Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
"Phố Cô Đầu" Khâm Thiên Hà Nội


Tại sao phố lại có tên là Khâm Thiên, đó là vì phố lấy tên từ một trạm quan trắc chuyên đo đạc mây mưa, ánh nắng mặt trời và làm lịch tên là Khâm Thiên Giám ở gần phía đầu ngõ chợ, vốn là một con đường lầy lội chỉ một xe bò kéo lổn nhổn đá qua làng không có gì đáng kể, hai bên còn hồ ao, bãi tha ma, ruộng rau muống, ao bèo, làng lui sâu vào bên trong.. Thế nhưng tới năm 1915, đường được mở hơn 1km, con phố với những đường ngõ ngoằn nghèo này nhanh chóng lại trở thành điểm nóng “vui chơi” số một Hà Thành với gần 40 quán hát với 200 đào hát, 5 tiệm nhảy với trên 50 đào nhảy xinh đẹp mê hồn.
 
Trước đó, phải ngược dòng lịch sử về 500 năm trước vào thế kỷ thứ XV, sau khi cây đàn đáy do Đinh Lễ (hay Đinh Dự theo một số Giáo phường) sáng chế ra để nói về hát ả đào (hay còn gọi là hát ca trù, hát cô đầu hay hát nhà tơ). Hát ca trù là dạng nghệ thuật biểu diễn dùng nhiều thể văn chương như thể phú, thể truyện, thể ngâm, nhưng thể văn chương phổ biến nhất là Hát nói.
 
Ả đào thì luôn gắn liền với các đào nương "không có đào nương bất thành ả đào, khi nói đến ả đào không thể không nói tới đào nương". Để trở thành một đào nương hay còn gọi là ca nương cũng không phải là chuyện dễ, phải hội được nhiều tiêu chuẩn khắt khe như giọng hát, năng khiếu âm nhạc (thẩm âm, gõ phách), tri thức âm nhạc và văn thơ, lòng đam mê và kiên trì...
 
Phố Khâm Thiên thời Pháp thuộc vốn thuộc huyện Hoàn Long tỉnh Hà Đông. Mà sau việc các quán hát tại Hàng Giấy trong nội thành Hà Nội khi đi qua bốt Hàng Đậu rất hay bị cảnh binh Pháp to cao “hỏi thăm”; các quán hát ở Thái Hà ấp thì thường xuyên bị tên Tiến con trai Trần Vương trùm du côn đến quấy phá nên các quán hát sang trọng nhất Hà thành cùng các cô đào mới chọn Khâm Thiên làm căn cứ lập quán mới. Các cô đào ngoài kỹ năng đàn giỏi hát hay điêu luyện, nắm vững nhịp sênh phách thì quan trọng nhất là phải biết chiều khách, biết lắng nghe khách, biết đưa đẩy cho câu chuyện êm tai, biết châm thuốc phiện cho khách để đời thêm hư ảo.
 
Có người nói đào nương tương tự như loại hình Geisha của Nhật Bản, nhưng thú chơi này nó không tầm thường như cuộc chơi về thể xác, nó là một loại hình “giao lưu” về tinh thần, những người đàn bà đẹp tìm mọi cách để xoa dịu những uẩn ức trong tâm hồn của những người đàn ông tới quán.
 
Tự cổ buồn chung kiếp xướng ca
 
Mênh mông trời đất vẫn không nhà
 
Nàng ơi, mưa đấy hay sênh phách
 
Tay yếu gieo lòng xuống chiếu hoa
 
Tối lên chếnh choáng ánh đèn dầu, tiếng sênh tiếng phách tiếng nỉ non, nhập nhoạng trong khói loang mờ ảo, quyến rũ thơm lừng hương đào nương. Khách tới với Khâm Thiên phần lớn là những người đàn ông có tiền muốn tìm không gian riêng cho mình, từ ông Tổng lý lái buôn tới cánh tài xế chạy xe nên mới có câu:
 
Giầu ra Khâm Thiên.... Ít tiền ra Vạn Thái Ngứa d..ái ra Ngã tư Sở
 
Nổi tiếng nhất trong đám thường xuyên lui tới Khâm Thiên vẫn là giới văn nghệ sĩ. Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Phùng Bảo Thạch, Vũ Đình Chi, Nguyễn Triệu Luật, Lưu Văn Phụng, Vũ Liên, Ngô Tất Tố … đều mê mệt nơi này. Những bài viết sâu sắc với những từ ngữ đẹp nhất dùng để miêu tả, ngợi ca nghệ thuật ca trù của Phạm Quỳnh, Nguyễn Xuân Khoát, Ngô Linh Ngọc đều bắt nguồn từ đây.
 
