PHÉP NHIỆM MẦU CÓ THẬT
Tôi sinh ra không biết cha mẹ mình là ai. Từ bé tí, tôi đã ở cùng với mõ già trong một ngôi chùa ở làng. Mọi người vẫn quen gọi nơi đây là chùa làng, nhưng nó bé lắm, do làng xây dựng từ thời xa xưa để cho bà con dân làng thờ Phật. Phía ngoài chùa có một am nhỏ mõ nói là thờ Thành Hoàng làng, và một cái chái phía bên cạnh am để cho mõ già và tôi ở.
Chùa làng không có sư, chỉ có mõ già được làng cắt cử ra trông coi chùa. Có việc lễ cúng gì thì người làng gọi mõ, sai mõ sửa soạn để các cụ trong làng ra cúng. Mõ không phải làm nghề đi thông báo công việc của làng xã, nhưng không hiểu sao người làng lại gọi là mõ.
Mõ già kể mõ nhặt được tôi trước cổng chùa. Người mẹ nào đó nhẫn tâm bỏ tôi lại trước cửa chùa không một mảnh vải che thân, dây rốn còn dài lòng thòng chưa kịp cắt. Thân thể mình mẩy tôi dính đầy máu, gọi kiến đen kiến đỏ kéo nhau đến bu kín. Lúc ấy là canh ba, tôi khóc như xé vải, mõ già nghễnh ngãng, tai đực tai lành, chẳng nghe thấy tiếng trẻ con khóc trước cửa chùa đâu.
Mõ nói, như có trời xui đất khiến, đêm ấy mõ không ngủ được nên lần ra cửa chùa. Nhìn thấy một bọc máu đỏ hỏn, ngo ngoe dưới chân, kiến bu đen bu đỏ, mõ giật mình. Bế tôi lên, mõ xót xa chửi rủa quân vô lương, phường chó sói, hổ dữ còn không ăn thịt con thế mà có đứa nó dám đẻ con rồi vứt cho kiến ăn.
Tôi thành con của mõ già, sống cùng mõ trong ngôi chùa làng. Mõ dạy tôi trồng lúa, trồng rau, nuôi gà để lấy cái ăn. Ngày rằm mồng một, trong làng có ai cúng nải chuối, đĩa xôi thì hôm đó hai mõ con có chút thức ăn tươi tỉnh.
Tôi lớn lên tự biết thân phận bất hạnh của mình, một mắt tôi bị mù do kiến đục sâu vào thủy tinh thể hồi lọt lòng. Tôi lại bị khèo một tay nên mõ thương tôi lắm. Mõ già chăm bẵm tôi, mỗi lần tắm cho tôi, mõ lại than thở, chắc khi đẻ ra nó biết mày mù mắt khoèo tay nên nó sợ nuôi mày sẽ vất vả, cho mày làm người lớn lên sẽ tủi nhục con ạ, nên con mẹ mày mới ngậm đắng nuốt cay bỏ mày đi để hóa kiếp cho mày. Ai ngờ số mày không làm ma được mà phải làm người con ạ. Thôi gắng sống cho nên người. Con người ta có số cả, ông trời không lấy của ai hết tất cả đâu mà lo!
Đó là câu cửa miệng mõ già luôn nói với tôi: “Ông trời không lấy của ai hết tất cả mọi thứ đâu con” để động viên tôi ráng vượt lên hoàn cảnh.
Tôi dứt khoát không đi học, vì mặc cảm thân phận. Mõ thương tôi, không nỡ ép. Mõ già dạy tôi biết tính nhẩm cộng trừ con số đủ để đi chợ bán rau không bị nhầm tiền. Mõ dạy tôi biết đọc và biết mỗi việc ký tên tôi nếu phải dùng đến chữ ký trong trường hợp nào đó mà không phải điểm chỉ như những người mù chữ thực sự. Mõ nói, mõ chỉ có thể dạy tôi được đến thế, và đó cũng là tất cả những vốn liếng văn hóa mà mõ có được thời bình dân học vụ. Mõ trút lại hết cho đứa bé côi cút tội nghiệp là tôi.
Mõ già lắm rồi, đau yếu quanh năm nên mọi việc trông nom trong chùa và công việc đồng áng một mình tôi gánh vác. Mõ không có chồng, không có con. Mãi sau này, khi giờ phút lâm chung, mõ mới nói cho tôi biết rằng, mõ có chồng nhưng hai người cưới nhau chưa kịp có con, chồng mõ đi bộ đội rồi hy sinh ở chiến trường. Mõ ngã quỵ vì buồn đau, ốm một trận thập tử nhất sinh. Nhà chồng đưa mõ ra ngôi chùa làng để sư thầy trông coi chùa có nghề thuốc nam, thuốc thang cứu mõ.
