Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh




 
Phong Trào 969: Cơn ác mộng
 
 
Khi Tiến Sĩ Maung Zarni thuộc Viện Nghiên Cứu Á Châu của Trường Đại Học Darussalam Miến Điện báo động phong trào chống người Rohingya và chống Hồi Giáo ở Miến Điện là Tân Quốc Xã(neo-Nazi), các nhà bình luận Tây Phương đều cho rằng ông ta “cường điệu” và họ tránh dùng thuật ngữ đó. Nhưng khi những hình ảnh của cuộc bạo loạn chống Hồi Giáo bùng nổ ở Meiktila tại trung tâm Miến Điện vào ngày 20.3.2913 được đưa lên báo chí và truyền hình, người ta mới thấy những gì Tiến Sĩ Zarmi mô tả là đúng sự thật: Đó là phong trào thanh lọc chủng tộc và tôn giáo.
 
Ngày 22.3.2013, tổ chức Quan Sát Nhân Quyền (Human Rights Watch) đã công bố một bản phúc trình dày 153 trang nói về thảm họa này. Bản phúc trình có đầu đề là “Tất Cả Những Gì Các Bạn Có Thể Làm Là Cầu Nguyện” (All You Can Do is Pray)  và tiếp theo là “Tội Ác Chống Nhân Loại và Diệt Chủng đối với người Hồi Giáo Rohingya ở Bang Arakan của Miến Điện” (Crimes Against Humanity and Ethnic Cleansing of Rohingya Muslims in Burma’s Arakan State). Chiến dịch diệt chủng (campaign of ethnic cleansing) bắt đầu từ tháng 6 năm 2012. Chúng tôi chỉ trình bày những nét chính với những tin tức cập nhật. Quý vị có thể vào trang nhà hrw.org để đọc.
 
LÝ DO CỦA SỰ XUNG ĐỘT?
 
Ngày 2.5.2013, đài BBC có phổ biến bài “Lý do gây thù hận tôn giáo ở Miến Điện” của giáo sư Alan Strathern, một nhà nghiên cứu về lịch sử thuộc Đại học Oxford. Sau khi rào trước đón sau, ông đã đi đến kết luận rằng “nhiều người theo đạo Phật chia sẻ rằng đất nước họ phải được thống nhất, và rằng tôn giáo của họ đang bị đe dọa.” Chúng ta thử nhận xét về hai lý do này.
 
1.- Lý do sợ mất sự thống nhất
 
Người Hồi Giáo Rohingya ở Arakan nói rằng quốc gia Arakan đã có từ năm 2666 trước CN. Đến thế kỷ thứ 8, những thương buôn người Hồi Giáo A-rập đã đến buôn bán và truyền đạo Hồi cho họ. Nhưng năm 1785, Miến Điện đã xâm chiếm đất nước của họ và biến thành bang Rakhine của Miến Điện.
 
Có thể coi tình trạng của người Arakan gióng như trình trạng của người Chiêm Thành ở Việt Nam. Người Arakan cũng như người Chiêm Thành không hề đòi lại nước hay một quy chế tự trị cho sắc tộc của họ. Giáo sư Alan Strathern đã xác nhận họ là “những cộng đồng nhỏ, sống hiền hàa.” Như vậy, lý do sợ mất sự thống nhất không đứng vững.
 
Trong bài diễn văn đọc tại Đại Học Rangoon ngày 19.11.1913 nhân chuyến viếng thăm Miến Điện, Tổng Thống Obama đã nói:
 
“Đất nước của các bạn sẽ mạnh hơn vì có nhiều nền văn hóa khác nhau, nhưng các bạn phải nắm bắt cơ hội đó. Các bạn phải nhận ra thế mạnh đó.”
 
Nhưng hình như những lời này chỉ là “nước đổ đầu vịt”
 
2.- Lý do sợ Phật giáo bị đe dọa
 
Thông tín viên Arnaud Dubus của RFI tại Bangkok đã nhận định:
 
“Ở Miến Điện cũng như ở Cam Bốt và ở Thái Lan, có một sự đồng hóa chặt chẽ giữa Phật giáo với dân tộc đa số của đất nước như người Miến, người Khmer hay người Thái. Nếu sinh ra là người Miến Điện thì phải là người theo đạo Phật. Một người Miến Điện Hồi giáo hay Thiên chúa giáo bị coi là một điều quái đản.”
 
