Danh sách tư liệu
TÌM KIẾM
Giới thiệu kinh


 
Putin Chơi Chiêu “Ngựa Chạy Đường Dài” Với Phương Tây


 
 

Tổng thống Nga Vladimir Putin tiếp các nhà lãnh đạo tham dự hội nghị Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) – gồm các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ – tại điện Kremlin hôm 16 tháng Năm 2022. Ông Putin được cho là sẽ kéo dài cuộc chiến tranh ở Ukraine cho đến lúc phương Tây mệt mỏi, chán nản và bỏ cuộc. (Ảnh Cộng tác viên/Getty Images)
 
Theo giới tinh hoa (elites) và doanh nhân Nga, Tổng thống Nga Vladimir Putin tin rằng phương Tây sẽ là phía “chao đảo” trước trong cuộc chiến tranh tiêu hao.

Một trăm ngày chiến tranh đã trôi qua, Moscow chưa đạt được chiến thắng đáng kể nào và bị thiệt hại nặng nề cả về quân sự, kinh tế và uy tín quốc tế nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin chưa tỏ ra nao núng, dường như ông ta tin rằng, kéo dài cuộc chiến tranh tiêu hao trường kỳ theo kiểu đưa sức ngựa chạy đường dài, cuối cùng Nga có thể đạt được mục tiêu.
 
Phương Tây lộ các điểm yếu

Kremlin đang tìm cách tăng thêm áp lực kinh tế để làm lung lạc ý chí của phương Tây trong cuộc chiến Ukraine. Cụ thể, Putin sẽ tiến hành cuộc chiến tiêu hao lâu dài tại Ukraine bên cạnh việc sử dụng các vũ khí kinh tế như phong tỏa xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine để xói mòn sự ủng hộ của người dân phương Tây đối với Kyiv. Kremlin xem các dấu hiệu do dự gần đây của một số chính phủ châu Âu như chỉ dẫn cho thấy phương Tây đang bị phân hoá, khi quyền lợi kinh tế được nhiều quốc gia thành viên đặt lên trên và không còn tập trung vào mục tiêu ban đầu: chống lại cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, trong tình hình chi phí năng lượng toàn cầu tăng cao do Mỹ và Liên Âu (EU) áp đặt lệnh trừng phạt dầu hoả Moscow. Một tỷ phú Nga nói với điều kiện giấu tên vì sợ bị trả thù: “Putin tin rằng phương Tây sẽ sớm kiệt quệ. Dù ông ta không ngờ phản ứng ban đầu của phương Tây lại mạnh mẽ và thống nhất như thế, nhưng bây giờ sau khi định thần lại Putin đang cố gắng định hình lại tình thế và tin rằng nếu kéo dài cuôc chiến, ông ta sẽ giành chiến thắng”.
 
Nếu đúng như tỷ phú này nói, Tổng thống Nga chỉ còn mỗi một việc là…ngồi và chờ. Kinh nghiệm lịch sử cho thấy khi người dân Mỹ đã chán cái gì đó rồi thì đảng cầm quyền chỉ còn cách tuân theo ý nguyện của họ, bắt đầu từ quốc hội. Các nhà lãnh đạo phương Tây cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các chu kỳ bầu cử, dễ bị cử tri lèo lái để giữ ghế hay thắng cử. Putin biết rõ điều này và ông ta tin rằng dư luận có thể lật ngược thế đứng của Mỹ và các quốc gia dân chủ phương Tây trong cuộc chiến Ukraine.
 
Phong trào phản chiến trong cuộc chiến tranh Việt Nam là một bằng chứng. Dù lần này Mỹ không đem quân vào Ukraine nhưng áp lực lạm phát, giá xăng dầu và đứt gẫy chuỗi cung ứng cũng nguy hiểm không kém. “Lệnh cấm vận một phần đáng kể xuất khẩu dầu đường biển của Nga sang châu Âu được EU công bố trong tuần này (được Charles Michel, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) ca ngợi là cách gây áp lực tối đa để Nga chấm dứt chiến tranh) sẽ ảnh hưởng không đáng kể trong ngắn hạn”, một quan chức Nga thân cận với giới ngoại giao Moscow nói cũng với điều kiện giấu tên vì sợ bị trả thù. “Quan điểm dứt khoát của Điện Kremlin là chúng ta không thể thua, cho dù phải trả giá nào!”.
 
Biện pháp cấm vận dầu mỏ Nga xuất cảng bằng đường biển mà EU mới ban hành được cho là rất ít tác dụng trong việc ngăn cản Nga tiến hành chiến tranh.
 

Ảnh các nhà hoạt động của tổ chức Greenpeace biểu tình chống Nga trên biển Baltic, trước mũi một tàu chở dầu của Nga hôm 23 tháng Ba 2022. (Ảnh Frank Molter /dpa/Getty Images)
 
Kremlin chỉ ra rằng động thái của EU chỉ khiến giá năng lượng toàn cầu tăng mạnh hơn nữa đồng thời cho biết Nga sẽ tìm cách chuyển hướng nguồn cung sang các thị trường châu Á, bất chấp EU và Anh cấm bảo hiểm các lô hàng của Nga. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với tờ The Washington Post: “Phương Tây phạm hết sai lầm này đến sai lầm khác khiến cuộc khủng hoảng ngày càng tăng, kể cả việc họ nói không đúng những gì đang diễn ra ở Ukraine và những gì Tổng thống Putin đang làm”.

