 đến 6 giờ sáng]...".
Tất-đạt-đa biết rõ kinh nghiệm giác ngộ của mình: "Giáo Pháp mà Như Lai đã chứng ngộ quả thật thâm diệu, khó nhận thức, khó lãnh hội, vắng lặng, cao siêu, không nằm trong phạm vi lý luận, rất tế nhị, chỉ có bậc hiền mới thấu hiểu. Thật hoài công với người còn mang nặng tham ái và sân hận, như chìm đắm trong đêm tối, không dễ gì thấu triệt Giáo pháp, bởi Giáo Pháp đi ngược dòng đời, sâu kín, thâm diệu, rất tế nhị nên khó nhận thức ".
Xem thêm:
- Niệm Mười Danh Hiệu Phật - BUDSAS
- Tất-đạt-đa Cồ-đàm – Wikipedia tiếng Việt
- Như Lai thập hiệu & Như Lai thập lực - Giác Ngộ Online
VIDEO
- Vấn Đáp -Ý Nghĩa Thập Hiệu Của Đức Phật - Thầy Thích Phước Tiến
4. Phật Thích Ca chuyển Pháp luân.
Dhammacakkappavattana Sutta - Wikipedia
Kinh Chuyển pháp luân – Wikipedia tiếng Việt
Hình tượng đức Phật chuyển Pháp luân
Dharmachakra - Wikipedia
Pháp luân – Wikipedia tiếng Việt
Bánh xe biểu tượng ‘chuyển Pháp luân’
Chuyển Pháp luân [轉法輪; P: Dhamma-cakka-pavattana; S: Dharma-cakra-pravartana; E: The Setting in Motion of the Wheel of the Dharma (Dhamma)].
- Dhamma, Dharma, có nghĩa là Pháp, là chân lý và đạo đức ở đạo Phật.
- Cakka, Cakra, có nghĩa là cái bánh xe, cái dĩa tròn.
- Pavattana, Pravartana, có nghĩa là chuyển động xoay tròn.
Theo đó, chuyển Pháp luân là sự hoằng truyền chân lý khách quan tự nhiên của vũ trụ vạn vật, và hoằng truyền đạo đức đối với môi trường sống xung quanh con người trên nền tảng của chân lý khách quan này.
4.1. Hình thành chuyển Pháp luân.
Trong 49 ngày, sau khi thành đạo, đức Phật không ăn uống, tiếp tục yên lặng ngồi, vừa quán chiếu tâm chúng sinh và chân lý đã chứng ngộ vừa thọ hưởng hạnh phúc siêu thế dưới gốc cây Bồ-đề. Với lòng thương yêu vô hạn đối với chúng sinh, đức Phật đã chấm dứt sự yên lặng và quyết định hoằng truyền chân lý đã chứng ngộ và áp dụng chân lý này vào đời sống đạo đức của con người. Dựa vào căn cơ của chúng sinh, đức phật khế cơ khế lý để thuyết Pháp cứu độ. Từ đó Tất-đạt-đa có danh hiệu Thích-ca Mâu-ni.
Shwedagon Pagoda - Wikipedia
Chùa Shwedagon – Wikipedia tiếng Việt
Sau khi đức Phật xả định, bấy giờ có hai thương gia người Miến Điện là Tapassa và Bhallika từ Ukkala (hiện nay là Orissa) đến, dâng lên đức Phật bánh bột rang và mật ong (sattu và madhu). Phật nhận lãnh rồi khuyên 2 thương gia quy y Phật và quy y Pháp, thọ trì năm giới để được phước báo lâu dài. Hai thương gia đồng ý, xin Phật thu nhận vào hàng thiện tín (Upāsaka, nam cư sĩ). Đây là hai cư sĩ đầu tiên quy y Nhị Bảo (Phật và Pháp, khi đó chưa có Tăng) và 5 giới, đồng thời nhận 8 sợi tóc và móng tay của đức Phật, sau này hãy còn thờ tại Đại Bảo tháp Shwedagoon, ở Rangoon, Myanmar.
Sau khi giác ngộ, đức Phật có ý định gặp 2 vị thầy cũ của mình là Alara Kalama và Uddaka Ramaputta để truyền đạo, bởi 2 người đều là bậc tu sĩ đã đạt cảnh giới thiền rất cao, không còn bị che mắt bởi dục lạc. Nhưng cả hai vị đều đã qua đời trước đó ít lâu.
Tranh vẽ cảnh Tất-đạt-đa giảng đạo cho năm sa môn Kiều Trần Như.
Đây là 5 vị tỳ kheo đầu tiên của tăng đoàn Phật giáo
Đức Phật quyết định tới gặp năm người bạn đồng tu xưa kia của mình đang ở tại vườn Nai (Lộc Uyển) gần Benarès và truyền dạy chân lý cho họ. Tất cả năm vị sau đó đều trở thành A-la-hán sau hai tuần lễ nghe Pháp. Sự kiện này diễn ra vào một ngày trăng rằm, đúng hai tháng sau khi Tất-đạt-đa thành đạo.
Trong bài thuyết pháp đầu tiên này, đức Phật đề ra con đường Trung đạo (中道; P: Majjhi-māpaṭipadā; S: Madhya-māpratipad; E: Central Path, Middle Path, Middle Way; F: Voie du Milieu, Voie Médiane, Voie Moyenne), một sự bác bỏ đối với hai cực đoan đối nhau của các học thuyết của Ấn Độ thời đó:
“Này các tỳ khưu, đây là hai cực đoan mà bậc xuất gia không nên thực hành: Đó là sự say đắm về dục lạc trong các dục, kém cỏi, thô thiển, tầm thường, không cao thượng, không đem lại lợi ích, hay đó là sự gắn bó với việc hành hạ bản thân, đau khổ, không cao thượng, không đem lại lợi ích.
Này các tỳ khưu, sau khi không tiếp cận cả hai cực đoan ấy, lối thực hành Trung đạo đã được đức Như lai tự mình giác ngộ khiến cho mắt được thấy, khiến cho trí được sáng, dẫn đến tịch tịnh, thắng trí, hoàn toàn giác ngộ, Niết Bàn.
Này các tỳ khưu, lối thực hành Trung đạo ấy đã được Như Lai tự mình giác ngộ khiến cho mắt được thấy, khiến cho trí được sáng, dẫn đến tịch tịnh, thắng trí, hoàn toàn giác ngộ, Niết Bàn là thế nào? Đó chính là Thánh Đạo Tám Chi Phần, là sự Hiểu biết chân chánh, Suy nghĩ chân chánh, Nói lời chân chánh, Nghề nghiệp chân chánh, Nuôi mạng chân chánh, Tinh tấn chân chánh, Ghi nhớ chân chánh, Định tâm chân chánh...”
Đức Phật bắt đầu giảng pháp trên cơ sở kinh nghiệm giác ngộ của mình, về Duyên khởi, Vô ngã, Vô thường, Nhân quả (Nghiệp), Tứ diệu đế, Bát chánh đạo, Luân hồi … và nhiều bài pháp khác phù hợp với căn cơ của nhiều người, diễn ra liên tục từ năm này qua năm khác.
Đức Phật thường hay lưu trú tại Vương-xá (王舍城; S: Rājagṛha), Xá-vệ (舍衛城; S: Sāvatthī) và Phệ-xá-li (吠舍釐; S: Vaiśālī), sống bằng khất thực, không nhà ở cố định.
Thông qua những lời dạy của mình về chân lý cuộc đời, đức Phật đã dần dần gây dựng được một đội ngũ đệ tử lớn gồm 4 thành phần: tỳ-kheo (nam tu sĩ), tỳ-kheo-ni (nữ tu sĩ), ưu-bà-tắc (nam cư sĩ), ưu-bà-di (nữ cư sĩ). Các đệ tử quan trọng của đức Phật là A-nan-đà, Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Ma-ha-ca-diếp, A-na-luật và Phú-lâu-na. Cũng trong thời gian này, đoàn Tỉ-kheo-ni (S: Bhikṣuṇī) được thành lập do di mẫu của Tất-đạt-đa là bà Ma-ha-ba-xà-ba-đề làm ni trưởng.
Trong hàng đệ tử tại gia của đức Phật có những nhân vật quyền thế như vua Tần-bà-sa-la (Bimbisāra) và vương hậu Vi-đề-hi (Vaideli) của xứ Ma-kiệt-đà, vua Ba-tư-nặc (Pāsenadi) và vương hậu Mạt-lợi (Mallika) nước Kiều-tát-la. Chính Vua Tần-bà-sa-la đã dâng cúng cho Tăng đoàn ngôi tu viện đầu tiên trong lịch sử Phật giáo, đó là Tịnh xá Trúc Lâm (Veluvana) tại kinh đô Vương-xá. Ngoài ra trưởng giả Cấp Cô Độc, một thương gia giàu có ở kinh thành Xá-vệ, cũng cúng dường cho giáo đoàn của Phật Thích Ca ngôi tịnh xá trong khu vườn của Thái tử Kỳ-đà tại Xá-vệ, được kinh điển gọi là Tịnh xá Kỳ Viên (Jetavana).
Cuộc đời đức Phật cũng gặp nhiều người xấu muốn ám hại. Trong số đó, có Đề-bà-đạt-đa là người em họ, muốn giành quyền thống lĩnh Tăng-già, nên rắp tâm tìm cách giết hại đức Phật nhiều lần nhưng không thành. Tuy thế, Đề-bà-đạt-đa đã chia rẽ được một số thành viên khỏi Tăng-già ở Phệ-xá-li. Tất-đạt-đa đi con đường Trung đạo và tùy thuận chúng sinh, ngược lại Đề-bà-đạt-đa chủ trương một cuộc sống khổ hạnh cực đoan.
4.2. Nội dung chuyển Pháp luân.
Với trí tuệ vô ngại của bậc giác ngộ, đức Phật đã chọn lọc và hiệu chỉnh đúng theo chân lý những điều hay, những ý tưởng hay đã có trước mình để sử dụng trong việc độ sinh. Nổi bật nhất là kế thừa và phát huy học thuyết Nghiệp (業; P: Kamma; S: Karma), học thuyết Luân hồi (輪回; P,S : Saṃsāra; E: Round of rebirth, Wheel of existence - continuous flow) và học thuyết Ngũ minh (五明; P : Panca-vijja; S : Pañca-vidyā; E : Five classes of knowledge) từ Bà-la-môn giáo.
Học thuyết Ngũ minh có những đặc điểm như sau :
- Kiến thức nội điển (thuộc tu tâm).
1) Nội minh (内明; S: Adhyātma-vidyā; E: Science of spirituality): Đây là kiến thức về môn tâm lý học, là giáo lý thuộc nội điển trên nền tảng 3 tạng Kinh-Luật-Luận của đạo Phật (thay vì các bộ kinh điển của Ấn Độ giáo). Hai học thuyết Nghiệp và Luân hồi thuộc kiến thức tu tâm.
- Kiến thức ngoại điển (thuộc tu thân).
2) Thanh minh (聲明; S: Śabda-vidyā; E: Science of language): Đây là kiến thức về môn ngôn ngữ học - kể cả ngoại ngữ và môn văn học, nhằm làm cho sự trình bày giáo lý được sáng sủa và lưu loát.
3) Nhân minh (因明; S: Hetu-vidyā; E: Science of logic): Đây là kiến thức về môn luận lý học, nhằm làm cho sự trình bày giáo lý được rõ ràng, vững vàng trong sự phán đoán chánh-tà, đúng-sai.
4) Công xảo minh (工巧明; S: Śila-vidyā; E: science of fine arts and technologies): Đây là kiến thức về môn khoa học và môn kỹ thuật học, nhằm làm phương tiện cho việc xây dựng và sản xuất phục vụ đời sống vật chất.
5) Y phương minh (醫方明; S: Cikitsā-vidyā; E: Science of medicine): Đây là kiến thức về môn y học và môn dược học, nhằm bảo vệ sức khỏe và chống lại bệnh tật cho cơ thể.
Xưa cũng như nay, kiến thức nội điển đối với người tu theo đạo Phật là chính yếu và kiến thức ngoại điển cũng rất cần, nhưng chỉ là bổ trợ.
Mặt khác, để việc giáo dục và hoằng pháp được hoàn hảo, người dạy cũng như người học cũng cần chủ động nắm chắc việc học bằng những cách hỏi, có 5 cách hỏi sau :
1) Hỏi để biết điều chưa biết (P: aditthajotana puccha).
2) Hỏi để hiểu thêm điều đã biết (P: ditthasamsandana puccha).
3) Hỏi để dứt bỏ hoài nghi (P: vimaticchedana puccha).
4) Hỏi để người trả lời, xác nhận ý kiến của mình (P: anumati puccha).
5) Hỏi với ý nghĩ “Nếu người được hỏi không biết, mình sẽ trả lời”
(P: kathetukamyata puccha).
Buddhist texts - Wikipedia
Kinh điển Phật giáo – Wikipedia tiếng Việt
Kinh tạng Nikàya Pàli (từ tập 1 - tập 24) và A-Hàm Hán tạng (từ tập 25 - tập 37) là những bộ kinh thuộc Phật giáo truyền thống, còn gọi là Kinh tạng Nguyên thủy.
Trong suốt 45 năm thuyết pháp hoẳng truyền chân lý và đạo đức, các bài pháp thoại của đức Phật đã được ghi lại trong 4 bộ Nikãya gồm khoảng 30.000 bản kinh dài, vừa, ngắn. Ngắn khoảng 4 câu kệ, dài có thể vài nghìn trang nói về nhân quả, trí tuệ, khổ đau, hạnh phúc, và 4 bộ Āgama (A-Hàm) gồm 2.086 bản kinh.
Xem thêm
- Ý Nghĩa Chuyển Pháp Luân - Phật Học
- Ý nghĩa bánh xe chuyển pháp luân | Người Phật Tử
- Tìm hiểu về Bánh Xe Pháp Luân - Vườn hoa phật giáo
- Đức Phật Thích Ca: Lịch Sử Và Huyền Thoại. - Sử Phật Giáo
VIDEO
- CHUYỂN PHÁP LUÂN - Thích Thiện Thuận
- Kinh Đại Chuyển Pháp Luân - TT. Thích Nhật Từ
- Vấn đáp: Chư thiên thỉnh Phật chuyển pháp luân | Thích Nhật Từ
- Những bài học từ nơi đức Phật chuyển pháp luân - TT. Thích Nhật Từ
4.3. Hoằng truyền chân lý.
Tất-đạt-đa vốn là một con người được sinh ra và lớn lên, sống tự nhiên như bao con người khác, nhưng lại đứng trên con người bởi trí thông minh và tư tưởng cao thượng của mình vượt lên các các rào cản hưởng thụ vật chất.
Với ý chí tìm cầu chân lý của cuộc sống cho nhân loại, Tất-đạt-đa đã tìm học nơi các vị thầy tâm linh nổi tiếng thời bấy giờ. Tuy nhiên bằng sự phán đoán chân thật khách quan, Tất-đạt-đa sau cùng phải tự mình dấn thân với tất cả sức lực và trí tuệ để đạt tới thành tựu viên mãn.
4.3.1. Nhận thức chân lý.
Khám phá vĩ đại của Tất-đạt-đa chính là chân lý khách quan tự nhiên Duyên khởi, là đầu mối cho các quy luật và tính chất quan trọng chi phối đời sống vạn vật trong vũ trụ và con người, cả về phương diện vật lý và tâm lý. Theo Tăng Chi Bộ, kinh số 92, Chân lý Duyên khởi được phát biểu như sau:
Do cái này có, cái kia có.
Do cái này sinh, cái kia sinh.
Do cái này không có, cái kia không có.
Do cái này diệt, cái kia diệt.
o0o
Imasmim sati idam hoti
Imasmimasati Idamna hoti
Imassuppãdã idam uppajjati
Imassa nidrdhãidam nirujjhati”
o0o
此有故彼有
此生故彼生
此無故彼無
此滅故彼滅
1) Trong kinh Tăng Chi Bộ, cũng như trong Tạp A Hàm, Đức Phật đã từng khẳng định rằng:
“Dù chư Như Lai có xuất hiện ở đời hay không xuất hiện ở đời, bản chất các pháp là Duyên khởi, …”
2) Trong kinh Maha Nidana, Trường A Hàm - đức Phật nói :
“Vì không hiểu biết thấu đáo giáo lý Duyên khởi, nên chúng sinh sống trong cảnh rối loạn như tơ vò”.
3) Duyên khởi không những là giáo lý tối thượng dẫn dắt chúng sinh đi tới giác ngộ Vô thượng Bồ-đề, mà còn là giáo lý căn bản của tất cả kinh điển Phật giáo. Trong kinh Tương Ưng 3 có ghi:
“ Ai thấy Duyên khởi là thấy pháp, ai thấy pháp là thấy Phật “.
Duyên khởi (縁起; P: Paṭiccasamuppāda; S: Pratītyasamutpāda; E: Conditional Causation, Dependent Arising; F: coproduction conditionnelle, coproduction conditionnée) là đầu mối, có biểu hiện đa dạng qua các nhận thức, được diễn đạt cụ thể dưới các dạng sau:
1) Lý Vô thường - Lý Vô ngã:
- Vô thường (無常; P: Anicca; S: Anitya; E: Impermanence)
- Vô ngã (無我; P: Anattā; S: Anātman; E: No-self, Not self, Non-ego)
Vạn sự vạn vật do các Duyên tương tác mà hình thành hay hoại diệt, nên về mặt hiện tượng là sự biến đổi – sinh diệt vô thường; về mặt bản chất là không thực có (= không tự hữu hay hằng hữu) – duyên sinh vô ngã. Vì thế, kinh điển nói tướng của vạn pháp là vô tướng.
- Điển hình mô tả Vô thường:
Thân : Sanh – Lão – Bệnh – Tử. Tâm : Sanh – Trụ – Dị – Diệt. Pháp : Thành – Trụ – Hoại – Không.
- Điển hình mô tả Vô ngã: Trong Thanh Tịnh Đạo Luận (Visuddhi-Magga) đã ghi:
Không có người hành động, chỉ có hành động.
Ngoài sự chứng ngộ, không có người chứng ngộ.
Chỉ có những thành phần cấu tạo luôn trôi chảy.
Đó là quan kiến thực tiễn và chân chánh.
- Trong kinh Pháp Cú, kệ 113 : “ Ai sống cả trăm năm. Không thấy pháp sinh diệt. Tốt hơn sống một ngày. Thấy được pháp sinh diệt ”.
- Trong kinh Niệm Xứ (Satipatthàna sutta), đức Phật dạy: “ Chúng ta hãy quán chiếu sâu sắc sẽ thấy rằng năm uẩn không phải là một thực thể, mà là hiện tượng của loạt các tiến trình vật chất và tâm thức; chúng (năm uẩn) sinh diệt một cách liên tục và nhanh chóng, chúng luôn biến đổi từng phút, từng giây; chúng không b ao giờ tĩnh mà luôn động, và không bao giờ là thực thể mà luôn biến hiện”.
