PHẬT TÍNH
***
Phật tính hay Phật tánh (佛性; P: Buddhatā, Buddha-subuddhatā, Buddha-sabbāva; S: Buddhatā, Buddha-svabhāva; E: Buddha-nature). Trong đó:
- Phật (佛; P;S: Buddha; E: Awakened One) : Có nghĩa là Bậc giác ngộ (= Giác giả 覺者)
- Tính = Tánh (性; P: sabbāva; S: svabhāva; E: nature) : Có nghĩa là Tính chất chân thực tự nhiên.
Theo đó, Phật tính là tính chất chân thật tự nhiên nơi mọi sự mọi vật, mà những ai trực nhận trọn vẹn tính chất này được gọi là bậc giác ngộ. Tính chất chân thật tự nhiên nơi đây hàm ý là Duyên khởi tính(= Vô thường tính + Vô ngã tính), bởi Vô thường tính và Vô ngã tính là hai đặc tính thường trực và không có ngoại lệ nơi mọi sự vật hiện tượng trong vũ trụ này.
-------------------
NT: Phật tính, Vô thường tính, Vô ngã tính, Không tính, ... là cách nói theo Tàu; còn tính Phật, tính Vô thường, tính Vô ngã, tính Không, ...là cách nói theo Việt.
-------------------
Phật tính là từ ít được dùng trong Phật giáo Nam truyền, nhưng lại phổ biến trong Phật giáo Bắc truyền. Từ Phật tính được xem là xuất hiện sớm nhất trong kinh Đại Bát Niết-bàn (S: Mahāparinirvana Sūtra – Bản Sanskrit).
- Trong kinh Đại Bát Niết-bàn, Phật giới là ý nghĩa ban đầu của Phật tính. Kinh nói: “Tất cả chúng sanh đều có Phật giới ... " là tương nghĩa với "Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật, nhưng chỉ vì vọng tưởng, chấp trước mà không chứng ngộ được* Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh, giai kham tác Phật, đãn dĩ vọng tưởng chấp trứớc, bất năng chứng đắc * 一切眾生皆有佛性,皆堪作佛,但以妄想執著,不能證得。". Phật giới lại có 2 nghĩa "Bản tính của Phật" và "Nhân tính của Phật".
Nói chung, Phật tính không dùng để nóivề một thực thể, mà chỉnói lên tính chất hàm tàng hay bản tính vốn hiện hữu nơi mọi chúng sinh mọi sự vật, mà nếu như có duyên lành sẽ kích ứng chuyển hóa hình thành tuệ giác.
- Trong kinh Đại-bát Niết-bàn , Phẩm Như Lai tính có chép:
“Lạ thay, lạ thay! Tất cả chúng sanh đều có Phật tính, đều có thể trở thành Phật. Chỉ vì những vọng tưởng chấp trước mà không thể chứng đắc * Kỳ tai! kỳ tai! Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tính,giai kham tác Phật, đãn dĩ vọng tưởng chấp trước, bất năng chứng đắc* 奇哉!奇哉!一切眾生皆有佛性,皆堪作佛,但以妄想執著,不能證得”
- Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ Huệ Năng cũng viết: “Dẫu kẻ ngu, dẫu người trí cũng đều có Phật tính như nhau. Chỉ tại sự mê, ngộ chẳng đồng đó thôi.”
- Trong kinh Viên Giác và Đại Thừa Khởi Tín luận, thuật ngữ chỉ Phật tính khác là Bản lai thành Phật(本來成佛), có nghĩa là Phật tính ở khắp mọi nơi, tất cả chúng sinh xưa nay vốn có Phật tính.
- Thiền sư hiện đại người Nhật Bạch Vân An Cốc viết thì Phật tính, cũng đồng nghĩa với Pháp tính(法性; P: Dhammatā; S: Dharmatā; E: The true nature of reality, The equality of the nature of reality => Sự bình đẳng trong thể tính của thực tại).