Tài liệu thống kê cho biết Miến Điện có dân số khoảng 60 triệu, theo nhiều tôn giáo khác nhau, trong đó Phật giáo chiếm 89,3%, Thiên Chúa giáo 5,6%, Hồi giáo 3,8%. Với một tỷ số người theo Phật giáo áp đảo như vậy, làm sao đạo Phật ở đây có thể bị đe dọa được?
 
Vả lại, khi muốn hội nhập vào các xã hội văn minh, Miến Điện cũng phải tôn trọng quyền tự do tôn giáo như hầu hết các quốc gia khác trên thế giới. Nếu ngày nay Phật giáo được tự do phát triển ở Mỹ, ở Úc, ở Anh, ở Pháp…, tại các tôn giáo khác lại không thể phát triển trên “đất Phật”?
 
Nếu nhận xét của giáo sư Alan Strathern là đúng, Miến Điện chưa thể hội nhập vào các xã hội văn minh được vì không chấp nhận những quyền căn bản của con người, trong đó có quyền tự do tôn giáo.
 
DÙNG LÀ BÀI PHẬT GIÁO
 
Từ thập niên 60 đến nay, vì muốn loại bỏ người người Rohingya ra khỏi “đất Phật”, các chính phủ Miến Điện đã áp dụng nhiều luật pháp kỳ thị không thể chấp nhận được, chẳng hạn như: Buộc người Rohingya phải chứng minh được rằng họ đã sống trên đất Miến kể từ trước 1824 nếu muốn có quốc tịch Miến. Dĩ nhiên, rất ít người có thể trình loại bằng chứng này, và như vậy họ không được coi là công dân Miến. Họ cũng không có quyền tự do đi lại và bị cưởng chế về các vấn đề như hôn nhân, sở hữu đất đai, v.v... Đa số người Rohingya đang lâm vào tình huống của những người vô tổ quốc ngay chính trên đất của họ. Nhưng các biện pháp nói trên đã không loại bỏ hay ngăn chận được sự phát triển của người Hồi giáo Rohingya. Nhà cầm quyền đã nghĩ đến lá bài Phật giáo.
 
Chúng ta nhớ lại, trong nhiều thập niên qua, để bảo vệ quyền bính, giới quân phiệt Miến đã dùng nhiều biện pháp mạnh để khống chế khối Phật giáo. “Cuộc cách mạng áo cà sa” năm 2007 đã bị chính quyền đàn áp thẳng tay. Cả thế giớ đã lên tiếng bênh vực Phật giáo.
 
Các biện pháp độc tài quân phiệt đã làm nền kinh tế Miến sụp đổ, nhà cầm quyền Miến phải thay đổi chính sách kể từ tháng 3/2011, thực hiện nhiều cuộc cải cách về cả chính trị lẫn kinh tế để có thể hội nhập với thế giới. Tuy nhiên, mới làm hòa với Phật giáo được một thời gian ngắn, nhà cầm quyền Miến đã dùng ngay lá bài Phật giáo để loại bỏ người Hồi giáo Rohingya.
 
Nhà sư Ashin Wirathu trụ trì ở tu viện Mandalay, người đã từng bị tù năm 2003 với tội danh kích động hận thù tôn giáo vì liên hệ đến vụ tàn sát các gia đình Hồi giáo và thiêu đốt các đền Hồi giáo ở tỉnh Kyauk-hse, nay được thả ra và cho làm lãnh tụ “Phong Trào 969” để thực hiện cuộc “thánh chiến” tiêu diệt người Hồi giáo Rohingya.
 
DÙNG VỌNG NGỮ KÍCH ĐỘNG LÒNG HẬN THÙ TÔN GIÁO
 

Phong Trào 969 được nói là được thành lập để chống lại phong trào 786 của Hồi giáo.
 
