Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
PHO - PHỞ
 
 
Truyện ngắn
Nguyễn Xuân Quang
 
Đặt chân tới quần đảo miền Tây Ấn, West Indies, đi từ Jamaica, xứ Rừng và Nước – theo ý nghĩa của tên gọi Jamaica – qua hàng chục đảo từ Bahamas, Haiti, Dominican Republic, Puerto Rico… đến Guadeloupe, Martinique, Trinidad… nhiều cảnh hải đảo nhiệt đới khiến Thuyên có cảm tưởng như quê hương, đất nước mình nới rộng ra, mở bung ra, quê hương giờ là thế giới, dân tộc giờ là nhân loại. Ở đây cũng có những con đường Công Lý La Justice, những con đường Tự Do La Liberté, cũng có nhà thờ Đức Bà Nôtre Dame, cũng có con sông mang tên Hồng Hà La Rivière Rouge…
 
Cả buổi sáng nhàn hạ đi rong chơi nơi hải đảo trong đầu chàng cứ luẩn quẩn nghĩ xem là bữa ăn trưa tới sẽ đi ăn ở đâu? Những ngày nghỉ hè nhàn rỗi ngoài rong chơi ra chỉ còn có ăn là cách duy nhất còn lại để tiêu khiển thì giờ, chẳng bù những lúc ở nhà làm việc như điên, như khùng, làm việc đến say, đến mê, đến ghiền, đến nghiện, làm việc đến workaholic, làm việc quên cả ăn uống. Có nhiều buổi sáng vừa lái xe vừa ăn điểm tâm, vừa lái xe vừa cạo râu, nhiều bữa trưa, bữa tối, vừa ăn vừa hội thảo, vừa ăn vừa bàn luận, vừa ăn vừa nghe phúc trình khảo cứu, ăn cơm tay cầm, ăn bốc, ăn bằng bát giấy, muỗng nĩa bằng nhựa. Có nhiều cuối tuần đẩy xe đi chợ thấy nhiều món thèm ăn mua về nhưng lại bỏ quên trong tủ lạnh đến thiu, đến thối, cuối cùng phải quăng đi. Làm việc đến độ dần dân mất cả bạn bè và những người thân quen, những kẻ vốn có số trời cho được nhàn nhưng không nhã, không đúng với chữ nhàn nhã!
 
Gần trưa đi ngang qua một đồn điền trồng dừa đã bỏ phế, đôi chân chàng như bị lôi cuốn, thu hút bước vào. Chàng chợt tìm thấy lại những cảm giác ngày nào đi rong chơi nơi vườn dừa Cửu Lợi, nơi Cấm An Sơn ở Tam Quan, nơi vườn dừa sông Lô bên dòng sông Lại, Bồng Sơn.
 
Đi sâu mãi vào trong, theo con đường mòn như con đường xóm làng, chàng khám phá ra một một căn nhà có kiến trúc kiểu Địa Trung Hải. Một tiệm ăn. Quán nằm hiu quạnh giữa rừng dừa, chàng chưa hề nghe nhắc tới tên. Thuyên e ngại không muốn mạo hiểm bước vào.
 
Chàng đã phiêu lưu gần hết các quán, các tiệm ăn trên đảo, mỗi bữa đổi một tiệm. Hầu hết những quán ăn trên đảo này phần lớn là những quán cơm Tây, cơm Mỹ, phần còn lại bán cơm bản xứ với thức ăn đượm mùi dầu dừa kiểu hải đảo và những món thịt dê nướng, nấu cà ri… Những món hải vị dùng với loại nước chấm nổi tiếng vùng Caribbean là sauce creole mà dân địa phương gọi là ‘sốt chó’, ‘sauce chien’. Có một tiệm cơm Tầu chàng đã ăn thử nhưng không giống Tầu ở đâu cả. Có lẽ một chú Tầu ô nào đó gốc gác là giặc khách, giặc cờ đen, hải tặc lưu lạc tới đây rồi hoàn lương ra mở tiệm nấu ăn và truyền lại cho con cháu.
 
Mới cách đây vài ba ngày chàng cũng đã ghé qua một tiệm ăn Việt ở khu Grand Case trên đảo Saint Martin. Tiệm ăn có một món rất hấp dẫn. Đó là cái thư viện sách Việt Nam bỏ túi!
 