[Năm uẩn: Sắc (Thân) + Thọ, Tưởng, Hành, Thức (Danh + Tâm)]
2) Lý Trung đạo (中道; P: Majjhimā-paṭipadā; S: Madhyamā-pratipad; E: Midle Way): Các pháp do Duyên hợp và vận hành tương tác thay đổi không cùng, chúng có những biểu trưng sai biệt tạm một cách tương đối mà con người không nhận ra được, để rồi từ đó có những quan điểm nhầm lẫn cực đoan. Tính chất phân biệt-cố chấp được áp đặt lên tướng và tác đã gây ra các bất ổn trong nhận thức, và nhiều lúc đưa tới đối đầu nguy hiểm trong hành động. Từ những ý niệm đẹp-xấu, tốt-xấu, hay-dở, lạc quan-bi quan … được cố chấp hóa, đưa tới ưa-chê, chiếm giữ-loại trừ, cho đến các tư duy cực đoan có-không, thường-đoạn …, đã đưa con người đến biết bao khổ nạn. Theo đó, tánh của tướng và tác được hiểu là vô tánh.
- Trong kinh Tương Ưng bộ 5 - đức Phật dạy :
“ Có hai cực đoan vô ích mà người sống đời cao thượng không nên hành theo, đó là sống kết hợp với dục vọng thấp hèn và sống kết hợp với tự hành hạ mình, tự làm khổ mình “.
Vì thế, lý Trung đạo nhắc nhở chúng ta rằng ý niệm phân biệt về tướng và tác trong cuộc sống là cần thiết, song đó chỉ là ý niệm tương đối, không thực. Chúng ta nên thích nghi hay vượt thoát để hài hòa, chứ không nên chấp thủ, bám víu. Đây chính là nguyên lý giải thoát của đạo Phật.
Áp dụng của Trung đạo trong thế giới sống là Từ Bi và Trí Tuệ, đó là nhận thức hài hòa tránh cực đoan nơi hai yếu tố tình cảm và lý trí chi phối nơi cuộc sống của con người (Xin xem thêm Phần C – mục 2.1. Đạo Phật tôn giáo và Đạo Phật minh triết). Cũng nên phân biệt Từ Bi nơi Trung đạo và Từ Bi = Từ Bi Hỷ Xả nơi hành xử đạo đức của Phật giáo (Xin xem thêm Phần A – mục 4.4.2).
Xem thêm:
- Middle Way - Wikipedia
- Trung đạo – Wikipedia tiếng Việt
- Vận dụng thuyết Trung Đạo của Nhà Phật trong đời sống hiện nay
3) Lý Tùy duyên (隨緣; E: Resulting from conditioning cause, circumstances as waves result from wind) [ # khế cơ + khế lý]:
- Khế cơ 契機: Phù hợp với hoàn cảnh, xứ sở, cảnh giới.
- Khế lý 契理: Phù hợp với chân lý, đạo lý.
Các pháp do các duyên hợp và vận hành tương tác nhau, nên về mặt hành động (tác) thì thể hiện khéo thích nghi, tùy hoàn cảnh, tùy thời, tùy căn cơ chúng sinh để mang lại lợi ích cho mình, cho người. Mọi hành động đều được thực hiện trên nhận thức vượt thoát các tập tục văn hóa thiếu nhân bản hay các thành kiến cố chấp của cá nhân. Vì thế, hệ quả là nội tâm được an tịnh, không bị chướng ngại bởi hành động đã thực hiện. Theo đó, kinh điển nói tác với vạn pháp là vô tác là vậy (# tinh thần dĩ bất biến, ứng vạn biến của Dịch học).
- Trong Cư Trần Lạc Đạo của Sơ tổ Trúc Lâm có viết :
Ở đời vui đạo thảy tùy duyên
Đói đến thời ăn, mệt ngủ liền
Trong nhà có báu thôi tìm kiếm
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền.
- Trong Thanh Tịnh Đạo luận có ghi :
Không có người hành động, chỉ có hành động.
Ngoài sự chứng ngộ, không có người chứng ngộ.
Chỉ có những thành phần cấu tạo luôn trôi chảy.
Đó là quan kiến thực tiễn và chân chánh.
Xem thêm:
- Ý Nghĩa Tùy Duyên
- TÌM HIỂU VỀ NHƯ LÝ TÁC Ý (Yoniso manasikāra)
- TU ĐÚNG "NHƯ LÝ TÁC Ý "
VIDEO:
- Tùy Duyên – TT. Nhật Từ
- Tùy Duyên Bất Biến – ĐĐ. Pháp Hòa
- Phật Pháp Tùy Duyên - ĐĐ. Phuớc Tiến
- Phật Pháp Tùy Duyên – HT. Giác Hạnh
- Cách Sống Tùy Duyên TT. Chân Quang
- Tùy duyên niệm Phật - TT. Giác Đăng
4) Lý Nhân Quả (因果; P;S : Hetu-phala; E: Cause and Effect):
Đây là nói gọn của lý Nhân Duyên Quả (Với duyên 緣; P: paccaya, paticca; S: pratyaya, pratitya; E: condition).
+ Nhân, được xem là duyên chính, còn gọi là nội duyên. Ví dụ : con người là duyên chính, tổ hợp bởi 5 duyên (5 uẩn).
+ Duyên, được xem là duyên phụ, còn gọi là ngoại duyên, nó có thể có lợi (thiện) hay có hại (bất thiện) cho duyên chính.
+ Quả, là duyên chính mới hình thành từ sự phối hợp duyên chính và duyên phụ.
Nhân + Duyên = Quả
Nhân-Duyên-Quả được xem là giáo lý xuyên suốt chân lý và đạo đức của đạo Phật cho con người. Cũng từ đây, đức Phật đã đúc kết 2 cặp Nhân Quả trên con người, đó là cặp thế gian Khổ - Tập và cặp xuất thế gian Diệt - Đạo, được gọi là Tứ Diệu Đế.
+ Khổ đế: Quả 1. Biểu hiện nội tâm loạn động trói buộc (phiền não).
+ Tập đế: Nhân 1. Do nội tâm chấp thủ (= nội kết gồm: chấp tướng, chấp tác, chấp tánh từ thành kiến, tà kiến).
+ Diệt đế: Quả 2. Biểu hiện nội tâm thanh tịnh giải thoát (hạnh phúc đích thực).
+ Đạo đế: Nhân 2. Do nội tâm xả ly (vô tướng, vô tác, vô tánh từ giác ngộ Duyên khởi-Nhân Quả. Bát Chánh Đạo nơi Đạo đế là 8 chi phần giúp hành giả tu học tâm xả ly.
Tu tập theo Tứ Diệu Đế chính là tu tập theo nhận thức và hành động trên quy luật Nhân Duyên Quả.
Một điểm khác hẳn với các tôn giáo khác là đạo Phật không có một đấng tối cao phán xét hay có toàn quyền sinh sát. Mỗi người tự làm chủ số phận của mình bằng quy luật Nhân Duyên Quả, không một ai ngoài bản thân có thể phán xét, cứu vớt, xóa tội cho mình (tự lực). Các vị đạo sư hay các vị Phật, Bồ tát chỉ là người dẫn đường, gia hộ cho chúng sanh tự tìm cách giải thoát (tha lực).
Trong các kinh điển của Phật giáo Bắc truyền thường nhấn mạnh đến “Phật tính”, là cách nói khác của “Duyên khởi tính” trong Phật giáo Nam truyền. Chẳng hạn có các ghi chép sau:
- "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh".
- “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành. Ta không phải là vị Phật đầu tiên, cũng chẳng phải là vị Phật cuối cùng nơi thế gian này. Trước ta đã có vô số vị Phật, và sau ta cũng sẽ có vô số vị Phật xuất hiện trên thế gian này”.
Trong kinh Diệu Pháp Liên Hoa có nói về Bồ-tát Thường Bất Khinh, gặp ai Ngài cũng thường bái nói: "Tôi không dám khinh các ngài, vì các ngài đều sẽ thành Phật."
Với chân lý Duyên khởi thì có thể chắc chắn rằng suy tưởng (tư duy) sẽ đúng lẽ thật và trong sáng, và khi suy tưởng này thuần thục thì lời nói (ngữ) và hành động (nghiệp) cũng sẽ đúng không khác. Duyên khởi sẽ soi sáng sự nỗ lực (tinh tấn), sự có lợi hay có hại cho việc nhớ nghĩ (niệm) và việc chuyên chú (định). Tất cả đều hướng về sự thấy-hiểu đúng lẽ thật.
VIDEO:
- Bai Hoc Nhan Qua (TT Nhat Tu)
- Nhan Qua Khong Sai (TT Nhat Tu)
4.3.2. Thực hành tu học chân lý:
Dưới đây là sơ lược về thực hành tu học chân lý trong đạo Phật (Xin xem thêm bài “Tu học”).
Qua các kinh điển trong đạo Phật, chúng ta thấy rằng đức Phật đã vạch ra con đường tu học để đạt tới tuệ giác về chân lý, đó là Văn tuệ – Tư tuệ – Tu tuệ mà nói gọn là Văn – Tư – Tu. Kết quả của quá trình tu học của hành giả được thẩm định bằng chuẩn mực Giới – Định – Tuệ.
Nội dung của thực hành Văn tuệ là hiểu biết chân lý bằng cách nghe giảng dạy và đọc chân lý qua kinh điển. Còn Tư tuệ là nâng cao hiểu biết chân lý bằng suy tư và luận biện
Nội dung của thực hành Tu tuệ là Chánh niệm + Thiền chỉ + Thiền quán, trong đó Chánh niệm (正念; P: Sammā-sati; S: Samyak-smṛti; E: Right mindfulness => Nhớ nghĩ đúng đắn) hình thành từ Văn tuệ và Tư tuệ. Nghĩa là:
– Khi thực hành Thiền chỉ (= Thiền định), thì có đối tượng làm Chánh niệm cho Thiền chỉ tương thích. Thập Tùy niệm (十隨念; P: anussatis => niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới, …, niệm Tử, niệm Niết-bàn) là một trong các đối tượng của Thiền chỉ.
– Tương tự, khi thực hành Thiền quán (= Thiền tuệ), thì có đối tượng làm Chánh niệm cho Thiền quán tương thích. Tứ niệm xứ "Thân, Thọ, Tâm, Pháp" là 4 đối tượng chính cho Thiền quán. Tuy nhiên, vấn đề cốt tủy của 4 đối tượng này là Chánh tri kiến về chúng. Chánh tri kiến này không gì khác hơn là thấy ra Duyên khởi tính [tức Không tính (空性; P: Suññatā; S: Śūnyatā) = Vô thường tính + Vô ngã tính] một cách nhuần nhuyễn và sâu sắc nơi 4 đối tượng này.
4.4. Hoằng truyền đạo đức.
4.4.1. Tính nhân bản trong đạo đức của Phật giáo.
Đạo đức học Phật giáo đặt nền tảng trên chân lý Duyên khởi-Vô ngã, thể hiện tính tương đối trong nhân sinh, vượt lên mọi không gian và thời gian. Theo đó, đạo đức học Phật giáo được xem là dạng đạo đức học nhân bản (人本; E: humanism – lấy con người làm gốc), với chuẩn mực sau:
“Mọi hành động đem lại lợi mình-lợi người, được xem là tốt, là thiện, là lành.
Mọi hành động đem lại lợi mình-hại người hay hại mình-lợi người hay hại mình-hại người, được xem là xấu, là ác, là dữ.”
Vấn đề phúc (phước) hay tội cho một hành động có thể được xác định ngay trên chuẩn mực này. Phúc tương thích với “tốt, thiện, lành” và Tội tương thích với “xấu,ác, dữ” nơi hành động.
4.4.2. Từ Bi-Trí Tuệ trong đạo đức học Phật giáo.
Từ Bi-Trí Tuệ của đạo Phật, thể hiện một tình cảm rộng lớn mà không trói buộc, song hành cùng một trí tuệ không vướng mắc. Đây là hai phẩm chất chủ đạo trong các thực hành các hạnh vượt thoát (Ba-la-mật).
1) Từ Bi 慈悲, được xem là cách nói gọn của Từ Bi Hỷ Xả, trong đó:
+ Từ (慈; P: Mettā; S: Maitrī; E: Loving-kindness): Phát nguyện độ sinh đạt được hạnh phúc cao thượng (Từ) và cảm thán trước hạnh phúc cao thượng của chúng sinh (Hỷ).
+ Bi (悲; P;S: Karuṇā; E: Compassion): Phát nguyện độ sinh vượt qua khổ đau thấp hèn (Bi) và cảm thông trước khổ đau thấp hèn của chúng sinh (Xả).
Cũng cần tránh nhầm lẫn ý nghĩa rộng lớn giữa Từ Bi và Bác Ái; bởi Từ Bi là dạng tình cảm hình thành trên nền tảng của Vô ngã giải thoát, trong khi Bác Ái là dạng tình cảm có căn gốc rất tương phản là Hữu ngã dính mắc.
2) Trí Tuệ (= Bát-nhã 般若; P: Paññā; S: Prajñā; E: Wisdom), theo Trung bộ Kinh II, Kinh thứ 61 và 62 và Trung bộ Kinh III, kinh thứ 147, thì Trí Tuệ là khả năng sáng tạo hay dung nạp có chọn lọc các quan điểm, các ứng xử cho mọi hành động, sao cho hợp với nguyên tắc “Lợi mình và người, không được lợi mình mà hại người, không được lợi người mà hại mình, không được hại cả mình và người”.
Một cách diễn đạt khác về Từ Bi- Trí Tuệ như sau: “… Nếu bảo Từ Bi là một thứ tình yêu, thì tình yêu này không phải là thứ cảm xúc nông nổi, hời hợt và sẵn sàng dẫn đến hành động một cách mù quáng. Mà chính đó phải là thứ cảm xúc sâu thẳm, xuất phát từ cái nhìn rộng lớn, không lầm lẫn, đi liền với toàn bộ cuộc sống như là một tổng thể. Vì thế, không có Từ bi thì đời sống chúng ta sẽ như một thân cây khô cằn, và không có Trí tuệ thì đó chỉ là sự sống trong tăm tối …”.
4.4.3. Chuẩn mực 10 điều đạo đức cho bản thân:
1) Thân: Có 3 điều.
1/ Không sát sinh mà phóng sinh.
2/ Không trộm cắp mà bố thí.
3/ Không tà hạnh mà giữ phạm hạnh.
2) Khẩu: Có 4 điều.
4/ Không nói dối mà nói lời thành thật.
5/ Không nói thêu dệt mà nói lời chất trực.
6/ Không nói hai lưỡi mà nói lời hòa hợp.
7/ Không nói lời hung ác mà nói lời dịu dàng, hòa nhã.
3) Ý: Có 3 điều.
8/ Không tham dục (vị kỷ) mà viễn ly (vị tha) bằng pháp bố thí.
9/ Không sân hận mà khoan dung bằng pháp nhẫn (kiềm chế).
10/ Không si mê là không thiếu hiểu biết hoặc hiểu sai (tà kiến) mà sáng suốt với quy luật Nhân-Quả.
Niềm tin (belief) là tâm ý liên hệ tới điều 10/, thuộc phạm trù tình cảm. Theo nội dung và ý nghĩa nơi giáo lý của các tôn giáo hiện nay, niềm tin được biểu hiện qua hai cách là:
- Đức tin (faith) là niềm tin vô điều kiện, không có sự tham gia của lý trí. Chân lý với Đức tin luôn là điều bí mật, không đòi hỏi hiện thực.
Ngược với:
- Chánh tín (right belief) là niềm tin có điều kiện, có sự tham gia của lý trí. Chân lý với Chánh tín luôn đòi hỏi hiện thực, khuyến khích hiểu biết tinh tế.
[ Xin xem bài đọc thêm “Đức tin và Chánh tín” bên dưới]
4.4.4. Chuẩn mực đạo đức nhà Phật qua các đối tượng.
Một số điều chỉ dạy của đức Phật trong đời sống xã hội thời bấy giờ được ghi lại như sau :
Trong kinh Trường Bộ:
1) Bạn bè.
1/ Tôn trọng, nhã nhặn với bạn.
2/ Thiện ý, khoan dung với bạn
3/ Quan tâm đến gia đình của bạn.
4/ Là nơi nương tựa cho bạn lúc khó khăn, nguy hiểm.
5/ Giữ gìn của cải cho bạn.
2) Chủ - Tớ.
+ Đối với chủ :
1/ Phân công theo sức khỏe và khả năng.
2/ Chăm sóc tốt đời sống vật chất.
3/ Chăm sóc họ khi bệnh tật.
4/ Thỉnh thoảng khen thưởng.
5/ Cho phép họ nghỉ ngơi đúng lúc.
+ Đối với tớ :
1/ Bằng lòng với việc được giao.
2/ Chăm chỉ làm việc.
3/ Cố gắng làm tròn công việc.
4/ Giữ gìn tài sản cho chủ.
5/ Làm tốt thanh danh cho chủ.
3) Chồng Vợ.
+ Đối với chồng :
1/ Tôn trọng và khoan dung nhau.
2/ Tỏ lòng mến người thân hai bên gia đình.
3/ Chung thủy dù gặp thuận cảnh hay nghịch cảnh.
4/ Tôn trọng chức năng làm vợ.
5/ Quan tâm tới các vật trang sức cần thiết cho vợ.
+ Đối với vợ :
1/ Tôn trọng, khoan dung nhau.
2/ Tỏ lòng mến người thân hai bên gia đình.
3/ Chung thủy dù gặp thuận cảnh hay nghịch cảnh.
4/ Gìn giữ tài sản gia đình.
5/ Quan tâm, khéo léo, khích lệ công việc của chồng.
4) Thầy Trò.
+ Đối với thầy :
1/ Dạy đầy đủ những yêu cầu cần thiết.
2/ Làm cho học trò nắm chắc những điều đã học.
3/ Hết lòng dạy những khéo léo của mình.
4/ Nói tốt những người bạn và đồng nghiệp cho học trò.
5/ Bảo vệ sự an toàn mọi mặt cho học trò.
+ Đối với trò :
1/ Lễ phép với (# tôn trọng) thầy.
2/ Giúp thầy những lúc cần thiết.
3/ Siêng năng học tập. 4/ Chăm sóc thầy (vật chất, sức khỏe).
5/ Chú tâm mỗi khi nghe lời dạy của thầy.
5) Cha mẹ - Con cái: (xem bài đã soạn Hiếu).
+ Về phương diện vật chất, trong kinh Trung Bộ, đức Phật dạy:
“Phụng dưỡng cha mẹ là điều nên làm, nhưng vì cha mẹ mà làm điều ác thì không thể chấp nhận được. Bởi làm như thế tự thân không thể nào tránh khỏi quả báo của hành vi bất thiện và còn đem lại sự nguy hại cho cha mẹ. Vì vậy, không thể lấy lý do nuôi dưỡng để tự cứu và bào chữa cho những hành vi bất chánh của mình”.
+ Về phương diện tinh thần, trong kinh Tăng Chi Bộ 2, đức Phật dạy:
- Ai đối với cha mẹ không có lòng tin nơi chánh pháp. Hãy khuyến khích, hướng dẫn các vị ấy an trú vào chánh pháp.
