QUẢ BÁO
Tôi biết rất rõ về hắn. Nhưng hắn nhìn tôi như kẻ xa lạ. Sợ tôi là người biết quá khứ của hắn nên tảng lờ hay đầu óc hắn lú lẫn đến độ gặp ân nhân cũng không nhớ ra ?
Tôi dời nhà đến khu chân đồi này vào đầu mùa Hè, một khu dân cư đa phần là người Mỹ trắng. Họ thích lối sống khép kín, ít khi giao thiệp với láng giềng. Họa hoằn lắm mới dừng lại hỏi nhau vài ba câu xã giao, còn thường thì Hello, kèm theo nụ cười nửa miệng mỗi khi phải giáp mặt nhau.
Buổi sáng, lúc tôi đi làm thì bên kia đường hắn cũng xuất hiện. Lắm khi cái động tác tra chìa khóa vào ổ khóa cửa xe cũng diễn ra cùng lượt với nhau. Tôi phóng xe đi hướng Bắc thì hắn mở đèn xe rồ máy đi hướng Nam. Chiều tan sở, đường bị kẹt xe nên tôi về muộn hơn nửa tiếng đồng hồ. Nhìn sang bên nhà đối diện, tôi đã thấy chiếc xe của hắn đậu ở trước sân tự bao giờ. Ðiều này chứng tỏ lối sống của hắn có vẻ mực thước.
Một buổi sáng cuối tuần, tôi chạy bộ trong khu công viên quay về, tình cờ gặp hắn đi ngược chiều. Tôi vồn vã bắt tay hắn và tự giới thiệu tên họ của mình, hy vọng hắn sẽ nhận ra người quen, nào ngờ hắn lạnh lùng bắt tay tôi trả lễ rồi lí nhí trong mồm cái tên Mỹ lạ hoắc.
Tôi còn lạ gì hắn. Ðích thực là thằng Khái con của lão Khảng. Thuở còn trẻ lão là trai cày của gia đình tôi. Hồi đó lão nổi tiếng về kỹ thuật phát bờ. Mỗi một nhát phảng của lão đi qua là lớp cỏ dọc bờ ruộng sạch nhẵn thín, vừa mỏng lại vừa trơn láng.
Chín năm kháng chiến chống Pháp, lão bỏ nhà đi đâu biệt tăm. Sau ngày Hiệp định Genève 1954 ký kết, lão trở về quê cưới vợ, một cô gái lỡ thì lớn tuổi hơn lão nhưng được cái nết na. Ngày chính quyền Quốc gia đến tiếp thu vùng Liên khu 5, lão Khảng biến đi mất hút, bỏ lại người vợ đang mang thai. Tám tháng sau vợ lão sinh một bé trai bụ bẫm.
Những vị cao niên trong làng trong xã hiểu chuyện cho rằng tên đao phủ trùm mặt vải đen chém cha con ông Tú Thao, Ðại Hào Trì, ông Bang Tuận trong ngày Việt Minh khởi nghĩa 1945 chính là lão Khảng. Ngày đó lão xử dụng mã tấu điêu luyện như một đao phủ chuyên nghiệp. Ðường đao bén ngọt, chỉ một nhát là thủ cấp tử tội rời khỏi cổ nhưng vẫn còn dính một lớp da như lối chém treo ngành của nhà văn Nguyễn Tuân miêu tả.
Mụ Khảng tần tảo nuôi con nhờ vào nghề làm gạo hàng xáo. Mụ mượn vốn bằng những gánh lúa của các gia đình khá giả trong làng, làm ra gạo bán kiếm lời rồi mang trả tiền vốn cho chủ. Mỗi lần mụ đến nhà nhận thóc về xay gạo cho mẹ tôi, đều dẫn theo thằng Khái mũi rãi nhớt nhát, chạy lững thững phía sau đôi thúng. Tôi còn nhớ bên má trái của nó có một bớp son hình tròn như con dấu của kẻ nào đó tinh nghịch đóng lên, khiến khuôn mặt của nó có vẻ lém lỉnh như mặt ông địa. Mẹ tôi bảo thằng nhỏ có cái bớp phá tướng, sau này đời nó sống ly hương.