- Trong một bài giảng về Phật tính, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nói: “Tất cả các thụ thể sinh vật, thậm chí cả côn trùng đều có Phật tính”
- Trong các kinh luận Phật giáo Bắc truyền nhưDuy Thức Tam Thập Tụng, Thành Duy Thức Luận, kinh Giải Thâm Mật (S: Sandhi-nirmocara sūtra), kinh Lăng Già Tâm Ấn (S: Laṅkāvatāra sūtra) đã mô tả về tính chất hiện hữu nơi tự thân của vạn sự vạn vật, được gọi là Y tha khởitính (依他起性; P: Paravasatā-sabbāva; S: Paratantra-svabhāva), là một cách mô tả về Phật tính; mà Y tha khởi tính chính là nội dung của Vô thường tính +Vô ngã tính.
Y tha khởi tính nói lên tính nương tựa lẫn nhau để sinh khởi của tất cả pháp, là Duyên khởi tính. Do tính chất này, nên các pháp không bao giờ có sự tồn tại độc lập, nếu có chăng sự tồn tại độc lập là có ở cách nói, chứ không bao giờ thực sự có ở bản chất. Vì tự bản chất của chúng là hỗ tương, là nương tựa, là tác động qua lại lẫn nhau để sinh thành và hủy diệt, nên một sự hủy có thể kéo theo muôn ngàn sự hủy, một sự sinh có thể kéo theo muôn ngàn sự sinh.
I. Phật giáo Nam truyền và Phật tính.
Phật giáo Nam truyền tuy ít dùng tên gọi Phật tính (P: Buddhatta), nhưng nhận chân được Chân tính(tính chất chân thật) nơi tự thân của mọi sự vật, đó là Vô thườngtính – biểu thị cho tính biến đổi (theo thời gian), và Vô ngãtính– biểu thị cho tính chất hợp Duyên (theo không gian). Như thế Phật tính có thể diễn đạt như sau:
Phật tính = Chân tính = Duyên khởi tính = Không tính
Trong đó:
Duyên khởi tính = Vô thường tính + Vô ngã tính
Như thế, Phật tính thể hiện tính Bình đẳng nơi vạn sự vạn vật, đó là Vô thường tính và Vô ngã tính, luôn hiện hữu nơi tự thân của tất cả mọi sự vật.
Dưới đây là 2 đặc tính của Duyên khởi, tức nội dung về Vô ngã (không gian tính), và Vô thường (thời gian tính) của Phật tính.
1) Vô thường(無常; P: Anicca; S: Anitya; E: Impermanence): Đây là cách trình bày về hiện tượngkhông ngừng biến đổi của mọi sự vật trong vũ trụ. Đó là do mọi sự vật hình thành từ các duyên tương quan tương liên và các duyên không ngừng tương tác nhau nơi tự thân và ngoại cảnh, tạo ra hiện tượng biến đổi, mà qua các giác quan hạn chế nơi con người, đã nhầm gọi là “có Sinh có Diệt”.
2) Vô ngã(無我; P: Anattā; S: Anātman; E: No-self, Not self, Non-ego): Đây là cách trình bày về bản chấtgiả tạm không thực thể của mọi sự vật trong vũ trụ, do chúng hình thành từ các duyên tương quan tương liên và các duyên không ngừng tương tác nhau nơi tự thân và ngoại cảnh.
- Với nhận thức Vô ngã, con người sẽ không chấp mắc vào:
+ Cái ta (Ngã 我; E: I / Ego) : Thực thể hữu hình luôn tồn tại.
+ Cái của ta (Ngã sở 我所; E: Mine): Cái sở hữu của Ngã.
+ Cái ta tự có (Tự ngã 似我; E: Myself): Thực thể vô hình tự có (như linh hồn tự có và hằng có).
- Với nhận thức Hữu ngã, con người sẽ chấp mắc vào Cái ta, Cái của ta, Cái ta tự có. Đây là nguồn gốc của khổ não.
II. Phật giáo Bắc truyền và Phật tính.
Trong Phật giáo Bắc truyền, có nhiều quan điểm khác nhau về Phật tính (佛性; S: Buddhatā, Buddha-svabhāva), nhưng nói chung, phần lớn Phật tính được xem là Bản tính(= Thể tính hay Bản thể tính) bất sinh-bất diệt (= vô sinh-bất diệt)của mọi loài. Theo đó, mọi loài đều có thể đạt giác ngộ, không bị đời sống hiện tại hạn chế.