- Ai đối với cha mẹ theo ác giới. Hãy khuyến khích, hướng dẫn các vị ấy an trú vào thiện giới.
- Ai đối với cha mẹ gian tham. Hãy khuyến khích, hướng dẫn các vị ấy an trú vào niệm xả ly và hành bố thí.
- Ai đối với cha mẹ theo tà trí. Hãy khuyến khích, hướng dẫn các vị ấy an trú vào chánh trí.
Cho đến như vậy là làm đủ và trả ơn đủ cho cha và mẹ.
6) Thù địch:
Trong kinh Pháp Cú (bản dịch HT Thích Minh Châu), đức Phật dạy:
Phẩm thứ nhất – Song Yếu
Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi.
Ai ôm niềm hận ấy,
Hận thù không thể nguôi.
(kệ PC 3)
Nó mắng tôi, đánh tôi,
Nó thắng tôi, cướp tôi.
Không ôm niềm hận ấy
Hận thù được tự nguôi.
(kệ PC 4)
* Hai bài kệ còn được nói gọn là:
"Lấy oán báo oán, oán nghiệp chập chùng.
Lấy ơn báo oán, oán nghiệp tiêu tan".
Phẩm thứ 17 - Phẫn Nộ
Lấy không giận thắng giận
Lấy thiện thắng không thiện
Lấy thí thắng xan tham
Lấy chân thắng hư ngụy.
(kệ PC 223)
7) Vấn đề tài sản vật chất:
Trong tam tạng kinh, đức Phật đã nhiều lần trình bày cặn kẽ về việc chúng ta nên có thái độ như thế nào về tài sản, và hướng dẫn chúng ta tận dụng một cách đúng đắn những lợi ích của tài sản.
Đức Phật nhấn mạnh rằng tài sản là nguồn hạnh phúc của người cư sĩ. Tuy nhiên, để đạt được hạnh phúc đó, người cư sĩ cần làm ra của cải, tài sản bằng những phương tiện chân chánh và sử dụng nó một cách hữu hiệu nhất. Tài sản làm ra không phải chỉ để tích trữ hay chỉ sử dụng để thỏa mãn dục lạc cho riêng bản thân; chúng cần được sử dụng để mang lại hạnh phúc và thỏa mãn cho bản thân cũng như tha nhân.
Đức Phật chỉ ra khi sử dụng tài sản cho bản thân, hành giả cần ý thức đến mức độ vừa phải trong việc thỏa mãn nhu cầu, và của cải, tài sản là phần thưởng cho những ai biết tuân theo những nguyên tắc đạo đức.
- Theo Tương Ưng Bộ Kinh I: Kosala Samyutta: kinh Pathama Aputtaka; 182-183 có chép: Vua Kosala đã bạch với đức Phật rằng ông đã vừa được sở hữu tài sản khổng lồ của một doanh nhân, người vừa qua đời mà không có con cái thừa tự. Chỉ riêng vàng của vị đó là vô cùng giá trị; nhưng bản thân vị đó, lúc nào cũng mặc áo vá, ăn gạo hẩm, sử dụng phương tiện xe cộ đơn sơ, và chẳng bao giờ sử dụng của cải của mình vì ích lợi của người khác. Nghe chuyện, đức Phật nói rằng: “Người mà không sử dụng tài sản của mình để làm lợi ích cho bản thân và tha nhân, đã sống một cuộc đời vô nghĩa”.
- Trong kinh Tập: Phẩm Uraga, khi nhắc đến những dấu hiệu tha hóa của người cư sĩ, đức Phật nói: “Nếu một cá nhân sở hữu nhiều tài sản, vàng bạc và thực phẩm mà chỉ dùng chúng cho bản thân, thì người đó đang trên đường tụt hậu”.
- Trong Tăng Chi Bộ Kinh V: Phẩm Mundaraja, trái lại, đức Phật tán thán: “Giống như mưa rào để nuôi dưỡng cuộc sống” đối với những ai có được tài sản cá nhân lớn lao là để sử dụng, và làm lợi ích cho số đông người.
- Trong Trường Bộ Kinh III: 31: Kinh Sigalovada, đức Phật đã khuyên chúng ta không nên dùng hết tài sản của mình vào việc tiêu xài và bố thí. Ngài khuyên tài sản làm ra cần chia làm 4 phần bằng nhau: hai phần để kinh doanh, một phần để tiết kiệm, và phần còn lại là cho phí sinh hoạt. Ngài coi việc tiết kiệm là điều cần thiết vì tiền tiết kiệm có thể được sử dụng trong trường hợp có tai nạn hay những điều bất trắc không ngờ trước xảy ra.
Xem thêm:
- Quan Điểm Của Đức Phật Về Sự Thành Đạt - Phật Học ...
- Đức Phật dạy quản lý kinh tế gia đình ra sao? | Kienthuc.net.vn
- Đức Phật dạy làm giàu? Nhưng đừng nghĩ làm giàu bằng cách cầu xin
VIDEO
- Thầy Tâm Hạnh - Chánh Kiến Trong Đời Sống
- Thầy Tâm Hạnh - Phật dạy chọn Người Bạn Tốt
- Vấn đáp: Làm giàu bằng thiện nghiệp | Thích Nhật Từ
- 06. Đạo đức và triết lý kinh doanh - TT. Thích Chân Quang
- Kinh Doanh Theo Quan Điểm Đạo Phật - TS Thích Nhất Hạnh
- Thầy Thích Pháp Hòa chỉ ra 5 CÁCH LÀM GIÀU ( xuất bản 2018)
- Kinh Doanh Theo Quan Điểm Đạo Phật - Thầy Thích Phước Tiến
- Kinh doanh và đức Phật - làm giàu bằng thiện nghiệp - phần 1
- Kinh doanh và đức Phật - làm giàu bằng thiện nghiệp - phần 2
- Đạo đức trong kinh doanh, 5 điều đạo đức với doanh nhân - Thích Nhật Từ
5. Phật Thích Ca nhập Niết-bàn.
Từ khi thành đạo dưới gốc cây Bồ Đề cho đến ngày nhập diệt, trải qua một thời gian 45 năm, đức Phật đã đi khắp xứ Ấn Độ rộng lớn bao la, hết nước này đến nước khác. Hễ chỗ nào có chân Ngài đến là ánh Đạo bừng tỏa và ngoại giáo lui xa dần, tan biến như những làn mây, như bóng tối tan biến trước bình minh đang lên. Giọng thuyết pháp của Ngài có cái oai lực như tiếng sư tử rống, làm cho cầm thú phải khiếp phục; như tiếng hải triều lên, lấn át tất cả bao nhiêu tiếng tỉ tê của côn trùng, chim chóc.
Đạo Bồ Đề từ đấy đã ăn sâu gốc rễ trên đất nước Ấn Độ rộng lớn, và trở thành một tôn giáo chính của các nước lớn nhỏ thời bấy giờ tại xứ Ấn Độ. Đức Phật sau khi tự giác, đã giác tha và đến khi giác hạnh của Ngài đã viên mãn thì Phật đã 80 tuổi. Đến đây, sắc thân tứ đại của Ngài cũng theo luật Vô thường mà biến đổi, yếu già. Năm ấy Ngài vào hạ ở rừng Sa-la, xứ Câu-thi-na (Kuṣinagara), cách thành Ba-la-nại (Vàrànasì) chừng 129 dặm.
Theo Trường Bộ Kinh II, T. 663, một hôm, đức Phật gọi ông A-nan (Ānanda) đến và bảo rằng:
“Này A-nan! Đạo ta nay đã viên mãn. Như lời nguyện xưa, nay ta đã có đủ 4 hạng đệ tử: Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni, Ưu Bà Tắc và Ưu Bà Di. Nhiều đệ tử có thể thay ta chuyển xe Pháp truyền bá khắp nơi.
Bây giờ ta có thể rời các con mà ra đi. Thân hình ta, theo luật Vô thường, giờ như một cỗ xe đã mòn rã. Ta đã mượn nó để chở Pháp đến khắp nơi, vậy ta còn mến tiếc làm gì trong cái thân tiều tụy này nữa? Này A-nan! Trong ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết bàn.”
Trong thời gian ba tháng cuối cùng, Đức Phật vẫn không nghỉ ngơi, mà vẫn tiếp tục đi giáo hóa. Dưới đây là đúc kết những lời dạy sau cùng của đức Phật theo các kinh Di Giáo, kinh Đại Bát Niết Bàn.
“Này các tỳ-kheo:
- Các con hãy tự đốt đuốc để soi sáng cho các con, hãy trông cậy vào chính sức mạnh của các con, chứ không nên lệ thuộc vào bất cứ ai. Những lời dạy của ta sẽ là ngọn đuốc dẫn đường, là nơi nương tựa cho các con.
- Các con hãy nhìn vào thân xác của các con, các con sẽ thấy lạc thú lẫn đớn đau nơi thân xác đó, cũng chỉ là cội nguồn chung của khổ đau. Khi hiểu được như thế và biết tự nhắc nhở là cuộc sống của các con chỉ là tạm bợ, các con sẽ không buông lung và có đủ khả năng ngăn ngừa mọi dục vọng xấu ác chi phối.
- Các con hãy nhìn vào tâm thức của các con, các con sẽ thấy cái tâm thức này biến đổi không ngừng. Tâm thức có khả năng biến một con người thành một vị Phật hay một con thú, cho nên các con cần kiểm soát lấy tâm thức của các con để không phải đi lạc ra ngoài Chánh Đạo. Làm chủ được tâm thức, các con sẽ không tự rơi vào những ảo giác của tâm thức, để rồi tự vướng mắc vào những kiêu căng ích kỷ do chính tâm thức tạo ra, nhất là khi các con đã hiểu rằng những cảm xúc đó nhất định chỉ mang đến khổ đau mà thôi.
- Các con hãy nhìn vào tất cả các vật thể chung quanh xem có vật thể nào trường tồn hay chăng? Có vật thể nào không phải là những cấu hợp sinh ra hay không? Các con chớ sợ hãi khi tất cả sẽ tan rã và phân tán.
Những gì hệ trọng nhất trong những lời giáo huấn của ta là các con cần gạt bỏ mọi chấp thủ cực đoan, và hãy giữ cho thân xác đứng thẳng, ngôn từ chân thật và tâm thức tinh khiết.
Để có thể giữ đúng như lời giáo huấn của ta, các con hãy kính trọng lẫn nhau. Đừng như nước với dầu mà xô đẩy nhau; hãy như nước với sữa mà trọn hòa lẫn vào nhau.
Những lời giáo huấn của ta cho các con là do nơi kinh nghiệm của chính ta, và chính ta đã noi theo con đường đó. Gìn giữ những lời giáo huấn ấy chính là các con đang ngồi bên cạnh ta, cho dù các con đang ở nơi đâu và trong hoàn cảnh nào. Nếu như các con xao lãng, thì không khác gì các con chưa hề gặp được ta vậy.
Này các tỳ-kheo, giây phút cuối cùng của ta đã gần kề. Các con chớ nên than khóc. Sự sống là một sự đổi thay không ngừng, và không có gì cản trở được sự tan rã của xác thân. Sự thực đó ta đang minh chứng cho các con thấy ngay trên thân xác của ta, thân xác ta sẽ tan rã như một cỗ xe hư nát. Đừng than khóc một cách vô ích, trái lại các con hãy hân hoan khi nhận ra được cái quy luật biến đổi ấy và hiểu được rằng sự sống của con người chỉ là huyễn mộng mà thôi. Đừng cố gắng duy trì cái khát vọng phi lý là nhất định mong muốn những gì tạm bợ phải trở thành trường tồn.
Sau khi ta tịch diệt, giáo Pháp thay ta làm vị thầy cho các con. Trong bốn mươi lăm năm sau cùng trong cuộc đời của ta, ta không hề dấu diếm điều gì trong những lời giáo huấn. Chẳng có một lời giáo huấn nào bí mật, không có một lời nào mang ẩn ý. Tất cả những lời dạy của ta đều được đưa ra một cách ngay thật và minh bạch.
Tin đức Phật sắp vào Niết-bàn, lan ra như một tiếng sét. Các đệ tử Ngài đi truyền giáo ở các nơi xa, lục tục trở về để cùng Đấng giác ngộ chia ly lần cuối.
Nghe tin Ngài sắp nhập Niết-bàn, dân chúng quanh vùng đến kính viếng rất đông, trong số ấy có một ông già ngoại đạo ngoài tám mươi tuổi, tên Tu Bạt Đà La (Subhadra) đến xin xuất gia. Ngài hoan hỷ nhận lời. Đó là người đệ tử cuối cùng trong đời Ngài.
Sau khi đã dặn dò cặn kẽ xong, đức Phật nhập định rồi vào Niết-bàn. Lúc bấy giờ nhằm ngày Rằm tháng Hai Âm lịch (theo giáo sử Trung Hoa). Vạn vật như chìm lặng trong giây phút của sự chia ly.
Xem thêm:
- Kinh Di Giáo lược giải. - BUDSAS
- Những lời dạy cuối cùng của Đức Phật - Thư Viện Hoa Sen
- Kinh Lời Dạy Cuối Cùng Của Đức Phật - Kinh Pali – Thư Viện Hoa Sen
- Lời di huấn cuối cùng của Đức Phật trước khi nhập niết bàn
VIDEO
- NHỮNG LỜI CUỐI CỦA ĐỨC THẾ TÔN
- Lời di huấn cuối cùng của Đức Phật trước khi nhập niết bàn
Phần B
Đức Phật Thích Ca biểu tượng và huyền thoại
1. Biểu tượng và huyền thoại khi Phật đản sinh.
Đản sinh 誕生: Ra đời – dùng để gọi đối với bậc Thánh nhân lúc sinh ra.
Phật đản 佛誕: Là ngày sinh của đức Phật, ngày kỷ niệm Phật Tất-đạt-đa Cồ-đàm sinh ra tại vườn Lâm-tì-ni năm 624 TCN, diễn ra vào ngày 15 tháng 4 âm lịch hàng năm.
Theo kinh Đại Bổn Duyên và một số kinh theo truyền thống Bắc tạng thì cho rằng Thái tử sanh ra từ hông bên phải của hoàng hậu Ma-da. Truyền thuyết kể lại rằng, khi ra khỏi lòng mẹ, Thái tử đứng vững chân, bước đi bảy bước trên 7 hoa sen, xoay mặt về hướng Bắc, một tay chỉ trời, một tay chỉ đất và nói nói rằng:
“Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn”
Sau ngày Đản sanh, vua Tịnh Phạn cho mời các đạo sĩ Bà-la-môn đến xem tướng và đặt tên cho Thái tử là Tất-đạt-đa (Siddhattha). Theo kinh Đại Bổn, kinh Tập, Tiểu Bộ kinh thì lúc mới sanh ra, Thái tử đã có ba mươi hai tướng tốt và tám mươi vẻ đẹp, đó là dấu hiệu của một Bậc Chánh đẳng Chánh giác, hoặc một bậc Chuyển luân Thánh vương trong tương lai.
1.1. Biểu tượng 7 hoa sen khi Phật ra đời – Thất Giác Chi.
Sen tượng trưng cho sự thanh tịnh, tinh khiết bất nhiễm.
Biểu tượng 7 hoa sen được xem là đặc trưng cho giáo lý 7 yếu tố, mà nếu như hành giả thực hành tu học theo 7 yếu tố này sẽ dẫn tới giác ngộ giải thoát – đó là Thất Giác Chi hay Thất Bồ Đề Phần.
Thất Giác Chi (七覺支; P: Satta-bojjhaṅgā; S: Sapta-bodhyangāni; E: the Seven Factors of Awakening) là nhóm thứ sáu trong Ba Mươi Bảy Bồ-đề phần (三十七菩提分; P: Sattatiṃsa-bodhipakkhiyādhammā; S: Saptatriṃśad bodhipākṣikādharmāḥ; E: Dhammā of enlightenment), gồm có:
1) Trạch pháp (擇法; P: Dhamma-vicaya; S: Dharmapra-vicaya; E: Investigation): Biết phân biệt đúng-sai, chánh-tà, ... Hành giả cần có Văn tuệ và Tư tuệ vững vàng, để thấy đâu là Thực chân lý (chân lý khách quan) đâu là Hư chân lý (chân lý chủ quan). Trạch pháp còn được nói rõ là Trạch pháp giác chi.
2) Tinh tấn (精進; P: Viriya; S: Vīrya; E: Energy): Chăm chỉ. Hành giả cần có ý chí tốt, nỗ lực thực hành 6 chi phần còn lại. Tinh tấn còn được nói rõ là Tinh tấn giác chi.
3) Hỷ (喜; P: Pīti; S: Prīti; E: Joy or rapture): Tâm hoan hỷ không ưu phiền, do hành giả thực hành quán Duyên khởi để tâm không dính mắc vào quá khứ. Hỷ còn được nói rõ là Hỷ giác chi.
4) Khinh an (輕安; P: Passaddhi; S: Praśrabdhi; E: Relaxation or tranquility): Tâm nhẹ nhàng, sảng khoái, do hành giả thực hành quán Duyên khởi để tâm không dính mắc vào tương lai. Khinh an còn được nói rõ là Khinh an giác chi.
5) Niệm (念; P: Sati; S: Smṛti; E: Mindfulness): Chánh niệm tỉnh giác, do hành giả thường an trú trong hiện tại. Niệm còn được nói rõ là Niệm giác chi.
6) Định (定; P;S: Samādhi; E: Concentration): Tập trung lắng đọng. Hành giả cần thiền định để tâm vững vàng, không loạn động. Định còn được nói rõ là Định giác chi.
7) Xả (捨; P: Upekkha; S: Upekṣā; E: Equanimity): Tâm buông xả, không câu chấp, do hành giả thường xuyên quán Duyên khởi để cảnh giác tâm Tham-Sân-Si vi tế chi phối, vốn do thói quen (nghiệp) hiện hành. Xả còn được nói rõ là Xả giác chi.
1.2. Biểu tượng của “Duy ngã vi tôn 唯我為尊”.
Về bài kệ Đản sanh, có nhiều nguồn kinh điển ghi lại, chẳng hạn như:
+ “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn // Yếu độ chúng sanh, sanh lão bệnh tử – có nghĩa Trên trời dưới trời, chỉ nơi bậc giác ngộ là tôn quý // Việc cần yếu là độ chúng sanh chủ động trong sanh già bệnh chết"
Kinh Sơ-Ðại Bản-Duyên - Trường A hàm Q1
+ "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã vi tôn // Tam giới giai khổ, ngô đương an chi – có nghĩa Trên trời dưới trời, chỉ nơi bậc giác ngộ là tôn quý // Ba cõi đều khổ, ai là người có thể đem lại sự an lạc?).”
Kinh Tu Hành Bản Khởi, Q1 – ĐCTT, T3, tr 473C
Chữ “ngã” nơi đây được giải thích là không mang ý nghĩa triết học Đại ngã hay Tiểu ngã của Ấn Độ giáo, cũng không có ý phê phán sự chấp ngã của người đời. Ngã đây là một đại từ ở ngôi thứ nhất, do đức Phật tự trỏ Ngài mà suốt cuộc đời Ngài vẫn theo quy ước của thế gian mà tự xưng khi giao tiếp với mọi người.
