PHIÊN CHỢ CỨT, NỢ CỨT, MỘT THỜI KHỦNG KHIẾP
Làng Cổ Nhuế xưa yên tĩnh, yên bình, không khí có mùi thum thủm nằm ở phía Tây Bắc, ngoại ô Hà Nội. Nơi đây có phiên chợ nổi tiếng độc nhất vô nhị đó là “Chợ bán phân” mà chúng tôi cứ hay gọi cho nhanh là Chợ Cứt, Chợ họp có phiên thường vào lúc tờ mờ sáng khoảng 3 – 4 giờ. Đây là chợ bán phân tươi, phân người 100%. Nổi tiếng song song cùng hàng xóm Làng hoa đào Nhật Tân “Đào Nhật Tân, phân Cổ Nhuế”
Chợ này đặc biệt ở chỗ ít khi có mặc cả hay ồn ào to tiếng, nó im lặng đến kỳ lạ.
Thời gian hành nghề chúng tôi là “ Đi tiếng thơ về tiếng thở” – Ngày ấy chúng tôi yêu thơ ca lắm, chờ khi nghe chương trình “Tiếng thơ” của Đài tiếng nói Việt Nam kết thúc, chúng tôi mới bắt đầu ra quân và đến tờ mờ sáng nghe “Tiếng thở” của các cụ tập thể dục là chúng tôi bắt đầu chuẩn bị cho phiên Chợ. Và khi ra đi quyết tâm rất cao:
Thanh niên Cổ Nhuế xin thề
Chưa đầy hai sọt, chưa về quê hương
Hót phân nó trở thành “nghề truyền thống” với hình ảnh những thanh niên đầu đội mũ cối, áo bộ đội, xe đồ thồ 2 sọt 2 bên hay trên vai là đôi quang gánh, cây sào lấy cứt gần 2 mét, 1 đầu là chiếc gáo hình nón bằng tôn hay bằng gáo dừa… Cứt lúc đó rất quý nó trở thành chu trình kín trong công thức Vườn – ao – chuồng.
Ấy tượng nhất trong phiên chợ Cứt là ông trùm cứt như 1 lãnh đạo đầy uy tín, công việc của ông là KCS – Kiểm tra chất lượng sản phẩm Cứt: Ông dùng cái cật tre khua 1 vòng sau đó đưa lên mũi ngửi, hít lấy hít để, sau đó trầm ngâm và dừng lại vài giây rồi phán cứt tốt hay cứt xấu, cứt giả hay cứt thiệt. Ông này có thể phân biệt cứt của sinh viên các trường Đại học, của người lao động nghèo khổ, của các hố xí công cộng khách vãng lai, của các UBND, của cơ quan nhà nước, của nhà các quan chức, của văn nghệ sỹ….
Cứt có ba dạng: Rắn, lỏng và hơi. Dạng hơi thì gọi là cứt ma ở đây ko bàn tới vì nó biến mất như ma chỉ nghe tiếng xịt hay quả rắm long trời lở đất nhưng ko thành sản phẩm. Trong đó đắc tiền nhất là dạng rắn. dạng rắn phân biệt rắn 100%, rắn có pha giấy học sinh, giấy báo, lá cây. Rẻ hơn là dạng lỏng dễ pha nhiều với nước và chắt cho kiệt, mất nhiều công sức mới thành dạng rắn.
Thời bao cấp đó ăn không đủ no nên cứt cũng hiếm có khi đến nửa tháng mới đi được 1 lần gọi là cứt mong đợi. Chính vì sự hiếm đó và cộng thêm sự hám lợi, thói xấu làm giả của 1 ngàn năm đô hộ giặc Tàu, một số thanh niên Cổ Nhuế đã làm “cứt giả” với công thức là đất đồi có màu vàng quạch hay đất sét cộng thêm bùn đêm trọn lẫn với cứt thật cho có mùi. Với phiên chợ tranh sáng, tranh tối ấy người mua rất khó phân biệt trừ ông trùm cứt.
Đó chỉ là số ít, còn thanh niên Cổ Nhuế vẫn chịu thương, chịu khó. Bây giờ trở lại Cổ Nhuế đã thay da, đổi thịt đi đầu trong nghề may gia công cho thị trường trong nước và nước ngoài.
