PHỎNG VẤN Tiến sĩ Thủy Nguyễn, nhà khoa học dữ liệu
VỀ TÁC PHẨM “DƯỚI BỤNG CON RỒNG”
VÀ THỰC CHẤT ĐỔI MỚI TẠI VIỆT NAM
Trái: Chân dung Ts. Thủy Nguyễn. Hình phải: hình bìa của tác phẩm cùng chủ biện với Ts. Tường Vũ
LTG: Tiếp tục loạt bài “Ai đang Viết sử cho chúng ta?”, hôm nay chúng tôi hân hạnh giới thiệu Tiến sĩ Thủy Nguyễn, người có bằng Tiến sĩ ngành Chính trị học đang làm việc tại Trung tâm Nghiên Cứu Reason Foundation, thường được gọi là “Think Tank” của Hoa Kỳ.
Ngoài ra, cô còn hợp tác với giáo sư Vũ Tường tại Trung Tâm Nghiên cứu Việt Mỹ của Đại Học Oregon. Qua những chương trình nghiên cứu của Ts. Thủy, chúng ta thấy được một phần sinh hoạt của Trung tâm nghiên Cứu Việt Mỹ trong dự án sẽ xuất bản hàng nhiều chục cuốn sách trong 5-10 sắp tới, với nguyện vọng sửa sai và mang lại cái nhìn mới về lịch sử Việt Nam, chiến tranh Việt Nam và người Việt tự do.
Nhóm sử gia này không những chỉ viết sử cân đại mà còn mang tham vọng viết về sử Việt Nam hiện đại. Vì chúng ta ai cũng biết rằng sử Việt Nam không chỉ bị bóp méo tại Hoa Kỳ, mà hiện tại trong nước, sử Việt Nam đã không còn sử Việt Nam từ khi Việt Nam hoàn toàn rơi vào tay CS. Những gì mà nhà cầm quyền gọi là sử hiện nay chỉ là sử của đảng CSVN. Nói đúng hơn đó là sử được viết để phụng sự cho đảng CSVN, không phải là sử của quốc gia dân tộc VN.
Nói như thế thì nhiệm vụ của Trung Tâm Nghiên cứu Việt Mỹ tại Đại học Oregon của nhóm Gs.Vũ Tường đang gánh vác rất nặng nề. Ts. Thủy Nguyễn gọi Gs. Vũ Tường là Thầy bởi vì GS. Vũ Tường là Gs. hướng dẫn Ts. Thủy Nguyễn lấy bằng Tiến sĩ khoa chính trị học tại Đại học Oregon.
Cùng với Thầy của mình, Ts.Thủy Nguyễn đã đổng chủ biên tác phẩm “The Dragon Underbelly: Dynamics and Dilemmas in Vietnam’s Economy and Politic” tạm dịch là::” Dưới Bụng rồng: Động Lực Và Những Thế Đối Trọng Trong Kinh Tế Và Chính Trị Việt Nam”
Mời quý độc giả xem cuộc trò chuyện của chúng tôi và Ts. Thủy Nguyễn để hiểu phần nào thế hệ tiếp nối của Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Mỹ qua cách trả lời của nữ Tiến sĩ trẻ - rất khéo léo và cô đọng của một nhà chính trị, hay đúng hơn, nhà phân tích chính trị?
Đặc biệt, hai cuộc Hội Thảo và Giới thiệu sách của Trung Tâm Nghiên Cứu Việt Mỹ và Hội Bảo Tồn Lịch Sử Người Mỹ Gốc Việt VAHF, hợp tác với một số hội đoàn và thân hữu tại Houston ngày 3/6/2023 và Dallas ngày 4/6/2023 Ts.Thủy Nguyễn sẽ là Diễn giả cùng với Ts. Tường Vũ và Ts. Alex Thai Võ.
Kính mời quý độc giả tham dự và hỗ trợ những Gs, Ts, Nhà Nghiên cứu Sử Người Mỹ Gốc Việt đang viết sử cho chúng ta.