Xem thêm:
- Duy ngã độc tôn - BUDSAS
- Duy Ngã Độc Tôn – Pháp Thí Hội
- Duy ngã độc tôn – Wiktionary tiếng Việt
- Cách dịch: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”
- Thiên thượng thiên hạ, duy Ngã độc tôn : Đọc lại Văn Hóa Phật Giáo
- Ý nghĩa khi Đức Phật một tay chỉ trời, một chỉ đất và câu nói 'Duy ngã ...
VIDEO
- Duy Ngã Độc Tôn - Thuyết Pháp Thích Phước Tiến
- Vấn đáp: Giải thích Thiên thượng Thiên hạ Duy Ngã Độc Tôn | Thích Nhật Từ
- Vấn đáp l Ý nghĩa câu "Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn" - HT Pháp Tông
1.3. Biểu tượng tắm Phật trong lễ Phật đản.
Trong ngày lễ Phật đản, một trong những nghi thức kỷ niệm mà các chùa đều tổ chức là lễ tắm Phật. Lễ tắm Phật là nghi thức phổ biến của lễ hội Phật đản hằng năm trong nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau. Nghi thức này vốn đã xuất hiện khá lâu tại Ấn Độ, Trung Á và Trung Hoa, và ngày nay được duy trì trong hầu hết các cộng đồng Phật giáo khắp nơi như là một cử chỉ, một hành động để tỏ lòng tôn kính, hân hoan của người con Phật đối với sự xuất hiện của đấng Giác Ngộ trên cuộc đời này, cách đây hơn 2.600 năm, đồng thời đây một hành động biểu trưng nhắc nhở cho sự tẩy trừ sự ô nhiễm nơi chính bản thân mình.
Nguồn gốc của Lễ Tắm Phật xuất phát từ sự kiện ra đời của thái tử Tất-đạt-đa tại vườn Lâm-tỳ-ni. Các bản kinh thuộc hai truyền thống Nam và Bắc truyền đều ghi lại rằng, khi hoàng hậu Ma-da đản sanh thái tử, từ trên không trung có hai dòng nước của chư thiên, một ấm một mát, rưới xuống để tắm cho hoàng hậu và thái tử. Sự kiện này được ghi lại trong kinh Đại bổn (Trường Bộ II), kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp (Trung Bộ III), lời mở đầu của bản chú giải truyện Bổn Sanh (Nidānakatha). Tác phẩm Phật sở hành tán của ngài Mã Minh cũng ghi lại như trên.
Bài kệ trong lễ tắm Phật
Con nay tắm gội chư Như Lai
Công đức trang nghiêm tịnh trí đầy
Nguyện cho chúng sanh lìa năm trược
Mau chứng Như Lai tịnh pháp thân
Giới, định, tuệ… năm phần hương báu
Tỏa ngạt ngào trong khắp mười phương
Khói hương này xin hằng lan mãi
Phật sự làm vô lượng vô biên
Nguyện khổ nạn ba đường bặt dứt
Nhiệt não trừ, an trú thanh lương
Đồng phát tâm vô thượng Bồ-đề
Thoát biển ái lên bờ đại giác.
Thơ tắm Phật
“Tắm Phật là tắm tâm của ta
Phải giữ tâm ta không nhiễm tà
Tam độc * trong ta dội sạch hết
Ưu phiền sầu não quyết buông ra
Bụi trần gội sạch đừng e ngại
Bản ngã trôi đi dễ lắm mà
Tâm sạch tức là tâm được ngộ
Tắm Phật là tắm tâm của ta.”
Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt sử lược đều ghi lại rằng vào ngày mồng tám tháng Tư năm Nhâm Tý (1072), vua Lý Nhân Tông đã dự Lễ Tắm Phật. Cũng theo Đại Việt sử ký toàn thư, cứ mỗi tháng vào các ngày rằm, mồng một, và đặc biệt ngày mồng tám tháng Tư, nhà vua thường đến chùa Diên Hựu để làm lễ cầu phúc, thiết nghi tắm Phật. Lễ Phật đản cũng như lễ tắm Phật ngay từ thời Lý không chỉ đơn thuần là một nghi lễ của cộng đồng Phật giáo mà nó đã trở thành những sinh hoạt văn hóa chung trong dân gian. Điều này được ghi lại trong Lĩnh Nam chích quái như sau:
“Ngày mồng tám tháng Tư, Man nương tự nhiên mà thác sinh lên trời, linh xác gói chôn trong chùa. Nhân dân lấy đó làm ngày sinh của Phật. Hàng năm cứ đến ngày này trai gái, già trẻ bốn phương tụ tập về chùa để vui chơi, ca múa các trò đàn địch mãi thành tục lệ, gọi là “hội tắm Phật”, đến nay lệ vẫn còn …”.
2. Biểu tượng và huyền thoại khi Phật thành đạo.
Sau 6 năm tu khổ hạnh không đạt kết quả, Tất-đạt-đa quyết định ăn uống bình thường trở lại. Tất-đạt-đa thường đến bờ sông Nairanjana (Ni-liên-thiền, hiện nay là sông Phalgu) ngồi thiền định trên bãi cát. Một hôm, có hai cô bé chăn bò tên Nanda và Bala đang dắt bò xuống sông tắm thì thấy Tất-đạt-đa đang ngồi thiền định, họ sanh lòng kính mến liền tự tay vắt lấy sữa bò, nấu chín rồi dâng lên. Tất-đạt-đa ăn xong cảm thấy thân thể khoẻ mạnh.
Ðến ngày thứ 49, Tất-đạt-đa ngồi thiền định dưới gốc cây cổ-thụ Ajapala (cách cây Bồ-đề khoảng 100m về hướng đông), sắp đi khất thực, thì có hai chị em nàng Sujata (Tu-Xà-Đề), con ông trưởng làng Senani, mang bát cháo sữa (kheer) đến cúng vị Thần gốc cây để tạ ơn. Khi thấy Tất-đạt-đa đang tĩnh tọa, hai nàng đặt bát cháo sữa trước mặt, cung kính đảnh lễ rồi ra về. Sau khi ăn xong bát cháo sữa, Tất-đạt-đa thấy cơ thể khoẻ mạnh lạ thường nên không đi khất thực mà xuống sông Nairanjana tắm, tâm trạng ông vô cùng phấn chấn, cảm thấy sắp đạt thành tựu viên mãn.
Tương truyền rằng sau khi rửa bát xong, Tất-đạt-đa để cái bát trên dòng nước và nguyện rằng: "Nếu hôm nay ta được chứng quả thành Phật, thì nguyện cho cái bát nầy nổi trên mặt nước và trôi ngược lại dòng sông". Quả nhiên cái bát nổi trên mặt nước và trôi ngược lại dòng sông 80 sải tay, đến khi gặp phải một xoáy nước mạnh thì chìm xuống đáy sông, đúng nơi có 3 chiếc bát vàng của 3 vị Phật đắc đạo trước Tất-đạt-đa, đó là Phật Câu Lưu Tôn, Phật Câu Na Hàm Mâu Ni, Phật Ca Diếp.
Sau đó, Tất-đạt-đa đi trở lên bờ, đến cội Bồ-đề ở Bồ Ðề Ðạo Tràng và nguyện sẽ nhập định không rời chỗ ngồi cho đến lúc tìm ra nguyên nhân và cơ chế của Khổ. Trước khi ngồi, Tất-đạt-đa thầm nghĩ làm thế nào có một tòa ngồi cho yên tĩnh, trang nghiêm. Bỗng thấy một em bé tên là Sotthiya Svastika (Cát-Tường) gánh cỏ đi ngang qua đó, ông gọi lại hỏi xin một mớ cỏ để làm tòa ngồi. Em bé cung kính dâng ông sáu bó cỏ sắc (kusha) mềm mại và có hương thơm. Ông xấp cỏ thành tọa cụ và bồ-đoàn, ngồi kiết già, lưng thẳng đứng hướng về phía gốc cây, mặt hơi cúi xuống nhìn về hướng đông, phía bờ sông Nairanjana.
Tranh vẽ cảnh Ma vương Ba Tuần tìm cách ngăn chặn thái tử Tất-đạt-đa đạt tới giác ngộ
Đêm hôm đó, Tất-đạt-đa bắt đầu thực hành các pháp thiền định. Cuối cùng, Tất-đạt-đa đạt tới Diệt-Thọ-Tưởng định (Nirodha-samapatti), tỏa ra uy năng chiếu khắp Tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới). Ma vương Ba Tuần (vua cõi trời Tha Hóa Tự Tại) không muốn ông đắc đạo, đã quấy nhiễu bằng nhiều phương thức, nhưng cuối cùng đều thất bại. Ba cô con gái của Ma Vương tên là Tanhā (Ái Dục), Aratī (Bất Mãn) và Ragā (Tham Vọng) hóa ra ba nàng tiên tuyệt đẹp để quyến rũ, nhưng cũng chịu thất bại.
Sau khi hàng phục Ma Vương xong, Tất-đạt-đa tiếp-tục nhập Diệt-Thọ-Tưởng định và bắt đầu chứng đắc các đạo quả Giải thoát.
2.1. Tam thân.
Trikaya - Wikipedia
Tam thân – Wikipedia tiếng Việt
Tam thân (三身; S: Trikāya) là một thuật ngữ được dùng trong Phật giáo Bắc truyền, chỉ ba loại thân của một vị Phật. Quan niệm này xuất phát từ tư tưởng cho rằng Phật như là một nhân vật đã xuất hiện trên thế gian để hoằng hoá, tiếp độ chúng sinh, nên Phật có thể có nhiều hình tướng khác nhau chỉ vì lợi ích của chúng sinh. Tam thân gồm:
1) Pháp thân (法身; S: Dharmakāya; E: Truth body, Reality body): Đây là thể tính thực mà Phật và chúng sinh đều có chung thể tính này. Pháp thân là nguyên lý, là quy luật, là chân lý Duyên khởi vận hành trong vũ trụ mà đức Phật Thích Ca đã chứng ngộ, với mục đích cứu độ con người.
Pháp thân là Phật pháp (S: Buddha-dharma) như Phật Thích-ca đã giảng dạy trong thời còn tại thế. Pháp thân có nhiều tên gọi khác nhau, tuỳ trường hợp sử dụng như:
- Pháp giới (法界; S: Dharmadhātu, Dharmatā; E: Absolute Reality.).
- Chân như (真如; S: Tathatā, Bhūtatathatā; E: Suchness of Existents).
- Không tính (空性; S: Śūnyatā; E: Emptiness, Thusness, …).
- Phật tính (佛性; S: Buddhatā; E: Buddha-Nature).
- Như Lai tạng (如來藏; S: Tathāgata-garbha; E: Thus-gone Embryo).
Đạt đến tuệ giác ngộ đồng nghĩa với sự trực chứng được Pháp thân.
2) Báo thân (報身; S: Saṃbhogakāya; E: Body of enjoyment) cũng được dịch là Thụ dụng thân (受用身: "thân của sự thụ hưởng công đức"): Đây là thân do thiện nghiệp và sự giác ngộ của các Bồ-tát mà hoá hiện. Báo thân dùng nói đến thân Phật xuất hiện trong các Tịnh độ.
Báo thân thường mang Ba mươi hai tướng tốt (S: Dvātriṃśadvara-lakṣaṇa) và tám mươi vẻ đẹp của một vị Phật, và chỉ Bồ-tát mới thấy được trong giai đoạn cuối cùng của Bồ-tát Thập địa (S: Daśabhūmi). Báo thân thường được trình bày lúc Phật ngồi thiền định hay lúc giảng pháp.
3) Ứng thân (應身; S: Nirmāṇakāya; E: The physical manifestation of a buddha in time and space), cũng còn gọi là Ứng hoá thân, Hoá thân hoặc Sanh thân, là thân Phật và Bồ Tát hiện diện trên Trái Đất. Ứng thân do Báo thân chiếu hiện, dựa trên lòng từ bi và có mục đích giáo hoá chúng sinh. Ứng thân chịu mọi đau đớn của già chết bệnh tật như thân người, nhưng Ứng thân có các thần thông như thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông… Sau khi chết, Ứng thân tự tiêu hoại.
Tam thân của Phật nói trên được Vô Trước (S: Asaṅga) trình bày rõ nhất, xuất phát từ quan điểm của Đại chúng bộ (S: Mahāsāṅghika) và về sau được Phật giáo Bắc truyền tiếp nhận.
Đáng chú ý nhất là quan điểm Pháp thân nhấn mạnh đến thể tính tuyệt đối của một vị Phật và không chú trọng lắm đến Ứng thân của vị Phật lịch sử. Như thế, Phật có ý nghĩa là thể tính, là chân lý thường hằng của toàn vũ trụ. Các vị Phật xuất hiện trên trái đất hàm chứa hiện thân của Pháp thân, với lòng từ bi vì lợi ích của tất cả chúng sinh.
2.2. Tam bảo.
Refuge (Buddhism) - Wikipedia
Tam bảo – Wikipedia tiếng Việt
Biểu tượng Tam bảo
Trong Phật giáo Nguyên thủy, Tam bảo đặc trưng cho cấu trúc khoa học về chân lý – chân lý Duyên khởi. Quy y Tam bảo là nương tựa vào chân lý Duyên khởi để tu dưỡng và sống với hạnh phúc chân thật. Hồng ân Tam bảo (ơn lớn của Tam Bảo) là cách nói nhân cách hóa về lợi ích của chân lý Duyên khởi cho con người, khi con người gắn kết cuộc sống của mình với quy luật chân lý này.
Trong Phật giáo Phát triển, các hành giả được hướng dẫn cách nhìn Tam bảo theo ba bậc sau:
1) Ðồng thể Tam bảo hay Nhất thể Tam bảo.
2) Biệt thể Tam bảo hay Xuất thế gian Tam bảo. 3) Trụ trì Tam bảo hay Thế gian Tam bảo.
Đồng thể Tam bảo thuộc lý, Biệt thể Tam bảo và Trụ Trì Tam bảo thuộc sự.
- Lý 理là bên trong (nội tâm, thuộc tánh), mang ý nghĩa về giải thoát – tức tự do nội tâm từ việc giác ngộ, là thấy biết rõ thực tánh, thực tướng của vạn sự vật.
- Sự 事là bên ngoài (ngoại cảnh, thuộc tướng), mang ý nghĩa về hoằng pháp và hộ pháp.
1) Ðồng thể Tam bảo 同體三寶.
- Ðồng thể Phật bảo: Là chỉ cho tất cả chúng sanh cùng chư Phật đồng một thể tánh thông tuệ (聰慧: sáng suốt). Đó là:
Duyên khởi tính = Không tính = Phật tính
- Ðồng thể Pháp bảo: Là chỉ cho tất cả chúng sanh cùng chư Phật đồng một thể tinh bình đẳng (平等: không sai biệt)
- Ðồng thể Tăng bảo: Là chỉ cho tất cả chúng sanh cùng chư Phật đồng một thể tính thanh tịnh (清淨: sạch lặng)
Như thế, Đồng thể Tam bảo được xem như là cách chi tiết hóa vũ trụ quan, tuy phân ra ba nhưng chỉ từ một, đó là từ chân lý Duyên khởi.
2) Biệt thể Tam bảo 別體三寶.
- Biệt thể Phật bảo: Là chỉ cho chư Phật trong mười phương ba đời, đã tự giải thoát ra khỏi sự trói buộc của thế gian.
- Biệt thể Pháp bảo: Là chỉ cho Chánh pháp của Phật, có công năng giúp cho chúng sanh giải thoát khỏi sự trói buộc của thế gian. Đó là pháp Duyên khởi với các hệ luận Vô thường, Vô ngã, Nhân-Quả.
- Biệt thể Tăng bảo: Là chỉ cho các vị Thánh-Tăng đã giải thoát ra khỏi sự trói buộc của thế gian như các vị A-la-hán hay Bồ-tát.
Như thế, Biệt thể Tam bảo được xem như là cách chi tiết hóa nhân sinh quan, tuy phân ra ba nhưng chỉ từ một, đó là từ chân lý Duyên khởi.
3) Trụ trì Tam bảo 住持三寶.
- Trụ trì Phật bảo: Là chỉ cho Chùa hay Tu viện. Các hình thức Ngọc xá-lợi, tượng Phật đúc bằng kim khí, chạm trổ bằng danh mộc, đắp bằng xi măng, thêu bằng vải, hay vẽ trên giấy là những trang trí đặc trưng cho môi trường tu Phật.
- Trụ trì Pháp bảo: Là chỉ cho ba tạng giáo điển: Kinh, Luật, Luận viết hay in trên giấy, trên vải trên lá buôn v.v…hiện có.
- Trụ trì Tăng bảo: Là chỉ cho các vị Tỳ Kheo, Tỳ Kheo Ni tu hành chơn chánh, đạo đức trong sạch, giới luật trang nghiêm trong hiện tại.
Như thế, Trụ trì Tam bảo được xem như là hình thức tổ chức tu học Phật mang tính khoa học.
3. Biểu tượng và huyền thoại khi Phật nhập Niết-bàn.
Chư Thiên và đệ tử của Phật trong rừng cây Sa-la lúc đức Phật niết-bàn
Theo kinh Đại Bát Niết Bàn:
“Khi ấy, đức Như Lai vào ra Tứ-thiền định, Tứ-không-xứ định, Diệt-tận định hai lần. Lần thứ ba Ngài vào ra từ Sơ-thiền đến Tứ-thiền là Ngài nhập Niết Bàn tại đấy. Ông A-nâu-lâu-đà bảo ông A Nan: “Đức Thế-Tôn nhập Niết-Bàn tại Tứ-thiền rồi!”
Lúc đó, đại chúng buồn rầu, vật vã, kêu khóc, than thở; chư thiên khóc lóc nước mắt chảy như mưa dào; phái Lực sĩ cũng buồn bã, lả lướt như người mới đau. Cả đến cõi đất cũng rung động, núi Tu Di cũng nghiêng ngả, sóng bể cũng vỗ tung, gió cuồng bốc mạnh, cây cỏ gẫy, héo… Và, ai ai cũng đều kinh sợ.
Tiếp đến, Đại Phạm Thiên Vương nói bài kệ về lẽ vô-thường, không ai thoát được. Thiên Đế Thích cũng nói về lẽ ấy và than tiếc chúng sinh ngày nay bị lửa 3 độc cháy, không còn nước Đại Bi rưới tắt. Ông A-nâu-lâu-đà nói về đức Như Lai xả thân này cũng như đèn tắt ánh sáng hết. Ông A Nan nói cái cảnh buồn rầu của tất cả khi đức Phật nhập Niết-Bàn. Các vị chưa đắc đạo thương-xót áo não, các vị đắc đạo rồi than lẽ vô-thường của thế-gian!
Ông A Nan phổ-cáo cho mọi người biết là đức Như-Lai nhập Niết-Bàn rồi! Ông cho các Tỳ-khưu-ni, các Ưu-bà-di đi vào lễ Phật, cúng-dàng trước. Trong số ấy có bà lão nghèo vào lễ Phật, khóc, chảy nước mắt xuống chân Phật. Rồi đến các người nam khác, lần-lượt vào lễ-bái, cúng-dàng Phật.
