PHO SÁCH MẸ
Trần Mộng Tú
(trích từ truyện ngắn Pho Sách Mẹ)
Các con thân yêu! Tình mẫu tử là một tình thương không cần phải chia chương phân đoạn để đóng thành sách. Quyển sách dày hay mỏng, dài hay ngắn đều do trái tim người đọc. Ta đọc Pho sách Mẹ không phải bằng mắt, không phải bằng kiến thức ngôn ngữ, ta đọc bằng nhịp đập của trái tim. Ta không phân biệt pho sách nào thì đáng được đóng gáy vàng. Vì pho sách Mẹ nào cũng có giá trị ngang nhau. Mỗi bà Mẹ hy sinh và yêu thương con mình một cách khác nhau. Ta đọc pho sách của Mẹ ta, của Mẹ ban, của Mẹ những người ta không quen biết bằng những xúc động khác nhau. Nhưng trước sau cũng đều là một xúc động về mẫu tử thâm tình.
Các con thân yêu! Trong khoảng thời gian yên lặng của đêm đã rất khuya này, Mẹ muốn gấp lại cuốn tạp chí có in hình hai Mẹ con bị cắt làm đôi này sang một bên, để đọc lại cho các con nghe một pho sách Mẹ, một pho sách đã rất cũ, Mẹ đọc từ thời còn đi học, còn là thiếu nữ, nhưng đã in vào trong tâm trí Mẹ mãi mãi. Cho đến bây giờ Mẹ đã có gia đình riêng, đã có các con mà bất cứ khi nào có dịp nhắc lại pho sách đó với ai thì trái tim Mẹ lại đập bi thương trong lòng ngực.
Bác Sáo, một người bác họ xa của Mẹ, (các con nếu được gặp thì phải gọi bằng Bà) người làng Cổ Liêu, Phú Xuyên, Hà Đông thuộc bên họ của bà ngoại các con. Bà Sáo lập gia đình rất trẻ, và cũng góa chồng rất trẻ. Bà được hai người con trai. Bà ít học và không có một nghề gì chuyên môn. Chồng chết thì hai con còn bé lắm. Bà theo người anh chồng đem hai con ra Hà Nội học nghề làm bàn chải bằng tre (thứ bàn chải dùng để giặt quần áo và cọ rửa sàn nhà, vật dụng). Vì đó là một nghề thuộc tiểu công nghệ và làm bằng tay, nên từ mua rễ tre và cắt ngắn, phơi khô, đục lỗ trên một miếng tre hoặc miếng gỗ khác rồi luồn dây thép qua để buộc rễ tre vào bàn chải v.v...nhất nhất đều phải làm bằng tay cả. Rễ tre khô, và dây thép đều là những thứ cứng và khó uốn nên lúc nào hai bàn tay của bà cũng bị chảy máu, vết cắt không bao giờ lành. Một ngày bà phải làm mấy chục cái bàn chải cũng chỉ đủ hai bữa cơm cho ba Mẹ con, còn tiền quần áo, sách vở cho con vẫn phải nhờ vào họ hàng.
Năm 1954, bà theo làn sống người di cư vào Nam cốt cho con được ăn học đến nơi đến chốn. Vào Nam, vốn liếng không có bà phải đem sức lao động ra để nuôi hai con. Mỗi ngày bà đi gánh nước thuê tưới rau cho những người có vườn rau ở Đà Lạt. Nước gánh từ giếng nước hay ở hồ dưới chân đồi đem lên đỉnh đồi tưới rau. Khi hai con còn nhỏ bà gánh mỗi ngày từ 30 đến 50 đôi nước, hai con lớn dần, tiền ăn tiêu và tiền học cũng lớn theo, số nước bà gánh mỗi ngày một nhiều hơn. Cho đến một hôm bà đếm được số nước gánh lên đến 100 đôi một ngày (một gánh nước là: một chiếc gậy bằng tre dài, vót dẹp: gọi là đòn gánh. Ở hai đầu đòn gánh người ta móc vào hai cái móc bằng sắt mỗi móc có treo một chiếc thùng sắt đựng được 20 lít nước). Bất cứ mùa Hạ hay mùa Đông bà đều phải dậy từ 5 giờ sáng mới đủ thời gian cho 100 đôi nước. Không phải chỉ tưới cho một khu vườn mà tưới cho nhiều chủ vườn khác nhau, nên ít khi bà được nghỉ ngơi giữa lúc đang làm việc.