Không còn cảnh ngày xưa:
Anh bước đi đầu không ngoảnh lại
Sau lưng anh cứt đái văng đầy
Nghề này thực ra không phải có từ thập niên 60 mà đã có lịch sử khá lâu. Có một lần trong một đêm vi hành Vua Lê gặp một người đàn ông gánh phân nghèo khổ, xuất khẩu thành thơ, Ông đã tặng hai câu đối:
“Khoác một áo bào, đảm đang khó khăn thiên hạ
Vung ba thước kiếm, tận thu lòng thế gian”.
Nên bây giờ có yêu ai, đừng nói anh yêu em bằng cả tấm lòng bởi trong lòng toàn cứt.
Ngày này người lớn và nhất là lãnh đạo mà cái gì cũng dùng miệng nếm với thử thì thật nguy hiểm, mất vệ sinh, mất thẩm mỹ, mất hình ảnh. Bởi việc dùng mũi ngửi và dùng miệng nếm là bản năng của động vật. Không những vậy có ảnh hưởng lớn đến trẻ em, rất nguy hiểm. Trẻ em thấy bất cứ cái gì kể cả cứt, phân cũng ngửi, cũng nếm, bốc chơi và cho vào miệng.
Lãnh đạo bây giờ, Câu Tiễn ngày xưa
Muốn xem thật giả nếm toàn phân
Ngày xưa Câu Tiễn nếm phân
Phục hưng đất nước nên dân tôn thờ
Quan chức lãnh đạo bây giờ
Nếm phân gây sốc muôn phần khó hơn
Lãnh đạo mình có tâm, có đức, cái cứt cũng quan tâm.
Hôm rồi về quê có nhìn thấy 1 vị lãnh đạo nếm phân, tôi tưởng là lãnh đạo đang ăn cứt. Tôi mới nói: Người như vậy sao ăn cứt. Lãnh đạo có phần giận và tức nên trả lời: Bố mày đang ăn cứt mà cứ nói chuyện cứt với đái ghê bỏ mẹ.
NỢ CỨT …
Ngày đó hợp tác xã ở miền Bắc VN xã hội chủ nghĩa ra một chiến dịch thu gom phân bắc (cứt người), mỗi gia đình một tháng phải đóng đủ mười cân, nếu không đóng đủ thì bị cắt gạo. Thật là một chiến dịch có một không hai trong xã hội loài người. Vậy nên, khi chiến dịch ra đời, cái cầu tiêu trở nên vô cùng quan trọng và cấp thiết. Người người, nhà nhà mua xi măng mua gạch về xây cầu tiêu. Cầu tiêu phải làm bằng xi măng thì cứt mới không bị phân huỷ, chứ ỉa xuống đất vài ngày là bọ hung ăn hết, lấy gì mà đóng cho nhà nước. Vậy nên, cái cầu tiêu quan trọng hơn cái nhà.
Chuyện ỉa đái lúc này cũng cực kỳ quan trọng, dù ai đó có bị tào tháo rượt ở đâu thì cũng phải nhanh nhanh ba chân bốn cẳng chạy thẳng về cầu tiêu nhà mình mà giải quyết chứ để mất đi một cục là mất đi lon gạo chứ chẳng chơi. Nhiều người đi làm ngoài đồng, ngày trước, khi mắc ỉa thì chạy vô bờ, vô bụi làm đại cho xong, nhưng bây giờ, làm như vậy có mà đói chết. Vậy nên, phải tìm cách, có người làm đại vào bao ni lông, có người cuộn trong lá chuối, có người cẩn thận hơn đi vào trong cái càmèn đựng cơm để mang về cho an toàn mà đổ xuống cầu.
Có nhiều chuyện dở khóc dở cười trong chiến dịch này lắm, ai sống thời đó chắc biết. Khi chiến dịch ra đời thì cũng là lúc không biết bao nhiêu con chó phải chết. Chó chết vì đói, cơm khoai đã không có ăn, đến cục cứt cũng bị nhà nước dành mất thì lấy gì mà sống.
Nhà tôi có bốn người, một người lớn và ba đứa con nít, cố gắng lắm không để thất thoát cục nào, vậy mà đến tháng vẫn không đủ cân nộp, má tôi sai anh em chúng tôi đi tìm đá sỏi bỏ vào cho đủ. Khi mang lên cân người ta kiểm tra và phát hiện nhà tôi gian lận nên lập biên bản và làm kiểm điểm. Họ còn ghi rõ ràng trong biên bản gian lận như thế nào, có bao nhiêu cục cứt và bao nhiêu cục đá sỏi.