Tương truyền rằng trong buổi hoả thiêu xác của Phật có nhiều hiện tượng lạ xảy ra: hoa mạn đà la bay đầy trời do các chư thiên cúng dường, và người ta không thể thắp ngọn lửa thiêu xác cho tới khi ông Maha Ca Diếp, một trong mười đại đệ tử của Phật tới nơi để làm lễ.
Mặc dù cuộc đời Tất-đạt-đa có nhiều huyền thoại bao phủ nhưng các nhà khảo cổ học và nhân chủng học - vốn hay có nhiều hoài nghi và thành kiến - cũng đều nhất trí công nhận đức Phật là một nhân vật lịch sử và là người đã thành lập ra Phật giáo.
Xem thêm:
- Đức Phật Nhập Niết Bàn - Phật Học - THƯ VIỆN HOA SEN
- Câu chuyện đầy xúc động ngày đức Phật nhập Niết Bàn
VIDEO
- Đức Phật nhập Đại Niết Bàn
- Lời Dạy Cuối Cùng Của Đức Phật Trước Khi Nhập Niết Bàn
Phần C
Đạo Phật sau đức Phật nhập Niết-bàn
1. Sự phát triển của đạo Phật.
1.1. Sự phân chia phái.
Khi đức Phật Thích Ca còn tại thế, đạo Phật đã có được một tổ chức với các giới luật nghiêm và truyền giảng ở miền bắc Ấn Độ vào thế kỷ 6 tCN trong khoảng thời gian 45 năm, đến nhiều nơi và nhiều chủng tộc.
Sau khi đức Phật nhập diệt, đạo Phật phát triển khá đa dạng về các bộ phái cũng như các nghi thức hay phương pháp tu học.
Sự phân chia thành bộ phái rõ nét đã bắt đầu xảy ra vào thời kỳ kết tập kinh điển lần thứ II (tức là khoảng 100 năm sau khi Tất-đạt-đa Cồ-đàm mất). Lần phân chia đầu tiên là do sự bất đồng về yêu cầu thay đổi 10 điều giới luật. Các điều này tuy không phải là những thay đổi lớn lao nhưng đủ để gây ra sự tách biệt tăng đoàn thành Đại Chúng bộ (Mahàsamghika), tiền thân của Phật giáo Bắc truyền, mà đa số là các tì kheo trẻ muốn thay đổi. Số còn lại bảo thủ các giới luật nguyên thuỷ, hình thành Thượng tọa bộ (Theravada), tiền thân của Phật giáo Nam truyền. Các cuộc phân phái về sau trở nên phức tạp và đa dạng hơn.
Tuy nhiên, nhờ vào sự uyển chuyển của giáo pháp trên tinh thần Tùy duyên “khế cơ, khế lý”, đạo Phật đa dạng đã có thể thích nghi với nhiều hoàn cảnh xã hội, nhiều dạng người, nhiều tập tục ở các thời kỳ khác nhau. Và do đó đạo Phật ngày nay vẫn tiếp tục tồn tại và ngày càng phát triển rộng rãi trên toàn thế giới, ngay cả trong các nước có nền khoa học tiên tiến như Hoa Kỳ và Tây Âu.
History of Buddhism - Wikipedia
Lịch sử Phật giáo – Wikipedia tiếng Việt
Schools of Buddhism - Wikipedia
Các tông phái Phật giáo – Wikipedia tiếng Việt
1.2. Tính thống nhất trong đạo Phật.
Với một lịch sử phát triển rất thăng trầm trong suốt hơn 2500 năm, đạo Phật đã lan toả từ Ấn Độ ra khắp nơi. Theo đó, việc hình thành các bộ phái khác nhau, có phương pháp tu học và cách giải thích khác nhau về giáo lý cho thích hợp với hoàn cảnh của mỗi xã hội mỗi thời điểm là chuyện tất yếu. Tuy nhiên, bản thân giáo lý Phật giáo không hề có sự phân chia tông phái này.
Trong kinh tiếng Pali của đạo Phật Nguyên Thủy là Tăng Chi Bộ (đoạn 137) có ghi:
“Cho dù Như Lai có xuất hiện trên đời này hay không, thì lẽ thật mà Như Lai chứng ngộ vẫn tồn tại một cách vững chắc …”.
Lẽ thật mà đức Phật Thích Ca đã chứng ngộ dưới gốc cây Bồ Đề, quả thật là chân lý khách quan tự nhiên, nên đã đứng vững trên mọi nơi và mọi thời. Đại lễ Vesak, một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của Liên Hợp Quốc, đặc trưng cho đời sống tinh thần cao đẹp của nhân loại đã nói lên điều này.
Cho nên có thể thấy rằng những ai nắm được chân lý này thì sẽ không có cách nhìn cực đoan phân biệt về đạo Phật Tiểu Thừa hay đạo Phật Đại Thừa, mà phải thấy rằng chỉ có một Phật Thừa, đó là “Cỗ xe cứu độ nhân loại làm bằng chất liệu Tuệ giác”.
Chúng ta hãy thử xem đạo Phật như một cây lớn gồm 3 phần:
- Gốc rễ của cây là chân lý nhà Phật.
- Thân cây là Phật giáo Nam truyền.
- Cành cây là Phật giáo Bắc truyền.
Phần thân cây có thể có các loài rêu mốc bám, còn cành cây thì có thể có tầm gửi sống ký sinh. Cả rêu mốc hay tầm gửi mà phát triển nhiều, đều có thể làm cho cây chết. Do đó, người có trí tuệ sẽ biết làm cách nào để tẩy sạch rêu mốc và tầm gửi, thì sẽ giúp cây sống khỏe; tương tự, người có trí tuệ sẽ thấy đâu là chân-giả nơi người hành trì hay tông phái theo đạo Phật.
Thật ra, kinh điển Nam truyền hay Bắc truyền đều có ít nhiều xen tạp, cho nên người tìm học cần sáng suốt nhận định chân lý một cách khoa học, để có thể lý giải xuyên suốt thế giới hiện tượng và loại bỏ các xen tạp này.
Như thế quan niệm về Tiểu Thừa và Đại Thừa là do người về sau phân biệt lệch lạc, nên chúng ta cần thận trọng chắt lọc, để không rơi vào các chấp thủ cực đoan này mà mất đi giá trị trong sáng và thiết thực của chân lý.
2. Đạo Phật là một tôn giáo hay một triết lý.
2.1. Đạo Phật tôn giáo và Đạo Phật minh triết.
Nói chung, con người tồn tại sự sống của mình bằng hai hình thức là vật chất và tinh thần. Tinh thần biểu hiện 4 yếu tố chính là tình cảm và lý trí liên hệ đến hoạt động bên ngoài có tính sinh động, còn ý chí và ký ức liên hệ đến hoạt động bên trong có tính trầm lắng. Trên thực tế:
- Tôn giáo đặt nặng yếu tố niềm tin, là yếu tố thuộc phạm trù tình cảm, và gọi đó là Đức tin. Điển hình “Thiên Chúa là Tình yêu – God is Love (1 Ga 4:16)”. Tôn giáo xem Đức tin như là Chân lý – Đức tin về sự hiện hữu của một Thượng Đế. Tuy nhiên, thế giới tôn giáo ngày nay rất đa dạng các Thượng Đế với nhiều tính chất khác nhau, nhưng chẳng hề thấy vị Thượng Đế “chính hiệu” nào lên tiếng xác minh! Vì thế, có thể xem Đức tin như là loại Chân lý chủ quan.
- Triết lý đặt nặng yếu tố suy nghĩ luận biện, là yếu tố thuộc phạm trù lý trí, với mục tiêu là tìm ra Quy luật hiện thực về bản chất của sự sống. Quy luật hiện thực này được xem là Chân lý khách quan. Theo đó, Chân lý khách quan không hàm ý xác nhận “lý tuyệt đối hay một tự thực hữu nào đó nơi sự vật”, mà là thấy ra “lý tương đối là tuyệt đối hay sự không thực hữu của mọi sự vật”.
Thực tế là đặc hữu phát triển không đồng đều về các yếu tố tình cảm và lý trí nơi mỗi con người, cho nên đạo Phật đã có giải pháp khế lý khế cơ trong việc giáo hóa, thể hiện qua hai hình thức:
- Với các đối tượng tình cảm, ít luận biện (số đông), thì đạo Phật thể hiện dưới hình thức Tôn giáo, nhiều lễ nghi ==> Đạo Phật tôn giáo.
- Với các đối tượng lý trí luận biện (số ít), thì đạo Phật thể hiện dưới hình thức Minh triết, ít lễ nghi ==> Đạo Phật minh triết.
Con đường giáo hóa của đạo Phật là từ thấp đến cao, từ Tôn giáo đến Minh triết, lấy giáo lý Duyên khởi-Nhân Quả xuyên suốt từ thô đến tế. Kinh Bát Đại Nhân Giác, trong điều giác ngộ thứ ba đã chỉ ra: “Duy tuệ thị nghiệp – 唯慧是業– Tuệ giác là sự nghiệp”. Và thực hành Thiền Tuệ Vipassanā là hướng tới cứu cánh cho việc tu học trong đạo Phật.
Đạo Phật như một Minh triết là điểm mà Phật giáo khác với các tôn giáo khác. Bởi lẽ phần đông các tôn giáo bằng mọi cách sử dụng lý trí để củng cố và ôm chặt Chân lý chủ quan, thay vì phải tẩy sạch chúng đi, để đưa con người đến bến bờ tự do đích thực, và đó mới chính là hạnh phúc vô biên thực sự - Niết Bàn.
Nguyên lý Duyên khởi là Chân lý khách quan tự nhiên, là vũ trụ quan của đạo Phật, là nền tảng của Nam tạng và Bắc tạng.
- Trong kinh Tương Ưng 3 có ghi :
“ Ai thấy Duyên khởi là thấy Pháp, ai thấy Pháp là thấy Phật”.
[Pháp nơi đây là Chân lý khách quan tự nhiên “Duyên khởi”].
- Trong kinh Maha Nidana, Trường A Hàm - đức Phật nói :
“Vì không hiểu biết thấu đáo giáo lý Duyên khởi này, nên chúng sinh sống trong cảnh rối loạn như tơ vò”.
- Trong kinh Kim Cương có ghi:
+ Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng. Nhược kiến chư tướng phi tướng tắc kiến Như Lai. – 凡所有相皆是虛妄。若見諸相非相則見如來– Phàm những gì có tướng đều là hư vọng. Nếu thấy các tướng chẳng phải thực tướng tức thấy Như Lai.
+ Nhược dĩ sắc kiến ngã dĩ âm thanh cầu ngã. Thị nhân hành tà đạo bất năng kiến Như-Lai – 若以色見我以音聲求我。是人行邪道不能見如來– Nếu lấy sắc thấy Ta hoặc lấy tiếng tìm Ta. Người ấy hành tà đạo chẳng thấy được Như-Lai.
Nhứt thiết hữu vi pháp.
Như mộng huyễn bào ảnh.
Như lộ diệc như điển.
Ưng tác như thị quán.
一切有爲法
如夢幻泡影
如露亦如電
應作如是觀
Xưa nay vạn vật trên đời
Bọt bèo mộng huyễn có rồi hoàn không
Kìa xem điện chớp trên không
Hạt sương buổi sớm đem lòng quán xem.
[Xem: Kinh Kim Cương - DaiTangVietNam - Vietnamese Tripitaka]
Minh triết Duyên khởi không cực đoan bảo thủ tình cảm hay lý trí, tức tôn giáo hay triết lý, mà là Trung Đạo và Tùy Duyên, tương tác hài hòa 2 yếu tố sống quan trọng này. Điều này có thể thấy nơi biểu tượng Thích Ca Tam Tôn hay Di Đà Tam Tôn như nhắc nhở cùng mọi người như dưới đây.
Phổ Hiền Thích Ca Văn Thù
Từ bi Thanh tịnh Trí tuệ
Tình cảm Tuệ Giác Lý trí
Mô hình “Thích Ca Tam Tôn”
Đại Thế Chí A Di Đà Quán Thế Âm
Trí tuệ Thanh tịnh Từ bi
Lý trí Tuệ Giác Tình cảm
Mô hình “Di Đà Tam Tôn”
[Tịnh độ hiện thực]
2.2. Giác ngộ – Giải thoát.
Giác ngộ và Giải thoát là các từ gốc Hán, có các nghĩa sau:
- Giác ngộ (覺悟; P;S: bodhi; E: enlightenment). Trong đó:
+ Giác 覺, có nghĩa là biết, biết được // thức, tỉnh, tỉnh thức.
+ Ngộ 悟, có nghĩa là hiểu, hiểu ra, vỡ lẽ
Theo đó, giác ngộ là hiểu biết rõ chân lý của vũ trụ vạn vật, đó là chân lý Duyên khởi.
- Giải thoát (解脫; P: vimutti; S: vimukti; E: liberation). Trong đó:
+ Giải 解, có nghĩa là cởi ra, mở ra.
+ Thoát 脫, có nghĩa là khỏi, vượt khỏi.
Theo đó, giải thoát là thái độ cởi mở ra để tinh thần không còn bị thành kiến chấp thủ, suy tưởng cực đoan ràng buộc nữa. Vì thế:
- Giác ngộ – Giải thoát là mục đích tối thượng và cùng tột trong việc tu học của hành giả.
- Giác ngộ – Giải thoát nhằm nói lên sự tu học của hành giả là quán triệt chân lý Duyên khởi, và lấy đây làm phương tiện để đạt tới một nội tâm siêu thoát (tự do, không dính mắc trói buộc), một nội tâm an tịnh (không phiền não loạn động).
Thân ta bị trói, ta có thể tự mình hay nhờ người dễ dàng tháo mở được, nhưng khi Tâm (tinh thần) ta bị trói từ những kiến chấp hay bị nhồi sọ từ các tín điều lệch lạc của chính trị hay hư ảo của tôn giáo, thì không dễ dàng tháo mở chút nào. Bởi muốn tháo mở tinh thần bị trói thì chính bản thân ta phải có sự hiểu biết chân thật đúng đắn, đồng thời phải có nhiều nỗ lực vuợt thoát các tín điều này.
Do đó, việc Cầu siêu và Cầu an trong các tôn giáo sẽ rất là điều mong manh nếu như hành giả chưa quán triệt được Duyên khởi để thản nhiên tự xả ly các chấp thủ. Bởi nếu như có một quyền năng nào có thể làm cho một ai đó siêu thoát và an tịnh, thì thế giới này đã là Cực lạc hay Thiên đàng rồi vậy. Còn nếu như một ai đó cảm thấy siêu thoát và an tịnh sau khi cầu xin Thần linh, thì đó cũng chỉ là tâm lý tự trấn an với ảo giác ảo tưởng mà thôi.
Trong thực hành Giác ngộ – Giải thoát, đức Phật đã vạch ra cấu trúc 5 duyên Sắc – Thọ – Tưởng – Hành – Thức (Ngũ Uẩn) thay vì 2 duyên là Sắc – Danh (Thân – Tâm), nhằm phá chấp thủ cực đoan về Ngã (thực thể – hằng hữu) nơi mỗi con người hay sự vật, về Ngã sở (những gì thuộc về thực thể) và Tự ngã (thực thể đương nhiên – tự hữu). Trong đó:
- Sắc (Thân) gồm 4 duyên Đất, Nước, Gió, Lửa (các từ cổ), tương đồng với 4 cấu trúc chính của ngành Vật lý học ngày nay, đó là thể Rắn, thể Lỏng, thể Khí, thể Plasma.
- Danh (Tâm, Tinh thần) gồm 4 duyên Thọ, Tưởng, Hành , Thức (các từ cổ), tương đồng với 4 cấu trúc chính của ngành Tâm lý học ngày nay, đó là Cảm xúc (Tình cảm), Lý trí, Ý chí, Ký ức (bao hàm Ý thức, Tiềm thức,Vô thức).
Ngũ Uẩn hay 8 duyên được đức Phật chỉ ra đều là Duyên khởi (Vô thường + Vô ngã) như ở nhiều ghi sau:
- Trong kinh Niệm Xứ (Satipatthàna sutta), đức Phật dạy: “ Chúng ta hãy quán chiếu sâu sắc sẽ thấy rằng năm uẩn không phải là một thực thể, mà là hiện tượng của loạt các tiến trình vật chất và tâm thức; chúng (năm uẩn) sinh diệt một cách liên tục và nhanh chóng, chúng luôn biến đổi từng phút, từng giây; chúng không bao giờ tĩnh mà luôn động, và không bao giờ là thực thể mà luôn biến hiện”.
- Trong kinh Pháp Cú, kệ 113:
“Ai sống cả trăm năm.
Không thấy pháp sinh diệt.
Tốt hơn sống một ngày.
Thấy được pháp sinh diệt ”.
- Trong kinh Brahmàyu, thuộc Trung Bộ kinh, đức Phật đã nói với đạo sĩ Brahmàyu:
"Những gì cần biết rõ, Ta đã biết rõ.
Những gì cần từ bỏ, Ta đã từ bỏ.
Những gì cần tu tập. Ta đã tu tập.
Do vậy, này vị đạo sĩ, Ta là Phật"
3. Các thánh tích của đạo Phật – Tứ động tâm.
Thánh tích là nơi mà đức Phật Thích Ca đã từng lưu trú khi còn tại thế. Có 4 thánh tích chính ghi dấu bốn sự kiện trọng đại của cuộc đời và sự nghiệp hoằng pháp của đức Phật Thích Ca. Bốn thánh tích đó là:
1. Lumbini (Vườn Lâm Tỳ Ni), nơi đức Phật đản sanh.
2. Bodhgaya (Bồ Ðề Ðạo Tràng), nơi đức Phật thành đạo.
3. Sarnath (Vườn Lộc Uyển), nơi đức Phật khai giảng giáo pháp.
4. Kushinara (Câu Thi Na), nơi đức Phật nhập niết-bàn.
Bốn thánh tích này còn được gọi là Tứ động tâm, là vì tại những nơi đây khách hành hương dễ bị xúc động mạnh khi đến chiêm bái, và từ đó tinh tấn hơn trong sự nghiệp tu học. Trong kinh Trường Bộ I (Đại Bát Niết Bàn) có ghi rằng, trước khi nhập diệt, Đức Thế Tôn đã có lời căn dặn như sau:
“Này Ananda, có bốn Thánh tích, người thiện tín cư sĩ cần phải chiêm ngưỡng và tôn kính.
Này Ananda, các thiện tín Tỷ kheo, Tỷ kheo ni, nam nữ cư sĩ sẽ đến với niềm suy tư: Đây là chỗ Như Lai đản sanh, đây là chỗ Như Lai chứng ngộ Vô thượng Chánh đẳng giác, đây là chỗ Như Lai chuyển Pháp luân vô thượng, đây là chỗ Như Lai diệt độ, nhập Vô dư y Niết bàn.