Khỏi bệnh, mõ xin phép nhà chồng và nhà mẹ đẻ được ở lại chùa hầu hạ công việc tâm linh cho sư thầy. Vậy là mõ rời nhà đến chùa làng ở, coi như xuống tóc đi tu. Thật ra mõ chỉ nhận mình là mõ, chưa bao giờ mõ nhận mình là sư, vì mõ biết con đường tu tập phải học nhiều mà mõ thì chẳng có kiến thức. Mõ chỉ ở đây giúp đỡ sư thầy thôi. Nhưng từ khi có mõ ở chùa làng, sư thầy ra đi vì đã có mõ để gửi gắm công việc ở làng.
Nghe nói sư thầy ra tỉnh để nhận trụ trì ở một ngôi chùa to hơn. Từ đó đến nay, chùa làng không có sư, chỉ có mõ sống thui thủi một mình ở chùa cho đến ngày nhặt được tôi.
Mõ chỉ lên bát hương đặt sau ban thờ Thành Hoàng làng và nói với tôi, hăm hai tháng chạp là ngày giỗ của chồng mõ, sau này mõ khuất núi, con nhớ thắp hương cho linh hồn ông ấy khỏi tủi phận.
Mỗi lần mõ ốm là tôi lại khóc vì sợ mõ chết, bỏ tôi lại một mình. Mõ thương tôi, nước mắt đục rỉ ra từ hai khóe mắt nhăn nheo. Mõ thều thào: “Ông trời không lấy đi của ai tất cả. Con cố gắng sống và kiếm đứa con mà nuôi. Người như con lấy chồng chắc là khó, không ai người ta thương mình tàn tật đâu con. Kiếm lấy mụn con, sau này nương tựa lúc tuổi già”.
Mõ ốm nằm liệt giường 2 năm rồi mới mất. Có lẽ mõ thương tôi, đi không dứt nên cứ leo lắt sống để mỗi ngày lại bày dạy cho tôi thêm một việc quan trọng ở đời mà lúc sinh thời có thể mõ đã dại dột mà đánh mất. Cứ mỗi lần mõ định đi, mõ lại kêu tôi đến bên giường, thều thào cái điệp khúc ông trời không lấy đi của ai tất cả, cố gắng kiếm lấy đứa con để nương tựa, đừng sống một mình thui thủi như mõ…
Nhưng không ai cưỡng được sinh lão bệnh tử. Cuối cùng mõ cũng rời bỏ ngôi chùa làng và tôi để trở về cõi âm trong một ngày mùa đông hửng nắng. Tôi buồn đau đến nỗi không thể gắng gượng được để lo tang ma cho mõ. Hội người cao tuổi trong xã lo đưa mõ ra đồng an nghỉ ngàn thu.
Cuộc sống trong ngôi chùa hẻo lánh những ngày không có mõ buồn hiu hắt. Năm đó tôi bước sang tuổi 18. Một mình trong ngôi chùa làng tôi vào ra thơ thẩn vì nhớ mõ. Tôi khóc nhiều lắm, khóc vì mất một người thân duy nhất để nương tựa trên đời. Mõ vừa là mẹ, vừa là cha, chăm sóc tôi từ khi tôi đỏ hỏn. Thế nên mất mõ, tôi thấm thía thế nào là mồ côi, là cô độc.
Năm đó, có thể là phép nhiệm màu đầu tiên của đời tôi đã xảy ra. Tôi vẫn chua chát nghĩ vậy mỗi lần nhớ đến sự kiện đó. Sau này càng ngẫm, tôi càng tin rằng mõ đã xui khiến cho tôi có sự gặp gỡ như vậy. Linh hồn mõ đã không bỏ rơi đứa con côi cút của mõ nhặt về. Sau này, trong tận cùng của cơn bĩ cực, tôi vẫn không một lần nào oán hận người đàn ông đã cho tôi một đứa con, dù đứa con đó đau ốm và bệnh tật từ trong trứng nước.
Tôi không một lần oán hận số phận, dù cuộc sống của tôi toàn những bất hạnh và buồn đau. Tôi tin lời mõ và luôn tâm niệm một điều, ông trời sẽ không lấy đi của ai tất cả.
