Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh



 
Phỉ báng Như Lai
 

Ảnh minh họa
GN - Thời Thế Tôn còn tại thế, trong quá trình du phương hoằng hóa, thi thoảng Ngài cũng gặp phải sự chống báng của tà kiến ngoại đạo. Khi Thế Tôn diệt độ, trải qua hơn 26 thế kỷ lưu truyền, giáo pháp của Ngài cũng gặp không ít sự chỉ trích, phê phán của những người có quan điểm bất đồng. Nhưng đó là chuyện rất bình thường ở thế gian này.

Có một chuyện khác thường, không phải bây giờ mới xảy ra, từ thời Thế Tôn đã “có hai hạng người này ở trong chúng Như Lai mà lại khởi lên sự phỉ báng”. Nhất là, khi hậu thế ở cách Phật lâu xa thì sự phỉ báng càng nặng nề thêm. Dẫu không ai cố ý làm việc này, nhất là hàng Thích tử nhưng do vô minh, do tự ngã, do sơ suất, do… nhiều nhân duyên mà thành ra phỉ báng Như Lai.

“Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo:
 
- Có hai hạng người này ở trong chúng Như Lai mà lại khởi lên sự phỉ báng. Thế nào là hai người? Là pháp sai nói là pháp đúng; nói pháp đúng là pháp sai. Đó là hai người phỉ báng Như Lai.
 
Lại có hai người không phỉ báng Như Lai. Thế nào là hai? Nghĩa là pháp sai (phi pháp) nói là pháp sai, pháp đúng (chân pháp) nói là pháp đúng. Đó là hai người không phỉ báng Như Lai. Thế nên, các Tỳ-kheo, pháp sai hãy nói là pháp sai, pháp đúng hãy nói là pháp đúng. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này!
Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
 
(Kinh Tăng nhất A-hàm, tập I, phẩm Tàm quý, 
VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.295)
 
Thế Tôn đã dự liệu về hội chứng “sư tử trùng” từ rất lâu xa. Bởi không loài thú nào có thể quật ngã sư tử ngoại trừ những con vi trùng ở trong thân sư tử. Cũng vậy, những người ngoài dù có phỉ báng Như Lai đến mấy thì vẫn không hề hấn gì đến đạo pháp. Nhưng chính những thành viên trong hội chúng của Như Lai lại tiềm ẩn nguy cơ phỉ báng Ngài vì giảng nói sai Chánh pháp, và có thể tổn hại đạo pháp nghiêm trọng.
 
Thời Thế Tôn, nhiều lần Ngài cho vời các Tỳ-kheo giảng nói sai Chánh pháp đến và khiển trách nặng nề. Cũng may có Ngài nên kịp thời hiệu chỉnh, sau đó mọi việc đi vào nề nếp. Ngày nay, Phật pháp có mặt khắp nơi trên thế giới, được phân chia thành hai truyền thống lớn Bắc tông và Nam tông. 
 
Tại Việt Nam, Phật pháp như hội tụ, gồm đủ các truyền thống, tông phái, hệ phái chính. Duyên lành cho đạo pháp nước nhà là dù hội tụ nhiều nguồn mà vẫn giữ được thống nhất và hòa hợp.
 
Nhưng gần đây, có một hiện tượng đáng quan ngại đang diễn ra trong ngành hoằng pháp là một số vị pháp sư, giảng sư thuyết giảng Phật pháp với chủ kiến cá nhân như phủ nhận địa ngục và cõi trời (tịnh độ), khiến người học Phật hoang mang. Đây là những tiền đề đã được Như Lai xác lập hiện diện trong kho tàng giáo điển Phật giáo Nguyên thủy cũng như Phật giáo Phát triển. 
 
Liên hệ với lời dạy “Pháp sai nói là pháp đúng; nói pháp đúng là pháp sai. Đó là hai người phỉ báng Như Lai”, vậy có thể xem các vị ấy là nhà hoằng pháp hay là ‘sư tử trùng” đang góp phần phá hoại Phật pháp?
 
Mong rằng, Giáo hội cũng như các vị tôn túc có trách nhiệm trong ngành hoằng pháp kịp thời chấn chỉnh, ngăn chặn biến tướng này. Hãy nêu cao Chánh kiến và tinh thần vô úy của vị sứ giả Như Lai, “Pháp sai hãy nói là pháp sai, pháp đúng hãy nói là pháp đúng” để Phật pháp được trường tồn, chúng sinh an lạc. 
 
Quảng Tánh

Tr
ương Nga gởi