Càng tiến lại gần, chàng càng cảm thấy cái quán có một cái gì êm ái, thân quen. Căn nhà gạch mường tượng như những căn nhà gạch nửa Tây nửa Việt thấy ở một nơi nào đó ở Đà Nẵng, Nha Trang, Vũng Tầu…. Vách gạch, tường vôi trắng, mái lợp ngói mầu cam, hàng hiên có lan can vẽ trang trí hoa bướm, giàn hoa giấy rực nắng buông xõa từ trên mái cao xuống gần tới mặt đất. Dọc lối vào mấy cụm mẫu đơn, hoa vạn thọ, hoa nhài, bông bụp nhung đỏ mở bung ra đón nắng hải đảo. Bên hông tiệm, cây phượng vĩ flamboyán hoa rực lửa. Xa hơn, cây me, mấy cây xoài, phía sau nữa là vườn chuối, bụi mía, mấy cây đu đủ paw pay, khóm lan leo vanilla, đó đây bụi cà phê…
 
Tấm bảng gỗ khắc tên tiệm đã mục rã vì năm tháng, mưa gió khiến mấy chữ Restaurant Violetta lem nhem không rõ nét.
 
Bỗng dưng không chủ tâm mà chàng bước vào quán. Đặt chân vào quán, chàng thấy cũng không đến nỗi tệ. Bên trong trang trí đơn sơ mộc mạc nhưng khoáng đãng. Chàng chọn một cái bàn ngồi bên cửa sổ nhìn ra biển. Bàn ghế bằng mây đen, cái quạt trần cánh gỗ gợi nhớ thời Pháp thuộc ngày nào.
 
Người đàn bà da đen bản xứ, có lẽ là chủ quán, đang ngồi ngủ gật trong chiếc ghế mây rộng vành bên quầy trả tiền, choàng thức dậy. Bà chầm chậm đứng dậy gần như không muốn đi ra tiếp chàng. Sự nhàn hạ gần như lười biếng kiểu dân hải đảo, mặc dầu đang đi nghỉ hè, chàng cũng thấy phí thì giờ, có lẽ nhịp sống siêu tốc độ ở Mỹ đã ngấm vào đầu óc da thịt chàng quá đậm rồi. Bà ta chào chàng bằng tiếng Pháp với giọng hải đảo ‘lô can’:
 -Bon dia.
 -Bonjours.
 
Có nhiều đảo ở vùng quần đảo Caribbean này đã từng là thuộc địa lần lượt của Pháp, Tây Ban Nha, Anh, Hòa Lan… dân đảo nói pha trộn rất ba dọi, nửa nạc nửa mỡ như Bon Dia, Bon Nochi, Pa Conay (Pas connaître). Bà ta ném tấm thực đơn xuống trước mặt chàng rồi bỏ đi.
 
Thuyên chậm rãi mở thực đơn ra, đưa mắt dò từng dòng. Thực đơn viết bằng tiếng Pháp và Tây Ban Nha, đều là những món chàng đã ăn qua nhiều mấy ngày nay rồi. Chàng muốn tìm một món lạ. Lạ nhưng không quá bản xứ. Một lần gọi nhầm và không dám ăn thử món tatoo, cắc kè, kỳ nhông chiên ròn. Chàng dừng mắt lại ở đám sò ốc, muốn lựa một món nhưng phân vân không biết nên ăn thử cháo ốc, salad ốc hay ốc chiên lăn bột. Một điều chàng biết chắc chắn là ốc ở đây khó có thể ngon bằng ốc ở quán Con Ốc Tù Và Nứt Cracked Conche được.
 
Thuyên bỗng nổi da gà. Chàng nhìn kỹ lại. Ở một góc thực đơn có chữ Pho. Chữ Pho không có dấu. Phở chăng? Làm gì có phở trôi dạt đến cái hải đảo nhỏ bé tí ti giữa vùng biển Tây Ấn này, mà lại ở trong một cái quán nửa Tây, nửa bản xứ như vầy. Chàng dò hết thực đơn rồi lại lật lại trang có chữ Pho mở ra để trước mắt dưới bàn ngồi nhìn chầm chập vào chữ Pho như thể muốn đoan chắc đó là sự thật.
 
Một lúc sau người đàn bà da đen lại từ từ lê chân ra tiến tới phía chàng trông có vẻ còn buồn ngủ, không có bút cũng không cầm giấy để viết món ăn khách gọi.
 
-Ông dùng gì?
 
Thuyên nhìn xuống thực đơn, xem thử chữ Pho còn đó hay không? Hay đây chỉ là ảo ảnh trên hải đảo. Chữ Pho vẫn còn nguyên trong thực đơn.
 -Món này bà đọc như thế nào?
 -Fo.
 -Món đó là món ăn bản xứ?
 
Người đàn bà chủ quán trả lời rất tỉnh:
 -Ai mà biết được. Hình như thế!
 
Thuyên gặng hỏi:
 -Tại sao lại hình như thế?
 -Đó là món gia truyền, có từ thời quán này mới mở.
 