Những ngày tháng sau cái chết của mõ, tôi rất buồn. Trong làng, các bậc cao niên sau cái chết của mõ già cũng đã họp và bàn bạc cử người ra trông chùa. Không thể để cho một đứa con hoang, lại là con gái, tàn tật như tôi không rõ gốc gác ở đâu, do mõ già nhặt về, giờ lại thay mõ coi sóc chùa làng được. Sớm muộn gì thì tôi cũng phải ra đi. Nếu tôi có ở lại thì cũng phải có người chính để coi chùa làng, tôi mới chỉ là một đứa con gái 18 tuổi, không thể đảm đương công việc soạn sửa ở chùa của làng. Nếu có thì tôi chỉ là làm những việc phụ giúp ở chùa làng thôi chứ không thể đứng ra thay mõ được. Điều đó khiến tôi càng buồn bã, mất phương hướng hơn.
Trong làng có một ông giáo già đã về hưu thường hay ra lễ chùa và cứ ngày rằm mồng một lại viết chữ nho cho dân làng ra xin sớ về dâng lễ ở gia tiên. Ông giáo dạy tôi chữ quốc ngữ để cho tôi biết đọc biết viết. Và điều gì đến đã đến. Tôi chưa kịp nghĩ đến việc sẽ xin ai đó một đứa con bầu bạn sớm hôm lúc tuổi già thì tôi đã bị chính ông giáo già cưỡng hiếp. Tôi cam phận và nhớ lời mõ dặn, thôi thì đây cũng là cơ hội cho tôi kiếm đứa con mà không phải mất công mất sức đi xin ở đâu xa, mà xin chắc gì thân phận tàn tật như tôi người ta đã cho.
Sau mấy lần cưỡng hiếp tôi, ông giáo già nói với tôi: “Ông được người làng cử ra trông chùa làng thay mõ. Ông thương mày côi cút, cho mày đứa con để bầu bạn lúc tuổi già. Mày có chửa thì đừng ở lại đây nữa mang tiếng cho cả ông và mày. Ông già rồi, có gia đình, con cháu đã phương trưởng ông không thể cưu mang mày được. Mày còn trẻ, ông cho mày ít tiền, ông dạy mày biết đọc biết viết rồi, mày ráng lên thành phố mà tìm cơ hội để làm việc sinh con làm lại cuộc sống, đừng có ở đây, mà chết già. Mày đi đi, đừng bao giờ trở về làng nữa mà tủi nhục con ạ”. Đau đớn và tủi nhục, tôi khăn gói quần áo và cầm ít tiền ông giáo chuẩn bị cho rồi ra đi.
Chưa một lần được hưởng lạc thú giữa đàn ông và đàn bà, hay được hưởng niềm hạnh phúc bình thường của một người con gái, một người đàn bà có một người đàn ông chăn gối cho đúng nghĩa, tôi đã mang thai và có con trong hoàn cảnh trớ trêu và bi kịch như vậy. Cắn răng lên thành phố, tôi xin việc ở một gánh chè trong ngõ. Ngày đi làm, tối về ngủ ở gầm cầu xó chợ. Khi cái bụng chửa đã vượt mặt, tôi đến cửa chùa xin được nương tựa để sinh con.
Nhưng chưa thấy ông trời thương tình ở đâu, chỉ thấy ông trời luôn tàn nhẫn với tôi, một số phận quá bất hạnh. Tôi sinh con trong thiếu thốn, bản thân thiếu hiểu biết, thiếu kỹ năng nên tôi đã không biết để tiêm phòng cho con. Con gái tôi lên 5 tuổi bị ốm một trận, hai chân teo tóp lại không đứng vững được nữa. Tôi đưa con đi khám mới biết con bị bại liệt do sơ sinh không được chủng ngừa đầy đủ. Nước mắt tuôn rơi, tôi ôm con mà chỉ muốn được đi ra cây cầu, đứng trên đó mà gieo mình xuống lòng sông để dòng nước cuốn mẹ con tôi trôi đi mãi, để tôi không phải sống kiếp người đau khổ…
Mình tôi tàn tật, tứ cố vô thân đã là cực khổ, tủi phận; đằng này, làm mẹ đơn thân, rồi lại sinh ra đứa con nhưng do thiếu hiểu biết, tôi đã vô tình làm hại con, tước đi cuộc sống bình thường lành lặn của con gái tôi, đó là một tội lỗi mà tôi không thể tha thứ cho bản thân được.