Nhận xét này cho thấy Điện Kremlin tin Nga có thể tồn tại lâu hơn phương Tây trong việc vượt qua tác động của trừng phạt kinh tế qua lại.
 
Sergei Guriev, cựu chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng Tái thiết và Phát triển châu Âu nhận định: “Để gây khó cho phương Tây, Putin không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục cuộc chiến với hy vọng việc phong tỏa ngũ cốc ở Ukraine sẽ dẫn đến bất ổn ở Trung Đông và gây ra một làn sóng người tị nạn mới tại châu Âu”.
 
Nắn gân nhau

Lập trường hiếu chiến của Điện Kremlin dường như phản ánh suy nghĩ của Nikolai Patrushev, người đứng đầu Hội đồng An ninh Nga, từng phục vụ tại cơ quan tình báo KGB Leningrad (St. Petersburg) với Putin. Càng ngày Patrushev càng được xem là người có tư tưởng cứng rắn trong cuộc chiến ở Ukraine. Ông ta là một trong số ít cố vấn an ninh thân cận được “những người bên trong” (insiders) ở Moscow tin rằng có quyền tiếp cận với Putin bất cứ lúc nào.
 
Trong ba cuộc phỏng vấn chống phương Tây kịch liệt trên báo chí Nga kể từ cuộc xâm lược, Patrushev (trước đây vốn nhút nhát trước công chúng) mạnh miệng tuyên bố “châu Âu đang trên bờ vực của một cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị sâu sắc với lạm phát gia tăng và mức sống sụt giảm ảnh hưởng đến tâm trạng của người dân”.

Ông ta còn tiên đoán một cuộc khủng hoảng di cư mới sẽ tạo ra các mối đe dọa an ninh mới. “Thế giới đang dần rơi vào cuộc khủng hoảng lương thực chưa từng có. Hàng chục triệu người ở châu Phi hoặc Trung Đông có nguy cơ chết đói vì (sai lầm) của phương Tây. Để tồn tại, họ sẽ trốn sang châu Âu. Tôi không chắc châu Âu sẽ sống sót sau cuộc khủng hoảng di cư này hay không,”– Patrushev đoan chắc với tờ báo nhà nước Nga Rossiyskaya Gazeta.
 
Trong một cuộc phỏng vấn tuần trước với tờ báo lá cải nổi tiếng Argumenty i Fakty, Patrushev nói: “Nga không vội vàng ấn định thời hạn (chấm dứt) chiến dịch quân sự ở Ukraine”.

Tỷ phú Nga nói trên nhận định: “Quân đội Nga đang từng bước giành được thêm lãnh thổ ở khu vực Donbas miền đông Ukraine, nhưng thay vì mở một trận chiến quyết định và tức thì, Putin tin rằng thời gian đang đứng về phía mình và sẽ kéo dài nó ra vì ông ta là một kẻ rất kiên nhẫn, sẵn sàng chờ đợi từ sáu đến chín tháng. Một điều quan trọng nữa là Putin có thể kiểm soát xã hội Nga chặt chẽ hơn nhiều so với phương Tây kiểm soát xã hội của mình”.
 
EU phải mất nhiều tuần thương lượng căng thẳng và mặc cả về các điều khoản thì mới đưa ra được lệnh cấm vận dầu hoả không trọn vẹn chống lại Nga. Nhìn vào quá trình khó khăn này, các nhà kinh tế và quan chức Nga thấy ở lệnh cấm vận dầu hoả là dấu hiệu báo trước quyết tâm của phương Tây sẽ không còn, nhiều nước sẽ sớm chùn bước hoặc lúng túng, miễn cưỡng “đoàn kết”, và đây chính là lợi thế cho Nga.

Putin tin rằng tâm tư của người dân Mỹ và phương Tây về việc tốn kém cho Ukraine bằng đồng tiền thuế của họ sẽ thay dổi. Các cuộc điện đàm (trong thế yếu) với Putin vào cuối tuần qua của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Olaf Scholz về cách dỡ bỏ lệnh phong tỏa các cảng của Ukraine càng củng cố thêm quan điểm đó.
 
Một cựu quan chức chính phủ Mỹ nhận định: “Theo diễn giải của Điện Kremlin, mỗi khi các nhà lãnh đạo phương Tây chủ động gọi điện cho Putin và tìm cách đạt được một thỏa thuận, ông ta lại thấy mình đang ở thế thượng phong và có thêm đòn bẩy mới để tiếp tục cuộc chiến”. Điện Kremlin khẳng định việc cấm xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine là do Ukraine gài mìn ở Hắc Hải (Kyiv bác bỏ) trong khi Peskov cho rằng chính lệnh cấm vận của phương Tây đã ngăn các chuyến tàu chở ngũ cốc rời cảng.