Người đàn bà bước tới, bước lui tỏ vẻ bực tức ra mặt làm Thuyên thấy nôn nóng, bất an nên gọi đại cho xong.
 -Vậy bà cho tôi một tô.
 
Gọi xong chàng thở dài. Chàng cũng không hiểu sao mình lại thở dài.
 -Hơi lâu một chút ông chờ được không?
 -Lâu là bao lâu?
 -Hơn một tiếng đồng hồ. Ông có thể xuống biển tắm xong rồi lên ăn cũng thừa thì giờ. Món này phải nấu cho kỹ ăn mới ngon.
 
Thuyên có cảm tưởng người da đen muốn từ chối khéo, chàng đâm nghi ngờ, muốn rút lại sự mạo hiểm của mình.
 -Có phải Pho nấu bằng bánh làm bằng bột gạo với thịt bò…
 -Không. Nấu với thịt gà.
 -Không có Pho bò à?
 
Người đàn bà cười chế riễu:
 -Ai mà nấu Fo với thịt bò!
 -?
 
Thuyên thầm nghĩ thịt bò ở đây, ngoài hải đảo đắt quá nên dân địa phương ít ăn tới.
 -Nếu ông muốn nhanh hơn, ông có thể dùng Fo thịt dê.
 -Sao vậy?
 -Thịt dê đã có sẵn, còn thịt gà phải đi bắt gà mới làm được.
 
Thuyên vội vàng xác định:
 -Chờ lâu cũng được, tôi cũng chẳng có chuyện gì gấp phải làm, đang nghỉ hè mà. Pho gà. Xin bà cho Pho gà.
 -Ông cần gì nữa không?
 -Một Pho gà, một tapis vert.
 
Người đàn bà bỏ đi. Thuyên lắc đầu, nhìn ra biển cười vu vơ với sóng nước. Chàng nghĩ bụng chắc có nhiều bất ngờ. Thuyên đưa mắt nhìn khắp trong tiệm, không có một thực khách nào ngoài chàng giờ này. Đồ đạc, cách trang trí trong tiệm giống hệt một quán ăn Tây bậc trung ở quê nhà.
 
Người đàn bà mang ly rượu tapis vert ra để xuống trước mặt chàng rồi vội quay đi, Thuyên vội vã nói giữ chân bà lại :
 -Xin lỗi bà, hơi đường đột một tí…
 -Có chuyện gì nữa ông?
 -Bà bảo món Pho đó là gia truyền như thế có nghĩa là nó có từ đời…
 -Từ đời ông cố, ông nội tôi.
 
Nói xong người đàn bà vội vàng bỏ đi xuống bếp. Có thêm ly rượu nên quán bớt hiu quạnh, trống vắng. Tò mò kích thích khẩu vị rượu, rồi rượu lại kích thích tò mò. Chẳng mấy chốc chàng uống cạn ly rượu.
 
Ngoài kia có một chút biển ngọc bích trong veo Vũng Rô, Đại Lãnh, có cát biển trắng muốt Cam Ranh, có cầu đá Nha Trang, có hàng thùy dương bãi biển Thanh Bình, Đà Nẵng, có ghềnh đá Ghềnh Ráng, Qui Nhơn, có hàng cây bàng Bãi Trước, Bãi Sau, Vũng Tầu, có hàng dứa dại bãi Côn Sơn…
 
Những căn nhà hải đảo thấp lè tè, những lâu đài bằng đá tí hon nấp sau những sườn đồi, hay tụt xuống khe núi để tránh dông bão biển nhiệt đới. Những cánh cửa sổ, những mái vẽ hình trang trí đặc thù nét Caribbean. Vách tường trát kiểu pastel. Những hàng hiên trang hoàng bằng gỗ chạm, gỗ khắc. Những veranda phủ kín hoa rực rỡ. Tất cả trông như những ngôi nhà trong truyện thần tiên, trông ở xa giống như những ngôi nhà của smurf.
 
Ngang lưng đồi cỏ xanh mướt mới mọc sau những cơn mưa, nổi bật lên hàng ngàn những tảng đá lom khom. Nhìn kỹ một lúc những tảng đá từ từ xê dịch. Hàng ngàn, hàng vạn những con dê, con cừu. Dê ở đây đông hơn người. Một số đang chăm chỉ làm vườn ‘xén cỏ’ trên lưng đồi. Một số nằm nghỉ phơi nắng ‘nhai trầu’. Một bầy khỉ đùa giỡn trên cành cây. Một vài con có lẽ ham trác tác chơi đêm, thức khuya dậy trễ đang cầm gáo dừa nhẩy xuống đất vắt sữa dê để uống điểm tâm muộn. Những con dê căng vú sữa đứng yên, thoải mái để cho những chú khỉ vắt sữa. Một con chim rất lạ mà một lần chàng đã hỏi dân bản xứ là chim chi chi rứa? Họ trả lời là chim Chi Chi. Con chim Chi Chi đang rỉa lông trên cành phượng vĩ, hưởng cái nhàn hạ, thanh bình của buổi trưa thiên đường hải đảo.
 