Khi bác sĩ giải thích căn bệnh bại liệt của con vô phương cứu chữa, và khả năng con phải đối diện với việc không còn đi lại được nữa, cả cuộc đời sẽ gắn liền với chiếc xe lăn mà tôi gần như ngất đi. Tôi ôm con trên tay, nước mắt tuôn rơi lã chã. Tôi không biết kêu ai, không biết than thở cùng ai. Tôi hận cuộc đời, hận chính bản thân mình, và tôi rơi vào tận cùng của tuyệt vọng. Tôi ôm con từ bệnh viện trở về nhà trọ đi như trôi trong vô định, mấy lần đứng sững trước làn đường ôtô đang chạy. Tôi chỉ muốn được chết.
Từ đó trở đi, tôi thường xuyên nghĩ đến cái chết. Tôi muốn kết thúc hết những đau khổ hiện tại để giải thoát cho cả hai mẹ con. Tôi không thể gắng gượng để sống tiếp. Tôi không dám nhìn vào đôi chân bại liệt của con, càng không dám hình dung con tôi sẽ lớn lên như thế nào trên chiếc xe lăn. Tôi khèo tay, đã đủ khổ, giờ con tôi hai chân không đi lại được, nó sẽ khổ cực gấp trăm lần tôi. Sau này tôi già đi, không đi làm được nữa, ai sẽ chăm sóc cho con tôi, ai sẽ nuôi nấng nó, ai sẽ bao bọc cho cuộc đời nó.
Chỉ nghĩ đến đấy thôi, nước mắt tôi đã lại tuôn rơi. Tôi không muốn tiếp tục với bể khổ trên vai. Tôi muốn tìm cách để kết thúc. Tôi sám hối trước con, bao nhiêu lần tôi ý định tự tử cùng với con nhưng mỗi lần bế con lên, nhìn gương mặt như thiên thần của con gái, nụ cười rạng rỡ của con, tôi không cầm lòng nổi. Không ít lần tôi ôm con gái tôi đi lên trên những chiếc cầu vắt qua sông Hàn với ý định sẽ nhảy xuống dòng sông chảy xiết để kết thúc những đau khổ ân hận. Nỗi ân hận giày vò tôi, hành hạ tôi, vì tôi mà con gái tôi tật nguyền, rằng tôi đã hại đời con gái mình một cách ngu xuẩn.
Chính sự thiếu hiểu biết của tôi mà con gái tôi mất đi sự cử động phát triển bình thường của một đôi chân. Càng nghĩ đến điều đó, tôi càng đau đớn, càng cảm thấy tội lỗi với con. Càng ân hận, lại càng nghĩ quẩn, vì thế tôi chỉ muốn được chết để giải thoát tất cả. Nhưng không biết có phải ông trời đã không lấy đi của ai tất cả như lời mõ già nói năm xưa không mà mỗi lần ôm con gái lên với ý định gieo mình xuống sông thì con gái tôi lại ngước ánh mắt trong veo ngây thơ nhìn tôi và nhoẻn miệng cười.
Con bập bẹ gọi mẹ, dụi mái đầu tóc tơ vào ngực tôi lần tìm bầu sữa mẹ. Con gái tôi gọi Mẹ! Mẹ! âu yếm như trong con chưa từng trải qua những cơn đau thể xác ở đôi chân. Con gái tôi vẫn lớn lên, với một sức sống mãnh liệt vô cùng. Con không đi được thì con bò, con lết chân rất nhanh và lúc nào cũng nhoẻn miệng cười với mẹ. Con gái tôi đã níu tôi lại với cuộc đời, ràng buộc tôi vào sự sống mãnh liệt của nó. Và tôi đã thua cuộc. Con gái tôi dù bị tật nguyền hai chân, con không chạy nhảy được, không chơi được cùng với các bạn cùng trang lứa nhưng con luôn tỏ ra là đứa bé lạc quan yêu đời.
Từ bé con đã như biết thân biết phận mình nên rất ít khi con quấy khóc. Con là đứa trẻ vui vẻ, thông minh và đáng yêu. Con cười suốt và luôn mang lại niềm vui cho tôi. Tôi cắn răng nuôi con lớn lên chấp nhận hoàn cảnh. Tôi mang con vào xin tá túc ở chùa. Ngày ngày tôi đi phụ bán chè, tối về lại vào chùa chăm con tìm chốn trú chân mưa nắng.