Các con ơi! Các con có biết là 100 gánh nước đó có bao nhiêu mồ hôi và nước mắt của người Mẹ hòa lẫn vào? Bà không phải chỉ gánh nước tưới rau mà bà đã gánh những giọt lệ của người Mẹ tưới lên tuổi thơ của con. Nhờ những giọt lệ, những giọt mồ hôi của Mẹ, con mới được ăn, học no đủ. Người con lớn của bà, học Luật ở Sài Gòn phải thuyết phục bà mấy năm liền là: "Con đã đủ khả năng vừa đi làm, vừa đi học, con đã trưởng thành để lo được cho con, cho Mẹ, cho em. Xin Mẹ đừng gánh nước nữa, Mẹ về Sài Gòn cho con nuôi lại Mẹ, dù nuôi trong đạm bạc. Mẹ đã vất vả, khổ cực lâu quá rồi." Bà xiêu lòng về Sài Gòn ở với con, không đi gánh nước nữa thì bà mua sắn về mài thành bột phơi khô, mua kê về nấu bánh đa bánh kê bán để phụ giúp tài chánh với con.
Rồi hai người con bà lần lượt bị gọi vào quân ngũ. Người con thứ hai mất tích ở chiến trường năm 1963, người con thứ nhất đi cải tạo năm 1975. Bà lại còng lưng khăn gói đi nuôi con trong tù. Nước mắt và mồ hôi của bà bấy giờ lại rỏ trên gói xôi, trên những miếng cá khô, trên những viên thuốc, trên nhưng manh áo vá. Nước mắt, mồ hôi còn loang trên cả những con đường gập ghềnh bụi đỏ nắng tháng Tư, mưa tháng Sáu. Ôi! Trên suốt một đời con từ lúc sinh ra đã thấm bao nhiêu giọt mồ hôi nước mắt của tình mẫu tử.
Các con thân yêu! Bà Sáo đó hiện bay giờ đang sống ở làng Cô Liêu, tỉnh Hàng Đông. Sau khi con trai bà ở tù cải tạo ra, bà lo cho con, dâu và cháu ra nước ngoài để có một đời khá giả hơn. Còn bà, bà tìm về làng cũ để sống nốt quãng đời còn lại.
Người Mẹ suốt một đời hy sinh cho con đó, chắc cũng có đôi lúc nghĩ đến mình, đến tuổi xuân đã đi qua trong cô đơn (không có chồng để chia ngọt sẻ bùi) đến những khó khăn trong đời sống mà bà phải âm thầm gánh vác (không có ai ghé vai phụ giúp) nhưng sao bà không hề nghĩ đến hy sinh nhiều như thế là không "công bằng" là thiệt thòi cho bà. Sao bà không nghĩ là con bà phải có bổn phận đền bù lại những thiệt thòi đó. Phải chăng tình mẫu tử đã vượt lên trên mọi đòi hỏi cá nhân!
Bà Sáo bây giờ đã già lắm rồi (vì người anh họ của Mẹ đã ngoài 50 tuổi). Không biết bà còn sống cho đến khi Mẹ có đủ khả năng dắt các con về Việt Nam để đi thăm bà ở làng Cổ Liêu, tình Hà Đông hay không?
Mẹ muốn các con được cầm lấy hai bàn tay của Bà, hai bàn tay có rất nhiều những vết sẹo nhỏ xóa mất cả những đường chỉ tay, vì ở vào tuổi 20 của Bà lúc nào hai bàn tay đó cũng rớm máu, cũng có những vết cắt chồng lên nhau không bao giờ lành. Mẹ muốn các con được Bà ôm vào lòng để các con có dịp gục đầu trên vai bà, đôi vai gầy guộc của người Mẹ hiền đã gánh 100 đôi nước mỗi ngày để nuôi con ăn, học.
Nếu các con không được may mắn có dịp chạm tay lên pho sách Mẹ bằng xương bằng thịt đó (vì Mẹ con mình trở về quá trễ) thì Mẹ sẽ dắt các con đi thăm mộ Bà. Các con sẽ chạm tay lên bia của một pho sách Mẹ đã được đúc bằng đá, trên đó có ghi rõ tên, tuổi của một người Mẹ không biết đọc, biết viết đã mua sách cho con học bằng chính những giọt mồ hôi, giọt máu và nước mắt của mình.
Mẹ sẽ dắt các con đi mua kim nhũ về tô lên bìa sách đó.
Chú Cường gởi