Năm mười tám tuổi, thằng Khái nhận được giấy báo phải trình diện thi hành quân dịch. Mụ Khảng đến nhà mẹ tôi khóc lóc ỉ ôi và nhờ tôi xin cho hắn được gia nhập vào lực lượng Nghĩa quân để được gần nhà.
* * *
Tháng Tư 1975, Miền Nam mất vào tay Miền Bắc. Ðầu năm 1976, lão Khảng bỗng dưng xuất hiện như người đi làm ăn xa trở về. Lão đi cũng như về đều đột ngột và bí hiểm. Hàng xóm không hề thấy lão mặc áo quần đại cán như các cán bộ từ Bắc vào Nam. Thường thì lão mặc bộ bà ba màu nâu, đầu đội chiếc mũ nỉ cũ kỹ. Chẳng biết làm nghề ngỗng gì mà mỗi tuần lão ra đi vài ngày. Lão đeo đôi kính đen gọng nhựa giả đồi mồi bản lớn, tay xách chiếc cặp da đã sờn, chỉ riêng ổ khóa bằng đồng thì còn sáng loáng. Lão đón xe đò liên tỉnh và luôn luôn chọn ngồi vào hàng ghế sau cùng.
Thằng Khái vừa có thành tích bỏ hàng ngũ của “ngụy” về với “cách mạng” cuối năm 1974 , vừa có công hướng dẫn đơn vị bộ đội tiến vào thành phố mà không bị lực lượng quân “ngụy” chặn đánh trong ngày “giải phóng”. Ðời hắn bắt đầu lên hương. Hắn được phục vụ trong một đơn vị bộ đội chính quy có trách nhiệm trấn giữ những điểm trọng yếu tại các huyện miền núi.
Hắn cưới một cô gái “nạ dòng” nơi vùng đóng quân. Cô nàng có khuôn mặt bầu bĩnh lại thêm thân hình bốc lửa. Hắn vui hưởng hạnh phúc chẳng được bao lâu thì cuối năm 1979 đơn vị hắn có lệnh lên đường thi hành “Nghĩa vụ quốc tế” tại nước láng giềng Compuchia. Hắn ra đi mang theo niềm thương nỗi nhớ. Mang theo những kỷ niệm hừng hực lửa tình của người vợ mới cưới trong những lần gối chăn. Hắn nhớ nhất là đêm đầu tiên, cái đêm động phòng ấy mà : “... Mình thì ngu ngơ, còn cô vợ lại tỏ ra sành sỏi. Ôi, cái đêm ấy, mình lần đầu tiên... đến chết ngộp trên thân thể da thịt nõn nà của người đàn bà. Còn đôi bàn tay của cô ấy nữa. Ðôi bàn tay ‘thần sầu quỷ khốc’mình đê mê đến lịm người”.
Ðời sống gian khổ trong quân đội đối với hắn là cả chuỗi ngày dài đầy ải. Thần chết luôn rình rập trong các cuộc hành quân chiếm đóng trên xứ người. Ba năm dài khốn khổ và đầy hiểm nguy trên đất Chùa Tháp, hắn “bứt”. Nhân cuộc phục kích của quân Khờ Me Ðỏ, đơn vị của hắn tan hàng bỏ chạy, hắn chuồn luôn về lại quê nhà.
Lòng rộn ràng khi hắn tưởng tượng phút giây đoàn tụ sau thời gian dài xa cách. Vợ hắn sẽ ôm riết hắn trong vòng tay chắc nịch. Hắn sẽ vùi mặt vào bộ ngực mịn màng đầy ắp của vợ để tận hưởng mùi mồ hôi ngai ngái tỏa ra mà suốt ba năm trời hắn không thể nào quên được trong những đêm đóng quân. Cái thân thể đầy đặn, trắng ngần, và nụ hôn nồng nàn cuốn hút của vợ là nguồn kích thích cho hắn thêm can đảm bỏ ngũ, vượt đường xa.
Sau bảy ngày nhọc nhằn, băng rừng, vượt suối và đầm lầy, hắn về đến nhà. Mẹ hắn ngồi bất động trên chiếc chõng tre trong góc nhà đầy bóng tối. Cặp mắt vô hồn thao láo hướng ra khoảng sân chói chang ánh nắng trưa hè. Hắn ôm mẹ vào lòng, kêu lên:
- “Mẹ ơi, con là Khái về thăm mẹ đây”!