Con gái tôi thích đi học. Tôi không thể tước đoạt niềm khát khao của con. Hằng ngày tôi cõng con đến trường và chiều lại đến cõng con về. Suốt 5 năm cấp 1, dù mưa hay nắng, tôi đều dành thời gian để đưa con đến lớp mà không bỏ buổi nào trừ những hôm không may con bị ốm.
Lúc đầu tôi chỉ nghĩ cho con học đủ để biết đọc biết viết là được, rồi cho con ở nhà chăm sóc nuôi nấng giúp đỡ con, hai mẹ con nương tựa vào nhau mở gánh chè để sống. Nhưng con gái tôi rất thông minh, học giỏi xuất sắc, các thầy cô giáo rất yêu quý cháu và gần như miễn giảm hết các khoản nộp ở trường lớp để động viên con tiếp tục tới trường.
Nguyện vọng của con gái tôi là được tiếp tục học lên nữa nên tôi đã không thể tước bỏ ước mơ của con. Tôi đã tước bỏ đôi chân của con, làm cho con chịu đời sống tật nguyền, giờ đây tôi không có quyền để tước đoạt ước mơ của con. Nhà chùa nơi mẹ con tôi xin ghé nhờ tá túc người ta quyên góp mua tặng cho con gái tôi một chiếc xe lăn.
Từ đó khi con gái tôi lên cấp 2, con được bạn qua chùa đẩy xe lăn giúp con gái tôi tới trường. Niềm vui vì con ngoan, học giỏi đã giúp tôi vượt qua bao khó khăn cực khổ, giúp tôi vượt qua nỗi tủi hận về thân phận mình vốn đã chôn sâu trong tận cõi lòng.
Con gái tôi lớn lên như một phép màu cuộc đời đậu xuống cuộc sống khốn khổ và bất hạnh của tôi. Cùng với chiếc xe lăn con vượt qua bao gian khó để đến với những ước mơ của riêng con. Con vượt qua bao kỳ thi học sinh giỏi, qua bao thử thách của số phận để đón những điều tốt lành. Con thi đỗ vào Đại học Ngoại thương, một ngôi trường mà bao bạn bè lành lặn khác, có điều kiện sống tốt hơn con nhưng vẫn không với tới. Con trở thành sinh viên đại học trên chiếc xe lăn, và ngày tốt nghiệp đại học, con được một công ty lớn mời con về làm việc.
Thưa các anh các chị!
Từ ngày con gái tôi vào một công ty tài chính của nước ngoài làm việc, hai mẹ con tôi không phải tá túc ở chùa nữa, con gái đã đưa lương về phụ đỡ mẹ để mẹ có thể tìm chỗ thuê nhà. Tôi cũng đã mở được gánh chè trong hẻm bán cả ngày. Những đồng tiền dành dụm từ mồ hôi nước mắt của tôi từ gánh chè giờ không cần dùng đến nữa. Tôi tích cóp lại trong sổ tiết kiệm để mơ ước có một ngày mẹ con tôi mua được một gian nhà nhỏ trong thành phố để ở, để cho hai mẹ con an tâm có một chỗ của riêng mình.
Nhưng mơ ước chỉ là ước mơ thôi vì tiền lãi lời từ gánh chè có đáng là bao. Con gái đi làm lương đã có thể đủ trang trải cho cả hai mẹ con một cuộc sống không quá khổ nữa. Với đôi chân tật nguyền, chiếc xe lăn sớm tối, con gái bé nhỏ của tôi đã đến và bước vào đời sống này như một niềm ân huệ trời ban cho người mẹ đau khổ là tôi.
Nhưng các anh chị ơi!
Phép nhiệm màu đã đến với mẹ con tôi không phải con gái tôi làm được tiền, hay có công việc ổn định, mà con tôi đã có một người đàn ông đích thực, một người đàn ông giàu yêu thương đã đến từ phía bên kia quả địa cầu và chia sẻ cùng con hành trình trên đường đời phía trước.
Ngày có một người đàn ông cao lớn, mắt xanh, tóc vàng đẩy xe lăn đưa con gái tôi về nhà và quỳ xuống nắm lấy hai bàn tay tôi nói bằng ngôn ngữ tiếng Việt rất sõi rằng: “Mẹ ơi, con xin phép mẹ cho con được yêu thương Nga và cưới cô ấy về làm vợ. Con nguyện cả đời chăm sóc và yêu thương cô ấy mẹ ạ” thì trái tim tôi vỡ òa ra nức nở.