Ba con số 969 được giải thích là Tam Bảo (Tiratana) trong Phật giáo gồm 24 thuộc, con số 9 đầu là Phật, con số 6 ở giữa là Pháp, con số 9 ở sau là Tăng (9 Buddha, 6 Dhamma, 9 Sangha), tổng cộng là 24.
 
Còn ba con số 786 được dùng trong truyền thống của Hồi Giáo Nam Á, được mô tả là biểu hiệu cho con số 21 (7+8+6=21), có nghĩa là Hồi Giáo sẽ thống trị thế giới trong thế kỷ 21. Nhưng các nhà bình luận Tây phương lật tẩy ngay, nói đó là vọng ngữ. Con số 786 chỉ là con số của câu Kinh Koran thường được người Hồi Giáo ghi trước cửa nhà của họ. Lời kinh đó là: “Nhân danh Đấng Allah, Rất Nhân Từ, Hằng Thương Xót” (In the name of Allah, the Most Gracious, the Ever Merciful).
 
Vọng ngữ thứ hai là tuyên truyền rằng đa số người Hồi giáo ở bang Arakan là từ Bangladesh qua. Nhưng các nhà báo Tây phương cho biết đa số người Rohingya là dân bản địa, chỉ có một thiểu số đến từ Bangladesh.
 
Cuộc kiểm tra của người Anh năm 1891 cho biết có 58.255 người Hồi giáo ở Arakan, đến năm 1911 đã tăng đến 178.647 người. Hiện này số người Hồi giáo ở đây đã trên 800.000.
 
Nhà sư Ashin Wirathu đã cho thành lập khắp nơi trong cả nước những tiểu ban của Phong Trào 969, có nhiệm vụ tổ chức các buổi thuyết giảng về lý do phải phát động cuộc “thánh chiến” chống Hồi giáo, phân phát các đĩa CD, sách và cả truyền đơn tuyên truyền chống Hồi giáo.
 
Có nhiều tờ truyền đơn còn khẳng định rằng người Hồi giáo kiểm soát nền kinh tế trong nước, tín đồ Phật giáo không nên buôn bán với họ. Những thành viên phong trào kêu gọi Phật tử nên mua bán với các cửa hiệu của Phật tử có treo biển và dán giấy 969.
 
THỰC HIỆN CUỘC DIỆT CHỦNG
 
Hôm 19.5.2013, đài RFI đã cho phổ biến một bài dưới đầu đề “969: Cơn ác mộng của người Hồi giáo Miến Điện” nói lên những chuyện bi thảm đang xảy ra ở Miến Điện. Mở đầu, bài báo viết như sau:
 
“Tháng Ba vừa qua, các nhóm Phật giáo cực đoan tại Miến Điện đã tấn công dữ dội vào người Hồi giáo ở các thành phố miền Trung và miền Đông Nam, giết hại hàng chục người và phá hủy nhiều khu phố và đền thờ Hồi giáo. Như trong các cuộc đụng độ năm ngoái giữa người Rakkhine theo đạo Phật và người Rohingya theo đạo Hồi ở miền Tây Miến Điện, lực lượng an ninh đã không can thiệp, thậm chí còn giúp những kẻ tấn công. Phong trào mang tên 969 là một trong những động lực của chiến dịch chống người Hồi giáo này.”
 
Human Rights Watch đã công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy 800 cơ sở hạ tầng và nhiều khu vực trong thành phố Meiklita bị tàn phá trong đợt bạo động từ ngày 20 đến 22.3.2013. Phần lớn những khu phố bị đốt phá là nơi người Hồi giáo cư ngụ. Có 43 người thiệt mạng và hơn 12.000 người phải di dời chỗ ở.
 
Tại bang Rakhine, miền Tây Myanmar, chính phủ ước tính có hơn 35.000 người phải di dời vì bạo lực, hầu hết là những người thiểu số Hồi giáo Rohingya. Thông tín viên Arnaud Dubus của RFI tại Bangkok cho biết những người Rakhine theo đạo Phật vẫn được phép tự do di chuyển và sinh sống tại thành phố hay trong làng của họ.
 
Trong cuộc bạo loạn ở Meikhtila vào đêm 30.3.2013, những người Hồi giáo chiếm khoảng 30% của thành phố có 100.000 dân này, đã phải ở ngoài đường phố kể từ khi cửa hàng và nhà cửa của họ đã bị đốt cháy. Các đám võ trang Phật giáo cầm dao phay và kiếm có mặt khắp nơi trong thành phố.
 