Bà lão đưa tay sờ mặt hắn, tay kia vẫn bất động buông xuôi trên thành giường. Chợt một thằng bé con mới chập chững biết đi, lững thững đến bên chân giường nắm quần bà lão giựt giựt. Hắn vội gỡ tay thằng bé ra khiến nó khóc thét lên. Như qua cơn mê, Mẹ hắn sực tỉnh la lên!
- “Ðừng đánh nó. Nó là em của mầy”.
- “Mẹ ơi, mắt Mẹ làm sao thế ? Vợ của con đâu rồi ? Thằng nhỏ nầy là em của con? Cha con đâu Mẹ?
Vừa hỏi hắn vừa lay đôi vai mẹ. Bỗng nước mắt bà lão chảy thành dòng ướt đẫm đôi gò má nhăn nheo. Ðoán biết điều gì đã xảy ra, lòng hắn nóng như lửa đốt. Hắn chạy lên chái tây ngôi nhà vào căn buồng mà vợ chồng hắn đã sống với nhau trong những ngày mới cưới. Căn buồng bây giờ được sơn phết sáng sủa hơn. Chiếc giường gỗ mít mà hắn đã cất công chở cây từ trên rừng về và đặt thợ mộc đóng trước ngày cưới vợ, nay đã thay bằng chiếc giường gỗ quý cẩm lai. Giường có lót nệm dày, khăn trải giường màu trắng tinh và cặp gối thêu màu lá chuối non.
Một tấm hình của vợ hắn và bố hắn chụp chung được lồng kính đặt trên đầu tủ đối diện với chiếc giường .Quần áo của lão Khảng cùng với áo quần của vợ hắn treo chung trong một tủ đứng cùng loại danh mộc với chiếc giường. Một sự thật phũ phàng đập vào mắt khiến tim hắn như bung vỡ.
Hắn vội vã rời khỏi nhà. Hai ngày sau hắn quay lại gặp cha hắn. Lão Khảng gầm ghè : “Tao đã báo với chính quyền mầy bỏ ngũ trốn về đây, liệu hồn mà cút đi”.
Trước nỗi đau mất vợ lại thêm lòng nham hiểm của cha, hắn không dằn được cơn phẫn uất vội chụp cây chày giã gạo đánh lão Khẳng dập nát ống chân. Vợ hắn nhào vào cản ngăn liền bị hắn đè xuống lột hết áo quần. Hắn rút con dao găm bộ đội trong chiếc bao da đeo bên hông, chỉa thẳng mũi dao vào chiếc cổ trắng ngần của ả. Bỗng hắn đổi ý, trong chớp nhoáng hắn cắt đứt hai đầu núm vú của vợ. Ả rú lên đau đớn, ôm ngực quằn quại một hồi lâu rồi ngất lịm.
Hắn bỏ nhà ra đi biền biệt từ đó.
* * *
Ðã khá lâu, từ ngày tôi dời nhà đến đây chưa lần nào thấy bóng đàn bà xuất hiện trong căn nhà của hắn đang ở. Bỗng một hôm, hắn chưng diện trong bộ vét-tông sang trọng cùng với một phụ nữ Việt trang sức khá lộng lẫy từ trong nhà hắn bước ra xe. Rồi từ đấy, người đàn bà thỉnh thoảng đến với hắn trong những ngày cuối tuần.
Ngày ngày chúng tôi vẫn đối mặt nhau, kẻ bên kia đường, người bên nầy đường. Những tháng mùa Ðông, tôi thấy dáng hắn lờ mờ trong buổi sáng sớm mù sương. Về mùa hè, trời sáng tỏ nên trông thấy rõ mặt nhau. Cứ như thế hắn trở thành cái bóng của tôi và tôi là cái bóng của hắn. Dù tôi biết chắc hắn là thằng Khái con của lão Khảng, nhưng trước thái độ dửng dưng tảng lờ rất tự nhiên của hắn, nhiều lúc đã khiến tôi phải hồ nghi trí nhớ của mình.