Mùi nước lèo từ bếp xông lên. Thuyên hít mạnh đánh hơi. Mùi rượu quyện theo mùi bạc hà làm cho khứu giác chàng tinh thông, bén nhậy hơn. Có mùi gừng. Đúng là mùi phở gà rồi!
 
Khi ly rượu cạn hết, người đàn bà da đen bưng tô thức ăn ra để xuống trước mặt chàng. Thuyên mở lớn mắt nhìn.

Mấy miếng thịt gà bầy trên mặt, bên dưới có một búi sâu làm bằng bột mầu cháo lòng, nâu đen. Những sợi bột to nhỏ, có chỗ thon nhỏ, thắt eo, có chỗ phình lớn ra trông như một búi giun đất. Nước ‘lèo’ đục ngầu, váng mỡ, đặc sền sệt như nước xào. Không thể là Phở. Chỉ có thể là Pho hay Fo mà thôi. Có thể là món Phở trôi dạt tới đây, sau bao nhiêu dông tố, bão biển đã bay mất cái dấu ơ và dấu hỏi. Thoang thoảng có mùi thịt gà, mùi gừng, mùi hành cũng có vẻ có tí mùi phở gà. Người đàn bà da đen để chai maggi xuống bàn, thấy Thuyên cứ ngồi đực ra nhìn tô thức ăn, biết chàng tỏ ý chê bai.
 -Ăn đi chứ! Còn chờ đợi gì nữa?
 
Người chủ quán vừa ra lệnh cho chàng.
 -Ơ hay, ăn hay không mặc tôi, miễn là tôi vẫn trả tiền đầy đủ cho bà thì thôi.
 -Dĩ nhiên là ông phải trả tiền rồi, nhưng ông phải ăn. Tôi làm cho khách ăn hơn là lấy tiền.
 -Tôi hơi ngạc nhiên vì nó thấy hơi khác…
 -Làm gì có ai khác ở đảo này nấu được món Fo này mà ông bảo là khác.
 -Tôi muốn nói khác với ở nhưng nơi khác.
 
Mắt người đàn bà long sòng sọc như mắt mụ chằng tinh khiến chàng phải tìm cách xoa dịu.
 -Xin bà một miếng chanh và một quả ớt.
 -Ai đời lại ăn Fo với chanh bao giờ!
 -Tôi thích thế.
 
Người đàn bà vùng vằng bỏ đi. Khi trở ra ném cái đĩa có miếng chanh và mấy quả ớt chỉ thiên xuống trước mặt chàng rồi đứng chống nạnh ngay bên cạnh chàng. Mụ đứng như một bà mẹ đứng xét nét, canh chừng xem thằng con có chịu ăn không hay là sẽ bị ‘đét đít’. Chàng muốn đuổi mụ đi chỗ khác, chứ mụ đứng kè kè bên cạnh thì là sao chàng có thể nuốt nổi. Khuôn mặt chằng lửa đây vẻ dọa nạt, đàn áp như muốn bảo ‘có ăn không nào’.
 -Bà có tương ớt không?
 -Không có. Sao ông đòi hỏi nhiều thế?
 
Chàng không dám ngẩng lên, cúi nhìn bát Pho, thở dài. Thuyên rốc muối tiêu ra cái đĩa rồi vắt chanh vào. Nghĩ bụng ăn thịt gà chấm muối tiêu chanh chắc chắn nuốt được. Quả thật thịt gà hải đảo thả rong ăn rất thơm, thịt dai giống như thịt gà rừng, thứ gà rừng chàng đã đi săn bắn được trong những khu rừng bãi tập quân sự ở trung tâm Huấn Khu Dục Mỹ, Khánh Dương ngày trước. Chàng thò đũa nhúng ‘nước lèo’ đưa lên mút thấy cũng thơm ngọt đượm mùi gừng tuy có vị xào nhiều hơn. Chàng gật gù khiến người đàn bà mát ruột, hai tay đang chống nạnh, từ từ bỏ xuống. Thuyên gắp một con giun bột đưa lên miệng cắn. Con giun bột dẻo như bột lọc.
 -Bánh này làm bằng bột gì vậy?
 -Bột manioc.
 