- Bất sinh, có nghĩa rằng mọi sự vật vốn không tự sinh ra, hay không do một Đấng tạo dựng mà hình thành.
- Bất diệt, có nghĩa rằng mọi sự vật không tự mất đi, mà chỉ là biến đổi từ dạng này sang dạng khác.
Bản tính bất sinh-bất diệt đối với mọi sự vật được xem như cận nghĩa với khái niệm năng lượng của khoa học Vật lý hiện đại, trong đó bản tính của năng lượng là không tự sinh ra, và cũng không tự mất đi mà chỉ biến đổi từ dang này sang dạng khác (Xin xem Nguyên lý thứ nhất Nhiệt Động Lưc Học (E: First law of thermodynamics) hay Nguyên lý Bảo toàn Năng lượng (E: Law of Conservation of Energy)
Như thế, Phật tínhnói lên tính Bình đẳngmà các pháp môn, kinh điển Phật giáo đã được diễn đạt dưới nhiều tên gọi như sau:
1/. Biểu hiện tính vượt thoát : Các tông phái này được diễn đạt tính vượt thoát với các tên gọi sau :
+ Pháp Tướng tông : phế thuyên, đàm chỉ : miễn bàn, miễn nói.
+ Tam Luận tông : ngôn vong, lự tuyệt : quên lời, bỏ nghĩ.
+ Thiền tông : bất lập văn tự : không dùng văn từ.
+ Tịnh Độ tông : bất khả tư nghì : không thể nghĩ bàn.
+ Chân Ngôn tông : xuất quá ngôn ngữ : vượt trên ngôn từ.
2/. Biểu hiệntính tịch tĩnh: Tính chất này có các tên gọi như Hư Không, Hư Vô, Chân Không, Chân Không Diệu Hữu, Không Tịch.
“Hư Không hàm tàng hết sắc tướng, vạn vật ”.
KinhPháp Bảo Đàn.
3/. Biểu hiện tính viên dung(đủ đầy): Tính chất này có các tên gọi như Nhất Thể, Nhất Như, Nhất Tâm, Như Như.
“ Ta và chúng sinh là Nhất Thể, lấy bệnh của chúng sinh làm bệnh của ta, lấy bệnh của ta làm bệnh làm bệnh của chúng sinh “.
Kinh Duy Ma Cật.
4/. Biểu hiện tính chính yếu(cốt lõi): Tính chất này có các tên gọi như Pháp Thân, Pháp Thể.
“ Pháp Thân của Như Lai là Chân Thường, Chân Lạc, Chân Ngã, Chân Tịnh “
Kinh Thắng Man.
5/. Cảm nhận tính hoàn thiện: Tính chất này có các tên gọi như Chân Như, Chân Tâm, Thật Tướng, Chân Thật Tướng, Viên Thành Thật Tướng.
“ Vạn pháp từ Chân Tâm biến hiện “.
KinhLăng Nghiêm.
---------------
Chú thích: Trong Thiền tông còn được
1/.Tôn chỉ của Thiền tông Trung Hoa gắn liền với 4 câu kệ:
教外別傳- 不立文字
直指真心- 見性成佛
Giáo ngoại biệt truyền - Bất lập văn tự
Trực chỉ Chân tâm - Kiến tính thành Phật.
“Kiến tính” nơi đây chính là “Kiến Phật tính”
2/. Bản lai diện mục (本來面目; E: Original face or Buddha-nature)
Bản 本: Là gốc gác, cội nguồn.
Lai 來: Là tương lai, về sau.
Diện 面: Là mặt (khuôn mặt).
Mục 目: Là thấy.
Theo đó, Bản lai diện mục là “Gương mặt từ xưa đến nay”. Đây là một ẩn dụ nổi tiếng trong Thiền tông, được dùng để chỉ Phật tính 佛性, Chân như 真如, Chân nguyên 真源... trong mỗi chúng sinh bằng cách vượt lên đối đãi nhị nguyên.