Này Ananda, những ai trong khi chiêm bái những Thánh tích mà từ trần với tâm thâm tín hoan hỷ, thời những vị ấy, sau khi thân hoại mạng chung sẽ được sanh về cõi thiện thú, cảnh giới chư Thiên”.
Xem thêm:
- Nhat ky Hành huong 2004 - Binh Anson - BUDSAS
VIDEO
- Về Thăm Đất Phật
- PHẬT TÍCH ẤN ĐỘ
- TỨ ĐỘNG TÂM - Four Buddhist Holy, Sacred Places
- Ý nghĩa hành hương Phật tích Ấn Độ-Nepal -TT. Thích Nhật Từ ...
3.1. Vườn Lâm Tỳ Ni.
Lumbini - Wikipedia
Lâm-tỳ-ni – Wikipedia tiếng Việt
Vườn Lâm Tỳ Ni, nơi Ðức Phật đản sanh
Vườn Lâm Tỳ Ni nằm dưới chân núi Himalaya thuộc nước Nepal, phía đông kinh thành Ca Tỳ La Vệ xưa; khu vực này nằm sát thị trấn biên giới Sonauli, Ẩn Ðộ. Tại vườn Lâm Tỳ Ni, hoàng hậu Ma Da, vợ của vua Tịnh Phạn nước Ca Tỳ La Vệ, đã hạ sinh thái tử Tất-đạt-đa vào sáng ngày Rằm tháng tư Âm lịch (624 tCN). Thái tử Tất-đạt-đa sau này trở thành đức Phật Thích Ca, người khai sáng đạo Phật và đem ánh sáng từ bi rọi sáng muôn loài.
VIDEO
- Lumbini Documentary-2018
- Towards a sustainable Lumbini, the birthplace of Lord Buddha - UNESCO
- LAM TI NI
- Hành hương: Lâm Tỳ Ni - Nepal
- Theo Dấu Chân Phật Lâm Tỳ Ni
- Chùa Việt Nam tại Lâm Tỳ Ni - Nepal
- Phật tích Ấn Độ: Lumbini - Nơi Đức Phật đản sinh | Vietnam Journey
3.2. Bồ Ðề Ðạo Tràng.
Bodh Gaya - Wikipedia
Bodh Gaya – Wikipedia tiếng Việt
Bồ Ðề Ðạo Tràng
Đại tháp ở Bồ Đề Đạo Tràng
Tượng Phật trong Đại tháp tại Bồ Đề Đạo Tràng
Mahabodhi Temple - Wikipedia
Đền Mahabodhi – Wikipedia tiếng Việt
Cây Bồ-đề nơi Đại Tháp đức Phật Thích Ca thành đạo
Bồ Ðề Ðạo Tràng là nơi thái tử Tất Ðạt Ða giác ngộ dưới gốc cây Bồ Ðề và trở thành Ðức Phật, trên 2500 năm trưóc. Bồ Ðề Ðạo Tràng là một thành phố ở quận Gaya, Bihar, Ấn Ðộ. Những ai có diễm phúc thăm viếng nơi đây sẽ được thăm một di tích nổi tiếng, đó là chùa Ðại Tháp Bồ Ðề (Mahabodhi Temple). Trong chánh điện, một tượng Phật uy nghi được tạc vào thế kỷ thứ 10.
Chùa Ðại Tháp Bồ Ðề nổi tiếng thiêng liêng vì nơi đây, trong sân chùa, nơi khu vườn đẹp có trồng một cây Bồ Ðề oai nghi to lớn. Ðức Phật đã ngồi thiền dưới bóng cây Bồ Ðề và thề rằng: “Nếu ta không thành đạo, thì dù thịt nát xương tan, ta cũng quyết không đứng dậy khỏi chỗ này”. Với ý chí hùng dũng, cương quyết ấy, sau 49 ngày tư duy, Ngài thấu rõ chân tướng của vũ trụ, của nhân sanh và đắc đạo. Cây Bồ Ðề, với những tàng cây bay cao và tỏa rộng ra xa như đem chân lý giải thoát đến cho nhân loại. Rễ cây to lớn cuộn chặt xuống đất như giữ giáo pháp của đức Thích Ca muôn đời bất diệt.
Ngày nay, chung quanh khu vực Bồ Ðề Ðạo Tràng, cộng đồng Phật giáo nhiều quốc gia như Việt Nam, Nhật Bản, Thái Lan, Miến Ðiện, Tây Tạng, Bhutan v.v…đã xây cất các chùa hay tu viện theo cấu trúc của quốc gia mình, do vậy khu vực này đã trở thành một thị trấn Phật giáo đa dạng và rạng rỡ.
VIDEO
- Top 10 Places To Visit In Gaya
- Top 10 places to visit in Bodhgaya | Gaya - Bihar
- Phật Tích Ấn Độ: Bồ đề Đạo tràng - Nơi Phật đạt giác ngộ | Vietnam Journey
- Bồ Đề Đạo Tràng - Bodh Gaya, Tháp Giác Ngộ, gốc Bồ Đề - Hành hương chiếm bái Ấn Độ
3.3. Vườn Lộc Uyển.
Sarnath - Wikipedia
Sarnath – Wikipedia tiếng Việt
Vườn Lộc Uyển
Sau khi tu thành chánh quả, Ðức Phật Thích Ca nghĩ ngay đến sứ mạng chuyển mê khai ngộ cho tất cả mọi người. Ðầu tiên, Ngài đến vườn Lộc Uyển, tìm mấy người bạn đồng tu trước kia để thuyết pháp.
Bài giảng đầu tiên là Tứ Diệu Ðế và năm người bạn được nghe bài Pháp này là Kiều Trần Như, Ác Bệ, Thập Lực, Ma Ha Nam và Bạc Ðề. Năm vị này đều được khai ngộ và trở thành năm đệ tử đầu tiên của Ngài. Nơi vườn Lộc Uyển này, Tăng Ðoàn Phật Giáo ra đời xuyên qua sự giác ngộ của Kiều Trần Như, vị đệ tử cao niên nhất trong năm đệ tử đầu tiên của Phật Thích Ca.
Hầu hết những toà nhà cổ và những công trình kiến trúc tại Vườn Lộc Uyển bị hư hại theo thời gian hoặc bị tàn phá bởi giặc Hung Nô vào thế kỷ thứ 5 và sự xâm lấn của đạo quân Hồi giáo từ Trung Á vào giữa thế kỷ thứ 10 và 15. Tuy nhiên, trong khung cảnh đổ nát, người đi chiêm bái có thể nhận ra được các thắng tích sau đây:
- Tháp Dhamek uy nghi cao 40 mét, rộng 28 mét;
- Tháp Dharmarajika được xây dựng do vua A Dục. A Dục Vương là hoàng đế Ấn Ðộ từ năm 273 đến năm 232 trước Tây lịch;
- Tháp Chaukhandi là nơi kỷ niệm Đức Phật gặp gỡ các đệ tử của mình lần đầu;
- Tàn tích của tịnh xá Mulagandhakuti đánh dấu nơi Đức Phật an cư trong mùa mưa;
- Trụ đá của vua A Dục;
- Ngoài ra còn có một cây Bồ Đề được chiết nhánh từ cây Bồ Đề tại Bồ Đề Đạo Tràng.
VIDEO
- Phật tích Ấn Độ: Sarnath - Đức Phật chuyển bánh xe chánh pháp | Vietnam journey
- Sarnath : Where is Dhamekh stupa and Ashok chakra?
- Best Places To Explore In Sarnath
3.4. Câu Thi Na.
Chùa và tôn tượng đức Phật Niết Bàn tại Câu Thi Na
Kushinagar - Wikipedia
Kushinagar – Wikipedia tiếng Việt
Gò đá ghi dấu nơi làm lễ Trà Tỳ cho đức Phật ở Câu Thi Na
Ròng rã 45 năm, hạt giống từ bi được reo khắp xứ ở Ấn Ðộ. Từ Bắc chí Nam, từ Ðông sang Tây, từ rừng núi đến đồng bằng, không nơi nào Ðức Phật không đặt chân đến, hay truyền đệ tử Ngài đến để hóa độ chúng sinh.
Khi Ngài 80 tuổi, theo định luật vô thường, thân sắc Ngài yếu đi.
Ngài gọi ông A Nan, người đệ tử luôn luôn ở bên cạnh Ngài, và nói:
“Ðạo ta nay đã viên mãn. Như lời nguyện xưa, ta nay đã có đủ 4 hạng đệ tử: Tỳ kheo, Tỳ kheo ni, Ưu bà tắc, Ưu bà di. Nhiều đệ tử có thể thay ta truyền bá Ðạo Pháp khắp nơi. Bây giờ ta có thể rời các ngươi mà đi. Thân hình ta theo luật vô thường, bây giờ như một cỗ xe đã mòn rã. Trong ba tháng nữa ta sẽ nhập Niết bàn nơi rừng cây Sa-la, thành Câu thi na”.
Trong thời gian ba tháng cuối cùng của Ngài, đức Phật vẫn không nghỉ ngơi, mà vẫn tiếp tục đi truyền đạo.
Sau đây là lời phú chúc của Ngài để lại trong giờ phút cuối cùng:
“Này! Các con hãy tự thắp đuốc lên mà đi! Các con hãy lấy giáo Pháp của ta làm đuốc! Hãy theo giáo Pháp của ta mà tự giải thoát! Đừng tìm sự giải thoát ở một ai khác, đừng tìm sự giải thoát ở một nơi nào khác, ngoài các con!”
Sau khi đã dặn dò cặn kẽ xong, Ngài nhập định rồi vào Niết Bàn.
VIDEO
- Phật tích Ấn Độ: Kushinagar - Nơi Đức Phật nhập Niết Bàn - Vietnam Journey
- Đĩa 7 : Câu Thi Na - Tháp Trà Tỳ
Bài đọc thêm
1/. Đức tin và Chánh tín.
- Đức tin (E: faith; F: foi): Đó là niềm tin được xem là có tính đạo đức, tức có tính thiện hay hướng thiện, nhưng thực tế chưa chắc là thiện. Do đó, kết quả của hành động xuất phát từ niềm tin này có thể là thiện hay ác. Niềm tin này bắt nguồn từ động lực của tình cảm, xem nhẹ lý trí. Thường thì đức tin là những niềm tin trong giới tôn giáo.
- Chánh tín (E: right belief; F: croyance juste): Đó là niềm tin mang tính chân thực, nghiệm đúng những suy nghĩ trên thực tế. Niềm tin này bắt nguồn từ động lực của lý trí, thường thì sự vật-hiện tượng nào đó chưa thấy hay chưa biết, sẽ được phân tích bằng phán đoán lý trí hợp lý nào đó và thực tế sẽ nghiệm lại tính đúng hay sai. Thường thì chánh tín là những niềm tin trong giới khoa học.
Như vây, để gọi là niềm tin tốt, niềm tin này cần thỏa đủ 3 tính chất đồng thời là đạo đức, chân thực và lợi lạc thực sự cho thế giới sống này.
1) Nội dung cơ bản của Đức tin.
Trong các tôn giáo hữu thần, Đức tin là yếu tố quan trọng. Nội dung cơ bản của Đức tin tiêu biểu nơi Thiên Chúa giáo là 3 điều sau:
1/. Lời phán mạc khải của Thiên Chúa.
2/. Sự cứu chuộc loài người của Thiên Chúa.
3/. Bản chất của Thiên Chúa:
- Tính hằng hữu bất biến của Thiên Chúa.
- Tính toàn năng của Thiên Chúa
- Tính nói thật của Thiên Chúa.
Kinh Thánh cho rằng tri thức đến với con người bằng ngũ quan và lý trí như thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ, suy luận rất giới hạn, mà tiêu biểu là khoa học, được gọi là sự khôn ngoan của loài người hay “Cái dốt thông minh: the so stupid smart” (hay người thông minh ngu ngốc: the "smart-stupid person”). Trái lại, tri thức không dựa vào ngũ quan, vào lý trí, mà dựa vào Thiên Chúa ban cho thì tri thức này mới toàn hảo, và được gọi là sự khôn ngoan của Thiên Chúa.
Mặt khác, Đức tin được xem là ơn cứu chuộc đến từ Thiên Chúa, nhưng mọi người đón nhận Đức tin nhờ Hội Thánh, nên Hội Thánh được xem là “Mẹ” của các tín đồ.
Căn bản đức tin trong Thiên Chúa giáo, đặc biệt là Kitô giáo, được trình bày đặc trưng trong bản kinh Tin Kính Tông đồ (Apostle's Creed) thường gọi tắt là kinh Tông đồ, đặt ra khoảng năm 150. Trong thời đại đế Constantine, qua công đồng Nicene năm 325, kinh này được thêm vào vài đoạn nâng Chúa Con Jesus lên cùng hàng với Chúa Cha và gọi là kinh Nicene, kinh này đưa đến bất đồng ý kiến giữa Giáo hội phía Đông (Chính Thống giáo – Orthodox Catholic Church) và Giáo hội phía Tây (Rôma giáo – Catholic Church). Đến thế kỷ thứ 7, kinh này lại được thay đổi và thêm vào thuyết Chúa Ba Ngôi, dài hơn kinh Tông đồ và kinh Nicene nhiều. Kinh này có tên là kinh Tin Kính Athanasius hay kinh Athanasius. Vì kinh này dài và lủng củng nên không được sử dụng. Anh giáo thường dùng kinh Nicene làm căn bản, và Kitô giáo dùng kinh Tông đồ làm căn bản. Trong sách Giáo lý Kitô giáo của Việt Nam chỉ có kinh Tông đồ chứ không có những kinh Nicene hay kinh Athanasius.
Nguyên văn bản kinh như sau, chúng ta nên để ý rằng bản kinh bằng tiếng Việt (Sách Giáo lý Công giáo, nxb Zieleks, Texas, 1991, trg. 14) có vài chỗ không đúng với bản kinh bằng tiếng Anh.
1/ Tôi tin kính Đức Chúa Trời là Cha phép tắc vô cùng dựng nên trời đất.
2/. Tôi tin kính Đức Chúa Giêsu KiTô là con một Đức Chúa Cha cũng là Chúa chúng tôi, bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Maria đồng trinh, chịu nạn đời quan Phongxiô Philatô, chịu đóng đanh trên cây thánh giá, chết và táng xác, xuống ngục tổ tông, ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại, lên trời ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng; ngày sau bởi trời lại xuống phán xét kẻ sống và kẻ chết.
3/. Tôi tin kính Đức Chúa Thánh Thần.
4/. Tôi tin có Hội Thánh hằng có ở khắp thế này, Các Thánh thông công.
5/ Tôi tin phép tha tội.
6/ Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.
7/ Tôi tin hằng sống vậy. Amen.
I believe in God the Father Almighty, maker (creator) of heaven and earth. And in Jesus Christ, his only Son, our Lord who (He) was conceived by (the power of) the Holy Spirit, (and) born of the Virgin Mary; (Jesus Christ) suffered under Pontitus Pilate, was crucified, dead (died), and (was) burried; he descended into hell (on) the third day he rose again [from the dead]; he ascended into heaven and sitteth (is seated) on (at) the right hand of [God] the Father [Almighty] from thence he shall (will) come (again) to judge the living and the dead.
I believe in the Holy Spirit,
(I believe in) the holy catholic church, [the communion of saints]
(I believe in) the forgiveness of sins,
(I believe in) the resurrection of the body,
(I believe in) [and the] life everlasting, Amen.
2) Nội dung cơ bản của Chánh tín.
Kalama Sutta - Wikipedia, the free encyclopedia
Trong các tôn giáo vô thần, Chánh tín là yếu tố quan trọng. Nội dung cơ bản của Chánh tín tiêu biểu nơi Phật giáo là phương pháp thực hành niềm tin được đức Phật khai thị trong kinh Tăng Chi Bộ (III. 539-43), thường được biết là Bài kinh Phật thuyết cho người dân Kalama như sau:
“Một ngày kia, đức Phật đi qua một thị trấn nhỏ, tên là Kesaputta, thuộc vương quốc Kosala. Người dân tại đó gọi là dân Kalama liền tới thăm đức Phật và trình bày sự hoang mang của họ trước sự kiện các sa-môn và tu sĩ Bà-la-môn đi ngang qua đây, đều đề cao tôn chỉ của mình và chê bai tôn chỉ của người khác. Như vậy, họ đâm ra nghi ngờ, không biết người nào nói thật, người nào nói sai, không biết nên tin theo ai.
Đức Phật bèn giảng cho họ về mười nền tảng của một niềm tin tốt – niềm tin chân chánh, và khuyên họ luôn giữ tinh thần phê phán, không chấp nhận một điều gì là thật trước khi tự mình kiểm chứng và thực nghiệm...
Đức Phật nói: Này các thiện nam tín nữ Kalama, nhân đây Như Lai sẽ giảng giải về 10 nền tảng của niềm tin chân chánh:
1/ Một là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết.
2/ Hai là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.
3/ Ba là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.
4/ Bốn là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó được ghi lại trong kinh điển hay sách vở.
5/ Năm là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó thuộc lý luận siêu hình.
6/ Sáu là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.
7/ Bảy là, chớ vội tin một điều gì, khi mà điều đó được căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.
8/ Tám là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình.
9/ Chín là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được sức mạnh và quyền uy ủng hộ.
10/ Mười là, chớ vội tin một điều gì, chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết.
Này các thiện nam tín nữ, khi nghe một điều gì, các vị phải quán sát, suy tư và thể nghiệm, chỉ khi nào, sau khi kiểm nghiệm, quý vị thực sự nhận thấy: "Lời dạy này tốt lành, đạo đức, hướng thiện, chói sáng và được người trí tán thán, nếu sống và thực hiện lời dạy này sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc ngay hiện tại và về lâu, về dài" thì lúc ấy quý vị hãy đặt niềm tin bất động và thực hành theo”.
Có lẽ trong suốt lịch sử nhân loại, chưa có một triết gia hay một giáo chủ tôn giáo nào có một thái độ tự do, cởi mở, đề cao lý trí và thực nghiệm như vậy. Ngoài đức Phật ra, ai có thể nói với người khác được rằng: Đừng tin vào kinh điển, đừng tin vào lời dạy của chính mình!
Niềm tin chân chánh trong đạo Phật phải là những gì đem lại kết quả lợi ích thiết thực và hiện tại, không thêu dệt hay hứa hẹn:
– Trong kinh Viên Giác, đức Phật dạy: “Tất cả những điều Như Lai dạy cũng như ngón tay chỉ mặt trăng. Hãy đừng lầm lẫn ngón tay với mặt trăng”.
– Trong kinh A Hàm, đức Phật còn cảnh báo: "Ai tin tưởng Như Lai mà không hiểu Như Lai, tức là phỉ báng Như Lai vậy".
– Trong kinh Tăng Chi Bộ I, đức Phật nhắc nhở: “Này Bà-la-môn, Pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, chứ không đến để mà tin”.
Pháp nơi đây là Phật pháp, là Giáo pháp của đạo giác ngộ, thiết thực ở mọi nơi (không gian) và mọi lúc (thời gian), đến để chứng thực sự thật (chân lý khách quan), chứ không đến để chấp nhận sự thật (chân lý chủ quan).