Thuyên nhận ra vị nồng của bột khoai mì của thứ bánh dây ở Bình Định. Có một điều lạ là lúc nẫy chàng mới có cảm giác ở bãi biển Cửu Lợi, Tam Quan, Bình Định, bây giờ lại được nếm bánh dây làm bằng bột củ mì, củ sắn, món ăn nhà nghèo của dân quê Bình Định.
 -Ngon lắm!
 -Cám ơn ông. Ông phải ăn mới biết ngon chứ!
 
Chàng bắt đầu xúc từng muỗng ăn. Người đàn bà vui vẻ bỏ đi. Thuyên nghĩ bụng phải ăn hết, bỏ dở chắc khốn khổ với mụ này. Hèn gì quán của mụ chỉ có một mình chàng là thực khách.
 
Một lúc sau người đàn bà đem ra cho chàng một ly nước đá lạnh.
 -Hôm nay ông gọi Fo, tôi nhận lời vì tôi nẩy ra ý kiến là nấu cho cả nhà ăn chiều nay đấy.
 -Xin lỗi bà, tôi hơi tò mò một chút, xin hỏi bà câu này.
 -Ông cứ tự nhiên.
 
Người đàn bà đáp ứng cởi mở.
 -Trong dòng tộc nhà bà có ai là người Việt Nam không?
 -Tôi đây chứ còn ai nữa!
 
Thuyên ngậm ngay miệng lại. Đám giun bột củ mì lòng thòng ở miệng, ngo ngoe. Chàng cắn vội cho đám giun đứt rời ra rơi lõm bõm xuống bát, rồi nhai trệu trạo, nuốt nhanh miếng thức ăn trong miệng.
 -Bà là người Việt Nam à?
 -Ông không tin sao?
 
Thuyên ngần ngừ một lúc.
 -Tin chứ. Hồi trước ở Việt Nam bà ở đâu?
 -Tôi chưa về Việt Nam, tôi ao ước mãi nhưng chưa được về thăm.
 
Nhìn làn da đen bánh mật, Thuyên chất vấn thêm:
 -Bà nói tiếng Việt được chứ?
 -Không. Thật ra tôi chỉ có dòng máu Việt Nam trong người.
 -Cha hay mẹ bà là người Việt?
 -Ông cố, ông nội tôi là người Việt.
 -Mời bà ngồi nói chuyện.
 
Thuyên chỉ chiếc ghế trước mặt, nhưng người đàn bà kéo chiếc ghế ở bàn bên cạnh ngồi xuống. Thuyên nhớ lại cử chỉ của người đàn bà lúc nẫy, nghĩ bụng dữ như bà chằng thế này thì chắc có dòng máu Việt đứt đuôi con nòng nọc rồi.
 -Ông nội tôi là người hoàng tộc. Hồi đó cụ chống lại người Pháp, rồi bị đưa đi đầy ở một hòn đảo ở Ấn Độ Dương…
 -À ra thế.
 -Cụ ở tù một thời gian dài cho tới khi chính thể ở Pháp thay đổi, cụ được giảm án và được viên toàn quyền ở đảo đó đem ra cho làm bồi bếp. Sau đó ông ta qua đây và đem theo ông cụ…
 
Ông cứ tiếp tục ăn đi chứ.
 
Sợ người đàn bà không kể tiếp, chàng làm bộ ngoan ngoãn ăn tiếp.
 -Ông nội tôi sau đó lấy một phụ nữ gốc ở đây sinh ra cha tôi. Cha tôi học được nghề nấu ăn Tây của cụ nên mở tiệm ăn này. Món Fo này truyền từ thời ông nội tôi cho tới đời tôi bây giờ…
 
Hồi nẫy thấy ông có vẻ chê không ăn, tôi hơi bực mình. Ít khi chúng tôi nhận nấu món đó cho khách ăn, hôm nay không hiểu sao tôi lại muốn nấu cho cả nhà ăn…
 
Thuyên nhìn kỹ người đàn bà da đen, tóc`xoăn tít. Một công tằng tôn nữ. Đúng hơn, với làn da đen của bà, một công huyền tôn nữ. Một công huyền tôn nữ có mang dòng máu Cần Vương, ái quốc trong người.
 -Chồng tôi cũng là người Việt.
 -Vậy à, ông có nhà không bà?
 -Ông tôi cùng con gái tôi đưa đám du khách ra hang dơi từ sáng, chập nữa mới về.
 
Người đàn bà đi vào trong, lợi dụng lúc này chàng nuốt vội phần còn lại của tô Pho. Cố nuốt nhanh khỏi miệng để khỏi ớn. Một lúc sau người đàn bà đi ra mang theo cuốn album gia đình đưa cho chàng xem.
 -Đây là cha tôi.
 