Quả đúng không sai, cái đời người nông dân u tối làm sao mà lừa được mấy ông nhà nước, mấy ông tinh vi vô cùng. Kết quả là nhà tôi bị cấm không cho nhận gạo một tháng. Trong một buổi họp người ta đưa tên má tôi ra kiểm điểm trước dân về việc gian lận lấy đá sỏi trộn với cứt để nộp cho nhà nước. Họ không cho má tôi phân bua gì hết. Nhưng không đành lòng nhìn cảnh con đói, bà đứng dậy thẳng thừng, dứt khoát.
Bà nói : “Việc tôi làm gian lận tôi chịu trách nhiệm trước toàn thể mọi người, nhưng các người nhìn đi thì cũng phải nhìn lại, nhìn ngược thì cũng phải nhìn xuôi, các người có nhìn vào nhà tôi không, nhà tôi có bốn người, một người lớn và ba đứa con nít, tôi thì suốt ngày đi làm ngoài hợp tác xã, có cục nào tôi đã ỉa ngoài hợp tác xã hết rồi, còn con tôi ở nhà, nó là con nít nó ăn bao nhiêu, ỉa bao nhiêu, nó ỉa ra cục nào chó lủm cục đó thì lấy đâu đủ cứt để mà nộp cho mấy ông. Vậy mà bây giờ mấy ông kiểm điểm tôi, cắt gạo thì lấy gì tôi nuôi con, lấy gì ăn để mà ỉa mà đem cứt nộp cho mấy ông.”
Nói gì thì nói, la gì thì la, nhà tôi vẫn bị cắt gạo tháng đó. Không còn gì khốn nạn hơn thế. Nói thiệt, đến bây giờ trong hồ sơ giấy tờ ở kho lưu trữ quốc gia thì nhà tôi vẫn còn một món nợ lớn với nhà nước mà không thể nào trả nổi, đó là nợ cứt.
Gia đình bạn nào được phân phát gạo là tốt lắm rồi nhá. Nhiều gia đình ở quê, chồng đi làm công chức và vợ sản xuất nông nghiệp Hợp Tác Xã thì các con ăn theo người Mẹ và không được gạo hàng tháng. Năm nào được mùa thì còn đỡ, nhưng hầu như là mất mùa. Ngày công được qui ra thóc. Nếu cuối năm HTX mà may nắm thì ngày công được 1kg lúa. Thử hỏi một người Mẹ có 5 đứa con mà mỗi ngày chỉ có 1kg thóc thì khoảng 1/2kg gạo là cùng.
Ôi ngày đó bọn chúng tôi lớn lên ở Miền Quê của Chế độ " Xã Hội Chủ Nghĩa " mà ngay cả trong mơ cũng mong có được một bữa ăn no, đêm ngủ phải tỉnh giấc canh chừng người khác vô vườn đào trộm củ chuối. Xã hội đói khổ nghèo hèn, tạo cho người dân bần tiện vô cùng. Nhiều người khi cho lợn (heo) của HTX ăn và đói quá họ đã bốc cám của lợn (Heo) để ăn và bị bắt ra kiểm điểm trước cuộc họp của cả HTX.
Trẻ con thì cứ mong người già của mấy người lãnh đạo và giầu có chết, vì khi đó trẻ con đến giả khóc sụt sùi hay là do đói khóc.... nhưng gia đình người ta tưởng là thương nhớ người quá cố thì cho ăn bữa cơm no. Nhiều thằng trẻ thông minh thì dọn dẹp tiếp ở bếp để được bữa ăn. Ôi, cái chế độ mà nhiều người ngủ cũng mơ mong được bữa ăn no.
Đi cày mà hấng được một bãi cứt trâu thì thật là một niềm sung sướng vô cùng. Khi đi cày người Bắc thường đội nón cối (Nón nhựa của người Bắc thường dùng) và khi trâu ỉa, người đi cày lấy vội mũ cối trên đầu để hấng bãi cứt trâu. Nhiều người lỡ đụng quá mạnh vô dái của trâu làm nó sợ không ỉa nữa và mất bãi cứt trâu, lòng buồn khóc hu hu hu huuu...
Đến giờ này nếu ai chứng kiến cảnh đó thì cũng không hiểu được họ khóc vì mất bãi cứt trâu hay khóc cho một chế độ điêu tàn ....... Rồi xẩy ra chuyện trộm cứt, đánh nhau vì cứt. Hai người tranh nhau một bãi cứt trâu cũng đánh nhau ra xã giải quyết .....
Nghĩ lại thật là rùng rợn cho một XH tối tăm.
Lê Hồng Song
Đỗ Hứng gởi