Bị Nga phong tỏa các cảng biển, Ukraine phải xuất khẩu ngũ cốc và lúa mì theo đường sông Danube qua lãnh thổ Romania ra biển Hắc Hải. Nhưng lượng tàu bè lớn trên tuyến đường này khiến việc vận chuyển thực hiện rất chậm, qua các con kênh Sulina và Constanta của Romania.
 

Ảnh một phụ nữ đi tàu khách vẫy chào con tàu chở ngũ cốc của Ukraine đi qua vùng châu thổ sông Danube hôm 4 tháng Sáu 2022. (Ảnh Andreea Campeanu/Getty Images)
 
Ai sẽ bỏ cuộc trước?

Sergei Aleksashenko, cựu Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Nga hiện đang sống lưu vong ở Hoa Kỳ, cho biết lệnh cấm xuất khẩu dầu hoả đường biển của EU có thể chỉ ảnh hưởng rất nhỏ nếu Nga chuyển toàn bộ lượng hàng vận chuyển bằng đường biển sang Ấn Độ và Trung Quốc. Khi đó thiệt hại của Nga do lệnh cấm này sẽ không nhiều như EU tiên đoán. “Tôi tin, khi các cố vấn kinh tế cho Putin biết thiệt hại ước tính từ lệnh cấm vận là bao nhiêu, ông ta sẽ lặng lẽ cười và vẫn giữ nguyên hướng đi của mình”, Aleksashenko nói.

Edward Fishman, trợ giảng về các vấn đề quốc tế và công cộng tại Đại học Columbia, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, nhận định: “Lệnh cấm vận dầu hoả chỉ nên được coi là ‘bước đầu tiên’ trong nỗ lực cắt giảm nguồn thu ngoại tệ của Điện Kremlin nên đừng kỳ vọng quá nhiều vào nó!”.

Chính vì vậy mà một số quan chức cấp cao đương nhiệm và cựu quan chức phương Tây đang thảo luận về các đề xuất đối với Hoa Kỳ và EU để thành lập một cartel và áp đặt trần giá đối với dầu hoả của Nga, ở mức $30 hoặc $40 mỗi thùng. “Cách này có thể hiệu quả hơn lệnh cấm của EU và giúp kéo giá dầu thế giới xuống. Lúc đó, Hoa Kỳ có thể áp đặt các biện pháp trừng phạt thứ cấp đối với bất kỳ ai mua dầu của Nga với giá cao hơn giá trần”, Fishman nói.

Thủ tướng Ý Mario Draghi là người đưa ra ý tưởng đầu tiên về cartel dầu hoả tại cuộc họp với Tổng thống Biden. Uỷ ban châu Âu (EC) hiện đang xem xét đề xuất của Draghi về mức trần giá khí đốt tiềm năng.
 
Putin từng tuyên bố: “Chiến dịch kinh tế chớp nhoáng chống lại Nga đã thất bại”. Nhìn bề ngoài, nền kinh tế Nga đã được bảo vệ trước cú sốc ban đầu từ các lệnh trừng phạt của phương Tây nhờ dòng tiền gần $1 tỷ doanh thu mỗi ngày từ xuất khẩu dầu và khí đốt sang châu Âu trước khi EU cấm vận dầu Nga. Nhờ các biện pháp kiểm soát vốn và đơn đặt hàng mà các nhà xuất khẩu của Nga đã bán một nửa thu nhập bằng đồng nội tệ của họ cho nhà nước nên đồng rúp đã mạnh lên mức cao trước chiến tranh. Nhưng Giám đốc Ngân hàng Trung ương Nga, bà Elvira Nabiullina, cảnh báo “tác động đầy đủ của các lệnh trừng phạt của phương Tây vẫn chưa được cảm nhận”.

Lệnh cấm nhập khẩu công nghệ cao chỉ mới bắt đầu có hiệu lực, trong khi tình trạng thiếu hụt một số hàng hóa vừa bắt đầu xuất hiện. Lạm phát có thể vượt quá 20% và Nga đang phải đối mặt với cuộc suy thoái sâu nhất trong 30 năm qua.

Cố bảo vệ người dân chống lại lạm phát, ước tính đang ở mức 18%, Putin ra lệnh tăng lương hưu 10% và mức lương tối thiểu. “Với những rủi ro ngày càng tăng đối với tất cả các bên, đây sẽ là một cuộc chiến tiêu hao từ quan điểm kinh tế, chính trị và đạo đức. Mọi người đều đang chờ đợi mùa thu khi tác động của các lệnh trừng phạt sẽ ảnh hưởng nặng nề nhất”, một quan chức Nga nói.
 
Cựu quan chức chính phủ Mỹ nói trên kết luận: “Khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đưa ra ước tính Kyiv cần $7 tỷ viện trợ mỗi tháng chỉ để duy trì hoạt động của đất nước, Putin dường như đang đặt cược vào việc phương Tây sẽ nản chí trước. Mục tiêu chinh phục Ukraine và cuối cùng cắm cờ Nga ở Kyiv của Putin sẽ không thay đổi”.
 
(theo The Washington Post)
 
Lê Tây Sơn

______________


Đỗ Hứng gởi