Nhìn tấm ảnh đã phai mầu, mặt láng tấm ảnh đã tróc từng mảng như lớp vữa trên tường đã bong ra. Trên nền hình bầu dục, người đàn ông đen như dân hải đảo, tóc cũng hơi quăn, chỉ có con mắt còn phảng phất nét Á châu.
 -Còn đây là chồng tôi.
 
Chàng muốn ré lên cười và hét lên ‘lão này mà là người Việt Nam sao?’ nhưng chàng cố giữ lại được. Chàng vội vàng nói để chuyển ý:
 -Cô này là con gái bà phải không?
 -Phải.
 
Bức ảnh chụp trong ngày hội. Người con gái ăn mặc hóa trang thành một Diablesse Martiniquaise. Nàng đeo mặt nạ.
 
Thấy chàng ăn hết thức ăn, người đàn bà tỏ ra hài lòng:
 -Fo ăn được phải không? Tại sao lúc đầu ông lại chê?
 -Tại tôi nhìn thấy hơi khác.
 -Ông ăn ở đâu?
 -Ở Việt Nam, ở Mỹ, ở Pháp…
 -Ông là người Nhật phải không?
 
Thuyên phân vân không biết có nên nhận mình là người Việt hay không. Chàng chỉ sợ người đàn bà da đen mất cái hạnh phúc, mất cái hào quang về món Pho của mình. Một lúc sau chàng nói nhỏ nhẹ:
 -Tôi cũng là người Việt Nam.
 
Người đàn bà trợn tròn đôi mắt đứng thẳng người lại, ngả đầu qua bên để ngắm chàng cho rõ hơn.
 -Ông mà là người Việt Nam à?
 -Bà không tin sao?
 -Người Việt sao trông ông vàng khè!
 -Phải. Người Việt cũng có người da vàng.
 
Người đàn bà thu dọn.
 -Ông dùng cá phê không? Có cà phê rum ngon lắm.
 -Không. Cám ơn bà.
 -Ông dùng tráng miệng?
 -Cho tôi một tostones.
 
Người đàn bà đem món chuối chiên tráng miệng ra rồi mang chén bát đi. Món chuối chiên tostones gợi nhớ lại hương vị miệt vườn Miền Nam.
 
Ngoài biển lô nhô một vài chiếc du thuyền đi chơi ngoài khơi đang trở về. Thuyên cố nhớ lại những bài sử học về vua Thành Thái, về Kỳ Đồng, về Cần Vương… Có nhiều người bị đưa đi đầy xa tới tận những đảo thuộc địa Pháp tại quần đảo Antilles này. Phải chăng đây là cháu chắt chút chít của vua Thành Thái, của nhà ái quốc Kỳ Đồng?
 
Đợi người đàn bà trở ra, Thuyên tiến lại quầy trả tiền.
 -Nếu tối nay rảnh tôi sẽ ghé lại.
 -Tối ghé lại chắc chắn ông gặp chồng và con gái tôi.
 
Tối hôm đó, chàng bận đi dự carnival trong khách sạn. Tối hôm sau, Thuyên mới trở lại tiệm ăn của người đàn bà có dòng máu Việt.
 
Không như buổi trưa, có lẽ trưa hôm trước chàng đến quán vào giờ ngủ trưa siesta của dân đảo, buổi tối quán rất đông khách. Không thấy người đàn bà. Một người con gái ra tiếp. Chàng chỉ vào cái bàn hôm trước chàng đã ngồi nhìn ra biển để tìm lại cái quen thuộc.
 
Thuyên ngắm người con gái. Chắc hẳn cô là con gái của người đàn bà chủ quán. Nước da không còn là bánh mật nữa mà là mầu bánh gai, có lẽ nàng đã thừa hưởng thêm cái ngăm đen của ông bố, tóc xoăn, mắt không còn xếch nét Mông Cổ. Cái eo thon lắc lư vũ điệu Conga, bộ ngực ‘Jump-Up’ rất nẩy, rất vồng, cái mông Samba, cặp dò staccato nở nang thuôn dài, rậm rật như muốn nhẩy dậm chân zapateos.
 -Ông dùng gì?
 -Một tô Pho.

Người con gái trả lời ngay không một chút suy nghĩ.
 -Dạ món đó hôm nay hết rồi.
 -Hôm nay có món gì đặc biệt?
 -Món cá mú mới bắt được trong ngày.
 