Nhạc của Nguyễn Văn Thương, thơ của Vũ Hoàng Chương, Trần Huyền Trân cũng lấy cảm hứng ở chỗ này. Thậm chí nhà văn Nguyễn Tuân còn để lại một “tình sử” xúc động giữa ông với bà chủ nhà hát họ Chu tài sắc ở phố Khâm Thiên. “Bà Chu nổi tiếng là người tài hoa và có duyên nhất “xóm Khâm Thiên” ngày ấy.
 
Bà quý trọng chiều chuộng Nguyễn Tuân nhất mực. Có những thời kỳ Nguyễn Tuân đến ở lại nhà hát tháng này qua tháng khác. Khi bà Chu có khách mời đi hát ở tỉnh xa đôi ba ngày, bà gửi gắm nhờ các chủ nhà hát khác đến hát cho Nguyễn nghe và trông nom ông chu đáo. Cũng có lúc ông từng định cưới bà Chu làm vợ bé... Ngày giỗ Tổ nghề hát, ông cũng tuân thủ tục lệ, sắm mâm lễ vật với khăn đóng áo thụng, theo bà Chu đến lễ Tổ...
 
Chủ của các quán hát Khâm Thiên hầu như đều xuất thân từ cô đầu, khi kiếm được một người đàn ông giàu có thì sẽ tìm cách để họ đổ tiền ra làm quán cho mình. Vì vậy họ có thể là nhân tình của một quan lớn An Nam hoặc là một quan Pháp nào đó bị mê hoặc.
 
Trong các tiệm hát nổi tiếng, thì nổi tiếng nhất có thể nói tới tiệm của Cô Đốc Sao.
 
Cô Đốc sinh năm 1898, quê ở Hưng Yên. Thời trẻ, không ai biết tên thật của cô Đốc Sao là gì, chỉ biết người chồng đầu tiên và duy nhất của cô là bác sĩ người Hoa tên là Lưu Nam Sao (Lầu Màn Sầu) vì thế người ta gọi cô là cô Đốc Sao. Cô Đốc Sao có một thân hình đầy đặn, phồn thực và một gương mặt mà khiến bất cứ người đàn ông nào nhìn vào cũng không thể nghĩ đến gì khác. Cô Đốc Sao có giọng hát ca trù hay, 14 tuổi nhan sắc đã đã rực rỡ như thiếu nữ 18 nên trở thành một cô đầu có tiếng, khiến nhiều người đàn ông say mê. Thời đó, trong số những người thường xuyên đến nghe cô Đốc Sao hát, có bác sĩ người Hoa Lầu Màn Sâu – Lưu Nam Sao. Bác sĩ người Hoa này hơn cô Đốc sao nhiều tuổi, đã góa vợ và mê cô Đốc Sao như điếu đổ.
 
Ông đã bỏ không biết bao công sức, tiền của để chinh phục cô Đốc Sao và cuối cùng cũng nhận được cái gật đầu đồng ý làm vợ của cô Đốc Sao. Tuy nhiên bác sĩ Lầu Màn Sầu yểu mệnh. Lấy nhau được vài năm, ông đã bị bệnh nặng qua đời.
 
Ở tuổi thanh xuân phơi phới, cô Đốc Sao trở thành góa phụ. Được thừa kế gia sản của chồng, cô Đốc Sao không còn phải sống cuộc đời khó khăn, vất vả trước đây. Cô mở một nhà hát cô đầu ở ngay phố Khâm Thiên và trở thành bà chủ sang trọng.
 
Cô Đốc Sao không chỉ xinh đẹp mà còn khiêu vũ rất đẹp.
 
Nhiều khách đến nhà hát của cô chỉ để được chiêm ngưỡng những bước nhảy mê hoặc của cô trên sàn khiêu vũ và mơ được một lần nhảy cùng người đẹp.
 
Cô Đốc Sao cũng biết lợi thế nhan sắc của mình. Mỗi tối cô chọn nhảy với vài người khách. Ai được nhảy cùng với cô Đốc Sao đều coi đó là diễm phúc lớn của họ. Vì thế mà nhà hát cô đầu của cô Đốc Sao ngày càng đông khách và lấy hết khách của các nhà hát cô đầu khác.
 
Nhà hát này chuyên chọn gái mười lăm-mười sáu tuổi con nhà nghèo ở nông thôn có dáng đẹp, mặt xinh và thông minh rồi thuê người dạy tí ti ca trù, dăm ba câu tiếng Pháp.
 