Một hôm, chiếc xe của tôi trở chứng, đề máy hoài mà vẫn không nổ. Tôi vội vàng chạy qua lộ nhờ xe hắn sạc bình hộ. Hắn lặng lẽ lái xe băng qua đường đưa đầu xe hắn sát vào đầu xe tôi rồi nhanh nhẹn nhảy xuống xe mở nắp ca-pô cắm dây truyền điện vào hai bình ác-quy rồi cho nổ máy. Vừa đậy xong ca-pô của hai xe, tôi chưa kịp đến cảm ơn thì hắn đã vọt xe chạy về hướng thường ngày. Cái bớp son trên má trái của hắn giờ đây chỉ còn mờ nhạt nhưng cũng đủ xác định dấu tích của thằng bé Khái ngày xưa.
Khi nhìn thấy rõ ràng cái bớp son trên mặt hắn, tôi đâm nghi ngờ hắn thuộc thành phần bất hảo và đang thực hiện công việc gì đó có tính cách mờ ám chăng ? Từ đó tôi cố ý theo dõi và điểm mặt kẻ lạ ra vào nhà hắn. Nhưng tuyệt nhiên không có một người nào, ngoại trừ người đàn bà thường xuyên đi về với hắn.
* * *
Ngày lại ngày qua. Công việc ở sở làm càng bận rộn. Vừa làm thêm giờ rồi làm luôn ngày thứ Bảy, tôi mệt đứ đừ không còn thì giờ chú ý đến hắn nữa.
Buổi sáng Chủ Nhật tôi đang tưới nước cho mấy cụm hoa phía trước nhà, bỗng tiếng kêu help, help, cứu tôi, cứu tôi ! Rồi một người đàn bà tông cửa nhà hắn nhào ra ngoài sân. Cô nàng lết đi một đoạn rồi gục xuống sân cỏ. Tôi vội chạy qua nhà hắn. Máu ! Máu chảy một đường dài từ trong nhà ra đến xác người đàn bà đang nằm. Máu tuôn trào từ một vết thủng sau lưng nhuộm đỏ cả chiếc áo ngủ màu hồng cô ta đang mặc. Tôi vội vàng quay về nhà gọi số điện thoại 911. Mất khoảng mười phút, xe cấp cứu tới nơi nhưng nạn nhân đã tắt thở. Cảnh sát bao vây căn nhà, kêu gọi hung thủ đầu hàng.
Không lâu sau, cánh cửa từ từ hé mở. Hắn bình thản bước ra sân trong bộ âu phục chỉnh tề, một tay giơ lên, tay kia xách một chiếc cặp da. Cảnh sát ra lệnh hắn bỏ cặp xuống, đưa cả hai tay lên và áp mặt vào tường. Lập tức hắn bị còng tay và bị đẩy lên xe cảnh sát. Tôi là nhân chứng nên được mời đến văn phòng cảnh sát làm ăng-kết. Hắn khai cung một cách rành mạch, thái độ điềm tĩnh, chứng tỏ tinh thần không bị rối loạn. Hắn thú nhận đã cố ý dùng dao đâm vào lưng của người bạn gái. Một lý do đơn giản là người bạn gái đã dối gạt và không chung thủy với hắn.
Mấy tháng sau, tôi nhận được thư của hắn gởi từ nhà tù.
Thư viết :
“Kính thưa chú.
Cháu đã nhận ra chú từ lúc gia đình chú dọn nhà đến ở cùng khu với cháu. Thay vì vui mừng gặp được người cùng quê, cháu lại rất lo sợ. Sợ, vì chú biết rành rọt về lý lịch và hành tung của cháu hồi còn ở quê nhà. Bởi thế mà cháu đã đóng vai người xa lạ. Cháu lo một ngày nào đó chú sẽ nhận ra cháu nên cháu dự định sẽ bán nhà dọn đi nơi khác. Bây giờ đã ngồi tù rồi thì còn gì nữa để mà lo.
Cháu viết thư nầy là để xin lỗi chú về thái độ thờ ơ của cháu đối với chú trong thời gian qua. Ðồng thời, xin chú cho cháu biết tin tức về gia đình của cháu trước khi chú qua Mỹ. Ðã mười mấy năm rồi cháu chưa hề liên lạc với gia đình.