Tổ chức HRW ước lượng từ khi có các cuộc bạo loạn đến nay, đã có khoảng 450.000 người Hồi giáo Rohingya phải rời bỏ nơi cư trú của họ. Tin tức hàng ngày cho thấy tình trạng loại trừ tôn giáo và diệt chủng này khó chấm dứt.
 
RỒI SẼ ĐI VỀ ĐÂU?
 

Trong 60 năm qua, các nhà cầm quyền quân phiệt ở Miến Điện đã dùng quân sự để đối phó với người Jingpo ở bang Kachin thuộc vùng Đông Bắc Miến Điện giáp giới với Trung Quốc và người sắc tộc Karen nổi lên đòi độc lập ở bang Kayin nằm sát biên giới Thái Lan. Hai cuộc chiến này vẫn chưa chấm dứt. Nay nhà cầm quyền không dùng quân sự mà dùng Phật giáo để loại bỏ người Hồi giáo Rohingya. Cuộc chiến này sẽ đưa đến những hệ lụy chưa thể lường trước được.
 
Trong chiến tranh Việt Nam, cả Hoa Kỳ lẫn Đảng CSVN đều xử dụng lá bài Phật giáo. Hoa Kỳ đã dùng lá bài Phật giáo để lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm và đổ quân vào miền Nam Việt Nam. Còn CSVN dùng Phật Giáo để tạo tình hình bất ổn ở miền Nam. Nhưng Hoa Kỳ và CSVN đều dùng Phật giáo để đối phó với các thế lực chính trị. Tại Miến Điện hiện nay, nhà cầm quyền lại dùng Phật giáo để đối phó với Hồi giáo, tức dùng tôn giáo để đối phó với tôn giáo.Trò chơi này rất nguy hiểm vì nó tạo ra lòng hận thù tôn giáo kéo dài không dứt.
 
Nhưng dù dùng Phật giáo để đối phó với các thế lực chính trị hay các tôn giáo khác, tôn giáo cũng đã bị xử dụng như một công cụ chính trị với hai hậu quả: Hậu quả thứ nhất là tôn giáo bị mất đi những lý tưởng cao đẹp của mình, từ Đạo Từ Bi biến thành cơn ác mộng. Hậu quả thứ hai là tình trạng mà thuật ngữ Phật giáo gọi là Nghiệp Báo.
 
Về đất nước Miến Điện, khi chính quyền dùng Phật giáo để thanh toán Hồi giáo, hâu quả cũng sẽ không đơn giản.
 
Hôm 3.5.2013, phát ngôn viên của Cảnh sát Indonesia là thiếu tướng Boy Rafli Amar, cho biết qua tin tình báo, cơ quan này đã bắt được hai kẻ tình nghi và xét thấy trong ba lô của họ có 5 quả bom tự chế. Hai người này khai định đặt bom tòa đại sứ Miến Điện ở thủ đô Jakarta vì muốn trả thù việc Miến Điện tấn công người Hồi giáo Rohingya.
 
Chỉ mấy tiếng đồng hồ sau đó khoảng 1000 người Hồi giáo cực đoan thuộc tổ chức có tên Mặt Trận Bảo Vệ Hồi Giáo đã tập trung và tiến đến tòa đại sứ Miến Điện ở Jakarta, lên tiếng kêu gọi “thánh chiến” chống lại việc bắt bớ những người Hồi giáo anh em của họ.
 
Trên đây chỉ là phản ứng của cá nhân hay một vài nhóm Hồi giáo. Về lâu về dài, Miến Điện khó thoát khỏi những phản ứng trả đũa của khối Hồi giáo. Chính sách kỳ thị chủng tộc và tôn giáo tại Miến Điện hiện nay đang mở đường cho một tổ chức Hồi giáo ly khai xuất hiện giống như ở Philippines và Thái Lan. Nếu tình trạng này xảy ra thì đó là điều không may cho Miến Điện.
 
Ngày 23.5.2013
 
Lữ Giang