Nhìn thực đơn tìm món khai vị. Tên một món salad khêu gợi. Không biết có phải vì có sự hiện diện của người con gái  tối nay hay không mà món salad này giờ mới đập vào mắt chàng. Hôm trước chàng đã dò kỹ memu, chàng đã dò từng món một, đã đọc qua nhưng dửng dưng. Chàng đã từng ăn cái món ‘salade fatiguée’, thứ salad mà rau đã được dần cho nhừ tử cùng với củ cải đường nấu cũng nhừ nát trộn với dầu dấm có blue cheese. Món salad này ngược lại có cái tên kích thích, kích động và có vẻ ‘khiêu dâm’ hơn. Thuyên nhìn thẳng vào mắt người con gái như cố ý chọc ghẹo nàng:
 -Cho một salade Aphrodite. Cô bảo đảm hữu hiệu không cô chủ?
 
Người con gái rất thản nhiên.
 -Ông dùng thử rồi sẽ biết. Cái đó còn tùy từng người. Ông uống gì?
 –West Indies Spices có gì trong đó vậy?
 -Đó là thứ rum gia truyền của gia đình chúng tôi làm lấy.
 -Cho một ly đó và món cá mú nướng. Cô nói cái đó còn tùy từng người là sao?
 -Ăn xong ông sẽ tìm thấy câu trả lời.
 -Nhìn mặt tôi, cô nghĩ thế nào?
 
Người con gái cười lẳng lơ quay người bỏ đi, chân đi ‘bước đôi’ paso doble.
 
Một lúc sau người đàn bà chủ quán bưng ly rượu ra, nhìn thấy chàng, ba mừng rỡ làm ly rượu sóng ra ngoài:
 -Kìa ông, tối hôm qua, tụi tôi chờ ông mãi.
 -Xin lỗi bà, tối hôm qua tôi bận.
 -Cứ tưởng ông đã rời đảo rồi.
 
Người đàn bà quay vào trong gọi lớn tên một người. Một người đàn ông bước ra. Hắn khựng lại khi nhìn thấy chàng. Chắc người đàn bà đã nói nhiều về chàng.
 -Thưa ông, chồng tôi đây. Ông ta cũng là người Việt đấy.
 -Chào ông.
 -Chào ông.
 
Người đàn ông bối rối, ngượng ngập. Chàng nhìn người đàn ông thẩm định. Nhất định hắn nhiều lắm chỉ có thể mang dòng máu Việt trong người mà thôi. Trông hắn y hệt một người gốc Ấn-Độ.
 -Anh có tin được là ông khách đây là người Việt Nam không?
 
Thuyên đỡ lời:
 -Tôi đã bảo bà là người Việt có nhiều mầu da mà bà không tin tôi.
 
Người đàn ông như tìm được lối thoát, mừng rỡ phụ họa ngay:
 -Đúng vậy.
 
Em vào lo món ăn cho ông đây đi.
 -Để tôi lấy ly rượu khác cho ông, hồi nẫy tôi làm sóng ra ngoài khá nhiều.
 
Người đàn bà quay gót vào trong. Người đàn ông lấm lét nhìn theo rồi cúi xuống nói nhỏ bên tai chàng:
 -Nếu vợ tôi có hỏi, xin ông cứ nói tôi là người Việt Nam, chốc nữa tôi xin nói rõ để ông biết sau. Trăm sự nhờ ông.
 
Thuyên lật tẩy:
 -Cái bản mặt ông mà là người Việt Nam à?
 -Thật sự tôi là người Ấn-Độ lai Pháp.
 -Thế tại sao ông lại nhận là người Việt Nam?
 
Người đàn bà mang ly West Indies Spices và đĩa salad ra, theo sau có cả người con gái.
 -Giới thiệu luôn với ông đây là con gái tôi, Vietta.
 
Người con gái cúi đầu chào chàng.
 -Ông mà là người Việt Nam à?
 -Phải.
 -Ông thấy chưa? con gái tôi nó cũng không tin nữa.
 -Lâu dần rồi cô sẽ tin.
 
Như có điều gì không được tự nhiên, người con gái vội bỏ đi ra cửa tiếp một người khách mới bước vào quán.
 -Con gái duy nhất của tôi đó. Tôi bảo nó phải tìm người Việt Nam mà lập gia đình. Nhiều lần bảo nhà tôi đưa về Việt Nam tìm dòng tộc, họ hàng và kiếm chồng cho nó nhưng nhà tôi chưa chịu cho về…
 
Người đàn ông chống chế:
 -Công việc làm ăn bề bộn, đâu phải dễ… Thôi em để ông dùng rượu.
 
Người đàn ông kéo người đàn bà đi.
 
Món salade Aphrodite làm bằng thịt tôm hùm cùng với những miếng đào tươi cắt nhỏ con cờ trộn với mayonaise pha với một thứ gì đặc biệt. Một thứ hương liệu có tính kích dục Aphrodisiac chăng?
 