Như chú đã biết, tai nạn xảy ra với cháu cách đây gần hai mươi năm ở quê nhà vì con vợ dâm đãng. Giờ đây, nơi xứ người cảnh oái oăm ấy lại tái diễn. Cháu đặt cả tình yêu và niềm tin vào người bạn gái dự tính sẽ đi đến hôn nhân. Cuối cùng nó đã phản bội cháu. Nó lấy cháu để xài tiền nhưng lại yêu một người đàn ông khác. Nếu chú cảm thông cho hoàn cảnh một con người vừa mất tình yêu vừa mất cả tương lai thì chú sẽ rộng lòng tha thứ.
Mẹ cháu vì phải chịu đựng những ngày tháng khổ đau, sầu não do hành động bất chánh của cha cháu mà lâm cơn bạo bệnh khiến bà mù cả hai mắt, bại liệt một cánh tay. Ngày đó, cháu đã dành ra hai ngày để tìm hiểu sự thật trong dư luận quần chúng về gia đình cháu. Sau đó, cháu trở về nhà định hỏi chuyện ông già sao đối xử bạc bẽo với mẹ cháu. Nào ngờ ông đã để lộ bản chất hiểm độc và tàn nhẫn đối với cả con ruột của mình. Ông tố cáo cháu tội đào ngũ. Không kiềm chế được cơn giận bùng lên, cháu đã hành động như đối với kẻ thù.
Thay vì giết con đàn bà phản bội, cháu nghĩ đến mẹ nên chỉ trừng phạt nó.
Sự việc xảy ra như thế rồi, cháu không thể chần chừ ở lại một phút giây nào. Cháu liền đón xe vào Sài Gòn và tiếp tục đến tỉnh Kiên Giang. Cháu thay họ đổi tên sống lây lất qua ngày tại bờ biển Rạch Gíá. Ban ngày cháu xin việc làm tại bến cá. Ban đêm cháu lang thang trên những khu bến vắng ở Bãi Rạch Sỏi, Cầu Ðúc... hy vọng xin được một chỗ trên thuyền vượt biển. Vàng mình không có chỉ có liều mạng. Một là bị đánh chết vất xuống biển hai là người ta thương tình cho mình đi.
Ròng rã hai tháng trời cháu phải trốn công an, du kích tuần tra trên bờ biển. Chúng nó mà bắt được cháu thì tội đào ngũ và tội đánh người gây thương tích là đủ tù rục xương rồi.
Một đêm cháu nằm ngủ trong lườn một chiếc ghe đang nằm ụ sửa chữa. Bất chợt cháu nghe tiếng thì thào rồi tiếng xẻng đào cát. Cháu biết chắc là họ đang đào những thùng dầu chôn dưới cát được ngụy trang bằng cách úp lên trên một chiếc xuồng đang sơn sữa. Cháu ngồi bật dậy và quyết định lên tiếng :
- Các anh ơi, xin đừng hoảng sợ. Tôi là người nghèo khổ không có vàng để chung cho chủ ghe, nhưng tôi có sức mạnh, có ý chí và quyết tâm ra đi, hãy cho tôi giúp một tay.
Hai người nhìn nhau, trong thế chẳng đặng đừng vì phải giữ bí mật chuyến đi nên họ đành phải chấp nhận. Một người lên tiếng :
- Câm mồm, lại đây.
Ðêm ấy, cháu cùng với hai người kia chuyển những thùng dầu lên một chiếc xuồng nhỏ. Họ dùng chèo đẩy xuồng luồn lách trong khu vực tàu đánh cá đậu chen chúc nhau, rồi đưa dầu lên một chiếc thuyền lớn đã chứa đầy người. Thế là cháu được lên thuyền một cách hợp lệ. Ði được hai ngày, bị gió thổi chệch hướng, thuyền tấp vào một vùng đá san hô và mắc cạn tại đó.