Triều Giang: Xin cô cho biết một vài dòng tiểu sử.
Ts. Thủy Nguyễn:
Tôi tốt nghiệp đại học ngành báo chí ở Việt Nam, theo học ngành chính sách công tại ĐH Tokyo, Nhật Bản, và sau đó là ngành chính trị học tại ĐH Oregon, Hoa Kỳ. Tôi từng làm việc ở Việt Nam trong lãnh vực báo chí, phi chính phủ, và hỗ trợ phát triển. Hiện nay tôi đang làm việc tại tổ chức nghiên cứu Reason Foundation tại Washington DC với vai trò là nhà khoa học dữ liệu.
Triều Giang: Đậu bàng Cao học về Chính sách Công tại Nhật Bản, bằng Tiến sĩ Chính trị học tại Đại học Oregon, Hoa Kỳ, đâu là những khó khăn mà cô phải trải qua khi phải chuyển đổi môi trường học cũng như ngành học?
Ts. Thủy Nguyễn:
Ngành chính sách công chú trọng vào việc hiện thực hoá các chủ trương mà hệ thống chính trị đề ra bằng việc xây dựng chính sách. Chính trị học đi sâu vào bản chất tồn tại của hệ thống chính trị đó, giúp trả lời những câu hỏi như: tại sao nước này dân chủ mà nước kia lại không, tại sao chế độ này đang tồn tại mà chế độ kia lại sụp đổ. Do vậy, thử thách lớn nhất của việc chuyển đổi lãnh vực là chuyển từ nghiên cứu một chính sách trong bối cảnh cụ thể sang cái nhìn hệ thống toàn thể hơn.
Triều Giang: Được biết đề tài luận án Tiến sĩ của cô "Nghiên cứu về mạng lưới quyền lực giữa các nhân vật lãnh đạo trong chính quyền Việt Nam", đây là đề tài rất nặng ký và phức tạp, cô có thể cho biết nguồn tài liệu cô đã tra cứu và cô có cơ hội phỏng vấn những nhân vật mà cô đề cập tới trong luận án của cô không?
Ts. Thủy Nguyễn:
Sự tập trung hay chuyển giao quyền lực giữa các nhân vật chủ chốt trong một hệ thống chính trị luôn là đề tài rất hấp dẫn đối với các nghiên cứu sinh chính trị học, đặc biệt là trong các chế độ phi dân chủ. Sự hấp dẫn này một phần đến từ thử thách về tìm kiếm và xử lý dữ liệu. Nhưng khác với báo chí, ngành chính trị học không tập trung điều tra những thông tin thâm cung bí sử, mà chú trọng vào nhận diện khuynh hướng vận động của thể chế.
Tôi vận dụng phương pháp nghiên cứu mạng lưới xã hội (Social Network Analysis) để thu thập và xử lý các thông tin đã công khai trên mạng internet. Những thông tin này nếu chỉ để rải rác thì ít có ý nghĩa gì, nhưng khi được thu thập có hệ thống và phân tích kĩ lưỡng thì lại cho thấy nhiều thông tin hay về cách mà hệ thống chính trị vận hành.
Triều Giang: Theo cô thì sự liên hệ giữa Tổng Thư Ký Nguyễn Phú Trọng và cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ra sao? Người ta thường nói đây là đại diện của hai thế lực đối đầu, đại diện cho miền Bắc là ông Trọng và miền Nam là ông Dũng, luôn đối chọi nhau, mặc dù ông Dũng đã thua nhưng ảnh hưởng của ông không phải là ít, cô nhận định và phân tích ra sao?
Ts. Thủy Nguyễn:
Chị dùng chữ “đối đầu" rất chính xác. Đó là sự đối đầu giữa các phe phái trong một đảng cầm quyền, chứ hoàn toàn không phải là đối phương, đối chọi, hay đối trọng.