2/. Đức Phật dạy con như thế nào?
Tiến sĩ Gil Fronsdal hiện đang giảng dạy Thiền tại Insight Meditation Center ở Redwood City, California, Hoa Kỳ. Ông có vợ và hai con. Với ông, đức Phật là một bậc thầy, một con người giác ngộ. Sự kiện đức Phật giáo dưỡng La Hầu La trở nên giác ngộ được ghi chép trong kinh tạng Pàli, theo Gil Fronsdal gần gũi và thân mật như cha dạy con, thầy dạy trò đã khơi nguồn cảm hứng cho ông hướng dẫn tu tập thiền định cho con cái và thanh thiếu niên. Xin giới thiệu bài viết đức Phật dạy con như thế nào, nguyên tác The Buddha as a Parents, tạp chí Inquiring Mind xuất bản, (Hoài Hương chuyển dịch sang tiếng Việt).
Ngày nay, hầu như người Phật tử nào cũng biết rằng thái tử Tất Đạt Đa, sau này là Đức Phật, đã lìa bỏ tổ ấm của mình để đi tìm con đường giải thoát vào chính cái ngày La Hầu La – đứa con trai [duy nhất] của Ngài – chào đời. Nhiều người cảm thấy khó hiểu, thậm chí phẫn nộ, trước một hành động có vẻ “thiếu trách nhiệm” như thế. Song, ít ai biết rằng sau khi đạt Chính Đẳng Chính Giác, Đức Phật đã trở thành thầy dạy dỗ chính cho con trai của mình trong hầu hết quãng đời niên thiếu của con Ngài, kể từ khi La Hầu La lên bảy tuổi, và Ngài đã là một người cha rất mực mô phạm: La Hầu La đã đạt được giác ngộ viên mãn khi mới tròn 20 tuổi. Vậy, ta hãy tự hỏi, Đức Phật là một người cha như thế nào? Phương pháp dạy con của Ngài ra sao? Làm thế nào một bậc giác ngộ trao truyền những giá trị tâm linh của mình cho con cái?
Kinh điển không đề cập nhiều đến mối quan hệ cha-con giữa Đức Phật và La Hầu La, nhưng đâu đó có để lại những dấu hiệu thú vị đáng lưu ý về việc Đức Phật đã dẫn dắt con mình như thế nào trên con đường trưởng thành. Mặc dầu trước các kinh điển này đã có những mẩu chuyện nói về việc La Hầu La đã trở thành đồ đệ của Đức Phật như thế nào, nhưng phần lớn những chi tiết này nằm trong ba bài pháp mà nếu ta gom cả lại với nhau, thì đó chính là một tiến trình liên tục của con đường dẫn tới giác ngộ: lúc La Hầu La bảy tuổi, Đức Phật dạy cho con về đạo đức; lúc La Hầu La 10 tuổi, Đức Phật dạy cho con thiền; và lúc 20 tuổi, Ngài dạy về tuệ giác giải thoát. Quá trình trưởng thành của La Hầu La, vì vậy, đi đôi với tiến trình giác ngộ của Đức Phật.
Khi con trai của tôi tròn bảy tuổi, tôi bắt đầu suy tư về việc làm thế nào để dẫn dắt nó và em trai của nó trên con đường tâm linh. Ít nhất, tôi muốn chúng nó học và thực hành Phật pháp đủ để sau này lớn lên chúng có thể trở về với những tiềm năng đó nếu chúng thích hay cần đến. Tôi cũng nghĩ rằng nếu các con tôi có thể nương tựa nơi Phật pháp, thì sau này, dù đang ở bất cứ nơi đâu, chúng cũng có thể quay về với cái mái ấm đó. Nhất là, vì đối với tôi, gia tài lớn nhất mà tôi có được qua sự thực tập Phật pháp là sự an lạc, thảnh thơi và lòng từ bi, tôi tự hỏi làm cách nào tôi có thể trao truyền cái gia tài tâm linh đó lại cho thế hệ sau. Được biết La Hầu La bắt đầu được Đức Phật dạy dỗ từ năm bảy tuổi, tôi lục tìm trong những bản kinh tiếng Pali để học lấy những phương pháp mà Đức Phật đã sử dụng để dạy dỗ con của Ngài.
Tôi tìm thấy cách làm thế nào để lại một “gia tài tâm linh” qua những mẩu chuyện thật hay trong kinh điển về việc La Hầu La đã theo học với cha như thế nào. Sáu năm sau khi Đức Phật rời bỏ gia đình, và một năm sau khi đạt được giác ngộ, Đức Phật trở về kinh thành. La Hầu La, lúc ấy bảy tuổi, theo lời mẹ dạy, đã chạy đến bên cha để xin thừa hưởng gia tài. Nếu như ngày xưa Thái tử Tất Đạt Đa không bỏ kinh thành ra đi, thì bây giờ La Hầu La đã được truyền ngôi vua.
Nhưng là một người đã buông bỏ hết tất cả, sống đời khổ hạnh, Đức Phật có thể trao lại cho con mình cái gì? Đáp lời La Hầu La, Đức Phật quay sang nói với Ngài Xá Lợi Phất (Sariputta), một đồ đệ thân tín của Đức Phật: “Hãy thâu nhận nó.” [Như vậy], thay vì được ngôi vua, La Hầu La đã được thừa hưởng con đường đi của cha mình – con đường dẫn đến giải thoát.
Có lẽ còn lâu lắm con trai tôi mới cạo trọc đầu và khoác lên mình chiếc áo cà sa, nhưng tôi vẫn muốn cho con tôi tiếp xúc với những điều căn bản của Phật pháp, những điều đã chuyển hoá sâu sắc cuộc đời tôi. Khi tôi đọc những đoạn kinh về cách Đức Phật dạy La Hầu La, tôi ngạc nhiên nhận ra rằng những điều này không những vẫn còn mới mẻ mà còn rất thích hợp với việc dạy con ở nước Mỹ này, trong thời hiện đại này. Thật vậy, những bài pháp này đã trở thành kim chỉ nam cho tôi trong việc dạy con.
1) Đạo Đức.
Câu chuyện đầu tiên kể về La Hầu La được Đức Phật dạy về lòng chính trực (integrity) như thế nào. Lúc lên tám tuổi, La Hầu La đã có lần nói dối. Bài Kinh Giáo Giới La Hầu La (Trung Bộ Kinh, 61) kể rằng sau khi tọa thiền xong, Đức Phật đến tìm con. La Hầu La lấy ghế mời cha ngồi, rồi mang đến một thau nước cho cha rửa chân, theo phong tục thời ấy. Sau khi rửa chân xong, Đức Phật hỏi:
“Này, La Hầu La, con có thấy chút nước còn lại trong cái thau này không?”
“Dạ, con có thấy” – La Hầu La thưa.
“Đời của một người tu cũng chỉ đáng bằng một chút nước này thôi, nếu như người đó cố tình nói dối.”
Tôi tưởng tượng La Hầu La đỏ mặt lên.
Sau đó, Đức Phật đổ hết nước trong thau ra và nói: “Đời của một người tu cũng đáng vất bỏ đi như vầy nếu như người đó cố tình nói dối.”
Xong, Đức Phật lật cái thau úp xuống và nói: “Đời của một người tu sẽ trở nên đảo lộn như vầy nếu như người đó cố tình nói dối.”
Và, để nhấn mạnh thêm nữa, Đức Phật lật ngửa cái thau trở lại và nói: “Đời của một người tu cũng trở nên trống rỗng như cái thau này nếu như người đó cố tình nói dối.”
Sau đó Ngài dạy con: “Đối với một người cố tình nói dối, không có một tội lỗi xấu xa nào mà người đó không thể làm. Vì vậy, La Hầu La, con hãy tập đừng bao giờ nói dối, cho dù đó là một lời nói đùa.”
Câu chuyện trên đây nhắc nhở tôi rằng những lời la mắng giận dữ với con cái thực ra chỉ có sức mạnh mà không có nội lực. Đức Phật đã rất bình tĩnh, chọn thời điểm đúng lúc để dạy con mà không trừng phạt hay nổi giận với con.
Sau bài thuyết giảng ngắn mà nghiêm khắc, rõ ràng về việc nói dối đó, tôi tưởng tượng La Hầu La đã lắng nghe cha hơn. Sau đó, Đức Phật chỉ dẫn con làm sao để suy xét mọi hành động của mình.
“Cái gương dùng để làm gì?” – Ngài hỏi.
“Bạch Đức Thế Tôn, gương dùng để soi” – La Hầu La đáp. Đức Phật lại dạy:
“Trong khi chuẩn bị làm điều chi bằng thân, khẩu, ý, con phải quán chiếu: hành động này có gây tổn hại cho mình hoặc cho kẻ khác không. Nếu, sau khi suy xét, con thấy rằng hành động đó sẽ có hại, thì con hãy đừng làm. Còn nếu con thấy rằng hành động đó có ích lợi cho con và cho kẻ khác, thì con hãy làm.”
Tôi chợt nhận ra rằng thay vì dạy cho con mình nhận biết sự khác biệt tuyệt đối giữa đúng và sai, Đức Phật đã dạy cho con suy gẫm về lợi ích và có hại. Điều này đòi hỏi cả sự tự tri (self-awareness) lẫn lòng bi mẫn. Đặt nền tảng của đạo đức dựa trên “có lợi” hay “có hại” giúp giải thoát đời sống đạo đức của ta khỏi những khái niệm trừu tượng và những ý niệm chẳng ăn nhập gì tới hậu quả của việc ta làm. Nhận thức “có lợi” và “có hại” cũng giúp cho con người nhận biết mục tiêu của mình. Những điều ta làm sẽ trở thành hoặc là nghịch duyên, hoặc là thuận duyên trên con đường ta đi.
Phương pháp giáo hoá của đức Phật khiến cho tôi càng tin tưởng thêm rằng chúng ta cần gieo xuống nơi tâm hồn con trẻ những hạt giống của lòng bi mẫn, những hạt giống của ý thức về việc mỗi hành động của nó sẽ ảnh hưởng đến người khác như thế nào. Sức mạnh của sự quán chiếu và lòng từ bi sẽ không có được nếu đứa trẻ chỉ biết vâng theo lời của người lớn: “Con hãy biết quán chiếu, và hãy có lòng từ bi!” Những giá trị này chỉ có thể có được qua gương của người khác, nhất là của cha mẹ đứa trẻ.
Đức Phật cũng dạy cho La Hầu La hãy xem xét sau khi làm một việc gì đó, nó có gây tổn hại gì không. Nếu có, thì phải đến gặp một người có tuệ giác và sám hối để tránh lặp lại lỗi lầm trong tương lai. Tôi đã học được cách hướng dẫn con trẻ phát triển lòng chính trực bằng cách nhận ra lỗi lầm của mình. Và lòng chính trực đó tuỳ thuộc rất nhiều vào cách cha mẹ soi xét lỗi lầm của con mình ra sao. Cách hành xử của cha mẹ ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển đạo đức của con trẻ: nếu cha mẹ cho con trẻ thấy được là nó có thể tin tưởng mình được, là mình chỉ muốn giúp cho con mình trưởng thành hơn là muốn trừng phạt con, thì con trẻ sẽ trở nên thành thật với cha mẹ của chúng hơn.
2) Thiền Định.
Câu chuyện thứ hai nói về việc Đức Phật đã dạy thiền cho La Hầu La ra sao, nhằm phát triển nền tảng của nội tâm (Trung Bộ Kinh, 62).
Lúc đó La Hầu La được 10 tuổi. Câu chuyện bắt đầu lúc hai cha con đang đi thiền hành. Trong lúc đi, La Hầu Ha chợt thấy hãnh diện về vẻ đẹp của mình, và Đức Phật đã đọc được tư tưởng đó. Ngài nói với con:”Nhìn bằng con mắt của tuệ giác, cái thân này không phải là tôi (me), không phải là của tôi (mine), không phải là tự ngã của tôi (myself).”
Rồi Đức Phật giảng tiếp: Ta phải loại bỏ hết tất cả tưởng, hành, thức cũng như bất cứ ý niệm nào về tôi, của tôi, và tự ngã của tôi. Nghe những lời dạy này xong, La Hầu La cảm thấy hổ thẹn, lui về thiền viện, và không thiết gì đến việc ăn uống suốt ngày hôm đó.
Tôi cho rằng đây là sự dạy dỗ căn bản cho con trẻ. Tôi không thể tưởng tượng được bản thân tôi lúc 10 tuổi có tfhể hiểu được những lời Phật dạy như thế. Tôi nhớ lại, rất rõ ràng, rằng ở vào tuổi đó, đầu óc tôi chỉ toàn lo nghĩ đến diện mạo của tôi ra sao. Tôi thường nghe nói rằng điều này rất là quan trọng cho tiến trình phát triển của các em về “cái tôi” và quá trình đi tìm kiếm bản thân mình. Có nên trách một em trai 14 tuổi về những ý tưởng phù du như vậy hay không? Có phải Đức Phật đã xen vào tiến trình phát triển bình thường của con trẻ, thay vì để chúng tự khám phá? Nếu không có hiểu biết về “cái tôi”, làm sao một thiếu niên có thể phát triển thành một người lớn với một tâm lý thăng bằng?
Câu trả lời nằm ở những gì Đức Phật dạy con Ngài ở đoạn sau đây. Tối hôm đó, sau khi bị Đức Phật quở trách, La Hầu La đến xin cha dạy cho mình phương pháp thiền quán hơi thở. Trước hết, Đức Phật dùng thí dụ để minh hoạ làm sao để buông xả trong lúc thiền định. Ngài dạy:
“Con phải thiền làm sao giống như đất vậy: đất không cảm thấy phiền vì bất cứ một thứ gì đổ lên đó. Vì vậy, nếu con tập thiền giống như đất, con sẽ không có cảm giác vui thích hay không vui thích về bất cứ một điều gì. Hãy tập thiền như nước, như lửa, như gió, và như không gian: tất cả đều không cảm thấy phiền bởi những cảm giác vui thích hay không vui thích. Thực tập được như nước, như lửa, như gió, như không gian, tâm của con sẽ không còn vướng bận gì cả.”
Rồi, trước khi dạy cho La Hầu La phép quán niệm hơi thở, đức Phật dạy cho con về quán tâm từ như là một phương thuốc giải độc trừ khử ác tâm, về tâm bi để vượt thắng sự tàn ác, về tâm hỷ để thuần phục những sự bất toại nguyện, và về tâm xả để ngăn chặn những bất an, thương ghét.
Sau đó, Ngài mới bắt đầu dạy cho con phép quán niệm hơi thở qua 16 giai đoạn. Những giai đoạn này chia làm 3 phần:
a) Tịnh tâm và thân;
b) Định tâm để nhận biết thân tâm và phát triển tuệ giác; và
c) Buông xả.
Cuối cùng, Đức Phật lưu lại một dấu ấn đậm nét về giáo lý của Ngài với La Hầu La bằng cách nhấn mạnh rằng qua sự thực tập ý thức từng hơi thở của mình, ta sẽ có khả năng nhận biết hơi thở cuối cùng của mình vào giây phút cận tử một cách hoàn toàn bình thản.
Khi đọc về cách thức đức Phật dạy con phép thở để nhận biết thân tâm của mình, tôi nhận thấy đó cũng là một phương pháp để xây dựng một khái niệm vững chắc về “cái tôi”. Tôi tự nghĩ, phải chăng các em thiếu niên ở thời đại ngày nay hay chấp vào “cái tôi” của mình và có nhiều ý niệm phân biệt mình với kẻ khác, là vì các em không cảm thấy thoải mái với chính bản thân mình và với người khác? Và tôi tin rằng, cái chấp và sự phân biệt ấy sẽ không còn nữa nếu các em cảm thấy an vui được với chính mình cũng như thoải mái với người chung quanh.
Khi giảng dạy thiền cho thiếu niên, tôi nhận thấy khả năng thiền của các em nhảy bực vào khoảng 13-14 tuổi. Có nhiều em có thể nhập thiền rất sâu, tuy rằng các em không duy trì được trạng thái này lâu lắm. Tôi đã biết rất nhiều người trẻ dùng phương pháp thiền định để ổn định tinh thần và tìm về sự thảnh thơi an lạc giữa những thử thách của tuổi mới lớn.
Tuy nhiên, thiền quán hơi thở không chỉ ích lợi cho các em thiếu niên, mà nó còn là cuộc hành trình suốt đời. Đức Phật đã kết thúc bài giảng của mình bằng cách chỉ cho La Hầu La thấy giá trị của việc tập quán niệm hơi thở như thế nào đối với giây phút cuối cùng của cuộc đời mình.
3) Tuệ Giác.
Trong bài pháp thứ ba và cuối cùng, Đức Phật đã hướng dẫn La Hầu La trả lời một loạt những câu hỏi về tuệ giác giải thoát (Trung Bộ Kinh, 147). La Hầu La đã dâng trọn thời niên thiếu của mình cho con đường đạt đến giác ngộ; trong một đoạn kinh, Ngài được xem là một nhà tu gương mẫu và tinh chuyên. Khi La Hầu La tròn 20 tuổi, Đức Phật biết rằng con trai của mình đã gần đến bờ giải thoát. Ngài đã làm một việc hết sức cảm động: Ngài đi bộ cùng với con vào sâu trong rừng. Ngồi dưới gốc một cây đại thụ già cỗi, Ngài đã hướng dẫn La Hầu La một cuộc pháp đàm rất kỹ về thuyết Vô ngã. Đối với một người đã đạt đến trình độ tu tập cao như La Hầu La, thì những tư tưởng nằm sâu trong tiềm thức về cái Ngã là chướng ngại cuối cùng của sự giải thoát. Ngồi nghe đức Phật giảng, La Hầu La đã chứng đắc được tự tính Vô ngã của vạn pháp, và đó chính là nấc thang cuối cùng giúp La Hầu La đạt đến sự giải thoát trọn vẹn.
Thuyết Vô ngã của đức Phật có thể khó hiểu. Người ta rất dễ ngộ nhận nó là một triết thuyết trừu tượng mà không thấy được, thực ra đó chính là những lời dạy rất thực tế về việc làm thế nào để tìm thấy hạnh phúc bằng cách buông xả hết tất cả. Đối với tôi, việc đức Phật dạy con về thuyết Vô ngã trong rừng sâu rất cần thiết. Tôi thấy mình có cái nhìn khác khi ở giữa quang cảnh thiên nhiên so với khi ở giữa phố thị. Tôi nhận thấy cảm giác an lạc và thảnh thơi mà thiên nhiên mang lại giúp mình dễ thoát ra được ý niệm về Ngã hơn.
Quán chiếu về sự buông xả trong khi đọc muột cuốn sách về Phật pháp khi ngồi ở trong nhà rất là khác với khi mình ngồi dưới một gốc cây. Trong khi đọc bài pháp thứ ba này, tôi chiêm nghiệm được sự quan trọng của việc biết mình (tự tri) giữa khung cảnh thiên nhiên.