Mọi người cầu nguyện và chờ đợi con nước thủy triều nâng thuyền lên. Một ngày trôi qua, thuyền vẫn không nhúc nhích. Với sức nặng của cả trăm mạng người làm sao con thuyền nổi lên được. Cháu đề nghị tất cả số người khỏe mạnh phải xuống nước vừa cho nhẹ thuyền vừa thêm sức nâng thuyền lên trong đợt nước thủy triều đang dâng. Vị chủ thuyền và số người có trách nhiệm tán đồng ý kiến của cháu. Một số khác phản đối, họ đồng loạt nhao nhao lên :
“Thà chết trên thuyền còn hơn xuống nước bị cá mập xé xác”.
Trước cơn “thập tử nhứt sinh” này mà còn mang chứng gàn dở, cháu nổi đóa rút con dao găm cầm nơi tay đến từng người ra lệnh phải xuống nước. Ða phần rời khỏi thuyền nhưng có một thanh niên trạc tuổi cháu cưỡng lại. Trong một thoáng bất ngờ, hắn đấm vào mặt cháu, đẩy cháu bật ngửa trên váng thuyền rồi ngồi đè lên bụng cháu.
Kinh nghiệm trong những lần tiếp cận với tử thần dưới bàn tay sắt máu của lính Pôn-Pốt, cháu đã hành động theo quán tính vì bản năng sinh tồn, liền quay mũi dao găm cắm phập và ngực hắn. Xác hắn đổ sập trên người cháu, máu tuôn xối xả, ướt đẫm cả mặt mũi áo quần. Cháu đẩy cái xác mềm nhũn đầm đìa máu qua một bên rồi định nhảy xuống nước nhưng ông chủ thuyền ngăn lại sợ máu sẽ làm mùi cho cá mập đánh hơi tìm đến.
Thế là hầu hết đàn ông đều rời khỏi thuyền. Mọi người cùng hè nhau nâng thuyền lên và kết quả như một phép lạ, thuyền trôi ra khỏi vùng đá ngầm. Xác tên thanh niên liền bị vất xuống biển. Rất may là hắn không có một thân nhân nào đi theo nên cháu tránh được sự trả thù. Hành động của cháu không khỏi có một số người kinh tởm, nhưng nó đã cứu được cả trăm mạng sống.
Chú ơi, cháu kể chuyện này cho chú nghe là để chú xét giùm hành động của cháu có thuộc loại người tàn bạo, giết người không gớm tay ? Ðó là nỗi ám ảnh suốt quảng đời của cháu trên đất Mỹ này để may ra lòng cháu được phần nào thanh thản. Người thanh niên, nạn nhân của cháu ra đi để tìm cuộc sống mới và đám đông kia cũng thế. Nếu cháu không giết hắn để tự cứu mình và con thuyền kia liệu có đến được bến bờ tự do ?
Trong đời cháu đã giết không ít bọn Khờ Me đỏ vì chúng cố tình sát hại đồng đội mình. Cháu đã gây thương tích mang tật suốt đời cho hai người mà cháu hết lòng thương yêu ở quê nhà đó là cha và vợ cháu. Và cháu đã ra tay dứt mạng sống người đàn bà mà cháu xem như nguồn an ủi duy nhất trên xứ người. Tất cả hành xử đó, nếu đấng quyền năng phán xét là tội lỗi, cháu vẫn không ân hận và lương tâm không hề bứt rứt. Bởi chính những kẻ đó đã làm tan nát trái tim cháu, khiến cho tâm hồn cháu đảo điên vì thất vọng.
Nhưng cặp mắt người thanh niên trên thuyền vượt biên nhìn cháu không phải ánh mắt căm hờn của quân địch, không phải ánh mắt của người đàn bà dâm loạn, cũng không phải ánh mắt lừa lọc của người con gái phụ tình. Ðó là ánh mắt vô tư đầy kinh ngạc khi mũi dao găm của cháu đâm xuyên qua lồng ngực hắn. Ðã trải qua mười mấy năm rồi mà ánh mắt đó như khắc sâu trong ký ức cháu. Ðêm nào cháu cũng mơ thấy nó. Ánh mắt đó đã nói lên một điều rất rõ ràng là hắn không chủ đích giết cháu mà chỉ cố ý lấy được con dao. Vì thế mà lương tâm đã lên án cháu là kẻ giết người vô tội.
