Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
Phương Tây chia rẽ về mục đích chiến tranh của Ukraina
 
 
Chiến tranh xâm lược Ukraina của Nga hôm nay, 03/06/2022 đã bước sang ngày thứ 100 và đang trở thành một cuộc chiến tranh “hao mòn”, không biết bao giờ mới chấm dứt. Cuộc xung đột càng kéo dài, sự phân hóa trong nội bộ các nước phương Tây càng lộ rõ, giữa một bên là những nước chủ trương giải pháp ngoại giao và bên kia là những nước chỉ muốn dựa vào vũ khí để đánh thắng Nga.  
 
Sau những tuần lễ đầu tiên đồng lòng trợ giúp Ukraina chống trả quân Nga, các nước châu Âu bắt đầu quay trở về với những xu hướng truyền thống của họ, khiến châu lục này bây giờ giống như bị chia cắt thành hai khối. Theo ghi nhận của nhật báo Pháp Le Figaro ngày 31/05/2022, kể từ khi Nga dồn lực lượng cố đánh chiếm toàn bộ vùng Donbass và vấp phải sự chống trả quyết liệt của quân Ukraina, các đồng minh phương Tây của Kiev bắt đầu bất đồng với nhau về cách thức và thời điểm chấm dứt cuộc chiến này.
 
Ở Tây Âu, phe chủ hòa, đứng đầu là các nước Pháp, Đức và Ý, muốn Nga và Ukraina chấm dứt giao tranh và tiến hành đàm phán nhanh nhất có thể được. Riêng Berlin thì muốn hai bên ký hiệp định ngưng bắn, để tình hình có thể dần dần trở lại như trước. Roma thì đã đề nghị một kế hoạch hòa bình cho Ukraina có nội dung giống như hiệp định Minsk, một thỏa thuận rất bất lợi cho Ukraina. Thế nhưng kế hoạch hòa bình của Ý cũng đã bị Nga bác bỏ.
 
Về phần nước Pháp, Paris muốn tiếp tục yểm trợ vũ khí Ukraina, và mới đây đã cung cấp cho Kiev pháo Caesar rất lợi hại, nhưng vừa cố thuyết phục tổng thống Volodymyr Zelynsky suy nghĩ đến khả năng ngừng bắn và đàm phán với Putin. Đối với điện Elysée, cũng không nên “hạ nhục Vladimir Putin”, bởi vì Nga là một nước láng giềng “vẫn sẽ ở đó” và sau này chúng ta cũng phải tập chung sống trở lại với nước này. Tuy  xâm lược Ukraina, Nga vẫn được Paris xem là một cường quốc không thể thiếu được trong cấu trúc an ninh tương lai của châu Âu.
 
Đối với ba nước nói trên, cũng như đối với các nước ít thể hiện quan điểm như Bỉ, Hy Lạp, Áo hay Hungary, một cuộc chiến tranh lâu dài sẽ gây ra những tác hại kinh tế ngày càng khó mà chịu đựng được, không chỉ đối với Ukraina, mà còn đối với chính các nước châu Âu. Ấy là chưa kể những nguy cơ như xung đột lan sang nước khác, khủng hoảng di dân, Nga tấn công hạt nhân, hay có hành động gây hấn trực tiếp với một nước thành viên NATO.

Cũng theo Le Figaro, ngay cả tại Hoa Kỳ, trong khi tổng thống Joe Biden vẫn giữ đường lối cứng rắn đối với Nga, đã bắt đầu có những tiếng nói ngả theo “phe chủ hòa”. Đó là trường hợp của cựu ngoại trưởng Henry Kissinger. Tại Diễn Đàn Kinh Tế Davos vừa qua, nhà ngoại giao kỳ cựu, năm nay 99 tuổi, đã thẳng thừng kêu gọi Ukraina nên có “những nhân nhượng lãnh thổ” đối với Nga, bằng cách chấp nhận nguyên trạng, tức là việc Matxcơva sát nhập vùng Crimée và các vùng lãnh thổ ở miền đông vào năm 2014, để có thể tính đến chuyện chấm dứt chiến tranh, tái lập hòa bình. 
 
Tổng thống Volodymyr Zelensky đã có phản ứng mạnh mẽ với lời kêu gọi nói trên, cáo buộc ông Kissinger có hành động “giống như vào năm 1938”,  so sánh đề nghị của cựu ngoại trưởng Mỹ với hiệp định Munich năm 1938 cho phép Hitler sát nhập một số vùng lãnh thổ của Tiệp Khắc.
Nhưng không chỉ có Kissinger, mà ngay chính bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin, sau khi nói chuyện qua điện thoại với đồng nhiệm Nga Serguei Choïgou, tuy tuyên bố là phải giúp Ukraina “chiến thắng” và “làm suy yếu” nước Nga, nhưng theo ông cũng phải cần đi đến “một cuộc ngừng bắn ngay lập tức”. Còn nhật báo Mỹ The New York Times trong một bài xã luận gần đây cũng cho rằng việc Nga thua trận sẽ là một điều vừa “phi thực tế”, vừa “nguy hiểm”.
 
Trong khi đó, ở Đông và Bắc Âu, ngoại trừ Hungary, phe chủ trương “đánh cho đến thắng” vẫn chiếm ưu thế. Phe này, đứng đầu là các nước vùng Baltic, và Ba Lan, nay có thêm Anh Quốc, vẫn cho rằng Nga phải bị đánh bại bằng quân sự và bị đuổi vĩnh viễn ra khỏi Ukraina, kể cả khỏi các vùng lãnh thổ mà Matxcơva đã chiếm giữ từ năm 2014.  

Trái với tổng thống Pháp Macron, vốn vẫn muốn giữ liên lạc với tổng thống Nga Putin để duy trì một kênh đối thoại cho sau này, khi có thể đàm phán trở lại với Matxcơva, phe “chủ chiến” dứt khoát muốn cắt đứt quan hệ với chủ nhân điện Kremlin. 

Các nước Trung và Đông Âu cũng cho rằng những biện pháp trừng phạt của phương Tây bắt đầu mang lại hiệu quả và cần tăng cường các trừng phạt này. Theo cái nhìn của họ, nhượng bộ Putin còn nguy hiểm hơn là chống lại và khiêu khích tổng thống Nga. 
 
Theo nhận định của Le Figaro, như thường lệ, điện Kremlin sẽ khai thác sự chia rẽ của các nước phương Tây và đánh cược trên khả năng yểm trợ của phương Tây cho Ukraina rồi sẽ suy giảm, bởi vì công luận ở các nước này dần dần sẽ mệt mỏi vì chiến tranh kéo dài và vì những hậu quả kinh tế của các biện pháp trừng phạt nước Nga, nhất là tác động khiến vật giá leo thang.
 
Thanh Phương

______________


Đỗ Hứng gởi