Cả đời tôi không biết bố mẹ là ai. Cả đời tôi không được gọi một tiếng bố tiếng mẹ. Tôi chỉ có mõ già, lớn lên trong côi cút, hiu quạnh. Đời tôi chưa một lần được yêu đương, tôi có thai từ những lần bị ông giáo già cưỡng hiếp. Tôi sinh con gái ra trong tận cùng cay cực. Vì ám ảnh tội lỗi mình gây ra cho con, khiến cho tôi khép chặt lòng mình vĩnh viễn, tôi ở vậy để dồn tất cả tình yêu thương, mối quan tâm để nuôi dạy con nên người. Tôi cũng không bao giờ dám nghĩ đến chuyện con gái tôi có thể học lên được đại học, tốt nghiệp giỏi, rồi ra trường có được một công ty lớn mời về làm việc. Càng không bao giờ dám nghĩ đến chuyện con có được một chàng trai yêu thương và lấy làm chồng.
Nếu có mơ thì cũng chỉ dám mơ con gái tôi tìm được người cùng hoàn cảnh, thấu hiểu hoàn cảnh thiệt thòi của nhau mà có thể thương yêu nhau nên vợ nên chồng. Càng không bao giờ dám hy vọng có một người con trai khỏe mạnh lành lặn đường hoàng thương con gái tôi chứ chưa nói đến việc chọn con gái tôi làm vợ.
Ấy thế mà đứa con tật nguyền không nhà, không cha là bé Nga nhà tôi không những trở thành một nhân viên giỏi, được bạn bè đồng nghiệp quý trọng, con còn tìm được tình yêu của một người đàn ông xuyên biên giới. Cậu ấy là người Pháp, cùng làm việc trong công ty tài chính mà con gái tôi đang làm hiện nay, và chàng trai đó đã về tận ngôi nhà thuê trọ nhỏ bé trong hẻm để quỳ xuống xin phép tôi chấp nhận cho cậu ấy được lấy bé Nga làm vợ.
Kính thưa các anh các chị!
Cuộc đời tôi có là mơ không. Đám cưới của con gái tôi được các đồng nghiệp ở công ty tổ chức một bữa tiệc nhỏ ấm cúng ở Việt Nam. Bố mẹ con rể tôi bay từ Pháp sang dự tiệc và đến tận nhà trọ nơi hai mẹ con tôi ở để ăn bữa cơm thân mật do tôi tự tay nấu, các con tôi đang đi hưởng tuần trăng mật tại Phú Quốc. Bố mẹ chồng của con gái tôi đã bay trở về Pháp để chuẩn bị tổ chức tiệc cưới vào đúng ngày Valentin cho cả hai đứa ở bên Pháp. Vé máy bay mời dự đám cưới của con gái ở Pháp cũng đã được con rể tôi mua sẵn cho mẹ vợ rồi. Nhiều lúc tôi không dám tin đây là sự thật nữa.
Tôi viết những dòng chữ này để chia sẻ câu chuyện của đời tôi mà nước mắt tôi chảy giàn giụa. Tôi nhớ mõ già, người đã nhặt tôi ở cổng chùa về nuôi, người đã trao cho tôi một niềm tin mãnh liệt để sống, để vượt qua cay đắng tủi cực. Tôi nhớ mõ luôn động viên tôi: “Con hãy tin đi, ông trời không lấy đi của ai tất cả”. Tôi đã sống bằng niềm tin mong manh ấy. Tôi đã đến được bến bờ hạnh phúc cũng chỉ bằng một niềm tin bé nhỏ trong vũ trụ bao la này.
Thưa các anh các chị!
Tôi định khi các con ổn định sau đám cưới, tôi sẽ kể cho con gái tôi nghe gốc gác của con và ai là bố của con. Tôi sẽ dẫn con gái, con rể tôi trở về làng, vào ngôi chùa làng để thắp nén hương, lạy tạ cho Mõ già, cho Đức Phật ở đó. Tôi tin rằng, Mõ già vẫn dõi theo tôi và chở che cho tôi đến được bến bờ hạnh phúc hôm nay.
Và còn một điều nữa, tôi muốn con tôi biết mặt bố, cho dù ông ấy là một kẻ hèn hạ, độc ác, hay giờ chỉ còn là một nấm mộ ngoài nghĩa trang đi chăng nữa thì con tôi vẫn có quyền được biết bố của mình là ai, và tôi cũng nói với ông ấy một lời hàm ơn rằng vì ông ấy mà tôi có được kho báu của đời mình.
Đà Nẵng (NTMN)
________________
Đặng Hữu Phát gởi