Ðến được đất Mỹ, cháu vừa đi học vừa đi làm. Một thân đơn độc cố gắng tạo dựng cho mình một sự nghiệp. Phải nói rằng từ ngày bị vợ phụ bạc, cháu thực sự sợ đàn bà. Nhưng hình như vận mạng lại ràng buộc cháu với những người đàn bà chuyên mang đau khổ đến với mình và mang cả tai họa cho cháu nữa.
Hy vọng chú đọc và cảm thông cho cháu. Những ngày cuối tuần, nhìn các bạn tù có thân nhân đến thăm, cháu cảm thấy cô đơn vô hạn. Chợt nhớ đến chú nên cháu vội viết thư nầy và mong nhận được thơ hồi âm của chú”.
Cháu
Ðỗ văn Khái
Tôi đọc thư hắn vừa kinh khiếp vừa thương hại. Tôi tự hỏi hắn giết người dễ dàng như thế là do bản chất hung bạo hay do hồn oan quả báo vận vào người hắn. Tôi không viết thơ trả lời nhưng quyết định sẽ đến nhà tù thăm hắn.
Những ngày tháng cô đơn trong tù, hắn lại nghĩ đến gia đình. Nhưng mẹ hắn còn đâu nữa. Từ ngày hắn trốn nhà ra đi, bà lên cơn đột quỵ nằm liệt giường không ai chăm sóc, một tháng sau lìa đời. Tôi không nỡ lòng nào báo cho hắn biết sự thực quá đau lòng đó.
Thời gian thấm thoát trôi qua, mới đó mà đã đến ngày Tết Nguyên Ðán. Tôi sắm một ít thức ăn , đặc biệt là bánh chưng, chả lụa, nem chua vào nhà tù thăm hắn. Tôi hy vọng sẽ đem đến cho hắn một niềm an ủi trong những ngày Xuân trên xứ người.
Tôi trình báo giấy tờ và điền tên họ của tù nhân mà tôi muốn tiếp xúc. Người quản lý nhà tù lục tìm trong danh sách tù nhân. Ông lấy viết đánh dấu vào cuốn sổ rồi nhìn tôi với ánh mắt ngạc nhiên hỏi :
- Thưa ông, ông liên hệ thế nào với tù nhân Kilty Do mang số 2003 ?
- Tôi chỉ là người láng giềng ở đất Mỹ và cùng quê với anh ta hồi còn ở Việt Nam, tôi trả lời.
Người quản lý nhà tù, đặt đôi kính lão xuống bàn, chậm rãi nói với tôi :
- Tù nhân mang số 2003 đã cắt gân máu tự sát cách đây 5 ngày. Rồi ông cầm cặp kiếng đứng lên khẩn khoản :
- Xin ông chờ tôi một khắc.
Người quản lý bước vào trong. Lát sau ông mang ra một phong bì đưa cho tôi, rồi nói :
- Tù nhân số 2003 yêu cầu ban Giám đốc nhà tù chuyển số tiền 1000 đô-la và bức thư nầy cho ông. Xin ông ký nhận.
Tôi cầm chiếc phong bì mà nghe hồn nặng trĩu. Trong thư chỉ có mấy dòng ngắn gọn. Hắn nhờ tôi gởi số tiền nầy về Việt Nam cho mẹ hắn. Muốn hay không tôi cũng phải để tên lão Khảng là người nhận tiền và có trách nhiệm xây mộ cho mẹ hắn.
Tôi gởi tiền qua cơ sở dịch vụ chuyển tiền. Một tuần lễ sau, văn phòng dịch vụ báo cho tôi biết là nguời nhận và địa chỉ không còn đó nữa. Tôi vội vã gọi điện thoại về gia đình tôi ở Việt Nam mới hay Lão Khảng đã bị chết thiêu trong căn nhà thình lình bùng cháy vào lúc nửa đêm, sau khi con dâu của lão dẫn con bỏ nhà ra đi không về.
Tôi liền yêu cầu người nhà tôi liên lạc với ông cậu của hắn là em trai mụ Khảng nhận lấy số tiền nầy để xây hai ngôi mộ và lo thờ tự hương khói cho vong linh ba người quá cố.
Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích
usaelection gởi
|
|