Bản chất của một hệ thống chính trị chỉ có 1 đảng cầm quyền đó là không có sự đối lập thực sự. Theo đó, cũng không có sự đại diện đúng nghĩa cho một vùng miền hay một nhóm người dân nào. Ông Dũng không đại diện cho người dân miền Nam và ông Trọng cũng không đại diện cho người dân miền Bắc.
Hiểu rộng rãi ra, sự đối đầu giữa ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Nguyễn Phú Trọng là biểu hiện của hai nhu cầu mà đảng cộng sản cần để tồn tại: một bên là phải phát triển kinh tế để kiềm chế nổi dậy từ dưới lên, bên kia là phải bảo đảm vai trò lãnh đạo tuyệt đối của đảng cầm quyền để kiềm chế nổi dậy từ bên trong. Nhưng cả hai phe đều cùng chia sẻ một nhu cầu tối quan trọng hơn là phải giữ vững sự tồn tại của chế độ hiện tại, bởi vì sự tồn tại của mỗi phe lệ thuộc vào điều này.
Như vậy là, nếu nhìn vào một khung thời gian ngắn hạn, ta sẽ luôn thấy có những phe phái đối đầu với nhau vì sự phân chia lợi ích kinh tế và chính trị. Nhưng quan sát trong bối cảnh lớn hơn, các bên đều đứng dưới một ngọn cờ chế độ duy nhất, tức là không có sự đối trọng thực sự và cũng không có dự đại diện đúng nghĩa.
Triều Giang: Cô có thể nói tóm tắt về nội dung ngắn gọn về cuốn sách mà cô là đồng tác giả " The Dragon UnderBelly: Dynamics and Dilemmas in Vietnam's Economy and Politics" tạm dịch là :” Dưới Bụng rồng: Động Lực Và Những Thế Đối Trọng Trong Kinh Tế Và Chính Trị Việt Nam” sẽ được giới thiệu tại hai buổi Hội Thảo tại Houston và Dallas?
Ts.Thủy Nguyễn:
Cuốn sách này thảo luận hai nhóm câu hỏi quan trọng. Một là bản chất của sự phát triển kinh tế VN trong thời gian qua là gì và nhà nước có vai trò gì trong quá trình đó? Hai là sự phát triển kinh tế có ảnh hưởng đến hệ thống chính trị theo chiều hướng nào - làm cho đảng cầm quyền mạnh lên hay yếu đi?
Triều Giang: Theo cô thì vì sao người đọc nên đọc cuốn sách này?
Ts. Thủy Nguyễn: Cuốn sách này là tập hợp của nhiều nghiên cứu về nhiều lãnh vực và góc độ khác nhau, từ so sánh kinh tế Việt - Trung hay sự lệ thuộc của kinh tế VN vào Trung Quốc, chuỗi cung ứng toàn cầu, công nhân và công đoàn v..v.. Người đọc có thể tìm thấy những chi tiết bổ ích về một khía cạnh cụ thể.
Nhưng theo tôi, quan trọng nhất là các giáo sư biên tập cuốn sách này đã giúp xâu chuỗi các đề tài lại và đặt ra những vấn đề căn cốt nhất của nền kinh tế và bản chất hệ thống chính trị.
Triều Giang: Hiện cô đang làm việc tại Think Tank Reason Foundation, cụ thể là cô nghiên cứu về những vấn đề gì? và cơ quan này quan tâm về những vấn đề gì tại VN?
Ts. Thủy Nguyễn: Reason Foundation là một tổ chức nghiên cứu theo trường phái Tự do (Libertarian). Những người sáng lập và tiếp sức cho chủ thuyết Tự do đã hạ bệ hoàn toàn chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản về mặt lập luận khoa học. Nguồn tri thức này rất quan trọng và hữu ích cho sứ mệnh truyền bá tri thức đúng đắn về chính trị cho nhiều người.
Những nghiên cứu hiện nay tại Reason tập trung chủ yếu vào nước Mỹ. Nhưng những ảnh hưởng của nó tiếp sức cho cuộc tranh biện mấy trăm năm nay về vai trò của nhà nước đối với phát triển kinh tế và công bằng xã hội trên toàn thế giới.