Đốc Sao cũng huấn luyện các cô biết uốn éo, cợt nhả với khách.
 
Lại cho dùng hàng phấn sáp của Pháp, tơ lụa tốt. Vì thế trông cô đào của tiệm Đốc Sao mơn mởn. Váy áo của con hát ở nhà hát của Đốc Sao cũng được thiết kế riêng. Con hát nhà Đốc Sao có kỷ luật, cấm không nói chuyện riêng và cười với nhau trước mặt khách. Ra phố ban ngày có xe tay của nhà chủ đưa đi vừa để kiểm soát vừa làm sang. Đốc Sao có nhiều cô đào đẹp và khéo như Uyên, Xuyến, Phượng...
 
Tuy đã qua một đời chồng, nhưng cô Đốc Sao vẫn có nhan sắc rỡ không kém bất cứ thiếu nữ chưa chồng nào. Nhiều quan chức, nhiều công tử chưa vợ, con nhà gia thế, trẻ tuổi hơn cô Đốc Sao cũng say mê cô như điếu đổ và mơ ước được lấy cô làm vợ. Có những người khi tỏ tình với cô Đốc Sao đã nói được nên vợ nên chồng với cô Đốc Sao, hoặc được ở bên cô Đốc Sao một đêm, cũng là hạnh phúc lớn nhất đối với cả cuộc đời họ.
 
Tuy nhiên cô Đốc Sao lại chỉ chọn duy nhất một người để yêu, sau người chồng đã khuất của mình, đó chính là nhà báo Hoàng Tích Chu – nhà báo nổi tiếng của Việt Nam đầu những năm thế kỷ XX.
 
Hoàng Tích Chu sinh năm 1897 tại làng Phù Lưu, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh trong một gia đình quan lại. Cha ông là Hoàng Tích Phụng, một thời làm tri phủ. Những năm thiếu thời Hoàng Tích Chu theo học chữ Hán, cũng đã từng lều chõng đi thi, những khoá thi cuối cùng của nền học chữ nho nhưng không đậu.
 
Gia đình ông cũng có phần nào ngậm ngùi, nhưng lại may mắn cho cuộc đời của ông. Tuổi trẻ nhạy cảm, Hoàng Tích Chu quay sang học chữ Pháp. Năm 1921, ông đã giúp việc cho toàn soạn Nam Phong, một tạp chí lớn lúc bấy giờ. Ngày 15 tháng 7 năm 1921, báo Khai hoá ra đời, do nhà tư sản dân tộc Bạch Thái Bưởi, một trong 4 người giầu nhất Việt Nam lúc đó, một nhà tư sản mới có ý thức dân tộc mạnh mẽ sáng lập. Hoàng Tích Chu được Bạch Thái Bưởi chọn làm chủ bút. Ông bắt đầu ký tên Kế Thương trên các bài báo (ý nói kế liền nhà Thương là nhà Chu trong lịch sử Trung Quốc). Với bút danh này, Hoàng Tích Chu làm cho giới báo chí và người đọc chú ý đặc biệt.
 
Một năm sau, ông từ biệt báo Khai hoá. Lúc này Hoàng Tích Chu nghĩ tới sang Pháp học nghề làm báo. Nhưng gia đình không có đủ tiền chu cấp cho ông du học. Năm 1923, Hoàng Tích Chu vào Nam Kỳ, nhờ người bạn làm dưới tàu thuỷ xin cho chân phụ bếp trên con tàu chạy sang Pháp. Do đó ông đã được qua Hồng Kông, Thượng Hải và Nhật Bản trước khi tới Pháp. Trong thời gian học tại Pháp, Hoàng Tích Chu và người bạn thân Đỗ Văn (sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm) hàng tháng nhận tiền trợ cấp của giáo sư trường Albert Sarraut, Lê Hữu Phúc gửi sang. Hoàng Tích Chu học nghề làm báo, Đỗ Văn học nghề in.  Khi về nước, Hoàng Tích Chu và Đỗ Văn đã thực hiện một loạt cải cách. Hoàng Tích Chu sử dụng lối văn mới, gọn gàng, sáng sủa, giàu lượng thông tin, khác hẳn lối văn cũ đã đem lại một luồng gió mát mẻ, đầy sinh khí, giàu chất sống cho văn phong báo chí lúc đó.
 