Ngày xưa, lúc La Hầu La bảy tuổi, đến xin với cha được thừa hưởng gia tài, Ngài đã không hề tưởng tượng được là 13 năm sau đó, Ngài đã được thừa hưởng một gia tài quý báu nhất mà một người làm cha mẹ có thể để lại cho con cái của mình. Trong Phật giáo, giác ngộ là hạnh phúc lớn lao nhất. Tôi ước mong con cái của tôi sẽ tìm thấy sự an lạc, thảnh thơi, và an lành trên con đường đi tới giải thoát. Và có lẽ, trên con đường trở thành người lớn, chúng cũng sẽ được dạy về đạo đức, thiền định, và tuệ giác vậy.
Gil Fronsdal
3/. Đức Phật trong cái nhìn của các học giả.
1) Nhân cách vĩ đại của đức Phật.
- Tiến sĩ S. Radhakrishnan:
“Không một lời thô bạo nào được thấy thốt ra từ nơi đức Phật trong cơn tức giận, chưa từng có một lời thô bạo được thấy trên môi đức Phật kể cả trong lúc tình cờ.”
- Moni Bagghee trong "Đức Phật Của Chúng Ta":
“Điều đáng chú ý nhất nơi đức Phật là sự kết hợp gần như độc nhất của một đầu óc khoa học trầm tĩnh và thiện cảm sâu xa của lòng từ. Thế giới ngày nay ngày càng hướng về đức Phật, vì Ngài là người duy nhất tiêu biểu cho lương tâm của nhân loại.”
- H.G. Wells:
“Các bạn thấy rõ Ngài là một nhân vật đơn giản, chân thành, đơn độc, một mình tự lực phấn đấu cho ánh sáng, một nhân vật sống chứ không phải là thần kỳ, tôi cảm thấy có một Người, đó là Ngài. Ngài đã gửi bức thông điệp cho nhân loại hoàn vũ. Có nhiều tư tưởng tuyệt diệu hiện đại của chúng ta rất gần gũi tương đồng với thông điệp của Ngài, tất cả những đau khổ, bất mãn trong cuộc sống, theo Ngài dạy là do lòng ích kỷ. Lòng ích kỷ có ba dạng:
- Một là tham vọng thỏa mãn cảm giác;
- Hai là tham vọng muốn bất tử;
- Ba là tham vọng thành công và trần tục.
Con người trước khi có thể trở nên thanh tịnh, người đó phải ngưng thuần sống theo giác quan hoặc cho riêng chính mình. Rồi con người đó mới trở thành một bậc đại nhân. Đức Phật, qua nhiều ngôn ngữ khác nhau, đã dạy con người đức tính vị tha. Trong một số chiều hướng Ngài rất gần gũi với chúng ta hơn, và đáp ứng được nhu cầu thực tế của chúng ta. Đức Phật cũng tỏ ra sáng suốt hơn trong sự quan tâm phục vụ con người và ít mơ hồ đối với vấn đề trường tồn bất tử của kiếp nhân sinh.”
- Giám mục Milman:
“Tôi càng ngày càng cảm thấy đức Thích Ca Mâu Ni gần gũi nhất trong tính cách và ảnh hưởng của Ngài. Ngài là Đường lối, là Chân lý và là Lẽ sống.”
2) Trí tuệ siêu việt của đức Phật.
- Giáo sư Eliot trong "Phật giáo và Ấn Độ giáo":
“Lần đầu tiên trong lịch sử thế giới, đức Phật tuyên bố sự giải thoát, mỗi con người có thể đạt được do chính bản thân mình trong đời sống của mình trên thế giới mà không cần đến sự giúp đỡ của Thượng đế hay thánh thần nào. Ngài nhấn mạnh về giáo lý như lòng tự tin, thanh tịnh, nhã nhặn, giác ngộ, an lạc và lòng thương yêu nhân loại. Ngài cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết của kiến thức, vì không có trí tuệ thì siêu linh nội tâm không xâm nhập trong đời sống của Ngài được.”
- George Grimm trong "Giáo Lý của Đức Phật":
“Đức Phật không chỉ nhận thức được sự thực tối cao, Ngài còn biểu lộ kiến thức cao cả của Ngài, kiến thức cao hơn tất cả kiến thức của các "Thần linh và Người". Kiến thức của Ngài rất rõ ràng và độc lập không liên can gì đến thần thoại và hoang đường. Tuy nhiên, nơi đây lại còn cho thấy một hình thức vững vàng, tự nó biểu lộ được một cách rõ ràng và hiển nhiên để cho con người có thể theo Ngài. Vì lý do đó, đức Phật không đòi hỏi phải tin nhưng hứa hẹn kiến thức.”
- Giáo Sư Rhys Dadis:
“Lần đầu tiên trong lịch sử loài người, đức Phật khuyến dụ, khẩn cầu và kêu gọi con người không nên làm hại một sanh mạng, không nên dâng lời cầu nguyện, lời ca tụng, hay hy sinh (sanh mạng) cho các Thần linh. Với tất cả tài hùng biện trong sự thuyết giảng của Ngài, đấng Vô Thượng Sư có lần hùng hồn tuyên bố là Thần linh, nói cho đúng, cũng cần đến sự giải thoát cho chính họ.”
- Tiến Sĩ Oldenburg:
“Đức Phật không giải thoát con người, nhưng Ngài dạy con người phải tự chính mình giải thoát lấy mình, như chính Ngài đã tự giải thoát lấy Ngài. Con người chấp nhận giáo lý của Ngài là chân lý, không phải giáo lý này đến từ nơi Ngài, nhưng vì lòng xác tín cá nhân, thức tỉnh bởi những lời Ngài dạy, trỗi dậy bởi ánh sáng trí tuệ của chính mình.”
- Anatole France:
“Dường như người thanh niên bất diệt, hiền lành, ngồi khoanh chân trên hoa sen thanh tịnh với bàn tay phải dơ lên như khuyên nhủ như trả lời: "Nếu con muốn thoát khỏi sự đau khổ và sợ hãi, con hãy luyện tập trí tuệ và từ bi”.
Sự khác biệt giữa đức Phật và một người bình thường giống như sự khác biệt giữa một người bình thường và một người mất trí.”
- J. Robert Oppenheimer:
“Nếu chúng ta hỏi, chẳng hạn, có phải vị trí một hạt nhân điện tử lúc nào cũng giữ nguyên không thay đổi, chúng ta phải trả lời "không"; nếu chúng ta hỏi có phải vị trí của một hạt nhân điện tử thay đổi theo thời gian, chúng ta phải trả lời "không"; nếu chúng ta hỏi có phải hạt nhân đó đang di động, chúng ta phải trả lời "không". Đức Phật cũng đã giải đáp như vậy khi có người hỏi tình trạng bản ngã của con người sau khi chết; nhưng những câu trả lời như trên không phải là những câu trả lời quen thuộc theo truyền thống khoa học ở thế kỷ 17 và 18.”
- Tổng thống Nehru:
“Nếu bất kỳ vấn đề nào cần được xem xét, thì vấn đề ấy cần được xem xét một cách hài hòa, an lạc và dân chủ như phương pháp mà đức Phật đã dạy. Có lẽ không thời điểm nào trong lịch sử của nhân loại mà thông điệp về hòa bình của Ngài lại cần thiết hơn cho nhân loại đang khổ đau và điên cuồng như thế giới hiện nay”
3) Cống hiến của đức Phật với nhân loại.
- Tổng thống Nehru:
“Trong thế giới giông tố và xung đột, hận thù và bạo lực, thông điệp của đức Phật sáng chói như vầng thái dương rực rỡ. Có lẽ không bao giờ thông điệp của Ngài lại thiết yếu hơn như trong thời đại của thế giới bom nguyên tử, khinh khí ngày nay. Hai ngàn năm trăm năm qua đã tăng thêm sanh khí và chân lý của thông điệp này. Chúng ta hãy nhớ lại bức thông điệp bất diệt này và hãy cố gắng thi triển tư tưởng và hành động của chúng ta trong ánh sáng giáo lý của Ngài. Có thể chúng ta phải bình thản đương đầu cả đến với những khủng khiếp của thời đại nguyên tử và góp phần nhỏ trong việc khuyến khích nghĩ đúng (Chánh tư duy) và hành động đúng (Chánh nghiệp).”
- Albert Schweizer:
“Trên quả địa cầu này, Ngài đem ý nghĩa những chân lý giá trị trường cửu và thúc đẩy đạo đức tiến bộ không chỉ cho riêng Ấn độ mà cho cả nhân loại. Đức Phật là một nhà đạo đức vĩ đại kỳ tài chưa từng thấy có trên hoàn vũ.”
- Tiến Sĩ Radhakrisnan trong "Đức Phật Cồ Đàm":
“Sự thanh tịnh của tâm linh và lòng thương yêu tất cả sinh vật đã được dạy dỗ bởi đức Phật. Ngài không nói đến tội lỗi mà chỉ nói đến vô minh và điên cuồng có thể chữa khỏi bởi giác ngộ và lòng thiện cảm.”
“Khi chúng ta đọc những bài thuyết giảng của đức Phật, chúng ta cảm kích bởi tinh thần hợp lý của Ngài. Con đường đạo đức của Ngài ngay trong quan điểm đầu tiên là một quan điểm thuần lý. Ngài cố gắng quét sạch tất cả những màng nhện giăng mắc làm ảnh hưởng đến cái nhìn và định mệnh của nhân loại.”
- Học giả Hồi giáo Abdul Atahiya:
“Đức Phật không phải là tài sản riêng cho người Phật tử, Ngài là của toàn thể nhân loại. Giáo lý của Ngài thông dụng cho tất cả mọi người. Tất cả các tôn giáo khai sáng sau Ngài, đều đã mượn rất nhiều các tư tưởng hay đẹp từ Ngài."
- Giáo sư Lakshimi Narasu trong "Tinh Hoa Của Phật giáo":
“Đức Phật là người cha nhìn thấy đàn con đang vui chơi trong ngọn lửa thế tục nguy hiểm, Ngài dùng mọi phương tiện để cứu các con ra khỏi ngôi nhà lửa và hướng dẫn chúng đến nơi an lạc của Niết bàn.”
4) Giáo pháp của đức Phật.
- Aldous Huxley:
“Duy nhất trong tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới, Phật giáo tiến hành trên con đường của mình mà không gây sát hại, hành hạ, cấm đoán, kiểm duyệt hoặc tìm tòi soi mói”.
- Arthur Schopenhauer:
“Phật giáo là một tôn giáo cao cả nhất, và là một trong những tia sáng vĩ đại nhất không chỉ riêng cho châu Á mà cho khắp toàn cầu”.
- Tiến Sĩ Graham Howe
“Đọc một chút về Phật giáo là đã biết rằng hai ngàn năm trăm trước đây, người Phật tử đã hiểu rõ xa hơn và đã được thừa nhận về những vấn đề tâm lý hiện đại của chúng ta. Họ đã nghiên cứu những vấn đề này từ lâu và đã tìm thấy câu trả lời.”
- Tiến sĩ G. P. Malasekara:
“Phật giáo chưa bao giờ ép ai theo dù dưới hình thức nào - hoặc ép buộc ý tưởng và niềm tin đối với người không thích, hoặc bằng bất cứ một sự tâng bốc nào, bằng lừa gạt hay ve vãn, hầu đoạt được thắng lợi để gia nhập vào quan điểm riêng tư của mình. Những nhà truyền giáo của đạo Phật không bao giờ thi đua để dành người quy nạp vào Đạo như nơi chợ búa.”
- Giáo Sư Lakshmi Nasaru trong "Tinh Hoa của Phật giáo":
“Chỉ nói về Phật giáo thôi, ta có thể xác nhận là tôn giáo này thoát khỏi tất cả cuồng tín. Phật giáo nhằm tạo trong mỗi cá nhân một sự chuyển hóa nội tâm bằng cách tự chiến thắng lấy mình. Nhờ đến sức mạnh và tiền bạc hay cả đến sự chinh phục để tác động mọi người vào đạo thì sao? Đức Phật chỉ rõ một con đường giải thoát duy nhất để cho cá nhân tự quyết định nếu muốn theo tôn giáo này.”
- Gertrude Garatt:
“Không thể cho rằng Phật giáo bị suy yếu, ngay hiện tại, vì Phật giáo bắt nguồn trên những nguyên tắc cố định chưa bao giờ bị sửa đổi.”
- Tiến Sĩ Edward Conze:
“Mặc dù người ta có thể được thu hút từ nguyên thủy bởi sự khoáng đạt của tôn giáo này nhưng người ta chỉ có thể tán dương giá trị thực sự của Phật giáo khi người ta phán xét kết quả tạo ra của tôn giáo này thông qua đời sống của chính mình từ ngày này qua ngày khác.”
- Tiến sĩ W.F.Jayasuriya trong "Tâm lý và Triết lý Phật giáo":
“Phật giáo là một tôn giáo tự giác, ít lễ nghi. Một hành động được thực thi với chính sự suy tư thì tự nó đã điều kiện hóa để không còn là một nghi lễ. Phật giáo nhìn bề ngoài có vẻ nhiều nghi lễ nhưng thực ra không phải như vậy.”
- Giáo sư Rhys Davids:
“Là Phật tử hay không phải là Phật tử, tôi đã quan sát mọi hệ thống của các tôn giáo trên thế giới, tôi đã khám phá ra không một tôn giáo nào có thể vượt qua được về phương diện vẻ đẹp và sự quán triệt nơi Bát Chánh Đạo và Tứ Diệu Đế của đức Phật. Tôi rất mãn nguyện đem ứng dụng cuộc đời tôi theo con đường đó.”
- H.G. Wells:
“Trên những giải đất mênh mông của thế giới, vận mệnh nhân loại vẫn còn tồn tại. Rất có thể trong sự tiếp xúc với khoa học Tây phương và cảm hứng bởi tinh thần lịch sử, giáo lý căn bản của Đức Cồ Đàm được phục hưng và thuần khiết, có thể chiếm một vị trí phần lớn trong hướng đi của vận mệnh nhân loại.”
- Francis Story trong "Phật giáo, Một Tôn Giáo Thế Giới":
“Lý thuyết của Phật pháp vẫn đứng vững ngày nay không bị ảnh hưởng bởi tiến trình của thời gian và sự tăng trưởng kiến thức, vẫn giữ nguyên như lúc ban đầu bầy tỏ. Dù cho kiến thức khoa học tăng tiến đến thế nào trên chân trời trí óc của con người, trong phạm vi Giáo pháp (Dhamma) cũng vẫn có chỗ để thừa nhận và đồng hóa các khám phá xa hơn nữa. Về phương diện thu hút của lý thuyết nầy không dựa vào các khái niệm giới hạn của các tư tưởng sơ khai, về phương diện khả năng cũng không bị lệ thuộc vào những phủ định của tư tưởng.”
“Phật giáo là một phương thức làm sao để đạt được lợi lạc cao nhất từ cuộc sống. Phật giáo là một tôn giáo của trí tuệ mà ở đấy kiến thức và thông minh chiếm ưu thế. Đức Phật không thuyết giảng để thâu nạp tín đồ mà là để soi sáng người nghe.”
- Albert Einstein
"Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học"
"Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó".
Xem thêm:
- Gia Tài Của Phật - Phật Học - THƯ VIỆN HOA SEN
- Các học giả nói về Phật Giáo - Phật Pháp Ứng Dụng
- Đức Phật Trong Cái Nhìn Của Các Nhà Khoa Học - Thư Viện Hoa Sen
VIDEO
- Một quan điểm về Vũ trụ
- Con Người và Vũ Trụ - Phật Giáo Và Khoa Học
- Khoa học nói gì về cuộc đời của Đức Phật Thích Ca
- Quan Điểm Của Albert Einstein Về Đạo Phật - Tân vật lý và vũ trụ luận
4/. Hình ảnh của đức Phật trong các tôn giáo trên thế giới.
Brahma – Vishnu – Shiva
- Nhiều người theo Ấn Độ giáo cho rằng đức Phật Thích Ca là hóa thân thứ 9 của thần Vishnu. Tuy nhiên nhiều lời dạy của Phật vốn đi ngược lại giáo điều tôn giáo của Ấn Độ giáo, điển hình là Phật phủ nhận quyền năng của kinh Vệ Đà (Vedas) và phủ nhận sự tồn tại của Ngã, linh hồn trường tồn bất biến (Atman). Phật cũng phủ nhận địa vị tối cao của Phạm Thiên (Bhrama) trong Ấn Độ giáo, Phật nói rằng các vị thần cũng chỉ là một chúng sinh trong tam giới mà thôi, họ không phải toàn năng và cũng không bất tử. Do vậy, chi tiết này có lẽ là do Ấn Độ giáo hư cấu ra để thuyết phục những tín đồ Phật giáo chuyển sang Ấn Độ giáo.
Mahatma Gandhi đã nói về đức Phật như sau: “Bằng đức hy sinh rộng lớn của Ngài, và bằng phẩm hạnh thanh tịnh vô nhiễm của đời Ngài, Ngài đã ghi tạc lên trên Ấn Độ giáo những dấu vết không bao giờ phai mờ. Và đối với bậc thầy vĩ đại ấy, Ấn Độ giáo còn mang một mối nợ phải được tri ân muôn đời”
- Trong đạo Sikh, đức Phật Thích Ca được đề cập như là đại diện thứ 23 của Vishnu trong Chaubis Avtar, một tác phẩm Dasam Granth theo truyền thống được viết bởi Guru Gobind Singh.
- Câu chuyện về 2 vị thánh nổi tiếng trong Thiên Chúa giáo "Barlaam và Josaphat" có nhiều điểm tương đồng và được cho là lấy từ chính câu chuyện cuộc đời Đức Phật. Tên vị thánh Josaphat được lấy từ tiếng Phạn (mang nghĩa Bồ tát) dịch qua tiếng Ả rập Budhasaf và Georgian Iodasaph.
- Đức Phật Thích Ca được một giáo phái Hồi giáo của dân tộc Ahmadiyya coi như là một nhà tiên tri. Một số tín đồ Phật giáo Trung Quốc thời sơ khai từng nghĩ đức Phật Thích Ca là hóa thân của Lão Tử trong Đạo giáo.
- Kể từ thời kỳ Nara ở Nhật Bản, thuyết "Bản địa thùy tích" được khởi xướng với quan điểm rằng các vị thần của Nhật Bản thực tế là hóa thân của Phật, và người ta đã xác định "nguồn gốc Phật" của nhiều vị thần và tạo tác các tượng thần dưới hình dáng tăng lữ.
- Trong giáo phái Gnostic cổ Mani giáo, đức Phật Thích Ca được cho là một trong số những vị thầy giảng đạo của đức Chúa Trời trước khi Mani xuất hiện.
- Các tín đồ của đạo Cao Đài tôn thờ đức Phật Thích Ca như một bậc thầy lớn trong tôn giáo của họ. Hình ảnh của đức Phật có thể được tìm thấy trong cả Tòa Thánh và trên bàn thờ ở nhà. Đức Phật cũng được đạo Cao Đài cho là có mối liên hệ với những người sáng lập tôn giáo lớn khác như Jesus, Lão Tử hoặc Khổng Tử.
Hoan nghênh các bạn góp ý trao đổi!
***
Huy Thai gởi
|
|