Triều Giang: Được biết cô và đồng nghiệp của chị tại Trung Tâm Nghiên cứu Việt Mỹ tại Đại học Oregon dự tính sẽ viết thêm nhiều cuốn sách nữa, xin cô có thể cho biết cô có đang viết thêm cuốn sách nào nữa cho tương lai hay không? Xin cô chia sẻ.
Ts. Thủy Nguyễn: Chúng tôi mong muốn truyền đạt nhiều tri thức bổ ích tới cộng đồng người Việt trong và ngoài nước, đặc biệt là giới trẻ. Một số chủ đề nằm trong dự thảo của chúng tôi như các nhân vật hoạt động trong lĩnh vực dân sự ở Việt Nam, mạng lưới nhân sự và quyền lực ở Việt Nam từ cấp tỉnh trở lên.
Đặc biệt, chúng tôi nhận được đề xuất của nhiều độc giả muốn học hỏi thêm về các giá trị cộng hoà đã được gieo trồng và trưởng thành ở Việt Nam như thế nào. Đây là một đề tài đang được ấp ủ để phát triển hơn nữa.
Hình vợ chồng Ts. Nguyễn Lương Hải Khôi và Ts.Thủy Nguyễn cùng con gái đang dạo chơi trong khuôn viên Đại học diễn tả sự thuận lợi và đối trọng một cách duyên dáng của 2 nhà nghiên cứu chính trị.
Triều Giang: Câu hỏi cuối cùng này có tính cách riêng tư, lý do vì sao cô chọn ngành khô khan này? Cả hai vợ chồng cùng làm một nghề nghiên cứu dù đề tài thì có khác nhau, cô cảm thấy khó khăn hay thuận lợi ra sao ?
Ts.Thủy Nguyễn:
Chính trị học chỉ khô khan khi người ta bị bắt phải chấp nhận vô điều kiện những tiền đề vô căn cứ. Còn khi được quyền nêu ra ý kiến và có cơ hội để suy xét xem ý kiến của mình có phù hợp với các chứng cứ thực tế không, thì đấy lại là một hành trình rất thú vị.
Chính trị chỉ đơn giản là ai được quyền phân phát cái gì cho ai và trong bao lâu. Khoa học về chính trị nghiên cứu về quy trình này để rút ra cách phân bổ quyền lực hợp lý nhất, đem lại nhiều lợi ích cho nhiều người nhất.
Mọi cuộc tranh luận về dân chủ, phi dân chủ, nhà nước can thiệp bao nhiêu vào xã hội, đảng phái nhiều hay ít, tổ chức dân sự mạnh hay yếu, cuối cùng cũng đều hướng đến một điều mà mọi người đều quan tâm đó là cách tổ chức quyền lực nào là tối ưu nhất trong một phạm vi lãnh thổ nhất định.
Đây là điều mà bất cứ ai quan tâm đến vận mệnh của bản thân và gia đình mình đều muốn biết. Và điều đẹp đẽ mà xã hội tự do mang lại cho mỗi cá nhân là quyền nói lên suy nghĩ của mình về cách tổ chức cộng đồng xã hội.
Còn khi việc nói ra suy nghĩ của mình trở thành điều cấm kỵ hay đe dọa đến mạng sống của người nói, thì chính trị trở thành đề tài chết, và khoa học chính trị trở thành tập giấy khô khan.
Trong gia đình có hai người say sưa chính trị học, thuận lợi nhất là chúng tôi được tranh biện mà không cần hẹn giờ chót. Luôn luôn sẽ còn tập tiếp theo, nếu còn có ngày mai. Còn khó khăn nhất là tôi phải giải thích cho bé con 6 tuổi rằng ba mẹ chỉ đang tranh luận, quá lắm thì tranh cãi thôi, không phải tranh đấu lẫn nhau.
Triều Giang: Xin chân thành cám ơn cô đã dành thì giờ cho cuộc phỏng vấn đầy lý thú này
Triều Giang
5/2023
___________
Đỗ Hứng gởi