Dưới dạng câu hỏi “Gương mặt xưa nay của ngươi là gì?”, chư vị Thiền sư thường hay trắc nghiệm kinh nghiệm ngộ đạo của đệ tử. Thấy “gương mặt xưa nay” tức là kiến tính (= kiến Phật tính, kiến Duyên khởi tính), nghĩa là ngộ được bản tính của các pháp hữu vi, tức ngộ Đạo (Chân lý).
Trong kinh Pháp Bảo Đàn, Lục Tổ nói: “Chẳng nghĩ thiện, chẳng nghĩ ác, đang khi ấy cái gì là Bản lai diện mục của thượng tọa Minh?”. Huệ Minh ngay đó đại ngộ. [X. Vô môn quan Tắc 23].
Bản lai diện mục còn gọi là Bản địa phong quang, Bản phận điền địa, Tự kỉ bản phận, Bản phận sự. Ý nghĩa của Bản lai diện mục tương đồng với Bản giác của Hiển giáo và Bản sơ của Mật giáo.
Trong Vô Môn Quan, bản của sư Di Diễn Tôn Thiệu, Tắc số 1: “Triệu Châu Cẩu Tử * 趙州狗子* Con chó của Triệu Châu”.
Cẩu tử Phật tính, 狗子佛性
Toàn đề chính lệnh. 全提正令
Tài thiệp hữu vô, 才涉有無
Táng thân thất mệnh. 喪身失命
Phật tính của chó,
Đề tài chính đáng.
Mới bàn có, không,
Đã toi thân mạng.
Nội dung câu chuyện như sau:
Có vị học tăng hỏi :
- Con chó có Phật tính không ?
Sư không cần suy nghĩ đáp :
- Không!
Học tăng nghe xong bất mãn, nói :
- Trên từ chư Phật, dưới đến loài côn trùng hay vật vô tri đều có Phật tính, vì sao con chó không có Phật tính?
Sư giải thích:
- Vì nghiệp thức che đậy.
Lại có học tăng hỏi:
- Con chó có Phật tính không?
Sư đáp:
- Có!
Học tăng này cũng không bằng lòng cách trả lời mâu thuẩn như thế.
- Đã có Phật tính, tại sao chui vào đãy da hôi thúi của con vật (con người)?
Sư giải thích :
- Vì biết mà cố phạm.
Học tăng trong tâm hãy còn chấp giữ khái niệm, chấp mắc đối đãi, nên mới ngờ vực. Thấy ra Vô ngã tính và Vô thường tính nơi cái bàn cái ghế vô tri kia, thì bình đẳng tính, tức Phật tính tự hiển bày.
Không ít hành giả tu học Phật ngày nay cho rằng khái niệm Phật tính là cái mà ta không thể hiểu, và mong một đời tu học được thấy Phật tính tiềm ẩn nơi mình. Nếu được thế, thì rõ là ta tu để đi tìm cái Ta (Bản ngã) của mình để thấy và chiêm ngưỡng. Như Tổ Khánh Anh (1895-1961) đã từng dạy “Tu Phật mà không học hiểu Phật là tu mù”, quả là phí đi công sức.
Như vậy, cho rằng tất cả chúng sinh đều có Phật tính, hàm ý Duyên khởi tính (= Vô ngã tính + Vô thường tinh) thường trực chi phối tất cả chúng sinh. Vì thế, Phật tính không thể chấp hữu, cũng không thể chấp vô, mà Phật tính chính là tri kiến Phật dẫn đến giác ngộ.
Xem thêm:
-Phật tánh là gì?
- Phật tính – Wikipedia tiếng Việt
- Ý nghĩa của Phật tánh trong Phật giáo
VIDEO
- Khái niệm và nguồn gốc của Phật tánh - TT. Thích Trí Minh
- Vấn đâp: Phật tánh là gì ? | Thích Nhật Từ
- PHẬT TÁNH LÀ GÌ - ĐĐ. Thích Trí Huệ
- Phật Tánh Là Gì -ĐĐThích Phước Tiến
o0o
____________
Huy Thai gởi
|
|