Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
Phú Quốc ngày nay
 
 
Sau gần 30 năm xây dựng, bộ mặt hòn đảo này như một thứ ‘quái thai’ khi kết hợp đủ mọi loại kiến trúc từ Á sang Âu. Tất cả đều ‘vô hồn’ dưới lớp áo hào nhoáng, bóng bẩy”.
 
********
 
Du lịch Phú Quốc đang tuột dốc vì quy hoạch bát nháo và ‘chặt chém’ du khách
 
Ngày 14 Tháng Mười, trong buổi làm việc giữa chính quyền tỉnh với các doanh nghiệp, bà Lê Thị Hải Châu, Tổng thư ký Hội Đầu tư và Phát triển du lịch Phú Quốc cho biết trong thời gian qua, du lịch Phú Quốc gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ.
 
Cụ thể, dịp lễ Tháng Chín, Phú Quốc chỉ đón hơn 19.000 lượt khách lưu trú, giảm gần 40% so với cùng kỳ và công suất phòng chỉ đạt khoảng 27%.
 
 
 
Bà Châu cho rằng du lịch Phú Quốc sụt giảm một phần do giá vé máy bay đến đảo tăng cao so với các địa phương khác. Từ đó, bà Châu kiến nghị các hãng hàng không cần bình ổn giá vé máy bay, đồng thời doanh nghiệp du lịch tại Phú Quốc sẽ có chính sách giá dịch vụ, phòng lưu trú phù hợp để khách đến Phú Quốc vui chơi thoải mái.
 
Theo phân tích của một hãng máy bay, sở dĩ giá vé máy bay đến Phú Quốc tăng cao vì số người đi ít, dẫn đến các chuyến bay cũng giảm sút, nên giá vé không thể giảm được. Còn tại sao số người đến Phú Quốc du lịch ít hơn thì phải xem lại các sản phẩm cung cấp cho du khách, giá dịch vụ, chương trình, sự kiện, gói sản phẩm kích cầu du lịch… để giữ chân khách hàng.
 
Theo khảo sát, du khách không trở lại Phú Quốc vì hai điều chính: Thứ nhất là giá cả quá đắt đỏ, thậm chí còn bị “chặt chém” không thương tiếc. Thứ hai, khung cảnh thiên nhiên (điểm thu hút khách đến đây) đã hoàn toàn bị bê tông hóa bằng các khu resort nghỉ dưỡng, và các căn hộ sang trọng y như ở châu Âu. Phú Quốc đã biến mất, không còn giữ được cái chất riêng của hòn đảo thơ mộng này.
 
 
Một độc giả tờ VNExpress nhận xét như thế này: “Nực cười là tôi thấy giá hải sản ở đây lại mắc hơn ở Sài Gòn. Với giá tiền đó tôi nghĩ bay sang Bangkok hoặc Singapore còn nhiều trải nghiệm thú vị hơn. Bãi biển phía Tây thì bị chia cắt bởi resort, không có hình thức quản lý chung, vứt rác bừa bãi và không hề có cứu hộ trên những bãi biển này”.
 
Cô Lan Anh, độc giả báo Dân Trí cũng kể câu chuyện bản thân bị “chặt chém” với hàm ý “đừng mong tôi trở lại” như sau:
 
“Với cùng mức tiền đã chi cho bữa ăn ở Phú Quốc, tôi có thể thoải mái thưởng thức nhiều loại hải sản được chế biến hấp dẫn tại các địa phương miền biển khác. Ở Đảo Ngọc, không chỉ một hai nhà hàng giá cao mà nói chính xác là rất khó tìm được nhà hàng giá rẻ. Thậm chí, chặt chém xảy ra cả ở các khu chợ dân sinh”.
 
Giống như Lan Anh, nhiều du khách cũng cho rằng rất vô lý khi đi biển ăn hải sản lại đắt hơn cả ăn hải sản ở Hà Nội hay Sài Gòn.
 
Du khách thất vọng vì dịch vụ ăn uống “giá trên trời” ở Phú Quốc. 
 
hình: - Trong hình là tô bún quậy có giá 80.000 đồng mà cô Lan Anh cho rằng quá đắt (giá bình thường chỉ từ 35.000 đến 40.000 đồng/tô) – Ảnh: L.A/Dân Trí
 
Bên cạnh đó, khu chợ đêm ở Phú Quốc thì bán đồ với giá “cắt cổ”, như kiểu chỉ muốn bán một lần rồi thôi chứ không đa dạng hàng hóa, giá cả hợp lý như các chợ đêm ở Thái Lan, với mục đích cuối cùng là để níu chân du khách.
 
Độc giả tên Tâm viết: “Năm 2019 tôi trở lại Phú Quốc, đảo Ngọc đã khác xưa, tôi vẫn yêu Phú Quốc nhưng những cánh rừng nguyên sinh bị cắt gọt, những khu resort, hotel tự phát xé nát bờ biển. Phú Quốc giờ không có gì hơn, hay nói đúng là tụt lại so với Đà Nẵng, Quy Nhơn. Đáng tiếc cho một hòn đảo từng được ví như viên ngọc quý”.
 
Một độc giả khác cho rằng Phú Quốc hiện nay đã không còn sản phẩm du lịch tốt, mà còn thêm giá cả chặt chém, taxi lộn xộn… thì chẳng ai muốn quay trở lại. “Giờ thì quá trễ để đưa Phú Quốc trở về với vẻ đẹp hoang sơ ngày xưa. Chính quyền đã chia năm xẻ bảy hòn đảo đẹp này để hôm nay nó trở thành một công trình hỗn độn vô trật tự. Sau gần 30 năm xây dựng, bộ mặt hòn đảo này như một thứ ‘quái thai’ khi kết hợp đủ mọi loại kiến trúc từ Á sang Âu. Tất cả đều ‘vô hồn’ dưới lớp áo hào nhoáng, bóng bẩy”.
 
“Khi họ phá nát hòn đảo đẹp đẽ này rồi, lấy tiền bỏ túi rồi, họ mới kêu gọi người dân đến ‘giải cứu’. Có ai muốn nghe lời họ không?”
 

____________


Đỗ Hứng gởi