Người đàn bà đem món cá mú bọc rau thơm nướng lửa kiểu hải đảo để xuống bàn. Cá nướng ăn với nước chấm ‘sauce chien’.
 -Chắc bà biết tại sao dân ở đây gọi món nước chấm này là ‘sốt chó’ chứ?
 -Tôi không biết rõ.
 
Người đà bà trước khi quay đi ghé xuống bên tai chàng nói chỉ đủ cho chàng nghe:
 -Con bé từ lúc biết ông là người Việt Nam, bảo nó đem thức ăn ra cho ông, nó không chịu. Nếu quả thật ông là người Việt Nam mà chưa có gia đình, nếu ông chịu, tôi gả con nhỏ cho ông đó. Tôi chỉ mong cháu lấy được người chồng Việt. Cũng như tôi đợi mãi cho tới khi đã ngoài ba mươi tuổi mới tìm được ông ấy là người Việt Nam.
 -Bà có tin tôi là người Việt Nam không?
 -Nếu ông chứng minh được tôi sẽ tin. Miễn là người Việt Nam là được, da vàng hay da đỏ cũng chẳng sao.
 
Người con gái gọi giật mẹ lại dường như sợ bà ta nói chuyện lâu với chàng.
 -Mời ông dùng. Chốc nữa rảnh tay, tôi sẽ trở lại.
 
Món nước sốt chó có nhiều gia vị, ớt, chanh, hẹ, muối. Không có vị giềng, không có mùi rựa mận.
 
Đúng như lời người đàn bà nói, người con gái từ khi nghe nói chàng là người Việt Nam, nàng không trở lại bàn chàng nữa. Nàng có ý né tránh. Thỉnh thoảng ngẩng lên, chàng bắt gặp nàng đang nhìn lén mình. E ấp. Người chồng cũng không thấy mặt nữa. Dường như hắn cũng có ý lánh mặt.
 
Khi đứng dậy đi về, ra tới quầy trả tiền, người đàn bà đon đả:
 -Khi nào rảnh, còn ở lại đây, mời ông ghé chơi. Ông đến buổi trưa vắng khách nói chuyện được nhiều. Thứ ba, thứ năm có cháu gái ở nhà.
 
Nói xong, người đàn bà lẩn đi chỗ khác, cố ý để cho con gái tiếp chàng.
 -Món salade đó có vẻ có tác dụng ngay rồi đấy cô. Tôi bắt đầu cảm thấy dường như là đã chớm yêu rồi.
 
Người con gái lườm yêu chàng không nói.
 
Trả xong tiền chàng từ giã, trước khi quay gót bước ra cửa, chàng nhỏ nhẹ hỏi người con gái:
 -Cô có tin tôi là người Việt Nam không?
 
Người con gái bẽn lẽn, ở nơi nàng không còn cái hoạt bát, cái chiêu khách lúc đầu khi mới gặp chàng.
 -Trông ông giống như một du khách Nhật Bản.
 -Có nghĩa là cô không tin?
 -Ai nói chuyện với mẹ tôi xong cũng đều nhận mình là người Việt Nam hết!
 -Tôi nói thật với tất cả trái tim tôi đấy. Không phải tại vì mẹ cô, cũng không phải là món salade Aphrodite nói đâu!
 
Người con gái ngước lên nhìn chàng. Trong một thoáng, chàng chợt nhận ra người con gái có đôi mắt u huyền. Đôi mắt tôn nữ. Đôi mắt tôn nữ yêu ma voodoo.
 
Thuyên rời tiệm ăn. Ánh trăng hải đảo như lụa mới rũ long lanh mướt nước tơ. Tiếng ếch nhái, côn trùng. Chàng nghe rất rõ văng vẳng bên tai tiếng người đàn bà và tiếng người con gái ‘ông mà là người Việt Nam à?’ Chàng biết người đàn bà đã tin chồng mấy chục năm rồi và sẽ tin chồng hơn tin mình, một thằng mũi tẹt da vàng.
 
Ánh trăng chiếu rõ xuống cái bảng hiệu gỗ mục. Bây giờ đọc lại tên hiệu, không hiểu sao hôm trước dưới thanh thiên bạch nhật, chàng đã đọc tên quán ăn thành Violetta. Bây giờ dưới ánh trăng, hiện rõ ra chữ Vietta.
 
Vietta. Việt ta. Vietta, nàng con gái Việt nhỏ bé. Vietta, người con gái Việt ta bé bỏng.
 
Thuyên chút nữa vấp phải cái chân trụ gạch. Phần trên trụ đã gẫy cụt mất. Có lẽ là cái chân còn lại của một cái bàn thiên.
 
Vietta. Vietta. Vietta. Chàng đọc thầm trong miệng. Cái tên như có thơ, có nhạc.


__________________


Đặng Hữu Phát gởi