Bấy lâu nay các báo thường in xã luận dài dòng, chiếm hai cột ngang trên trang nhất, Hoàng Tích Chu viết xã luận ngắn gọn, sắc bén, hàm súc như khẩu hiệu. Trước kia, phần tin tức chỉ được in ở trang 2, 3, Hoàng Tích Chu cho in ở ngay trang nhất, tin quan trọng được in nổi bật, phản ánh tin sốt dẻo, kịp thời.
 
Ban đầu, những bài báo của ông bị chỉ trích, nhưng sau dần, rất nhiều tờ báo đã học theo cách làm báo của Hoàng Tích Chu. Ông cũng chính là người đã lập ra tờ báo Đông Tây, một tờ báo rất nổi tiếng của Việt Nam đầu những năm thế kỷ XX.
 
Là người mải mê theo đuổi sự nghiệp chữ nghĩa, con đường hoạn lộ lại không mấy suôn sẻ, nên Hoàng Tích Chu sống một cuộc đời rất nghèo túng. Tuy vậy ông lại là một người hào hoa, phong nhã, cử chỉ nho nhã, ăn nói dịu dàng, duyên dáng, khiến nhiều cô gái đem lòng yêu thương say đắm.
 
Trước khi sang Pháp du học, Hoàng Tích Chu từng có một cuộc tình say đắm với cô Vương Thị Phương – hay còn có tên gọi là cô Phượng Hàng Ngang – một trong bốn tứ đại mỹ nhân Hà thành.
 
Cô Phượng Hàng Ngang vì yêu Hoàng Tích Chu, đã bỏ chồng đi theo Hoàng Tích Chu vào Nam ra Bắc. Tuy nhiên cô Phượng lại không được bố của Hoàng Tích Chu chấp nhận, vì vậy cô buồn chán đi làm lẽ cho một người khác và bị bà vợ cả đầu độc chết.
 
Sau mối tình đau khổ với cô Phượng Hàng Ngang, nhiều năm trời Hoàng Tích Chu không yêu ai, cho đến khi đi học nghề báo về nước và gặp cô Đốc Sao, lúc này đã góa chồng trong một lần ghé thăm nhà hát cô đầu của cô Đốc Sao.
 
Thời điểm đó, tuy Hoàng Tích Chu không thể sánh với nhiều người đàn ông theo đuổi cô Đốc Sao, vì Hoàng Tích Chu chỉ là một nhà báo nghèo, sống bằng tiền nhuận bút, nhưng ông lại chinh phục người góa phụ xinh đẹp bởi sự thông minh, hiểu biết của mình.
 
Hoàng Tích Chu không chỉ giỏi làm báo, mà còn rất có khiếu về ca hát, về thời trang. Ông chính là người đã gợi ý cô Đốc Sao mở sàn khiêu vũ theo lối phương Tây trong nhà hát, là người đã dạy cô Đốc Sao nhảy đẹp nức tiếng như thế và cũng là người đã gợi ý, giúp đỡ cô Đốc Sao trong việc tuyển chọn các con hát và giúp cô Đốc Sao chọn trang phục cho họ.
 
Tuy không có tiền, nhưng Hoàng Tích Chu là người có công lớn trong việc giúp nhà hát của cô Đốc Sao ngày càng lớn mạnh. Cô Đốc Sao yêu Hoàng Tích Chu bằng một tình yêu kỳ lạ đến mức mê muội.
 
Đời kỹ nữ chẳng ai có khái niệm về hai chữ “chung tình”, nhưng từ khi gặp Hoàng Tích Chu, cô Đốc Sao cấm cửa tuyệt đối những người đàn ông khác.
 
Nhưng, không ai nói được chữ nhưng, đúng 30 Tết, thiên hạ đang nô nức chuẩn bị đón giao thừa, ông từ giã cõi đời trong ngày cuối cùng năm Quý Dậu (1933), khi mới tròn 36 tuổi (1897 - 1933).
 
Kể từ khi Hoàng Tích Chu mất, trong 3 năm trời, cô Đốc Sao chỉ mặc đồ đen và không hề cười nói bất cứ ai. Cũng kể từ đó, cô in danh thiếp ghi tên mình là “Bà Quả phụ Hoàng Tích Chu”. Cô cũng yêu cầu mọi người gọi cô với danh xưng đó.

Tâm niệm mình đã trở thành vợ của Hoàng Tích Chu, cô Đốc Sao ở vậy kể từ đó, không qua lại với bất cứ người đàn ông nào khác, để trọn vẹn mối tình với nhà báo nghèo Hoàng Tích Chu. 
 
 
____________

 
Đỗ Hứng gởi